Kiếp trước của hòa thượng Hư Vân
Hôm nay chúng tôi muốn chia sẻ với quý vị câu chuyện về vị cao tăng lỗi lạc của Trung Quốc thời cận đại – Hòa thượng Hư Vân. Cuộc đời ông là một huyền thoại. Ông đã trải qua năm đời Hoàng Đế nhà Thanh là Đạo Quang, Hàm Phong, Đồng Trị, Quang Tự và Tuyên Thống, đồng thời chứng kiến một trăm năm chiến loạn, những đại biến tang thương ở Trung Quốc. Năm 112 tuổi, Hòa thượng Hư Vân nhiều lần bị đánh trí mạng, nhưng lại đều như kỳ tích, ông vẫn có thể hồi phục khỏe mạnh, khiến những kẻ bạo ngược không sợ trời không sợ đất kia phải sinh lòng kính sợ. Điều hy hữu hơn nữa là ông còn Thần du đến Phật quốc và tận mắt chiêm bái dung mạo tôn quý của Đức Phật Di Lặc.
Xuất sinh thần kỳ
Những người phi thường được định sẵn sẽ có sự ra đời không bình thường. Hòa thượng Hư Vân khi còn trần tục mang họ Tiêu, là hậu duệ của Lương Vũ Đế Tiêu Yến. Phụ thân của ông là Tiêu Ngọc Đường, làm quan ở châu Vĩnh Xuân dưới thời nhà Thanh. Phu nhân của Tiêu Ngọc Đường là Nhan Thị, hơn 40 tuổi vẫn chưa có con, vì vậy rất lo lắng. Bà đi đến chùa Quan Âm cầu nguyện Bồ Tát Quan Âm cho mình một người con. Đến tối, bà có một giấc chiêm bao, mơ thấy một ông lão có bộ râu dài, mặc áo choàng màu xanh, trên đầu có tượng Quan Âm, thân cưỡi hổ mà đến, thoắt cái nhảy lên giường. Buổi sáng thức dậy, bà kể với phu quân về giấc mơ, không ngờ ông ngạc nhiên nói rằng bản thân cũng mộng thấy như vậy!
Quả nhiên, không lâu sau, Nhan Thị mang thai. Sau mười tháng mang thai, hài tử cuối cùng cũng ra đời. Thế nhưng, sự việc đã khiến mọi người đều kinh hãi. Tại sao lại như vậy? Bởi vì Nhan phu nhân sinh ra không phải là một hài tử mà là một cục thịt. Bà vừa kinh ngạc, vừa sợ hãi, liền tức khí mà chết. Thoáng chốc, chuyện vui đã biến thành tang sự. Mọi người đều cảm thấy quái thai này là điềm gở, định ngày hôm sau sẽ mang vứt đi. Không ngờ đúng lúc này, một ông lão bán thuốc đi tới, sau khi hỏi rõ tình hình, tựa như sớm biết chuyện gì xảy ra, ông bèn dùng dao xẻ cục thịt này ra, bên trong lại là một cậu bé trắng trẻo bụ bẫm. Cậu bé đó chính là Hư Vân hòa thượng sau này.
Hư Vân từ nhỏ đã rất thông minh, nhưng không màng danh lợi nơi thế gian. Ngược lại, ông rất yêu thích kinh Phật. Năm 17 tuổi, ông giấu gia đình xuất gia nhưng bị ngăn cản giữa chừng.
Để ràng buộc trái tim của Hư Vân, cha ông bèn quyết định cưới vợ cho con trai, không những vậy còn cưới hai người vợ cùng một lúc, đó là Điền Thị và Đàm Thị. Dù không thể trái lời cha nhưng Hư Vân vẫn chưa sẵn sàng thỏa hiệp. Trong đêm tân hôn, ông đã hoằng dương Phật Pháp cho thê tử của mình. Điền Thị và Đàm Thị cũng là những người có chút tuệ căn, lập tức có thể lĩnh ngộ, bởi vậy cuối cùng họ cũng giống như Tôn giả Ca Diếp và bà Diệu Hiền năm xưa, dù mang danh nghĩa vợ chồng nhưng trên thực tế thì không, trở thành những người bạn thuần khiết thanh tu.
Một năm sau, Hư Vân để lại “Bì đại ca” (bài ca về túi da) cho hai thê tử của mình, chỉ ra rằng cơ thể con người chỉ là một chiếc túi da, và tu thành chính quả mới là điều quan trọng nhất. Sau đó ông xuất gia tại chùa Dũng Tuyền ở Cổ Sơn, Phúc Châu. Hai vị thê tử về sau cũng lần lượt xuất gia.
Tô Đông Pha chuyển thế?
Trưởng lão Tịnh Huệ, đệ tử của hòa thượng Hư Vân, sau này đã tiết lộ rằng, lão hòa thượng chính là Hám Sơn đại sư, một trong bốn vị đại cao tăng thời nhà Minh chuyển thế. Làm thế nào mà ông ấy biết được điều này?
Hóa ra là vào năm thứ 23 của Trung Hoa Dân Quốc (năm 1934), khi hòa thượng Hư Vân trùng tu lại chùa Nam Hoa ở Tào Khê, ông đã thắp hương trước tượng nhục thân của đại sư Hám Sơn và đọc bài kệ rằng: “Kim đức thanh, cổ đức thanh, Kim cổ tương phùng hoán liễu hình, Phật pháp hưng thoái thính thời tiết, Nhập lâm nhập thảo bất tằng đình.” (Tạm dịch: Nay Đức Thanh, xưa Đức Thanh, Kim cổ tương phùng thay hình đổi dạng, Phật pháp hưng suy theo thời tiết, Nhập rừng nhập cỏ chưa từng ngừng).
Pháp hiệu của Hám Sơn đại sư là Đức Thanh, pháp hiệu của lão hòa thượng Hư Vân cũng là Đức Thanh. Trong luân hồi hết kiếp này qua kiếp khác, thân xác đã bị thay đổi. Giờ đây, “Đức Thanh nay” còn sống đang đứng trước thân thể bất hoại của “Đức Thanh xưa”, chính là “kim cổ tương phùng hoán liễu hình” (Kim cổ tương phùng thay hình đổi dạng). Vào năm đại sư Hám Sơn đến chùa Nam Hoa, ông vẫn là một người lính bị đày, đến chùa Nam Hoa với thân phận là một người thụ hình, chấn hưng đạo trường của Lục Tổ. Bây giờ, Hư Vân hòa thượng lại đến chùa Nam Hoa để chấn hưng đạo trường này một lần nữa. Thật là, “Phật giáo hưng suy thính thời tiết, nhập lâm nhập thảo bất tằng đình.”
Một lần khác, có người mang cuốn “Lăng Già kinh chú giải” đến thỉnh giáo hòa thượng Hư Vân. Không ngờ, lão hòa thượng buột miệng nói: Ta đã viết nó khi đang ở trong thủy lao. Tuy nhiên, hòa thượng Hư Vân chưa bao giờ ở thủy lao (nhà ngục xây dưới nước), còn đại sư Hám Sơn đã từng bị sung quân đến Nam Hải, phải chịu hình phạt ngồi trong thủy lao vì tội “tự ý tu sửa đền miếu.” Nước trong nhà lao cao hơn đầu gối, ông phải đứng trong thủy lao tám tiếng một ngày. Sau khi trở về, ông đã viết cuốn “Lăng Già kinh chú giải.” Như vậy, hòa thượng Hư Vân một lần nữa đã tự tiết lộ kiếp trước của mình.
Lai lịch của đại sư Hám Sơn cũng không hề bình thường. Trong bài “Mộng du tập – Thị Linh Châu kính thượng nhân”, ông viết rằng, ông đã từng leo lên đỉnh Diệu Cao ở Kim Sơn tự, trong lúc thiền định tiến nhập vào cảnh giới rất thâm sâu, rộng lớn, và ông nhìn thấy quá khứ của Tô Đông Pha. Sau này, ông phát hiện ra rằng đây là tín tức lưu lại từ kiếp trước của mình. Sau đó, ông đến thăm nơi mà Tô Đông Pha đã từng sống, đọc những bài thơ của ông ấy và than thở rằng vạn pháp giống như mộng như ảo, kiếp nhân sinh cũng chỉ như mộng biến ảo giống nhau.
Do đó, dựa theo lời tự thuật của đại sư Hám Sơn, người đời sau mới biết rằng ông là đại văn hào Tô Đông Pha thời nhà Bắc Tống chuyển sinh. Mà Tô Đông Pha lại là Ngũ Giới hòa thượng chuyển thế. Vì vậy có thể nói rằng, Hư vân hòa thượng có Phật duyên sâu xa, căn cơ thâm hậu.
Thần tích không thể lý giải
Sau khi hòa thượng Hư Vân đắc đạo khai ngộ, ông đã trải qua rất nhiều chuyện thần kỳ, đó là những điều mà khoa học hiện đại không thể giải thích được.
Cầu tuyết cuối xuân, giải hạn ngừng dịch
Vào năm Dân Quốc thứ mười, cũng chính là mùa thu năm 1921, một trận ôn dịch đã bùng phát ở Vân Nam, hàng ngàn người chết vì dịch bệnh. Đến cuối mùa xuân năm sau, dịch bệnh vẫn chưa dừng lại, bách tính tử vong vô số. Ngoài dịch bệnh, Vân Nam lúc đó còn xảy ra hạn hán, nhiều tháng không có mưa, tướng lĩnh quân phiệt là Đường Kế Nghiêu đã đến chùa Hoa Đình thỉnh hòa thượng Hư Vân cầu mưa.
Chùa Hoa Đình nằm ở bờ tây hồ Côn Minh, do lâu ngày không được tu sửa nên đã bị bán cho người ngoài. Sau đó dưới sự hỗ trợ của Đường Kế Nghiêu, ngôi chùa đã được chuộc lại, giao cho hòa thượng Hư Vân làm trụ trì và bắt đầu khởi công dựng lại. Sau này, người ta đào được một tấm bia cổ trong lòng đất có khắc hai chữ “Vân Thê”, nên ngôi chùa được đổi tên thành chùa Vân Thê.
Hòa thượng Hư Vân lập đàn cầu mưa trong ba ngày. Quả nhiên, trời giáng mưa lớn giải trừ được nạn hạn hán, nhưng dịch bệnh vẫn lan rộng. Vì vậy, Đường Kế Nghiêu nói với hòa thượng Hư Vân rằng: “Tôi nghe nói rằng tuyết rơi có thể ngăn ngừa dịch bệnh, nhưng bây giờ là cuối xuân rồi, làm sao có tuyết rơi đây?” Hòa thượng Hư Vân đáp: “Tôi sẽ thiết đàn, ông phải hết lòng thành tâm cầu nguyện mới được.” Thế là, Đường Kế Nghiêu tắm rửa trai giới, cung kính nghe hòa thượng Hư Vân tụng kinh. Một ngày sau, tuyết rơi dày đặc, dày hơn một thước. Trận tuyết lớn này thực sự đã ngăn chặn được sự lây lan của bệnh dịch. Lúc ấy, tất cả mọi người đều thực sự cảm nhận sâu sắc uy lực của Phật Pháp, kinh ngạc không nói nên lời.
Thần du Phật quốc, chết đi sống lại
Sau khi Trung Cộng cướp chính quyền vào năm 1949, hòa thượng Hư Vân 110 tuổi tu hành tại chùa Vân Môn ở Quảng Đông. Năm 1951, hòa thượng Hư Vân chủ trì truyền giới vào mùa xuân. Sau khi nghe tin, rất nhiều người đến xin thọ giới, lúc đó chùa Vân Môn có hơn 120 người. Vào thời điểm đó, Trung Cộng đang phát động chiến dịch “trấn áp những kẻ phản cách mạng” trên toàn quốc. Chính quyền Trung Cộng vốn tín phụng chủ nghĩa vô thần, từ lâu đã không hài lòng với Hư Vân hòa thượng đức cao vọng trọng, một người tận sức hoằng dương Phật Pháp cùng với phần đông đệ tử thành tín. Trung Cộng muốn tìm lý do để trừ bỏ những người này một cách nhanh chóng, cho nên viện cớ trong chùa có tàng trữ khí giới, điện đài, vàng bạc, phái mấy trăm người bao vây ngôi chùa.
Đầu tiên, họ giam lỏng hòa thượng Hư Vân trong phòng phương trượng, phái nhiều người canh giữ ông. Sau đó, các tăng nhân khác lần lượt bị giam giữ trong thiền đường và pháp đường. Kế đó, họ bắt đầu lục soát khắp nơi, từ nóc chánh điện cho đến gạch lát dưới nền, còn có tượng Phật Tổ bằng vàng, Pháp khí, kinh tạng, đều bị những người này lục soát phá hủy. Tìm kiếm như vậy trong hai ngày mà không tìm thấy gì, bọn họ bắt đầu bắt các chư tăng và dùng nhục hình để bức cung. Chỉ trong vài ngày, 26 người đã bị bắt, và một người trong số đó đã bị đánh đến chết. Cứ như vậy qua mười ngày vẫn không thu được gì, đám người này bắt đầu trút giận lên hòa thượng Hư Vân.
Vào ngày 01/03/1951, họ nhốt hòa thượng Hư Vân trong một căn phòng khác, đóng hết cửa ra vào và cửa sổ, không cho ăn, uống nước và không cho phép ông ra ngoài để sử dụng nhà vệ sinh. Vào ngày 3 tháng 3, mười người đàn ông lực lưỡng xông vào phòng, bức ép hòa thượng Hư Vân giao nộp vàng bạc và khí giới. Sau khi ông trả lời “không có,” họ bắt đầu dùng đòn hiểm đánh ông. Đầu tiên dùng côn gỗ, sau đó là côn sắt, đánh cho đến khi đầu và mặt của ông bê bết máu, gân cốt cũng bị đứt gãy. Khi họ đang làm điều ác, ông liền xếp bằng chân đả tọa nhập định, nhắm mắt không nhìn, ngậm miệng không nói. Đám người hung ác này đã đánh ông bốn lần trong một ngày và cuối cùng khiến ông nằm ngã xuống đất.
Nhìn thấy mạng sống của hòa thượng Hư Vân đang nguy cấp, cho rằng ông chắc chắn sẽ qua đời nên đám người kia mới bỏ đi. Kết quả là vào ngày 5 tháng 3, họ phát hiện ra rằng ông vẫn còn sống, bèn quay trở lại tiếp tục đánh ông. Vào buổi tối, một đệ tử đến đỡ ông ngồi trên giường. Ông ngồi ngay ngắn nhập định. Đến sáng sớm ngày 10 tháng 3, ông dần dần nằm nghiêng, giống như tượng Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn. Cứ như vậy, một ngày một đêm đều không có động tĩnh gì. Đệ tử hộ vệ liền thử đặt bấc đèn dưới chóp mũi của ông, kiểm tra hơi thở, và thấy rằng ông không còn thở nữa; nắn thử mạch ở tay trái và tay phải của ông, cũng không thấy có mạch. Lúc này, sắc mặt hòa thượng Hư Vân vẫn như thường, cơ thể vẫn còn hơi ấm.
Sáng hôm sau, đệ tử hộ vệ chợt nghe thấy tiếng rên rỉ khe khẽ của ông, tiếp đó ông khẽ mở mắt. Người đệ tử nói với ông rằng ông đã không còn thở trong một ngày, nhưng ông lại cảm thấy rằng chỉ mới vài phút trôi qua mà thôi. Sau đó, hòa thượng Hư Vân lập tức bảo các đệ tử của mình ghi lại những trải nghiệm của ông trong một ngày đó, và dặn rằng không được tiết lộ với người ngoài, e ngại dẫn đến phiền phức không đáng có.
Hòa thượng Hư Vân nói: Trong giấc mộng, tôi đi đến Nội viện Đâu Suất. Nơi đó trang nghiêm và mỹ lệ, hết thảy đều không phải là thứ thế gian có được. Tôi thấy ngài Di Lặc ngồi trên Pháp tòa thuyết Pháp, phía trước có rất nhiều người nghe, trong đó hơn chục người là tôi quen biết từ trước….. Tôi kính cẩn chào họ, họ chỉ vào chiếc ghế trống thứ ba đếm ngược từ phía Đông và mời tôi ngồi đó. Tôn giả A Nan ngồi rất gần tôi. Khi chưa nghe xong bài giảng của đức Di Lặc, ngài chỉ vào tôi và nói: “Con cần phải quay trở về rồi!” Tôi trả lời: “Đệ tử nghiệp chướng sâu nặng, không muốn quay trở về!” Di Lặc lại nói: “Con nghiệp duyên chưa trả hết, phải trở về, sau này hãy quay lại.”
Bất đắc dĩ, hòa thượng Hư Vân phải từ Phật giới quay trở lại nhân gian. Phật Di Lặc còn có khai thị đặc biệt dành cho ông, nhưng tạm thời ông không thể tiết lộ.
Thần tích mà hòa thượng Hư Vân triển hiện đã khiến những kẻ ra tay bức hại ông cảm thấy không thể tưởng tượng được. Chúng hỏi các tăng nhân: “Tại sao ông già không bị đánh chết?” Tăng nhân nói: “Lão hòa thượng chịu khổ vì chúng sinh và tiêu trừ tai họa cho các vị, không đánh chết được, sau này sẽ tự biết.” Những người này lập tức trở nên sợ hãi, không dám ra tay hành ác nữa. Sau này khi cuộc bức hại của Trung Cộng đối với các tăng nhân ở chùa Vân Môn được ngoại giới biết đến, việc bức hại với hòa thượng Hư Vân tạm thời dừng lại. Sự việc này về sau được gọi là “Biến cố Vân Môn.”
Bí mật của Xá lợi tử
Hòa thượng Thiệu Vân là đệ tử thân cận của hòa thượng Hư Vân. Trong cuốn “Thiệu Vân pháp sư khai thị lục,” ông đã kể về những năm cuối đời của hòa thượng Hư vân. Ông kể rằng, từ năm 1956 đến năm 1958, hòa thượng Hư Vân thường xuyên ốm sốt. Những vết thương cũ do “Biến cố Vân Môn” vẫn luôn đau nhức không thôi, những lúc đó ông thường nằm trên giường rên rỉ. Mặc dù vậy, khi có người đến thăm, hòa thượng Hư Vân đều lập tức ngồi dậy, bắt chéo chân, tinh thần rất tốt, có thể trò chuyện với mọi người trong ba bốn tiếng đồng hồ mà không hề có dấu hiệu bệnh tật. Nhưng khi khách vừa đi khỏi thì ông lại nằm ra giường rên rỉ. Đồ đệ của ông cảm thấy rất kỳ lạ, bèn thỉnh giáo ông đó là chuyện gì? Ông trả lời: “Đây là nghiệp chướng. Đến Diêm vương cũng không thể quản được ta. Nếu ta muốn đứng dậy thì đứng dậy, không muốn đứng dậy thì không đứng dậy.”
Sau năm 1958, hòa thượng Hư Vân nói với các đệ tử rằng ông sẽ rời đi. Chúng đệ tử rất buồn, hỏi ông tại sao phải đi. Ông nói: “Các con không biết, sau này còn có tội mười năm, sẽ rất khó chịu!” Khi đó, mọi người đều không hiểu, mãi đến khi phát sinh thảm họa mười năm của cuộc Đại cách mạng Văn hóa, mọi người mới hiểu rằng Hư Vân hòa thượng sớm đã thấy trước sự việc này.
Năm 1959, tình trạng bệnh của hòa thượng Hư Vân bắt đầu nặng hơn. Đến tháng Ba, ông chỉ ăn một bát cháo nhỏ vào buổi sáng và buổi trưa. Có người tìm thầy thuốc cho ông, nhưng ông đều mời thầy thuốc đi và nói rằng “Duyên ở trần thế sắp hết rồi.”
Hòa thượng Hư Vân viên tịch ngày 12 tháng 9 năm 1959. Trước đó hơn một tháng, rất nhiều tăng nhân đã thấy một luồng sáng lớn từ bên trong một túp nhà tranh đi ra hướng đến chánh điện; chỉ thấy một quầng sáng mà không thấy hình ảnh, khi bước vào đại điện thì quầng sáng dần biến mất. Ngày 19 tháng 9, quan được đóng, và hỏa táng vào ngày hôm sau. Dự kiến ba ngày sau sẽ mở lò lấy tro cốt và xá lợi. Không ngờ ngày hôm sau, trên ngọn núi ngoài thành Triệu Châu phát hỏa, trên núi có gần một trăm người sinh sống. Các chư tăng đều đi chữa cháy, trong chùa chỉ còn lại một số người già yếu, bệnh tật. Trong số đó, Khoan Hoài hòa thượng, Khoan Khắc hòa thượng và những người khác chạy ra bên ngoài lò hỏa táng lén nhìn vào bên trong, thấy tro cốt của lão hòa thượng Hư Vân sau khi hỏa táng lại ngồi đó, hệt như người sống đang ngồi trong đó. Họ cảm thấy kỳ lạ, bèn nhặt một phiến gạch nhỏ ném vào đống tro, đống tro đổ rạp xuống. Hòa thượng Khoan Hoài đưa tay vào bốc một nắm tro, chợt nhìn thấy mấy viên xá lợi sáng ngời, ông lập tức reo lên mừng rỡ.
Một lúc sau, những người đi chữa cháy lần lượt trở về, nghe nói trong tro cốt của hòa thượng Hư Vân có xá lợi, họ liền nhanh chân chạy tới, mỗi người bốc một nắm tro rồi chạy đến chỗ vắng vẻ trong núi. Hàng chục người đều như vậy, có người trong một nắm tro có vài viên xá lợi, có người ít thì có một tới hai viên với kích cỡ và màu sắc khác nhau, phần lớn đều có màu trắng và trong như pha lê. Do đó, không thể đếm được có bao nhiêu xá lợi trong tro cốt của hòa thượng Hư Vân.
Lý Mai biên tập
Tiểu Hoàng biên dịch
__________________
Hoang Nguyen gởi