của Vạn Phật Thánh Thành
Tại Vạn Phật Thánh Thành đã có thành lập trường Tiểu-học Dục Lương, trường Trung-học Bồi Ðức và trường Ðại-học Pháp Giới, tất cả đều miễn học phí. Ðó tức là nghĩa vụ giáo dục của Vạn Phật Thánh Thành. Bây giờ tôi sẽ kể cho các bạn nghe nhân duyên gì mà mình không thâu học phí.
Nhà tôi ở tại miền núi của huyện Song Thành, tỉnh Ðông Bắc. Vì sự giao thông ở đó rất khó khăn, trong thôn không có trường nên trẻ em đa số thất học và người trong thôn phần lớn đều mù chữ. Mùa thu năm tôi mười lăm tuổi, mới theo học trường tư thục, đọc sách Tứ-thư và Ngũ-kinh. Ðến năm mười bảy tuổi, vào mùa đông thì tôi học xong Tứ-thư và Ngũ-kinh. Thầy giáo tôi tùy theo những điều tôi đã học mà giảng giải cho tôi hiểu nghĩa lý trong sách, tổng cộng tôi chỉ học có hai năm rưởi.
Ðến năm mười tám tuổi, không có sách gì để đọc. Lúc ấy tôi ở nhà nghiên cứu sách y học, đại khái đọc được mười lăm mười sáu cuốn. Nhờ vậy hiểu rõ được đạo lý "vọng vấn thiết văn" (quan sát, hỏi han, chẩn mạch, lắng nghe), tức là bốn cách để khám bệnh, và cũng biết tánh chất "hàn nhiệt ôn bình" (lạnh, nóng, ấm, điều hòa) tức là bốn đặc tính của thuốc. Khi ấy tôi cũng có thể trị bệnh nhưng không muốn khám bệnh cho người ta, vì tôi nghĩ rằng trong một trăm người bệnh nếu có trị lành được chín mươi chín người, còn lại một người không lành hay người ấy chết vì uống sai thuốc hay vì chữa sai bệnh thì cũng mang tội. Bởi vậy tôi không muốn làm nghề thầy thuốc. Hơn nữa từ xưa đến nay tôi không coi trọng tiền bạc và cho đến bây giờ cá tính ấy vẫn không thay đổi.
Cũng tại năm ấy, năm mười tám tuổi, tôi cũng có đọc sách về tướng mạo, sách bốc quái, hay sách về bát-tự, sách về toán mạng v.v.. Ðối với sách thuốc, sách bốc quái, sách tinh tướng, tuy tôi không tinh thông lắm, nhưng cũng hiểu được nghĩa lý của nó. Bất quá tôi không muốn làm nghề đó mà thôi, bởi vì tôi không muốn làm tiền và luôn luôn nghĩ rằng: "Phú quý hoa gian lộ, công danh ngọa thượng sương," tất cả đều vô thường (phú quý như đóa hoa bên đường, công danh như giọt sương trên ngói).
Mùa đông năm ấy, tôi thấy trẻ em trong thôn không có cơ hội để học hành, thật là đáng thương, nên tôi phát tâm thành lập trường miễn phí, không thu học phí gì cả. Lúc bấy giờ có khoảng hơn ba mươi học sinh do tôi một mình đảm nhiệm dạy dỗ. Bởi vì tuổi tác học sinh không đồng đều, sự hiểu biết cũng khác biệt, nên tôi phải tùy theo trình độ của chúng mà dạy. Trường bắt đầu mở cửa từ bảy giờ sáng, đến chiều sáu giờ học sinh mới ra về, trong thời gian đó không có lúc nào nghĩ học cả. Học sinh ra công học tập nên tiến bộ rất mau. Mùa đông trôi qua, khóa học chấm dứt và thành tích của học sinh rất tốt. Chúng hiểu rõ nghĩa và viết được rất nhiều chữ. Ðó là niềm vui mà tôi đã dùng công lao khó nhọc để có được.
Do nhân duyên trên đây mà tại trường Tiểu-học Dục Lương, trường Trung-học Bồi Ðức, và trường Ðại-học Pháp Giới đều miễn học phí. Có người nghi ngờ, hỏi rằng phải chăng như vậy là quá ngu si? Phải chăng tôi không biết giá trị của đồng tiền. Ðúng là ngu si cực điểm, tôi chấp nhận lời bình luận như vậy. Song tôi lại nghĩ rằng giáo dục để đào tạo nhân tài là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời.
Bây giờ nói đến trường Tiểu-học Dục Lương: tông chỉ là dạy dỗ học sinh để thành bậc nhân tài ưu tú, giáo dục chúng trở thành người công dân lương thiện, và thành những con em hiếu thảo, cho nên gọi là Dục Lương.
Về trường Trung-học Bồi Ðức, bởi vì tánh đức của con người có đầy đủ, tròn vẹn, cho nên phải bồi đắp đức hạnh, đề xướng việc tu phước tu huệ. Trường Tiểu-học Dục Lương thì chú trọng đến đạo hiếu: Bách thiện hiếu vi tiên, trong một trăm điều thiện thì đạo hiếu là hàng đầu. Trường Trung-học Bồi-Ðức thì chú trọng đến trung và hiếu: trung với quốc gia, hiếu thảo với cha mẹ.
Muốn làm người công dân lương thiện, biết thương yêu tổ quốc thì cần phải có nhân cách mới có thể chịu mọi thử thách, không bó tay đầu hàng trước hoàn cảnh. Cho nên có câu: "Gia bần xuất hiếu tử, loạn thế xuất trung thần," nhà nghèo thì mới nhận ra con hiếu, nước loạn thì mới xuất hiện bậc tôi trung. Ðó là vì do trải qua thử thách khảo nghiệm cho nên mới thành những con người như vậy. Những kẻ có nhân cách cao thượng, những kẻ có chí nguyện vĩ đại, những kẻ có lòng kiên nhẫn không gì lay chuyển, những kẻ có tài năng làm nên sự nghiệp lớn lao: đó là mục tiêu đào tạo của trường Trung-học Bồi Ðức.
Nói về trường Ðại-học Pháp Giới, sau khi học sinh ở trường Bồi Ðức đã trau giồi đức hạnh của mình cho được tròn đầy viên mãn, thì có thể lên học trường Ðại-học Pháp Giới, để thành bậc nhân tài xuất chúng. Hy vọng các em nam cũng như nữ sẽ trở nên xuất sắc vượt bực hơn lớp người đi trước, tương lai có thể thành kẻ anh dũng đầu đội trời chân đạp đất. Các bạn hãy có tư tưởng vị tha, người khác chìm cũng như mình chìm, người khác đói cũng như mình đói vậy. Phải có tinh thần bao la cùng khắp cả hư không pháp giới, không có gì biến cải được chí nguyện của mình.
Hiện tại đa số những học đường bất luận trường công hay trường tư đều chú tâm làm sao làm tiền học sinh, làm sao học phí mỗi năm mỗi tăng, khiến cho người không có đủ tiền chỉ nhìn mà than thở. Vạn Phật Thánh Thành vì muốn giải quyết vấn đề đó cho nên không thâu học phí, chỉ lấy việc giáo dục anh tài trong thiên hạ làm tông chỉ. Tôi hy vọng rằng học sinh tại Vạn Phật Thánh Thành ý thức được dụng tâm chịu gian khổ của Vạn Phật Thánh Thành, đã hy sinh kinh phí để giáo dục các em trở thành rường cột của quốc gia, những nhân tài để hoằng Pháp. Các em đừng nên cô phụ sự khổ công đào tạo của các giáo sư ở Vạn Phật Thánh Thành, các em phải dụng công học tập. Có câu rằng: "Thư tảo dụng thời phương hận thiểu, sự phi kinh quá bất tri nan," nghĩa là đến lúc dùng sách vở mới ân hận là trí thức mình còn thiếu, việc không trải qua kinh nghiệm thì chưa biết là khó. Bây giờ các em không dụng công học tập, thì tương lai đến lúc cần dùng tới kiến thức của mình, các em sẽ hối hận vô cùng. Ðó là điều tôi cần nói với các em ngày hôm nay.
(Ngày 19 tháng 9 năm 1983)
Rèn Luyện Nhân Cách Cao Thượng
Các em bạn nhỏ của tôi! Các em nên noi gương các vị thánh nhân, các vị hiền nhân, học theo gương các vị đại trượng phu, đầu đội trời chân đạp đất học theo gương những vị anh hùng trong nước và ngoài nước, thuở xưa và ngày nay, để có được nhân cách, đạo đức học vấn và Phật nghiệp của họ.
Bây giờ là thời gian để các em học tập: ở trong lớp thì các em trau giồi kiến thức và kỷ năng, ở ngoài lớp thì các em rèn luyện đạo đức và nhân cách. Khi có kiến thức phong phú và nhân cách được kiện toàn thì sau này các em mới làm nên sự nghiệp lớn lao vĩ đại, và mới đem lại hạnh phúc cho toàn thế giới và nhân loại. Ở đâu các em cũng cần có kinh nghiệm mới có thể tiến bộ. Ðừng sợ thất bại vì thất bại là mẹ thành công. Khi còn trẻ, các em cần có khí phách của bậc anh hùng, oai phong hào khí ngất trời thì tương lai các em mới trở thành nhà diễn thuyết nổi tiếng, bậc nhân tài hoằng pháp xuất chúng.
Bây giờ chính là lúc các em phải xây dựng nền tảng kiên cố về cả hai phương diện học vấn và nhân cách. Nền tảng về nhân cách lại còn trọng yếu hơn nền tảng về học vấn nữa. Người có học vấn mà không có nhân cách thì sau này chỉ làm hại cho quốc gia, gây loạn lạc cho nhân loại. Vì lẽ đó các em cần phải rèn luyện nhân cách cho cao thượng để tương lai phục vụ nhân loại, đem lại lợi ích cho chúng sanh.
Muốn xây dựng nền tảng cho nhân cách được kiên cố, trước tiên các em phải học nói năng cho chính trực, thẳng thắn, và đừng bao giờ nói lời giả dối, hư ngụy. Hãy nhớ nhé! Các em chớ nịnh hót, nói những lời để người khác vui, cũng đừng nói lời trái ngược với lương tâm mình, lời nào cần nói thì nói, không cần phải nói thì đừng nói. Các em phải biết rằng: "Ngôn đa tất thất," nói nhiều lời thì sẽ sai lầm, và rằng "bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu sanh," bệnh là do miệng mà vào, họa là từ lời nói mà ra. Các em phải ghi nhớ, nên thận trọng!
Ðức Mạnh Tử dạy chúng ta ba tiêu chuẩn để rèn luyện nhân cách. Ngài nói rằng:
"Phú quý bất năng dâm,
Bần tiện bất năng di,
Oai vũ bất năng khuất."
Nghĩa là:
1) Lúc mình giàu có phú quí, thì phải giữ qui củ, không được dâm loạn,
2) Lúc mình nghèo hèn thì đừng thay đổi chí khí tức là không bị hoàn cảnh làm cho thay đổi chí hướng,
3) Lúc mình bị thế lực chèn ép thì không khuất phục, không đầu hàng, tức là không bị lợi lộc, vật chất làm cho mất hết danh tiết. Nếu các em có được chí khí cương trực hào hùng như vậy thì mới có thể trở thành những người hữu dụng sau này.
(Ngày 4 tháng 9 năm 1982)
Lầu Cao Vạn Trượng Ðều Từ Dưới Ðất Xây Lên
Các em bạn nhỏ của tôi! Các em nên biết rằng lầu cao một vạn trượng đều từ nơi mặt đất xây lên. Cây cao một trăm trượng cũng từ tấc từ tấc một mà lớn lên. Con người cũng mỗi ngày mỗi trưởng thành. Lúc còn nhỏ phải lập chí nguyện rồi hướng theo mục tiêu mà tiến tới. Nếu không có mục tiêu, không có tông chỉ, không có đường hướng thì cũng giống như người mù mà cỡi ngựa mù, ban đêm có thể rớt xuống hố sâu. Các em coi thử có nguy hiểm hay chăng?
Trẻ thơ giống như miếng vải tinh khiết, nhuộm màu xanh thì ra xanh, nhuộm màu vàng thì ra vàng. Các em tùy theo hoàn cảnh giáo dục mà biến chuyển, cho nên người đời nói rằng: gần mực thì đen gần đèn thì sáng. Các em chịu sự huân tập nhuộm màu của hoàn cảnh. Sách Tam Tự Kinh có nói rằng:
Nhân chi sơ, tánh bổn thiện
Tánh tương cận, tập tương viễn,
Cẩu bất giáo, tánh nãi thiên.
Có nghĩa rằng con người lúc ban sơ thì tánh tình vốn thuần thiện. Tánh tình của mọi người gần giống như nhau, nhưng do thói quen huân tập mà người nầy mới khác người kia, do đó lúc còn nhỏ mà không giáo dục thì tánh tình sẽ thay đổi.
Các em thọ hưởng nền giáo dục ở Vạn Phật Thánh Thành, nếu thực hành được không tranh, không tham, không cầu, không tự lợi, không ích kỷ, không vọng ngữ, thì trong tương lai đối với quốc gia xã hội các em nhất định sẽ có cống hiến lớn lao. Ở Vạn Phật Thánh Thành đã thành lập Ðại-học Pháp Giới, Trung-học Bồi Ðức, Tiểu-học Dục Lương và đều lấy sáu điều tông chỉ trên đây làm phương châm giáo dục.
Các thầy cô giáo viên của trường đại, trung, và tiểu học! Các vị hãy tâm niệm nhiệm vụ giáo dục con em cho mai sau. Ðây là công tác thần thánh. Hãy dạy dỗ học sinh để chúng trở thành kẻ có nhân cách tận thiện tận mỹ, học vấn sâu rộng, tương lai không thành những thứ lưu manh, du đãng, những thứ vô loại trộm cướp, mà là những công dân tốt biết giữ nề nếp quy củ. Hiện tại nền giáo dục bị thất bại là vì sao? Là bởi vì chủ nghĩa cá nhân ích kỷ đã tác hại. Ða số người ta mở trường học là để kiếm tiền, do đó họ muốn có học sinh càng nhiều càng tốt và hủy hoại tông chỉ cao thượng của giáo dục.
Các thầy cô thân mến,
Các vị hãy áp dụng tinh thần "coi con em người khác như chính con em mình" để giáo dục các em. Trẻ em là tài nguyên của đất nước, và cũng là nền tảng của quốc gia. Ðất nước mà tài nguyên không đủ, nền tảng không kiên cố thì làm sao trở nên giàu mạnh được? Các vị hãy gắng công!
Hãy Học Cho Giỏi Mới Trọn Vẹn Ðạo Hiếu
Quán Âm Thất kỳ này có nhiều học sinh tới tham _gia. Các em phải hiểu rõ đạo lý hiếu thảo với cha mẹ. Lúc còn ở nhà thì mình nghe lời, giúp đỡ cha mẹ dọn dẹp phòng ốc nhà cửa, quét tước sạch sẽ, giúp cha mình cắt cỏ, làm những việc cần làm, lúc đi học ở trường thì phải nghe lời thầy giáo, chuyên tâm nghe giảng bài, dụng công học tập, không nên để thời gian trôi qua lãng phí. Một ngày mình phải biết được một chữ, một ngày mình phải học một câu hay, đó là biểu hiện hiếu thảo với cha mẹ rồi đấy.
Các em nhớ lấy, ở trong trường mình phải làm người học sinh giỏi, về tới nhà, mình phải làm người con tốt. Không những mình phải nghe lời cha mẹ dạy dỗ, mà mình phải nghe lời những người lớn tuổi hơn chỉ bảo. Cần hiếu thảo với cha mẹ, cần cung kính với người lớn tuổi, bởi vì họ là người có kinh nghiệm nhiều hơn mình, họ có học vấn phong phú dồi dào hơn mình. Do đó các em cần phải học tập nơi họ, coi họ là gương, mới có tiền đồ quang minh xán lạn, nếu không thì con đường trước mặt của mình sẽ mờ tối, tương lai đời em sẽ chẳng còn hy vọng nữa.
Là học sinh, các em cần có mục tiêu rõ ràng, định chí nguyện kiên cố, phải có lòng kiên nhẫn, chẳng hề bị lay chuyển, dù gặp trăm ngàn khó khăn cũng không thối lui, có tinh thần như vậy, thì sau nầy mới làm nên việc vĩ đại, thành bậc anh hùng hào kiệt. Lúc các em học hành thì phải dụng công đọc sách, không thể chơi đùa phá phách mất thì giờ, phải nhận chân học hành tất cả mọi thứ cần thiết. Như vậy, thì mới không phụ lòng cha mẹ, không phụ lòng thầy cô, không phụ lòng nhà trường.
Các em nên biết, đây là trường học của Phật giáo, chuyên môn giáo dục, dạy dỗ bậc hiền tài, để tương lai các em ra trường sẽ trở thành người hữu dụng cho thế giới. Hy vọng các em vì thế giới nhân loại mà mưu đồ hạnh phúc, không nên để cho thế giới trở nên suy đồi. Ðó là hy vọng của trường mình. Các em ở đây học hành mọi thứ cần phải học tập một cách chân thật, nghĩa là dù một phút thời gian cũng không nên lãng phí, rằng "Thư sơn hữu lộ cần vi kinh, học hải vô nhai khổ tác châu," núi sách vở có đường, con đường ấy là siêng năng; biển học vấn thì vô bờ bến, nhưng phải lấy sự gian khổ làm thuyền, thì có thể vượt qua được.
Các em phải có tinh thần nhẫn khổ nại lao, không nề hà gian nan, chẳng nên làm biếng mà phải tập tánh cần kiệm, đối với một trang giấy hay một cây viết cũng phải quý trọng nó, đừng nên tùy tiện vứt bỏ đi, trong sinh hoạt cần có qui luật, tối ngủ sớm, sáng dậy sớm, bớt coi ti vi, đọc nhiều sách có trí huệ, trong trường học có bài vở nào, về nhà phải làm cho hết, lúc nào cũng ôn tập nó, bởi vì "ôn cố nhi tri tân," do ôn tập sách xưa mới học được trí thức mới. Sách coi qua một lần cũng có cái tốt của nó, các em chớ coi những sách hoạt họa vô ích.
Ở Trung Quốc, vào thời Ðông Hán có một em nhỏ tên là Khổng Dung, thông minh vô cùng, lại biết hiếu thảo. Một ngày nọ, bạn bè tặng gia đình em một rổ trái lê, người anh lớn của Khổng Dung chọn một trái lê lớn nhất, lúc ấy Khổng Dung chỉ mới bốn tuổi mà đã biết lễ nghĩa đạo lý, cho nên em chỉ chọn trái lê nhỏ nhất, cha em mới hỏi rằng:
"Vì sao con không lấy trái lê lớn nhất?"
Khổng Dung trả lời: "Bởi vì con tuổi nhỏ, con chỉ ăn trái nhỏ mà thôi, những trái lớn xin nhường lại cho cha mẹ và anh con."
Các em nghĩ xem, Khổng Dung mới có bốn tuổi, mà nó đã biết được phong cách khiêm nhường, thương yêu anh em, hiếu thảo với cha mẹ. Ðức hạnh như vậy không phải là trẻ em nào cũng có, tiếng thơm của em ấy, lưu truyền thiên cổ, người nào cũng biết, bởi vậy mới có câu rằng: "Dung tứ tuế, năng nhường lê," nghĩa rằng Khổng Dung mới bốn tuổi đã biết nhường trái lê.
Cũng tại thời Ðông Hán có một em bé tên là Hoàng Hương, lúc em mới chín tuổi thì mẹ em chết, em đối với cha vô cùng hiếu thảo. Lúc trời mùa đông thì em dùng thân mình để sưởi ấm giường chiếu của cha mình, em sợ rằng cha mình bị lạnh. Ðến lúc mùa hè, em dùng quạt để quạt giường cha mình, vì sợ cha nóng bức, đó cũng là tâm hiếu thảo mà nhân gian mãi mãi lưu truyền, rằng: "Hương cửu tuế, năng ôn tịch," nghĩa rằng Hoàng Hương mới chín tuổi mà đã biết quạt giường cha mình.
Hai em bé đó hành động như vậy của chúng là do tâm chơn thành bộc lộ ra, không phải là chỉ bề ngoài giả tạo để lừa bịp người khác, hành vi như vậy đáng để mình bắt chước. Các em đều là những trẻ thơ, cần học tập gương của hai em bé này, hiếu thảo với cha mẹ như thế nào, hãy lấy đó mà làm gương.
Các em rất may mắn, được sanh trong nước giàu có, sinh hoạt an định, vật chất phong phú. Ở trong hoàn cảnh ưu việt tốt như vậy, các em không học cho giỏi là cô phụ niềm hy vọng của cha mẹ và thầy cô của các em.
Trên đất nước vô cùng sung sướng này, chúng ta luôn cần những người lương thiện, cần những người hiểu rõ đạo lý, hiểu thế nào là thương yêu đất nước, thế nào làm kẻ công dân ưu tú. Các em ở trong trường học Phật giáo mà học thì tương lai phải là mô phạm, là cái gương cho xã hội, lãnh đạo người đời hướng vào con đường thiện. Các em phải lấy sáu tông chỉ của Vạn Phật Thánh Thành làm tiêu chuẩn: Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, và không dối trá. Nếu các em thật sự làm được sáu điều này thì tương lai các em sẽ trở thành người ưu tú nhất trong thế giới. Tôi hy vọng các em sẽ trở thành người thập phần toàn vẹn, thành kẻ có thể ảnh hưởng người đời cải ác hướng thiện, làm người có tâm đại từ bi, ban sự khoái lạc cho chúng sanh, diệt trừ những nỗi thống khổ của họ. Ðược như vậy thì thế giới này sẽ trở thành chốn đại đồng.
Trẻ Em Là Rường Cột của Nước Nhà
Các bạn nhỏ thân mến! Các em hãy ngồi ngay _thẳng, yên lặng lắng nghe những điều tôi muốn nói hôm nay. Các em là những cây non mỗi ngày mỗi lớn cao, tương lai các em sẽ là rường cột cho đất nước mình. Các em cần làm nên sự nghiệp vĩ đại hiển hách, đem lại hòa bình cho thế giới, đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Các em sanh ra ở đất Mỹ này thì phải làm cho đất nước này được quản lý tốt đẹp, khiến cho quốc gia không có chiến tranh nữa, vĩnh viễn được hòa bình, và cả cho toàn giới, mọi nơi mọi nước đều được bình an, đó là nhiệm vụ của các em.
Hiện tại các em hãy đặt nền tảng vững chắc cho việc cứu nước cứu dân mai sau. Trước tiên các em phải học làm con người tốt, tức là các em hãy noi gương những người tốt mà học hỏi, đừng nên học hỏi những kẻ xấu. Thế nào là người tốt? Tức là ở nhà hiếu thảo với cha mẹ,, đến trường thì cung kính sư trưởng, thầy cô, ngoài xã hội thì phục vụ nhân dân, khi làm việc trong chính phủ thì luôn mưu cầu hạnh phúc cho dân chúng, đó là tiêu chuẩn của người tốt. Thế nào là người xấu? Người xấu thì có lòng ích kỷ, chỉ mưu cầu lợi ích cho riêng mình, vong ân bội nghĩa. Người tốt trị nước sẽ khiến đất nước giàu mạnh, chẳng có chiến tranh. Người xấu mà trị nước thì làm mất nước.
Các em là những người đi trước bởi vì các em học làm sao để báo hiếu cho cha mẹ, làm sao để phục vụ nhân quần. Tương lai các em sẽ đem lại hòa bình cho đất nước nầy, đem tất cả vũ khí sát nhân mà hủy diệt đi: "Mã phóng nam sơn, đao thương nhập khố," nghĩa là thả những con chiến mã về núi không dùng nữa, và đem gươm giáo chất vào kho, không cần tới nữa. Ðó là trách nhiệm của các em, phải làm sao hóa giải không khí chiến tranh trên thế giới này, khiến cho ai ai cũng được an cư lạc nghiệp, áo quần ăn uống đầy đủ. Lúc đó thế giới nầy mới có thể trở thành "Thế Giới Ðại Ðồng" vậy.
(Ngày 20 tháng 8 năm 1983)
Thế Nào Là Ðôn Phẩm,
Thế Nào Là Lập Ðức
Các em bạn nhỏ! Các em muốn làm tròn trách _nhiệm cứu thế cứu nhân cứu đời cứu người chăng? Ðầu tiên các em phải đôn phẩm lập đức. Thế nào là đôn phẩm? Ðôn tức là đôn hậu. Phẩm là phẩm cách, có nghĩa rằng các em phải học làm sao cho kiến thức được phong phú, phẩm cách được cao thượng, đừng hút thuốc, đừng uống rượu, đừng hút xì-ke, cũng đừng bài bạc rượu chè, cũng đừng làm những hành vi bất lương không tốt. Chẳng nên học những kẻ không có trí thức trong quá khứ, đối với quốc gia thì họ không làm tròn trách nhiệm, đối với xã hội thì họ không làm tròn nghĩa vụ, luôn luôn tùy tiện chẳng chịu giữ quy củ cho chính mình, trở thành kẻ chỉ làm tổn hại đến người khác. Họ là thứ mình gọi là A-tu-la trong nhân gian, chỉ biết đấu tranh mà không biết hòa bình, những người ác như vậy chỉ thành những kẻ ăn hại cho quốc gia.
Các em giờ đây giống như những cây non đang từ từ nảy nở, do đó lúc nào cũng phải chú ý chặt bớt đi những cành nhánh vô dụng, để cây có thể mọc thẳng lên trên cao, tương lai thành một cây to lớn vĩ đại, có thể dùng làm vật liệu xây dựng được. Rằng "Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người." Các em hiện tại đang ở trong thời gian phải học tập, do đó đừng nên tiêm nhiễm những thói hư tật xấu. Hãy nhớ lấy! Các em phải trưởng dưỡng cho mình phẩm cách cao thượng, giữ gìn tiết tháo liêm khiết trong sạch. Nếu được như vậy, thì tương lai các em sẽ trở thành lãnh tụ của thế giới.
Thế nào là lập đức? Lập có nghĩa là kiến lập, thành lập. Ðức là đức hạnh, nghĩa là kiến lập đức hạnh cho chính mình, tức là hiếu thảo với cha mẹ, bởi vì "Bách thiện hiếu vi tiên," trong một trăm điều thiện, hiếu đứng đầu. Không hiếu thảo với cha mẹ, thì dù hàng ngày các em có lạy Phật cũng không có ích lợi gì. Ðối với điểm này thì các em bạn nhỏ cần phải hết sức chú ý.
Ðức hạnh của các em mỗi ngày mỗi lớn lên, mỗi nhiều thêm, thì nền tảng làm người mỗi ngày mỗi thêm kiên cố. Khi cần nói thì các em nên nói lời chính đáng, đúng với chân lý, đừng nên nói những lời không hợp lý, không đàng hoàng. Nói tóm lại, các em hãy nổ lực học tập, để tương lai trở thành người hữu dụng cho xã hội, chẳng nên làm kẻ hư xấu của thế giới. Ðó là điều mà tôi kỳ vọng nơi các em.
Ðồng Tính Luyến Ái -
Chính Là Tự Ðào Mồ Chôn Mình
Các em bạn trẻ! Khi các em học thành tài ra đời _phục vụ, thì nhất định phải an phận thủ thường, giữ gìn quy củ, không nên bắt chước hành vi của kẻ hippy du côn du đảng, cũng càng không nên bắt chước hành động của kẻ đồng tính luyến ái, bởi vì những kẻ đó chẳng những không có cống hiến gì cho đất nước, mà còn làm gia tăng phong khí không tốt cho xã hội. Một gia đình toàn thiện là gia đình được cấu tạo bởi một người nam và một người nữ. Gia đình ấy được cấu tạo như vậy là với mục đích nối tiếp dòng giống, khiến nhân loại được tiếp tục không bị diệt vong. Nếu gia đình mà được cấu tạo bởi những người đồng tính luyến ái, thì nhân loại sẽ tiến tới chỗ tuyệt diệt. Những kẻ nam người nữ mang bệnh đồng tính luyến ái, thì tâm tánh không như người thường, có bệnh chứng biến thái, đây là biểu tượng của thế giới lúc sắp bị tận diệt rồi vậy.
Ở trên đời chuyện gì cũng tương đối, có âm thì có dương, có trời thì có đất, có ngày thì có đêm, có lạnh thì có nóng, có nam thì phải có nữ, đó là lẽ tự nhiên. Nếu con người làm chuyện đồng tính luyến ái, thì nhân loại sẽ bị diệt vong, bởi vì hành động ấy không hợp với đạo lý của trời đất, đó là vấn đề rất nghiêm trọng. Tiếc thay, có những quốc gia lại công nhận đồng tính luyến ái là hợp pháp, thật khó mà hiểu được. Chẳng những quốc gia ấy, đất nước ấy đã không hạn chế mà còn cổ võ, thì không biết tâm ý họ để chỗ nào? Phải chăng họ gián tiếp muốn hủy diệt thế giới? Những pháp luật như vậy, thật là vô cùng sai lầm, từ xưa tới nay chưa từng nghe qua.
Các em bạn nhỏ! Nhất thiết các em đừng nên học theo hành vi của những kẻ đồng tính luyến ái, bởi vì hiện tại những kẻ mang bệnh ấy đang đi tới chỗ chết. Người có bệnh đồng tính luyến ái thì gần như là mắc phải bệnh nan y, tức là bệnh AIDS, hiện nay chưa có phương pháp nào để chữa trị. Phàm là người đã mắc phải bệnh này thì chỉ còn chờ chết, mạng sống của họ chỉ trong vòng hai, ba năm mà thôi. Ðó là trời xanh trên cao đã trừng phạt họ vì họ có hành vi không giữ quy củ. Có câu: "Tự tác nghiệt bất khả hoạt," tự mình phạm tội ác nghiệt thì khó mà sống được. Nếu ai ai cũng mắc phải quái bệnh như trên, thì đất nước sẽ tiêu vong, thế giới sẽ bị hủy diệt, và trở về lại không kiếp.
Các em bạn nhỏ! Các em đối với vấn đề thiện ác hãy phân biệt cho rõ ràng. Ðừng nên sát sanh, đừng nên trộm cắp, đừng nên làm chuyện tà dâm. Ðừng nên nói dối trá, đừng nên rượu chè bài bạc, đừng nên hút thuốc, cũng đừng nên làm biếng giãi đãi, cũng đừng nên buông lung phóng dật. Ðối với bài vở hàng ngày các em phải nổ lực học tập, các em phải rèn luyện bồi dưỡng nhân cách đạo đức của mình, để thành một người có ích cho thế giới, một người hữu dụng.
Tiền Bạc Có Thể
Hại Ðến Thân Mạng
Các em bạn nhỏ! Các em chớ suy tính: Làm sao để _mình lên chức? Làm sao để mình phát tài? Làm sao để có danh vọng trên thế giới? Hay làm sao trên quốc tế ai cũng biết mình? Mà các em nên nghĩ mình phải làm gì để nhân loại được hạnh phúc, mình phải làm gì để đem lợi ích cho mọi người. Chúng ta phải đem hết sức lực để thế giới được hòa bình, để chúng sanh được an lạc. Không phải là ở trên đời này mình cứ tranh danh đoạt lợi, kình chống lẫn nhau, hãm hại lẫn nhau. Nếu vì mục đích nói trên mà mình không nề bất cứ thủ đoạn nào thì chỉ tạo thêm nghiệp tội mà thôi.
Khi tiền bạc chất chứa nhiều rồi, thì sẽ có hại đến thân mạng. Gần đây ở Los Angeles có một chuyện xảy ra. Có một ông nhà giàu nọ bị sát hại. Ông này là người Mỹ, có rất nhiều tiền, song le cuộc sống của ông vô cùng phóng đãng. Bởi vì có quá nhiều tiền nên bị người khác giết chết. Khi ông còn sống, cũng vì tiền mà ông đã tạo ra rất nhiều nghiệp tội, do đó kết quả mới thê thảm như vậy. Tuy có tiền của nhiều vô cùng, nhưng khi chết đi một đồng cũng chẳng đem theo được. Các em hãy nghĩ xem! Như vậy thì cuộc đời có giá trị gì? Có ý nghĩa gì? Vì thế ở trên đời này mình cần làm một người có trí huệ, không nên làm người ngu si. Kẻ có trí huệ thì thông suốt mọi sự một cách rõ ràng, phân biệt thiện và ác, tuyệt đối không làm những chuyện điên đảo ngu muội. Nhưng người ngu si thì suốt ngày chỉ cầu danh cầu lợi, cầu địa vị, cầu quyền thế. Họ không thể nào nhìn thủng được sự giả dối, không thể buông bỏ được cái hư vọng, cho nên thấy điều gì lợi cho mình thì quên mất đạo nghĩa, do đó khi sống như kẻ say rượu và lúc chết như người nằm mộng, hồ đồ mê muội cả một đời. Chúng ta ở trên đời này cần phải giúp đỡ những người khốn khổ, cứu vớt họ ra khỏi nơi nước sôi lửa bỏng. "Vi thiện tối lạc," làm việc thiện là niềm vui cao nhất, bởi vì giúp người là căn bản của hạnh phúc.
(Ngày 22 tháng 9 năm 1983)
Kiến Tạo Một
Nền Tảng Kiên Cố
Tông chỉ giáo dục của Vạn Phật Thánh Thành là trước hết phải xây dựng một nền tảng nhân cách cho thiệt vững chắc, khiến cho các em trong trường tiểu học, trung học, và đại học, ai cũng biết lễ nghĩa liêm sỉ, trung hiếu nhân ái. Tức là phải chú trọng đến tinh thần giáo dục. Làm cho học sinh có được căn bản làm người vững chắc để tương lai các em ra ngoài đời làm việc gì thì cũng theo tư tưởng đạo đức mà làm. Nếu được như vậy thì các em mới có thể làm tiêu chuẩn cho người khác bắt chước, hay làm cái gương cho người khác theo, khiến cho ai cũng có thể nhìn các em mà học tập. Từ từ phong tục tập quán hư xấu của xã hội sẽ được cải thiện biến thành một xã hội mà ban đêm nhà không cần khóa cửa, ngoài đường đồ vật rơi rớt không ai cần lượm.
Xã hội này tại sao không được tốt đẹp? Bởi vì chẳng ai có căn bản làm người vững chắc. Do đó mới bị tài sắc danh thực thùy, (tức là tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ), năm thứ dục vọng như những luồng gió lôi cuốn bốn phương tám hướng, khiến ai cũng hồ đồ mê muội, chỉ biết mưu cầu sự khoái lạc sung sướng, nhưng không biết hiếu đễ trung tín gì cả? Bởi vì không biết đạo lý nhân nghĩa lễ trí tín, cho nên mới làm cho thế giới đầy dẫy chướng khí hắc ám và không còn thể thống gì nữa.
Nền giáo dục ở Vạn Phật Thánh Thành dạy cho học sinh phải có căn bản làm người cho vững, từ đó mới đề cập đến những đức tính khác. Tôi cũng giống như là cây đầm, chuyên đầm đất, đầm sao cho nền tảng đạo đức của các em nhỏ được kiên cố, để tương lai các em có thể trở thành những bậc nhân tài. Ðó là mục đích của tôi.
Các bạn nhỏ! Ðừng nên coi thường! Các em là các vị chủ nhân tương lai của đất nước. Lúc các em lên lớp học tập, ngoài việc nghe theo lời giảng dạy của thầy cô, các em còn phải tập cách diễn giảng. Khi các em đã có kinh nghiệm diễn giảng rồi, thì các em không còn sợ hãi nữa. Tương lai, các em sẽ là những nhân tài có thể hoằng pháp và có được khả năng biện tài vô ngại.
Các thầy cô, các giáo sư! Các bạn hãy chịu khổ thêm một chút nữa để dạy dỗ các em thanh niên nhỏ tuổi này, hãy huấn luyện chúng thành những kẻ có trí huệ, những kẻ có tài năng, những kẻ mà khi thấy việc nghĩa thì mạnh dạn mà làm, hãy dạy chúng sẵn sàng hiến thân để phụng sự cho việc công, bảo vệ pháp luật, trở thành những công dân ưu tú. Các bạn hãy hiểu rằng muốn xây dựng nền hòa bình thế giới, thì phải bắt đầu từ nền giáo dục. Khi nền tảng giáo dục được thiết lập vững chắc, thì quốc gia mới có thể giàu mạnh, thế giới mới có thể hòa bình. Hiện tại bởi vì nền căn bản giáo dục của các quốc gia không kiên cố nên mới tạo ra những thanh niên không biết giữ gìn quy củ, ăn no chẳng có chuyện gì làm, rồi trở thành những kẻ du côn lãng tử.
Tôi dám nói rằng những học sinh tiếp thụ nền giáo dục ở Vạn Phật Thánh Thành, bất luận là các em sinh viên đại học, hay là các em học sinh ở trung học, tiểu học, ai ai cũng biết giữ quy củ, biết bổn phận làm người, biết làm sao để tài bồi đức hạnh của mình. Tôi hy vọng các em lấy đó làm phương châm, nổ lực học tập để trở thành những người hữu dụng cho đất nước.
Khổng Tử - Nhà Ðại Giáo Dục
Vào thời Xuân-Thu Chiến-Quốc ở bên Trung Hoa, có vị đại thánh nhân ra đời, tên là Khổng Tử. Ngài suốt đời chu du các nước để tuyên dương học thuyết nhân nghĩa đạo đức, hiếu đễ trung tín, song le không được ai hoan nghinh tiếp nhận, đâu đâu cũng bài xích Ngài cả. Tuy Ngài gặp hoàn cảnh không vừa ý như vậy, nhưng Ngài vẫn không thay đổi tông chỉ giáo dục, Ngài vẫn thủy chung đề xướng chủ nghĩa đại đồng.
Khổng Tử là nhà đại giáo dục. Ngài đề xướng một nền giáo dục bình dân được phổ cập tới tất cả mọi người. Ngài có tinh thần "dạy không hề nhàm chán, học không biết mỏi mệt." Ngài không sáng tác, chỉ chép lại tích cũ người xưa. Ngài tin vào những điều của thánh nhân nói xưa kia, rồi đem ra thực hành. Cuối đời, Ngài san định năm cuốn: Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân Thu, tức là Ngũ-kinh.
Khổng Tử có ba ngàn học sinh. Ngài thông suốt lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số, gọi là lục nghệ. Ðệ tử Ngài có bảy mươi hai người cũng thông suốt lục nghệ. Lễ tức là những lễ tiết, lễ nghi về hôn nhân, mai táng, hay là cúng tế. Nhạc tức là âm nhạc. Xạ tức là bắn cung. Ngự tức là cởi ngựa, đánh xe. Thư tức là ghi chép, lịch sử. Số tức là toán thuật. Mỗi một môn nào cũng phải hoàn toàn tinh thông, thì mới được gọi là một người hoàn toàn.
Phương châm giáo dục của Khổng Tử là lấy con người làm trọng tâm, lấy thân mình làm gương. Môn đệ của Ngài có bốn hạng xuất sắc:
1. Xuất sắc về đức hạnh, có ngài Nhan Hồi và Mẫn Tử Khiêm.
2. Xuất sắc về ngôn ngữ, biện luận có ngài Tử Hạ, và Tể Ngã.
3. Xuất sắc về chính trị, có ngài Tử Lộ, và ngài Nhiễm Hữu.
4. Xuất sắc về văn học, có ngài Tử Hạ và Tử Du.
Khi Ðức Khổng Tử qua đời, Nho-giáo phân làm hai phái. Tăng Tử thì chủ trương truyền Ðạo, và Mạnh Tử đại biểu cho phái này, trở thành phái chính thống. Tử Hạ thì chủ trương truyền Kinh, và ông Tôn Tử là đại biểu của phái này. Phái truyền Kinh thì hưng thịnh vào ba triều đại Hán, Ðường, và Thanh. Phái truyền Ðạo thì hưng thịnh vào ba đời Tống, Nguyên, và Minh.
Mọi sự việc trên đời đều có liên hệ tương quan, cũng giống như bên Trung Hoa, ba đạo Nho, Phật, Lão, đều hỗ trợ lẫn nhau. Nho-giáo thì như ở trình độ sơ đẳng, tức là tiểu học, Ðạo-giáo thì như là trình độ trung học, còn Phật-giáo thì như là trình độ đại học. Ðạo lý của ba tôn giáo này đều có liên quan, song le người ở tiểu học thì không biết được trình độ của lớp trung học, nhưng kẻ ở đại học thì biết được trình độ và bài vở của lớp trung học hay tiểu học.
Nho giáo thuyết giảng đạo lý làm người, thí dụ như rèn luyện nhân cách cho lương hảo. Ðạo giáo một nửa thì chú trọng rèn luyện nhân cách đạo đức, còn một nửa thì chú trọng đến việc tu hành xuất thế. Do đó các vị đạo sĩ thì chẳng cạo đầu, cạo râu, không khác gì người tại gia cả. Họ chỉ mặc y phục của những vị ẩn sĩ thời cổ xưa. Phật giáo thì phải cạo râu cạo tóc, mặc áo hoại sắc, không chú trọng đến bề ngoài, song le áo cà-sa thì không bao giờ rời thân và phải thể hiện Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni tướng. Phật giáo là tu pháp xuất thế, phải chăng là ly khai pháp thế gian, tạo ra một Phật pháp riêng biệt? Không phải đâu. Chỉ cần phải nhận thức pháp thế gian một cách rõ ràng, không bị nó làm mê muội, đó chính là Phật pháp.
Có người chủ trương tam giáo hợp nhất, (tức là Ðạo giáo, Khổng-giáo và Phật giáo hợp thành một), cho nên có câu:
Hồng hoa bạch ngẫu thanh hà diệp,
Tam giáo nguyên lai thị nhất gia.
(Hoa hồng, thân trắng, lá xanh,
Ba tôn giáo ấy vốn chung một nhà.)
Ðó là biểu thị đạo lý vậy. Căn bản của Phật giáo, để phát khởi tâm tín ngưỡng thì chính là Nho giáo, do đó cần phải đọc sách, hiểu rõ nghĩa lý, trước hết phải hiểu thế nào là căn bản làm người, sau đó mới theo Pháp mà tu hành: Quy nguyên tánh vô nhị, phương tiện hữu đa môn. Nghĩa là: trở về nguồn thì tánh không hai, nhưng phương tiện thì có nhiều cửa vào. Người học Phật Pháp cần phải thông suốt đạo lý nầy.
(Ngày 25 tháng 9 năm 1983)
NÓI CHUYỆN VỚI HỌC SINH
TRƯỜNG DỤC LƯƠNG VÀ TRƯỜNG BỒI ÐỨC
(Vạn Phật Thành ngày 23 tháng 9 năm 1983)
Ngày hôm nay các bạn học sinh nhỏ tuổi lên diễn đàn nói điều tâm đắc, tuy các em nói ngắn nhưng rất có ý nghĩa.
Có những em tuổi đời tuy nhỏ nhưng đã biết rằng nói láo là một hành vi gian dối. Hễ mình lừa người khác thì tương lai sẽ bị người khác lừa lại. Ðó là nhân quả tuần hoàn, là đạo lý của quả báo.
Có em còn đọc thuộc lòng được bài Ðại Ðồng của Ðức Khổng Tử làm cho tôi rất hứng thú. Hy vọng các em người Hoa, người Mỹ, người Việt, người Miên, người Lào, tất cả đều có thể đọc thuộc lòng bài Ðại Ðồng; và không những dùng Anh văn đọc được mà có thể dùng tiếng mẹ đẻ mà đọc được nữa.
Hôm nay tôi cho các vị biết tin này, người tị nạn tới đây nếu là các em học sinh, hễ ai muốn ở lại Vạn Phật Thành để học thì tôi rất hoan nghinh! Các em sẽ được học bổng miễn phí. Song các em phải sinh hoạt một cách độc lập; cha mẹ các em có thể ở ngoài làm việc, còn các em thì ở trong Vạn Phật Thành để học hành, đây là cơ hội khó kiếm được vậy!
Thời gian còn đi học là vàng ngọc bởi vì trí nhớ của mình còn tốt. Bởi vậy đọc sách gì cũng nên học thuộc lòng thì mới không quên mất được. Khi còn đi học thì mình phải nên hết sức nỗ lực, không nên ham chơi, không nên lãng phí để cho thời gian trôi qua. Người xưa nói rằng: "Nhất thốn quang âm, nhất thốn kim, Thốn kim nan mãi thốn quang âm." (Một tấc thời gian là một tấc vàng, Tấc vàng khó mua được tấc thời gian.)
Các em cần phải ghi nhớ điều đó! Nếu các em không dụng công học hành thì tương lai tiền đồ chẳng có hy vọng lắm đâu. Các em học tri thức, học kỷ năng, học làm người, học làm sao trở thành người tốt. Thế nào là học làm người tốt? Tức là học đừng có nổi giận, đừng có tranh cãi với bạn bè, đừng tham cầu, thì đó là người học sinh tốt!
Các em hãy nhìn xem, người đời ai cũng có lòng tham, ai cũng có điều sở cầu, và ai cũng có đủ thứ phiền não. Những thứ đó đều do tâm tham lam mà có. Tuy nhiên, cầu xin cũng phải cho hợp lý, không thể vọng cầu viễn vông được. Không thể tham tiền tài bất nghĩa, không thể cầu cái phước mà mình chẳng có phần, cũng đừng nên có tâm ích kỷ, tâm tự lợi. Phải lấy Sáu Tông Chỉ của Vạn Phật Thành làm mục tiêu thì tương lai ra ngoài phục vụ xã hội chẳng những không nhiễu loạn xã hội mà còn làm cho xã hội an bình nữa.
Tôi hy vọng các em sẽ làm người chính nhân quân tử quang minh lỗi lạc, tương lai sẽ trở nên bậc xuất chúng, anh tài. Các em đừng nên học thói lỗ mãng, tác phong vô lại, ham ăn mà lười học, lúc nào cũng làm chuyện lôi thôi, phá rối xã hội. Tôi cũng hy vọng các em đừng học thói "hippy," đừng nên hút thuốc, uống rượu, xì ke, ma túy. Các em cần phải làm cho mình có kiến thức học vấn sung mãn, thành kẻ có phẩm hạnh ưu tú.
Ở tại Vạn Phật Thành, các em được dạy tiếng Anh, tiếng Hoa, v.v... Học được các ngôn ngữ khác, đó là cơ hội rất hiếm có vậy. Các em đừng bỏ lỡ cơ hội, hãy nỗ lực học tập.
Từ đây về sau sẽ định rằng mỗi chiều Thứ Sáu các em sẽ tới diễn đàn này để luyện tập diễn giảng. Các em đừng nên sợ hãi, hãy nói cho lớn tiếng, và phải "lý trực khí tráng," nghĩa là luận lý cho vững, tác phong cho hiên ngang. Bởi vì:Thục năng sinh xảo.(Luyện tập thành thục thì trở nên tinh xảo.)
Luyện tập một thời gian lâu thì tự nhiên có thể nói thao thao bất tuyệt. Sau này các em sẽ thuyết giảng được những đạo lý cao thâm, trở thành những diễn thuyết gia mà mọi ngưòi nhất định sẽ phải hoan nghinh. Hiện tại là cơ hội để các em tập luyện. Hàng ngày, nếu các em có thể tuyên dương chân lý, nói như nước chảy, vấn đề nào cũng có thể giảng đặng thì các em rất chóng trở thành những nhân tài để hoằng Pháp. Ðây là thời gian tốt đẹp nhất rất khó gặp vậy, các em đừng cô phụ lòng tôi. Cổ nhân nói rằng:
"Thư sơn hữu lộ, cần vi kính,
Học hải vô nhai, khổ tác châu."
(Núi sách có nẻo: đường vào là siêng năng.
Biển học không bến: dùng gian khổ làm thuyền.)
Nếu các em có thể dùng tinh thần này mà dụng công học tập thì tương lai nhất định sẽ có cống hiến lớn cho quốc gia.
Tải về xem