GÓI RONG BIỂN
Chẳng biết hảo nhân nào treo gói rong biển và sườn non chay tẩm ướp, trên cửa ngoài, được món mặn để ăn cơm, thế là hôm nay khỏi ăn mỳ gói, khỏi mua bánh mỳ, cũng chẳng cần bún tươi như mọi khi.
Đã lâu, nay có cơm nóng, bao tử như ấm lên.Rong biển và sườn non xé mỏng tẩm ướp thế nào mà rất vừa miệng, hình như làm thủ công ngon hơn sản xuất công nghệ đóng gói! Đây phải là tay sản xuất đồ chay chuyên nghiệp; thảo nào cu Trí nhà ta cứ thích rong biển để ăn cơm.Các cửa hàng thực phẩm tại Mỹ chả thiếu gì, cu cậu cứ muốn rong biển làm tại Việt Nam. Nhờ người làm đã khó, mà gửi người xách tay đem qua cũng không dễ.
Mở bịch rong biển và sườn non, lại nhớ đến cậu con trai xa nhà lúc 20 tuổi, (tự thân đi đến xứ lạ, bất đồng ngôn ngữ, không cùng tập quán); 12 năm đang thèm đủ thứ đồ chay của quê nhà, bèn cột lại đem cất, nhưng không đành, phải nếm thử xem sao.Ui chao, sao mà ngon lạ, gói lại để gửi cho con khi có dịp.Tự nhủ,cơm nóng mình ăn với nước tương dằm ớt cũng được, có sao đâu!
Xa quê, không người thân thích, tự bươn chải kiếm cái ăn chỗ ở, thuế má đã khó, ốm đau không ai chăm,có đâu cái ăn theo sở thích. Thỉnh thoảng nhắc ba gửi rong biển. Chú Hưng trà quán Xưa và Nay mua cho chục gói sản xuất theo công nghệ,buồn ngủ gặp chiếu manh, nhưng cu cậu vẫn thèm rong biển làm thủ công. Hôm Tết có bạn của Trí về quê, nhờ thầy Huệ Quang làm giúp một ký, các quán chay của thầy nấu ăn rất ngon, nhưng chờ mãi không thấy.
Nuôi con từ lúc nằm nôi, ngủ với ba, ra ngồi vỉa hè kiếm cơm với ba hằng bữa,cho đến lúc vào lớp một, cha con mới gặp nhau vào chiều tối; tuổi 20, được cha lo cho con ra xứ người; cầm trong tay mảnh bằng “kỷ sư không gian” mà bản thân vẫn chưa được thường trú nhân, trong khi dân nhập cư lậu, không bằng cấp,không đóng thuế, lại được cấp thẻ xanh!phải chăng là phần số?
Bằng mọi giá phải lưu trú lại Mỹ khỏi bỏ công ăn học, dọn đường cho một tương lai phía trước.Học, học, làm, làm, xứ người đâu dễ thong dong như quê nhà.Từ sáng lái xe mấy tiếng trên cao tốc đến chỗ làm, về đến nhà cũng đã 7 giờ chiều, ghé tiệm chay mua những món rẻ nhất lấp trống dạ dày.tối và sáng bỏ ra 30 phút tĩnh tọa. Cứ ngày qua ngày với công việc tay trái mà kỷ sư chuyên môn về kiến trúc mới kham nỗi, thế mà cu cậu tay ngang đảm đang như chuyên nghiệp, nhờ vậy mới tồn tại hơn ba năm liền.
Ngày nào cũng gọi về tâm sự với ba,xem sức khỏe và sự sống của ba thế nào, nay ba ăn gì, ba đang làm gì...Việc làm tuy nhàm chán, cũng phải chấp nhận sau thời gian làm đủ nghề chân tay, đôi khi bị lừa công không lương.Trên đất khách quê người, đồng hương o ép đồng hương, gạt gẫm nhau mà sống.Nhà giàu cho con qua để ăn chơi, không chịu học, con nhà nghèo không chịu bươn chải cũng phải về lại Việt Nam. Những lúc ốm đau, nhớ nhà, con tự thán: “trên ba mươi rồi mà con vẫn chưa đền ơn ba, chưa lo được gì cho mẹ đến khi mẹ ra người thiên cổ.Nhà ba người ở ba cảnh giới, chả biết mẹ giờ ở đâu, có được thanh thản hay vất vả…vì thế mỗi ngày, cách nửa vòng trái đất, nghe giọng nói của ba cũng ấm lòng.
Hết chuyện học, chuyện làm, chuyện nhớ nhà cũng không quên “rong biển”.Vì vậy, mỗi khi có món ngon để lâu được, không dám ăn, nhìn rồi nhớ đến con đang thèm khát. Mang tiếng đi làm, mang tiếng kỷ sư, nhưng chưa có thẻ xanh, chỉ là công dân hàng hai, nhờ ăn chay và hạn chế tiêu xài mới đủ tiền chi phí cho phòng trọ, thuế má, xe, xăng mọi thứ trên đất nước tiền là cốt lõi.
“Rong biển” ôi mi là cái chi mà cám dỗ khẩu vị cậu trai xa xứ! giữa cuộc sống bao la bề bộn thực phẩm, rong biển vẫn là tối ưu cho một kiếp hẩm hiu!
Nói cho cùng rong biển vẫn là món ăn hợp khẩu vị của bao người ăn chay lẫn ăn mặn, thảo nào rong biển cứ ám ảnh,có chập chờn trong giấc ngủ của cu cậu chăng???
Gói rong biển và sườn non tẩm ướp, cứ phải thỉnh thoảng xem chừng mấy chú chuột có xơi như đã xơi cơm cháy chà bông của cô Ngọc gửi cho Trí, lại có thêm một nhiệm vụ mới canh chừng rong biển, Mới biết rong biển đáng giá ngần nào!
MM
_________________
MinhManNguyen gởi