Khi người lính quỳ xuống
Khi người lính quỳ xuống, một dân tộc được hòa giải.
Hoa Kỳ hôm nay không phải của một sắc dân. Nước Mỹ bước vào thế kỷ thứ 21 không phải là quốc gia của một sắc dân. Đây là đất nước của nhiều sắc dân làm thành một dân tộc. Dân tộc Hiệp Chúng quốc. Nhiều mầu da và nhiều hoàn cảnh. Yêu ai hãy đem đến Mỹ, vì đây là thiên đường. Ghét ai hay bắt đem qua Mỹ, vì đây là địa ngục. Nhưng địa ngục của dân da đen bị bắt làm nô lệ là chuyện gần 400 năm trước. Mục sự da đen Al Sharpton trong đám tang của anh George Floyd ngày 23 tháng 6-2020 đã lộng ngôn ai oán nói với nước Mỹ rằng quý vị đã không cho chúng tôi được thở. Xin ghi lại lời lẽ bài nói chuyện cay đắng đại ý như sau:
Đây là câu chuyện của người da đen sau 401 năm ở Mỹ. Chúng tôi không thể trở thành người chúng tôi mơ ước Ancre Chúng tôi có thể thông minh hơn nếu không bị thiếu trường học vì quý vị đè đầu gối lên cổ chúng tôi. Chúng tôi không thể tổ chức các công ty hay xoay sở trên đường phố vì quý vị đè đầu gối lên cổ chúng tôi.
Bây giờ chúng tôi phải đứng lên nhân danh anh George Floyd ….Câu chuyện đầu đuôi ra sao mà cả thế giới đã xuống đường biểu tình bày tỏ thái độ. Tổng cộng cả trăm ngàn người biểu dương trên 140 thành phố của 50 tiểu bang Hoa Kỳ và thủ đô các nước toàn cầu. Diễn tiến vô cùng đơn giản. Một anh Mỹ đen vô danh không có thành tích cộng đồng và cũng không phải du đãng nổi danh. Bị báo tin là dùng tờ bạc giả 20 mỹ kim. Bốn ông cảnh sát đến bắt và còng tay sẽ đưa về điều tra. Nếu chỉ có thế thì đã bình yên. Nhưng cơ sự ra sao mà anh da đen to lớn lại bị nằm xuống đất và ông cảnh sát trưởng toán mắt lạnh như tiền lấy đầu gối đè lên cổ. Có hai anh cảnh sát phụ tá giữ cả chân tay. Một anh cảnh sát gốc Á Châu đứng che chắn cho xếp. Nội vụ xảy ra trong 8 phút.
Anh Mỹ đen dường như bất tỉnh sau khi cố kêu rằng Tôi không thở được. Xe cấp cứu được gọi đến chở vào nhà thương thì anh qua đời. Đám cảnh sát cũng không ngờ rằng mình đã trở thành sát nhân. Tuy nhiên nếu câu chuyện chỉ có thể thì đất nước cũng vẫn bình yên. Hồ sơ về cái chết của một anh Mỹ đen vô danh cũng chỉ là tai nạn. Sở cảnh sát đầu tiên quyết định cả 4 anh cảnh sát tạm thời nghỉ dài hạn có lương theo thể thức thông thường. Cho điều tra xong có thể sẽ tiếp tục làm việc lại. Bác sĩ của cảnh sát báo cáo rằng nạn nhân có tiền sử bệnh tật nên coi như tai nạn. Mọi sự sẽ cho qua. Nhưng hiện nay nhân loại của thế kỷ 21 mọi người đều được trang bị vũ khí tự vệ. Đó là Cell phôn cầm tay. Cô gái 18 tuổi và thêm hai người qua đường vô tình quay được đầy đủ 8 phút nghẹt thở của anh Mỹ đen. Có cả tiếng nói chung quanh và câu cuối cùng nạn nhân với cơ thể cao lớn nằm dưới đất đã trở thành đứa trẻ kêu Mẹ ơi.
Trong lúc hơn 100 ngàn người Mỹ chết vì dịch Cô Vít nghẹt thở thì anh Mỹ đen cũng chết vì nghẹt thở dưới đầu gối của ông Mỹ trắng. Câu chuyện tầm thường mở ra trang lịch sử xuống đường làm cả đất nước nghẹt thở. Lỗi lầm vì đâu. Vì tờ bạc giả 20 đồng hay vì toàn dân đều có cell phôn. Thêm một lần nữa dân Mỹ lại học được bài học. Bởi vì có hình ảnh trên cell phôn phổ biến toàn thế giới. Hồ sơ pháp y viết lại rằng nạn nhân chết vì bạo lực. Các cuộc biểu tình phát động. Sở cảnh sát phải bắt giam anh cảnh sát thủ phạm bị truy tố giết người cấp ba. Cuối tuần cả nước biểu tình và thêm trộm cướp đốt nhà, đốt xe. Chính quyền địa phương lại bắt thêm 3 anh cảnh sát tòng phạm và nâng thủ phạm giết người cấp 2. Sẽ không có công lý nếu không có cell phôn. Sẽ không có công lý nếu không có biểu tình. Đặc biệt không phải chỉ có Mỹ đen đi tìm công lý. Rất nhiều nam nữ Mỹ trắng trẻ tuổi và nhiều sắc dân khác tham dự. Công bình mà nói vì gặp mùa Cô Vít đang đóng cửa trường học. Vì Cô Vít đang giữ chân tuổi trẻ trong nhà. Ra đường đấu tranh vì chính nghĩa màu da. Cũng đấu tranh vì đang bị Cô Vít kiềm tỏa.
Thoạt đầu có bọn gian lợi dụng cơ hội cướp cửa và phá phách. Dân nghèo đói tìm cơ hội làm ăn. Tuổi trẻ phá xe chính là đập phá những chiếc xe trong ước mơ không đạt được. Nhưng rồi chính quyền giải quyết xong các vụ trộm cướp. Chỉ còn lại những cuộc biểu dương vĩ đại có tổ chức trong trật tự. Toàn quốc mở lại hồ sơ lịch sử 50 năm cảnh sát giao tình với cộng đồng da mầu. Tổng kết tổn thất hai bên. Trái phải ra sao. Da đen chết có thể là chết oan. Cảnh sát cũng chết vì thi hành nghĩa vụ. Tang lễ hết sức long trọng. Nhưng vợ cảnh sát nói rằng thà thăm tù hơn đám tang to. Cảnh sát bắn là phải chết. Không bắn dọa. Những kinh nghiệm nào đã trải qua và những bài học nào ghi nhận được.
Người trong một nước, phải thương nhau cùng.
Dựa vào câu thơ Việt Nam, xin kể riêng câu chuyện trong nhiều chuyện đáng nhớ. Trong cuộc biểu tình ngày 28 tháng 5-2020, bỗng nhiên có anh cảnh sát Galen Hinshaw 32 tuổi lạc bầy. Buổi chiều tối ở Louis Ville tiểu bang Kentuky. Anh chợt thấy mình cô đơn giữa đám Mỹ đen đang cuồng nhiệt nổi giận. Đoàn cảnh sát vẫn sát cạnh bên nhau bỗng bỏ đi ngả khác. Áo giáp, mũ nón, quân phục và dụng cụ 40 pounds hành trang nặng nề trên người làm anh tưởng không bước đi nổi. Lui dần lại bức tường một nhà hàng đóng cửa. Anh lính dựa lưng vào tường nhìn đám đen đông đảo và hung dữ trước mặt. Anh lo sợ và biết chắc sẽ bị đòn hội chợ. Chưa biết sẽ chống cự ra sao. Nhưng rồi bỗng nhiên có anh da đen bước ra giơ tay ngăn cản, rồi thêm người khác và hai ba anh nữa. Họ đứng trước mặt tổng cộng 5 người hoàn toàn xa lạ làm thành rào cản bảo vệ cho anh cảnh sát cô đơn. Nếu không, đám đông có thể vô tình trở thành hung dữ và gây án mạng. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra. Rồi đám bảo vệ tự nguyện bao vây dẫn anh ra khỏi đám đông và đưa về bên kia chiến tuyến.Cảnh sát thoát hiểm kể lại câu chuyện và gửi lời cảm ơn ân nhân. Thử nghĩ lại lần nữa. Nếu cảnh sát đi lạc bị đánh chết tại chỗ thì tai nạn này sẽ trở thành bi kịch ra sao giữa lúc toàn quốc giao động như bây giờ.??
Hình ảnh ông cảnh sát Mỹ lấy đầu gối đè lên cổ anh Mỹ đen gây nên cái chết kinh hoàng. Nước Mỹ làm sao sửa chữa. Từ tổng thống đến các thống đốc đều không giải quyết được. Tổng thống ra lệnh cho bộ trưởng quốc phòng đem lính dẹp loạn. Ông bộ trưởng công khai từ chối. Nhưng rồi thống đốc cũng đưa vệ binh tham dự. Cảnh sát và vệ binh đến đối diện các đám biểu tình, giải quyết những chỗ du đãng hôi của. Chỗ này chỗ kia cũng có lựu đạn cay và tiếng súng nổ. Khói lửa mịt mùng. Nhưng sự thực không có bạo loạn khủng khiếp. Ở một vài nơi lại còn quay được hình ảnh cảnh sát nhảy nhót với dân biểu tình ngay trên đường phố. Nhưng đã có hình ảnh hết sức xúc động. Có thể coi là chính người lính Mỹ đã giải quyết được vấn nạn kỳ thị chủng tộc. Sau màn đối thoại chính trị giữa anh đại úy quân đội với cô gái Mỹ đi biểu tình, viên sỹ quan quỳ gối cùng với tất cả mọi người. Người lính mang sứ mạng giải tán biểu tình. Nếu thẳng tay đàn áp có thể gây chiến tranh. Nhưng anh đã cùng dân Mỹ đen, Mỹ trắng quỳ xuống cầu nguyện cho hòa bình. Không phải do lệnh của chính quyền, không phải theo đường lối của các chính khách hai đảng Cộng Hòa Dân Chủ. Nghe tiếng gọi của lương tâm khi người lính quỳ xuống, dân tộc Hoa Kỳ đã được hòa giải.
Quan trên trông xuống, người ta trông vào.
Đó cũng là câu đồng giao Việt Nam. Nước Mỹ vĩ đại đang làm gì thế giới cũng theo dõi. Giữa cơn dịch Cô Vít mà đất nước nầy chịu đựng quá nặng nề, thêm hoàn cảnh 2 đảng chia rẽ vì tranh cử. Vậy thì thực sự tinh thần dân tộc này ra sao. Thế giới Hồi Giáo dường như đang thinh lặng theo rõi. Nước Trung Hoa Cộng sản cũng nói rằng Mỹ quốc các anh chê trách nước Tàu đàn áp biểu tình. Để coi cách thức giải quyết của quốc gia cha đẻ của dân chủ và dân quyền làm ăn ra sao? Và Mỹ đã giải đáp thế nào?. Biểu tình thì cũng phát động xuống đường. Những khẩu hiệu cầm tay và những khẩu trang che mặt. Cũng lựu đạn cay khói bay mù mịt. Nhưng làm sao tìm được ở Thiên An Môn ngày xưa có điệu luân vũ giữa người biểu tình và lính dẹp biểu tình. Làm sao tìm được trên đất Hồi Giáo, hay đất cộng sản Tầu có người lính quỳ gối bên cạnh tuổi trẻ xuống đường. Làm sao có cảnh đám tang của nạn nhân vô danh tiểu tốt nhưng đã được cả ngàn người quỳ gối cùng cầu nguyện. Trong số những người quỳ gối bao gồm cả hàng ngũ lãnh đạo quốc gia. Ba trăm năm trước người Mỹ da trắng 2 bên Nam Bắc giữa Cộng Hòa và Dân Chủ đã cùng hy sinh cả trăm ngàn tử sĩ trong cuộc nội chiến vì vấn nạn da đen. Ngày nay người ta quỳ gối cầu nguyện để trả nợ cho 100 năm nô lệ da mầu. So với lịch sử nội chiến Hoa Kỳ, tranh chấp giữa 2 đảng hiện nay dường như vẫn là chuyện nhỏ. Đám tang của nạn nhân vô danh với ước mong chôn cất được một phần lịch sử kỳ thị. Ông mục sư da đen chủ lễ đã nói:”Chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì người khác làm được nhưng chỉ xin quý vị nhấc đầu gối ra khỏi cổ chúng tôi. Bây giờ chúng tôi phải đứng lên nhân danh anh George Floyd ….” Anh Floyd hãy yên nghỉ để cộng đồng da đen đứng lên mơ tiếp giấc mơ của mục sư King.
Giá trị của hai chữ nhiệm kỳ.
Dân chủ và độc tài chỉ khác nhau hai chữ nhiệm kỳ. Tại các nước cộng sản và chế độ độc tài, dân chúng được dạy dỗ là phải hô lớn danh hiệu lãnh đạo muôn năm. Tại Mỹ trong ngôn ngữ chính trị không có chữ muôn năm. Ngày nay dù thương yêu tổng thống đương nhiệm thì dân chúng cũng chỉ có can đảm kêu gào 4 more years. Trong chính trường Mỹ dù thương hay ghét cũng phải giới hạn trong nhiệm kỳ. Bốn năm cũng vừa đủ và đôi khi tám năm lại quá dài. Theo lịch sử ông Bush Cha và ông Carter chỉ ngồi có một nhiệm kỳ nhưng thực sự lại được quần chúng Mỹ thương yêu hơn ông Bush Con và ông Clinton là những tổng thống 8 năm.
Kỳ thị hay không kỳ thị:
Đây là chân lý khôn cùng, phân tích suốt đời không hết chuyện. Nghe nói Hoa Kỳ là miền đất của cơ hội. Cơ hội cho mọi người. Thấy vậy mà không phải vậy. Có người nói rằng ở Hoa Kỳ cơ hội đồng đều mà người da mầu lại còn được nâng đó nhiều hơn. Chuyện này phải dành đề tài cho các chuyên gia phân tích bằng thống kê và dữ kiện mới biết được. Phải sống ở những vùng ảnh hưởng mới hiểu rõ. Thêm vào đó một em bé da đen sinh ra trong một xã hội đen với mọi người cùng hoàn cảnh mới tạm gọi là cơ hội đồng đều. Em bé sinh ra trong nhà nghèo ở Harlem làm sao cạnh tranh được với con nhà da trắng tỷ phú ở California. Ai mà không nhớ Con vua thì lại làm vua, Con ông xã chùa thì quét lá đa. Các sắc dân đã ở chung thì có kỳ thị. Mọi người đều cố vươn lên để chống lại bệnh kỳ thị và bị kỳ thị. Những người da đen tỷ phú đã vượt qua. Những nghệ sĩ, nhưng chính khách, chiến binh và những cầu thủ da đen đã vượt qua. Nhưng số còn lại theo tỷ lệ cao vẫn còn vất vả. Da đen đã có tổng thống, ngoại trưởng, tham mưu trưởng liên quân, các nghệ sĩ. Biết bao nhiêu là hàng ngàn khán giả da trắng say sưa tham dự các trận cầu danh tiếng với hai bên toàn da đen tham dự. Nghệ thuật và sự may mắn xóa mờ lằn ranh kỳ thị của một số, nhưng vẫn còn lại rất nhiều vấn nạn giữa con người. Cứ 10 năm một lần lại có biến cố để chúng ta cùng nhau duyệt lại.Nhưng xin quý vị yên tâm, đừng sợ súng đạn vào tay công lực hay băng đảng cướp của giết người. Thế kỷ 21 ông Trời trang bị vũ khí cho mọi người. Đó là cái phôn hiện đại cầm tay.
Chuyện tình cảm sau cùng.
Nếu hỏi rằng tại sao chúng tôi lại bầy tỏ cảm tình với các bạn da mầu. Đầu đuôi như sau. Hơn 40 năm xưa làm việc thiện nguyện di dân nên có cơ hội biết cơ quan International Rescue Commitee. (IRC). Tổ chức này do da đen lãnh đạo có mặt các tiểu bang và thế giới. Tại địa phương San Jose có văn phòng IRC cùng với USCC đón người tỵ nạn từ khắp nơi và giao lại việc yểm trợ định cư cho cơ quan Immigrant Resettlement and Cultural Center (IRCC) chúng tôi. Còn nhớ nhân vật rất nổi tiếng là ông Mỹ đen Bayard Rustin thành viên quan trọng của IRC đã qua Thái thăm trại ty nạn năm 1978 và về vận động cho chính phủ Mỹ nhận người ty nạn Đông Dương.
Trong thời gian này dư luận Mỹ rất dè dặt về việc giúp tỵ nạn Việt Nam. Ông Rustin đã đăng một trang báo New York Times ngày 19 tháng 3-1978 với tên 80 nhân sĩ da đen và thân hữu danh tiếng để kêu gọi nước Mỹ nhận dân ty nạn Việt Nam. Những công việc này ảnh hưởng đến quyết định của tổng thống Carter cho thêm cấp khoản ty nạn và vận động các nước trên thế giới cùng tiếp tay. Năm trước chúng tôi vẫn còn nhớ tấm lòng của tổng thống Carter nên có mời ông về dự ngày kỷ niệm IRCC. Đúng kỳ ông đi công tác Do Thái không về được nên có gửi thông điệp cho đồng bào thuyền nhân Việt Nam. Những người da đen như ông Rustin và bạn hữu hoặc như tổng thống Carter là ân nhân muôn đời của ty nạn Việt Nam.
paper.jpg
Giao Chi San Jose. giao...@gmail.com (408) 316 8393
usaelection gởi