Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

Hỏi Hay, Đáp Đúng
 


- Người ta thường nói tam thế Phật, có ý nghĩa gì, thưa thầy ?

 Tam thế Phật nghĩa là các vị Phật đã xuất hiện thời quá khứ, đức Phật Gotama thời hiện tại và các vị Phật sẽ xuất hiện thời vị lai. Tuy nhiên, như sư đã nói, tất cả các đức Phật đã từng xuất hiện trên thế gian, các đức Phật sẽ xuất hiện trên thế gian và đức Phật Gotama ở hiện tại đều có chung một giáo lý, rất ít các điểm sai đồng, dị biệt, và tất cả Pháp của các vị Phật đều giảng nói về sự nguy hiểm của ác giới dẫn tới tái sanh khổ cảnh, lợi ích của các công đức, an lạc nơi cõi trời, rồi sau khi biết tâm của người nghe đã sẵn sàng, đã nhu nhuyến, thì chư Phật bao giờ cũng làm cho hiển lộ Bốn Sự Thật cao quý, đó chính là : Sự Thật về Khổ, Sự Thật về nguồn gốc của Khổ, Sự Thật về trạng thái tuyệt dứt mọi Khổ, Sự Thật về con đường thực hành giải thoát Khổ ấy.

Thưa thầy, Tam bảo là gì ạ ?

Tam là ba, bảo là quý giá, trân quý. Tam Bảo là ba sự quý giá, trân quý nhất trên thế gian, đó là đức Phật Bảo, đức Pháp Bảo, đức Tăng Bảo. Thật sự là trân quý trên thế gian này, cao thượng tột bậc trên thế gian này, không có gì có thể đem ra so sánh, chứ đừng nói khi so sánh thì có thể gần bằng.

I. Phật Bảo

Tại sao nói Đức Phật Bảo là trân quý, đó là bởi vì quá trình tu tập để chứng đắc thành Phật là rất lâu dài, đặc biệt lâu dài, vô cùng lâu dài, không thể tính đếm lâu dài, nước trong đại dương có thể tính đếm được là có chừng này mét khối, chừng này độ sâu, dù đại dương là bao la rộng lớn. Nhưng công hạnh, ân đức của một vị Phật là không thể đo lường theo cách như vậy được. Có những Pháp mà trong các kiếp sống quá khứ khi còn là phàm nhân mà ngài đã tu tập, chỉ nghe nói thôi, loài người đã lông tóc dựng đứng, đã kinh hoàng e ngại, chứ còn nói gì đến việc thực hành pháp ấy, còn nói gì đến việc tu tập sung mãn pháp ấy, còn nói gì đến việc tích tập Pháp ấy trong nhiều ngàn kiếp sống, trong nhiều trăm ngàn kiếp sống, trong nhiều trăm ngàn ngàn kiếp sống. Nhưng quả thật, với ước nguyện Giải thoát cho bản thân và tế độ cho vô vàn các chúng sanh, vị Bồ Tát ( đang tu tập,chưa thành Phật, gọi là Bồ Tát) đã không sờn lòng nhụt chí, mà bố thí tất cả tài sản, bố thí cả cung vàng điện ngọc, bố thí cả ngôi báu chí tôn, bố thí cả vợ hiền con ngoan, bố thí cả tay, chân, mắt, tim và đầu, trong vô số kiếp sống. Thậm chí máu của ngài rơi xuống trong các kiếp sống mà bố thí tay, chân, mắt, tim và đầu còn lớn hơn nước trong đại dương này. Nào chỉ có một Pháp Bố Thí, còn cả Trì Giới, Xuất Gia, Kham Nhẫn, Tinh Tấn, Tâm Từ, Tâm Xả nữa chứ. Vô lượng thay là Ân đức của đức Phật. Vô Biên thay là công hạnh của ngài. Thế nên thời đức Phật, có những người chỉ nghe đến Buddha- Phật đà là họ hoan hỷ đến chết ngất. Có người, chỉ nghe đến Đức Phật là ngay lập tức, ngay lúc ấy, dù là đêm hay ngày, họ bỏ hết tất cả công việc, gia đình, địa vị dù là vua hay đại thần để đi đến với Đức Phật, bậc A la hán, Thầy của Trời và Người, bậc Thông Suốt Thế Gian. Trong kiếp sống cuối cùng, đã có vô số pháp phi thường, chưng từng được nghe, được thấy đã phát sanh trên thế gian này  khi bậc Đại Nhân giáng thế :

- Đó chính là một ánh sáng vô lượng xuất hiện chiếu sáng cả mười ngàn thế giới, ánh sáng thần diệu này xuyên thấu thẳng tới địa ngục, nơi mà luôn luôn chỉ có sự tối tăm ngự trị bởi vì ngay cả mặt trăng, mặt trời cũng không chiếu tới. Chỉ duy nhất ánh sáng của của vị Đại Bồ Tát và thời điểm tái sanh mới chiếu tới nơi này.

- Trong cả ba thời kì, nhập thai, an trú trong bụng mẹ và lúc sanh ra vị Đại Bồ Tát đều hay biết rõ ràng.

- Ngay sau khi sanh ra, vị Đại Bồ Tát bước đi bảy bước, rồi đứng lại, ngài nói lên điều này : '' Trong tất cả các chúng sinh, ta chính là bậc tối thượng, đây là kiếp sống cuối cùng, sau kiếp này sẽ không còn sự tái sinh ''

Còn rất nhiều các pháp khác nữa, nếu con muốn tìm hiểu thêm thì xem trong kinh Vị Tằng Hữu Pháp- Trung Bộ Kinh.

II. Pháp Bảo.

Đức Pháp Bảo là những lời dạy của Đức Phật, Pháp ấy vô cùng trân quý vì có những đặc tánh như sau :

 Được khéo thuyết bởi Đức Phật, đấng Toàn Tri Diệu Giác, đã thấy, biết như thực tất cả các Pháp trên thế gian, những gì ngài nói ra đều là sự thật, do chính ngài tự thấy, tự biết, không phải do suy tư, lý luận mà tạo ra. Hơn thế nữa, Pháp ấy được thuyết ra là liên hệ đến lợi ích, đem đến sự An Lạc, đem đến sự chấm dứt Khổ Đau. Lại nữa Pháp ấy được thuyết ra đúng lúc, đúng người, hợp với căn tánh, căn duyên của mỗi chúng sanh, nên hoàn toàn phù hợp, được gọi là Giáo Hóa Thần Thông. Như vậy với ba đặc tính này, Pháp được gọi là khéo thuyết bởi Thế Tôn.

 Thiết thực hiện tại, lợi ích, không tùy thuộc vào không gian, không lệ thuộc vào không gian là đặc tánh trân quý thứ hai của Pháp Bảo. Làm thiện được vui, được quả báu, đó là sự thật, là tánh chất của Pháp, tánh chất này là chân lý, luôn luôn đúng đắn. Làm ác, làm xấu cho quả Khổ, đó là sự thật, là tánh chất của Pháp, tánh chất này là chân lý, luôn luôn đúng đắn. Như vậy cả hai tính chất này luôn là như vậy, luôn đúng, không vì thời gian, hay không gian mà thay đổi.Hơn thế nữa, khi làm thiện thì người ấy thấy vui ngay, thấy hoan hỷ ngay. Còn khi làm ác, bất thiện thì thường cảm thấy nóng bức, khó chịu, sợ hãi, dao động ngay, không phút giây gián cách.

 Có khả năng hướng thượng, hướng lên trên, hướng lên cao, hướng đến các trạng thái tốt đẹp hơn, đó là một đặc tánh trân quý chỉ có trong Pháp này. So với người người nghèo, người giàu là cao hơn. So với người ác, người hiền là cao hơn. So với người đoản thọ thì người trường thọ là cao hơn. So với người nhiều bệnh tật thì người khỏe mạnh, ít bệnh tật là cao hơn. So với người ngu, người Trí là cao hơn. So với cõi khổ, như địa ngục, quỷ đói, súc sanh thì cõi người là cao hơn. So với cõi người, cõi trời là cao hơn. So với cõi trời, cõi Phạm Thiên là cao hơn. So với người nhiều phiền não, tham lam, nóng giận thì người ít phiền não, ít tham lam, ít nóng giận là cao hơn. So với phàm nhân thì Thánh Nhân là cao hơn. So với tất cả các chúng sanh dù trời,người, Phạm Thiên, dù phàm hay Thánh thì đức Phật là cao hơn tất thảy. Như thế, chính Giáo Pháp này, không phải bất cứ pháp nào khác, đã vạch rõ con đường để tu tập, để thực hành chỉ với một mục đích duy nhất, đó là dẫn dắt các chúng sanh hướng lên cao, hướng lên trên, hướng đến các trạng thái tốt đẹp ấy.

- Hãy đến để tự thấy, tự chứng đó là một đặc tánh cao quý của Pháp này. Bởi Pháp này đem lại an ổn, lợi ích thù diệu như đã nêu, nên dám mời gọi các chúng sanh tới để thấy, tới để tìm hiểu, tới để nghe Pháp ấy, chứ không phải tới để tin theo vội vã, chính Đức Phật cũng không tán thán đức tin ấy.

- Pháp có thể chứng ngộ bởi những người Trí, ngay trong kiếp sống này, đó là sự trân quý của Pháp này. Trong một bài kinh, trả lời cho một vị  vương tử về sự chứng ngộ của các tỳ khưu, Đức Phật đã nói rằng, các đệ tử nghe Pháp và tu tập nơi Thế Tôn, có thể nghe Pháp buổi sáng, chứng đắc buổi tối, hoặc nghe Pháp buổi tối, chứng đắc vào sáng hôm sau. Hoặc trong bài kinh Niệm Xứ, Đức Thế Tôn cũng đã khẳng định chắc chắn rằng, ai thực hành như vậy thì trong vòng bảy năm sẽ chứng Ngộ Niết Bàn, rồi sau đó Ngài nói sáu năm, năm năm...một năm, cuối cùng thậm chí là chứng đắc trong bảy ngày. Quả thật là như vậy, dù rằng chính sư vẫn còn là phàm nhân, nhưng từ khi đến với Pháp này, bằng chính sự tu tập của bản thân, nhiều loại phiền não được đoạn giảm, sống an trú trong Pháp, niềm tin của sư dần dần đạt tới chân đứng, có xu hướng tăng, chứ không giảm.
Như vậy chính những đặc tánh ấy là sự trân quý của Pháp tức Pháp Bảo.

III. Tăng Bảo.

Hội chúng tỳ khưu đệ tử của Đức Thế Tôn gọi là đức Tăng Bảo, là những vị thực hành theo con đường Bát Chánh Đạo, là những vị thực hành theo con đường Trung Đạo, là những vị thực hành theo Pháp và Luật của Đức Phật, là những vị đã và đang chứng đắc bốn Đạo, bốn Quá và Niết Bàn, hội chúng ấy hoàn toàn xứng đáng thọ nhận mọi sự chắp tay, cung kính cúng dường, nhường đường. Hội chúng ấy hoàn toàn xứng đáng thọ nhận những vật phẩm trân quý, hoàn toàn xứng đáng thọ nhận những vật phẩm trân quý mang tới từ phương xa, những vật phẩm trân quý đầu mùa thu hoạch. Các ngài là thửa ruộng Phước tối thượng trên thế gian.

Những ai đã từng xuất gia với đức tin trong sạch, với sự tu tập nhiệt tâm tinh cần, những người ấy sẽ thấu hiểu thêm nữa ân đức vô lượng của Đức Tăng Bảo. Thế nên sư sẽ trích dẫn trong kinh Phân biệt cúng dường- 142 Trung Bộ Kinh:

''...Này Ananda, có mười bốn loại cúng dường phân loại theo hạng người. Bố thí các đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, là cúng dường thứ nhất, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị Ðộc Giác Phật, là cúng dường thứ hai, phân loại theo hạng người. Bố thí các bậc A-la-hán, đệ tử Như Lai, là cúng dường thứ ba, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị trên con đường chứng quả A-la-hán là cúng dường thứ tư, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị chứng quả Bất lai, là cúng dường thứ năm, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị trên con đường chứng quả Bất lai là cúng dường thứ sáu, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị chứng quả Nhất lai là cúng dường thứ bảy, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị trên con đường chứng quả Nhất lai là cúng dường thứ tám, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị chứng quả Dự lưu là cúng dường thứ chín, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị trên con đường chứng quả Dự lưu là cúng dường thứ mười, phân loại theo hạng người. Bố thí những vị ngoại học (bahiraka) đã ly tham trong các dục vọng là cúng dường thứ mười một, phân loại theo hạng người. Bố thí những phàm phu gìn giữ giới luật là cúng dường thứ mười hai, phân loại theo hạng người. Bố thí những phàm phu theo ác giới là cúng dường thứ mười ba, phân loại theo hạng người được bố thí. Bố thí các loại bàng sanh là cúng dường thứ mười bốn, phân loại theo hạng người...''

''..Nhưng này Ananda, trong thời gian tương lai sẽ có những hạng chuyển tánh (gotrabhuno), với những áo cà-sa vàng xung quanh cổ, theo ác giới, ác pháp, và cuộc bố thí đối với chúng Tăng theo ác giới. Nhưng này Ananda, khi Ta nói rằng cúng dường cho Tăng chúng là vô số và vô lượng, thời này Ananda, Ta không có muốn nói rằng bất cứ phương tiện gì, một sự bố thí phân loại theo cá nhân lại có kết quả to lớn hơn đối với cúng dường cho Tăng chúng...''

Như thế là bố thí dầu cho là đến Đức Phật, cũng vẫn là cá nhân thí, còn bố thí cúng dường đến Tăng chúng là tập thể thí, cho quả báu lớn hơn. Như vậy Tăng chúng thật quý giá, là trân quý, quả đúng là Tăng Bảo.