Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh









Hãy Tự Hoàn Chỉnh Trước Khi Đòi Hỏi




 



Đừng nhìn vào lỗi nhỏ của người mà khuếch đại; đừng thấy lỗi nhỏ của mình mà bỏ qua. Khuếch đại cái lỗi nhỏ của người, thì hư cái tâm lớn của mình; và xem thường lỗi nhỏ của mình, thì việc lớn của mình sẽ bị hư tổn.

Kẻ trí thức thường tình, thì hay nhìn việc người mà phê phán, khiến cho việc nhỏ thành lớn, việc nên thành hư, việc lành thành rách, việc hiền thành dữ. Người trí thức chân thật thì không như thế. Vì sao? Vì họ biết rõ, ở đời không có việc gì dễ. Vì không phải là dễ, nên dễ làm sai. Và nếu không có cái sai nhỏ, thì làm gì có cái sai lớn. Cái sai lớn là đi từ nơi những cái sai nhỏ vậy; và cái đúng lớn, cái hoàn hảo lớn cũng đi từ nơi những cái đúng nhỏ và hoàn hảo nhỏ vậy.

Nên đối với cái sai của người, ta nên độ lượng mà đối với cái sai của mình, ta cần phải nghiêm túc chỉnh sửa. Hãy tự chỉnh sửa lấy chính mình, trước khi mở miệng nói đến người khác. Người lớn hãy tự chỉnh sửa lấy mình, trước khi chỉnh sửa người nhỏ. Cái sai lầm rất nhỏ của người lớn, lại có ảnh hưởng rất lớn đối với người nhỏ. Đây là điều mà những bậc làm cha mẹ, làm nhà giáo dục và những nhà lãnh đạo đất nước cần phải thấy. Nếu không thấy, thì tội nghiệp cho mình là một, mà tội nghiệp cho thế hệ con cháu của chúng ta hiện tại và tương lai là mười!

Khi còn tại thế, Đức Phật dạy học trò của Ngài phải chín chắn trong từng cử chỉ nhỏ, trong từng động tác nhỏ, trong từng ý niệm nhỏ để đừng phạm vào những lỗi nhỏ vậy. Lỗi nhỏ không phạm, thì làm gì mà có phạm vào lỗi lớn. Mỗi khi lỗi nhỏ đã phạm, thì những lỗi lớn cũng có những nguy cơ xảy ra. Có khi một ý niệm không lành cũng có thể đẩy ta đi xa cả ngàn dặm. Vì vậy, ta thấy trong kinh, Đức Phật đã nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, phải chín chắn từng lỗi nhỏ đừng để chúng xảy ra; phải tỉnh giác từng niệm nhỏ, để vọng niệm không có cơ hội khởi lên.

Xã hội ngày nay, ta có nhiều thuận lợi về mặt thông tin, nhưng ta đừng lợi dụng những thuận lợi ấy, để thông tin những tin sai lạc, không chính xác, khiến cho người nghe, người đọc và nhất là tuổi trẻ khi chạm trán, không biết hư thật thế nào và chẳng biết dựa vào đâu để làm mẫu mực và đích điểm cuộc sống.

Vậy, mỗi chúng ta hãy tự nguyện đóng góp vào cho xã hội hiện nay, bằng chất liệu tự hoàn chỉnh lấy chính bản thân mình, trước khi đòi hỏi người khác và xã hội hoàn chỉnh.

Thích Thái Hòa

Nguồn:Thư viện Cổ Pháp


Chú Phương gởi