Israel có thể thắng trận chiến ở Gaza nhưng sẽ thua trong cuộc chiến khu vực
Một cuộc đổ máu khác đang diễn ra giữa Israel và Hamas. Hamas bắt đầu vòng mới nhất bằng cách tiến hành một cuộc tấn công phối hợp bằng hỏa tiễn vào Israel, bao gồm cả việc bắt cóc một số binh sĩ và dân thường Israel cũng như tạm thời chiếm giữ một số cộng đồng biên giới.
Nếu nói rằng Israel lơ là, mất cảnh giác là chưa chính xác, mà nói đúng hơn là Israel đã thất bại về tình báo. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tuyên bố rằng Israel hiện đang “trong tình trạng chiến tranh” và Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đang trả đũa, giống như họ đã làm trong những lần trước đây.
Có thể dự đoán được, mỗi bên sẽ đổ lỗi cho bên kia. Israel và những người ủng hộ họ miêu tả Hamas không khác gì một nhóm khủng bố tàn bạo được Iran hậu thuẫn, những kẻ đã cố tình tấn công dân thường theo những cách đặc biệt đáng lo ngại. Người Palestine và những người ủng hộ họ thừa nhận rằng tấn công dân thường là sai trái nhưng đổ lỗi cho Israel đã áp đặt chế độ phân biệt chủng tộc đối với người dân Palestine và khiến họ phải hứng chịu bạo lực có hệ thống và không cân xứng trong nhiều thập niên. Họ cũng chỉ ra rằng luật pháp quốc tế cho phép các dân tộc bị áp bức chống lại sự chiếm đóng bất hợp pháp, ngay cả khi các phương pháp mà Hamas chọn là bất hợp pháp.
Đây là bằng chứng nữa cho thấy trật tự an ninh toàn cầu đang xấu đi. Bởi vì đây không phải là lần đầu tiên bạo lực quy mô lớn nổ ra giữa Israel và Hamas. Israel đã tấn công Dải Gaza trong Chiến dịch Cast Lead vào tháng 12 năm 2008, và lặp lại hành động đó trong Chiến dịch Protection Edge vào năm 2014, và sau đó lại làm như vậy một lần nữa ở quy mô nhỏ hơn vào tháng 5 năm 2021. Những cuộc tấn công này đã giết chết hàng ngàn thường dân với khá nhiều trẻ em và làm nghèo thêm dân số bị mắc kẹt ở Gaza, nhưng những cuộc chiến đó đã không đưa chúng ta đến gần hơn với một giải pháp lâu dài của hai nhà nước và sự công bằng.
Đặc điểm mới lạ của đợt giao tranh mới nhất này là Hamas đã tung ra một chiến dịch “Trân Châu Cảng” hoàn toàn bất ngờ giống như Ai Cập và Syria đã làm cách đây 50 năm, trong Chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1973 và đã chứng tỏ được khả năng chiến đấu đáng kinh ngạc.
Cuộc tấn công gây thiệt hại cho Israel nhiều hơn bất kỳ hoạt động nào trước đó. Theo báo cáo, hơn 700 người Israel đã thiệt mạng, với số người chết dự kiến sẽ tăng lên và một số lượng chưa xác định đã bị bắt, bao gồm cả một số binh sĩ IDF.
Vụ tấn công rõ ràng đã gây chấn động đến xã hội Israel. Việc chính phủ không phát hiện hoặc ngăn chặn kịp thời cuộc tấn công cuối cùng có thể đánh dấu sự kết thúc sự nghiệp chính trị của Netanyahu, và giống như thất bại tình báo năm 1973, nó có thể dẫn đến những lời buộc tội ở Israel sẽ còn vang dội trong nhiều năm sau này. Nhưng Hamas vẫn yếu hơn Israel rất nhiều và cuộc chiến sẽ không làm thay đổi cán cân quyền lực tổng quát giữa họ. Israel gần như chắc chắn sẽ trả đũa gay gắt, mạnh tay và dân thường Palestine ở Gaza cũng như những nơi khác trên thế giới, bao gồm cả những người không ủng hộ Hamas – sẽ phải trả giá đắt.
Không ai biết chắc chắn cuộc khủng hoảng này sẽ đi đến đâu hoặc tác động lâu dài sẽ ra sao, nhưng sau đây là một số kết luận dự kiến.
Thứ nhất, thảm kịch mới nhất này khẳng định chính sách của Mỹ đối với cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và Palestine đã phá sản. Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ từ Richard Nixon đến Barack Obama đã nhiều lần có cơ hội để chấm dứt cuộc xung đột này nhưng cuối cùng họ đã không làm được. Tất nhiên, họ đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ các nhà lãnh đạo Israel và Palestine sai lầm hoặc thiếu năng lực, chưa kể đến sự phản đối chính trị mạnh mẽ từ Ủy ban Công vụ Israel của Mỹ và các thành phần cứng rắn khác trong vận động hành lang của Israel, nhưng đó chỉ là một phần lý do. Thay vì đóng vai trò là người hòa giải công bằng và khai thác đòn bẩy to lớn theo ý mình, cả chính quyền Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều cúi đầu trước áp lực từ áp lực của các cuộc vận động hành lang. Điều này đã thúc đẩy người Mỹ, o ép các nhà lãnh đạo Palestine phải nhượng bộ trong khi hỗ trợ Israel vô điều kiện, và người Mỹ quay lưng, nhắm mắt làm ngơ trước nỗ lực kéo dài hàng thập niên của Israel nhằm chiếm đoạt những vùng đất được cho là dành riêng cho nhà nước Palestine trong tương lai.
Thậm chí ngày nay, chính phủ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đổ tiền vào Israel và bảo vệ nó trên các diễn đàn quốc tế trong khi nhấn mạnh rằng họ cam kết thực hiện “giải pháp hai nhà nước”. trong khi người Mỹ trên thực tế chỉ nói và ủng hộ một cách rõ ràng giải pháp “một nhà nước”.
Tại sao mọi người nên nhận định một cách trung thực quan điểm của Hoa Kỳ về vấn đề này khi các mục tiêu được tuyên bố của nước này quá khác biệt với tình hình thực tế trên thực địa?
Như thường lệ, phản ứng chính thức của Hoa Kỳ đối với cuộc giao tranh là lên án Hamas vì “các cuộc tấn công vô cớ, tàn nhẫn”, bày tỏ sự ủng hộ vững chắc đối với Israel và cố tình phớt lờ bối cảnh rộng hơn mà điều này đang xảy ra cũng như lý do tại sao một số người Palestine cảm thấy họ không có quyền lựa chọn là sử dụng vũ lực để đáp lại vũ lực được Israel thường xuyên sử dụng để chống lại họ.
Đúng vậy, không có lý do chính đáng nào có thể biện minh cho hành động đánh phủ đầu tàn ác của Hamas. Nhưng nó chắc chắn đã bị “kích động” theo nghĩa thông thường như một phản ứng với bạo lực đối với những điều kiện bị đàn áp, phân biệt mà người Palestine ở Gaza đã phải đối mặt trong nhiều thập niên – ngay cả khi việc Hamas sẵn sàng cố tình tấn công dân thường theo những cách đặc biệt tàn bạo là không thể bào chữa được và hoàn toàn có thể phản tác dụng.
Nếu các chính trị gia Mỹ của cả hai đảng bớt hèn nhát và thiên vị hơn, thì họ sẽ lên án đúng đắn hành động của Hamas, đồng thời tố cáo những hành động tàn ác và bất hợp pháp mà Israel thường xuyên gây ra đối với người dân Palestine.
Nếu thế giới từng thắc mắc tại sao những nỗ lực hòa bình trong quá khứ của Hoa Kỳ lại luôn thất bại và tại sao nhiều người trên thế giới không còn coi Hoa Kỳ là một ngọn hải đăng đạo đức nữa thì cuộc chiến mới nhất này giữa Israel và Hamas là câu trả lời cho những người họ.
Thứ hai, cuộc đổ máu mới này là một lời nhắc nhở khác đáng buồn, rằng trong chính trị quốc tế, quyền lực quan trọng hơn công lý. Israel đã có thể mở rộng ở Bờ Tây và giam giữ người dân Gaza trong một nhà tù ngoài trời trong nhiều thập niên vì họ mạnh hơn nhiều so với người Palestine và vì họ đã thành công trong việc vô hiệu hóa Hoa Kỳ, Ai Cập, Liên minh Châu Âu với những lời phản đối và buộc nước này phải đàm phán một nền hòa bình lâu dài với người Palestine.
Tuy nhiên, sự kiện lần này – và nhiều cuộc đụng độ trước đó – cũng có thể bộc lộ những giới hạn của quyền lực. Chiến tranh là sự tiếp nối của chính trị bằng những phương tiện khác, các quốc gia hùng mạnh thường giành chiến thắng trên chiến trường nhưng vẫn thua về mặt chính trị. Mục tiêu của khủng bố là chính trị và sự phân nhánh chính trị của cuộc xung đột này là toàn cầu. Hoa Kỳ có thể muốn xoay trục khỏi Trung Đông, nhưng Trung Đông từ chối tham gia cùng.
Iran, quốc gia trong nhiều năm đã hỗ trợ Hamas bằng tiền bạc và vũ khí, có lợi ích lớn trong cuộc chiến này sẽ diễn ra như thế nào trong những tuần, tháng và thậm chí nhiều năm tới. Cho đến nay, cả Mỹ và Israel đều không tìm thấy bằng chứng trực tiếp liên quan đến việc Iran liên quan đến vụ tấn công, nhưng Mỹ mô tả Iran là “đồng lõa” với tư cách là nhà tài trợ chính thức của Hamas. Israel và Mỹ đang thận trọng, bởi vì họ không muốn một cuộc đối đầu trực diện khác vào lúc này. Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei ca ngợi Hamas về hoạt động này nhưng có lẽ để lộ một số lo lắng nên đã công khai phủ nhận liên quan đến các cuộc tấn công, dù cuộc chiến này cuối cùng có thể trở thành một chiến thắng cho Iran, một chế độ độc tài chống phương Tây, và luôn đe dọa tiêu diệt Israel và đã tìm cách bao vây nước này bằng một vòng vây của các tổ chức chiến binh ở Gaza, Lebanon và Syria.
Với những hình ảnh người Palestine bị giết bởi bom của Israel tràn ngập các màn hình của công dân Ả Rập ở khắp mọi nơi, gây ra sự phẫn nộ và khiến cho người Saudi Arabia gặp khó khăn hơn nhiều, có lẽ nói là không thể xích lại gần Israel hơn. Nhưng theo chiều ngược lại, nhiều người Israel cũng sẽ nổi giận với quan điểm thỏa hiệp với người Palestine, sau khi họ chứng kiến đàn ông, phụ nữ, trẻ em, trẻ mới biết đi, trẻ sơ sinh và người lớn tuổi của họ bị tàn sát.
Nhưng không có gì làm Israel suy yếu hơn bằng sự chia rẽ nội bộ, vốn đã xé nát đất nước sau khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu đưa những nhân vật cực đoan cánh hữu vào liên minh của ông – cách duy nhất để ông ta có thể nắm giữ quyền lực. Người Israel phải đối mặt với những tình thế tiến thoái lưỡng nan và họ có những quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về cách giải quyết chúng. Nếu có điều gì đó mà họ chắc chắn đều đồng ý ngày nay thì đó chính là sự chia rẽ sâu sắc sẽ khiến đất nước dễ bị tổn thương hơn.
Hoa Kỳ đã thắng tất cả các trận đánh lớn nhỏ trên thực địa với cộng sản ở Việt Nam và phiến quân Taliban ở Afghanistan, nhưng cuối cùng lại thua cả hai cuộc chiến. Ai Cập và Syria đã bị đánh bại nặng nề trong cuộc chiến năm 1973, nhưng những tổn thất mà Israel phải gánh chịu trong cuộc chiến đó đã thuyết phục các nhà lãnh đạo của nước này và những người bảo trợ Mỹ của họ rằng họ không thể phớt lờ mong muốn giành lại bán đảo Sinai của Ai Cập nữa. Hamas sẽ không bao giờ có thể đánh bại Israel trong một cuộc thử thách sức mạnh trực tiếp, nhưng cuộc tấn công của họ là một lời nhắc nhở bi thảm rằng Israel không phải là bất khả xâm phạm và không thể bỏ qua mong muốn tự quyết của người Palestine. Nó cũng cho thấy Hiệp định Abraham và những nỗ lực gần đây nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia không bảo đảm cho hòa bình. Và Israel bắt buộc phải chấp nhận một thực tế cay đắng rằng, Hamas thực sự có khả năng tạo nên những cuộc xung đột khác thường xuyên hơn, và muốn tránh được viễn cảnh đáng sợ đó, Israel và cả Mỹ cần phải nghiêm túc nói chuyện một giải pháp “hai nhà nước”, chỉ có cách duy nhất này mới có thể ngăn ngừa các cuộc tấn công khác xảy ra trong tương lai.
Lời kết:
Cuộc chiến hiện này rồi sẽ đi đến đâu? Ai sẽ chiến thắng? Ai phải nhận thất bại?
Bước đi thông minh cho tất cả các bên sẽ là bắt đầu bằng việc nhanh chóng quay trở lại hiện trạng trước đó: Hamas sẽ ngừng các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, rút lui ngay lập tức khỏi bất kỳ khu vực nào mà họ đã chiếm giữ, đề nghị trả lại những người Israel mà họ đã bắt được mà không yêu cầu trao đổi những người Palestine đang bị phía Israel giam giữ và cả hai bên sẽ đồng ý ngừng bắn.
Và sau đó Hoa Kỳ và các nước khác sẽ phát động một nỗ lực nghiêm túc, công bằng và ổn định lâu dài vì một nền hòa bình công bằng và có ý nghĩa. Nói như vậy thôi, vì đây chỉ là lý thuyết, và những điều tôi vừa đề cập đến sẽ không xảy ra.
Thay vào đó, Israel sẽ nỗ lực hết sức để phủ nhận Hamas và tự chứng tỏ Israel đã thành công về mặt chiến thuật, và thậm chí có thể cố gắng trục xuất Hamas khỏi Gaza một lần và mãi mãi. Chính phủ Mỹ sẽ kiên quyết ủng hộ bất cứ quyết định nào của Israel. Những tiếng nói kêu gọi ngừng bắn, tìm kiếm hòa bình sẽ bị phớt lờ, và vòng luẩn quẩn bắn giết, tấn công, bắt bớ, trả thù, đau khổ và bất công vẫn sẽ tiếp tục.
Và những ai là người chịu trách nhiệm chính cho cái vòng luẩn quẩn này? Đó là giới diều hâu quyền lực của Israel và Ủy ban Công vụ Israel của Mỹ. Nhưng cuối cùng, Israel vẫn thua một cuộc chiến lớn ở Trung Đông, giống như Mỹ đã từng thua hai cuộc chiến lớn ở Việt nam và Afghanistan.
***
‘Hạm đội ma’ của Nga sẽ không bị phát hiện
Theo một báo cáo mới, Nga đang vận hành một “con tàu ma” ở Biển Đen như một phần của “hạm đội độc nhất” nhằm phá vỡ các hạn chế ở vùng biển xung quanh miền nam Ukraine.
Theo nghiên cứu được công bố bởi Đại học Quốc phòng NATO hôm thứ Tư, Moscow đã sử dụng “một hạm đội độc nhất, bao gồm các tàu hiện đại có thể di chuyển hàng hóa quan trọng mà không bị phát hiện” qua eo biển do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát nhằm hạn chế quyền tiếp cận Biển Đen.
Các tác giả của báo cáo cho biết, các tàu chở hàng mang cờ Nga đã hành trình giữa một căn cứ của Nga ở cảng Tartus của Syria và các cơ sở quân sự Novorossiysk của Hạm đội Biển Đen qua eo biển Bosphorus, kể cả kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
Việc tiếp cận Biển Đen qua Địa Trung Hải, sử dụng eo biển Bosphorus và Dardanelles, do Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, kiểm soát. Ankara có thể đóng quyền tiếp cận Biển Đen thông qua các tuyến đường thủy này theo Công ước Montreux trong điều kiện thời chiến, điều mà họ đã thực hiện ngay sau cuộc xâm lược của Moscow. Nó hạn chế các tàu chiến đi qua Biển Đen, mặc dù nó không chặn các tàu quay trở lại căn cứ quê hương của họ.
Báo cáo được công bố gần đây đề cập đến SPARTA IV có gắn cờ Nga, một tàu chở hàng mà họ lập luận thông qua dữ liệu theo dõi, hình ảnh vệ tinh và nguồn thông tin tình báo nguồn mở đã được sử dụng làm tàu quân sự để vận chuyển thiết bị cho nỗ lực chiến tranh của Moscow ở Ukraine.
Theo báo cáo, SPARTA IV có liên kết trực tiếp với Bộ Quốc phòng Nga và được biết đến là nơi vận chuyển các phương tiện quân sự.
Họ lập luận rằng một “mô hình” đã xuất hiện kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, trong đó SPARTA IV sẽ rời khỏi các cơ sở quân sự của hải quân Nga ở Novorossiysk, trước khi hướng tới lãnh hải của Syria và sau đó nó sẽ ngừng gửi dữ liệu vị trí và theo dõi, báo cáo đề xuất. Báo cáo lập luận rằng con tàu không cập cảng dân sự ở Novorossiysk mà tại các cơ sở quân sự.
Sau đó, tàu chở hàng sẽ đến căn cứ của Nga tại Tartus để “xếp hoặc dỡ thiết bị trước khi ra khơi trở lại“, khởi động lại dữ liệu theo dõi sau khi rời khỏi vùng biển Syria và “quay trở lại Novorossiysk để bốc dỡ hàng hóa“.
Hạm đội Biển Đen của Nga đã duy trì áp lực lên bờ biển phía nam Ukraine và có trụ sở một phần ở Novorossiysk và thành phố cảng Sevastopol của Crimea. Các căn cứ này giúp Nga có cơ hội khai triển sức mạnh hải quân của mình tới Địa Trung Hải.
Các eo biển Dardanelles và Bosphorus do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát đã nhiều lần gây chú ý khi Ankara môi giới một thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua đường thủy vào tháng 7 năm 2022. Thỏa thuận này được duy trì trong một năm cho đến khi Nga rút lại sự tham gia vào tháng 7 năm 2023.
Stephen Walt, Frida Ghitis
Translated & Summarized
Việt Linh (Theo Euro News)
________________
Đỗ Hứng gởi