Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

Giới thiệu tác phẩm “Cô gái Gò Công“

của Trần Thị Nhật Hưng
 


Sách viết xong gần 200 trang, đánh máy khổ A4 chữ lớn, Đạo Hữu Diệu Như Trần Thị Nhật Hưng là một trong 8 cây bút nữ của Báo Viên Giác lâu nay, đã gửi qua bằng E- Mail và  muốn nhờ tôi đọc lại cũng như viết vài hàng giới thiệu về tác phẩm nầy. Ngày hôm qua 18 tháng 11 năm 2017 suốt 3 tiếng đồng hồ, tôi ngồi bên máy vi tính và đã xem lại xong toàn bộ tác phẩm nầy qua cách bố cục cũng như văn chương, chữ nghĩa, dĩ nhiên là không có việc sửa lại lỗi chính tả, vì đây là phần hành của những người khác.
 
Đọc sách vốn là niềm vui của tôi; nên tôi rất vui khi được đọc Kinh, sách hay tạp chí. Vì đây chính là món ăn tinh thần của mỗi người vậy. Cho nên người Pháp cũng thường hay nói rằng:“Si vous avez beaucoup d´argent, vous pouvez acheter quelques livres, mais pas de connaissance“. Có nghĩa là: „Nếu bạn có nhiều tiền, bạn có thể mua được một vài quyển sách; nhưng không thể mua được sự hiểu biết“. Vậy sự hiểu biết phải do sự đọc, nghiên cứu, truy tầm, phán đoán… chúng ta mới có được một sự nhận thức bình thường.
 
Ngồi trên tàu lửa chạy nhanh từ Saint Peterburg về Moscow hôm ngày 22 tháng 10 vừa qua tôi đã bắt đầu đọc tác phẩm của Đạo Hữu Thiện Mẫn Nguyễn Minh Cần nhan đề là“ Đảng cộng sản Việt Nam  qua những biến động trong phong trào cộng sản quốc tế“, sách dày 660 trang và tôi đã đọc ngấu nghiến trong 3 ngày sau đó thì xong tại Nga.  Phải nói là nội dung của sách rất là tuyệt vời dưới cái nhìn của một nhà phân tích và phê bình chính trị về những gì mà đảng cộng sản Nga cũng như các đảng cộng sản quốc tế đã kinh qua suốt hơn 70 năm trên thế giới nầy. Do vậy khi đọc tác phẩm 200 trang như „Cô gái Gò Công“ với tôi, không có gì khó khăn mấy, vì lẽ văn chương của Đạo Hữu Trần Thị Nhật Hưng viết rất trong sáng, dễ đọc, dễ hiểu và không có gì để thắc mắc cả. Có chăng, chỉ vài nơi bố cục còn hơi ngờ ngợ một chút. Ví dụ như chuyện bà Mẹ ruột của cô Cho đã mất sau 6 tháng cô ta vượt biên; nhưng khi đọc chương đầu, người đọc cảm thấy rằng bà cụ đã sang Hung Gia Lợi để tham dự lễ ra trường tốt nghiệp y khoa của đứa cháu, mà đứ cháu ấy là cháu nội, chứ không phải cháu ngoại. Ở đây nếu người đọc chưa đọc hết sách thì không thể phân biệt được điều nầy.  Phần khác, lúc tổ chức Tết đón mừng năm mới thì Ông Cụ thân sinh của bà Cho bị bắt và tác giả đã giới thiệu là Cho và Phương đã cưới nhau trước đó rồi; nhưng sau đó mới tả rõ đám cưới nầy; khiến cho người đọc hơi lúng túng một chút thôi. Ngoài ra thì rất tuyệt vời, không có gì để đáng phàn nàn cả.
 
Từ một cô gái quê mùa của đồng bằng sông nước Cửu Long với hoa điền điển hay những nụ hoa bần, với cái tên là Cho đó đã làm cho người đọc chú ý cho đến khi tới Tây Đức tỵ nạn và định cư vào năm 1983 đã đổi lại tên Kim và  nhân vật chính của tác phẩm nầy đã thể hiện trọn vẹn với những đức tính công, dung, ngôn, hạnh của một người phụ nữ Việt Nam trong thời thanh bình cũng như chiến tranh loạn lạc hay sự khởi đầu ở một quê hương mới lạ thứ ba. Tất cả đều được Tác Giả Trần Thị Nhật Hưng mô tả thật là tỉ mỉ trong tác phẩm nầy. Cái khéo của người viết truyện là đưa chuyện chính lên trước và chuyện chính nhưng lại phụ vào sau câu chuyện mà mình muốn bày tỏ tiếp theo để cho độc giả khỏi gấp sách lại. Đó là cái thành công của người viết sách. Chương đầu là niềm vui của bà Kim đóng vai làm Mẹ tham dự lễ ra trường Bác Sĩ y khoa tại Hung Gia Lợi của đứa con gái đầu lòng của mình. Đây là niềm vui chung của cả gia tộc; nhưng với riêng tình Mẹ, bà Kim rạng rỡ vô cùng lúc tham dự lễ tốt nghiệp nầy và câu chuyện của cuộc đời bà Kim đã được Trần Thị Nhật Hưng diễn tả qua một giấc mơ dài, lui về trong dĩ vãng suốt gần 200 trang giấy như thế, nó không phải là điều đơn thuần đối với người viết, vì lẽ trên thực tế đọc suốt cuộc đời của Cô Cho cho đến hóa thân thành bà Kim trong suốt hơn 50 năm ở trong nước cũng như ở ngoại quốc không có gì đặc biệt, những thăng trầm cuộc đời của một người con gái quê, ai cũng vậy; nhưng Bà Kim muốn ghi lại những nỗi khổ của mình lúc đương thời sau năm 1975 phải sống với chế độ cộng sản Việt Nam như thế nào và sau đó vượt biên sang Đức để rồi cha mẹ đã hy sinh cho con cái để ba cô con gái trở thành những người trí thức, tốt nghiệp Cao Học và Tiến Sĩ tại những Đại Học danh tiếng Âu Mỹ là cả một giấc mơ mà cả Ông Phương và Bà Kim đều không có được, nếu vẫn tiếp tục sống dưới chế độ cộng sản Việt Nam trong hiện tại. Ở đây tình thương của một người Mẹ Việt Nam thật là bao la và sự hy sinh của người Cha thật là không có bến bờ nào có thể diễn tả hết được; nên thế hệ con cái của gần bốn triệu người Việt Nam hiện sống trên 143 quốc gia trên thế giới nầy đã làm cho người ngoại quốc đều ngưỡng mộ về sự giáo dục trong gia đình của người Việt Nam và thế giới lâu nay cũng đã ca tụng như vậy. Mới đây vào ngày 11 tháng 11 năm 2017 tại Đà Nẵng, Tổng Thống Donald Trump của Hoa Kỳ cũng đã ca tụng những sinh viên Việt Nam đang học ở ngoại quốc là một trong những quốc gia  mà sinh viên, học sinh Việt Nam luôn được tuyên dương là đứng đầu lớp, nhiều khi còn vượt trội hơn cả người bản xứ nữa. Đây là thành quả của giáo dục gia đình người Việt Nam chúng ta có được vậy.
 
Bà Kim trong tác phẩm”Cô gái Gò Công“nầy,  qua ngòi bút của Trần Thị Nhật Hưng còn chưa giới thiệu đủ là Bà còn làm những việc công ích từ thiện khác nữa, không những cho chùa Viên Giác ở Hannover, mà còn nhiều nơi ở Đức cũng như tại Viêt Nam. Quả thật người phụ nữ Việt Nam nầy rất khiêm nhường; nhưng chỉ chừng ấy đức tính như lo cho chồng, cho con, cho bà con chòm xóm, cho niềm tin của mình ở khắp đó đây đã để lại cho đời và nhất là cho những đứa con của mình được sinh ra tại Philippinnes hay ở Đức sau nầy nhìn ngắm và nhớ lại những gì mà cuộc đời của Mẹ mình đã trải qua, lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc sống, mặc dầu Mẹ mình không tốt nghiệp được Cao Học hay Bác Sĩ như mình; nhưng nếu không có những tấm lòng bao la như biển Thái Bình đó, thì chắc rằng sẽ không có Hoàng Anh, Hồng Anh và Huỳnh Anh như ngày hôm nay.
 

Quý Vị hãy từ từ giở sách ra đọc để tận hưởng những niềm vui nho nhỏ trong tác phẩm nầy; nhưng rất to tát đối với những người làm Mẹ cho bây giờ và mai hậu.
 
Viết xong vào lúc 10 giờ sáng ngày 19 tháng 11 năm 2017 tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc


Phương Trượng chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc – Hòa Thượng Thích Như Điển
 
 
Chùa Viên Giác gởi