Trong một bài bình luận đăng trên Fox News gần đây, giáo sư Victor D. Hanson cảnh báo ngoài việc đối mặt nguy hiểm với Covid-19, Mỹ phải cảnh giác với Trung Quốc, Nga, Iran, và Triều Tiên.
Là một viện sĩ cấp cao về lịch sử quân sự ở Viện Hoover tại Đại học Stanford, và là giáo sư danh dự tại Đại học bang California, thành phố Fresno, ông Hanson cho rằng trong khi người Mỹ tranh luận về phản ứng cần thiết thích hợp chống lại virus, cũng như tranh cãi về nguồn gốc, bản chất và quỹ đạo của dịch bệnh, thì có thể “họ đã không chú ý đến những tin tức đáng sợ khác”.
Theo giáo sư Hanson: “Nhiều người Mỹ nổi giận với Trung Quốc vì sự che giấu tai hại và bất lương của họ đối với thông tin về đại dịch virus corona. Nhưng họ có lẽ quên rằng Trung Quốc cũng có những vấn đề lớn khác”.
Nhận định “hình ảnh ở nước ngoài của Trung Quốc là nhơ nhuốc”, giáo sư Hanson tin rằng “các nhà nhập khẩu [trên thế giới] không bao giờ có thể chắc chắn về sự an toàn hoặc độ tin cậy của hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu. Họ sẽ chỉ biết rằng các nhà cung cấp của họ là một kẻ giả mạo hàng loạt, có khả năng làm bất cứ điều gì để đảm bảo quyền lực và lợi nhuận”.
Ngay cả cỗ máy tuyên truyền của Trung Quốc, vốn luôn phỉ báng, vu oan những người chỉ trích họ như những kẻ phân biệt chủng tộc và bài ngoại, cũng không còn tác dụng nữa.
“Số lượng lớn các quốc gia, bị tổn thất lớn về nhân lực và tài chính từ những người Trung Quốc nói dối, sẽ không tin một lời nào nữa từ Bắc Kinh”, giáo sư Hanson khẳng định.
Theo giáo sư Hanson, Trung Quốc có thể sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi thu các khoản nợ của Dự án ‘Con đường Tơ lụa’ từ các nước châu Á và châu Phi sắp phá sản, vì hầu hết các nước này “đang cáo buộc Trung Quốc phân biệt chủng tộc và phải chịu trách nhiệm về dịch bệnh toàn cầu, [vì nó] đã phá hủy chính những nền kinh tế mà Trung Quốc mưu toan thu được lợi nhuận”.
Victor Davis Hanson, nhà sử học quân sự, viện sĩ Viện Hoover tại Đại học Stanford, và là giáo sư danh dự tại Đại học bang California thuộc thành phố Fresno
Trung Quốc đã bắt đầu thất bại trong cuộc chiến thương mại với Mỹ ngay cả trước khi virus hoành hành. Người Mỹ nghĩ rằng Trung Quốc là rất lớn, hùng mạnh và giàu có. Trên thực tế, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc là chỉ bằng khoảng 1/6 thu nhập bình quân của người Mỹ.
“Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc chỉ bằng 2/3 GDP của Mỹ, tính theo giá trị thị trường hiện tại, mặc dù dân số Trung Quốc nhiều gấp 4 lần so với dân số Mỹ. Hàng trăm triệu người dân nông thôn Trung Quốc vẫn bị mắc kẹt trong nghèo đói”, giáo sư Hanson lưu ý.
Bắc Kinh sẽ đối mặt với khả năng là nhiều ngành công nghiệp sẽ dời Trung Quốc quay về Mỹ. Ngoài ra hàng ngàn sinh viên và các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng có thể sẽ sớm phải rời Mỹ về nước trong khi sự tiếp thu của họ đối với khoa học và công nghệ Mỹ, là rất quan trọng đối với ngành công nghiệp Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo giáo sư Hanson, “Trung Quốc sẽ không ngoan ngoãn chấp nhận tình trạng giảm sút sau đại dịch. Thay vào đó, thậm chí họ sẽ hành động khiêu khích và liều lĩnh hơn bao giờ hết”.
Có những tin đồn lan truyền rằng Trung Quốc có thể đang tiến hành các vụ thử hạt nhân, vi phạm các thỏa thuận toàn cầu về thử hạt nhân zero-yield (không có phản ứng nổ dây chuyền).
“Nếu đúng vậy, nó nhắc nhở chúng ta rằng những kẻ thù của chúng ta nguy hiểm nhất khi bị tổn thương và bị dồn vào chân tường”, giáo sư Hanson cảnh báo.
Ngoài những nguy cơ từ Trung Quốc, giáo sư Hanson cũng lưu ý đến Iran, nước đang bị ‘vùi dập’ bởi các lệnh trừng phạt do Mỹ đứng đầu, bởi tình trạng bất ổn trong nước, và bởi những lời nói dối liên tiếp của chính phủ.
Iran, vốn được cho là phản ứng không thích hợp với dịch bệnh, hiện đã điều động các tàu hải quân đến Vịnh Ba Tư, để quấy rối các tàu chiến Mỹ.
Người Iran thừa nhận rằng tàu chiến của họ có thể dễ dàng bị Hải quân Mỹ làm cho nổ tung. Nhưng mục tiêu lớn hơn của họ là khiến nước Mỹ bị sa lầy vào bế tắc ở Trung Đông trong cơn hoảng loạn virus corona – và ngay trước cuộc bầu cử tháng 11 tới.
Giáo sư Hanson cho rằng việc Iran trêu trọc nước Mỹ, có thể là một chiến lược nguy hiểm, nhưng Tehran đang cạn kiệt các sự lựa chọn bởi vì giá dầu thô giảm, bởi các lệnh trừng phạt thương mại và chi phí đối phó với virus, đã khiến cả nước Iran phá sản.
Iran khó có thể mong đợi sự giúp đỡ từ các nước đối tác quen thuộc, thông thường của mình là Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.
“Trung Quốc hiện là một ‘quốc gia ngoài vòng pháp luật’, đối mặt với suy thoái nghiêm trọng. Nga đang quay cuồng vì giá dầu thô giảm, và Triều Tiên bị cấm vận và khánh kiệt”, giáo sư Hanson nhận định.
Tất cả 3 quốc gia độc đoán này đều bị kiềm chế bởi virus corona. Họ có thể phải đối mặt với tình trạng bất ổn nội bộ lớn hơn và nghèo đói nhiều hơn. Tuy nhiên người ta dự đoán rằng họ sẽ trở nên khiêu khích hơn khi cuộc bầu cử Mỹ đến gần. Họ hy vọng rằng ông Trump sẽ ra đi vào năm 2021, thay thế bằng một tổng thống ‘dễ bảo’ hơn, người có thể bị bắt nạt.
Theo giáo sư Hanson, Liên Hợp Quốc (LHQ) hầu như ‘không tồn tại’ trong đại dịch toàn cầu, trong khi 2 nền dân chủ bị LHQ đối xử tồi tệ là Israel và Đài Loan, đã thể hiện xuất sắc trong cuộc khủng hoảng, theo cách hoàn toàn ngược lại với Trung Quốc.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trực thuộc LHQ, đã nhắc lại như con vẹt những tuyên truyền của Trung Quốc, khiến cho thế giới chậm phản ứng đối với virus, gây tổn thất hàng ngàn mạng sống, và phá hủy hàng nghìn tỷ đô la sản lượng kinh tế trên thế giới.
Giáo sư Hanson cho rằng virus corona sẽ không bị đánh bại bởi các tổ chức y tế quốc tế hoặc các ủy ban xuyên quốc gia do LHQ hỗ trợ. Thay vào đó, hợp tác khoa học song phương giữa các nước phương Tây, sẽ tìm ra vắc-xin và thuốc giải độc, chứ không phải là các hiệp hội vô trách nhiệm được quốc tế tài trợ.
“Thế giới là một nơi nguy hiểm trước và sau đại dịch virus corona. Virus có thể bị tiêu diệt, nhưng một thế giới thậm chí còn đáng sợ hơn vẫn tiếp diễn”, giáo sư Hanson kết thúc bài bình luận, với ám chỉ về những mối đe dọa, từ các nước độc tài, đặc biệt là Trung Quốc.
Duy Nghĩa
usaelection gởi