Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
Khai Thi 5 Tiep Theo 2
Khai Thi 5 Tiep Theo 2
Khai Thi 5 Tiep Theo 2 Khai Thi 5 Tiep Theo 2
 
Khai Thi 5 Tiep Theo 2
Khai Thị 5 (tiếp theo 2)
Khai Thi 5 Tiep Theo 2
Khai Thi 5 Tiep Theo 2
 
 

Sáu Ðại Tông Chỉ Của Người Tu Ðạo

 

Kẻ tu hành phải có con mắt trạch pháp ("Trạch Pháp nhãn" hay "Dharma-selecting vision"), mới có thể chọn lựa thứ gì là chánh pháp, thứ gì là tà pháp. Chánh pháp là không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối. Ðây là sáu đại tông chỉ, người tu Ðạo noi theo sẽ có được chánh tri và chánh kiến. Ngược lại, tà pháp chính là tranh, tham, cầu, ích kỷ, tự lợi, nói dối. Nếu có sáu thứ đó thì sẽ có tà tri tà kiến. Ðây là điểm then chốt, là đường phân ranh giữa hai phía, hướng tới phía trước là Chánh pháp, về phía sau là tà pháp. Chúng ta phải nhận cho rõ điểm này.

Giả như không có tà tri tà kiến thì chỉ cần giữ định lực kiên cố, ma vương sẽ không có cách gì quấy phá ta, không thể làm cho tâm ta lay động. Có câu rằng: "Phật đến giết Phật, ma đến giết ma". Câu này là nghĩa thế nào? Ðây chỉ là lời khuyên ta không nên quá chấp vào cảnh giới. Thấy Phật đến mà cũng không tiếp nhận hình ảnh này, huống chi là thấy ma! Tuy rằng trong nhiều trường hợp các cảnh giới đó là những tin báo trước, rất linh ứng, nhưng chúng ta cũng không nên tin vào. Ðiều mà chúng ta cần tin tưởng chính là sáu đại tông chỉ, chẳng tranh, chẳng tham, chẳng cầu, chẳng ích kỷ, chẳng tự lợi, chẳng nói dối. Ðó chính là lưỡi gươm chém ma, cái chầy hàng phục ma vậy.

Như có đủ chánh tri chánh kiến thì dầu có được chư thiên hiện thân đến cúng dường, và cung kính khấu đầu, người tu cũng không động tâm. Rủi có sự động tâm hay sanh tâm hoan hỷ, thì loại ma hoan hỷ sẽ thừa cơ đến phá, làm người tu phát cuồng. Rủi có tâm u sầu thì loại ma u sầu sẽ đến làm cho tâm nhiễm phiền não, hoặc có khi sanh tâm chấp trước, tâm ngã mạn. Tất cả những thứ đó đều do ma quấy phá, khiến cho tâm mất sự thanh tịnh.

Bởi vậy cho nên hễ gặp bất cứ loại cảnh giới kỳ quặc nào, người tu cũng không nên tin, không để cho tâm động. Chỉ nên tin vào trí huệ của mình, tin rằng tự tánh có thể sanh ra vạn pháp, tự tánh bổn lai là thanh tịnh, bổn lai không bị nhiễm ô, bổn lai không điên đảo. Như vậy thì còn cái gì để mong cầu nữa? Phàm có sự cầu mong là có sự nhiễm ô; có tranh, có tham, có ích kỷ, có tự lợi, có nói dối tức là có nhiễm ô. Gặp bất cứ pháp nào chúng ta đều có thể lấy sáu tông chỉ lớn đó làm thước đo, để quan sát, thứ nào hợp là Chánh pháp, thứ nào không hợp là tà pháp.

Sáu đại tông chỉ có thể phá tà tri tà kiến của thiên ma ngoại đạo. Tất cả những hành vi tạo tác của thiên ma ngoại đạo đều có tính cách sở cầu, chủ ý để tranh, tham, cầu, ích kỷ, tự lợi, nói dối, cho chính mình chẳng phải cho tha nhân. Ðó là những tư tưởng thuộc về hàng bàng môn tả đạo.

Người tu Ðạo phải tích lũy công, bồi đắp đức hạnh, nhưng không được chấp trước những điều đã thực hiện, như câu thường nói: "quét sách mọi pháp, ly hết mọi tướng", chớ không thể nói rằng: "Tôi làm công đức này, tôi tu hành như thế kia" hay nói: "Tôi đã đạt tới cảnh giới này, tôi có pháp thần thông kia". Cho rằng có những thứ đó, nhưng xét kỹ chúng đều là hư dối, không nên tin, không thể bị mắc vào. Nếu tin vào nhưng điều kỳ dị, những pháp thần thông thì người tu không thể vào được chánh định, chánh thọ (tức Tam-muội). Nên hiểu rằng chánh định, chánh thọ không phải từ bên ngoài mà có được, nó phải từ trong tự tánh mà sanh ra. Bằng cách nào người tu đạt được? Ðó là do công phu hồi quang phản chiếu, quay lại nơi mình (phản cầu chư kỷ), chánh định chánh thọ mới thành tựu được.

Vạn Phật Thánh Thành là nơi tụ hội của muôn vạn bậc thánh. Tuy nhiên bốn phía xung quang Thành lại có những ma vương đương chờ cơ hội để nhập vào. Nếu như người tu mà tâm không thanh tịnh, trong đầu chỉ toàn là vọng tưởng thì ma vương sẽ thừa cơ lẻn đến xúi bẩy, tỷ dụ như chúng làm cho người tu tiên đoán chuyện này chuyện nọ. Nếu người tu lại tin rằng đó là thần thông mình đạt được, thì chính người đó đã bị cho vào tròng, thành kẻ quyến thuộc của Ma vương.

Cũng như khi nghe được một thanh âm nào, quý vị đã vội cho rằng đó là lời trong hư không. Thật ra hư không chẳng có tiếng nói, mà phải biết rằng: "lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng tâm theo duyên". Giả tỷ nghe thấy thanh âm của hư không, đó chỉ là cảnh giới ma chớ không phải do "Ðại Viên Kính Trí" mang lại. Có xá gì một chút tin tức nhỏ nhoi không đáng kể!

Tâm tư của người tu phải thanh tịnh. Chớ tham cầu khả năng dự tri. Dự tri chẳng mang lại điều gì hay mà ngược lại chỉ gây thêm phiền phức, khiến cho chúng ta phân tâm, không tập trung được tinh thần, do đó vọng tưởng sẽ rối bời và phiền não thêm chồng chất. Nếu chẳng có dự tri, quý vị sẽ không có phiền não, tâm không bị chướng ngại. Tâm Kinh có nói: "Bởi không chướng ngại, nên không sợ hãi, ly hết mọi mộng tưởng điên đảo, Niết-bàn cứu cánh". Ðây mới chính là mục tiêu của hành giả trên con đường tu Ðạo.

 

 

Tham Miết Sẽ Tự Nhiên Khai Ngộ 

 

Phép tắc ngồi tham thiền là mắt trông xuống mũi, mũi quán miệng, miệng quán tâm; cách đó dùng để chế ngự tình trạng tâm ý lăng xăng như câu người ta nói "tâm viên ý mã", và cốt giữ cho tâm khỏi hướng ra ngoài tìm kiếm. Trong Thiền đường, hành giả không được nghiêng ngó đông tây, vì nếu cứ như vậy thì tâm sẽ bắt theo cảnh bên ngoài mà không thể nào tham được. Ðiểm này là chỗ quý vị phải đặc biệt chú ý! Thời gian của thiền thất là vô cùng quý giá, một phút một giây cũng không thể bỏ phí, quý vị phải nắm lấy cơ hội đó mới có thể phát triển trí huệ.

Người tu hành chớ nên trân quý cái túi da hôi thối này. Phải lìa ý nghĩ đó mới có thể dụng công tu hành; Nếu không lìa được nó, người tu sẽ biến thành nô lệ của nó và từ sớm đến tối chỉ phục vụ nó mà thôi. Do đó người tu hành chân chánh phải coi nó như một túi da hôi thối, nghĩa là tránh sự coi trọng nó. Coi nó là quan trọng thì sẽ có chướng ngại trên đường tu. Chúng ta phải "mượn cái giả, tu cái thiệt", tức chỉ coi nó là một phương tiện.

Trong lúc tham, điều tối kỵ là ngủ gục. Có hai loại bệnh mà đa số thiền sinh thường mắc phải, một thứ là trạo cử, một thứ là hôn trầm; nếu như tâm không bị vọng tưởng, thì lại bị cảnh hôn trầm. Bởi vậy khi dụng công phải vận dụng hết tinh thần để tham, tuyệt đối không để cho ngủ gục. Nếu đã vào định rồi thì đó là chuyện khác.

Công phu tham thiền sẽ dẫn tới chánh định chánh thọ, cái đó cũng gọi là tam-muội. Nếu như chứng được thì đây là cảnh giới "như như bất động, liễu liễu thường minh". Làm sao đạt được? Tất phải một phen khổ công, tinh tấn vượt mực, trong tâm không một vọng tưởng, cho đến lúc "một niệm chẳng sanh, toàn thể hiện", cuối cùng thấy được "bổn lai diện mục, bổn địa phong quang".

Chìa khóa của tham thiền là thoại đầu. Niệm trước niệm sau là tham thoại đầu. Tham miết sẽ tự nhiên khai ngộ, tham cho đến lúc "sơn cùng thủy tận", tự nhiên sẽ có tin vui, cảnh giới "hoa tươi dưới liễu" sẽ xuất hiện trước mắt. Có người nói: "Tôi đã tham dự bao nhiêu lần thiền thất, chẳng biết tại sao tôi không khai ngộ?". Nguyên do vì bạn chẳng chịu khổ công mà lại cứ mong cầu sự khai ngộ. Nên hiểu rằng khai ngộ là kết quả của sự tích lũy công phu. Lâu dần công đức viên mãn, thời gian tới nơi, tự nhiên bạn được khai ngộ. Bạn không có công phu gì, mà lại muốn khai ngộ thì đó là một vọng tưởng si mê, chẳng khác gì "ếch nhái mà muốn thưởng thức thịt thiên nga", một chuyện không thể thực hiện được.

 

 

 Tu Ðạo Không Nên Tranh Hơn 

 

Hiện nay trong Thiền Thất, các hành giả dụng công nhưng là loại công phu hời hợt. Người ta coi thiền như là một cuộc đua, để tranh nhau về nhất. Anh có thể ngồi trong ba tiếng đồng hồ thời tôi sẽ ngồi trong năm tiếng, hơn anh một bậc. Nếu thiền mà còn mang tâm lý đó thì quý vị ngộ làm sao được? Cho dù quý vị ngồi tới tám vạn đại kiếp cũng không thể nào minh tâm kiến tánh được. Tại sao vậy? Chỉ vì quý vị có tâm hơn thua. Có câu rằng:

Tranh, do tâm hơn thua

Là đi ngược với Ðạo

Trong tâm sanh bốn tướng

Làm sao đạt tam muội?

Bốn câu kệ trên dùng để cảnh giác người tu không được sanh tâm tranh. Khi công phu đầy đủ, trí huệ hiển bày, tự nhiên sẽ có người khác phẩm bình đưa ta lên hạng nhất. Như vậy mới là hạng nhất thật sự. Còn như trong tâm quý vị tham đứng hạng nhất, thì đây là tâm hơn thua, đi ngược với Ðạo.

Người tu hành phải giống như nước. Tánh của nước là khiêm nhượng, không tranh công, không tham đức, cái gì tốt thì để cho người, cái gì xấu thì giữ lấy cho mình. Lão tử nói: Cái thiện tột cùng giống như nước. Nước đem lợi ích cho vạn vật mà không tranh. Nước ở nơi mà mọi người khinh rẻ, do đó nước hợp với Ðạo".

Thiện tột cùng chỉ những hành giả ưu hạng. Họ được ví như nước. Nước chảy tới những chỗ thấp, nước đem lại lợi ích cho muôn vật mà không tranh công tranh đức. Bất kể đối với loài nào, chim chóc, cá tôm, động vật hay thực vật, bất kể sanh ra do thai, do trứng, do khí ẩm, hay là hóa sanh, nước đều đối xử ngang nhau và cho đều tất cả. Người tu hành cũng vậy, đối với tất cả chúng sanh đều coi như cha mẹ của mình trong quá khứ, như các vị Phật trong tương lai. Người tu phải rải tâm từ bi, tìm các phương tiện để cứu chúng sanh ra khỏi bể khổ; trú ở những nơi mà chúng sanh không muốn trú. Có được những tư tưởng đó thì hành giả đã gần tới Ðạo. Còn như tâm hơn thua là không hợp với tông chỉ của kẻ tu hành, ngược lại với Ðạo vậy.

Người tu hành không nên có bốn tướng.

- Ai tu đó? Như tự cảm thấy là không có ai tu, tức là không có tướng ngã (vô ngã tướng).

- Tự mình không cảm thấy hơn thua với ai, tức là không có tướng của người (vô nhân tướng).

- Không thấy tướng mình, không thấy tướng người, tự nhiên tướng chúng sanh cũng không (vô chúng sanh tướng).

- Như đã không có tướng chúng sanh thì lấy đâu ra tướng của thọ mạng? Vậy là vô thọ giả tướng.

Như nếu còn tư tưởng muốn tranh hơn kém, tất nhiên sẽ có bốn tướng; có bốn tướng thì không sao đạt được tam-muội. Nghĩa lý đó chúng ta phải thực tập, mài dũa cho nhiều. Tóm lại, ai còn bốn tướng là phàm phu, ai không có bốn tướng là Bồ-tát.

Người tu phải ghi nhớ bốn câu kệ trong Kinh Kim Cang:

Hết thảy các pháp hữu vi

Như mộng, huyễn, bọt, hình

Như sương, như điện chớp

Nên quán chúng như vậy.

Phàm cái gì có hình có tướng đều là pháp hữu vi. Pháp hữu vi cũng giống như một giấc mộng, một thứ huyễn hóa, một cái bọt nước, một cái bóng hình, một tia điện chớp, toàn là những thứ hư vọng không có thực chất. Hết thảy mọi thứ đều phải quán như vậy, mới có thể hiểu minh bạch lẽ chân thật, để chúng ta không chấp trước, không bị vọng tưởng quấy nhiễu.

Kinh Kim Cang còn nói: "Tâm quá khứ chẳng có được, tâm hiện tại chẳng có được, tâm vị lai chẳng có được". Tại sao tâm quá khứ chẳng có được (bất khả đắc)? Bởi quá khứ đã qua rồi, quan tâm tới nó làm gì nữa? Tâm hiện tại cũng chẳng có được, bởi cớ gì? Bởi trong hiện tại các niệm nối tiếp không ngừng. Quý vị bảo đây là hiện tại, nhưng khi nói xong thì cái hiện tại đó cũng qua rồi, thời gian chẳng chịu ngưng lại. Tại sao tâm vị lai chẳng có được? Bởi vị lai là chưa có tới. Cho nên quá khứ, hiện tại, vị lai, ba tâm này chẳng có được. Nếu quý vị theo đúng Pháp mà Phật chỉ dạy để tu hành thì ngay đó có thể đạt được cảnh giới Niết-bàn.

Người tu Ðạo phải y theo chánh tri chánh kiến, coi đó là mẫu mực để tinh tấn thực tập. Lúc tu là lúc "lìa tướng ngôn thuyết", bởi không còn gì để nói ra nữa; cũng là lúc "lìa tướng tâm duyên", vì không còn duyên nào để tâm theo đuổi; "lìa tướng văn tự", vì không còn chữ nghĩa gì để tả ra. Nếu đã không nói được ra, thì có gì để ghi nhớ? Còn cái gì mà chúng ta không buông bỏ được? Còn gì nữa để chúng ta quan tâm? Quý vị! Hãy dụng công ngay tại chỗ đó, thay vì dụng công hời hợt ở cái vỏ ngoài!

Có người nghĩ rằng: "Hôm nay tham thiền, chân mình không bị đau, lưng không bị mỏi, đến giờ khai tịnh mà cũng không hay". Nói như vậy tức là người đó đã ngủ quên, tất nhiên chẳng còn hay biết gì hết. Ðừng ngộ nhận cảnh giới đó, kẻo lại bị tẩu hỏa nhập ma!

Quý vị nên chú ý! Khi tham thiền gặp cảnh lạ, quý vị cũng đừng quan tâm, đừng chú ý, cứ để tự nhiên, đừng cho cảnh lạ lay chuyển. Kinh Lăng Nghgiêm giảng về điểm này rất rõ. Mong các hành giả tìm nghiên cứu phần "Ngũ Thập Ấm Ma" cho tường tận. Kinh Lăng Nghiêm là một tấm gương quý báu cho người tham thiền, do đó tất cả những ai tu phải nghiền ngẫm bộ Kinh đó.

 

 

Mục Ðích Của Người Tu Hành Là Thành Phật 

 

Vì lẽ gì mà tu hành? Tu hành để thành Phật. Thành Phật bằng cách nào? Bước đầu là "chẳng làm điều ác, nguyện làm các việc thiện". Bước kế tiếp là "chuyên cần tu Giới Ðịnh Huệ, dập tắt tham sân si". Tiến lên bước nữa "phát tâm Bồ đề, hành đạo Bồ-tát" . Vì các lẽ ấy, khi chưa thành Phật, người tu phải chọn con đường sáng sủa quang đãng mà đi. Chớ nên mưu đồ quanh co, tìm con đường tắt gập ghềnh, mà bị lạc hướng. Xin hãy lưu ý! Hãy cẩn thận!

Người tu hành chân chánh cứ y theo pháp mà tu tập, không ngại khổ, không sợ khó, mạnh dạn dấn thân, tới thẳng Phật quả. Có câu nói như sau:

Mài chầy thép thành kim khâu

Công đức vẹn tự nhiên thành

Dụng công cho đến chỗ tận cùng, tự nhiên Phật quả thành tựu. Còn như tự khoe mình tài giỏi, có công đức thì chẳng bao giờ thành Phật được.

Khi nào Ngũ nhãn khai mở, quý vị sẽ thấy chư Phật mười phương tu hành như thế nào mà thành Phật quả; quý vị có thể thấy chư Bồ-tát mười phương tu hành cách nào mà được quả Bồ-tát; quý vị có thể thấy mười phương A-la-hán đã dụng công ra sao để tới quả A-la-hán. Trong một thoáng, quý vị nhận được ngay các cảnh giới đó.

Người có thần thông Ngũ nhãn chỉ cần thời gian một niệm là đã thông đạt rõ ràng tất cả lời Phật dạy ghi trong Tam Tạng Giáo Ðiển, cũng như thấu hết Thực tướng các pháp.

Trong lời nguyện tam quy có những câu:

- Tự quy y Phật, đương nguyện chúng sanh, thể giải đại Ðạo, phát vô thượng tâm.

- Tự quy y Pháp, đương nguyện chúng sanh, thâm nhập Kinh tạng, trí huệ như hải.

- Tự quy y Tăng, đương nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, nhất thiết vô ngại.

Nếu như có thể "thâm nhập Kinh tạng, trí huệ như hải", thì lúc đó không chỗ nào là không thông, không chỗ nào không rõ, không chỗ nào không biết, không chỗ nào không thấy, đó là lúc khai ngộ triệt để. Chớ giữ cái nhỏ, để mất cái lớn; chớ tham những cảnh giới nhỏ nhoi làm che mờ trí huệ Ðại Viên Kính. Theo lối đó là không thể thâm nhập Kinh tạng, không thể có trí huệ như hải.

Người có đại trí huệ thì tuyệt đối không tham những cảnh giới nhỏ, bởi những ai ham những cảnh đó tức họ không biết phân biệt chân giả. Họ lẫn lộn vàng thau, coi thau là vàng ròng, thậm chí pha lê cũng giống như loài đá vậy. Tại sao vậy? Họ không phân biệt được đâu là thiệt, đâu là giả.

Người tu Ðạo phải có chánh tri chánh kiến, không đảo lộn phải trái và đen trắng phải phân minh, chớ không thể lấy mắt cá làm hạt châu, chẳng thể nhập nhằng che mắt người khác Nếu không vậy là có tà tri tà kiến, muôn đời không thành Phật.

Như thế nào là chánh tri chánh kiến? Nói một cách đơn giản, chúng ta phải gạt ba cái độc là tham sân si, giữ cho thân tâm thanh tịnh, trí huệ sẽ hiển bày và chiếu sáng, khiến cho sự đen tối của vô minh tan biến, phiền não được diệt trừ. Tới được cảnh giới này thì chứng quả, mong quý vị hướng tới mục tiêu đó tinh tấn tu hành. 

 

 

Hãy Chấm Dứt Vọng Tưởng! 

 

Quý vị ngồi trong Thiền đường, trông bề ngoài có vẻ như đương tham thiền nhưng bên trong chính là đương đuổi theo vọng tưởng. Các vọng tưởng này dẫn chúng ta lúc thì lên trời, lúc xuống đất, lúc làm quỷ đói, lúc làm súc sanh. Những loại đó đều sanh ra từ gốc trong tham sân si. Bảo rằng siêng năng tu giới định huệ, nhưng kỳ thực không tu giới định huệ; nói là diệt tham sân si, nhưng kỳ thực không diệt tham sân si. Kỳ quặc như vậy đó! Chẳng cứ riêng đời này mới như vậy, mà đời đời kiếp kiếp mình theo lối đó, cho nên mới có chuyện đi lên đi xuống, quẩn quanh trong sáu nẻo luân hồi, không bao giờ ngừng lại. Làm kiếp con chó, cảm thấy mình là nhất; làm kiếp con mèo, cũng cảm thấy mình là nhất; nói tóm lại bất luận trong kiếp chúng sanh nào cũng tự coi mình là hạng nhất. Tại sao vậy? Tại có chấp trước bởi vô minh. Nếu như thực lòng tu Ðạo, cố gắng tham thiền thì mới có thể giải thoát khỏi cảnh luân hồi và chứng được Niết-bàn an lạc.

Có một số tu hành thiếu nghiêm túc đã để cho thời gian trôi qua uổng phí. Thấy mọi người ngồi, mình cũng ngồi; mọi người đi ta cũng đi; ai làm sao thì mình làm vậy. Những người đó đem vấn đề sanh tử của chính mình ném lên tận chín tầng mây xanh, không coi nó là quan trọng tí nào, nên không quyết tâm tu, không chịu dập tắt vọng tưởng. Họ ngồi ở đấy, nhưng đầu óc thì hết tâm tưởng này đến tâm tưởng khác, một ngày có đến tám vạn bốn ngàn vọng tưởng mà còn thấy chưa đủ. Vọng tưởng! Lại vọng tưởng! Vọng tưởng làm cho tâm nhiễu loạn tơi bời, thần hồn điên đảo, quả thật đáng xót thương!

Vậy thì làm sao cho hết vọng tưởng? Hãy tham thoại đầu, không có cách gì khác. Tuy thoại đầu cũng là vọng tưởng, nhưng nó có tác dụng làm cho tinh thần của quý vị tập trung lại, không cho tâm đi ra ngoài rong ruổi. Ðây chính là cách lấy độc trị độc, dùng một vọng tưởng để khống chế các vọng tưởng khác, lấy một vọng tưởng làm đề mục để tham, tham đi tham lại, nên không còn vọng tưởng khác. Khi hành giả tới được trình độ không còn vọng tưởng nữa đó chính là thời cơ khai ngộ. Khi đó, một lời, một cử chỉ, một hành động cũng có thể mở cho quý vị cánh cửa khai ngộ.

 

 

Nhập Ðịnh Không Phải Là Ngủ

 

Có người hỏi tôi: " Nhập định và ngủ khác nhau ở chỗ nào?" Nói sơ qua thì khi nhập định, hành giả ngồi ngay ngắn, lưng thẳng, hô hấp có thể ngừng, mạch có khi không đập, trông bề ngoài như là người chết, nhưng tri giác thì vẫn có đủ. Nhập định thì ngồi yên không động, có khi trong một ngày, hay mười ngày, cho đến cả tháng. Còn như nếu là người ngủ, thì thân xiêu vẹo. đầu nghiêng ngả, hơi thở ra vào phì phò, có khi còn phát ra tiếng ngáy như sấm. Ðó là chỗ khác nhau.

Thực tập thiền cũng ví như người đi học, từ tiểu học, qua trung học, đại học, rồi tới giai đoạn nghiên cứu, sau mới được cấp bằng Tiến sĩ. Pháp môn tham thiền cũng giống như vậy, chia là bốn nấc, gọi là tứ thiền. Xin giảng sơ lược như sau:

Sơ thiền, còn gọi là "Ly sanh hỷ lạc địa". Ðây là trạng thái đưa hành giả lìa hẳn cảnh giới chúng sanh, nên đạt được một trạng thái khoái lạc. Khoái lạc này không giống khoái lạc của phàm phu, bởi nó là công phu do tự tánh mang lại. Khi nhập sơ thiền, hơi thở ngưng lại. Ðây là nói ngoại hô hấp đình chỉ, nhưng nội hô hấp bất đầu hoạt động, giống như hiện tượng đông miên của các loài vật. Khi ấy, tâm thì trong suốt như nước, sáng như gương, soi chiếu tới bổn thể của tự tánh, nhưng vẫn hay biết là mình đương ngồi thiền.

Nhị thiền, gọi là "Ðịnh sanh hỷ lạc địa". Vào trong định này, hành giả kinh nghiệm một thứ khoái lạc không gì sánh được, chính là "thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn", bởi trong cảnh giới này hành giả thấy khoái lạc quên luôn cả đói, có thể nhịn ăn, nhịn uống trong nhiều ngày mà không có vấn đề gì. Tuy nhiên, chớ chấp trước vào thành tựu đó. Như quả có ý như vậy, công trình có thể tiêu tan, dễ đi vào cảnh giới ma, nên chúng ta phải cẩn thận. Trong định này, không những hô hấp đình chỉ mà mạch cũng ngưng đập. Khi nào ra khỏi định, cơ thể lại trở lại hoạt động bình thường.

Tam thiền gọi là "Ly hỷ diệu lạc địa". Hành giả lìa sự hoan hỷ trong nhị thiền, đạt tới một thứ khoái lạc kỳ diệu không thể nói ra được, đồng thời cảm thấy hết thảy mọi thứ đều là Phật Pháp, mọi thứ đều là khoái lạc. Trong cảnh giới tam thiền, cả hô hấp và mạch đều đình chỉ, ý niệm cũng dừng lại. Khi ấy, chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, chẳng nghĩ phải, chẳng nghĩ quấy, một niệm cũng chẳng sanh. Tuy nhiên, hành giả cũng đừng tự hào, vì đó chỉ là một chặng trên đường tu mà thôi. Ðến được chỗ liễu thoát sanh tử hãy còn xa lắm, còn cách cả tám vạn bốn ngàn dặm đường nữa.

Tứ thiền gọi là "Xả niệm thanh tịnh địa". Trong cảnh giới này, ngay cả niệm khoái lạc cũng không còn, tất cả đều bị xả bỏ và hành giả đạt tới một trạng thái thanh tịnh, không còn gì phải tạo tác. Ðây cũng gọi là cảnh giới "vô vi vô sở bất vi." Giai đoạn tứ thiền cũng chỉ là một chặng trên đường dụng công tham thiền, đừng nhận lầm tự cho mình đã chứng quả, kẻo có thể phạm vào lỗi lầm của Tỳ kheo Vô Văn, mà đọa địa ngục.

Tứ thiền vẫn còn trong phạm vi phàm phu. Phải tinh tấn dấn bước nữa, tới cảnh giới "ngũ bất hoàn thiên" mới gọi là chứng quả thánh. Vậy mà tới đây vẫn chưa giải quyết xong vấn đề sanh tử bởi chưa vượt khỏi vòng Tam giới. Ðiểm này phải nhận cho rõ, không thể mơ hồ được.

 

 

Kinh Lăng Nghiêm Là Kinh Ngụy Tạo Chăng? 

 

Ðại sư Hám Sơn từng nói hai câu như sau: "Chẳng đọc Pháp Hoa thì chẳng hiểu khổ tâm cứu đời của Như Lai; chẳng đọc Lăng Nghiêm thì không nắm được then chốt về mê hay ngộ của tu tâm". Ðích xác là như vậy, bởi Kinh Lăng Nghiêm bao gồm hết thảy các pháp, nhiếp thọ hết mọi căn cơ, là pháp môn tinh tủy của các đời, là ấn chứng chính đề thành Phật và làm Tổ. Vì lẽ đó, người tu thiền bắt buộc phải nghiên cứu kỹ lưỡng bộ Kinh này, và hiểu thấu cảnh giới "năm mươi loại ấm ma" đặng tránh khỏi sa vào vòng của Ma vương. Nếu không vậy, không có sự nhận thức cho rõ ràng, thì bạ cảnh giới nào gặp phải cũng sanh tâm chấp trước, hành giả sẽ dễ nhập vào ma cảnh, thành kẻ quyến thuộc của ma vương. Ðó là một điều cực kỳ nguy hiểm!

Chẳng riêng Chú Lăng Nghiêm phải thuộc lòng, mà Kinh Lăng Nghiêm thiền giả cũng phải thuộc nữa. Người ta nói "thuộc sẽ nẩy cái hay", thời cơ tới sẽ có nhiều lợi ích, sẽ có sự cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn. Hễ người nào nghiên cứu văn học Trung quốc, tất phải đọc Kinh Lăng Nghiêm, văn từ thì ưu mỹ, nghĩa lý phong phú, tóm lại là một bộ Kinh lý tưởng.

Có một số tự cho mình là học giả có hạng, chưa hề nghiên cứu sâu rộng về Ðạo Phật, đã tự nhận mình là chuyên gia Phật học, tự nhận mình có đủ uy tín mà sự thực không hiểu Phật giáo cho đến ngành ngọn, khinh xuất cho rằng Kinh Lăng Nghiêm là một kinh ngụy tạo. Từ đó lại có một số, có dụng ý khác, ùa theo phụ họa. Ðúng là kẻ mù dắt kẻ mù, thật đáng thương xót!

Tại sao người ta bảo Kinh Lăng Nghiêm chẳng phải do đức Phật Thích Ca thuyết giảng? Chẳng qua vì nghĩa lý trong bộ Kinh rất ư chân thật. Kinh đã nêu ra cho kỳ hết các căn bệnh của thế gian, bởi đó mà các loài yêu ma quỷ quái, các loài quỷ trâu, quỷ rắn, không còn cách nào hoành hành, phải hiện rõ nguyên hình của chúng. Từ đó chúng tìm mọi cách để phá, chúng phải tuyên truyền Kinh Lăng Nghiêm là kinh ngụy, thì chúng mới có cơ để sinh tồn. Nếu như thừa nhận đây là lời Phật thuyết pháp thì đối với chúng là không xong. Trước hết chúng không giữ được "Lời dạy về bốn loại thanh tịnh", thứ hai chúng không tu tập được các "Pháp viên thông của hai mươi lăm bậc thánh", thứ ba chúng không dám đối diện với các cảnh giới của "Năm chục loại ấm ma".

Nếu như ai ai cũng đọc Kinh Lăng Nghiêm, cũng hiểu rõ Kinh Lăng Nghiêm, thần thông của hàng ngoại đạo sẽ hết linh ứng, thành ra vô dụng khiến cho không ai còn tin vào thần thông của họ nữa. Ðó là lý do bọn thiên ma ngoại đạo chỉ còn tìm cách dèm pha, tuyên truyền, bảo Kinh Lăng Nghiêm là kinh ngụy.

Chẳng cứ chỉ những người tại gia phỉ báng Lăng Nghiêm là Kinh giả, ngay cả những kẻ xuất gia cũng bắt chước nói theo. Tại sao vậy? Bởi vì có một số xuất gia ít học, có khi không thông chữ nghĩa, không xem được Kinh điển, trong khi đó văn Kinh Lăng Nghiêm lại thâm thúy, ý nghĩa huyền diệu, khiến họ không hiểu được nên không làm sao phân biệt được chân giả. Ðến khi nghe người ta bảo Kinh này là giả, Kinh kia là ngụy, thì họ đâu có suy xét gì, người ta nói sao thì nhắc lại y hệt. Tự nhiên Kinh Lăng Nghiêm bị lãnh tiếng oan là vì lẽ đó.

Lúc xưa tại Ấn Ðộ, Kinh Lăng Nghiêm được liệt vào hàng quốc bảo và có lệnh cấm không cho mang những thứ quý ra ngoại quốc. Những ai xuất cảnh đều bị khám xét gắt gao và, để phòng Kinh lọt ra ngoài, các nhân viên hải quan thường đặc biệt chú ý đối với các Tăng xuất cảnh.

Hồi đó tại Ấn độ - bên Trung quốc lúc đó là đời Ðường - một vị cao tăng pháp danh là Ban Thích Mật Ðế (Paramiti) đã khổ công tìm mọi cách để mang Kinh Lăng Nghiêm qua Trung quốc. Sợ bị phát hiện tại trạm kiểm soát, ông phải nghĩ ra cách giấu giếm, nhét Kinh vào sâu trong cánh tay và sau cùng ông đã đổ lên bộ tại địa phận Quảng Châu. Lúc đó là thời gian Tể tướng Phòng Dung bị Võ Tắc Thiên giáng chức xuống làm Thái Thú Quảng Châu. Ban Thích Mật Ðế được Phòng Dung mời tới để phiên dịch bộ Kinh này và chính Phòng Dung là người nhuận sắc cho bản dịch. Bởi vậy Kinh Lăng Nghiêm biến thành một tác phẩm văn học có giá trị, rồi sau đó trình lên cho Võ Tắc Thiên. Thời bấy giờ đương có tin đồn Kinh Ðại Vân là kinh ngụy tạo nên Hoàng Ðế Võ Tắc Thiên không cho Kinh này được lưu hành.

Ðến khi Thiền sư Thần Tú được phong làm Quốc sư rồi được cúng dường ở trong hoàng cung, một hôm Thiền sư thấy được bộ Kinh này, thấy Kinh rất có lợi cho những hành giả tu thiền, mới cho Kinh này được phổ biến. Từ đó Kinh Lăng Nghiêm mới được lưu hành ở Trung quốc. Căn cứ theo truyền thuyết, Kinh Lăng Nghiêm là Kinh tối hậu truyền đến Trung quốc, nhưng cũng là Kinh bị hủy diệt đầu tiên vào thời Mạt Pháp, sau mới đến các Kinh khác, sau rốt còn lại một Kinh A-Di Ðà.

Ghi chú: Thượng nhân Tuyên công chủ trương dứt khoát rằng Kinh Lăng Nghiệm chính là tâm ấn của chư Phật, điều này ngàn vạn lần đích xác. Bởi vậy ngay sau khi đặt chân tới Mỹ, Tuyên công liền giảng Kinh Lăng Nghiêm. Tại sao vậy? Phật Pháp truyền bá tới đất Mỹ, thì Mạt Pháp sẽ biến thành Chánh Pháp, và đó là tâm cơ của Thượng nhân trong sứ mạng nối tiếp huệ mạng Phật. Bài "Lăng Nghiêm Kinh Thiển Giảng" sẽ được đưa đăng từng kỳ trong tạp chí Vạn Phật Thành Kim Cương Bồ Ðề Hải, bằng tiếng Hoa và tiếng Anh. Nay xin thông báo cùng quý bạn độc giả.

 

 

Phải Thực Tập Bát Nhã Ba La Mật Ða

 

"Bồ-tát Quán Tự Tại, khi thực hành pháp thâm sâu Bát Nhã Ba La mật Ða, soi thấy năm uẩn là không, vượt hết mọi khổ ách."

Bốn câu trên chính là tinh yếu của Tâm Kinh. Nay lược giảng như sau:

Quán Tự Tại nghĩa là hồi quang phản chiếu, tự quán sát mình tự tại hay không tự tại? Nói khác là có ở đây hay là không ở đây? Nếu như tự tại, có ở đây, tức tâm không chạy đi đâu để rong ruổi, không đuổi theo các thứ duyên. Nếu như không tự tại, không ở đây, tức tâm tán loạn, vọng tưởng rối bời, nếu quá đáng có thể đưa tới tình trạng khủng hoảng thần kinh, tâm lúc nào cũng tìm cơ hội, mong mọi người đến cúng dường. Nếu có những vọng tưởng như vậy quý vị sẽ không tự tại.

Còn như "Bồ-tát" thì mọi hành vi đều hướng tới lợi ích của chúng sanh, coi đó là mục tiêu duy nhất, tuyệt đối chẳng vì lợi ích của chính mình. Ý hướng của kẻ phàm phu chúng ta thì ngược hẳn lại, tất cả đều nghĩ tới lợi ích của chính ta, mà không phải vì lợi ích cho người. Bất cứ làm một công chuyện gì, trước tiên phải tính thử xem có lợi cho mình hay không và khi thấy có lợi mới hành động. Ðó chính là sự biểu hiện của lòng ích kỷ tự lợi. Bởi đâu mà thế giới chẳng được hòa bình? Chính vì nguyên do đó. Quý vị tranh thì tôi đoạt lại, không có sự tương nhượng lẫn nhau, từ đó mới có chiến tranh, gây nên những cảnh nước mất nhà tan.

Vị Bồ-tát này "thực hành pháp thâm sâu Bát Nhã Ba La Mật Ða", từ thời vô thủy đến nay, đời đời kiếp kiếp đều thực tập pháp thâm sâu này, không có lúc nào gián đoạn. Tu pháp Bát Nhã thâm sâu, tức là:

1. Không có tâm kiêu ngạo, bởi kiêu ngạo là ngu si.

2. Không có tâm tự mãn, bởi tự mãn là ngu si.

3. Thường có tâm hổ thẹn (tàm quý); không có tâm hổ thẹn, tức là ngu si.

4. Không sanh tâm đuổi theo các duyên (tâm phan duyên), bởi nếu để tâm rong ruổi theo duyên, tức là ngu si.

5. Không sanh tâm sân hận, bởi có sân hận là ngu si.

6. Không sanh tâm điên đảo, bởi tâm điên đảo là tâm ngu si.

Chúng ta là những người tu hành phải coi sáu loại tâm đó như là những tiêu chuẩn, hầu có thể xét đoán những hành động của chúng ta có đúng với pháp hay không? Nếu đúng thì hành động của ta là trí huệ, nếu sai thì là ngu si. Cũng có thể nói rằng siêng năng tu giới định huệ, dập tắt tham sân si tức là trí huệ; không tu giới định huệ, không diệt tham sân si là ngu si. Trí huệ và ngu si khác nhau là ở những điểm đó.

Phải thực hành pháp Bát Nhã thâm sâu, mới có thể soi thấu năm mươi loại cảnh giới ấm ma trong năm uẩn. Trong sắc uẩn có mười loại ấm ma, trong thọ uẩn có mười loại, trong tưởng uẩn có mười loại, trong tưởng uẩn có mười loại, trong hành uẩn có mười loại, trong thức uẩn cũng có mười loại, cộng tất cả có năm mươi loại ấm ma. Tách ra từng phần thì còn có vô số vô lượng, nếu người tu không cẩn thận sẽ dễ dàng đi vào cảnh giới ma. Nói chung, hễ có tà tri tà kiến là thuộc về họ của ma, nếu là chánh tri chánh kiến thì thuộc về họ của Phật.

Khi thực hành pháp thâm sâu Bát Nhã Ba La Mật Ða thì sẽ nhận ra được minh bạch cảnh giới ma, không còn bị ma lay chuyển. Tới lúc đó, ngoài khả năng soi thấu năm uẩn là không mà ta còn vượt được hết mọi khổ ách. Năm uẩn là không, có nghĩa là Chân Không. Có câu nói:

Chân Không vô nhân ngã

Ðại Ðạo vô hình tướng.

Dịch là:

Chân không, không người không ta

Ðạo lớn, không hình không tướng.

"Hết mọi khổ ách" tức là nói các khổ trong ba thứ tai, tám thứ nạn (tam tai bát nạn).

Nếu như theo đúng pháp trong bốn câu Kinh nói trên để tu tập, tu cho đến rốt ráo thì hành giả đã đạt tới trình độ chế ngự được bát phong. Thế nào là bát phong? Ðó là tám món gồm khen, chê, khổ, vui, lợi, suy, phỉ báng và vinh dự. Những thứ này coi như tám ngọn gió có thể làm lay chuyển và quay cuồng những ai không đủ định lực. Nay giảng sơ qua như sau:

Khen: Khen hay xưng tán. Nếu có người xưng tán mình một câu, mình nhận được một cảm giác rất ngọt ngào, còn hơn là mật nữa và mình thấy thoải mái.

Chê: Chê là chê bai. Như có người chê bai mình, mình không thích, trong lòng không thoải mái.

Khổ: Ðây là khổ não. Gặp chuyện gì phiền hà mình cảm thấy khổ sở. Khi gặp phiền não, mình hãy thử xem ta chịu được không?

Vui: Vui hay khoái lạc. Gặp điều vui sướng không nên lấy làm đắc ý. Mọi điều khoái lạc đến thì chúng ta hãy coi đó là một sự khảo nghiệm, để thử xem tâm ý của mình ra sao.

Lợi: Ðây là lợi ích. Ðược lợi ích mình cảm thấy vui, bị thiệt hại mình cảm thấy buồn, đó là sự biểu hiện của sự yếu kém định lực.

Suy: Suy nghĩa là suy bại. Gặp bất cứ sự gian nan đến đâu, chúng ta không nao núng, có thất bại cũng không động tâm.

Phỉ báng; Ví dụ có người nói xấu mình, mình không quan ngại! Mình coi chuyện đó như không có gì, tự nhiên sóng gió sẽ hết.

Vinh dự: Như có người xưng tán mình, vinh danh mình, mình cũng không nên cảm động. Chỉ nên coi các thứ công danh như phù vân.

Tám loại gió này chính là một pháp môn dùng để khảo nghiệm tâm của người tu. Gặp thuận cảnh hay nghịch cảnh tâm đều không động. Nếu động tức là tu trì chưa đúng, định lực yếu kém; nếu không động thì người tu đã có công phu. Tuy nhiên, không nên tự mãn, như đại khái tự khoe rằng: "Bát phong thì cũng chẳng lay động ta, định lực của ta kiên cố ví như kim cương ". Thái độ này là sai rồi.

Thuở xưa, vào đời nhà Tống có vị cư sĩ là Tô Ðông Pha, đã từng nghiên cứu ít nhiều về Phật Pháp. nhưng công phu thiền định thì còn yếu kém. Tuy nhiên, ông cho rằng định lực của ông cũng đã khá. Có một hôm, nhân nguồn cảm hứng dạt dào, ông làm bốn câu kệ sau:

Khể thủ thiên trung thiên

Hào quang chiếu đại thiên

Bát phong xuy bất động

Ðoan tọa tử kim liên.

Tạm dịch:

Khấu đầu lạy chư thiên

Hào quang chiếu đại thiên

Tám gió lay chẳng động

Sen vàng ngồi ngay ngắn.

 

Lúc đó ông tự nghĩ rằng mình đã khai ngộ, nên muốn có sự ấn chứng của Thiền sư Phật Ấn. Ông sai người qua sông mang bài kệ tới chùa Kim Sơn.

Thiền sư xem qua liền đề bốn chữ: "Ðánh giắm! Ðánh giắm!", ngay trên tờ giấy có bài kệ, rồi đưa cho thị giả mang về. Tô Ðông Pha xem xong, lửa vô minh bốc cao lên ngùn ngụt. Ông giận dữ: "Sao lại có chuyện này? Ðây là bài khai ngộ! Bảo là đánh giắm là nghĩa gì?" Nói rồi, ông đi qua sông kiếm Thiền sư Phật Ấn để chất vấn.

Chẳng dè khi đến cổng chùa, Thiền sư Phật Ấn đã đứng chờ sẵn, thấy ông đi tới thì cười lớn: "Ồ! Xin chào mừng Ðại Học Sĩ họ Tô, bát phong không lay chuyển, nhưng lại bị cái giắm đẩy qua sông tới đây! Xin chào mừng!" ( Hai ông chính là bạn thân, thường vui đùa với nhau). Tô Ðông Pha đương lúc cơn giận tràn hông, sắp sửa bùng ra, nghe Thiền sư nói mấy câu, xét lại thấy có lý, bèn nhìn nhận công phu mình còn non nớt, nên hướng tới Thiền sư lễ tạ. Kể từ đó ông bỏ thói "khẩu đầu thiền".

Thiền là thực hành, chẳng phải nói suông. Chỉ nói mà không làm được, điều đó vô nghĩa.

 

 

Người Tu Hành Không Ðược Nói Dối

 

Tại Thiền đường, chúng ta phải tuân theo quy củ của Thiền đường, không thể lập dị để hành động theo ý riêng của mình. Phải nhớ rằng Thiền đường là nơi đào tạo thánh nhân, nên không thể phá hoại Ðạo tràng, làm mất cơ hội khai ngộ của người khác. Về điểm này những người tham dự thiền thất phải đặc biệt chú ý, phải giữ giới luật một cách nghiêm cẩn, chớ không thể coi nhẹ.

Dự thiền thất cũng là một cơ duyên khó gặp, ngàn vạn lần không thể bỏ phí. Nay chúng ta đến đây tham thiền cùng với nhau, đó là do những căn lành từ các kiếp trước tạo nên, mới dẫn đến cơ duyên của ngày hôm nay. Người dụng công tu Ðạo, gặp được cơ may này phải nắm vững thời cơ khai ngộ, không để lãng phí thời gian, dù một giây một phút. Chẳng nên do nhất thời vui thú mà tìm cách an thân trong sự lười biếng, bởi như vậy sẽ uổng mất cơ hội được khai ngộ và còn có thể bị đọa vào ba đường ác. Lúc ấy có hối cũng không kịp. Vì lẽ đó tôi có hai câu như sau:

Mạc đãi khổ thời phương học Ðạo

Tam đồ đô thị lãn nọa nhân

Hai câu này có nghĩa là đừng chờ tới khi gặp cảnh khổ mới tìm đường học Ðạo. Chúng sanh trong ba ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) đều là kẻ lười biếng.

Như vậy, thiền giả phải dụng công từng giờ từng khắc, lúc nào cũng tinh tấn. Thoại đầu phải luôn luôn ở trong tâm, đi cũng tham, ngồi cũng tham, tham tới tham lui, tham cho thật thấu đáo thì bổn lai diện mục sẽ hiển bày. Tại sao? Bởi thoại đầu có thể phá vọng tưởng. Phải tham cho tới trạng thái ở trên thì không biết có trời, dưới không biết có đất, giữa không biết có người, như vậy thì còn lúc nào có vọng tưởng nữa? Phải nên hiểu rằng vọng tưởng chính là vọng ngữ, tức là chúng ta không giữ năm giới căn bản, vì tranh đua nên ta nói dối, vì tham nên nói dối, vì cầu nên nói dối, vì ích kỷ nên nói dối, vì tự lợi nên nói dối. Nói dối để lừa bịp người, làm việc lỗi lầm mà không tự nhận, còn tìm lời biện bác cho mình, nếu có tư tưởng và hành vi như vậy, làm sao có thể tu Ðạo được?

Tại sao chúng ta dụng công mà không thấy tiến bộ? Chính vì chúng ta đã dối trá quá nhiều. Một câu dối trá phát sanh ra cả trăm thứ vọng tưởng. Khi ấy, ngồi nhưng ngồi không yên chỗ, đứng mà đứng không ổn, đó là bệnh trạo cử, không biết cư xử ra sao, tiến hay thoái? Cái nào là đúng? Cái nào là sai? Không sao tìm thấy an ổn, cái đó hoàn toàn nghịch với Pháp.

Kẻ tu hành chân chánh, ở đâu cũng theo đúng quy củ, lúc nào cũng tinh tấn, tuyệt đối không nói lời dối trá, không phải bạ thứ gì theo thứ đó. Mong rằng chúng ta không bắt chước những người dối trá, cũng không theo gót những ai không tuân thủ phép tắc, bởi theo họ không những chẳng có lợi ích gì mà còn có hại nữa. Ðiều này chúng ta nên cẩn thận, nên chú ý, kẻo có thể bị truyền nhiễm rồi mang họa lớn.

Người tu hành chân chánh không sợ khổ, không ngại khó, từng giờ từng phút nghiêm cẩn tu hành, không để cho ngoại cảnh lay chuyển.

Hãy Tham! Tham! Tham! Tham cho đến nước cạn đá hiện, thấy rõ bản mặt gốc gác.

 

 

Người Tu Hành Phải Chịu Khổ 

 

Có câu nói rằng: "Chịu khổ thì hết khổ, hưởng phước thì tiêu phước". Chúng ta tu Ðạo phải tu khổ hạnh là vì lẽ gì? Mỗi ngày chúng ta chỉ ăn một bữa vì chúng ta muốn hết khổ. Khổ mà hết thì sẽ có vui.

Nói về phước thì có loại nên hưởng và có loại không nên hưởng. Phước nên hưởng là phước do tay ta tạo tác ra, như có nhà đẹp, mặc quần áo đẹp, ăn thứ ngon, đi xe hơi tốt. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ rằng sau khi hưởng thọ hết những thứ đó thì phước cũng tiêu luôn, và trong trương mục của ngân hàng phước báo thì ngạch số tồn khoản cũng không còn.

Loại phước không nên hưởng là loại không do chính ta tạo dựng. Chúng đến với ta do mánh lới, như tiền của trộm cắp của người khác chẳng hạn. Chúng ta tiêu xài thứ đó một cách trái phép, tất sẽ bị pháp luật trừng trị. Vậy là ta đã thiếu nợ vì rút tiền quá lạm tại trương mục của ngân hàng phước báo.

Thọ hưởng phước thì khi hưởng hết, phước sẽ không còn, huống chi lại cố tình hưởng những loại phước không nên hưởng. Như vậy, không những tiêu mất phước mà lại còn bị vỡ nợ. Vì lẽ đó mà phước chẳng thể hưởng hết, hưởng hết thì hết phước; khổ có thể chịu hết, chịu hết thì hết khổ. Làm người phải ghi nhớ điều này. Gặp hoàn cảnh gian nan khốn khổ, ta vui lòng tiếp nhận nghịch cảnh. Vậy là không có sự oán hận, ta không mang tâm bất mãn.

Ðối với kẻ đã từng nghiên cứu Phật Pháp, tư tưởng và hành động của họ khác với người thế tục. Một đàng thì thuận theo giòng sanh tử và tạo nghiệp, còn người tu hành thì đi ngược giòng sanh tử và làm tiêu nghiệp. Trong mọi cảnh ngộ, những người này vẫn giữ tâm an nhiên, nên không cảm thấy khổ. Có câu nói: "Có nếm được cái khổ cùng cực, mới thành bậc thượng nhân". Thật là một câu chí lý.

Nay tôi kể một công án để quý vị tham khảo. Vị vua cuối cùng đời nhà Minh là vua Sùng Trinh. Là một vị quân vương, ông có đủ trí huệ, nhưng phước báo dành cho ngôi vị này lại không có. Bởi cớ gì? Bởi lý do gặp khổ nạn mà không lãnh thọ cho đến khi hết khổ. Nguyên kiếp trước ông là một Sa-di, nhưng lại chết trước khi thọ giới Cụ túc, thành thử thân phận ông vẫn là tiểu Sa-di. Trong thời gian làm Sa-di, ông phải nhận hết những công việc nặng nhọc như gánh nước, bổ củi. Ông ráng chịu đựng, nén sự oán giận và ngày ngày khổ công trong công tác hộ trì Ðạo tràng. Một hôm, ông leo lên nóc nhà để sửa mái, nhưng chẳng may trật chân rớt xuống đất chết. Các bạn tu vội báo cho Phương trượng hay. Hòa Thượng viện chủ vốn biết rõ nghiệp quả của vị tiểu Sa-di này, muốn tìm cách giúp cho đệ tử lãnh thọ cho hết khổ nạn, nên đối trước các chúng tuyên bố rằng: "Tiểu Sa-di này làm việc thiếu cẩn thận, sẩy chân ngã chết, làm thiệt hại cho Ðạo tràng. Y đã phạm vào tội xâm tổn thường trú, đáng bị trừng phạt. Các ngươi hãy buộc thi thể của nó vào đoàn ngựa, bắt ngựa kéo đi cho đến khi tan xác. Khỏi cần phải dùng quan tài mai táng nữa". Các bạn tu nghe Phương trượng nói xong, thấy không đang tâm, nghĩ tới tình bạn tu mà động lòng trắc ẩn. Họ không nghe lệnh của Phương trượng rồi bàn bạc với nhau: "Chúng ta là sư huynh sư đệ, cùng tu chung một Ðạo tràng, lý nào để cho y bị ngựa kéo thây như vậy, chúng ta phải chôn cất mới phải". Bàn xong, tất cả chung tiền mua quan tài, rồi đem chôn xác trong núi.

Bởi đã khổ công làm việc chùa, tiểu Sa-di đã từng tích lũy công đức, nên kiếp sau được làm vua, tức vua Sùng Trinh. Có điều, ông chỉ tại vị trong thời gian 16 năm, lại gặp lúc thiên hạ đại loạn, trong nước thì Lý Tự Thành làm phản, bên ngoài thì nhà Thanh mang quân xâm lấn. Trong bao năm, ông chưa từng được hưởng một ngày an ổn, liên miên bị bức bách ưu phiền. Chính vì lòng tốt của các vị sư huynh sư đệ của ông đã làm hại ông, không để cho ông thọ lãnh cho hết khổ nạn. Nếu như các bạn đó sớm nghe lời Phương trượng, dùng ngựa kéo thây thì nạn khổ của ông đã hết và ngày sau đâu còn xẩy ra cảnh Sùng Trinh tự ải ở Môi Sơn, vì nước mà tử vong.

 

 

Trừ Vọng Tâm, Giữ Chân Tâm

 

Kinh Hoa Nghiêm có câu:

 

Ai muốn hiểu biết tận cùng

Hết thảy ba đời chư Phật.

Phải quán tánh của Pháp giới

Hết thảy là do tâm tạo.

(Nhược nhân dục liễu tri,

Tam thế nhất thiết Phật,

Ưng quán Pháp giới tánh,

Nhất thiết duy tâm tạo).

Quý vị hành động với tâm Phật thì quý vị là Phật; hành động với tâm Bồ-tát, quý vị là Bồ-tát; hành động với tâm Duyên giác, quý vị là Duyên giác; hành động với tâm Thanh Văn, quý vị là Thanh Văn; hành động với tâm Trời quý vị là Trời; hành động với tâm người, quý vị là người; hành động với tâm A-tu-la, quý vị là A-tu-la; hành động với tâm súc sanh, quý vị là súc sanh; hành động với tâm ngạ quỷ, quý vị là ngạ quỷ; hành động với tâm địa ngục, quý vị là quỷ địa ngục.

Bởi vậy có câu: "Mười pháp giới chẳng lìa khỏi một niệm hiện tiền của tâm". Như vậy mới biết rằng hết thảy mọi thứ đều do tâm tạo. Có bài kệ nói về tâm đầy ý nghĩa như sau:

Tam điểm như tinh bố

Loan câu tự nguyệt nha

Phi mao tòng tư khởi

Tác Phật dã do tha.

Tạm dịch:

Ba chấm như chòm sao

Móc cong như hình trăng mới

Mang lông từ đây ra

Thành Phật cũng do đấy.

 

Cứ suy nghĩ kỹ, bài kệ thật chí lý.

Người ta ở đời phải giữ lấy Chánh tâm, đừng có mang tà tâm. Thế nào gọi là Chánh tâm? Ðó là tâm Bồ-đề, tâm bình đẳng, tâm từ bi, tâm thương xót, tâm bố thí, tâm hổ thẹn. Thế nào là tà tâm? Ðó là những tâm ích kỷ, tự lợi, đố kỵ, oán hận, kiêu ngạo, vọng tưởng. Chúng ta tu hành phải nhằm mục tiêu trừ khử vọng tâm và giữ lấy Chân tâm, đó cũng là nghĩa trừ tà tâm sanh Chánh tâm.

Nếu mỗi hành động của chúng ta có chánh niệm, tức đó là chánh tri chánh kiến; nếu có tà niệm thì thành tà tri tà kiến. Người có tà niệm thấy điều trái coi là phải, thấy điều phải coi là trái, lấy trắng làm đen, lấy đen làm trắng, có nghĩa là điên đảo thị phi, đen trắng không phân biệt. Bất cứ hành động nào y cũng tự cho là đúng, nhưng kết quả lại gây nên tội, xuống địa ngục vẫn không hiểu tại sao. Bởi sự thể đó mà chư Phật đã khổ tâm khuyên bảo, đã không ngại khó nhọc đinh ninh dặn dò: "Chớ đi lầm đường! Chớ đi vào chỗ bế tắc!" Ðây cũng là lời nhắc những ai tu như chúng ta là không được tạo nghiệp ác tại chốn Ðạo tràng. Có câu nói như sau:

Chớ vì điều lành nhỏ mà không làm

Chớ vì điều ác nhỏ mà tạo tác.

Chúng ta phải từng giờ từng khắc cảnh giác, tự xét mình, nơm nớp e dè như đứng bên bờ vực sâu, như dẫm chân trên băng mỏng, để từ từ cởi bỏ những thói hư, tự cải thiện những hạnh xấu, những tập khí ranh ma, những lối tinh khôn quỷ quái. Phải tự xét mình mọi thứ cho minh bạch, chớ không phải sống qua ngày một cách hồ đồ, như kẻ mù dẫn người mù, dối trá lẫn nhau, khiến cho thế giới càng ngày càng lâm cảnh nguy cơ, dẫn tới ngày mạt thế để tất cả đi đến chỗ diệt vong.

Những ai có chánh niệm thì có thể dẫn dắt nhân loại đi trên con đường chánh đại quang minh. Ai ai cũng một lòng, cùng giúp đỡ nhau, quý vị giúp tôi, tôi giúp quý vị, tất cả đều có tinh thần tương trợ. Có câu: "Giúp người là nguồn khoái lạc" hoặc có câu: "làm điều lành thì vui sướng nhất". Quý vị phát tâm làm điều lành thì sự vui sướng không bút nào tả hết, chỉ những ai đã làm việc lành mới biết được hết ý vị của nó. Quý vị thử nếm mùi làm việc thiện coi nó như thế nào? Cái lạc thú đó thật là kỳ diệu. Chúng ta phải tránh bằng mọi giá những con đường quanh co, không những khiến ta sẩy chân, mà còn đưa những người khác lâm vào nơi bế tắc. Bởi những lẽ đó, tâm của ta phải chánh đại quang minh mới có thể chiếu soi và phá hết hắc ám.

 

 

Khi Mê Thầy Ðộ, Khi Ngộ Tự Ðộ 

 

Bây giờ là thời gian của thiền thất (ngày 15 tháng 12 năm 1977), Quý vị hãy đề khởi thoại đầu lên để tham, để dụng công trong từng giờ từng khắc. Người tu hành phải tự mình tu, không ỷ lại vào người khác, càng không thể ỷ lại vào thầy của mình. Tại thiền thất chúng ta tu chớ không phải thầy của ta tu, điểm này phải nhận cho rõ. Có người nghĩ rằng: "Thời gian Thầy ở Vạn Phật Thánh Thành thì ta dụng công tu; Thầy đi vắng thì ta khỏi cần tu tinh tấn nữa". Nghĩ như vậy là không thể được. Bất luận thầy có mặt ở Vạn Phật Thánh Thành hay không, chúng ta vẫn cố gắng tu hành tinh tấn, trước sau phải tu rốr áo, thì mới có cơ thành tựu. nếu chẳng phải vậy thì quý vị chỉ là tu bên ngoài, tự dối mình và dối người, vĩnh viễn không thể nào giải thoát được.

Tham thoại đầu là tham câu "niệm Phật là ai?", tự hỏi ai đương niệm Phật? Nếu nói: "Tôi đương niệm Phật" vậy khi tôi chết đi thì cái "tôi" này chạy đi đàng nào vậy? Rõ ràng không phải cái "tôi". Tham cứu như vậy thì không kiếm ra cái "tôi". Nếu cái "tôi" không có thì đương lúc còn sống ta khỏi cần tu hành nữa chăng? Nghĩ như vậy cũng không đúng. Vậy làm sao mới đúng? Tức là phải tham cứu cái mặt mũi gốc của ta (bổn lai diện mục), cái đó như thế nào trước khi cha mẹ sanh ra ta? Tham cho thấu đáo, tức sẽ khai ngộ.

Niệm Phật là ai đó? Phải truy cứu từng giờ từng khắc, từng giây từng phút không lơ là. Thật ra đây là cách dụng công lấy độc trị độc. Niệm Phật là ai? Tuy nó cũng là một niệm, nhưng lấy một niệm để khống chế hết thảy các niệm khác, lấy một vọng tưởng để đình chỉ hết thảy mọi vọng tưởng. Khi đình chỉ tới độ tột cùng sẽ tới lúc nước rút đá hiện, chân tướng hiển bày và được khai ngộ.

Thế nào là khai ngộ? Là nhận rõ một cách chân thực chính ta như thế nào, chứng được lý không, hiểu rõ hết thảy đều là hư vọng và đó mới là sự hiểu biết chân thực. Lúc đó quý vị biết được "Bổn lai không một vật, chỗ nào vướng bụi bậm?" là loại cảnh giới nào. Ðó cũng là cảnh giới của minh tâm kiến tánh. Có câu "minh tâm vô nan sự, kiến tánh bất tri sầu", ngụ ý rằng khi đã đạt tới chỗ minh tâm, thì gặp cảnh ngộ nào cũng không ưu sầu. Còn có câu như sau:

Tự cổ thần tiên vô biệt pháp

Quảng sanh hoan hỷ bất sanh sầu.

Câu trên có nghĩa là thần tiên thuở trước chẳng có gì khác lạ, bởi sanh tâm hoan hỷ rộng lớn nên không có ưu sầu. Ðó là đặc điểm của những vị tu Ðạo.

Ai tu Ðạo rồi thì gặp nghịch cảnh hay thuận cảnh trong tâm cũng không động. Nếu định lực tới trình độ đó, thì sẽ không còn bị cảnh lay chuyển, mà ngược lại có thể chuyển cảnh. Ðó mới là công phu chân chánh của người tu Ðạo. Lại có câu:

Thái sơn băng tiền nhi bất kinh

Mỹ sắc đương tiền nhi bất động.

Tạm dịch:

Thái Sơn sụp đổ mà không sợ

Sắc đẹp trước mắt tâm không động.

Người con trai đứng trước người đẹp như Tây Thi chẳng hạn, nếu theo phép quán "sọ đầu lâu", tự nhiên sẽ hết động tâm.Người con gái khi gặp một chàng trai anh tuấn như Phan An năm xưa, nếu theo phép quán "xương trắng", cũng chẳng động tâm. Nếu không có pháp đó thì mỗi khi gặp gái đẹp, trai anh tuấn, cái tâm liền chạy lăng xăng, như vượn leo, như ngựa chạy, không biết như thế nào mới đúng. Chỉ vì không đủ định lực, thành thử uổng phí mất Ðạo nghiệp, thật đáng tiếc biết bao!

Ngày hôm nay tôi nhận được thư của hai vị đương trên đường hành hương "tam bộ nhất bái" và tôi hiểu những điều chẳng thể nghĩ bàn mà họ vừa trải qua, khi được các vị long thần hộ pháp che chở. "Cảm ứng Ðạo giao" là như vậy. Hai vị đó đã thành tâm lễ lạy, thực tâm niệm tụng, làm cảm động tới các vi thiên long bát bộ nên họ luôn luôn có mặt ở bên cạnh để hộ trì. Bởi vậy đi tới chỗ nào hai vị này cũng gặp may mắn, gặp dữ hóa thành lành. Chúng ta nên lấy các vị này làm gương sáng, soi lại chính mình, coi mình có thanh tịnh như vậy hay không? Có sáng suốt, có trí huệ, có bặt các vọng tưởng hay không?

Này quý vị! Quý vị nghe Kinh nghe pháp, cần phải ngộ tự tánh, tự ngộ và tự độ cho mình. Không thể ý lại vào sư phụ! Phải trông cậy nơi chính mình. Người ta nói "dẫn tới cửa là vị thầy, tu là đương sự". Phải tin nơi trí huệ của mình, không thể tin vào ngu si của mình, đó là một điểm vô cùng trọng yếu. Chúng ta dự thiền thất với mục đích tự tánh tự độ. Xưa Lục Tổ đã từng nói: "Khi mê thầy độ, khi ngộ tự độ".

Nay chúng ta tham thiền, phải lợi dụng từng giây phút, chớ để uổng phí thời gian. Bởi vậy trong thời gian tham thiền chúng ta không lạy Phật, không quá đường hay cúng ngọ, là vì cớ gì? Như vậy là muốn giúp quý vị chuyên chú vào sự dụng công. Thêm một phút tham, thì cơ hội khai ngộ gần hơn một phút, đâu có dư thời gian nào để làm việc khác, để tán chuyện, để tụ hội nhau? Nếu như túm năm tụm ba, nói chuyện thị phi, toàn những điều vô nghĩa, thì quả là phí hoài cơ hội khai ngộ. Dầu có tham trong tám vạn đại kiếp cũng không có hy vọng gì. Trong thiền thất, phải thực thà mà tham! Hãy tham "niệm Phật là ai?" tham "bổn lai diện mục truớc khi cha mẹ sanh ta là gì?" Ðó là chìa khóa khai mở trí huệ.

 

 

Tham Thiền Phải Khắc Phục "Cửa Ðau" 

 

Hôm nay, năm mới, tôi xin chúc quý vị "Năm mới hạnh phúc". Tục lệ của thế gian là như vậy. Chúng ta là những kẻ xuất thế, lẽ ra không theo lề thói đó, nhưng chúng ta hãy còn là người trong thế gian, nếu như quá xa cách thế gian thì chúng ta sẽ xa lìa mọi người. Bởi vậy, tôi vẫn y theo lễ tục, chúc mọi người một câu "năm mới hạnh phúc". Tôi lại nói thêm bài kệ này:

Kim phùng nhất cửu bát nhị niên

Thập phương tụ hội lai tham thiền

Hồi quang phản chiếu Quán Tự Tại

Vạn Phật Thành trung tuyển thánh hiền.

Tạm dịch:

Năm nay một chín tám mươi hai

Tham thiền hội tụ Vạn Phật này

Hồi quang phản chiếu Quán tự Tại

Thánh hiền tuyển lựa chính nơi đây.

Năm mới chúc hạnh phúc! Ðối với chúng ta những người tham thiền, cần đạt tới "thiền duyệt vi thực", tức lấy sự tham thiền làm thực phẩm. Ngưòi tham thiền chân chánh dầu đã ăn hay chưa ăn cũng không nhớ; mặc đồ vào hay chưa mặc, ngủ rồi hay chưa ngủ, cũng không nhớ. Tham tới rốt ráo, thì trên không biết có trời, dưới không biết có đất, chặng giữa không thấy có người, hòa với hư không làm một, sống trong một cảnh giới vô nhân, vô ngã, vô chúng sanh, vô thọ giả. Trong cảnh huống đó thì dầu có đau chân cũng đâu ngại gì, đau lưng, cũng không sợ vì sự nhẫn nại dụng công đã giúp cho thiền giả vượt qua hết thảy mọi thứ. Bởi không thấy có người, có ta, có chúng sanh, có thọ giả, thì ai là người đương đau? Hơn nữa, khi đã qua cái "cửa đau" thì cái đau cũng qua luôn, còn nếu chưa qua thì đau vẫn còn. Qua được cửa đau thì không những thiền giả hết đau mà còn được tự tại, vui sướng vô cùng.

Không có gì kỳ diệu bằng pháp môn tham thiền, bởi tham thiền mới đưa tới trạng thái thiền duyệt vi thực và pháp hỷ sung mãn. Cũng vì vậy mà xưa nay các thiền gia có thể ngồi luôn nhiều ngày mà không đứng dậy. Chân họ có bị đau không? Ðương nhiên là có đau! Nhưng họ chịu đau được, họ có thể chịu đựng những gì mà người khác không chịu nổi. họ có sức tinh tấn dũng mãnh, chỉ biết dấn bước tới trước, chớ không biết lùi, do đó họ mới thành công.

Tham thiền phải có đủ nhẫn nại vì nhẫn nại là vốn của sự khai ngộ. Tỷ như người làm ăn buôn bán, phải có vốn liếng thì việc kinh doanh mới phát triển và được lời nhiều. Chúng ta tham thiền phải khắc phục cái cửa đau; vượt qua được cửa đau rồi thì con đường sáng sủa rộng mở, dẫn thẳng tới cảnh giới minh tâm kiến tánh. Khi chưa qua cửa quan này thì vẫn còn trong tình trạng "sơn cùng thủy tận, đường tắc nghẽn", vượt qua được thì là cảnh giới "dưới liễu hoa tươi, lại một thôn". Có các câu nói như sau:

Không xả được tử, không đổi được sanh

Không xả được giả, không thành được chân

Không xả được khổ, không đạt được lạc.

Chúng ta tham thiền phải có một tinh thần như vậy mới có hy vọng thành công. Phải phá cánh cửa gian nan khốn khổ, mới thấy được cảnh giới (thực tại) khác. Bởi lý do đó mà chúng ta phải chuyên nhất trong việc tham thiền. Quý vị hãy chú ý! Chúng ta đến chỗ này là để tham thiền, không phải để tiêu thời gian, phải mang hết chí nguyện chân chánh ra dụng công, với tất cả sự nhẫn nại chân chánh để ngồi thiền. Phải nhớ một điều rằng trên thế gian không có thứ gì gặt hái được mà chẳng do công lao mang lại. Không bỏ công làm nhưng lại muốn hưởng, đâu có chuyện dễ dàng như vậy? Ðó là mơ tưởng hão huyền, chẳng hề có thật. Chỉ có sức lực của mình bỏ ra thì mới mong ngày thành tựu. Nay, qua năm mới, quý vị có sự mong mỏi mới, mong mỏi năm nay khai ngộ. Hy vọng tất cả chúng ta hướng tới mục tiêu này mà gắng sức tiến tới, nếu chưa khai ngộ thì chưa ngừng bước.

 

Khai thị tại Vạn Phật Ðiện, Vạn Phật Thánh Thành

Thiền thất từ ngày 1 đến ngày 8, tháng 1 năm 1982

 

 

Thế Nào Là Ðủ Tư Cách Tham Thiền 

 

Phàm làm bất cứ một công trình gì, cũng phải trải qua một giai đoạn tôi luyện mới tới được thành công. Pháp môn tham thiền còn khó hơn nữa. Thiền giả phải nếm đủ loại tân khổ và tôi luyện, mới tiến bước được. Hễ tham gia thiền thất điều quan trọng nhất là phải có tâm nhẫn nại; nhẫn nại làm những công việc mình không ưa thích; nhẫn nại chịu đựng những gì không chịu đựng nổi. Phải có tinh thần như vậy mới đủ tư cách tham thiền, bằng không thì miễn bàn. Thân ở tại Thiền đường mà tâm thì ở nơi khác, dầu tham đến đâu cũng là uổng công, không thành tựu được gì hết.

Tham thiền là tôi luyện thân này thành chất kim cương, chẳng khi nào bị hoại diệt. Nếu đã nguyện ý tôi luyện thân này thì gặp khổ phải ráng hết sức chịu đựng, bởi có câu: "Chịu khổ thì hết khổ, hưởng phước thì tiêu phước".

Ðối với những gì ta hoan hỷ làm thì ta lại càng phải gắng sức hơn nữa, kẻo phụ lại tấm lòng lúc ban sơ đưa ta tới tham gia thiền thất. Về điểm này xin quý vị đặc biệt chú ý!

 

 

Thân Mang Bệnh Khổ Bởi Duyên Nào? 

 

Trường Ðại Học Pháp Giới Phật Giáo thuộc Tổng Hội Pháp Giới Phật Giáo, lần đó tổ chức một cuộc du hành đi Ðông Nam Á Châu để hoằng dương Phật Pháp. Trước khi đi, tôi đã biết trước chúng ta sẽ gặp một số trở ngại, bởi bất luận đi chỗ nào hoằng Pháp tôi cũng đều gặp những cản trở và sự đố kỵ. Tại sao vậy? Bởi tôi quá trực tính, tôi không chịu a dua theo mọi người, bởi đó mà sanh ra đố kỵ. Tuy nhiên, sự tin tưởng của tôi là tà không thể thắng được chánh, loài ma quỷ không có cách gì làm hại được.

Tôi tin tưởng rằng Phật và Bồ-tát luôn luôn hộ trì pháp của tôi. Nơi tôi đến, tuy gặp nhiều trở ngại, nhưng chúng chẳng có tác dụng gì, chẳng phát sanh những chuyện đáng tiếc, gặp chuyện dữ đều hóa lành, nơi nào cũng bình an vô sự. Chính là do Phật và Bồ-tát đã gia hộ.

Tôi đến bất cứ địa phương nào, thường ngày vẫn gặp những người đau bệnh đến xin được cứu chữa. Mang bệnh là do nghiệp nặng từ kiếp quá khứ, nếu như không thế, đương sự tất không bị quái tật. Những người đến kiếm tôi, đều mang những chứng bệnh lạ, Tây y và Ðông y đều bó tay, không cách gì chữa hết. Ða số những người mang quái tật trong mình, là do trong kiếp quá khứ ham lợi dụng người mà không muốn bị thua thiệt; hoặc giả họ là những người bỏn xẻn, không muốn mất cho ai một xu, không biết giúp đỡ người nghèo, chỉ nghĩ về mình, không biết tới ai khác, luôn luôn ích kỷ tự lợi, thấy lợi quên điều nghĩa, càng ngày càng ngập thêm nghiệp chướng, nên mới dẫn tới bệnh lạ trong kiếp này.

Mang bệnh lạ còn phải kể thêm những ai hủy báng Tam Bảo trong kiếp trước, thậm chí hủy báng Kinh điển Ðại thừa, một tội có thể khiến cho người ta bị đọa địa ngục để chịu khổ và khi ra khỏi địa ngục thì chuyển làm kiếp súc sanh, chim muông hay thú vật. Tới khi chúng sanh đó được lên làm người thì sáu căn không toàn vẹn, hoặc bị khuyết tật, hoặc mắt bị mù, tai bị điếc, câm hay ngọng, chân khập khễnh, tóm lại làm thân người không đầy đủ. Nguyên do bởi kiếp trước họ tạo nghiệp ác nên kiếp này chịu quả báo.

Gặp quả báo như vậy, lẽ ra họ phải dốc lòng sám hối, và làm thật nhiều công đức mới đúng. Tiếc rằng, không những họ không tỉnh ngộ, mà còn coi tiền tài quý như thân mạng, lại còn muốn lợi dụng kẻ xuất gia này. Họ cầu tôi chữa bệnh, chẳng muốn mất tiền nhưng muốn hết bệnh. Khi khỏi được bệnh, họ có vẻ hào hiệp đưa ra một phong bì đỏ để cúng dường. Tuy nhiên trong bao màu đỏ đó chỉ có một đồng, hai đồng cho đến năm đồng là cùng (tiền Tân-gia-ba hay Mã-lai-á). Nghiệp chướng của họ nặng như vậy mà còn tính chuyện lợi dụng, thật đáng thương!

Tại sao tôi lại kể những chuyện này với quý vị? Chính là muốn quý vị đề cao cảnh giác, cẩn thận giữ gìn chớ có tạo ác nghiệp. Trong Phật giáo không thể phỉ báng Tam Bảo, không thể phỉ báng Kinh Ðại thừa, không thể hồ nghi mà không chịu tu hành, không thể nói dối để gạt mọi người. Nếu như tạo ra những loại ác nghiệp như vậy, thì tương lai nhất định bị đọa địa ngục. Tới lúc đó thì thầy có thương cũng đành chịu, không có cách gì giúp đỡ. Tôi có lời nói trước như vậy để sau này đừng có trách tôi không chịu cứu giúp quý vị.

 

 

Tham Ðắm Cảnh Giới Thì Chiêu Cảm Ma Chướng 

 

Trong pháp tham thiền, người tu phải dấn bước thực sự, khổ công miệt mài, dũng mãnh tiến tới, tuyệt dối không lùi bước. Có hằng tâm như vậy mới là người tu thiền chân chánh.

Trong lúc tham, phải lấy sự nhẫn nại khắc phục mọi thứ đau, chân đau hay lưng đau cũng mặc. Muốn tới được khai ngộ thì phải nhẫn nại, bằng không thì không thể khai ngộ. Nhẫn nại ở đây bao gồm mọi thứ nhẫn, chịu đói, chịu khát, chịu đau, chịu hết thảy mọi thứ. Nhẫn được thì phá trừ được chấp ngã. Như không có ngã chấp thì khi quán sát tâm cũng không thấy tâm nữa; quán hình sắc bên ngoài thì hình cũng chẳng có; hướng xa hơn nữa thì vạn hữu cũng mất. Ðó là lúc, trong không có thân tâm, ngoài chẳng có thế giới, tất cả là không,

Cái "không" này cũng không thể chấp trước nó, bởi nếu còn tham đắm vào "không" thì cũng là một thứ chấp trước. Do đó, "không" cũng phải xả bỏ, mới có thể cùng thế giới hợp nhất, ta và hư không chẳng còn gì phân biệt. Nếu đưa cảnh giới này tới chỗ rốt ráo thì sẽ có định. Ðịnh chẳng phải là một trạng thái mơ hồ, mà ngược lại rất sáng suốt, như câu nói: như như bất động, liễu liễu thường tri, nghĩa là bất động nhưng không lúc nào là không biết hết mọi sự. Tham thiền chẳng phải là một dịp ngồi để suy tính, hay vì ham kiếm một cảnh giới nào. Có những loại vọng tưởng đó thì ma sẽ tới phá.

Trong Kinh Kim Cang có câu:

Hết thảy mọi tướng đều là hư vọng

Nếu thấy các tướng là chẳng phải tướng, tức thấy Như Lai.

Bởi vậy, người tham thiền không thể tham đắm vào cảnh giới, cũng không được cầu thần thông. Tham như vậy có thể bị tẩu hỏa nhập ma. Cũng không nên tham đắm danh lợi, kẻo có thể mắc vào vòng tà đạo, làm kẻ quyến thuộc của ma vương. Ðiều này quả là đáng sợ! Người tham thiền phải là vô chấp, vô tham, cho nên có câu nói: "Phật đến chém Phật, ma đến chém ma", và phải dùng kiếm báu của vua kim cương (trí huệ) để chém đứt mọi thứ. Cảnh giới tốt chẳng ham mà cảnh giới xấu cũng mặc. Ngàn vạn lần đừng ham những thành tựu nhỏ nhoi, đó chỉ là hiệu quả của công phu tu tập; sinh tâm tham đắm sẽ đi vào đường tà, chúng ta phải hết sức cảnh giác!

Trong lúc nhập thất, cái "ta" phải quên đi, người cũng quên đi, quên cả thời gian và không gian. Có câu nói: "Quét hết mọi pháp, ly hết mọi tướng", hết thảy đều không chấp, tất cả buông bỏ, tới lúc đó có thể đi vào cảnh giới Tứ thiền thiên.

 

 

Cảnh Giới Tứ Thiền Thiên 

 

Người tham thiền khi nào tới được tình trạng vô ngã vô nhân tức là vào được cảnh giới Sơ thiền, còn gọi là "Ly sanh hỷ lạc địa". Tới giai đoạn này, thiền giả phá sự chấp trước về chúng sanh, chứng được "thiền duyệt vi thực" và cảm thấy một niềm hỷ lạc với pháp một cách sung mãn. Trong cảnh định này, hô hấp chấm dứt, nghĩa là không thở ra, không thở vào, thiền giả vui sướng một cách đặc biệt. Loại khoái lạc này rất kỳ diệu không thể tả ra được, tóm lại người thường không có được khoái lạc đó.

Trong cảnh Nhị thiền, còn gọi là "Ðịnh sinh hỷ lạc địa" thiền giả cảm thấy một niềm hỷ lạc tột cùng. Thiền giả ngồi tại chỗ, chẳng ăn, chẳng uống, mạch không còn đập nữa, giống như người đã chết, nhưng ý niệm vẫn còn, biết là mình đương tĩnh tọa.

Trong cảnh định của Tam thiền, hay còn gọi là "Ly hỷ diệu lạc địa", thiền giả lìa bỏ thiền duyệt vi thực, lìa cả sự khoái lạc sung mãn về pháp hỷ, chứng được một sự khoái lạc vi diệu, không có gì tả được, hoàn toàn chẳng thể nghĩ bàn. Trong cảnh giới này, các niệm đều dừng lại, một niệm cũng chẳng dấy lên. Có câu nói:

Nhất niệm bất sanh toàn thể hiện

Lục căn hốt động bị vân già.

Tạm dịch:

Một niệm chẳng sanh toàn thể hiện

Sáu căn chợt động, bị mây che.

Tứ thiền còn gọi là "Xả niệm thanh tịnh địa" là một cảnh giới trong đó không những các niệm dừng lại mà chúng còn bị buông xả hết. Lúc ấy thiền giả đạt tới một trạng thái thanh tịnh phi thường, và sự khoái lạc cũng phi thường vi diệu. Tuy nhiên, cảnh giới của Tứ thiền vẫn là cảnh giới phàm phu, chưa phải là chứng quả, thiền giả chớ quá tự hào. Giai đoạn chứng quả thì hãy còn xa lắm, thiền giả phãi cố gắng tham, tiếp tục tham, dấn bước thêm nữa mới tới được cảnh giới của"Năm Cõi Trời Bất Hoàn hay Ngũ Bất Hoàn Thiên", ở đây mới là nhập vào dòng Thánh.

Xưa, Tỳ kheo Vô Văn (Tỳ kheo Vô Văn tức là vị Tỳ kheo không hiểu biết, không có học hỏi - Unlearned Bikshu), tới được cảnh giới Tứ thiền này, lầm tưởng mình đã chứng quả, nên đi tới đâu cũng tự khoe như vậy. Bởi chưa thấu triệt Phật Pháp nên mới nói lời vọng ngữ, thành kết quả bị đọa địa ngục Vô gián.

 

 

Bí Quyết Của Tham Thiền

 

Chữ "thiền" dịch nghĩa là "tĩnh lự", cũng dịch là "tư duy tu". Tư duy chính là tham; tĩnh lự là nghĩa "thời thời cần phất thức, vật sử nhạ trần ai". Thực tập tư duy tu có nghĩa là chúng ta phải đề khởi thoại đầu, luôn luôn tâm niệm, không giây phút nào rời. Có câu nói: "Sớm như thế ấy, chiều như thế ấy". Phải bằng vào tự tánh mà dụng công, không tìm cầu ở bên ngoài. Nếu gặp cảnh rồi chạy theo cảnh, sẽ đi lầm đường. Cảnh giới từ tự tánh sanh ra mới là cảnh giới chân thật. Mong rằng quý vị phải thật hiểu rõ điểm này, bằng không sẽ lọt vào vòng của ma vương, làm quyến thuộc của chúng.

Pháp môn tĩnh lự đòi hỏi một sự dụng công triền miên rằng rịt, không lúc nào gián đoạn. Dụng công kiểu này có thể ví như phương cách gà mẹ chuyên tâm ấp trứng, như rồng thận trọng nuôi dưỡng hạt châu, cũng như thái độ mèo rình chuột một cách nhẫn nại. Tham thiền phải có kiên tâm, thành tâm và hằng tâm. Không thể có tâm kiêu ngạo, thấy mình cao hơn hoặc hay hơn người khác. Như có những tư tưởng đó, thì loại ma cuồng điên sẽ nhập vào khiến cho công phu không có hiệu quả.

Khi tham thiền không nên sanh vọng tưởng. Có vọng tưởng thì chẳng có lợi ích gì, chỉ uổng phí thời gian công phu. Tham thiền phải có tâm nhẫn nại, tâm trường viễn, tức nghĩ về lâu về dài. Bí quyết tham thiền là chữ nhẫn; cái gì nhẫn không được cũng phải nhẫn; nhẫn đến cực điểm, thì bỗng nhiền thấu suốt, bừng sáng khai ngộ. Nếu không nhẫn nại, không chịu đựng khổ, không chịu khó nhọc, khi gặp trở ngại tất sẽ đầu hàng. Những cung cách đó không thể chấp nhận và rất kỵ đối với tham thiền.

 

 

Kiếm Báu Của Kim Cương Vương Chặt Ðứt Vọng Tưởng 

 

Vọng tưởng chính là hòn đá vướng chân trên đường khai ngộ. Tham câu "niệm Phật là ai?" tức là dùng kiếm báu của Kim Cương vương, chặt đứt hết mọi vọng tưởng. Khi Ðức Phật Thích Ca vừa chứng được quả chánh giác dưới gốc cây bồ đề, ngài liền nói: "Lạ thay! Lạ thay! Tất cả chúng sanh, chẳng trừ ai, đều có đầy đủ đức tướng và trí huệ Như Lai, nhưng hiềm vì vọng tưởng chấp trước, nên không chứng được." Như vậy, Phật đã nói với chúng ta một cách rõ ràng lý do gì chúng ta không thành Phật. Chẳng qua là do vọng tưởng và chấp trước, do đó chúng ta phải phá bỏ những thứ này. Phá bằng cách nào? Chính là dùng chữ "ai", coi như cái đục để đục xuống, đục cho tới nước rút đá hiện thì sẽ thành công.

Tham thiền tức là tham câu "niệm Phật là ai?", trong từng thời khắc tham cứu cứu vấn đề này, không được gián đoạn. Lâu ngày, tự nhiên sẽ có tin vui, nên có câu: "Cửu tọa hữu thiền, cửu trú hữu duyên".

Ngồi trong một thời gian dài tự nhiên sẽ có thiền. Trú ngụ lâu ngày ở một nơi nào tự nhiên sẽ có duyên qua lại với láng giềng, ta cùng với mọi người dung hòa tình cảm, nên tất cả sống với nhau trong sự an bình.

Tham thiền khi tới trình độ tinh diệu, không những vọng tưởng tiêu tan, mà tính khí dịu hòa, bớt phiền não, nhân phẩm cao, khí độ cũng rộng lớn. Lúc đó trí huệ hiển bày, biết rõ phải trái, phân biệt thiện ác, tham sân si cũng được thanh lọc sạch, chỉ còn lại là ánh sáng của Giới Ðịnh Huệ chiếu rọi và soi thấu năm uẩn đều không.

 

Sơ Lược về Hòa Thượng Tuyên Hóa

 

Hòa Thượng Tuyên Hóa họ Bạch, tên thật là An Từ, tự là Ðộ Luân. Ngài quê ở huyện Song Thành, tỉnh Tùng Giang thuộc Ðông Bắc, Trung Hoa, tức là Mãn Châu.

Phụ thân Ngài tên Phú Hải, chuyên làm nghề nông. Mẹ họ Hồ, sinh được tất cả tám người con, năm trai ba gái; và Ngài là út.

Hồ thái phu nhân thọ chay trường, niệm Phật, chẳng hề gián đoạn. Một đêm nọ phu nhân nằm mộng thấy Ðức Phật A-Di-Ðà hiện thân phóng đại quang minh chiếu triệt thế giới, chấn động thiên địa. Giật mình tỉnh giấc, phu nhân ngửi thấy mùi hương kỳ diệu khắp phòng, rồi sau đó hạ sanh ra Ngài.

Ngài vừa ra đời liền liên thanh khóc suốt ba ngày đêm không dứt. Chính là vì đau xót cho nỗi khổ của thế giới Ta-Bà nầy vậy.

Ngài cư ngụ tại một thôn quê rất nhỏ bé, thưa thớt nhà cửa. Thế nên, đến năm mười một tuổi Ngài vẫn chưa hề thấy qua người chết. Một hôm, Ngài cùng lũ bạn trong thôn dạo chơi chốn điền dã. Bất chợt Ngài thấy một em bé, miệng ngậm, mắt nhắm, nằm bó trong đám rơm bên lề. Ngài gọi mà đứa bé chẳng đáp, rờ thì chẳng có hơi thở. Ngài lấy làm khó hiểu vô cùng nên hỏi lũ bạn. Có kẻ hiểu biết liền nói: "Ðứa bé đã chết rồi!" Song Ngài vô cùng ngạc nhiên, không hiểu thế nào là chết. Về nhà, Ngài liền hỏi mẹ, bà dạy: "Phàm là người, ai cũng phải chết. Có kẻ chết già, có kẻ chết vì bệnh, cũng có kẻ chết vì tai nạn. Bất luận là giàu sang hay nghèo khó, bất luận là sĩ, nông, công, thương, hay quan lại, ai ai rốt cuộc cũng phải chết."

Ngài lại hỏi: "Nếu thật như vậy, có cách gì thoát được chết không?" Bấy giờ trong nhà có vị khách xưa kia từng tu Ðạo, đỡ lời đáp rằng: "Chỉ có cách tu Ðạo, minh ngộ tự tâm, triệt kiến bổn tánh thì mới liễu đoạn sanh tử, siêu thoát luân hồi, thành Chánh Giác, chứng Vô Sinh."

Tuy lúc đó Ngài còn nhỏ tuổi, song đối với lời vị khách nói, Ngài tỉnh ngộ sâu xa, do đó Ngài lập định chủ trương quyết chí xuất gia tu Ðạo.

Khi Ngài mang chuyện xuất gia bàn với mẹ, bà dạy: "Xuất gia là chuyện tốt lắm, nhưng cũng không phải là chuyện dễ làm. Cần có thiện căn, có đại nguyện lực, cần phát đại Bồ Ðề tâm thì mới có thể thành tựu Vô Thượng Ðạo. Nay con có lòng vậy, ta hết sức đồng ý, cũng thật là phù hợp với giấc mộng xưa kia vậy. Nay ta đã già, ngày tháng chẳng còn bao lâu, các anh chị con đều đã tự lập. Con nên ở lại để phụng dưỡng cha mẹ; khi ta mất rồi, con xuất gia tu hành, lúc đó cũng chẳng muộn."

Ngài vâng lời cha mẹ, rồi sau đó hằng ngày thường theo mẹ lạy Phật. Lạy Phật xong, Ngài lạy cha mẹ.

Ngày qua ngày, đông tàn xuân đến, Ngài cung kính phụng dưỡng song thân như đối với Phật vậy. Chẳng bao lâu tiếng tăm hiếu thảo đồn khắp bốn phương, khi đó mọi người đều gọi Ngài là Bạch Hiếu Tử (người con chí hiếu họ Bạch).

Năm Ngài 19 tuổi thì mẹ Ngài qua đời; bấy giờ Ngài từ giã họ hàng lên chùa lạy Hoà Thượng Thường Trí làm Thầy và quy y, chính thức xuất gia, thọ giới. Sau đó, Ngài về lại nơi mộ phần thân mẫu để thủ hiếu trong ba năm. Suốt thời gian ấy, Ngài sống trong một túp lều tranh nhỏ, ngày ngày tọa Thiền, đọc tụng kinh điển Ðại Thừa và niệm danh hiệu Phật A-Di-Ðà. Rất nhiều lần Ngài ngồi Thiền rồi nhập Ðịnh, liên tiếp trong nhiều tuần lễ chẳng rời thiền sàng.

Một đêm nọ, dân trong thôn gần đó hốt hoảng thấy túp lều tranh của Ngài hừng hực lửa đỏ. Ánh lửa hồng phừng thẳng lên giữa không trung và túp lều tranh thì sáng rực như ban ngày. Nhiều người chạy đến mộ, hô hoán: "Nhà Hiếu Tử bị cháy rồi!" Cả trăm người trong làng hè nhau xách gáo, đem xô tới để chữa cháy. Song, khi tới nơi họ chỉ thấy túp lều tranh bình lặng, lửa chẳng cháy và Ngài thì vẫn an nhiên, tĩnh mặc trong Thiền Ðịnh!

Có lần Ngài đang tọa Thiền thì chợt có vị khách đến viếng. Vị khách ấy, ngạc nhiên thay, chính là Lục Tổ Huệ Năng! Ðức Tổ Sư dạy Ngài rằng trong tương lai Ngài sẽ tới Mỹ quốc để độ sinh, rằng ở Tây phương Ngài sẽ gặp nhiều kẻ hữu duyên có thể hoằng dương Phật Pháp và Ngài sẽ độ vô lượng vô biên chúng sanh. Mãi đến lúc Ðức Tổ Sư từ biệt quay đi rồi, Ngài mới choàng tỉnh, nhớ lại rằng Ðức Huệ Năng vốn là người đời Ðường, 1.200 năm về trước. Sau Ðệ Nhị Thế Chiến, Ngài vân du khắp nơi. Cuối cùng, trải hơn ba ngàn dặm, Ngài tới chùa Nam Hoa, bái kiến vị Ðại Thiện Tri Thức của thời bấy giờ là Lão Hòa Thượng Hư Vân. Lão Hòa Thượng lúc ấy đã 109 tuổi; vừa nhìn thấy Ngài, Lão Hòa Thượng liền nhận ra ngay sự chứng ngộ của Ngài. Khi đó, Lão Hòa Thượng nói: "Như thị, như thị!"; và Ngài cũng đáp lại: "Như thị, như thị!"

Bấy giờ, Lão Hòa Thượng Hư Vân ấn chứng sở đắc của Ngài, và Ngài chính thức trở thành vị Tổ thứ chín của dòng pháp Quy Ngưỡng.

Sau đó, Lão Hòa Thượng dạy Ngài ở lại chùa đảm nhận chức Viện Trưởng Viện Giới Luật của Chùa Nam Hoa.

Năm 1950, Ngài từ giã chùa, lên đường sang Hương Cảng. Ở đây, Ngài sống tại một sơn động biệt lập, chẳng lai vãng gì đến bụi trần, tục lụy. Chẳng bao lâu, có vô số Tăng-lữ từ Trung Hoa Ðại Lục qua Hương Cảng tỮ nạn, và họ cần sự giúp đỡ của Ngài. Cuối cùng, ứng với nhân duyên, Ngài rời sơn động, lập ra giảng đường và hai ngôi chùa, cùng trợ giúp xây dựng nhiều đạo tràng khác.

Trong suốt mười hai năm ở Hương Cảng, Ngài là tấm gương sáng, khổ hạnh, tinh tấn tu Ðạo, quên mình vì Phật Pháp. Ngài đã ảnh hưởng vô số thiện nam tín nữ, khiến họ phát tâm Bồ Ðề, quy y Tam Bảo, ủng hộ Phật Pháp.

Năm 1962, Ngài đến San Francisco, Mỹ Quốc. Tại đây, nơi một nhà kho nhỏ, Ngài kiên trì tu hành trong im lặng, chờ đợi cho cơ duyên hoằng dương Ðạo Pháp chín mùi. Lúc ấy, Ngài tự gọi mình là "Mộ Trung Tăng" (nhà Sư trong phần mộ), hay là Hoạt Tử Nhân (người đã chết nhưng còn sống). Những Phật tử hiểu biết sự tu hành chân chính của Ngài đều rất cảm động và cung kính ủng hộ, cúng dường Ngài.

Năm 1968, Ngài biết cơ duyên đã đến; Ngài nói: "Một đóa hoa sẽ nở ra năm cánh." Mùa hè năm đó, Ngài chủ trì Pháp Hội giảng Kinh Lăng Nghiêm trong 96 ngày. Khi Pháp Hội kết thúc, quả nhiên có năm người Mỹ đầu tiên xin xuất gia với Ngài.

Từ đó, Ngài tiếp tục chủ trì nhiều Pháp Hội khác, giảng giải Tâm Kinh, Kinh Ðịa Tạng, Kinh Pháp Hoa, Kinh Pháp Bảo Ðàn v..v... Năm 1971, Ngài giảng bộ kinh tối cao của Ðại Thừa, đó là Kinh Hoa Nghiêm.

Song song với việc giảng Kinh, thuyết Pháp, Ngài còn làm vô số công đức độ sinh khác. Năm 1976, Ngài thành lập Vạn Phật Thánh Thành, nền tảng căn cứ địa để hoằng dương Phật Pháp ở Mỹ Quốc. Tại Thánh Thành, Ngài xây dựng chế độ Tùng-lâm, đào tạo Tăng, Ni, học chúng, tạo nhân duyên thù thắng cho sự chân chính tu hành.

 

Mười Tám Ðại Nguyện của Hòa Thượng Tuyên Hóa

 

Năm Hòa Thượng Tuyên Hóa 19 tuổi thì mẫu thân Ngài qua đời. Sau khi lo liệu chu toàn việc mai táng, Ngài tới Chùa Tam Duyên ở Hợp Nhĩ Tân (Harbin), chính thức xuất gia, lạy Hòa Thượng Thường Trí làm Thầy. Ít lâu sau, Ngài tới mộ phần của mẫu thân thủ hiếu. Năm đó, nhân ngày vía Ðức Quán Thế Âm, ngày 19 tháng 6, Ngài đối trước chư Phật, Bồ Tát phát mười tám đại nguyện:

 

"Kính lạy mười phương Phật,

Cùng với Tam Tạng Pháp,

Quá khứ, hiện tại Hiền Thánh Tăng,

Nguyện rủ lòng tác chứng:

Ðệ tử Ðộ Luân,

Thích An Từ,

Con nay phát tâm rằng:

Chẳng cầu phước báo hàng Trời, Người,

Cùng Thanh Văn, Duyên Giác,

cho đến hàng Bồ Tát quyền thừa.

Duy nương Tối Thượng Thừa

mà phát Bồ Ðề tâm.

Nguyện cùng Pháp Giới chúng sinh,

Nhất thời đồng đắc

A nậu đa la tam miệu tam bồ đề."

1. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Bồ Tát ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp Pháp Giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh Giác.

2. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Duyên Giác ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp Pháp Giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh Giác.

3. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Thanh Văn ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp Pháp Giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh Giác.

4. Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Trời, Người ở trong Tam Giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh Giác.

5. Nguyện rằng nếu có một Người ở trong mười phương thế giới mà chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.

6. Nguyện rằng nếu có một vị Trời, Người, A-tu-la chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.

7. Nguyện rằng trong thế giới loài Súc Sinh, nếu còn một loài nào chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.

8. Nguyện rằng trong thế giới loài Ngạ Quỷ, nếu còn một kẻ chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.

9. Nguyện rằng trong thế giới loài Ðịa Ngục, nếu còn một kẻ chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.

10. Nguyện rằng trong Tam Giới, nếu những kẻ từng quy y với tôi, hoặc là Trời, Người, A-tu-la, các loài bay, lặn, động vật, thực vật, linh giới, rồng, súc sinh, quỷ, thần, mà chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.

11. Nguyện rằng tất cả những phước lạc mà tôi đáng được hưởng đều hồi hướng phổ thí cho tất cả chúng sinh trong Pháp Giới.

12. Nguyện rằng một mình tôi nhận chịu hết tất cả khổ nạn của chúng sinh trong Pháp Giới.

13. Nguyện rằng tôi sẽ phân linh vô số, phổ nhập tâm chúng sinh nào không tin Phật Pháp, làm cho họ bỏ ác, hướng thiện, hối quá sửa mình, quy y Tam Bảo, rồi cuối cùng thành Phật.

14. Nguyện rằng tất cả chúng sinh nào, khi thấy mặt tôi, cho đến chỉ nghe tên tôi, đều phát tâm Bồ Ðề, mau đắc thành Phật Ðạo.

15. Nguyện rằng luôn tôn kính điều Phật dạy, và thực hành mỗi ngày ăn một bữa.

16. Nguyện giác ngộ loài hữu tình, khắp nhiếp thọ các loài căn cơ.

17. Nguyện trong đời nầy tôi sẽ đắc Ngũ Nhãn, Lục Thông, và phi hành tự tại.

18. Nguyện tất cả mọi cầu nguyện đều hoạch đắc mãn túc.

Cuối cùng:

 

"Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.

Phật Ðạo vô thượng thệ nguyện thành."

 


Tám Quy Luật

của Viện Phiên Dịch Kinh Ðiển

 

1. Dịch giả phải thoát mình ra khỏi động cơ tự truy cầu danh lợi.

2. Dịch giả phải tu tâm dưỡng tánh, dứt bỏ đi thói cao ngạo.

3. Dịch giả phải tự chế, không được tự khen rồi chê bai kẻ khác.

4. Dịch giả không được tự cho mình là tiêu chuẩn, là thước đo, rồi hạ thấp kẻ khác bằng cách tìm lỗi lầm nơi tác phẩm của họ.

5. Dịch giả phải lấy tâm Phật làm tâm mình.

6. Dịch giả phải dùng Trạch Pháp Nhãn để phán xét đâu là chân lý.

7. Dịch giả phải cung kính cầu thỉnh Cao Tăng, Ðại Ðức ở mười phương chứng minh cho bản dịch của mình.

8. Dịch giả phải hoan hỷ truyền bá giáo nghĩa nhà Phật bằng cách in Kinh, Luật, Luận một khi phần phiên dịch của mình được chứng minh là đúng đắn.

Tải về xem
 
Khai Thi 5 Tiep Theo 2