Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



Hồi Ký Người Lính Già


(Bài của anh đưa ra những nhận xét đặc biệt vế nước Mỹ, những nhận xét này đã dành cho tôi những giây phút ngạc nhiên lý thú bởi lẽ từ trước đến nay, cũng không ít cán bộ trong nước đi tham quan đất Mỹ, làm việc tại Mỹ nữa, nhưng họ không có can đảm nhìn thẳng vào sự thật như anh, hoặc có khi đầu óc họ còn bị đông cứng vì giáo điều, hay vì những quyền lợi vị kỷ nên họ vẫn bám vào con đường bảo thủ, ghìm lại bước tiến của dân tộc.

Nhân đọc "Những mới lạ của nước Mỹ đối với tôi" của Đặng Văn Việt)

Trương Đăng Đệ
 

Sau khi đọc xong bài "Hồi ký người lính già", thấy tên tác giả có vẻ quen quen, lại thấy được giới thiệu là "con hùm xám của đường số 4" trong kháng chiến chống Pháp, tôi sực nhớ tên một cán bộ của trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 1 tại Sơn Tây, bèn mở cuốn "50 năm dưới lá cờ trung với nước, hiếu với dân", đặc san cuối cùng của khóa 1 nhân kỷ niệm 50 năm ngày khai giảng trường (26-5-1946 – 26-5-1996), thì thấy đúng là anh với một bài của anh về chiến dịch biên giới đêm Noel 1950.
 

Đọc xong, tôi muốn gửi anh một vài ý kiến và tâm sự với anh và với các bạn đồng khóa, như trong bài tôi đã viết trong đặc san nói trên (nhưng tiếc thay bài của tôi đã bị ban biên tập bỏ đi một nửa, mà là nửa quan trọng nhất, trong đó tôi nói lý do tại sao sau khi đã tham gia kháng chiến chống Pháp từ đầu đến cuối, nước đã độc lập tôi lại đi vào Nam, và sau này khi miền Nam bị chiếm, tôi đã vượt biển ra đi).
 

Tôi đã đắn đo mãi không biết có nên viết hay không, e có thể có những sự hiểu lầm vì phải nói đến "cái tôi đáng ghét"; mặt khác, tuy có nhiều ý kiến giống anh, nhưng cũng có vài điểm quan trọng cần phải đưa ra với anh và các bạn, không biết chúng ta có thể đồng ý với nhau chăng. Cuối cùng, tôi thấy ít nhất chúng ta có một điểm căn bản giống nhau là lòng yêu nước vô bờ bến như đã được chứng tỏ khi chúng ta đã hy sinh cả tuổi trẻ và có thể cả tính mạng, khi theo tiếng gọi của non sông, chúng ta đã xếp bút nghiên gia nhập bộ đội và đã tham gia kháng chiến chống Pháp để tranh đấu cho độc lập của đất nước, và tôi tin rằng lòng yêu nước đó vẫn luôn luôn nguyên vẹn, cho nên tôi dẹp mọi e ngại để quyết định viết những dòng này.
 

Trước hết, tôi mừng anh: tuổi đời đã 85 nếu tôi không lầm mà anh còn thực hiện được một cuộc chu du thế giới như anh nói, về nhà lại viết một bài dài, có nhiều ý nghĩa, văn phong trong sáng chứng tỏ sức khỏe và tinh thần anh còn tốt.
 

Bài của anh đưa ra những nhận xét đặc biệt về nước Mỹ, những nhận xét này đã dành cho tôi những giây phút ngạc nhiên lý thú bởi lẽ từ trước đến nay, cũng không ít cán bộ trong nước đi tham quan đất Mỹ, làm việc tại Mỹ nữa, nhưng họ không có can đảm nhìn thẳng vào sự thật như anh, hoặc có khi đầu óc họ còn bị đông cứng vì giáo điều, hay vì những quyền lợi vị kỷ nên họ vẫn bám vào con đường bảo thủ, ghìm lại bước tiến của dân tộc.
 

Khi so sánh Việt Nam với nước Mỹ, tôi đặc biệt chú ý tới hai điều để góp ý cùng anh, trong số những điều lạ mà anh viết về nước Mỹ: một là "tại sao nước Mỹ đã giàu lại càng giàu thêm, và vì sao nhà nước và nhân dân VN đã nghèo lại không làm giàu lên được" (điều lạ thứ 3) ; hai là "tại sao một số người VN sống ở Mỹ lại quay lưng với VN?" (điều lạ thứ 4)
 

Thứ nhất: Tại sao nưóc Mỹ đã giàu lại càng giàu thêm, và vì sao nhà nước và nhân dân VN đã nghèo lại không làm giàu lên được?
 

Theo anh điều lạ này cốt yếu nằm ở cách quản lý và sử dụng đồng tiền ở Mỹ. Vì cách quản lý và sử dụng đồng tiền khác nhau nên anh thấy:
 

- về phía Mỹ là 3 không: không tham nhũng, không thể tham nhũng, và không cần phải tham nhũng; và nếu Mỹ là 3 không thì
 

- VN là 3 có: có gan phạm pháp, có thể tham nhũng và cần thiết phải tham nhũng.
 

Tôi thấy những lý do anh đưa ra không sai, nhưng theo tôi chưa đi sâu vào căn nguyên. Muốn tìm ra nguyên nhân cốt lõi, ta phải xét đến chế độ về chính trị và đường lối kinh tế.
 

* Lý do về chính trị :
 

- Nước Mỹ theo chế độ dân chủ đa đảng, tam quyền phân lập rõ ràng, kiểm soát lẫn nhau nên không thể vi phạm hiến pháp; lại thêm đệ tứ quyền được tự do, bất cứ viên chức nào kẻ cả tổng thống mà vi phạm hiến pháp, hành động bất chính, hay kém hiệu quả trong công việc sẽ bị báo chí phanh phui, phê phán, nếu lỗi nặng thì sẽ bị dân trừng phạt bằng cách bất tín nhiệm trong cuộc bầu cử sau, chưa kể đến việc có thể bị đưa ra quốc hội điều tra chất vấn, và đưa ra tòa xét xử như mọi dân thường. Trường hợp các tổng thống Nixon phải từ chức vì vụ Watergate, và Clinton bị một ủy ban quốc hội chất vấn trong một vụ hủ hóa là những ví dụ cụ thể.
 

- VNXHCN là một chế độ độc tài toàn trị. Tất cả các quyền đều do đảng CS nắm giữ, chi phối. Quốc hội, tòa án đều chỉ là bù nhìn. Mọi luật lệ do quốc hội soạn thảo, mọi quyết định của tòa án đều đã được đảng định trước. Các cơ quan truyền thông báo chí sách vở đều do đảng chỉ huy nên chỉ có nhiệm vụ ca tụng đảng và lãnh tụ. Đảng tha hồ làm mưa làm gió, như vậy làm sao tránh được tham nhũng.
 

Vì đảng độc quyền, ta có thể nói là dân VN ngày nay sống dưới một chế độ thực dân mới, thực dân này không còn là người ngoại quốc mà là thực dân bản xứ. Trước kia bao của cải bị thực dân Pháp đem về mẫu quốc, nay thì đem về đảng. Bộ máy cai trị trước kia thì toàn quyền, thống sứ khâm sứ, công sứ…, nay thì Bộ Chính trị, trung ương ủy viên, thành, tỉnh ủy, quận huyện ủy cho đến các chi ủy đảng ở các xã; các công sở, trường học trước do các viên chức Pháp chỉ huy, nay do các đảng viên cầm đầu; các sĩ quan quân đội trước là người Pháp nay đều là đảng viên; mật thám Pháp trước bắt giữ các người làm cách mạng chống chúng, nay đảng viên công an mật vụ của thực dân bản xứ bắt giữ các người tranh đấu cho tự do, dân chủ.
 

Trước kia, các viên chức thực dân Pháp dù có tội cũng không bao giờ bị xử trước tòa án bản xứ, nay đảng viên có tội chỉ bị xử nội bộ, quá lắm đưa ra công khai thì chỉ bị phạt tượng trưng hay đổi đi nơi khác, hoặc cho nghỉ việc hạ cánh an toàn, hay bị giam trong một thời gian ngắn rồi được tha như vụ thứ trưởng Bùi quốc Huy mới đây; từ bộ trưởng trở lên thì coi như bất khả xâm phạm như trong vụ án Năm Cam. Bởi vậy, đôi khi tham nhũng nhỏ được đưa ra cho có vẻ để tuyên truyền, còn tham nhũng gộc thì thuộc "bí mật quốc gia". Nói về tham nhũng thì không bao giờ hết, ta có thể nói tham nhũng đã trở thành thuộc tính hay bản chất của ĐCSVN, và tài liệu quá nhiều trong các báo chí và mạng lưới internet, nói mãi đâm nhàm, tôi chỉ đưa ra vài dẫn chứng sau đây:
 

Một tài liệu cũ trong báo Quốc gia, Montreal, Canada từ tháng 2/1996 trích tin Nữu Ước cho biết :
 

“ Một thành viên cao cấp của Hội đồng mậu dịch Việt - Mỹ tiết lộ đảng CSVN được xem là một tỉ phú hàng đầu của thế giới vào năm 1995 với tài sản ước lượng lên đến 20 tỉ đôla…VN hiện nay có khoảng từ 80 đến 100 người có tài sản trên 300 triệu đô la, tất cả các tỉ phú này đều là cán bộ cao cấp của đảng.
 

“Ông John Shapiro, một cựu chiến binh Hoa kỳ sau 3 tuần lễ thăm VN để tính chuyện làm ăn buôn bán, phát biểu rằng các ông lớn trong đảng gồm các thành viên bộ chính trị, các bộ trưởng và thứ trưởng, ít nhất mỗi người có vợ hay con làm chủ một công ty. Theo ông J Shapiro, do việc chính phủ cho phép các công ty được chuyển ngân ra nước ngoài lên đến 500000 đô la, số ngoại tệ trong nước bắt đầu vơi đi.
 

"Vẫn theo ông Shapiro, có khoảng 700 đảng viên CSVN có tài sản từ 100 đến 300 triệu đô la. Đây là con số do một nhân vật cao cấp của ngân hàng trung ương cung cấp cho ông. Những đảng viên có tài sản từ 50 đến 100 triệu đô la khoảng 2000 người…Tất cả những con số về tài sản của đảng CSVN là do những chuyên viên thống kê của cơ quan mậu dịch quốc tế. Số tài sản lớn lao trên do thân nhân của đảng viên cao cấp ở nước ngoài làm sở hữu chủ. Ông Shapiro cũng nêu lên nhiều thí dụ điển hình như vợ bé của tổng cục phản gián làm ăn rất lớn ở Âu châu, em ruột của trung tướng VC, tổng cục phó tổng cục phản gián đang kinh doanh rất lớn ở Nam Cali, vợ con của Giám đốc tổng cục kinh tế và thân nhân của Đỗ Mười thủ đắc những tài sản nhiều triệu đô la ở Vancouver, Canada và cả ở New York, Houston. Trong niên khóa 94-95, hàng trăm du học sinh là con cái đảng viên tự túc. Niên khóa 95-96, con số này tăng lên gấp 3…”
 

Một tài liệu khác trong website mà tôi tạm dịch là mạng điểm ( cf. địa điểm, thời điểm) Hận Nam Quan tháng 5/2002 tựa là “ Giai cấp mới trong các chế độ CS “ cho biết :
 

"Theo tin của hãng thông tấn Reuter đánh đi từ Hà nội ngày 4 tháng 3 năm 2002 thì ĐCSVN sau khóa họp TƯ Đảng từ 18-2-đến 2-3-2002 đã chính thức ban hành một chính sách mới về kinh tế rất táo bạo: Đảng viên CS được phép làm kinh doanh tư nhân. Phạm Chi Lan, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và kỹ nghệ tuyên bố với phóng viên của hãng thông tấn Reuter rằng:”… Đại hội đã quyết định là các đảng viên đang quản trị các xí nghiệp tư nhân có quyền ở lại trong Đảng".
 

"Thật ra thì từ nhiều năm nay, các đảng viên cao cấp tuy không chính thức sở hữu một xí nghiệp tư nào cả nhưng thân nhân bà con của họ đã là chủ nhân của những xí nghiệp tư lớn nhất trong nước.
 

"Cứ hỏi vợ con các ông Phan văn Khải, Võ văn Kiệt, Đỗ Mười, Phạm Thế Duyệt, Trần Đức Lương, Nguyễn Tấn Dũng…là sẽ biết ai là chủ nhân của các sân golf, các khách sạn hạng sang, hãng xe taxi, hãng hàng không, nhà máy chế biến hải sản, hãng xuất nhập cảng, siêu thị lớn nhất nước.
 

"Ai mà không thấy sự giàu có hiển nhiên của giới lãnh đạo CS tại VN. Họ xây nhà lầu, xài tiền như nước, xuất ngoại như đi chợ, chi tiêu một lúc hàng bó đô la tiền mặt. Giới tư bản đỏ nhờ phù phép XHCN đã biến tài sản của quốc gia thành tư sản một cách thần tình, biển thủ công quỹ, buôn lậu hàng quốc cấm thế mà cứ hò hét diệt tham nhũng đến cùng.
 

"Theo tài liệu FYI ( Poliburos network) ngày 19/12/2000 thì các cán bộ và nhân viên cao cấp của nhà nước CS Hà nội hiện làm chủ những số tiền to lớn gửi tại các ngân hàng ngoại quốc cộng với những bất động sản tọa lạc trong nước.
 

- Lê Khả Phiêu : cựu tổng bí thư ĐCSVN và gia đình có 5 khách sạn (2 ở Hànội và 3 ở Saigon), tài sản và tiền mặt trị giá 1 tỉ 170 triệu Mỹ kim (US$ 1.170.000.000)

- Trần Đức Lương: Chủ tịch nước CHXHCNVN, tài sản và tiền mặt 1 tỉ 137 triệu MK

- Phan Văn Khải: Thủ tướng chính phủ, gia đình có 6 khách sạn ở Saigon, tài sản 1 tỉ 200 triệu MK.

- Nguyễn Tấn Dũng: Đệ 1 Phó Thủ tướng, tài sản 1 tỉ 480 triệu MK

- Nguyễn Mạnh Cầm: Phó Thủ tướng, tài sản 1 tỉ 150 triệu MK

- Phạm Thế Duyệt: Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, tài sản 1 tỉ 173 triệu MK

- Tướng Phạm Văn Trà : Bộ trưởng Quốc Phòng, tài sản gồm có 10 tấn vàng và tiền mặt 1 tỉ 360 triệu MK.

- Trương tấn Sang: Chủ tịch Ủy ban Kinh tế TƯ Đảng CSVN, tài sản và tiền mặt 1 tỉ 124 triệu MK
 

Ngoài ra, còn một số cán bộ và công chức có 1 tỉ và trên 100 triệu MK trong danh sách liệt kê của bảng FYI này là hơn 20 người nữa.
 

Gần đây nhất, theo điện thư Câu lạc bộ dân chủ số 39 tháng 2/2005 trong mạng điểm Y kiến thì:
 

"Một nguồn tin tuyệt mật đã được tiết lộ mới đây từ một quan chức cao cấp Bộ Công an cho biết số tiền khổng lồ mà các quan chức cao cấp VN gửi tại ngân hàng Thụy sĩ. Đáng chú ý là:
 

Cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh hơn 2 tỉ USD cộng 7 tấn vàng;

Cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười 2 tỉ USD;

Đương kim Bộ trưởng Quốc Phòng Phạm văn Trà 2 tỉ USD cộng 3 tấn vàng;

Cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu 500 triệu USD;

Đương kim Chủ tịch nước Trần Đức Lương 2 tỉ USD;

Đương kim Thủ tướng Phan văn Khải hơn 2 tỉ USD;

Đương kim Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn tấn Dũng hơn 1 tỉ USD;

Đương kim Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh 1,3 tỉ USD;

Đương kim chủ tịch Quốc hội Nguyễn văn An hơn 1 tỉ USD;

Cựu phó ủy ban thể dục thể thao Quốc gia Lương quốc Đống 500 triệu USD;

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn mạnh Cầm hơn 1 tỉ USD;

Cựu Thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại Mai văn Dậu hơn 1 tỉ USD.

Ngoài ra, nguồn tin cũng cho biết một danh sách dài các quan chức có số tiền gửi hàng trăm triệu USD…”
 

Tôi phải đưa ra 3 nguồn khác nhau để anh và các bạn trong nước thấy, báo chí trong nước nếu biết cũng không dám đăng vì toàn là “bí mật quốc gia”, internet thì không phải ai cũng có để coi, lại bị tường lửa ngăn chặn hay bị theo dõi khi dùng máy điện toán công cộng.

*************
 

Chính anh cũng đã công nhận trong phần kết là chỉ sau 2 tháng ngắn ngủi ở Mỹ, nhận thức về nước Mỹ của anh trước và sau khi đi thăm có nhiều điều rất khác nhau. Nếu anh có dịp ở lâu hơn hoặc tìm đọc thêm trong internet và các sách báo ở hải ngoại thì tôi tin anh sẽ tìm thấy thêm nhiều điều mới mẻ, có thêm nhiều nhận thức khác không ngờ, giống như anh bạn trẻ Phương Nam với 5 tiểu luận rất hay ở mạng điểm Đàn Chim Việt, và với tài viết văn của anh, biết đâu anh chẳng đưa ra nhiều sáng tác độc đáo.
 

Chỉ cần đặt ra một câu hỏi tại sao phải bưng bít tin tức, không cho tự do ngôn luận, không cho sách báo người Việt hải ngoại đem vào trong nước thì một người bình thường cũng thấy câu trả lời là chắc chắn phải có gì mờ ám, gian xảo cần che dấu người dân.
 

Vậy anh và các bạn nghĩ gì về các ngài "đại cách mạng" nói trên, và hẳn thấy tại sao nhà nước và nhân dân VN đã nghèo lại không giàu lên được. Người dân VN giống như một đứa trẻ èo uột vì đã thiếu dinh dưỡng lại còn bị cả bầy giun đũa, giun kim hút hết máu làm sao mà lớn lên được.
 

Nếu trong kháng chiến chống Pháp, chắc anh còn nhớ khoảng 1947-48 có vụ xử bắn Trần dụ Châu, một cán bộ cao cấp về ngành quân nhu thì phải, vì tổ chức đám cưới cho con gái quá trọng thể nên lòi ra do tham nhũng, mà tham nhũng thời đó chẳng thấm gì so với ngày nay, chỉ bằng con tép so với con cá voi, thì các đấng “đại cách mạng” bây giờ nên bị xử trí ra sao?
 

* Lý do về kinh tế :
 

- Kinh tế nước Mỹ là một nền kinh tế thị trường, tự do, hiến pháp nước Mỹ công nhận quyền tư hữu nên mọi người đều mang hết khả năng, tìm cách sáng tạo tranh đua sao cho sản xuất được ngày càng nhiều và hàng của mình ngày càng tốt hơn để kiếm được lợi tức cao hơn. Dân giàu nước mạnh là điều tự nhiên.
 

- Còn ở VN thì hoàn toàn ngược lại, người dân không có gì thúc đẩy gây hứng trong việc sản xuất vì quyền tư hữu không được công nhận, và nền kinh tế dựa vào, như anh nói: việc xây dưng một xã hội với chủ đề tư tưởng là: đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, công nông liên minh, tất cả là quốc doanh, cái gì cũng tập thể hóa, đường lối cán bộ theo chủ nghĩa thành phần, quản lý con người theo chủ nghĩa lý lịch,… thiểu số phục tùng đa số, tiến lên thế giới đại đồng chống người bóc lột người…có nhiều điểm đã trở nên lạc hậu ( tôi nhấn mạnh) xa lạ với nền văn minh của thế kỷ 21, và nền văn hóa truyền thống VN….
 

Luận điệu đấu tranh giai cấp là sợi chỉ xuyên suốt đưa xã hội tiến lên ( hay tụt hậu? T D D) đã trở nên quá lỗi thời, đã ( nt) trở thành một sức cản cho sự tiến hóa của loài người. Thời gian để chạy theo những ảo tưởng đã qua rồi…
 

Hoan hô anh Việt, quả đúng là như vậy, và tôi chỉ xin đề nghị thêm là những điều mà tôi nhấn mạnh ở trên nên đổi thành từ đầu đã sai và ngày càng…
 

Tôi rất đồng ý với anh khi anh nói cần rút những bài học của Nhật, Nam Triều Tiên, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã lai, Singapor, Đài Loan, và nước ta phải có những thay đổi mạnh dạn cho phù hợp với tình thế.
 

Thật ra nhà nước VN sau này cũng đã thấy cần sửa đổi, cần đổi mới; tuy nhiên vừa sửa vừa lo nguy cơ diễn biến hòa bình, nên chỉ đổi mới cầm chừng. Tôi nhớ một lần có nghe trong một đài phát thanh mà tôi quên tên, Vũ Khoan đã trả lời người phỏng vấn là “chúng tôi sẽ chỉ đổi mới theo tốc độ mà chúng tôi muốn”, nghĩa là càng chậm càng tốt, để kéo dài được sự làm giàu bất chính của các thực dân bản xứ càng lâu chừng nào hay chừng đó.
 

Anh đề nghị “ta không nên học những cái không hay của Mỹ như chủ nghĩa bá quyền bành trướng, đường lối xâm lược, can thiệp vào nội bộ các nước khác, đem quân đi đánh phá các dân tộc bất cứ dưới danh nghĩa gì, rải bom B52, rải chất độc hóa học, gây tội ác với nhân loại, nhưng ta học những cái hay của Mỹ. Đó là: đường lối xây dựng, phát triển kinh tế, đường lối phát triển khoa học, kỹ thuật, giáo dục.” Tôi xin có ý kiến về vài điểm trên như sau:
 

Nói chung trong lịch sử, bất cứ nước nào khi mạnh lên đều muốn gây ảnh hưởng tới các nước khác hoặc để kiếm lợi về kinh tế hay vì an ninh cho nước mình, hay tệ hơn để chiếm cứ đất đai, tài nguyên của những nước yếu hơn. Về điều này, VN ta đã từng là nạn nhân cũng như là thủ phạm, và có lẽ bây giờ vẫn còn như vậy, nạn nhân của nước Tàu, thủ phạm đối với Lào, Miên. Nước Mỹ cũng không tránh khỏi điều ấy, nhưng phải thành thật mà nói, người Mỹ ít tệ hại nhất. Nếu Canada sát nước Tàu thì có còn được như ngày nay không hay đã là một Tây Tạng thứ hai từ lâu rồi? Còn ta thì đã bị Bắc thuộc 1000 năm. Nếu không có các vị anh hùng yêu nước từ Ngô Quyền trở đi đã lãnh đạo dân chúng nổi lên đuổi quân xâm lược thì dân ta đã bị đồng hóa, nước ta đâu cón tên trên bản đồ thế giới ngày nay.
 

Người Mỹ không muốn chiếm thuộc địa, lại tán thành việc giải phóng các thuộc địa; hơn nữa lại có truyền thống dân chủ và muốn các nước khác cũng như vậy. Tôi thấy đó là một điều hay chứ không phải dở. Ở trên, chính anh đã nói một số nước theo đường lối kinh tế của Mỹ đã tiến bộ rõ ràng, anh không nói đến về mặt chính trị nên tôi thêm đó là một phần lớn cũng do sự thúc đẩy của người Mỹ nên các nước trên đã chuyển từ những chế độ độc tài trở thành những nước dân chủ và người dân mới được tự do, giàu có. Nếu ta so sánh tổng sản lượng quốc nội (GDP) năm 2004 của vài nước trên với VN thì ta thấy VN thật là kém xa: khoảng 40 tỉ đô la, xấp xỉ bằng 1/2 Phi Luật Tân, 1/3 Mã Lai, ¼ Thál lan và chỉ bằng 6% Nam Hàn ( Kinh tế VN chỉ xếp ngang hàng với Campuchia, Lào và Myanmar: Người Việt 11 feb 05).
 

Nếu gọi đó là can thiệp vào nội bộ các nước khác thì thử làm một cuộc trưng cầu dân ý xem. Tôi tin rằng hầu hết dân chúng sẽ tán thành, kể cả một số không nhỏ đảng viên (giáo sư Trần Khuê khi trả lời Việt Hùng, phóng viên đài RFA ngày 03 feb 05 nói là nếu phải đuổi ra khỏi đảng thì phải đuổi đến 70%, số người tốt chỉ còn khoảng 30%). Chỉ 70% đảng viên xấu mới chống dân chủ vì sợ sẽ mất hết đặc quyền đặc lợi, chưa kể đến phải đền tội trước nhân dân.
 

Bởi vậy, tôi xin thêm vào một điều hay của Mỹ ta nên học, và là điều hay căn bản, đó là đường lối phát triển dân chủ cho đất nước . Không hiểu anh và các bạn có đồng ý không.
 

Đến đây tôi xin mở một dấu ngoặc. Có lẽ ta không nên học những cái không hay của Tàu cộng thì hơn: cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ, đánh phá tư sản, đàn áp văn nghệ sỉ, khinh rẻ trí thức… tất cả theo kiểu Mao. Nhưng vì đã mù quáng bắt chước nên đất nước mới tụt hậu, xã hội băng hoại, dân trí suy đồi, nhân tâm phân tán, mất đoàn kết như ngày nay ; đặc biệt lại mất thêm nhiều đất đai, biển cả mà tổ tiên đã mất bao xương máu để giữ gìn, do tham vọng bá quyền của phương Bắc.
 

Thứ hai: Tại sao một số người Việt sống ở Mỹ lại quay lưng với VN?
 

Điều này, người bạn trẻ tên Phong đã trả lời anh một phần, cũng trên mạng Ý kiến (Góp ý về bài viết Hồi ký người lính già): “nhiều người VN vẫn chống đối nhà nước VN là vì họ không chấp nhận độc tài, độc đảng chứ họ không chống nước VN …nếu bác nhìn lại những gì đã xẩy ra cho họ thì bác sẽ hiểu và thông cảm cho họ”. Tôi xin góp thêm vài ý kiến:
 

Anh Việt ạ, chúng ta không nên lẫn lộn nước VN với ĐCSVN. ĐCSVN hay lừa dối, nói một đường, làm một nẻo. Thời chống thực dân Pháp, toàn dân tham gia kháng chiến là để giành độc lập cho đất nước và xây dựng một nước VN Dân chủ Cộng hòa theo hiến pháp 1946, chứ không phải một nước XHCN, và về sau này đảng lại nhập nhằng đưa khẩu hiệu: yêu nước là yêu XHCN.
 

Anh Hà sĩ Phu nói rất đúng rằng ĐCS chỉ là một ký sinh trùng dựa vào lòng yêu nước của người dân để khi thắng Pháp xong đã giành lấy công cho riêng mình để củng cố một chế độ độc tài đảng trị, công khai hóa cuộc đấu tranh giai cấp mà ông Hồ đã từ lâu giấu giếm khi lực lượng còn đang yếu, cuộc đấu tranh mà chính anh cũng phải công nhận, tuy hơi chậm, "là một sức cản cho sự tiến hóa của loài người". Thực ra, cuộc đấu tranh giai cấp này không những chỉ là một sức cản cho sự tiến hóa của loài người, mà nó còn gây bao thảm họa cho thế giới, bao tội ác cho nhân loại, và cho đất nước ta. Đây không phải là mục nói đến trong bài này vì nó quá dài và các sách báo đã đề cập tới nhiều; tôi chỉ nhấn mạnh tình trạng tụt hậu nhục nhã của đất nước và việc mất đất, mất biển cho Tàu bắt nguồn từ đó.
 

Bởi vậy, hầu hết, chứ chẳng phải chỉ một số người Việt sống ở Mỹ (mà cả ở những nước khác mà họ đang tị nạn) đều quay lưng với ĐCSVN, vì cái chính quyền do đảng đặt ra đâu có phải của nhân dân VN, dân VN đâu có bầu ra nên đâu phải của họ; và nếu họ có "chửi bới, hô hào lật đổ, lật đổ" như anh nói thì cũng phải có lý do mà anh quên không nhắc tới:
 

Anh thử nghĩ lại các cuộc đấu tố quá dã man đối với các địa chủ; thử hỏi con cháu của những nạn nhân thời ấy liệu họ có thể quên không?
 

Anh hãy tưởng tượng một Đỗ Mười mới đánh phá các tư bản đỏ ngày nay như Đỗ Mười đã đánh phá các tư sản dân tộc ở Bắc rồi sau đó ở Nam thì con cháu những nhà tư bản đỏ này nghĩ sao (tôi xin lỗi các nhà tư sản dân tộc trước kia khi so sánh với các tư bản đỏ ngày nay vì họ không có tội hay ít tội hơn nhiều).
 

Anh thử tưởng tượng một ngày kia, tất cả các sĩ quan, công chức trung, cao cấp chính quyền Hà nội bây giờ bị bắt làm tù khổ sai không biết ngày nào ra, gia đình tan nát, nhà cửa, tài sản không còn, thì vợ con họ có quên được chăng?
 

“Ở miền Nam sau 1975, đảng đã dùng thủ đoạn lừa bịp để bắt sĩ quan, công chức miền Nam đi học tập cải tạo – đúng ra là đi tù khổ sai vô hạn định. Trước kia, Đức-Ý-Nhật đầu hàng, Đồng minh chỉ xử tội một số ít người cầm đầu mà thôi, và có tòa án đàng hoàng. Ở VN, nếu có tội thì chỉ vài tên đấu sỏ như Thiệu, Kỳ, còn phần lớn chỉ là những người thừa hành, họ sống trong một chế độ thì phải theo pháp luật của chế độ đó như họ phải đi lính - nhiều khi trái với ý muốn của họ -, hoặc phải làm việc cho chế độ để sinh sống mà thôi; hơn nữa, họ đã không chống cự lại nữa thì bắt họ đi tù khổ sai không xét xử là một chính sách trả thù vừa mọi rợ vừa không khôn ngoan chút nào. Tổ tiên ta đời Trần khi thắng quân Mông cổ, ngay cả với những người đã cộng tác với địch, có giấy tờ đi lại với giặc, cũng được vua Trần tha tội bằng các sai đem đốt những biểu đầu hàng của họ đi. Lịch sử Mỹ cho ta biết sau khi nội chiến Bắc Nam chấm dứt với sự thắng trận của miền Bắc năm 1865, tướng chỉ huy Bắc quân là Ulysses chỉ bắt Nam quân trao tất cả vũ khí đạn dược. Ông không giữ một quân nhân nào làm tù binh, và tuyên bố là "những người trước đây gọi là phiến loạn nay tất cả đều là đồng bào của chúng ta”; do đó mà người Mỹ đã không mất đoàn kết và chóng hàn gắn được vết thương do chiến tranh gây ra để xây dựng đất nước. Những người lãnh đạo CSVN đã không noi gương tổ tiên, và cũng không học được bài học của nước người làm nên những việc thất nhân tâm, thất đức nên đã phá hoại đoàn kết toàn dân, và làm hận thù chồng chất khó lòng phai nhạt.“ (trên đây là một đoạn ngắn đã bị kiểm duyệt của bài tôi gửi để đăng trên tập san cuối cùng của trường Võ Bị nói ở trên)
 

Tôi nói vậy chỉ để minh họa cho lời cháu Phong nói ở trên "nếu bác nhìn lại những gì đã xẩy ra cho họ thì bác sẽ hiểu và thông cảm cho họ", chứ tôi tin những người tranh đấu cho dân chủ không bao giờ chủ trương làm những việc dã man, bất nhân như vậy.
 

Lại còn những người vì lý tưởng cao quý theo kháng chiến, theo đảng, tưởng sẽ xây dựng một nước VN độc lập, công bằng, giàu mạnh, rút cục lại thấy mình đã làm viên gạch lót đường cho những bọn tham ô, xảo trá đã lừa gạt mình để trở thành những thực dân bản xứ, đàn áp nhân dân, bóc lột, độc ác hơn thực dân Pháp khi xưa, hơn nữa lại còn bán đất, bán biển cho ngoại bang nữa thì họ đau đớn biết bao vì cảm thấy mình cũng một phần có trách nhiệm. Tôi rất thông cảm với Dương Thu Hương và nhiều người khác và kính phục họ. Như vậy, chẳng những người Việt sống ở nước ngoài, mà ngay trong nước, nhiều người Việt, kể cả đảng viên cũng quay lưng với đảng.
 

Tôi tin rằng người dân trong nước vì bị kìm kẹp nên không biểu lộ ra ngoài; nhưng những đợt sóng ngầm đang thành hình, đôi khi đã nổi lên như những vụ biểu tình xô xát ở Thái Bình, Hà Tây, Hà Nam và gần đây ở Đông Anh ngay gần thủ đô Hà nội. Nhiều nhà cách mạng lão thành, nhiều trí thức, cựu đảng viên, sĩ quan cao cấp, nhiều thanh niên ưu tú đã bất chấp nguy hiểm cho bản thân và gia đình, vì tiền đồ của tổ quốc đã cùng người Việt hải ngoại đứng lên tranh đấu cho tự do, dân chủ, chủ quyền đất nước, và mạnh dạn đứng lên tố cáo những kẻ cầm đầu bọn thực dân bản xứ, mà anh Trần Đại Sơn đã gọi là bè lũ 6 tên (mà có người cho là tay chân của TQ, bị TQ dùng mọi quỷ kế, kể cả mỹ nhân kế để thao túng, bắt phải làm theo lệnh của chúng) đã hút hết máu của người dân lại còn nhượng đất đai, lãnh hải cho ngoại bang, bán rẻ chủ quyền cho giặc.
 

Tôi cho rằng với vụ Tổng cục 2, tình thế đã sắp chín mùi, nhân dân đang chờ đợi một sự biến chuyển thuận lợi để vùng lên, giống như ngày 19 tháng Tám 60 năm về trước. Ngày ấy chắc không xa, cũng như anh Vũ Cao Quận đã nói trong bài "Nghĩ về Đảng" vào Xuân Kỷ Mão 1999:

 

Đảng làm càn sớm muộn phải tiêu vong

Tôi hằng tin ngày ấy sắp cận kề

(Năm hai ngàn linh năm (2005) Đảng ạ !?)

 

Trước cái họa của thực dân bản xứ, trước nguy cơ xâm lăng của kẻ thù truyền kiếp như vụ bắn giết ngư phủ Thanh Hóa ngay trên hải phận của ta từ mấy ngàn năm, và mới đây, trước ý đồ khai thác dầu lửa tại đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà chúng đã chiếm cứ với sự đồng lõa của bè lũ bán nước:
 

Với anh và các bạn mà tôi luôn tin tưởng là lòng yêu nước vẫn nguyên vẹn như xưa, tôi xin nhắc lại mấy câu thơ của Bùi Minh Quốc:

 

Các anh đâu rồi ?

Những người tháng Tám

Chẳng nhẽ khoanh tay nhìn tấn trò bội phản

Dân tộc này bị vỡ nợ Tự Do ?

Dân tộc từng sống chết chẳng so đo

Quyết không làm nô lệ

Sao hôm nay người đành cam chịu thế

Mặc phận mình dưới ách tà gian

"VIệt Nam bao năm ròng dưới ách lầm than"…

 

Với các nhà tư bản đỏ, tôi xin kể lại câu chuyện A Lịch Sơn Đại đế (Alexandre Le Grand) mà tôi đã xem trong một cuốn sách có lẽ của nhà văn Trà Lũ: Vua A Lịch Sơn xứ Macédoine, vào thế kỷ thứ 3 tr TL đã xây dựng nên một đế quốc lớn bao trùm các nước Ai cập, Thổ nhĩ Kỳ cho tới tận Afghanistan ngày nay, và đã để lại di chúc là nếu ông chết, khi liệm xác ông vào quan tài thì để hai bàn tay thò ra ngoài. Ông cho ta bài học là khi chết thì giàu có đến đâu cũng chẳng đem theo được gì, chỉ còn hai bàn tay trắng mà thôi.
 

Tôi xin thêm: còn để lại thì là tiếng thơm trong lịch sử, được toàn dân kính trọng, nhớ ơn như các bậc anh hùng Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung…, hoặc vết nhơ đời đời không gột sạch, bị các thế hệ mai sau nguyền rủa như Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc, và để lại cho con cháu cái nhục muôn đời.
 

Vậy quí vị đi theo con đường nào? Tôi nghĩ rằng đi theo ý dân, và cũng là theo trào lưu ngày nay của nhân loại là hơn cả: đó là con đường dân chủ đa nguyên. Chỉ như vậy mới có thể xóa bỏ mọi hận thù, hòa giải đảng và nhân dân, mới có hòa hợp, đoàn kết dân tộc Chúng ta sẽ quên mọi quá khứ để hướng tới tương lai.
 

Đất nước ta không thiếu tài nguyên; dân tộc ta không thiếu nhân tài; nhân dân ta không thiếu tinh thần dũng cảm hy sinh; xưa kia ông cha ta đã đánh thắng giặc Nguyên, gần đây chúng ta đã đánh thắng giặc Pháp, chúng ta cũng sẽ đánh thắng bất kỳ nước nào đe dọa tổ quốc thân yêu của chúng ta. Chúng ta sẽ mau chóng xây dựng một nước Việt Nam phú cường đem lại tự do, hạnh phúc cho toàn dân.
 

Một tương lai sáng lạn đang chờ đón chúng ta.
 

Anh Việt và các bạn Võ Bị xưa thân mến, trong bài tôi viết cho các bạn đăng vào đặc san cuối cùng của trường, để trả lời bức thư của Ban Liên Lạc nhà trường mời tôi về dự các cuộc họp mặt năm 1995 và 1996, tôi nói là hy vọng có đủ điều kiện, nhất là khách quan, về thăm đất nước và các bạn. Tôi rất mong là những điều kiện khách quan đó sẽ sớm tới một ngày gần đây. Thân ái chào anh và tất cả các bạn.
 

Canada, ngày 23 / 02 / 2005

Trương Đăng Đệ

Chú Phương gởi