Quảng Nam có núi Ngũ Hành
Với hòn Non Nước cây xanh bốn mùa,
Líu lo ca hát chim đua,
Bầu trời, cảnh Phật ấy chùa Tam Thai
Quan Âm động vẽ hùng oai,
Như quên lòng tục xét soi khách trần.
Xa xa mặt bể phù vân,
Hiện ra Linh Ứng chùa am khác thường...
Hang Ngũ Cốc, động Linh Nham
Giếng Tiên, Hải Vọng Đài lam một màu
Dừng chân Hòn Thổ xem sau,
Quan Âm chùa mới hiển bày nguy nga.
Ngõ qua Đà Nẵng, Sơn Chà,
Hà Thân, Cầu Đỏ, bến tàu Tourane
Đường về Phố Hiến Hội An,
Chùa Cầu còn đó sẵn sàng đón đưa.
“Cao Lâu” mỹ vị dễ ưa,
Khách vào thưởng thức một vài tô thôi.
Ghé thăm cổ tự vài ngôi,
Phước Lâm, Chúc Thánh nét vôi phai mờ.
Phong quang cảnh trí nên thơ,
Long Tuyền, Vạn Đức lặng lờ tháng năm,
Xuôi về theo hướng tây nam,
Hàm Rồng, Trà Kiệu gác chuông giáo đường.
Nguy nga tráng lệ phi thường,
Đây hòn Non Trược rồng vương quy hàng.
Năm nào tay ấn Cao Biền,
Đền đài kỷ niệm gắn liền kỳ công,
Và bao chí sĩ anh hùng,
Đánh Nam dẹp Bắc lẫy lừng nước non,
Bao năm mòn mỏi chờ mong,
Về thăm xứ Quảng thỏa lòng ai ơi!
Đông Kinh mùa Anh Đào nở
Sông Thu
Tiếng khóc mẹ hiền
Ai ơi góp mặt với đời
Mang thai công mẹ sánh tày non cao
Vì con tần tảo sớm trưa
Quanh năm lặn lội nắng mưa dãi dầu…
(Rồi 30 năm sau - Sông Thu)
Tần tảo nuôi con
Xa mẹ năm tôi lên mười lăm tuổi vào chùa tu (1957), cái tuổi đã trưởng thành không còn vụng dại lắm. Nhưng lần đầu tiên xa mái ấm gia đình, xa tình thương yêu nồng ấm của mẹ hiền, như len lỏi khắp trong châu thân của đứa con trai dù mang chí nguyện phát túc siêu phương, tâm hình dị tục - bước đi ngoài muôn dặm, thân tâm khác người thế tục, tôi có lúc cũng mủi lòng thương nhớ mẹ da diết.
Mẹ tôi cũng như bao bà mẹ Việt Nam khác, tận tụy trong thiên chức người mẹ, tần tảo săn sóc chồng, con; trông nom nếp sống gia đình trong ngoài chu toàn mọi việc. Gia đình tôi tạm được gọi là hạng trung lưu, nên không thuộc bần nông như nhiều người khác trong làng. Nhưng vì đông con, gia đình tôi gồm 8 anh chị em, thêm cha mẹ nữa là trọn một chục chẵn, nên mẹ có phần vất vả, nếu nói cho đúng nghĩa là bà lam lũ, quần quật trong công việc suốt ngày, thấy mà thương vô cùng! Cũng vì lẽ đó mà một nhà thơ tiền bán thế kỷ 20, ông Trần Tế Xương không tiếc lời ca tụng tán dương người vợ hiền - bà Tú Xương - qua mấy vần thơ thất ngôn đầy vẻ sống động gợi hình:
Quanh năm buôn bán ở ven sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông…
Ngoài việc cấy hái, hong phơi ra, mẹ còn tạo thêm kinh tế tự túc để có đồng ra đồng vô cho các con đủ no lòng, hầu bằng được người ta, để nở mày mở mặt với thiên hạ; bằng cách trồng rau cải trong vườn nơi vuông đất phía sau nhà. Tôi còn nhớ mỗi năm vào dịp Tết, sản phẩm của mẹ hái ra tiền là rau ngò, cải tần ô, rau thơm, cải cau… bó thành từng lọn cho vào gánh quảy đi bán ở các chợ rất xa cả chục cây số như chợ Câu Lâu, Vĩnh Điện, chợ Trà Kiệu… Mỗi lần đi chợ về, mẹ đều mua bánh kẹo cho tôi và em Út (chú Chín), nên tôi có cái thú là ưa đứng nơi đầu ngõ trông mẹ về để vòi vĩnh, nũng nịu, mách chuyện nọ, việc kia ở nhà của anh em tôi cho bà nghe. Nghe xong, bà để bụng mà chả có binh đứa nào. Bởi vì mẹ luôn bận rộn, vừa đặt đôi gióng xuống là lăn xả vô bếp nấu cơm, dọn dẹp cho các thành viên của gia đình có cơm canh nóng hổi no lòng kịp lúc, đúng bữa. Lúc tôi chưa đi tu, gia đình còn lại anh bốn (An), chị năm (Đấu), anh sáu (Thang), em chín (Cường) và tôi (Cư); chị hai (Quyên), chị ba (Miên) đã có gia đình và về ở bên nhà chồng. Nhà còn lại 7 miệng ăn, trong số bốn người đi làm: cha tôi, anh bốn, chị năm, anh sáu; tôi và Cường ăn theo vì còn nhỏ, còn mẹ là viên nội tướng quản lý mọi việc trong ngoài gọn gàng. Mỗi lần lầm lỗi, tôi bị cha phạt, trách; mẹ là vị thần hộ mạng chở che an ủi, nơi trú ẩn an toàn nhất cho tôi mỗi khi có biến cố chẳng may nào xảy đến bất chợt.
Thương yêu chồng con hết lòng
Mẹ không quản ngại thân mình, thức khuya dậy sớm, ăn đói nhịn khát vẫn không lấy làm điều, miễn phục vụ chồng con đầy đủ là mẹ vui rồi. Tới năm 1958 anh Bốn cưới vợ nhưng vẫn sống chung với cha mẹ, vì anh là con trai cả trong gia đình; đến năm 1960 anh chị sanh con đầu lòng lại là con gái. Điều này tuy không nói ra, mẹ kém vui thật sự; theo bà phải chi nó sinh con trai để mình có cháu đích tôn sớm. Đằng này… Hai năm sau chị Năm cũng đi lấy chồng, tôi bỏ đi tu, làm cho mẹ buồn nhớ khôn nguôi, nhà chỉ còn lại ông bà, anh chị Bốn, anh Sáu và chú Út; đến năm 63, anh sáu (Thang) lập gia đình và năm 1964 chú út vào chùa tu. Lần lượt các thành viên của gia đình tôi ngày càng thưa vắng; đến năm 1966, anh sáu (Lê Văn Thang) chết trận trong chiến tranh, làm mẹ đau buồn nhớ thương, dù anh đã có vợ và sanh con cái. Mẹ thương anh, vì bà tội nghiệp hai cháu nội còn nhỏ dại mà lâm cảnh mồ côi cha sớm. Cái tình của bà sâu thăm thẳm, rộng bao la không thể lấy gì đong lường được.
Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào
Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào
Tiếng ru êm đềm trăng tà soi bóng mẹ yêu…
(Y Vân)
Tình thương yêu của mẹ như thế đó, nó cuồn cuộn tựa sóng cồn, cao vút tận mấy tầng không, xa vời vợi không làm sao với được. Chỉ vì thương yêu chồng con mà mẹ phải hy sinh tạo bao nhiêu ác nghiệp để rồi nhận mọi hậu quả xấu ác. Vì thấy mẹ quá vất vả, tôi không đành lòng nhìn bà lặn lội bươn chải kiếm tiền lo trang trải cho gia đình, nên đã nhảy vào đời vật lộn năm lên mười ba tuổi bằng việc thủ công đan rổ, thúng bán giúp phụ với mẹ. Năm lên 14 tôi đổi qua nghề chằm nón lá, kể cả nón bài thơ - nghề tuy vất vả - nhưng thật là vui, vì dễ hái ra tiền, nếu ta chịu khó, trì chí. Từ ngày tôi phụ giúp vào ngân quỹ gia đình với mẹ, bà rất hài lòng, vì có đứa con biết lo nghĩ, chia sẻ với bà như thế. Thế nhưng tôi đâu có ở nhà gần mẹ lâu, vì tôi đã có dự định sớm chớm nở mà mẹ cũng như gia đình không ai hay biết, kể cả cha tôi, tôi vẫn giữ kín không hé tin gì. Về sau này mẹ đã qua đời, nhân sống xa nhà tôi ghi lại trong dịp Vu Lan:
Nhân mùa Vu Lan báo hiếu để kỷ niệm 15 năm ngày tôi mất mẹ, mượn mấy dòng này tôi muốn gợi lại một ít những hình ảnh đáng nhớ mà mẹ tôi đã dành trọn lòng thương yêu vô tận cho con cái, để làm trợ duyên cho những ai có diễm phúc còn mẹ, suy nghĩ mà thương mẹ hiền nhiều hơn, rồi một mai kia mẹ có qua đời cũng không tự cảm thấy mình lỗi đạo làm con.
Trường hợp của tôi sắp kể sau đây hơi có phần đặc biệt hơn mọi người. Vì tôi đã vào chùa tu từ lúc còn nhỏ nên khoảng thời gian sống gần gũi với gia đình cũng ngắn lại. Tuy nhiên cái tình của tôi đối với mẹ, lúc nào tôi cũng quý trọng, kính yêu người. Và ngược lại, đối với tôi, mẹ cũng dành cho tôi trọn vẹn lòng thương bao la không bờ bến. Tôi còn nhớ rõ, mỗi lần tôi từ chùa về thăm nhà, mẹ lo lắng cho tôi đầy đủ mọi thứ từ giấc ngủ, miếng ăn, cho chí giặt giũ áo quần cho tôi nữa. Gia đình tin Phật giáo, cha mẹ tôi ăn chay kỳ mỗi tháng 2 ngày vào ngày rằm và mồng một. Tôi và em trai đều đi tu cả và chúng tôi ở hai chùa khác nhau. Từ khi chúng tôi vào ở chùa cho tới ngày rời khỏi đất nước cũng mười mấy năm, nhưng anh em ít có dịp gặp nhau tại nhà, kể cả ngày đại tang của mẹ tôi (năm 1966) nữa!
Cứ mỗi lần tôi về thăm nhà, mẹ tôi lo mua sắm đủ thứ rau tươi, trái lạ để đãi tôi như là một khách quý vậy. Những năm tháng đầu tiên tôi về thăm gia đình, mẹ nhận thấy tôi ăn ít được cơm nên đâm ra lo lắng. Bà nghĩ bụng: Có lẽ vì chén bát không tinh khiết kém ngon nên tôi ăn bữa không được vừa miệng. Mẹ lo đi mua sắm cho tôi một bộ chén bát riêng để khỏi lẫn lộn với chén bát dùng của gia đình. Rồi không biết nấu đồ chay khéo, mẹ cũng tìm học cách chế biến thức ăn của mấy người quen lân cận để cốt tạo bữa ăn vừa miệng cho tôi. Theo thói quen, mỗi lần tôi về thăm gia đình là bà con lối xóm xúm nhau lại đông nghẹt cả nhà để nghe tôi kể chuyện này chuyện nọ, nhất là những mẩu chuyện vui buồn trong đạo. Cũng trong những dịp gần gũi này, bà con mang lại cho tôi nhiều thức ăn lạ khác với những bữa ăn thường nhật tại chùa. Ở chùa chư tăng hầu như phải sống khắc khổ để tập rèn luyện ý chí. Mẹ vừa nhìn tôi và nhìn mọi người vừa nói:
- Thằng bảy (tôi thứ bảy trong gia đình nên mẹ gọi như thế) độ rày coi bộ ốm nhom ốm nhách trông mà tội nghiệp! Thế mà em nó vẫn nằng nặc đòi xin đi tu. Tôi và ba nó cản ngăn cũng không được, nên cũng lại đi tu rồi. Mỗi khi nó về thăm, tôi cũng đều lo cho được mấy bữa cơm sung túc; còn thằng này (mẹ chỉ vào tôi) vì ở xa nên ít về được để tôi săn sóc cho được chu đáo.
Ôi tình mẹ! Cho dù con có ở đâu và làm gì, dù con lớn khôn thế mấy hay nhỏ dại đến bao nhiêu, mẹ cũng cho con tình thương tỏa rộng như tàn cây cổ thụ che rợp bóng mát cho cuộc đời của những đứa con được may mắn còn mẹ. Mẹ còn căn dặn tôi rằng con cố gắng thường hay về thăm để mẹ tẩm bổ cho, nhìn tôi mẹ bảo thế mà nước mắt mẹ rơm rớm nghẹn ngào…
Từ khi tôi xa nhà vào chùa học đạo, cho tới ngày tôi mất mẹ khoảng thời gian độ 10 năm. Trong khoảng thời gian khi tôi còn tu học ở chùa Non Nước; tôi thường hay về thăm nhà mỗi khi có dịp thuận tiện. Sau này khi vào Sài Gòn rồi, việc gần gũi cha mẹ đối với tôi càng trở nên thưa vắng dần. Việc ít về thăm gia đình của tôi không phải là điều bất hiếu mà theo như trong luật có dạy rằng người đã cát ái từ thân không nên gần gũi cha mẹ, vì sợ cái tình cảm của gia đình mạnh hơn sẽ làm trở ngại cho việc học đạo. Điều đó không sai, vì không có tình thương nào lớn rộng cao cả cho bằng tình mẹ con.
Mẹ chính là bầu sữa ngọt ngào, “là nải chuối, buồng cau, là bóng mát đêm thâu trong cuộc đời”:
Mẹ là dòng suối dịu hiền
Là bài hát thần tiên…
Mà thật đúng như vậy. “Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận. Vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ...” (Thích Nhất Hạnh - Bông Hồng Cài Áo). Đáng lẽ ra hai anh em chúng tôi đã không đi tu để được gần gũi săn sóc mẹ cha, hầu an ủi các vị trong lúc tuổi già xế bóng. Nhưng nhân duyên Phật pháp khiến tôi lìa bỏ gia đình, cha mẹ già để vào chùa, rồi sau đó 7 năm lại đến lượt em tôi cũng theo bước chân tôi. Lúc em tôi đi rồi, mẹ tôi khóc mòn mỏi! Thương mẹ quá nhưng tôi không biết phải làm sao hơn được. Kinh dạy: Con muốn báo ơn cha mẹ một cách hữu hiệu là phải biết con đường tu niệm và khuyên nhắc cha mẹ lánh dữ làm lành lúc trở về già, đó mới là cách đền ơn cha mẹ hữu hiệu nhất. Đối với tôi, trên thực tế của cuộc đời, và theo như kinh nghiệm bản thân, tôi nhận mình chưa báo đáp thâm ân thì mẹ mất vào năm 1966. Đầu óc tôi như quay cuồng, tâm trí như bấn loạn... Song vì hoàn cảnh bắt buộc, tôi cũng không về được để tiễn đưa mẹ lần cuối về nơi an nghỉ nghìn thu. Với lòng thành tôi chí tâm cầu nguyện cho hương hồn Người sớm được siêu thoát, và gia hộ cho cuộc đời tu niệm của tôi được thông suốt, vẹn toàn.
Năm xưa tôi còn bé
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận kẻ mồ côi…
... Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Là mất cả bầu trời
(Xuân Tâm)
Năm 1981, cũng trong mùa báo hiếu, chùa Pháp Bảo có lễ cài hoa hồng cho những ai còn mẹ và hoa trắng cho người mất mẹ. Trong dịp này, tôi thổ lộ cảm xúc của mình qua bài giảng về đạo hiếu. Tôi kể lại câu chuyện tôi mất mẹ, ai cũng cảm thấy thương thương, cũng có người rưng rưng nước mắt. Bà con khóc thương tôi mất mẹ hay đúng hơn là thương cho chính thân phận mình đang sống trong cảnh lưu lạc chia lìa của kiếp đời tỵ nạn lênh đênh nơi xứ lạ quê người.
Mùa Vu Lan là mùa báo hiếu mẹ cha - mùa tình thương - hay còn gọi là mùa cầu nguyện của những người con hiếu còn biết nghĩ tới cội nguồn, huyết thống, dòng dõi, tổ tông… dâng trọn lòng thành lên mười phương chư Phật cầu cho cha mẹ, bà con nội ngoại, kẻ còn sống được an vui sức khỏe, người lưu lạc ở khắp bốn phương trời sớm quay về đoàn tụ với gia đình; còn kẻ quá vãng được siêu sanh về cảnh giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Cũng như mọi người, chúng ta đốt nén hương trong sự chí thành tha thiết, nguyện cầu cho cha mẹ đã qua đời được an nhiên nơi cõi tịnh. Cầu nguyện cho mẹ, cho quê hương Việt Nam muôn thuở, và hằng mong ngày trở lại của những đứa con xa xứ sẽ không còn xa để chúng ta - những đứa con lưu lạc bất đắc dĩ - nhìn kỹ vào mặt mẹ lần hội ngộ trùng phùng để thỏa bao chuỗi ngày xa cách! Cho dù người nào có bất hạnh mất mẹ như tôi, cũng đều có cơ hội tốt để chúng ta có dịp được đốt nén nhang cắm lên ngôi mộ của đấng sanh thành trong lời cầu nguyện…
Giống Phật chớm nở
Là đoàn sinh của Gia Đình Phật Tử Hà Linh, tôi sinh hoạt trong nhiều năm từ ngành Oanh Vũ lên ngành Thiếu Nam. Bồ đề tâm chớm nở không biết tự bao giờ mà lòng thương người, thương loài vật của tôi có rất sớm. Tôi nhớ không chính xác lắm, có lẽ năm 1952-53 gì đó, mẹ tôi nuôi một con heo bự và dự định mổ thịt cúng giỗ đãi khách vào cuối năm. Con vật như có linh tính biết trước, nó rơm rớm nước mắt và bỏ ăn trước ngày bị hành quyết. Tôi đánh bạo nhảy vào can gián, không cho ai được giết chết con heo ấy, nên đề nghị gia đình đổi lại thay cúng mặn nên cúng chay tịnh. Cha mẹ tôi cũng là Phật tử, thấy con có tâm từ như thế, nên biểu đồng tình và tha chết cho con vật đáng thương kia. Làm được việc cứu vật như thế, trong lòng tôi cảm thấy thật là vui. Và cũng bắt đầu từ đó trở đi tôi phát nguyện ăn chay mỗi tháng 10 ngày, thay cho hai ngày như từ trước. Cha mẹ tôi cũng chay tịnh mỗi tháng 2 ngày rằm và mồng một; cũng như về chùa lễ lạy sám hối hồng danh mỗi tháng 2 lần, và thỉnh Phật về thờ tại nhà cho con cháu có dịp tín kính Phật. Dần dà sau này cả gia đình đều quy y Tam Bảo hết, cha tôi pháp danh là Thị Tế, mẹ có pháp danh Thị Sắc, anh Bốn pháp danh Như Khương v.v… đều thuộc phái Lâm Tế Chúc Thánh - Hội An.
Xã Xuyên Mỹ của tôi có nhiều người đi tu như tôi được biết ít nhất có độ 50 vị là Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, đã vào phẩm vị Thượng Tọa, Ni Sư, Hòa Thượng, riêng thôn Mỹ Hạc vùng tôi ngày nay còn lại Ni Sư Diệu Nghĩa ở chùa Bảo Thắng (Thủ Đức) Ni Sư tịch năm 2012, Ni Sư Hạnh Nghiêm (Gia Định), Hòa Thượng Như Điển (chùa Viên Giác - Đức quốc), Hòa Thượng Bảo Lạc (chùa Pháp Bảo - Sydney), Sư Bà Diệu Tâm, Ni sư Như Viên, Ni Sư Diệu Chỉ (chùa Bảo Vân Saigon), Ni Sư Diệu Phước (chùa Linh Thứu - Berlin, Đức quốc). Còn nhiều vị nữa tôi không nắm rõ được hết. Cho tới giờ này, tôi cũng không hiểu tại sao người làng tôi sớm có nhân duyên với Phật pháp như vậy. Dĩ nhiên, quý vị xuất gia đông như vậy qua thời gian gạn lọc sàng sảy, nay còn lại đếm không đầy trên đầu ngón tay. Thật quả đời vô thường biến đổi như lời Phật dạy, đó là điều chắc chắn có thật, không hề sai lầm bao giờ.
Dáng đạo sĩ
Lúc bấy giờ (1954 - 1957) Phật giáo hoạt động chưa lấy gì làm khởi sắc mấy. Người Phật tử tin Phật không theo đường chánh tín mà chỉ có mê tín nhiều hơn. Họ xem Đức Phật như vị thần không khác, vì chỉ việc cầu nguyện ban ân phước chứ người tín đồ chưa phát nguyện tu tập, do giáo lý chưa có người truyền đạt giảng giải để mọi người hiểu rõ. Thập niên 50, cách thờ Phật, tin Phật khác với sau này nhiều lắm. Chẳng hạn, người ta che trùm mặt cho Phật bằng tấm vải đỏ; phụ nữ không dám đi ngang qua trước mặt Phật, vì sợ có tội. Mỗi lần bất đắc dĩ phải đi qua trước Phật, đàn bà phải cúi đầu khép nép. Vì người ta sợ rằng, nếu không làm như vậy, Phật quở và thậm chí có người còn tuyên bố rằng Phật bắt! Quả tình niềm tin Phật hời hợt kiểu đó rất tội nghiệp, đưa đạo Phật đi xuống, sụt lùi lại hàng ngàn năm! Vì Đức Phật chưa hề quở trách và phạt ai bao giờ, thế tại sao ta chưa hiểu Phật mà lại gán cho Ngài cái nhãn hiệu phi đạo lý ấy. Cho nên theo nhà nghiên cứu sử học Phật giáo Trí Siêu Lê Mạnh Thát cho rằng đó là thời kỳ Phật giáo quyền năng kéo dài hơn cả ngàn năm, mãi cho tới thời Pháp thuộc (1868-1954).
Chúng ta không lấy làm lạ, Phật giáo bị ảnh hưởng không ít bởi tính cách quyền năng này trong lòng người Phật tử chân quê mộc mạc, kiến thức cạn mỏng, niềm tin mù quáng chưa được soi sáng bởi đạo lý giác ngộ. Thiếu vắng các bậc thầy, những pháp sư giáo thọ điển hình mô phạm đem đạo vào đời, xây dựng cuộc sống nhân sinh an lành hạnh phúc. Nhưng thỉnh thoảng cũng có vài đoàn du tăng khất thực đi chân trần trong sắc y vàng thanh thoát, họ bước đi trên quốc lộ 1 gần nhà, làm cho tôi vô cùng thích thú đem lòng hâm mộ, ước mong mình đóng được vai trò như các vị khất sĩ kia thì còn hạnh phúc nào hơn! Hình ảnh giải thoát ấy luôn đập mạnh vào tâm hồn tuổi thơ của tôi, tuy rất ham thích nhưng không biết làm cách nào để thực hiện tâm nguyện. Tôi âm thầm mơ ước, hầu dệt mộng tương lai vào một ngày không xa. Nhưng đối với bạn bè, người thân, cái mộng ước của tôi không khéo lại thành vỡ mộng và không tưởng. Nói chung, không ai chịu chấp nhận một thiếu niên mới lớn lại có ý nghĩ lạ đời muốn đi tu như tôi cả. Chôn chặt sâu kín vào đáy lòng để chờ đợi nhân duyên hội đủ, tôi sẽ ra đi như kẻ “xuất trần thượng sĩ”, mà việc trước mắt là đoàn thể tôi đang theo đuổi.
Sinh hoạt Gia Đình Phật Tử
Hệ thống tổ chức Gia Đình Phật Tử khởi đầu từ Gia Đình Phật hóa phổ do bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám nhen nhúm thành lập ngoài Huế năm 1940, nhưng vì chiến tranh trong thế chiến II (1939-1945), mãi đến năm 1952-1955, các Gia Đình Phật Tử mới thành lập và sinh hoạt tại các chùa, các Khuôn hội Phật giáo tại hầu khắp miền Trung và một vài nơi tại miền Nam - Việt Nam. Cho đến năm 1957-58 phong trào Gia Đình Phật Tử đang lên rầm rộ thì gặp phải sự kỳ thị bắt bớ, thủ tiêu những cán bộ Huynh trưởng nòng cốt bởi chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, phân biệt giữa đạo Phật và đạo Chúa.
Là một Phật tử nhiệt thành, tôi hăng say sinh hoạt trong đoàn thể trẻ của Gia Đình Phật Tử Hà Linh trong 5 năm từ năm 1952 đến ngày rời gia đình đi tu năm 1957. Gia Đình Phật Tử Hà Linh hoạt động rất tích cực và xuất sắc về nhiều mặt. Nhất là về tổ chức và kịch nghệ mà sau này dù đã là Đại Đức tôi vẫn thích văn nghệ, nên được các trường Bồ Đề: Huệ Quang, Hạnh Đức mời làm giáo sư hướng dẫn cho học sinh về các môn này. Có thể nói Gia Đình Phật Tử như là điểm tựa cho tôi đi xa hơn vào đời sống người xuất gia về sau, nhất là học hỏi giáo lý và phương pháp tổ chức về Đội, Đoàn, Chúng v.v… hầu như tôi nắm rất rõ. Tuổi trẻ ưa bay nhảy và tánh thích phiêu lưu, tôi thích nhất là những chuyến thám du đi xa học hỏi được nhiều kinh nghiệm quí báu và những kỳ trại họp bạn còn là cơ hội tốt để chúng tôi kết thêm bạn bè và tranh tài với các gia đình khác trong toàn tỉnh về kỹ thuật, thể thao v.v… thật là hào hứng khó quên. Nhờ sinh hoạt Gia Đình Phật Tử mà tôi thành dạn dĩ, tự tin, độc lập rất sớm không bị lệ thuộc vào bất cứ người nào. Tôi thuộc nằm lòng châm ngôn: Bi - Trí - Dũng và năm điều luật của ngành thiếu Gia Đình Phật Tử:
1. Phật tử quy y Phật, Pháp, Tăng và giữ giới đã phát nguyện
2. Phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống
3. Phật tử trau dồi trí tuệ và tôn trọng sự thật
4. Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm
5. Phật tử sống hỷ xả để vững tiến trên đường đạo.
Mỗi điều luật như mực thước đo đạo đức, giới răn cho các đoàn sinh Phật tử, nếu muốn được trở thành là Phật tử gương mẫu xứng đáng, ngõ hầu dắt dẫn đàn em lớp sau. Trong năm điều luật, tôi tâm đắc nhất là điều thứ tư: trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm. Nếu như chịu suy nghĩ, điều này có thể một người làm suốt đời cũng chưa xong, vì ba nghiệp: thân, miệng, ý không dễ giữ cho thanh tịnh. Một người mà giữ ba nghiệp thanh tịnh trở thành Thánh nhân, Bồ tát và được mọi người quy kính, học hỏi.
Cuộc thám du còn mang nhiều dấu ấn
Trong sách Như Dòng Ý Thức nơi chương một, phần nói về nhân duyên kỳ lạ, có viết như thế này: “Qua nhiều lần tổ chức trại (GĐPT) tôi đã có dịp tham gia, cũng như các cuộc du ngoạn khác cùng với các bạn đồng đội trong Gia đình, một hôm nhân chuyến du ngoạn chùa Non Nước - Ngũ Hành Sơn - trở về tự nhiên trong đầu óc tôi nảy ra nhiều nghi vấn về cuộc đời và con người hiện tại. Ý nghĩ này cứ làm cho tôi bận tâm không ít, là con người rồi sẽ đi về đâu? Và cuộc sống nhân sinh sẽ phải giải quyết ra sao? Cứ suy nghĩ mãi trong mấy hôm liên tiếp, nhưng tôi vẫn không tìm ra được đáp số của bài toán “nhân sinh” ấy rồi sẽ được giải đáp như thế nào? Tôi tự nghĩ chỉ còn một cách duy nhất dù phải ra đi như thái tử Tất Đạt Đa khi xưa để sống theo nếp sống đạo mà theo tôi, nó sẽ nhiệm mầu và có thể tìm ra được mẫu số chung cho kiếp làm người. Tuy nhiên, một cuộc ra đi như vậy không phải dễ dàng và đơn giản như bạn tưởng! Đó là cả một sự phấn đấu quyết liệt với mọi hoàn cảnh, nhất là đối với gia đình. Ý là tôi sớm tự lập mà còn gặp phải nhiều sự chướng ngăn, khó một lúc giải quyết dứt khoát được như thế, huống chi người tùy thuộc vào thân nhân nhiều, hẳn khó gấp vạn lần. Nói như thế, nhưng tôi vẫn phải can đảm lắm mới hạ quyết tâm một lần rồi thôi không lặp lại nữa. Trong tâm mãi đắn đo suy đi nghĩ lại thấy thương cha mẹ quá, đâu nở nào lìa bỏ núm ruột dứt khoát ra đi cho đành! Qua nhiều đêm thức trắng không sao chợp mắt được, cố mong tìm cho ra giải pháp hoặc cách nào đó thuyết phục cha mẹ để xuất gia cho bằng được, dù phải đón nhận thất bại trước mắt. Tự hào tuổi trẻ, hễ nghĩ là làm, tôi mạnh dạn tỏ bày ý định đi tu với cha mẹ.
Đánh bạo xin cha mẹ đi tu
Mọi việc đâu đấy đều đã được xếp đặt và chuẩn bị sẵn sàng, tôi bèn nảy ra ý định nói ngay với gia đình việc xuất gia học Phật. Khi trình bày ý nghĩ táo bạo này với song thân, tôi đã gây nên sự sững sốt lẫn ngạc nhiên cho mọi người trong gia đình. Nhất là ở vào lứa tuổi vừa mới lớn của tôi, đang cần sự săn sóc, giúp đỡ của người thân. Cha tôi nghiêm nghị bảo:
- Nếu trong gia đình có gì bất mãn, con cứ việc nói thẳng hết ra để cha có thể tìm cách giải quyết ổn thỏa. Nhưng tại sao con lại muốn đi tu?
- Vì con muốn sống đời thanh thoát của một người tăng sĩ.
Cha nói tiếp:
- Con đừng vì nông nổi mà quyết định một việc quá vội vàng, hấp tấp thiếu sự cân nhắc kỹ lưỡng điều hơn lẽ thiệt, sẽ phải ăn năn hối hận về sau.
- Nhưng thưa cha con đã dứt khoát, không thể nào khác hơn.
- Con nên nhớ rằng, khi con ra đi rồi thì việc gì sẽ xảy ra trong gia đình này? Anh con còn đang trong quân ngũ chưa mãn hạn. Con nên nghĩ kỹ lại đi…
Nghe cha nói thế, cả nhà mẹ và mấy anh chị đều hướng mắt nhìn tôi thăm dò phản ứng mà nơi thâm tâm họ rất hài lòng qua những lời khuyên can chí tình của cha tôi. Mẹ tôi đâu bao giờ nghĩ tới việc hệ trọng như thế này. Mới đây bà ép tôi cưới vợ để nhà có thêm tay làm, nào bà có ngờ đâu một sự kiện quá đột ngột, làm hao hơi tổn sức chứ đâu phải chuyện thường. Bà chỉ nghĩ đơn giản: người con đi tu là mất hẳn, vì trước mắt là không nối dõi tông đường, thứ đến gia đình mất đi một bàn tay đóng góp tích cực mà một người như tôi bà rất tin cậy nên không muốn rời xa.
Nước mắt mẹ hiền
Tiếng khóc qua giọt nước mắt biểu lộ nhiều trường hợp, hoàn cảnh khác nhau, nhất là về mặt tình cảm của con người. Đã là người, không cứ người lớn hay trẻ con đều lấy nước mắt làm vũ khí che chở, chống chế, đồng tình, phản kháng… là cách hữu hiệu nhất, làm cho kẻ khác ngao ngán, chùn bước, dừng tay v.v… không dám tiến hành, thực hiện một công việc, dự án hay đề nghị nào. Nghe con dại khóc thét lên khiến người mẹ đang làm việc gì vẫn ngưng lại vỗ về an ủi, cho tới lúc nó thỏa mãn yêu sách mới thôi. Trong trường hợp của tôi, tiếng khóc của mẫu thân vô cùng lợi hại, bà có đặt điều kiện gì với tôi không? Không, vì bà có nói lên lời nào đâu mà bảo là điều kiện với không; vả lại càng không yêu sách nào hết cả. Nhưng trong vô hình, giọt nước mắt của mẹ biểu tỏ nhiều điều cụ thể mà không thể tiện diễn tả được bằng lời:
- Mẹ thương con vô hạn, con đừng làm cho mẹ đau lòng mà tổn hại tới sức khỏe tuổi già.
- Con không thể sống xa nhà thiếu tình thương yêu đùm bọc của người thân được.
- Hãy ở lại nhà tu có mẹ có con, hà tất vào chùa mới tu được hay sao?
Dù bằng lời khuyên của cha hay với những lời phải trái của các anh chị, tiếng khóc của mẹ nghe sao mà quá cảm động. Vì hồi nào tới giờ tôi chỉ nghe tiếng khóc trẻ thơ mà việc tôi muốn đi tu cũng vì không ưa tiếng khóc của chúng. Hễ khi nào nghe mấy đứa cháu trong nhà hay trẻ con lối xóm khóc ré lên là tôi tránh đi chỗ khác. Nay lại nghe tiếng khóc của người mẹ hiền làm sao tôi có thể đủ can đảm đứng nhìn với nhiều lối giải thích và bằng đủ mọi cách để cản ngăn ý chí quyết định ra đi của mình, người nhà mong làm nản lòng thối chí để tôi có thể hủy bỏ chuyến đi định mệnh đó hay ít ra cũng thay đổi thái độ. Tôi bèn nghĩ kế khác để ra đi cho bằng được với bất cứ giá nào.
Trốn gia đình xuất gia
Mặc dù chăm chỉ làm việc phụ lực vào kinh tế gia đình, nhưng tâm tư tôi cứ nghĩ chuyện bay bổng ở trên trời nên không bị gò bó thu hẹp nơi xóm thôn chật hẹp với đồng ruộng, khu vườn. Như đã trình bày, thỉnh thoảng tôi được nghe các thầy giảng sư từ Tỉnh Hội về thuyết pháp, cũng như trông thấy quý sư du tăng khất sĩ đi trên quốc lộ. Trông thấy các thầy tướng tốt trang nghiêm, dáng đi thanh thoát nhẹ nhàng trong chiếc y vàng như kiểu Phật mặc, trông họ thật là an lạc giải thoát. Còn nhìn lại mình cảm thấy sao mà bận rộn, vất vả mọi bề; đời sống lại là đấu trường tranh nhau hơn thua, lợi hại. Do nhiều yếu tố tạo thành giúp tôi có thêm nghị lực nảy ý định xuất gia, nhưng thật quả là khó vô cùng. Sớm muộn gì rồi cũng phải thực hiện cho được chuyến đi, tôi thuyết phục và tìm đủ mọi cách để cho gia đình biết rõ ý định, nhưng vẫn cứ lần lựa không dám nói thẳng, vì sợ bị ngăn cản…
Nơi cuốn sách đã dẫn có đoạn viết: Một hôm đang sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử, tôi bày tỏ thái độ dứt khoát ra đi này và ngỏ lời từ giã với một vài người bạn thân. Các bạn tôi lấy làm ngạc nhiên và chất vấn lý do, cũng như điểm đến của chuyến đi đầy thử thách đó của tôi. Nhưng các bạn hữu chỉ biết một cách đại khái, mơ hồ, còn sau này việc tôi tu học ở chùa nào, tôi giữ bí mật, không thể nào cho họ biết rõ được. Vì biết đâu để lộ kế hoạch sẽ là bước cản trở con đường của tôi dự tính. Thế là ngày giờ và hành trang như đã sẵn sàng. Với một thái độ cương quyết và dứt khoát, tôi tìm cách trốn gia đình để ra đi trong muôn vàn đau xót. Hôm đó, một vài người bạn thân được tôi mời đến nhà để chuyện trò và họ cũng được cho hay là nội trong đêm tôi sẽ từ giã mọi người để ra đi. Sau khi nghe xong câu chuyện tôi trình bày, cả ba thiếu niên đều ngồi yên lặng không ai thốt lên được một lời nào cả. Sau gần một tiếng đồng hồ, tôi đã viết xong được ba lá thư. Lá thư thứ nhất để lại cho cha mẹ như:
Mỹ Hạc, ngày … tháng … năm 1957
Kính gởi cha mẹ và các anh chị em thương mến.
Đã nhiều lần con tỏ ý định ra đi này với cha mẹ và các anh chị, nhưng lần nào con cũng bị gạt ngang dòng tư tưởng đang bùng cháy trong lòng với đủ lý do này hoặc lý do khác.
Hôm nay, đúng ngày rằm tháng giêng con đã có quyết định ra đi qua nhiều đêm suy nghĩ: việc ra đi của con sẽ làm cho gia đình buồn khổ, nhưng ý con đã quyết … con vẫn biết ra đi như thế này là để lại bao nhiêu thương nhớ nơi người thân, nhất là đối với mẹ. Mẹ thương, con rất có lỗi với mẹ cha, vì ở vào tuổi con đáng lẽ phải hầu hạ và săn sóc mẹ lúc tuổi về già. Nhưng con lại bỏ lại tất cả những thâm tình cốt nhục để ra đi, thật là điều bất hiếu đối với gia đình, nhưng con không còn cách nào nghĩ khác hơn được cả.
Con đã học được ở giáo lý đạo Phật, công ơn cha mẹ sánh như trời biển, muốn báo đền sự hy sinh cao cả của đấng sanh thành, người con cho dù suốt đời cõng cha bên vai trái và cõng mẹ bên vai phải đi suốt từ nguồn ra tới biển để đền ơn cũng chưa chắc đền đáp được. Nhưng có một cách báo ân cha mẹ xứng đáng là người con phải hiểu lý vô thường và cố khuyên nhắc cha mẹ lúc tuổi về già làm việc phước đức, cũng như kính thờ Tam Bảo và niệm Phật. Nhờ đó con mới mong đền đáp lại phần nào công ơn như trời biển trong muôn một.
Việc ra đi của con hôm nay chắc chắn dư luận sẽ phê phán, nhưng khi đã biết rõ được đâu là sự thật thiên hạ sẽ không còn ngạc nhiên, thắc mắc nữa. Cho đến khi nào con đã yên tâm tu học, rồi thì cũng chính là lúc con báo đáp thâm ân cha mẹ một cách trọn vẹn.
Con nguyện cầu hồng ân chư Phật gia hộ cha mẹ, anh chị em cùng thân bằng quyến thuộc được vạn sự an lành và nhiều phúc lộc.
Kính thư
Con
Lê Văn Cư
Lá thư thứ hai gởi lại bạn bè thân, nhất là các đoàn sinh trong Gia Đình Phật Tử Hà Linh. Lời tâm sự, chia sẻ cũng là lời từ giã chia tay của người viết, thế là từ nay tôi không còn lui tới sinh hoạt với các bạn nữa. Cho tới giờ này khi các bạn đọc thư tôi, tôi đã đi xa các bạn, xa mái nhà lam đầm ấm của chúng ta, mong các bạn tinh tấn tu tập và cầu nguyện cho tôi đủ nghị lực phấn đấu trên con đường tầm cầu giải thoát. Hy vọng một ngày nào đó chúng ta hẹn sẽ gặp lại nhau. Trong lúc tôi còn sinh hoạt với Gia đình, nếu có điều gì phật ý các bạn cũng hoan hỷ bỏ qua vì tuổi trẻ nhiều háo thắng chắc không tránh khỏi lỗi lầm. Việc âm thầm ra đi của tôi cũng là điều lỗi nữa, vì đã không báo trước các bạn hay; lại cũng im lìm chẳng tổ chức tiệc tùng đưa tiễn. Như các bạn thấy đó, tôi đâu có được gia đình chấp thuận cho đi tu, nên phải trốn cha mẹ lặng lẽ ra đi trong đêm khuya. Việc công khai của tôi cho mọi người biết là điều không thể, nên các bạn phải thông cảm cho tôi ở điểm này. Có điều tôi mong ước là trong số các bạn có ai dám theo tôi vào ở chùa không? Nếu có bạn nào làm được như vậy, chúng ta sẽ kết thành huynh đệ, pháp hữu với nhau lâu dài, không những trong đời này mà còn ở kiếp khác nữa, để cùng nhau phụng sự Tam Bảo. Mấy lời phát xuất tự trong đáy lòng chân thật của tôi, mong các bạn mạnh khỏe và luôn dũng tiến trên đường đạo. Bên dưới bức thư ký tên: Lê Văn Cư.
Và lá thư thứ ba: gởi Bác gia trưởng và các huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Hà Linh, nhằm mục đích xin vắng mặt trong các buổi sinh hoạt, cám ơn Bác gia trưởng cũng như các anh chị huynh trưởng đã tận tình giúp đỡ và dành cho tôi nhiều cảm tình quý mến. Xin gởi lại bao niềm lưu luyến tình lam với Bác gia trưởng và các anh chị trưởng. Cầu chúc tất cả tinh tấn.
Đi về hướng nào
Sáng ra, cả gia đình đều hoảng hốt, ai nấy nhìn lên bàn thấy mấy phong bì thơ còn để ngổn ngang, nhất là lá thư tôi viết từ giã gia đình cha mẹ và mấy anh chị tôi, theo lời anh tôi kể lại, đều khóc nức nở. Nhưng không ai biết được tôi đã đi về hướng nào và đi tới đâu? Mỗi người nhìn nhau không nói, và ai nấy đều tỏ ra lo lắng tột cùng vì đều cùng mang một tâm trạng buồn và nghĩ ngợi khác nhau.
Tôi và hai người bạn nhè nhẹ gài cửa rồi nhẹ bước ra đi trong khi mọi người còn đang ngon giấc. Cũng như cuộc vượt thành xuất gia của Thái tử Tất Đạt Đa năm xưa. Thái tử rời hoàng cung với con ngựa Kiền Trắc và người hầu Xa Nặc; còn tôi đi chẳng có ngựa và kẻ tùy tùng mà lội bộ lô ca chân mệt nghỉ. Tất Đạt Đa ra đi từ cửa thành phía Đông bằng cưỡi ngựa đến dòng sông A Nô Ma, cách xa đến 60 cây số rồi cắt tóc cởi áo hoàng bào trao cho Sa Nặc đem về giao lại phụ hoàng. Biến cố lịch sử đầy bi hùng đó còn lưu lại với bài hát dòng A Nô Ma mà chúng tôi rất ưa thích, nên ghi lại đây tặng quý độc giả:
Dòng A Nô Ma sóng nhấp nhô bờ lau xanh
Nhìn làn nước biếc Thích Ca Ngài lòng vững bền
Thôi con hãy về để ta vui ánh vàng
Ta đã quyết tìm đạo sáng cứu chúng sanh
A Nô Ma vẫn còn nhớ ghi gương sáng ngời
Chúng ta giờ đây nguyền noi gương đức từ bi.
Còn tôi chẳng có gì trao lại các bạn đem về cho gia đình làm tin hết.
Đi tới quốc lộ số 1, chúng tôi chia tay hai người bạn khi chiếc xe đò Phi Long - Sài Gòn - Đà Nẵng vừa trờ tới. Hai bạn tôi nghẹn ngào rơi nước mắt lúc vẫy tay chào từ giã và cứ đứng đó trông theo mãi cho tới khi xe chạy mất hút mờ dần họ mới uể oải trở về mà trong tâm trạng vô cùng lo lắng, vì họ không biết tôi đi về ngã nào để mách tin cho gia đình nhất là cha mẹ tôi đang chờ tin từng giờ từng phút. Xe tới Đà Nẵng là trạm cuối cùng, tôi đón xe tiếp đi về hướng Non Nước - Ngũ Hành Sơn. Sở dĩ rành đường đi nước bước là do tôi có tham gia cuộc du ngoạn trước đây của Gia Đình Phật Tử Hà Linh, nên biết Hòa thượng Hương Sơn và chùa Linh Ứng tại Non Nước. Đó là chuyện đoàn thể, việc của Gia Đình Phật Tử, còn hôm tôi đến sáng sớm hôm đó chỉ một mình trơ trọi khiến cho Thầy tôi phân vân nghĩ ngợi không ít.
Vừa chợt thấy thầy Sơn nhanh nhẹn hỏi:
Cần điều cho con tới sớm nơi này.
Tôi quỳ thưa: Xin học đạo từ đây
Được hứa khả sau một hồi suy nghĩ…
Vì tôi là một thiếu niên nên Thầy cần biết rõ lý do xuất gia phải được vị gia trưởng hay người giám hộ gửi gấm hoặc giới thiệu mới đúng. Nhờ có quen trước đây nên thầy không ngại nhận cho tôi ở chùa sau khi đã hỏi sơ vài điều lý lịch và cho xuống phòng chúng. Từ đây tôi bắt đầu nghiền ngẫm về việc đi chùa hay ở chùa của người Phật tử:
Có ba thái độ đi chùa
Ngỡ ngàng, xa lạ, vui đùa giải khuây
Xem chùa là chuyện của thầy
Vòng ngoài ngắm cảnh ai hay làm gì
Thiện nam tín nữ tu trì
Gặp nhau niệm Phật A Di chào mừng
Hai tay chắp lại ung dung
Thân thương hòa ái vô cùng thiết thân
Tuy xa đồng cảm như gần
Chùa ta xây dựng ân cần từ đây
Tới lui học đạo lâu ngày
Thấm nhuần kinh kệ giải bày tâm tư
Bây giờ ai cũng xem như
Chùa chung bá tánh riêng tư đâu còn
Từ đây vào thẳng bên trong
Tự tin cảm thấy cõi lòng an nhiên
Mái chùa che chở hồn thiêng
Trẻ già, trai gái đồng nguyền tiến tu
Sớm chiều kinh kệ công phu
Xây đời an lạc đắp bù gia công
Quả xinh tu tạo nhân trồng
Tương lai bồi đắp cha ông đạo nhà
Mái chùa đầm ấm thiết tha
Cháu con giữ lấy món quà tâm linh.
(Sông Thu)
Ba thái độ đi chùa của Phật tử xưa nay
Xem chùa là của thầy, thứ hai xem chùa như của mình và thứ ba: chùa là của thập phương bá tánh. Ít nhất chúng ta phải cần đi sâu vào nếp sinh hoạt chùa chiền mới không làm khách bàng quan chỉ ngắm cảnh chụp hình đi dạo ở vòng ngoài rồi thôi. Đó không phải thái độ đi chùa đúng nghĩa, vì còn thấy có sự phân biệt ngăn cách giữa mình và chùa. Chẳng hạn, ăn uống ở chùa phải đợi mời mọc, nếu không là trách cứ, giận hờn, bỏ chùa… như thế đâu có đúng ý nghĩa đi chùa. Người Phật tử tới chùa nên xem như việc nhà của mình mới tự tại mà không phiền não; rồi lâu dần tiến tới xem chùa là ngôi nhà chung của thập phương bá tánh.
Kể cả người tu ở chùa, nếu nhìn khách quan, chắc chắn chùa không bao giờ phát triển được. Mọi người con Phật dù tại gia hay xuất gia cũng phải nhiệt tình tham gia đóng góp để bảo vệ ngôi chùa làm hiển phát chốn già lam, như câu nói quen thuộc trên môi của nhiều người “chùa chiền”, hết người này trông nom chăm sóc đến người khác cũng giữ gìn chốn thiền môn như vậy. Hẳn là thiền môn nghiêm tịnh (thanh tịnh) chúng lý an hòa và người thí chủ đàn na đem của cúng dường chùa được tăng phước thêm thọ. Cũng như con chim mẹ dẫn dắt tập chim con bay lúc mới biết bay chập chững, nó đứng nhử chim con chuyền gần rồi từ từ đi xa hơn một chút, tập con nó cứ chuyền hết cành này sang cành khác, hết cây này qua cây kia. Suốt cả buổi chú chim con bay xa sải cánh vững chãi mà không sợ rớt té nguy hiểm. Nếu ai cũng quan niệm duy trì giữ gìn ngôi chùa một cách nhiệt thành bằng khả năng và thiện chí, chúng ta tin chắc rằng ngôi chùa trở nên tươi mát có hồn và thanh tịnh.
Mới bước chân vào chùa sống đời phạm hạnh, tôi lại suy nghĩ miên man về việc này, có lạc đề không nhưng đây là một phần để làm nguôi quên cuộc sống của tôi hiện tại, như có vẻ đầy xúc động đối với người thân. Và phần nữa, cũng nhân cơ hội này tôi mong mỏi những ai là Phật tử chân chánh mà trong đó có thân bằng quyến thuộc của tôi, nên thay đổi thái độ đi chùa, nhằm đóng góp trực tiếp trong việc bảo vệ chùa chiền. Lâu nay chúng ta sống trong cảnh co cụm do người ngoại quốc chi phối, hết Tàu, đến Pháp rồi Nhật Bản, làm cho niềm tin Phật của người Phật tử lỏng lẻo bị chao đảo. Nếu không muốn nói là người Pháp như muốn đồng hóa Phật với đạo thờ thần để họ dễ dàng cai trị người Việt trong gần một trăm năm đô hộ từ 1859 đến 1945.
Đây đề cập sơ nếp sinh hoạt của tôi ở chùa như là một kinh nghiệm thời niên thiếu. Ở chùa bận rộn nhất là những dịp quốc lễ. Du khách các nơi đổ dồn về Non Nước để chiêm bái rất đông. Họ không phải chỉ có thuần túy là người Việt mà ngay cả du khách ngoại quốc cũng đông không kém. Ngũ Hành Sơn vốn đã nổi tiếng từ lâu về cảnh trí đẹp và nhất là các di tích lịch sử như hang động Huyền Không, Vân Căn Nguyệt Quật, động Tàng Chơn, vọng Giang Đài, vọng Hải Đài, giếng tiên… Du khách tới lui viếng chùa tấp nập, nên tăng sinh chúng tôi phải bận rộn suốt ngày, vì thế thì giờ như phần nào bị eo hẹp lại không đủ. Chúng phải dành nhiều thì giờ vào học tập kinh kệ gồm hai buổi sáng và chiều. Một vấn đề thật hết sức nan giải cho vùng núi cao này là nước uống. Từ khi chưa có xi tặc xây trên núi, mỗi lần có lễ lộc, tăng sinh chúng tôi phải xuống tận dưới chân núi lấy nước giếng gánh đem về cho du khách dùng.
Chế độ ăn uống ở chùa lại quá kham khổ, còn việc học hành thì thiếu thốn mọi phương tiện như sách vở, đèn đuốc, bút mực hay kể cả quần áo. Mỗi bữa ăn nhìn trên bàn chỉ cơm là chính, còn thức ăn ngoài rau muống luộc với lại thêm món nước luộc rau ấy bỏ lỏng bỏng mấy miếng cà chua làm canh. Thế nhưng tăng sinh chúng tôi ăn cảm thấy ngon miệng đáo để, một phần nhờ số đông, và phần khác do sức lực tuổi trẻ đang vươn sức sống. Ban đêm, chúng tôi học với cây đèn dầu hôi bóng hột vịt, vì vào thập niên 50 ấy, vùng núi Non Nước làm gì có điện như ngày nay. Sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn ấy, nhưng tăng sinh chúng tôi rất lấy làm vui và ai cũng ưa thích nhờ được tu và được học bên thầy thương bạn mến làm trưởng dưỡng đạo tâm cho người học đạo xuất thế.
_________________________
Đất nước Quảng Nam trong hiện tại có nhiều người ngoại quốc biết đến là nhờ có phổ cổ Hội An và Mỹ Sơn. Đây là hai địa phương trong lúc chiến tranh ít có người nhắc đến, nhưng vào thời bình, đã có rất nhiều người vãng lai. Đứng về phương diện lịch sử thì đã có nhiều người biết, nhưng đứng về phương diện địa lý cũng như địa linh nhân kiệt thì quả là Quảng Nam có nhiều điều đáng nói, trong đó có hai địa danh này.
Từ năm 1600 đến năm 1640 cửa biển Hội An luôn có thuyền buôn tấp nập đến từ Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Độ và xa hơn nữa như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hòa Lan, Pháp, Ý v.v... Vì lẽ Chúa Nguyễn ở Đàng Trong chủ trương tự do mậu dịch; trong khi đó vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài sợ áp lực của Trung Quốc nên ngoại giao với chính sách bế quan tỏa cảng.
Từ đó đến nay suốt trên dưới 400 năm lịch sử đã có không biết bao nhiêu người đến và cũng có không biết bao nhiêu người đã ra đi và cũng không ít những người đã nằm xuống tại thành phố này. Có những ngôi chùa được xây lên và cũng đã có không biết bao nhiêu thành trì bị đập phá. Cũng có lắm trường học được tân trang trên những ngôi chùa cổ của Chiêm Thành còn sót lại một vài di tích cũ.
Hội An nằm bên bờ sông Thu, chảy ra cửa Đại. Vì vậy Hội An là cái đích để cho bên lở bên bồi và thành phố này cũng đã phải hứng chịu không biết bao nhiêu thiên tai, lụt lội và bão táp, mưa sa. Thế nhưng ngày nay Hội An vẫn còn đó với những mái ngói rêu phong cổ kính được lợp theo lối âm dương theo người nhà Minh bên Trung Quốc. Vì lẽ cư dân ban đầu đến đây là những người chạy tỵ nạn nhà Thanh (1640) và mong phục hồi lại nhà Minh, nên những gì tốt đẹp của nhà Minh, người Trung Quốc tỵ nạn tại thành phố này đều giữ gìn rất cẩn mật.
Dòng sông Thu Bồn bắt đầu từ thượng nguồn của dãy Trường Sơn, mang phù sa đến bồi đắp cho các làng dọc suốt một chặng đường dài trước khi đổ ra cửa Đại. Dòng sông này ngày nay đã đi vào thi ca và lịch sử. Sông không sâu nhưng cũng đủ để cho trẻ mục đồng ngạo nghễ dắt trâu qua lại đến giữa dòng. Mùa mưa nước đổ xuống từ thượng nguồn đã khiến cho dòng sông trở nên hung dữ. Chính sông này đã nuôi sống không biết bao nhiêu con người, mà chính dòng sông này cũng đã mang theo không biết bao nhiêu sinh mạng của người và vật khi những cơn lụt lội tràn về.
Mỹ Sơn nằm về mạn Bắc của Cầu Chìm và Hòn Non Trược. Đây là địa danh và là kinh đô cổ nổi tiếng của người Chàm vào thế kỷ thứ 10 đến 16. Vua Trần Nhân Tông gả Huyền Trân Công Chúa cho Chế Mân vào cuối thế kỷ 13, có lẽ nàng đã về làm dâu tại cố đô này. Sau khi rước dâu về nước, Châu Ô và Châu Lý mới được sát nhập vào nước Đại Việt của chúng ta. Do vậy kinh đô này đã nổi tiếng một thời qua mối tình Chiêm Việt cách đây 700 năm ấy.
Ngày nay Mỹ Sơn cũng chỉ còn lưu lại dấu vết của những thành quách đã đổ nát, nhưng đã vang bóng một thời. Bây giờ nếu có ai đó tìm lại chốn này cũng chỉ để nhớ thương cho một thời dĩ vãng đã trôi qua trong ngậm ngùi thương tiếc. Vì người xưa bây giờ đâu còn nữa.
Tổ Tiên tộc Lê của tôi có lẽ đã từ Thanh Hóa hay Nghệ An vào đây lập nghiệp từ thuở xa xưa ấy và làng nơi tôi được sinh ra nằm tại ấp Mỹ Hạc, xã Xuyên Mỹ, quận Duy Xuyên thuộc tỉnh Quảng Nam ngày nay. Địa phương này nằm gần Quốc lộ 1 và ở vị thế trung gian giữa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An nên vấn đề giao thông cũng rất thuận lợi.
Ngày xưa chắc nơi này còn trống vắng, chim hạc về nhảy múa, quây quần, nên những người di dân đến đây đặt cái tên nghe thật hay, vì có sự hiện hữu của loài chim quý ấy chăng? Tên thôn đã đẹp mà tên xã cũng đẹp nữa. Vì nơi đây có con sông Thu Bồn uốn khúc; nên gọi là xã có dòng sông đẹp và xã này là 1 trong 18 xã của quận này, chung quanh bao bọc bởi sông nên gọi là Duy Xuyên. Ông bà mình ngày xưa khi đặt tên địa phương thường hay chọn những danh từ tượng trưng hay tượng thanh để đặt và ngay cả tên người cũng vậy. Đây có lẽ là cái chất phác của nhà nông đã sản sinh ra những tâm hồn thật thà như vậy.
Tôi ra đời tại nơi đây vào năm 1949. Thời điểm này mới sau khi chấm dứt Đệ nhị Thế chiến mấy năm (1945) và đây cũng là thời gian tranh giành của các Đảng Phái để đến năm 1954 quê hương tôi lại bị chia đôi vào ngày 20 tháng 7 ở vĩ tuyến 17, nơi sông Bến Hải hiền hòa kia. Quê hương tôi đã nhiều lần bị chia cắt ở sông Gianh, sông Bến Hải và cũng đã được thống nhất nhiều lần, nhưng lòng người ở hai miền bị chia cắt và mỗi lần thống nhất lại với nhau như thế lại nghi kỵ cũng như tìm cách thôn tính, sát phạt nhau. Đây là nỗi đau thương của dân tộc, mà con người phải nhận lấy hậu quả ấy.
Chung quanh nhà tôi ở có vườn và bao bọc vườn có ruộng. Vườn dùng để trồng rau cải cung cấp nuôi dưỡng cho gia đình. Nếu rau cải dư, nhổ đem ra chợ đầu làng bán để đổi lấy mắm, muối, cá tôm. Trong vườn nhà có trồng cau, trầu, bí, bầu, mướp, đậu. Trong vườn có thêm chuồng trâu bò và heo gà nữa. Thỉnh thoảng gà vịt cũng hiện hữu trong khung cảnh của một nhà nông ở miền quê.
Nước uống được lấy từ giếng. Nước này dùng để nấu ăn, tắm giặt và chùi rửa. Thức ăn đã có gạo, bắp, cây trái quanh năm nơi vườn nhà cung cấp.
Ruộng có hai loại. Đó là ruộng cao và ruộng thấp: Ruộng cao dùng để trồng khoai lang, sắn, bí, bầu, đậu, rau. Ruộng thấp dùng để trồng lúa và cho nước vào để nuôi sống cây lúa, chờ cho đến ngày trổ đòng đòng, kết thành bông, thành trái và chờ ngày lúa chín vàng thì gặt đem về phơi khô để cho vào vựa hay vào lu. Người ta làm ruộng rất công phu. Ngày xưa không có máy móc thì dùng sức người và sức trâu bò là chính. Đây là sức lực để xới lên những luống đất đã bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Sau khi cày xới lên rồi, người ta phải làm cho đất nhuyễn lại và bón phân vào. Tiếp đến hạt giống được trỉa vào đây và chờ ngày cho hạt giống ấy nảy mầm, sau đó bón phân và tỉa lá v.v…
Trong khi đất thấp phải cho nước vào để cày, rồi bừa; khiến cho đất nhuyễn ra và người ta đem mạ cấy trồng vào nơi những thửa ruộng đã chứa đầy nước và phân này. Độ một tháng sau là lúa đã bắt đầu xanh. Có nhiều loại lúa 3 tháng đã có thể gặt được; nên gọi là lúa Ba Trăng. Có nhiều loại lúa cần thời gian lâu hơn; nhưng ngày nay có những loại lúa trồng trong một thời gian rất ngắn đã có thu hoạch rồi.
Nhà tôi không nghèo mà cũng chẳng giàu. Vì trong nhà không có người giúp việc. Tất cả mọi công việc đều do cha mẹ và các anh chị tôi đảm trách. Nếu ngày mùa đến, trong làng hay làm việc theo cách vần công với nhau; nghĩa là ngày hôm nay nhà này có cấy lúa thì mấy người chị đến cấy giùm cho họ và ngày sau nhà mình cấy lúa thì những người mà ngày trước mình đi cấy, họ đến nhà mình cấy để trả công trở lại. Đây gọi là cấy vần công; không tính đến tiền bạc. Không biết ngày nay sau bao nhiêu biến thiên của thời đại và lịch sử công việc nông tang của những ngày xa xưa ấy có còn giữ lại chăng hay đã vang bóng một thời?
Nhà nông mỗi năm có 2 mùa mưa nắng. Mùa nắng họ lo cày bừa gặt hái. Mùa mưa họ lo ươm tằm dệt lụa, chằm nón, hái rau và làm những nghề phụ nhẹ nhàng khác, nhằm tăng thêm phần thu hoạch cho gia đình. Có một lần nào đó tôi đã viết về “chiếc nón bài thơ” đã có lần đăng trên báo Viên Giác và sau này có đăng vào trong tuyển tập truyện ngắn kỷ niệm 25 năm chùa Viên Giác. Đây là kết quả của những công việc không tên lúc tôi còn nhỏ đã phụ giúp gia đình.
Gần xã Xuyên Mỹ là xã Xuyên Châu; nơi dệt lụa và nuôi tằm rất nổi tiếng. Lụa Mã Châu là lụa có tiếng từ xưa đến nay. Nơi đây cũng đã ghi lại dấu chân của người học sĩ tài ba Lê Thanh Hải, sau này đi xuất gia có pháp hiệu là Thích Tâm Thanh. Quê tôi nghèo hơn nhiều quận lỵ khác; nhưng được cái là giàu phước và giàu đức; nên trong làng tôi có đến 50 người đi xuất gia; ngày nay đa phần là Hòa Thượng, Thượng Tọa, Sư Bà, Ni Sư. Riêng gia đình tôi đã có hai vị Hòa Thượng. Nếu kể luôn cả những xã lân cận trong quận thì con số xuất gia khó tính hết được. Vào ngày 27 tháng 10 năm 2012 vừa qua, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc và tôi đã về Chiangmai, Thái Lan để dự lễ khánh thành ba tôn tượng Tây Phương Tam Thánh tại chùa Cực Lạc Cảnh Giới do Thầy Hạnh Nguyện trụ trì; chúng tôi đã tạo ra một cơ hội thứ 2 để sum họp gia đình (lần thứ nhất vào năm 2010). Lần này chỉ 100 người và lần trước có cả 200 người đến từ Việt Nam tham dự; trong đó những thành viên 4 đời của gia đình gần 100 người và 100 người còn lại kia là quý Thầy Cô và bạn bè đến từ quê hương xứ Quảng. Lần này cháu Lê Văn Sinh phát biểu rất hay, đại ý như thế này:
“Có người nằm mơ, sáng hôm sau trở thành triệu phú; nhưng ít ai có thể nằm mơ để một sớm một chầy mà trong một gia đình đã có hai vị Hòa Thượng đang nổi tiếng một thời.”
Câu nói tuy đơn sơ mộc mạc; nhưng phải trải nghiệm qua một thời gian dài hành đạo trên dưới 50 năm mới có được ngày hôm nay như vậy. Hòa Thượng Thích Bảo Lạc xuất gia từ năm 1957 đến nay 2013 là 56 năm và tôi xuất gia từ năm 1964 đến nay là 48 năm. Gần nửa thế kỷ ấy, chúng tôi là những người xuất thân từ quê hương xứ Quảng này và chính quê hương Xuyên Mỹ thân thương ấy đã có lần Thầy Hiệu Trưởng trường Tiểu Học tại đây tên là Phan Thế Tập pháp danh Như Thể đã có bài thơ rằng:
Xuyên Mỹ ơi! chiều nay ta nhớ lắm
Nhớ Mỹ Đình xanh biếc những hàng cau
Nhớ Mỹ Nga chạy dài bên ruộng lúa
Nhớ Mỹ Xuyên vườn tược muôn màu
Ta về đây! Ta về thăm Xuyên Mỹ
Thăm những nàng chằm nón tuổi đôi mươi
Da trắng, mắt xanh miệng mãi tươi cười
Tâm hồn đẹp trong thân hình tráng kiện...
Chỉ ngần ấy vần thơ cũng đã diễn tả được trọn vẹn hình ảnh của quê hương tôi của những ngày tháng thanh bình rồi.
Thời gian từ năm 1949 đến đến năm 1958 tôi không thể mường tượng nổi việc gì đã xảy ra với chính mình. Khi hỏi lại anh chị tôi, thì chẳng có người nào có thể kể lại mạch lạc việc gì cả. Có lẽ thời gian đã trôi qua quá lâu và việc nông tang, đồng áng chồng chất lên hai vai người nông dân xứ Quảng nên chẳng ai muốn để ý đến việc gì của tuổi thơ, dầu cho đó là của mình hay của những người thân trong gia đình mình đi nữa.
Thời gian tôi nhớ rất rõ là kể từ năm 1956 đến nay. Thuở ấy tại làng Mỹ Hạc có một ngôi trường vách bằng phên tre. Mái lợp rạ, có 3 gian dùng để dạy học. Trường này nằm ngay nơi vị trí cây Duối; nên gọi là trường Cây Duối. Cây Duối không phải là cây Đa mà cũng chẳng phải là cây quít, cây mận. Hình ảnh cây Duối không lớn như cây đa, mà cũng chẳng nhỏ như cây quít. Lá màu xanh, cành chen với lá và đến mùa cho quả vàng, lũ học trò nhỏ chúng tôi rất vui khi nhặt những quả này để cho vào miệng; nhưng ở dưới cội Duối này người ta hay đem những bình vôi sứt miệng để vào đó và nhiều người bảo rằng: Nơi ấy linh thiêng lắm; nên bọn nhỏ chúng tôi chẳng ai dám leo trèo lên thân cây Duối, mà chỉ đứng chung quanh để hái quả mà thôi.
Cha tôi sắm cho tôi một bình mực và một cây bút rông (rond), một quyển tập và dẫn tôi đến trường. Hôm ấy là một buổi sáng mai mùa thu năm 1956. Thầy giáo dáng người thấp, tóc hớt ngắn gọn, tuổi độ 18, 20. Ông tên là Trịnh Đức Hoàng. Những ngày đầu ông ta nói gì chúng tôi không rõ, mặc dầu đều là tiếng Quảng Nam. Thầy người xã An Bình vào đây dạy học. Thuở ấy tôi chẳng biết ai trả lương cho Thầy, nhưng chúng tôi thì chỉ có bề chăm lo học tập. Đầu tiên Thầy viết lên bảng mấy chữ cái: a, b, c, d, đ rồi bắt chúng tôi lặp lại. Sau đó tập viết và tập học thuộc lòng. Những ngày đầu lũ trẻ chúng tôi chỉ thích chơi và ít ham học, cho nên Thầy cho về sớm và ngày 2 buổi chúng tôi vẫn cắp sách đến trường như vậy, bất kể là mưa nắng. Ngày trời mưa Mẹ tôi cho tôi một cái tơi chằm bằng lá núi để đi học. Cái tơi có 2 cánh tay xỏ vào và ở xa trông như một con gà con mới vừa mọc cánh; nhưng rất ấm; nếu có gió lạnh từ phương xa thổi đến. Sau này mới có áo mưa làm bằng nylon, chứ ngày ấy bọn học trò chúng tôi toàn mang những chiếc áo tơi được chằm bằng lá rừng ấy.
Từ vần đơn đến vần kép, từ vần xuôi đến vần ngược… cả năm 56 - 57 ấy chúng tôi đã học xong năm dự bị và cũng còn gọi là lớp Năm của thời ấy. Niên khóa sau 1957-1958 tôi được lên trường Mỹ Hiến để học lớp Tư cũng do Thầy Trịnh Đức Hoàng dạy. Niên học ấy tôi chẳng biết mình đã học được những gì; nhưng chỉ nhớ có mấy việc như sau:
Việc đầu tiên là con đường từ nhà đi qua mương nước, đi quanh qua nhà chị Hai; sau đó qua một bãi tha ma; đến một quán bán lẻ và cuối cùng mới đến trường. Trường bấy giờ được xây bằng gạch và có 4 bức tường ngăn mưa gió; không như trường Cây Duối của năm học vừa qua. Cái ngán của tuổi thơ là sợ ma khi đi ngang qua dãy mồ hoang vắng ấy. Nếu lúc đó có trẻ con nào nghịch ngợm làm ma để nhát, chắc hồn vía tôi cũng sẽ chạy đi chơi nơi khác rồi. Cũng hên là chẳng có trò nào làm việc ấy.
Thấy lũ bạn uống chai xá-xị màu tím tím, xanh xanh phát thèm mà chẳng có tiền để mua. Cứ đứng đó mà nhìn. Chẳng bù lại với ngày nay, có không biết bao nhiêu là nước giải khát; nhưng đâu có uống hết được thứ nào!
Còn trò chơi thuở ấy, lũ học trò của chúng tôi bẻ những cây keo để làm que, còn trái keo dùng để ăn; nhưng rất hôi miệng. Cầm một nộm que và một hòn sỏi thảy lên để đếm hơn thua. Ngoài ra trò nhảy dây và chơi đòn gánh cũng là những môn quen thuộc thuở bây giờ. Đứa nào hay đội nào thua thì phải cõng đội thắng đi một hay ba vòng. Thế là huề.
Cuối năm 1956 tất cả chúng tôi đều được lên lớp và được dời lên Trường Tiểu Học Xuyên Mỹ ở tận trên Miễu Cây Kén, cách nhà chừng một cây số đi bộ. Niên khóa năm 1958-1959 tôi học lớp Ba; năm 1959-1960 học lớp Nhì và năm 1960-1961 học lớp Nhất. Các lớp này do Cô giáo Cửu, Thầy Nhượng, Thầy Tải và Thầy Phan Thế Tập dạy.
Thông thường các Trường Tiểu Học thuở ấy chỉ học có buổi sáng và buổi chiều thì học trò giúp việc đồng áng cho gia đình. Những môn học được dạy nơi này là: Toán, tập đọc, văn, công dân giáo dục, sử, thể thao v.v… Chương trình học không khó lắm; nhưng tôi thì học dốt vô cùng. Vì lẽ về nhà không có người kèm thêm. Tất cả đều tự học; nên cuối năm tốt nghiệp Tiểu Học ấy tôi đứng hạng gần chót trong số 36 học sinh lúc bấy giờ. Tự nhiên cũng chẳng buồn, vì chẳng nghĩ đến tương lai là gì và phải cần những gì nữa; nên học xong về nhà xếp vở lại để đó.
Trong những năm học tại Trường Tiểu Học Xuyên Mỹ này tôi có quen thân với hai người bạn tên là Nguyễn Thông và Phan Đức Lợi; nhưng nay thì hai người này cũng không còn trên dương thế nữa để chuyện trò. Phan Đức Lợi sau khi tốt nghiệp Tú Tài II ở Việt Nam, sang Nhật Bản du học vào năm 1970. Năm 1972 khi tôi sang Nhật có gặp Lợi một hai lần. Sau năm 1975 chúng tôi không còn gặp nhau nữa vì chính kiến khác nhau. Bẵng đi một thời gian không liên lạc, sau đó nghe Thông cho biết là Lợi đã bị bịnh gan và đã qua đời tại Nhật cách đây độ 10 năm về trước. Đây là một người bạn thuở ấu thơ vẫn còn ghi đậm dấu ấn, ân nghĩa nghìn trùng.
Người thứ hai là Nguyễn Thông, sau khi xong Trung Học tại miền Trung, Thông vào học Đại Học Vạn Hạnh ở Sàigòn; đến năm 1975 tốt nghiệp phân khoa báo chí, sau ra làm cho báo Saigon Times; nhưng cách đây 2 năm Thông đã quy y Tam Bảo với Pháp danh là Nguyên Minh và cũng đã ra người thiên cổ với tuổi đời chỉ mới 62 lúc ấy để lại một vợ và hai con, trong khi con đường công danh còn rạng rỡ. Quả thật duyên và nghiệp, tốt và xấu… cuộc đời này luôn có nhiều mặt khác nhau. Không ai ngờ được mà cũng chẳng ai tránh được bởi hai chữ vô thường.
Giờ này có nhắc đến hai bạn thời còn học Tiểu Học thuở xa xưa tại làng quê Xuyên Mỹ tôi chỉ nhớ đến gương mặt hiền từ của hai bạn mà thôi. Rồi đây kẻ trước người sau, ai rồi cũng phải bước qua chiếc cầu sanh tử ấy cả.
Dưới những tàng cây phượng vĩ trổ bông vào hè nơi mái trường Tiểu Học Xuyên Mỹ ngày ấy đã để lại trong tôi không biết bao nhiêu là dấu ấn của tuổi thơ. Thuở ấy đọc và viết được chữ quốc ngữ là một hãnh diện cho gia đình và cả làng xóm nữa. Cho nên sau Tiểu Học có nhiều người đã tiến vào Trung Học, là những cánh cửa đang đợi chờ họ và mang đến cho họ một tương lai rực rỡ hơn. Còn tôi có lẽ có nhân duyên với cửa chùa; cho nên chùa chiền vốn là nơi quen thuộc để tôi lui tới.
Thuở thanh bình của những ngày tháng có trăng rằm và không trăng như mồng một Gia Đình Phật Tử Hà Linh thường sinh hoạt; tôi theo Dĩnh là đứa cháu lớn trong nhà để tập tễnh vào sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử này. Chùa Hà Linh nằm gần Quốc lộ 1. Từ nhà tôi, muốn đến đây phải trải qua một cánh đồng bát ngát toàn là những ruộng lúa và bí khoai. Ngày nay Chùa Hà Linh vẫn còn đứng sừng sững đó với gió sương và ghi lại không biết bao nhiêu là chứng tích của lịch sử. Nào là chiến tranh đổ nát thời chinh chiến: Nào là vị Hội Trưởng này qua đời, vị Hội Trưởng kia kế nhiệm. Chùa cũng đã cung thỉnh các vị Cao Tăng đại đức từ Tỉnh Hội về đây làm lễ quy y truyền giới cho hàng trăm, hàng ngàn Phật Tử và thuyết pháp cho họ nghe để họ trở nên những người lương thiện. Chùa cũng đã nuôi dưỡng những tâm hồn trẻ thơ và nay có những người trở thành Hòa Thượng, Sư Bà… Nơi đây đã sản sinh ra không biết bao nhiêu con người như vậy.
Vì là chùa quê, không có bánh trái nhiều vào những ngày rằm hay mồng một; nhưng tôi nhờ theo Mẹ đi chùa từ tấm bé; nên hình ảnh của ngôi chùa, lòng từ bi của Đức Phật đã thấm nhuần trong từng hơi thở, từng giọt máu của mình. Dẫu cho nhân thế có đổi thay qua bao nhiêu triều đại; nhưng chính hình ảnh ngôi chùa này là hình ảnh của dân tộc tôi đã cưu mang và che chở cho dân mình qua không biết bao nhiêu là chặng đường của lịch sử. Chùa không đứng bên này hay bên kia, mà đứng lên trên và đứng ra ngoài mọi tranh chấp của đời thường. Vì lẽ tính dân tộc không mang màu sắc này hay màu sắc khác mà hồn thiêng ấy chỉ có hun đúc từ bi, lòng vị tha, chứ không dung chứa một thói tật nào.
Nếu tôi không nhờ Cha và Mẹ hướng dẫn cho đi chùa làng từ thuở nhỏ thì mình đã không có ngày hôm nay được sống dưới sự chở che của mái nhà Phật Pháp như thế này. Chính tinh thần ấy, sự sống này đã gói trọn tình quê trong tôi, dầu đi đâu hay sống bất cứ nơi nào trên quả địa cầu này. Đi đến đâu và ở đâu, hình ảnh ngôi chùa xưa là một chất liệu dưỡng nuôi cho tâm thức mình trên vạn nẻo đường trần.
Từ khi đi Oanh Vũ của Gia Đình Phật Tử Hà Linh, rồi lên ngành Thiếu cho đến ngày đi xuất gia, tôi đã thuộc khá nhiều bài hát như: Trai Đoàn Áo Lam.
Trai đoàn áo lam tiến bước lên đường
Nhịp nhàng theo gió sớm về ngát hương
Tâm hồn sáng tươi chứa chan niềm vui
Đem bao chí cường ngợi ca đạo thiêng …
Hay bài :
Một hôm (một hôm) mồng một đến chùa
Em đi (là đi) với Mẹ mua vài hoa sen
Đến chùa (đến chùa) dâng cả hồn em
Lên trên (là trên) Đức Phật lòng em chí thành
Nhịp kinh (nhịp kinh) vang dậy trong lòng
Hòa theo (là theo) tiếng mõ chuông đồng vang đưa
Mối tình (mối tình) mến cảm khi xưa
Còn ghi (là ghi) trong dạ trẻ thơ tâm thành
Cầu xin (cầu xin) Phật Tổ ban lành
Từ bi (là bi) gia hộ con thành trẻ ngoan
Từ rày (từ rày) con bỏ chơi hoang
Và chuyên (là chuyên) đi họp đoàn con vui vầy …
Hay bài : Dòng A Nô Ma
Dòng A Nô Ma sóng nhấp nhô bờ lau xanh
Nhìn dòng nước biếc, Thích Ca Ngài lòng vững bền
Thôi con hãy về để ta vui ánh vàng
Ta đã quyết tìm đạo sáng cứu chúng sanh
A Nô Ma vẫn còn khắc ghi gương sáng ngời
Chúng ta giờ đây nguyện theo Đức Từ Bi
Thành Ca Tỳ La sống yên vui đời Tịnh Vương
Người người vui sướng Thích Ca Ngài vừa giáng trần
Muông chim hát mừng lá hoa hương ngát trời
Muôn hào quang ngời rạng chiếu khắp núi sông …
Rồi “dây thân ái”, “Chị Trưởng chúng em” v.v… có thể tôi không còn nhớ mạch lạc được nữa; nhưng những bài hát như vậy đã ăn sâu vào tâm thức của tuổi thơ tôi lúc nào chẳng biết, qua hình ảnh chiếc áo lam của Gia Đình Phật Tử, hình ảnh chiếc áo nâu của các vị Tăng Sĩ v.v… tất cả là những hình ảnh đẹp để mang tôi vào Đạo sau này.
Vào ngày mồng 8 tháng 2 âm lịch năm 1957, anh trai tôi (sau này là Hòa Thượng Bảo Lạc) trong đêm khuya đã trốn nhà đi ra Chùa Non Nước để xuất gia. Thuở ấy tôi mới 8 tuổi Tây (9 tuổi ta); cái tuổi chưa biết gì nhiều; nhưng khi nghe cha mẹ và các anh chị khóc lóc, cố đi tìm cho ra dấu vết, sau khi đọc những bức thư của anh để lại thì mới biết rằng người anh thứ bảy ấy không còn ở lại với gia đình nữa. Năm đó anh 15 tuổi. Quả thật là một điều lạ với xóm làng. Vì thuở ấy trong làng tôi chưa có ai đi tu cả; ngoại trừ Sư Bà Diệu Tâm, nhà ở bên trên đường mương nước gần nhà. Gặp ai tôi cũng bị hỏi, nhưng thuở ấy tôi đâu biết ý nghĩa của việc đi xuất gia là gì.
Năm 1960 Thầy Hiệu Trưởng Phan Thế Tập cưới vợ tại Hà Mật. Thế là cả bọn học sinh lớp Nhất của chúng tôi do Văn Công Huấn và Thu hướng dẫn đi dự đám cưới của Thầy. Thuở ấy Thầy còn trẻ lắm. Chắc hơn 20 tuổi là cùng. Cô Nga là con gái nhà giàu, sánh vai cùng Thầy Hiệu Trưởng là một danh giá của gia đình và đám học trò chúng tôi là hình ảnh để hỗ trợ Thầy trong lễ cưới ấy.
Thời gian trôi qua chẳng biết là bao lâu; có lẽ cũng trên dưới gần 30 năm. Bỗng một hôm tôi nhận được thư Thầy gởi từ Việt Nam qua Đức và nhờ tôi giúp đỡ cho con trai của Thầy là Phan Quốc Bửu đang du học tại Tiệp sang Đức để tiếp tục con đường học vấn sau ngày bức tường Bá Linh sụp đổ (ngày 9.11.1989). Kể từ đó, Thầy trò lại có cơ duyên hàn huyên tâm sự với nhau và lúc nói chuyện điện thoại hay viết thơ, chúng tôi luôn nhắc đến hình ảnh của ngôi trường Tiểu Học Xuyên Mỹ thuở nào.
Một ngày đẹp trời của 20 năm về trước, Thầy và Cô đã đến chùa Viên Giác Hannover. Cô đã tự động xin quy y với tôi và tôi cho Pháp danh là Thiện Tánh. Riêng Thầy Hiệu Trưởng Phan Thế Tập đã quy y với Thầy tôi và Sư Phụ tôi cho Pháp danh là Như Thể. Phan Quốc Bửu cũng đã quy y Tam Bảo và tôi cho Pháp danh là Thiện Kim. Sau khi được tỵ nạn và vào quốc tịch Đức cũng như tốt nghiệp Đại Học Hannover, Bửu đã cùng vợ con sang Hoa Kỳ để làm việc và nay đang định cư tại San Jose. Quả thật trái đất tròn. Chẳng ai ngờ được một việc gì cả. Việc ấy tôi đã chẳng đợi chờ; nhưng đã đến. Đồng thời cũng có lắm việc trông mong chờ đợi nhưng chẳng đến bao giờ.
Tôi đề nghị Thầy Phan Thế Tập nên lập một quỹ học bổng cho trường Tiểu Học Xuyên Mỹ. Bây giờ thì trường xưa đã bị chiến tranh thiêu hủy rồi. Chỉ còn lại tên gọi thôi; nhưng con em của bạn bè ngày xưa còn lại khá đông; nên giúp đỡ những em này. Thế là Thầy Bảo Lạc và tôi đã bắt đầu cho quỹ học bổng khiêm nhường mỗi năm 300 - 500 đô la cho mỗi lần phát. Lần đầu phát vào ngày 22 tháng 3 âm lịch, nhắc lại ngày qua đời của thân mẫu chúng tôi vào năm 1966. Lần thứ hai phát vào ngày 28 tháng 6 nhằm vào sinh nhật của tôi. Tính cho đến năm 2012 này là đúng 20 năm như vậy. Địa điểm phát học bổng luôn luôn thay đổi. Lúc thì ở nhà của Sửu, của Hùng, của Đáng. Lúc thì nhà từ đường họ Lê; lúc thì trường Tiểu Học mới v.v… Đây là cơ hội để cho con em của Cựu Học Sinh Xuyên Mỹ cố gắng vươn lên. Ngoài ra sau này Thầy Tập còn đề nghị tôi phát cho học sinh trường Trần Quý Cáp tại Hội An nữa.
Mỗi năm vào ngày mồng 3 hay mồng 4 Tết âm lịch các anh chị em cựu học sinh trường Tiểu Học Xuyên Mỹ còn tổ chức buổi hội ngộ chung vui để thể hiện tinh thần “tôn sư trọng đạo” nữa. Một gói quà nhỏ gởi đến Thầy Tập, Thầy Nhượng, Thầy Tải, Thầy Hoàng… là những hình ảnh thật đơn sơ; nhưng đã gói ghém tình nghĩa Thầy trò từ những năm 1956-1961 cho đến nay… Chừng ấy thời gian trôi qua, bấm đốt tay tính nhẫm lại cũng đã trên 50 năm rồi. Cô Cửu đã ra đi; nhưng những Thầy khác vẫn còn có mặt nơi dương thế, để nhìn mặt cháu con mình thành tựu trên con đường học vấn, để kế tục mái trường xưa.
Vào ngày 27 tháng 10 năm 2012 vừa qua tại chùa Cực Lạc Cảnh Giới tự ở Chiangmai, Thái Lan, cũng đã diễn ra một cuộc họp mặt gia đình lần thứ 2 thật đầm ấm sau hơn 40 năm xa xứ của Hòa Thượng Thích Bảo Lạc và tôi. Đặc biệt có 8 người bạn học cũ từ những năm tháng còn học Tiểu Học thuở thiếu thời cũng đã đến đây thăm viếng. Đây cũng là một chuyến đi lịch sử từ Việt Nam qua Lào, rồi từ Lào qua Thái Lan và trở lại Việt Nam cũng bằng xe Bus. Thế mà mọi người đều vui vẻ như ngày hội lớn. Bây giờ bạn bè ai cũng đã hai ba thứ tóc trên đầu; có người đã có cháu nội, cháu ngoại lớn khôn; nhưng khi nhắc lại những trò chơi thuở nhỏ như đánh bi, bắn dây thun… ai nấy cũng đều nhoẽn miệng cười.
Không biết khi con người giàu có về tiền của, họ sống sung sướng trên những món ăn cao lương mỹ vị, vợ đẹp con ngoan như thế nào; nhưng giàu tình người, giàu lòng tri kỷ, sự giúp đỡ lúc cần thiết, tấm lòng cho quê hương… đối với tôi là quan trọng vô cùng. Mình có thể hy sinh, chịu sự thiếu thốn thiệt thòi; nhưng nếu những ai cần đến mình thì mình không thể chối từ được. Đây là niềm vui của tôi khi được giúp đỡ họ. Nếu không có họ thì mình đâu có cơ hội để làm phước giúp đời và giúp người. Nhờ họ mà lòng từ bi của tôi mới có cơ hội phát triển thêm. Xin cảm ơn Thầy Tập và cảm ơn những người bạn của thuở thiếu thời.
Con cháu của họ sẽ là những người có trình độ học vấn cao hơn cha mẹ chúng thuở xa xưa; nhưng chắc rằng cái tình ấy càng cao hơn nữa; khi chúng nghĩ về những bậc cha ông, có được những con người đã biết hy sinh để cho chúng ăn học nên người như vậy.
Trong làng tôi có nhiều nhà thờ họ tộc như tộc Hồ, tộc Văn Công, nhưng chưa có nhà thờ tộc Lê. Giữa làng có một ngôi miếu thờ Thần và mỗi năm tại đây có hai kỳ xuân thu tế lễ. Trong làng chọn người tuổi cao và đạo đức ra đứng làm chánh bái. Thông thường cha tôi là người được mời làm việc này. Ông khăn đóng áo dài chỉnh tề và trước khi vào lễ trổi lên 3 hồi chiêng trống để nghinh thần. Bên tả và hữu đều có hai người phụ lễ đứng đó sẵn và mỗi khi xướng lên như:
Hưng bái (mọi người cùng đứng lên lạy xuống)
Chước tửu (rót rượu)
Giai quỳ (đồng quỳ xuống)
Mọi người đều thể hiện sự kính trọng vị thần làng như thế; còn bọn nhỏ chúng tôi chỉ đứng chơi xớ rớ đâu đó, chờ người lớn sai vặt cái gì thì chạy để lấy công. Cuối cùng rồi cũng được những nắm xôi hay quả chuối cúng thần. Thế mà chúng tôi lấy làm đắc ý lắm. Vì ngày thường họa hoằn lắm, bọn con nít chúng tôi mới có được những ân huệ này.
Cha tôi sinh năm 1898 và mất ngày mồng 9 tháng 7 năm 1986. Ông thọ 89 tuổi, quy y với Thầy Như Vạn, trụ trì chùa Phước Lâm Hội An với Pháp danh là Thị Tế. Ông là người thuộc thế hệ cũ, giỏi cả chữ Nho lẫn chữ quốc ngữ. Tôi được sinh ra vào năm 1949; nghĩa là khi ông gần 50 tuổi, tôi là người con út trong gia đình được ra đời. Ông có dáng người khỏe mạnh, hình như chẳng đau ốm ngày nào. Ông hay bốc thuốc Nam để cứu giúp người bệnh, xem ngày lành tháng tốt để gả cưới hay ma chay. Khi tôi còn nhỏ, nhớ có lần có người mượn ông đi “soi môi”, ông nhận lời; thế là cầm đuốc qua sự khai khiến của người khác, chạy đến nơi khác tìm người chết đã thất lạc. Tục lệ này đã có tự ngày xưa, mà ngày nay người ta gọi là những nhà ngoại cảm. Thời gian có khác đi và hình thức cũng không giống nhau; nhưng nội dung chỉ để tìm cho ra những người bị chết mà hồn phách, mồ mả không còn trọn vẹn.
Sau khi chúng tôi đi xuất gia, trong làng cũng trọng vọng tuổi cao của ông; nên ông đã có giai đoạn được bầu làm Khuôn Hội Trưởng chùa Hà Linh trong nhiều năm khi chùa này chưa có Tăng Sĩ trụ trì.
Hình ảnh đẹp nhất của ông mà tôi nhớ rõ là ông cặp dù đi thăm nuôi tôi ở tù vào mùa hè năm 1966 khi đã xuất gia tại Hội An. Thuở ấy là thuở “bàn Phật xuống đường” và phong trào “Thanh niên quyết tử” đang bị hoạn nạn qua việc kêu gọi của Hòa Thượng Thích Trí Quang.
Ông đứng tần ngần trước trại giam mà lòng tôi quặn thắt, khi mình còn ở tuổi 17, chưa làm được gì cho Đạo, cả cho Đời. Ông rơm rớm nước mắt chào giã từ và biết rằng con mình mặc dù đi tu; nhưng vẫn còn nằm trong vòng lao lý.
Đến mùa hè năm 1974 khi tôi từ Nhật về thăm quê lần cuối, cũng là lần cuối gặp ông, để năm 1986 ông đã nằm xuống mà ngay cả Thầy Bảo Lạc và tôi cũng đã chẳng hiện diện được trước quan tài.
Còn Mẹ như một vầng trăng rằm không bị một áng mây che. Mẹ là tất cả. Khi con đau ốm, khi đói ăn, khi đi học. Tất cả đều do Mẹ làm người hướng đạo. Không có Mẹ, tôi sẽ không biết đi chùa; không có Mẹ tôi sẽ không có cơ hội ăn chay và không có Mẹ, tôi đã không trở thành người xuất gia sau này. Ca dao, tục ngữ, văn học Việt Nam đã viết về Mẹ rất nhiều rồi. Thiết tưởng tôi không cần nhắc lại nhiều ở đây nữa. Ở đây tôi chỉ muốn nhắc lại người Mẹ của mình; người Mẹ của đồng quê, nắng cháy; người Mẹ của quê tôi cày lên sỏi đá; người Mẹ mà một nắng hai sương tần tảo nuôi con, muốn cho con cái khôn lớn, đã chẳng đòi hỏi nhận lại một điều gì. Dầu cho điều ấy nhỏ nhất đi chăng nữa. Trên đời này có lắm người Mẹ như thế. Thỉnh thoảng cũng có những người Mẹ ở ngoài vòng tay với của các con; nhưng những người Mẹ như thế rất hiếm hoi trong đời này.
Trong vườn nhà tôi có nhiều khoảnh đất trống; nơi đó là giang sơn của Mẹ. Mẹ trồng rau tần ô, ngò, cải bẹ xanh, rau diếp cá, tía tô, rau ngò gai, đậu đũa, đậu ngự v.v… quanh năm suốt tháng, lúc nào tôi cũng thấy Mẹ chăm bón mảnh vườn nho nhỏ xinh xinh ấy, giống như chăm bón đời sống tâm linh của mình. Hết nhổ cỏ lại bỏ phân vào gốc; hết tưới nước lại bắt sâu v.v… Khi rau lên cao, Mẹ lại cắt rau đem ra chợ làng quê để bán. Thuở ấy tôi không còn nhớ rõ là chợ họp mấy ngày trong tuần; nhưng có ngày chợ đông lắm. Trong làng ai có thứ gì mang ra thứ đó để đổi chác, mua bán với nhau. Hầu như chẳng có thứ gì đắt giá, đa phần là nón lá, chuối, mít, ổi, đu đủ và rau trái vườn nhà. Thịt thà và cá mắm cũng có; nhưng đây là xa xí phẩm của quê tôi. Hình như chỉ những ngày lễ trọng đại trong năm, họ mới bày bán những thứ ấy tại chợ làng quê này. Bây giờ mỗi lần hình dung lại làng quê ấy, bên cây đa chợ Đình, lòng tôi lại bồi hồi xúc động, chẳng nói lên được lời.
Những ngày rằm, mồng một tôi theo Mẹ đi chùa và chính đây là cái nhân để sau này đi xuất gia học đạo. Ơn của Mẹ ngoài công sinh dưỡng ra, Mẹ đã cho con cả một bầu trời đạo pháp, rộng rãi thênh thang vô cùng tận, không có biên giới nào cản ngăn cả. Bây giờ ở tuổi 64 tôi mới thấm thía những ý nghĩa này. Cái ý nghĩa thâm sâu ấy, người ta không thể dùng lời nói để diễn tả, chỉ có thể cảm nhận mà thôi.
Mẹ tôi thuộc thế hệ cổ xưa, bà sinh năm 1908, kém cha tôi 10 tuổi. Bà mất năm 1966, lúc ấy bà mới 58 tuổi, còn tôi thì đã xuất gia được 2 năm, từ năm 1964 tại Hội An. Ngày ấy chiến tranh rất tàn khốc ở miền quê, vào ban đêm thì mặt trận về, bắt dân phải đi học tập. Còn thanh niên thì đào hầm trú ẩn. Ban ngày thì lính quốc gia đi tuần, bắt dân phải lấp hết những hầm hố ấy lại. Rõ là cảnh khổ của người dân, phải sống trong vùng xôi đậu như thế. Mỗi ngày một nắng hai sương đã đành, nay lại còn hai thể chế khác nhau sống chung trong một đất nước, khiến cho con người lại càng khổ tâm hơn nữa. Tất cả những khó khăn, người dân phải lãnh hết; còn những cấp lãnh đạo ngồi tại Sài Gòn, Hà Nội, nào ai có biết đến thân phận của người dân là gì?
Tôi nhớ rất rõ, hôm đó chuẩn bị làm tuần 49 ngày cho anh trai thứ sáu của tôi, đi Nhân dân Tự vệ bị chết. Trên đường đi về từ chùa Phước Lâm đến chợ Cẩm Hà, đối diện với tôi là xe chở thương từ trạm Nam Phước trờ đến. Có người nhận diện ra tôi, nên đã báo tin rằng Mẹ tôi, Bác tôi đã qua đời vì quả đạn pháo kích tối hôm qua nả từ cầu Câu Lâu vào nhà ông Trợ. Thế là có nhiều người bị thương và hai người chết. Trong xe chở thương này có cả chị thứ năm của tôi nữa. Ôi! Một nhà tang thương, biết nói thế nào cho hết nỗi khổ của nhân sinh đây. Tôi lặng người, sau khi đã khóc hết nước mắt để tiễn đưa Mẹ vào nơi chốn vĩnh viễn nghìn thu. Hôm đó là ngày 27 tháng 3 âm lịch năm 1966. Thầy Bảo Lạc ở Sài Gòn không về được, tôi chỉ một mình đưa tang Mẹ; mà sau này Thầy Phan Thế Tập, cựu Hiệu Trưởng trường Tiểu Học Xuyên Mỹ thuở bấy giờ đề nghị lấy ngày mất của Hiền Mẫu tôi làm ngày trao giải thưởng do Hòa Thượng Thích Bảo Lạc từ Úc gởi tặng, cho đến nay cũng đã 20 năm rồi.
Khi còn sống Cha cày bừa, Mẹ cấy lúa và làm vườn. Còn tôi tuổi nhỏ chỉ biết đi học và họa hoằn lắm khi Mẹ nhờ lúc nhổ tóc bạc, lúc nhặt sạn trong gạo, lúc cho lúa vào cối xay hay theo Mẹ đi chợ v.v… tất cả đều cũng được trả công xứng đáng, khi thì cây cà-rem, lúc thì một nắm xôi bắp v.v… Tất cả đều có điều kiện.
Lúa miền quê có nhiều loại, nhưng đa phần ngày xưa người ta cấy ruộng thấp, phải cho nước vào để nuôi cây lúa. Sau một hay hai tháng, người ta phải làm cỏ cho lúa; đến khi lúa trổ đòng đòng người ta lại phải xịt thuốc trừ sâu. Hương thơm của mùa lúa trổ rất ngọt ngào; nhất là những đêm trăng rằm khi chúng tôi có dịp đi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử băng qua những ruộng lúa này. Chung quanh những đám ruộng ấy có bờ đê quanh co đầy cỏ mọc. Trẻ mục đồng có thể cắt cỏ này về cho trâu bò ăn trong những ngày không có cày bừa.
Chùa Hà Linh là một trong những ngôi chùa cổ của quê tôi được bao bọc bởi những ruộng lúa như thế. Tuổi thơ của tôi cũng được bao bọc quanh mình bằng tình yêu thương của cha mẹ và anh chị em trong gia đình. Vì vậy, hình ảnh ngôi chùa, làng quê, bụi chuối, lũy tre làng v.v… luôn ẩn hiện bên tôi, mặc cho tôi có thời gian sống ở thị thành nhiều hơn gấp ba hay bốn lần thời gian sống tại nơi chôn nhau cắt rốn ấy. Tôi vẫn là một đứa bé hạnh phúc; bởi vì chung quanh mình đều đầy đủ, không thiếu thốn bất cứ một loại tình thương yêu nào.
Thú vui của tuổi thơ ngoài việc bắn bi, đánh cờ gánh ra, còn có thú vui chăn trâu hay chăn bò nữa. Nằm ngửa hay nằm sấp trên lưng trâu để trâu gặm cỏ; hay trâu trở về chuồng là một niềm vui khó tả. Tôi ngửa mặt lên trời để đếm từng cụm mây bay qua. Có khi là một ông tiên râu bạc; có lúc có hình ảnh của Đức Quán Thế Âm. Đôi khi lại hiện ra một vài hình thù kỳ dị… tất cả là một trò cút bắt. Thoạt hiện ra đó rồi thoạt mất đó. Không có áng mây nào nhất định cả. Tất cả đều di động và thay đổi vô chừng. Thuở ấy tôi đâu biết rằng đường đời cũng ngang dọc, dọc ngang như những cụm mây kia, khi nổi khi chìm. Nếu ai thong dong tự tại như những cụm mây kia thì cuộc đời của họ có muôn vàn màu sắc. Ngược lại, nếu ai đó chỉ dừng lại ở một nơi chốn nào, thì cuộc sống kia bị giới hạn; giống như những đám mây xanh trắng kia bị cơn gió lốc chặn đường, khiến chúng tan ra từng mảnh nhỏ, rồi tìm cách hợp hợp tan tan… trong khung trời vô định ấy.
Thú vui tuổi thơ của tôi thuở ấy là cỡi bò lội nước trong những cơn lụt lội. Con bò thường sợ nước; nên chúng bươn vội đến đồi cao; trên đồi cao ấy tụ họp không biết bao nhiêu là dế nhủi, chuồn chuồn, châu chấu ngay cả những con bọ hung to tướng, hình thù xấu xí và khi nhìn thấy những cái càng màu đen to lớn của chúng, chúng tôi lại có ý ngại ngùng.
Bò lúc nào cũng chỉ tìm đến cỏ. Thỉnh thoảng mới quơ trộm lúa xanh dọc đường; nhưng nhiệm vụ của kẻ chăn bò là không cho bò ăn bậy, dễ bị những nông dân khác quở mắng. Khi lớn khôn và nhất là lúc xuất gia học đạo, tôi xem 10 cách chăn trâu, cũng giống như chăn tâm mình thôi. Vì tâm vốn không có bờ ngăn cách. Bò cũng vậy, nếu không khéo chăn bò thì không thể nào chăn tâm mình được.
Sau này vào đời, chăm lo cho thân mình hay nuôi dạy đệ tử, tôi cũng đã ứng dụng phép chăn bò của tuổi ấu thơ ấy, thế mà được việc. Tôi quan niệm rằng mỗi con ngựa, mỗi con trâu hay mỗi con bò, chỉ có một dây cương, một dây mũi. Ngựa hay trâu bò chỉ theo một người điều khiển duy nhất để nó có thể đi tới, đi lui, quẹo qua phải hay trái v.v… trong một lúc, nếu có nhiều người cùng điều khiển thì ngựa, trâu hay bò không biết hướng nào mà đi. Việc lãnh đạo quần chúng cũng giống như vậy. Tôi đồng ý thay đổi người lãnh đạo nếu cần nhưng không đồng ý trong lúc người lãnh đạo đang cầm cương lại có nhiều người khác muốn hướng dẫn, vì như vậy thì con ngựa kia chẳng biết đường nào mà đi.
Gia đình tôi có cha mẹ và 8 anh chị em gồm 5 trai, 3 gái. Người chị cả năm 2012 này đã 85 tuổi. Tôi là út mà cũng đã 64 tuổi rồi. Nghĩa là trung bình trong 3 năm, cha mẹ tôi cho một người con ra đời. Chị Hai, chị Ba và chị Năm, anh Tư, anh Sáu, anh Bảy (tức Hòa Thượng Thích Bảo Lạc), anh Tám và tôi thứ chín. Trong hiện tại tôi chỉ còn 2 chị và 2 anh. Hai anh trai và một chị gái đã qua đời do chiến tranh và bệnh tật.
Chị Hai tôi dáng người trung bình, lấy chồng lúc 20 tuổi. Nay chị đã 85, 86 tuổi rồi. Cái tuổi của quên lãng, cái tuổi của con cái, cháu chắt đầy nhà; nhưng chồng chị đã mất sớm và chị phải lo cho một đại gia đình như vậy. Chị đi lấy chồng, thỉnh thoảng ngày Tết, ngày giỗ gì bên nhà cha mẹ tôi, chị mới dẫn con cái về. Đa phần theo nghề nông, đầu tắt mặt tối với công việc một nắng hai sương. Nhớ có lần sau khi đi xuất gia rồi, trở về thăm quê, tôi tìm lên nhà để thăm chị; nhưng được biết chị đi cắt rau muống để ngày mai ra chợ bán. Tôi lặn lội tìm đến đám rau chào hỏi và thăm chị. Chị lặng lẽ lận tay vào lưng quần lấy ra một cuộn giấy bạc cuốn tròn và đếm mấy tờ 10 đồng tặng cậu Chín. Hình ảnh ấy đã gần 50 năm rồi nhưng tôi vẫn nhớ mãi. Nhớ để ghi lại hình ảnh của một người chị nhà quê dân dã, chất phác, hiền lành, hầu như rất ít nói. Thỉnh thoảng có gì cần chị mới có ý kiến mà thôi.
Năm 2003 tôi có đón chị, anh Bốn, chị Năm và vợ anh Sáu sang Đức thăm, lần ấy gặp vào ngày 28 tháng 6, là sinh nhật của tôi. Tôi nói chị kể lại lúc nhỏ tôi như thế nào, thì chị bảo rằng: “Thầy kể đi!” Kể làm sao được khi tôi mới sinh ra? Thế là chị em cùng cười. Lúc tôi sinh ra, chị đã đi lấy chồng được một hai năm rồi. Vả lại người nhà quê, ít ai muốn nhắc lại chuyện xưa, dầu cho chuyện ấy có tốt đến đâu đi nữa; cho nên gọi họ là những người sống giản dị là vậy. Giản là đơn giản, tỉnh lược, sơ sài. Dị là dễ dãi, dễ dàng. Họ sống không cầu kỳ mà rất thật thà, chất phác. Bây giờ thì lưng chị đã còng nhiều, đứng đi đều phải nhờ đến con cháu, cái bệnh, cái chết cũng đã đến gần kề. Tôi khuyên chị nên cố gắng niệm Phật, ngày rằm tháng giêng năm Quý Tỵ vừa rồi chị đã ra đi vĩnh viễn ở tuổi 86.
Chị Ba thì lấy chồng xa, tận cầu Câu Lâu và chỉ sinh được một cháu gái, đến năm 1954 chồng đi tập kết; chị sống như vậy để nuôi con và sau khi đứa con gái đi lấy chồng, chị vẫn sống như vậy cho đến ngày qua đời, cách đây mấy năm về trước.
Anh chị Bốn năm nay đã 80 tuổi, nghề nghiệp chính là thợ mộc. Anh chị có nhiều con cháu và nay ở tuổi về chiều lo tu niệm cũng như chăm sóc nhà thờ tộc Lê trong những ngày giỗ quải và kỵ cúng ông bà. Mới đây vào ngày 27/10/2012 chúng tôi có tổ chức cho gia đình, con cháu qua Chiangmai, Thái Lan sum họp lần thứ hai, cả anh chị đều có mặt. Mặc dầu tuổi lớn như vậy, ngồi xe bus từ Việt Nam qua Lào, rồi qua Thái. Đi về cả 4 ngày 2 đêm; nhưng hai ông bà vẫn còn khỏe mạnh. Đó cũng là cái phước của gia đình.
Lần này, sau hơn 40 năm Hòa Thượng Bảo Lạc và tôi mới gặp lại người anh rể thứ Năm. Trông anh nhỏ thó so với ngày xưa, nhưng rắn chắc, vì là người nhà nông. Chắc tuổi anh cũng đã gần 80 rồi. Cháu nội của anh có đứa tốt nghiệp đại học. Đây cũng là niềm vui của gia đình vậy. Chị Năm bây giờ bịnh hoạn, nên lần này chị không tháp tùng cùng gia đình được.
Người anh thứ Sáu đã mất từ năm 1966 và người chị dâu, vợ của anh ở vậy nuôi con cho đến con cái trưởng thành.
Người anh thứ Bảy là Hòa Thượng Thích Bảo Lạc. Người anh thứ Tám sinh năm 1945, cũng chính năm tản cư của Đệ nhị Thế chiến. Anh đã mất khi mới một tuổi.
Người cuối cùng trong gia đình là tôi. Đúng là “giàu út ăn, khó út chịu”. Gia đình tôi không giàu cũng chẳng nghèo, nghĩa là một nhà nông thuộc hạng trung lưu của quê hương xứ Quảng. Nếu Hòa Thượng Thích Bảo Lạc và tôi không nhờ được ánh sáng Phật Pháp thì cũng đã chẳng có được ngày hôm nay.
Năm 1957, sau khi Hòa Thượng Bảo Lạc đã xuất gia tại chùa Non Nước một năm, gia đình cha mẹ tôi đón xe đò đi Đà Nẵng, dừng ghé qua Non Nước để thăm Thầy. Chùa Linh Ứng là nơi Cố Hòa Thượng Thích Trí Hữu trụ trì và Hòa Thượng Thích Bảo Lạc tu học ở đó cho đến năm 1960. Cũng nhờ những chuyến đi thăm ông anh tu tại đó mà tôi có ý hướng vọng về đời sống tu hành sau này. Từng điểm nhỏ như thế, những giọt nước mới tạo nên đại dương và trong đại dương kia không thể thiếu những giọt nước ban đầu này.
Tâm Bồ Đề của tuổi thơ khó khơi dậy nếu không có những thuận duyên trong cuộc sống. Do vậy, trợ duyên trong 37 phẩm trợ đạo là những điều kiện căn bản vô cùng khi ai đó muốn gửi trọn cuộc đời vào chốn thiền môn.
Nhà tôi thuở ấy ba gian một chái, lợp ngói và phía dưới là nhà bếp dùng cho sinh hoạt của gia đình như nấu nướng, ăn uống, xay lúa, giã gạo, chằm nón, sàng trấu v.v… Đây là một bức tranh rất sinh động của nhà quê trong lúc quê hương đất nước thanh bình.
Bên cạnh nhà tôi có nhà anh Cọng, là anh em chú bác ruột và xa xa kia là nhà của Bà Bác Soạn. Bác là chị dâu của cha tôi và khi Bác trai mất, Bác ở vậy nuôi anh Vĩnh và anh Cọng nên người. Bác không tái giá. Ngày 27/3/1966 Bác đã cùng với Mẹ tôi bị tử nạn và ngày nay hai bà vẫn được giỗ chung trong một ngày.
Anh trai đầu Lê Văn Vĩnh, con của Bác, sau Đệ nhị Thế chiến đi vào Bồng Sơn ở Bình Định, lập nghiệp, cũng như cưới các vợ kế tại đó. Mỗi năm có giỗ quải, anh lại dẫn vợ con về thăm quê một lần để giới thiệu với bà con dòng họ. Ngày nay mặc dầu anh đã qua đời; nhưng con cháu anh vẫn về quê Mỹ Hạc để thăm viếng người thân. Trong số các cháu nội ngoại của anh, có nhiều cháu đã tốt nghiệp đại học.
Gia đình anh Cọng có 6 người con gồm 5 trai, 1 gái. Con đầu của anh học chung Tiểu Học với tôi một lớp nhưng sinh năm 1950 và nay đã vãng sinh ở tuổi dưới 60. Những người em khác của Cọng như: Phát, Sinh, Cương, Nhị, Phụ nay đã có cháu nội ngoại và con cháu của các gia đình này đều tốt nghiệp đại học, đang sinh sống tại Bình Long, mặc dầu các con của anh chị Cọng vẫn theo nghề thợ mộc.
Trước đây chừng 15 năm, từ quê hương xứ Quảng, anh Bốn tôi có gởi thơ cho Hòa Thượng Bảo Lạc và tôi muốn xây dựng một nhà Từ Đường họ Lê ở quê hương để thờ cúng ông bà. Tôi nghĩ rằng người đi xuất gia rồi, đâu cần phải làm việc ấy nữa; nhưng Hòa Thượng Bảo Lạc và tôi sau khi bàn bạc, cân nhắc kỹ lưỡng rồi mới ra điều kiện như sau:
Xây nhà Từ Đường thì được, nhưng ở phía Tiền phải thờ Phật và Hậu thờ Tổ. Đây là cái cớ của chúng tôi, để gia đình có giỗ quải không cúng mặn mà chỉ cúng chay thôi. Cuối cùng thì mọi người đã đồng ý. Từ đó Hòa Thượng Bảo Lạc lo bảo trợ, xây dựng nhà Từ Đường họ Lê ở Mỹ Hạc, xã Xuyên Mỹ, quận Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Còn tôi lo bảo trợ giúp đỡ cho việc xây dựng nhà Từ Đường họ Lê tại Bình Long, thuộc Miền Nam Việt Nam cả hai ngôi Từ Đường này đều xây dựng lên với hình thức như một ngôi chùa.
Ngôi Từ Đường họ Lê tại miền Nam có sinh hoạt cho cả Gia Đình Phật Tử và những đêm 14 hay 30 âm lịch đều có tổ chức lễ Sám Hối cho cả đại gia đình cũng như cho những người Phật Tử đang định cư tại đó. Chúng tôi nghĩ rằng: Người dưng nước lã mà mình còn giúp đỡ được. Tại sao thân nhân, dòng họ lại không được giúp đỡ. Nghĩ cho xa hơn, nếu không có họ, thì đâu có mình ngày nay. Do vậy dòng tộc, thân quyến cũng là cái duyên trong bao đời, để ta mới có thể xuất gia học đạo được. Xa hơn nữa, khi nghĩ về Đức Phật và Chư Tổ cũng chưa có ai đi ra ngoài nguyên tắc này khi chúng ta vẫn còn hiện hữu nơi trần thế đầy pháp duyên sinh này cả.
Chùa Viên Giác gởi