Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 

HỘ NIỆM







***
 
Hộ niệm 護念 = Trợ niệm 助念 là từ gốc Hán, trong đó:

- Hộ 護 :  Là  giúp đỡ, che chở, giữ gìn.  Như:  hộ tống 護送:  Đưa đi và che chở dọc đường;  hộ tốt 護卒:  Lính đi theo để bảo vệ;  hộ vệ 護衛:  Che chở gìn giữ người khác.

- Niệm 念: 1. Là nhớ nghĩ, nhớ mong.  Như:  tư niệm 思念: tưởng nhớ;  quải niệm 掛念: nhớ nhung canh cánh trong lòng;  hộ niệm 護念:  nhớ giữ gìn.
2. Là đọc, tụng. Như: niệm thư 念書 đọc sách;  niệm kinh 念經: đọc kinh, tụng kinh.

Trong Phật giáo, hộ 護 trong hộ niệm thường là cách nói gọn của hộ tử 護死 với ý nghĩa là “giữ gìn cái chết an lành” hay “giúp đỡ cái chết an lành”. Theo đó, đối với người sắp chết thì:
- Hộ niệm: Là người sắp chết cần luôn Chánh niệm để tự giúp mình, tự gìn giữ mình chết an lành.
- Hộ niệm : Là giúp người sắp chết có được Chánh niệm để chết an lành.
Chánh niệm nơi đây có mục đích làm cho tâm được định hay cho tâm được định-tuệ tùy theo căn cơ của người sắp chết. 

1) Hộ niệm trong Phật giáo Nam truyền.

Dưới đây là trích các đoạn kinh với ý nghĩa hộ niệm sau:

1/. Trong bài kinh Giáo giới Cấp Cô Độc trong Trung Bộ kinh có chép:
“Tôi nghe như vầy. Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà. Bấy giờ gia chủ Cấp Cô Độc thân mang trọng bệnh.

Ngài Xá-lợi-phất, với thiên nhãn thanh tịnh không bợn nhơ, thấy gia chủ Cấp Cô Độc thân mang trọng bệnh, bèn nói với ngài A-nan: “Thầy cùng tôi đi đến thăm gia chủ Cấp Cô Độc.” Ngài A-nan đáp: “Vâng. Thầy biết bây giờ là đúng thời.” 

Bấy giờ, đúng thời ngài Xá-lợi-phất và ngài A-nan khoác y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực; lần hồi đi đến nhà gia chủ. Đến nơi, các ngài ngồi xuống. Sau khi ngồi, ngài Xá-lợi-phất đang ở trên chỗ ngồi, nói với gia chủ Cấp Cô Độc:
 “Bệnh của ông hôm nay tăng hay giảm? Có cảm thấy đau đớn giảm dần, không tăng thêm?”

Gia chủ đáp: “Bệnh của con trở nên trầm trọng, có rất ít hy vọng. Con chỉ cảm thấy tăng thêm, không giảm bớt.”

Ngài Xá-lợi-phất nói: “Này gia chủ, bây giờ ông hãy nhớ tưởng đến Phật, rằng Như Lai là bậc A-la-hán, Chí Chân Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, hiệu Phật, Thế Tôn.
 “Ông cũng hãy nhớ tưởng đến Pháp, rằng Pháp của Như Lai rất thâm sâu, đáng tôn đáng quý, không gì sánh bằng, là điều mà Hiền Thánh tu hành.

“Ông cũng hãy nhớ tưởng đến Tăng, rằng Thánh chúng của Như Lai hòa thuận trên dưới, không tranh tụng, thành tựu pháp tùy pháp. Thánh chúng ấy thành tựu giới, thành tựu tam-muội, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu tri kiến về giải thoát. Tăng ấy gồm bốn đôi tám hạng. Đó gọi là Thánh chúng của Như Lai đáng tôn đáng quý, là ruộng phước vô thượng của thế gian.

“Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghĩ nhớ đến Tam bảo như thế thì sẽ không bao giờ đọa vào ba đường ác. Thiện nam tử, thiện nữ nhân nào tu niệm Tam bảo ấy chắc chắn sẽ đi đến cõi lành, được sinh vào cõi trời, cõi người.

“Này gia chủ, đừng chấp thủ vào sắc và cũng đừng chấp thủ vào thức do duyên sắc, đừng chấp thủ vào âm thanh và cũng đừng chấp thủ vào thức do duyên âm thanh, đừng chấp thủ vào mùi hương và cũng đừng chấp thủ vào thức do duyên mùi hương, đừng chấp thủ vào vị nếm và cũng đừng chấp thủ vào thức do duyên vị nếm, đừng chấp thủ vào vật xúc chạm và cũng đừng chấp thủ vào thức do duyên vật xúc chạm, đừng chấp thủ vào các ý tưởng và cũng đừng chấp thủ vào thức do duyên các ý tưởng.

“Đừng chấp thủ vào đời này hay đời sau và cũng đừng chấp thủ vào thức do duyên đời này hay đời sau. Đừng chấp thủ vào ái và cũng đừng chấp thủ vào thức do duyên ái. Vì sao thế? Do duyên ái mà có thủ, duyên thủ mà có hữu, duyên hữu mà có sinh, duyên sinh mà có chết, sầu ưu khổ não không thể tính kể.” 

2/. Trong bài kinh Cha mẹ của Nakula (ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.32) có chép:

“Một thời, Thế Tôn trú ở Bhagga, rừng Bhesakaḷā, Lộc Uyển. Lúc bấy giờ, gia chủ, cha của Nakula bị trọng bệnh. Mẹ của Nakula nói với cha của Nakula như sau:

Thưa gia chủ, chớ có mạng chung với tâm còn luyến ái. Đau khổ là người khi mạng chung với tâm còn luyến ái. Thế Tôn đã quở trách người khi mạng chung với tâm còn luyến ái (*).

Gia chủ có thể suy nghĩ: Mẹ của Nakula, sau khi ta mạng chung, không có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa; Sau khi ta mạng chung, mẹ của Nakula, sẽ đi đến một gia đình khác; Mẹ của Nakula, sau khi ta mạng chung, sẽ không muốn yết kiến Thế Tôn và chúng Tăng; Sau khi ta mạng chung, mẹ của Nakula, sẽ không giữ giới một cách đầy đủ…

Thưa gia chủ, chớ có nghĩ như vậy! Sau khi gia chủ mạng chung, tôi có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa; gia chủ cũng đã biết, mười sáu năm nay tôi đã sống với gia chủ và thực hành phạm hạnh thế nào rồi; Sau khi gia chủ mạng chung, tôi sẽ yết kiến Thế Tôn và chúng Tăng nhiều hơn; Cho đến khi nào, các nữ đệ tử áo trắng của Thế Tôn còn giữ giới luật một cách đầy đủ, tôi là một trong những người ấy…

Do vậy, gia chủ, chớ có mạng chung với tâm còn luyến ái”. 

------------------

(*) Chú thích:  Luyến ái 戀愛 [luyến 戀 : tiếc nuối;   ái 愛: dính mắc]: dính mắc bởi tiếc nuối.

3/. Trong kinh Tương Ưng bộ III có ghi:  

Một thời Thế Tôn sống giữa dân chúng Bhagga tại vườn Nai trong rừng Bhesakaḷā, ngoại thành Suṃsumāragira. Rồi gia chủ Nakulapitā  (cha của Nakula) đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, gia chủ Nakulapitā bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, con đã già, tuổi lớn, đã gần hết tuổi thọ, thân bệnh hoạn, luôn luôn ốm đau. Bạch Thế Tôn, con không được thường thấy Thế Tôn và các vị tỳ-khưu đáng kính. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn giảng dạy cho con. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chỉ bảo cho con. Nhờ vậy, con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

– Thật sự là vậy, này gia chủ. Thân của gia chủ là bệnh hoạn, ốm đau, yếu ớt. Ai mang cái thân này lại tự cho là không bệnh, dù chỉ trong một giây phút, người ấy phải là người si mê. Do vậy, gia chủ cần phải học tập như sau: "Dù cho thân tôi có bệnh, tâm sẽ không bị bệnh". Như vậy, gia chủ cần phải học tập.

Khi đối mặt với nỗi đau bệnh tật hoặc cái chết, trong tâm lý của hầu hết mọi người có lẽ ai cũng mong muốn đức Phật làm một phép lạ hay ban cho mình một sức mạnh diệu kỳ để giúp mình chiến thắng nỗi đau, vượt qua bệnh tật. Đó là tâm lý thường tình, cũng như người gia chủ Nakulapitā kia, cầu xin đức Phật giúp cho thân tâm ông được nhẹ nhàng, an ổn.

Nhưng theo đức Phật, khi mang cái thân tứ đại giả hợp này mà mong không bệnh tật là một thái độ si mê. Bản chất của thân này là duyên khởi sinh-diệt nên vô thường, biến hoại; mong muốn nó bền chắc, tốt đẹp, thường còn, không biến hoại để mãi mãi an vui là điều không tưởng. Đức Phật không bao giờ làm việc gì vô ích chỉ vì hư tưởng, chẳng hạn như ban phép màu để vượt qua bệnh tật hay lẩn tránh cái chết. Bằng như đức Phật ban cho họ phép màu để họ được như nguyện (thân tâm an ổn), thì sau căn bệnh đó, sau nỗi đau đó còn biết bao căn bệnh khác, nỗi đau khác vốn tiềm ẩn trong cái thân tứ đại giả hợp, họ sẽ phải đối mặt như thế nào? Chắc chắn là không có phép màu nào có thể khiến cho họ lành lặn, an ổn mãi mãi, bởi thực tính của mọi sự vật hiện tượng là vô thường, biến hoại.

Điều quan trọng là đức Phật dạy chúng ta phải đối mặt với những gì xảy đến với chúng ta, trong đó có bệnh tật. Phải thấy rõ thực tế và nhìn sâu vào thực tướng, vào bản chất sinh khởi và hoại diệt của nó như thế nào để vượt lên cảm thọ, thành tựu được tuệ giác và có được trạng thái khinh an. 

Đức Phật rất xem trọng việc thực tập giáo pháp ngay cả trong thời khắc bệnh hoạn hoặc sắp lâm chung, bởi đó có thể là cơ hội để người đó sinh khởi tuệ giác, chứng ngộ chân lý. Điều này có ý nghĩa và giá trị gấp trăm ngàn lần sự tạm thời chấm dứt các nỗi đau nơi thân xác mà không nhổ tận gốc rễ của chúng.

Đức Phật thường dạy người bệnh quán chiếu về những gì mà họ đang trải qua, cụ thể là những gì đang diễn ra nơi thân thể, các giác quan, sự sinh khởi và biến chuyển của các cảm thọ, để từ sự quán chiếu sâu sắc đó thành tựu chánh niệm, tuệ giác.

4/. Trong kinh Tăng Chi 1.16 và 6.19  có viết:  “Có một pháp, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Tử (= niệm chết). Chính một pháp này, này các Tỳ-khưu, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn” 

Trong Tích Truyện Pháp Cú tập 2, bản dịch của Thiền viện Viên Chiếu, phẩm XIII Thế Gian về “Cô bé dệt vải” sau:

Dân chúng Ālavī đã chờ đợi Đức Thế Tôn, sau khi cúng dường vật thực, và khi bữa ăn được kết thúc, họ dọn bát và chờ nghe Ngài chỉ dạy. Nhưng Ðức Thế Tôn chỉ nói: “Ta thực hiện chuyến đi dài ba mươi dặm này chỉ vì một cô gái, cô ấy chưa có mặt được. Khi cô ấy đến, Ta sẽ giảng pháp”. Vì thế, Ngài ngồi im, thính chúng cũng lặng yên đợi chờ.

Sau khi đã đánh thoi xong, cô gái bỏ vào giỏ và đem đến xưởng dệt cho cha. Trên đường đi, cô dừng lại ngoài vòng thính chúng và chăm chú nhìn Ðức Phật. Thế Tôn ra dấu và nhìn cô chăm chú. Với cái nhìn chăm chú của Ngài, cô hiểu ý: “Ðức Bổn Sư ngồi trong hội chúng, tỏ dấu nhìn ta với ý muốn ta đến gần, Ngài muốn ta đến nghe pháp vào ngay lúc này”. Do vậy, cô đặt giỏ xuống đất và lại gần Đức Phật.

Vì sao đức Thế Tôn chăm chú nhìn cô bé? Vì Ngài biết rằng “Nếu cô gái này đi tiếp cô sẽ chết như là một phàm nhân, kiếp sau của cô sẽ không chắc chắn. Nhưng nếu cô bé đến nghe pháp, cô sẽ chứng Đạo và Quả đầu tiên và chắc chắn sẽ tái sanh lên cõi trời Ðâu-suất”.

Sau khi đến gần Đức Phật và cung kính đảnh lễ, cô gái trẻ im lặng ngồi vào giữa thính chúng vây quanh Thế Tôn. Rồi Ðức Thế Tôn hỏi cô bốn câu hỏi:

1.​- Con từ đâu đến đây?
- Bạch Thế Tôn! Con không biết.

2.​- Con sẽ đi đến đâu?
- Bạch Thế Tôn! Con không biết.

3.- Con không biết phải không?
- Bạch Thế Tôn! Con biết.

4.​- Con thực sự biết không?
- Bạch Thế Tôn! Con không biết.

Thính chúng nổi giận xì xào:
- Coi kìa! Con bé, con lão thợ dệt nói như đùa với Thế Tôn.

Khi Ngài hỏi “Con từ đâu đến đây?”, nó phải đáp: “Từ nhà người thợ dệt” chứ.
Và khi Ngài hỏi “Con sẽ đi đến đâu?”, nó phải thưa là: “Ði đến xưởng dệt”, mới phải chứ.

Thế Tôn bảo thính chúng im lặng, Ngài hỏi cô bé:
- Này con! Khi Ta hỏi “Con từ đâu đến đây?”, tại sao con trả lời “Con không biết”?
- Bạch Thế Tôn! Ngài cũng biết rằng con từ nhà cha con là người thợ dệt đến đây. Vì thế khi Ngài hỏi “Con từ đâu đến đây?”, con hiểu rằng ý của câu ấy là “Từ kiếp sống nào con sanh ra đây?”,  nên con trả lời rằng “Con không biết”.

Đức Phật khen cô gái:
- Lành thay! Lành thay! Này con, con đã trả lời đúng câu hỏi của ta.

Đức Phật hỏi câu hỏi khác:
- Khi Ta hỏi “Con sẽ đi đến đâu?”, vì sao con trả lời “Con không biết”?
- Bạch Thế Tôn! Ngài cũng biết con trên đường đến xưởng dệt với giỏ thoi trên tay. Nên khi Ngài hỏi “Con sẽ đi đến đâu?”, con hiểu ý của câu hỏi ấy là con sẽ tái sanh nơi đâu. Nhưng con không biết là con sẽ tái sanh nơi đâu khi con chết ở kiếp này, do vậy con trả lời rằng “Con không biết”.

Ðức Phật khen cô gái lần thứ hai:
- Lành thay! Lành thay! Này con, con đã trả lời đúng câu hỏi của ta.

Ðức Phật tiếp một câu hỏi khác:
- Khi Ta hỏi, “Con không biết phải không?”, vì sao con trả lời “Con biết”?
- Bạch Thế Tôn! Vì con biết rằng vào một ngày nào đó chắc chắn con sẽ chết, nên con đáp “Con biết”.

Ðức Phật lại khen lần thứ ba:
- Lành thay! Lành thay! Này con, con đã trả lời đúng câu hỏi của ta.

Ðức Phật hỏi câu hỏi cuối cùng:
- Vì sao khi Ta hỏi “Con thực sự biết không?”, con trả lời rằng “Con không biết”?
- Bạch Thế Tôn! Con chỉ biết chắc chắn là con sẽ chết. Nhưng con không biết con sẽ chết vào lúc nào, vào ban đêm hay ban ngày hay vào sáng sớm. Vì thế con đáp: “Con không biết”.

Ðức Phật lại tiếp tục khen ngợi:
- Lành thay! Lành thay! Này con, con đã trả lời đúng câu hỏi của ta.

Ðức Phật khen cô gái lần thứ tư và dạy thính chúng: “Các người không hiểu ý câu nói của cô gái. Các người đã khó chịu. Với người không có tuệ nhãn, họ mù, chỉ người nào có tuệ nhãn mới thấy được điều này”. Sau khi tuyên bố, Ngài dạy bài kệ Pháp Cú số 174 sau:

Ðời này thật mù quáng,
Ít kẻ thấy rõ ràng.
Như chim thoát khỏi lưới,
Rất ít đi thiên giới.

Cuối thời pháp cô gái chứng ngộ Đạo và Quả Trí đầu tiên. Cô đã trở thành một vị Thánh Tu-đà-hoàn (P: Sotāpanna) nhờ cô đã thực hành thiền niệm sự chết đã ba năm. Như tất cả quý vị đã nghe, mặc dù có rất nhiều người nghe bài pháp nguyên bản từ Đức Phật, tất cả mọi người - ngoại trừ cô con gái của người thợ dệt,  vẫn bao phủ mình trong thế sự, tham dự các công việc như thường lệ.

2) Hộ niệm trong Phật giáo Bắc truyền.

Theo Tịnh Độ tông: 
- Hộ niệm hay trợ niệm là niệm Phật A Di Đà hỗ trợ cho người sắp xả bỏ báo thân được vãng sinh.
- Hộ niệm là cách thức trợ giúp nhắc nhở cho thần thức người bệnh trong lúc lâm chung hoặc vừa lâm chung giữ vững Chánh niệm, nhớ lại những việc làm thiện của mình lúc còn mạnh khoẻ, nhớ đến Tam bảo, nhớ những việc thiện đã làm, để tâm hướng đến Phật A Di Đà.
- Hộ niệm là phương pháp khích lệ và an ủi động viên tinh thần người bệnh sắp lâm chung vững tâm để một lòng chuyên tâm về câu niệm Phật A Di Đà.
- Hộ niệm giúp người bệnh sắp lâm chung trấn tỉnh tinh thần không lo sợ, không hoang mang, buông xả mọi duyên để chuyên trì một câu niệm Phật A Di Đà.

3) Thực hành Chánh niệm trong Hộ niệm.

Qua phần trình bày trên, việc thực hành Chánh niệm trong Hộ niệm có thể được rút ra như sau:

Nội dung của Chánh niệm không ngoài nhắc lại nhận thức Chân lý Duyên khởi (tuệ giác), hay Đạo đức Duyên khởi (định tĩnh), hoặc cả hai để nội tâm người sắp xả bỏ xác thân được thanh tịnh và sáng suốt. 

Do đó, người đi hộ niệm và người được hộ niệm (người sắp qua đời) cần đạt những chuẩn mực về định và tuệ, thì việc hộ niệm mới đạt được kết quả tốt lành tương thích, bằng không thì kết quả rất hạn chế.  Ví như hộ niệm bằng phương pháp niệm Phật trong Tịnh Độ tông thì:
- Niệm Phật định:  Gồm Trì danh niệm Phật, Quán tượng niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật,  là những phương pháp giúp nội tâm định tĩnh.  Chữ Phật nơi đây hàm ý là Phật tướng.
- Niệm Phật tuệ:  Gồm Thật tướng niệm Phật, là phương pháp giúp nội tâm định tĩnh và sáng suốt.  Chữ Phật nơi đây hàm ý là Phật tính = Duyên khởi tính = Vô thường tính + Vô ngã tính = Không tính = Tự tính.

VIDEO
 
- Chuẩn Bị Cho Người Lâm Chung - Thầy Thích Pháp Hòa
- Hộ Niệm Cho Người Lâm Chung Có Cần Thiết Không?
- Cách hộ niệm cho người sắp lâm chung (sắp chết) - Sư Hương Nhũ
- Hộ Niệm Người Lâm Chung Những Điều Cần Biết - Thầy Thích Phước Tiến

 
***


Huy Thai gởi