Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Giành lại một tiếng chuông cho Huế

 
 Có thể bạn đã từng đọc hay nghe đâu đó hai câu ca dao sau đây:
 
"Gió đưa cành trúc la đà
 "Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương."
 
 Từ biệt Huế theo gia đình vào Sàigòn từ khi còn nhỏ lắm nên thực ra tôi  không biết Thọ Xương ở đâu, nhưng Thiên Mụ là ngôi chùa lúc còn nhỏ học  lớp ba đã một lần được theo nhà trường du ngoạn đến đó nhân mùa Phật  Đản, và từng được nghe tiếng chuông chùa ngân vang...cho nên bốn chữ  “Tiếng chuông Thiên Mụ” luôn luôn cho tôi một cảm giác thật gần gủi,  hãnh diện vì đó là một ngôi chùa lịch sử của quê hương mà chính mình đã  có dịp đến tận nơi, nghe tận tai hồi chuông Thiên Mụ thiêng liêng ấy.

 …
 
Theo vận nước nổi trôi tôi rời xa quê hương đến gần hai mươi năm sau  mới có dịp về Việt Nam và ghé qua Hà Nội đến thăm Đền Quan Thánh, một  ngôi đền cổ danh tiếng tại Bắc phần, còn gọi là Quán Trấn Vũ.
 
Lang  thang giữa những cột trụ đền tôi để ý thấy có một lá phướn vẻ hình cây  trúc rất thanh nhả treo trên một cột trụ của đền và đặc biệt cạnh bên có  đề hai câu:

 “Gió đưa cành trúc la đà
 Tiếng chuông TRẤN VŨ, canh gà Thọ Xương.”
 
Lần đầu tiên mới thấy hai chữ Trấn Vũ thay cho Thiên Mụ trên câu ca dao  của Huế làm tôi tôi vừa ngạc nhiên vừa tức giận. Ô hay ! Trấn Vũ nào  đây? Rõ ràng tiếng chuông Thiên Mụ đã in trên sách vở rành rành, tại sao  tự nhiên thành Trấn Vũ?
 Và chắc chắn tôi không phải là người đầu  tiên cảm thấy sự bất thường này, vì ngay dưới chữ Trấn Vũ đó, đã có  người viết lại là Thiên Mụ,
 
Rồi hai chữ Thiên Mụ đó cũng bị người  khác gạch bỏ viết lại thành Trấn Vũ… tiếp tục như vậy khoảng trên chục  lần, Thiên Mụ rồi Trấn Vũ, Thiên Mụ… Cuối cùng nằm dưới hết là hai chữ  Trấn Vũ.
 
Việc tên chùa được sửa đi sửa lại tại hai câu ca dao này  chắc chắn trụ trì trong đền đã biết, nhưng họ cố ý để nguyên như vậy,  không ngăn cản hay xoá bỏ gì cả. Rõ ràng ở trên cây phướn nhỏ này đang  diễn ra một trận bút chiến không nhân nhượng giữa những tao nhân mặc  khách của hai mìền đất nước: Hà Nội nhứt định nó phải là tiếng chuông  Trấn Vũ, và Huế cương quyết giữ lại tiếng chuông Thiên Mụ của mình.
 
Tôi bỗng nghe một luồng máu nóng dồn dập trong tim. Không biết thì thôi,  đã biết rồi thì tôi là người con xứ Huế đâu thể làm ngơ để cho họ ngang  tàng như vậy? Không chút ngại ngùng, tôi lấy viết thẳng tay gạch bỏ hai  chữ Trấn Vũ trên đó và nắn nót viết lại hai chữ THIÊN MỤ.
 
Chuyện  chỉ vậy thôi, tuy nhiên từ tiếng chuông Thiên Mụ bị sửa thành Trấn Vũ  không phải bởi một người mà bởi rất nhiều người làm tôi thắc mắc. Không  lửa sao có khói?
 Về Mỹ tôi tìm tòi thêm và biết được bốn câu là:
 
"Gió đưa cành trúc la đà
 Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương
 Mịt mù khói tỏa ngàn sương
 Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ".
 
Té ra không phải chỉ mình tôi thắc mắc, mà một số các học giả khắp nơi  từ trong đến ngoài nước đã qua nhiều lần nghiên cứu, bàn cãi, là tiếng  chuông Thiên Mụ hay tiếng chuông Trấn Vũ ? Và đưa đến kết luận đó là  tiếng chuông Trấn Vũ, bởi vì cả bốn địa danh Trấn Vũ, Thọ Xương, Yên  Thái, và Tây Hồ cùng ở trong một địa phương ở phía tây cố đô Thăng Long,  tức Hà Nội. Nếu là tiếng chuông Thiên Mụ làm sao giải thích được sự  hiện diện trong cùng câu thơ của huyện Thọ Xương cách cố đô Huế đến hàng  nghìn cây số?
 
Biết được điều này tôi buồn lắm. Dù biết rằng Trấn Vũ  mới đúng, và ngôi đền Trấn Vũ đó cũng là một phần của lịch sử dân tộc.  Tiếng chuông Trấn Vũ nghe cũng có vẻ hùng tráng hơn là tiếng chuông  Thiên Mụ, nhưng mỗi lần đọc “Tiếng chuông Trấn Vũ” tôi không có chút gì  cái cảm giác cảm khái, lâng lâng tình tự quê hương như là tiếng chuông  Thiên Mụ.
 Thôi thì những học giả, nhà thông thái họ bàn, họ nói, họ  ghi…thế nào mặc họ. Với tôi thì bao giờ cũng chỉ là tiếng chuông  Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.
 Đó là trọn vẹn bài viết “Gió Đưa Cành Trúc” tôi chia sẻ trên trang Facebook cùng bạn bè thân hữu năm ngoái.

 . . .
 Nhưng rồi câu chuyện không kết thúc ở đó.
 Một hôm tình cờ thấy bài viết “Gió Đưa Cành Trúc” được một người shared  về Face Book của cô với lời phàn nàn (trích nguyên văn) rằng:
 “Thế mới biết có những bạn hiểu về văn học Việt Nam quá phiến diện.
 
Tôi sẽ nói ngắn gọn thế này thôi:
 Hai câu "Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ  Khương" là câu ca dao phát xuất từ Huế, nhằm ca ngợi cảnh đẹp của Chùa  Thiên Mụ và làng Thọ Khương (sau được đổi thành Thọ Xương để tránh phạm  húy với tên của thân phụ Vua Gia Long)

 Còn "Phất phơ cành trúc trăng  tà / Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương / Mịt mờ khói tỏa ngàn  sương / Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây hồ" là một bài tức cảnh của cụ  Dương Khuê, tả về cảnh đẹp vùng Hồ Tây - Kẻ Bưởi của Hà Nội.
 hai bài này hoàn toàn khác nhau, chẳng liên quan gì đến nhau cả.”

 Chủ trang FB trên là một người làm việc trong ngành văn hóa và giáo dục tại Hà Nội, có lẽ là một nhà giáo, tên là Tôn Nữ KC.

 Mấy câu ngắn gọn của cô đã mở ra một cái nhìn mới cho sự việc. Tôi quả  thật đã không hề biết đến bài thơ “Hà Nội Tức Cảnh” của cụ Dương Khuê.
 Kết hợp những gì cô Tôn Nữ KC góp ý ở trên, và sau đó tìm tòi thêm các  bài viết liên quan đến hai câu ca dao này, đặc biệt là hai bài khảo cứu  giá trị của BS. Trần Tiển Sum (Pháp) và một bài lưu trữ ở viện Đại Học  Hà Nội, tôi đi đến kết luận đồng ý với cô KC rằng:
 
“Gió đưa cành trúc la đà
 Tiếng Chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương”
 
Là hai câu ca dao xuất phát nguyên gốc từ Huế, không hề vay mượn từ đâu cả. Hai câu nguyên thủy của nó vốn là
 "Gió đưa cành trúc la đà
 Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Khương"
 
Thọ Khương chứ không phải Thọ Xương, dựa vào một số tài liệu lịch sử  như Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Phủ Biên tạp  lục của Lê Quý Đôn, Việt sử xứ Đàng Trong của Phan Khoang …đã chứng minh  rằng: từ xa xưa, Thọ Xương ở Huế là tên vùng đất đối diện chùa Thiên  Mụ, nguyên tên của nó là Thọ Khương (hay Thọ Khang); đến đời vua Gia  Long (1802-1820), do kỵ húy đế hiệu thân sinh của nhà vua ( Hiếu Khương  Hoàng Đế) nên ông đã đổi thành Thọ Xương. Năm Minh Mạng thứ 5 (1824),  nhà vua đã đổi thành Long Thọ Cương và hiện nay, người địa phương chỉ  gọi là Long Thọ, tại đây hiện có nhà máy chế biến xi măng Long Thọ đã có  từ lâu.
 Còn hai câu ở Quán Trấn Vũ ngày nọ
 “Gió đưa cành trúc la đà
 Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương”

 Thực ra lại là dị bản của một sự áp đặt, chế biến một cách vô trách nhiệm của một số nhà văn hóa tại Hà Nội.
 Nguyên bản của tiếng chuông Trấn Vũ vốn là từ bài thơ Hà Nội Tức Cảnh của cụ Dương Khuê như sau:

 “Phất phơ ngọn trúc trăng tà
 Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương
 Mịt mờ khói tỏa ngàn sương*
 Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ.
 
Bài thơ có tựa là “Hà Nội Tức Cảnh” và được tác giả sáng tác sau khi từ  giã quan trường ở Huế để ra lại quê nhà. Hậu duệ của tác giả là tiến sĩ  Dương Thiệu Tống (1925-2008) đã chép bài thơ này in trong cuốn Tâm  trạng Dương Khuê và Dương Lâm của mình (Nxb Văn Học, Hà Nội 1995), đồng  thời đã có nhân xét là:

 “Có người đã sửa đổi câu đầu bài thơ này là  “Gió đưa cành trúc la đà”, nhưng có lẽ là sai, vì làm mất đi ý nghĩa  ngầm của toàn câu, mà chỉ còn ý nghĩa tả cảnh (nổi) mà thôi.”

 Khách  quan mà nói, ta thấy về ngôn từ, cũng như về ý nghĩa thì hai bài hoàn  toàn khác nhau. Câu ca dao ở Huế không có tác giả, nó diễn tả phong cảnh  hữu tình, thơ mộng của miền sông Hương núi Ngự vào một buổi sớm tinh mơ  khi gà vừa gáy sáng chuyển canh; trong khi bài thơ Hà Nội tức cảnh do  Dương Khuê sáng tác để gửi gắm nỗi lòng của mình đối với hoàn cảnh đất  nước lúc bấy giờ. Trong bài này, có lẽ tác giả đã biến đổi địa danh  Thiên Mụ (ở Huế) của câu ca dao thành ra địa danh Trấn Vũ cho hợp với  phong cảnh Hà Nội.

 Bài thơ này của Dương Khuê được sáng tác vào  khoảng thập niên 1870, sau nhiều năm sống tại Huế. Do đó có thể nghĩ  rằng, câu ca dao ở Huế đã ảnh hưởng đến tứ thơ của ông.Vì thế, khi trở  ra miền Bắc, gặp lúc thời thế nhiễu nhương, ông sáng tác bài này để biểu  lộ nỗi lòng của mình. Hai câu đầu của bài thơ là mượn câu ca dao ở Huế,  nhưng thay đổi địa danh cho phù hợp với phong cảnh của Hà Nội: chùa  Thiên Mụ đổi thành Trấn Vũ, vả lại, do sự trùng hợp: Hà Nội cũng có địa  danh Thọ Xương nên đã không cần phải đổi địa danh này.
 
Tiến sĩ Dương Thiệu Tống dĩ nhiên biết chắc chắn là sai, nhưng ông chỉ có thể bàn là  “có lẽ”, bởi những áp lực chính trị công quyền đang áp đặt lên toàn bộ  văn hóa đất nước.
 
Các nhà xuất bản sách giáo khoa văn học ở Việt Nam  đã lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, ca dao hóa bài thơ của cụ Dương Khuê,  vô tình đưa đến tranh cãi giữa Huế và Hà Nội. Vì sự tranh cãi này,  những người Trấn Vũ đã phổ biến thêm hai câu sau của ông Dưong Khuê  thành ra trọn bài là
 "Gió đưa cành trúc la đà
 Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương
 Mịt mờ khói tỏa ngàn sương
 Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ"
 
Cả 4 câu trên chứng minh rằng đây là tiếng chuông Trấn Vũ bởi vì không  gian địa lý của làng Thọ Xương, Yên Thái, Tây Hồ... đều cùng tụ về một  chỗ chung quanh Trấn Vũ. Lý luận này xác đáng quá khiến cho hầu hết học  giả, cũng như độc giả bị thuyết phục. Người viết bài này cũng bị bốn câu ở  trên thuyết phục và chầp nhận rằng, vốn là tiếng chuông Trấn Vũ.
 May quá, vẫn còn những bậc thức giả như cô Tôn Nữ KC thẳng thắn giải bày.
 Sau khi hiểu rõ ngọn ngành, tôi trở lại trang Facebook của cô và để lại comment của mình như sau:

 “Cám ơn bạn đã cho ý kiến. Thực ra nếu hôm đó trên cây phướn ở Quán  Trấn Vũ ghi “Phất phơ ngọn trúc trăng tà” như câu thơ của ông Dương Khuê  trong bài “ Hà Nội Tức Cảnh” thì cho dù câu sau có là “Tiếng chuông  Trấn Vũ …”, có lẽ tôi và nhiều người khác cũng sẽ không sửa hai chữ Trấn  Vũ thành Thiên Mụ làm gì vì rõ ràng là hai câu: một ở Hà Nội, một ở Huế  không liên quan gì với nhau như bạn cho ý kiến, và tôi dĩ nhiên không  có lý do gì viết bài “Gió Đưa Cành Trúc” trên đây cả”
 Và cô Tôn Nữ KC đã thành thực trả lời rằng:
 
“Thực ra câu thơ đầu tiên trong bài tức cảnh của cụ Dương mà tôi viết ở  trên là câu thơ trong nguyên gốc. Câu này đã bị nhiều nhà xuất bản  chỉnh sửa (ko biết vì lý do gì), ngay cả trong SGK văn học cũng bị chỉnh  thành "Gió đưa cành trúc la đà..." nên có lẽ khiến nhiều bạn đọc bị  nhầm lẫn”
 
Vâng, rất nhiều người đã nhầm lẫn, trong đó có cả kẻ viết  bài này, suýt nữa để cho người ta lấy đi mất tiếng chuông Thiên Mụ  thiêng liêng đó. Cám ơn người con gái đất Thần Kinh (tôi đoán vậy vì cái  họ Tôn Nữ của cô) đã giành lại một tiếng chuông cho Huế.
 ./.
 
Thai NC
 (San Jose 2017)

_______________


Đỗ Hứng gởi