“Gone with the wind” là một tác phẩm nổi tiếng thế giới, được Margaret Mitchell (1900-1949) sáng tác vào năm 1937. Đây cũng là tác phẩm duy nhất trong sự nghiệp văn chương của bà viết về cuộc nội chiến Nam – Bắc Hoa Kỳ, dựa vào bối cảnh tại Georgia và Atlanta thuộc miền Nam trong suốt thời chiến tranh và tái thiết đất nước.
Margaret Mitchell (1900-1949) và tác phẩm
Tác phẩm đã được dịch sang rất nhiều thứ tiếng, riêng về tiếng Việt đã có rất nhiều bản dịch với cùng một nhan đề là “Cuốn theo chiều gió”. Đó là một tựa sách “không thể nào hay và đầy đủ ý nghĩa hơn” so với tựa đề nguyên bản. Các dịch giả cũng gồm cả những người trong Nam trước năm 1975 như Vũ Kim Thư hoặc ngoài Bắc sau này như Dương Tường.
“Cuốn theo chiều gió”
“Cuốn theo chiều gió” là một cuốn “trường thiên tiểu thuyết” đã giành giải Pulitzer. Thoạt đầu Margaret Mitchell có ý định đặt nhan đề “Tomorrow is another day” (Ngày mai là một ngày khác) cho cuốn sách, lấy từ câu kết thúc tác phẩm, thay vì tựa đề “Gone with the wind” như chúng ta biết đến ngày nay.
Nội dung chính của câu chuyện diễn ra trong suốt 12 năm (từ 1861 đến 1873), xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính Scarlett O’Hara từ khi còn là một thiếu nữ 16 tuổi tại trang trại Tara của gia đình tại Georgia. Đến khi trưởng thành tại miền Nam, cô có tới 3 đời chồng và có 3 đứa con.
Đây là giai đoạn nước Mỹ xảy ra cuộc nội chiến (1861-1865) giữa hai miền Nam-Bắc. Miền Bắc chủ trương giải phóng nô lệ với 25 tiểu bang ủng hộ chính quyền Liên bang của Tổng thống Abraham Lincoln, trong khi 11 tiểu bang miền Nam chống lại và quyết định ly khai lập thành Liên minh miền Nam (Confederacy).
Nội chiến Nam – Bắc
Georgia là một trong các tiểu bang miền Nam, nơi kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào các đồn điền trồng bông vải, tận dụng sức lao động của nô lệ da đen trong một xã hội trật tự theo lối xưa, trọng tình nghĩa, thứ bậc, khá gần với kiểu phong kiến châu Âu. Các tiểu bang miền Bắc có nền kinh tế nghiêng về công nghiệp, hướng theo lối làm ăn tư sản.
Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm khi Lincoln thắng cử tổng thống năm 1860, và cuộc nội chiến duy nhứt trong lịch sử Mỹ đã diễn đã diễn ra. Thất bại sau cùng thuộc về phe miền Nam, họ yếu thế hơn hẳn, xét về dân số, quân số, tiềm lực kinh tế và sức mạnh quân sự.
Trong cuốn truyện, cuộc nội chiến Mỹ được kể lại rất sinh động từ góc nhìn của những người dân miền Nam. Ban đầu họ tự tin tới mức ngạo nghễ, xem thường đối phương từ ngay cách gọi khinh miệt “Bọn Yankee”, coi chiến thắng là điều tất nhiên.
Sau đó dần dần từ quan tới lính và dân miền Nam đều nhận ra thất bại là không thể nào tránh khỏi, nhưng họ vẫn nỗ lực hết mình trong một cuộc “chiến tranh nhân dân” đầy hào khí.
Những suy nghĩ, những sinh hoạt của người Georgia trong giai đoạn này được miêu tả vô cùng sinh động và kỹ lưỡng, qua nhiều câu chuyện về nhiều nhân vật khác nhau: thanh niên, phụ nữ, người già và cả người nô lệ da đen.
Nhiều năm sau khi miền Nam đã bị đánh bại, cái hố sâu ngăn cách giữa hai miền vẫn còn, việc đối xử của chính quyền thắng trận với các tiểu bang thua trận cũng gây ra vô số vấn đề phức tạp, dẫn đến phản ứng của dân miền Nam khi lập ra “đảng áo trắng” Klu Klux Klan, kỳ thị người da đen.
“Đảng Áo Trắng” Ku Klux Klan kỳ thị chủng tộc tại Miền Nam
Độc giả Việt Nam không thể không liên tưởng cuộc nội chiến Mỹ với cuộc chiến tranh 54-75 tại quê hương. Có điều, tại Mỹ đã không xảy ra tình trạng “cải tạo”, “đánh tư sản”, “đi kinh tế mới” hoặc “đổi tiền” như tại miền Nam Việt Nam.
Tác phẩm cũng cho ta cái nhìn tổng quát về chiến tranh, hàng loạt những quan điểm về chiến tranh được tác giả lồng ghép, khi mà kẻ thắng và người thua thực chất vẫn là kẻ thất bại, ngay từ khi họ phát động chiến tranh. Thứ chính nghĩa mơ hồ chẳng là gì so với những mất mát người dân phải trả giá.
Những câu chuyện của thời chiến, về sự chia cắt và sự thiếu thốn, được đặc tả rất thật, để độc giả hiểu được cái giá quá đắt của chiến tranh, đó là mạng người và cuộc sống bình thường ai cũng khao khát. Điều này được thể hiện rất rõ qua sự ám ảnh của nhân vật chính Scarlett: luôn bị đói, thiếu thốn mọi bề.
Scarlett biết rằng người nàng thầm yêu từ lâu, Ashley Wilkes, chuẩn bị đính hôn với cô em họ là Melanie Hamilton ở Atlanta. Scarlett cho rằng Ashley có ý định đính hôn vì chàng không biết nàng đã yêu mình. Nàng quyết định sẽ thổ lộ tình yêu với chàng và rủ chàng đi trốn. Nhưng mọi thứ không theo kế hoạch của Scarlett vì tuy Ashley ân cần với nàng nhưng nói rằng chàng vẫn sẽ cưới Melanie trước khi lên đường nhập ngũ.
Scarlett đã nhận lời lấy Charles Hamilton để “trả thù” Ashley. Cuộc Nội chiến nổ ra và các chàng trai phải đi nhập ngũ. Số phận thật nghiệt ngã, Charles đã chết vì bệnh đậu mùa ở căn cứ Nam Carolina trước khi có dịp ra chiến trường, để lại cho nàng một đứa con trai.
Scarlett đến Atlanta, tại đây cô nhanh chóng hòa mình vào sự nhộn nhịp và hối hả của thành phố này. Tại đây, nàng đã gặp Rhett Butler, người trước đây vẫn thường trêu chọc nàng. Giờ đây Rhett là một thuyền trưởng vượt phong tỏa, chuyên chở các mặt hàng thiết yếu cho miền Nam.
Kể từ đó mối quan hệ giữa Scarlett và Rhett được cải thiện. Rhett bằng bản tính hài hước, hay trêu chọc Scarlett và cố làm cho nàng vui. Tuy nhiên gần như cả thành phố đều căm ghét hắn. Trong khi đó Scarlett lúc nào cũng chỉ nghĩ đến Ashley.
Ashley chỉ quan tâm đến vợ mình, Melanie, và ngày Ashley rời nhà trở lại chiến trường, Scarlett lại một lần nữa thổ lộ tình yêu với chàng hi vọng chàng sẽ bỏ vợ để cưới nàng nhưng chàng không nói gì và nhờ nàng chăm sóc Melanie nếu chàng có mệnh hệ gì ngoài chiến trường.
Nội chiến Mỹ dưới hai màu cờ Bắc - Nam
Ở Phần 3 của truyện, cuộc nội chiến ngày càng diễn biến bất lợi cho miền Nam, người dân thành phố Atlanta phải di tản. Scarlett và Melanie không thể đi cùng mọi người vì Melanie đang có thai và có thể sinh con bất cứ lúc nào.
Sau khi Melanie sinh con, Scarlett phải cầu cứu Rhett và anh đã lấy cắp của quân đội một chiếc xe ngựa để chở Scarlett, Melanie và con chạy khỏi Atlanta. Tuy vậy, đi đến giữa đường thì Rhett bỏ mặc họ để gia nhập quân đội. Trước khi đi, anh hôn nàng và nói yêu nàng nhưng Scarlett giận dữ, chửi rủa và tát anh thẳng cánh.
Scarlett trở về đồn điền Tara khi mẹ mất, ngôi nhà bị tàn phá nặng nề, phần lớn các nô lệ đã bỏ trốn. Giờ đây, Scarlett trở thành chủ nhân đích thực của đồn điền bông vải và với bản tính ngoan cường, cách suy nghĩ thực tế, nàng dần vực dậy trang trại, làm mọi công việc, kể cả những việc mà khi xưa chỉ có nô lệ làm.
Chiến tranh kết thúc, nhưng một lần nữa số phận nông trại lại bị đe doạ khi “Chính phủ Yankee” tăng tiền thuế của đồn điền khiến Scarlett phải nhượng lại Tara cho tên quản gia Jonas Wilkerson, người Yankee và cũng là một kẻ da trắng cặn bã.
Để có tiền cứu Tara, Scarlett phải đến Atlanta mượn tiền Rhett. Lúc này Rhett vô cùng giàu có nhưng có lúc cũng phải ngồi tù. Scarlett đến thăm Rhett để mượn một khoản tiền mà không để anh biết là nàng đang cố tán tỉnh anh... chỉ vì tiền.
Nàng đã gần như thuyết phục được Rhett cho đến khi mắt anh thấy bàn tay chai sần của Scarlett, bằng chứng cho những công việc nặng nhọc mà nàng đã làm vì hoàn cảnh gia đình, khiến cô phải thú nhận mục đích thật sự của chuyến viếng thăm chỉ vì tiến khiến Rhett đã từ chối.
Trong cơn tuyệt vọng, Scarlett tình cờ gặp Frank Kennedy, chồng chưa cưới của Suellen, nay đã là chủ một cửa hàng và có một khoản tiền kha khá. Scarlett nói dối rằng Suellen đã lấy người khác và quyến rũ Frank để lấy mình.
Scarlett đã thành công với việc quyến rũ Frank và có tiền cứu Tara. Trong khi đó, Rhett ra tù và cho nàng mượn tiền để có thể mua thêm xưởng cưa với điều kiện: không được dùng tiền giúp Ashley Wilkes.
Scarlett điều hành xưởng cưa rất thành công nhưng nó cũng làm cho nàng bị nhiều dị nghị vì đó không phải là việc dành cho phụ nữ. Nàng đã có thai với Frank nhưng vẫn thường xuyên làm việc nơi công cộng nên ngày càng nhiều người khinh ghét.
Scarlett đã mời Ashley trở lại Atlanta giúp nàng điều hành xưởng cưa và ngăn chàng lên miền bắc kiếm việc làm. Ashley lưỡng lự nhưng Melanie kiên quyết đồng ý nên Ashley đành chiều theo ý vợ.
Sau khi sinh con, Scarlett thường xuyên lái xe ngựa một mình đến xưởng cưa mặc dù đã nhiều lần được cảnh báo về sự nguy hiểm. Một ngày nọ nàng bị một tên da trắng nghèo khổ và một tên da đen giải phóng tấn công và suýt bị cưỡng hiếp. May mắn có Big Sam, một nô lệ da đen từng làm việc ở Tara, đã cứu nàng kịp thời.
Frank, Ashley và một số người đàn ông khác thuộc đảng Ku Klux Klan phải đi trả thù và kết cục là Ashley bị thương và Frank bị giết. Còn các thành viên khác được Rhett tìm cách cứu họ. Sau cái chết của Frank, Rhett ngay lập tức cầu hôn Scarlet trước khi nàng có thể lấy một người nào khác.
Và đây là tâm trạng của Scarlet trước lời cầu hôn của Rhett trong hồi kết của “Cuốn theo chiều gió”:
"Bây giờ mình chưa nghĩ đến chuyện đó vội", nàng nghĩ thầm, vận dụng câu thần chú quen thuộc: "Bây giờ mà mình nghĩ đến nỗi mất chàng, thì mình phát điên mất. Để đến mai đã".
Scarlett sau đó cũng sinh cho Rhett một đứa con gái mặc dù nàng cũng không hề muốn. Chỉ vì “tình đầu” với Ashley, Scarlett kiên quyết không ngủ chung với chồng để tránh việc mang thai lần nữa. Rhett tức giận và cãi cọ liên tục với nàng về mối quan hệ bạn bè, cách nuôi dạy con cái. Anh muốn con gái mình sẽ trở thành một công chúa trong tầng lớp thượng lưu miền Nam cũ. Rồi Rhett cùng với con gái đi khỏi Atlanta...
Trong một lá thư viết ở thời điểm 5 tháng sau khi “Gone with the wind” được xuất bản và nhanh chóng trở thành sách bán chạy nhất tại Mỹ hồi năm 1936, tác giả Margaret Mitchell viết:
“Về kết thúc của cuốn tiểu thuyết và liệu rằng Rhett có quay về với vợ không, thực tình chính tôi cũng không biết. Tôi thực sự chưa bao giờ nghĩ về tương lai của các nhân vật sau khi câu chuyện khép lại. Tôi không hề lên kế hoạch trước cho tác phẩm, vì vậy, số phận các nhân vật cũng nằm ngoài khả năng tiên đoán và dự liệu của tôi”.
Tác phẩm “Gone with the wind”
Phim “Gone with the wind” do David O.Selznick sản xuất với đạo diễn Victor Fleming và kịch bản của Sidney Howard. Bộ phim được quay ở miền Nam nước Mỹ trong thời nội chiến. Các diễn viên chính bao gồm: Clark Gable, Vivien Leigh, Leslie Howard, Olivia de Havilland và Hattie McDaniel.
Ra mắt từ năm 1939 nhưng đến nay cuốn phim vẫn đứng đầu danh sách 100 bộ phim có doanh thu thành công nhất tại Mỹ. Kể từ khi được phát hành, “Cuốn theo chiều gió” đã đạt gần 2 tỷ USD doanh thu theo quy đổi lạm phát đồng tiền.
Poster phim “Gone with the wind”
Trong phim, tác giả đã để Rhett Butler nói một câu chửi thề “rất thật” với Scarlett O’Hara khiến độc giả phải ngỡ ngàng. Câu chửi thề bày tỏ mối quan tâm của người dân Mỹ sau cuộc nội chiến nói riêng và cả những suy nghĩ về chính trị của mọi người trong thời đại này.
“Frankly, my dear, I don’t give a damn”
(Thật lòng mà nói, em yêu à, anh cũng đếch thèm quan tâm!).
Nhân vật phụ “bà vú” Mammy do Hattie McDaniel thủ vai nhận được giải Oscar cho nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Bà là người phụ nữ Mỹ gốc Phi nhận được vinh dự tại giải của Viện Hàn lâm. Sự thật đáng buồn đã xảy ra tại buổi lễ trao giải Oscar, bà đã không có cơ hội được ngồi cùng những người người bạn đồng diễn chỉ vì là người da đen và phải ngồi ở khu vực riêng tách biệt.
Đứng từ quan điểm xã hội, “Cuốn theo chiều gió” bị chỉ trích vì các tình tiết dường như hướng đến việc cổ xúy chế độ nô lệ ở miền Nam nước Mỹ. Trong phim, những nhân vật da trắng được khắc họa đầy lý tưởng, tao nhã, khớp với hình mẫu "anh hùng", trái ngược những người Mỹ gốc Phi luôn ở thế dưới, đóng vai những người hầu phục vụ họ.
“Bà vú da màu” Mammy do Hattie McDaniel thủ vai nhận được giải Oscar cho nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất
Nữ diễn viên Vivien Leigh hình như sinh ra để trở thành nàng Scarlett O’Hara đầy cá tính còn Clark Gable nhiều năm qua đóng khung với Rhett Butler. Họ yêu nhau trong phim nhưng lại là những người xa lạ phía sau ống kính.
Với nụ cười nửa miệng, Clark Gable như chàng Rhett Butler bước ra từ tiểu thuyết. Phía sau ống kính, Gable hóa ra lại không thích bộ phim và nhân vật của chính mình như người ta tưởng tượng.
Nữ diễn viên Olivia de Havilland, người đóng vai cô em họ Melanie trong phim, từng chia sẻ về những câu chuyện phía sau ống kính khi bà bước vào tuổi 100.
“Tôi được biết Clark Gable không thích cuốn tiểu thuyết này. Theo anh ấy, “Cuốn theo chiều gió” là câu chuyện về những người phụ nữ. Tại thời điểm đó, anh đang hoàn tất thủ tục ly hôn, anh ấy ghét nhân vật Rhett Butler. Thực tế là anh ấy cần tiền để giải quyết ly hôn, anh ấy cần đóng bộ phim này vì tiền”.
Clark Gable và Vivien Leigh trong phim
Mối quan hệ giữa Vivien Leigh và Clark Gable còn bị miêu tả là “bất hòa”. Trong một lần phỏng vấn, Vivien Leigh thẳng thắn nói: “Hôn Clark Gable không hề thú vị chút nào. Tôi không thích hàm răng giả và hơi thở đầy mùi của anh ta”.
Một điều khiến Vivien Leigh không ưa Clark Gable còn vì khoảng cách thù lao quá lớn giữa hai người. Cô phải làm việc trong 125 ngày và được nhận 200 USD một ngày. Trong khi bạn diễn nam làm việc trong 10 tuần và nhận 12.000 USD cho mỗi tuần. Điểm chung giữa Clark Gable và Vivien Leigh trên phim trường có chăng là thuốc lá. Clark Gable có thể hút 3 bao thuốc mỗi ngày còn Vivien Leigh hút tới 4 bao.
Họ cũng có những bước ngoặt buồn trong cuộc đời. Vivien Leigh từ một ngôi sao hàng đầu trở thành nữ diễn viên bị chê gàn dở, tâm thần bất ổn, nghiện rượu. Vivien Leigh ly hôn Laurence Oliviver vào năm 1961 và qua đời vì bệnh lao khi mới 54 tuổi. Clark Gable từng rơi vào giai đoạn bế tắc vì rượu và chất kích thích sau khi bạn đời Carole Lombard qua đời do tai nạn máy bay. Ông mất năm 1960 do đột qụy ở tuổi 59.
Cảnh trong phim “Gone with the wind”
Chiến tranh bao giờ cũng tàn nhẫn. Dù đó là một cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ hay là cuộc chiến đã qua tại Việt Nam. Số phận của người phụ nữ dù không thực sự dấn mình trong lằn tên mũi đạn nhưng hậu quả của chiến tranh vẫn luôn ám ảnh cả trong thời chiến lẫn thời bình!