Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 

HIỆN HỮU

*
Lê Huy Trứ
 
2/17/2016
 
Trong cuốn giáo thuyết về linh hồn của Phật Giáo, Soul theory of the Buddhist, Giáo Sư Stcherbatsky, ghi nhận rằng, "Khi Ðức Phật gọi chủ thuyết về một cái ngã thường hằng là một "chủ thuyết cuồng si," rõ ràng là Ngài đang chống lại một chủ thuyết đã được thành lập.  Bất cứ khi nào trong các bài giảng của Ngài, Ngài đều nói về vô ngã hoặc thân kiến - chấp vào xác thân hiện hữu - (Satkàyadrsti)" (When Buddha calls the doctrine of an eternal self "a doctrine of fools" it is clear that he is fighting against an established doctrine. Whenever in his sermons he comes to speak about Soullessness or Wrong personalism).
 
Trong tác phẩm Quan điểm cơ bản của Phật Giáo, The Basic Conception of Buddhism, Giáo Sư V. Bhattacharya, sau quá trình nghiên cứu về học thuyết Vô Ngã (Non-self,) đã kết luận rằng, "... Qua nhiều cách khác nhau, sự hiện hữu về một cái ngã vĩnh hằng (hay àtman,) như được công nhận bởi những hệ thống triết học khác, đã bị Ðức Phật khước từ một cách hoàn toàn bằng cách đoạn trừ chính cái căn rễ của tham ái, nơi mà cái ngã vĩnh hằng ngự trị" (Thus and in various other ways, the existence of a permanent Self or àtman, as accepted in other systems, was utterly denied by The Buddha, thereby pulling down the very foundation of desire where it can rest.)
 
Descartes chủ trương trong vũ trụ chỉ có hai bản chất: một là hình tướng (étendues, form) hai là ý thức tư duy (pensentes, thinking) là giữa vũ trụ quan có hai miền duy lý; hình tướng thuộc về không gian và thời gian, và miền thứ hai là ý thức thuộc tinh thần và vật thể. Giữa hai miền này không thể gặp nhau.  Do đó, phát sinh tư duy hoài nghi chìm vào tư duy hiện hữu.  Hiện hữu của chỉ định ‘tôi’ chắc chắn khi tư duy đến ‘pensé/think’ giữa hữu thể và vật thể. Vậy tôi là một hiện vật có ý thức (consciousness) rõ ràng thời đó là chân lý minh bạch, nhà Triết Gia Pháp Descartes, “Tôi tư duy nên tôi hiện hữu!” (French philosopher Descartes: Je pense donc je suis’ (I think, therefore I am. From the original Latin phrase "Cogito ergo sum!")  Vì sao? Do từ hiện hữu đi đôi với ý thức. 
 
Jean-Paul Sartre lại nhìn khác hơn về hiện hữu tư duy; ông cho rằng thực thể hữu hạn không thể là một vật thể duy nhất vừa là khác nhau theo cùng một quan điểm. Theo những triết gia đi trước thì hữu thể là bắt nguồn từ hai nguyên lý ‘bất khả phân ly’ mà tạo nên hữu thể hiện hữu/ être, be, existence là yếu tính, là một xác định cho nó là cái này mà không phải cái kia.
 
Sartre thường hay xử dụng ngôn ngữ 'nhận thức' như một lý trí riêng tư "non-positionelle (de) soi"; chữ 'de' được nằm trong dấu ngoặc đơn, để chứng tỏ rằng không có sự phân chia đẳng cấp hay ngôi vị, không phân biệt vị trí của bản ngã như một đối tượng của ý thức.  Sartre đề cập đến một thứ ý thức trong sáng  (néant/nothingness) một trạng từ chưa tỏ rõ bằng một sự nhấn mạnh rõ ràng trong cái không, cõi không trống rỗng, không dính dáng vào cái không của không (emptiness of emptiness.)  Sartre đưa cái ý thức trong sáng của hiện hữu cũng như hư không; có thể là một luận án có tính cách võ đoán (non-thetic) cho tự-thức (self-consciousness) hoặc đưa vào một vị trí của tự-thức cái đó là tâm-thức  của 'soi' tức là 'tự' cái tự-có  (soi-même/one-self) trong ý thức mà ý thức đó như một ý thức suy xét phản ảnh được sự nhìn nhận về hành động và trạng thái của ý thức trong sáng đó và hầu như dành cho một vị trí ‘tự-nó.’ Cùng một trạng huống đó Sartre đặc ra hai nền tảng chính yếu cho vấn đề ý thức như quan tâm tới sự phản ảnh của ý thức.
 
Có hai vị trí khác biệt của khoa tâm lý học; đối với Sartre là một tiếp nối quan trọng qua lăng kính của ông đó là ‘Cho-tự-nó’ (For-itself) chính vị trí đó là mạch liên đới với con người.  Đấy là ý tưởng của Sartre nói về như nhiên của thân tâm, của dục tính xác thịt.  Lẽ đương nhiên cảm giác đó là thể chất đứng ra như một sự kiện của con người.
 
Chúng ta suy xét về một phần của ý thức mà ý thức đó chính là Cho-tự-nó được coi như Hư Không là mãi mãi mâu thuẩn nội tại.  Thực tế sự ấy nằm trong lãnh vực của Cái-trong-tự-nó (In-itself) như đã được tồn lưu (existed) bởi cái gọi là Cho-tự-nó (For-itself) thì đó là vấn đề tâm lý. Trên thực tế chúng ta phải có nhiều xác quyết cụ thể về cái Cho-tự-nó là chính thân tâm của mình. Vì Cho-tự-nó là ý thức của vật thể như đã thấy. Cho-tự-nó không có ý thức phán đoán mà chỉ hiện diện để xuyên qua cảm thức của Trong-tự-nó.
 
Chúng ta đã thấy điều quan trọng ấy trong " La transcendence de l'Ego " Sartre tin là Ego chỉ một phần tâm lý và từ đó được xem như vật thể của thế giới quan. Sartre bắt bẻ sự sai lệch đó về Hiện Hữu và Hư Không mà Sartre đã bày tỏ trước đây và ông rất vững tâm và lạc quan về điều đó. Sartre đã phân tích kỷ năng về thể xác của con người mà ông đã chia ra làm hai phần : -Thể-xác-cho-một-cõi-khác (Body-for-the-Other) và Thể-xác-thấy-bởi-một-cõi-khác (Body-seen-by-the-Other).  Đó là dây chuyền kết nối của tâm-thân. Mỗi khi Hiện Hữu với tâm-thân trong cùng một tiến trình của thành quả thì đó  là Thân-xác-thuộc-về-tôi (Body-for-me) thuộc về Hiện Hữu dù hiện diện trong cõi Hư-Không để ý thức về những điều 'tự-nó' như hiện thể với thế giới quan.  
 
Tóm lại, Hiện Hữu là điều kiện giản đơn như vạch trần hết thảy. Hiện-Hữu-vạch-trần (Being-for-revealing / Être-pour-dévoiler) thì cũng như lột-trần-hiện-hữu (revealed-being / être dévoilé) giữa hai dạng thức đó không có gì khác biệt giữa Hiện Hữu; nói cách khác  giữa CÓ và KHÔNG là RỖNG, tất cả đều nằm trong qui trình vũ trụ giới với con người. Sartre giải phóng toàn bộ tính không trong ý thức Hiện Hữu và Hư Không như một gạch nối cho lý thuyết hiện sinh mà Sartre đã bày tỏ  và hết lòng nâng cao giá trị nhân bản một cách trọng yếu trong triết thuyết của Sartre đề ra. Cụ thể hơn hết từ khi xuất bản tiểu luận  Hiện Hữu và Hư Không Sartre luôn luôn quan tâm hạnh phúc hay bất hạnh của con người, đó là vấn đề luân thường đạo lý (Ethical) mà mục đích và tính nết đã được biểu lộ một cách sâu đậm trong những tác phẩm của ông để lại; nhất là những tác phẩm triết học phong phú và hiệu năng, một luận án đầy đủ , là phạm trù triết học mang tính triết thuyết hơn là triết học.
 
(L'Être et le Néant / Being and Nothingness, Jean-Paul Sartre, Hiện hữu và Hư không, Võ Công Liêm)
 
Jaspers định nghĩa tạm,“Hiện hữu là cái không bao giờ trở thành một khách thể, cái bắt nguồn từ tư tưởng và hành động của tôi, cái mà tôi nói đến bằng những chữ không có nghĩa gì cả. Hiện hữu là cái nó tương quan với chính nó tức là siêu việt thể của nó.”
 
Trong bài Ý niệm về Hiện hữu, Thích Tâm Thiện viết, “Sự hữu (bhàva) hay hiện hữu (process of becoming) chỉ có thể được cảm nhận khi nào nó xuất hiện như là một đối tượng (object) trước một chủ thể (subject;) nghĩa là nó xuất hiện trong sự phân biệt và tương quan giữa chủ thể nhận thức (pudgala) và đối tượng được nhận thức (dharma.)  Nếu không như thế, sẽ không có bất kỳ một sự hữu nào hình thành và tồn tại bởi một tên gọi hay làm đối cho nhận thức.  Dẫu rằng, trong thế giới của sự vật hiện tượng, tâm (lý) không phải là vật (lý;) bởi lẽ, tâm vốn thoát ly mọi ảnh tượng của vật, nhưng đối với sự vật hiện tượng hay mỗi hiện hữu, nó không thể hiện hành mà không có tâm; vật và tâm thực chất là hai mặt của một sự hữu. Và đây là tiến trình hiện hữu mà các hệ thống triết học thường gọi là mối quan hệ giữa tổng thể phổ quát (universal) và đơn vị đặc thù (particular,) hay giữa thực thể và thuộc tính của nó (substance - attribute) v.v... Từ những chi tiết trên, cho thấy rằng sẽ không có một sự hữu nào, dù là ý niệm hay vật chất, có thể hiện hành một cách độc lập phân ly; mà trái lại, chân lý của nó (sự hữu) là bất khả phân ly; nếu không như thế, mọi cơ cấu triết học và tôn giáo của nhân loại sẽ như lâu đài xây trên bãi cát. Tất cả các danh từ như duy vật, duy tâm, duy linh, duy thực v.v... sẽ không có ý nghĩa nếu nó chỉ được hiểu như là chính nó - tức là duy vật thì không duy tâm và ngược lại.”
 
May mắn cho chúng ta là những triết gia vô dụng này đã chết và ta không còn thấy những triết gia như vậy hiện hữu chạy đầy đường trên thế giới hiện tại trừ trong bệnh viện tâm thần, không thì sẽ có nhiều người điên vì lây bệnh triết lý gàn của họ.
 
Tương tự, những câu hỏi như: "Thế giới có vĩnh hằng hay không, hoặc vừa vĩnh hằng và vừa không vĩnh hằng? ... Ðức Như Lai có tồn tại sau khi nhập diệt hay không, hoặc vừa tồn tại hoặc vừa không tồn tại ?" (Whether the world is eternal, or not, or both, or neither ?... Whether The Tathagàta exists after death, or does not, or both, or neither ?...) đều là vấn nạn của luận lý, thuộc hệ tư tưởng nhị nguyên (dualism,) và cố nhiên, sẽ không bao giờ kết thúc, đó những câu hỏi lơ lửng.
 
Trong kinh Tương Ưng (Samyutta - Nikàya) ghi lại một giai thoại rằng: Một thời vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) yết kiến Tỳ Kheo Ni Khemà tại Teranavathu, giữa thành Sàvatthi và Sàketa, ông đã đặt bốn câu hỏi như sau :
 
1- Như Lai có tồn tại sau khi chết?
 2- Như Lai không tồn tại sau khi chết?
 3- Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết?
 4- Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?
 
Tỳ Kheo Ni Khemà trả lời, "Thế Tôn không trả lời bốn câu hỏi trên." Sau đó, đích thân vua Pasenadi yết kiến Ðức Thế Tôn và đặt lại bốn câu hỏi trên, Thế Tôn im lặng.
 
Trong một dịp khác, Tôn Giả Mahàkotthika (Ðại-kiều-thi-na) lại hỏi Trưởng lão Sàriputta (Xá Lợi Phất) và Trưởng lão trả lời rằng, Thế Tôn không trả lời bốn câu hỏi trên là vì nếu trả lời là rơi vào chấp thủ sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Do đó, Thế Tôn đã im lặng.
 
Rồi lại một dịp khác, Trưởng Lão Sàriputta đặt lại bốn câu hỏi trên với tôn giả Mahakotthika, và Tôn Giả trả lời rằng, Thế Tôn không trả lời và việc đó được giải thích như sau:
 
- Những vấn nạn như thế chỉ có đối với người chưa đoạn trừ tham ái và chấp thủ đối với sắc, thọ, tưởng, hành và thức.
 - Những vấn nạn như thế chỉ có đối với người chưa đoạn trừ ái lạc Hữu, ái lạc Thủ, ái lạc Ái.
 
Cùng với trường hợp trên, một dịp khác, Ngoại Đạo Sĩ Vacchagotta (Bà-sa-cù-đa) đã đặt mười vấn nạn siêu hình với Thế Tôn rằng: Thế giới là thường? Vô thường? Là hữu biên? Là vô biên? Sinh mạng thân thể là một hay là khác? Vừa là một vừa là khác? Như Lai có tồn tại sau khi chết? Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết? Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?
 
Thế Tôn đã không trả lời mười vấn nạn này và cắt nghĩa rằng, “Vì Như Lai quán sắc không phải là tự ngã, hay tự ngã không phải có sắc, hay có sắc không ở trong tự ngã, hay tự ngã không ở trong sắc.”  Tương tự như vậy đối với thọ, tưởng, hành và thức.
 
Từ đây, rõ ràng là khi con người đặt vấn nạn về các vấn đề siêu hình, thực chất không phải họ muốn vươn lên một tầm cao của thực tại, mà là do bị kẹt vào thân kiến hay ngã kiến của chính cái xác thân của họ đang đầy ắp dục vọng, [một lo lắng trong tâm khảm, THL] muốn tìm kiếm một sự thường hằng, một linh hồn bất tử.  Sự khát vọng thống thiết đó một mặt muốn tìm kiếm chân lý và hạnh phúc vĩnh hằng; mặt khác do bị thiêu đốt bởi dục vọng, [tâm bất an, THL] và bởi chính sự lang thang đi tìm cái chân lý hão huyền nên không thể đi vào thực tại - một thực tại đang vận hành bất tuyệt ngay trong đương niệm hiện tiền. Ðiều trớ trêu đó xuất hiện và vây bủa con người chỉ vì họ đang đuổi bắt cái bóng mờ ảo ảnh của một cái ngã - linh hồn không thật.  Nó chính là "hồn ma ái dục" lúc ẩn, lúc hiện trong bóng đêm của trần thế mông lung, ảo vọng.” (Trích Vấn đề cơ bản của triết học, Thích Tâm Thiện)
 
 
Duyên khởi hiện hữu là tiền đề để đi vào Tánh Không. Dưới đôi mắt tuệ giác của Ðức Phật, mọi hiện hữu không thể được xem là có hay không; mà hiện hữu là hiện hữu của Duyên khởi (pacticcasamuppàda hay original dependence.)  Đây cũng chính là ý nghĩa Duyên khởi được triển khai trong Trung Quán Luận bởi ngài Nàgàrjuna:
 
"Bất sanh diệc bất diệt
Bất nhất diệc bất dị
Bất thường diệc bất đoạn
Bất khứ diệc bất lai."
Nghĩa :
"Không phải sinh cũng không phải diệt
Không phải một cũng không phải khác
Không phải thường cũng không phải đoạn
Không phải đi cũng không phải đến."
 
Luận chứng về Duyên khởi hiện hữu của ngài Nàgàrjuna dựa vào bốn luận cứ - có, không, cũng có cũng không và chẳng phải có, cũng chẳng phải không. Luận cứ này được diễn đạt như sau:
 
Chúng nhân duyên sinh pháp
Ngã thuyết tức thị không
Diệc vi thị giả danh
Diệc thị Trung đạo nghĩa.
 
Nghĩa:
 
 
Các pháp do nhân duyên sinh khởi
Nên tôi nói là không thật có
Có, cũng chỉ là giả danh thôi
Ðó cũng là ý nghĩa Trung đạo.
 
Ðồng thời, bên cạnh bốn luận cứ này, ngài Nàgàrjuna, qua Trung Quán (Madhyamika) đã đặc biệt nhấn mạnh đến con đường truyền giáo pháp của Đức Phật, đó là con đường dung hòa giữa Tục Đế (Samuriti-satya) và Chân Đế (Paramartha-satya) hay còn gọi là Trung Đạo (Majjhimà-patipadà.)
 
Sắc quá khứ đã diệt hay sắc vị lai chưa sinh ra?  Nếu chấp nhận sự hiện hữu thì đã phủ nhận sự không hiện hữu. Chấp nhận sự hiện hữu là vô thường (impermanent) sẽ là không hiện hữu thì thực tại là không hiện hữu (non-being) thì sẽ không có quá khứ hiện hữu (past-being) hoặc tương lai hiện hữu (future-being.)
 
Không gian hiện hữu tương quan mật thiết với thời gian thực tại, không thể tách lập riêng biệt. Khi hiểu được thực tính của thực tại thì quán triệt được thực tính của hiện hữu. Tư duy con người đã gắn kết thực tại với sự sống hiện hữu. Thực tại được nhìn nhận qua sự tồn tại và hoại diệt của hiện hữu. Thực tại là sự hiện hữu từ đó cái Ngã và vạn vật được tạo ra.  Thực tại là dòng chảy cuốn tôi đi, nhưng tôi là dòng chảy đó; thực tại là ngọn lửa tam muội thiêu đốt tôi, nhưng tôi chính là tạng quang minh ấy."  Vấn đề mấu chốt là khái niệm triết học bất khả phân giữa thực tại của thời gian và bản chất tồn tại của không gian.  Thương Tình Ca của Phạm Duy: “Đưa nhau vào cõi vô biên.  Đừng cho không gian đụng thời gian.” đã diễn tả gần đúng với ý thực tại đừng ‘để thời gian cuộn (đụng) thời gian’ này.
 
Hiển nhiên, theo Phật Giáo bản chất của hiện hữu là lý duyên khởi (dependent originations.)  Hiện hữu vốn là giáo lý đặc thù của Phật Giáo và đã xuyên thông qua cả hai hệ thống Nam Tông và Bắc Tạng; được xem như là tiền đề để tìm hiểu mối tương quan thực tại giữa Tứ Diệu Đế và 12 Nhân Duyên.  Hiện hữu không khác thực tại; Thực tại không khác hiện hữu.  Hiện hữu trong không gian, vô thường trong thời gian.  Đó là vô ngã tướng và là một mặt khác của vô thường.
 
Thích Tâm Thiện viết: “Thông qua các vấn nạn trên và lời dạy của Đức Thế Tôn, rõ ràng sự im lặng của Ngài đã biểu thị một thế giới tâm xả ly và vô niệm, tức là không còn chấp thủ về sự hiện hữu của các pháp (năm uẩn) hay hiện tượng giới là hữu hay phi hữu, là thường hay đoạn, là sinh hay diệt, là một hay khác.  Những vấn nạn về hữu, vô, sinh, diệt, thường, đoạn, khứ, lai - thực chất chúng là hiện thân của tư duy hữu ngã; và như thế, lấy cái hữu hay vô để hỏi về cái đã siêu việt hữu, vô - tức thế giới nhị nguyên (the world of dualism) thì không thể được.  Ðiều đó như cá dưới nước lại đặt vấn nạn hồ nghi về sự sống trên đất liền.”
 
Tất cả những công án ở trên thật ra Đức Thế Tôn đã giảng giải rất ràng rọt cho những thiện trí thức và các môn đệ có trình độ trí tuệ của Ngài trong 45 năm rồi chỉ có những kẻ ngoại đạo, chưa học Phật, mới u mê chất vấn Ngài với những câu hỏi vô minh về hiện hữu.  Đức Thế Tôn im lặng (noble silence) không trã lời họ cũng vì lẽ đó.  Ngài đã chứng minh cái Không của Vô Ngã qua thái độ im lặng.  Im lặng cũng là một cách trả lời.

Tle8464953 gởi