Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
GIAO THỪA, RƯỢU VÀ MỸ NHÂN

 

1. Châm ngôn của những bợm nhậu Mỹ: “If you drink, you will die. If you don't drink, you will die, too. So, let’s drink and die. And die happy” (Nếu anh uống rượu, anh sẽ chết. Nếu anh không uống, anh cũng sẽ chết. Vậy thì, ta hãy uống đi và chết. Và chết sung chết sướng).

Sau khi đọc một bài nghiên cứu nặng ký của các học giả và bác sĩ Mỹ cho rằng rượu vang đỏ (chỉ rượu đỏ thôi nhé!) có ích lợi ngăn ngừa bệnh tim, tôi bèn thương lượng, một cách rất bựa, với ông bác sĩ Mỹ, trong một lần đi khám physical exam, như sau: “Nếu ông không cho tôi uống rượu, tôi sẽ không ăn được. Không ăn được thì tôi sẽ đói mà chết. Đằng nào cũng chết, sớm hay muộn thôi”. Ông này hiền lắm, lắng nghe và mủi lòng trước một thân chủ không còn trẻ, nhưng chưa mắc bệnh trầm trọng, dễ thương, lại sợ chết, nên cho phép uống một ly vang nho nhỏ trong bữa cơm tối. Ở nhà, tôi giữ đúng lời ông vì có MNCNLV, tức Mỹ Nhân Cây Nhà Lá Vườn, ngồi bên nhắc nhở, kềm kẹp. Ra ngoài, luôn luôn tôi vi phạm chút chút, có khi uống đến năm, sáu ly, do bạn bè xúi dại, khích tướng. Được cái nhờ tổ đãi, xin tự khoe, tôi biết cách uống rượu không say (bí kíp này không thể phổ biến chùa cho ai, dĩ nhiên, muốn có phải lại quả trước ít nhất một chai XO), không nói lảm nhảm, không về nhà làm khổ vợ con, và càng nói càng vui càng tỉnh càng tếu càng có duyên ra phết, được các ông bà bạn rất lấy làm “ấn tượng”, cho nên tiệc nào cũng được mời, có thế giá lắm, nghĩa là vài week-end phải “chạy sô”, mệt nghỉ, không thua ca-sĩ-ca-si... nô.

Từ ngày có bằng lái xe, mỗi lần MNCNLV tình nguyện làm tài xế, tôi uống thả giàn, mặt cứ vênh lên, không biết chữ sợ là gì, coi trời bằng vung, thách thức luôn cả Sở Cảnh sát Portland, vốn thiếu tiền, phạt rất nặng về cái tội DUI (uống rượu lái xe).

2. Đó chẳng qua là bởi tôi còn giữ cái chất nhà binh trong máu. Quả vậy, lính tráng tụi này, không nhậu thì thôi, mà nhậu thì là từ chết tới chết, không cho bị thương. Luôn miệng nói: “Nam vô tửu như kỳ vô phong mà!” (dịch đại: Đàn ông không có rượu như cột cờ không có gió), hoặc "Rượu bất khả ép, mà ép thì bất khả từ". Họ không ép, chỉ cầm ly kề miệng, bắt “một hai ba, dô”, không uống không đặng. Lính tráng cũng có cái triết lý sống của họ. Uống rượu không hẳn để tiêu sầu như các đại thi sĩ dân sự từ Tibullus, Horace

đến Lý Bạch đến Baudelaire đến Cao Bá Quát, Tản Đà, mà còn quên phứt, trong chốc lát, ông bạn già trung thành, đi đâu cũng xách theo lưỡi hái, không kỳ thị ai, cứ sồng sộc xông vô nhà người ta kéo đi chơi mà không gọi làm hẹn trước, mặt trông lúc nào cũng “khẩn trương”, hãm tài. Ông bạn này đã được thi sĩ Latin, Horace, trong câu thơ (cf. Ode IV. 13), gọi là “Pallida Mors (Thần Chết xanh xao) aequo pulset pede (bằng bước chân ngang nhau) pauperum tabernas (vô chòi của kẻ nghèo khó) / Rerumque turris” (và lâu đài của vua chúa).

3. Tôi còn nhớ một chuyện không vui: Mùa hè đỏ lửa 1972, đại đội tôi được tăng phái cho chiến trường Kon Tum. Đêm, trong căn hầm hành quân, bên trên chất đầy bao cát chống pháo kích, tôi, còn là Trung úy, và ba người bạn, trong số có một đại úy đại đội trưởng thuộc Sư đoàn 22 BB, ngồi uống rượu cho quên đời và ông Thần Chết cũng Thổ Tả như Fake News Mỹ. “Uống đi tụi bay, đâu biết ngày mai mình còn có dịp ngồi nhậu với nhau như thế này nữa không”, anh đại đội trưởng giục. Sáng hôm sau đơn vị của anh bất thần đụng độ nặng với VC, và anh tử trận cùng với một sĩ quan có mặt trong buổi nhậu đêm trưóc.

4. Tôi có một người bạn rất hiền, hơn ma sơ, không biết uống rượu, nhưng vốn nể bạn, uống vào hai ngụm bia thôi là mặt đỏ gay như mồng gà chọi. Một lần lái xe về nhà, quên ngừng ở bảng 4-stop, bị mấy ông “bạn dân” dàn chào, dòm mặt, phạt liền, khỏi cần đút ống vô miệng thử. Cho nên anh em tha, không ép uống, nhưng vẫn gọi là “thằng chuyên môn phá mồi”, làm anh mất mặt bầu cua.

Rượu, và uống rượu, tự nó, không xấu. Xấu hay không là tùy người đối ẩm, tương tự sắc đẹp cũng tùy người đối diện (như ta thường đọc trên báo, mục “Tìm bạn bốn phương”), nghĩa là ở đời không có gì hoàn toàn khách quan, tuyệt đối, ví dụ, “nếu đã yêu người một mắt, thì những ai hai mắt là thừa”, như ông bạn cố tri Portland của tôi, nhà thơ tài hoa Ngọc Bội, đã tuyên bố, một cách cực kỳ chí lý, trong một bữa tiệc rượu.

5. Trước 1975, tôi biết có người uống như hũ chìm, mặt mày tái mét, lầm lầm lì lì, mà không say. Nhưng, trái lại, có kẻ chỉ mới sau độ hai ly vang hay bia, chưa nói tới cognac, là bắt đầu nói lảm nhảm, ra trước cửa nhà, quỳ xuống lạy ông đi qua lạy bà đi lại, lạy cả ông ăn mày đứng xớ rớ ở đó, khóc kể thảm thiết, “tôi lạy ông ăn mày ơi là ông ăn mày, tôi nghèo, tôi buồn, tôi khổ, tôi tội lỗi, ông có thương tôi không?”, khiến bà vợ xấu hổ quá, lôi cổ vào nhà, mắng mỏ. Tại hải ngoại bây giờ, có anh bình thường rất dễ thương, điềm đạm, nhưng khi rượu vào, một chút xíu thôi, đã cho lời ra ngay, quậy tới bến luôn, kiếm chuyện, cà khịa với mọi người, bắt bẻ từng chữ, đá vợ mắng con. Có anh uống chừng nửa ly Remy Martin pha coca là bắt đầu to tiếng, hoặc nằm ngửa giữa phòng, chắp tay vái mọi người, miệng tía lia “xin lỗi, xin lỗi”, mà không ai biết lỗi gì. Có anh khác, tánh tình ít nói, trầm lặng, cạy miệng cũng không bộc lộ nỗi buồn, nỗi vui, nhưng sau khi hớp vào vài ly là bỗng khóc sụt sùi, mở máy kể hết tâm sự loài chim biển, từ đời xửa đời xưa, và những chuyện tình lâm ly bi đát ngày trước, khiến khi có anh tham gia, gia chủ luôn cẩn thận để sẵn hộp kleenex. Chưa kể những ông uống đã, vào phòng vệ sinh mà “OK thau” (ói mửa)... Vì những ẩm-tửu-khách như thế mà người ta, nhất là các bà vợ, có thành kiến với những người uống rượu, và với rượu nói chung.

6. Ở một đơn vị BB nọ, có một anh Trung sĩ, mặt mũi rất cô hồn, hễ uống hai lon bia vào là bắt đầu cà khịa, máu du côn nổi lên đùng đùng, lôi cha lôi mẹ thiên hạ ra mà chửi. Ai cũng bất mãn, nhưng tự khuyên nhau: “Thôi kệ, chú ấy say, chấp làm gì.” Được thể, một hôm, y quen tật, mang cha mẹ của một hạ sĩ, người Quảng Trị, mới đổi về, mà y rất ghét, ra nhục mạ. Anh hạ sĩ, có võ Đại Hàn, bèn túm lấy cổ áo y, dí vô tường, vừa đấm túi bụi vào mặt, chảy máu mũi, vừa chửi thật tình:

- Đ... mạ mi, sao mi say mà mi khôn dữ rựa? Mi say, mà mi chỉ xách cha mạ người ta ra mà chửi, sao không xách cổ cái thằng ma cô cha mi và cái con đĩ mạ mi ra mà chửi, hả hả hả hả hả hả hả hả hả hả? Mỗi cái “hả” là một quả đấm thôi sơn. Từ đó, Trung sĩ nhà ta vẫn say, nhưng không chửi ai nữa.

7. Tại đơn vị tôi, ở Qui Nhơn, có chuẩn úy tên X., mới ra trường Thủ Đức, tính tình phách lối, ngựa non háu đá, coi thiên hạ, kể cả ông đại úy đơn vị trưởng, như cỏ rác, cá mè một lứa, vì anh ta ỷ con nhà giàu, đẹp trai, học giỏi, bằng cao, gốc bự. Ông đại úy, thuộc loại hiền, nhưng khi Tarzan nổi giận vẫn rút súng bắn pằng pằng như cao bồi Texas thứ thiệt. Ông bực lắm, nhưng vẫn gọi X. lên văn phòng ôn tồn khuyên nhủ mãi, mà chứng nào tật nấy. Một bữa nọ, trong khi nhậu đã tại câu lạc bộ đơn vị, X. lôi các sĩ quan đồng đội và cả ông đại úy ra mà chửi đổng. Ông đại úy nghe được, lôi cổ X. ra sân cờ, tự cởi áo trận có thêu ba hoa mai đen, giựt phăng cái lon chuẩn úy của X. ném xuống đất, rút súng Colt, lên đạn và ném cho anh ta, rồi ưỡn ngực, hét lên:

- Tao cho mày bắn trước. Mày bắn trật là chết với tao. Tao đã lột lon của tao rồi, bây giờ tao với mày ngang hàng, đừng nói tao ăn hiếp mày. Bắn đi.


Anh chuẩn úy, say quá, không còn chọn lựa, đành nhắm đại ông đại úy bóp cò, nhưng trật. Ông bèn sấn tới, bóp cổ, nện cho X. một trận nhừ tử. Anh ta cũng đánh trả lại vài quả, cho đến lúc chịu không nổi, ngả quị xuống, chảy máu mũi, môi sưng vều, mắt bầm tím.

Xong việc, ông đại úy gọi lính khiêng X. vào trạm xá, dặn y tá chăm sóc anh ta kỹ lưỡng. Từ đó, X. đổi hẳn tính nết.

8. Mười lăm năm trước, tại San José, thằng em họ của tôi, tên Sâm, sau một buổi tiệc tại nhà hàng Phú Lâm, say quá, lái xe về nhà, đâm luôn vào đuôi xe cảnh sát đang đậu chớp đèn gần đó. Xuống xe, còn lè nhè, cự nự: “ĐM cái thằng nào đậu xe chận đường tao đó bay?”. Sau khi bị cảnh sát bắt nhảy cò cò, té quay lơ, và bị còng tay, chở về bót, Sâm vẫn chưa chịu tỉnh rượu.

Bị phạt $1,000 về tội uống rượu lái xe, phá hoại công xa, $1,000 tiền gò lại đuôi xe cảnh sát, một năm rút bằng lái, ba tháng học lớp cai rượu, sáu tháng đi châm cứu (tiếng lóng: lượm rác đó đa) trên xa lộ. Chưa kể tốn $500 tiền sửa đầu xe mình. Về nhà, bị vợ đay nghiến và bắt ngủ riêng: “Cho ông chừa, tui nói rồi, không chịu nghe”.

Bây giờ, sau nhiều năm được gặp lại nhau, Sâm “giác ngộ” thấy rõ: dù bị ép uống cách mấy, hắn cũng lắc đầu, giọng tiếc nuối:

- Em thèm lắm, nhưng không uống nữa không phải vì sợ cảnh sát, mà ớn con vợ em quá!

9. Tại Oregon, tôi có một người quen, chưa hẳn là bạn, có một tật lạ: hễ muốn chửi ai là tổ chức một bữa tiệc rượu mini tại gia, tuyển lựa cẩn thận tài tử, gồm “nạn nhân” và một số “nhân chứng”, và mời tất cả đến nhậu. Riết rồi, ai cũng sợ được mời, nhưng được mời ai cũng đi, vì tò mò muốn biết kẻ nào vô phước là the person of the night và chứng kiến một màn kịch vui, nâu nâu mới có một nần.

Một lần, sau một ly cognac, anh ta giả vờ say, gây chiến với một “nạn nhân”, tên Z, nổi tiếng nóng tánh còn hơn Trương Phi. Cuộc đấu khẩu đến hồi dữ dội, các witnesses không ai can nổi. Tiếng Đức, tiếng Đan Mạch xổ ra rào rào. Z giận lắm, đứng lên, hất đổ bàn ăn, ly chén vỡ ngổn ngang trên sàn gỗ. Còn đập luôn chai rượu, rồi hầm hầm bỏ về, kèm theo câu chửi thề:

- Tiên sư bố mày, cho mày chừa cái thói lưu manh mời ăn, rồi mượn rượu chửi người.

Sau đó, tôi chờ mãi đến phiên làm “nạn nhân”, hay “nhân chứng”, mà chẳng được nghe gọi mời. Hỏi ra mới biết y chừa thật.

Vì lỗ vốn: vừa phải sắm lại chén đĩa, vừa mất toi chai VSOP, vừa dọn dẹp, lau rửa sàn nhà, vừa bị vợ phạt bắt ngủ sofa vô hạn kỳ. Dại gì.

10. RƯỢU VÀ MỸ NHÂN

Mỹ nhân (trong nghĩa đen thui: người đàn bà đẹp) có khi là một cô mới gặp ở siêu thị, có khi là bồ ruột, có khi, xui hơn (!), là vợ của chính mình. Trường hợp sau cực kỳ hiếm, bởi anh chồng nào, nếu không có nhu cầu nịnh vợ vì lý do nào đó, ví dụ xin tiền đi nhậu, mà một ngày đẹp trời, mở miệng khen “em yêu đẹp quá” thì chắc chắn nếu hồi nhỏ không bị té giếng hay điện giật thì đầu cũng có vấn đề, something wrong, bẩm sinh, vì người xưa có câu: “văn mình vợ người”, diễn nôm là cứ sự thường thì ông nào viết văn, làm thơ đều cho thơ, văn của mình, dù xông mùi ễnh ương cóc nhái, là tuyệt bích, đệ nhất thiên hạ, còn vợ của thằng hàng xóm thì ô-tô-ma-tík-cờ-măng phải đẹp hơn vợ đương kim của mình. Không tin, cứ hỏi cựu Tonton nước Đại Pháp François Hollande, một playboy Phú Lang Sa thứ thiệt, đã từng lần lượt ớn hai bà vợ không bao giờ cưới của mình (nay đã già, hay toan về già, Ségolène Royal, 61, rồi Valérie Trierweiler, 51) để “ăn chè Nhà Bè” à la Phạm Duy với chị vợ (cũ) hơ hớ xuân thì Julie Gayet, 41, của anh “hàng xóm” Parisien nào đó –điều mới đây bị tờ lá cải Closer phanh phui.

Mỹ nhân có khi chỉ là giả mạo, fake person, một bóng hình trong mộng tưởng hay kỷ niệm. Lại cũng tùy người đối diện. Riêng tôi, dù ngồi uống một mình, vẫn mơ thấy fake mỹ nhân ngồi cạnh. Y như nàng Mỵ Nương thuở xưa chợt thấy dưới đáy chén ngọc hình bóng lung linh của chàng thất tình Trương Chi –người ra đi với cuộc phân ly trong bài hát nổi tiếng của Văn Cao.

Khi mới lấy nhau, mỗi lần uống rượu tôi được MNCNLV châm tiếp, chuyện trò vu vơ, chuyện trăng sao, gió thoảng mây bay. Bây giờ, có hai đứa con, nàng bỏ mặc tôi với mấy ông bạn vừa trẻ vừa già, và thường thì già nhiều hơn trẻ. Vừa uống vừa rủ rỉ rù rì (già hết hơi rồi!) kể chuyện đời và đời xưa. Uống rượu mà bắt vợ dọn dẹp, hầu hạ, hoặc la lối om sòm, giành dân lấn đất, tranh nhau nói, cãi... không phải là cung cách của tao nhân mặc khách, đó là nhậu, hay nhậu nhẹt, đó là dô dô (Mỹ nói go go), đó là xô bồ, phàm phu tục tĩu, tôi không thích, mặc dù đã quá quen trong đời lính trước kia. Tôi lại càng không thích những quán bia ôm, nghe nói bây giờ đầy dẫy ở nước Việt Nam của lũ khỉ mới học thành người văn minh, hoặc các striptease clubs tại Mỹ, trông dơ dáy (cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen), mặc dù tôi cũng đã quá quen trong những ngày chinh chiến cũ.

Bây giờ, trái lại, không còn gì đẹp hơn, quyến rũ hơn, khi trên tay cầm một ly ngát hương Martel XO, mắt nhìn xuống vườn khuya, nghe cây lá khẽ rung mình trong đêm sương lạnh lẽo, mà thấy, như thi sĩ Quang Dũng qua câu thơ gợi nhớ tình sử Trương Chi - Mỵ Nương, hay Trọng Thủy - Mỵ Châu:

Thoáng hiện em về trong đáy cốc

Nói cười như chuyện một đêm mơ.

Chao ôi! Lãng mạn như thế làm người ta có thể chết đi được, hoặc nếu không, trẻ mãi không già, sống dai, sống vui, sống phơi, sống phới, sống phây phây. Cứ thử vài lần, quý ông sẽ tin tôi và đâm ra ghiền với cái thú dạ độc ẩm quá ư lãng mạn này.

Chuyện khác. Người ta có thể phổ nhạc bất cứ bài thơ trung bình nào để nó được chắp cánh bay cao hơn, trừ bài thơ này, và đặc biệt, hai câu thơ này, vì tự nguyên thủy đã quá hay. Tiếng đàn và tiếng hát không cần nữa, dù tuyệt vời cách mấy, sẽ giết chết, hoặc ít ra, phàm tục hóa hồn thơ –tức cái hồn thiêng liêng của thơ mà triết gia Platon, mấy ngàn năm trước, đã cho là lung linh, nhạt nhòa phản chiếu xuống trần gian, qua trung gian của những thi sĩ tài hoa, từ một khung trời Chân Thiện Mỹ vời xa, đích thực. Thơ và nhạc, dù cũng đều là hai bộ môn nghệ thuật làm đắm say lòng người, nhưng có bản thể khác nhau, và cách thưởng thức, vì thế, cũng phải khác nhau.

Cũng như, vì đề tài hôm nay là rượu, nên xin phép quý bạn cho tôi đem rượu ra làm một dẫn chứng, rằng uống bia (chưa nói có hàng trăm thứ bia khác nhau) phải khác với uống rượu vang, rượu vang phải khác với cognac, và cũng là cognac mà Courvoisier phải khác với Hennessy hay Napoléon hay Martel hay Remy Martin hay Bisquit, và loại VS phải khác với VSOP, với XO, với 1738, với Cordon bleu chứ...

Trở lại với thơ và nhạc. Cũng như bài hát “Bến Xuân” của Văn Cao sau đây:


Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước

Em đến tôi một lần

Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân

Từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ú ù u ú

Cành đào hoen nắng chan hoà!

Chim ca thương mến, chim ngân xa u ú ù u ú

Hồn mùa ngây ngất trầm vương,

Dìu nhau theo dốc mới nơi ven đồi

Còn thấy chim ghen lời âu yếm

Tới đây chân bước cùng ngập ngừng

Mắt em như dáng thuyền soi nước

Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân.

 

Không còn điều gì trên thế gian này có thể làm ngây ngất và tan vỡ trái tim ta (à quên, trái tim tôi), kể cả sắc đẹp của một mỹ nhân, khi nghe bài ca này qua tiếng hát của một ca sĩ (đúng nghĩa). Đó không phải là thơ phổ nhạc, mà là thơ tinh tuyền, quyện hòa cùng với nhạc tinh tuyền, vang lên từ xúc cảm dạt dào trong lòng của thi-nhạc-sĩ Văn Cao, nghe tự nhiên như không, như hơi thở, nhất là năm câu cuối, không gò bó, không gượng ép, để trở thành những hàng lưu ly, châu ngọc. Vì thế, cũng như thi ca, âm nhạc đích thực đã phản chiếu xuống trần gian từ một phương trời huyễn mộng và vĩnh cửu của Platon.

 

11. VÀI BÀI THƠ TIÊU BIỂU NỔI TIẾNG VỀ RƯỢU:


A. Hán Văn:


• Lương Châu Từ

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi

Dục ẩm tì bà mã thượng thôi

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

Vương Hàn

 

Khúc Tạ Từ ở Lương Châu


Dịch nghĩa:


Rượu bồ đào đựng trong chén dạ quang

Toan uống, tiếng đàn đã giục giã lên đường

Ta nằm say nơi sa trường bạn chớ cười

Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về?


Dịch thơ:


Rượu bồ đào chén ngọc

Toan nhắp ngụm ly bôi

Tiếng đàn ai giục giã

Lên đường, lên đường thôi

Chốn sa trường say khướt

Bạn chớ vội cười ta

Xưa nay từ biên ải’

Mấy ai trở về nhà?

Anne Nguyễn (San José)

 

• Ẩm Tửu Khán Mẫu Đơn

Kim nhật hoa tiền ẩm

Cam tâm tuý sổ bôi

Đãn sầu hoa hữu ngữ:

Bất vị lão nhân khai

Lưu Vũ Tích

 

Uống Rượu Ngắm Hoa


Dịch nghĩa:


Nhấp rượu cùng ngắm hoa

Đôi chén say thỏa lòng

Chỉ ngại hoa thỏ thẻ:

Chẳng nở vì lão đâu


Dịch thơ:


Hôm nay nhấp rượu ngắm hoa

Mới dăm ba chén đã ngà ngà say

E rằng hoa sẽ’thầm thì:

Lão ơi hoa nở chẳng vì lão đâu

Anne Nguyễn

 

• Tương tiến tửu

[…] Ngũ hoa mã,

Thiên kim cừu

Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu

Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu

Lý Bạch

Dịch nghĩa:

Ngựa năm sắc,

Áo ngàn vàng

Hãy bảo nhau lấy ra đổi rượu ngon

Để ta cùng các bạn diệt tan nỗi sầu

Dịch thơ:

Áo thiên kim, ngựa lưu li

Lấy ra đổi hết một li cũng cầu ’’’’’’’’’’’’’’’’’’

Cùng ta giải chén rượu sầu


’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’


Nguyễn Danh Đạt’ (Việt Nam)’ ’ ’ ’ ’ ’ ’ ’ ’ ’ ’

(cf. Bình & Chú giải 100 bài thơ Đường hay nhất, 1999)

 

B. Việt Văn:

• Đời Vắng Em Rồi Say Với Ai

Sóng dậy đìu hiu biển dấy sầu,

Lênh đênh thương nhớ dạt trời Âu.

Thôi rồi, tay nắm tay lần cuối,

Chia nẻo giang hồ vĩnh biệt nhau.

[...]

Quán rượu liền đêm chuốc đắng cay.

Buồn mưa, trăng lạnh: nắng, hoa gầy

Nắng mưa đã trải tình nhân thế

Lưu lạc sầu chung một hướng say.

Gặp gỡ chừng như truyện Liêu Trai.

Ra đi chẳng hứa một ngày mai.

Em ơi! lửa tắt bình khô rượu,

Đời vắng em rồi say với ai? [...]

Vũ Hoàng Chương

 

C. Latin:


• Horace (65-8BC): Trong câu 6 của bài ode I.11 (còn được các học giả đặt tên là “Carpe diem”, Hãy hái ngày đi), Tyrrhenum: sapias, vina liques, et spatio brevi thi nhân khuyên nàng thôn nữ (mà chàng đang tán tỉnh) hãy khôn ngoan, hãy chiết rượu (sapias, vina liques), và cuộc đời ngắn ngủi (spatio brevi), không chỉ vì đó là công việc của nàng, cũng đúng thôi, mà còn vì tình yêu, mỹ nhân, và rượu không thể tách rời nhau.

Rượu tạo niềm vui: Nunc est bibendum... (“Bây giờ phải uống...”, I.37), Horace nâng ly mời. Rượu cũng giết nỗi sầu, như trong các odes I.7, II.7, II.11, v.v..., nhưng hiệu quả không bền lâu và nỗi sầu cứ trở lại những “khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” (cf. Kiều).

• Tibullus (50-19BC) cũng đã thở than: Nhưng nỗi đau của tôi đã biến mỗi giọt rượu thành một giọt lệ (bi ca, elegia I.5). Nên cứ phải uống hoài uống hủy mỗi ngày.

• Lucretius (98-55BC), đệ tử của Epicure (khoái lạc chủ nghĩa):

Hãy ăn và uống đi, vì ngày mai ta sẽ chết (De Rerum Natura, III, 914).

 

D. Pháp văn:

• Baudelaire (1821-1867):

- Trong Les Fleurs du Mal, có tiểu mục “Le Vin”, gồm năm bài, “L’âme du vin” (Hồn rượu), “Le vin des chiffonniers” (Rượu của những người lượm giẻ rách, đồ cũ), “Le vin de l’assassin” (Rượu của kẻ sát nhân), “Le vin du solitaire” (Rượu của người cô độc), và “Le vin des amants” (Rượu của những tình nhân).

- Trong tập thơ văn xuôi, Les petits poèmes en prose, 1869, tiểu mục “Le spleen de Paris”, bài “Enivrez-nous”, hãy say đi, người ta đọc: “Il faut être toujours ivre. Tout est là: c’est l’unique question.

Pour ne pas sentir l’horrible fardeau du Temps qui brise vos épaules et vous penche vers la terre, il faut vous enivrer sans trêve. Mais de quoi? De vin, de poésie ou de vertu, à votre guise. Mais enivrez-vous” (Phải luôn luôn say. Tất cả ở đó: đó là vấn đề duy nhất. Để khỏi cảm thấy gánh nặng khủng khiếp của Thời Gian bẻ gãy đôi vai của ngươi và xô ngươi xuống đất, ngươi phải say không ngưng nghỉ. Nhưng say gì? Say rượu, say thơ, hay say đạo đức, tùy ý ngươi. Nhưng hãy cứ say).

• Apollinaire (1880-1918): Một tập thơ của thi sĩ có tựa đề Alcools (Gallimard tái bản, 1944) nghe sặc mùi rượu, mặc dù những bài thơ trong đó mang nhiều nội dung khác nhau, chả dính líu gì đến Thần Tửu, kể cả bài “L’adieu” (Vĩnh biệt) –mà, nghe nói, Bùi Giáng đã dịch (sai) nhưng bị Phạm Duy “mượn” nguyên con để làm thành bài hát “Mùa thu chết”. Tác giả Kim Thanh có viết bài về “vụ” này.

 

E. Anh văn:

• Shakespeare: Trong vở Hamlet, rượu không phải để uống giải sầu, nhưng pha với thuốc độc, đã được vua Claudius dùng như phương tiện giết người: đầu độc vua anh, cha của Hamlet, và trong hồi V, cho chàng uống để giết chàng, lấy cớ chúc mừng chàng đâm được Laertes trong cuộc đấu kiếm, và Gertrude, mẹ chàng, cầm nhầm ly rượu độc mà Hamlet đã uống gần cạn đó, và uống, cũng chết theo.

• Byron: uống rượu để hưởng thụ, với các mỹ nhân và ngày hiện tại –điều hiếm hoi trong thi ca Anh, so với thi ca các nước khác:

Let us have wine and women, mirth and laughter

Sermons and soda-water the day after

(Childe Harold's Pilgrimage)

 

12. KINH KHA VÀ PHẠM HỒNG THÁI:

 

Nhân nói vui về rượu, tôi cũng xin đặt một vấn đề văn chương nghiêm chỉnh mà bấy lâu cứ ấm ức mãi, nhưng cứ quên mãi. Số là, trong văn chương ta, nhiều người ưa lấy chuyện Kinh Kha, người nước Vệ bên Tàu, xa lắc xa lơ, để chỉ những tráng sĩ vì chí lớn liều thân, một lần đi không trở lại v.v... Ông thi sĩ lớn Vũ Hoàng Chương, cảm khái chuyện Kinh Kha thế nào không biết, cũng làm nguyên một bài thơ dài (về mặt thi ca, phải công nhận rất hay) ca tụng anh này hết cỡ, khiến cho những ông thi sĩ nhỏ bắt chước bơm Kinh Kha lên chín tầng mây. Xin trích những bài thơ ấy như sau:

 

Bài Ca Sông Dịch (tức Tâm Sự Kẻ Sang Tần)

[...] Ðã mấy thời gian nằm u hoài sông Dịch

Tiễn kẻ một đi, nguời kiếm khách Ðông Châu

[...] Kinh Kha hề Kinh Kha

Vinh cho người hề! ba nghìn tân khách

Tiễn người đi tiếng trúc nhịp lời ca

[...] Một nét dao bay ngàn thuở đẹp

Dù sai hay đúng cũng là dư

Kìa uy dũng kẻ sang Tần không trở lại

Đã trùm lấn Yêu Ly hề át Chuyên Chư

Ôi Kinh Kha

Hào khí người còn sang sảng

Đâu đây lòa chói giấc mơ

Nước sông Dịch còn trôi hay đã cạn

Gương anh hùng vằng vặc sáng thiên thu.

Vũ Hoàng Chương

 

Danh ai tráng sĩ đời xưng tụng?

Nuốt hận nghìn năm Thái tử Đan!

Một gã Kinh Kha đường kiếm vụng,

Để Tần làm cỏ sạch Yên bang!

Vương Đức Lệ

 

Tráng sĩ ra đi không trở lại

Nắng chiều sông Dịch ngó mong ai

Gươm dài gió hắt mờ quan ải

Liễu rũ bờ xa lệ vắn dài

Giang Hữu Tuyên

 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cũng đã soạn bài “Khúc tình Kinh


Kha”, do Hà Thanh hát. Chưa kể những câu ca vọng cổ đó đây hay trong tuồng cải lương xưa nay.


Ngoài ra, còn có hàng chục bài hát, phim truyện lớn nhỏ của


Tàu (ví dụ “The Emperor and the Assassin”, 1999) với những tài tử gạo cội như Châu Nhuận Phát, Củng Lợi v.v... Tất cả, Tàu hay Ta, nhất loạt ca tụng Kinh Kha như biểu tượng của một người hùng, một tráng sĩ, vì nghĩa cả, chí lớn, đã hy sinh thân mình.


Tàu ca Tàu còn hiểu được. Việt ca Tàu thì, quả thực, nhảm nhí, nếu không muốn nói, theo ngôn từ chụp mũ thời thượng, bán nước.


Ai chê tôi kỳ thị hoặc quá khích, tôi xin chịu. Tuy nhiên, nếu đọc lại tiểu sử, thân thế Kinh Kha trong sách vở Tàu, người ta thấy anh này, người nước Vệ (chưa thù nghịch với nước Tần), chỉ là một lãng tử, vô gia cư, vô nghề ngỗng, và, nói như cai tù VC, “chây lười lao động”, thích đi ngao du các nước, giỏi về cung kiếm, mê rượu chè, đàn ca xướng hát, thường ngồi bên những quán nhậu giữa chợ.


Nhưng không được ai trọng dụng. Đến nước Yên, gặp thái tử Đan vốn thù hận và muốn tiêu diệt vua Tần, được chiêu dụ bằng rượu ngon, gái đẹp, Kinh Kha thỏa mãn tự ái, hoan hỉ nhận làm một tên giết mướn (hitman), không hơn không kém, mà Tư Mã Thiên gọi là “thích khách” (gồm năm người nổi tiềng: Tào Mạt, Chuyên Chư, Dự Nhượng, Nhiếp Chính, và Kinh Kha, cf. Sử Ký, chương “Thích Khách Liệt Truyện”). Kinh Kha, bởi vậy, chẳng có lý tưởng quốc gia gì ráo trọi. Không khác chi đại tặc Hồ Chí Minh –là một tên vô tổ quốc, tay sai và lính đánh thuê của Cộng sản quốc tế, đứng đầu là


Liên Xô, rồi Trung Cộng, mặc dù để lừa bịp thế giới y và bộ hạ đã lợi dụng chiêu bài “cứu nước” trong hai cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ.


Còn nữa. Tôi đọc ở đâu đó, có lẽ trong dã sử (cf. Kinh Kha truyền kỳ hay Đông Chu Liệt Quốc), kể rằng trước khi Kinh Kha nhận lời Thái tử Đan ra đi giết Tần Thủy Hoàng, cả hai anh chàng này còn làm một việc vô cùng man rợ, là kẻ (Thái tử Đan) thì cho phép chặt, người (Kinh Kha) thì nhận lấy, bàn tay mà anh ta trầm trồ khen đẹp, của một mỹ nữ hầu rượu trong tiệc nhậu “hoành tráng” của hai người. Hành động tàn ác này được một tác giả tân thời kể lại như sau: “Nắp hộp đựng báu vật vừa mở ra, một mùi hôi thối xông ra nồng nặc. Định thần nhìn kỹ báu vật của thái tử Đan ban tặng, mồ hôi lạnh Kinh Kha vã ra, tay run bần bật, mồm há hốc. Kinh Kha nôn ọe, tay run rẩy làm chiếc hộp rơi xuống đất. Hai bàn tay của con người đang kỳ phân hủy văng ra khỏi chiếc hộp đựng báu vật” (Lấy từ diễn đàn Vietfun, trên internet, bài “Hoa Hồng của Kinh Kha”, tác giả: Trần Phưong Lang).


Nhậu đã đời rồi, Kinh Kha xách thanh chủy thủ có tẩm thuốc độc, ra đến bờ sông Dịch, ngâm câu thơ nổi tiếng (chắc sau một phùa tè bậy xuống cát, bởi vào thời thượng cổ bên Tàu, cũng như tại Việt Nam bây giờ dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa rừng rú, làm gì có restroom công cộng, như ở các nước văn minh?), đại khái “tráng sĩ một đi không trở lại”, rồi tiếp tục lên đường mưu giết vua Tần (hoàng đế từ 221 đến 210 TCN). Đâm trật, tôi nghĩ vì say, loạng quạng, chứ không phải vì kiếm thuật kém. Rồi lại nằm đó, để vệ sĩ của Tần vương đến bắt trói và giết, mà không biết dốc ngược lưỡi kiếm vào cổ mình. Tráng sĩ ở chỗ nào?


Còn anh hùng Phạm Hồng Thái của nước ta? Vì chính nghĩa, vì lý tưởng tự do, chiến đấu chống thực dân Pháp bạo tàn và tay sai, ông vào một khách sạn, tại thành phố Sa Điện, Quảng Châu, đã cho nổ trái bom để giết toàn quyền Merlin, ngày 19/6/1924. Merlin không chết, người anh hùng bị vây khốn, cùng đường, đã nhảy xuống Châu giang tự vẫn, lúc ấy mới 28 tuổi. Một lần đi không trở lại. Ai hơn ai? Ấy là tôi chưa nhắc đến anh hùng Nguyễn Thái Học đã lấy cái chết để báo đền ơn nước, dù không thành công cũng đã thành nhân. Đến sự tuẫn tiết của năm vị tướng lãnh oai dũng vào ngày 30/4/1975. Đến gương hy sinh sáng ngời của biết bao tráng sĩ QLVNCH kiêu hùng, cũng một lần đi không trở lại, đã gục ngã trên khắp nẻo chiến trường, từ An Lộc, Cổ Thành Quảng Trị, Bình Giả, đến Dakto, Pleime v.v...


Phạm Hồng Thái được chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (Tôn Dật Tiên) chôn cất trong nghĩa trang Hoàng Hoa Cương, từ chân đồi Bạch Vân, dành cho 72 anh hùng liệt sĩ Trung Hoa đã hy sinh trong cuộc cách mạng lật đổ nhà Thanh, theo đoạn văn trích dưới đây của tác giả Mường Giang, tháng 11 năm 2010: “Năm sau vì cảm hóa và kính phục trước cái chết liệt oanh của một Tráng Sỹ Anh Hùng Việt Nam, đã làm cho bọn thực dân Anh-Pháp phải vỡ mật kinh hồn ngay trên đất Trung Hoa mà chính người Trung Hoa phải cúi đầu khuất phục chúng. Do đó các lãnh tụ Trung Hoa Quốc Dân Ðảng như Uông Tinh Vệ, Liêu Trọng Khải và Tỉnh Trưởng Quảng Châu là Hồ Hán Dân, đã bỏ ra số tiền 3000 đồng, để cải táng mộ của Phạm Hồng Thái từ chân đồi Bạch Vân về chôn tại Hoàng Hoa Cương là Nghĩa Trang Quốc Gia, nơi an giấc nghìn thu của 72 Liệt Sĩ Trung Hoa đã hy sinh đầu tiên, trong cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911, lật đổ nhà Mãn Thanh. Hoàng Hoa Cương nằm cách thủ phủ Quảng Châu của tỉnh Quảng Ðông chừng 2km, đây là thánh địa tôn quý của Trung Hoa Dân Quốc lúc bấy giờ.

 

Sự kiện di cốt của Anh Hùng Phạm Hồng Thái được nằm cạnh các Liệt Sỹ Trung Hoa, mang một ý nghĩa to lớn về tinh thần, nói lên sự ngưởng phục những người vì dân vì nước, không phân biệt chủng tộc. Mộ của Liệt Sỹ nằm trên một hòn núi nhỏ trước Hoàng Hoa Cương, đối diện với hàng mộ bia của 72 Liệt Sỹ Trung Hoa, được kiến trúc rất hùng vỹ, có xây bia đình và một tấm mộ bia cao lớn do Trần Lộ Tiên Sinh đề ‘Việt Nam Liệt Sỹ Phạm Hồng Thái Tiên Sinh Chi Mộ'. Hôm giỗ đầu tiên của Liệt Sỹ nhằm ngày 19-6-1925, hầu như tất cả các nhà Cách Mạng VN và Trung Hoa đều tham dự. Bọn thực dân Pháp tại tô giới phản đối kịch liệt nhưng chẳng làm gì được vì Hoàng Hoa Cương thuộc lảnh thổ Trung Hoa, hơn nữa đây là thánh địa tôn quý và thiêng liêng của người Tàu, nên chúng không dám đến phá phách vì sợ gây rắc rối ngoại giao, trong lúc khắp nơi đang sôi sục phong trào nổi dậy đánh đuổi bọn thực dân da trắng và Nhật ra khỏi đất Tàu [...]

(cf. Thép Súng, Thursday, December 2-2010, “Tưởng niệm anh hung Phạm Hồng Thái đã hy sinh vì nước ngáy 19-6-1924 tại Châu Giang”).


Thế đấy. Người Trung Hoa, kẻ xa lạ, thì vinh danh anh hùng của ta như vậy, còn giới văn chương (tôi xin nhấn mạnh văn chương, không phải lịch sử, chính trị) Việt Nam? Chừng nào thì những ông thi, văn, nhạc sĩ lớn, những ông thi, văn, nhạc sĩ nhỏ An Nam ta thôi mang tên của Kinh Kha, một hitman thời cổ đại Tàu, mà ca tụng (dù là biểu tượng hay không, chưa bàn tới), và chịu thay vào đó tên của anh hùng dân tộc hiện đại Phạm Hồng Thái mà hình ảnh cũng hào hùng, lãng mạn không thua hình ảnh của Kinh Kha?

 

Hay bụt nhà cứ mãi mãi không thiêng? Cũng như vợ người luôn luôn đẹp hơn vợ mình?

 

Portland, 29/1/2014.


bài vừa tìm lại được, hiệu đính,

và gửi lại đêm Giao thừa Tết Canh Tý, 24/1/2020


Người lính già Oregon


usaelection gởi