Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
HT Thích Phước Tịnh Giảng Pháp Trên Mạng Về Cách Chữa Trị Vết Thương Tử Biệt Sinh Ly


 
tri va thay
 

Trí và Hồng- người vợ chưa cưới- cùng Thầy Phước Tịnh tại Lộc Uyển
 

Vào chiều ngày Chủ Nhật 14 tháng 6 2020, Hòa Thượng Thích Phước Tịnh giảng pháp trên mạng cho nhóm Giới Trẻ Mây Từ và các Phật tử. Buổi giảng pháp này diễn ra trong một hoàn cảnh đặc biệt, khi nhóm Giới Trẻ Mây Từ trong vòng một tháng  phải tiễn đưa hai thành viên ở độ tuổi rất trẻ vừa qua đời: cậu Út ở Việt Nam tuổi mới 50, và bạn Trí ở Nam Cali qua đời trong mùa dịch Covid-19 chỉ là 34 tuổi. Cũng vì vậy, Thầy Phước Tịnh lấy chủ đề bài giảng là cách để chữa lành vết thương tử biệt sinh ly.


Chết là một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của đời người. Với con mắt bình thường của thế gian, chúng ta không thể nhìn thấy, không thể hiểu hết những gì diễn ra trong thế giới vô hình sau cái chết, cho nên việc đau buồn, lo âu, hoảng loạn là điều khó tránh khỏi. Và những lo âu này của gia đình có người thân vừa qua đời có thể bị lợi dụng, để phải tổ chức đám tang với những lễ nghi rườm rà, tốn kém không cần thiết. Nó có thể trở thành gánh nặng kinh tế, tinh thần, gây ra những tác hại cho những người còn lại rất lâu sau khi người chết đã ra đi.


Không cần là những bậc tu hành, không cần là Phật tử, có những người  sống đời lành thiện vẫn có thể có những cái chết hết sức bình an. Thầy Phước Tịnh kể lại những câu chuyện ở miền quê Việt Nam ngày xưa, khi đến tuổi gần đất xa trời, một số người cao niên mua hòm để sẵn trong nhà, bình thản chuẩn bị cho cái chết. Những vị này còn cảm nhận được thời điểm cái chết đến với mình, nên tụ tập con cháu lại để dặn dò những điều cần thiết, rồi sau đó thanh thản ra đi. Những cái chết như vậy không chỉ là an bình đối với người chết, mà còn tạo ra năng lượng lành cho người thân còn ở lại.


Đối với những người con Phật, việc tu tập để có thể bình tĩnh đón nhận cái chết của người thân và của cả chính mình là một việc làm cần thiết. Đức Đạt Lai Lạt Ma- một vị cao tăng tái lai được cả thế giới kính trọng- cho biết Ngài vẫn thường xuyên quán chiếu về cái chết để chuẩn bị khi thời điểm này đến với chính mình. Ngài nói rằng dù “học bài” kỹ như vậy, mà “kỳ thi” thì vẫn chưa đến, cho nên vẫn chưa biết mình sẽ vượt qua “kỳ thi” này ra sao. Một bậc cao tăng mà còn chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, những người bình thường như chúng ta không thể lơ là trong việc tu tập được.


Theo Phật Pháp, cái chết sẽ đến với một người khi hội đủ các điều kiện về thọ mạng, nghiệp và phước. Không ai biết trước khi nào thì những điều kiện ấy hội đủ, cho nên không thể biết chắc là mình chết lúc nào. Có thể là ngay trong ngày mai. Vì vậy, đã là Phật tử, mỗi người cần chuẩn bị cho cái chết theo trình độ, căn cơ của mình. Có người lo niệm Phật, tích lũy phước lành vào cuối đời để ra đi bình an.


Để tránh quá đau buồn khi người thân ra đi, Thầy Phước Tịnh nói rằng Phật tử phải có cái nhìn trí tuệ về sự sống chết ngay khi người thân mình còn khỏe mạnh. Thí dụ như đối với người thầy kính yêu của mình, khi vui vì được gần thầy, ta cũng phải tâm niệm rằng cái gì đến rồi cùng sẽ đi. Mọi người sinh ra để rồi sẽ chết. Không biết ai là người sẽ ra đi trước. Nhìn rõ được sự thật này, thì không chỉ tránh được đau buồn khi người thân mất, mà ta còn là một món quà hiến tặng cho người thân khi còn sống. Phải có đủ nhân duyên ta mới là con của cha mẹ mình, là vợ chồng của nhau, là học trò của một vị thầy nào đó. Vì vậy, khi còn sống với nhau, hãy đối xử với nhau sao cho tốt đẹp, không làm cho nhau đau khổ. Thầy Phước Tịnh nói vẫn giữ quan điểm sống: chuyện người đối xử không tốt với mình là chuyện của người; chính Thầy luôn tâm niệm rằng sẽ luôn đáp trả lại bằng cái tâm yêu thương. Với cách hành xử như vậy, tất cả những điều gì cần làm cho người thân lúc còn sống ta đều đã làm, cho nên khi họ ra đi ta không còn gì để hối tiếc. Chuẩn bị cho cái chết như vậy làm đẹp thêm cho cuộc sống của ta và những người thân chung quanh.


Làm sao để làm giảm bớt nỗi đau mất mát người thân? Thầy Phước Tịnh kể câu chuyện về một người Mỹ thành đạt trong xã hội, lên Lộc Uyển để tham vấn cách nào để vượt qua nỗi đau khổ vẫn dằn vặt ông suốt đời, do hồi còn nhỏ ông đã bị lạm dụng tình dục. Ông vẫn cảm thấy tổn thương, oán hận mỗi khi quá khứ trở về trong tâm tưởng. Thầy đã hướng dẫn ông ta phương pháp vẫn thường xuyên nhắc nhở Phật tử thực hành: hãy là người quan sát nỗi buồn của mình. Nỗi đau trong quá khứ, dù nó có kinh khủng đến như thế nào, nó cũng chỉ đến với ta ngay trong giây phút hiện tại. Hãy tập làm người quan sát nỗi đau đó. Khi ta quan sát được nỗi đau, ta không phải là nó. Nỗi đau đến rồi sẽ đi. Đừng để nó dẫn dắt, lôi kéo ta chìm ngập trong đau khổ từ ngày này sang tháng khác. Giống như ta không bị mời gọi bước lên con thuyền khổ đau, thì nó sẽ trôi đi theo dòng nước, còn ta ở lại. Lúc đầu, nỗi đau có thể vẫn còn sức mạnh tàn phá tâm hồn. Nhưng rồi do ta không tiếp sức cho nó, nỗi đau sẽ dần dần vơi đi. Người Mỹ này thử áp dụng và thành công. Ông ta đã viết thư cảm ơn Thầy. Người Phật tử cũng có thể làm tương tự. Hãy an trú ngay nơi giây phút hiện tại, quan sát mọi cảm thọ vui buồn, bất an đến với ta. Đó là cách để chữa lành mọi vết thương trong quá khứ, và cả những nỗi lo lắng về tương lai mà ta vẫn thường ôm giữ trong lòng. Thầy dạy rằng nói thì dễ, nhưng làm điều này sẽ rất khó khăn nếu chúng ta không thực tập hằng ngày. Chúng ta chỉ có thể sống trong giây phút hiện tại. Cho nên ngay lúc này, hãy làm cho cuộc sống đầy phước điền. Hãy làm cho năng lực tu từng ngày lớn mạnh, để khi phải đối phó với những nỗi bất an ta đã đủ vững vàng, không bị cuốn theo. Nên thực tập từng bước, từ thô đến tinh. Bước đầu là tập niệm thân hành, là những thứ dễ quan sát nhất: niệm hơi thở, niệm những hành động của ta khi đi đứng nằm ngồi. Khi đã quen rồi, chúng ta mới có thể quan sát những thứ vi tế, vô hình trong ta như cảm thọ vui buồn, rồi những suy nghĩ thầm thì trong đầu.


Thầy Phước Tịnh nói rằng bất hạnh đến với mọi người, không chừa một ai. Nhưng kẻ phàm phu thì để bất hạnh nhận chìm đời mình. Còn bậc hiền trí thì sử dụng bất hạnh như là điều kiện để tu tập. Mỗi khi bất hạnh xảy ra, ta thực tập tuệ quán. Để khi nỗi đau buồn lớn như tử sinh đến, ta đã đủ vững vàng để bình thản đón nhận.  Phàm phu và hiền trí chỉ khác nhau có vậy. Chỉ cần một pháp hành trì này là đủ, và ai cũng có điều kiện để tu tập . Cũng không ai có thể tu thay cho chính mình. Và không bao giờ là quá muộn để bắt đầu tu tập.  Những ai chưa bắt đầu thực tập, thì có thể bắt đầu ngay bây giờ, để có thể tự chữa lành mọi nỗi đau trong đời sống của mình.


Tâm Nhuận Phúc

15/06/2020



usaelection gởi