Hàng không Nga, từ “mạnh khỏe” chuyển sang… “từ trần”
Khi nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt dồn dập của phương Tây vì cuộc xâm lược Ukraine, ngành hàng không thiết yếu của nước này cũng bất ngờ… đột tử.
Về cơ bản, các hãng hàng không Nga đã bị hầu hết các quốc gia trên thế giới cắt đứt quan hệ. Nhưng đó chỉ là vấn đề nhỏ. Quan trọng hơn, những chiếc máy bay nội địa Nga sẽ sớm trở thành “quan tài bay” do mất an toàn. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) đồng nghĩa với chuyện hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Boeing và Airbus không thể cung cấp phụ tùng thay thế hoặc hỗ trợ bảo trì cho các hãng hàng không Nga. Điều này cũng đúng với các công ty sản xuất động cơ phản lực.
Các hãng hàng không Nga sẽ rất khó khăn, thậm chí phải ngưng hoạt động do cạn kiệt các bộ phận thay thế cần thiết trong vài tuần nữa. Chọn lựa nguy hiểm khác là vẫn tiếp tục bay, bỏ qua khuyến nghị thay thế thiết bị định kỳ để bay an toàn. Charles Lichfield, Phó giám đốc Trung tâm GeoEconomics tại Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), một tổ chức tư vấn quốc tế nhận xét: “Theo tôi, trong danh sách ưu tiên của chính phủ Nga hiện nay không có chỗ cho sự an toàn và độ tin cậy của người tiêu dùng!”.
Một tin xấu khác là hãng hàng không lớn Aeroflot của Nga đã bị loại khỏi Sabre, công ty cung cấp hệ thống máy tính cho phép các hãng hàng không dễ dàng nhận đặt vé. Các công ty cho thuê máy bay, chủ nhân của khoảng 80% trong gần 900 máy bay thương mại đang hoạt động tại Nga, đã được lệnh lấy lại các máy bay cho Nga thuê vào cuối Tháng Ba. Theo dữ liệu từ công ty phân tích hàng không Cirium, tổng giá trị khai báo của những chiếc máy bay thuê này khoảng $13.3 tỷ, dù giá trị thị trường hiện nay không nhiều như thế.
Kéo theo sự thất nghiệp của khoảng 355,000 người trong ngành công nghiệp hàng không Nga nói chung (ảnh: Mike Egerton/PA Images via Getty Images)
Richard Aboulafia, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn AeroDynamic Advisory, dự báo: “Trong vòng một năm nữa, ngành hàng không Nga sẽ gần như… xóa sổ với rất ít máy bay còn hoạt động”. Các hãng hàng không quan trọng đối với kinh tế Nga nên bất cứ vấn đề gì xảy ra cũng gây hiệu ứng xấu lên nền kinh tế. Nga là quốc gia lớn nhất thế giới tính theo diện tích đất liền, gấp đôi diện tích lục địa Mỹ.
Chính vì vậy, Nga cần có một ngành công nghiệp hàng không ổn định để giữ cho nền kinh tế hoạt động suôn sẻ. Người Nga không bay nhiều như người Mỹ. Họ không bay tới Siberia để nghỉ dưỡng, trừ các tài phiệt. Nhưng hàng không là một mắt xích quan trọng đối với các doanh nghiệp, không chỉ các chuyến bay quốc tế, mà còn phục vụ nội địa cho kỹ nghệ năng lượng, vận chuyển kỹ sư, công nhân và thiết bị khác đến và đi từ các mỏ dầu xa xôi. Hàng không là xương sống của nền kinh tế và thuộc số ngành ít ngành căn bản để Nga duy trì vị thế.
Các hoạt động nội địa của các hãng hàng không Nga chỉ bằng một phần nhỏ quy mô hoạt động nội địa của ngành hàng không Mỹ (khoảng 7% số chuyến bay trong năm ngoái, theo dữ liệu của Circium). Nhưng không giống Mỹ, hàng không Nga đã phục hồi hoàn toàn sau đại dịch và số chuyến bay nội địa tăng 8% trong năm 2021 so với năm 2019, trong khi bay nội địa Mỹ còn thua năm 2019 đến 22%. Với vô số lệnh trừng phạt đánh vào nhiều lĩnh vực, chắc chắn kinh tế Nga sẽ không thể duy trì được mức tăng trưởng của năm ngoái, thậm chí nhiều năm sau đó.
Không còn các bộ phận thiết yếu và máy bay bị thu hồi đồng nghĩa với khả năng phục hồi của Nga trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mới đây, Nga dọa sẽ tịch thu máy bay đang thuê! Một số công ty cho Nga thuê máy bay là của Trung Quốc, và Trung Quốc vẫn chưa áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt nào.
Tuy nhiên, có thể các công ty cho thuê của Trung Quốc cũng cảm thấy phải lấy lại các máy bay phản lực Boeing và Airbus mà họ đã cho các hãng hàng không Nga thuê. Lý do là họ không muốn mạo hiểm với bất kỳ rắc rối nào khi phải mua thêm máy bay từ Airbus hoặc Boeing trong tương lai. Đây là các máy bay phản lực của phương Tây, và người ta không biết chắc cách công ty Trung Quốc ứng phó với các lệnh trừng phạt. Quan trọng hơn là những chiếc máy bay phản lực Boeing và Airbus cho Nga thuê sẽ không còn được hỗ trợ các bộ phận và bảo trì do lệnh trừng phạt.
Một bài đăng trên thông tấn xã Nga TASS dẫn lời Valery Kudinov, người đứng đầu bộ phận kiểm soát máy bay tại Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga, cho biết Trung Quốc sẽ không vận chuyển đến Nga các bộ phận thay thế của những chiếc máy bay cho Nga thuê. Trong khi đó, để chống lại việc thu hồi máy bay cho thuê, Nga đã công bố kế hoạch ban hành một luật mới nhằm ngăn chặn những máy bay này rời khỏi nước. Nhưng làm vậy sẽ không còn ai dám cho Nga thuê máy bay trong tương lai sau khi lệnh trừng phạt kết thúc.
Các hãng hàng không Nga sẽ không còn làm ăn được với các công ty cho thuê máy bay nữa! – nhận xét của Betsy Snyder, nhà phân tích tín dụng thuộc Standard & Poor’s. Ngành sản xuất toàn cầu sẽ dễ dàng sống mà không có Nga, vì Nga chỉ chiếm khoảng 1% tổng doanh số bán máy bay thương mại. Còn Nga sẽ khó sống nếu không có máy bay thuê hoặc bộ phận thay thế của Mỹ và EU.Những nỗ lực chế tạo máy bay phản lực thương mại của Nga đã cho ra những chiếc máy bay có độ an toàn đáng ngờ và không tìm được người mua trên thị trường quốc tế giống như Boeing và Airbus. Liệu một đất nước rộng lớn như Nga có thể sống mà không cần một ngành hàng không hiện đại? Câu trả lời là không!
Aeroflot
Chính phủ Nga nắm khoảng 57% vốn sở hữu Aeroflot. Sau Thế chiến thứ hai, Aeroflot chủ yếu hoạt động giữa Moscow và thủ đô các quốc gia thuộc Liên Xô. Nó dần dần mở rộng mạng lưới kết nối các thành phố trong khu vực trên khắp Liên Xô. Năm 1968, Aeroflot bắt đầu thực hiện chuyến bay thường xuyên từ Moscow đến New York qua Montreal, sử dụng máy bay phản lực thân hẹp thời Liên Xô, Ilyushin Il-62. Sau khi Liên Xô sụp đổ, hãng hàng không được chia thành các công ty nhỏ, trong đó một công ty chuyên khai thác quốc tế vẫn giữ tên Aeroflot và niêm yết cổ phiếu vào năm 1994.
Đầu những năm 2000, Aeroflot bắt đầu lột xác cải tổ, thay đổi từ đồng phục đến menu. Năm 2018, Aeroflot được công ty xếp hạng hàng không Skytrax đánh giá 4 sao, sánh ngang Air France và British Airways; nhiều hơn một sao so với cả Delta và American Airlines Group Inc. Aeroflot cũng đã giành được giải thưởng cho hoạt động đúng giờ và cho chiến lược xây dựng thương hiệu. Hãng hàng không này dự kiến tổ chức chương trình rầm rộ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập vào năm sau (2023).
Lê Tây Sơn
12 tháng 3, 2022
_________________
usaelection gởi