Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 
Hoà Thượng Hư Vân Dạy Khán Thoại Đầu


(Tiếp) NGÀY THỨ SÁU, THẤT THỨ NHẤT 14 tháng Giêng Quí Tỵ (27/2/1953)
Người xưa nói: “Ngày tháng tợ thoi đưa, thời giờ như tên bắn” mới đả thất đó thì sáng mai là giải thất rồi. Theo quy cũ, sáng mai cần phải khảo sát công phu, bởi vì đả thất tức là hành pháp theo đúng kỳ hạn để thủ chứng. Chứng, có nghĩa là chứng ngộ, thấy được chỗ “Bản địa phong quang” của chính mình, ngộ được cái “Diệu Tính Như Lai”, cho nên gọi là chứng ngộ.

Khảo sát công phu nghĩa là xem xét trong thời gian bảy ngày qua, công phu của các ông đã đạt đến trình độ nào, buộc các ông phải ra trước đại chúng mà thổ lộ. Bình thường trong những lúc chấm công, đem bao tiền ra phát, ai cũng phải được dò xét, mỗi người chúng ta khi dự đả thất cần phải khai ngộ, ai cũng có khả năng hoằng dương Phật pháp, độ hết chúng sinh trong tâm mình. Hiện giờ, không thể nói là người nào cũng khai ngộ.

Ai khai ngộ rồi mới có thể nhận tiền công, nên mới bảo là “Nhiều người ăn cơm, mà một người trả tiền”. Nếu như bọn chúng ta phát khởi đạo tâm tinh tấn, thì có thể là ai ai cũng khai ngộ. Người xưa nói: ‘Phàm phu thành Phật là chuyện dễ, nhưng trừ bỏ vọng tưởng mới là chuyện khó”. Chỉ vì tôi và các ông từ vô thủy đến giờ, tham ái quá lẫy lừng, trôi nổi theo dòng sinh tử, chui vào trong tám vạn bốn ngàn trần lao, những tập khí xấu buông chẳng nổi nên chẳng được ngộ đạo.

Chẳng giống như chư Phật và Bồ tát thường giác chẳng mê. Cho nên ngài Liên Trì nói: Duyên ô nhiễm dễ huân, đạo nghiệp khó thành. Chẳng rõ muôn duyên sai biệt trước mắt. Chỉ thấy gió cảnh mênh mông thổi làm điêu tàn cả rừng công đức. Lửa tâm hừng hực, thiêu rụi hột giống Bồ-đề. Đạo tâm nếu mạnh như thức tình thì chắc thành Phật lâu rồi. Bởi vì chúng ta hay biện biệt việc này việc nọ. Nếu chẳng thấy điều quấy của người, chẳng thấy việc hay của mình thì tự nhiên trên cung dưới kính, Phật pháp luôn luôn hiện tiền, phiền não trần lao đều được giải thoát”.

Trong mười câu trên đã trình bày sự việc hết sức rõ ràng, chân thật. Nhiễm ô là cảnh giới của phàm phu, thảy đều tham nhiễm tài sắc danh lợi, sân hận đấu tranh. Đối với hai chữ đạo đức coi như hòn đá buộc chân. Từ sáng đến chiều, mừng, buồn vui, tham ái cảnh phú quí vinh hoa, các thế tình chẳng đoạn, một chút niệm thôi dứt không có, cho nên rừng công đức bị điêu tàn, hạt giống Bồ-đề bị cháy rui. Nếu xem tình đời lợt lạt, hết thảy thân hữu oan gia đều thấy bình đẳng. Chẳng sát sinh, chẳng trộm cắp, chẳng tà dâm, chẳng vọng ngữ, chẳng uống rượu.

Đối với tất cả chúng sinh, cư xử bình đẳng không phân biệt. Thấy người đói như chính mình đói, thấy người chìm đắm như mình chìm đắm… phát khởi tâm Bồ đề như thế thì mới có thể cùng đạo tương ưng, cũng có thể thành Phật tức khắc. Nên nói: “Đạo niệm nếu bằng tình niệm thì thành Phật đã lâu”. Chư Phật cùng với Hiền thánh ứng hiện ở thế gian, tất cả đều vì phục vụ chúng sinh, nên mới gọi là “cứu khổ ban vui”, khởi lòng từ giúp đỡ. Các ông và tôi cần nên “Khắc kỷ phục lễ” làm việc không vì sự thọ hưởng của mình.

Được vậy, chúng ta ai cũng đều không khốn khổ, làm việc gì cũng có thể hoàn tất. Đồng thời, bản thân các ông cũng nhờ đó mà được quả thù thắng viên mãn. Như khi nước sông dâng thì thuyền cũng được dâng cao, các ông nếu biết dùng tâm từ bi, lòng cung kính đối với mọi người, không tự cao tự đại, không kiêu ngạo giả dối thì mọi người nhất định sẽ cung kính lễ độ đối với ông. Ngược lại, nếu ỷ tài coi thường thiên hạ, hoặc miệng nói phải mà tâm làm quấy, chỉ biết toan tính danh lợi theo thinh sắc, thì cho dù người đời có cung kính ông, e chỉ là giả dối mà thôi.

Thế nên, Đức Khổng Tử nói: “Kính người thì được ngươi kính. Yêu người thì được người yêu”. Lục Tổ dạy: “Người quấy ta đừng quấy, mình sai thì nên sửa sai”. Cho nên tất cả chúng ta, điều cần nhất là chớ sinh tâm thị phi, khởi lòng phân biệt mình người, nên noi gương chư Phật và Bồ tát mà phụng sự chúng sanh, thì hạt giống bồ đề sẽ được gieo rắc khắp nơi, quả ngọt lúc nào cũng thu hoạch được. Phiền não tự nhiên trói buộc các ông chẳng nổi. Đức Thế Tôn dạy nhiều đến Tam tạng, Mười hai bộ Kinh… tất cả đều vì ba độc Tham, Sân, Si của tôi và các ông.

Điều trọng yếu của Tam tạng và Mười hai bộ Kinh là Giới, Định, Huệ tức là nhân quả, cốt để chúng ta ngăn trừ tham dục, khởi lòng hỷ xả, thực hành Lục độ vạn hạnh, phá bỏ tà kiến ngu mê, viên mãn trí huệ, đức tướng, trang nghiêm pháp thân công đức. Nếu có thể y theo đây xử thế, vì người, lợi người thì dù ở bất cứ nơi nào cũng là thế giới Hoa tạng cả. Ngày hôm nay, người tham dự đả thất phần đông là cư sĩ, chúng ta cần phải khéo léo hàng phục tâm mình, khẩn thiết trừ bỏ những thứ trói buộc.

Tôi xin nói thêm một công án để làm gương, bởi vì các ông đều là những người phát lòng tin mãnh liệt muốn đến chỗ chứa kho tàng. Tôi nếu không cho các ông giải thoát, sợ các ông không đến được chỗ có kho báu, trở về tay không thì khó tránh khỏi việc làm phụ lòng tin các ông. Mong các ông tĩnh tâm lắng nghe. “Thuở trước, thời Đường có một cư sĩ tên Uẩn họ Bàng, tự là Đạo Huyền, người đất Hoành Dương, Hổ Nam. Cư sĩ vốn theo nghiệp Nho, thuở nhỏ đã ngộ được trần lao nên nuôi chí cầu đạo chân thật… Niên hiệu Trinh Nguyên năm đầu (785), ông nghe danh Hòa thượng Thạch Đầu bèn đến yết kiến, hỏi rằng: – “Ai là người không cùng muôn pháp làm bạn?”. Thạch Đầu liền lấy tay bịt miệng ông. Bàng Uẩn ngay đó có chút tỉnh ngộ.

Một hôm, Hòa thượng Thạch Đầu hỏi: “Ông từ khi gặp lão Tăng đến nay, hằng ngày làm việc gì?” Bàng thưa: “Nếu hỏi việc hằng ngày thì không có chỗ mở miệng”. Rồi trình bài kệ như thế này: Nhật dụng sự vô biệt Duy ngô tự ngẫu hài Đầu đầu phi thủ xả Xứ xứ một trương quai Chu tử thùy vi hiệu Khưu sơn tuyệt điểm ai Thần thông tinh diệu dụng Vận thủy cập ban sài. Hằng ngày không việc khác Tôi chỉ sống tùy duyên Mọi việc không thủ xả Nên chẳng gặp phải phiền Tía hồng mặc người gọi Núi gò bặt bụi trần Bửa củi là diệu dụng Gánh nước là thần thông.

Thạch Đầu chấp nhận và hỏi: – Ông muốn xuất gia hay tu cư sĩ?

Bàng nói: – Xin cho con được giữ nguyện không xuất gia.

Về sau, Bàng đến tham vấn Mã Tổ hỏi: – Ai là người chẳng cùng muôn pháp làm bạn?

Tổ đáp: – Đợi ông uống một hớp cạn dòng Tây Giang, ta sẽ nói cho ông biết.

Bàng liền đốn ngộ huyền chỉ, ở lại tham học với Mã Tổ hai nàm. Cư sĩ từ khi tham thấu được “bản lai nhân” về sau không làm gì nữa, từ sáng đến chiều chỉ chuyên đan sáo tre để mưư sinh, gia tài có đến muôn quan, tiền vàng tiền bạc, ông đem liệng hết xuống sông Tương.

Một hôm, hai vợ chồng cùng ngồi bàn luận về pháp vô sinh, ông bảo: – Nan nan nan, thập thạch du ma thọ thượng than. (Khó khó khó, mười tạ dầu mè trên đầu cây vuốt) Bà vợ nói: – Dị dị dị, bách thảo đầu thượng Tổ sư ý (Dễ dễ dễ, trên đầu trăm cỏ ý Tổ sư) Cô con gái tên Linh Chiếu nghe cha mẹ bàn, cười nói: – Dã bất nan, dã bất dị, cơ lai ngật phạn, khốn lai thùy. (Cũng không khó, cũng không dễ, đói ăn cơm, mệt ngủ khì).

Từ đó, biện tài ông càng sắc bén, tiếng đồn vang dội khắp nơi. Một hôm, ông đến thăm Dược Sơn, lúc từ giả, Dược Sơn sai mười vị thiền khách tiễn ông ra cửa, ông chỉ tuyết lơ lửng giữa trời nói: – Tuyết đẹp! Từng mảnh, từng mảnh không rơi vào chỗ khác. Một Thiền khách tên Toàn hỏi: – Rơi ở đâu? Ông cho Toàn một bạt tai. Toàn nói: – Cũng chẳng nên lếu láo. Ông bảo: – Sao gọi là Thiền khách? Lão Diêm la chưa tha cho ông đâu! Toàn nói: – Cư sĩ làm gì vậy? Ông lại tát tai nói: – Có mắt như mù, có miệng như câm. Bàng còn lui tới những chỗ giảng Kinh Luật.

Một hôm, nghe vị pháp sư giảng Kinh Kim Cang, đến chỗ “không ngã không nhân”, liền hỏi: “Thưa Tọa chủ, đã không ngã không nhân thì ai giảng ai nghe vậy?”. Tọa chủ không đáp được. Ông bảo: – “Tôi tuy là người thế tục nhưng cũng biết được chút đỉnh” Tọa chủ hỏi: “Theo ý cư sĩ thì thế nào?” ông dùng kệ đáp: Vô ngã phục vô nhân Tác ma hữu sơ thân Khuyến quân hưu lịch tọa Bất tợ trực cầu chân Kim Cang Bát Nhã tánh Ngoại tuyệt nhất tiêm trần Ngã văn tịnh tín thọ Tổng thị giả danh trần. Không ngã lại không nhân Làm gì có sơ, thân Khuyên Thầy đừng ngồi mãi Đâu bằng thẳng cầu chân Tánh Kim Cang Bát Nhã Chẳng dính một mảy trần Tôi nghe và tin nhận Thảy đều giả đanh trần. Tọa chủ nghe xong hoan hỷ khen ngợi.

Một hôm, cư sĩ hỏi Linh Chiếu: – Người xưa nói: “Rõ ràng đầu trăm cỏ, rõ ràng ý Tổ sư”, con hiểu như thế nào? Linh Chiếu nói: – Ông già đã lớn tuổi rồi mà còn nói như vậy. Cư sĩ hỏi: – Con thì sao? Chiếu đáp: – Rõ ràng đầu trăm cỏ, rõ ràng ý Tổ sư. Long Uẩn cười. Lúc sắp nhập diệt, ông bảo Linh Chiếu: – Con ra xem mặt trời đã đứng ngọ chưa? Linh Chiếu bước ra xem rồi quay vào nói: – Trời đã đúng ngọ nhưng lại bị nguyệt thực, sao cha không ra xem thử? Cư sĩ tưởng là thật, rời tòa ngồi ra cửa xem. Trong lúc ấy Linh Chiếu liền lên tòa của cha ngồi kiết già chấp tay thị tịch. Cư sĩ trở vào thấy Linh Chiếu đã mất than rằng: “Con gái lanh lẹ quá, đi trước ta rồi!” Ông đành hoãn lại bảy ngày nữa. Quan Châu Mục là Vu Công đến thăm bệnh ông. Cư sĩ bảo: “Chỉ mong không các cái có, cẩn thận đừng cho những cái không là thật. Khéo sống giữa đời, tất cả như bóng vang”. Nói xong ông nằm gác đầu trên gối Vu Công mà hóa.

Theo lời di chúc, người ta mang thi hài ông đem thiêu và đổ tro xuống sông Tương. Bà vợ ông được tin liền báo cho con trai hay. Cậu con trai nghe nói đứng chống cuốc, tựa trán vào đó mà tịch. Bà mẹ thấy vậy cũng tự ẩn đi”. Các ông xem, cả nhà họ Bàng gồm bốn người, đều có được những thần thông diệu dụng như thế, đủ để các ông tin là làm cư sĩ cao quí biết bao! Bây giờ, chớ nói là trong hàng cư sĩ các ông không có nhân tài giống vậy, mà cả hai chúng xuất gia, cũng chẳng khác gì Hư Vân này. Mong các ông hãy nỗ lực, tinh tấn.

Hư Vân Niên Phổ
Việt dịch Kiến châu, Như Thủy, Hạnh Đoan

________________


Hoang Nguyen gởi