Huyền thoại, huyền sử! Tại sao người ta sính dùng hai chữ này?
Chúng tôi đã nhiều lần bàn về cách dùng hai chữ “huyền thoại”, “huyền sử” nhưng vẫn đọc thấy nhan nhản trên nhiều trang báo giấy, điện báo, truyền thông xã hội và ngay cả trong những cuốn sách có giá trị, công phu.
Trước 1975 thì có bản nhạc “Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc” của nhạc sĩ Phạm Duy. Rồi trên báo chí “Trận An Lộc huyền thoại, huyền thoại Đỗ Cao Trí…”
Dường như hai chữ “huyền thoại” nghe thanh tao quá, hay quá nên rất nhiều người sính dùng khi muốn diễn đạt những nhân vật, những sự kiện tuyệt vời (wonderful, marvelous, outstanding), phi thuờng (extraordinary).
Không rõ khi đặt bút viết hai chữ “huyền thoại”, “huyền sử”, họ có chịu khó tra tìm trong tự điển những nghĩa chính của các chữ này hay không?
Sau đây là định nghĩa trong Tự Điển Hán Việt Thiều Chửu:
· 玄huyền 2 : Huyền diệu, huyền bí. Lẽ sâu xa lắm gọi là huyền. Như người tu đạo, đời gọi là huyền học 玄學. Nhà Phật gọi cái cửa do đấy tu vào là huyền quan 玄關. Cháu sáu đời gọi là huyền tôn 玄孫.
Tự điển Tín Đức (trang 253) cũng định nghĩa “huyền” là màu nhiệm, thâm ảo với nghĩa rộng là viển vông, chuyện không thể tin được.
Với nghĩa như trong các tự điển trên, chúng ta hiểu rằng “huyền” là mơ hồ, viển vông, không có thật, không ai thấy, không chứng minh được.
Vào thời hồng hoang, khi con người chưa sáng chế ra chữ viết để trao đổi ý kiến, ghi lại các sự kiện cho mai hậu, thì chúng ta gọi thời kỳ này là thời vô sử hay huyền sử. Những câu chuyện kể đi kể lại trong thời này được sáng tác, thêm bớt những hoang đường hơn là dữ kiện. Vì thế, mới có những huyền thoại Sisyphus bị phạt lăn hoài lăn mãi một tảng đá lên núi trong truyện cổ Hy Lạp, huyền thoại Nữ Oa đội đá vá trời ở Trung Hoa, hay ở nước ta thời cổ xưa có các huyền thoại Rồng lấy Tiên, huyền thoại bà Âu Cơ đẻ trăm trứng, huyền thoại Phù Đổng Thiên Vương là đứa trẻ còn nằm nôi nhưng vươn vai trỗi dậy thành dũng sĩ cưỡi ngựa sắt đi đánh quân thù…
Chúng tôi vừa thấy giới thiệu trên facebook một phần cuốn sách mang tựa đề “Việt Nam Ôi… Ác Mộng” do Scott S. Nguyễn dịch từ cuốn “Our Vietnam Nightmare” của bà Marguerite Higgins (1920 - 1966), một nữ phóng viên chiến trường từng có mặt ở Việt Nam và là người có cách nhìn trân trọng đối với chính nghĩa của quân dân miền Nam cũng như sự khâm phục đối với cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Chúng tôi xin ghi nhận và cám ơn thiện tâm, thiện chỉ của dịch giả Scott S. Nguyễn đã bỏ nhiều công để giúp cho chúng ta hiểu biết tấm gương yêu nước sáng ngời, cuộc đời tranh đấu phi thường của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Nhưng mới xem qua vài trang của chương 9, chúng tôi hơi buồn vì hình như ông Scott Nguyễn không rành nhiều về tiếng Việt và phạm nhiều lỗi về văn phạm, chính tả. Chúng tôi không tìm ra được cách nào để liên lạc góp ý với dịch giả ngõ hầu làm cho cuốn sách dịch tăng phần giá trị.
Trong chương 9, The Case of the Misunderstood Mandarin, ông Nguyễn đã dịch là “Ngô Đình Diệm, Một Huyền Thoại”. Chúng tôi không đồng ý việc dịch giả dùng hai chữ huyền thoại để viết về ông Ngô Đình Diệm khi muốn ca tụng ông về những điều phi thường mà ông đã thể hiện như tỏ ra khí phách kiên cường, biết đặt quyền lợi tổ quốc dân tộc lên trên hết thảy mọi việc khác, biết tỏ ra có nhiều bản lãnh khi đối thoại với con cáo già Hồ Chí Minh…
Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cũng như các Tướng Đỗ Cao Trí, Lê Văn Hưng, Đại Tá phi công Phạm Phú Quốc… là những con người thật bằng da bằng thịt. Những việc làm phi thường của họ là những sự kiện thực tế được ghi lại, truyền lại qua bài vở, phim ảnh, báo chí. Vậy thì họ chẳng có tính cách huyền bí, mờ ảo. Sao lại gọi họ là huyền thoại? Gọi như thế, có phải là vô tình đẩy họ vào hàng những nhân vật ảo tưởng, không có trên đời (fictitious, mythical).
Thêm nữa, đáng tiếc là dịch giả đã có khá nhiều lỗi chính tả. Dường như trang nào cũng vấp vài lỗi, các chữ viết hoa, viết thường tùy tiện. Nhiều lần chữ “ông” bị viết tắt thành “ô” (Ô Diệm, Ô Ngô Đình Khôi), danh từ riêng như các địa danh khi thì viết hoa cả hai chữ, khi thì chỉ viết hoa một chữ đầu, chữ sau viết thường trong khi nhiều danh từ chung thì lại viết hoa! Ví dụ: “tỉnh Quảng ngãi” ở cuối trang 1. “… người Pháp không chịu trao trả hoàn toàn Độc Lập Chủ Quyền cho toàn cõi Việt Nam” ở trang 2, “Tánh linh, Bình tuy” ở trang 5.
Dịch giả cũng sử dụng các dấu chấm, phẩy tùy tiện. Ở trang 2, dịch giả không dùng dấu chấm để tách biệt hai câu hay dấu phẩy để tách hai mệnh đề trong đoạn “… Chúng ta phải cùng nhau làm việc để chống lại thực dân Pháp với vẻ kiên cường Ô Diệm phản kích…”. Có khi lại dùng dấu hai chấm ở nơi lẽ ra là dấu chấm. Ví dụ: “ Thấy tôi biết sợ ai?: (trích một câu nguyên văn bằng Anh ngữ) họ Hồ nói: “Không. Ông không phải.”
Có rải rác nhiều lỗi chính tả (spelling) trong các trang. Ví dụ ở cuối trang 3 hai chữ “đồng án” thay vì “dồng áng”, một “khoản đất”, “hăn say” thay vì “khoảnh đất, hăng say” (trang 5).
Một cuốn sách giá trị mà sẽ có nhiều người đọc, tham khảo. Nhiều người sẽ tin và học hỏi ở khả năng Việt ngữ của dịch giả mà coi đó là khuôn thước! Thế thì đáng lo ngại lắm!
Chúng tôi viết bài này không phải để phê bình dịch giả mà chỉ muốn các ý kiến xây dựng đến tay dịch giả để ông chỉnh sửa lại hay nhờ cậy vào những người có khả năng hiệu đính lại cho lần xuất bản sau.
Cũng xin giới thiệu đến quý vị cuốn sách giá trị này tuy chưa hoàn chỉnh văn phạm trong bản Việt ngữ.
Trân trọng
Đỗ Văn Phúc
_______________
usaelection gởi