Tại thế giới này con người lại buông cái chân thật để nắm giữ cái giả dối, do đó đời đời kiếp kiếp quay lưng với sự giác ngộ để hoà hợp với bụi trần, túy sanh mộng tử. Túy sanh có nghĩa rằng trong lúc sống thì như kẻ uống rượu say, không biết mình từ đâu sanh về đây. Mộng tử có nghĩa rằng đến lúc chết thì như kẻ đang nằm mộng, không biết chết sẽ về đâu. Ai ai cũng sống trong mộng. Lấy cái giả mà cho là thật, ham danh ham lợi, lòng tham không bao giờ ngừng dứt.
Ở trong mộng thì bạn thấy mình làm quan, hoặc phát tài, hoặc có địa vị, quyền lợi, danh dự, hoặc có vợ đẹp thiếp xinh, con cái đầy nhà, vinh hoa phú quý, hưởng thọ không hết. Giả như trong lúc mộng ấy mà có người nói với bạn rằng: "Ông ơi! đây chỉ là hư vọng thôi, không phải thật đâu," thì bạn sẽ chẳng bao giờ tin. Chờ đến khi bạn tỉnh dậy rồi thì chẳng ai nói với bạn là bạn đã nằm mộng, bạn cũng biết rõ là mình vừa trải qua một giấc chiêm bao.
Ðêm qua nằm mộng thấy đậu trạng nguyên, làm tể tướng, làm hoàng đế, thành thần tiên, hạnh phúc vô cùng. Ngày hôm nay tỉnh lại: "Ôi! Tất cả chỉ là một trường xuân mộng!" (xuân mộng tức là giấc mộng rất ngắn ngủi). Ðó là sự tỉnh thức. Nếu không tỉnh mà chọn mộng là thật, thì sẽ tham luyến, không buông bỏ, chấp trước sự mê mờ, và chẳng bao giờ được giác ngộ. Bây giờ mình chính là đang chiêm bao giữa ban ngày mà chưa thức tỉnh, do đó sống một cách hồ đồ, rồi cũng hồ đồ mà chết đi. Sanh ra đây là từ đâu tới? Chết rồi mình sẽ đi đâu? Không biết! Cả một đời chẳng bao giờ tỉnh. Các vị hãy nghĩ xem, như vậy thì có ý nghĩa gì? Có gì mình phải lưu luyến? Có gì đáng để mình không buông bỏ tất cả ?
Cả đời mình đều bị sợi dây tam độc và ngũ dục trói buộc vô cùng chặt chẽ đến nổi không có tự do để chuyển hóa bản thân, thì đừng nói chi đến chuyện giải thoát. Do đó bạn phải phát tâm xuất gia tu đạo, dụng công ngồi thiền, nổ lực lạy Phật, tức là mình tự cởi mở sợi dây tam độc và ngũ dục, cuối cùng sẽ có một ngày sẽ được hoàn toàn giải thoát. Lúc ấy mình sẽ thức tỉnh, quay đầu nhìn lại những điều mình đã làm trong quá khứ đều hoàn toàn như ảo mộng, tất cả đều chẳng phải là chân lý. Nay thức tỉnh rồi mình mới thoát ra khỏi vòng tam giới, không còn bị hạn chế trong sanh tử, tự do muốn sanh thì sanh, muốn chết thì chết, tự do tới và đi theo ý mình. Ðó mới là chơn chính giải thoát, đó là: "Ðại mộng sơ tỉnh" vậy.
Thói thường chúng ta cứ giữ chặt cái hư giả dối trá mà quên mất cái chân thật. Thế nào là cái hư giả dối trá? Chính là sự khoái lạc sung sướng của ngũ dục: tài sắc danh thực thùy. Thế nào là cái chân thật? Tức là sự sung sướng của Niết-bàn ở trong bốn đức: thường, lạc, ngã, tịnh. Song le con người rất quái lạ, điều chân thật mất đi thì không sợ, nhưng khi điều giả dối mất đi thì lại sợ hãi vô cùng. Vì sao vậy? Bởi vì người đời ai cũng nhận giặc làm con, bỏ gốc chạy theo ngọn, lấy cái giả cho là thật, không thức tỉnh, do đó vẫn còn trong mộng, tham luyến cảnh giới của giấc chiêm bao.
Bởi do nhân duyên mình dấy khởi sự mê mờ, tạo ra ác nghiệp rồi thọ sự báo ứng, giống như một hạt bụi bay lượn trên không trung, không tự làm chủ mình được. Hạt bụi ấy cứ tùy theo nghiệp lực rồi luân chuyển trong lục đạo luân hồi không lúc nào ngừng nghỉ. Cho nên nói rằng: "Ðả bất phá danh lợi quan, khiêu bất xuất luân hồi khuyên," nghĩa rằng đánh không sập cửa danh lợi thì nhảy không thoát vòng luân hồi. Ðến lúc nào bạn không bị cảnh giới làm động tâm, lúc ấy bạn mới thoát ly khỏi cái vòng lục đạo luân hồi.
(Ngày 21 tháng 8 năm 1983)
Thế Nào Là
"Ngũ Suy Tướng Hiện"
Khi đã làm nhiều việc thiện, công đức đầy đủ rồi, bạn sẽ sanh lên cõi trời, hưởng thọ sự khoái lạc. Các vị thiên nhân thì thường ở trong định. Họ lấy sự khoái lạc thiền định làm thức ăn, có khoái lạc của pháp vị sung mãn, song le sự khoái lạc ấy chẳng phải là cứu cánh. Chờ đến lúc họ đã tận hưởng hết phước trời thì tự nhiên đọa lạc vào luân hồi, chịu quả báo xưa kia đã làm.
Phước báo của các vị trời, hễ nghĩ đến y phục thì y phục tới ngay, nghĩ đến ăn uống thì ăn uống có liền. Y phục của họ rất nhẹ, chỉ có ba thù (hai mươi bốn thù là một lượng) tức là rất là nhẹ, cho nên nói rằng: "Thiên y vô phùng," nghĩa rằng y phục không cần may cắt gì cả. Lớn nhỏ thế nào, muốn là nó sẽ vừa khít, không to quá cũng không nhỏ quá. Hễ muốn ăn uống thứ gì thì thực phẩm sẽ tức khắc hiện ra trước mặt, không quá nhiều cũng không quá ít, làm cho người ăn được thỏa mãn.
Các vị trời đến lúc lâm chung có năm tướng suy hoại hiện ra:
Thứ nhất: Hoa quan khô nuy (cái mũ hoa khô héo): các vị trời có đội mũ bằng hoa, trang nghiêm vô cùng, không bao giờ khô héo. Nhưng đến lúc lâm chung thì mũ hoa đó tự nhiên héo tàn.
Thứ hai: Y phục cấu nị (y phục dơ bẩn): các vị trời mặc áo quần không những là đẹp đẽ thanh khiết, lại chẳng dính một hột bụi, không cần giặt giũ gì cả. Ðến lúc gần chết tự nhiên áo quần của họ trở nên dơ dáy, bụi bậm dính vào.
Thứ ba: Dịch hạ hạn xuất (nách chảy mồ hôi): thân của các vị trời thì không bao giờ toát mồ hôi. Nhưng đến lúc hấp hối lâm chung, thì dưới hai nách mồ hôi xuất ra.
Thứ tư: Thân thể xú uế (thân thể có mùi hôi): các vị trời do trước kia tu hành rất là chân chánh, nghiêm trì giới luật, do đó họ có giới hương (hương do giới luật sanh ra), thường phóng ra mùi hương thơm ngát. Vì sao thân của chúng ta có mùi hôi thối? Là vì chúng ta không giữ giới luật. Khi mình hấp hối đến gần chết thì thân mình phát ra mùi tử thi.
Thứ năm: Bất lạc bổn tòa (không thích chỗ mình ngồi): các vị trời lúc nào cũng ở trong định, luôn như như bất động, liễu liễu thường minh. Nhưng đến lúc bốn tướng suy hoại hiện ra thì các vị trời nhìn thấy nó, biết mình sắp chết, do đó tâm tán loạn rần rần, vọng tưởng khởi lên lăng xăng, ngồi cũng không yên, đứng cũng không yên, đứng rồi lại ngồi, ngồi rồi lại đứng, quay đi quay lại mấy lần thì tắt thở. Khi họ chết thì đầu thai vào lục đạo luân hồi. Nếu nghiệp địa ngục của họ chín muồi thì họ tới địa ngục thọ sanh; nếu nghiệp súc sanh chín muồi thì họ sẽ đầu thai thành làm thú vật; nếu nghiệp A-tu-la chín muồi thì họ sanh vào cõi A-tu-la; nếu nghiệp làm người chín mùi thì họ đầu thai vào cõi người. Song le trong mỗi cõi thì có thiên sai vạn biệt, đủ loại đẳng cấp khác nhau, thí dụ như trong cõi người, trên cao cùng tột bậc là hoàng đế, dưới cùng hết thẩy là kẻ ăn mày, cấp trung gian thì đủ các loại giai cấp, có kẻ thì giàu sang phú quý, có kẻ thì bần cùng hạ tiện, có người thì thông minh, có kẻ thì ngu si, có người thì trường thọ, có kẻ thì chết yểu, có người thì mạnh khỏe, có kẻ thì bệnh tật, tất cả đều do nghiệp lực chiêu cảm mà thành.
Trong Ðạo Tràng Phải Cẩn Thận Nơi Lời Nói và Việc Làm
Bất cứ ai khi tới Vạn Phật Thánh Thành, các vị nhất định phải cẩn thận trong lời nói và hành động, phải buông bỏ đi lòng háo danh háo lợi của mình. Không nên coi thường mọi người, cho rằng mình là hay nhất, giỏi hơn hết, rồi đem mình đặt lên cao mà khinh khi coi rẻ người khác. Ðó là hành vi cống cao ngã mạn.
Có những dơ bẩn mà mang trong tâm, hoặc mang trong thân, hoặc mang trong tinh thần, thì làm sao có thể thành tựu đạo nghiệp? Tôi thường nói với các vị rằng:
Chân nhận tự kỷ thác
Mạc luận tha nhân phi
Tha phi tức ngã phi
Ðồng thể danh Ðại-bi.
Các bạn hãy coi người khác như là chính mình vậy. Coi sự khoái lạc vui sướng của kẻ khác cũng là sự vui sướng của chính mình. Khi người khác đau buồn thống khổ thì hãy coi đó là sự thống khổ của chính mình. Khi ai làm chuyện tốt thì mình cũng ví như chính mình làm chuyện ấy. Khi ai làm chuyện ác thì mình cũng bị thương đau buồn như chính mình làm chuyện ấy. Mình phải có tư tưởng như vậy thì mới có thể cùng người khác, ăn ở vui vẻ với nhau, mới khuyến khích giúp đỡ những kẻ phạm giới, cũng như khuyến khích những kẻ giữ giới, không thể có tâm "tật hiền đố năng," nghĩa là ganh tị với người tốt và người có tài, cũng không thể chướng ngại kẻ khác phát tâm bồ đề.
Sau khi xuất gia, ở chùa làm việc thì nên mau chân mau tay, tuyệt đối đừng đi khoe khoang, tuyên truyền công lao của mình rằng tôi làm như vậy, tôi làm như kia. Nếu mà khoe khoang công lao thì ngược lại chẳng có công đức gì. Các bạn đừng nên bắt chước như người đời hiện giờ, làm một chút thì sợ bị thiệt thòi, làm chuyện gì cũng sợ thua lỗ. Tự cho mình là thông minh lắm nhưng kỳ thật thì ngu muội. Tất cả công chuyện mà bạn làm hằng ngày, bạn không cần nói ra bởi vì các vị thần Hộ-Pháp ghi nhớ rất rõ ràng. Khi công đức viên mãn, tự nhiên sẽ có sự cảm ứng, cho nên nói: "hữu xạ tự nhiên hương, hà tất đương phong dương," nghĩa rằng: có mùi hương thì tự nhiên thơm ngát, không cần gió để thổi đi.
Chúng sanh có lỗi lầm giống nhau, tức là khi làm việc thì nói rằng mình không nên có ngã tướng (tức là mình không nên làm). Ðến lúc ăn cơm thì nói rằng mình chẳng nên có nhân tướng (bởi vì không có người khác nên mình cứ tha hồ ăn). Ðến lúc cãi lẫy với nhau thì nói rằng: "ồ, mình không nên có chúng sanh tướng!" (Tức là cứ việc cãi lẫy đi, không có chúng sanh đâu). Ðến lúc ăn thịt lại cho rằng không có thọ giả tướng (tức là miếng thịt không có sanh mạng gì cả, cứ tiếp tục ăn đi!). Lại còn không có lòng hổ thẹn mà nói rằng: "Tao ăn thịt tụi bây là để siêu độ tụi bây được lên cõi Tây thiên." Người nào mà có tưởng như vậy, tự cho rằng mình thông minh, kỳ thật đã bị sự thông minh đánh lừa chính mình, và họ sẽ chịu thiệt thòi, tự mình không biết mà thôi.
Những người tu hành chúng ta, lúc nào cũng phải nhiếp tâm kiểm soát chính mình, phải làm chủ tự kiềm chế mọi cử động hành vi của mình, đi đứng nằm ngồi đừng nên rời khỏi nhà (tức là chơn tâm). Không rời tức là không đi soi mói tìm tòi lỗi lầm của kẻ khác, cũng không nói thị phi về người khác, tức là mình phải cẩn thận trong lời nói và hành động. Lúc nào cũng hồi quang phản chiếu, soi lòng mình phải tự tìm ở nơi mình, phải diệt trừ tánh nóng nảy kỳ quái của mình để giữ gìn công phu nhẫn nhục. Nói đi nói lại cốt ý là bạn hãy bớt nói, tu nhiều hơn, đừng bao giờ nên khoe khoang chính mình, tôi như thế này tôi như thế kia. Bây giờ đã xuất gia rồi thì đừng nên có thói quen như người tại gia. Xuất gia là vì sao? Bạn hãy phản tỉnh, nhìn lại chính mình, có nên hay chẳng nên?
Người Tu Ðạo
Không Nên ích Kỷ
Hôm nay là ngày bắt đầu của Ðịa Tạng Thất. Mỗi năm vào ngày 15 tháng 7 âm lịch (tức là lễ Vu Lan) cho đến ngày 30 tháng 7 (tức là ngày Ðản sanh Ðức Ðịa Tạng) chúng ta đều tổ chức hai Thất Ðịa Tạng để siêu độ cô hồn ngạ quỷ được vãng sanh, và cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Ðó là trách nhiệm mà Vạn Phật Thánh Thành cần phải tận tình thực hiện.
Hy vọng các vị hãy chuyên tâm nhất trí niệm "Nam Mô Ðịa Tạng Bồ Tát," niệm cho đến khi tâm và miệng tương ưng thì nhất định sẽ được cảm ứng. Không thể một tâm mà làm hai việc, phải tập trung tinh thần lại để niệm tên Ngài. Nếu mình chẳng chí thành khẩn thiết, thì tuy không thể nói rằng chẳng có công đức, song le công đức không nhiều. Nếu nhất tâm chuyên niệm, thì mình sẽ cùng Ngài Ðịa Tạng Bồ Tát hòa hợp làm một, và khi niệm tới chỗ "bất niệm như tự niệm" (miệng không niệm nhưng tâm luôn niệm) thì trong lòng mình tự nhiên thanh tịnh và tự tại, mọi phiền não đều tiêu tan.
Người tu đạo không nên ích kỷ, không nên có tư tưởng "hoài kỳ bảo nhi mê kỳ bang." Hễ mình được đồ ăn gì ngon thì hãy nhường cho đại chúng ăn; hễ có áo quần đẹp thì cũng nhường cho đại chúng mặc; hễ có chỗ ở an lành, cũng nhường cho đại chúng; có được cảm ứng gì tốt thì hãy cùng chia xẻ với đại chúng, cúng dường mọi người. Phàm là mình có được công đức gì thì nhất định nên hồi hướng cho chúng sanh trong Pháp-giới. Nếu chẳng được vậy thì mình vẫn còn ích kỷ.
Hễ ai có cảm ứng tốt hãy cúng dường mọi người, hễ không được cảm ứng tốt cũng nói rõ cho mọi người nghe. Không nên thiếp vàng lên mặt (khoe khoang chính mình), nói rằng tôi có cảm ứng đẹp như thế này, tốt như thế kia. Cũng không được hễ có cảm ứng kỳ diệu mầu nhiệm thì giấu kỹ, không nói cho người khác biết. Nếu có tư tưởng như vậy đều là ích kỷ. Bây giờ mọi người hãy phản tỉnh coi mình đã làm tròn trách nhiệm chưa? Phải chăng là mình không chịu làm việc, cứ người này đẩy qua người kia, tôi đẩy anh anh đẩy tôi, không ai chịu gánh vác trách nhiệm của mình cả.
Mỗi người chúng ta ai cũng phải phát tâm, coi Phật giáo là trách nhiệm của riêng mình. Sự hưng thịnh suy vong của Ðạo, mọi người đều phải có trách nhiệm. Không thể nói rằng: đó là việc của người khác, không quan hệ gì tới tôi.
Vì sự lợi ích của Phật Giáo nên mình phải hy sinh mọi sự, thậm chí dù có xương tan thịt nát mình cũng không từ nan. Phải có tinh thần như vậy mới là tín đồ chân chính của Ðạo Phật. Không nên lợi dụng Phật Giáo để kiếm miếng ăn, lợi dụng Phật Giáo để có áo mặc, mà phải tận lực ủng hộ Tam Bảo. Như vậy mới không có tâm ích kỷ.
Chẳng nên lúc nào cũng sợ thua lỗ, lúc nào cũng sợ thiệt thòi, lúc nào cũng tự cho mình là cao quý, cho mình là hay giỏi nhất. Phải có tinh thần quên mình vì Ðạo Pháp, thì mới đủ tư cách làm một tín đồ của Ðạo Phật.
(Ngày 25 tháng 8 năm 1983)
Noi Gương
Ðịa Tạng Vương Bồ Tát
Ðịa Tạng Vương Bồ Tát có nguyện lực lớn nhất. Ngài nói rằng:
"Ðịa ngục vị không, thệ bất thành Phật,
Chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ-đề."
Có nghĩa là địa ngục chưa trống không, tôi thề không thành Phật; chúng sanh độ hết rồi, tôi mới chứng bồ-đề. Tinh thần nầy thật là từ bi. Bồ-tát đối với chúng sanh chúng ta rất là quan tâm lo lắng vô cùng, không có gì hình dung được. Phàm đối với tín đồ Phật Giáo, nổ lực tu hành thì Ðịa Tạng Vương Bồ Tát có thể trong lúc chúng ta thiền định hoặc chiêm bao mà hiện thân thuyết pháp. Tiếc thay chúng ta không hiểu dụng tâm của Bồ-tát, và cô phụ lòng từ bi của Ngài, thật là có lỗi với Ngài. Song le Bồ-tát cũng không giận dỗi, Ngài tha thứ cho sự si mê của chúng sanh, rồi vẫn không ngừng phổ độ chúng sanh. Khi nào độ hết chúng sanh thì Ngài mới thành Phật.
Những việc Bồ-tát làm đều hướng về sự chân thật. Tuyệt đối Ngài không có ý hư ngụy giả dối, dù nhỏ như một sợi tơ, thuần túy là để cứu độ chúng sanh được thoát khổ và an lạc.
Hiện nay chúng ta đang cử hành Ðịa Tạng Thất, ai có chơn tâm thì người ấy sẽ có cảm ứng, ai có thành ý thì người đó sẽ có thọ dụng. Sự thọ dụng nầy không phải là đắc được thần thông diệu dụng, mà là tâm mình được thanh tịnh, hết vọng tưởng. Khi vọng tưởng hết thì mình sẽ có cảnh giới cảm ứng đạo giao hiện tiền. Có người nói: "Bình an là cảm ứng; biết lỗi lầm cũng là cảm ứng; so với lúc xưa tôi hiểu biết rõ ràng hơn, đó cũng là cảm ứng; so với trước kia tôi siêng năng nổ lực hơn, đó cũng là cảm ứng." Nói như vậy cũng không sai, chung chung là như vậy.
Hãy Chấp Nhận
Sự Chỉ Trích Vô Lý
Bây giờ tôi xin nói cho các bạn nghe kinh nghiệm của tôi khi tôi tụng Kinh Ðịa Tạng. Lúc tôi mười bảy tuổi thì đã bắt đầu giảng Kinh Lục Tổ Pháp Bảo Ðàn và Kinh Kim Cang cho người ta nghe rồi. Ban đầu tôi không biết giảng nhưng vẫn phải giảng. Vì sao vậy? Bởi vì lúc bấy giờ có rất nhiều người muốn nghiên cứu, học hỏi kinh điển nhưng lại không biết chữ. Do vậy tôi mới suy nghĩ là tôi cần phải đảm nhiệm công tác nầy, nên tôi mới giảng kinh cho họ nghe.
Một ngày nọ tôi ngẫu nhiên phát hiện ra quyển Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện và tôi như bắt được của quý. Ðọc qua một lần, tôi thấy Ngài Ðịa Tạng Bồ Tát vô cùng từ bi. Ngài rất quan tâm đối với chúng ta, mà chúng ta thì không hay biết gì. Do đó tôi phát tâm mỗi ngày quỳ trước điện Phật và tụng một bộ Kinh Ðịa Tạng. Sàn của Phật điện lót bằng gạch, không có nệm, mà tôi chỉ mặc quần bằng vải thường. Quỳ trên sàn gạch và tụng một bộ Kinh phải mất hai giờ đồng hồ. Tôi chuyên chú tụng đến nỗi đầu gối rướm máu mà cũng không hề biết đau đớn gì cả, càng tụng thì tâm càng khoan khoái. Mỗi ngày cứ đúng giờ là tôi quỳ trước điện Phật và thành tâm tụng. Hơn một trăm ngày sau thì ma chướng phát sanh nên tôi phải ngưng, không còn niệm được nữa.
Người tu Ðạo, nếu không dụng công tu hành thì chẳng có ma chướng lại khảo nghiệm thử thách. Hễ bạn được một chút xíu thành tựu thì ma liền đến thử thách để coi bạn có định lực hay không? Trong lúc tôi đang niệm Kinh Ðịa Tạng thì có một vị cư sĩ đến chùa cúng dường. Ông ta thấy tôi quỳ mà tụng Kinh thì rất tán thán khen ngợi tôi, và nói với người trong chùa thầy đó dụng công như vậy, thầy đó tinh tấn như kia... Sau khi vị cư sĩ nầy đi về rồi, tất cả các thầy trong chùa đều mắng tôi: "Chú giả bộ hay quá, cố làm cho cư sĩ để ý để chứng tỏ rằng chú là kẻ tu hành chuyên cần. Chú thật là đồ lợi dụng!" Lúc bấy giờ tôi chẳng biện luận gì cả, mình hiểu mình là được rồi, chỉ biết rằng mình vì tu hành mà tụng Kinh thôi. Nhưng từ đó về sau thì những chuyện vô lý thường xuyên xảy ra. Trước khi tụng kinh, mấy thầy lại mắng tôi: "Ðồ giả mạo tu hành." Sau khi tụng kinh xong, mấy thầy cũng lại chưởi tôi: "Giả bộ tu hành xong rồi sao!" Ngày nào cũng chưởi mắng om sòm nhưng tôi vẫn cứ chịu đựng không nói lời nào cả.
Sau khi tôi tụng được hơn một trăm ngày thì ma chướng thật sự kéo tới. Một hôm vừa niệm xong một bộ Kinh Ðịa Tạng, thì vị đại sư huynh tới trước mặt tôi rồi đánh tôi một phát. Tôi chẳng hiểu vì sao, cũng không dám hỏi lý do. Sau đó y mắng tôi: "Chú là người vô dụng, ở đây biếng nhác hưởng nhàn. Người ta có công việc làm ngoài kia, còn chú thì ở đây giả bộ tụng kinh để biểu diễn cho người ta coi. Chùa đâu phải chỗ để cho chú tu hành như vậy? Chú có công đức gì mà ở đây tu hành?" Vì thế tôi chỉ còn cách phải ngưng việc tụng Kinh Ðịa Tạng.
Hôm nay gặp kỳ Ðịa Tạng Thất khiến tôi nhớ lại chuyện quá khứ. Tu hành không phải dễ dàng, mà lúc nào cũng có thể gặp chướng ngại. Các bạn rất là may mắn, đã gặp được đạo tràng tu hành rất lý tưởng, không bị chưởi mắng, không bị đánh đập, vô cùng ung dung tự tại. Các bạn càng cần học gương nhẫn nhục, luôn luôn phấn đấu trong nghịch cảnh, tiếp tục công phu tu hành và tinh tấn hành trì trong mọi hoàn cảnh.
Khuyên Con Dâu Nên
Hiếu Thảo Với Cha Mẹ Chồng
Khi tôi theo hầu Ngài Thường Nhân Ðại Sư của Chùa Tam Duyên tại tỉnh Ðông Bắc Trung Hoa, có lần vì công tác xây chùa nên tôi đi ra ngoài thôn trang kiếm xe chở vật liệu. Cách chùa khoảng mười lăm dặm, có một thôn trang gọi là Ðại Ba. Bấy giờ chính là lúc canh tác mùa xuân nên nông dân rất là bận rộn, do đó không thể kiếm được xe. Tôi bèn tới nhà ông thôn trưởng thì ông ta nói rằng: "Hiện tại chúng tôi rất là bận rộn, không có thời giờ để chở vật liệu dùm cho chùa!" Vừa lúc đó thì người em dâu của ông ta tới gặp tôi và nói rằng: "Thầy ơi! Ðứa con tôi bị bệnh, bác sĩ chữa không lành, Thầy có thể phát lòng từ bi trị bệnh cho con tôi chăng?"
Tôi nói với cô ta rằng: "Bởi vì cô không hiếu thảo với cha mẹ chồng của cô nên con cô mới bị bệnh. Nếu cô muốn con cô hết bệnh thì nhất định cô phải sám hối. Cô phải lạy trước bài vị của tổ tiên và khấn nguyện từ đây về sau sẽ hiếu kính với cha mẹ chồng và ăn ở hiền lành hòa thuận với mọi người trong nhà. Sau đó thì quỳ trước cha mẹ chồng của cô mà nhận lỗi, và nguyện rằng sẽ không làm cho ông bà buồn phiền nữa. Nếu cô thành tâm như vậy thì con cô nhất định sẽ lành bệnh."
Cô ta tức thời làm theo lời tôi nhưng bệnh của đứa con nhỏ vẫn không thuyên giảm nên cô ta liền chạy tới gặp tôi. Tôi nói: "Cô hãy đem đứa nhỏ lại cho tôi coi." Cô ta lập tức bồng đứa nhỏ tới, thằng bé khoảng ba bốn tuổi, hai mắt nhắm nghiền, miệng thì há hốc. Tôi dùng tay gõ nhẹ lên đầu nó ba lần. Không lâu sau đó thì thằng nhỏ bổng nhiên mở mắt, nhìn đông nhìn tây, qua chừng năm phút thì rời tay mẹ nó xuống đất chạy chơi lanh lẹ như thường.
Lúc bấy giờ vị thôn trưởng vô cùng hoan hỷ nói với tôi rằng: "Thầy ơi! Thầy đã cứu cháu tôi lành bệnh. Ngày mai chúng tôi sẽ đem tất cả các xe tới chùa để giúp Thầy chở vật liệu."
Sáng hôm sau, ông ta gởi lại chín chiếc xe để chúng tôi dùng. Ðến tối, lúc ra về thì có một con lừa kéo xe bị đè gãy chân. Người chủ xe lấy làm lạ và nghĩ rằng mình làm việc cho chùa thì phải có công đức, tại sao lại gặp tai nạn như vậy. Ông ta suy nghĩ mãi mà không tìm được lý nhân quả của sự việc này nên tới hỏi tôi: "Thầy ơi! Chuyện nầy là nhân duyên như thế nào?"
Tôi trả lời với ông ta rằng: "Bác chớ nên bồn chồn, lo lắng. Chân của con lừa bị gãy tuy bị tổn thương nhưng không lâu nó sẽ lành. Việc này thật ra đã cứu được tánh mạng của người nhà bác đấy."
Ông ta rất cảm động khi nghe tôi nói như vậy và còn quyết định ngày hôm sau sẽ tới giúp chùa chở vật liệu nữa.
Từ đó về sau bất cứ tôi tới thôn trang nào mượn xe để chở vật liệu thì mọi người đều vui vẻ giúp đỡ vì biết rằng giúp chùa thì có được công đức vô lượng, thậm chí có người tranh nhau để cho mượn xe hoặc cho người phụ giúp công quả cho chùa.
(Ngày 26 tháng 8 năm 1983)
Ðạo Tặc Trở Thành Hiếu Tử
Tại quê tôi ở Ðông Bắc, có một lần tôi gặp một vị hiếu tử họ Vưu tên là Chí Huệ. Xưa kia anh là một kẻ ăn cắp, giựt tiền cướp của, không có chuyện ác gì mà anh chẳng làm. Một ngày nọ, anh bị thương nặng, từ chỗ chết mà được sống lại. Từ đó lương tâm như được thức tỉnh, anh sanh lòng hổ thẹn và quyết tâm hoán cải cuộc đời, làm lại một con người mới. Anh phát nguyện: "Nếu tôi không chết thì nhất định tôi sẽ đến phần mộ của cha mẹ tôi để báo hiếu." Không bao lâu thì vết thương của anh lành. Sau khi trở về nhà, anh lập một chòi tranh, ở gần mộ phần cha mẹ anh và ở đó mấy năm liền.
Có một năm vào mùa Hạ, trời mưa tầm tả và gây ra ngập lụt. Anh phát tâm cầu nguyện với trời cao, nếu nội trong ba ngày mà trời ngừng mưa thì anh sẽ cắt thịt để tế trời. Anh lại nghĩ rằng nếu chờ trời hết mưa mới cúng tế thì cũng như một cách hối lộ, vậy mình phải ngay bây giờ cắt thịt để tế trời mới biểu lộ được lòng chân thành khẩn thiết. Anh liền bày hương án và cầu xin trời xanh hãy bảo hộ cho bá tánh trong vùng và khiến cho mùa màng được tốt đẹp. Nói xong anh liền dùng dao cắt một miếng thịt ở ngay ngực. Bấy giờ máu trào ra linh láng, khiến anh mê man ngất xỉu trên mặt đất.
Lòng thành khẩn thiết của anh cảm động đến trời đất, nên đã phát sanh cảm ứng rất kỳ diệu. Lập tức mưa ngừng trời trong, và khi người nhà mang cơm ra cho anh ăn thì phát hiện anh đang nằm trên mặt đất, máu chảy linh láng. Họ bèn thức anh dậy, và chữa trị cho anh. Ðược chừng nữa tháng thì vết thương hoàn toàn lành hẳn. Trong thời gian đó, có một con chim rất là dễ thương, ngày ngày bay lại bên giường an ủi anh mà hót lên: "Ða tác đức! Ða tác đức! Ða tức đa hảo!" (nghĩa rằng làm đức cho nhiều, làm đức cho nhiều, đức nhiều tốt lắm). Con chim ấy trở thành người bạn tốt của anh. Sau nữa tháng không biết con chim đó bay đi đâu. Lòng chân thành đã khiến cho mưa ngừng hẳn, lại có chim thần đến làm bạn, cảnh giới đó thật là bất khả tư nghì.
Có một năm, tôi và anh ta gặp lại nhau, ngồi với nhau một giờ đồng hồ, không nói với nhau một lời nào cả. Vì sao vậy? Bởi vì không có gì đáng nói. Tất cả đều thể hiện trong im lặng "bất ngôn," anh ta biết tôi, tôi cũng biết anh ta. Khi tâm chiếu soi thì chẳng cần lời lẽ, chỉ dụng ý mà thể hội thôi, không thể diễn bày bằng ngôn từ được.
Khi tôi tới Ðài Loan để hoằng pháp có gặp Thủy Quả Hòa-thượng (tức Hòa-thượng Quảng Khâm). Tôi và Ngài cũng cùng tình huống như vậy, nhìn nhau mà chẳng nói gì cả, nhưng trong lòng chúng tôi vui sướng vô cùng. Ðó là tác dụng cảm ứng của tâm linh tâm tâm tương ấn, tâm mình và tâm người cùng nhau ấn chứng; bỉ thử thông đạt, không còn chướng ngại.
Bốn Giai Ðoạn
Tất Yếu của Ðời Người
Mọi người chúng ta đều phải trải qua bốn cái khổ lớn của cuộc đời gọi là sanh lão bệnh tử, bất kỳ người nào cũng không thể thoát khỏi bốn nỗi thống khổ đó. Trừ phi bạn tu đạo và thoát được vòng sanh tử thì chẳng nói đến làm gì, đa số người đời đều phải chịu bốn thứ khổ ấy.
Khi sanh ra thì giống như bị hai trái núi đè ép cho nên trẻ con khi mới chào đời, việc đầu tiên là khóc òa lên, đó thể hiện sự đau khổ. Bà con quyến thuộc bị cảnh giới làm cho mê muội thì lại tới chúc mừng. Tuy đó là một niềm vui, nhưng kỳ thật là một nỗi khổ? Ðến lúc già thì mắt mờ, tai điếc, răng rụng, tóc bạc, chân tay đình công không còn cử động như ý muốn nữa. Thật là vô cùng đau khổ. Ðến lúc bệnh rồi tứ đại không còn điều hòa, không còn hợp tác với mình nữa. Bấy giờ chỉ còn nằm liệt giường, chẳng đứng dậy được. Bần cùng khốn khổ đi đôi với nhau, đúng là trong cái khổ lại còn khổ thêm nữa. Lúc ấy tâm muốn một đường, nhưng sức lực chẳng đầy đủ để làm theo, bạn nghĩ coi đó chẳng phải là khổ hay sao?
Ðến lúc chết thì khổ đau không sao tả xiết, giống như con trâu sống mà bị lột da, mình vì con cái mà móc ruột móc gan, bị thất tình lục dục làm cho mê muội, không buông bỏ được chúng. Kỳ thật chết là chuyện mà ai cũng phải trải qua. Vậy sao lúc sanh ra lại vui vẻ mà khi chết lại âu sầu? Ðáng tiếc là những kẻ ngu muội si mê không thể phá bỏ sự chấp trước này.
Bây giờ chúng ta hãy nghiên cứu vấn đề sanh từ đâu đến, rồi chết đi về đâu? Nếu mình thông suốt vấn đề này thì có thể thoát khỏi tam-giới, không còn lọt vào luân hồi nữa. Ðức Thích Ca Mâu Ni xưa kia vì muốn nghiên cứu vấn đề này nên mới xuất gia tu đạo. Ngài hành đạo khổ tu sáu năm mà chẳng đạt được phương pháp giải quyết vấn đề sanh tử. Sau cùng, tại gốc cây Bồ đề Ngài ngồi tịnh tọa bốn mươi chín ngày. Ðêm đến thấy sao mai mọc ra, Ngài ngộ đạo, thấu triệt được vòng xoay chuyển của đời người, tức là mười hai nhân duyên.
Ngày hôm nay vì sao tôi nói đến đạo lý này? Bởi vì khi tôi mới tới Hương Cảng năm 1949, vị đệ tử đầu tiên quy y tôi là bà La Quả Minh. Bà ta năm nay được 81 tuổi. Sáng hôm qua bà đã vãng sanh, khiến cho tôi động lòng xúc cảm. Bà ta suốt đời bị hoàn cảnh chèn ép, song bà không đầu hàng nghịch cảnh, nhẫn nhục chịu đựng và nuôi dưỡng năm đứa con gái. Nay con bà đã trưởng thành, tương đối thành đạt cả. Vì vậy bà Quả Minh có thể vui vẻ mà ra đi, hoặc bà đã được vãng sanh về Thế Giới Cực Lạc.
(Ngày 4 tháng 9 năm 1983)
Một Cuốn Kinh Rất Khó Tụng
Tục ngữ nói rằng: "Nhà ai cũng có một bộ kinh khó tụng," lúc nào thì mới tụng xong bộ kinh này? Không ai có thể biết. Lúc nào thì có thể tụng được bộ kinh này, cũng không ai biết được. Người tu đạo chúng ta hễ có thể tụng hết được bộ kinh này thì đến với những bộ kinh khác sẽ hiểu được rất dễ dàng.
Ngày hôm nay tôi nói với các bạn nhân duyên này vì tôi muốn các bạn hãy đề cao cảnh giác về vấn đề sanh lão bệnh tử. Khi gặp cảnh giới trên (tức là chuyện sanh lão bệnh tử), thì các bạn phải nghĩ cho thông suốt, buông bỏ hết mọi sự, đừng nên bị cảnh giới ràng buộc chằng chịt, tốt nhất là "đối cảnh vô tâm," nhìn mọi sự mà tâm không động, coi như là chuyện bình thường. Nếu ai chẳng động tâm thì đó là như như bất động, liễu liễu thường minh.
Người đời ai cũng bị cảnh giới khống chế, lay chuyển, chứ không thể thay đổi được cảnh giới. Bởi vậy, họ bị hoang mang chẳng có mục tiêu, không tự làm chủ được đường hướng tông chỉ của đời mình, luôn luôn hồ đồ mê muội cả đời. Sanh ra hồ đồ, chết rồi mê muội, một lần mình sai lầm mà không biết giác ngộ, rồi lại tái phạm, sai lầm cứ lưu chuyển mãi trong lục đạo luân hồi. Cũng giống như kẻ chơi cờ bạc vậy, đã bị thua mà vẫn muốn tiếp tục, cho nên người đời nói rằng: "bớt ăn bớt uống, dùng tiền để đánh bài" là ý vậy. Kẻ phàm phu lúc nào cũng muốn đánh để gở lại tiền đã bị thua, nhưng càng đánh thì càng thua, càng thua thì càng muốn đánh, rốt cuộc là sa vào chỗ bùn lầy không thể rút chân ra được. Kết quả là nhà tan cửa nát, bao nhiêu tài vật trong nhà đều mất hết, (ý nói rằng là pháp bảo của tự tánh cũng bị tiêu mất). Thế mà mình không biết phản bổn hoàn nguyên, quay về với gốc nguồn, không biết hồi quang phản chiếu, tự soi tâm mình để bỏ bờ mê trở về bến giác, càng không biết quay lưng với trần lao để hợp nhất với giác tánh. Người đời thì sanh rồi lại chết, chết rồi lại sanh, ở trong biển khổ sanh tử, muốn phấn đấu để thoát ra, nhưng vừa mới ngoi đầu lên, thì lại chìm xuống, vĩnh viễn chẳng bao giờ thoát khỏi biển khổ cả.
Người xuất gia cần phải nổ lực tu hành, nếu không thì chẳng bao giờ ra khỏi lục đạo luân hồi. Nếu bạn biết "cấp lưu dũng thối" (hễ thấy nguy hiểm thì thối lui), nếu bạn biết đánh bài là chuyện không tốt, nhưng nếu bạn biết quay đầu lại cũng chưa muộn. Lúc ấy bạn sẽ hiểu rằng ai đánh bài thì người ấy thua tiền, chỉ có kẻ không đánh bài mới là người thắng mà thôi. Cũng giống như đánh cờ, khi có thua có ăn, nhưng người không đánh cờ thì vĩnh viễn không thua cũng không ăn. Lấy triết lý trên đây để soi sáng tâm mình, do đó mà hiểu rõ đạo lý hơn.
Các vị Thiện-tri-thức! Hãy thống niệm sanh tử, phát tâm bồ đề, đừng nên trôi nổi trong biển khổ nữa. Ai không muốn ra khỏi biển khổ thì đều là kẻ ngu muội. Nếu cứ mãi tham luyến hồng trần, cho là vui là sướng thì "bộ kinh khó tụng" này bạn vĩnh viễn chẳng thể tụng hết được. Chúng ta đã xuất gia rồi thì không nên tụng lại bộ kinh chẳng thể tụng hết được này nữa.
Rèn Luyện
Nhân Cách Cao Thượng
Các em bạn nhỏ của tôi! Các em nên noi gương các vị thánh nhân, các vị hiền nhân, học theo gương các vị đại trượng phu, đầu đội trời chân đạp đất học theo gương những vị anh hùng trong nước và ngoài nước, thuở xưa và ngày nay, để có được nhân cách, đạo đức học vấn và Phật nghiệp của họ.
Bây giờ là thời gian để các em học tập: ở trong lớp thì các em trau giồi kiến thức và kỷ năng, ở ngoài lớp thì các em rèn luyện đạo đức và nhân cách. Khi có kiến thức phong phú và nhân cách được kiện toàn thì sau này các em mới làm nên sự nghiệp lớn lao vĩ đại, và mới đem lại hạnh phúc cho toàn thế giới và nhân loại. Ở đâu các em cũng cần có kinh nghiệm mới có thể tiến bộ. Ðừng sợ thất bại vì thất bại là mẹ thành công. Khi còn trẻ, các em cần có khí phách của bậc anh hùng, oai phong hào khí ngất trời thì tương lai các em mới trở thành nhà diễn thuyết nổi tiếng, bậc nhân tài hoằng pháp xuất chúng.
Bây giờ chính là lúc các em phải xây dựng nền tảng kiên cố về cả hai phương diện học vấn và nhân cách. Nền tảng về nhân cách lại còn trọng yếu hơn nền tảng về học vấn nữa. Người có học vấn mà không có nhân cách thì sau này chỉ làm hại cho quốc gia, gây loạn lạc cho nhân loại. Vì lẽ đó các em cần phải rèn luyện nhân cách cho cao thượng để tương lai phục vụ nhân loại, đem lại lợi ích cho chúng sanh.
Muốn xây dựng nền tảng cho nhân cách được kiên cố, trước tiên các em phải học nói năng cho chính trực, thẳng thắn, và đừng bao giờ nói lời giả dối, hư ngụy. Hãy nhớ nhé! Các em chớ nịnh hót, nói những lời để người khác vui, cũng đừng nói lời trái ngược với lương tâm mình, lời nào cần nói thì nói, không cần phải nói thì đừng nói. Các em phải biết rằng: "Ngôn đa tất thất," nói nhiều lời thì sẽ sai lầm, và rằng "bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu sanh," bệnh là do miệng mà vào, họa là từ lời nói mà ra. Các em phải ghi nhớ, nên thận trọng!
Ðức Mạnh Tử dạy chúng ta ba tiêu chuẩn để rèn luyện nhân cách. Ngài nói rằng:
"Phú quý bất năng dâm,
Bần tiện bất năng di,
Oai vũ bất năng khuất."
Nghĩa là:
1) Lúc mình giàu có phú quí, thì phải giữ qui củ, không được dâm loạn,
2) Lúc mình nghèo hèn thì đừng thay đổi chí khí tức là không bị hoàn cảnh làm cho thay đổi chí hướng,
3) Lúc mình bị thế lực chèn ép thì không khuất phục, không đầu hàng, tức là không bị lợi lộc, vật chất làm cho mất hết danh tiết. Nếu các em có được chí khí cương trực hào hùng như vậy thì mới có thể trở thành những người hữu dụng sau này.
(Ngày 4 tháng 9 năm 1982)
Lầu Cao Vạn Trượng
Ðều Từ Dưới Ðất Xây Lên
Các em bạn nhỏ của tôi! Các em nên biết rằng lầu cao một vạn trượng đều từ nơi mặt đất xây lên. Cây cao một trăm trượng cũng từ tấc từ tấc một mà lớn lên. Con người cũng mỗi ngày mỗi trưởng thành. Lúc còn nhỏ phải lập chí nguyện rồi hướng theo mục tiêu mà tiến tới. Nếu không có mục tiêu, không có tông chỉ, không có đường hướng thì cũng giống như người mù mà cỡi ngựa mù, ban đêm có thể rớt xuống hố sâu. Các em coi thử có nguy hiểm hay chăng?
Trẻ thơ giống như miếng vải tinh khiết, nhuộm màu xanh thì ra xanh, nhuộm màu vàng thì ra vàng. Các em tùy theo hoàn cảnh giáo dục mà biến chuyển, cho nên người đời nói rằng: gần mực thì đen gần đèn thì sáng. Các em chịu sự huân tập nhuộm màu của hoàn cảnh. Sách Tam Tự Kinh có nói rằng:
Nhân chi sơ, tánh bổn thiện
Tánh tương cận, tập tương viễn,
Cẩu bất giáo, tánh nãi thiên.
Có nghĩa rằng con người lúc ban sơ thì tánh tình vốn thuần thiện. Tánh tình của mọi người gần giống như nhau, nhưng do thói quen huân tập mà người nầy mới khác người kia, do đó lúc còn nhỏ mà không giáo dục thì tánh tình sẽ thay đổi.
Các em thọ hưởng nền giáo dục ở Vạn Phật Thánh Thành, nếu thực hành được không tranh, không tham, không cầu, không tự lợi, không ích kỷ, không vọng ngữ, thì trong tương lai đối với quốc gia xã hội các em nhất định sẽ có cống hiến lớn lao. Ở Vạn Phật Thánh Thành đã thành lập Ðại-học Pháp Giới, Trung-học Bồi Ðức, Tiểu-học Dục Lương và đều lấy sáu điều tông chỉ trên đây làm phương châm giáo dục.
Các thầy cô giáo viên của trường đại, trung, và tiểu học! Các vị hãy tâm niệm nhiệm vụ giáo dục con em cho mai sau. Ðây là công tác thần thánh. Hãy dạy dỗ học sinh để chúng trở thành kẻ có nhân cách tận thiện tận mỹ, học vấn sâu rộng, tương lai không thành những thứ lưu manh, du đãng, những thứ vô loại trộm cướp, mà là những công dân tốt biết giữ nề nếp quy củ. Hiện tại nền giáo dục bị thất bại là vì sao? Là bởi vì chủ nghĩa cá nhân ích kỷ đã tác hại. Ða số người ta mở trường học là để kiếm tiền, do đó họ muốn có học sinh càng nhiều càng tốt và hủy hoại tông chỉ cao thượng của giáo dục.
Các thầy cô thân mến,
Các vị hãy áp dụng tinh thần "coi con em người khác như chính con em mình" để giáo dục các em. Trẻ em là tài nguyên của đất nước, và cũng là nền tảng của quốc gia. Ðất nước mà tài nguyên không đủ, nền tảng không kiên cố thì làm sao trở nên giàu mạnh được? Các vị hãy gắng công!
Hãy Học Cho Giỏi
Mới Trọn Vẹn Ðạo Hiếu
Quán Âm Thất kỳ này có nhiều học sinh tới tham _gia. Các em phải hiểu rõ đạo lý hiếu thảo với cha mẹ. Lúc còn ở nhà thì mình nghe lời, giúp đỡ cha mẹ dọn dẹp phòng ốc nhà cửa, quét tước sạch sẽ, giúp cha mình cắt cỏ, làm những việc cần làm, lúc đi học ở trường thì phải nghe lời thầy giáo, chuyên tâm nghe giảng bài, dụng công học tập, không nên để thời gian trôi qua lãng phí. Một ngày mình phải biết được một chữ, một ngày mình phải học một câu hay, đó là biểu hiện hiếu thảo với cha mẹ rồi đấy.
Các em nhớ lấy, ở trong trường mình phải làm người học sinh giỏi, về tới nhà, mình phải làm người con tốt. Không những mình phải nghe lời cha mẹ dạy dỗ, mà mình phải nghe lời những người lớn tuổi hơn chỉ bảo. Cần hiếu thảo với cha mẹ, cần cung kính với người lớn tuổi, bởi vì họ là người có kinh nghiệm nhiều hơn mình, họ có học vấn phong phú dồi dào hơn mình. Do đó các em cần phải học tập nơi họ, coi họ là gương, mới có tiền đồ quang minh xán lạn, nếu không thì con đường trước mặt của mình sẽ mờ tối, tương lai đời em sẽ chẳng còn hy vọng nữa.
Là học sinh, các em cần có mục tiêu rõ ràng, định chí nguyện kiên cố, phải có lòng kiên nhẫn, chẳng hề bị lay chuyển, dù gặp trăm ngàn khó khăn cũng không thối lui, có tinh thần như vậy, thì sau nầy mới làm nên việc vĩ đại, thành bậc anh hùng hào kiệt. Lúc các em học hành thì phải dụng công đọc sách, không thể chơi đùa phá phách mất thì giờ, phải nhận chân học hành tất cả mọi thứ cần thiết. Như vậy, thì mới không phụ lòng cha mẹ, không phụ lòng thầy cô, không phụ lòng nhà trường.
Các em nên biết, đây là trường học của Phật giáo, chuyên môn giáo dục, dạy dỗ bậc hiền tài, để tương lai các em ra trường sẽ trở thành người hữu dụng cho thế giới. Hy vọng các em vì thế giới nhân loại mà mưu đồ hạnh phúc, không nên để cho thế giới trở nên suy đồi. Ðó là hy vọng của trường mình. Các em ở đây học hành mọi thứ cần phải học tập một cách chân thật, nghĩa là dù một phút thời gian cũng không nên lãng phí, rằng "Thư sơn hữu lộ cần vi kinh, học hải vô nhai khổ tác châu," núi sách vở có đường, con đường ấy là siêng năng; biển học vấn thì vô bờ bến, nhưng phải lấy sự gian khổ làm thuyền, thì có thể vượt qua được.
Các em phải có tinh thần nhẫn khổ nại lao, không nề hà gian nan, chẳng nên làm biếng mà phải tập tánh cần kiệm, đối với một trang giấy hay một cây viết cũng phải quý trọng nó, đừng nên tùy tiện vứt bỏ đi, trong sinh hoạt cần có qui luật, tối ngủ sớm, sáng dậy sớm, bớt coi ti vi, đọc nhiều sách có trí huệ, trong trường học có bài vở nào, về nhà phải làm cho hết, lúc nào cũng ôn tập nó, bởi vì "ôn cố nhi tri tân," do ôn tập sách xưa mới học được trí thức mới. Sách coi qua một lần cũng có cái tốt của nó, các em chớ coi những sách hoạt họa vô ích.
Ở Trung Quốc, vào thời Ðông Hán có một em nhỏ tên là Khổng Dung, thông minh vô cùng, lại biết hiếu thảo. Một ngày nọ, bạn bè tặng gia đình em một rổ trái lê, người anh lớn của Khổng Dung chọn một trái lê lớn nhất, lúc ấy Khổng Dung chỉ mới bốn tuổi mà đã biết lễ nghĩa đạo lý, cho nên em chỉ chọn trái lê nhỏ nhất, cha em mới hỏi rằng:
"Vì sao con không lấy trái lê lớn nhất?"
Khổng Dung trả lời: "Bởi vì con tuổi nhỏ, con chỉ ăn trái nhỏ mà thôi, những trái lớn xin nhường lại cho cha mẹ và anh con."
Các em nghĩ xem, Khổng Dung mới có bốn tuổi, mà nó đã biết được phong cách khiêm nhường, thương yêu anh em, hiếu thảo với cha mẹ. Ðức hạnh như vậy không phải là trẻ em nào cũng có, tiếng thơm của em ấy, lưu truyền thiên cổ, người nào cũng biết, bởi vậy mới có câu rằng: "Dung tứ tuế, năng nhường lê," nghĩa rằng Khổng Dung mới bốn tuổi đã biết nhường trái lê.
Cũng tại thời Ðông Hán có một em bé tên là Hoàng Hương, lúc em mới chín tuổi thì mẹ em chết, em đối với cha vô cùng hiếu thảo. Lúc trời mùa đông thì em dùng thân mình để sưởi ấm giường chiếu của cha mình, em sợ rằng cha mình bị lạnh. Ðến lúc mùa hè, em dùng quạt để quạt giường cha mình, vì sợ cha nóng bức, đó cũng là tâm hiếu thảo mà nhân gian mãi mãi lưu truyền, rằng: "Hương cửu tuế, năng ôn tịch," nghĩa rằng Hoàng Hương mới chín tuổi mà đã biết quạt giường cha mình.
Hai em bé đó hành động như vậy của chúng là do tâm chơn thành bộc lộ ra, không phải là chỉ bề ngoài giả tạo để lừa bịp người khác, hành vi như vậy đáng để mình bắt chước. Các em đều là những trẻ thơ, cần học tập gương của hai em bé này, hiếu thảo với cha mẹ như thế nào, hãy lấy đó mà làm gương.
Các em rất may mắn, được sanh trong nước giàu có, sinh hoạt an định, vật chất phong phú. Ở trong hoàn cảnh ưu việt tốt như vậy, các em không học cho giỏi là cô phụ niềm hy vọng của cha mẹ và thầy cô của các em.
Trên đất nước vô cùng sung sướng này, chúng ta luôn cần những người lương thiện, cần những người hiểu rõ đạo lý, hiểu thế nào là thương yêu đất nước, thế nào làm kẻ công dân ưu tú. Các em ở trong trường học Phật giáo mà học thì tương lai phải là mô phạm, là cái gương cho xã hội, lãnh đạo người đời hướng vào con đường thiện. Các em phải lấy sáu tông chỉ của Vạn Phật Thánh Thành làm tiêu chuẩn: Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, và không dối trá. Nếu các em thật sự làm được sáu điều này thì tương lai các em sẽ trở thành người ưu tú nhất trong thế giới. Tôi hy vọng các em sẽ trở thành người thập phần toàn vẹn, thành kẻ có thể ảnh hưởng người đời cải ác hướng thiện, làm người có tâm đại từ bi, ban sự khoái lạc cho chúng sanh, diệt trừ những nỗi thống khổ của họ. Ðược như vậy thì thế giới này sẽ trở thành chốn đại đồng.
Nghĩa Vụ Giáo Dục
của Vạn Phật Thánh Thành
Tại Vạn Phật Thánh Thành đã có thành lập trường Tiểu-học Dục Lương, trường Trung-học Bồi Ðức và trường Ðại-học Pháp Giới, tất cả đều miễn học phí. Ðó tức là nghĩa vụ giáo dục của Vạn Phật Thánh Thành. Bây giờ tôi sẽ kể cho các bạn nghe nhân duyên gì mà mình không thâu học phí.
Nhà tôi ở tại miền núi của huyện Song Thành, tỉnh Ðông Bắc. Vì sự giao thông ở đó rất khó khăn, trong thôn không có trường nên trẻ em đa số thất học và người trong thôn phần lớn đều mù chữ. Mùa thu năm tôi mười lăm tuổi, mới theo học trường tư thục, đọc sách Tứ-thư và Ngũ-kinh. Ðến năm mười bảy tuổi, vào mùa đông thì tôi học xong Tứ-thư và Ngũ-kinh. Thầy giáo tôi tùy theo những điều tôi đã học mà giảng giải cho tôi hiểu nghĩa lý trong sách, tổng cộng tôi chỉ học có hai năm rưởi.
Ðến năm mười tám tuổi, không có sách gì để đọc. Lúc ấy tôi ở nhà nghiên cứu sách y học, đại khái đọc được mười lăm mười sáu cuốn. Nhờ vậy hiểu rõ được đạo lý "vọng vấn thiết văn" (quan sát, hỏi han, chẩn mạch, lắng nghe), tức là bốn cách để khám bệnh, và cũng biết tánh chất "hàn nhiệt ôn bình" (lạnh, nóng, ấm, điều hòa) tức là bốn đặc tính của thuốc. Khi ấy tôi cũng có thể trị bệnh nhưng không muốn khám bệnh cho người ta, vì tôi nghĩ rằng trong một trăm người bệnh nếu có trị lành được chín mươi chín người, còn lại một người không lành hay người ấy chết vì uống sai thuốc hay vì chữa sai bệnh thì cũng mang tội. Bởi vậy tôi không muốn làm nghề thầy thuốc. Hơn nữa từ xưa đến nay tôi không coi trọng tiền bạc và cho đến bây giờ cá tính ấy vẫn không thay đổi.
Cũng tại năm ấy, năm mười tám tuổi, tôi cũng có đọc sách về tướng mạo, sách bốc quái, hay sách về bát-tự, sách về toán mạng v.v.. Ðối với sách thuốc, sách bốc quái, sách tinh tướng, tuy tôi không tinh thông lắm, nhưng cũng hiểu được nghĩa lý của nó. Bất quá tôi không muốn làm nghề đó mà thôi, bởi vì tôi không muốn làm tiền và luôn luôn nghĩ rằng: "Phú quý hoa gian lộ, công danh ngọa thượng sương," tất cả đều vô thường (phú quý như đóa hoa bên đường, công danh như giọt sương trên ngói).
Mùa đông năm ấy, tôi thấy trẻ em trong thôn không có cơ hội để học hành, thật là đáng thương, nên tôi phát tâm thành lập trường miễn phí, không thu học phí gì cả. Lúc bấy giờ có khoảng hơn ba mươi học sinh do tôi một mình đảm nhiệm dạy dỗ. Bởi vì tuổi tác học sinh không đồng đều, sự hiểu biết cũng khác biệt, nên tôi phải tùy theo trình độ của chúng mà dạy. Trường bắt đầu mở cửa từ bảy giờ sáng, đến chiều sáu giờ học sinh mới ra về, trong thời gian đó không có lúc nào nghĩ học cả. Học sinh ra công học tập nên tiến bộ rất mau. Mùa đông trôi qua, khóa học chấm dứt và thành tích của học sinh rất tốt. Chúng hiểu rõ nghĩa và viết được rất nhiều chữ. Ðó là niềm vui mà tôi đã dùng công lao khó nhọc để có được.
Do nhân duyên trên đây mà tại trường Tiểu-học Dục Lương, trường Trung-học Bồi Ðức, và trường Ðại-học Pháp Giới đều miễn học phí. Có người nghi ngờ, hỏi rằng phải chăng như vậy là quá ngu si? Phải chăng tôi không biết giá trị của đồng tiền. Ðúng là ngu si cực điểm, tôi chấp nhận lời bình luận như vậy. Song tôi lại nghĩ rằng giáo dục để đào tạo nhân tài là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời.
Bây giờ nói đến trường Tiểu-học Dục Lương: tông chỉ là dạy dỗ học sinh để thành bậc nhân tài ưu tú, giáo dục chúng trở thành người công dân lương thiện, và thành những con em hiếu thảo, cho nên gọi là Dục Lương.
Về trường Trung-học Bồi Ðức, bởi vì tánh đức của con người có đầy đủ, tròn vẹn, cho nên phải bồi đắp đức hạnh, đề xướng việc tu phước tu huệ. Trường Tiểu-học Dục Lương thì chú trọng đến đạo hiếu: Bách thiện hiếu vi tiên, trong một trăm điều thiện thì đạo hiếu là hàng đầu. Trường Trung-học Bồi-Ðức thì chú trọng đến trung và hiếu: trung với quốc gia, hiếu thảo với cha mẹ.
Muốn làm người công dân lương thiện, biết thương yêu tổ quốc thì cần phải có nhân cách mới có thể chịu mọi thử thách, không bó tay đầu hàng trước hoàn cảnh. Cho nên có câu: "Gia bần xuất hiếu tử, loạn thế xuất trung thần," nhà nghèo thì mới nhận ra con hiếu, nước loạn thì mới xuất hiện bậc tôi trung. Ðó là vì do trải qua thử thách khảo nghiệm cho nên mới thành những con người như vậy. Những kẻ có nhân cách cao thượng, những kẻ có chí nguyện vĩ đại, những kẻ có lòng kiên nhẫn không gì lay chuyển, những kẻ có tài năng làm nên sự nghiệp lớn lao: đó là mục tiêu đào tạo của trường Trung-học Bồi Ðức.
Nói về trường Ðại-học Pháp Giới, sau khi học sinh ở trường Bồi Ðức đã trau giồi đức hạnh của mình cho được tròn đầy viên mãn, thì có thể lên học trường Ðại-học Pháp Giới, để thành bậc nhân tài xuất chúng. Hy vọng các em nam cũng như nữ sẽ trở nên xuất sắc vượt bực hơn lớp người đi trước, tương lai có thể thành kẻ anh dũng đầu đội trời chân đạp đất. Các bạn hãy có tư tưởng vị tha, người khác chìm cũng như mình chìm, người khác đói cũng như mình đói vậy. Phải có tinh thần bao la cùng khắp cả hư không pháp giới, không có gì biến cải được chí nguyện của mình.
Hiện tại đa số những học đường bất luận trường công hay trường tư đều chú tâm làm sao làm tiền học sinh, làm sao học phí mỗi năm mỗi tăng, khiến cho người không có đủ tiền chỉ nhìn mà than thở. Vạn Phật Thánh Thành vì muốn giải quyết vấn đề đó cho nên không thâu học phí, chỉ lấy việc giáo dục anh tài trong thiên hạ làm tông chỉ. Tôi hy vọng rằng học sinh tại Vạn Phật Thánh Thành ý thức được dụng tâm chịu gian khổ của Vạn Phật Thánh Thành, đã hy sinh kinh phí để giáo dục các em trở thành rường cột của quốc gia, những nhân tài để hoằng Pháp. Các em đừng nên cô phụ sự khổ công đào tạo của các giáo sư ở Vạn Phật Thánh Thành, các em phải dụng công học tập. Có câu rằng: "Thư tảo dụng thời phương hận thiểu, sự phi kinh quá bất tri nan," nghĩa là đến lúc dùng sách vở mới ân hận là trí thức mình còn thiếu, việc không trải qua kinh nghiệm thì chưa biết là khó. Bây giờ các em không dụng công học tập, thì tương lai đến lúc cần dùng tới kiến thức của mình, các em sẽ hối hận vô cùng. Ðó là điều tôi cần nói với các em ngày hôm nay.
(Ngày 19 tháng 9 năm 1983)
Trẻ Em Là Rường
Cột của Nước Nhà
Các bạn nhỏ thân mến! Các em hãy ngồi ngay _thẳng, yên lặng lắng nghe những điều tôi muốn nói hôm nay. Các em là những cây non mỗi ngày mỗi lớn cao, tương lai các em sẽ là rường cột cho đất nước mình. Các em cần làm nên sự nghiệp vĩ đại hiển hách, đem lại hòa bình cho thế giới, đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Các em sanh ra ở đất Mỹ này thì phải làm cho đất nước này được quản lý tốt đẹp, khiến cho quốc gia không có chiến tranh nữa, vĩnh viễn được hòa bình, và cả cho toàn giới, mọi nơi mọi nước đều được bình an, đó là nhiệm vụ của các em.
Hiện tại các em hãy đặt nền tảng vững chắc cho việc cứu nước cứu dân mai sau. Trước tiên các em phải học làm con người tốt, tức là các em hãy noi gương những người tốt mà học hỏi, đừng nên học hỏi những kẻ xấu. Thế nào là người tốt? Tức là ở nhà hiếu thảo với cha mẹ,, đến trường thì cung kính sư trưởng, thầy cô, ngoài xã hội thì phục vụ nhân dân, khi làm việc trong chính phủ thì luôn mưu cầu hạnh phúc cho dân chúng, đó là tiêu chuẩn của người tốt. Thế nào là người xấu? Người xấu thì có lòng ích kỷ, chỉ mưu cầu lợi ích cho riêng mình, vong ân bội nghĩa. Người tốt trị nước sẽ khiến đất nước giàu mạnh, chẳng có chiến tranh. Người xấu mà trị nước thì làm mất nước.
Các em là những người đi trước bởi vì các em học làm sao để báo hiếu cho cha mẹ, làm sao để phục vụ nhân quần. Tương lai các em sẽ đem lại hòa bình cho đất nước nầy, đem tất cả vũ khí sát nhân mà hủy diệt đi: "Mã phóng nam sơn, đao thương nhập khố," nghĩa là thả những con chiến mã về núi không dùng nữa, và đem gươm giáo chất vào kho, không cần tới nữa. Ðó là trách nhiệm của các em, phải làm sao hóa giải không khí chiến tranh trên thế giới này, khiến cho ai ai cũng được an cư lạc nghiệp, áo quần ăn uống đầy đủ. Lúc đó thế giới nầy mới có thể trở thành "Thế Giới Ðại Ðồng" vậy.
(Ngày 20 tháng 8 năm 1983)
Thế Nào Là Ðôn Phẩm,
Thế Nào Là Lập Ðức
Các em bạn nhỏ! Các em muốn làm tròn trách _nhiệm cứu thế cứu nhân cứu đời cứu người chăng? Ðầu tiên các em phải đôn phẩm lập đức. Thế nào là đôn phẩm? Ðôn tức là đôn hậu. Phẩm là phẩm cách, có nghĩa rằng các em phải học làm sao cho kiến thức được phong phú, phẩm cách được cao thượng, đừng hút thuốc, đừng uống rượu, đừng hút xì-ke, cũng đừng bài bạc rượu chè, cũng đừng làm những hành vi bất lương không tốt. Chẳng nên học những kẻ không có trí thức trong quá khứ, đối với quốc gia thì họ không làm tròn trách nhiệm, đối với xã hội thì họ không làm tròn nghĩa vụ, luôn luôn tùy tiện chẳng chịu giữ quy củ cho chính mình, trở thành kẻ chỉ làm tổn hại đến người khác. Họ là thứ mình gọi là A-tu-la trong nhân gian, chỉ biết đấu tranh mà không biết hòa bình, những người ác như vậy chỉ thành những kẻ ăn hại cho quốc gia.
Các em giờ đây giống như những cây non đang từ từ nảy nở, do đó lúc nào cũng phải chú ý chặt bớt đi những cành nhánh vô dụng, để cây có thể mọc thẳng lên trên cao, tương lai thành một cây to lớn vĩ đại, có thể dùng làm vật liệu xây dựng được. Rằng "Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người." Các em hiện tại đang ở trong thời gian phải học tập, do đó đừng nên tiêm nhiễm những thói hư tật xấu. Hãy nhớ lấy! Các em phải trưởng dưỡng cho mình phẩm cách cao thượng, giữ gìn tiết tháo liêm khiết trong sạch. Nếu được như vậy, thì tương lai các em sẽ trở thành lãnh tụ của thế giới.
Thế nào là lập đức? Lập có nghĩa là kiến lập, thành lập. Ðức là đức hạnh, nghĩa là kiến lập đức hạnh cho chính mình, tức là hiếu thảo với cha mẹ, bởi vì "Bách thiện hiếu vi tiên," trong một trăm điều thiện, hiếu đứng đầu. Không hiếu thảo với cha mẹ, thì dù hàng ngày các em có lạy Phật cũng không có ích lợi gì. Ðối với điểm này thì các em bạn nhỏ cần phải hết sức chú ý.
Ðức hạnh của các em mỗi ngày mỗi lớn lên, mỗi nhiều thêm, thì nền tảng làm người mỗi ngày mỗi thêm kiên cố. Khi cần nói thì các em nên nói lời chính đáng, đúng với chân lý, đừng nên nói những lời không hợp lý, không đàng hoàng. Nói tóm lại, các em hãy nổ lực học tập, để tương lai trở thành người hữu dụng cho xã hội, chẳng nên làm kẻ hư xấu của thế giới. Ðó là điều mà tôi kỳ vọng nơi các em.
Ðồng Tính Luyến Ái -
Chính Là Tự Ðào Mồ Chôn Mình
Các em bạn trẻ! Khi các em học thành tài ra đời _phục vụ, thì nhất định phải an phận thủ thường, giữ gìn quy củ, không nên bắt chước hành vi của kẻ hippy du côn du đảng, cũng càng không nên bắt chước hành động của kẻ đồng tính luyến ái, bởi vì những kẻ đó chẳng những không có cống hiến gì cho đất nước, mà còn làm gia tăng phong khí không tốt cho xã hội. Một gia đình toàn thiện là gia đình được cấu tạo bởi một người nam và một người nữ. Gia đình ấy được cấu tạo như vậy là với mục đích nối tiếp dòng giống, khiến nhân loại được tiếp tục không bị diệt vong. Nếu gia đình mà được cấu tạo bởi những người đồng tính luyến ái, thì nhân loại sẽ tiến tới chỗ tuyệt diệt. Những kẻ nam người nữ mang bệnh đồng tính luyến ái, thì tâm tánh không như người thường, có bệnh chứng biến thái, đây là biểu tượng của thế giới lúc sắp bị tận diệt rồi vậy.
Ở trên đời chuyện gì cũng tương đối, có âm thì có dương, có trời thì có đất, có ngày thì có đêm, có lạnh thì có nóng, có nam thì phải có nữ, đó là lẽ tự nhiên. Nếu con người làm chuyện đồng tính luyến ái, thì nhân loại sẽ bị diệt vong, bởi vì hành động ấy không hợp với đạo lý của trời đất, đó là vấn đề rất nghiêm trọng. Tiếc thay, có những quốc gia lại công nhận đồng tính luyến ái là hợp pháp, thật khó mà hiểu được. Chẳng những quốc gia ấy, đất nước ấy đã không hạn chế mà còn cổ võ, thì không biết tâm ý họ để chỗ nào? Phải chăng họ gián tiếp muốn hủy diệt thế giới? Những pháp luật như vậy, thật là vô cùng sai lầm, từ xưa tới nay chưa từng nghe qua.
Các em bạn nhỏ! Nhất thiết các em đừng nên học theo hành vi của những kẻ đồng tính luyến ái, bởi vì hiện tại những kẻ mang bệnh ấy đang đi tới chỗ chết. Người có bệnh đồng tính luyến ái thì gần như là mắc phải bệnh nan y, tức là bệnh AIDS, hiện nay chưa có phương pháp nào để chữa trị. Phàm là người đã mắc phải bệnh này thì chỉ còn chờ chết, mạng sống của họ chỉ trong vòng hai, ba năm mà thôi. Ðó là trời xanh trên cao đã trừng phạt họ vì họ có hành vi không giữ quy củ. Có câu: "Tự tác nghiệt bất khả hoạt," tự mình phạm tội ác nghiệt thì khó mà sống được. Nếu ai ai cũng mắc phải quái bệnh như trên, thì đất nước sẽ tiêu vong, thế giới sẽ bị hủy diệt, và trở về lại không kiếp.
Các em bạn nhỏ! Các em đối với vấn đề thiện ác hãy phân biệt cho rõ ràng. Ðừng nên sát sanh, đừng nên trộm cắp, đừng nên làm chuyện tà dâm. Ðừng nên nói dối trá, đừng nên rượu chè bài bạc, đừng nên hút thuốc, cũng đừng nên làm biếng giãi đãi, cũng đừng nên buông lung phóng dật. Ðối với bài vở hàng ngày các em phải nổ lực học tập, các em phải rèn luyện bồi dưỡng nhân cách đạo đức của mình, để thành một người có ích cho thế giới, một người hữu dụng.
Tiền Bạc Có Thể
Hại Ðến Thân Mạng
Các em bạn nhỏ! Các em chớ suy tính: Làm sao để _mình lên chức? Làm sao để mình phát tài? Làm sao để có danh vọng trên thế giới? Hay làm sao trên quốc tế ai cũng biết mình? Mà các em nên nghĩ mình phải làm gì để nhân loại được hạnh phúc, mình phải làm gì để đem lợi ích cho mọi người. Chúng ta phải đem hết sức lực để thế giới được hòa bình, để chúng sanh được an lạc. Không phải là ở trên đời này mình cứ tranh danh đoạt lợi, kình chống lẫn nhau, hãm hại lẫn nhau. Nếu vì mục đích nói trên mà mình không nề bất cứ thủ đoạn nào thì chỉ tạo thêm nghiệp tội mà thôi.
Khi tiền bạc chất chứa nhiều rồi, thì sẽ có hại đến thân mạng. Gần đây ở Los Angeles có một chuyện xảy ra. Có một ông nhà giàu nọ bị sát hại. Ông này là người Mỹ, có rất nhiều tiền, song le cuộc sống của ông vô cùng phóng đãng. Bởi vì có quá nhiều tiền nên bị người khác giết chết. Khi ông còn sống, cũng vì tiền mà ông đã tạo ra rất nhiều nghiệp tội, do đó kết quả mới thê thảm như vậy. Tuy có tiền của nhiều vô cùng, nhưng khi chết đi một đồng cũng chẳng đem theo được. Các em hãy nghĩ xem! Như vậy thì cuộc đời có giá trị gì? Có ý nghĩa gì? Vì thế ở trên đời này mình cần làm một người có trí huệ, không nên làm người ngu si. Kẻ có trí huệ thì thông suốt mọi sự một cách rõ ràng, phân biệt thiện và ác, tuyệt đối không làm những chuyện điên đảo ngu muội. Nhưng người ngu si thì suốt ngày chỉ cầu danh cầu lợi, cầu địa vị, cầu quyền thế. Họ không thể nào nhìn thủng được sự giả dối, không thể buông bỏ được cái hư vọng, cho nên thấy điều gì lợi cho mình thì quên mất đạo nghĩa, do đó khi sống như kẻ say rượu và lúc chết như người nằm mộng, hồ đồ mê muội cả một đời. Chúng ta ở trên đời này cần phải giúp đỡ những người khốn khổ, cứu vớt họ ra khỏi nơi nước sôi lửa bỏng. "Vi thiện tối lạc," làm việc thiện là niềm vui cao nhất, bởi vì giúp người là căn bản của hạnh phúc.
(Ngày 22 tháng 9 năm 1983)
Kiến Tạo Một
Nền Tảng Kiên Cố
Tông chỉ giáo dục của Vạn Phật Thánh Thành là trước hết phải xây dựng một nền tảng nhân cách cho thiệt vững chắc, khiến cho các em trong trường tiểu học, trung học, và đại học, ai cũng biết lễ nghĩa liêm sỉ, trung hiếu nhân ái. Tức là phải chú trọng đến tinh thần giáo dục. Làm cho học sinh có được căn bản làm người vững chắc để tương lai các em ra ngoài đời làm việc gì thì cũng theo tư tưởng đạo đức mà làm. Nếu được như vậy thì các em mới có thể làm tiêu chuẩn cho người khác bắt chước, hay làm cái gương cho người khác theo, khiến cho ai cũng có thể nhìn các em mà học tập. Từ từ phong tục tập quán hư xấu của xã hội sẽ được cải thiện biến thành một xã hội mà ban đêm nhà không cần khóa cửa, ngoài đường đồ vật rơi rớt không ai cần lượm.
Xã hội này tại sao không được tốt đẹp? Bởi vì chẳng ai có căn bản làm người vững chắc. Do đó mới bị tài sắc danh thực thùy, (tức là tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ), năm thứ dục vọng như những luồng gió lôi cuốn bốn phương tám hướng, khiến ai cũng hồ đồ mê muội, chỉ biết mưu cầu sự khoái lạc sung sướng, nhưng không biết hiếu đễ trung tín gì cả? Bởi vì không biết đạo lý nhân nghĩa lễ trí tín, cho nên mới làm cho thế giới đầy dẫy chướng khí hắc ám và không còn thể thống gì nữa.
Nền giáo dục ở Vạn Phật Thánh Thành dạy cho học sinh phải có căn bản làm người cho vững, từ đó mới đề cập đến những đức tính khác. Tôi cũng giống như là cây đầm, chuyên đầm đất, đầm sao cho nền tảng đạo đức của các em nhỏ được kiên cố, để tương lai các em có thể trở thành những bậc nhân tài. Ðó là mục đích của tôi.
Các bạn nhỏ! Ðừng nên coi thường! Các em là các vị chủ nhân tương lai của đất nước. Lúc các em lên lớp học tập, ngoài việc nghe theo lời giảng dạy của thầy cô, các em còn phải tập cách diễn giảng. Khi các em đã có kinh nghiệm diễn giảng rồi, thì các em không còn sợ hãi nữa. Tương lai, các em sẽ là những nhân tài có thể hoằng pháp và có được khả năng biện tài vô ngại.
Các thầy cô, các giáo sư! Các bạn hãy chịu khổ thêm một chút nữa để dạy dỗ các em thanh niên nhỏ tuổi này, hãy huấn luyện chúng thành những kẻ có trí huệ, những kẻ có tài năng, những kẻ mà khi thấy việc nghĩa thì mạnh dạn mà làm, hãy dạy chúng sẵn sàng hiến thân để phụng sự cho việc công, bảo vệ pháp luật, trở thành những công dân ưu tú. Các bạn hãy hiểu rằng muốn xây dựng nền hòa bình thế giới, thì phải bắt đầu từ nền giáo dục. Khi nền tảng giáo dục được thiết lập vững chắc, thì quốc gia mới có thể giàu mạnh, thế giới mới có thể hòa bình. Hiện tại bởi vì nền căn bản giáo dục của các quốc gia không kiên cố nên mới tạo ra những thanh niên không biết giữ gìn quy củ, ăn no chẳng có chuyện gì làm, rồi trở thành những kẻ du côn lãng tử.
Tôi dám nói rằng những học sinh tiếp thụ nền giáo dục ở Vạn Phật Thánh Thành, bất luận là các em sinh viên đại học, hay là các em học sinh ở trung học, tiểu học, ai ai cũng biết giữ quy củ, biết bổn phận làm người, biết làm sao để tài bồi đức hạnh của mình. Tôi hy vọng các em lấy đó làm phương châm, nổ lực học tập để trở thành những người hữu dụng cho đất nước.
Khổng Tử - Nhà Ðại Giáo Dục
Vào thời Xuân-Thu Chiến-Quốc ở bên Trung Hoa, _có vị đại thánh nhân ra đời, tên là Khổng Tử. Ngài suốt đời chu du các nước để tuyên dương học thuyết nhân nghĩa đạo đức, hiếu đễ trung tín, song le không được ai hoan nghinh tiếp nhận, đâu đâu cũng bài xích Ngài cả. Tuy Ngài gặp hoàn cảnh không vừa ý như vậy, nhưng Ngài vẫn không thay đổi tông chỉ giáo dục, Ngài vẫn thủy chung đề xướng chủ nghĩa đại đồng.
Khổng Tử là nhà đại giáo dục. Ngài đề xướng một nền giáo dục bình dân được phổ cập tới tất cả mọi người. Ngài có tinh thần "dạy không hề nhàm chán, học không biết mỏi mệt." Ngài không sáng tác, chỉ chép lại tích cũ người xưa. Ngài tin vào những điều của thánh nhân nói xưa kia, rồi đem ra thực hành. Cuối đời, Ngài san định năm cuốn: Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân Thu, tức là Ngũ-kinh.
Khổng Tử có ba ngàn học sanh. Ngài thông suốt lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số, gọi là lục nghệ. Ðệ tử Ngài có bảy mươi hai người cũng thông suốt lục nghệ. Lễ tức là những lễ tiết, lễ nghi về hôn nhân, mai táng, hay là cúng tế. Nhạc tức là âm nhạc. Xạ tức là bắn cung. Ngự tức là cởi ngựa, đánh xe. Thư tức là ghi chép, lịch sử. Số tức là toán thuật. Mỗi một môn nào cũng phải hoàn toàn tinh thông, thì mới được gọi là một người hoàn toàn.
Phương châm giáo dục của Khổng Tử là lấy con người làm trọng tâm, lấy thân mình làm gương. Môn đệ của Ngài có bốn hạng xuất sắc:
1. Xuất sắc về đức hạnh, có ngài Nhan Hồi và Mẫn Tử Khiêm.
2. Xuất sắc về ngôn ngữ, biện luận có ngài Tử Hạ, và Tể Ngã.
3. Xuất sắc về chính trị, có ngài Tử Lộ, và ngài Nhiễm Hữu.
4. Xuất sắc về văn học, có ngài Tử Hạ và Tử Du.
Khi Ðức Khổng Tử qua đời, Nho-giáo phân làm hai phái. Tăng Tử thì chủ trương truyền Ðạo, và Mạnh Tử đại biểu cho phái này, trở thành phái chính thống. Tử Hạ thì chủ trương truyền Kinh, và ông Tôn Tử là đại biểu của phái này. Phái truyền Kinh thì hưng thịnh vào ba triều đại Hán, Ðường, và Thanh. Phái truyền Ðạo thì hưng thịnh vào ba đời Tống, Nguyên, và Minh.
Mọi sự việc trên đời đều có liên hệ tương quan, cũng giống như bên Trung Hoa, ba đạo Nho, Phật, Lão, đều hỗ trợ lẫn nhau. Nho-giáo thì như ở trình độ sơ đẳng, tức là tiểu học, Ðạo-giáo thì như là trình độ trung học, còn Phật-giáo thì như là trình độ đại học. Ðạo lý của ba tôn giáo này đều có liên quan, song le người ở tiểu học thì không biết được trình độ của lớp trung học, nhưng kẻ ở đại học thì biết được trình độ và bài vở của lớp trung học hay tiểu học.
Nho giáo thuyết giảng đạo lý làm người, thí dụ như rèn luyện nhân cách cho lương hảo. Ðạo giáo một nửa thì chú trọng rèn luyện nhân cách đạo đức, còn một nửa thì chú trọng đến việc tu hành xuất thế. Do đó các vị đạo sĩ thì chẳng cạo đầu, cạo râu, không khác gì người tại gia cả. Họ chỉ mặc y phục của những vị ẩn sĩ thời cổ xưa. Phật giáo thì phải cạo râu cạo tóc, mặc áo hoại sắc, không chú trọng đến bề ngoài, song le áo cà-sa thì không bao giờ rời thân và phải thể hiện Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni tướng. Phật giáo là tu pháp xuất thế, phải chăng là ly khai pháp thế gian, tạo ra một Phật pháp riêng biệt? Không phải đâu. Chỉ cần phải nhận thức pháp thế gian một cách rõ ràng, không bị nó làm mê muội, đó chính là Phật pháp.
Có người chủ trương tam giáo hợp nhất, (tức là Ðạo giáo, Khổng-giáo và Phật giáo hợp thành một), cho nên có câu:
Hồng hoa bạch ngẫu thanh hà diệp,
Tam giáo nguyên lai thị nhất gia.
(Hoa hồng, thân trắng, lá xanh,
Ba tôn giáo ấy vốn chung một nhà.)
Ðó là biểu thị đạo lý vậy. Căn bản của Phật giáo, để phát khởi tâm tín ngưỡng thì chính là Nho giáo, do đó cần phải đọc sách, hiểu rõ nghĩa lý, trước hết phải hiểu thế nào là căn bản làm người, sau đó mới theo Pháp mà tu hành: Quy nguyên tánh vô nhị, phương tiện hữu đa môn. Nghĩa là: trở về nguồn thì tánh không hai, nhưng phương tiện thì có nhiều cửa vào. Người học Phật Pháp cần phải thông suốt đạo lý nầy.
(Ngày 25 tháng 9 năm 1983)
Cái Ðạo của Bậc "Ðại Học"
Ðạo của bậc "Ðại-Học" thì lấy ba cương lĩnh và _tám điều mục làm tông chỉ. Thế nào là ba cương lĩnh? Tức là minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện. Minh đức có nghĩa rằng sau khi mình tự thanh tịnh, chiếu soi quang minh tự tánh của mình, nhiên hậu dạy người khác chiếu soi, thanh tịnh quang minh tự tánh của họ. Thân dân có nghĩa là khiến cho tất cả mọi người đều biết con đường chính đáng, làm sao trở thành những người thông hiểu đạo lý. Chỉ ư chí thiện là mọi người cùng đạt tới chỗ cùng cực thiện hảo.
Thế nào là tám điều mục, tám điều khoản, hay là tám điều kiện? Tức là cách vật, trí tri, chánh tâm, thành ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
1. Cách vật là gì? Tức là nghiên cứu lý tánh của vạn vật vạn sự trong trời đất .
2. Trí tri là gì? Là vận dụng trí huệ, tỉ mỉ nghiên cứu phong cách mọi sự vật để biết đến chỗ cùng cực.
3. Chánh tâm là gì? Tức là tâm đoan chính làm chủ tể thân mình.
4. Thành ý tức là khởi ý thành thật.
5. Tu thân tức là sửa đổi, tu tập để trở nên người tốt, có đức hạnh.
Ðó là năm điều thuộc về việc học của thân tâm.
1. Tề Gia tức là cai quản nhà mình.
2. Trị quốc tức là quản lý, lãnh đạo đất nước mình .
3. Bình thiên hạ tức là làm cho thiên hạ được thái bình.
Ba điều này thuộc về môn học chính trị.
Trên đây là học thuyết của Ðức Khổng Tử và cũng là lý tưởng rất cơ bản, của đạo lý Nho-Giáo. Ngày hôm nay tôi chỉ giải thích sơ lược về ba cương lĩnh và tám điều mục trong sách "Ðại-Học," tương lai tôi sẽ nói rõ hơn cho các bạn nghe.
Sơ Lược về Hòa Thượng Tuyên Hóa
Hòa Thượng Tuyên Hóa họ Bạch, tên thật là An Từ, tự là Ðộ Luân. Ngài quê ở huyện Song Thành, tỉnh Tùng Giang thuộc Ðông Bắc, Trung Hoa, tức là Mãn Châu.
Phụ thân Ngài tên Phú Hải, chuyên làm nghề nông. Mẹ họ Hồ, sinh được tất cả tám người con, năm trai ba gái; và Ngài là út.
Hồ thái phu nhân thọ chay trường, niệm Phật, chẳng hề gián đoạn. Một đêm nọ phu nhân nằm mộng thấy Ðức Phật A-Di-Ðà hiện thân phóng đại quang minh chiếu triệt thế giới, chấn động thiên địa. Giật mình tỉnh giấc, phu nhân ngửi thấy mùi hương kỳ diệu khắp phòng, rồi sau đó hạ sanh ra Ngài.
Ngài vừa ra đời liền liên thanh khóc suốt ba ngày đêm không dứt. Chính là vì đau xót cho nỗi khổ của thế giới Ta-Bà nầy vậy.
Ngài cư ngụ tại một thôn quê rất nhỏ bé, thưa thớt nhà cửa. Thế nên, đến năm mười một tuổi Ngài vẫn chưa hề thấy qua người chết. Một hôm, Ngài cùng lũ bạn trong thôn dạo chơi chốn điền dã. Bất chợt Ngài thấy một em bé, miệng ngậm, mắt nhắm, nằm bó trong đám rơm bên lề. Ngài gọi mà đứa bé chẳng đáp, rờ thì chẳng có hơi thở. Ngài lấy làm khó hiểu vô cùng nên hỏi lũ bạn. Có kẻ hiểu biết liền nói: "Ðứa bé đã chết rồi!" Song Ngài vô cùng ngạc nhiên, không hiểu thế nào là chết. Về nhà, Ngài liền hỏi mẹ, bà dạy: "Phàm là người, ai cũng phải chết. Có kẻ chết già, có kẻ chết vì bệnh, cũng có kẻ chết vì tai nạn. Bất luận là giàu sang hay nghèo khó, bất luận là sĩ, nông, công, thương, hay quan lại, ai ai rốt cuộc cũng phải chết."
Ngài lại hỏi: "Nếu thật như vậy, có cách gì thoát được chết không?" Bấy giờ trong nhà có vị khách xưa kia từng tu Ðạo, đỡ lời đáp rằng: "Chỉ có cách tu Ðạo, minh ngộ tự tâm, triệt kiến bổn tánh thì mới liễu đoạn sanh tử, siêu thoát luân hồi, thành Chánh Giác, chứng Vô Sinh."
Tuy lúc đó Ngài còn nhỏ tuổi, song đối với lời vị khách nói, Ngài tỉnh ngộ sâu xa, do đó Ngài lập định chủ trương quyết chí xuất gia tu Ðạo.
Khi Ngài mang chuyện xuất gia bàn với mẹ, bà dạy: "Xuất gia là chuyện tốt lắm, nhưng cũng không phải là chuyện dễ làm. Cần có thiện căn, có đại nguyện lực, cần phát đại Bồ Ðề tâm thì mới có thể thành tựu Vô Thượng Ðạo. Nay con có lòng vậy, ta hết sức đồng ý, cũng thật là phù hợp với giấc mộng xưa kia vậy. Nay ta đã già, ngày tháng chẳng còn bao lâu, các anh chị con đều đã tự lập. Con nên ở lại để phụng dưỡng cha mẹ; khi ta mất rồi, con xuất gia tu hành, lúc đó cũng chẳng muộn."
Ngài vâng lời cha mẹ, rồi sau đó hằng ngày thường theo mẹ lạy Phật. Lạy Phật xong, Ngài lạy cha mẹ.
Ngày qua ngày, đông tàn xuân đến, Ngài cung kính phụng dưỡng song thân như đối với Phật vậy. Chẳng bao lâu tiếng tăm hiếu thảo đồn khắp bốn phương, khi đó mọi người đều gọi Ngài là Bạch Hiếu Tử (người con chí hiếu họ Bạch).
Năm Ngài 19 tuổi thì mẹ Ngài qua đời; bấy giờ Ngài từ giã họ hàng lên chùa lạy Hoà Thượng Thường Trí làm Thầy và quy y, chính thức xuất gia, thọ giới. Sau đó, Ngài về lại nơi mộ phần thân mẫu để thủ hiếu trong ba năm. Suốt thời gian ấy, Ngài sống trong một túp lều tranh nhỏ, ngày ngày tọa Thiền, đọc tụng kinh điển Ðại Thừa và niệm danh hiệu Phật A-Di-Ðà. Rất nhiều lần Ngài ngồi Thiền rồi nhập Ðịnh, liên tiếp trong nhiều tuần lễ chẳng rời thiền sàng.
Một đêm nọ, dân trong thôn gần đó hốt hoảng thấy túp lều tranh của Ngài hừng hực lửa đỏ. Ánh lửa hồng phừng thẳng lên giữa không trung và túp lều tranh thì sáng rực như ban ngày. Nhiều người chạy đến mộ, hô hoán: "Nhà Hiếu Tử bị cháy rồi!" Cả trăm người trong làng hè nhau xách gáo, đem xô tới để chữa cháy. Song, khi tới nơi họ chỉ thấy túp lều tranh bình lặng, lửa chẳng cháy và Ngài thì vẫn an nhiên, tĩnh mặc trong Thiền Ðịnh!
Có lần Ngài đang tọa Thiền thì chợt có vị khách đến viếng. Vị khách ấy, ngạc nhiên thay, chính là Lục Tổ Huệ Năng! Ðức Tổ Sư dạy Ngài rằng trong tương lai Ngài sẽ tới Mỹ quốc để độ sinh, rằng ở Tây phương Ngài sẽ gặp nhiều kẻ hữu duyên có thể hoằng dương Phật Pháp và Ngài sẽ độ vô lượng vô biên chúng sanh. Mãi đến lúc Ðức Tổ Sư từ biệt quay đi rồi, Ngài mới choàng tỉnh, nhớ lại rằng Ðức Huệ Năng vốn là người đời Ðường, 1.200 năm về trước. Sau Ðệ Nhị Thế Chiến, Ngài vân du khắp nơi. Cuối cùng, trải hơn ba ngàn dặm, Ngài tới chùa Nam Hoa, bái kiến vị Ðại Thiện Tri Thức của thời bấy giờ là Lão Hòa Thượng Hư Vân. Lão Hòa Thượng lúc ấy đã 109 tuổi; vừa nhìn thấy Ngài, Lão Hòa Thượng liền nhận ra ngay sự chứng ngộ của Ngài. Khi đó, Lão Hòa Thượng nói: "Như thị, như thị!"; và Ngài cũng đáp lại: "Như thị, như thị!"
Bấy giờ, Lão Hòa Thượng Hư Vân ấn chứng sở đắc của Ngài, và Ngài chính thức trở thành vị Tổ thứ chín của dòng pháp Quy Ngưỡng.
Sau đó, Lão Hòa Thượng dạy Ngài ở lại chùa đảm nhận chức Viện Trưởng Viện Giới Luật của Chùa Nam Hoa.
Năm 1950, Ngài từ giã chùa, lên đường sang Hương Cảng. Ở đây, Ngài sống tại một sơn động biệt lập, chẳng lai vãng gì đến bụi trần, tục lụy. Chẳng bao lâu, có vô số Tăng-lữ từ Trung Hoa Ðại Lục qua Hương Cảng tỮ nạn, và họ cần sự giúp đỡ của Ngài. Cuối cùng, ứng với nhân duyên, Ngài rời sơn động, lập ra giảng đường và hai ngôi chùa, cùng trợ giúp xây dựng nhiều đạo tràng khác.
Trong suốt mười hai năm ở Hương Cảng, Ngài là tấm gương sáng, khổ hạnh, tinh tấn tu Ðạo, quên mình vì Phật Pháp. Ngài đã ảnh hưởng vô số thiện nam tín nữ, khiến họ phát tâm Bồ Ðề, quy y Tam Bảo, ủng hộ Phật Pháp.
Năm 1962, Ngài đến San Francisco, Mỹ Quốc. Tại đây, nơi một nhà kho nhỏ, Ngài kiên trì tu hành trong im lặng, chờ đợi cho cơ duyên hoằng dương Ðạo Pháp chín mùi. Lúc ấy, Ngài tự gọi mình là "Mộ Trung Tăng" (nhà Sư trong phần mộ), hay là Hoạt Tử Nhân (người đã chết nhưng còn sống). Những Phật tử hiểu biết sự tu hành chân chính của Ngài đều rất cảm động và cung kính ủng hộ, cúng dường Ngài.
Năm 1968, Ngài biết cơ duyên đã đến; Ngài nói: "Một đóa hoa sẽ nở ra năm cánh." Mùa hè năm đó, Ngài chủ trì Pháp Hội giảng Kinh Lăng Nghiêm trong 96 ngày. Khi Pháp Hội kết thúc, quả nhiên có năm người Mỹ đầu tiên xin xuất gia với Ngài.
Từ đó, Ngài tiếp tục chủ trì nhiều Pháp Hội khác, giảng giải Tâm Kinh, Kinh Ðịa Tạng, Kinh Pháp Hoa, Kinh Pháp Bảo Ðàn v..v... Năm 1971, Ngài giảng bộ kinh tối cao của Ðại Thừa, đó là Kinh Hoa Nghiêm.
Song song với việc giảng Kinh, thuyết Pháp, Ngài còn làm vô số công đức độ sinh khác. Năm 1976, Ngài thành lập Vạn Phật Thánh Thành, nền tảng căn cứ địa để hoằng dương Phật Pháp ở Mỹ Quốc. Tại Thánh Thành, Ngài xây dựng chế độ Tùng-lâm, đào tạo Tăng, Ni, học chúng, tạo nhân duyên thù thắng cho sự chân chính tu hành.
Mười Tám Ðại Nguyện của Hòa Thượng Tuyên Hóa
Năm Hòa Thượng Tuyên Hóa 19 tuổi thì mẫu thân Ngài qua đời. Sau khi lo liệu chu toàn việc mai táng, Ngài tới Chùa Tam Duyên ở Hợp Nhĩ Tân (Harbin), chính thức xuất gia, lạy Hòa Thượng Thường Trí làm Thầy. Ít lâu sau, Ngài tới mộ phần của mẫu thân thủ hiếu. Năm đó, nhân ngày vía Ðức Quán Thế Âm, ngày 19 tháng 6, Ngài đối trước chư Phật, Bồ Tát phát mười tám đại nguyện:
"Kính lạy mười phương Phật,
Cùng với Tam Tạng Pháp,
Quá khứ, hiện tại Hiền Thánh Tăng,
Nguyện rủ lòng tác chứng:
Ðệ tử Ðộ Luân,
Thích An Từ,
Con nay phát tâm rằng:
Chẳng cầu phước báo hàng Trời, Người,
Cùng Thanh Văn, Duyên Giác,
cho đến hàng Bồ Tát quyền thừa.
Duy nương Tối Thượng Thừa
mà phát Bồ Ðề tâm.
Nguyện cùng Pháp Giới chúng sinh,
Nhất thời đồng đắc
A nậu đa la tam miệu tam bồ đề."
1. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Bồ Tát ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp Pháp Giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh Giác.
2. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Duyên Giác ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp Pháp Giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh Giác.
3. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Thanh Văn ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp Pháp Giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh Giác.
4. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Trời, Người ở trong Tam Giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh Giác.
5. Nguyện rằng nếu có một Người ở trong mười phương thế giới mà chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.
6. Nguyện rằng nếu có một vị Trời, Người, A-tu-la chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.
7. Nguyện rằng trong thế giới loài Súc Sinh, nếu còn một loài nào chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.
8. Nguyện rằng trong thế giới loài Ngạ Quỷ, nếu còn một kẻ chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.
9. Nguyện rằng trong thế giới loài Ðịa Ngục, nếu còn một kẻ chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.
10. Nguyện rằng trong Tam Giới, nếu những kẻ từng quy y với tôi, hoặc là Trời, Người, A-tu-la, các loài bay, lặn, động vật, thực vật, linh giới, rồng, súc sinh, quỷ, thần, mà chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.
11. Nguyện rằng tất cả những phước lạc mà tôi đáng được hưởng đều hồi hướng phổ thí cho tất cả chúng sinh trong Pháp Giới.
12. Nguyện rằng một mình tôi nhận chịu hết tất cả khổ nạn của chúng sinh trong Pháp Giới.
13. Nguyện rằng tôi sẽ phân linh vô số, phổ nhập tâm chúng sinh nào không tin Phật Pháp, làm cho họ bỏ ác, hướng thiện, hối quá sửa mình, quy y Tam Bảo, rồi cuối cùng thành Phật.
14. Nguyện rằng tất cả chúng sinh nào, khi thấy mặt tôi, cho đến chỉ nghe tên tôi, đều phát tâm Bồ Ðề, mau đắc thành Phật Ðạo.
15. Nguyện rằng luôn tôn kính điều Phật dạy, và thực hành mỗi ngày ăn một bữa.
16. Nguyện giác ngộ loài hữu tình, khắp nhiếp thọ các loài căn cơ.
17. Nguyện trong đời nầy tôi sẽ đắc Ngũ Nhãn, Lục Thông, và phi hành tự tại.
18. Nguyện tất cả mọi cầu nguyện đều hoạch đắc mãn túc.
Cuối cùng:
"Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
Phật Ðạo vô thượng thệ nguyện thành."
Tám Quy Luật
của Viện Phiên Dịch Kinh Ðiển
1. Dịch giả phải thoát mình ra khỏi động cơ tự truy cầu danh lợi.
2. Dịch giả phải tu tâm dưỡng tánh, dứt bỏ đi thói cao ngạo.
3. Dịch giả phải tự chế, không được tự khen rồi chê bai kẻ khác.
4. Dịch giả không được tự cho mình là tiêu chuẩn, là thước đo, rồi hạ thấp kẻ khác bằng cách tìm lỗi lầm nơi tác phẩm của họ.
5. Dịch giả phải lấy tâm Phật làm tâm mình.
6. Dịch giả phải dùng Trạch Pháp Nhãn để phán xét đâu là chân lý.
7. Dịch giả phải cung kính cầu thỉnh Cao Tăng, Ðại Ðức ở mười phương chứng minh cho bản dịch của mình.
8. Dịch giả phải hoan hỷ truyền bá giáo nghĩa nhà Phật bằng cách in Kinh, Luật, Luận một khi phần phiên dịch của mình được chứng minh là đúng đắn.
Chú Thích:
1 Tứ Ðại: đất, nước, gió, lửa.
2 Ngày "tam cửu" (hay tam phục thiên) tức là ngày thứ 19 đến ngày thứ 20 sau tiết Ðông Chí.
3 Ngày "tam phục" (hay tam phục thiên) tức là ba ngày: sơ phục, trung phục và mạt phục.
4 Lục căn (Sáu căn): mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
5 Ba đường ác (tam ác đạo): địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
6 Năm uẩn (ngũ uẩn hay ngũ ấm): sắc, thọ, tưởng, hành, thức, (hình sắc, cảm thọ, tư tưởng, hành động, ý thức.)
7 Tam Giáo Cửu Lưu: các hạng người trong xã hội
* Tam Giáo (ba tôn giáo): đạo Nho (đạo Khổng), đạo Lão, đạo Phật.
* Cửu Lưu (chín học phái lớn của Trung Hoa): Nho Gia, Ðạo Gia, Âm Dương Gia, Pháp Gia, Danh Gia, Mặc Gia, Tung Gia, Hoành Gia, Tạp Gia, và Nông Gia.
8 Ngũ Hạng Bát Tác: đủ loại nghành nghề.
9 Lục Trần (sáu trần): sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (hình sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, đụng chạm, pháp).
Tải về xem