HUYỀN THOẠI CỘNG HOÀ CHỐNG CỘNG, DÂN CHỦ THIÊN CỘNG
Đây là bài thứ hai tôi viết về đề tài nầy. Bài thứ nhất viết cách nay đã lâu, hiện giờ nó đã thất lạc. Đúng ra viết rồi không nên viết lại, nhưng nhận thấy ý tưởng kỳ cục “Đảng Cộng Hoà (CH) chống cộng, Đảng Dân Chủ (DC) thiên cộng” còn ảnh hưởng nặng nề trong sinh hoạt chính trị của một số người Mỹ gốc Việt lớn tuổi nên tôi phải ráng trình bày một lần nữa. Qua những sự kiện lịch sử, tôi sẽ chứng minh quan niệm đó của họ không có tính thuyết phục. Mỹ là nước tự do. Theo đảng nào, bầu cho ai là quyền tự do tuyệt đối của mọi người. Người Mỹ theo Đảng CH vì nhiều lý do, chắc chắn không phải vì “lý tưởng chống cộng” như những người Việt Nam nầy. Đem hận thù quốc/cộng vào sinh hoạt chính trường Mỹ hiện nay là không phù hợp và hoàn toàn lạc hậu. Ngoài thành phần cầm lá phiếu không cần suy nghĩ nầy còn có một số người đi xa hơn, coi Đảng DC như kẻ thù, hận Đảng DC như hận VC, chửi Đảng DC chẳng khác nào chưởi VC!
Xin thưa trước là tôi không chống đối tất cả những người Việt Nam theo Đảng CH, tôi chỉ thấy khó mà chấp nhận cái lý do mà số người nói trên nêu lên để theo đảng nầy, đồng thời chống báng Đảng DC một cách quyết liệt bằng những ngôn từ đường phố hạ cấp, nó quá kém văn minh và không đúng sự thật lịch sử.
Cũng xin thưa trước tôi không phải là người của Đảng DC. Tôi chúa ghét đảng phái. Theo đảng nào thì phải nói theo đảng đó trong khi tôi chỉ muốn tự do. Quan điểm chính trị của tôi tại Mỹ hình thành do nhận thức cá nhân về mọi mặt. Nếu quan điểm đó có vài điều gần với chủ trương của Đảng DC, đó chỉ là sự trùng hợp. Khi bầu cử, tôi chọn người hơn là nhắm mắt lệ thuộc bất cứ một đảng phái nào như một số người Việt lệ thuộc Đảng CH.
Khi còn chiến tranh lạnh, Mỹ là nước lãnh đạo phe “Thế giới Tự do” chống lại độc tài cộng sản, đứng đầu là Liên Sô và Trung cộng. Việc chống lại Chủ ngĩa Cộng sản nầy do cả hai chính đảng CH và DC, người trước kẻ sau, cùng thực hiện. Lịch sử không chứng tỏ chỉ có Đảng CH chống cộng sản trong khi phía DC ủng hộ cộng sản. Đây là điều chứng tỏ ý tưởng cho rằng “CH chống cộng, DC thiên cộng” hoàn toàn vô căn cứ, ngược với thực tế lịch sử.
Thử nhìn lại Chiến tranh Việt Nam để tìm hiểu
Theo nhận định của một số người Việt tỵ nạn già, VNCH thua VC vì sự “thiên cộng” cùng tinh thần phản chiến của Đảng DC. Nhưng với một số người khác (trong đó có tôi) Đảng DC còn “hiếu chiến” hơn cả Đảng CH. Chính Đảng DC đã đưa quân qua Việt Nam đánh VC tưng bừng trong khi Đảng CH là người rút quân về, bỏ VNCH chết đứng.
Sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát (1963), Phó Tổng thống Lyndon Beans Johnson (DC) lên thay và là người ồ ạt đưa quân Mỹ qua Việt Nam đánh cộng sản. Vào khoảng 1963, khi ông Kennedy còn tại vị, có chừng 16 ngàn người Mỹ hiện diện tại VNCH, đa số là cố vấn. Sau đó, TT. Johnson đã đưa số người Mỹ vào Nam Việt Nam lên đến 550,000.00 (năm trăm năm chục ngàn) người, hầu hết là quân tác chiến. Chiến tranh Việt Nam trở nên khốc liệt vào thời điểm nầy. Ngoài trận chiến xẩy ra trên khắp lãnh thổ VNCH, Tổng thống Dân Chủ L.B. Johnson còn ra lệnh oanh tạc Bắc Việt, Lào (đường mòn Hồ Chí Minh) và Cam bốt… Đây là sự thật lịch sử, những người tin rằng “CH chống cộng, DC thiên cộng” không lý không biết? Nếu biết mà cứ bảo “DC thiên cộng” thì thật hết thuốc chữa!
TT. Johnson rời nhiệm sở vào năm 1969. Người thay thế là Tổng thống Richard Nixon (CH). Ông Nixon tuy vẫn tiếp tục đánh VC trên tất cả các mặt trận mà TT. Johnson để lại nhưng lại vừa đánh vừa đàm, dọn đường cho Mỹ rút lui. TT. Nixon tiên phong ngỏ ý muốn hoà đàm với cộng sản Hà Nội. Và để tỏ “thiện chí hoà bình”, Mỹ đơn phương ngưng oanh tạc Bắc Việt. Song song với nổ lực ngoại giao cầu hoà ấy, TT. Nixon tiến hành Việt Nam hoá chiến tranh, dọn đường cho việc Mỹ ra đi.
Rồi Nixon tìm cách “tiếp cận” lãnh tụ TC Chu Ân Lai. Thầy trò Nixon-Kissinger thay phiên nhau đi Tàu như đi chợ
Kết quả Hiệp Định Ba Lê (Paris Peace Reccords) ra đời.
Theo Hiệp Định nầy, Mỹ sẽ rút quân vô điều kiện trong khi bộ đội Bắc Việt tại miền Nam Việt Nam không bị ràng buộc gì cả (nghĩa là họ cứ ở lại miền Nam, không bị bắt buộc phải rút về Bắc)! Chấp nhận điều kiện vô lý, phi nhân và nguy hiểm nầy, chính quyền Nixon đã tiếp tay cho VC tiêu diệt VNCH. Với kẻ thù hùng hậu và hung hãn bên lưng, VNCH chỉ còn chờ chết! Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã bị chính quyền Nixon ép buộc ký một hiệp định oan nghiệt như thế! Chính hiệp định nầy đã khai tử VNCH ngay từ năm 1973. Thực tế, VNCH đã “chết lâm sàng” ngay từ thời điểm nầy, biến cố 30-4-1975 chỉ là gian đoạn sau cùng của một tang ma: “di quan”!
Chết đứng từ thời bảy ba,
Bảy lăm mới thấy cả nhà khóc than! [nhại thơ Cao Tần (?)]
Cặp bài trùng Nixon-Kissinger đã bán đứng VNCH cho cộng sản. Đó là một sự thật lịch sử chỉ cách nay chưa tới nửa thế kỷ, ai có thể phủ nhận được? Điều khó hiểu là việc bán đứng VNCH của hai nhân vật thuộc Đảng CH nầy lại được một số người Việt Nam tại hải ngoại ca tụng “CH chống cộng” mới lạ. Lạ hơn bất cứ chuyện lạ nào trên đời.
Đừng cho rằng chính quyền của TT. Nixon phải làm như thế vì áp lực của phong trào phản chiến tại Mỹ lúc bấy giờ. Biểu tình chống chính phủ là chuyện thường tình ở Mỹ. Tổng thống Donald Trump khi mới nhậm chức ông cũng bị biểu tình chống đối khắp nơi, trong cũng như ngoài nước. Thế nhưng ông vẫn đang bình chân như vại. Thành phần phản chiến như John Kerry, Tom Haydon/Jane Fonda…không thể làm nên cơm cháo gì nếu chính phủ cứng rắn, có quyết tâm rõ ràng. Vả lại, phong trào phản chiến Mỹ chống Chiến tranh Việt Nam không chừng do chính phủ dựng lên để hổ trợ cho việc cuốn gói của họ. Chính trị mà! Đừng quên rằng khi tranh cử, ông Nixon đã hứa là sẽ chấm dứt Chiến tranh Việt Nam. Việc ông ta đi từ nhượng bộ nầy đến nhượng bộ khác đối với phe cộng sản là để thực hiện cho được lời hứa trước quốc dân: đem quân Mỹ về nước, chấm dứt Chiến tranh Việt Nam.
Sự sụp đổ của VNCH đã nằm trong kế sách của người Mỹ.
Vào ngày 9 tháng 8 năm 1974, vì vụ Watergate, TT. Nixon phải từ chức. Phó Tổng thống Gerald Rudolph Ford lên thay và là Tổng thống Mỹ (CH) cuối cùng đối với chiến tranh Việt Nam. Ông Ford vẫn tiếp tục chính sách của TT. Nixon: Việt Nam hoá chiến tranh, rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam để VNCH đơn độc và thiếu thốn trước nanh vuốt của cộng sản. Ngoài việc rút quân, Mỹ còn cắt bớt viện trợ. Đây đúng là “phát súng ân huệ” của Mỹ dành cho quân dân miền Nam. Không có đủ viện trợ, VNCH như cua gãy càng. Tiền không có trả lương cho chiến sỹ, súng không có đạn để bắn, máy bay và xe tăng… không có xăng nằm ụ…đánh đấm gì được?! VNCH bên bờ sụp đổ. Trước tình trạng bi thảm đó, để Mỹ khỏi mất mặt đã bỏ rơi đồng minh ngang xương, TT. Ford đã miễn cưỡng yêu cầu quốc hội chuẩn chi 722 triệu đô la viện trợ khẩn cấp cho VNCH nhưng bị quốc hội từ chối!
Quốc hội Hoa Kỳ lúc bấy giờ do Đảng DC kiểm soát. Vì sự cắt giảm viện trợ lần lần, cuối cùng từ chối ngân khoản viện trợ khẩn cấp 722 triệu đô, dưới mắt một số người Việt, Đảng DC là kẻ “thiên cộng”, là tội đồ đã làm mất VNCH vào tay cộng sản! (Cũng có thể đúng một phần, nó đã làm cho miền Nam mất nhanh hơn). Nhưng theo tôi, đó chỉ là giọt nước tràn ly. So với cú đấm long trời lở đất của TT. Nixon là đã bán đứng VNCH qua Hiệp Định Paris thì vụ cúp 722 triệu viện trợ chẳng là cái gì cả. Đó chỉ là cái vuốt nhẹ nhàng của Ford sau cú đấm nẩy lửa của Nixon, chẳng có ý nghĩa gì đối với sự tồn tại của VNCH.
Gỉa như 722 triệu dollar được chấp thuận, VNCH cũng khó mà tồn tại lâu dài được! Với viện trợ hằng năm có lúc lên đến 28,5 tỷ (1969), bây giờ chỉ còn 722 triệu thì làm được gì? Ngoài ra, với số tiền ít ỏi ấy trong hoàn cảnh người Mỹ đã hoàn toàn phủi tay, không những rút hết quân đội về nước mà họ còn từ chối luôn những sự yểm trợ tối ư cần thiết về hải và không quân như trước đây…thì VNCH làm sao tồn tại?
VNCH sụp đổ sụp đổ là chuyện phải đến khi người bạn đồng minh đã có quyết định “tháo chạy”! Tội của người Mỹ quá rõ ràng. Tội nầy thuộc đảng nào, Cộng Hoà hay Dân Chủ? Theo tôi, cả hai! Chuyện cúp viện trợ cho VNCH của lập pháp Dân Chủ chỉ là sự tiếp nối chủ trương dâng VNCH cho cộng sản của hành pháp Cộng Hoà Richard Nixon. Nếu có hận thì phải hận cả hai, chỉ đổ tội cho Đảng DC là bất công, là cảm tính, là thiếu cái nhìn khách quan về lịch sử. Hai chính đảng Mỹ CH và DC tuy khác nhau về đường lối nhưng họ đều phục vụ cho nước Mỹ, cho người Mỹ. Ngoài khác biệt về chính sách nội trị, họ có thể có chiến lược toàn cầu chung để theo đuổi. Chiến lược nầy không phải có giá trị một vài năm mà có tính dài hạn, rất dài. Một khi người Mỹ muốn đến đâu, muốn rời bỏ xứ nào…họ đều có tính toán trước. Không một đảng nào một mình có thể thực hiện chiến lược nầy được.
Trở lại thời chiến tranh lạnh, nhìn vào bản đồ Đông Nam Á sẽ thấy Mỹ có chiến lược bao vây Trung cộng. Phía đông (TC) có Nhật, Đài Loan, Nam Hàn, Phi Luật Tân…, phía Tây có Miến Điện, Thái Lan... Mỹ đến Việt, Miên, Lào cũng không ngoài mục đích đó. Họ có ý đồ muốn bao vây và thanh toán Tàu cộng từ phía nam. Nhưng khi họ đã đi đêm được với TC, mục tiêu bao vây và thanh toán đó không còn cần thiết. Họ bỏ Đông Dương trong đó có VNCH chúng ta. Đó là thực tế lịch sử. Đó là “nỗi buồn nhược tiểu”. Chuyện rút bỏ nầy không do một đảng phái nào chủ trương mà là đường lối chung của nước Mỹ. Trách hận, có thái độ hằn học với chỉ một đảng là hết sức cạn cợt, thiếu tầm nhìn sáng suốt về chính trị.
Muốn biết thêm “CH chống cộng, DC thiên cộng” như thế nào, hãy nhìn về phía Cuba.
Vụ khủng hoảng hoả tiễn nguyên tử (Cuban Missile Crisis)
Vào ngày 14 tháng 10 năm 1962, Mỹ phát hiện Liên Sô lén đặt hoả tiễn tại Cuba, nhắm vào đất Mỹ. Lập tức Tổng thống Kennedy triệu tập Hội Đồng An Ninh Quốc Gia để đối phó. TT. Kennedy một mặt quyết định cho hải quân phong toả tất cả các đường biển dẫn đến Cuba, chận không cho tàu Liên Sô chở thêm hoả tiễn và phụ kiện đến Cuba; mặt khác ra lệnh toàn bộ lực lượng hải, lục, không quân sẵn sàng chiến đấu, tấn công san bằng Cuba, nếu cần. Ngày 24 tháng 10, tàu của Liên Sô trên đường đến Cuba bị lực lượng Mỹ chận lại khi họ đến vùng phong toả. Nếu Liên Sô ngoan cố chống lại, hai bên sẽ nổ súng, chiến tranh hạt nhân giữa hai siêu cường có thể xẩy ra. Rất may là tàu Liên Sô đã dừng lại. Sau một thời gian đôi co, cuối cùng lãnh tụ Liên Sô Nikita Khrushchev đã nhượng bộ, tháo gỡ toàn bộ các hoả tiễn của họ tại Cuba với hai điều kiện. Một, Mỹ không được xâm lấn Cuba. Hai, Mỹ phải tháo gỡ các hoả tiễn đặt tại Turkey nhắm vào Liên Sô.
Nếu “DC thiên cộng” tại sao TT. Dân Chủ Kennedy không lợi dụng cơ hội mời “đồng chí Liên Sô” vào để cộng sản hoá luôn Hoa Kỳ cho tiện mà lại phản ứng dữ dội như thế khiến nhân loại một phen hú vía? Không lý DC chỉ “thiên cộng” ở Việt Nam mà không “thiên cộng” ở Cuba?!
Vụ Vịnh Con Heo (Bay of Pigs)
Từ năm 1959 nước cộng sản Cuba được thành lập sát nách Hoa Kỳ do Fidel Castro lãnh đạo. Nó như là cái gai trong con mắt của nước đứng đầu thế giới tự do. Vào đầu năm 1961, Tổng thống Hoa Kỳ Dwight D. Eisenhower (CH) chuẩn chi 13.1 triệu dollar cho CIA lo kế hoạch huấn luyện người Cuba lưu vong, chuẩn bị lật đổ Fidel Castro. Kế hoạch chưa kịp thực hiện thì ông mãn nhiệm. Người kế nhiệm là Tổng thống John F. Kennedy (DC) tiếp tục kế hoạch. Ngày 13 tháng tư năm 1961, 1,400 (một ngàn bốn trăm) dân quân người Cuba được điều động đến Cuba bằng thuyền, đổ bộ lên đất Cuba tại Vịnh Con Heo. Lúc đầu lực lượng đổ bộ áp đảo được quân đội Cuba tại địa phương, nhưng sau đó thất bại.
Nêu vụ nầy lên để chứng tỏ quan điểm “CH chống cộng, DC thiên cộng” không có đất đứng trong sinh hoạt chính trị Mỹ. Nếu “DC thiên cộng” tại sao ông Dân Chủ Kennedy lại không vứt bỏ kế hoạch chống cộng sản Cuba của ông Cộng Hoà Eisenhower mà lại tiếp tục theo đuổi và thực hiện nó?!
Ở Mỹ, theo Đảng CH không có gì đáng bàn, đó là chuyện hết sức bình thường. Nhưng hãy tìm những lý do khác để đồng hành và tôn vinh đảng nầy, chống lại Đảng DC. “CH chống cộng, DC thiên cộng” trước sau cũng chỉ là một huyền thoại, khó có chỗ đứng trong kho tàng tri thức của nhân loại. Nước Mỹ lập quốc đã gần 250 năm, đã qua 45 đời tổng thống trong đó gần một nửa là tổng thống thuộc Đảng DC. Nếu Đảng DC “thiên cộng” thì làm sao có được một nước Mỹ hùng mạnh và KHÔNG CỘNG SẢN như ngày nay?!
Thượng tuần tháng 3, năm 2017
ĐỊNH NGUYÊN
usaelection gởi