Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
HUẾ VÀ TẾT MẬU THÂN 1968 – Những Kỷ Niệm Tuổi Thơ


Cuộc sống của tôi cứ êm đềm trôi như dòng chảy của con sông Hương, trong xanh phẳng lặng. Tôi lớn lên từng ngày trong vòng tay yêu thương của bên Nội, ngày hai buổi đến trường học hành, vui đùa cùng các bạn, và đi về trên những con đường rợp bóng cây xanh. Hàng cây cổ thụ hai bên đường như chụm vào nhau tạo ra những vòm xanh bóng mát, gió mơn man, nhẹ nhàng trên những tán lá, nghe rì rào. Đi dưới bóng râm mát dịu như ri sao mà êm đềm quá. Huế của tôi yên bình và thân thương đến lạ, tôi yêu nơi đây, yêu cái tĩnh lặng, cái trầm mặc, yêu từ câu hò, giọng hát, xuôi đò trên dòng Hương Giang để cảm nhận được vẻ hiền hòa, để nghe tiếng nước chảy róc rách lùa vào hai bên mạn thuyền, và ngắm nhìn hàng cây phượng vĩ với sắc hoa đỏ rực cùng với tiếng Ve râm ran trong những ngày hè oi ả. Khung cảnh như thơ như mộng ni đã tạo nên một bức tranh sinh động, mượt mà làm nặng lòng những ai đến thăm nơi ni, Huế của tôi như rứa đó!

Thế rồi vào mùa Xuân năm Mậu Thân 1968, đó là một mùa Xuân mà mỗi khi nhớ lại thì mọi cảm xúc trong trái tim tôi như hứng phải một vết dao vô hình cứa mạnh. Đúng ngay buổi sáng ngày mùng hai Tết, tôi đang ngồi lơ đễnh đút từng muỗng cháo đưa lên miệng, bà Cố thường ngồi bên tôi, để xem tôi có ăn hết tô cháo gạo đỏ trên tay ni không, và khi tôi bắt đầu chán muốn bỏ đi chơi, thì bà lại bắt ép tôi phải ăn cho hết, bổng có tiếng đì đùng từ xa vọng tới, tôi nghĩ nhà ai đốt pháo, nên vụt chạy ra lối cửa để xem, nhưng bà đã nắm tay tôi kéo lại vì tôi còn đang ăn nửa chừng. Trời ạ, tôi rất lười ăn vì vậy bà Cố thường phải đút cho tôi, nếu không tôi sẽ ngậm vào miệng và tìm chổ vắng vẻ để nhổ đi, cho nên tô cháo tôi ăn có tới năm vị: muối, đường phổi, sữa, cá nục chuối kho rim và tôm kho đánh, mỗi thứ ăn ba muỗng, cứ như rứa cho hết tô cháo gạo đỏ, chừ nghĩ lại răng mình ăn chi lạ vừa mặn, vừa ngọt, dễ sợ thiệt!

Tiếng nổ mỗi lúc một lớn và gần hơn, tiếng người la hét thất thanh, bên ngoài đường hỗn loạn, chú tôi từ dưới nhà chạy lên trên gương mặt lộ nét hốt hoảng, báo là bên ngoài đang có đụng độ, đánh nhau giữa binh lính và một đám người có đầy súng ống trên tay. Cuộc đụng độ bất ngờ này đã làm cho người dân đi chúc Tết bị trúng đạn đang nằm rên la ngoài đường và ngay trước cổng nhà tôi, nhưng chúng tôi không làm gì hơn để có thể giúp họ. Mọi người bắt đầu hoảng hốt tột độ, có những viên đạn đã ghim vào tường nhà tôi, tiếng đạn xé gió nghe rờn rợn, lúc này mọi người nằm xuống sát nền nhà, tiếng súng vẫn nổ giòn giã và lại có thêm nhiều viên đạn xuyên qua tường nhà tôi.

Bà Nội khuyên Chú tôi mau trèo lên tầng áp mái để trốn vì đã kịp nhìn thấy những bóng người mặc đồ đen lạ hoắc xuất hiện qua khung cửa sổ. Kinh nghiệm cho biết những người bên kia chiến tuyến đã tấn công vô thành phố Huế. Chú tôi bò sát đất, lách vào phòng bà Cố, rồi sẵn ghế trong phòng, đứng và leo lên nóc tủ, nâng ô vuông trên tấm la phông, đu mình chui tọt lên trên đó. Tôi bò ra lại phòng khách, trong lúc này tiếng súng cũng im bặt, nhìn ra sân tôi thấy một nhóm người, họ mặc áo bà ba đen, quần cụt cùng màu, họ ngỏ ý muốn vào nhà, bà Nội tôi cố giữ bình tỉnh ra mở cửa và họ bước vào phòng khách. Bấy giờ tôi mới nhìn kỹ, họ còn rất trẻ tuổi đời chỉ khoảng 15 hay 16, người ốm nhách, da dẻ xanh xao, mặc trên người bộ quần áo đen sờn cũ, tay ôm súng, lựu đạn đeo vòng theo bụng và lưng. Họ có khoảng bảy người, nói tiếng Bắc, họ bước vào phòng khách, nhìn quanh một vòng, ánh mắt người đi đầu dừng lại ở tấm hình Ba tôi, trong quân phục không quân, mang lon Trung úy, đặt trên bàn thờ và người ấy lên tiếng:

- “Sống là thù nhưng chết rồi là bạn.”

Tôi không hiểu lời nói ấy nghĩa là gì, ngơ ngác nhìn, sau đó bà Nội tôi lên tiếng

- “Nhà tôi chỉ toàn đàn bà và con nít không có đàn ông.”

Họ có vẻ không tin, đi khắp các phòng và dẫn tôi đi theo, trong khi tất cả đều ngồi chờ ở phòng khách, bỗng một người trong nhóm lên tiếng hỏi tôi:

- “Này bé nhà có ông hay chú bác gì không vậy?”

Tôi hiểu ý và cũng đã nghe bà Nội lên tiếng là nhà chỉ có đàn bà nên vội trả lời:

- “Nhà chỉ có bà Cố, bà Nội với mấy O thôi không còn ai hết.”

Người nớ lại hỏi và chỉ lên trên la phông hỏi tôi có ai trên đấy không? Tôi trả lời không, họ gặng hỏi lại:

- “Bé nói có thật không?”

Tôi trả lời không nao núng:

- “Con nói thiệt nếu không tin chú cứ leo lên mà coi đi.”

Họ nhìn tôi rồi bước ra, khi trở lại phòng khách tôi nhìn thấy mặt ai nấy cũng xanh dờn, cứ nghĩ tôi sợ nên khai thiệt, đúng là đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ!!! Lúc đó mọi người mới thở phào nhẹ nhỏm, bà Nội tôi đã lấy bánh chưng bánh tét cho họ, họ xin sợi dây cột đeo lên vai, sau đó chào mọi người và chạy nhanh về hướng chợ Cống.

Tiếng súng ngưng, trong sự im lặng thật đáng sợ, Nội tôi quyết định rời đi, trong lúc này mọi người quơ vội vài bộ đồ, tôi nhớ đến con vịt con muốn mang nó theo nhưng không được. Chị Sâm, chị Quế mỗi người một quang gánh, trong đó chỉ toàn đồ ăn, bánh chưng, bánh tét, trái cây và nước uống. Cả nhà gồng gánh nhau đi vội ra cổng, nhưng trước mắt một cảnh tượng kinh hoàng. Một người đàn ông đang nghiêng hẳn mình, dựa một bên vai vào bức tường, phần gần thắt lưng bị trúng đạn, máu chảy tràn ra thấm ướt hết phần lưng áo, Chú tôi vội đở cho ông ngồi thẳng lên, dựa hẳn vào tường. Tôi tò mò nhìn theo, thì trời ơi phía trước bụng, một lổ to hơn tô canh, ruột non, ruột già lòi ra ngoài và ông đang dùng hai bàn tay để bụm lại, mặt ông ta xanh như tàu lá, hơi thở mệt nhọc, người cứ run lên bần bật. Lúc này chú tôi lấy trong thúng ra một cái mền, đắp ra ngoài cho ông ta, rồi quay qua bà Nội tôi, chú lắc đầu. Người đàn ông như hiểu, hướng cặp mắt vô hồn về phía Chú tôi, đầu gật nhẹ như tỏ ý cám ơn, một lúc sau tôi thấy ông ta buông xuôi hai tay, đầu nghẹo qua một bên, tôi biết rằng ông ta đã chết! Thiệt là quá tội, không ai có thể biết trước được điều gì... Không chần chừ, chúng tôi hòa vào dòng người lũ lượt kéo nhau đi, mặt mày ai nấy hiện rõ sự hoang mang, sợ hãi tột độ.

Đi được một đoạn thì đến một ngã ba, nơi đây có bụi tre to lớn xanh rì, tôi suýt chút nữa ngất đi, vì thấy hai người đàn ông mặc quần tây, áo sơ mi trắng bị trói trong tư thế quỳ gối đấu lưng với nhau. Họ bị bắn, chỉ một viên đạn xuyên từ đầu bên ni và trổ ra sau, thế là một phát hai mạng người. Tay chân tôi run lẩy bẩy như thằn lằn đứt đuôi, miệng há hốc, lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy tận mắt cảnh tượng này, quá kinh hãi, quá dã man! Bất giác nước mắt tôi tuôn rơi, chiến tranh thật tồi tệ, mạng sống con người sao quá mong manh. Bà Nội với tay kéo tôi và kêu đi mau lên cả trúng đạn chừ, ngay lúc này tiếng súng lại nổ đì đùng rồi đứt quảng, đoàn người cứ thế vừa đi, vừa chạy, tiếng người gọi nhau ơi ới, tiếng con nít khóc thét, âm thanh hỗn loạn. Trên đường lâu lâu lại thấy xác người, nằm sấp có, nằm ngửa có, có người mặc đồ đen, nhưng tôi thấy đa phần là người dân vô tội, thiệt là chết thảm trong ba ngày đầu năm!

Cuối cùng chúng tôi cũng đến được trường Trung Học Kiểu Mẫu trên đường Lê Lợi. Ngay trước cổng trường, phía bên phải một xác người mặc bộ đồ đen trương phình, hàng nút áo gần như muốn bung ra căng cứng, máu đọng thành vũng đã khô đen, bay mùi tanh tưởi làm tôi muốn ói, tôi không dám nhìn thêm chân bước nhanh đi vào bên trong cổng trường, nơi khoảng sân này lại thêm nhiều xác chết, nằm rải rác, có xác lại nằm chồng lên nhau, có những cái xác không toàn vẹn, không đầu và cũng có cái chỉ còn nửa thân mình, máu me, những mảng thịt vụn, bấy nhầy và vương vãi khắp nơi vô cùng kinh sợ!

Chúng tôi đi dưới giao thông hào, có một vài cái xác nằm vắt ngang qua, cũng lại là dân thường chắc bị đạn lạc, vài cái xác mặc đồ đen mặt mày xanh xám, trời se lạnh mà mồ hôi lưng và tay tôi ướt rượt, tôi và mọi người cứ thế mà bước đi thật nhanh. Tiếng súng lúc này nghe giòn giã hơn, tạch tạch, một tràng dài như pháo tết.

Lúc này Chú tôi lớn tiếng nói khom người sát xuống, mọi người vừa ngồi, vừa lết đi, có khi phải đạp lên một vài xác chết nằm chắn lối. Tôi đã nhìn quen mắt nên không còn biết sợ nữa, nhưng mùi tử khí thì chịu không nổi, thế rồi mọi người cũng vào được bên trong. Tại đây ở tầng trệt tôi thấy có một số người mặc áo blouse trắng, nghe nói họ từ bệnh viện Huế sang để phục vụ cứu thương và chăm sóc binh lính cũng như dân thường bị thương. Mọi người nhanh chóng bước lên cầu thang, lên lầu 1 rồi lầu 2.

Nơi đây đã có nhiều gia đình đến trước, họ trải chiếu, ngồi quây quần với nhau, khuôn mặt ai nấy vẫn còn nét bàng hoàng, lo âu và hoảng loạn. Gia đình tôi cũng nhanh chóng chọn cho mình một chỗ, chị Quế trải chiếu và bỏ mền, gối ra, chị Sâm lột bánh tét, ai nấy lúc này mới hoàn hồn và thấy bụng đói cồn cào. Tôi ăn ngấu nghiến không cần phải ai ép nữa, ăn xong thì tôi bắt đầu đi ra ô vuông phía trước để xem phía dưới đường. Hàng loạt đoàn người vẫn tiếp tục hướng về phía cổng trường, tiếng súng, tiếng máy bay thả bom, lúc này nghe rất rõ, bên dưới mọi người chạy tràn lên, tán loạn. Bà Nội đứng lên kéo tôi ngồi xuống, tôi mệt mỏi nằm kê đầu trên gối bà rồi rơi vào giấc ngủ lúc nào không hay, đâu đấy vẫn vang lên tiếng nổ của đạn pháo!

Gia đình chúng tôi đã ở nơi tạm cư này được mấy ngày rồi, trong điều kiện thiếu thốn về tất cả, nhưng làm sao có thể tốt hơn khi chiến cuộc đang vào lúc dầu sôi lửa bỏng như thế này. Mỗi ngày ít ra là hai lần tôi phải khóc, ngạt và ngứa cổ họng, ho sặc sụa vì lựu đạn cay, nên kinh nghiệm để đối phó là bên cạnh lúc nào cũng phải có một thau nước, úp mặt vào đó và thở trong nước, giống như bạn đang lặn vậy, cứ như vậy trong ít phút là sẽ qua. May là dưới sân của trường có một cái giếng, nước nhiều, trong và sạch, mọi người sắp hàng để múc nước mang lên nấu ăn và tắm rửa. Nơi đây tôi thường nhìn mọi thứ ở dưới sân trường qua ô vuông của bức tường chắn trước mặt, những ô vuông thông gió cho những ngày hè oi bức.

Nhìn cảnh phía xa xa, từng chiếc trực thăng đậu xuống, người lính hay người dân bị thương sẽ được chuyển vào bên trong để được cứu thương. Trực thăng cứ lên xuống, cây cối thì ngã rạp, đất cát bay mù trời, một ngày bao nhiêu lần không thể đếm cho hết. Rồi buổi tối đến, hỏa châu sáng rực, tôi nhìn thấy mọi người mệt mỏi ngủ vùi, tôi ngồi dậy, nhẹ nhàng xỏ dép bước đi mà không gây tiếng động nào, rồi chạy vội ra cầu thang đi lần xuống đất.

Nơi đây tôi đã quan sát cả ngày nên rất thuộc khu vực, bầu trời đêm đen đặc quánh, một vài ngôi sao nhỏ lấp lánh xa xa, vài tiếng súng tì tạch, một vài đốm sáng vụt lên rồi rọi xuống sáng cả một vùng, những đốm sáng ấy khi rơi xuống lại có đeo theo một cái dù nhỏ, chỉ đợi có thế là tôi chạy ra lượm. Có những cái rơi ra một khoảng gần 30m, những chiếc dù ấy lại lớn và đẹp hơn, nó hấp dẫn quá, tôi lại một lần nữa băng mình vượt qua những chướng ngại vật, đến nơi tìm dáo dác mà không thấy cái dù, tôi ngồi thụp xuống để tìm kỹ hơn, bổng có tiếng sột soạt trong bụi rậm, tôi nín thở, tim đập mạnh. Ồ thì ra một chú chó chui ra, nó chỉ nhìn tôi rồi bỏ đi, trên miệng đang ngoạm vật gì, tôi nhìn kỹ thì ra đó là một cánh tay người từ cùi chỏ trở xuống, bàn tay cứng đờ, đong đưa theo đà chạy của nó. Hồn phi phách lạc, tôi quay lưng chạy thục mạng về, phóng thẳng lên lầu, đến nằm xuống bên bà Nội mà vẫn còn run. Nội tôi chợt mở mắt, giọng còn ngái ngủ hỏi tôi:

- “Không ngủ mà đi mô rứa con?”

- “Con đi vệ sinh.

Xác người chết thì tôi thấy mỗi ngày, nhưng chuyện vừa rồi thì thiệt là quá ớn. Thật ra khi tản cư, thì những con vật nuôi được thả rông, thức ăn không có thì nó phải kiếm cái ăn để sống còn mà thôi, nhưng thiệt tình cái cảnh khi hồi làm tôi nổi da gà. Tôi nằm xuống mà tim vẫn còn đập thình thịch, rồi cơn buồn ngủ cũng kéo đến, nhưng trong lúc mơ màng thì một tiếng nổ lớn làm tôi giật mình, ngồi bật dậy, có tiếng ai nói lớn những người bên kia họ giật sập cầu Trường Tiền rồi bà con ơi. Thôi vậy là xong, cây cầu nối liền hai bờ sông đã bị giật sập. Bà Nội, bà Cố tôi lắc đầu buồn bã.

Gia đình tôi đã ở nơi đây hơn một tuần, một số người thì ngày họ về nhà để coi ngó nhà cửa, đến tối vô lại trường ngủ cho an toàn. Nội tôi cũng vẻ chị Sâm, chị Quế về mang thêm gạo, mắm và bánh trái chi đó để có cái mà dùng. Một số người hàng xóm đã bắt đầu rục rịch muốn về lại nhà, nhưng còn cha, chồng và mấy đứa con trai lớn nên tỏ ý lo ngại, họ sợ nếu không may bị bắt đi thì muốn tìm thấy xác cũng khó. Cuộc sống tạm cư tức nhiên là rất bí bách, và thiếu thốn về mọi phương diện, nhưng trong lúc này chỉ cần cái mạng sống còn mà thôi. Khi bạn đang ở giữa lằn ranh sống và chết, mới thấy tiền tài, vật chất chỉ là con số không to tướng, cầu xin trời Phật gia hộ cho cả nhà được bình an. Hai hôm sau thì Nội tôi nhận được tin báo, Cô tôi ở Sài Gòn đã nhờ quen biết nên xin được một máy bay nhỏ sẽ đón gia đình tôi tại phi trường Phú Bài. Thế là ngay ngày hôm ấy, mọi người thu dọn đồ đạc, chỉ mang theo những gì cần thiết mà thôi.

Sáng hôm sau chúng tôi rời trường, hiện không có phương tiện nào di chuyển nên chỉ đi bộ, mọi người cứ lầm lũi đi, nếu nghe tiếng pháo hay tiếng súng thì lại ngồi xuống tay ôm đầu, đến nước này thì phó thác cho số mạng. Trời đang nắng gắt, chợt đổ cơn mưa, mưa không lớn nhưng cũng đủ ướt. Tôi thích thú vì được tắm mát, bà Nội choàng cho tôi tấm nhựa, chỉ cốt cho ấm, chớ tôi đã ướt như con chuột lột, cứ thế vừa đi, vừa nghỉ. Trời hửng nắng, quần áo ai nấy cũng đã khô nhờ nắng và gió, thấy tôi đói muốn ăn, nên mọi người ngồi tạm ven đường, bóc vội đòn bánh tét, chia ra mỗi người một khoanh, sao khi này tôi ăn lại cảm thấy ngon quá chừng, có lẽ vì đói nên tôi chỉ nuốt ba miếng là hết, rồi lại tiếp tục lên đường.

Cứ thế chúng tôi đi qua nhiều đường phố, nhà cửa. Có những ngôi nhà bị trúng pháo kích, mái đổ sụp chỉ còn trơ bức tường gạch lỗ chỗ, có những căn đã cháy rụi, thành phố hoang tàn, đổ nát, một số đạn pháo của những người bên kia chiến tuyến đã rớt trúng nhà dân thay vì trúng đích nên tan hoang, dân thường chết như rạ. Huế thê lương vô cùng! Đi một đoạn thì thấy ba cái xác mặc đồ đen nằm vắt trên hàng rào, máu đã khô, chỉ thấy ruồi bu đen kín. Mọi người cứ lầm lũi đi, tôi quá mệt, cơ thể mỏi rã rời, cơ hồ tôi không thể bước nổi. Bà Nội thấy vậy kêu chị Sâm cõng tôi, nằm trên lưng chị Sâm tôi ngủ ngon lành, được một lúc chị Sâm cũng mỏi nên đặt tôi xuống, tôi lại phải ráng đi. Bất chợt đôi dép tôi bị dính vào hố bùn nhão, không rút lên được, Chú tôi đến bồng tôi lên, lôi chân tôi ra khỏi hố bùn, nhưng không còn đôi dép, tôi khóc vì không chịu đi chưn không, chị Sâm, chị Quế thay nhau cõng tôi, tôi thấy hai chị cũng mệt nên đồng ý tự đi. Hơn một tiếng đồng hồ sau chúng tôi cũng đến nơi, mọi người nhếch nhác, dơ bẩn và đói lả, nhưng rất may mắn là chúng tôi đã đến được phi trường Phú Bài an toàn, và chiếc máy bay quân sự đã chờ sẵn để đưa chúng tôi vào Đà Nẵng. Ở lại Đà Nẵng một đêm và hôm sau thì bay vào Sài Gòn. Tối hôm ấy tắm rửa sạch sẽ, ăn uống no nê, tôi nằm ngủ ngon lành, trong giấc mơ tôi vẫn còn thấy những đốm hỏa châu sáng rực trên bầu trời!

Phương Hạnh - Jenny Nguyen

__________________


Hoang Nguyen gởi