Ban Phiên Dịch Việt Ngữ
Trường Ðại Học Pháp Giới
Vạn Phật Thánh Thành
Talmage, California
Mục Lục
Vài Nét Về Vạn Phật Thánh Thành
Sơ Lược Về Hòa Thượng Tuyên Hóa
Mười Tám Ðại Nguyện của Hòa Thượng Tuyên Hóa
Tám Quy Luật Của Ban Phiên Dịch Kinh Ðiển
1 Gieo Nhân Gặp Quả
2 Phản Bổn Hoàn Nguyên
3 Dùng Tâm Bình Thường Ðể Học Phật
4 Học Phật Thì Ðừng Tham Danh Lợi
5 Ghi Chú Về Sự Linh Nghiệm Khi Cầu Mưa Ở Công Viên Golden Gate San Francisco
6 Tuyển Hiền Cử Năng Ðể Làm Bậc Trụ Trì
7 Kinh Lăng Nghiêm Tuyệt Ðối Là Bộ Chơn Kinh
8 Chúng sinh Biệt Nghiệp Vọng Kiến, Và Ðồng Phân Vọng Kiến
9 Trì Chú Trước Tiên Phải Chánh Tâm Thành Ý
10 Quy Mạng Chú Lăng Nghiêm Quang Minh Trên Ðảnh Phật
11 Khai Thị Nhân Ngày Lễ Phật Ðản
12 Bách Khổ Giao Tiên
13 Bát Khổ
14 Tu Ðạo Không Cần Quá Thông Minh
15 Những Côn Trùng Tác Quái Trên Thân Của Mình
16 Bí Quyết Tu Ðạo: Tiết Thực, Quả Dục
17 Ăn Thịt Tức Là Ăn Người
18 Tu Ðạo Cần Phải Bỏ Ác Làm Lành
19 Ðạo Cả Suy Thì Có Người Nhân Nghĩa
20 Tu Ðạo Cần Có Tâm Kiên Trì Không Ðổi
21 Chim Ðại Bàng Kim Sí Ðiểu
22 Thọ, Yểu, Phú, Cùng Ðều Không Ra Khỏi Luân Hồi
23 Vạn Ma Không Lùi Bồ Ðề Tâm
24 Tất Cả Chúng Sinh Ðều Có Phật Tánh
25 Rắn Lại Nghe Pháp
26 Tự Tại Phi Tha Tại
27 Yêu Quái Xuất Thế
28 Pháp Giới Duy Tâm Tạo
29 Cái Học Tạo Mệnh
30 Ăn Thịt Thì Cũng Giống Như Là Ăn Chất Ðộc Vậy!
31 Tu Ðạo Không Ðược Cẩu Thả
32 Xã Hội Hỗn Loạn
33 Hiệu Lịnh Nhân Ngày Quốc Khánh Nước Mỹ
34 Ma Vương Cũng Phải Giữ Quy Củ
35 Thiên Hạ Bổn Vô Sự, Dung Nhân Tự Nhiễu Chi
36 Vì Nền Giáo Dục Mà Làm Chuyện Giáo Dục
37 Nhân Ác Lớn Nhất Là Sát Sanh, Ăn Thịt
38 Ðôn Phẩm Lập Ðức
39 Ðạo
40 Chân, Thành, Hằng
41 Lời Khuyến Khích Ðầu Năm
42 Có Nên Ðể Cho Trẻ Em Tự Do Phát Triển Chăng?
43 Nguy Cơ Của Sự Tiến Bộ Khoa Học, Kỹ Thuật
44 Nâng Cao Tiêu Chuẩn Hàng Tăng Sĩ, Tích Cực Xiển Dương Kinh Lăng Nghiêm
45 Ðạo Tràng Mới Lập
46 Bốn Ðiều Răn Dạy Về Tánh Thanh Tịnh Chân Thật, Bất Hư
47 Năm Mươi Thứ Ấm Ma Trong Kinh Lăng Nghiêm
48 Lăng Nghiêm Ðại Ðịnh
49 Ðừng Ham Thần Thông Dị Ðoan
50 Muốn Ðộ Chúng Sinh Thì Trước Hết Mình Ðừng Ăn Thịt
51 Ít Phiền Não, Ít Tư Dục
52 Nhân Ðịa Bất Chân, Quả Thọ Khổ
53 Nếu Phật Giáo Ðồ Không Trì Giới Tức Là Mạt Pháp
54 Làm Người Cần Phải Hiếu Thảo Với Cha Mẹ
55 Tự Do Quá Mức Sẽ Ðem Lại Ðau Khổ
56 "Hippy" Từ Ðâu Ðến?
57 Học Ðường Là Thánh Ðịa
58 Khi Phát Nguyện Cần Phải Thành Tâm
59 Hoc Phật Pháp Cần Dũng Mãnh Sửa Ðổi Lỗi Lầm
60 Nói Chuyện Với Học Sinh Trường Dục Lương Và Trường Bồi Ðức
61 Quân Tử Biết Cách Tạo Vận Mạng
62 Sự Bất Ðồng Giữa Phật Với Ma
63 Tám Ðức Tính Căn Bản Làm Người
64 Lấy Việc Giúp Ðời Làm Trách Nhiệm
65 Có Chí Thì Nên
66 Bài Trừ Sắc Thái Mê Tín
67 Lòng Tham Không Ðáy Của Con Người
68 Ba Thứ Ðộc Tác Hại Con Người Nặng Nề Nhất
69 Ở Vườn Lan Mà Chẳng Biết Lan Thơm
70 Thế Nào Là Tam Tạng Kinh Mười Hai Bộ
71 Ðức Lục Tổ Ở Ẩn Nơi Nhóm Thợ Săn
72 Phá Bỏ Tri Kiến Nhân Ngã, Chia Rẽ Phật Giáo
73 Người Tu Ðạo Cần Vượt Qua Khảo Nghiệm
74 Người Tu Ðạo Cần Giữ Gìn Thân Tâm
75 Không Ðủ Giới, Ðịnh Thì Chẳng Sinh Trí Huệ
76 Cha Mẹ Là Tấm Gương Cho Con Cái
77 Nền Văn Hóa Cố Hữu Của Trung Quốc
78 Chúng Sinh Ðáng Thương Xót, Không Biết Tự Cứu
79 Xuất Gia Là Xuất Cái Gì?
80 Ăn Thịt Là Nguồn Gốc Của Tai Kiếp
KHAI THỊ, Quyển 2, Hòa Thượng Tuyên Hóa
COPYRIGHT (c) 1995 by The Buddhist Text Translation Society, Dharma Realm Buddhist University, Talmage, California, USA. All rights reserved, including the right to reproduce this book or transmit it in any form or by anymeans, electronic or mechanical, including photocopy, recording, or any information storage and retrieval system, except for the inclusion of brief quotation and a review. Printed in the United States of America.
First Edition, March 1995.
ISBN: 0-88139-200-4
Trong trường hợp quý đạo hữu phát tâm ủng hộ về tinh thần hay vật chất hoặc có ý kiến đóng góp, xin biên thư về:
Ban Phiên Dịch Việt Ngữ
Trường Ðại Học Pháp Giới
Vạn Phật Thánh Thành
2001 Talmage Rd.
Talmage, CA 95481-0217
Nếu có ý nguyện viếng thăm, quý vị có thể đến Vạn Phật Thánh Thành hay:
PHÁP GIỚI THÁNH THÀNH THÁNH TỰ KIM LUÂN
1029 West Capitol Ave 235 North Avenue 58
West Sacramento, CA 95691 Los Angeles, CA 90042
(916) 374-8268 (213) 258-6668
THÁNH TỰ KIM SƠN TU VIỆN PHẬT GIÁO &
800 Sacramento Street HỌC VIỆN TÔN GIÁO THẾ GIỚI
San Francisco, CA 94108 2304 McKinley Avenue
(415) 421-6117 Berkeley, CA 94703
(510) 848-3440
Vài Nét Về Vạn Phật Thánh Thành
( The Sagely City of Ten Thousand Buddhas)
Khác với đạo Phật ở phương Ðông đã trải qua hơn 2.000 năm lịch sử, Phật giáo ở Mỹ quốc chỉ mới phôi thai, sinh mầm nẩy nhạ trong khoảng thế kỷ nầy. Do vậy, khi đem Phật Pháp truyền tới Mỹ, nhu cầu đòi hỏi chư Tăng, trước thâm ngộ Phật chỉ, thông suốt Tam Tạng, đạo hạnh cao vút, sau là có thể vận dụng Phật lý viên dung với nền văn hóa Tây phương, dùng ngôn ngữ thời đại. Nền tảng chủ yếu trong việc hoằng pháp là kiến thiết tùng lâm, định đặt một chế độ Tăng-lữ với giới luật nghiêm minh, tạo nhân duyên thuận lợi cho chư Tăng, Ni học tập, nghiên cứu, tu trì và hành Ðạo.
Với những điểm then chốt ấy, năm 1959, Hòa Thượng Tuyên Hóa, vị đệ tử kế thừa tâm ấn của Ðại Hòa Thượng Hư Vân, sáng lập ra Tổng Hội Pháp Giới Phật Giáo để chủ động việc hoằng pháp. Năm 1966, Giảng Ðường Phật Giáo ở Cựu Kim Sơn được thành lập, rồi tiếp theo là chùa Kim Sơn.
Năm 1973, Viện Quốc Tế Dịch Kinh ra đời. Mục đích chính của Viện là dịch chính xác, dễ hiểu Tam Tạng Kinh Ðiển (Kinh, Luật, Luận) từ tiếng Phạn và Hán ra các ngôn ngữ khác trên thế giới như tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật và Việt. Song song với chính văn, phần phiên dịch còn kèm theo lời giảng nghĩa của Hòa Thượng Tuyên Hóa khiến cho độc giả đời nay có thể dễ dàng am hiểu Phật lý và dễ dàng áp dụng vào sự tu hành, sinh hoạt thực tiễn. Ðiểm đặc thù của Viện là việc phiên dịch do chư Tăng, tục cộng tác phải thông qua bốn giai đoạn: Dịch từ nguyên văn, kiểm lại ý dịch, trau chuốt lời văn và cuối cùng là ấn chứng cho bản dịch.
Năm 1976, Hòa Thượng sáng lập Vạn Phật Thánh Thành, một đại tùng-lâm với hơn 70 tòa nhà, tọa lạc trên 500 mẫu đất ở Talmage, miền bắc California. Tất cả Tăng, Ni, cư sĩ không phân biệt quốc tịch đều có thể tới tu hành ở Vạn Phật Thánh Thành bởi vì mục đích chính của Tùng lâm ấy là dành cho tất cả mọi chúng sanh nào chân tâm thành ý muốn tới đó tu hành. Cùng năm ấy, 1976, Hòa Thượng sáng lập ra trường Ðại Học Pháp Giới với bốn mục đích: Truyền bá giáo nghĩa của đạo Phật, hun đúc chân tâm của mọi người, tạo lợi ích cho xã hội và giác ngộ tất cả chúng sanh.
Các vị Tăng, Ni, cư sĩ trú tại Vạn Phật Thánh Thành đều sống thanh đạm, hướng theo Sáu Tông-chỉ của Thánh Thành là: Không tranh, Không tham, Không truy cầu, Không ích kỷ, Không tự lợi và Không dối trá. Thanh, thiếu niên nam và nữ ở Vạn Phật Thánh Thành sống biệt lập; các em hằng ngày có thể theo học trường Tiểu Học Dục Lương hay trường Trung Học Bồi Ðức, là bộ phận trực thuộc của trường Ðại Học Pháp Giới. ở đây, học sinh, sinh viên đều giữ nếp sống thanh khiết: Ăn chay, không uống rượu, không hút thuốc, không cờ bạc, xa rời truyền hình, chiếu bóng và các tập quán ngoài đời.
Ðến nay, sau gần 30 năm phát triển, Tổng Hội Pháp Giới Phật Giáo đã sáng lập ra nhiều đạo tràng ở khắp nơi như:
-Chùa Kim Luân ở Los Angeles, California, Hoa Kỳ (1976);
-Chùa Kim Phong ở Seatle, Washington, Hoa Kỳ;
-Chùa Kim Phật ở Vancouver, British Columbia, Gia Nã Ðại (1983);
-Chùa Hoa Nghiêm ở Calgary, Alberta, Gia Nã Ðại (1986);
-Chánh Pháp Phật Học Viện ở Lục Quy, Ðài Loan (1989);
Và gần đây, thêm nhiều tu viện được thành lập rải rác tại tiểu bang California như Pháp Giới Thánh Thành ở Sacramento, Tu Viện Phật Giáo & Học Viện Tôn Giáo Thế Giới ở Berkeley, Long Beach Thánh Tự ở California.
Sơ Lược về Hòa Thượng Tuyên Hóa
Hòa Thượng Tuyên Hóa họ Bạch, tên thật là An Từ, tự là Ðộ Luân. Ngài quê ở huyện Song Thành, tỉnh Tùng Giang thuộc Ðông Bắc, Trung Hoa, tức là Mãn Châu.
Phụ thân Ngài tên Phú Hải, chuyên làm nghề nông. Mẹ họ Hồ, sinh được tất cả tám người con, năm trai ba gái; và Ngài là út.
Hồ thái phu nhân thọ chay trường, niệm Phật, chẳng hề gián đoạn. Một đêm nọ phu nhân nằm mộng thấy Ðức Phật A-Di-Ðà hiện thân phóng đại quang minh chiếu triệt thế giới, chấn động thiên địa. Giật mình tỉnh giấc, phu nhân ngửi thấy mùi hương kỳ diệu khắp phòng, rồi sau đó hạ sanh ra Ngài.
Ngài vừa ra đời liền liên thanh khóc suốt ba ngày đêm không dứt. Chính là vì đau xót cho nỗi khổ của thế giới Ta-Bà nầy vậy.
Ngài cư ngụ tại một thôn quê rất nhỏ bé, thưa thớt nhà cửa. Thế nên, đến năm mười một tuổi Ngài vẫn chưa hề thấy qua người chết. Một hôm, Ngài cùng lũ bạn trong thôn dạo chơi chốn điền dã. Bất chợt Ngài thấy một em bé, miệng ngậm, mắt nhắm, nằm bó trong đám rơm bên lề. Ngài gọi mà đứa bé chẳng đáp, rờ thì chẳng có hơi thở. Ngài lấy làm khó hiểu vô cùng nên hỏi lũ bạn. Có kẻ hiểu biết liền nói: "Ðứa bé đã chết rồi!" Song Ngài vô cùng ngạc nhiên, không hiểu thế nào là chết. Về nhà, Ngài liền hỏi mẹ, bà dạy: "Phàm là người, ai cũng phải chết. Có kẻ chết già, có kẻ chết vì bệnh, cũng có kẻ chết vì tai nạn. Bất luận là giàu sang hay nghèo khó, bất luận là sĩ, nông, công, thương, hay quan lại, ai ai rốt cuộc cũng phải chết."
Ngài lại hỏi: "Nếu thật như vậy, có cách gì thoát được chết không?" Bấy giờ trong nhà có vị khách xưa kia từng tu Ðạo, đỡ lời đáp rằng: "Chỉ có cách tu Ðạo, minh ngộ tự tâm, triệt kiến bổn tánh thì mới liễu đoạn sanh tử, siêu thoát luân hồi, thành Chánh Giác, chứng Vô Sinh."
Tuy lúc đó Ngài còn nhỏ tuổi, song đối với lời vị khách nói, Ngài tỉnh ngộ sâu xa, do đó Ngài lập định chủ trương quyết chí xuất gia tu Ðạo.
Khi Ngài mang chuyện xuất gia bàn với mẹ, bà dạy: "Xuất gia là chuyện tốt lắm, nhưng cũng không phải là chuyện dễ làm. Cần có thiện căn, có đại nguyện lực, cần phát đại Bồ Ðề tâm thì mới có thể thành tựu Vô Thượng Ðạo. Nay con có lòng vậy, ta hết sức đồng ý, cũng thật là phù hợp với giấc mộng xưa kia vậy. Nay ta đã già, ngày tháng chẳng còn bao lâu, các anh chị con đều đã tự lập. Con nên ở lại để phụng dưỡng cha mẹ; khi ta mất rồi, con xuất gia tu hành, lúc đó cũng chẳng muộn."
Ngài vâng lời cha mẹ, rồi sau đó hằng ngày thường theo mẹ lạy Phật. Lạy Phật xong, Ngài lạy cha mẹ.
Ngày qua ngày, đông tàn xuân đến, Ngài cung kính phụng dưỡng song thân như đối với Phật vậy. Chẳng bao lâu tiếng tăm hiếu thảo đồn khắp bốn phương, khi đó mọi người đều gọi Ngài là Bạch Hiếu Tử (người con chí hiếu họ Bạch).
Năm Ngài 19 tuổi thì mẹ Ngài qua đời; bấy giờ Ngài từ giã họ hàng lên chùa lạy Hoà Thượng Thường Trí làm Thầy và quy y, chính thức xuất gia, thọ giới. Sau đó, Ngài về lại nơi mộ phần thân mẫu để thủ hiếu trong ba năm. Suốt thời gian ấy, Ngài sống trong một túp lều tranh nhỏ, ngày ngày tọa Thiền, đọc tụng kinh điển Ðại Thừa và niệm danh hiệu Phật A-Di-Ðà. Rất nhiều lần Ngài ngồi Thiền rồi nhập Ðịnh, liên tiếp trong nhiều tuần lễ chẳng rời thiền sàng.
Một đêm nọ, dân trong thôn gần đó hốt hoảng thấy túp lều tranh của Ngài hừng hực lửa đỏ. Ánh lửa hồng phừng thẳng lên giữa không trung và túp lều tranh thì sáng rực như ban ngày. Nhiều người chạy đến mộ, hô hoán: "Nhà Hiếu Tử bị cháy rồi!" Cả trăm người trong làng hè nhau xách gáo, đem xô tới để chữa cháy. Song, khi tới nơi họ chỉ thấy túp lều tranh bình lặng, lửa chẳng cháy và Ngài thì vẫn an nhiên, tĩnh mặc trong Thiền Ðịnh!
Có lần Ngài đang tọa Thiền thì chợt có vị khách đến viếng. Vị khách ấy, ngạc nhiên thay, chính là Lục Tổ Huệ Năng! Ðức Tổ Sư dạy Ngài rằng trong tương lai Ngài sẽ tới Mỹ quốc để độ sinh, rằng ở Tây phương Ngài sẽ gặp nhiều kẻ hữu duyên có thể hoằng dương Phật Pháp và Ngài sẽ độ vô lượng vô biên chúng sanh. Mãi đến lúc Ðức Tổ Sư từ biệt quay đi rồi, Ngài mới choàng tỉnh, nhớ lại rằng Ðức Huệ Năng vốn là người đời Ðường, 1.200 năm về trước. Sau Ðệ Nhị Thế Chiến, Ngài vân du khắp nơi. Cuối cùng, trải hơn ba ngàn dặm, Ngài tới chùa Nam Hoa, bái kiến vị Ðại Thiện Tri Thức của thời bấy giờ là Lão Hòa Thượng Hư Vân. Lão Hòa Thượng lúc ấy đã 109 tuổi; vừa nhìn thấy Ngài, Lão Hòa Thượng liền nhận ra ngay sự chứng ngộ của Ngài. Khi đó, Lão Hòa Thượng nói: "Như thị, như thị!"; và Ngài cũng đáp lại: "Như thị, như thị!"
Bấy giờ, Lão Hòa Thượng Hư Vân ấn chứng sở đắc của Ngài, và Ngài chính thức trở thành vị Tổ thứ chín của dòng pháp Quy Ngưỡng.
Sau đó, Lão Hòa Thượng dạy Ngài ở lại chùa đảm nhận chức Viện Trưởng Viện Giới Luật của Chùa Nam Hoa.
Năm 1950, Ngài từ giã chùa, lên đường sang Hương Cảng. Ở đây, Ngài sống tại một sơn động biệt lập, chẳng lai vãng gì đến bụi trần, tục lụy. Chẳng bao lâu, có vô số Tăng-lữ từ Trung Hoa Ðại Lục qua Hương Cảng tỮ nạn, và họ cần sự giúp đỡ của Ngài. Cuối cùng, ứng với nhân duyên, Ngài rời sơn động, lập ra giảng đường và hai ngôi chùa, cùng trợ giúp xây dựng nhiều đạo tràng khác.
Trong suốt mười hai năm ở Hương Cảng, Ngài là tấm gương sáng, khổ hạnh, tinh tấn tu Ðạo, quên mình vì Phật Pháp. Ngài đã ảnh hưởng vô số thiện nam tín nữ, khiến họ phát tâm Bồ Ðề, quy y Tam Bảo, ủng hộ Phật Pháp.
Năm 1962, Ngài đến San Francisco, Mỹ Quốc. Tại đây, nơi một nhà kho nhỏ, Ngài kiên trì tu hành trong im lặng, chờ đợi cho cơ duyên hoằng dương Ðạo Pháp chín mùi. Lúc ấy, Ngài tự gọi mình là "Mộ Trung Tăng" (nhà Sư trong phần mộ), hay là Hoạt Tử Nhân (người đã chết nhưng còn sống). Những Phật tử hiểu biết sự tu hành chân chính của Ngài đều rất cảm động và cung kính ủng hộ, cúng dường Ngài.
Năm 1968, Ngài biết cơ duyên đã đến; Ngài nói: "Một đóa hoa sẽ nở ra năm cánh." Mùa hè năm đó, Ngài chủ trì Pháp Hội giảng Kinh Lăng Nghiêm trong 96 ngày. Khi Pháp Hội kết thúc, quả nhiên có năm người Mỹ đầu tiên xin xuất gia với Ngài.
Từ đó, Ngài tiếp tục chủ trì nhiều Pháp Hội khác, giảng giải Tâm Kinh, Kinh Ðịa Tạng, Kinh Pháp Hoa, Kinh Pháp Bảo Ðàn v..v... Năm 1971, Ngài giảng bộ kinh tối cao của Ðại Thừa, đó là Kinh Hoa Nghiêm.
Song song với việc giảng Kinh, thuyết Pháp, Ngài còn làm vô số công đức độ sinh khác. Năm 1976, Ngài thành lập Vạn Phật Thánh Thành, nền tảng căn cứ địa để hoằng dương Phật Pháp ở Mỹ Quốc. Tại Thánh Thành, Ngài xây dựng chế độ Tùng-lâm, đào tạo Tăng, Ni, học chúng, tạo nhân duyên thù thắng cho sự chân chính tu hành.
Mười Tám Ðại Nguyện của Hòa Thượng Tuyên Hóa
Năm Hòa Thượng Tuyên Hóa 19 tuổi thì mẫu thân Ngài qua đời. Sau khi lo liệu chu toàn việc mai táng, Ngài tới Chùa Tam Duyên ở Hợp Nhĩ Tân (Harbin), chính thức xuất gia, lạy Hòa Thượng Thường Trí làm Thầy. Ít lâu sau, Ngài tới mộ phần của mẫu thân thủ hiếu. Năm đó, nhân ngày vía Ðức Quán Thế Âm, ngày 19 tháng 6, Ngài đối trước chư Phật, Bồ Tát phát mười tám đại nguyện:
"Kính lạy mười phương Phật,
Cùng với Tam Tạng Pháp,
Quá khứ, hiện tại Hiền Thánh Tăng,
Nguyện rủ lòng tác chứng:
Ðệ tử Ðộ Luân,
Thích An Từ,
Con nay phát tâm rằng:
Chẳng cầu phước báo hàng Trời, Người,
Cùng Thanh Văn, Duyên Giác,
cho đến hàng Bồ Tát quyền thừa.
Duy nương Tối Thượng Thừa
mà phát Bồ Ðề tâm.
Nguyện cùng Pháp Giới chúng sinh,
Nhất thời đồng đắc
A nậu đa la tam miệu tam bồ đề."
1. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Bồ Tát ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp Pháp Giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh Giác.
2. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Duyên Giác ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp Pháp Giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh Giác.
3. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Thanh Văn ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp Pháp Giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh Giác.
4. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Trời, Người ở trong Tam Giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh Giác.
5. Nguyện rằng nếu có một Người ở trong mười phương thế giới mà chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.
6. Nguyện rằng nếu có một vị Trời, Người, A-tu-la chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.
7. Nguyện rằng trong thế giới loài Súc Sinh, nếu còn một loài nào chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.
8. Nguyện rằng trong thế giới loài Ngạ Quỷ, nếu còn một kẻ chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.
9. Nguyện rằng trong thế giới loài Ðịa Ngục, nếu còn một kẻ chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.
10. Nguyện rằng trong Tam Giới, nếu những kẻ từng quy y với tôi, hoặc là Trời, Người, A-tu-la, các loài bay, lặn, động vật, thực vật, linh giới, rồng, súc sinh, quỷ, thần, mà chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.
11. Nguyện rằng tất cả những phước lạc mà tôi đáng được hưởng đều hồi hướng phổ thí cho tất cả chúng sinh trong Pháp Giới.
12. Nguyện rằng một mình tôi nhận chịu hết tất cả khổ nạn của chúng sinh trong Pháp Giới.
13. Nguyện rằng tôi sẽ phân linh vô số, phổ nhập tâm chúng sinh nào không tin Phật Pháp, làm cho họ bỏ ác, hướng thiện, hối quá sửa mình, quy y Tam Bảo, rồi cuối cùng thành Phật.
14. Nguyện rằng tất cả chúng sinh nào, khi thấy mặt tôi, cho đến chỉ nghe tên tôi, đều phát tâm Bồ Ðề, mau đắc thành Phật Ðạo.
15. Nguyện rằng luôn tôn kính điều Phật dạy, và thực hành mỗi ngày ăn một bữa.
16. Nguyện giác ngộ loài hữu tình, khắp nhiếp thọ các loài căn cơ.
17. Nguyện trong đời nầy tôi sẽ đắc Ngũ Nhãn, Lục Thông, và phi hành tự tại.
18. Nguyện tất cả mọi cầu nguyện đều hoạch đắc mãn túc.
Cuối cùng:
"Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
Phật Ðạo vô thượng thệ nguyện thành."
Tám Quy Luật
của Viện Phiên Dịch Kinh Ðiển
1. Dịch giả phải thoát mình ra khỏi động cơ tự truy cầu danh lợi.
2. Dịch giả phải tu tâm dưỡng tánh, dứt bỏ đi thói cao ngạo.
3. Dịch giả phải tự chế, không được tự khen rồi chê bai kẻ khác.
4. Dịch giả không được tự cho mình là tiêu chuẩn, là thước đo, rồi hạ thấp kẻ khác bằng cách tìm lỗi lầm nơi tác phẩm của họ.
5. Dịch giả phải lấy tâm Phật làm tâm mình.
6. Dịch giả phải dùng Trạch Pháp Nhãn để phán xét đâu là chân lý.
7. Dịch giả phải cung kính cầu thỉnh Cao Tăng, Ðại Ðức ở mười phương chứng minh cho bản dịch của mình.
8. Dịch giả phải hoan hỷ truyền bá giáo nghĩa nhà Phật bằng cách in Kinh, Luật, Luận một khi phần phiên dịch của mình được chứng minh là đúng đắn.
"Trồng nhân Phật thì đặng quả Phật,
Trồng nhân Bồ Tát Thì gặt quả Bồ Tát"
1
GIEO NHÂN GẶT QUẢ
"Liễu tri chúng sanh chủng chủng dị,
Tất thị Tưởng, Hành sở phân biệt.
Ư thử quán sát tất minh liễu,
Nhi bất hoại ư chư pháp tánh."
Dịch là:
"Rõ biết chúng sanh nhiều chủng loại,
Do Tưởng, Hành, phân biệt mà có.
Nhân vì quán sát nên hiểu rõ
Song không hủy hoại tánh các pháp."
Chúng sanh do khởi hoặc nên tạo nghiệp, thọ báo, trồng nhân nào thì gặt quả ấy, đó là đạo lý rất tự nhiên. Nếu trồng nhân Phật thì đặng quả Phật, trồng nhân Bồ Tát thì gặt quả Bồ Tát, trồng nhân Duyên Giác thì gặt quả Duyên Giác, trồng nhân Thanh Văn thì gặt quả Thanh Văn. Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác là bốn Thánh Ðạo.
Trong sáu đường phàm thì có ba đường thiện là Thiên, Nhân, A-tu-la; còn ba đường ác là Súc sinh, Ngạ quỷ, Ðịa ngục. Nói tóm lại, nếu trồng nhân của ba đường thiện sẽ gặt quả của ba đường thiện, trồng nhân của ba đường ác sẽ gặt quả của ba đường ác. Ðạo lý đó đúng, không sai sót một mảy may và cũng không bao giờ thay đổi; và tuyệt nhiên chẳng có sắc thái mê tín nào cả.
Người si mê thì không biết sự lợi hại của đạo lý nhân quả nên cứ tùy tiện hành động, chẳng tin nhân quả, thậm chí họ còn bác bỏ. Người có trí huệ thì biết nhân quả báo ứng hết sức lợi hại nên sợ làm những điều sai lầm với nhân quả. Bất luận làm chuyện gì đều phải ba lần suy nghĩ rồi mới thực hành.
Bậc thánh nhân xuất thế tu hành là để chấm dứt vòng nhân quả. Kẻ phàm phu thì tạo thêm tội lỗi trong chuỗi nhân quả. Không có tội thì tạo thêm tội; tạo ra tội rồi thì chẳng chịu nhận đó là tội, còn cho là chuyện đương nhiên, chẳng có mảy may hổ thẹn. Thật là chồng chất thêm tội lỗi, chẳng thể tha thứ đặng!
Chúng sanh có nhiều loại dị biệt; bao quát thì chỉ có hai loại là thiện với ác, nhưng mỗi thứ đều khác nhau. Mỗi loại, mỗi thứ tạo những nghiệp riêng, rồi thọ những quả báo riêng; nhưng nói chung thì tất cả chúng sanh đều ở trong pháp Ngũ Uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) mà hình thành nghiệp quả sai biệt của mình. Nếu ta quan sát và thông đạt được nghiệp quả báo ứng sai biệt này thì sẽ thấu suốt tất cả pháp tánh mà chẳng hủy hoại đạo lý của pháp tánh đó:
"Trí giả liễu tri chư Phật Pháp,
Dĩ như thị hạnh nhi hồi hướng,
Ai mẫn nhất thiết chư chúng sanh,
Linh ư thực Pháp chánh tư duy."
Dịch là:
"Người trí thấu rõ mọi Phật Pháp,
Vậy nên tu hành để hồi hướng,
Với lòng thương xót mọi chúng sanh,
Khiến họ nghĩ đúng nơi chân lý."
Kẻ có trí huệ thì liễu giải Pháp của Phật nói ra, cho nên họ tu hạnh Bồ Tát, hồi hướng tất cả thiện căn mà họ tích tập được. Vì sao mà hồi hướng thiện căn cho chúng sanh? Vì họ ai mẫn tất cả chúng sanh! Bồ Tát thấy chúng sanh quá mê muội; những điều chúng sanh làm đều điên đảo. Bất luận là giáo hóa chúng sanh như thế nào thì chúng sanh cũng không lãnh hội được. Nếu dạy họ phải quên mình vì người, bỏ ngọn theo gốc, ủng hộ Chánh Pháp, làm cho Chánh Pháp trụ thế, thì họ chẳng bao giờ tin tưởng. Chúng sanh thật đáng thương hại. Cho nên các ngài khuyên chúng sanh đừng làm chuyện ác, mà làm chuyện thiện; đối với Pháp chân thật thì phải làm theo cho đúng.
Thế nào là điều chẳng đúng? Các vị hãy tự phản tỉnh và suy nghĩ một cách chi ly, không những một lần mà phải thường thường suy nghĩ, coi thử các vị có phạm lỗi lầm nhân quả không? Coi thử đối với Phật Giáo các vị đã tận tâm tận lực làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ chưa, hay lại tạo ra đủ thứ tội nghiệp lỗi lầm?
Vì thế, mọi nơi, mọi lúc, các vị phải hồi quang phản chiếu, phản tỉnh lại phản tỉnh, kiểm thảo rồi kiểm thảo, như vậy thì mới đúng là tín đồ chân chánh của đạo Phật!
2
PHẢN BỔN HOÀN NGUYÊN
(Vạn Phật Thành ngày 10 tháng 3 năm 1977)
Phật Giáo thường nói "phản bổn hoàn nguyên," có nghĩa là chúng ta xưa như thế nào thì trở lại như thế đó; song khi xưa bổn lai như thế nào? Lúc xưa cái gì cũng chẳng có. Cho nên bây giờ hoàn nguyên tức là quay trở lại trạng thái mà cái gì cũng chẳng có.
Hễ mình có một chút chấp trước tức là có chướng ngại. Có chướng ngại thì không thể ra khỏi Tam Giới, cho nên nhất định phải phá thủng mọi chấp trước. Khi tới chỗ chẳng có gì cả, thì đó là lúc mình khôi phục lại bộ mặt thật của chính mình. Hiện tại mình muốn có cũng chẳng được, chờ tới khi mình chẳng muốn gì cả thì mọi thứ đều có đủ. Trí huệ sẽ hiện tiền, thần thông sẽ hiện tiền, diệu dụng sẽ hiện tiền.
Tại sao mình chẳng có trí huệ, thần thông? Là vì mình đi hết chỗ này đến chỗ khác lượm lặt những thứ rơm rác, còn những thứ vàng bạc châu báu thì mình không muốn. Cái bản hữu quý giá của chính mình thì mình chẳng muốn, lại vất bỏ đi, mà chỉ đi tìm những thứ rác rưởi rồi tự cho mình là thông minh lắm. Ðúng ra thì thật là hết sức si mê vậy!
3
DÙNG TÂM BÌNH THƯỜNG ÐỂ HỌC PHẬT
"Lộ dao tri mã lực,
Nhật cửu kiến nhân tâm."
Dịch là:
"Trải đường dài xa, biết sức ngựa,
Lâu ngày chày tháng, rõ lòng người."
Kẻ học Ðạo không phải chỉ một ngày một đêm mà có thể học được Phật Pháp. Cần có thời gian lâu dài để thể nghiệm đạo lý Phật dạy, theo đạo lý đó mà tu hành mới có thể thành tựu được.
Người chân chính nhận thức được Phật Pháp thì chẳng kinh hãi, sợ sệt, chẳng vui cũng chẳng buồn. Phật Pháp thì như vậy: chẳng có gì đáng lo âu khiếp sợ, cũng chẳng có gì đáng vui hay đáng buồn cả. Phải luôn giữ trạng thái "như như bất động, liễu liễu thường minh," (1) vì đó chính là bản chất của Phật Pháp vậy!
4
HỌC PHẬT THÌ ÐỪNG THAM DANH LỢI
(Vạn Phật Thành ngày 15 tháng 3 năm 1977)
Người học Phật Pháp cần phải luôn luôn thành thật dụng công mà tu hành, như hai chân đứng vững trên mặt đất (cước đạp thực địa), không được mưu đồ hư danh.
Ham thích hư danh thì chẳng ích lợi gì cho việc tu Ðạo. Muốn làm những việc "hữu thực vô danh" thì không được tham cầu chuyện "hữu danh vô thực"; nghĩa là không tham cầu cái danh giả dối, có tiếng mà không có miếng. Còn như làm những việc chân thật được biểu hiện ra ngoài thì được gọi là "hữu thực vô danh"!
Các vị đừng nên tham cầu cái hư danh; mỗi hành động, mỗi lời nói, mỗi ý niệm đều phải chân thật. Lòng tâm chân thật, làm việc chân thật, chính là bản sắc của tín đồ Phật Giáo. Tâm mình sung mãn đạo đức, học vấn và trí huệ thì lúc đó mới gọi là có bản lãnh!
Ðừng tham cái danh hão, đừng thích cái lợi giả của thế gian; nếu không thì cũng giống như "cánh hoa giả" chẳng bao giờ có thể sinh "quả" thật được. Ðó là điểm hết sức quan trọng, mong các vị chú ý!
5
GHI CHÚ VỀ SỰ LINH NGHIỆM KHI CẦU MƯA
Ở CÔNG VIÊN GOLDEN GATE - SAN FRANCISCO
(Do người trong cuộc thuật lại)
Ở San Francisco và những vùng phụ cận mấy trăm dặm đã xảy ra nạn hạn hán. Trong hai năm liền mưa rất ít, không những gây khó khăn cho việc trồng trọt mà nước uống cũng trở thành vấn đề nghiêm trọng, nên việc dùng nước mỗi ngày bị hạn chế. Vì thế, những người xuất gia và tại gia ở chùa Kim Sơn tự động phát tâm cầu mưa, thực hành hạnh Bồ Tát.
Vào lúc bảy giờ sáng ngày 16 tháng 12 năm 1977, tại công viên Golden Gate, Thầy Hằng Thực đại diện thiết lập đàn để cầu mưa. Tổng cộng có mấy trăm người tham gia thành khẩn tụng niệm chú cầu mưa. Pháp Hội hết sức trang nghiêm; từ lúc nước Mỹ lập quốc đến nay, đây là pháp hội đầu tiên vậy. Người nào không phải là tín đồ Phật Giáo thì cho là mê tín và chuyện không thể xảy ra được. Khi kết thúc Pháp Hội, mọi người ra về với lòng tin vững chắc là sẽ có mưa xuống. Cổ nhân có câu:
"Tinh thành sở chí, Kim thạch vi khai."
Nghĩa là:
"Lòng thành cùng cực, Vàng, đá cũng tan."
Cho nên, ngày hôm sau vào khoảng mười hai giờ trưa, bầu trời đang quang đãng trong suốt, đột nhiên mây đen kéo đến, sấm sét nổi lên, và trong khoảnh khắc mưa rơi phủ khắp. Mọi người ai nấy đều hết sức vui mừng.
Cơn mưa bất ngờ đã làm cho những chuyên gia khí tượng hết sức ngạc nhiên. Có hiện tượng này là do sự "cảm ứng đạo giao": Lòng thành khẩn cao độ của những người phát tâm cầu mưa đã tác động được tâm từ bi của Long Vương, nên dù cho không phải là lúc trời phải mưa, nhưng mưa lại tuôn xuống để cứu độ chúng sinh!
Nạn hạn hán được tiêu trừ sau trận mưa đó. Tin này truyền đi khắp San Francisco, ký giả báo chí và các đài truyền hình đều tới phỏng vấn, chụp hình, quay phim.Chuyện này được loan truyền cho là chuyện hết sức kỳ lạ. Người viết có tham gia Pháp Hội cầu mưa này nên ghi chép lại để các vị độc giả biết.
6
TUYỂN HIỀN CỬ NĂNG
ÐỂ LÀM BẬC TRỤ TRÌ
(Vạn Phật Thành ngày 16 tháng 1 năm 1978)
Trong tương lai, các chùa Kim Luân, Kim Sơn và Như Lai đều cần một vị Trụ Trì. Vì vậy, các vị hãy suy cử một vị có tài đức, có đủ tư cách để làm Trụ Trì, rồi ủng hộ vị đó.
Tuyển trạch một vị Trụ Trì thì phải lấy gì làm tiêu chuẩn? Thứ nhất là vị đó không được nóng giận, đối xử phải có hòa khí, ở đâu cũng tạo được nhân duyên với chúng sanh; không dùng quyền lực để áp đảo người khác, biết dùng tác phong dân chủ mà làm việc khiến cho mọi người kính nể.
Nếu tuyển chọn một vị Trụ Trì hay nóng giận thì không ai có thể chịu được sự áp bức của vị đó, mọi người sẽ bất mãn, hòa khí sẽ không còn. Như vậy thì chẳng giúp ích gì cho Phật Giáo cả, mà ngược lại, còn gây khó khăn nữa!
Vị nào diệt được nóng giận, biết nhẫn nhục cao độ, tất nhiên sẽ được tuyển làm Trụ Trì; nếu trái lại e rằng ít có hy vọng. Bởi vì sao? Bởi vì có phiền não thì rất dễ đem
Phật Pháp thiêu hủy đi! Phiền não thuộc về lửa có thể thiêu hủy mọi thứ, dù cho có trận mưa lớn như vừa kể, cũng không thể nào dập tắt được đại hỏa tai này.
Hôm nay, ngày 16 tháng giêng năm 1978, tôi nói với các vị những lời quan trọng này bởi vì tương lai khi tuyển chọn vị Trụ Trì, các vị cần phải nhận xét phẩm hạnh, kiến thức của vị đó như thế nào. Phàm là Trụ Trì tất phải có thiện duyên quảng đại, hòa hợp với tất cả mọi người, đồng lao cộng tác, mọi người đều tôn kính, không làm cho ai oán ghét.
Bất luận là Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, nếu các vị thấy người nào có Ðạo tâm, tinh tấn tu hành, có năng lực lãnh đạo, xứng đáng làm bậc Trụ Trì, thì người đó có thể được suy cử làm Trụ Trì vậy!
7
KINH LĂNG NGHIÊM
TUYỆT ÐỐI LÀ BỘ CHƠN KINH
Hôm nay là ngày 17 tháng 12 năm 1976 (ngày vía Ðức A Di Ðà), tôi đối trước mười phương chư Phật phát nguyện như sau. Nguyện gì? Nguyện này có liên hệ đến vấn đề Kinh Lăng Nghiêm là thật hay giả.
Gần đây có rất nhiều học giả phê bình Kinh Lăng Nghiêm, cho rằng bộ Kinh này không phải do chính Ðức Phật Thích Ca nói ra, mà là do người đời sau ngụy tạo. Ðó là lối tuyên truyền phá hoại, làm cho rất nhiều tín đồ không muốn thâm giải Phật Pháp, sinh lòng phỉ báng hoài nghi. Nhiều người nghe nói thì nói theo, nhưng lại không biết chân giả thế nào, đó là điều rất đáng thương!
Hôm nay, tôi đối trước mọi người mà bảo chứng rằng Kinh Lăng Nghiêm là bộ kinh chân thật; không những Kinh Lăng Nghiêm mà Chú Lăng Nghiêm cũng chân thật! Kinh Lăng Nghiêm là chân thân của Phật, là xá lợi của Phật, không ai có thể phá hoại được!
Có Kinh Lăng Nghiêm thì có Chánh Pháp, không có Kinh Lăng Nghiêm thì không có Chánh Pháp! Nếu như Kinh Lăng Nghiêm là giả thì tôi nguyện sẽ bị cắt lưỡi, và đọa Vô Gián địa ngục.
Tôi hy vọng các vị từ đây về sau phải có Trạch Pháp Nhãn, đừng nghe theo lời của các vị tiến sĩ hay học giả nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm mà cho rằng bộ Kinh này là ngụy tạo! Các vị đừng để bị dao động, mà trái lại, cần phải có Ðịnh lực để chuyển hóa sự sai lầm đó!Vì sao những kẻ đó lại cho rằng Kinh Lăng Nghiêm là giả tạo? Là vì họ đã mê lầm đến cực điểm, không muốn cho Chánh Pháp trụ thế, không muốn người khác tu hành, cho nên cố ý phá hoại! Trong Kinh Lăng Nghiêm có dạy rằng:
"Dâm tâm bất trừ, Trần bất khả xuất."
Nghiã là:
"Lòng dâm không dứt, Trần gian chẳng thoát."
Chỉ hai câu này thôi cũng đủ chứng minh bộ Kinh này hàm chứa diệu lý chơn thật, xác quyết của chư Phật nói ra: "Nếu không trừ được lòng dâm dục, thì không thể ra khỏi được Tam Giới. "(2) Cũng có thể nói rằng: Nếu không đoạn dục, khứ ái, thì căn bản không thể nào chứng quả được! Trong Kinh Lăng Nghiêm còn dạy rằng:
"Nhược bất đoạn dâm,
Tu Thiền Ðịnh giả,
Như chưng sa thạch,
Dục kỳ thành phạn,
Vô hữu thị xứ."
Nghiã là:
"Không dứt lòng dâm,
Mà tu Thiền Ðịnh,
Cũng như nấu cát,
Rồi mong thành cơm,
Thật chẳng thể được."
Do đó, quán chiếu thì biết rằng Chánh Pháp Nhãn Tạng là ở đây! Phàm là người Phật tử chân chính thì nhất định phải ủng hộ, nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm và tụng trì Chú Lăng Nghiêm, bởi vì Chú này có năng lực không thể nghĩ bàn; đó là kinh nghiệm của chính bản thân tôi.
Tôi lại phát nguyện đặc biệt nhấn mạnh rằng bộ Kinh Lăng Nghiêm là thật chứ không phải giả. Nếu tôi có sai lầm thì nguyện sẽ đọa địa ngục và bị cắt lưỡi!
Hy vọng các vị nhận thức rõ ràng vấn đề này, tự mình phải có chánh kiến, đừng cô phụ lòng tôi.
8
CHÚNG SINH BIỆT NGHIỆP VỌNG KIẾN,
VÀ ÐỒNG PHẬN VỌNG KIẾN
Trong Kinh Lăng Nghiêm có một đoạn thảo luận về hai thứ điên đảo vọng kiến. Thế nào là hai thứ điên đảo vọng kiến?
Thứ nhất gọi là Chúng Sinh Biệt Nghiệp Vọng Kiến, tức là do mình đơn độc tạo nghiệp không giống với tất cả những người khác, tự mình kiến giải hành vi không giống kẻ khác, trong mọi trường hợp thì mình hoàn toàn đều khác.Thí dụ cho mình là người giỏi nhất, hại người lợi mình, thích những điều xa vời hão huyền hoặc làm những việc mà không có người nào dám làm. Ðó là tạo nghiệp, mà tự mình tạo thì mình thọ, so với người khác không giống nhau.
Loại thứ hai gọi là Chúng Sinh Ðồng Phận Vọng Kiến, tức là do chúng sinh cộng nghiệp tạo thành, mình cùng với tất cả những người khác thì đều giống nhau; cũng như thiên tai làm chết hàng ngàn vạn người thì đó gọi là cộng nghiệp, là một số người cùng chịu chung. Những người đó cùng tạo điều ác nên cùng thọ quả báo giống nhau.
Chữ "kiến" ở đây có nghĩa là kiến giải, bởi vì lấy si mê của chúng sinh làm của mình, nhận tên trộm làm con mình, cho nên sinh ra đủ thứ chấp trước vọng tưởng. Do vọng tưởng mà sinh ra mê hoặc, do mê hoặc mà tạo ra vô số ác nghiệp, bởi vậy cho nên cùng nhau thọ quả ác.
Bây giờ tôi xin kể một chuyện thật về Cộng nghiệp như sau: Năm Dân Quốc thứ 33 (1944), ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, hoàn toàn không có mưa cả một năm trời, đất đai khô cằn mà còn bị thêm nạn châu chấu. Những con châu chấu này mỗi lần bay tới thì đầy cả bầu trời. Tất cả nông sản đều bị chúng ăn hết, thậm chí một ngọn cỏ một chiếc lá cũng không mọc lên nổi. Lúc bấy giờ có một đứa trẻ nhìn thấy trên trời có một ông già đeo cái túi, từ sáng đến chiều luôn tay vứt xuống những con châu chấu từ trong túi ấy bay khắp bầu trời.Dân ở đó vì quá đói nên giăng lưới bắt châu chấu về ăn cho đỡ đói. Họ nghĩ rằng châu chấu cũng là một nông sản nên không có chất độc. Ngờ đâu khi những con châu chấu này bị nấu chín rồi thì biến thành phân, thành đất bùn, ăn không được, không ai dám ăn cả. Vì đói quá nên dân chúng chỉ còn có cách là dời đến nơi khác. Từ tỉnh Hà Nam đến Trường An cách xa tám trăm dặm, trong khoảng đường có người chết không biết bao nhiêu mà kể; những người này chết một cách khủng khiếp, ai nấy nhìn thấy cũng khiếp sợ. Ðây có thể nói là một ví dụ do "cộng nghiệp" mà chiêu cảm lấy quả báo.
Bây giờ nói tới Biệt Nghiệp Vọng Kiến và Ðồng Phận Vọng Kiến. Trong Kinh Lăng Nghiêm Phật có giải thích rất rõ ràng.Thế nào là Biệt Nghiệp Vọng Kiến? Cũng như trong thế giới này, có những người mắt bị nhặm thì thấy trước mắt toàn một màu đỏ, ban đêm khi nhìn ánh đèn lại thấy xung quanh đèn có những vòng ánh sáng đủ màu. Bởi mắt có bịnh nên mới thấy những huyễn ảnh như vậy, thấy đủ năm màu tạp sắc trùng trùng điệp điệp. Con mắt bịnh này tượng trưng cho vô minh, ban đêm tượng trưng cho si mê, ánh đèn tượng trưng cho tạng tánh, tức là bổn tánh của mình, năm màu sắc tượng trưng cho Ngũ Uẩn hay Ngũ Ấm, là những trần cảnh giả tạo.
Vì do chúng sinh có vọng kiến nên mới có huyễn ảnh ở ngoại cảnh; nếu vọng kiến mà trừ rồi thì bịnh không còn nữa, ánh sáng huyễn ảnh đó làm sao mà có được? Con mắt tốt tượng trưng cho trí huệ chân thật, còn bóng đèn tượng trưng cho chân lý. Dùng trí huệ chân thật mà thấy được chân lý, thì Nhất Chân Pháp Giới hoàn toàn không có Ngũ ấm, Ngũ Trần gì cả.
Cũng như có người mắt mình vốn không có bịnh nhưng tự mình lại làm cho có bịnh. Giống như một anh chàng hút thuốc phiện vậy, có lần anh ta cười lớn trong khi anh ta đang đứng trước một bức tường.
-Tôi hỏi: "Tại sao anh cười?"
-Anh ta trả lời: "Thật là kỳ quái! Bức tường này thật đẹp, nó có đủ năm màu ánh sáng chiếu rọi bốn phía."
Ðó chỉ là do huyễn ảnh mà ra, không có bịnh mà hút thuốc phiện thì tâm thần trở nên điên đảo. Những huyễn ảnh đó vốn là giả lại cho là thật, nên thân ở trong mê mà chẳng biết mình mê! Trên đây đã lược giải Biệt Nghiệp Vọng Kiến.
Tiếp theo, trong Kinh lại giải thích thế nào là Ðồng Phận Vọng Kiến. Thí dụ như trong Diêm Phù Ðề có một châu nhỏ, chỉ có hai nước mà quả báo chiêu cảm không giống nhau. Dân chúng của một nước thì thọ cảm ác duyên, toàn gặp những tai nạn bất tường; còn dân ở nước lân cận thì chẳng bị gì cả. Ðó là do vọng hoặc, vọng nghiệp, vọng kiến mà tạo thành.
Như hiện tại ở Mỹ, miền Ðông thường có tai họa bão lụt làm chết nhiều người, nhưng miền Tây Nam thì hoàn toàn vô sự. Ðó là vì nghiệp cảm chỉ tại miền Ðông mà thôi, không có tại miền Tây Nam vậy.Hoặc có kẻ thấy hai mặt trời hay hai mặt trăng thì đều là những điềm bất tường; người xưa nói: "Thiên vô nhị nhật, Dân vô nhị quân." (Trên, không có hai mặt trời; Nước, không có hai vua.)
Ở Trung Hoa, về đời nhà Hạ, vua Kiệt là người bạo ngược, trên không trung bỗng nhiên hiện ra hai mặt trời, nhà Hạ nhân đó mà diệt vong. Ðó là điềm hung dữ được báo trước.Ngoài ra còn có những điềm gọi là Vựng, Thích, Bội, Quyết. Những ác khí bao quanh mặt trăng làm mờ mặt trăng thì gọi là Vựng; khí đen che lấp mặt trăng gọi là Thích; khí trắng ở bên cạnh mặt trăng gọi là Bội, mà che đi một nửa thì gọi là Quyết. Ðó là những điềm xấu thuộc về mặt trăng.
Lịch sử Trung Hoa có chép rằng khi mặt trăng bị che lấp bảy lần thì Hán Cao Tổ ở Bành Thành bị giặc Hung Nô vây khốn.Ngôi sao có ánh sáng dài sau đuôi gọi là Tuệ, tức là sao chổi; hào quang ngắn hơn quét đi bốn phía thì gọi là Bột Tinh; ở trên không trung xẹt xuống gọi là Phi Tinh; ở dưới mà vọt lên gọi là Lưu Tinh; đó đều là những điềm xấu thuộc về các ngôi sao.
Sách Xuân Thu có chép rằng vua Tống Nhượng Công không có nhân nghĩa nên sao xẹt xuống như mưa, vua Tần Thủy Hoàng hết sức bạo ngược thì sao chổi xuất hiện; đó cũng là những điềm không lành.Ác khí ở phía trên mặt trời gọi là Phụ, ở bên cạnh mặt trời gọi là Nhĩ. Sau khi trời mưa mà xuất hiện cầu vồng thì gọi là Hồng Nghê, buổi sáng gọi là Hồng, buổi chiều gọi là Nghê; đó đều là những điềm xấu của mặt trời. Tóm lại, bên cạnh mặt trời, mặt trăng có hiện ra những khí đó đều là những điềm báo trước sự bất tường.
Ở nước Trung Hoa, mỗi khi một triều đại thay đổi thì đều có những điềm bất tường xảy ra. Có lần, một vị Hoàng Ðế thấy điềm bất tường nơi một ngôi sao, liền triệu quan Thiên Văn đến để hỏi sẽ xảy ra điềm tốt hay xấu.
-Vị Khâm Thiên Giám tâu rằng: "Ðây là điềm hết sức bất tường, Bệ Hạ có thể sẽ tử vong, nhưng thần có cách làm cho vị Tể Tướng chịu điều hung dữ ấy thay cho Bệ Hạ, Bệ Hạ có bằng lòng không?"
-Nhà vua trả lời: "Tể Tướng lo liệu quốc gia đại sự thì làm sao có thể chết thay cho ta được."
-Viên quan lại hỏi: "Có thể chuyển tai họa đến nhân dân chăng?"
-"Dân là gốc của nước, ta vì dân mà làm, có thể nào để dân chết thay cho ta được."
-"Nếu vậy thì chuyển tai họa này đến mùa màng được chăng?"
-"Mùa màng mà mất thì dân sẽ chết đói, đó là chuyện ta không thể làm được!"
Quan Khâm Thiên Giám nghe xong liền sụp lạy mà tâu rằng: "Hoàng Thượng đúng là bậc minh quân có lòng nhân từ, thì nhất định sẽ chuyển được điều hung dữ thành điều kiết tường; Hoàng Thượng nhất định không thể chết được!"
Quả nhiên, ngày hôm sau điềm xấu trên trời biến mất, không còn thấy nữa. Việc đó chứng minh rằng không có chuyện gì là cố định, chỉ do tâm mình mà chuyển biến thôi. Nếu tâm thiện thì có thể chuyển điều xấu thành điều tốt; cho nên Lão Tử nói rằng:
"Hồi tâm thú thiện,
Thiện tuy vị vi nhi Thiện Thần tùy chi.
Hồi tâm hướng ác,
Ác tuy vị vi nhi Ác Thần tùy chi."
Dịch là:
"Quay tâm hướng thiện,
Ðiều thiện tuy chưa làm mà Thiện Thần đã theo sát. Chuyển tâm về ác,
Ðiều ác tuy chưa làm mà Ác thần đã kề bên."
Thần thì có thiện có ác; Thiện thần thì bảo hộ thiện nhân, Ác thần thì trừng phạt kẻ ác, cho nên nói rằng: "Họa, phước vô môn, Duy nhân tự chiêu." (Họa, phước không cửa vào, Chỉ do mình tự chuốc lấy.)Nếu trong tâm mình không làm điều ác thì điều bất tường (không lành) không thể phát sinh.
9
TRÌ CHÚ TRƯỚC TIÊN PHẢI
CHÁNH TÂM THÀNH Ý
(Vạn Phật Thành ngày 25 tháng 1 năm 1981)
"Tụng trì, mặc niệm, thiểu ý ngôn,
Thị giáo lợi hỷ hóa đại thiên.
Sở tác chư pháp tất cứu cánh,
Bất tăng bất giảm đáo Niết Bàn."
Dịch là:
"Tụng trì, thầm niệm, ít nói năng,
Dạy dỗ, lợi vui, khắp nơi nơi.
Mọi việc làm ra đều cứu cánh,
Không tăng, không giảm, tới Niết Bàn."
Học Chú thì trước tiên cần phải chánh tâm, thành ý; tâm không chánh thì học chú gì cũng thành tà. Tâm chánh, học Chú mới có cảm ứng. Chánh tâm cũng chưa đủ, cần phải thành ý. "Thành" tức là lúc nào mình cũng hết sức chuyên chú, chuyên tâm, không xao lãng, không làm những chuyện cẩu thả, tắc trách. Ðược vậy thì mới có cảm ứng.
Nếu không "chánh tâm, thành ý," nếu trong lòng đầy dẫy tư tưởng sai lầm, làm hại kẻ khác, tức là mình làm chuyện của ma. Pháp của ma vương là hại người, không lợi ích cho ai cả.
Nếu thật sự muốn tu hành thì trong bất cứ trường hợp nào cũng không được làm hại kẻ khác. Phải nuôi tâm làm lợi chúng sinh; không được học Chú để hàng phục ma quỷ hoặc đi đấu với người khác.
Người theo Phật Giáo không có kẻ thù, không tìm người để trả thù. Ðối với kẻ cố ý hại mình, mình phải nhẫn nại, tu hạnh Nhẫn Nhục Ba-la-mật; không sinh tâm báo thù. Ðó là chỗ cao siêu, là ưu điểm của Phật Giáo mà các tôn giáo khác thiếu sót.
Tuy Cơ Ðốc Giáo có nói rằng "ái địch" (thương kẻ địch), nhưng đó chỉ là trên phương diện ngôn ngữ, thực sự họ có thể hiện được trong hành động không? Họ luôn luôn xem người Phật Giáo như kẻ địch, họ có thương yêu những người Phật Giáo không? Chắc chắn là không, vì họ gọi người Phật Giáo là nghịch đồ, là ma quỷ!
Tôn chỉ hết sức trọng yếu của Phật Giáo là: Nếu bạn là ma quỷ thì tôi tuyệt đối không làm tổn hại bạn, không sinh lòng đối kháng, mà ngược lại, sẽ tìm cách để nhiếp thọ bạn. Ðây là giáo nghĩa đặc biệt nhất của đạo Phật. Ðối với chúng sinh luôn phát tâm từ bi, không làm hại kẻ khác.
Chú Lăng Nghiêm là chú kinh thiên động địa, khiến quỷ thần phải run sợ, là linh văn hết sức hiệu nghiệm. Học Chú Lăng Nghiêm rồi thì phải luôn luôn phát tâm từ bi, cử tâm động niệm không được làm hại người khác. Nếu ai đối với mình không tốt cũng đừng khó chịu, đừng oán ghét. Tâm mình cần phải rộng lớn như ba ngàn thế giới vậy, vạn vật đều có thể chứa gọn trong tâm mình; đó chính là bản sắc của người Phật tử vậy!
"Tụng trì, mặc niệm, thiểu ý ngôn." Câu chú "Yin two na" (Nhân đa la) dịch nghĩa là tụng trì, hoặc là mặc niệm, hoặc thiểu ý ngôn; tức là mình không cần nói nhiều, cũng không vọng tưởng nhiều, chuyên tâm thì linh, tán loạn thì không cảm ứng.
Thế nào là chuyên nhất? Tức là luôn luôn đừng sinh tâm làm hại chúng sinh. Nếu có tâm làm hại kẻ khác thì tương lai sẽ gặp chuyện hết sức nguy hiểm; bởi vì: "Ða hành bất nghĩa tất tự tệ." (Nếu luôn làm chuyện bất nghĩa, thì mình sẽ tự tiêu diệt mình.)
Mình hại kẻ khác tức là mình đã hại chính mình. Mình giết cha người, thì có kẻ chắc chắc sẽ giết cha mình; mình giết anh người thì sẽ có kẻ giết anh mình; đó là luật nhân quả. Là Phật tử thì cần phải làm lành lánh dữ. Nếu không tạo nhân ác, thì sẽ tránh được quả ác trong tương lai.
"Thị giáo lợi hỷ hóa đại thiên." Câu này nói rằng lấy Phật Pháp chỉ dẫn, giáo hóa chúng sinh, làm cho tất cả mọi người đạt được chỗ lợi ích, hoan hỷ. Khi thấy có chuyện gì lợi ích cho người khác thì mình làm ngay:
"Tài bồi tâm thượng địa,
Trưởng dưỡng tánh trung thiên."
Dịch là:
"Vun bồi miếng đất tâm linh,
Nuôi lớn bầu trời bản tánh."
Thường giúp kẻ khác thì lâu ngày tự nhiên sẽ có đức hạnh. Không phải chỉ kêu gọi người khác làm lợi ích cho mình, mà tự mình không làm lợi ích kẻ khác. Kẻ nuôi dưỡng tánh ỷ lại và chỉ muốn tận hưởng tiện nghi là kẻ không có khí phách.
Hãy xem trên đời này, những kẻ chuyên đi tìm tiện nghi cho mình kết quả đều thất bại; nếu các vị không tin thì hãy nghiên cứu cho kỹ lưỡng. Bất luận là ai, với lòng tham không đáy, chuyên đi tìm tiện nghi cho chính mình thì kết quả đều không tốt. Nếu mình đem lại lợi ích cho người khác, làm cho mọi người hoan hỷ, thì đi tới đâu ai ai cũng kính phục mình.
Khổng Tử nói rằng: "Ngôn tất trung tín, Hành tất đốc kính, Tuy man mạch chi bang, hành hỹ." (Lời nói chân thật, Hành động chắc thật, cung kính, thì dù ở nơi nguy hiểm cũng vẫn được an toàn.)
Một lời nói ra thì phải thành thật, không được gian trá, lừa dối kẻ khác. Hành vi thì phải hết sức thành thực, trung hậu, khiêm nhường, cung cẩn. Bất cứ làm việc gì cũng có lòng "khiêm cung hòa kiết"; không được cống cao ngã mạn, coi mình như ông trời, không ai sánh bằng. Như vậy thì không thể chấp nhận được!
10
QUY MẠNG CHÚ LĂNG NGHIÊM
QUANG MINH TRÊN ÐẢNH PHẬT
"Ngã kim quy mạng Ðại Phật Ðảnh,
Vô tận Pháp tạng trí huệ quang.
Nguyện ngã minh liễu diệu Tổng Trì,
Phụng hành Như Lai sở thuyết "
"Ngã kim quy mạng Ðại Phật Ðảnh": Ðó là lời của các vị Hộ Pháp, rằng các vị ấy quy mệnh Ðại Phật Ðảnh Thủ Lăng Nghiêm Thần Chú.
"Vô tận Pháp tạng trí huệ quang": Ðại Phật Ðảnh là đảnh đầu của Phật và là kho Pháp tạng vô tận. Nếu đuợc kho Pháp tạng ấy thì dùng không bao giờ hết cả. Pháp tạng vô tận này tại nơi tự tánh của mình mà xuất hiện chứ không phải từ bên ngoài vào. Nhưng tại sao ngay bây giờ không xuất hiện? Pháp tạng cũng giống như những con trùng ngủ vùi trong mùa đông, chờ khi xuân tới nắng ấm thì chúng bắt đầu hoạt động trở lại. Khi nào thân của người tu hành phát nhiệt thì con trùng tự tánh sẽ hồi sinh, đồng thời tất cả những loại vi khuẩn khác đều chết (vi khuẩn đây tức là phiền não).
Như vậy không phải là sát sanh sao? Nếu các vị cho rằng đây là sát sanh, thì có thể không cần tu hành! Không ai bắt buộc các vị cả; các vị có thể hoàn tục, có thể làm như người tại gia với đầy dẫy phiền não, chướng ngại, tranh giành, vô minh, ganh tị. Nhưng nếu muốn tu thì phải cải biến những thứ vi khuẩn đó và khôi phục lại Phật tánh của mình.
Khi chưa thành Phật thì trong thân mình có đến 84.000 loại trùng ăn thịt của mình, uống máu của mình, trú ngụ nơi thân của mình. Chúng xúi giục mình đừng giữ giới luật, bắt mình làm chuyện điên đảo. Bởi bị chúng chi phối nên mình mới làm đủ chuyện xấu xa. Nếu mình nói rằng: "Ôi! Ðó là tại chúng nó làm, không phải tôi làm." Như vậy thử hỏi tại sao mình lại giúp cho chúng? Nghĩa là đói một chút thì chịu không nổi, khát một chút thì cũng không xong, ngủ không đủ thì cũng không đành; tại sao mình phải trợ giúp những thứ vi trùng đó? Trợ giúp chúng thì tự tánh chẳng thể hiển lộ được!
Vậy những thứ vi trùng đó rốt ráo là gì? Tức là trùng ngu si, làm cho thân mình chỗ này không dễ chịu, chỗ kia không yên ổn; toàn thân thật phiền hà! Có lúc thì chúng làm cho mình bịnh này, lúc thì làm mình bịnh khác. Những thứ vi trùng ngu si này khiến mình không đủ áo mặc thì không được, cơm không đủ ăn cũng không xong, rốt cuộc cứ phải vật lộn với chính mình.
Vô tận Pháp tạng thì ở nơi Ðại Phật Ðảnh mà phát sinh. Trí huệ quang này không giống như những thứ hào quang khác mà là hào quang của Phật. Tại sao Phật lại có hào quang? Bởi vì Phật không muốn có vi trùng ngu si tăm tối, cho nên mới dùng trí huệ để chiếu sáng mọi vật, quét tan vô minh. Khi vô minh bị quét sạch thì Pháp tánh tự nhiên hiển hiện, do đó Trí huệ quang tức là Phật quang vậy!
"Nguyện ngã minh liễu diệu Tổng Trì" : Tại sao cung kính Ðại Phật Ðảnh Trí Huệ Quang? Tại sao phải cung phụng Ðại Phật Ðảnh Trí Huệ Quang? Bởi vì mình muốn hiểu rõ Chú Ðại Tổng Trì, cũng là Ðà La Ni Lăng Nghiêm. Chú Ðại Bi còn gọi là Ðại Bi Ðà La Ni.
Ðà La Ni là tiếng Phạn Dharani, dịch là Tổng Trì. "Tổng" nghĩa là bao nhiếp tất cả các pháp, "trì" nghĩa là giữ gìn vô lượng ý nghĩa. Tất cả các pháp đều được tổng nhiếp vào chú này, tất cả các pháp đều khởi nguyên từ chú này.
Các vị hãy nhìn lá cờ của Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới, mỗi một màu hồng trên lá cờ là biểu hiện cho Trí huệ quang. Ánh sáng này từ nơi "một" mà phát xuất ra, cho nên nói rằng:
"Nhất bổn tán vi vạn thù,
Vạn thù hoàn quy nhất bổn."
Nghiã là:
Từ "một" mà phân thành vạn thứ,
Từ vạn thứ lại trở về "một."
Hào quang từ một điểm mà phóng ra vạn phương rồi từ vạn phương mà thâu về một điểm. Vì vậy, tại Vạn Phật Thành không phải chỉ có "một" mà là tất cả hào quang của chư Phật đều từ đây phóng xuất quang minh, rồi quang minh đó trở về làm "một" mà chẳng xâm phạm hay chướng ngại những hào quang khác.
"Phụng hành Như Lai sở thuyết nghĩa": là khi đã hiểu ý nghĩa của thần chú này thì phải theo đạo lý của chú đó mà cung kính thực hành.
Tải về xem