Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
HƯƠNG THƠM ĐỨC HẠNH VÀ LÒNG TỪ BI CỦA TÔN GIẢ ĐẠI CA DIẾP KHIẾN CẢ ĐẤT TRỜI CŨNG PHẢI CUNG KÍNH


Lần đó, ở vương quốc Ma Kiệt Đà, trong tinh xá Trúc Lâm, Tôn giả Đại Ca Diếp nhập Diệt Tận Định bảy ngày. Tất cả những vị Thiên tử đều biết, Diệt Tận Định là mức định cao nhất của một vị A La Hán và ai cúng dường thức ăn đầu tiên cho Ngài sau khi xuất định sẽ được phước lành vô lượng.

Ngay khi Tôn giả vừa bước ra khỏi tinh xá thì 500 vị Thiên nữ đã hiện ra quỳ hai bên đường với thức ăn có hương thơm ngào ngạt trên tay.

Ngài Đại Ca Diếp nghiêm mặt lại nói:

- Chư vị đã có được phước báo quá thù thắng trên cõi trời do đó không nên giành phần phước này của người nghèo, xin chư vị hãy đi cho.

Các Thiên nữ cúi xin Tôn giả hãy tiếp nhận dù chỉ là một muỗng vật thực cúng dường. Vì tâm ý đã quyết nên Ngài im lặng và búng ngón tay lần thứ nhất. Thấy vậy các vị Thiên nữ vội vàng biến mất quay trở về cõi trời, vì các vị hiểu rằng nếu để Ngài nhắc nhở búng ngón tay đến lần thứ ba thì thần thông của Ngài sẽ thổi bay các vị về một phương khác.

Thiên chủ Đế Thích biết được sự việc nên cùng người vợ là Thiện Sanh hóa hiện xuống cõi người, cũng với mong muốn được cúng dường cho Ngài Đại Ca Diếp dù chỉ là một muỗng cơm. Bằng thần thông của mình, Thiên chủ đã hóa hiện ra một xóm nghèo với nhà lá chòi tranh, đường gập ghềnh lầy lội, còn bản thân Ngài và vợ mình biến thành hai ông bà già nghèo khổ, quần áo rách rưới chờ cơ hội cúng dường Tôn giả.

Khi Tôn giả đi đến xóm nghèo, thấy hai ông bà lão cực khổ thì chầm chậm bước đến để khất thực. Khi Thiên chủ định sớt phần ăn vào bát Tôn giả thì Ngài vội ngăn lại. Ngài đã biết rằng đây không phải là thức ăn của cõi người vì hương thơm của thức ăn bay ngào ngạt khắp kinh thành Vương Xá. Tôn giả nghiêm giọng nói:

- Này Thiên chủ! Phước của Ngài đã vô cùng lớn, Ngài đã làm vua của cõi trời sao lại còn muốn được phần phước này? Hôm nay ta chỉ dành phước cúng dường cho người nghèo thôi.

Ngài Đế Thích vội cung kính nói:

- Thưa Tôn giả! Vì con làm vua cõi trời nên có rất nhiều việc phải sắp xếp, tính toán thật chu toàn để Thiên giới và nhân giới được yên ổn. Con hiểu rằng nếu một ngày không gây tạo công đức thì sau này con không đủ phước để cai quản nhân thiên. Hơn nữa, vẫn còn có nhiều vị uy đức và phước báo lớn hơn con rất nhiều ở các cõi trời khác. Xin cho con được cúng dường Tôn giả.

Tôn giả Đại Ca Diếp im lặng chấp thuận sự cúng dường của Ngài Đế Thích.

Đức Phật khi ấy đang ở Trúc Lâm tinh xá nhưng Người biết rõ mọi việc. Đức Phật đã thuật lại câu chuyện cho chư vị Tỳ kheo nghe và ca ngợi Tôn giả Đại Ca Diếp bằng bài kệ:

Tỳ kheo sống bằng khất thực
Tự mình nương tựa chính mình
Tịch lặng, chú tâm, hằng giác
Chư Thiên tôn kính hoan nghênh.

LÒNG TỪ BI

Con người có sự sai biệt về phước. Tùy theo phước mà chúng ta nhận được sự giàu có, sang quý hay thiếu thốn, nghèo hèn... Người có phước nhiều thì được người khác trân trọng, quý kính, còn người ít phước thường bị cuộc đời bỏ quên. Thế nhưng người đạo đức và trí tuệ sẽ không để phước chi phối, họ đối xử với mọi người bình đẳng với lòng từ bi thật sự. Tôn giả Đại Ca Diếp là một người như vậy. Lòng từ bi của Tôn giả được ví như ánh ban mai ấm áp phủ trùm tất cả mọi chúng sinh. Tuy nhiên, bằng sự thương cảm và độ lượng của một bậc A La Hán, Ngài thường hướng tâm đến những người nghèo khổ, dành cho họ phước cúng dường các bậc Thánh Tăng để họ đủ phước thoát khỏi khó khăn, thiếu thốn trong kiếp hiện tại và vô lượng kiếp về sau.

Một hôm, khi vào thành Vương Xá khất thực, Tôn giả nhìn thấy một bà lão ăn mày với vẻ ngoài rách rưới, đau khổ đang nằm trên mặt đất. Bà không có quần áo để mặc, chỉ lấy lá che thân. Mọi người nhìn bà bằng ánh mắt khinh bỉ và xa lánh vì bà đang bị bệnh nặng.

Tôn giả lặng lẽ ôm bát tiến đến gần bà.

Bà lão mở mắt và thấy trước mặt mình là một Sa môn uy nghi và hiền từ. Bà hiểu ý Ngài và nói:

- Thưa Tôn giả! Con quá nghèo không biết lấy gì cúng dường cho Ngài, không một ai trên đất nước này nghèo hơn con cả. Đã ba ngày qua con không có chút gì để bỏ vào bụng, sáng sớm hôm nay có người đi đổ nước gạo, con có hứng được một chút nhưng chưa dám uống vì có vị chua.

Tôn giả nói:

- Ta hiểu hoàn cảnh và sự đau khổ của con, cũng chỉ bởi vì sự phung phí ở kiếp xưa mà con phải chịu sự nghèo khổ như bây giờ. Người ta có thể cho con chút thức ăn, nước uống nhưng nó chỉ giúp con cầm cự được qua ngày, tương lai con vẫn sẽ tiếp tục đau khổ. Điều mà con có thể làm bây giờ là sám hối nghiệp xưa và tìm cách bố thí, san sẻ, cúng dường. Đặc biệt là khởi lên lòng tôn kính đối với Tam Bảo.

Bà lão chợt hiểu ra điều gì đó và xúc động nhìn quanh, chỉ còn mẻ nước gạo mình vớt được bên đường, bà lão lại nhìn Tôn giả. Tôn giả nhìn bà bằng ánh mắt từ bi khẽ chấp nhận. Bà lão tay run run sớt phần nước gạo đã chua vào bát của Ngài. Tôn giả chúc lành cho bà rồi lặng lẽ ôm bình bát rời đi. Những người xung quanh không ai có thể kìm được sự xúc động khi chứng kiến khung cảnh ấy. Một vị Tôn giả đại đệ tử của Đức Phật được Chư Thiên và mọi người quý kính lại chấp nhận thọ thực một mẻ nước gạo chua người ta vứt bên đường do một bà lão ăn xin cúng dường, với nguyện ý mong cho bà được nhiều phước lành và thoát khỏi cảnh khổ cực. Tấm lòng từ bi của Ngài khiến đất trời cũng phải cảm động. Chính vì thế mà bất kì ai, dù là Chư Thiên tử hay cõi người nếu ai kính ngưỡng hoặc cúng dường Ngài đều được phước báo thù thắng.

Dù biết Tôn giả tâm hướng về người nghèo nhưng bất cứ khi nào có cơ hội thì chư Thiên tử đều xuống thế gian cúng dường Ngài những vật thực thơm ngon tinh khiết nhất, rải hoa trời dâng lên bậc đại uy đức và phạm hạnh giữa thế gian.

(St)

_________________


Hoang Nguyen gởi