KHÔNG THỂ LẬT ĐỔ CHẾ ĐỘ HỒI GIÁO QUÁ KHÍCH IRAN VÌ SAO ?
Vì sao Mỹ không để Israel thay đổi chế độ Hồi giáo cực đoan tại Iran?
Khi một chế độ độc tài, tàn ác, đàn áp phụ nữ, tài trợ khủng bố và gây bất ổn khu vực như chính quyền Hồi giáo cực đoan Iran bị lật đổ thì nhiều người trên thế giới kể cả người dân Iran đều mong chờ một tương lai tốt đẹp hơn.
Nhưng điều này, trên thực tế, không hề dễ dàng như ta nghĩ.
Để Thùy Trang chia sẻ một chút để quý anh chị thấy được toàn cảnh. Cứ giả sử Israel dùng sức mạnh quân sự lật đổ được chính quyền hiện nay ở Tehran, và lập nên một chính phủ thân phương Tây nghe qua thì thấy rõ ràng là một bước tiến. Nhưng câu hỏi lớn hơn là chuyện gì sẽ xảy ra sau đó?
Điều cần lo ngại nhất không phải là "ngày lật đổ", mà là cả một thập niên hỗn loạn sau khi chế độ sụp đổ. Bởi vì lực lượng giáo quyền, các nhóm Vệ binh Cách mạng, các giáo sĩ cực đoan, các mạng lưới tình báo và đơn vị đặc nhiệm của Iran sẽ không chịu đầu hàng.
Họ sẽ rút về các vùng núi hiểm trở gần Afghanistan, lập căn cứ, phát động chiến tranh du kích, biến mình thành một lực lượng kháng chiến thánh chiến tương tự như Taliban hoặc thậm chí độc ác và quy mô hơn ISIS.
Với tâm lý “tử vì đạo” và lòng tin mù quáng, họ sẽ tổ chức khủng bố quy mô lớn. Từ đặt bom ven đường, đánh bom tự sát ở chợ, trường học, trung tâm thương mại, đến ám sát quan chức chính phủ mới.
Họ sẽ hoạt động trong bóng tối, còn chính quyền mới thì phải điều hành quốc gia trong ánh sáng, luôn bị tấn công bất ngờ. Chính điều này khiến sự bất ổn có thể kéo dài hàng chục năm, không chỉ ở Iran mà lan sang cả Iraq, Syria, Afghanistan và khắp vùng Trung Đông.
Để quý anh chị dễ hình dung, xin nhắc lại bài học từ Iraq. Chế độ Saddam Hussein trước đây là một chế độ độc tài khét tiếng, từng đưa người đối lập lên sân thượng lầu cao rồi đạp xuống cho chết.
Hai người con trai của Saddam, Uday và Qusay, nổi tiếng ăn chơi sa đọa, tàn bạo và bệnh hoạn thậm chí có tin họ cưỡng hiếp phụ nữ ngay giữa ban ngày.
Vậy mà khi chế độ Saddam bị lật đổ vào năm 2003, ai cũng tưởng rằng một Iraq tự do, dân chủ đang đến gần. Nhưng không phải như vậy. Điều xảy ra tiếp theo là hai thập kỷ hỗn loạn, nội chiến sắc tộc, đánh bom khủng bố, chia rẽ giáo phái, và đến giờ vẫn chưa hoàn toàn yên ổn.
Thế nên, nhìn thấy một chế độ tàn ác tồn tại, ai cũng mong nó sụp đổ. Nhưng lật đổ không phải là kết thúc, mà là khởi đầu của một chuỗi bất ổn kéo dài nếu không chuẩn bị kỹ càng và kiểm soát được tình hình hậu chiến.
Ngay cả Mỹ với đầy đủ sức mạnh quân sự, tình báo và đồng minh cũng bất lực trước hậu quả chính mình tạo ra tại Iraq.
Tương tự, nếu lật đổ chính quyền Hồi giáo cực đoan Iran mà không kiểm soát được hậu quả, thì lực lượng cực đoan sẽ trỗi dậy thành phiên bản mới của Taliban hoặc ISIS. Iran với dân số đông, địa hình hiểm trở và văn hóa tử vì đạo mạnh mẽ sẽ trở thành một vũng lầy khủng bố khổng lồ, đe dọa không chỉ Trung Đông mà cả thế giới.
Vì vậy, Mỹ không “bật đèn xanh” cho Israel lật đổ chế độ Iran không phải vì họ ủng hộ chế độ ấy, mà vì họ hiểu rất rõ cái giá khủng khiếp phải trả nếu làm sai cách.
Trong chính trị quốc tế, không phải cứ thấy xấu là đập bỏ được. Đôi khi giữ lại một cái xấu ổn định còn dễ kiểm soát hơn là tạo ra một cái hỗn loạn không lường trước nổi.
Thùy Trang mong rằng bài viết này giúp anh chị thấy rõ chuyện tưởng chừng như đơn giản, thực ra là một ván cờ sinh tử mà chỉ cần đi sai một nước, cả khu vực có thể rơi vào hỗn loạn dài lâu.
Thùy Trang Nguyễn
_____________________
Hoang Nguyen gởi
