Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
 
 

Hoa Sen Ngày Xuân

Ban Phiên Dịch Việt Ngữ

Trường Ðại Học Pháp Giới

Vạn Phật Thánh Thành

Talmage, California

Mục Lục:

Phá Mê

Sám Hối

Giải Nghi

Sinh Hoạt

Xã Hội

Tu Hành

Chính Cuộc

Học Phật

Con Ðường Tu Hành

Phát Nguyện Học Phật

Trồng Giống Bồ Ðề

Chúng Sanh Ðều Là Phật

 


Phá Mê

Hỏi: Thật sự có vận mạng không? Con người có năng lực thao túng, sửa đổi số mạng chăng?

Ðáp: Quân-tử có pháp tạo mạng.

Mạng do ta lập, phước tự ta cầu.

Họa, phước không cửa,

Do mình tự vời.

Quả báo thiện, ác,

Như bóng theo hình.

Bậc quân-tử có thể sáng tạo, tự sửa đổi số mạng của mình. Người đời không hiểu, cho rằng mọi sự đều do trời định. Chỉ cần có lòng tin mạnh mẽ và có nghị lực, thì bạn có thể từ chỗ phàm-phu mà tiến lên quả-vị Phật ngay trong tích tắcớsố mạng cải biến rồi vậy!

Hỏi: Ðộng vật chết rồi có đầu thai chăng?

Ðáp: Chúng cũng đầu thai tương tự như loài người vậy. Thí dụ như có người kiếp này là người Trung Hoa, kiếp sau là người Mỹ, kiếp sau nữa lại là người Nhật..., thì động vật cũng thế, cũng "di dân" y như vậy. Ðộng vật cũng có tánh linh, và tánh linh của chúng cũng có thể luân chuyển; song tùy nơi nghiệp lực, hành vi và tư tưởng mà có sai biệt.

Hỏi: Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát từ đâu lại?

Ðáp: Bạn hãy tự hỏi bạn từ đâu đến!

Hỏi: Có gì khác biệt giữa việc cứu người, cứu quỷ và cứu ma?

Ðáp: Hẳn nhiên là không có gì khác biệt, sao bạn còn hỏi?

Hỏi: Hiện tại đang lưu hành thứ Hiện Ðại Thiền, các Thầy dạy cách "kết ấn" và nói rằng tu theo phương pháp này dễ được cảm ứng lắm. Chúng tôi có thể học thứ Hiện Ðại Thiền này không?

Ðáp: Tôi là người cổ lão, chẳng hiểu được chuyện "hiện đại!"

Hỏi: Ðem giáo lý đạo Phật phổ vào điệu nhạc khúc ca như vậy có đúng phép không? Có người phê bình thì sao?

Ðáp: Nếu đã sợ bị phê bình, chỉ trích, thì tốt hơn hết là đừng làm bất cứ chuyện gì cả! Thử hỏi trong thiên hạ có chuyện gì tốt mà không bị phê bình? Nếu bạn sợ phê bình thì đừng làm; nếu chẳng sợ chỉ trích thì hãy phấn đấu tiến lên!

Hỏi: Song le có người phê bình tại sao không tìm điệu khúc trong Phật Giáo mà lại lấy nhạc thời đại để phổ khúc?

Ðáp: Tám vạn bốn ngàn pháp môn, môn nào cũng là số một, cũng là hay nhất cả!

Hỏi: Ở đời thật có quỷ sao? Người sợ quỷ, hay quỷ phải sợ người?

Ðáp: Bạn hỏi được vấn đề này hẳn nhiên bạn đã biết là có quỷ hay không rồi; cần gì phải hỏi nữa? Nếu trong tâm người có quỷ, thì người mới sợ quỷ. Trong tâm người nếu không có quỷ, thì quỷ phải sợ người!

Hỏi: Làm sao để phá chấp trước và vọng tưởng?

Ðáp: Ai cho bạn chấp trước? Ai cho bạn vọng tưởng?

 

Một số sinh viên trường University of California, San Francisco, đến thăm trường Ðại Học Pháp Giới. Nghe nói Tỳ-khưu-ni phải thọ trì nhiều Giới Luật hơn Tỳ-khưu, có người hỏi: "Như vậy phải chăng là nam nữ không bình đẳng?"

Ðáp: Tôi phải nói thẳng cho các bạn rõ rằng: Xét cho cùng thì Tỳ-khưu-ni là đàn bà; mà đàn bà thì có thể sinh nở, còn đàn ông thì không. Như vậy thì các bạn hiểu rồi chứ?

Hỏi: Tại sao trong xã hội bây giờ đàn bà lại ở địa vị thấp? (thua đàn ông).

Ðáp: Ai nói là đàn bà bị thua kém? Ðàn ông toàn thế giới ai cũng yêu đàn bà! Song, tôi chủ trương rằng "đàn bà không nên ăn giấm chua, đàn ông không nên ăn vụng mật ngọt;"1 bởi hai điều này đều là gốc của tánh tham lam. Nếu đàn bà không "ăn giấm chua," đàn ông không "ăn vụng mật," thì vợ chồng nhất định sẽ hòa thuận, vui vẻ.

Hỏi: Xin hỏi về xá-lợi. Có người nói xá-lợi chỉ là viên đá; có kẻ nói một hạt xá lợi có thể biến thành hai; lại có người đồn xá-lợi có thể biến mất. Xin Hòa Thượng giải thích cho.

Ðáp: Xá-lợi có được là do con người tu hành, nghiêm trì Giới Luậtớ không sát sanh, không trộm cắp, và chủ yếu là không tà dâm. Không tà dâm thì "bảo bối" nơi thân mình không bị tiêu hao mất; "bảo bối" này, tôi tin rằng các bạn đều biết rõ. Bởi vậy, trọng yếu là ở sự trì Giới Luật. Căn bản của sanh mạng chúng ta là vật gì, tôi không cần phải nhiều lời. Nếu các bạn có thể giữ Giới Không Tà Dâm, thì tự nhiên bạn sẽ có xá-lợi quang minh, xán lạn, kiên cố hơn cả kim cương!

Nói rằng xá-lợi một hạt biến thành hai hạt, đó chỉ là truyền thuyết. Bởi tôi chưa học qua môn Hóa-học, chưa làm thực nghiệm, chưa thí nghiệm xem xá-lợi như thế nào, nên chưa có kinh nghiệm.

Tôi chỉ có thể cho các bạn biết rằng nếu các bạn nghiêm trì Giới Luật thì các bạn sẽ có xá-lợi. Không trì Giới thì không có xá-lợi. Ðây là việc không thể giả mạo, hay mạo xưng đặng. Ðó là điều tôi hiểu!

Hỏi: Nói vậy, nếu muốn có xá-lợi thì chúng ta phải "thanh tịnh hóa" thân này?

Ðáp: Ðúng! Bạn phải sống độc thân, không được tiếp cận nữ giới. Nếu gần gũi nữ giới thì dù bạn có xá-lợi, e rằng xá-lợi ấy chỉ là thứ thủy-tinh!

Hỏi: Vậy thì nữ giới cũng không được tiếp cận nam giới?

Ðáp: Ðúng! Lý cũng tương đồng như trên. Do vậy trong đạo Phật mới có vấn đề độc thân, không kết hôn. Người xuất gia cần phải biết tự chế, không được loạn luân. Hễ loạn luân tức là không giữ Giới Luật. Người tu Ðạo phải thông suốt quan điểm về vấn đề nam nữ; nếu không thông suốt tức là "nhận lầm mắt cá là hạt ngọc."

Hỏi: Giới Luật nhà Phật thật vô cùng nghiêm khắc. Như Hòa Thượng nói là "không được tà dâm, không nên có tâm tham đắm sắc dục giữa nam nữ," ắt hẳn sẽ có người phản đối: "Như thế là không hợp nhân đạo!" Xin Hòa Thượng khai thị cho.

Ðáp: Muốn học làm Phật thì chẳng thể vừa lòng người đặng. Bạn muốn học làm người thì phải học làm người tốt. Tóm lại, bạn muốn tu hành thì phải như thế đấy!

Hỏi: Người có bệnh đi khám bác sĩ, bác sĩ bảo cần phải uống thuốc. Song, thuốc thì giết vi trùng; như vậy có phải là phạm Giới Không Sát Sanh chăng?

Ðáp: Bạn muốn trị lành bệnh; thuốc không phải là thứ bạn tự ý muốn uống, mà vì có bệnh nên bạn mới phải uống. Thuốc là do bác sĩ cho, chứ chẳng phải ý bạn muốn. Chẳng phải là bạn muốn giết bọn vi trùng kia, mà vì bọn chúng đến hại bạn.

Tuy nói vậy, song nếu xét lại vấn đề một cách sâu xa, thì sở dĩ vi trùng xuất hiện nơi thân bạn là vì bạn có quá nhiều vọng tưởng. Chính vọng tưởng của bạn đã chiêu cảm bọn chúng lại; do đó, bạn nên "hồi quang phản chiếu," tự soi xét lòng mình, diệt sạch những "vi trùng" của tự-tâm trước đi!

Hỏi: Trong Kinh dạy rằng kẻ niệm Chú Ðại Bi thì "toàn thân ác tật, tức thời tiêu trừ." Song có nhiều người nói: "Làm gì có chuyện đó! Chẳng lẽ bạn bệnh rồi niệm Chú Ðại Bi thì hết bệnh sao?" Quan điểm ấy khác với ý Kinh; xin Hòa Thượng khai thị cho.

Ðáp: Tâm thành thì linh nghiệm. Tâm chẳng chân thành thì niệm Chú không thể linh đặng. Nếu tâm bạn mà thành khẩn, thì niệm Chú sẽ linh ứng. Chú Ðại Bi có thể làm cho:

Giận dữ sanh hoan hỷ,

Chết rồi đặng hồi sinh.

Lời này nếu hư giả,

Tức chư Phật nói dối.

Cho nên, nếu bạn sanh lòng tin tưởng thì nhất định sẽ có cảm ứng. Chú Ðại Bi có thể trị tám vạn bốn ngàn chứng bệnh, song cần phải có thiện-căn. Người không có thiện-căn thì muốn niệm cũng chẳng niệm nổi, muốn trị bệnh cũng chẳng làm nên trò trống gì!

] ] ]

 

 

Sám Hối

 

Hỏi: Làm thế nào mới tiêu trừ được nghiệp chướng?

Ðáp: Người nào có thể không bao giờ nổi nóng, giận dữ, thì mọi nghiệp chướng đều tiêu sạch trong chớp nhoáng. Khi sắp nổi giận, bạn nên nhẫn nại một chút; hãy nói với chính mình: "Ráng chờ thêm một phút nữa," bởi:

Nhẫn một tí, gió im sóng bặt,

Lùi một bước, biển lặng trời trong.

Hỏi: Có nhiều người bị bệnh, nói rằng đó là do cha, ông xưa kia tạo nghiệp, bây giờ con cháu gánh chịu quả-báo. Vậy làm thế nào để tiêu trừ thứ nghiệp chướng này?

Ðáp: "Ai ăn nấy no, tội ai nấy lãnh."

Tội lỗi, nghiệp chướng của cha, ông, bạn không phải nhận chịu. Bạn chỉ cần đừng tiếp tục tạo nghiệp nữa là đủ:

Những việc mình làm từ xưa,

Xem như đã chết theo ngày hôm qua.

Giờ đây những việc mình làm,

Thuộc về đời mới kể từ hôm nay!

Trời cao không đày đọa kẻ biết hối cải lỗi lầm. Chỉ cần mình thành tâm sám-hối, sửa đổi để làm một con người mới là được!

] ] ]

 

 

Giải Nghi

 

Hỏi: Nhà Nho nói nhân ( ) và nhà Phật nói từ bi ( ). Các từ ngữ này có quan hệ với nhau ra sao?

Ðáp: Nhân là lòng thương người, thương vật. Từ bi thì rộng nghĩa hơn; có lòng từ mẫn ngay với người không có duyên (affinity) với mình, đó là đại từ; xem mọi người cùng một thể, đó là đại bi.

Cho nên, từ bi bao hàm lòng nhân ở trong đó. Nhân còn gọi là "thiện chủng tử," nghĩa là hạt giống lành không ngừng sanh trưởng trong trời đất. Nhân cũng được gọi là "Phật Giới chủng tử," tức là hạt giống của Giới Luật nhà Phật.

Hỏi: Thừa là gì? Ðại Thừa và Tiểu Thừa khác nhau ra sao?

Ðáp: Thừa là chiếc xe dùng để chở người. "Ðại thừa" là chiếc xe lớn, chở được nhiều người; còn "tiểu thừa" là chiếc xe nhỏ, chở được ít người hơn.

Căn-tánh của mỗi chúng sanh đều khác nhau, xu hướng đều bất đồng; do đó có kẻ thích "xe lớn," có người thích "xe nhỏ." Kỳ thật, đều là một chiếc xe mà thôi; không nên ở nơi đây mà sanh tâm phân biệt.

Hỏi: Quả vị La-Hán và Bồ-tát khác nhau ra sao?

Ðáp: "La-Hán" và "Bồ-tát" đều là những tên gọi, bởi do trí huệ con người không giống nhau mà ra.

Bồ-tát thì muốn làm lợi ích cho kẻ khác, còn La-Hán thì chỉ tu trì cho riêng mình; song đó chẳng qua chỉ là một giai đoạn của con đường tu.

Khi bạn còn là phàm-phu thì bạn không sao biết được cảnh giới của bậc La-Hán. Nếu bạn cứ tính lui tính tới, đoán thế này thế nọ, thì chỉ phí thời gian. Bạn tưởng tượng cảnh giới của Bồ-tát ra sao? Và cảnh giới của La-Hán thì như thế nào? Bạn có tưởng tượng cách mấy cũng không thể nào đạt tới cảnh giới của họ được!

Giống như việc đi học vậy, chưa nhập học mà bạn cứ nghĩ: "Sau khi tựu trường tôi sẽ học môn gì? Lên Trung-học tôi sẽ học những sách gì? Vào Ðại-học tôi sẽ học ngành gì...?" Dù bạn tưởng tượng cách mấy, nếu không nỗ lực thì bạn sẽ chẳng bao giờ tốt nghiệp được! Bạn không cần phải lo nghĩ là sẽ học gì ở bậc Trung- học hay Ðại-học; mà chỉ việc đều đặn cắp sách đến trường, ngày ngày chăm chỉ, siêng năng học hành. Tới ngày tới giờ, bạn sẽ học đặng môn đó, ngành đó, và tự nhiên hiểu biết mọi chuyện. Còn bây giờ đoán mò thì chỉ lãng phí tinh thần, mà cũng là "ăn no không có việc gì làm!"

Hỏi: Có nhiều người cho rằng Phật Giáo là một tôn giáo "tiêu cực." Xin Hòa Thượng giải thích quan điểm này.

Ðáp: Nếu nói rằng Phật Giáo "tiêu cực," thì đó là một quan điểm sai lầm!

Phật Giáo thật ra rất tích cực, song sự tích cực ấy không phải ai cũng có thể hiểu được. Như trong giai đoạn thế cuộc biến động, mê loạn, điên đảo, phân tánớtrong giai đoạn mà nhiều người suốt ngày cứ hoảng hốt, lo âu, đêm ngủ lại bất an, sợ hãiớthì những người xuất-gia tu theo đạo Phật vẫn an nhiên tu trì, như thường hành Ðạo, làm tròn bổn phận phải làm!

Hãy lấy sinh hoạt ở Vạn Phật Thánh Thành làm thí dụ: Căn cứ theo truyền thống Phật Giáo, mỗi ngày mọi người thức dậy từ ba giờ rưỡi sáng, bốn giờ sáng hành lễ Công Phu Khuya. Sau đó, mọi người dụng công tu hành cá nhân: lạy Phật, ngồi Thiền, tụng Kinh, hoặc lễ Sám... Bạn thử nghĩ xem, những người thức dậy thật sớm như vậy, tinh tấn, khổ hạnh tu hành như thế, mà là "tiêu cực" sao? Từ ba giờ rưỡi sáng đến mười giờ rưỡi tối không ai có thời gian nghỉ ngơiớnhững người ấy, nếu không phiên dịch kinh điển thì cũng đến lớp để học tập, chẳng có người nào ngủ trưa cả. Ngày ngày họ tinh tấn, dũng mãnh hành trì như vậy, nhưng ít ai hay biết hoặc được chứng kiến, nên mới có kẻ cho rằng hành vi của người tu Ðạo là "tiêu cực!"

Hỏi: Thế nào là Tam-Muội ?

Ðáp: Tam-Muội là tiếng Phạnớ samadhi, dịch sang tiếng Trung Hoa là Ðịnh - chánh Ðịnh, chánh thọ. Chánh Ðịnh thì khác với tà định; chánh thọ thì không phải như tà thọ.

chánh Ðịnh thì mình luôn "như như bất động, liễu liễu thường minh," lúc nào cũng sáng suốt, tỏ rõ.

Chánh thọ nghĩa là những điều mình tiếp thọ đều "chánh" cả, không phải do phan duyên mà có, cũng không phải do tham lam, hưởng thụ mà ra. Cái gì đáng được thọ nhận thì thọ nhận; cái gì không nên thọ nhận thì không thọ nhận.

Ðịnh có nghĩa là "bất động." Hễ bạn "động" thì không phải là "định," yên tĩnh mới được "định." Sách Ðại Học có dạy:

Có định rồi mới tĩnh,

Có tĩnh rồi mới an,

Có an rồi mới (tư) lự,

(tư) lự rồi mới đắc (thành).

Ðó là học thuyết của Ðức Khổng Tử về Ðịnh, Tĩnh, An, Lự, Ðắc.

Ðịnh cũng có nghĩa là Tam-Muội. Do đó, các bạn muốn học Phật Pháp, trước phải hiểu thế nào là Ðịnh.

Hỏi: Ông Tôn Trung Sơn (Tôn Dật Tiên, người sáng lập ra nền Dân Chủ của Trung Hoa), có nói: "Phật Giáo là đạo nhân từ cứu thế. Phật Giáo là mẹ của triết-học. Nghiên cứu Phật-học có thể bổ sung khiếm khuyết của khoa-học. "Vì sao ông Tôn Trung Sơn phát biểu như vậy?

Ðáp: Phật-học là thứ khoa-học chân chánh. Do đó mấy ngàn năm về trước, lúc khoa-học chưa phát triển, Ðức Phật đã dạy:

"Phật quán một bát nước ,

Thấy tám vạn bốn nghìn (vi) trùng.

Nếu không trì Chú này ,

Như ăn thịt chúng sanh!"

Từ điểm này có thể biết được rằng lúc Ðức Phật tại thế, dù chưa có kính hiển vi, kính phóng đại, Ngài đã biết là có 84.000 vi trùng trong ly nước. Thế mà, mãi đến ngày nay sự thật ấy mới được chứng minh! Vậy mới biết trí huệ của con người và của Phật khác nhau quá xa!

Ông Tôn Trung Sơn nói rằng "Phật-học có thể bổ sung khiếm khuyết của khoa-học." Theo tôi nghĩ, Phật Học chẳng những có thể bổ sung chỗ khiếm khuyết của khoa-học mà còn bao quát, gồm thâu cả khoa-học; còn khoa-học thì chẳng bao gồm được Phật học. Khoa-học chỉ là một bộ phận của Phật Giáo. Bạn mở Tam Tạng Mười Hai Bộ Kinh ra thì sẽ thấy môn khoa-học gì cũng nằm trong đó cả. Những việc mà khoa-học hiện nay không hiểu thấu thì Kinh Hoa Nghiêm đã trình bày rõ ràng từ lâu rồi!

Hỏi: Trong Tâm Kinh có câu: "Sắc tức thị không, không tức thị sắc." Chữ sắc (ẩâ ) ở đây là ám chỉ sắc đẹp của phái nữ hay phái nam? Hay là ngụ ý gì khác ngoài sắc đẹp nam nữ? Xin Hòa Thượng khai thị cho.

Ðáp: Sắc đẹp của cả nam lẫn nữ đều được bao hàm trong chữ sắc ấy. Trong chân-không thì có diệu-hữu, trong diệu-hữu thì có chân-không. Bởi chân-không mà chẳng "không" nên gọi là diệu-hữu; diệu-hữu mà chẳng "hữu" nên gọi là chân-không!

"Sắc tức thị không" nghĩa là đừng hướng ra ngoài mà tìm cầu. Sự sung sướng vốn có sẵn nơi tự tánh của bạn, đâu cần phải bám víu vào sắc tướng bên ngoài? Bởi nơi cái "không" cũng có sự an lạc chân chánh, do đó, "sắc" cũng là "không," mà "không" cũng là "sắc" vậy!

 

] ] ]

 

Sinh Hoạt

 

Hỏi: Trong nhà chỉ có một người học Phật Pháp, vậy làm sao trừ được chướng ngại để khiến toàn gia theo Phật, bà con họ hàng đều hưởng được lợi ích của Phật Pháp?

Ðáp: Bạn cứ thành tâm tu hành thì tự nhiên mọi người sẽ cảm động mà tin theo.

Hỏi: Nếu vợ chồng ly dị, phải chăng con cái chẳng thể nên người, thành tài được?

Ðáp: Ðúng vậy! Bạn chẳng thấy những trẻ em bụi đời, những trẻ em thuộc loại nan giải của xã hội sao? Lỗi lầm là do cha mẹ không làm tròn trách nhiệm dạy dỗ con cái. Vì giáo dục gia đình và giáo dục học đường không được phối hợp, hoàn toàn thất bại, do đó con em mới hư hỏng. Rồi chúng lại bị ti vi và máy điện toán (com- puter) khống chế, đoạt mất tự do của chúng. Xã hội Tây-phương đâu đâu cũng đề xướng tự do. Song, theo tôi thấy thì đó chỉ là thứ tự do mù quáng, mê muội và lầm lẫn; một thứ tự do không có lý trí. Do đó, hoàn toàn chẳng có tự do!

Hỏi: Khi còn nhỏ, tôi bị cha mẹ đối xử rất tàn tệ. Như vậy họ có xứng đáng cho tôi hầu hạ hiếu thuận chăng?

Ðáp: "Thương cho roi cho vọt." Ða số các bậc làm cha mẹ đều mong muốn con cái mình được nên người, thành tài. Chính vì muốn bạn trở nên người tốt, cha mẹ bạn mới phải trách mắng, đối xử khắt khe như thế.

Hỏi: Trong nhà tôi có rất nhiều gián, kiến. Ðạo Phật dạy không nên sát sanh, vậy tôi phải giải quyết như thế nào?

Ðáp: Bạn dọn dẹp, quét tước, lau chùi sạch sẽ, không để dơ dáy, thì tự nhiên không có gián bay, kiến lại chứ gì!

Hỏi: Theo đạo Phật thì có nên đốt tiền giấy, vàng mã hay không?

Ðáp: Trước hết, các bạn nên cảnh giác: Bọn quỷ thật sự cần tiền sao? Bọn chúng dùng tiền để làm gì? Mua thức ăn, mua áo quần, mua nhà cao cửa rộng ư? Nếu quỷ mà cần tiền thì chỉ có bọn quỷ Trung Hoa là có tiền để tiêu xài vì được người ta đốt tiền giấy cho; còn ở Tây-phương không có phong tục này thì chẳng lẽ bọn quỷ Tây đều thành quỷ nghèo hết hay sao?

Ðây rõ ràng là do bọn con buôn lợi dụng lòng mê tín của những người thiếu hiểu biết, bày ra chuyện đốt tiền giấy, máy bay giấy, nhà lầu giấy... để trục lợi. Kỳ thực, tập tục này chẳng hợp luận lý gì cả, và cũng chẳng phải là Phật Giáo.

Hỏi: Nếu lỡ để tên tuổi của mình nơi tà đạo, thì thân tâm có bị ảnh hưởng gì không?

Ðáp: Tâm của bạn mà chánh, không có tà vạy gì cả, thì ở đâu cũng chánh. Tâm của bạn mà tà vạy, thì đâu đâu cũng là chỗ .

Hỏi: Ở đời có nhiều chuyện phải tranh giành mới được. Nay Hòa Thượng dạy là phải "không tranh, không tham, không cầu," vậy xét cho cùng thì phải theo cái nào, bỏ cái nào?

Ðáp: Tới lúc ăn cơm, thì bạn ăn cơm. Chưa tới lúc để ăn, thì bạn chẳng nên ăn!

Hỏi: Vì sao nhà Phật nhấn mạnh đến vấn đề quả dục (ít dục vọng)?

Ðáp: Bạn mà quả dục thì sẽ tri túc (biết đủ). Hễ bạn tri túc thì sẽ được thường an lạc. "Thường an lạc" tức là hết âu lo vậy!

Hỏi: Ðức Phật dùng thái độ gì khi đối diện với nhân sinh?

Ðáp: Từ, Bi, Hỷ, Xả.

Hỏi: Tham, Sân, Si từ đâu mà sinh ra? Do ác nghiệp đời trước hay do đời này chẳng chịu tu hành mà ra?

Ðáp: Tất cả đều đúng. Nói tóm lại, bạn trừ được chúng là tốt lắm. Bạn hỏi gốc gác của chúng, song chẳng chịu trừ chúng thì có ích gì?

Hỏi: Nếu con người không "tham" thì xã hội làm sao tiến bộ? Không "si" thì làm sao có hằng tâm2? Không "sân" thì làm sao có sức bi phẫn?

Ðáp: Bạn đừng lầm lẫn nhé! Chấn-tác có nghĩa là làm cho tốt hơn, chứ không phải là tham lam. Ðó là sự nỗ lực làm việc mà chẳng có chút vọng tham, vọng cầu. Si là gì? Si tức là làm những việc ngu si như cờ bạc, chơi xổ số, đánh lô-tô, v.v... Sân tức là nổi giận. Tất cả đều là những hành vi ngu si.

Hỏi: Tôi làm việc ở trại nuôi gà. Nhất thời chưa có cách đổi việc, vậy tôi phải làm sao để biến trại nuôi gà thành đạo tràng hầu siêu độ đàn gà đó?

Ðáp: Bạn đang ở thế "tiến thoái lưỡng nan." Phương pháp tốt nhất là đừng nuôi gà nữa, mà hãy nuôi người!

Hỏi: Giả sử chúng tôi bị người ngoài sỉ nhục mà không có cách kháng cự, chúng tôi bèn áp dụng công phu nhẫn nhục mà nhà Phật chỉ dạy. Song, dưới cái nhìn của người ngoài thì chúng tôi bị xem là "có tinh thần như A Q." 3 Vậy thì chúng tôi phải làm sao?

Ðáp: Các bạn đừng để cho chuyện bên ngoài làm giao động. Ðừng kể gì đến "A Q" hay "chẳng phải A Q." Không phải vì người ta nói thế này thế nọ rồi bạn mới nhẫn nhục. Bạn cần phải có lập trường, có tông chỉ của chính mình.

Hỏi: Con cái bất hiếu, đánh chửi cha mẹ, chúng tôi phải làm sao?

Ðáp: Bị đánh thì chịu đựng đi thôi! Ai khiến bạn kiếp này sinh ra đứa con ấy?

Giữa người với người có một mối quan hệ rất mật thiết. Có lẽ là kiếp trước bạn đã đánh đập cha mẹ bạn, do đó kiếp này mới phải chịu quả báo như vậy. Suy nghĩ như thế thì bạn sẽ giải tỏa được mọi ưu sầu!

Khi nổi tâm muốn "trả đũa," bạn hãy niệm danh hiệu Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát, thỉnh cầu Ngài dẹp tan oán khí trong lòng bạn. Song le, bạn phải thật thành tâm mà niệm "Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát..." Thành tâm tất có cảm ứng. Thiếu nợ nhiều thì phải trả nhiều, thiếu ít thì trả ít!

 

Xã Hội

 

Nhiều Hoa-kiều ở Canada tỏ ra lo âu về tương lai. Có người hỏi: "Có phải xã hội Tây phương đang xuống dốc, sa đọa?"

Ðáp: Thì các bạn hãy nhìn xem con người trong xã hội sống ra sao. Nếu ai ai cũng ăn hiền ở lành thì quốc vận sẽ tốt đẹp. Nếu người dân ai cũng làm chuyện xấu xa thì đất nước ắt sẽ suy vong.

Hỏi: Làm sao để xã hội được an ổn, tốt đẹp?

Ðáp: Phải từ nơi việc giáo dục mà tiến hành. Phải dạy cho con em biết hiếu thảo với cha mẹ, trung thành với tổ quốc.

Trước những tệ trạng xã hội như phá thai, đồng tính luyến ái, không kết hôn mà có con... nhiều người không khỏi đau buồn, ưu tư. Có kẻ hỏi: "Trong bối cảnh tệ hại như vậy của xã hội, kẻ làm cha mẹ phải làm sao để giáo dục con cái và giáo dục chính mình?"

Ðáp: Bạn đưa ra câu hỏi này thật hay lắm! Xã hội ngày nay tệ hại như vậy là vì "cha không ra cha, mẹ không ra mẹ." Họ sinh con đẻ cái không phải vì chú trọng con cái mà chỉ vì ham vui, thích thú nhục dụcớchỉ biết sanh chứ không biết dạy! Sau khi kết hôn, nếu thấy không thích hợp thì liền ly dị; nên kết quả là con cái phải chịu cảnh thiếu cha, mất mẹ.

Ở Mỹ, luật pháp có quy định là sau khi cha mẹ ly hôn thì con cái phải luân phiên ở với cha và mẹ chúng. Do đó, con cái đôi khi một tuần thì ba ngày ở với cha, bốn ngày về với mẹ. Khi ở với cha thì chúng nghe cha chỉ trích, nói xấu mẹ; lúc về với mẹ thì chúng lại nghe mẹ chê trách, nói xấu cha. Thế nên, kết quả là khiến cho con cái nghĩ rằng cha mẹ chúng đều xấu cả, và chúng bắt chước xấu theo luôn. Chẳng có ai quan tâm đến chúng cả, do đó chúng mới đi hút ma túy, làm việc ác, phá hoại. Con trai thì bị con gái bỏ rơi, con gái thì bị con trai ruồng rẫy, nên hai bên đi vào hai hướng cực đoanớtrai và gái đều học cách đồng tính luyến ái! Ðây chính là thứ hành vi làm mất nước, diệt chủng, chẳng phải đạo làm người.

Ở Mỹ, tôi cũng đã từng nói y như vậy. Tất cả đều là do vợ chồng không tròn bổn phận của vợ chồng, cha mẹ chẳng hoàn thành bổn phận của cha mẹ! Nếu những bậc làm cha mẹ có thể noi theo tấm gương sáng của bà mẹ ngài Mạnh-Tử xưa kia, luôn luôn quan tâm đến con cái, hết lòng dạy dỗ con cái, thì thế giới tất chẳng có vấn đề gì cả.

Phá thai là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Phá thai là một trong những nhân tố chính đưa tới tình trạng thế giới hiện nay đầy những bệnh nan y ngặt nghèo. Những đứa trẻ bị phá thai mà chết suy nghĩ rằng: "Mày làm tao chết sớm thì tao cũng không để cho mày được sống yên thân đâu!" Do đó mà có nhiều chứng bệnh nan y, quái gở như thế phát sanh.

Hỏi: Trong báo thường có đăng quảng cáo "cúng dường anh-linh, cô-hồn." Anh-linh, cô-hồn có thể nhận cúng dường sao?

Ðáp: Không thể nói "cúng dường" anh-linh, bởi chúng không phải là Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Nếu nói "cúng dường" anh-linh tức là rơi vào tà kiến. Phải nói là "siêu độ" anh-linh mới đúng.

Tuy nhiên, việc siêu độ rất khó, bởi vì oán cừu đã tạo với lũ anh-linh ấy rất sâu. Ðó là "nợ máu thì phải trả bằng máu." Song le, nếu bạn gặp được bậc chân chánh tu hành không tham lam tiền tài, thì bạn có thể gặp cơ hội siêu độ bọn chúng.

Hỏi: Ðài Loan xưa kia nguyên là một xã hội rất tốt đẹp, đàng hoàng. Ngày nay, người ta bị mê hoặc bởi chuyện đánh lô-tô, mua cổ phiếu, chơi cờ bạc... khiến cho xã hội Ðài Loan ai ai cũng theo "chủ nghĩa thờ tiền." Vậy Ðài Loan phải làm gì để cải thiện hiện tượng đó?

Ðáp: Mọi người nên học cách "ngu ngốc" một tí! Bởi vì thú cờ bạc, đánh lô-tô, chơi cổ phiếu... là của những kẻ quá sức "thông minh," họ muốn không cần làm lụng mà vẫn có thể thu hoạch, không cần canh tác mà vẫn có thể trúng mùa, thâu hoa lợi. Ðó là phong khí ngược đời!

Hỏi: Có pháp môn gì, phương tiện gì để khuyên giải những kẻ chuyên lấy việc giết gà giết vịt làm kế sinh nhai?

Ðáp: Phàm lẽ, hễ xưa trót tạo tội, nay đã biết lỗi lầm thì phải lo sửa đổi, không nên tái phạm. Có câu rằng:

Có tội mà biết sửa,

Tội liền biến thành không.

Chư Bồ-tát không thấy chúng sanh có tội lỗi. Chính mình phải tự nguyện thọ trì Giới Luật. Chư Phật và chư Bồ-tát tuyệt đối chẳng bao giờ bày mưu thiết kế gây hại cho chúng sanh, làm chúng ta đọa địa ngục cả. Khi xưa nếu bạn đã phạm Ngũ Giới, nay đừng tái phạm nữa là đủ:

Những việc mình làm từ xưa,

Xem như đã chết theo ngày hôm qua.

Giờ đây những việc mình làm,

Thuộc về đời mới kể từ hôm nay!

Có người giải thích chữ nhục ( ), nghĩa là thịt, như sau:

Chính chúng sanh lại ăn thịt chúng sanh,

Ngẫm ra cho kỹ là người ăn người !

Tại sao nhất định phải dựa vào việc sát sanh để duy trì sự sống của mình chứ?

Có một cô tín đồ rất dũng cảm đã đứng lên mà thừa nhận ngay giữa thính chúng rằng: "Tôi là một hung thủ, phạm pháp đã chín năm rồi. Giờ đây, cảm thấy một cách sâu sắc rằng tội mình quá nặng nên tôi muốn tu hành. Song, làm sao để tiêu trừ nghiệp chướng?"

Ðáp: Tội nặng thì cô cần phải sanh lòng đại tàm quý (hổ thẹn) mà sám hối trước chư Phật; bởi:

Tội lỗi tựa như sương băng,

Mặt trời là Phật chiếu tan sạch sành!

Cô ta hỏi tiếp: "Tội lỗi của tôi quá sức nặng nề, vậy phải làm thế nào để mau được tiêu trừ?"

Ðáp: Ðảnh lễ chư Phật, tội diệt như số cát Sông Hằng. Song le, cô cần phải thành tâm mà sám hối.

Hỏi: Nghe nói đạo Phật dạy rằng việc phá thai là sai lầm, song vì tôi không biết nên trước kia có lỡ phá thai. Vậy sau này phải làm gì để chuộc lại lỗi lầm đã tạo?

Ðáp: Lỗi lầm mà có thể hối cải, không tái phạm, thì thật là không còn gì lành hơn!

Tội lỗi dẫu lớn tày trời,

Nếu biết sám hối tội thời tiêu tan!

 

Tu Hành

Hỏi: Người xuất-gia và tại-gia tu hành có gì khác biệt?

Ðáp: Người xuất-gia thì làm quyến thuộc của Phật. Kẻ tại-gia thì chưa chính thức gia nhập vào dòng họ của Phật. Người tại-gia cũng không có quy củ nghiêm ngặt lắm, như là vẫn được phép kết hôn. Người xuất-gia thì phải sống độc thân, "thanh tâm quả dục, đoạn dục khử ái."

Hỏi: Người tại-gia thì làm sao tu hành? Có phương pháp tu hành nào tốt nhất đối với chúng tôi, những kẻ phải lo tìm thì giờ để tu tập trong cuộc sống quá bận rộn này chăng?

Ðáp: Phương pháp tốt nhất là đừng nên nóng giận, đừng cãi lẫy với chính mình, trong lòng đừng khởi chiến tranh. Không nên ngoài mặt thì tu hành mà trong lòng lại chẳng như vậy, cứ luôn cãi vã ở trong tâm.

Hỏi: Ðức Khổng-Tử có 3.000 học trò; trong số đó có 72 vị tinh thông lục nghệ. Trong xã hội hiện tại, phải như thế nào mới đáng gọi là "con người hoàn toàn?"

Ðáp:

"Có đức mới có phú quý thật,

Không đức thì là thứ nghèo hèn."

Nền tảng của "con người toàn thiện" là ở sự thực hành Ngũ Giới ớKhông sát sanh, Không trộm cắp, Không tà dâm, Không nói dối, Không rượu chè, hút xách.

Hỏi: Người tại-gia cũng có thể trở thành "con người toàn thiện" sao?

Ðáp: Bất luận là tại-gia hay xuất-gia, ai ai cũng có thể tu hành thành bậc toàn thiện được cả!

Hỏi: Tu Pháp Nhập-thếPháp Xuất-thế cần phải có thứ tự như thế nào?

Ðáp: Ðạo làm người phải viên mãn rồi thì mới có thể thành tựu đạo làm Phậtớcác bạn không thể đốt giai đoạn được. Ðạo làm người còn dở dang, thì cũng như xây nhà mà nền móng không kiên cố, vững chắcớrất khó mà tu thành Phật Ðạo!

Hỏi: Chúng tôi chưa hiểu thế nào là "sắc tức thị không, không tức thị sắc." Kính xin Hòa Thượng chỉ điểm, phá mê cho.

Ðáp: Sanh ở nơi "sắc,"4 mà chết cũng ở nơi sắcớchỉ có như vậy thôi. Nếu bạn không nhìn thông thấy suốt, thì bạn cũng sẽ sinh ra nơi sắc, rồi chết ở nơi sắc mà thôi!

Hỏi: Giữa "tự độ" và "độ tha" thì cái nào nặng hơn? Cái nào phải làm trước?

Ðáp: Cả hai thứ chẳng có nặng, nhẹ gì cả; chúng chỉ là một thứ mà thôi. Tự độ tức là độ thaớcứu vớt người khác cũng là cứu vớt chính mình. Bạn phân biệt có nặng có nhẹ là nhầm lẫn đấy!

Hỏi: Ngoại trừ xuất-gia tu hành ra, còn có con đường hoặc phương pháp nào khác để tu thành Phật ngay trong đời này chăng?

Ðáp: Hút thuốc phiện xong, bạn có cảm giác khoái lạc ngay tức khắc. Song le, một khi đã thích rồi thì bạn sẽ nghiện thuốc, và sẽ cảm thấy khổ sở vô cùng nếu bị thiếu thuốc hút.

Muốn thành Phật, bạn cần phải "cước đạp thực địa" (chân bước trên đất chắc thật), nghĩa là bạn phải thật sự tu hành, hết lòng hết sức hành trì. Bạn chớ rình tìm cơ hội để thủ lợi hoặc dùng thủ đoạn gian dối, bởi những việc ấy là sai lầm vô cùng.

Một đệ tử vô cùng bứt rứt, hỏi: "Làm sao để đoạn trừ lòng dâm dục, bao gồm ý niệm dâm?"

Ðáp: Hễ không nghĩ tới nó, thì nó đoạn thôi! Cứ nghĩ tới nó hoài thì làm sao đoạn được? Hễ "niệm khởi thì phải giác ngộ nó; giác ngộ thì niệm liền không" thôi!

 

Có một đệ-tử hỏi: "Tụng kinh gì hoặc tu pháp-môn gì thì mau thành Phật nhất?"

Ðáp: Hãy tụng bộ kinh "Ðừng Nóng Giận," kinh "Ðừng Tức Tối," và kinh "Ðừng Chửi Mắng." Tụng ba bộ kinh này thì mau thành Phật nhất!

Hỏi: Dùng cách gì để khống chế, khắc phục lòng dâm dục, sợ hãi và hoài nghi?

Ðáp: Ðừng ăn thịt, đừng ăn hành, đừng ăn tỏi, đừng ăn những thức có tánh chất kích thích; và hãy quán tưởng: "Tất cả người nam là cha tôi, tất cả người nữ là mẹ tôi"; được như vậy thì lòng dâm dục sẽ chẳng thể nảy sinh.

Do có ưu sầu nên có sợ hãi. Không có ưu sầu thì không có sợ hãi. Không có lòng ích kỷ thì cũng không có sợ hãi. Hễ không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối, thì tự nhiên không cần phải sợ sệt gì cả!

Vì sao có lòng hoài nghi? Bởi chẳng có tín tâm! Bán tín bán nghi nên mới đâm ra ngờ vực. Kinh Hoa Nghiêm dạy:

Tín vi Ðạo nguyên công đức mẫu.

Nghĩa là:

Ðức tin là nguồn đạo,

là mẹ của mọi công đức.

Tin tưởng ở trí huệ bản hữu của tất cả chúng sanh; đó tức là không hoài nghi.

 

Tụng rằng:

Ngày ngày luôn nói thật,

Chẳng sợ bị chửi, đánh,

Giết ta, ta chẳng sợ,

Giải thoát, nào quái ngại!

"Ngày ngày luôn nói thật." Mọi ngày đều nên nói lời chân thật, đừng dối trá.

"Chẳng sợ bị chửi, đánh." Hãy thẳng thắn mà nói lời chân thật. Dù bị đánh bị mắng, bạn vẫn cứ nói thật.

"Giết ta, ta chẳng sợ." Cho dù có kẻ giết bạn, bạn cũng đừng sợ sệt. Sợ gì chứ?

"Giải thoát, nào quái ngại!" Ðược chân chánh giải thoát thì có gì mà quái ngại, có gì mà phải sợ hãi chứ?

Hỏi: Ðang lúc tu hành bỗng dưng sinh lòng kháng cự, do đó tạo thành chướng ngại. Vậy phải làm sao để đối trị?

Ðáp: Nếu cọp tới ăn thịt bạn, phải chăng bạn cũng đòi ăn thịt cọp? "Kháng cự" là như thếớbạn có thể làm như thế chăng?

Hỏi: Trong lúc tịnh tọa, nhiều khi tôi thấy trong đầu xuất hiện cái mà người ta gọi là "huyễn tướng." Xin Hòa Thượng giải thích hiện tượng đó cho.

Ðáp: Các hiện tượng ấy đều là giả dối, không thật. Những gì mà các bạn thấy thì đều thuộc về năm mươi thứ cảnh-giới biến hóa được giảng rõ trong Kinh Lăng Nghiêm. Nếu các bạn nhận đó là chỗ thành tựu thì đáng thương xót lắm!

Hỏi: Chúng tôi phải làm thế nào để khôi phục bổn-tánh của mình?

Ðáp: Việc này thì rất dễ, song le, cũng rất khó. Muốn khôi phục trí huệ quang minh của bổn tánh thì trước nhất là phải giảm bớt dục niệm, tức là cần phải quả dục. Dục vọng mà giảm bớt thì trí huệ liền hiện tiền. Dục vọng mà dẫy đầy thì trí huệ chân chánh không thể hiện tiền được.

Cho nên, "lọc tâm, ít dục; giảm dục, biết đủ" chính là bước đầu tiên của việc tu Ðạo. Nếu bạn có thể thanh lọc tâm trí, giảm bớt dục vọng, thì trí huệ quang minh bản hữu của bạn sẽ xuất hiện.

Hỏi: Nhà Phật nói "Sáu Căn thanh tịnh" là nghĩa gì?

Ðáp: "Sáu Căn thanh tịnh" tức là: Mắt nhìn thấy hình sắc nhưng không bị sắc-trần làm giao động, tai nghe âm thanh nhưng không bị thanh-trần làm giao động, mũi ngửi mùi hương nhưng không bị hương-trần làm giao động, lưỡi nếm mùi vị nhưng không bị vị-trần làm giao động, thân không bị xúc-trần làm giao động, và ý cũng không bị pháp-trần làm giao động, không bị cảnh giới làm lay chuyển tức là Tam-Muội, cũng gọi là Ðịnh.

Ðịnh không hẳn là phải ngồi Thiền mới có; mà đi, đứng, nằm, ngồi, đều có thể ở trong Ðịnh. Người ở trong Ðịnh không phải như khúc gỗ hay bùn đất, cái gì cũng không biết; mà trái lại, kẻ có Ðịnh thì hiểu biết mọi thứ nhưng không bị chúng làm lay chuyển. Ðó chính là "người có thể chuyển hoàn cảnh, chứ không để hoàn cảnh lay chuyển người" vậy!

 

Chính Cuộc

 

Một Hoa-kiều ở Hawaii hỏi: "Làm thân kiều-bào ở hải ngoại, thấy tình huống người dân Trung Hoa thật bi đát, tôi thường sanh lòng cảm thán bởi thương nước mà không biết làm sao giúp. Xin hỏi có phương pháp gì để giúp đồng bào Trung Hoa ở quê nhà?"

Ðáp: Cố gắng hết sức mà làm việc lành. Tận tâm dốc lòng là đủ rồi. Không nên có tâm chỉ biết giúp đỡ người Trung Hoa, hoặc người này người nọ mà thôi. Hễ thấy ai gặp cảnh khốn khổ, gian nan, thì mình đều phải hết sức mà giúp đỡ, cứu vớt. Ðiều quan trọng là bạn đừng nên nổi giận. Nếu bạn có thể sửa đổi tâm tánh, tật xấu, để trở thành một người tốt, thì đó chính là giúp ích cho người Trung Hoa rồi vậy. Bạn là một phần tử của dân tộc Trung Hoa, do đó, nếu bạn làm chuyện gì cũng đàng hoàng, chánh đáng, tức là bạn làm cho chánh-khí của đất nước Trung Hoa được gia tăng thêm một phần vậy.

Hỏi: Nghe Hòa Thượng nói rằng vận mạng của người dân Trung Hoa khi suy hoại đến cực điểm thì sẽ chuyển thành tốt đẹp. Vậy phải chờ bao lâu nữa thì việc đó mới xảy ra?

Ðáp: Tất cả mọi sự đều do tâm con người mà ra. Hãy chờ xem người dân Trung Hoa sẽ làm gì!

Những Hoa-kiều sống tại Mỹ đều quan tâm đến tình hình nước Trung Hoa hiện nay; có người hỏi: "Ðại Lục và Ðài Loan phân chia đã lâu, hiện tại nhiều người lo âu rằng hoặc là Trung Cộng sẽ xuất binh, dùng võ lực để thống nhất Ðài Loan, hoặc là Ðài Loan tự độc lập. Nếu có chuyện xảy ra như vậy thì chắc chắn người Trung Hoa sẽ tàn sát lẫn nhau, đó là điều mà không ai mong muốn. Xin hỏi có biện pháp tốt đẹp nào đối với tình huống này chăng?"

Ðáp: Nếu cả hai bên ai ai cũng hiền hòa, thân ái, thì sự việc sẽ được giải quyết tốt đẹp ngay, chẳng cần phải đấu tranh gì cả. Thật giản dị!

Khi tôi tới Ðài Loan lần đầu tiên thì Ðài Loan đang ở vào giai đoạn chính cuộc nóng bỏng. Bấy giờ có người hỏi tôi rằng Ðài Loan tương lai có sáng sủa, tốt đẹp chăng, và sẽ có gì nguy hiểm hay không. Lúc đó có một cư sĩ vì sợ tôi trả lời sai thì bị ngồi tù, nên nạt người đặt câu hỏi rằng: "Sao anh lại hỏi câu như thế?" Khiến người đặt câu hỏi ấy rất bực mình.

Tôi bèn trả lời rằng: "Thật giản dị lắm, không có gì đáng kể! Ðây là một câu hỏi rất dễ trả lời. Nếu tâm địa người Ðài Loan tốt lành, thì Ðài Loan sẽ không gặp vấn đề gì rắc rối. Nếu tâm địa người Ðài Loan mà gian dối, xảo trá, ai nấy đều làm những chuyện phạm pháp, trái đạo lý, thì Ðài Loan sẽ gặp hiểm nguy. Cho nên cần phải xét coi bản thân người dân Ðài Loan ra sao, làm gì trước đã!"

 

Học Phật

 

Hỏi: Mỗi khi tụng Kinh hay niệm danh hiệu Phật, tôi thường có cảm giác thân thể rất nóng, thậm chí tưởng chừng như toàn thân trương phình lên. Phải chăng hiện tượng này là do những thứ trùng nơi tự-tánh đang bừng sống dậy?

Ðáp: Những thứ trùng nơi tự-tánh mà bạn nói đấy hình thù như thế nào? Chúng màu đen, trắng, hay là vàng?

"Phàm hễ có tướng, đều là hư-vọng," vậy bạn chấp trước vào chúng để làm gì? Bởi vì lòng bạn khẩn trương nên mới có tình trạng như thế. Nếu bạn thư thái, không khẩn trương, không cố ý vẽ vời, ắt chẳng có thứ phiền não ấy!

Hỏi: Niệm Phật mà tâm cứ tán loạn, vậy phải làm sao để điều phục?

Ðáp: Niệm cho nhiều thì không còn tán loạn nữa! "Niệm trong một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, hoặc bảy ngày, một lòng không tạp loạn..." Bạn không niệm thường xuyên thì tâm tán loạn là chuyện đương nhiên!

Hỏi: "Phát nguyện" và "khởi vọng-tưởng" khác nhau ra sao?

Ðáp: Vọng-tưởng tốt thì không ngại khởi nó. Song, nếu là vọng-tưởng xấu thì phải tiêu diệt nó đi! Lập những nguyện lợi người thì cho dù là vọng-tưởng cũng không sao, nhưng nếu là nguyện tự lợi thì không tốt!

Hỏi: Tại sao đạo Phật lại đề xướng ăn chay?

Ðáp: Người ăn chay thì dục niệm nhẹ. Kẻ ăn mặn thì dục niệm nặng nề. Có tôn giáo cho rằng động vật được sanh ra là để cho loài người ăn, cho nên ăn mặn là một việc hợp lý trời đất. Song le, Phật Giáo đề xướng tinh thần "mọi vật đều cùng một thể, đó gọi là Ðại Bi," và xem mọi loài chúng sanh đều có Phật-tánh, đều sẽ thành Phật; cho nên chủ trương giới sát, phóng sanh.

Hỏi: Vì sao đạo Phật không đề xướng hưởng thụ?

Ðáp: "Chịu khổ thì hết khổ,

Hưởng phước thì hết phước."

Tiền gởi trong ngân hàng nhưng bạn không tiêu xài thì vĩnh viễn vẫn còn là của bạn. Nếu tiêu xài, vui chơi, nhậu nhẹt, thì tiền để dành ở ngân hàng sẽ chóng hết lắm!

Hỏi: Có người nói Chú Lăng Nghiêm chỉ được tụng vào kỳ ăn chay, lại có kẻ nói chỉ được tụng trước bảy giờ sáng; như vậy thì thế nào mới đúng?

Ðáp: Lúc nào, giờ nào cũng có thể trì tụng Chú Lăng Nghiêm được cả! Không nên sanh tâm phân biệt về thời gian. Bởi, thí dụ ở Mã Lai là buổi sáng thì ở Mỹ lại đang là buổi tối; vậy làm sao có thể vạch nên giới hạn tuyệt đối được?

Kẻ học Phật cần phải phá trừ chấp-trước, quét sạch mọi pháp, xa lìa mọi tướng, không nên càng học lại càng mê muội!

Hỏi: Có người nói rằng phụ nữ có thai mà tụng Chú Lăng Nghiêm thì có thể bị sẩy thai, có thật vậy chăng?

 

Ðáp: Nói nhảm đấy!

 

Hỏi: Tôi muốn học thuộc lòng và am hiểu ba bộ kinh là Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Hoa NghiêmKinh Pháp Hoa. Vậy nên học bộ nào trước?

Ðáp: "Pháp đây bình đẳng, chẳng phân cao thấp." Học bộ nào trước cũng được cả. Bạn cứ nghĩ không biết phải học bộ nào trước thì đó chính là một thứ vọng tưởng rồi đấy!

Hỏi: Phật Pháp không rời Thế Gian Pháp. Làm sao áp dụng Phật Pháp vào đời sống hằng ngày một cách viên mãn nhất?

Ðáp: Ðừng tranh giành, đừng tham lam, đừng truy cầu, đừng ích kỷ, đừng tự lợi, đừng dối trá!

Hỏi: Phải chăng mỗi khi tụng Kinh xong thì nhất định phải hồi-hướng?

Ðáp: "Hồi-hướng" chính là một thứ chấp-trước, nhưng "không hồi-hướng" cũng là chấp-trước. Phàm hễ có chấp-trước thì không tương ưng với Phật Pháp được!

Hỏi: Phật-tánh xưa nay gốc thanh tịnh, vậy vô-minh từ đâu ra?

Ðáp: Vô-minh từ nơi ái tình mà ra. Vô minh chính là một tên khác của ngu si.

Hỏi: Làm thế nào để phân biệt được người nào đúng là bậc Minh-Sư chân chánh?

Ðáp: Muốn phân biệt được ai là bậc Minh-Sư chân chánh thì hãy xét xem họ có tâm tranh, tâm tham hay không; xem họ có phải là kẻ ích kỷ, ưa tự lợi hay không; xem họ có phải là người hay nói lời dối trá rồi lại chối quanh, gọi đó là "thiện xảo phương tiện" hay không. Nếu như thế mà họ lại còn tự xưng là Thiện-tri-thức, thì họ quả là những kẻ không hiểu đúng sai, phải trái rồi vậy!

Hỏi: Phải chăng chư Phật và chư Bồ-tát có thể gánh nghiệp giùm chúng sanh?

Ðáp: Nếu bạn có lỗi mà biết sửa đổi, thì chư Phật và chư Bồ-tát quả thật có năng lực gánh nghiệp giùm bạn, để bạn được vô tội. Song, nếu bạn có lỗi mà không sửa, cứ chuyên môn ỷ lại vào chư Phật và chư Bồ-tát, muốn nhờ các Ngài gánh vác nghiệp tội giùm, thì chẳng thể được đâu!

Hỏi: Kinh dạy:

"Tự quy y Phật, đương nguyện chúng sanh, thể giải đại Ðạo, phát Vô Thượng Tâm.

"Tự quy y Pháp, đương nguyện chúng sanh, thâm nhập Kinh Tạng, trí huệ như hải.

"Tự quy y Tăng, đương nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, nhất thiết vô ngại. Hòa nam Thánh chúng."

Là người xuất-gia thì phải "thống lý đại chúng," làm chuyện gì cũng phải phù hợp với đạo Phật mới đúng. Song, con người chẳng thể toàn thiện, toàn mỹ được. Dầu sao thì kẻ xuất-gia cũng vẫn là con người, nếu bản thân chưa giữ thanh quy giới luật cho được hoàn hảo, thì đến khi "thống lý đại chúng" chẳng phải là sẽ lãnh đạo chúng sanh một cách sai lệch sao?

Ðáp: Trên thế gian, có tốt thì có xấu. Có kẻ tu hành, thì cũng có kẻ chẳng tu hành. Có kẻ chân chánh hành trì Phật Pháp; song, cũng có kẻ thừa cơ dựa vào đạo Phật để kiếm áo mặc, lợi dụng Phật để có cơm ăn, lại còn dùng đạo Phật để làm chuyện bán buôn, kiếm chác lợi lộc. Ðó là tình trạng "ngọc châu bị trộn lẫn với mắt cá," rắn rồng, vàng thau lẫn lộn.

Do đó, phải coi thử các bạn có Trạch Pháp Nhãn5 hay khôngớcó Trạch Pháp Nhãn thì bạn sẽ nhận biết được ai thật, ai giả; không có Trạch Pháp Nhãn thì bạn sẽ "nhận lầm kẻ giặc là con đẻ," lấy đau khổ làm khoái lạc, điên điên đảo đảo, không phân biệt được đâu là trắng, đen, chân, ngụy.

Hỏi: Trong nhà có tượng Phật mà chưa được khai quang ( ) thì có thể lễ lạy chăng?

Ðáp: Vấn đề không phải ở chỗ tượng Phật "đã được khai quang" hay "chưa được khai quang," mà là coi xem tâm bạn có hay chẳng có chấp-trước! Lòng bạn không có chấp-trước thì tượng Phật lúc nào cũng là khai quang rồi. Nếu lòng bạn mà chấp-trước thì tượng Phật dù đã được khai quang song cũng chẳng khác gì chưa được khai quang!

Hỏi: Kinh Phật dạy rằng: "Tự-tánh là Phật, người người đều có thể thành Phật." Xin hỏi, nếu "bản thân ta tức là Phật," thì tại sao chúng tôi phải thường xuyên lạy Phật?

Ðáp: Người ta nói "bản thân ta tức là Phật," không phải là nói về cái thân thể này mà là chỉ tự-tánh của nó. Nếu bạn muốn thành Phật, thì bạn nhất định phải tu hành, nhất định phải thấu rõ đạo lý này, và phải biết làm sao để thành Phật; chứ chẳng phải chỉ nói "bản thân ta tức là Phật," rồi thành Phật đặng!

Như bạn đi học, muốn đậu Tiến-sĩ chẳng hạn; bạn chẳng thể muốn suông mà đỗ đạt được! Bạn cần phải học từ Tiểu-học, lên Trung-học, vào Ðại-học, rồi sau đó mới có thể đạt bằng Tiến-sĩ. Cũng vậy, bạn chẳng thể vừa nói thành Phật là được thành Phật ngay tức khắc; chẳng thể tự phong mình làm Hoàng-đế là mình liền thành Hoàng-đế. Chẳng thể nào có chuyện như vậy được!

Tương tự như trường hợp ông Bồ-tát bằng đất mà vượt biển, tất sẽ bị nước làm cho tan rãớtự mình bảo vệ thân mình còn không xong thì làm sao có thể hóa độ người khác được?

Bạn nhất định phải tu hành cho có nền tảng vững vàng trước, đến lúc nào bạn "vào nước mà không bị chìm, vô lửa mà chẳng bị thiêu cháy," thì khi ấy bạn mới có thể giáo hóa chúng sanh mà không bị danh lợi làm cho mê hoặc, lay chuyển.

"Nước" tức là gì? Tức là tiền tài. "Lửa" tức là gì? Tức là danh vọng. Danhlợi tức là "nước" và "lửa." Hễ nghe tới danh vọng thì chẳng thể lìa xa, trông thấy lợi lộc thì ngủ không yên giấcớ những kẻ như vậy mà thành Phật thì thật là phi lý! Phật là bậc chẳng háo danh, cũng chẳng có vị Phật nào háo lợi cả.

Tôi nói như vậy hẳn có nhiều người không thích nghe, song, đó là những điều mà tôi muốn nói!

Hỏi: Hòa Thượng từng nói rằng: "Hiện tại chúng ta không minh ngộ tự-tánh được là vì chúng ta bị nhiễm ô bởi trần-ai, Ngũ Dục của cõi Ta-bà." Xin giải rộng nghĩa.

Ðáp: "Nhiễm-ô" tức là những tạp niệm trong tâm bạn. Bạn muốn giàu, đó là nhiễm ô; bạn muốn cầu danh, đó cũng là lòng nhiễm ô; bạn muốn truy đuổi người yêu, đó lại cũng là lòng nhiễm-ô; bạn muốn ăn ngon, đó cũng là nhiễm ô; đều là chẳng thanh tịnh.

Tự-tánh vốn dĩ thanh tịnh, chỉ vì bạn thêm thắt những thứ này nên tự-tánh bị ô nhiễm, và quang minh của tự-tánh do đó chẳng thể xuất hiện được. Mọi người ai cũng có Phật-tánh, ai cũng có thể thành Phậtớtất cả chúng sanh, không ai là chẳng thể thành Phật. Bất luận bạn thuộc vào loại chúng sanh nào, bạn cũng đều có cơ hội thành Phật; vấn đề là bạn có chịu tu hành hay không mà thôiớbạn tu thì bạn sẽ thành Phật, bạn không tu thì bạn chẳng thể nào thành Phật được!

Hỏi: Tôi xem kinh Phật có dạy rằng: "Muốn vãng sanh Tây phương thì cần phải phát nguyện." Vậy cần phải phát nguyện như thế nào?

Ðáp: Phát nguyện là vì e rằng ý chí không vững vàng, cho nên phát nguyện tức là giúp cho ý chí thêm kiên cố. Chí muốn làm Thánh Hiền thì mới làm đặng bậc Thánh Hiền; chí hướng về anh hùng hào kiệt thì mới trở nên anh hùng hào kiệt; chí là Phật, Bồ-tát thì mới thành Phật, thành Bồ-tát được. Chí tuy lập song vì sợ ý chí không kiên cố, do đó nên mới phát thêm lời nguyện.

Phát nguyện là biểu thị mình quyết tâm muốn làm như thế, không hối hận, cũng không thối chuyển. Bạn phải làm sao cho niệm không thối chuyển, lúc nào cũng y theo nguyện lực mà làm; và phải hạnh không thối chuyển, chuyện gì làm ra cũng y cứ theo nguyện lực cả. Sau đó, bạn đạt được quả-vị thì cũng là quả-vị bất thốiớSơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả, Tứ Quả A-La-Hán.

Cho nên, phát nguyện là để giúp cho ý chí thêm kiên định. Bạn đối trước chư Phật mà phát nguyện cũng được, hoặc là tự mình củng cố ý chí cho vững vàng cũng được. Cần nhất là đừng làm cho có lệ, đừng vì hình thức bề ngoài, mà phải chân thật tu hành.

Hỏi: Có Thầy nói có thể khiến cho người khác khai ngộ ngay tức khắc, một đời giải thoát. Pháp môn "tâm ấn" của vị Thầy ấy truyền có chân chánh chăng?

Ðáp: Rất nhiều người bị mê hoặc là vì họ có lòng tham. Người không có lòng tham thì chẳng bị y mê hoặc, gạt gẫm đặng!

Hỏi: Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát và niệm Phật A Di Ðà có gì khác biệt? Hiệu quả phải chăng bất đồng?

Ðáp: Bạn khởi tâm phân biệt như vậy thì hiệu quả tự nhiên không còn nữa.

Hỏi: Bộ Kinh nào thì thích đáng nhất để bắt đầu học Phật?

Ðáp: Bộ nào cũng thích đáng cả!

Hỏi: Kinh A Di Ðà dạy hễ ai trì niệm danh hiệu Ðức Phật A Di Ðà thì sẽ được Ngài gánh giùm nghiệp chướng, đưa về Thế Giới Cực-Lạc. Song le, Phật Giáo nhấn mạnh người người phải tự lập, tự lực cánh sinh, thì mới thành Phật được. Hai lý luận như thế chẳng phải là mâu thuẫn sao?

Ðáp: Ðang lúc bạn niệm Phật tới chỗ "nhất tâm bất loạn," thì hỏi bạn rằng: "Ðó là bạn niệm hay Phật niệm?" Tôi tin rằng vẫn là do bạn chịu khó dụng công mà ra.

Niệm Phật không phải là vừa niệm vừa nghĩ lăng xăng, mà phải niệm làm sao để cho tâm mình khế-hợp với Phật, hợp thành một thể với Ðạo, thì mới có thể vãng sanh Tịnh Ðộ được. Chẳng thể nào không chút dụng công hành trì mà lại thành Phật đặng. Thành Phật hay không vẫn là do chính bản thân mình!

Một vị Sư Nam-Tông người Anh hỏi: "Phật Giáo Nam-Tông ít khi đề xướng việc tu trì Pháp Môn Niệm Phật. Xin hỏi Hòa Thượng, nên tu pháp môn nào để phát khởi tâm tín ngưỡng Phật Pháp?"

Ðáp: Tín ngưỡng giống như năm thứ mùi vị. Các pháp môn do Ðức Phật dạy cũng tương tự như năm vị chua, ngọt, đắng, cay, mặn. Bạn không thể nói rằng vị chua là ngon nhất, cũng chẳng thể cho vị ngọt là tối hảo, hay chấp rằng vị đắng là tuyệt nhất, và cũng không thể khăng khăng cho rằng vị cay là đệ nhất, hoặc vị mặn là hơn cả. Bởi vì phải tùy sở thích mỗi người, kẻ thích chua thì cho rằng chua là ngon nhất, kẻ thích ngọt thì nói ngọt là nhất, kẻ thích đắng thì đắng là số một, và kẻ thích cay thì thiếu ớt là không sao nuốt cơm cho nổi!

Bất luận tin theo pháp môn nào, nếu chúng ta áp dụng cho đúng đắn thì sẽ có cảm ứng; dùng mà không đúng thì không có sự tương ưng. Mỗi người đều có nhân duyên khác nhau; do đó, cần phải xét căn cơ, cá tánh của từng cá nhân.

Ðối với pháp môn nào cũng vậy, nếu bạn chọn một pháp môn rồi theo đó mà nhất tâm, chuyên chú tu hành, thì bạn sẽ có được sự cảm ứngớcũng chính là sự tương ưng. Ví dụ bạn tu Pháp Môn Niệm Phật, đây là pháp môn vừa ít tốn công, ít tốn của, lại không làm trở ngại các công việc khác; đi, đứng, nằm, ngồi gì bạn cũng có thể niệm Phật cả. Vì ai cũng có thể hành trì đặng, nên pháp môn này thích hợp với đa số chúng sanh. Song, nếu bạn không chuyên tâm nhất trí, thì vẫn không có được sự tương ưng, vì rằng:

Miệng niệm Di Ðà, tâm tán loạn,

Cổ họng khản khô, chỉ uổng công!

Do đó, bất kể tu pháp môn nào, bạn cần phải tin tưởng ở pháp môn đó, bởi vì:

"Tín" là nguồn Ðạo, mẹ công đức,

Trưởng dưỡng tất cả mọi căn lành.

Vì sao lòng tin của bạn không được kiên cố? Vì bạn không trồng gốc cho sâuớbởi quá cạn cợt nên không thâm nhập được giáo nghĩa đạo Phật. Vậy thì phải làm sao đây? Bạn phải lập công, lập đức lập ngôn!

"Lập công" tức là nên giúp đỡ người khác.

"Lập đức" là âm thầm trợ giúp mọi người mà không để ai hay biết (cũng là sửa đổi tánh tình cho hoàn hảo).

"Lập ngôn" là dùng lời nói, như:

Miệng từ bi, lưỡi phương tiện,

Có tiền, không tiền đều làm đặng!

Bạn nên nói lời chân thật, không dối trá; điều gì nói ra cũng đều là sự thật. Nếu tập tánh như vậy thì về lâu về dài, khi bạn nói ra đạo lý gì, không ai có thể bắt bẻ, xô ngã đượcớbởi các đạo lý bạn nói ra thì "tùy duyên mà không đổi, không đổi mà tùy duyên." Ðây là điểm khác biệt giữa chân-lý và đạo lý hư ngụy.

Khi nhận thức được chân-lý là gì rồi, thì ngày ngày bạn hãy nghiên cứu, nghiền ngẫm chân-lý ấy, tự nhiên bạn sẽ có tín tâm!

 

Con đường Tu Hành

 

  • Tu hành là làm việc vô sự; chẳng nên có lòng tham, chẳng nên nghĩ tôi phải thế này, thế nọ, như: "Tôi muốn khai ngộ. Tôi muốn đắc thần-thông..." Làm sao có thể lẹ như vậy chứ? Khi hạt nhân được trồng xuống đất, bạn phải chờ nó lớn lên từ từ. Khi đến thời điểm, tự nhiên nó chín muồi!

 

  • Phải xem chuyện tu hành là bổn phận cá nhân. Không cần phải tham lam, dần dần, công đức tự nhiên sẽ viên mãn, quả Bồ-đề cũng sẽ thành tựu. Chuyện tu hành đáng lẽ thành công rồi; song, vì bạn tham lam nhiều thứ cho nên kết quả là không "tiêu hóa" được.

Ăn cơm thì phải đút từng miếng một vô miệng; nếu đem cả tô cơm mà dồn hết vô miệng, thì đầy cứng, làm sao nhai được? Nhai không đặng mà nuốt cũng chẳng xong! Ăn cơm là một thí dụ hết sức đơn giản để nói lên vấn đề "tham nhiều thì nhai không nổi" vậy!

  • Người tu Ðạo, trước tiên phải đừng ích kỷ. Như vậy, chẳng những bảo vệ chính mình mà còn lợi ích cho toàn thế giới. Hãy gạt bỏ chính mình ra ngoài, vất đi. Ðừng nghĩ rằng: "Tôi hay, tôi giỏi như thế này, thế nọ..."; mà phải nhìn toàn bộ đại cuộc.
  • Kẻ tu Ðạo lúc nào cũng phải treo giữa đôi mày "câu hỏi sanh tử." Lúc nào cũng phải muốn được liễu sanh thoát tử.
 
  • Mỗi cử chỉ, mỗi hành động của chúng sanh trong cõi Ta-bà đều là tham, sân, si.

Ðối với Pháp Thế-gian, chúng sanh dùng tâm "tham, sân, si" để hành sự. Ðến khi tu, hành Pháp Xuất Thế-gian thì chúng sanh lại cũng dùng tâm "tham, sân, si" này để tu. Khi tu, thì cứ tham khai ngộớmới ngồi Thiền chỉ có hai ngày rưỡi đã muốn ngộ rồi, tu hành chưa tới ba ngày là đã muốn thần-thông, niệm Phật mới mấy bữa mà đã muốn đắc Niệm Phật Tam-muội! Các bạn xem, đúng là "lòng tham không đáy" ớđó đều là biểu hiện của quỷ tham lam!

  • Tu Ðạo mà chẳng biết sửa đổi lỗi lầm thì cũng như chẳng tu. Học Phật mà không biết lỗi, không chừa tội thì chẳng khác gì không học Phật! Có câu rằng:

Tu hành nay tuổi năm mươi,

Mới hay bốn chín năm qua đều lầm!

Những ai có cảm giác hoặc nhận biết được các chuyện sai lầm, tội lỗi mà họ đã gây khi xưa, đều là những người có trí huệ; tương lai họ sẽ có tiền đồ sáng sủa vô biên.

Người nào chẳng biết được những điều sai trái mình đã phạm trước kia, thì người ấy sẽ chỉ hồ đồ, mê muội suốt đời. Cứ mưu đồ hư danh giả dối thì suốt đời sẽ bị "bụi trần" làm cho mê hoặc, mờ mịt. Những kẻ như vậy thật đáng thương thay!

  • Người xuất gia tu Ðạo cần phải phát nguyện. Phát nguyện là tinh tấn tu Ðạo. Phát nguyện là cảnh giác chính mình sửa đổi lỗi lầm, hướng về việc lành. Tu Ðạo mà không phát nguyện thì cũng như cây đơm hoa mà chẳng kết trái vậy!

Nếu đã phát nguyện rồi thì tốt nhất là hằng ngày phải đọc lại những lời nguyện ấy, bởi "ôn cố nhi tri tân" ôn chuyện cũ thì sẽ hiểu chuyện mới. Phải xem mình có nhớ là chính mình đã từng phát nguyện gì, cần phải làm những việc gì hay chăng. Như vậy thì nguyện đã phát mới không trở thành trống rỗng, mà mình cũng chẳng lừa dối mình và lừa dối người, và cũng chẳng quên mất những nguyện mình đã lập.

  • Ðôi khi các bạn nghĩ rằng mình làm chuyện tốt, kỳ thật, không nhất định là tốt. Vì sao? Vì nhân trồng không thanh tịnh! Hễ bạn dùng lòng tham lam mà làm việc, thì đó gọi là "trồng nhân bất tịnh." Bạn dùng tâm háo thắng mà làm việc, thì đó cũng là "trồng nhân bất tịnh."

Vậy thì phải làm sao? Phải làm chuyện vô sự ! Làm việc gì cũng phải coi đó là bổn phận của mình, chẳng nên hướng tâm ra ngoài mà truy cầu, chẳng nên cầu cạnh, mong mỏi gì cả!

  • Ðã có vọng tưởng, phải làm sao bây giờ? Quét sạch chúng đi! Bằng cách nào? Dùng Thiền Ðịnh! Công phu của Thiền Ðịnh có thể quét sạch vọng-tưởng.

Khi tu Thiền-Ðịnh, phải dùng tinh-tấn, nhẫn-nhục lại trợ giúp. Sau đó lại phải bố-thí, trì Giới. Như vậy thì công việc sẽ được hoàn thành.

  • Sau khi sám hối, phải lập thệ nguyện:

 

Tất cả mọi sự khi xưa,

Xem như đã chết theo ngày hôm qua.

Mọi sự từ đây về sau,

Bắt đầu cuộc sống của ngày hôm nay.

Về sau tuyệt đối không tái phạm, như thế mới tiêu trừ hết nghiệp chướng.

  • Trong lúc tu hành phải luôn nghĩ đến vấn đề sanh, tử, và xem tất cả ma quái là các vị Hộ Pháp đến giúp ta tu Ðạo. Có người chửi rủa, đánh đập taớhọ chính là giúp ta tu Ðạo. Có người nói chuyện thị phi về ta, gây rắc rối cho taớđó cũng là giúp ta tu Ðạo.

Nói tóm lại, điều nghịch ý đến thì hãy thuận theo nó mà nhẫn chịu. Hãy xem nó như là bạn tốt lại giúp ta tu Ðạo; như vậy thì sẽ không có phiền não. Không có phiền não thì trí huệ sẽ nảy sanh. Hễ có được trí huệ chân chánh, thì bấy giờ không ma quái nào có thể làm tâm ta giao động đặng.

  • Người tu Ðạo phải thanh tịnh, trong sạch như con mắt vậy. Mắt không thể dung chứa một hạt cát nào cả. Bởi hễ trong mắt mà có cát, ắt bạn sẽ cảm thấy xốn xang, khó chịu, quyết phải tìm cách lấy nó ra, nếu không thì thân tâm chẳng an ổn đặng. Việc tu hành cũng y như thế!

"Hạt cát" ám chỉ cái gì? Chính là tâm tham. Hễ có tâm tham thì mọi việc đều biến đổi. Xưa nay mình vốn thanh tịnh; song, khi ý niệm tham lam dấy khởi, thì tác dụng hóa-học lập tức phát sinh, nước trong vắt trở thành vẩn đục. Bấy giờ, nước ấy chẳng làm lợi cho ai, chỉ làm hại chính mình thôi!

Chúng ta tu Ðạo, mục đích chủ yếu là để "liễu thoát sanh tử," chứ chẳng phải để cầu cảm ứng. Các bạn hãy nhớ lấy! Chẳng thể tu hành với mưu đồ tính toán hoặc cầu thành tựu, cầu cảm ứng bởi như vậy là lầm lẫn lớn!

  • Người xưa học là để "minh lý" hiểu rõ đạo làm người, biết thế nào là lánh ác, làm lành, và học điều hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Người đời nay học là để có được "danh lợi."

Tiếng Trung Hoa, chữ minh lý (ẹú ỗz) và danh lợi (ẩW ậQ) phát âm giống nhau (ming li); song le, về mặt thực hành thì hai thứ hai nẻo, cách biệt nhau tới mười vạn tám ngàn dặm!

Người học vì danh vì lợi thì chỉ muốn học ngành gì mà có thể kiếm được thật nhiều tiền, như y-khoa, khoa-học, v.v..., và chẳng hề nghĩ rằng: "Tôi phải học để trong tương lai có thể đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Tôi muốn học nghề thầy thuốc để cứu người, giúp đời, tự lợi, lợi tha."

  • Tánh nhẫn nhục vô cùng quan trọng. Nhẫn nhục tức là bạn nhẫn nại chịu đựng những chuyện bạn không muốn. Thí dụ bạn không muốn bị ai chửi mắng; song, nếu có kẻ chửi mắng bạn thì bạn vẫn vui vẻ. Bạn không thích bị ai đánh; song, nếu có kẻ đánh bạn thì bạn càng phải hoan hỷ. Bạn không muốn bị giết hại vì sinh mạng là quý giá nhất; song, nếu có kẻ giết bạn, thì lúc đó, bạn phải thấy kẻ ấy chân chánh là bậc Thiện-Tri-Thức của bạn, vì y đã kết liễu giùm nghiệp-chướng của đời bạn!

Thế nên, các bạn à! Học Phật pháp cần phải đảo ngược lại mà học. Tu đạo cũng phải đảo ngược lại mà tu. Thế nào là "đảo ngược lại?" Tức là chuyện mà bạn không thích, thì bạn cần phải thích nó. Chẳng phải là chuyện gì bạn không thích thì bạn trút lên đầu kẻ khác!

  • Phương pháp tu hành chân thật nhất nằm trong ba bí quyết:

1. Chân: chân thật, không giả dối; làm việc gì cũng phải chân thật.

2. Thành: thành khẩn, thiết tha cung kính, không lười biếng, không cẩu thả.

3. Hằng: hằng thường, bền bỉ, không biến đổi.

Phàm mỗi việc làm, mỗi lời nói, mỗi hành động, đều phải hội đủ ba tâm Chân, Thành, Hằng. Làm bất kỳ công việc gì cũng đều phải có ba tâm này. Như vậy thì tương lai nhất định sẽ thành tựu.

  • Nên làm nhiều công-đức. Phàm việc gì có lợi ích cho chúng sanh thì hãy tận lực mà làmớđó gọi là tu phước. Ðọc tụng kinh điển, nghiên cứu kinh điểnớthâm nhập kinh tạng, trí huệ như hảiớgọi là tu huệ.

Phước và huệ là do tài bồi, tích tập mà có. Nếu chẳng vun bồi thì thủy chung vẫn không có được phước, huệ.

  • Người tu Ðạo sợ nhất là có phiền não, nên nói:

 

 

Phiền não vô biên,

thệ nguyện đoạn.

"Ðoạn trừ phiền-não" là công việc vô cùng cấp bách đối với người tu. Do đó, kẻ có Ðịnh-lực thì gặp bất kỳ cảnh giới gì cũng chẳng sinh phiền-não.

Không có phiền-não thì lòng tư dục sẽ ít đi. Lòng tư dục bắt nguồn từ phiền-não, sinh sản vô-minh; rồi tiếp theo đó là bệnh hoạn phát sinh.

"Không có phiền-não" chẳng có nghĩa là không ai tới phiền nhiễu bạn, mà là tự trong lòng bạn không hề phiền-não. Cho dù có kẻ lại quấy nhiễu, chửi rủa, đánh đập bạn, mà bạn vẫn không sinh phiền-não, thì bạn mới thật sự là có Ðịnh-lực.

  • Căn bản của Giới Luật chỉ có một điềuớKhông ích-kỷ. Người có lòng ích-kỷ mới phạm Giới. Nếu không có lòng ích-kỷ thì không thể phạm Giới. Cũng vậy, con người vì có lòng ích-kỷ nên mới phạm pháp. Hễ không có lòng ích-kỷ thì sẽ không phạm pháp!

 

  • Giới Luật là sanh mạng của người tu Ðạo. Kẻ phạm Giới thì cũng thật thảm thương giống như là sanh mạng y bị cắt đứt vậy!

Khi Ðức Thế Tôn sắp nhập Niết-bàn, Ngài dạy Tôn-giả A-Nan: "Hãy lấy Giới làm Thầy!" Ðiều này chứng tỏ tính cách trọng yếu của Giới Luật.

Ða số người đời cho rằng mệnh vận thì đã được an bài:

Mệnh là tám thốn,

Khó cầu một trượng!

Không sai! Song le, điều đó chỉ đúng với những kẻ bình thường, chẳng tu hành; người tu Ðạo thì không thuộc vào số phận đó.

Người tu Ðạo chẳng nên xem Kinh Dịch, coi bói toán, bởi đó thuộc về kẻ tục, người đời. Người tu Ðạo có thể dứt được sanh tử, hà huống những thứ số mạng, bói toán? Cho nên, người tu Ðạo cần phải vượt ra ngoài những thứ đóớkhông cần phải hiểu biết các môn đó!

 

 

Phát Nguyện Học Phật

 

  • Thế nào là "Phật Pháp?" Phật Pháp tức là Thế Gian Pháp, nhưng là thứ pháp mà người đời không muốn thực hành. Người đời suốt ngày bận rộn, lo lắng, bôn ba; nếu nguyên do chẳng phải là do lòng ích kỷ thì cũng vì muốn bảo toàn sanh mạng, tài sản, cuộc sống cá nhân.

Phật Pháp không vì ích kỷ riêng tư, mà hoàn toàn vì công ích, vì lợi lạc của thế nhân. Vì vậy, kẻ học Phật Pháp phàm làm gì, nói gì cũng nên vì người khác. Phải coi nhẹ chính mình, sẵn sàng xả thân vì người khác, và không gây phiền-não, khổ đau cho kẻ khác. Ðó chính là Phật Pháp vậy.

  • Vì sao Phật muốn độ chúng sanh? Vì Ngài thấy rằng: "Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta." Bởi "cha mẹ" của Ngài đang ở trong sáu nẻo luân hồi chịu khổ đau; do đó, bất luận thế nào Ngài cũng phải cứu độ chúng sanh, hy vọng rằng "cha mẹ" của Ngài sẽ được xa lìa khổ não, được hưởng sự an vui!
 
  • Ðức Phật có đại trí huệ; chúng ta có đại ngu si. Do đó, chúng ta phải học Phật, học trí-huệ của Ngài. Chúng ta phải lấy tâm Phật làm tâm mình, lấy nguyện của Phật làm nguyện của mình; lúc nào cũng thực tập Từ, Bi, Hỷ, Xảớ bốn thứ tâm thái không bến bờ; lúc nào cũng phải tu tập Pháp Môn "Nan nhẫn năng nhẫn, nan hành năng hành," điều khó nhẫn mình có thể nhẫn, việc khó làm hay không ai muốn làm thì mình có thể làm.

 

 

  • Học Phật thì chẳng nên học những thứ cao siêu, thâm áo, vì:

Tâm bình thường là Ðạo,

Tâm thẳng thắn là chùa.

Cho nên, mọi người hãy dùng lòng ngay thẳng mà tu hành!

  • Người học Phật phải làm thế nào để đạo Phật ngày một rạng rỡ; chớ để cho Ðạo ngày một hủ bại.

Làm sao để khiến Ðạo Pháp thêm huy hoàng? Trước hết, hãy nuôi dưỡng, vun bồi một phẩm cách cao thượng, tốt đẹp. Khi nền móng vững vàng thì lầu cao mới không sụp đổ; do đó, mọi kiến trúc cao vọi đều được dựng lên từ nơi nền móng kiên cố. Ðối với chuyện tu dưỡng, nếu chúng ta muốn xây đắp một nền tảng chắc thực thì trước hết phải vun bồi phẩm cách, tập tành đạo đức.

  • Bất luận là Ðại Thừa, Tiểu Thừa, hay Phật Thừa, thừa nào đầu tiên cũng dạy chúng ta phải trừ khử thói hư tật xấu, lỗi lầm sai quấy, dứt bỏ vô-minh, phiền não, tham, sân, si.

Nếu bạn có thể quét sạch mọi thói hư tật xấu thì tự nhiên sẽ tương ưng với nghĩa lý kinh điển. Tật hư, lầm lỗi không trừ, thì bạn chẳng bao giờ có thể thấu hiểu được nghĩa lý trong kinh!

 

  • Các bạn hãy dùng chân-tâm mà niệm Phật. Niệm một tiếng Phật thì trong hư không sinh ra một đạo hào-quang. Nếu bạn khẩn thiết, chí tâm niệm Phật, thì đạo hào-quang này sẽ chiếu khắp Tam-thiên thế giới, khiến cho không khí trong ba ngàn Ðại-thiên thế giới trở nên kiết tường, bao nhiêu thứ không khí ô nhiễm, độc địa, tai ương đều biến đổi hết.
  • Hằng ngày chúng ta niệm danh hiệu Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát; song, "Quán Thế Âm" nghĩa là gì?

"Quán Thế Âm" tức là quán xét các âm thanh ở cõi thế gian. Quán cũng có nghĩa là nhìn, song không phải nhìn bên ngoài, mà là nhìn vào tâm của chúng sanh.

  • Khi chúng ta niệm danh hiệu Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát thì không nên cúi đầu xuống mà niệm. Phải ngẩng đầu lên để biểu thị tinh thần dũng mãnh, tinh tấn; không nên có vẻ ủ rủ, hết hơi, hết sức.
  • Nếu bạn muốn học Phật Pháp, bạn nhất định cần phải tinh tấn, dũng mãnh, giống như con cọp từ núi cao xồng xộc lao xuống, nhai nuốt nghiệp chướng của mình!
  • Nhớ lấy! Nhớ lấy! Người mới bắt đầu học Phật nhất định phải tu Hạnh Nhẫn Nhục. Dù cho có người thật sự muốn giết bạn, bạn cũng tuyệt nhiên chớ sanh lòng sân hận!
 
  • Người học Phật cần phải:

"Nhận thật mình là sai,

Ðừng trách cứ lỗi người.

Lỗi người là lỗi mình,

Ðồng thể mới Ðại Bi!"

  • Người học Phật phải tự hỏi mình: "Tôi bố-thí là cầu danh vọng hay thật tâm muốn giúp kẻ khác? Tôi trì Giới, nhẫn nhục, tinh tấn, tập Thiền-Ðịnh, tu trí huệ... là để cho người ta xem, hay vì tôi thật sự muốn tu hành?"

Tu Ðạo không phải là đeo mặt nạ, giả dối đóng kịch, làm điệu bộ để cho người khác xem. Tu Ðạo là hoàn toàn dựa vào công phu nội tại của chính mình. Ðổ hơi sức ra làm, dụng công một chút thì thu hoạch được một chút. Dùng một phần thành tâm thì được một phần cảm ứng. Tất cả đều phải chân thật, không giả dối. Chớ tự lừa mình, lừa người!

  • Kẻ học Phật cần phải chịu thua lỗ, thiệt thòi. Ðại Sư Vĩnh-Gia Huyền-Giác có câu:

 

"Quán lời ác, là công đức,

Thầy lành của ta là kẻ ấy!

Chẳng vì chửi mắng sanh thương, ghét,

Sao tỏ Vô-Sanh Từ Nhẫn Lực?"

  • Có người chửi mắng bạn, đó là giúp bạn trở thành tốt hơn; bạn cần phải:

 

Nghịch hay thuận, đều tinh tấn,

Chê hay khen, chẳng động tâm!

Ðừng nên vì bị chế nhạo, nhục mạ mà sanh lòng oán hận. Phải coi kẻ oán ghét và người thân yêu đều như nhau, và dùng lòng nhân ái mà đối xử với họ; nếu không vậy thì làm sao thể hiện được sức mạnh từ-bi phát xuất từ Vô-Sanh Pháp Nhẫn? 6

  • Vì sao dụng công mà chẳng đạt đến chỗ tương ưng? Là vì những tập khí, thói quen từ vô lượng kiếp để lại quá sâu đậm. Do đó, lòng tuy muốn hướng về Bồ-đề, song, sự thật thì chẳng chịu tiến bước tới trước, cứ muốn thụt lùi. Phải biết bởi thói quen quá nặng, nghiệp chướng lại cũng sâu dày, nên mình càng cần phải vất bỏ vọng tưởng. Vất bỏ vọng tưởng không khóớchỉ cần quên bẵng chính mình đi, thì vọng tưởng sẽ chẳng còn!
 
  • Người tu Pháp Môn Niệm Phật, ở mọi thời mọi nơi phải niệm không gián đoạn, không ngừng nghỉ sáu chữ "Nam mô A Di Ðà Phật." Lúc thức cũng niệm, lúc ngủ cũng niệm. Phải niệm sáu chữ hồng danh "Nam mô A Di Ðà Phật" làm sao mà kéo cắt không đứt, bẻ chẳng gãy, kiếm chém không rời. Phải dùng sức kiên cố như kim cương mà niệm.

Nếu bạn không có cách gì phá hoại nổi chuổi hồng danh "Nam mô A Di Ðà Phật" thì đó mới gọi là thực hành phép Niệm Phật Tam-Muội. Niệm Phật thì như vậy, tụng Kinh và trì Chú cũng phải giống như thế.

  • Khi Phật còn tại thế, có lần Ngài bốc một nắm đất, rồi hỏi chư đệ tử: "Các con nói xem, đất trong lòng bàn tay Ta nhiều hay đất trên mặt đất này nhiều?"

Ðệ tử thưa: "Ðương nhiên là đất trên mặt đất nhiều, còn đất trong tay Thế Tôn thì quá ít ỏi."

Ðức Phật liền nói:

"Ðắc nhân thân giả,

Như chưởng trung thổ.

Thất nhân thân giả,

Như đại địa thổ."

Nghĩa là: "Những kẻ được thân người thì ít như nắm đất trong tay Ta; còn những kẻ mất thân người thì nhiều như đất trên mặt đất vậy."

Những ai mất thân người, đọa lạc trong đường ác, quả thật nhiều như đất trên mặt đất vậy!

  • Thiền Tông là pháp môn "chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật" và cũng chính là Ðốn Giáo. Ðốn Giáo là do siêng năng tu hành Tiệm Giáo mà raớlý tuy đốn ngộ, sự cần tiệm tu.7

Hiện giờ, chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi, đều thuộc về tiệm tu. Chờ đến một ngày nào đó, khi bạn chân chánh sáng tỏ, thì sẽ hoát nhiên khai ngộ; lúc đó gọi là đốn ngộ. Ðốn không tách rời tiệm. Tiệm vốn trợ giúp đốn.

Những kẻ tu hành hễ tu pháp gì thì cho pháp đó là hay nhất; vì nếu không hay nhất thì họ không vui vẻ, không chịu tu pháp đó! Nếu các bạn thật sự hiểu được rằng "tất cả các pháp đều là Phật Pháp, tất cả đều không thể nắm bắt được," thì sẽ nhận thấy rằng chẳng có thứ gì để mà chấp trước vào cả.

  • Ðốn ngộ là do bình thường dụng công mà ra. Khi công phu đạt đến chỗ tương ưng thì bạn hoát nhiên khai ngộ. Nếu bình thường không dụng công, thì bạn chẳng thể nào đốn ngộ được.

Giống như con nít sau khi chào đời thì được huân tập hằng ngày (thâu thập dữ kiện về ngôn ngữ), và đến một lúc nào đó nó sẽ bập bẹ nói thành tiếng; khi nó thốt ra được câu đầu tiên, thì cũng giống như được "khai ngộ." Rồi đến một lúc nào đó, nó sẽ chập chững biết đi; và khi nó đi được bước đầu tiên thì cũng tương tự như được "khai ngộ" vậy. Vì sao đứa bé có thể đi được bước đầu tiên ấy? Nhờ ngày ngày nhìn người lớn đi đứng, nó huân tập những dữ kiện ấy, do đó mà tự nhiên biết đi.

Chúng ta dụng công tu hành cũng vậyớngày nay dụng công, ngày mai dụng công, dụng tới dụng lui cho tới khi công phu chín muồi thì tự nhiên chẳng sanh vọng niệm. Khi vọng tưởng tiêu mất, thì sẽ được khai ngộ!

  • Lỗi lầm mà chúng ta thường phạm phải là thích được kẻ khác khen ngợi, tâng bốc. Nếu có kẻ khen mình một tiếng, thì liền có cảm giác lâng lâng, bay bổng. Mê muội như thế thì làm sao thành Phật? Chính mình mà mình còn không rõ biết, cứ mập mờ!

Nếu bạn có thể trì Giới, tu Ðịnh, khai trí Huệ, thì bạn sẽ chẳng động tâm khi bị chửi mắng hay được khen ngợi. Ai nguyền rủa bạn, lòng bạn chẳng hề tức tối; ai khen ngợi bạn, lòng bạn cũng chẳng chút vui thích! Thật ra, chửi hay khen chỉ là một thứ "gió" của thế gian. Có câu rằng:

"Bát phong xuy bất động."

Nghĩa là không bị tám thứ "gió" làm giao động.

Tám thứ "gió" ấy là gì? Ðó là tâng bốc (xưng), chê cười (ky), đau đớn (khổ), vui sướng (lạc), lợi lộc (lợi), suy vi (suy), chửi mắng (hủy), và khen ngợi (dự).

Nếu bạn để tám thứ "gió" này làm cho tâm trí giao động, tức là nền tảng của bạn chưa được vững vàng. Nền tảng của con người là gì? Là đức hạnh!

Người không đủ đức hạnh thì lòng nóng giận sẽ lớn lắm, vô minh cũng rất nặng nề. Nếu có đức hạnh thì lòng nóng giận sẽ tiêu tan, vô minh sẽ biến thành trí huệ. Do đó, chúng ta tu hành thì cần phải vun bồi đức hạnh.

  • Người nào có thể hàng phục Sáu Căn, Sáu Trần, Sáu Thức,8 khiến chúng không nhiễu loạn, thì người đó là Bồ-tát. Người nào có thể quét sạch tình cảm, chẳng còn dơ bẩn, thì người đó là Bồ-tát. Bồ-tát thì không khóc, cũng chẳng cười. Ở mọi nơi, mọi lúc, Bồ-tát đều tự tại, chẳng câu thúc, chẳng bó buộc, vô quái vô ngại, chẳng phiền chẳng não, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm. Người học Phật phải ở nơi chỗ này mà dụng công.

 

  • Chúng ta phải tạo Thế Giới Cực Lạc. Làm sao tạo? Ðầu tiên, phải dẹp bỏ thất tình. Thất tình là gì? Ðó là bảy thứ tình cảmớvui vẻ (hỷ), giận dữ (nộ), buồn rầu (ai), sợ hãi (cụ), yêu thương (ái), ghét bỏ (ác), và dục vọng (dục).

Chúng ta phải điều phục bảy thứ tình cảm này, khiến chúng không thể nhiễu loạn nữa. Lúc đó, tâm chúng ta sẽ bình an vô sự, mọi thống khổ đều tiêu tan.

Vì sao chúng ta bị thống khổ? Vì tâm ta chẳng bình an! Nếu chúng ta chỉ có an lạc, chẳng còn khổ não, thì cái nhân gian này chính là Thế Giới Cực Lạc vậy.

  • Khi bạn niệm Phật thì tương tự như bạn gởi điện tín lên Thế Giới Cực Lạcớniệm một câu tức là gởi đi một bức điện tín, niệm hai câu là gởi đi hai bức điện tínớngày ngày niệm Phật là ngày ngày gởi điện tín tới Phật A Di Ðà.

Ở Thế Giới Cực Lạc , Ðức phật A Di Ðà cũng có ra-đa (radar), cũng có máy thâu tín hiệu. Ra-đa và máy thâu tín hiệu là gì? Chính là hoa sen trong ao bảy báu. Bạn niệm một câu thì hoa sen nở lớn một chút. Nếu bạn niệm liên tục thì hoa sen sẽ từ từ nở lớn như bánh xe. Chờ tới khi bạn được vãng sanh về Thế Giới Cực Lạc ở phương Tây, thì Phật-tánhchân-tánh sẽ hóa sanh nơi hoa sen này. Ðến khi hoa sen nở thì Phật-tánh của bạn cũng hiển hiện. Do đó có câu:

Nguyện sanh Tịnh Ðộ cõi Tây phương,

Chín phẩm hoa sen là cha mẹ,

Hoa nở, thấy Phật, ngộ Vô Sanh,

Bất thối Bồ Tát là đồng bạn.

  • Tin Phật thì có thể khiến chúng ta đắc Thường, Lạc, Ngã, Tịnhớthứ an lạc cứu cánh; do đó, chúng ta nên tin Phật. Song le, "tin Phật" thì chẳng phải nói tin suông là đủ, mà chúng ta cần phải tu hành đúng theo Phật Pháp. Nếu chỉ nói tin, mà không chịu tu hành, thì cũng như mô tả đồ ăn hoặc đếm tiền giùm người, chẳng có ích lợi gì cho bản thân cả. Cổ nhân có nói rằng:

Ðạo là phải hành,

không hành thì Ðạo có ích chi?

Ðức là do tu,

không tu thì Ðức từ đâu lại?

Do đó, chúng ta phải chân chánh thực hànhớthường đem hai chữ "sanh tử" treo giữa lông mày, đem hai chữ "đạo đức" đặt dưới chân!

Tại sao lại nói "đem hai chữ Ổđạo đứcỖ đặt dưới bàn chân?" Bởi vì đạo đức là nền tảng căn bản của con người, cũng như gốc rễ là căn cội của cây cối vậy. Có đạo đức thì mình mới đứng vững được; bằng không, thì dưới chân không có điểm tựa, không có chỗ để mình lập thế mà đứng vững được. Nếu chúng ta thực hiện được hai chữ "đạo đức" này, thì nhân cách sẽ được thành lập vững vàng, mọi sự sẽ tự nhiên có thể thành công!

 

Trồng Giống

Bồ Ðề

 

  • nghiệp là cách trừng phạt rất công bình.

Ðọa lạc hay không đọa lạc là do nơi tình cảm mà có phân biệt. Hạng người chỉ biết có tình cảm mà không biết tới trí tuệ, thì tương lai nhất định sẽ bị đọa lạc vào ba đường ác; đó là điều chẳng còn nghi vấn gì cả. Hễ bạn có tâm gì, thì bạn sẽ đến con đường tương ưng với tâm ấy.

  • Sở dĩ chẳng thể "nhìn thủng," chẳng thể "buông xả," là vì nghiệp chướng gây ra chướng ngại khiến bạn chẳng thể thăng cao, chẳng thể siêu xuất Tam Giới.9 Vì vậy, đối trước cảnh giới gì thì sanh lòng chấp trước vào cảnh giới ấy, đó chính là tình cảm. Thấy cảnh mà sanh chấp trước đều là do tác dụng của tình cảm cả!

 

  • Thế nào là vô minh? Nói giản dị thì "vô minh" tức là hắc ám, là chẳng hiểu biết. Bởi chẳng hiểu biết chân-lý, khóa chặt cửa lòng lại, do đó chẳng có cách chi khai ngộ đặng!
 
  • Bởi chúng sanh có tâm phân biệt, cho rằng có đủ thứ vấn đề như thiện ác, đẹp xấu, thị phi, đen trắng...; vì vậy Ðức Phật mới tùy thuận tâm chúng sanh, thị hiện ra đủ thứ thân để chúng sanh có thể thấy Ngài. Ðó chính là:

Ngàn sông tràn nước, ngàn sông trăng hiện,

Vạn lý không mây, vạn lý trời trong

Ðức Phật tùy loại chúng sanh mà hóa thân vậy.

  • Thế nào là Chánh Pháp trụ thế ?

 

 

Bạn chân thật tu hành, không ham hư danh, không thích tài lợi, chẳng mong được cúng dường; như vậy tức là Chánh Pháp trụ thế!

  • Thế nào là Bồ Ðề Tâm?

Tôi lấy một ví dụ rất đơn giản để giải thích: Khi bạn chưa phát Bồ Ðề Tâm, thì bạn ví như bột (để làm bánh) mà chưa trộn với bột nổi (yeast). Một khi bạn phát Bồ Ðề Tâm, thì cũng như bột đã được trộn bột nổi vàoớtừ từ bột sẽ nở phồng lên.

Nếu hỏi Bồ Ðề Tâm hình dáng ra sao, thì xin đáp rằng: Tâm này xưa nay vốn không có hình tướng, nó là thứ Giác Ðạo. "Giác" nghĩa là giác ngộ, thấu suốt, tỏ rõ đạo lý. Không những ta cần thấu suốt đạo lý mà còn phải tu trì đạo lý ấy nữa.

Lại có thể dùng bảo tháp để tỷ dụ Bồ Ðề Tâm: Bảo tháp bất kể là cao cỡ nào, rộng lớn bao nhiêu, thì cũng đều phải được xây dựng lên từ mặt đất. Mặt đất biểu tượng tâm địa của chúng ta. Mình phải từ mặt đất mà kiến trúc tòa bảo tháp, khiến cho xây càng cao càng rộng; thì Bồ Ðề Tâm cũng phải từ tâm địa mà phát khởiớ càng phát tâm, tâm càng rộng lớn, càng cao vọi. Lúc bắt đầu phát, Bồ Ðề Tâm chỉ là một tâm niệm nhỏ; song, từ từ càng ngày càng rộng lớn. Khi công-đức viên mãn thì cuối cùng mình sẽ được thành Phật.

  • Tự tại là cảnh giới không có tướng mình, tướng người, tướng chúng sanh, hay tướng thọ mạng. Song tự tại ở đâu? Ở bậc nào thì tự tại? Ở địa vị Thánh Nhân thì tự tại; ở địa vị phàm phu thì không tự tại!

 

  • Kẻ ngu si thì không biết khiếp sợ luật Nhân Quả nên bừa bãi, tùy tiện làm sai trái với luật Nhân Quả; thậm chí còn không tin, bài bác, cho rằng chẳng có nhân quả!

Người có trí huệ thì hiểu biết sự nghiêm ngặt của đạo lý Nhân Quả Báo Ứng, do đó rất sợ làm sai với luật Nhân Quả, làm việc gì cũng suy nghĩ thật kỹ càng rồi mới thực hành.

  • Cổ nhân có dạy:

 

 

Lỗi lầm của người quân tử giống như nhật thực, nguyệt thựcớ ai ai cũng thấy rõ.

Y lập tức tự sửa chữa lỗi lầm, khiến ai ai cũng kính ngưỡng.

Người quân tử khi có lỗi lầm thì ví như mặt trời bị mặt trăng che khuất hoặc mặt trăng bị bóng trái đất che lấp vậy, ai ai cũng rõ biết. Song, nếu y cấp thời hối lỗi, sửa đổi, thì người người đều tôn kính và ngưỡng mộ y.

  • Người thông minh có lỗi thì liền sửa đổi. Kẻ ngu si có lỗi nhưng không chịu sửa.
 
  • Tam Tai (ba tai nạn) có lớn và có nhỏ. Lớn thì có nạn cháy (hỏa tai), lũ lụt (thủy tai), gió bão (phong tai); và nhỏ thì có chiến tranh, đói khát, tật dịch. Tam Tai còn được gọi là Tai Kiếp. Nguyên nhân phát sanh ba Tai Kiếp lớn là:
  1. Do lòng giận dữ của con người nên phát sanh hỏa tai;
  2. Do lòng tham lam nên phát sanh thủy tai; và
  3. Do lòng ngu si nên phát sanh phong tai.

Cho nên, Tam Tai là từ Tam Ðộc mà ra. Chúng ta ai cũng có Tam Ðộc ớ tham, sân, si. Nếu ba tâm này ngày một lớn mạnh thêm, thì tới một lúc nào đó sẽ hình thành Ðại Tai Kiếp, họa hoạn.

  • Pháp Thế Gian giống như một tấm lưới khổng lồ trói chặt hết thảy mọi ngườiớkẻ tham danh thì bị lưới danh vọng trói buộc, người tham tiền thì bị lưới tiền tài cột cứng, những ai mê sắc thì bị lưới sắc dục bủa vây. Nói tóm lại là người đời bị Ngũ Dụcớtiền tài, sắc dục, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉớchi phối đến điên điên đảo đảo, trói buộc đến nổi thở chẳng ra hơi!

Ðáng thương thay là những kẻ không hiểu rõ đạo lý, tuy bị lưới vây bủa mà lại chẳng hay chẳng biết! Còn những kẻ hiểu biết thì tuy biết nhưng lại không có cách gì để thoát ly. Ðó chỉ làm mình thêm cảm thán mà thôi!

 

Chúng Sanh

Ðều Là Phật

 

  • Ðức Phật từng dạy: "Mọi chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật." Người nào cũng có tư cách làm Phật dù họ tin hay không tin Phật. Ðiều này chứng tỏ rằng Ðạo Phật là một tôn giáo dân chủ, chứ không phải là thứ tôn giáo độc tài.
  • Tôi đem mọi tôn giáo hợp lại về một nhà, nên tôi gọi Phật-giáo là Chúng Sanh Giáo. Bởi không ai thoát ra ngoài cõi hư không, Pháp Giới, ai ai cũng là chúng sanh; do đó, Phật-giáo là (tôn) Giáo sở học của chúng sanh.

Tôi lại gọi Phật Giáo là Nhân Giáo, bởi tất cả mọi người đều có tư cách làm Phật. Chỉ cần chuyên nhất tu hành thì cuối cùng ai ai cũng sẽ thành Phật.

Tôi lại đổi tên Phật Giáo thành Tâm Giáo, bởi ai ai cũng có tâm, mà tu hành là "trừ khử vọng tâm, lưu tồn chân-tâm." Còn vọng-tâm là phàm phu. Có chân-tâm tức là Phật.

  • Chư Bồ-tát lấy việc lợi ích chúng sanh làm điểm khởi đầu, các Ngài không để việc tự lợi lên trên lợi tha. Ðó là tinh thần của Bồ-tát.
 
  • Từ lúc có lịch sử Phật Giáo đến nay, đạo Phật chưa hề dấy khởi chiến tranh, bởi giới luật đầu tiên của Ðạo Phật là Không sát sanhớ chẳng những không giết người mà cả động vật cũng không giết, lại còn phóng sanh, bảo vệ cho động vật được an toàn. Vì vậy, Phật Giáo chẳng hề gây ra chiến tranh!
  • Tất cả mọi nỗi khổ của chúng sanh, tôi đều xem như là của tôi và tự mình gánh chịu hết. Tất cả những phước lạc của tôi, tôi đều hồi hướng đến tất cả chúng sanh.

 

  • Phàm lệ, các chứng nan-y như bệnh sốt rét, bệnh ung thư... đều là do quỷ ngấm ngầm chi phối trong bóng tối, khiến ngũ-tạng trong thân thể con người bị đảo lộn, tứ-đại bị thất thường. Các chứng bệnh ấy đều do Quỷ Nghiệp Chướng tác quái mà ra. Ðó là vì đời trước người ta có tạo nghiệp chướng, nên khi thời gian chín mùi thì quỷ đến đòi nợ. Rồi cũng bởi những người ấy không đủ khí dươngớâm thịnh dương suyớcho nên quỷ mới có thể thừa cơ hội mà tác oai tác quái.

Nếu bạn lúc nào cũng có thể không khởi phiền não, trí huệ luôn hiện tiền, thì quỷ không thể nào tìm ra kẽ hở để chui vào hại bạn được. Một khi bạn sanh dục niệm, khởi vô minh, thì quỷ rất dễ dàng xoáy dùi đục vô phá bạn.

. Con người nếu hiểu rõ đạo lý này thì hẳn nhiên chẳng dám làm chuyện gì sai lầm (dù là việc nhỏ như mảy lông), bởi vì hễ làm việc sai lầm thì phải chịu quả báo. Nhất là các bạn tu Lục Ðộ Vạn Hạnh thì càng phải chân thật tu hành hơn nữa ớdù là việc nhỏ như mảy lông, các bạn cũng chẳng thể hư ngụy, giả dối, bởi:

Nhân địa không chân thật,

Quả gặt sẽ cong vạy!

  • Ở đời, bất cứ chuyện tốt hay xấu đều là để dạy mình giác ngộ. Chuyện tốt, là dạy mình giác ngộ điều tốt lành. Chuyện xấu, là dạy mình giác ngộ điều xấu xa.
  • Chúng ta phải như ngọn đèn chiếu soi căn phòng của lòng mình, phải có sức quán chiếu thì mới khai sinh đặng công năng của Liễu Nhân Phật Tánh.10
  • Các bạn hãy mở to mắt ra mà nhìn và thay đổi quan niệm của mình: Những kẻ phạm pháp trên đời đều do lòng ích kỷ thúc đẩy mà ra.
 
  • Thứ oán cừu lớn nhất ở trần gian chẳng có gì khác hơn là sát sanh. Có câu rằng:

Giết người thì thường mạng,

Thiếu nợ thì trả tiền.

Bạn giết cha mẹ người thì cha mẹ bạn sẽ bị người giết. Sự giết hại lẫn nhau như thế chẳng có lúc đình chỉ. Chính vì nguyên nhân sát sanh quá nhiều cho nên quả báo sẽ đến rất mauớđời này vay, đời này trả.

  • Vì sao hiện nay con người mắc phải nhiều chứng bệnh quái lạ, ác ôn? Nói vắn tắt, thì đó là do nghiệp sát mà ra. Bạn giết chúng sanh nào thì chúng sanh đó đến tìm bạn để đòi nợ máu. Cho nên, trước những thứ bệnh quái dị này, thầy thuốc cũng đành bó tay đầu hàng.

Như thế thì phải làm sao? Chúng ta phải thành tâm sám hối, sửa cải lỗi lầm, và làm nhiều việc công đức có lợi ích cho chúng sanh, thì mới có thể tiêu trừ được Túc Hiện Nghiệpớnghiệp chướng mà mình trót tạo ra trong đời quá khứ và hiện tại.

  • Thế giới trở nên tốt hay xấu, chủ yếu là do gia đình. Trong gia đình mà biết dạy dỗ con cái đúng đắn, thì tiền đồ của chúng sẽ sáng sủa. Nếu gia đình mà giáo dục con cái không đúng đắn, thì tương lai của chúng sẽ đen tối. Tuy rằng không thể "vơ đũa cả nắm," song, nói chung thì đều như thế cả.

Do đó, làm cha mẹ thì mỗi lời ăn tiếng nói, mỗi cử chỉ hành động, đều phải cẩn thận, không thể tùy tiện được.

  • Có người hỏi rằng: "Vậy thì có địa ngục hay không?" Tôi cho các bạn biết: Con người lúc sống, chính là ở trong địa ngục đấy!

Các bạn xem, có một số người cứ không ngớt phiền phiền não não, tranh chấp, cãi vã, như vậy không phải là họ đang ở trong địa ngục sao? Sống như thế thì còn có ý nghĩa gì nữa chứ?

Bên cạnh đó lại còn các thiên tai như lũ lụt, gió bão..., và những thảm cảnh chiến tranh do con người gây ra..., tất cả đều là cảnh "địa ngục sống" ở trần gian.

Lại còn những chứng bệnh nan-y vây quấn thân người, khổ sở đến không lời nào có thể diễn tả cho hết - chứng ung-thư phát tác, hành hạ đau đớn đến nỗi không muốn sống nữa; như thế há chẳng phải là địa ngục sao?

Song le, con người vẫn không có cái nhìn cho thấu suốt, vẫn chẳng thể buông bỏ. Họ cứ tham luyến, chấp trước, lại chẳng có lòng từ-bi; hễ thấy lợi là quên bẵng tình nghĩa, "thừa lúc cháy nhà mà hôi của," do đó, cuối cùng họ vẫn xoay mãi trong vòng luân-hồi, không bao giờ dừng đặng!

 

Về Ðầu Trang

 


 Tải về xem