Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
HAI VẠCH MỐC THỜI GIAN
 

Ngày 30 tháng Tư lại lừng lững trở về. Con số này mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng cho hàng triệu triệu người ở ngoài cũng như còn trong nước. Riêng tôi, tình cờ, nó lại là con số không chỉ đánh dấu 1 biến cố đảo lộn hết mọi thứ trong cuộc đời của tôi, mà tới 2 lần.
 
30/04/1975, tôi chưa đủ 10 tuổi để hình dung được cái gì sẽ xảy đến cho gia đình, những người thân yêu, chòm xóm và bạn bè, huống chi là hiểu được cái gì sẽ xảy ra với thành phố mến thương, nơi tôi sinh ra rồi lớn lên, với cái to lớn hơn tôi được dạy gọi là “quê hương”.

Phải đợi đúng bốn năm sau, khi tôi cầm tấm bảng đen nhỏ trên tay, (trên đó một người chị nào đó viết bằng phấn trắng họ tên, con số của chiếc ghe đã đưa tôi ra khỏi quê hương, ngày đến đảo và ngày sinh của tôi), giơ lên trước ngực rồi nhìn vào một ống kính để chụp tấm hình lập hồ sơ cho UNHCR, tôi chính thức thành một “thuyền nhân tị nạn cộng sản”. Lúc đó tôi mới dần dần hiểu thấu được ý nghĩa của một “Boat people”.
 
Trước đó chữ “boat people” chưa hề có mặt trong bất cứ cuốn từ điển nào trên thế giới. Lịch sử loài người đã có rất nhiều các cuộc di cư, di tản, tị nạn. Gia đình Joseph và Maria xứ Nazareth chính là những người lưu vong xa xứ khi sắp sửa cho đứa con đầu tiên của họ chào đời,  mà sau này người con đó lập ra một tôn giáo rất quan trọng trên hành tinh này. Nhưng chưa bao giờ có một làn sóng người đông đúc đã chọn cách trốn tránh đàn áp, lao khổ, trên những chiếc ghe, thuyền đóng bằng gỗ mong manh, dật dờ nhiều ngày trên biển khơi đầy phong ba, bão tố và hải tặc!!! Thế mà sau cái ngày định mệnh 30 tháng Tư đó không lâu, hàng triệu người đã chọn lối thoát đó. Nhiều đến nỗi lần hồi thế giới biết đến hoàn cảnh bi đát ấy và bắt đầu gọi họ là “thuyền nhân”.

Tôi nghe nói, hai chữ “người Tàu” mà người Việt Nam mình dùng để gọi những người Minh Hương đến định cư tại Việt Nam, đặc biệt rất nhiều ở vùng Hà Tiên, là vì các con cháu và bộ hạ đi theo vị tướng soái Mặc Cửu  của họ đã cập bến miền Nam trên những chiếc TÀU (buồm?), vì họ không muốn đầu hàng triều đại nhà Thanh đã lật đổ triều đại nhà Minh trên cố hương của họ. Không biết tôi hiểu như vậy có đúng không? Thời đó chưa có Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), nhưng tôi phỏng đoán, nếu có, chưa chắc họ sẽ mang tên “boat people” như chúng tôi bây giờ. Vì hai chữ “thuyền nhân” rất đặc thù, luôn luôn chỉ được dùng cho nhóm người Việt Nam phải tị nạn chế độ cộng sản, mặc dù quê hương của họ vừa mới được tái lập hòa bình, được thống nhất Bắc Nam!
 
Đó mới là điều đau lòng nhất cho quê hương và giống nòi của tôi! “20 năm nội chiến từng ngày”, bao nhiêu tấn bom đã dội lên mảnh đất màu mỡ phì nhiêu, bao nhiêu cây cầu bị mìn giựt sập, bao nhiêu trường học bị pháo kích, bao nhiêu đau thương và mất mát đã xảy ra hằng ngày… thế mà không có một người miền Nam ở dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa tìm đường bỏ nước ra đi. Thế mà chỉ mới 1-2 năm sau “ngày thống nhất, hòa bình” đó, người ta lại lũ lượt tìm mọi cách để thoát thân! Bằng đủ mọi cách: Băng rừng lội suối, vượt qua Campuchia để đến Thái Lan; Lên những chiếc ghe ọp ẹp gọi là “đi chui” hay “đi bán chính thức”. Tất cả đều đầy bất trắc, nguy hiểm như nhau!
 
Cách đây không lâu, có một tài tử Hollywood tên Quan Kế Huy nhận lãnh giải thưởng Oscar. Điều Ông gây ấn tượng nhất cho tôi là khi Ông lãnh giải, bên cạnh những xúc động bộc lộ qua đôi mắt long lanh ngấn lệ, giọng run run, Ông bắt đầu ngay với hai câu tự sự:
“Cuộc hành trình của tôi bắt đầu trên một chiếc ghe. Tôi sống qua một năm trong một trại tỵ nạn. Và bây giờ …”

Không biết manager của ông có căn dặn Ông đừng đá động gì đến 4 chữ nhạy cảm “tị nạn cộng sản” hay không, để tránh tạo những khó khăn không cần thiết với chính quyền Trung Quốc là gốc gác của gia đình Ông, nhưng với hai câu nói đó thôi, Ông đã khẳng định được 2 điều:
1/ Ông là một thuyền nhân.
2/ Ông đã từng ở trại tị nạn.

Hai điều đó kết hợp với nhau tạo thành một lý lịch không thể chối cãi hay bẻ cong được rằng ông là người tị nạn cộng sản, một “boat people”.

Vậy mà chỉ vài ngày sau, trên Instargram, tôi thấy được một Meme của một cơ quan ngôn luận nghiêm túc của Đức (Funk) chiếu đi chiếu lại cảnh ông Huy tay cầm chặt tượng vàng, gần như là khóc nức nở kêu “Mẹ ơi! Con trai mẹ vừa mới thắng giải Oscar đây”. Họ đem ra làm trò cười, chua thêm những lời chú thích diễu cợt đại loại: “Tôi, lúc vừa về nhất Mario Cart / Tôi, lúc vừa ăn hết một TK-Pizza / Tôi, lúc vừa viết được điểm 4- trong môn Toán / Tôi, lúc vừa dọn dẹp xong phòng ốc của mình“! Vì họ không hiểu được cảm xúc của một người tị nạn phải bắt đầu từ con số không tại một đất nước xa lạ. Họ cũng không để ý đến đoạn đầu tiên trong lời cảm ơn của ông, đến 2 câu tự sự “khai lý lịch” của Ông. [Sau một thời gian, có rất nhiều phê bình nhận xét thấy việc diễu cợt đó không lấy gì là lịch sự nên cơ quan truyền thông đó có lên tiếng cắt nghĩa, nhưng vẫn không chịu gỡ xuống clip đó!]

Cái Meme đó nhận khá nhiều lời bình luận nên tôi cũng tò mò đọc lướt qua. Tôi đã hết sức ngỡ ngàng, nếu không muốn nói là bất bình hay chua cay vì thấy người Tây Phương vẫn có một cái nhìn về cuộc chiến Việt Nam hết sức phiến diện. Có khá nhiều bình luận đại ý như: “Ồ, bây giờ ông ta, (tức Quan Kiến Huy) lại hết lòng cảm ơn nước Mỹ là nước đã đem bao nhiêu súng ống, đạn dược đến để thực hiện chiến tranh tại Việt Nam”, v.v.. và v.v.. Họ không hiểu được đất nước tôi vô phúc bị chọn làm chiến trường cho cuộc chiến tranh giữa 2 khối cộng sản và tư bản.
 
Mới đây thôi, con gái tôi rủ tôi xem một phim trên Netflix với tựa đề “A Tourist ’s Guide To Love”, một phim “hài, vui nhộn, trộn với tình cảm lãng mạn” (romantic comedy). Phim do Rachael Leigh Cook sản xuất, đồng thời thủ vai chính, kịch bản do Eiren Tran Donohue viết và đạo diễn là Steven K. Tsuchida. Trong mắt tôi, phim thuộc hạng dưới mức trung bình vì cốt truyện lẫn making-of rất nhạt nhẽo, sử dụng những clichés khuôn sáo có sẵn, để tả về một Việt Nam là một nước du lịch tuyệt vời. Bà Cook muốn giới thiệu về Việt Nam không chỉ có thiên nhiên xinh đẹp mà điểm đặc biệt nổi bật của Việt Nam là lối sống và cách cư xử của người dân Việt rất vui vẻ, hiếu khách, tiến bộ, nhưng đồng thời vẫn giữ được những nét đẹp của văn hóa xưa (điều này tôi rất quý). Nhưng đi xa hơn, mục đích của Mrs.Cook là muốn nhắc cho khán giả biết rằng Việt Nam giờ đã khác xa với một Việt Nam luôn làm đa số người Mỹ chỉ nhớ đến chiến tranh, đã có thời làm cả nước họ xuống đường biểu tình, làm lung lay cả Toà Bạch Óc cuối thập niên 60!

À há! Người đồng minh phản bội năm xưa, không những chưa bao giờ lên tiếng xin lỗi nước đồng minh bạn, mà giờ lại còn muốn rêu rao “Việt Nam bây giờ xinh đẹp, dễ thương vô cùng, chẳng ai nhắc lại một tí gì về chiến tranh đâu… Quý vị hãy về và nhớ ráng đi tìm những tổ chức du lịch  tiếp cận, sẽ tìm được nhiều góc cạnh tuyệt vời về đất nước và con người Việt Nam lắm!”

Hỡi ôi cho sự ngây thơ hoặc hời hợt của cô đào điện ảnh Mỹ Leigh Cook! Mục đích của Cook xét ra cũng “tốt bụng”, nhưng rất may rằng phim không được đánh giá tốt lắm. Bình luận hầu hết thẩm định: “Phim chỉ có cảnh đẹp, ngoài ra thì quá nhiều clichés không kể xiết; Phim chỉ đem cho người xem vài giây phút giải trí rồi sẽ quên đi …”

Mong rằng quan điểm của Cook không phải là quan điểm chung, đại diện cho đa số người Mỹ hiện nay.
 
Tôi thực sự không thuộc loại người suốt đời chỉ thích trách móc người phản bội, càng không phải người không có khả năng buông xả. Vâng, tôi yêu chuộng hòa bình, luôn cố gắng tạo những giao hảo tốt giữa các con người với nhau, là một người đi đầu của “hoà hợp, hoà giải dân tộc”. NHƯNG xin chỉ hoà hợp, hoà giải thực lòng và rốt ráo - điều mà Ba Mẹ tôi cũng như bao nhiêu người cùng thế hệ ông bà đã mong đợi và tin cậy sẽ nhận được - nhưng hy vọng khiêm nhượng, nhỏ nhoi đó đã bị chế độ mới phá bỏ không thương tiếc!
 
1954, ba mẹ tôi đã phải một lần bỏ xứ sở quê hương, bà con, người thân thương ruột thịt, chòm xóm láng giềng lại hết sau lưng và làm lại từ đầu.

1975, hai vị lại phải đứng trước một quyết định nặng nề, nghiêm trọng. Nhưng ba mẹ tôi đã chọn ở lại, không di tản dù có khả năng dễ dàng. Sau này tôi có dịp hỏi cả hai “Sao ba mẹ không chọn đường chạy sớm lúc 30/04?”, thì được biết: Ba mẹ cũng đã mệt nhoài với trên 20 năm nội chiến, huynh đệ tương tàn; Ba mẹ không tin có trả thù ác nghiệt từ phe chiến thắng, vì dù gì cũng là người cùng một tổ tiên, màu da và tiếng nói cơ mà; Thôi thì cũng là hoà bình, thống nhất Bắc Nam! …

Thế nên chúng tôi cũng như mấy chục triệu người của “chế độ cũ” mới phải chua cay nhận ra niềm hy vọng mình có được là vì quá ngây thơ! Một sớm một chiều, gia đình chúng tôi trở thành “Ngụy quân, có nợ máu với nhân dân, là tay sai cho thực dân, đế quốc”, v.v… Ba bị đưa ra tận núi rừng Việt Bắc mịt mùng không biết ngày nào được về. Mẹ một mình xoay xở với bầy con chỉ biết ăn học chứ chưa bao giờ biết lao động theo ý nghĩa Mác-Lê. Nói là xoay xở cho oai chớ thực tế bà chỉ có một cách là bán dần tư trang, của cải dành dụm được để chúng tôi không đói rách quá. Chưa ai trong nhà phải lao ra chợ trời buôn bán.
 
Nhưng tôi nhớ rõ rằng trong những năm đầu đó, mẹ và chị em chúng tôi vẫn sẵn sàng và thực sự chịu đựng được những đói khổ, thiếu thốn về vật chất. Chỉ về mặt tinh thần thì chúng tôi gục ngã thảm bại! Một không khí nghi kỵ, ngột ngạt, bất trắc, phập phồng lan tỏa khắp nơi, không chỉ giữa làng xóm với nhau mà nó như một khối ung thư tiếp tục len lỏi vào giữa họ hàng ruột thịt, bà con xa gần! Bà tổ trưởng tổ dân phố luôn làm như thân mật, quan tâm thăm hỏi mẹ con chúng tôi, nhưng thật ra là muốn dụ dỗ mẹ tôi: “Chị chấp nhận đi Kinh Tế Mới là ông nhà được về liền”. Rất may Mẹ không nhẹ dạ tin theo lời đường mật đó, nhưng những đe dọa vu vơ, bóng gió đó trở thành áp lực thường xuyên và ngày càng rõ rệt và gia tăng. Mẹ không lo sợ sao được khi phải dự một khóa “bồi dưỡng nghiệp vụ” học về Mác-Xit, Lê-Nin-Nít, phải chịu tẩy não cấp tốc và nhồi sọ gắt gao xong mới được trở lại phấn trắng bảng đen, trước khi “lên lớp” phải trình giáo án cho giám học là một cán bộ mặt lạnh như tiền; Rồi học tập, thu hoạch, báo cáo, lao động xã hội chủ nghĩa triền miên tại trường, tại tổ dân phố; Khi thấy các con lần lượt xong trung học nhưng không đậu được vào bất cứ một đại học nào vì lý lịch; Khi thấy đứa con út xấp xỉ 12 tuổi về nhà kể đã đi xem “Triển lãm tội ác Mỹ Ngụy” với Đội thiếu niên khăn quàng đỏ; Khi thấy các cô cậu thanh niên đeo băng đỏ đập cửa đòi lấy sách đem đốt trong chiến dịch “Bài trừ văn hóa đồi trụy”, v.v..
 
Một năm sau, họ hàng ngoài Hà Nội bắt đầu lục tục vào Nam thăm gia đình chúng tôi. Không một ai dám lên tiếng đỡ đầu cho một đứa cháu nào xin được một chỗ trong trường đại học. Đa số chỉ vào để xin xỏ đồ đạc. Xin nhiều chắc thấy mất công và xấu hổ, nên thỉnh thoảng vài món trong nhà không cánh mà bay đi mất. Như máy nghe radio và cassette với đúng cái băng có bài “L’amour, c’est pour rien” còn nằm trong đó, bất ngờ chễm chệ trên tủ của họ ngoài Hà Nội, đứng cạnh vài chai rượu ngoại nhìn thật quen, rất đắt tiền và khó tìm thời ấy! Bác gái ruột không gian manh vì Bác ấy ngù ngờ, rụt rè , bỡ ngỡ với đủ mọi máy móc kỹ thuật trong Nam hầu như nhà nào cũng có. Tôi nhớ hoài hình ảnh bác giật thót mình khi chúng tôi bật tivi lên xem. Bác thú thật với các cháu lần đầu tiên thấy cái máy vô tuyến đó, “bác tưởng như có một người lạ nào nhảy vào trong cái hộp đó”. Rồi bác cứ trầm trồ, mở to mắt, há hốc mồm trước cái tủ lạnh, quạt máy điện trên trần lẫn quạt đứng, cái máy giặt “quay vòng vòng mà giặt thật sạch tất cả áo quần cho gia đình”, cái tủ quần áo chật ních và thơm phức của ba mẹ tôi, tủ sách lớn đầy kín những sách vở xưa, có nhiều cuốn do chính tay Ông Ngoại (tức cha ruột của bác) mua về, cho đóng bìa cứng, mạ chữ vàng ở gáy sách. Mấy ngày cuối trước khi lên đường trở ra Bắc, tôi hay lăng xăng theo Bác gói quà cáp, vật dụng Bác mua về. Tôi còn nhỏ nên rất tự nhiên hỏi Bác sao lại đem vải vụn và những bịch dây thun về ngoài đó? Bác đỏ mặt nói với tôi “những cái này cũng quý lắm cháu ạ”. Trong đầu óc non nớt của đứa trẻ 11 tuổi, tôi không hình dung được “ngoài đó” ra thế nào, nhưng tôi mơ hồ thấy có cái gì hơi kỳ kỳ, là lạ.Bác trai thì hơi khác: Bác chỉ có mỗi hai thú vui là mượn xe đạp của chúng tôi tìm những tiệm “để ăn một bát phở đúng hương vị ngày xưa” và buổi trưa thì tất tả đến trước cổng trường Gia Long hoặc Trưng Vương để ngắm các tà áo dài trắng của các nữ sinh tan trường, mà theo bác “đẹp như một đàn bướm trắng đang bay ra khắp các nẻo đường”. Chỉ có một lần, bác bâng quơ nói “sợ sắp tới không còn được ngắm những cảnh đẹp này đâu!”
 
Tôi không biết hai bác có tâm sự hay khuyên lơn gì Mẹ nên sớm lo cho tương lai các con hay không. Cuối năm 1978, nhà nước thúc đẩy người Việt gốc Hoa ra đi bán chính thức. Mẹ tôi nắm ngay cơ hội đó, đẩy 6 đứa con gái xuống tàu. Canh bạc đó Mẹ thắng lớn, chúng tôi đi trót lọt, (lọt qua được 3 tàu hải tặc Thái Lan với mất mát vật chất, của cải chớ không mất danh dự hay mạng sống như bao câu chuyện thương tâm khác). Khi bước chân lên đảo Mã Lai, nhìn quanh khắp chốn tôi mới ý thức được Mẹ thương chúng tôi biết chừng nào, vì người ta ngạc nhiên tại sao chúng tôi “chỉ là” con gái, đâu có bị bắt đi nghĩa vụ quân sự đâu mà lại vượt biển chi với bao nhiêu tốn kém và nguy hiểm!?! Vâng, Mẹ lo cho tương lai chúng tôi, hy sinh ở lại chờ ngày Ba được thả về, (nếu Mẹ đi luôn, coi như mất nhà, mất hộ khẩu, Ba có được ra tù thì sẽ thành vô gia cư không nơi nào chứa chấp, kể cả các anh chị em ruột còn khá nhiều ngoài Hà Nội!)

[Một chi tiết nhỏ: khi được thả về, Ba tôi bắt ngay chuyến xe lửa sớm nhất để về Sài Gòn, không thèm vương vấn một tí gì với gia đình, họ hàng tại Hà Nội, hay ít nhất một lần tạt ngang nhìn lại căn nhà mình được chào đời và lớn khôn tại đó. Về đến Sài Gòn, Ba tôi giục Mẹ tìm đường cho ông vượt biển ngay. Lúc đó ông phải chọn đường “đi chui”, nếu bị bắt coi như tàn đời, nhưng Ông bất chấp. Thật may mắn, Ông cũng đi thoát trót lọt]
 
Trở lại việc chúng tôi là một lũ con gái đi vượt biển, cả chục năm sau, tôi có một cơ hội đối đáp thẳng thừng với một người cô ruột, khi cô nhận xét, có ý khen ngợi “Mẹ là một phụ nữ can đảm thật, dám cho 6 cô con gái đi vượt biển như thế”, tôi đã dõng dạc nói: “Can đảm chắc cũng không nhiều lắm đâu ạ! Tại chế độ hà khắc quá nên Mẹ phải buộc lòng đẩy chúng cháu xuống thuyền, rủi nhiều hơn may, nhưng vì không thể ở lại nổi nữa. Đơn giản chỉ có thế thôi ạ! Trong Nam, người ta nói “cái cột đèn mà biết đi thì nó cũng tìm cách vượt biên” là không ngoa đâu cô!”
 
Đứng dưới bàn thờ Mẹ và nói câu đó, tôi tin Mẹ không giận vì tôi đã không tặng cho Mẹ lời khen can đảm, vì Mẹ hiểu tôi muốn cho những người tự nhận mình đứng trong phe thắng cuộc, đừng tưởng rằng mình đã đi “giải phóng, cứu miền Nam thoát khỏi Đế quốc Mỹ, tên Sen đầm quốc tế xừng xỏ, gian ác …” Họ cần hiểu ra được một ít sự thật từng bị bưng bít, chối bỏ hay cố tình bẻ cong (“Bọn bỏ trốn ra nước ngoài là bọn phản động, chạy theo bơ sữa, đu càng giặc Mỹ, đánh phá cách mạng” v.v..)
 
Chồng tôi khuyên đừng nói các chuyện đó với những người bên kia làm gì, vì họ suốt đời không thể hiểu được. Tôi lại nghĩ khác: Nếu không là chúng ta, những nhân chứng của thời tao loạn, bị cướp hết mọi cơ sở để sống ngay thẳng, thì còn ai có thể làm việc ấy? Các con tôi đã dần lớn, trên đầu tôi cũng đã có hai thứ tóc, trí nhớ tôi còn minh mẫn sắc bén, thì tôi chỉ việc kể lại những gì đã thật sự xảy ra. Tôi không kêu gọi hận thù, chia rẽ, khủng bố nhau, nhưng tôi, chúng ta, cần nhắc đến sự thật. Không nhắc đến để sống yên thân - đối với tôi - là một hành động phản bội tiền nhân, phản bội lương tâm.

Bạn bè thì đủ mọi thái độ và hành động khác nhau. Người vẫn còn “lửa nung sôi trong máu”, người chọn cuộc sống khép kín, lặng lẽ vui hưởng tuổi già và thành công của con cái. Cũng có kẻ chạy theo cám dỗ của vật chất nên quay trở về hợp tác với chế độ đã từng xua đuổi họ. Thậm chí họ còn trịch thượng dạy dỗ, nhắn nhủ chúng tôi rằng chỉ có những người ở trong nước mới có thể tạo ảnh hưởng lên những xấu xa của chế độ. Vâng, tôi biết chứ. Nhưng tôi hy vọng họ hợp tác làm việc, thực sự tạo những ảnh hưởng tốt cho tiến trình xây dựng một xã hội công bằng, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, phát ngôn và tư duy. Hay là họ đang tự ru ngủ chính bản thân rằng họ đang đem lại cơm áo cho đồng bào trong nước, đem lại kiến thức, khoa học, kỹ thuật cho xã hội đây mà. Nhưng song song với việc đó, họ che mắt, bịt tai và ngậm miệng trước những bất công đầy dẫy đang xảy ra với đồng bào thua kém họ về tài sản lẫn trí tuệ tại quê nhà. Với những người vì chịu ơn mưa móc của đảng, một mặt trung thành với chế độ, nhưng mặt kia lại kín đáo khôn ngoan gửi con cháu cùng tài sản ra nước ngoài, chuẩn bị để “đáp cánh an toàn”…, với những người đó, tôi khinh họ! Tôi từ chối thẳng, không ngồi nghe những luận điệu cũ sàm, thuộc như vẹt nên rất trâng tráo của họ.

Nếu có đối thoại, tôi thích đối thoại với những người chịu khó đi tìm sự thật, điểm sai của cả đôi bên. Họ mới là hy vọng của Việt Nam, một đất nước tôi vô cùng yêu mến. Đã bao lần tôi cứ nghẹn ngào khi thấy tại sao người Đức lại có cái diễm phúc lớn như vậy? Họ cũng từng bị chia đôi đất nước, nhưng họ đã may mắn không tốn một giọt máu nhưng cũng được thống nhất. Đông Đức thoát ách cộng sản, đất nước được hưởng chế độ dân chủ và bây giờ ngày càng phát triển, hùng mạnh hơn. Còn dân tôi!?! Có độc lập không? Có tự do không? Có hạnh phúc chân thực không?
 
Con số 30/04 chưa bao giờ ngưng thôi khuấy động bao ưu tư về quê hương và nòi giống trong tôi.
 
ChùaLá, 24/04/2023, Nttk.

_____________________


Hoang Nguyen gởi