Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 

Khai mạc Olympic Paris 2024 : Pháp phá lệ với một « lễ hội đường phố » trên sông Seine

 
 

Lấy những kiến trúc cổ của Paris làm sân khấu, biến hai bờ kè sông Seine và những cây cầu của thành phố tráng lệ bậc nhất thế giới thành sân vận động với hơn 300.000 khán giả: Lần đầu tiên trong lịch sử thể thao Olympic, lễ khai mạc được tổ chức trên sông. 

Kim tự tháp bằng kính, cổng vào bảo tàng Louvre, đợi quan khách trước lễ khai mạc Thế Vận Hội Paris 2024.

Kim tự tháp bằng kính, cổng vào bảo tàng Louvre, đợi quan khách trước lễ khai mạc Thế Vận Hội Paris 2024. AP - Ludovic Marin
 

Một số công trình tiêu biểu nhất của Pháp trải dài trên 6km dọc theo sông Seine trong buổi lễ khai mạc Pháp là lời mở đầu chào đón gần 10.000 vận động viên đại diện cho 206 phái đoàn quốc tế và trên một tỷ khán giả toàn cầu qua truyền hình, đến với Thế Vận Hội Paris 2024.

Lời tỏ tình của Paris với các vận động viên toàn cầu

Để vinh danh sự kiện thể thao diễn ra 4 năm một lần, Paris phá lệ, không thu mình trong sân vận động vào giờ khai mạc, mà đưa thế giới thể thao đến tận giữa lòng thành phố. Khác với những lễ khai mạc trước đây, lần đầu tiên chương trình mở ra và khép lại với các vận động viên. Trên lộ trình 6 km, với cây cầu Austerlitz ở phía đông thủ đô là điểm khởi hành, 7.500 vận động viên quốc tế thả bước trên hơn 90 con tàu dọc theo sông Seine … Theo truyền thống, phái đoàn Hy Lạp mở đầu đoàn diễu hành và Pháp, trong cương vị chủ nhà, khép lại cuộc tuần hành.

Với tốc độ trung bình 8 km/giờ, trong vòng 40 phút, tất cả các phái đoàn lần lượt đi qua những công trình nổi tiếng nhất của Kinh Đô Ánh Sáng : từ nhà thờ Notre Dame de Paris, đến bảo tàng Louvre, quảng trường Concorde, điện Grand Palais, điện Invalides … Chuyến du thuyền kết thúc ở cầu Iéna, phía tây thủ đô Paris, ngay dưới chân biểu tượng của nước Pháp là tháp Eiffel.

Trong mắt nữ vận động viên điền kinh Pháp Marie José Pérec, 3 lần đoạt huy chương vàng Olympic và từng được vinh dự dẫn đầu phái đoàn Pháp tại Thế Vận Hội Atlanta năm 1996, chưa một nơi nào, chưa một buổi lễ khai mạc nào dành cho các vận động viên những ưu ái như Paris năm nay. Marie José, được mời quan sát lộ trình buổi lễ hôm nay, chia sẻ cảm nghĩ :

« Thật thú vị không kém gì lúc tôi đoạt huy chương vàng. Tất cả hoàn toàn ngoài sự tưởng tượng của tôi. Tuyệt đẹp và quá hoành tráng … Khi được vinh dự rước cờ ở Thế Vận Hội Atlanta, tôi vui sướng và tràn ngập hạnh phúc… Nhưng giờ phút ấy qua mau. Chúng tôi chỉ được rước cờ 1 vòng quanh sân vận động. Lần này, tại Paris cả thế giới hướng nhìn về các vận động viên khi họ tuần hành trên sông trong vòng 40 phút, từ cầu Austerlitz đến cầu Iéna dưới chân tháp Eiffel … Đây là món quà đẹp nhất, ý nghĩa nhất mà chúng ta có thể tặng cho các nhà thể thao ».

Chủ tịch Ủy Ban Olympic Paris 2024, Tony Estanguet, nguyên là vận động viên và vô địch Thế Vận Hội ở môn chèo thuyền, chia sẻ thêm :  

« Là một vận động viên, tôi đã từng dự nhiều kỳ Thế Vận Hội, và tôi biết lễ khai mạc là một thời khắc khó quên, một thời điểm rất đặc biệt. Đây là lần đầu tiên, một con sông thay thế cho sân vận động, lần đầu tiên lễ khai mạc được tổ chức trên sông, mà đấy lại là sông Seine… Chắc hẳn các vận động viên đều muốn thời gian trôi chậm lại để được hưởng thụ lâu hơn một chút toàn cảnh và không khí lễ hội của Paris … » 
« Paris est une fête »

Một đặc điểm khác của Paris 2024 là lần đầu tiên ban tổ chức cố ý xen kẽ các màn trình diễn nghệ thuật vào giữa cuộc tuần hành của 206 phái đoàn quốc tế. Nước chủ nhà muốn kể lại với thế giới những gì đã đưa Paris đi vào lòng người, để Paris được mệnh danh là Kinh Đô Ánh Sáng, để thủ đô nước Pháp trở thành điểm hẹn và là nguồn sáng tác của biết bao nhiêu thế hệ văn nghệ sĩ từ 5 châu, thậm chí đã có những người vĩnh viễn chọn Paris là nhà … 

Giám đốc nghệ thuật Thomas Jolly, người đem những ý tưởng và phối hợp dàn dựng toàn bộ chương trình khai mạc tối nay, khi được mời tham gia đã rất hào hứng :

« Lần đầu tiên lễ khai mạc diễn ra ở bên ngoài sân vận động, với phông nền là toàn cảnh của một thành phố tráng lệ như Paris. Đây là một ý tưởng rất độc đáo của ban tổ chức. Đối với tôi, về phương diện nghệ thuật, thì đây là quang cảnh đẹp nhất thế giới ! Sân khấu của chúng ta là dòng sông Seine trữ tình. Tôi thật là may mắn được sáng tạo trên một phông nền tuyệt vời như vậy. Điều thú vị ở đây là khi mà chúng ta lấy toàn cảnh sông Seine làm nền cho buổi lễ, mỗi công trình kiến trúc của thành phố đều nói lên bề dầy lịch sử của Pháp, của Paris … Bản sắc của Pháp, những gì tiêu biểu của Paris đã có sẵn ngay tại nơi này… Paris là thành phố của sự hòa đồng trong cuộc sống, một thành phố đã lớn mạnh nhờ những gì du nhập từ bên ngoài cũng đã có ảnh hưởng với phần còn lại của thế giới ».

Sông Seine và kiến trúc Paris là sân khấu 

Là một tên tuổi lớn trong làng kịch nghệ sân khấu, Thomas Jolly đã tận dụng tối đa những không gian của thủ đô Paris - trên sông, trên cạn và trên bầu trời Paris để sáng tác. Cùng với các cộng tác viên trong ban tổ chức, Thomas Jolly huy động 400 vũ công, 3.000 nghệ sĩ sân khấu, cho sự kiện này. Hàng ngàn diễn viên sân khấu sẽ ẩn hiện đâu đó trên thuyền, trên 14 cây cầu nổi tiếng Paris, hay bất ngờ xuất hiện từ nóc nhà hát Opéra … Vẫn Thomas Jolly, trả lời báo chí, nói rõ hơn về ý tưởng anh gửi gắm vào chương trình khai mạc Paris 2024 : 

« Chúng ta chờ đợi một chương trình hoành tránh, diễn ra trong khoảng 3 tiếng 45 phút, đan xen những màn các vận động viên diễu hành, với những bức tranh mang tính nghệ thuật, và kèm theo đó là những nghi lễ của một buổi khai mạc Thế Vận Hội. Đây sẽ mà một ngày hội lớn để vinh danh nhân loại, vinh danh chúng ta. Hai chữ chúng ta ở đây phải hiểu theo nghĩa bản chất của mỗi chúng ta ở góc trời Paris này, ở trên đất Pháp và ở khắp mọi nơi trên toàn cầu. Lễ khai mạc Olympic là dịp để vinh danh mối liên hệ giữa Paris, giữa Pháp với thế giới và lúc mà cả thế giới đang đến với Paris và cùng nhìn về Paris ».

Trả lời báo chí quốc tế, giám đốc nghệ thuật chương trình lễ khai mạc Paris 2024 phát biểu bằng ngôn ngữ của Hemingway (nhà văn Mỹ Erneste Hemingway là tác giả cuốn Paris est une fête/A Mouveable Feast/ Hội hè miên man), thực sự nóng lóng giới thiệu với thế giới về « thành phố tình yêu » : 

« Chúng tôi đã chuẩn bị trong hơn hai năm cho sự kiện này, và tôi rất nôn nóng được chia sẻ thành quả công việc của mình với thế giới. Tôi không được phép tiết lộ về những người tham dự, nhưng chương trình đêm khai mạc sẽ rất tuyệt vời với rất nhiều nhân vật danh tiếng, gắn bó với Paris, có những gì để kể về thành phố này… Đây là hình ảnh của nước Pháp của một thành phố ngày hôm nay. Đây là nơi tất cả mọi người đều có quyền được sống, được yêu và được là chính mình … »

Dành cho khán giả sự bất ngờ, như vừa nói, ban tổ chức cố gắng giữ kín những thông tin về chương trình đêm nay. Thí dụ như đến giờ phút này, mọi người vẫn mới chỉ phỏng đoán là đài lửa Olympic Paris sẽ ngự trong khu vườn Tuileries nằm giữa quảng trường Concorde và bảo tàng Louvre. Nhưng chưa biết gương mặt nào trong làng thể thao của Pháp sẽ có vinh dự thắp sáng đài lửa Paris 2024… Chỉ biết rằng, trong ngày hôm nay, 30 nhân vật trên thế giới sẽ truyền tay nhau ngọn đuốc Olympic và trong số này sẽ có ba ngôi sao trong làng giải trí Hoa Kỳ : Snoop Dogg, Bradley Cooper và Pharrell Williams.  

Một bí mật được giữ kín khác liên quan đến danh sách các nghệ sĩ được mời biểu diễn trên sân khấu Paris đêm nay. Có nhiều khả năng, đó là các diva trong làng nhạc quốc tế như Lady Gaga, Céline Dion hay ca sĩ hai dòng máu Pháp và Mali, Aya Nakamura …   

Lịch sử và con người 

Theo thông lệ, lễ khai mạc luôn là dịp để nước chủ nhà giới thiệu với thế giới về mình qua một « bộ phim không lời ». Sử gia Patrick Boucheron, một trong những chuyên gia được mời cố vấn cho chương trình, ghi nhận Paris 2024 tránh lên giọng dạy đời như ở Bắc Kinh 2008, khi mà ban tổ chức Trung Quốc phô trương với thế giới những trang sử oai hùng, đề cao lòng yêu nước của cả một dân tộc…  

Người Pháp vốn đã bị chê là « quá tự tin », « ngạo mạn », nên ban tổ chức thiên về ý tưởng Thế Vận Hội lần này là dịp để nói với bạn bè 5 châu rằng Paris có thể trở « Kinh Đô Ánh Sáng » cũng là nhờ du nhập và học hỏi nhiều ở những nền văn hóa từ các nước bạn chung quanh… Chính tinh thần cởi mở và sự hòa đồng ấy là nhựa sống của Paris. Từ xưa đến nay, trong nhãn quan của không ít người trên thế giới, Pháp nói chung, Paris nói riêng luôn là biểu tượng của những « hứa hẹn tự do », nơi mọi người có thể chung sống hài hòa.

Một sự điên rồ 

Việc tổ chức lễ khai mạc Thế Vận Hội trong thành phố và hoàn toàn ngoài khuôn viên một sân vận động là « một sự điên rồ », một bài toán táo bạo đã đặt ra 1001 thách thức, cả về kỹ thuật và an ninh đối với nước chủ nhà. Một câu hỏi đơn giản là đêm nay trong hơn 3 giờ đồng hồ lễ hội, trời Paris có mưa hay không. Hiện cơ quan khí tượng quốc gia báo trước một đêm mưa. Ban tổ chức sẽ phải thích nghi với tình huống khi biết rằng « lễ hội Paris 2024 » thành công hay không, một phần lớn sẽ tùy thuộc vào sức gió, vào ánh sáng tự nhiên của những buổi hoàng hôn, khi trời chạng vạng ngả màu tím …

Thêm vào đó, khi mượn dòng sông Seine làm nền, làm sân chơi cho các vận động viên quốc tế, thì ban tổ chức phải chấp nhận một điều hiển nhiên : Sông Seine hiền hòa nhưng bướng bỉnh và có những luật chơi riêng.

Sylfried Cartier và Yves Dalboeuf, hai thuyền trưởng giàu kinh nghiệm lái tàu trên sông Seine, lo rằng mưa nhiều, mực nước sông dâng cao, tàu sẽ khó đi qua một số gầm cầu trên lộ trình 6 cây số của sông Seine. Dù đã thuộc nằm lòng từng khúc sông, nhưng cả hai vẫn trong tình trạng đề cao cảnh giác tối đa với con sông nổi tiếng nhất của nước Pháp. Một nỗi băn khoăn khác của cả hai viên thuyền trưởng là không dễ để phối hợp nhịp nhàng cả một độ tầu trên dưới 90 chiếc nối đuôi nhau tuần hành trên sông không. Họ đã tập dợt không biết bao nhiêu lần trước chuyến khởi hành đêm nay. Dù vậy, cả Sylfird và Yves cùng xem trọng trách chở phái đoàn Pháp là vinh hạnh lớn nhất và đáng ghi nhớ nhất trong sự nghiệp :

« Chúng tôi rất hân hạnh được chở đoàn 600 vận động viên Pháp. Tôi đã phục vụ 39 năm và trước khi về hưu được tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội là một vinh hạnh rất lớn, một khoảnh khắc đầy xúc động ».

An ninh, một bài toán đau đầu

Bảo đảm an ninh cho hơn 90 con thuyền trên sông, cho khán giả dọc theo hai bờ kè cũng là một mối đau đầu rất lớn đối với ban tổ chức. Để chuẩn bị cho sự kiện đêm nay, Pháp phải huy động đến quân đội và đã có một sự chuẩn bị kỹ càng, như giải thích của trung tá Olivier thuộc trung đoàn đóng tại Ivry Charenton :

« Chúng tôi có cách tiếp cận đa chiều các mối đe dọa, có nghĩa là xem xét mọi khả năng mối đe dọa đó có thể xuất hiện từ dưới lòng sông, trên mặt đất và trên không. Do vậy, chúng tôi sử dụng sonar để quan sát lòng sông. Chúng tôi huy động cả các rào cản trên mặt nước và trên bộ nhằm ngăn cản mọi mục tiêu xâm nhập vào các khu vực an ninh. Sau cùng, chúng tôi hợp tác rất chặt chẽ với lực lượng Không quân, chủ yếu để phát hiện drone trong khu vực diễn ra sự kiện ».

Trong thời bình, chưa bao giờ Paris đóng cửa không phận trong 6 giờ đồng hồ liên tiếp như hôm nay để bảo đảm an ninh cho lễ khai mạc Thế Vận Hội.

Sau hơn 7 năm chuẩn bị, Ủy Ban Thế Vận Hội Paris bắt buộc phải thành công trong buổi lễ đêm nay, để « Paris là một ngày lễ hội ». Dù đã phải vượt qua không biết bao nhiêu thử thách, có lẽ một trong những hình ảnh Olympic Paris 2024 muốn nhắn gửi lần này, đó là, với tinh thần đồng đội và tập thể, khó khăn nào cũng có thể vượt qua …   

Thanh Hà - RFI

________________


Đặng Hữu Phát gởi