HÒA THƯỢNG HƯ VÂN - ĐẠI BỒ TÁT "Thế gian có những kỳ nhân ra đời trong một cái bọc, điển hình là Hư Vân Lão Hòa-Thượng. Khi chào đời, Ngài nằm gọn trong một cái bọc tròn trịa như quả cầu—ball—vậy. Trường hợp này gọi là sanh ra có “mặc y phục.” Chào đời với “y phục” hẳn hoi là cảnh giới của hàng Bồ-tát từ Bát Ðịa trở lên, khi các ngài thị hiện giáng sanh ở thế gian. Sinh ra mà có mặc y phục tức là rất thanh tịnh, sạch sẽ. Các Bồ-tát thuộc bảy địa trước thì không đến trần thế bằng cách này." [Trích từ: “Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Ðại Viên Mãn Vô Ngại Ðại Bi Tâm Ðà La Ni Kinh Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng”]
TRÍCH ĐOẠN HAY VỀ CUỘC ĐỜI THIỀN SƯ HƯ VÂN - MỘT VỊ CAO TĂNG HIẾM CÓ THỜI CẬN ĐẠI • [Trích từ sách: “HƯ VÂN NIÊN PHỔ - THƠM NGÁT HƯƠNG LAN” (Kiến Châu - Như Thủy - Ni Sư Hạnh Đoan dịch)] Quý vị có thể xem bản đầy đủ quyển sách rất hay này tại
Chương 1: CHÀO ĐỜI Tôi họ Tiêu gốc người Lan Lăng, cha tên Ngọc Đường, mẹ họ Nhan, thuộc dòng dõi vua Lương Võ Đế. Đời Thanh Đạo Quang năm đầu (1821), cha tôi thi đậu được bổ làm quan Tri phủ tỉnh Mân (Phước Kiến). Cha mẹ tôi hơn 40 tuổi mà vẫn hiếm muộn nên mẹ tôi lên chùa Quan Âm cầu con, thấy mặt tiền chùa và cây cầu phía Đông bị hư, bà phát tâm tu bổ lại. Ngày nọ, mẹ tôi nằm mơ thấy một người áo xanh tóc dài, đội mũ Quan Âm cưỡi hổ đến và nhảy lên giường nằm, mẹ tôi giật mình thức giấc, cảm giác có hương thơm lạ, phả đầy nhà, bà kể chuyện mộng cho cha tôi nghe, không ngờ cha tôi cùng mơ thấy y như vậy.
Sau đó, mẹ tôi biết mình có mang, còn cha tôi được chuyển tới phủ Thường Châu. Niên hiệu Đạo Quang 20, năm Canh Tý ngày 29 tháng 7 (Giáp Thân) giờ Dần (ngày 26 tháng 8 năm 1840 Dương Lịch), tôi chào đời tại phủ Tuyền Châu. Lúc thân mẫu sinh ra tôi, thấy chỉ là cái bọc thịt nên rất sợ và tuyệt vọng, bà xúc động quá tắt hơi rồi lìa trần. Ngày hôm sau có ông thầy lang đi tới xé chiếc bọc ra mới thấy bên trong có một bé trai. Thứ mẫu lãnh việc nuôi dưỡng tôi. Từ 1 đến 4 tuổi tôi ở Tuyền Châu, ngay từ nhỏ tôi không ưa ăn mặn, hễ người nhà cho ăn thịt cá là tôi nôn ra hết. Hễ thấy tượng Phật, pháp vật Tam bảo thì rất mừng, ai cũng lấy làm lạ.
Từ 5 tuổi đến 10 tuổi tôi đổi sang cư trú ở Chương Châu, Phước Ninh. Năm tôi 11 tuổi, cha tôi về lại Tuyền Châu. Bà nội tôi họ Chu, đã già yếu, tôi là con trai một nên gia đình quyết định làm lễ đính hôn cho tôi với hai tiểu thư họ Điền và Đàm. Cuối năm thì nội tôi mất. Cha tôi về quê thọ tang. Cũng trong năm này Hồng Tú Toàn khởi nghĩa ở Kim Điền. Năm Tân Hợi, 1851 (Hàm Phong năm đầu) tôi được 12 tuổi.
Tháng hai, cha tôi có việc đi Đài Loan, ông dẫn tôi theo. Chiếc thuyền nhỏ khởi hành từ Hạ Môn, đang lênh đênh trên biển thì bỗng thấy hiện sừng sững một con quái khổng lồ, lưng to như quả núi nhô cao hơn mặt biển tới mấy mươi thước. Mọi người trên thuyền đều hoảng kinh, đồng chắp tay niệm Quán Âm. Thuyền đi độ nửa giờ mới tới được cái đuôi con vật, thấy là hình cá. Con cá này thiệt dài không biết bao nhiêu dặm vậy. Năm này Hồng Tú Toàn đánh Vĩnh An, xưng là Thái Bình Thiên Quốc Thiên Vương. Năm Nhâm Tý 1852, tôi 13 tuổi, theo cha đưa linh cửu bà nội và mẹ về quê (đất Tương) an táng. Gia đình mời chư Tăng đến làm đám, tôi được thấy các pháp vật Tam bảo trong lòng rất vui. Sẵn nhà có kinh Phật tôi đọc truyện Hương Sơn kể việc thành đạo của Bồ-tát Quán Thế Âm, tâm tư cứ vương vấn mãi.
Tháng 8 tôi theo chú đến Bồ Đường, đi dâng hương ở Nam Nhạc, dạo các cảnh chùa. Lòng bồi hồi xúc động, cảm giác như có duyên xưa, ý chẳng muốn quay về nhưng sợ chú không dám nói ra. Năm Hàm Phong thứ ba, Quý Sửu, tôi được 14 tuổi. Cha tôi biết con mình có chí xuất trần, muốn giữ tôi ở lại nhà nối nghiệp, bèn thỉnh ông thầy họ Vương đến dạy tôi pháp (tu Tiên) luyện Khí Công. Tôi trong lòng không ưa, nhưng chẳng dám tỏ bày. Mùa đông năm này cha tôi về quê xả tang nội, giao tôi cho chú chăm sóc. Sau đó, ông đổi sang Phúc Kiến nhậm chức ở Hạ Môn, làm quan ở đây được hai năm thì ông về Tuyền Chầu lại. Năm này Hồng Tú Toàn định đô ở Nam Kinh. Tăng Quốc Phiên mộ quân ở đất Tương.
NĂM BÍNH THÌN (1856) HÀM PHONG 6 Tôi 17 tuổi, ở nhà đọc sách Tiên được ba năm, thầm biết đây không phải pháp giải thoát rốt ráo nên lòng khó chịu như ngồi trên gai, song bề ngoài vẫn tỏ ra ngoan ngoãn, ráng chăm coi việc nhà để chú vui lòng, hòng thoát sự giám sát nghiêm ngặt của ông. Ngày nọ, chú đi vắng, tôi nghĩ là duyên thoát tục đã tới, bèn ôm gói trốn lên Nam Nhạc, ai dè mới đi được nửa đường thì bị bắt lại. Chú đem tôi và Phú Quốc về Tuyền Châu. Không lâu, cha tôi cho rước hai tiểu thư họ Đàm và họ Điền về cùng tôi cử hành hôn lễ rồi nhốt chúng tôi ở chung phòng (nhưng tôi không có nhiễm), tôi còn thuyết pháp cho hai nàng nghe. Thấy Phú Quốc có chí xuất tục, nên tôi cũng giảng cho nó nghe luôn. Kết quả, từ phòng khuê ra đến bên ngoài, chúng tôi đều thành Pháp lữ. Năm này, liên quân Anh Pháp tấn công, vây hãm Quảng Đông.
[HẮC LONG QUÁI CẦU THỌ GIỚI U MINH - HÒA THƯỢNG HƯ VÂN] (RẤT HAY) Chương 6: HÀNH ĐẠO, ĐỘ SINH DÂN QUỐC 33 (1944) GIÁP THÂN 105 TUỔI Ngài Hư Vân kể: Đầu năm dân quốc thứ 29 (1940), khi tu sửa đạo tràng của Lục Tổ ở Tào Khê xong, Vân tôi cùng vị tăng Phước Quả người Quảng Đông đến Khúc Giang đi khắp vùng Nhũ Nguyên, hỏi thăm Đạo Tràng Linh Thọ mà chưa được. Khi đến núi Vân Môn, nhìn thấy trong khu rừng gai có một ngôi chùa mục nát (bên trong còn nhục thân của vị Tăng là Tổ khai sơn Tông Vân Môn ở đạo tràng này). Chứng kiến cảnh Tổ đình đổ nát đến thế, tôi không cầm được nước mắt.
May có thầy Minh Không đến đây từ năm Dân Quốc 27 (1938), giỏi chịu đựng gian khổ, một mình ở chốn núi lạnh này phụng thờ Tổ. Nghe vị Tăng này kể lể tình hình, mới hiểu hết muôn vàn thông khố. Thầm nghĩ: “Chốn này nếu chẳng trùng hưng, e sẽ bị mai một”. Tôi bèn trở lại Nam Hoa. Một hôm, nhân hai ông chủ nhiệm Lý Tế Thâm và Chủ tịch Lý Hán Hồn đến chùa, tôi bèn kể chuyện Vân Môn, mời họ đến xem. Thấy cảnh điêu tàn của ngôi Đại Giác Thiền Tự chẳng kém gì tình hình Nam Hoa lúc tôi chưa đến Tào Khê. Tôi cho mời các vị Tăng tục có tiếng tăm trong địa phương, phụ trùng hưng Tổ đình, họ bằng lòng. Thế là tôi giao Nam Hoa cho Phục Nhân. Nhờ các ông Lý Tế Thâm, Lý Hán Hồn, Châu Hồng… đưa tôi đến Vân Môn kêu gọi mọi người góp sức. Việc trùng hưng cực kỳ gian nan.
Bấy giờ nhằm tháng 12 năm Quí Mùi, Dân Quốc thứ 32 (1943). (Tôi biết Nam Hoa sẽ có chuyện, bèn âm thầm mang chân thân của Lục Tổ cùng ngài Hám Sơn chuyển đến Vân Môn, các pháp bảo cũng được mang từ từ đến nơi này). Ban đầu đến đây, nhà hư vách đổ, cỏ phủ hoang tàn, chỉ còn lại Tổ Điện, tình thế thật nguy cấp. Tôi ngụ trong cái am thất mục nát phía sau Quan Âm Đường, lên kế hoạch trùng tu. Mùa đông tháng mười, Nam Hoa lập Đạo tràng Thủy lục. Mời tôi về chủ trì đại lễ.
Phụ ghi: ONG ĐẦU NGƯỜI Trước đó một tháng, có bầy ong núi bỏ tổ bay đến, ong to bằng ngón tay cái, đầu tiên nó làm tổ ở hai bên hành lang của Pháp đường. Tổ nó nhìn giống như cái lồng đèn lớn của chánh điện. Kiến trúc rất khéo léo, đường vân lăn tăn như sóng nước, tầng tầng lớp lớp trùng điệp chất chồng, có bốn màu, trông rất đẹp mắt. Sau đó, bầy ong lại làm một cái tổ lớn hơn trên cây cổ thụ ngoài cổng Tào Khê. Ong không chích người, hơn nữa kỷ luật rất nghiêm. Lúc đó, tứ chúng tụ hội nhìn thấy, ai cũng cho là ong thần đến lễ Phật. Khi Sư từ Vân Môn đến làm chủ trì đạo tràng, đi tuần xem thấy. Bấy giờ, Thủ tòa Quán Bổn, Tri Khách Duy Nhân, Cư sĩ Sầm Học Lữ, Lâm Viễn Phàm, Lý Chấp Trung v.v… cũng đi theo. Sư quan sát thật lâu, bảo: – Đây là ong đầu người, lúc bình thường chúng chỉ ở trên đỉnh núi xa hút, nơi thành đô chẳng dễ gì thấy được. Bây giờ chúng kéo đến đây, ắt là sắp xảy ra chuyện! Rồi Sư lặng lẽ đi tuần. Tối đó Sư bảo Sầm Học Lữ: – Ong bốn phương bị động, e sẽ xảy ra nạn binh đao, nhưng không có gì đáng lo. Nếu có biến sự, tôi sẽ phái người đến đón các ông. Đạo tràng hoàn tất, Sư trở về Vân Môn.
Đến ngày 12 tháng chạp thì giặc vây Khúc Giang. Cuối đêm 18, thổ phỉ dòm ngó những vị khách nhà giàu đi tỵ nạn, dẫn binh đến cướp chùa Nam Hoa và chở tài sản cướp được ra khỏi chùa. Chưa đầy nửa giờ, vị Tăng ở Vân Môn được Sư phái đi Nam Hoa đón Sầm Học Lữ đã đến. Sư ở cách xa mà đã tiên liệu biết trước như thế rồi. Mùa xuân năm này lại có chuyện lạ: HẮC LONG QUÁI CẦU THỌ GIỚI U MINH Cô Từ Thị, người Nam Xương, Giang Tây, khép cửa phòng khuê chờ người đến cưới, Ở Thanh Giang có ông thầy thuốc tên Tạ Song Hồ, tuổi hơn 50 mà không có con trai, nghe danh cô nên cầu hôn. Cô thấy Song Hồ kính tin Phật pháp nên ưng thuận. Nhưng vào đêm hợp cẩn, hai ngươi chẳng thể đồng sàng. Nguyên do là thuở cô Từ tuổi vừa cập kê, thì bỗng có một con quái đến dựa vào người cô, bày tỏ tình cảm. Cô kiên quyết chống cự thì nó quấn chặt thân cô, dùng mũi phun nước, quấy phá cô gần chết. Con quái mặc tình làm càn, thoắt đến thoắt đi. Ban đầu ông Tạ không rõ việc này, tới hồi cưới về mới vỡ lẽ, nhưng không biết làm sao đối phó.
Năm Dân Quốc thứ 31 (1942), cô Từ đến Am Thanh Tịnh ở huyện Thanh Giang, xin xuất gia với sư Thường Khai, được ban cho pháp danh Diễn Huệ, hiệu Đạo Cần, nhưng con quái vẫn quấy phá như cũ. Sư Thường Khai bảo: – Ta nghe nói Hòa thượng Hư Vân là một vị cao tăng thạc đức, Ngài đang chủ trì hoằng hóa vùng Lãnh Nam, con hãy đến đó xin Ngài che chở cho. Vào Giới kỳ mùa xuân năm Dân Quốc 32 (1943), cô nhờ ông Tạ Song Hồ đưa đến chùa Nam Hoa xin thọ giới. Một hôm, khi lên điện nhiễu Phật, cô bỗng ngã lăn ra chết giấc, hồi lâu mới tỉnh. Cô thọ giới xong, con quái bảo cô: – Nay ngươi đã đắc giới, ta không làm gì được.
Từ nay về sau ta chỉ biết đeo theo chờ ngươi sơ suất mà thôi. Chi bằng ngươi hãy xin giúp cho ta cũng được thọ giới… Cô Từ nói: – Muốn thọ giới thì phải có danh tánh, tướng mạo, nhà ngươi đến, đi vô hình, lại không có họ tên thì làm sao đắc giới? – Ta tên là Hắc Long Giang, về dung mạo thì nhờ cô họa giùm. – Tôi không biết chữ, cùng chẳng biết vẽ thì làm sao mà giúp ngươi? – Dễ thôi! Cô chỉ cần cầm bút lên là được! Cô Từ làm y như con quái bảo thì bỗng gục đầu xuống giống như say ngủ, một lát sau thì vẽ xong bức họa đầu rồng thân người, có đủ sừng vảy. Cô cầm bức tranh, quỳ xuống xin Hòa thượng Hư Vân thuyết u Minh giới. Từ đó, tai họa mới dứt. Bức họa này được an trí ở Công Đức Đường chùa Nam Hoa. Đến khi quân Nhật đến mới bị cháy mất.
DÂN QUỐC 34 (1945) ẤT DẬU – 106 TUỔI Vào khoảng cuối xuân đầu hạ, Nhật đánh phía Bắc Quảng Đông, các huyện và thành Nhũ Nguyên cũng bị bao vây, người lánh nạn chạy đến Vân Môn rất đông. Lúc này gạo không đủ để nấu cháo, phải mài củ làm bột thay cơm. Đại chúng đồng cam cộng khổ với nhau. Gay go nhất là thợ mộc, thợ hồ, thợ làm ngói… tính ra cả trăm người, song họ đều tình nguyện tạm thời chẳng lãnh tiền công, còn gia công làm thêm. Nhờ vậy ngôi Điện vũ mới hoàn thành, có chỗ để ở. Mùa hạ, quân đội kéo đến phòng vệ, bọn phỉ tưởng là giặc Nhật đến, ra tay đánh úp, quân lương tổn thất rất nặng. Sau đó đại binh tiếp viện kéo đến, họ nghi ngờ hơn 40 làng có sào huyệt bọn phỉ nên lên danh sách sẽ đánh dẹp. Dân trong làng già trẻ xúm nhau tom góp hết đồ đạc, vật dụng, trâu cày, mọi thứ… rùng rùng chạy vào núi lánh nạn có đến cả ngàn người. Các bô lão trong làng đến chùa cầu xin tôi giải cứu giùm. Tôi bèn đi đến trại lính, giải thích mọi việc, bàn họp tới ba ngày, điều đình xong, bên quân đội được hoàn trả lại các vật đã mất và được bồi thường một số tiền, hai bên cùng lập giao ước miễn chiến. Từ đó dân làng rất quý trọng, xem tôi như mẹ hiền. Quân Nhật dù có bao vây huyện thành nhưng cũng không dám quấy nhiễu Vân Môn là nhờ uy thế trợ giúp của dân làng.
Phụ ghi: HÃY ĐỂ HAI BÊN SỐNG AN Mùa xuân Dân Quốc 34, Sư truyền giới ở Nam Hoa. Trong chùa Vân Môn có hai vị Tăng tên là Cổ Căn và Truyền Chân, đồng ở chung một liêu, Cổ Căn tối đó bị bệnh nên không lên tham dự khoá công phu ban đêm ở Niệm Phật Đường. Truyền Chân thấy vậy cũng làm biếng không đi. Một lát sau, cửa phòng bật mở, một bàn tay lớn thò vào, to đến gần bít luôn cái cửa, một bóng đen lôi Truyền Chân từ trên giường xuống để ông nằm dài trên đất, nói: – Bồ tát mở đạo tràng là để giúp các ông tu, vậy mà ông lại lười nhác, không chịu theo thời khóa, thật chẳng biết xấu hổ! Nói xong hắn đánh vào hông Truyền Chân hơn mười thoi, Cổ Căn cũng hoảng kinh lây. Ráng căng mắt nhìn cho kỹ, song chỉ thấy là một bóng đen thoáng qua rồi biến mất. Đại chúng tụ tập đến xem, thấy chỗ Truyền Chân bị đánh tím đen và sưng tấy, da thịt đều tuột ra hết, phải lo thuốc thang hơn một tháng mới lành. Trong chúng có một vị Tăng xuất thân từ quân đội, rất giỏi võ nghệ, thấy vậy bất bình lắm nên qua đêm sau, ông canh gần giờ con quỷ mò đến đánh Truyền Chân, lập tức cầm một cây gậy sắt, lên giường của Truyền Chân nằm chờ… Chẳng bao lâu, bóng đen đến. Vị võ Tăng chực đứng dậy để nghênh chiến, nhưng có cảm giác toàn thân như bị trói, không nhúc nhích gì được, chỉ nghe có tiếng nói: – Ông đã xuất gia làm đệ tử Phật mà còn giữ tâm địa bất lương, phải bỏ cái tập khí lính lác của ông đi nhé! Giờ ta không thèm đánh ông. Để xem ông có chịu sửa đổi hay không rồi mới trừng trị! Đợi bóng đen vụt đi, vị võ Tăng liền chạy trốn.
Bốn tháng sau, ngài Hư Vân từ Nam Hoa về chùa Vân Môn. Một buổi khuya nọ, trong lúc đang tĩnh tọa, Ngài thấy có một ông lão tóc bạc, mặc áo xanh, cung kính làm lễ thưa: – Đệ tử ở phía sau núi đã mấy trăm năm nay. Khi Thầy đi Nam Hoa, thì đệ tử cũng bận việc đi vắng. Bọn cháu hư dám quấy nhiễu chúng thanh tu, đệ tử đã trách mắng rồi, nay xin đến tạ tội với Thầy. Sư bảo: – Đã khác hình loại, thì hãy để cho hai bên sống an. Không nên xuất hiện nhiều. Ông lão cáo tạ ra đi. Sau đó trong chùa chẳng còn bị quấy phá nữa. Các bô lão trong làng đều nói: Trong núi có một con chồn già.
Năm này: – Ngày mồng 7 tháng 6, quân Mỹ thả bom nguyên tử ở Quảng Đảo (Hiroshima). – Tháng 9, Nhật Bản xin đầu hàng vô điều kiện. DÂN QUỐC 35 (1946) BÍNH TUẤT – 107 TUỔI Thế giới chiến thứ hai đã đình chỉ, các tỉnh thành làm việc lại. Nam Hoa năm này, mùa xuân vẫn mở Đàn truyền giới, giảng Kinh. Mùa thu, chính phủ ra lệnh cho các tự viện toàn quốc tụng kinh cầu siêu cho người chết. Các vị quan, dân, thân sĩ ở Huệ Viên mời tôi đến chủ trì pháp hội.
Ngày 17 tháng 9, lập đàn tại chùa Tịnh Huệ (tức chùa Lục Dung), cây hồng đào trong chùa, bỗng trổ hoa đầy, đài to, sắc chói lọi chưa từng thấy. Số người kéo đến chiêm ngưỡng có hơn mười vạn. Cư sĩ Tằng Bích Sơn thêu bức Đào hoa Cổ Phật, cư sĩ Hồ Nghị Sinh vẽ bức Hồng đào ứng điềm lành, mọi người đề thơ ca, vịnh. (Trụ trì chùa Lục Dung là Quán Bổn. Quán Bổn mất rồi thì Khoan Giám thay thế. Về sau, Khoan Nhượng, Minh Giám tiếp tục…). Pháp hội hoàn tất, Sư nhận lời mời của các quan, thân sĩ đến chùa Khai Nguyên ở Hồ Châu hoằng pháp, qui y truyền giới cho rất nhiều người.
Bài giảng: Ý NGHĨA ĐÀN TRÀNG THỦY LỤC Thứ hai 18/8/1946 Bính Tuất Lần này bốn chúng các tỉnh mời Hư Vân tôi đến đây hoằng pháp. Tôi hiểu biết cạn, thật là ngại không dám đảm đương. Nay có vài điều xin thưa cùng quý vị: Thứ nhất, tôi cung kính hoan nghênh quý vị quang lâm. Thứ hai, cảm tạ quý vị trai tăng cúng dường. Thứ ba, tôi không thể dừng ở đây lâu, chỉ vì quý vị yêu cầu, nên tôi buộc phải xuống núi. Đến đây được quý vị tiếp đãi nồng hậu. Quý vị nói rằng gặp được Hư Vân tôi rất khó. Thật ra tôi giờ giống như thân cây già cỗi, mục nát vô dụng, chẳng có tài cán gì và cũng chẳng có lời hay để nói. Hôm nay lập Đàn tràng, tổ chức Pháp Hội Thủy Lục để truy điệu các chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn. Vì vậy tôi sẽ thuyết sơ qua về nguyên nhân kiến lập đàn tràng này. Thủy Lục là gì? Thủy là chỉ những gì thuộc nước như sông suối, ao hồ biển… Lục là chỉ khu vực thuộc trên bờ, bao gồm núi non, cao nguyên đồng bằng, đất liền…Thủy Lục bao hàm từ hư không đến trên bờ dưới nước. Đức Phật của chúng ta vì lòng đại từ đại bi muốn cứu độ khắp loài hữu tình nên mới cho lập ra pháp này. Nguyên nhân khởi đầu từ Tôn giả A-nan, khi Ngài đang ngồi nhập định trong rừng thì bỗng thấy có một quỷ vương đến cầu xin cứu độ, A-nan liền về núi Linh Thứu trình với Phật, Phật nhân đây thuyết pháp Thủy Lục. Thật ra quỷ vương này chính là hóa thân của Bồ-tát Quan Âm, vì thương chúng sinh đang chịu bao thống khổ và muốn cho các vong hồn nơi địa ngục được vãng sinh Cực Lạc nên mới xin lập pháp siêu độ. Pháp hội này được thực hiện bắt đầu từ vua Lương Võ Đế. Vua phát tâm Bồ đề, tha thiết cung thỉnh Hòa thượng Chí Công chế định nghi thức lập Đàn Tràng Thủy Lục nhằm giúp các oan hồn uổng tử. Khi an trí đèn xong, vua lễ một lạy, sau đó mồi đèn thì lễ tiếp một lạy nữa, lúc này cung điện chấn động, vua lễ lần thứ ba thì trên trời mưa hoa báu xuống. Công đức Đàn Tràng Thủy Lục là vậy đó.
Đời Đường, Thiền sư Anh Công tổ chức Đàn Tràng này tại chùa Pháp Hải để cầu siêu cho vua Tần Trang Nhượng, Phạm Tuy, Bá Khởi, Vương Long Vũ, Trương Nghị, Châu Muội… vốn bị đọa cả ngàn năm, giúp họ siêu thăng cõi trời. Tiếp đến cư sĩ Tô Đông Pha đời Tống, Đại sư Liên Trì đời Minh cùng Thánh hiền bao đời liên tục bổ sung thêm vào khiến nghi thức lập Đàn Tràng Thủy Lục ngày thêm hoàn chỉnh. Vạn pháp do tâm tạo, mọi người thành tâm ắt có cảm ứng. Vì không thể từ chối lời mời thỉnh thiết tha của chư vị nên tôi đành phải chủ trì Đàn Tràng này. Trong thời kháng chiến, những binh sĩ xả thân báo quốc tử trận, hồn họ vất vưởng không chỗ nương, nghĩ đến ân đức này, ta lập đàn cầu siêu cho họ. Nghĩa dân bất khuất, trung với nước không quy hàng quân địch, nhà tan người mất, lưu lạc cõi hoang. Cô hồn vô chủ, lang thang khắp nơi, và những vong hồn chết oan, chết vì trúng đạn, xe tông, bệnh dịch, chết đuối, chết bất đắc kỳ tử… Chúng ta đều phải cầu siêu hết, để an ủi chúng sinh cõi u minh. Làm sao cho kẻ chết được an, người sống được ích lợi, âm-dương đều ổn. Đây là lý nhân quả vần xoay. Đao lý con người không ngoài tiêu chuẩn: Chẳng làm việc ác, chỉ làm việc lành. Bao khổ đau trên thế gian này sở dĩ có, là do kiếp xưa ta từng gieo nhân xấu. Nếu sống mà cứ sát phạt, hại nhau, làm những điều tán tận lương tâm, sống bất hiếu phi lễ, không liêm sĩ khiêm cung, mặc tình làm càn làm quấy… thì thế gian này vẫn còn khổ đau ngút trời, chiến tranh loạn lạc vẫn tiếp diễn. Muốn hòa bình, thì mọi người phải phát tâm Bồ đề, phát tâm từ bi rộng lớn. Tâm chúng ta tạo ra mười cõi: – Bốn cõi Thánh, sáu cõi Phàm. Bốn cõi Thánh là: Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật. Cõi Thánh đã vượt khỏi tam giới, không bị luân hồi. Cõi cao nhất là chư Phật, kế là Bồ tát, Duyên giác, cuối cùng là Thanh văn. Sáu cõi Phàm là: Thiên, Nhân, A-tu-la, Súc sinh, Ngạ quỷ, Địa ngục… còn nằm trong biển khổ luân hồi. Cõi trời sau khi hưởng hết phước vẫn bị đọa. Cõi người chịu khổ sinh lão bệnh tử chi phối. Loài A-tu-la có phước nhưng không có đức bằng chư Thiên nên cũng bị hoại diệt. Loài súc sinh thọ khổ vui cũng không đồng. Rồng phượng, lân, sư tử sống sướng hơn loại trùng kiến thấp sinh, hóa sinh. Khổ vui trong loài quỷ cũng không đồng: những quỷ vương như Thành hoàng, Diêm vương hưởng vui nhiều và thọ khổ ít hơn loài ngạ quỷ. Còn cõi địa ngục thì toàn là khổ, khổ vô biên! Đức Phật đại từ bi thuyết pháp, khiến chúng ta phát tâm Bồ-đề. Nhưng phát tâm cũng khác nhau. Bậc thượng thì phát tâm tu thành Phật. Bậc trung phát tâm tu thành Bồ-tát. Bậc hạ phát tâm tu thành Duyên giác Thanh văn. Chư thiên cũng có phát tâm Bồ đề, do nhân phát tâm lớn nhỏ khác nhau nên thành quả cũng không đồng.
Chúng ta sống trong cõi người, nên phát tâm Bồ-đề rộng lớn, cứu độ chúng sinh. Nguyện dẹp trừ khổ – giúp chúng sinh siêu thăng – Nếu ai cũng phát tâm như thế thì cõi nhân gian không còn khổ. Có người hỏi tôi về thần thông biến hóa – Rằng bao giờ thế giới hòa bình, vận nước tốt xấu ra sao? Tôi chỉ là phàm phu, đâu biết gì. Tôi giống như thân cây già nua khô mục, vô dụng. So với quý vị tôi chỉ hơn ở chỗ sống lâu nhiều năm, ngu si hơn nhiều năm, nghe nhiều hơn, nói nhiều hơn, xem Kinh nhiều hơn. Cảm thấy đời người nhiều khổ đau nên tôi mới nói mấy lời này. Quý vị đừng thắc mắc quốc gia chừng nào thái bình, an vui? Mà hãy nhìn vào tâm mình, ngày đêm cố gắng khắc phục mình, chớ để tâm mê, thiếu tỉnh giác. Quý vị hãy sống nhân từ trung tín, luôn động viên nâng đỡ nhau, giáo dục con cháu chu đáo, sống hòa thuận với quyến thân, đối tốt với láng giềng, bằng hữu. Nếu ai cũng làm được vậy thì thế gian tự nhiên thái bình. Còn nếu biết sai mà không sửa, thì khổ sẽ phát sinh, không tránh vào đâu được. Dầu lòng người có phức tạp thế nào, chỉ cần quý vị chịu điều phục tâm mình, sống như tôi nói, thì mọi việc đều ổn. Hiện nay, con người chỉ biết tham mê chạy theo dục lạc mà không lưu tâm đến việc trau giồi đức hạnh, coi thường đạo đức, nhân phẩm. Kẻ có lương tâm thì buồn chán sống ẩn dật, vì nghĩ không còn dạy nổi thế hệ con, em. Chúng ta đừng để bị phong hóa tệ ở thế gian lôi cuốn. Phải hiểu rõ và tin sâu lý nhân quả báo ứng, hễ gieo nhân xấu thì gặt quả xấu. Quý vị cần bíu tâm chú trọng đạo đức. Lời xưa nói: “Nhà tích thiện có thừa điều vui, luôn được thần linh ủng hộ”. Nếu ai cũng sống hiền đức thì quốc gia nhờ đấy mà được thái bình.
Phụ lục bài ký: CÂY HỒNG ĐÀO ỨNG ĐlỀM LÀNH Trung Hoa Dân Quốc thứ 35 (1946), mồng 7 tháng 7 là ngày kỷ niệm tròn mười năm kháng chiến, chính phủ Quốc Dân thông báo và yêu cầu các tự viện toàn quốc tụng kinh cầu siêu cho chiến sĩ trận vong cùng đồng bào tử nạn. Khi tổ chức lễ, Hội Đồng Phật Giáo Tỉnh Quảng Đông cử đại biểu đến Vân Môn rước Hòa thượng Hư Vân quang lâm chủ trì Pháp hội ở Huệ Viên. Chủ tịch tĩnh là ông Trác Anh cũng phái người mang thư cung thỉnh, Hòa thượng xúc động nhận lời, đội nắng lên đường. Ngày 17 tháng 9, tại chùa Tịnh Huệ lập Đạo Tràng Thủy Lục kéo dài 7 ngày. Lúc kết đàn, cây hồng đào bỗng trổ đầy hoa rực rỡ chói lọi, thật chưa từng có. Nghe kể Hòa thượng trong lúc xiển dương Phật pháp ở tỉnh Điền, cây mai khô đã trổ đầy hoa. Còn khi Ngài đến Nam Hoa, thì cây Bách từ đời Tống đang chết khô bỗng sống lại. Giờ đây được chứng kiến điềm lành này, quả là niềm vui của cõi nhơn thiên. Hoa nở cả tuần chưa tàn. Người đi xem đông nghẹt đường, còn Hòa thượng thì lặng lẽ đến đất Sán Đầu rưới giọt cam lồ của Nam Tông trên khắp vùng Lãnh Đông. Công đức độ sinh của Ngài thật không bờ bến! Hòa thượng có nguyện trùng hưng chùa Quang Hiếu, Kha Lâm sẽ lại tốt tươi, (chắc không còn xa nữa). Các bậc Long tượng ở miền Nam, Ngài đều khéo bảo vệ. Pháp hội nghiêm vị tán Phi đào hoa mãn chi Như hà hoàng lạc hậu Điều biến diêm dương thời Hủy mộc thảng linh cảm U minh tùng khả tri Kha lâm cửu vô uế Hà nhật dữ gia trì Pháp hội trang nghiêm chưa tàn Hông đào bỗng nở vô vàn sắc hoa Khi rơi rụng vẫn mặn mà Chuyển màu lấp lánh chói lòa vầng dương Cỏ cây linh cảm lạ thường U minh theo đó tỏ tường biết hay Kha Lâm vô uế lâu dài Ngày ngày xanh tốt hưởng đầy pháp ân
Phụ ghi: ÍCH LỢI CỦA ĂN CHAY Tháng mười một âm lịch năm nay, chuyến xe lửa tốc hành Quảng Đông khởi hành từ Hồ Bắc tới Quảng Châu. Khi đi ngang qua Anh Đức thì xe dừng lại để ăn trưa. Ăn xong mọi người đều lên xe. Chỉ duy nhất một hành khách người Hồ Nam ăn chay trường, thấy gần trạm chẳng có chỗ nào bán đồ chay nên anh đành phải đi vào chợ kiếm hàng chay dùng. Ăn xong, anh vội vã về trạm lại, thì xe cũng vừa chạy. Anh kêu thất thanh. Chỉ biết than trời, lòng đầy phiền muộn. Còn xe lửa chạy tới giữa cây cầu sắt Anh Đức, thì cầu bỗng gãy đôi, hỏa xa rơi thẳng xuống sông, hơn hai ngàn người trên xe đều bị nạn. Chỉ riêng anh chàng ăn chay nọ là được may mắn sống sót.
DÂN QUỐC 36 (1947) ĐINH HƠI – 108 TUỔI Mùa xuân, tôi về truyền giới giảng Kinh tại Nam Hoa. Mùa hạ, nhận lời Tam Viện Đông Hoa Hương Cảng thỉnh, tôi đi đến Hương Cảng mở Pháp Hội Bình An, quy y cho mấy nghìn người, đến Áo Môn giảng Kinh đả thất, quy y mấy nghìn người. Đến Thạch Kỳ, huyện Trung Sơn, lập Pháp Hội Đại Bi, lại quy y cho mấy nghìn người nữa. Xong việc, tôi về chùa Vân Môn lo đốc thúc các công trình xây cất cho mau hoàn tất.
Các bài giảng: BUỔI ĐÀM ĐẠO TẠI HƯƠNG CẢNG (Đông Liên Giác Uyển 1947) Dù là duyên khó gặp, song quý vị bảo tôi khai thị – Tôi thật là hổ thẹn. Lần này tôi nhận lời mời của Tướng quân Trương Phác Khuê và Chủ tịch La Trác Anh đến Quảng Châu lập Đạo Tràng Thủy Lục cầu siêu cho các vị đã mất trong Thế chiến thứ hai. Và cũng vì đã hứa trước với Hội Phật Giáo Hương Cảng và chư Phật tử, nên tôi đến đây. Hôm nay, chúng ta được gặp nhau, cùng tụ hội tại Giảng Đường này, quả là nhân duyên hi hữu. Nếu bảo tôi khai thị pháp yếu, tôi rất hổ thẹn. Một là ngôn ngữ không thông, diễn đạt bất tiện. Hai là, tôi chưa thể khai thị cho mình thì làm sao dám nói khai thị cho người? Vì vậy tôi chỉ xin cùng đàm đạo với quý vị mà thôi. Người Hương Cảng thật có phúc vì được nghe Phật pháp thường xuyên. Là đệ tử Phật, chúng ta thừa hiểu Phật pháp khó được nghe, vậy mà ở Hương Cảng được chư Sư tới thuyết pháp rất thường. Sao có thể nói là người Hương Cảng ít phúc báo?
Trong việc hoằng pháp, chẳng nên chấp hình tướng bên ngoài. Kinh nói: “ Tất cả vật có hình tướng đều là hư vọng” Và: “chúng sinh đều có đủ trí huệ phước đức của Như Lai” sở dĩ chúng sinh chưa thành Phật vì bị phiền não trần cấu làm mê hoặc. Chúng sinh do quên mất chân tâm nên khởi mê tạo nghiệp xấu, chiêu vô lượng thống khổ. Bị tam độc tham, sân, si hành xử, nên tạo tội sát, đạo, dâm, vọng… dẫy đầy, vì ác nghiệp này mà luân hồi không ngừng, quán xét tận gốc sẽ hiểu ra chỉ vì tâm mê, chấp cảnh. Nếu thường giác, bỏ vọng về chân thì sẽ trừ sạch hết thống khổ trầm luân. Vì sao có tham, sân, si khiến tạo ác nghiệp sát, đạo, dâm, vọng? Nếu tâm thanh tịnh thì thế giới sẽ được thanh tịnh, nhân dân sống an. Tâm chứa tham, sân, si là tâm bệnh, muốn dẹp trừ tam độc này thì phải dùng pháp Phật điều trị, có nghĩa là phải thực hành lời Ngài dạy.
Quý vị hãy chọn pháp môn thích hợp để chuyên tâm thực hành, Người học Phật không nên hướng ngoại tìm cầu, trừ được nghiệp chướng thì dứt trầm luân. Kinh nói: “Phật thuyết tất cả pháp vì trị tất cả tâm, nếu không tất cả tâm thì cũng không có tất cả pháp”. Tâm này là chỉ cho vọng tưởng, nếu quý vị không bệnh thì đâu cần uống thuốc làm gì. Học đạo cần có tín tâm. Kinh Phạm Võng nói: “Ta là Phật đã thành. Chư vị trong tương lai cũng sẽ thành Phật”. Có được niềm tin này thì giới phẩm sẽ đầy đủ. Đời người như mộng huyễn, giống hệt một vở kịch. Vì sao tất cả pháp hữu vi trên thế gian là mộng? Bởi trong tuồng kịch, các nghệ sĩ nhận vai rồi thì cứ theo tuồng mà diễn, trong lúc diễn thể hiện đủ tình tiết hỉ, nộ, ái, ố… người đóng vai vua thấy oai phong lẫm lẫm, khi nghệ sĩ ở trên sân khấu thì diễn đủ trò; thiện, ác, hiền, dữ… nhưng xuống đài rồi thì chỉ là thường nhân, kẻ hiểu chuyện thì chỉ cười mà bảo: “Đóng tuồng ấy mà!” Vì sao có khổ đau, vui vẻ? Khi diễn tuồng thì những tình tiết buồn thương giận ghét có đủ, nhưng chỉ là giả, tàn kịch rồi thì hết, không có gì là thật. Chúng sinh cũng vậy. Lúc chưa dứt sạch phiền não thì vinh hoa phú quý, vui, buồn, giận, ghét… xuất hiện rõ ràng.
Song bản chất mọi người vốn là Phật, chỉ vì mê nên chạy theo những tình tiết phiền não trên sân khấu mà không biết đó là giả. Cuộc sống người ta cũng như vở kịch trên đài. Được lên Thiên đường chưa phải là vui, xuống Địa ngục chưa phải là khổ. Chẳng phải nam, chẳng phải nữ – vì Phật tính đồng một thể. Người đời không biết, trong mơ tự phân biệt đây là người, là mình, chia chẻ thân sơ oán ân… mê muội chạy theo không dừng. Người xuất gia tuy lìa thân quyến nhưng lại mê chấp vào chùa, am Thầy, Tổ, đệ tử v.v.. Người tại gia bị ái dục thế tình thì gọi là mê muội, nhưng người xuất gia cũng bị pháp hữu, pháp quyến mê hoặc. Nếu còn như thế là chưa đạt được giác ngộ chân chánh, phải nỗ lực thoát ly hết mọi mê hoặc, chịu bỏ vọng về chân thì mới thành Phật. Bỏ vọng quay về chân, tự lợi lợi tha. Lục Tổ khi nghe câu: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” thì ngộ. Tâm này không thể dùng lời giải thích, mà phải tự lãnh hội. Chân lý của đạo Phật không thể dùng ngôn ngữ văn tự hiển thị. Nhưng nếu phế bỏ ngôn ngữ văn tự cũng không được, vì nhờ ngôn ngữ văn tự mà hiển lý. Người hoc Phật ngày nay nên nghiên cứu tất cả giáo lý Phật, song phải lấy việc thực hành làm chính, rồi sau đó hoằng pháp để ngọn đuốc tuệ được lưu truyền mãi mãi. “Tương thử thâm tâm phụng trần sát, thị tắc danh vi báo phật ân”. – Nguyện đem thân tâm này phụng sự chúng sinh như vi trần mới là báo ân Phật. Hi vọng quý vị lấy hai câu này làm tiêu chuẩn sống, tự lợi lợi tha đầy đủ.
PHẢI HIỂU NHÂN QUẢ – QUI Y TAM BẢO Thứ Hai, 1/8/1947 Đinh Hợi Tâm chúng sinh và Phật vốn không khác biệt. Tất cả đều do tâm tạo. Mười cõi cũng do tâm tạo nên. Nếu theo vọng niệm điên đảo thì sinh ra sáu cõi Phàm, còn không chạy theo thì sẽ vào bốn cõi Thánh. Thường quán sát, sẽ thấy Thánh hay Phàm đều do tâm uế hay tịnh mà hiện. Tâm phàm phu cấu uế khiến hiện ra sáu đường thiện ác tội phước. Bốn cõi Thánh do tâm thanh tịnh tạo thành, nên uy đức, tự tại quang minh, phước tướng, dung mạo từ bi. Khổ hay vui đều do tâm, quý vị tự tạo nghiệp rồi thọ báo, muốn biết ở cảnh Thánh hay Phàm, nhìn lại lòng mình sẽ rõ. Phàm phu ngu mê chẳng hiểu tất cả do tâm tạo nên gặp nghịch cảnh thì trách trời oán người, gặp thuận cảnh thì kiêu căng, dương dương tự đắc. Hoặc cả đời làm thiện mà chiêu quả ác nên khởi tâm nghi, hay làm ác lại được hưởng quả lành nên hủy báng nhân quả. Phải hiểu Lý nhân quả rất thâm sâu, sau khi ta gieo nhân, quả nào chín muồi thì tới trước. Đời nay tuy mình tạo nghiệp lành mà bị chiêu quả xấu, thì phải hiểu là nhân ác trong quá khứ đã hội đủ duyên, đã đến lúc chín mùi nên quả trổ trước thì mình phải lãnh thọ. Còn Nhân lành đời nay gieo do quả chưa chín nên hiện tại chưa được hưởng. Nếu tin sâu, hiểu rõ điều này thì sẽ không khởi tâm nghi. Từ vô thủy mê muội, ta tạo biết bao tội nghiệp oan khiên sâu nặng, bây giờ quả chín, tới lúc nó trổ thì ta phải nhận, không thể trốn tránh.
Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Tất cả chúng sinh sinh tử triền miên vì không biết chân tâm thường trụ, thể tịnh tính sáng, do sống với vọng tưởng nên mới bị luân hồi”. Muốn thoát khổ ta phải làm sao? Không muốn thọ báo trong sinh tử luân hồi thì phải tịnh hóa vọng tưởng, vọng tưởng được tịnh rồi thì luân hồi dừng. Vì vậy tâm mê thì gọi chúng sanh, tâm giác gọi là Phật. Phật và chúng sinh khác nhau ở mê và ngộ. Phải biết tâm tính diệu minh sáng suốt này ai cũng có. Phàm phu tuy có, song giống như vàng còn nằm trong mỏ, bị đất cát phiền não bao phủ nên không thể dùng được. Còn Phật do nhiều kiếp tu hành, cát đá lậu hoặc đã được lọc sạch, thuần là vàng ròng tinh khiết nên đại dụng vô cùng, vì vậy mà được gọi là Thế Tôn, Đấng Giác ngộ viên minh, vượt khỏi chướng ngại. Ta muốn tu thành Phật, trước phải xem nhân phát tâm của mình ra sao và phải trừ tận gốc phiền não. Gốc phiền não nếu sạch thì Phật tánh hiện, nếu nhân tu không chánh thì phải chiêu quả báo cong vạy. Bước tập tu đầu tiên là phải Qui y Tam bảo, – Các điều ác không làm, chỉ làm toàn điều thiện – Rồi từ đó mà tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ, nếu không gieo nhân khổ thì quả khổ sẽ tiêu, vượt thoát ba đường khổ, siêu thăng cõi lành, nhập Phật thừa. Đây là nền tảng cho người tu Phật. Tam quy Ngữ giới là bờ bến của người đời, là Diệu pháp ban vui cứu khổ.
Tam quy là: Qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng. Qui y Phật: Phật là Đấng giác ngộ hằng an lạc, xa rời khổ, Ngài hướng dẫn chúng sinh thoát mê về giác, vì vậy ta nên Qui y Ngài, hành giáo pháp Ngài để thoát khổ. Phật Thích Ca là giáo chủ cõi Ta-bà, nên bước đầu tiên là phải Qui y Phật. Qui y pháp: Tức nương theo pháp môn Phật truyền dạy, ba đời chư Phật đều hành theo pháp này thành tựu vô lượng công đức thanh tịnh, nay ta muốn quay về nguồn cội, tịnh hóa thân tâm, dẹp trừ cấu uế thì phải Qui y Pháp. Qui y Tăng: Chánh pháp phải có người gánh vác hoằng truyền, xả thân vì đạo, xiển dương Phật pháp, dùng văn, tư, tu chứng quả thành Phật, Nếu Phật pháp không người thuyết giảng thì khó lãnh hội. Phật pháp thâm sâu khó hiểu, phải nhờ chư Tăng giảng giải, nên ân đức các Ngài rất lớn, vì vậy phải Qui y Tăng. Tam bảo có ba: Nhất thể Tam bảo, Biệt tướng Tam bảo, Trụ trì Tam bảo. Nhất Thể Tam Bảo: Là thể của nhất tâm. Phật là Đấng giác ngộ, một niệm linh minh, tâm sáng suốt là tự tánh Nhất thể Phật bảo. Pháp đầy đủ ba đức: Phật, Pháp, Tăng. Pháp còn nghĩa là Quỹ trì: Gìn giữ quy tắc, khuôn phép. Tự tánh Nhất thể Tam bảo có thể giữ gìn khuôn phép của thế gian và xuất thế gian. Tăng là một đoàn thể tu sĩ hòa hợp. Tâm giác có khả năng hành trì tất cả pháp. Tâm là pháp, muôn pháp đều quy về một tâm. Tâm đầy đủ Phật, Pháp, Tăng nên có tên là Nhất Thể Tam Bảo. Chúng sinh mê tâm hướng ngoại tìm cầu nên trôi lăn trong sinh tử, Phật nhờ giác tâm này nên chứng được Bồ đề. Biệt Tướng Tam Bảo: Danh tướng của Phật, Pháp, Tăng không đồng. Phật là giác ngộ bản tâm, thấu đạt thật tướng, gọi là tự giác. Dùng pháp tu chứng này giác ngộ cho tất cả chúng sinh gọi là Giác tha. Tự giác, Giác tha đều đầy đủ nên gọi Giác hạnh viên mãn. Ba đức này tròn đầy nên thành Phật. Đây là Biệt Tướng Phật Bảo. Phật tùy cơ thuyết pháp Kinh, Luật Luận khác nhau là Biệt Tướng Pháp Bảo.
Theo giáo lý tu hành trình tự tu chứng không đồng, là Biệt Tướng Tăng Bảo. Trụ Trì Tam Bảo: Sau khi Phật nhập diệt, tượng Phật dù được làm bằng xi-măng, gỗ, thạch cao… hay tranh vẽ… đều là ruộng phước cho chúng sinh, nếu biết cung kính hình, tượng như Phật còn tại thế thì công đức không thể nói hết. Vì trụ mãi không tuyệt mất nên gọi là Trụ Trì Phật Bảo. Tất cả kinh điển chép lời dạy của Phật được lưu truyền giáo hóa chúng sinh không ngừng, khiến chúng sinh hành trì theo đó ly khổ được vui, vì vậy nên gọi là là Trụ Trì Pháp Bảo. Người xuất gia cạo tóc, mặc pháp phục Như Lai, xiển dương đạo pháp, hóa độ chúng sinh, nối tiếp hạt giống Phật là Trụ Trì Tăng Bảo. Trụ Trì, Biệt Tướng, Nhất Thể… đều được gọi là Bảo, là quý báu vì không bị pháp thế gian làm tổn hại hay phiền não làm nhiễm ô. Bảy báu thế gian như vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách… được coi trọng, song hưởng dụng một thời gian rồi cũng hết, vì chúng chỉ giúp cho lúc sống, chứ không thể độ tử. Thế nhưng Tam bảo có thể giúp chấm dứt vô biên sinh tử, khiến người xa lìa khổ não rầu lo, được hạnh phúc an vui mãi. Tam bảo tuy gọi nhiều tên nhưng xuất phát từ một tâm. Vì tất cả do tâm tạo. Tâm nhiếp thọ tất cả, vốn viên mãn đầy đủ giống như viên ngọc như ý. Vì vậy mới nói là Tự qui y Phật, Tự qui y Pháp, Tự qui y Tăng – chứ không hề nói Qui y tha – là tựa nương bên ngoài. Qui nghĩa là xoay vào – là quay về nguồn cội. Sáu căn chúng sinh phát xuất từ một tâm. Vì bỏ gốc chạy theo sáu trần nên phải thu nhiếp sáu căn quay về tâm, nên gọi Qui mạng. Vì vậy Qui y cũng có nghĩa là Qui mạng. Y là y theo, nương theo. Do chúng sinh chạy theo âm thanh sắc tướng nên bị trôi lăn trong biển khổ không có chỗ nương, dừng. Nay Qui y Tam bảo thì thân có chỗ quay về, tâm có chỗ nương.
Nhờ chọn Tam bảo làm Thầy nên có thể thoát u mê, phát tâm bồ đề, hành đạo tu giác, cho đến khi thành Phật. Qui y Tam bảo xong thì phải y theo pháp mà tu hành để thoát khỏi sinh, tử, thoát khỏi phiền não trói buộc của thế gian. Bước nhập môn đầu tiên, ngoài năm giới cấm ra không còn phương pháp trợ giúp nào khác. Do vậy mới có câu: “Nếu không giữ năm giới thì đường sinh lên làm trời, người cũng bị cắt đứt”. Do vậy mà Giới là nền tảng quan trọng giúp tạo đều thiện, phế bỏ hạnh ác – là cội nguồn của đức hạnh, là phương cách giúp người ta siêu phàm nhập Thánh. Nhân Giới sinh Định, từ Định sinh Huệ, nhờ Giới, Định, Huệ mà thành chánh giác. Nên nói: “Giới là cội gốc của đạo Bồ-đề vô thượng”. Phật phương tiện khai mở pháp môn, đầu tiên thuyết Tam qui y, tiếp đến dạy Ngữ giới, chế ra giới Đại thừa Tiểu thừa v.v… Do căn cơ và tâm tính chúng sinh không đồng nên giới có từ cạn đến sâu từ thô đến tế, nhưng cứu cánh chỉ là một. Năm giới: Không sát, đạo, dâm, vọng, không dùng các chất gây nghiện làm thần trí hôn mê. Năm giới này là điều căn bản, bắt buộc đệ tử Phật phải học và tuân giữ khi nhập môn. Đây là cửa ngõ đưa đến thành tựu. Năm giới này là điều phải học, phải hành, phải truyền bá, nam nữ cư sĩ đều phải hành trì. Năm giới này tạo nên vô lượng công đức, vì vậy mà bước đầu tiên người sơ cơ học Phật phải Qui y, thọ trì Ngũ giới. Nền tảng này không thể thiếu. Năm giới này nhà Nho gọi là Ngũ thường: Nhân Lễ, Nghĩa Trí, Tín. Nghĩa là người nhân từ thì không giết hại, người nghĩa khí không trộm cắp, người có lễ nghĩa thì không tà dâm, người trí không dùng chất say gây nghiện, người tín không nói láo.
Người Phật tử nếu giữ được năm giới thì không muốn hoàn toàn cũng thành người hoàn toàn, không mong thành nhân đức cũng thành nhân đức. Không cầu lễ nghĩa mà lễ nghĩa tự thành, tâm trí tự nhiên sáng suốt, sống có uy tín. Nhân phẩm trở nên tôn quý, được người trọng vọng ái kính. Đầu tiên nói về giới Không sát sinh: Mạnh Tử nói: – “Nghe tiếng vật kêu la chẳng nỡ ăn”. Mạnh Tử còn nói thế, chúng ta là đệ tử Phật sao lại mê mờ, khởi tâm giết hại chiêu lấy quả khổ vô biên về sau? Do vậy mà Phật chế giới không sát sinh cốt để ngăn khổ cho chúng ta. Các đệ tử Phật nếu muốn hành đạo, bước đầu tiên phải nuôi dưỡng lòng từ, không được sát sinh. Nếu giữ giới này thì không còn bị luân hồi đền mạng. Ngoài việc ỷ mạnh hiếp yếu, tham mùi vị, hoặc vì tiền tài, kế sống mà sát sinh. Giết hại phát xuất từ ác tâm. Nếu ta tạo nghiệp sát, cứ mạnh tay giết chóc thì tự kết oán cừu. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Người chết thành dê, dê chết thành người. Do ăn nuốt nhau mà quả báo vần xoay, ác nghiệp dẫy đầy chiêu quả xấu không có ngày dứt. Giết người phải đền mạng, giết súc vật cũng phải đền mạng”. Quý vị hãy nhớ tích xưa trong sử, ngày mà vua Tỳ Lưu Ly giết sạch dòng họ Thích-ca, Đầu Đức Phật cũng bị nhức thống thiết. Nguyên nhân từ đâu? Đó là vào kiếp quá khứ xa xưa, khi dòng họ Thích là dân làng chài và đức Phật Thích-ca là một cậu bé trong làng chài đó. Khi dân chài bắt được con cá lớn, sắp giết thịt ăn, cậu bé tiền thân Phật đã đùa nghịch lấy cây đánh vào đầu nó ba cái. Con cá lớn đó chính là tiền thân vua Lưu Ly, khi sinh làm người đã giết sạch dòng họ Thích ca, còn đức Phật cũng trả báo nhẹ là bị nhức đầu. Chuyện này không thể không tin – nhưng báo ứng rất rõ ràng và đáng sợ.
Quý vị nên quán sát cho kỹ. Vì lý do này mà Phật cấm sát sinh. Không những Phật từ bi với con người, mà còn thương cả đến loài trùng kiến nhỏ nhoi. Bởi vì trong cái nhìn của phật, tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật. Kinh Phạm Võng nói: “Tất cả nam nhân là cha, tất cả nữ nhân là mẹ”. Chúng sinh trong sáu đường trầm luân lưu chuyển, từng làm cha mẹ quyến thuộc của nhau. Vì vậy mà giết hại chúng sinh cũng xem như là giết hại cha mẹ. Người đời không biết, không tin thuyết này nên mặc tình mặc sức giết hại, ăn nuốt lẫn nhau. Do vậy Thế Tôn mới chế giới cấm giết, bởi vì tất cả sinh linh đều có Phật tính. Quá khứ họ từng là cha mẹ chúng ta, tương lai cũng có khả năng thành Phật, sao ta lại dám giết hại? Chúng ta không nên có tâm giết hại. Hiện nay, nhân loại giao tranh, đã chế đủ thứ vũ khí giết người, sát phạt nhau bất kể trên không, đất bằng hay dưới nước. Lòng người ngày càng hiểm ác, đường đời ngày càng đảo điên. Chuyện tương sát tương tàn này đến bao giờ mới dứt? Nếu không tìm cách cứu vãn thì thế gian này sẽ thành biển khổ sục sôi lòng cừu hận. Người trí nhìn không khỏi đau lòng. Quý vị phải cố gắng gìn giữ hòa bình, nỗ lực cứu vãn nhân tâm mê muội, giúp mọi người trở về nẻo chính. Hãy trọng lòng nhân chứ đừng trọng vũ lực. Đừng tham đắm mùi vị ngon hay vì lợi mà sát hại. Đừng bao giờ khởi tâm sát – nghiệp sát nếu ngưng – thì kiếp hoại sẽ dừng. Dưỡng lòng nhân là hành đúng đạo lý. Quý vị cần quán sát cho kỹ, phải tin sâu nhân quả, phải hiểu nhân quả không sai như bóng theo hình. Nếu tin sâu nhân quả, thì trong lòng dù chưa sửa đổi, hạnh thiện cũng đã thành, vì mỗi khi hành động nghĩ suy. Quý vị không thể không cân nhắc, cho nên hành vi tự nhiên theo thiện. Quý vị nên biết những tai họa đời này là do nhân ác trong quá khứ quý vị đã gieo. Các tai nạn như: binh đao, chiến tranh, lụt lội, hỏa tai, địa chấn… đều do quả đã chín mùi – tới lúc trổ thì quý vị phải nhận. Nhân thiện chiêu quả thiện – Bằng chứng là trong hai trận Thế giới chiến vừa qua, chỉ có Hoa kiều ở Úc là được bình an. Vì sao ư? – Vì trong tiền kiếp họ không tạo nghiệp sát. Những ai thường gặp tai nạn là do ác nghiệp, biệt nghiệp chiêu cảm. Quý vị là Phật tử thì phải hiểu thấu suốt Lý nhân quả khó nghĩ khó lường này. Nếu tin sâu nhân quả quý vị sẽ không dám giết hại. Nếu người trên thế gian này chịu giữ giới không giết hại thì tất cả vũ khí đều hóa ra vô dụng. Giới đầu tiên, Phật cấm không sát sinh là vì muốn mọi người có lòng nhân, sống biết thương người, hộ vật, tự giải khổ cho mình và người, ai ai cũng được sống trong cảnh an lạc. Giới thứ Hai là Không trộm cắp: Phật dạy ngay cả cây kim cọng cỏ, người không cho chớ lấy. Song chúng sinh chỉ thấy lợi trước mắt. Do tham tâm không biết đủ. Tội nặng nhất là trộm cướp và lạm dụng của mười phương Tăng chúng. Ngay cả vật dụng của cha mẹ, Sư trưởng không cho, chớ nên lấy, nếu lấy cũng là phạm tội nặng. Nếu quý vị thâm tín nhân quả, chẳng phạm mảy tơ thì giới hạnh tự thành. Ai cũng được vậy thì đêm ngủ chẳng cần đóng cửa. Giới thứ Ba là Không tà hạnh: Người xuất gia thì ly dục hẳn, còn người tại gia thì không được tà dâm. Đối với vợ, chồng người, nên giữ lòng ngay thẳng đoan chính. Do nhân duyên ái dục mà chúng sinh trăm kiếp ngàn đời bị trầm luân, cũng từ ái dục mà phát sinh trộm cắp giết hại. Thường giữ giới không tà dục tự nhiên uy nghi đức hạnh tự thành lập. Gia đình vui hòa thủy chung. Giới thứ Tư là Không nói láo: Người nói láo thường vì hư danh lợi dưỡng, cũng không được dối xưng mình chứng Thánh, đây là tội đại vọng ngữ sẽ bị đọa địa ngục Vô gián. Người học đạo phải cẩn trọng. Giữ giới này thì được người kính và có uy tín lớn, không cầu danh mà danh thơm tự đến, không cầu lợi mà phúc tự về. Giới thứ Năm là Không uống rượu: Bao gồm không dùng những chất có tính gây say, nghiện hay làm thần trí hôn mê. Người buôn bán các vật cấm này cũng bị quả báo năm trăm đời không có tay. Phạm giới này, thần trí mê mờ ắt sẽ làm nhiều điều bại hoại mất tư cách, không những phạm thêm nhiều tội ác mà còn gieo nhân ngu si vô số kiếp về sau. Do vậy mà Phật cấm. Nếu quý vị khéo điều tâm, không theo vọng tưởng, thì ác nghiệp chẳng sinh. Nhiếp tâm là Giới, nhờ Giới sinh Định, do Định có Huệ. Quý vị khéo điều tâm thì tham, sân, si chẳng khởi, ác nghiệp chẳng còn tạo. Tự mình nhiếp tâm, làm muôn hạnh lành, nhờ vậy công phu tăng tiến, bản thân được an lạc và còn gieo ảnh hưởng lây đến người khác, cảm hóa họ thực hành theo.
Nhờ hồng ân Phật, quý vị được Qui y Tam bảo, được thọ Năm giới cấm, giải khổ cho mình. Ân chư Phật lớn lao vô ngần, dẫu nát thân này, quý vị cũng chưa thể đáp đền trong muôn một. Nghe tôi giảng về Tam qui Ngũ giới rồi thì quý vị hãy thực hành. Hãy nghĩ xem, một thôn làng nếu trăm gia đình có được mười người giữ ngũ giới thì mười người này được an lạc. Trăm người tu Thập thiện thì trăm người sống tương kính vui hòa. Nếu nhà nhà y theo pháp Phật tu hành thì nhà nhà đều nhân từ, sống an. Hành một việc lành là loại được một việc ác, tiêu đi một hình phạt. Cả nước thực hành điều lành thì cả nước an, được vậy thì vị Nguyên thủ quốc gia không cần nhọc nhằn lao tâm trị nước mà vẫn có thể ngồi yên, toại hưởng thái bình. Thế nên, quý vị thọ trì Năm giới không những làm theo lời Phật dạy mà còn giúp ích nhiều cho đất nước mình, bản thân quý vị chẳng những là một công dân không phạm pháp mà còn đóng góp đức hạnh duy trì sự thịnh trị, bình an cho nước nhà. Đây là những điều kiện căn bản, bắt buộc người Phật tử phải tuân theo, xin quý vị hãy kiên tâm hành trì, không những huân vào cho mình tập khí tốt, khiến hạt giống Phật được trưởng dưỡng càng sâu. Khi hạnh giải tương ưng đầy đủ thì quý vị đến giác ngạn. Cầu mong quý vị từ đây về sau, luôn có chánh kiến, chánh ngữ, chánh hạnh, chánh tư duy, hằng tinh tấn tu hành, không những quý vị tự tu mà còn khuyên bảo người khác tu, để mình và người cùng dứt khổ. Được vậy thì ách nạn nào mà chẳng tiêu trừ. Thọ Tam qui Ngũ giới tức là quý vị chẳng làm điều ác, luôn hành điều lành, khéo điều phục tâm. Được vậy thì quý vị đã tạo công đức vô lượng, quả Phật nhất định có kỳ.
Bài giảng tại Quảng Châu: Ý NGHĨA “TÂM BÌNH” Chủ Nhật 27/9/1947 Đinh Hợi Lục Tổ nói: “Tâm bình cần gì trì giới”. Tôi xin giải về hai chữ “Tâm bình”. Nói thì dễ, nhưng hành được rất khó. Phàm phu chúng ta thường bị bát phong tức – tám gió – thổi làm điên đảo ngửa nghiêng. Tám gió ấy là lợi, suy, hủy, dự, tán, mạ, khổ, lạc. Gặp lợi thì mê đắm, bị suy thì buồn thảm, bị hủy thì sinh lòng sân, được khen thì tâm thần bay bổng, được đề cao thì tự đắc, bị mạ nhục thì uất ức oán hờn. Bị khổ thì ngửa nghiêng, được vui thì mừng đến tán loạn. Cả ngày quý vị bị tám gió thổi bay, vậy lúc sinh tử đến làm sao ứng đối? Quý vị phải tập tu: – Khởi tâm động niệm đều bình thản, định tĩnh, hằng tu mười điều lành . Vọng là sóng trên mặt nước, phải thu nhiếp vọng về tĩnh lặng, được vậy mới mong đạt đạo. Tu thì hãy chuyên tâm hành một pháp, đừng sáng mưa chiều nắng, thay đổi liền liền, rốt cuộc chẳng tiến đến đâu. Mong quý vị hãy trân trọng, tinh tấn tu.
DÂN QUỐC 37 (1948) MẬU TÝ – 109 TUỔI Sau Giới đàn mùa xuân, tôi đi Huệ Viên giảng kinh và khai mạc Y Viện Phật Giáo Chí Đức rồi trở về Đạo tràng Từ Hàng Tịnh Uyển ở Sa Điền, Hương Cảng, giảng Kinh. Nhận lời mời của Giám viện Trí Lâm, tôi mở thất niệm Phật, thuyết Tam quy Ngũ giới cho chúng. Rồi đến Đông Liên Giác Uyển bái sám, xong việc tôi trở về Vân Môn. Tháng 5, Pháp sư Giới Trần thị tịch ở Điền Nam, Tôn Phật Hải viết bài về Sư. PHÁP SƯ GIỚI TRẦN Pháp Sư Giới Trần, tự Địch Ngô, họ Khâu, người Hán Xuyên. Sư xuất gia năm 19 tuổi, cùng kết bạn tu với ngài Hư Vân Đức thanh, cất am tranh ở Chung Nam, nhất tâm thiền duyệt. Có lần, Sư lâm bệnh, trong mộng vẫn niệm chú vãng sinh không ngớt. Bỗng thấy am tranh hóa sắc vàng, ánh sáng lặng lẽ. Khi tỉnh giấc liền khỏi bệnh. Qua cảm ứng này, Sư biết mình có duyên với Tịnh độ, bèn chuyên tu niệm Phật.
Cuối đời Quang Tự (1908), Sư chống tích trượng sang tỉnh Điền, trụ ở Kê Sơn, nhập thất ba năm, hai chân đều bị thủng, nhưng vẫn kiên trì không lười mỏi. Khi đến Hàng Châu, Sư vào Đại Học Hoa Nghiêm, thâm nhập giáo hải, có trước tác bộ Hoa Nghiêm Nhất Trích cùng Hoa Nghiêm Ngũ Châu, Tứ Phần Thất Xứ Cửu Hội Đồ. Khi trở lại chùa Phật Viên, Sư nhập thất ba năm, dốc lòng tu Tịnh độ, biên tập các sách: Liên Xã Minh Huấn, Tịnh Độ Tông Tập Yếu Ngữ, sau đó trở về tỉnh Điền, lập Tịnh Độ Liên Xã. Sư tánh hạnh chơn thật, giới luật tinh nghiêm, am tường giáo điển. Ai đến tham vấn đều giải đáp, số đạo tục quy y có đến mấy vạn. Sư nhớ ở Thiên Thai lãnh chúng, chưa tịnh lục căn nên chánh tâm nhiếp thọ, lòng băn khoăn mãi, bèn đến nhập thất ở Đông Lâm ba năm. Trong thất làm một quyển Nghệ Ngữ, không chịu theo tình đời, nên chẳng lo tổn mình. Sư làm chủ Liên Xã, gặp Cung Trúc bị hư phế, bèn nhận chức Trụ trì, đích thân hướng dẫn chúng. Chùa viện ngày càng rạng rỡ song sức Sư thì yếu dần. Một hôm, Sư đến chùa Vân Thê giảng Luật Tứ Phần, trợt chân ngã té, Sư bệnh nằm trên giường. Thị giả dâng cháo, Sư nói: – Đã quá ngọ rồi, ta trì luật mấy mươi năm nay, chẳng lẽ phút sau cùng lại để khiếm khuyết ư? Hãy vì ta trợ niệm là đủ rồi. Tối đó, hơi thở Sư yếu dần, giây lát thì viên tịch.
Lúc này nhằm ngày 21 tháng 5, năm Dân Quốc 37 (1948), Sư thọ 71 tuổi, 53 tuổi hạ. Khi nhập khám, dung nhan Sư vẫn như lúc còn sống. Bảy ngày sau mới làm lễ trà tỳ. Tứ chúng niệm Phật, âm thanh chấn động cả sơn cốc. Thiêu xong, được xá lợi hơn trăm hạt, đem về thờ tại Tháp Hải Hội”. ’
Đệ tử Bồ tát giới Tôn Nhạc Phật Hải kính cẩn soạn.
________________