Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Hiện tượng "hát nhạc lính VNCH" ở trong nước
 
 
Trong vòng 5, 6 năm trở lại đây, hát nhạc lính trở thành một phong trào càng ngày càng lan rộng trong các sinh hoạt giải trí ở trong nước, nhất là trong giới trẻ, những người thích thể điệu Boléro.
      
LIÊN KHÚC TRÊN BỐN VÙNG CHIẾN THUẬT - KẺ Ở MIỀN XA - NHỮNG ĐÓM MẮT HỎA C...
 
Các clip phim ngắn (video clip) về nhạc lính được họ tự dàn dựng lên (ở ngoài trời, trên đường phố, trong phòng thu hay trong một quán ca nhạc) được cho phổ biến một cách rộng rãi trên các mạng xã hội để cho khán giả khắp nơi tùy nghi thưởng thức.
 
Trong số đó, chương trình "Giọng Ca Để Đời" của nhóm Quang Lập (Quang Lập Official) được thực hiện thường xuyên và khá chuyên nghiệp với cả một dàn nhạc phong phú, đa dạng.

Nhiều bản nhạc lính nổi tiếng thời VNCH như "Đưa Em Vào Hạ", "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật" hay "Chín Tháng Quân Trường" đã được những giọng ca tài tử như Thúy Hà hay Quang Lập trình bày không thua gì mấy so với các chương trình ca nhạc nổi tiếng.
 
Được thành lập từ tháng Tư, 2015 cho đến nay, chương trình này đã có phòng thu riêng tại đường Tôn Thất Tùng (quận 1, Sài Gòn) với hơn 4 triệu người ghi danh.
 
Nói chung, dù là chuyên nghiệp hay không, tất cả các bài hát đều được trình bày đúng như lời ca nguyên bản, không sửa đổi chút nào, kể cả những chi tiết "nhạy cảm", phản ảnh một cách trung thực hình ảnh người lính VNCH trước đây:
 
"Tôi thường đi đó đây
Bùn đen in dấu giày
Lửa thù no đôi mắt
Chân nghe lạ từng khu chiến thuật
Áo đường xa không ấm gió phương xa
Nghìn đêm vắng nhà
Mây mù che núi cao
Rừng sương che lối vào
Đồng ruộng mông mênh nước
Đêm đêm nằm đường ngăn bước thù
Áo nhà binh thương lính, lính thương quê
Vì đời mà đi"
("Trên Bốn Vùng Chiến Thuật" của nhạc sĩ Trúc Phương)
 
Hát nhạc lính có khi còn thấy xuất hiện trong
lễ lạc chính thức của nhà cầm quyền Hà Nội.
Chẳng hạn như tại một sinh hoạt ở xã Tân
Lãng, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, nhạc
phẩm "Lá Thư Trần Thế" (Hoài Linh) được
giới thiệu một cách trang trọng và được ba
ca sĩ, trong đó có cảmột người mặc đồ bộ
đội, trình diễn
(có thể xem tại: youtube.com/watch?v=pkRRe7uDjr4).
 
Ngoài ra, không những ca hát, người ta còn tổ chức thành từng nhóm yêu đồ lính với những danh xưng như "Yêu Đồ Lính Thành Nam", "Anh Em Yêu Đồ Lính Thủ Đô", "Đồ Lính Mỹ","Hội Đam Mê Đồ Lính Hải Dương", "Chơi Đồ Lính Xứ Lạng","Phong Cách Lính Miền Trung", v…v...
 
Các hội, nhóm này có số lượng đông đảo lên đến hàng ngàn người từ Bắc Vào Nam. Đa số họ đều đã ở tuổi trung niên, nam có nữ có, nhiều người trong số đó đã từng ở trong bộ đội Cộng sản.
 
Các băng ghi hình cho thấy họ rủ nhau "hội họp, gặp gỡ, giao lưu, cười nói rủ nhau chụp ảnh, livestream tung lên mạng, nghênh ngang giữa thanh thiên bạch nhật".
 
Tất cả đều mặc quân phục kiểu lính Mỹ hay lính VNCH, người thì đội nón sắt kẻ thì đội mũ đỏ (kiểu lính Nhảy Dù), mũ lưỡi trai (Bộ Binh) hay mũ nâu (Biệt Động Quân), chân mang giày sô hành quân, áo thêu cờ Mỹ, cổ áo gắn quân hàm, có người còn đeo dây chạc đạn kèm theo súng ngắn, lựu đạn và túi đựng bi-đông.
 
Khi thì họ xếp hàng đi bộ giữa một khu dân cư; khi thì họ chạy xe thành đoàn diễn hành trên đường phố có xe mô tô hay xe Jeep có treo cờ Mỹ dẫn đầu; khi thì họ hội họp ăn uống trong nhà hàng hay ở một địa điểm nổi tiếng ngoài trời.
 
Trông chẳng khác gì với những buổi sinh hoạt hay hội họp của các cựu quân nhân VNCH ở hải ngoại.
 
Với những bản nhạc lính do ca sĩ hát làm nền, các băng ghi hình xuất hiện trên mạng với các tựa đề như "Chào năm mới 2023 cùng anh chị em yêu đồ lính Hải Dương", "Rừng là thấp–ACE yêu đồ lính", "Sinh nhật CLB những người yêu đồ lính xứ Thanh", "Liên khúc Hái hoa rừng cho em – ACE yêu đồ lính 2024,”  “Gặp nhau cuối năm CLB đam mê đồ lính Mỹ tại Hà Nam",
 
"Ba Vì chào đón ACE yêu đồ lính Hà Nội", "Liên khúc trên bốn vùng chiến thuật – kẻ ở miền xa – những đóm mắt hỏa châu", vân vân và vân vân.
 
Địa điểm quay, theo báo Công An Nhân Dân, là trong các cánh rừng vắng ở Khe Sanh (Quảng Trị), Cao Phong (Hòa Bình), Đình Lập (Lạng Sơn), Cúc Phương (Ninh Bình).
 
Báo này cho biết, vào tháng Tám, 2020, có hàng chục video clip được lan truyền với tốc độ chóng mặt với phần âm nhạc là những ca khúc của chế độ Sài Gòn cũ như 'Giã từ vũ khí', 'Huyền sử ca một người phi công tên Quốc', 'Thiên thần mũ đỏ', 'Trên bốn vùng chiến thuật'…
 
Mời xem một trong số các liên khúc kể trên:
 
youtube.com/watch?v=st3KX6tGQu8&t=1s
 
Trước hiện tượng "gai mắt" này, đã có khá nhiều bài báo trên truyền thông nhà nước Cộng sản lên tiếng phê phán, cho đó là "một sở thích lố bịch và phản cảm" (Nhân Dân), xuất phát từ sự "thiếu hiểu biết hay thời trang dở hơi" (Công An Nhân Dân).
 
Riêng báo Quân Đội Nhân Dân gọi đây là biểu hiện của sự xâm lăng văn hóa. Sau đây là một trích đoạn:
"Nhưng môi trường văn hóa ấy đang bị 'bôi lem', 'bóp méo’'bởi những kẻ đánh tráo khái niệm 'lính'.
 
Chúng nhân danh 'Yêu đồ lính’'nhưng lại mặc nguyên trang phục của lính ngụy trước năm 1975 khiến nhiều người mới nghe tưởng đây là yêu đồ lính Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Hành vi này, cách đây 80 năm, Tổng Bí thư Trường Chinh đã chỉ rõ là 'xâm lăng văn hóa. (…) Đặt giả thiết, nếu chúng ta không ngăn chặn hành vi, hoạt động phản cảm, 'xâm lăng văn hóa' của hội, nhóm 'yêu đồ lính' đồng nghĩa với màu cờ vàng ba sọc của chế độ ngụy quyền trước đây, (…) thì đến một ngày nào đó, khi chúng mặc trang phục ấy, đi phương tiện xe jeep của ngụy quân, ngụy quyền ấy cầm cờ vàng ba sọc nghênh ngang 'diễu võ giương oai' trên mảnh đất, con đường thanh bình mà ông cha ta đổi biết bao xương máu mới có được thì sẽ ra sao?
 
Chính bởi vậy, chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn sự 'xâm lăng văn hóa từ hội, nhóm ‘yêu đồ lính!'"
 
Quả là có hiện tượng "xâm lăng văn hóa".
 
Nhưng ở đây, sự xâm lăng không xuất phát từ các thế lực thù địch do đế quốc Mỹ hay các thế lực phản động nước ngoài tổ chức, giựt dây và tiếp sức, như cách quy chụp thường thấy của bộ máy tuyên truyền Cộng sản.
 
Mà là một cuộc tự-xâm-lăng của người dân.
 
Bất chấp sự răn đe, dọa dẫm và cấm đoán, ngay từ sau năm 1975 cho đến nay, "nhạc vàng" nói chung và "nhạc lính" nói riêng, vẫn được người dân Việt Nam từ Nam ra Bắc lưu giữ, truyền tụng và yêu thích.
 
Sở dĩ thế là vì trong nhạc lính, nhịp điệu và lời ca "không hề kêu gọi sự căm thù và giết chóc, không "sặc mùi chống Cộng sản" như các bài báo nêu trên đã mô tả. Nhạc lính có tính cách dân dã, phổ thông, phản ảnh tâm tình của những người lính bình thường (chứ không phải "quan"), chẳng khác gì những câu hát câu hò trên ruộng lúa nương khoai của người
dân thời xa xưa.
 
Nếu gọi là xâm lăng, thì đó là sự xâm lăng của tấm lòng, của trái tim, của tình người. Một cuộc xâm lăng dịu dàng và nhân ái!


_____________


Đỗ Hứng gởi