Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Khí đốt, vũ khí chiến lược để Vladimir Putin phản công Liên Âu
 
 
Tổng thống Vladimir Putin tại diễn đàn kinh tế Saint-Petersbourg ngày 18/06/2022. Điện Kremlin dùng khí đốt như một loại vũ khí để phản công phương Tây trừng phạt kinh tế của Nga. AP - Gavriil Grigorov
 
Anh Vũ
 
Điều khiển đóng mở van cấp khi đốt cho Châu Âu theo ý muốn như đòn cân não phương Tây, tổng thống Nga Vladimir Putin đang có trong tay thứ vũ khí chiến lược để phản công lại các trừng phạt kinh tế của Liên Âu.
 
Sau 10 ngày ngừng để bảo dưỡng, đường ống dẫn khí đốt Nga Nord Stream 1 trở lại hoạt động. Nhưng chỉ được chưa đầy 5 ngày sau, hôm 25/07/2022, Gazprom, nhà cung cấp khí đốt duy nhất của Nga cho Châu Âu thông báo ngay từ ngày 27/07/2022 giảm 33 triệu mét khối khí đốt cung cấp cho Châu Âu mỗi ngày qua đường ống Nord Stream 1. Lý do là bị cấm vận liên quan đến tua-bin nén khí đang bảo trì.
 
Trong tháng 6, Nga đã hai lần cắt giảm khối lượng khi cung cấp cho Châu Âu cũng với lý do tương tự. Các nước Liên Hiệp Châu Âu, giờ đây rơi vào hoàn cảnh không biết lúc nào bị Nga cắt hẳn nguồn cung cấp khí đốt, đang đôn đáo tìm đủ mọi giải pháp ứng phó, từ việc đổ xô đi tìm nguồn cung thay thế từ Azerbaïdjan, Algeri, đến các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh, hay gần đây là quyết định cắt giảm tiêu thụ để tích trữ cho mùa đông tới cũng như về lâu dài.
 
Trước cuộc chiến tranh tại Ukraina, hơn 40% nhiên liệu tiêu thụ tại châu Âu là do Gazprom cung cấp, giờ đây khối lượng này chỉ còn 20%. Con số giảm còn một nửa này không phải là nỗ lực của Liên Âu muốn thoát khỏi lệ thuộc vào khí đốt Nga, mà đó là do trò chơi đóng mở van cấp khí đốt cho các nước Liên Âu của ông chủ điện Kremlin để phản công các trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga.
 
Trong cuộc đọ sức với phương Tây, ông Vladimir Putin đã nhanh chóng hiểu được rằng khí đốt Nga là thứ vũ khí hiệu quả để chống lại Châu Âu, lúc này đang tìm cách cô lập, gây áp lực tối đa để Kremlin dừng cuộc phiêu lưu quân sự ở Ukraina.
 
Thế nhưng, điện Kremlin tin rằng với lá bài khí đốt, Nga có thể đẩy châu Âu vào hoàn cảnh bất định về năng lượng. Kinh tế bất ổn tất sẽ dẫn đến bùng phát phong trào xã hội chống chính phủ, như kiểu phong trào « Áo vàng » ở Pháp. Mặt khác, rơi vào tình trạng bất an về năng lượng sẽ khiến các nước châu Âu bị chia rẽ, đặc biệt trong các chủ trương trừng phạt mới đối với Nga. 
 
Theo giới quan sát, các nước Liên Hiệp Châu Âu đang rơi vào cái bẫy khí đốt Nga do chính mình giăng ra. Từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược của Nga, Bruxelles đã nhiều lần dọa Matxcơva rằng Liên Âu sẽ chấm dứt hoàn toàn lệ thuộc vào khí đốt của Nga. Nhưng những hậu quả về kinh tế, xã hội nhãn tiền của một chính sách triệt để như vậy đã khiến một số nước, đặc biệt là Đức hay Hungary, ngăn cản hoặc do dự.
 
Với nước Nga, hậu quả tài chính không phải là lớn khi bị giảm hay không còn nguồn xuất khẩu khí đốt sang Châu Âu. Trái lại, tạo ra tình trạng khan hiếm khí đốt sẽ đẩy giá khí đốt lên cao, bù đắp cho khối lượng xuất khẩu giảm. Nhờ vào việc hạn chế hay đe dọa ngừng cấp khí đốt mà năm nay Nga có thể sẽ tăng gấp đôi thu nhập từ khí đốt, theo đánh giá của giới chuyên gia.
 
Liên Âu, trước nguy cơ khủng hoảng, hơn bao giờ hết cần đến sự đoàn kết. Thế nhưng ông Putin đã biết sử dụng khí đốt là vũ khí để chia rẽ các nước trong Liên Hiệp. Đơn cử một việc: Ngay sau khi Bruxelles đề nghị các nước đồng lòng cắt giảm 15% tiêu thụ khí đốt, lãnh đạo ngoại giao Hungary đã vội vàng có chuyến công du Matxcơva. Mục đích chính là để mua thêm khí đốt của Nga. Ai cũng đã thấy Budapest luôn phản đối chủ trương trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu và dường như chưa bao giờ có ý định thoát khỏi lệ thuộc vào dầu lửa và khí đốt Nga. 
 
Trước khả năng kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra là Nga cắt hoàn toàn khí đốt, chiến lược của Châu Âu nhằm vào 3 hướng : Thay thế nguồn khí đốt Nga, đoàn kết và tiết kiệm năng lượng. Kịch bản tồi tệ đó sẽ đẩy Châu Âu vào suy thoái kinh tế, khủng hoảng xã hội, rối ren chính trị và khiến Liên Hiệp Châu Âu suy yếu.
 
Ông Vladimir Putin giờ đây mắt hướng về chiến trường miền Đông Ukraina, nhưng tay luôn đặt trên khóa van đường ống dẫn khí sang châu Âu, sẵn sàng ra đòn cân não với phương Tây. Chuyên gia về chính sách năng lượng Châu Âu Simone Tagliapetra, được nhật báo Libération trích dẫn, nhận định : « Châu Âu đang ở giữa cơn bão năng lượng và có thể sẽ không có đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu cho mùa đông này. Giờ đây, rõ ràng là chiến lược của Putin là làm suy yếu sự hậu thuẫn của Châu Âu cho Ukraina bằng cách dùng khí đốt như một thứ vũ khí ».
 

____________


Đỗ Hứng gởi