GN - Sau mỗi thời tụng kinh, người đệ tử Phật thường nguyện “Phật nhật tăng huy, Pháp luân thường chuyển”. Nguyện cho ánh sáng Phật pháp thường chiếu rọi soi sáng thế gian. Nguyện cho bánh xe Chánh pháp quay hoài để lời Phật được lưu chuyển cùng khắp. Chánh pháp của Thế Tôn hiện còn lưu giữ trong Tam tạng đang được Tăng Ni và Phật tử tìm hiểu, nghiên cứu, tụng đọc và ứng dụng thực hành trong đời sống tu tập hàng ngày.
Thời Thế Tôn, công việc chính yếu của một Tỳ-kheo là thiền định, khất thực và thuyết pháp. Ngày nay học pháp, hành pháp và thuyết pháp vẫn là nhiệm vụ căn bản của Tăng Ni và Phật tử bốn chúng. Phật pháp là công truyền, không hề bí truyền. Như mặt trời và mặt trăng, càng sáng tỏ thì càng hay. Sau khi Thành đạo, Thế Tôn đã liên tục du hành và hoằng truyền Chánh pháp không mệt mỏi, đến lúc sắp Niết-bàn Ngài vẫn còn di huấn sau cùng. Tiếp nối công cuộc hoằng pháp của Thế Tôn, các bậc Thánh đệ tử, chư vị Tổ sư, các Phật tử thiện hữu tri thức vẫn miệt mài vận chuyển bánh xe Pháp cho đến ngày nay.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có ba việc che giấu thì hay, lộ bày thì chẳng hay. Thế nào là ba? Đàn bà, che giấu thì hay, lộ bày chẳng hay. Chú thuật của Bà-la-môn che giấu thì hay, lộ bày thì chẳng hay. Nghiệp tà kiến che giấu thì hay, lộ bày thì chẳng hay. Đó là, này Tỳ-kheo, có ba việc như thế che giấu thì hay, lộ bày thì chẳng hay. Lại có ba việc, lộ thì hay, che đậy thì chẳng hay. Thế nào là ba? Mặt trời lộ bày thì hay, che đậy thì chẳng hay. Mặt trăng lộ bày thì hay, che đậy thì chẳng hay. Pháp ngữ của Như Lai lộ bày thì hay, che đậy thì chẳng hay.
Đó là, này Tỳ-kheo, có ba việc lộ bày thì hay, che đậy thì chẳng hay.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Đàn bà và chú thuật
Tà kiến, hạnh bất thiện
Đây là ba pháp đời
Che giấu thì tối diệu.
Mặt trời, trăng rộng chiếu
Chánh ngữ pháp Như Lai
Đây là ba pháp đời
Tỏ bày hay đệ nhất.
Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy tỏ bày hiện pháp của Như Lai, chớ cho che giấu. Như thế, Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Cúng dường,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.391)
“Hãy tỏ bày hiện pháp của Như Lai, chớ cho che giấu” là tâm nguyện, là việc làm hàng ngày, là di huấn của Thế Tôn. Dù trải qua hiện thực lịch sử thăng trầm, thịnh suy đã hàng nghìn năm, lời giáo huấn của Đức Phật vẫn còn đồng vọng, nhắc nhở và thôi thúc hàng đệ tử hoằng truyền Chánh pháp, không để cho Phật pháp bị mai một.
Trong hiện thực hoằng pháp hiện nay ở nước ta, dù Giáo hội đã có Ban Hoằng pháp nhưng xem ra, chỉ có giảng sư trong Ban Hoằng pháp thôi thì chưa đủ mà mỗi vị trụ trì, mỗi người con Phật đều có trách nhiệm chung tay hoằng pháp. Có không ít chùa, vị trụ trì không thuyết pháp, không chủ trương thỉnh Tăng Ni và Phật tử đến thuyết pháp, trong chùa không có kinh sách (văn hóa phẩm Phật giáo) hoặc nếu có thì bị khóa chặt trong tủ kính (dường như để trưng bày là chính). Đây là một hạn chế lớn trong việc hoằng pháp, Phật tử chịu thiệt thòi vì mất cơ hội cơ hội học pháp mỗi khi có duyên đến chùa.
Ngày nay, ngoài nghe pháp, tụng đọc kinh sách trực tiếp, chúng ta còn có thể nghe pháp, đọc kinh, thảo luận Phật pháp thông qua phương tiện internet. Dĩ nhiên, không hẳn ai cũng có phước báo và năng khiếu về thuyết giảng. Nhưng ngoài thuyết giảng, chúng ta còn có thể dùng vô số phương tiện khác để đem Phật pháp vào đời, chia sẻ Phật pháp với mọi người. Quan trọng là mỗi người con Phật biết nuôi dưỡng tâm nguyện làm sao cho “Pháp ngữ của Như Lai lộ bày”. Có tâm nguyện này rồi thì tìm mọi cách để phát huy. Pháp ngữ của Như Lai là quà tặng cho nhân loại, giúp chúng sinh thoát khổ nên cần được sẻ chia, được phổ biến rộng rãi “vì lợi ích, vì an lạc cho chư thiên và loài người”.
Quảng Tánh
Trương Nga gởi