Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 
KHÔNG GIÀU CÓ CŨNG CÓ THỂ TẠO PHƯỚC BÁU LỚN

Chúng sinh trong luân hồi sống nhờ vào quả phước, vì thế phải luôn tìm cơ hội tạo phước báu. Nếu hiểu pháp, thì không cần phải có nhiều của cải vẫn tạo được phước báu lớn lao.

1. TÙY HỶ LÀ CÁCH TẠO PHƯỚC DỄ DÀNG NHẤT

Tùy hỷ có nghĩa là "Vui theo". Thấy người làm việc ác liền vui theo thì phải chịu một phần quả báo ác như kẻ đó, thấy người làm việc thiện liền "vui theo", lòng hoan hỷ như thấy chính mình hoặc thân quyến của mình làm thì liền được một phần phước báo như người tạo.

Thời Phật tại thế, bà Visakha là nữ thí chủ đệ nhất trong nữ lưu đã xây dựng giảng đường Lộc mẫu cúng dường Phật và chư tăng, sau khi mệnh chung bà sinh lên làm chính hậu của vua trời Hóa tự tại, một người bạn gái chứng kiến việc cúng dường của bà trong tâm vui sướng, mạng chung sinh làm một thiên nữ hưởng phước trên trời Đao lợi. Vậy thường ngày phải thận trọng với tâm ý của mình, vì nó có thể đưa mình tới địa ngục hoặc thiên đường.

2. VẬT PHẨM NHỎ, VỚI TÂM CHÂN THÀNH DÂNG BẬC GIỚI ĐỨC ĐƯỢC PHƯỚC LỚN

Phước báu lớn nhỏ không chỉ do giá trị vật chất của vật phẩm dâng cúng, mà còn do tâm người dâng cúng và người thọ nhận là ai.

Thủa xưa, Phật đi trì bát trên đường gặp hai đứa trẻ đang chơi nghịch đất. Thấy Phật một đứa nắm lấy đất làm thành bánh bỏ vào bát cúng dường, đứa còn lại vui vẻ giả vờ đánh trống chào mừng. Đức Phật nhận cái bánh bằng đất, đem về trát vào chỗ hổng trên vách hương thất. Chư tăng hỏi cúng cái bánh bằng đất có phước gì, Phật nói chớ coi thường hai đứa trẻ, đời sau chúng có uy quyền lớn. Sau khi Phật diệt độ khoảng hai trăm năm, đứa trẻ cúng bánh đất sanh làm vua Asoka (A Dục đại đế), đứa còn lại là đại tướng của vua.

Thủa ấy, lại có một vị phú hộ muốn làm phước lớn, ông ta sửa sang một phòng rộng làm phòng cúng dường và giao cho người hầu hàng ngày sửa soạn việc dâng cúng, còn bản thân thì mải vui chơi với kinh doanh. Một hôm ông ta ghé qua phòng cúng dường thì chẳng thấy có vị tăng nào ở đó, hỏi ra mới biết chư tăng nhận cúng dường xong liền đi đến nhà những thí chủ thân thiết của họ, họ cho các thí chủ kia ăn món thượng vị do ông cúng, còn bản thân lại ăn những món cúng dường đơn sơ của thí chủ thân thiết. Ông liền đến chỗ các vị tăng để hỏi, vì cớ gì các ngài không ăn những món ngon lành do tôi dâng cúng trong lâu đài của tôi, lại đến chỗ những người nghèo khó thọ thực? Chư tăng trả lời vì họ có tâm nhiệt thành dâng cúng, còn ông thì không. Vì vậy, dù giá trị vật chất của món dâng cúng lớn nhưng tâm không chân thành thì cũng không thành tựu được đại phước báu, giống như có nhiều gạo tốt nhưng người nấu vụng về nên không có được cơm ngon.

3. CÁI NGHÈO CÓ THỂ BÁN

Kinh Hiền ngu kể rằng: Có một bà lão nghèo đi ở đợ cho nhà chủ, chủ rất hung ác hàng ngày đánh đập và đối xử tệ bạc, bà khổ quá mỗi ngày đều than khóc.

Một vị A La Hán đi qua, thấy vậy liền bảo bà lão hãy bán cái nghèo cho mình. Rồi Ngài hỏi bà có thứ gì để cúng dường không. Bà nói mình nghèo quá, cơm chẳng đủ ăn biết cúng cái gì. Vị A La Hán bảo bà mượn cái bình đất của nhà chủ, ra sông múc nước sạch về cúng dường Ngài, ngài lấy nước đó rửa chân rồi chú nguyện cho bà.

A La Hán lại dạy bà rằng: Mọi khổ đau đều do nhân xưa mình tạo tác, từ nay dù bị chủ đối xử tàn tệ bà cũng chớ oán hận, mỗi đêm khi làm xong công việc, tìm một chỗ yên tĩnh mà ngồi ngay ngắn, chính tâm tưởng niệm công đức Phật. Bà lão nghe lời, khi mạng chung bà sinh lên cõi trời đao lợi thành một vị thiên tử, thiên tử nghĩ do phước lành gì ta được sinh lên đây, liền đó nhớ lại kiếp xưa là bà lão nọ liền từ trời Đao lợi đi xuống trần gian.

Khi đó, phú hộ nọ được báo mụ nô lệ đã chết liền gọi gia nhân kéo ra vứt ở bìa rừng. Lũ gia nhân vừa đem xác ra đó quẳng thì thấy một vị trời có hào quang chói sáng hiện ra, chúng liền chạy về báo với phú hộ. Phú hộ và gia đình cùng chạy ra xem, rồi chắp tay hỏi: Vì cớ gì ngài lại đứng xem xác con mụ nô lệ nhà tôi? Vị trời nói: Kiếp xưa ta chính là bà nô lệ ấy, chỉ vì ác nghiệp chín mùi mà phải chịu đọa đầy, cũng do giữ giới hạnh mà được sinh thiên giới, ta đến để nhìn lại thân xưa. Cả nhà phú hộ nghe thế đều nguyện bỏ ác làm lành.

4. TÁM NGUỒN SINH PHƯỚC

Có tám nguồn sinh phước lớn, dễ dàng để tạo. Kinh Tăng Chi Bộ chép Đức Phật dạy:

Này các Tỷ-kheo, có tám nguồn nước công đức này, là nguồn nước thiện, món ăn cho an lạc làm nhơn sanh Thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời, dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc. Thế nào là tám?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử quy y Phật. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ nhất, là nguồn nước thiện … hạnh phúc, an lạc.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử quy y Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ hai, là nguồn nước thiện … hạnh phúc, an lạc.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử quy y Tăng. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ ba, là nguồn nước thiện … hạnh phúc, an lạc.

Này các Tỷ-kheo, có năm bố thí này, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày, được biết là truyền thống cổ xưa, trước không tạp loạn, hiện tại không tạp loạn, tương lai không tạp loạn, không bị những Sa-môn, những Bà-la-môn có trí quở trách. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh. Này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh. Sau khi cho vô lượng chúng sanh, không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ tư, là nguồn nước thiện … dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho … Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ hai, là đại bố thí, … Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ năm, là nguồn nước thiện … dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận tà hạnh trong các dục, từ bỏ tà hạnh trong các dục … Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ ba, là đại bố thí, … Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ sáu, là nguồn nước thiện … dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo … Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ tư, là đại bố thí, … Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ bảy, là nguồn nước thiện … dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận đắm say rượu men, rượu nấu, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Này các Tỷ-kheo, vị Thánh Ðệ Tử đoạn tận đắm say rượu men, rượu nấu, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh, không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ tám, là nguồn nước thiện … dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

Này các Tỷ-kheo, có tám nguồn nước công đức này, là nguồn nước thiện, món ăn cho an lạc làm nhơn sanh Thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời, dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.”

5. LÀM PHƯỚC PHẢI GIỮ TÂM THANH TỊNH

Truyền thống Bắc truyền, phân biệt phước đức ra âm đức và dương đức, lại phân biệt giữa phước đức và công đức.

- Làm thiện cho người ta thấy, được người khen ngợi ấy là dương đức, dương đức thì ít ỏi bởi ta đã nhận lại ngay rồi lại hay bị thị phi, vì nó như cái mỏ vàng lộ thiên thường trữ lượng không nhiều mà làm người nổi lòng tham tranh chấp.

- Làm việc thiện mà ẩn mật, không khoe khoang chẳng để ai biết đó là âm đức, âm đức thì sâu kín và lớn, như cái mỏ vàng ẩn sâu trong lòng đất nhưng rất lớn, lại an toàn vì chẳng ai biết mà đố kỵ.

- Làm việc thiện mà tâm thanh tịnh, chẳng chấp trước có người cho kẻ nhận hay vật cho, tâm xả ly trong sạch, ngay cả kết quả có được cũng hồi hướng cho chúng sinh thì được công đức. Phước đức thì hưởng sẽ tiêu hết, nhưng công đức thì không mất và có công năng chấm dứt sinh tử.

Trong truyền thống Nam truyền, chỉ gọi chung là phước báu, song nội dung căn bản giữ Nam Bắc cũng tương đồng nhau.

- Trước khi, trong khi và sau khi làm phước phải giữ tâm thanh tịnh, có mục đích rõ ràng. Nếu làm phước mà tâm không thanh tịnh thời quả phước vị cáu bẩn, ô uế. Khi làm việc phước mà tâm sanh khởi lòng tham vì việc gì đó, thời lúc quả phước chín mùi được hưởng phước báu nhưng có lòng tham mạnh. Ví như một người làm cái bánh ngọt, nhưng lúc làm tay có dính ớt, thời cái bánh ấy khi ăn có vị bánh ngọt nhưng lẫn vị cay.

- Nếu làm phước với tâm tinh tấn, nhanh nhẹn thời quả phước trổ nhanh và lớn hơn, nếu tâm do dự và chậm chạp thời quả phước ít và chậm chạp.

- Nếu làm phước xong hối hận, tiếc nuối thời khi quả phước chín thì có mà không được hưởng hoặc sẽ mất nhanh. Như có vị triệu phú nọ, rất giàu có nhưng sống tằn tiện keo kiệt, chỉ ăn cháo loãng mặc áo vá như người làm, ông ta cũng không có con, đến khi qua đời tài sản được sung làm của công, đó là ví dụ.

- Người trí khi làm phước, luôn xác định rõ làm phước với mục đích gì, bố thí cho người nghèo hay dâng cúng bậc giới đức,v.v... cách thức làm như thế nào cho thiện xảo viên mãn. Chỉ đắn đo về cách làm sao cho tốt chứ không đắn đo tiếc nuối việc "cho hay không cho".

6. MUỐN HƯỞNG PHƯỚC PHẢI GIỮ GIỚI

Trong Lục độ hay Thập độ, Bố thí đi liền với Giữ giới. Vì sao như vậy? Cho dù có bố thí vật chất lớn, nhưng nếu không giữ giới thì không thể hưởng được phước mình tạo.

- Nếu tạo ác nghiệp bị sinh vào địa ngục, thời các phước đã tạo không thể trổ quả ở địa ngục nên không thể hưởng. Như người bị tù mất quyền công dân, dù có tài sản lớn nhưng không thể hưởng trong tù.

- Nếu bị sinh vào súc sinh, thời chỉ hưởng được một chút phước báo hạn chế và không thể tạo thêm nên sẽ tiêu dần hết rồi trôi lăn trong ác đạo. Những con chó mèo, thú cưng của tỷ phú hay những ngôi sao thế giới, chúng có đời sống sung sướng, có kẻ hầu người hạ, được chủ cho thừa kế tài sản như con đẻ, tiền kiếp chúng chính là người tạo phước lớn nhưng không giữ giới. Kiếp sống thú vật ngắn ngủi hơn người, lại ngu si, dù có giàu có cũng không biết đem của cải đó tạo phước tiếp nên khó thoát khỏi ác đạo. Sự hưởng thụ phước báo ở thân thú vật cũng rất hạn chế, không thể phong phú như cõi người, trời.

- Dù may mắn được sinh vào thiện đạo như cõi người, có phước báo lớn mà không có giới hạnh thời sẽ thành như kẻ nguy hiểm như các bạo chúa, nhà độc tài, trọc phú thô tục dùng sự giàu sang và quyền thế làm điều trái đạo rồi sa đọa. Những hạng người như Trụ vương, Tần Thủy Hoàng, Hít le, v.v... là dạng này. Giàu sang quyền lực nhưng vô đạo, kết cục chẳng lành.

Trong đường luân hồi, phước tuệ phải song tu. Tu phước không tu tuệ - thân voi đeo anh lạc, tu tuệ không tu phước - La Hán thường bị đói.

7. PHẢI CÓ GIỚI ĐỨC MỚI CÓ THỂ THỌ NHẬN CÚNG DƯỜNG KHIẾN THÍ CHỦ ĐƯỢC PHƯỚC

Vương phi của vua Ba tư nặc có bốn kẻ nô lệ khiêng kiệu cho bà. Vương phi muốn trả tự do cho bốn người này nhưng họ nhất quyết không chịu, quỳ xuống khóc lóc van xin bà đừng đuổi chúng. Bà hỏi đức Phật, do nhân duyên gì, những kẻ này sinh làm nô lệ, dù được trả tự do cũng nhất quyết không chịu. Phật bảo đời xưa có 5 đạo sĩ nọ, họ bàn với nhau rằng: chúng ta sẽ giả vờ làm đạo sĩ khổ hạnh cho người dân thấy, và chúng ta sẽ được sống đời thoải mái. 1 người trong số họ đóng giả làm thường dân chạy vào đô thị kể rằng tôi đi vào khu rừng kia gặp được 5 vị chân nhân tu hành khổ hạnh. Người dân nghe thế kéo nhau đến xem, tỏ lòng cung kính. Có một bà phu nhân giàu có mộ đạo, liền xây một tịnh xá đẹp đẽ mời 5 đạo sĩ về ở đó tu hành, bà trọn đời cúng dường, thế là 5 kẻ đó cùng nhau hưởng lợi. Khi mãn thọ, 5 đạo sĩ ấy sa vào địa ngục, còn bà phu nhân vì trọn đời hảo tâm nên thường sinh trong thiện đạo, làm người giàu có vinh hiển. Đức Phật bảo, 4 kẻ nô lệ đó chính là 4 đạo sư của bà kiếp xưa đó, người còn lại là kẻ dọn nhà xí trong cung. Bà xin đức Phật khai ngộ cho họ, nhưng họ thấy Phật liền quay đi hướng khác không nhìn, Phật dùng thần thông khiến họ quay hướng nào cũng nhìn thấy Phật, họ liền giậm chân than vãn: chúng tôi đã khổ lắm rồi, xin ông Cồ Đàm đừng làm khổ chúng tôi nữa! Phật thu lại thần thông vào bảo bà rằng: Khi nào món nợ chưa trả hết thì bà trả tự do họ cũng không đi.

Vậy nên một hạt cơm tín thí nặng như núi, chẳng phải người chân tu có giới đức thì không thể kham nổi. Không có giới đức thì thà tự cày ruộng mà ăn còn hơn nhận cúng dường.

8. PHƯỚC BÁU CÓ THỂ CHIA SẺ MÀ KHÔNG MẤT

Khi một người làm phước, có thể chú nguyện chia sẻ phước đó cho thân quyến hoặc bất kỳ ai, hoặc tất cả chúng sinh trong lục đạo mà phước của mình chẳng bị mất đi.

Ví như trong cảnh tăm tối, có người nhóm lửa đốt lên được đống lửa sáng, người ấy liền gọi những người khác: Tôi có lửa, ai cần lửa hãy đến lấy! Người ta hoan hỷ cầm đèn đuốc đến châm, dù đã cho vô tận người nhưng lửa của mình vẫn còn đó không mất mà ánh sáng lan rộng khắp nơi. Thí cho người hiểu biết, sự hiểu biết của mình chẳng mất mà trí tuệ thêm sáng suốt, chia sẻ cho người phước, phước của mình như biển lớn chẳng vơi đi.

Thế gian này thiếu phước, cộng nghiệp của chúng sinh ngày một ác trược hơn cảm ứng chiến tranh và thiên tai, dịch bệnh, đói kém ngày càng đáng sợ, cuộc sống bấp bênh. Nếu mỗi người có thể làm phước và hồi hướng cho khắp chúng sinh trong lục đạo thì có thể làm cho tai họa chung giảm nhẹ đi, đời đời làm thế, viên mãn ba la mật có thể chứng Niết Bàn.

 
__________________


Hoang Nguyen gởi