Không Giả Trung
***
Không Giả Trung (空假中)chỉ cho Tam đế và Tam quán do Thiên Thai tông lập ra.
Đứng về phương diện thực tướng mà nói, thì Không, Giả, Trung được gọi là Tam đế (三諦).
Đứng về phương diện trí năng quán, thì Không, Giả, Trung được gọi là Tam quán.
Không để phá tất cả pháp, Giả để lập tất cả pháp, Trung để đạt lý vi diệu của tất cả pháp. Không, Giả, Trung thực ra chỉ là tên khác nhau của một pháp cho nên nói Tức Không - Tức Giả - Tức Trung.
1) Tam đế (三諦) là “Ba chân lý” hoặc “Chân lý ba phần”. Một thuật ngữ của Thiên Thai tông để giải thích hiện thực qua ba khía cạnh:
1. Không đế [空諦→(Không tính; 空性; P: Suññatā; S: Śūnyatā], nghĩa là tất cả những hiện hữu đều không có một bản chất nào. Thể của các pháp xưa nay vốn vắng lặng (Không).
2. Giả đế (假諦), nghĩa là tất cả những hiện hữu đều là giả hợp tạm thời, do Nhân Duyên hợp lại mà thành (Giả).
3. Trung đế (中諦), sự thật không thể được diễn bày qua phủ định hoặc xác định, chẳng phải Không chẳng phải Giả (Trung).
2) Tam quán (三觀)
Là ba pháp quán Không, Giả, Trung do tông Thiên thai lập ra.
1. Không quán (空觀) là quán từ kiến thức thông thường (Giả) tiến vào chân lý (Không). Hành giả trụ từ Không quán vào Giả quán, vì sức tuệ nhiều, tuy thấy Phật tính nhưng không rõ ràng.
2. Giả quán (假觀) là quán không dừng lại ở nơi (Không) mà tiến vào (Giả) do trí Phật chiếu rọi. Hành giả trụ từ Giả quán vào Không quán, vì sức định nhiều nên chưa thấy Phật tính.
3. Trung đạo quán (中觀) là hạnh Bồ-tát đại bi không chấp trước Không quán và Giả quán. Hành giả trụ trong Trung đạo thì định và tuệ bằng nhau, có thể thấy được Phật tính rõ ràng. Đây gọi là Chánh quán.
Không quán và Giả quán đều là pháp quán phương tiện.
3) Cửu thể A Di Đà (九體阿彌陀)
Được giải thích như sau:
1. Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ: Cửu thể A Di Đàcó nghĩalà Vãng sinh cực lạc có chín phẩm khác nhau, cho nên thân Phật cũng chia làm chín thể để ứng hợp với chín phẩm vãng sinh.
2. Theo sách Quán Tâm niệm Phật:Ngài Giác Vận (*) giải thích rằng Cửu thể A Di Đà như sau:
- Chữ Abiểu thị Không Giả Trung, tức là Báo thân (報身)đầy đủ ba thân. Báo thân là trạng thái tâm hỉ lạc của hành giả khi đạt Giác ngộ, Kiến tính, ngộ được tâm chư Phật và tâm mình là một (= nhận thức).
- Chữ Dibiểu thị Giả Không Trung, tức là Ứng thân (應身)đầy đủ ba thân. Ứng thân là thân Phật ở dạng thân người, như Phật Thích-ca Mâu-ni.
- Chữ Đàbiểu thị Trung Không Giả, tức là Pháp thân (法身)đầy đủ ba thân. Pháp thân là nguyên lý của vũ trụ, nói lên tự tính (= Duyên khởi tính) phát sinh tất cả, từ loài hữu tình đến vô tình.
Như vậy, ba chữ A di đà có đầy đủ nghĩa ba thân, cho nên một thân Phật A Di Đà có đầy đủ chín thể.
========
(*) Giác Vận(覺運, Kakuun, 953-1007) là học tăng của Thiên Thai tông Nhật Bản, sống vào khoảng giữa thời Bình An.
Tối Trừng (最澄, Saichō, 767-822), là vị tăng sống dưới thời Bình An (平安, Heian), vị tổ sư khai sáng ra Thiên Thai tông Nhật Bản.
____________
Huy Thai gởi