HÚT THUỐC, UỐNG BIA, UỐNG RƯỢU THUỐC CÓ VI PHẠM GIỚI LUẬT?
Quang Minh
Chúng ta ở trên chùa thì ít hoặc không thấy, nhưng ra ngoài xã hội, trong sinh hoạt hằng ngày của phật tử đã không ít lần thấy người tu đạo hút thuốc hay uống bia, có phật tử vì muốn chữa bệnh hay tăng cường sức khỏe thì uống rượu thuốc. Như vậy có đúng, có trái với chánh pháp, có vi phạm với giới luật đề ra?
Như chúng ta đã biết, đạo Phật ra đời cách đây hơn 2500 năm. Mà thời Đức Phật chế định giới luật thì lúc đó chưa có thuốc lá, bia, các chất gây nghiện như ma túy... Vì thời trước chỉ có rượu mà rượu đem đến cho người uống trạng thái bất ổn định về tâm lý nếu sử dụng nhiều, và nó có tác dụng gây nghiện vì uống nhiều thì quen mùi quen hơi men. Thiếu nó cảm giác bức rứt khó chịu trong lòng. Và uống rượu thì rượu vào lời ra, gây bao tội lỗi do không khống chế được tâm lý, cảm xúc do bị rượu tác động làm ảnh hưởng đến thần kinh, nghĩ suy, tư duy, hiểu biết. Đã không ít vụ án xảy ra cũng do rượu gây nên, mời rượu không đáp lại cũng bị đánh, uống say quậy phá đánh người vô can, gây tai nạn giao thông... Biết được tác hại của rượu nên Đức Phật đã chế định cho hàng phật tử không được uống rượu. Nhưng quy chế về giới luật thì tùy thời mỗi khác. Và mục đích của giới luật là hạn chế sự bám chấp phụ thuộc vào những gì bất lợi cho thân tâm người hành đạo và ảnh hưởng tới môi trường sự sống sinh hoạt xung quanh.
Uống rượu thì đã là vi phạm giới luật, nhưng uống rượu thuốc thì sao? Nói sai cũng có khi sai mà nói đúng có khi đúng. Sai là khi lấy cớ chữa bệnh, vì sức khỏe mà tự cho mình có quyền uống nên cứ uống cho thỏa, cho sướng, cho nhiều. Đó là sai trong tư tưởng ý nghĩ suy, và làm vậy là vi phạm giới luật. Còn đúng là khi uống chỉ vì uống để trị bệnh, uống cho có sức khỏe thì được uống chứ không sai. Vì tuy là uống rượu nhưng là vì mục đích trị bệnh nên có khác.
Còn về hút thuốc thì đó là sử dụng chất kích thích, và nó là chất gây nghiện mà tác hại là ảnh hưởng tới phổi. Mà hệ quả không những chỉ ảnh hưởng tới mình mà còn ảnh hưởng người xung quanh, nhất là phụ nữ và trẻ nhỏ. Như vậy, hút thuốc lá cũng là đang tạo nghiệp, gây hại cho người khác thông qua khói thuốc lá thải ra mà người khác hít phải, còn tạo nghiệp thêm nữa là gây sự khó chịu của người xung quanh và đã là tạo nghiệp ắt vi phạm giới luật. Mà nếu chưa bỏ được thuốc lá thì hút thuốc nên hạn chế và khi hút tránh xa chỗ đông người, tới chỗ ít người mà hút tránh ảnh hưởng người xung quanh. Và nên quyết tâm từ bỏ thuốc lá, vì đó là thói quen xấu.
Còn về bia thì lại có phần khác, nói là nước giải khát thì uống cho đỡ khát, kích tiêu hóa, kích thích ăn uống, làm dịu thành ruột, tốt cho dạ dày. Và tắm bia lại là làm đẹp da, hồng hào nhuận khí. Vậy dùng ít với mức độ vừa phải thì bia lại tốt cho người sử dụng. Nhưng nếu dùng nhiều thì gây nghiện, uống quá đà thì say sưa chè chén, mê mờ tâm trí, rối loạn thân tâm. Có khi ly bia dùng để giao lưu kết tình bằng hữu, đồng chí, đồng nghiệp mà có khi ly bia là kết oán, kết thù, đâm chém, giết nhau vì say sưa mà nó đem lại. Mà bia cũng như rượu, đều thuộc chất gây nghiện, nên hạn chế sử dụng hay tránh sử dụng chứ đừng để mình bị nó sai sử, chi phối khi không có.
Vậy giới dùng để hạn chế những hành vi tạo tác, tạo nghiệp. Thông qua sự giữ giới, người phật tử càng ngày hoàn thiện bản thân trên bước đường tu hành. Và việc đúng sai, phải trái, vi phạm hay không vi phạm giới luật tùy vào tâm khởi ý tạo tác mà ra. Nên người phật tử hãy luôn chánh tâm, an trú trong chánh niệm, biết được việc gì nên hay không nên mà từ đó nếu thấy sai thì từ bỏ thay đổi, nếu thấy không ảnh hưởng thì vẫn có thể tiếp tục và quan trọng là những gì có ích cho vấn đề tu tập thì phát huy, mà hại cho sự tu hành thì loại trừ.
Quang Minh gởi