Hạnh phúc trong đạo Phật
Happiness in Buddhism
***
Nội dung
1. Khái niệm về hạnh phúc.
1.1. Nhân của hạnh phúc.
1.2. Nội dung của hạnh phúc.
1) Hạnh phúc vật chất
2) Hạnh phúc tinh thần
1.3. Phân loại hạnh phúc.
1) Hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình.
2) Hạnh phúc xã hội, hạnh phúc quốc gia.
2. Hạnh phúc trong đạo Phật.
2.1. Chân lý khách quan “Duyên khởi”.
2.2. Nhân Duyên và Nhân Quả.
2.3. Tứ diệu đế: Khổ đau và Hạnh Phúc
2.4. Ngũ uẩn – Ngũ thủ uẩn.
2.5. Khổ thân – Khổ Tâm.
2.6. Cảm xúc và Hạnh phúc.
Bài đọc thêm:
1/. Kinh Hạnh phúc lớn (Mahāmaṅgala-sutta).
2/. Đi tìm hạnh phúc.
NBS: Minh Tâm 11/2018
1. Khái niệm về hạnh phúc.
Hạnh phúc幸福là từ gốc Hán, trong đó:
Hạnh– 幸: May mắn (không dùng riêng. Ví dụ: bất hạnh 不幸, đắc hạnh 得幸: được sủng ái)
Phúc–福: Tốt lành.
Theo đó, hạnh phúccó nghĩa tốt là tốt lành và thường được sử dụng dưới 3 dạng:
- Danh từ(E: happiness): Là sự việc tốt lành, đạt được ý nguyện về lượng hay về phẩm của một thang giá trị nào đó về một cảm giác, một niềm vui sướng. Ví dụ: Vì hạnh phúc của trẻ thơ.
- Tính từ(E: happy): Là tốt lành, được tốt lành. Ví dụ: Gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc.
- Trạng từ(E: happily): Là (một) cách tốt lành. Ví dụ: sống hạnh phúc.
Happiness - Wikipedia
Hạnh phúc – Wikipedia tiếng Việt
Hạnh phúcđôi khi còn nói gọn là phúc theo cách nói ở miền Bắc và phước theo cách nói ở miền Nam. Có phúc hay có phước có nghĩa là có được hạnh phúc.
Có thể nói rằng nói rằng muôn loài đều đi tìm hạnh phúc là cuộc sống tốt lành. Con người xưa nay hướng tới văn minh bằng khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội – như triết học, tôn giáo, … – cũng không ngoài mục tiêu hạnh phúc. Vì thế, đạo Phật không là một ngoại lệ.
1.1. Nhân của hạnh phúc.
Về nguyên nhân có được hạnh phúc, nói chung có 2 quan niệm sau:
- Hạnh phúc có được từ hành động hiện thực: Bản thân con người nỗ lực thực hiện đạt được, hoặc có được sự hỗ trợ từ của người khác, hoặc do cả hai. Người hỗ trợ cho người khác được hạnh phúc gọi là người làm phúc (hay người làm phước) cho cách gọi trong quan hệ xã hội.
- Hạnh phúc có được từ niềm tin tôn giáo: Thần linh vô hình được tôn thờ nơi tôn giáo được cho là có khả năng giúp cho con người được hạnh phúc. Con người cầu xin thần linh và thần linh ban phúc cho con người.
1.2. Nội dung của hạnh phúc.
Đời sống của con người gồm 2 mặt là vật chất và tinh thần. Vì thế hạnh phúc của con người được đánh giá là sự tốt lành trên hai phương diện này, đó là hạnh phúc vật chất hay hanh phúc tinh thần. Nếu đạt cả hai là hạnh phúc trọn vẹn.
1) Hạnh phúc vật chất: Có thể nói rằng loại hạnh phúc này đặt nền tảng trên sự thỏa mãn ngũ quan là nhìn (nhãn), nghe (nhĩ), ngửi (tỉ), nếm (thiệt), xúc chạm (thân). Tổng hợp chung là các hình thái ăn, mặc, ở, giải trí, … sung sướng.
Nhà triết học cổ đại Hy Lạp là Platon (428–427 TCN) đã góp ý: “Nếu thỏa mãn vật chất là hạnh phúc thì ta có thể xem con bò là hạnh phúc…” .
2) Hạnh phúc tinh thần: Có thể nói rằng loại hạnh phúc này đặt nền tảng trên sự thỏa mãn tư duy hiểu biết, cụ thể là trên hai lĩnh vực tình cảm và lý trí. Tổng hợp chung là các hình thái tư duy triết học, tư duy sáng tạo.
Các tôn giáo được xem như môi trường xã hội thỏa mãn phần nào hạnh phúc tinh thần của con người. Tuy nhiên, hầu hết mỗi tôn giáo cho rằng con người cần chấp nhận và sống theo Chân lý chủ quan của tôn giáo mình thì sẽ có hạnh phúc, đặc biệt hứa hẹn con người sẽ có được hạnh phúc vĩnh cửu sau khi chết.
Đạo Phật được xem như một tôn giáo, song lại có cách nhận thức Chân lý khách quan với các đặc điểm hạnh phúc trái với Chân lý chủ quan của các tôn giáo khác. Theo đạo Phật, hạnh phúc hình thành từ nỗ lực hành động tốt lành của tự thân qua nhận thức Chân lý khách quan, chứ không thụ động cầu xin một ai đó ban ân tốt lành. Vì thế:
- Hạnh phúc theo quan điểm của đạo Phật là hiện thực, bởi Chân lý khách quan luôn tồn tại trong mọi không gian và thời gian, chứ không hứa hẹn bằng một loại Chân lý chủ quan tưởng tượng nào đó, mãi thường xuyên vẽ vời, uốn nắn cập nhật về sau.
- Hạnh phúc theo quan điểm của đạo Phật có được là kết quả của sự tự hài hòa 3 yếu tố thường xuyên chi phối đời sống con người là vật chất, tình cảm và lý trí, mà động lực của sự hài hòa này cũng không ngoài việc nhận thức sâu sắc Chân lý khách quan này.
1.3. Phân loại hạnh phúc.
Hạnh phúc có thể được nhìn ở các khía cạnh cá nhân (một người) cộng đồng (nhiều người) như gia đình, xã hội.
1)Hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình.
Từ xưa đến nay, 2 loại hạnh phúc nàythường được các nhà đạo học, các triết gia hay các tổ chức tôn giáo có những quan điểm riêng, tạo ra những ảnh hưởng nhất định.
Ngày nay, ngành khoa học xã hội có những nghiên cứu liên tục về điều kiện vật chất và tinh thần đáp ứng, nhằm làm cho cá nhân và gia đình được hạnh phúc.
Nhà triết học người Đức gốc Do thái là Marx (1818–1883) nói:“Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người nhất… Chỉ có cầm thú mới quay mặt trước nỗi đau của đồng loại, mà chỉ chăm lo cho hạnh phúc riêng của mình…”.
2)Hạnh phúc xã hội, hạnh phúc quốc gia.
Hiện nay có rất nhiều tổ chức trên thế giới đánh giá hạnh phúc của một xã hội, một quốc gia theo những yếu tố riêng biệt đặt ra và được thống kê tổng hợp, thí dụ như:
- Chỉ số tổng sản phẩm nội địa GDP (Gross Domestic Product).
- Chỉ số tiến bộ đích thực GPI (Genuine Progress Indicator).
- Chỉ số tổng hạnh phúc quốc gia GNH (Gross National Happiness).
- Chỉ số phát triển con người HDI (Human Development Index).
- Chỉ số hành tinh hạnh phúc HPI 9 (Happy Planet Index).
- Tiêu chí hạnh phúc của Viện Gallup.
- Tiêu chí hạnh phúc của WDH (World Databases of Happiness).
- Chỉ số thịnh vượng Legatum.
Chúng ta cũng cần lưu ý rằng, cho dù gọi đó là một quốc gia hạnh phúc, nhưng không phải ai ai sống trong quốc gia này đều hạnh phúc.
Xem thêm:
- Hạnh phúc - ChúngTa.com
- Nghịch lý của hạnh phúc: Con người luôn tìm kiếm hạnh phúc nhưng ...
2. Hạnh phúc trong đạo Phật.
Hạnh phúc trong đạo Phật đặt nền tảng trên Chân lý khách quan và tự nhiên của vũ trụ, hạnh phúc không bị chi phối từ bất cứ một thế lực đặc biệt nào tùy tiện áp đặt. Vì thế, hạnh phúc theo quan điểm của đạo Phật có thể xem là hạnh phúc đích thực, có giá trị xuyên suốt từ cá nhân cho đến cả quốc gia, thế giới vậy.
2.1. Chân lý khách quan “Duyên khởi”.
Duyên khởilà khám phá trọng đại và là nền tảng của toàn bộ sự nghiệp lớn lao của đức Phật. Trong kinh Tạp A Hàm, đức Phật đã từng khẳng định rằng :
“Duyên khởi là lẽ thật chỉ rõ thực tính Duyên nơi mọi sự mọi vật – vật lý hay tâm lý, trong vũ trụ. Sự thật này luôn tồn tại cho dù Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện nơi thế gian này …”.
- Nguyên lý Duyên khởi là vũ trụ quan của đạo Phật, là nền tảng của Nam tạng và Bắc tạng. Duyên khởi được xem như chiếc chìa khóa để mở kho tàng Pháp bảo. Ý nghĩa khái quát của nó trông có vẻ đơn giản, nhưng kỳ thực Duyên khởi không những là giáo lý tối thượng dẫn dắt chúng sinh đi tới giác ngộ Vô thượng Bồ-đề, mà còn là giáo lý căn bản của tất cả kinh điển Phật giáo.
- Nguyên lý Duyên khởikhông chỉ là chân lý, là qui luật chỉ rõ nguyên tắc vận hành của mọi sự vật trong thế gian, tức mọi hiện tượng tâm lý và vật lý, tạo nên đời sống của vạn vật, nó còn là lý thuyết đầu tiên phản bác hệ thống triết học Vệ-đà của Bà-la-môn, phủ nhận tư tưởng sáng tạo của đấng Phạm Thiên (Brahman), để hình thành tư tưởng “Tự tác tự thọ” (mình làm mình chịu), đề cao vị trí con người, con người là chủ nhân ông cho chính mình, không ai khác hơn có thẩm quyền định đoạt cuộc sống cho mình.
Các vấn đề siêu hình (metaphysics) bàn về nguồn gốc, tự thể của các hiện hữu đều được xem là hý luận đối với Duyên khởi.
- Nguyên lý Duyên khởiđược trình bày trong một số các kinh sau:
+ Trong kinh Phật Tự Thuyết (Udāna), thuộc Tiểu Bộ kinh (Khuddaka-nikàya), tập 1, nguyên lý Duyên khởi được tóm tắt về tính tương hợp, tương tác và tương thuộc của mọi sự vật như sau:
Imasmim sati idam hoti
Imasmimasati Idamna hoti
Imassuppãdã idam uppajjati
Imassa nidrdhãidam nirujjhati
此有故彼有 Thử hữu tắc bỉ hữu
此生故彼生 Thử sinh tắc bỉ sinh
此無故彼無 Thử vô tắc bỉ vô
此滅故彼滅 Thử diệt tắc bỉ diệt
Cái này có vì cái kia có
Cái này không vì cái kia không
Cái này sinh vì cái kia sinh
Cái này diệt vì cái kia diệt.
+ Trong kinh Ðại Duyên (Trường Bộ III, tr. 56), Đức Phật nhấn mạnh hơn: "Này Ananda, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp Duyên khởi này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một tổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja, không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sinh tử".
+ Trong các kinh Trung Bộ I, số 28; Tương Ưng III, tr. 144 và Tiểu Bộ I, tr. 48 chép lời Đức Phật: "Ai thấy Duyên khởi là thấy Pháp. Ai thấy Pháp là thấy Phật" [= “Ai thấy Duyên khởi là thấy Chân lý. Ai thấy Chân lý thì đó là Bậc giác ngộ”]. Thấy Phật là sự giác ngộ tối thượng, là thấy được thực tại tối hậu, vượt ra ngoài mọi ràng buộc của thế giới ngã tính chấp thủ-cực đoantrong nhận thức và hành động theo quan niệm nhị nguyên-hữu ngã.
+ Trong kinh Tăng Chi 4, tr. 264-:-265 có ghi như sau:
“Có lần, đức Phật thuyết pháp cho ông Cấp Cô Độc về công đức của sự cúng dường. Đức Phật nói : “Cúng dường cho Phật và Tăng chúng thì có công đức rất lớn. Nhưng có công đức lớn hơn là xây tu viện cho Tăng chúng ăn ở và tu học. Có công đức lớn hơn xây tu viện là thọ tam quy Phật, Pháp, Tăng. Có công đức lớn hơn thọ tam quy là giữ năm giới. Có công đức lớn hơn giữ năm giới là giữ tâm niệm Từ Bi, dù là trong giây phút. Nhưng có công đức lớn hơn tất cả, đó là quán niệm sâu sắc đạo lý Duyên khởi – Vô thường, Vô ngã – của mọi sự vật ””.
Xem thêm:
- Pratītyasamutpāda - Wikipedia
- Duyên khởi – Wikipedia tiếng Việt
2.2. Nhân Duyên và Nhân Quả.
Nguyên lý Duyên khởi thường được cụ thể hóa bằng diễn đạt Nhân Duyên Quả, trong đó:
+ Nhân (P;S: Hetu; E: Cause, antecedent condition) nơi đây cũng chỉ là một Duyên (P: Paccaya; S: Prātyaya; E: Condition), là điều kiện chính làm sinh khởi, được dùng như là phương tiện diễn đạt, chứ không là cái Nhân đầu tiên được sinh ra từ một Đấng tạo hóa.
+ Duyên (P;S: Nidàna; E: Aiding condition) là điều kiện hỗ trợ, tác động làm cho Nhân sinh khởi.
+ Quả (P;S: Phala; E: Effect) là kết quả hình thành từ Nhân và Duyên.
Ví như hạt lúa là Nhân (của cây lúa), các yếu tố như đất, độ ẩm, ánh sáng mặt trời, người gieo và chăm sóc ... là Duyên để hạt lúa nảy mầm phát triển thành cây lúa là Quả.
Theo đó, nguyên lý Duyên khởi được diễn đạt cụ thể bằng Nhân Duyên và Nhân Quả như sau:
+ Nhân Duyên[因緣; P;S: Hetu-Nidàna; E: Cause and Condition] biểu hiện về mặt không gian tính đối với mọi sự vật. Mọi sự vật tương hợp hình thành từ các Duyên vô cùng tận, nên tuy giác quan thấy rằng có nhưng đó chỉ là cái có tạm, chứ không thực thể tự có - tức tự ngã nào cả. Do đó, mọi sự vật được gọi là Vô ngã.
+ NhânQuả [因果; P;S : Hetu-Phala; E : Cause and Effect] biểu hiện về mặt thời gian tính đối với mọi sự vật.Mọi sự vật tương tác tương thuộc không ngừng chuyển đổi, chứ không có thực thể thường hằng bất biến nào cả. Do đó, mọi sự vật được gọi là Vô thường.
Như vậy, thấy Duyên khởi tức thấy Vô thường + Vô ngã, và thấy Vô thường + Vô ngã tức thấy Duyên khởi. Duyên khởi là Chân lý khách quan, điều này đồng nghĩa với Vô thường và Vô ngã cũng là Chân lý khách quan.
VIDEO
- Nhân Duyên Và Nghiệp Duyên- Đại Đức Thích Phước Tiến
2.3. Tứ diệu đế – Khổ đau và Hạnh Phúc.
Theo truyền thống Phật giáo, Tứ diệu đế là bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật tại vườn Lộc Uyển sau khi giác ngộ, được ghi trong kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakkappavattana Sutta).
Tứ diệu đế là 2 cấu trúc Nhân-Quả nói lên nguyên nhân của khổ đau, đó là khi con người sống mà chưa thấy ra Duyên khởi – tức chưa thấy ra ánh sáng chân lý Vô thường - Vô ngã chiếu soi, và nguyên nhân dẫn đến hạnh phúc trong sự sống của con người.
Tứ diệu đế gồm 2 cặp Nhân-Quả là Khổ-Tập và Diệt-Đạo như sau:
Khổ đế Tập đế
Khổ đau <=> Chấp thường + Chấp ngã
Diệt đế Đạo đế
Hạnh phúc <=> Vô thường + Vô ngã
- Khổ đau do nguyên nhân si mê “Chấp thường + Chấp ngã”, được biểu hiện bằng suy nghĩ và hành động tham lam hay sân hận.
- Hạnh phúc xác lập trên nền tảng Chân lý khách quan, đó là “Vô thường + Vô ngã”, là Trung đạo, là con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực Niết-bàn.
Kinh Tạp A Hàm viết:
“Niết Bàn (涅槃; P: nibbāna; S: nirvāṇa) có nghĩa là dập tắt hoàn toàn ngọn lửa phiền não, là đoạn trừ nghiệp gây ra từ ba bất thiện là Tham, Sân và Si.”
Kinh Tương Ưng Bộ IV. Trang 404 nêu rõ:“Đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, đây gọi là Niết-bàn”.
Trung đạo (中道; P: Majjhimā-paṭipadā; S: Madhyamā-pratipad; E: Trung đạo) là con đường, là phương pháp vượt lên các chấp thủ cực đoan. Nói cách khác, Trung đạo là phương tiện cụ thể của Giải thoát, của Siêu thoát.
Trung đạo hình thành từ Duyên khởi. TRung đạo đặc trưng bằng cơ cấu thực hành Bát chánh đạo (trong hệ thống 37 phần trợ đạo = 37 phần Bồ-đề), trong đó chi phần Chánh kiến chính là nhận thức Duyên khởi chủ đạo cho 7 chi phần còn lại (Chánh Tư duy => Chánh Định). Thành tựu Bát chánh đạo là đồng nghĩa với mọi hành động của con người trong cuộc sống đều có nền tảng vững chắc trên Chánh kiến, là Niết-bàn hiện thực tại chính thế gian này vậy.
Xem thêm:
- Four Noble Truths - Wikipedia
- Tứ diệu đế – Wikipedia tiếng Việt
- Dhammacakkappavattana Sutta -Wikipedia
- Kinh Chuyển pháp luân – Wikipedia tiếng Việt
2.4. Ngũ uẩn – Ngũ thủ uẩn.
Thuật ngữ:
-Thủ (取; P;S: upādāna; E: clinging) có nghĩa là bám chặt, bám víu, vin vào. Thủ có nghĩa gần với Chấp 執có nghĩa là giữ lấy, cho nên có nơi dùng ghép là chấp thủ 執取để chỉ cho sự việc hay hành động bám giữ lấy sự vật nào đó.
Trong A-tỳ-đạt-ma Pháp uẩn túc luận (trang 511) định nghĩa: “Thủ là giai đoạn tăng trưởng mãnh liệt của Ái (愛; P: taṇhā; S: tṛṣṇā – dính mắc).”; vì thế, ngài Vasubandhu nói Thủ tức là Khổ (tức phiền não).
- Uẩn (蘊; P: khandha; S: skandha; E: aggregate) với ý nghĩa là tích tập, tích hợp, tích tụ, nhóm. Từ uẩn có nơi còn được dịch là Ấm 陰, với ý nghĩa là che đậy.
Ngũ uẩn(五蘊; P: pañca-khandha; S: pañca-skandha) cũng gọi là Ngũ ấm (五陰), là năm nhóm tượng trưng cho năm yếu tố (Duyên) tạo thành con người, là toàn bộ thân tâm. Theo đạo Phật, ngoài ngũ uẩn đó ra không có gì gọi là cái "Ta = Tự ngã = Linh hồn …" hằng hữu nào nơi con người cả. Ngũ uẩn gồm năm nhóm sau:
+Nhóm theo tính chất vật lý-sinh lý (P;S: rūpa – vật chất).
1/Sắc uẩn (色蘊; P: Rūpa-khandha; S: Rūpa-skandha): .
Sắc uẩn nhằm chỉ cho phần thân của con người, gồm 4 yếu tố (duyên) gọi là 4 đại (the four tanmatra) gồm địa, thủy, phong,hỏa cấu thành, có ý nghĩa tương cận với ngôn ngữ hiện đại là 4 thể vật chất cơ bản trong thế giới vật lý là rắn, lỏng, khí,plasma. Chúng hình thành các hệ chức năng của cơ thể và các giác quan được gọi là các căn (根; P;S: indriya; E: bases) và các căn rất dễ tan hoại (do ngữ căn rūp).
Các đại này được duy trì và phát triển cho đến khi biến hoại nhờ vào tứ đại bên ngoài là các dưỡng chất nạp vào cơ thể hàng ngày mang tính tạm bợ, nghĩa là không có thân xác nào thực hữu, hằng hữu và độc lập tồn tại cả.
+Nhóm theo tính chất tâm lý (P;S: Nàma – tinh thần) nhằm chỉ cho phần tâm của con người, gồm 4 yếu tố (duyên) như sau:
2/- Thọ uẩn (受蘊; P: Vedanā-khandha; S: Vedanā-skandha): Là nhóm biểu hiện cảm xúc lạc-khổ-xả. Đây là đặc trưng cho thuộc tính tình cảm phát sinh từ mắt. tai, mũi, lưỡi, da [Ngũ căn: Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn, Thân căn]
3/- Tưởng uẩn (想蘊; P: Saññā-khandha; S: Sañjā-skandha): Là nhóm biểu hiện suy tưởng, phân biệt. Đây là đặc trưng cho thuộc tính lý trí từ não (Ý căn), có mối tương quan với các cảm xúc nơi Thọ uẩn.
4/- Hành uẩn (行蘊; P: Saṅkhāra-khandha; S: Saṁkhāra-skandha): Là nhóm biểu hiện mong muốn, thúc đẩy thành hành động từ các ấn tượng nơi Thọ uẩn và Tưởng uẩn, bao gồm tiếp nhận hay loại trừ. Đây là đặc trưng cho thuộc tính ý chí hướng tới hành động.
5/- Thức uẩn (識蘊; P: Viññāṇa-khandha; S: Vijñāna-skandha): Là nhóm biểu hiện lưu thủ, dẫn xuất từ Thọ uẩn và Tưởng uẩn. Thức uẩn ở đây chỉ cho sáu thức, mà thể tính của nó là sự tri nhận hay thông tri cá biệt các đối tượng. Đây là đặc trưng cho thuộc tính ký ức. Ký ức được xem là hàm chứa Ý thức (conscious), Tiền ý thức (pre-concious), Tiềm thức (sub-conscious), Vô thức (unconscious).
Ngũ thủ uẩn(五取蘊; P: upādāna-khandha; S: upādāna-skandhā) cũng gọi là năm thủ ấm. Ngũ thủ uẩn nơi đây nhằm chỉ ra rằng Ngũ uẩn do chúng sinh mê lầm (Si, Vô minh) chấp thủ mà xem là thực có. Đó là đầu mối sinh ra Tham Sân, dẫn đến Khổ đau. Vì thế, nhận ra Duyên khởi tính là Vô thường tính và Vô Ngã tính nơi Ngũ uẩn, thì đây là kết quả cùng tột của nguồn Hạnh phúc đích thực.
TrongTạp A-hàm, kinh số 1-8, thuộc thiên Tương ưng năm uẩn, đã nói rõ:
“Quán sát Sắc là Duyên khởi – Vô thường-Vô ngã. Quán sát như vậy gọi là quán sát chân chánh. Khi đã quán sát chân chánh thì sẽ dứt sạch tham-sân. Sự dứt sạch tham-sân được gọi là tâm giải thoát.
Cũng vậy, quán sát Thọ, Tưởng, Hành, Thức là Duyên khởi – Vô thường-Vô ngã. Quán sát như vậy gọi là quán sát chân chánh. Khi đã quán sát chân chánh thì sẽ dứt sạch tham-sân. Sự dứt sạch tham-sân được gọi là tâm giải thoát”.
Trong Bát-nhã Tâm kinhcũng đã giải thích : “Bồ-tát Ārya-Avalokitésvara trong khi thể hiện sự nghiệp Bát-nhã Ba-la-mật sâu thẳm, vị ấy đã chiêm nghiệm và thấy rằng năm uẩn là Không trong tự tính,nên đã vượt qua mọi Khổ ách”.
Chú thích: Trong tác phẩm “Ngũ uẩn Vô ngã”, HT Thiện Siêu có giải thích:
“ … khi gọi Uẩn không thôi tức nhiên không phải là Thủ uẩn, hữu lậu cũng được, vô lậu cũng được. Nhưng thường thường trong kinh có khi nói Ngũ uẩn, có khi nói Ngũ thủ uẩn, tức nhiên chúng ta cũng nhận định biết rằng khi nói Thủ uẩn là cố nhấn mạnh về sự chấp thủ Ngũ uẩn. Còn khi gọi Ngũ uẩn là muốn chỉ về cái nhóm đó, của cái thực thể đó. Còn Ngũ ấm tức nhiên chỉ về sự ngăn che chân tánh, vì nó ngăn che nên không nhận thức được cái tánh của pháp giới là vô ngã, vô thường, cho nên gọi là Ấm. Vì thế, Ngũ thọ ấm cũng y như Ngũ thủ uẩn, nghĩa của nó giống nhau. Chữ thọ này có nghĩa là Ái thọ, chấp Thủ.”
Xem thêm:
- Skandha - Wikipedia
- Ngũ uẩn – Wikipedia tiếng Việt
- Phan tich Ngu Uan - Thich Thien Sieu - BudSas.org
2.5. Khổ thân – Khổ Tâm.
1) Khổ về thân: Biểu hiện bởi Sinh Lão Bệnh Tử.
- Sinh:Đây là do chúng sinh cho thân này là thực có, mà không thấy đó là Duyên sinh giả hợp (Vô ngã), cho nên đã sinh ra những tham đắm, tranh đoạt nhau, gây ra Khổ đau trong cuộc sống. Điều này thường được diễn giải qua Ngũ dục là 5 ham muốn cho thân, gồm:
+ Theo 5 giác quan:
1. Sắc dục: Tham muốn sắc tướng đẹp.
2. Thinh dục: Tham muốn lời dịu ngọt….
3. Hương dục: Tham muốn mùi hương thơm ….
4. Vị dục: Tham muốn ăn uống ngon …
5. Xúc dục: Tham muốn sự êm dịu….
+Theo 5 thực dụng:
1. Tài dục: Tham muốn tiền của.
2. Sắc dục: Tham muốn sắc đẹp.
3. Danh dục: Tham muốn địa vị.
4. Thực dục: Tham muốn ăn ngon.
5. Thùy dục: Tham muốn ngủ nhiều.
- Lão Bệnh Tử: Đây là những trạng thái thay đổi của thân mà không ai cưỡng lại được, nhưng do chúng sinh không thấy thân này do các Duyên tích hợp, luôn tương thuộc tương tác nhau nơi tự thân và ngoại cảnh, luôn biến đổi (Vô thường), nhưng chúng sinh lại có ý muốn chấp thủ trái với tự nhiên, nên đã sinh ra Khổ đau.
2) Khổ về tâm.
- Tình cảm – Ái biệt ly khổ: Là sự khổ khi xa lìa người thân yêu. Ái biệt ly khổ có hai loại:
Sanh ly: Hoàn cảnh chiến tranh hay mưu sinh … chia ly người ta thân yêu.
Tử biệt: Cái chết cướp đi người thân yêu.
- Lý trí – Oán tắng hội khổ: Là sự khổ về oan gia hội ngộ. Bản thân ta phải sống hay làm việc cùng với những kẻ đối nghịch bất đồng khiến phải gièm pha, nói xấu, phá phách, mưu hại, làm cho ta phải bực tức, lo sợ, bất an... Hoặc trong gia đình, cha mẹ, anh em, vợ chồng con cái… không đồng ý kiến, thường có sự tranh cãi, giận ghét, buồn phiền, thậm chí có thể dẫn đến mưu hại lẫn nhau.
- Ý chí – Cầu bất đắc khổ: Là sự khổ về mong cầu ước muốn không toại ý. Trong đời sống, con người có rất nhiều cao vọng, ước mơ, mong cầu... Chẳng hạn, cầu xin giàu sang mà vẫn nghèo hèn, mong muốn xinh đẹp mà vẫn xấu xí, ... Ngàn muôn ước vọng như thế, nếu cầu mong mà không toại nguyện, thì tạo thành nỗi khổ .
Khi bị trói thân, thân ta bị đau. Khi bị trói tâm, tâm ta bị khổ.
Bị trói thân, ta mất tự do thể xác. Bị trói tâm, ta bị mất tự do tinh thần, không còn chủ động tư duy nữa, mà chỉ có tư tưởng theo kẻ khác. Để trói tâm của một người, thì người này phải được nhồi sọ. Khi bị nhồi sọ thuần thục rồi, thì người này được xem là tự trói mình và trở thành công cụ vâng phục. Chính trị và Tôn giáo là hai lĩnh vực thực hiện việc nhồi sọ này.
Bị trói thân, ta có thể nhờ người trực tiếp mở để tự do. Nhưng bị trói tâm, ta không thể nhờ người trực tiếp mở được, mà chỉ có thể nhờ chỉ dẫn mở, còn tự mở hay không là tùy ta quyết định. Thân không bị trói giữ, ta được tự do thể xác. Tâm không bị trói giữ, ta được tự do tinh thần – tức giải thoát haysiêu thoát. Nhận thức Duyên khởi được xem là “bửu bối” giúp ta tự do tinh thần ưu việt nhất và hạnh phúc vững bền không gì sánh được.
2.6. Cảm xúc và Hạnh phúc.
Các cung bậc của Cảm xúc
[Part of a series on Emotions]
Robert Plutchik's Wheel of Emotions.
Qua các nghiên cứu của ngành Tâm lý học hiện đại, cho thấy cảm xúc dường như đã và đang thống trị cuộc sống con người ngày nay. Con người đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc – vui, buồn, giận, chán, nản. Con người lựa chọn những hoạt động và sở thích dựa trên cảm xúc mà chúng mang lại và xem đó là hạnh phúc.
Các nghiên cứu đã đưa ra nhiều cách suy nghĩ và hành động được xem như là những kinh ngiệm cá nhân hay những nguyên tắc tạo ra “cảm xúc hạnh phúc”, chẳng hạn:
- Làm thế nào để hạnh phúc? - Trần Đăng Khoa
- Làm thế nào để hạnh phúc? How to be happy?
- Làm thế nào để hạnh phúc - cách duy nhất để bạn hạnh phúc
- Làm thế nào để có được cuộc sống hạnh phúc thực sự? - Tạp chí Gia ...
- #12: Làm thế nào để hạnh phúc?
- Làm thế nào để hạnh phúc? | Quà ...
- (VTC14)_Làm thế nào để "Sống để hạnh phúc"?
- 29 Cách Để Hạnh Phúc Hơn Đã Được Khoa Học Kiểm Chứng - TIN ...
- 10 bí quyết để sống hạnh phúc - rất gần mà cũng rất xa - CafeBiz
- 10 cách đơn giản để có cuộc sống hạnh phúc -Doanh Nhân Sài Gòn
- 10 bí quyết để sống hạnh phúc -Kenh14
- 20 Cách để bạn có cuộc sống hạnh phúc
- 9 nguyên tắc để sống hạnh phúc -VnExpress Đời sống
- 6 thói quen đơn giản giúp bạn sống hạnh phúc hơn - ELLE Việt nam
- 4 cách để sống VUI VẺ, HẠNH PHÚC: Bí quyết để có cuộc sống mơ ...
- Vì sao chúng ta chẳng bao giờ hạnh phúc và thanh thản như mình ...
Cách để Cảm thấy hạnh phúc hơn – wikiHow
Như đã trình bày trên, đạo Phật không phủ bác mối tương quan giữa cảm xúc và hạnh phúc, mà chỉ cho thấy rằng cảm xúc thuộc phạm trù tình cảm, rất tương đối và luôn biến dịch hợp với quy luật Vô thường của vũ trụ, cho nên không thể lấy cảm xúc làm trung tâm cho việc tạo dựng hạnh phúc. Đạo Phật xem hạnh phúc là kết quả của sự hài hòa cả 3 yếu tố hiện thực sự sống của con người là vật chất - tình cảm - lý trí, và sự làm chủ hài hòa này tùy vào khả năng nhận thức chân lý khách quan “Duyên khởi”. Vì thế “Duyên khởi” được xem là trung tâm cho vấn đề hạnh phúc, bởi “Duyên khởi” luôn có thể đáp ứng hoàn hảo và bền vững hạnh phúc cho con người ở mọi nơi và mọi thời vậy.
Xem thêm:
- Bản chất hạnh phúc | Bút sen
-Hạnh Phúc Là Gì? — Study Buddhism
- 21 điều Đức Phật dạy giúp bạn sống hạnh phúc
- Hạnh phúc & hạnh phúc thực sự theo quan điểm Phật giáo
- Hạnh phúc gia đình theo quan điểm Phật giáo | phatgiao.org.vn
- Buddhism and happiness- Health & Wellbeing - ABC
VIDEO
- Hạnh Phúc Trong Đau Khổ - HT Thiền Sư Nhất Hạnh
- Quan điểm Phật giáo về hạnh phúc và khổ đau- Thích Chánh Định
- KHỔ ĐAU hay HẠNH PHÚC đều do tâm mà ra - Thầy Thích Tâm Nguyên
- Nhận Ra Hạnh Phúc Trong Khổ Đau( rất ý nghĩa ) - Sư Cô Hương Nhũ
- Phụ Nữ và Hạnh Phúc Gia Đình- Ni Sư Hương Nhũ 2018
- Làm thế nào để sống hạnh phúc Thay Nhat Tu
- 38 Điều làm nên hạnh phúc- Thích Bửu Chánh
- Tuệ Giác Là Chân Hạnh Phúc– S.C Hương Nhũ
- Hanh Phúc Ở Đâu –Sư Cô Hương Nhũ
- Happiness in Buddhism
Bài đọc thêm:
1/. Kinh Hạnh phúc lớn(Mahāmaṅgala-sutta).
Bài kinh nổi tiếng nầy, thường được trì tụng trong các nước Phật Giáo, là một bài tóm tắt minh bạch và đầy đủ các điều luân lý của đạo Phật, cho cá nhân và xã hội. Ba mươi tám điều lành trong bài đó là một hướng dẫn thiết yếu cho đường đời. Bắt đầu là "lánh xa kẻ xấu ác" vốn căn bản cho các tiến bộ luân lý và tâm linh, những điều lành đưa đến thành tựu một tâm ý vô tham, vô úy an nhiên. Hành trì theo các lời dạy trong bài kệ là một con đường chắc chắn đưa đến đời sống hài hòa và tiến bộ của cá nhân cũng như của xã hội, quốc gia, và nhân loại. (HT Narada)
NỘI DUNG
Nguyên nhân pháp có hạnh phúc.
Như vậy tôi nghe / Một thời Thế Tôn / Ngự tại Kỳ Viên Tịnh Xá / Của Trưởng giả Cấp Cô Độc / Gần thành Xá vệ. / Khi đêm gần mãn / Có một vị Trời / Dung sắc thù thắng / Hào quang chiếu diệu / Sáng tỏa Kỳ Viên / Đến nơi Phật ngự / Đảnh lễ Thế Tôn / Rồi đứng một bên /
Cung kính bạch Phật:
[00]* KỆ NGÔN 0
Thiên và nhân thao thức
Muốn biết về hạnh phúc
Ðể sống đời an lành
Xin Thế Tôn chỉ dạy.
Ðức Thế Tôn giảng:
[01]* KỆ NGÔN I
(3 HẠNH PHÚC)
Lánh xa kẻ xấu ác
Ðược thân cận người hiền
Tôn kính bậc đáng kính
Ấy là hạnh phúc lớn.
Hạnh Phúc I - Không thân cận với kẻ ác.
Hạnh Phúc II - Thân cận với bậc thiện trí thức.
Hạnh Phúc III - Cúng dường đến bậc đáng cúng dường.
[02]* KỆ NGÔN II
(3 HẠNH PHÚC)
Sống trong môi trường tốt
Ðược tạo tác nhân lành
Ðược đi trên đường chánh
Ấy là hạnh phúc lớn.
Hạnh Phúc IV - Ở nơi có các bậc thiện trí thức .
Hạnh Phúc V – Học theo pháp thiện lành.
Hạnh Phúc VI - Giữ mình theo lẽ chánh.
[03]* KỆ NGÔN III
(4 HẠNH PHÚC)
Có học, có nghề hay
Biết hành trì giới luật
Biết nói lời ái ngữ
Ấy là hạnh phúc lớn.
Hạnh Phúc VII - Học nhiều hiểu rộng.
Hạnh Phúc VIII - Có nghề.
Hạnh Phúc IX - Học thông được luật.
Hạnh Phúc X - Nói lời ngay thật (chân thật).
[04]* KỆ NGÔN IV
(4 HẠNH PHÚC)
Ðược cung phụng mẹ cha
Yêu thương gia đình mình
Ðược hành nghề thích hợp
Ấy là hạnh phúc lớn.
Hạnh Phúc XI - Nết hạnh phụng dưỡng Mẹ Cha.
Hạnh Phúc XII - Nết hạnh tiếp độ con.
Hạnh Phúc XIII - Nết hạnh tiếp độ vợ.
Hạnh Phúc XIV – Công việc nuôi thân thiện lành.
[05]* KỆ NGÔN V
(4 HẠNH PHÚC)
Sống ngay thẳng, bố thí,
Giúp quyến thuộc, thân bằng
Hành xử không tỳ vết
Ấy là hạnh phúc lớn.
Hạnh Phúc XV - Nết hạnh bố thí.
Hạnh Phúc XVI - Hành theo pháp.
Hạnh Phúc XVII - Giúp đở quyến thuộc.
Hạnh Phúc XVIII – Đối xử tốt với mọi người.
[06]* KỆ NGÔN VI
(3 HẠNH PHÚC)
Tránh không làm điều ác
Không say sưa nghiện ngập
Tinh cần làm việc lành
Ấy là hạnh phúc lớn.
Hạnh Phúc XIX - Nết hạnh tránh xa tội lỗi.
Hạnh Phúc XX - Thu thúc sử dụng chất nghiện.
Hạnh Phúc XXI - Sự không dễ duôi trong các Pháp.
[07]* KỆ NGÔN VII
(5 HẠNH PHÚC)
Biết khiêm cung lễ độ
Tri túc và biết ơn
Không bỏ dịp học đạo
Ấy là hạnh phúc lớn.
Hạnh Phúc XXII - Sự tôn kính các bậc đáng tôn kính.
Hạnh Phúc XXIII - Nết hạnh khiêm nhượng.
Hạnh Phúc XXIV - Tri túc vui thích trong của đã có.
Hạnh Phúc XXV - Nết hạnh biết ơn người.
Hạnh Phúc XXVI - Nết hạnh tùy thời nghe pháp.
[08]* KỆ NGÔN VIII
(4 HẠNH PHÚC)
Biết kiên trì, phục thiện
Thân cận giới xuất gia
Dự pháp đàm học hỏi
Ấy là hạnh phúc lớn.
Hạnh Phúc - Nhẫn nại.
Hạnh Phúc XXVIII - Nết hạnh người dễ dạy.
Hạnh Phúc XXIX - Nết hạnh được thấy, được gặp các vị Sa môn.
Hạnh Phúc XXX - Tánh cách biện luận Phật Pháp theo thời.
[09]* KỆ NGÔN IX
(4 HẠNH PHÚC)
Sống tinh cần, tỉnh thức
Học chân lý nhiệm mầu
Thực chứng được Niết Bàn
Ấy là hạnh phúc lớn.
Hạnh Phúc XXXI – Không ỷ lại.
Hạnh Phúc XXXII - Nết hạnh sống cao thượng.
Hạnh Phúc XXXIII - Thấy các Pháp Diệu Ðế
Hạnh Phúc XXXIV - Làm cho thấy rõ Niết Bàn.
[10]* KỆ NGÔN X
(4 HẠNH PHÚC)
Chung đụng trong nhân gian
Tâm không hề lay chuyển
Phiền não hết, an nhiên
Ấy là hạnh phúc lớn.
Hạnh Phúc XXXV - Tâm không xao động vì pháp thế gian
Hạnh Phúc XXXVI - Không có sự uất ức
Hạnh Phúc XXXVII - Dứt khỏi sự phiền não
Hạnh Phúc XXXVIII - Lòng tự tại.
KỆ NGÔN XI
Những sở hành như vậy
Không chỗ nào thối thất
Khắp nơi được an toàn
Là phúc lành cao thượng.
Xem thêm:
- Phật Pháp Chân Thật : Kinh Ðại Hạnh Phúc (Maha Mangala Sutta)
- 38 Pháp Hạnh Phúc – Thư viện Phật Giáo Nguyên Thủy
VIDEO
- 38 Điều làm nên hạnh phúc_Thích Bửu Chánh
- 38 PHƯƠNG PHÁP ĐEM ĐẾN HẠNH PHÚC- THÍCH THỆN THUẬN 2017
2/. Đi tìm hạnh phúc.
Chúng ta thường đi tìm một cái gì bên ngoài để mang lại cho mình hạnh phúc như vật chất, nhà cửa, xe hơi, máy móc, tiện nghi, … hoặc tình cảm gia đình, thân quyến, bạn bè, người yêu, … hoặc danh vọng, địa vị, lý tưởng. Ta khát khao tìm kiếm vì tưởng mình nghèo nàn, thiếu thốn, tâm luôn phóng ra ngoài chạy theo trần cảnh. Trong kinh Pháp Hoa kể thí dụ đứa cùng tử suốt đời đi ăn xin vì không biết trong túi mình có viên ngọc quý, đến khi được người bạn nhắc tỉnh ngộ lấy ngọc ra xài liền hết đói khổ.
Bài quán chiếu dưới đây nhắc bạn nhớ lại những viên ngọc quý mà bạn đã có, chỉ cần lấy ra dùng là sẽ có hạnh phúc. Sau đây là 7 điều quán chiếu hạnh phúc:
1/ Ta đang còn sống
2/ Ta có sức khỏe
3/ Ta có đủ sáu căn
4/ Ta có tự do
5/ Ta có tiện nghi vật chất
6/ Ta có tình thương
7/ Ta có sự hiểu biết
1/ Ta đang còn sống
Trên đời này quý nhất là sự sống. Tất cả sinh vật từ côn trùng, sâu bọ, thú vật cho đến con người, loài nào cũng tham sống sợ chết. Giả sử bây giờ phải lựa chọn giữa trúng số độc đắc mà chết và sạt nghiệp mà sống thì bạn sẽ lựa cái nào ? Ở đời ai cũng lo đi tìm tiền của, nhưng thật ra tiền của chỉ để bảo đảm sự sống an toàn, tiện nghi. Có nhiều người giàu sang sẵn sàng chi hết tiền của để cứu lấy mạng sống. Như thế đủ thấy sự sống quý hơn tiền bạc, quý hơn gấp trăm ngàn, triệu ngàn lần. Ngay cả một tỷ đô la cũng không mua nổi mạng sống khi bị bệnh ung thư hay sida (aids). Vậy mà sáng nay mở mắt thức dậy còn sống, bạn có thấy mình hạnh phúc không? Mỗi khi cảm thấy khổ đau, chán nản hay tuyệt vọng thì hãy nhớ lại ta đang còn sống đây. Còn sống thì còn tất cả.
2/ Ta có sức khỏe
Sự sống quý nhất trên đời, sức khỏe quý nhất trong sự sống. Có sức khỏe không có nghĩa là phải khỏe như lực sĩ thế vận hội mà chỉ cần không đau nhức, bệnh hoạn, không có bệnh trầm kha, nan y, v.v… Ở đời mấy ai tránh khỏi bệnh tật, không bệnh này thì bệnh nọ. Bệnh nặng như ung thư hay sida phải có thuốc giảm đau như morphine mới chịu nổi, nếu không thì đau đớn rên siết như bị hành hình ở địa ngục, bệnh nhẹ như cảm cúm, sổ mũi, nhức đầu cũng làm cho ta mệt mỏi, khó thở, đau nhức. Mỗi khi khỏe mạnh, không bệnh hoạn thì ta hãy mừng rỡ ý thức đó là một hạnh phúc. Có nhiều tiền mà bệnh hoạn liên miên, ăn không được, ngủ không yên, hết nằm nhà thương này đến nhà thương nọ, có tiền như vậy đâu có sướng ! Mỗi khi cảm thấy khổ đau, chán nản hay tuyệt vọng thì hãy nhớ lại ta đang còn sức khỏe đây. Còn sức khỏe thì còn làm được tất cả.
3/ Ta có đủ sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý)
Có nguời đầy đủ sức khỏe nhưng lại bị mù, điếc, hoặc câm, què, tàn tật, v.v… Những người này dù có tiền, có sức cũng đâu sung sướng gì ! Bạn có thể tưởng tượng nếu bây giờ bị mù thì bạn sẽ ra sao ? Chỉ cần nhắm mắt lại trong năm, mười phút đi tới đi lui trong nhà mình xem. Bạn có hiểu được nỗi khổ của người mù không ? Vậy mà bạn đang còn đôi mắt sáng thấy được trời xanh, mây trắng, tai nghe được chim hót, nhạc hay, mũi ngửi được mùi cơm thơm, miệng nói năng được với người thương, thân không què quặt, tâm không điên loạn. Như vậy còn đòi hỏi gì hơn? Chỉ cần mất đi một căn thôi đời bạn sẽ mất đi rất nhiều ý nghĩa. Dù ở trong cảnh khổ nào đi nữa, nhớ lại mình còn nguyên vẹn sáu căn cũng đủ an ủi và xóa tan đi mọi niềm đau.
4/ Ta có tự do
Tự do ở đây là không bị tù đày chứ không có nghĩa chính trị hay tôn giáo. Bởi vì theo giáo lý, tất cả chúng ta đều là tù nhân của ba cõi sáu đường. Chỉ khi nào thoát khỏi sinh tử luân hồi mới thực sự là tự do. Hiện tại bạn có đang ở tù không? Có đang bị trói buộc, xiềng xích không ? Có ai cấm bạn đi đứng nói năng, ăn uống không? Có ai đánh đập theo dõi kiểm soát bạn không ? Bạn có biết đời sống trong tù ra sao không? Dù đó là tù ở Pháp, ở Mỹ? Có thể bạn nghĩ tù ở các xứ văn minh giàu có thì sướng hơn ở xứ nghèo chăng? Ở Mỹ nhân viên cai tù không hành hạ tù nhân nhưng chính những người tù đánh đập, áp bức, hiếp dâm lẫn nhau rất dã man. Ngay bây giờ nhìn lại, bạn có thấy mình được tự do đi đứng nói năng không ? Nhớ ai thì lên xe rồ máy đi thăm, thèm ăn món gì thì ra chợ mua hoặc đi nhà hàng, v.v… Có biết bao người đang bị tù đày khổ sở, trong đầu chỉ ao ước được tự do như bạn là họ sung sướng lắm. Vậy mà đang sống tự do bạn có cảm thấy hạnh phúc không? Nếu không thì bạn hãy ý thức và nhớ lại đi, đừng để khi mất tự do rồi mới mơ ước thì quá muộn.
5/Ta có tiện nghi vật chất
Tiện nghi vật chất không hẳn là nhà cao cửa rộng, xe hơi, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy rửa chén, v.v… Tiện nghi ở đây là những thứ căn bản mà phần đông chúng ta đều có, đó là cơm ăn, áo mặc, chỗ ở che mưa nắng, không phải đi ăn xin, ngủ đầu đường xó chợ. Nhiều người ở Việt Nam vẫn tưởng rằng sống ở Pháp hay Mỹ chắc sướng lắm vì đầy đủ tiện nghi, họ đâu biết là ở đâu cũng có kẻ giàu người nghèo. Ngay tại Paris, thủ đô ánh sáng, hàng ngày vẫn có nhiều người ăn xin vô gia cư, tiếng pháp gọi là SDF (sans domicile fixe), ngửa tay đi xin tiền trong xe điện ngầm (métro), tối đến họ chui vào những gầm cầu thang để ngủ. Nhìn lên chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống thì ta vẫn còn may mắn hơn nhiều người. Hãy nhìn lại hoàn cảnh của mình, bạn có đói đến nỗi thiếu ăn không ? Có nghèo đến nỗi không còn mảnh vải che thân ? Nếu chưa đến nỗi như vậy thì bạn hãy xem mình đầy đủ. Khi tâm biết đủ (tri túc) thì bao nhiêu cũng đủ, khi tâm tham muốn đòi hỏi thì bao nhiêu cũng không đủ. Người biết đủ là người giàu có hạnh phúc vì không thấy thiếu thốn, người tham lam keo kiệt dù có nhiều tiền vẫn là người nghèo vì không bao giờ thấy đủ.
6/ Ta có tình thương
Nhiều người khổ sở vì cảm thấy cô đơn, không có ai thương mình hết. Không ai thương mình bởi vì mình đâu có thương ai. Khi trong lòng ta tràn đầy tình thương thì tự nhiên nó tỏa ra và mọi người sẽ tìm đến. Giống như mùa xuân hoa nở thơm ngát thì tự động ong bướm bay tới xung quanh. Ai cũng có một trái tim, tiếng Hán là tâm, bản chất của tâm (tim) là thương yêu. Ta có dư tình thương cho chính mình và cho kẻ khác. Chỉ cần nhớ lại mình có trái tim thương yêu và đem ra xử dụng. Nếu chưa nhớ thì bạn hãy thực tập phép quán từ bi ở phần trước. Hiện tại bạn có ai là người thân thương không? Có cha mẹ, anh em, vợ con, bạn bè không? Có ai đang thương và lo lắng cho bạn không? Có tình thương, biết thương và được thương là một hạnh phúc lớn nhất trên cõi đời này.
7/ Ta có sự hiểu biết
Hiểu biết ở đây là hiểu biết đạo lý chứ không phải kiến thức bằng cấp. Không kể người khùng điên mất trí, hoặc bị bệnh tâm thần mà ngay cả những người bình thường cũng chưa chắc có sự hiểu biết về nhân quả và đạo đức. Đầu óc ta còn sáng suốt, không điên khùng mất trí, lại gặp được Phật pháp, học hiểu giáo lý giải thoát, đó là một duyên lành hy hữu trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được. Nếu quán chiếu những điều trên chưa đủ để cho bạn hạnh phúc thì bạn cần phải “hạ sơn” đi vào cuộc đời để tiếp xúc với người sắp chết, người bệnh để thấy họ khổ ra sao, tiếp xúc với người tàn tật, người tù, người ăn xin, người cô đơn, người ngu cố chấp thì may ra nó sẽ giúp bạn tỉnh ngộ thấy mình hạnh phúc.
Trích sách “Ý Tình Thân”– Thầy Trí Siêu
VIDEO
- Đi Tìm Hạnh Phúc - Phần 1- TT Thích Trí Siêu
- Đi Tìm Hạnh Phúc ̣ - Phần 2- TT Thích Trí Siêu
Hoan nghênh các bạn góp ý, trao đổi !
***
|
|