KINH
DIỆU PHÁP LIÊN HOA
Hán dịch: Tam tạng pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Ðịnh
Xem Kinh dạng pdf
Mục lục
Lời tựa
Quyển một
Phẩm tựa thứ nhất.............................................................11
Phẩm phương tiện thứ hai...................................................50
Quyển hai
Phẩm ví dụ thứ ba.............................................................98
Phẩm tin hiểu thứ tư........................................................164
Quyển ba
Phẩm dược thảo dụ thứ năm.............................................197
Phẩm thọ ký thứ sáu.......................................................215
Phẩm hóa thành dụ thứ bảy.............................................234
Quyển 4
Phẩm thọ ký cho năm trăm vị đệ tử thứ tám......................287
Phẩm thọ ký cho bậc hữu học và vô học thứ chín................307
Phẩm pháp sư thứ mười..................................................318
Phẩm thấy bảo tháp thứ mười một...................................337
Phẩm đề bà đạt đa thứ mười hai......................................362
Phẩm khuyên trì thứ mười ba..........................................377
Quyển năm
Phẩm an lạc hạnh thứ mười bốn......................................389
Phẩm từ dưới đất vọt lên thứ mười lăm.............................421
Phẩm thọ lượng của Như Lai thứ mười sáu........................445
Phẩm phân biệt công đức thứ mười bảy............................462
Quyển sáu
Phẩm tùy hỷ công đức thứ mười tám...............................487
Phẩm công đức pháp sư thứ mười chín.............................499
Phẩm Bồ Tát Thường Bất Khinh thứ hai mươi....................527
Phẩm thần lực của Như Lai thứ hai mươi mốt....................540
Phẩm chúc lũy thứ hai mươi hai......................................550
Phẩm bổn sự Bồ Tát Dược Vương thứ hai mươi ba.............554
Quyển bảy
Phẩm Bồ Tát Diệu Âm thứ hai mươi bốn...........................576
Phẩm Phổ Môn Bồ Tát Quán Thế Âm thứ hai mươi lăm.......592
Phẩm đà la ni thứ hai mươi sáu.......................................609
Phẩm bổn sự Bồ Tát vua Diệu Trang Nghiêm
thứ hai mươi bảy......................................... .................618
Phẩm khuyến phát của Bồ Tát Phổ Hiền thứ hai mươi tám...632
Lời tựa
Kinh Pháp Hoa là bộ Kinh rất quan trọng trong Phật giáo. Lời Kinh rất thâm sâu áo diệu vô cùng, chỉ có những người có đại nhân duyên mới nghe và hiểu được; còn người không có nhân duyên thì không dễ gì nghe và hiểu được. Trước khi đức Phật nói Kinh nầy, có một số người phải rời khỏi Pháp hội, vì họ không có nhân duyên căn lành nghe được bộ Kinh nầy.
Bởi vậy cho nên những ai thọ trì, đọc tụng, tu tập được bộ Kinh nầy, có thể nói là trong quá khứ đã gieo trồng căn lành sâu dày với bộ Kinh nầy, cho nên đời nầy hội đủ nhân duyên nghe thấy, thọ trì, tu tập được bộ Kinh nầy, chắc chắn tương lai sớm sẽ được thành Phật. Cũng như đức Phật đã nói ở trong bổn kinh nầy, những người nào thọ trì, đọc tụng, tu tập Kinh nầy thì sớm sẽ thành Phật. Không những thế, mà những người nghe đến tên Kinh, biên chép, ấn tống lưu truyền, tương lai cũng sớm sẽ thành Phật đạo.
Đủ thấy Kinh nầy rất quan trọng, cho nên hàng Phật tử chúng ta nên cố gắng đọc tụng, thọ trì, tu tập, ấn tống lưu truyền cho tất cả mọi người đồng kết duyên lành, tu tập để tương lai cùng đồng thành Phật đạo.
Hy vọng rằng bộ Kinh nầy được lưu truyền rộng rãi khắp mọi nơi, để cho tất cả mọi người cùng kết duyên lành, cùng vào biển Nhất thiết trí, cùng đồng thành Phật đạo.
Nam Mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát
dịch giả Thích Minh Định
Tán Phật
Nguyện đem lòng thành kính,
Gởi theo đám mây hương.
Phảng phất khắp mười phương.
Cúng dường ngôi Tam Bảo,
Thề trọn đời giữ đạo,
Theo tự tánh làm lành,
Cùng pháp giới chúng sanh,
Cầu Phật từ gia hộ,
Tâm Bồ đề kiên cố,
Xa bể khổ nguồn mê,
Chóng quay về bờ giác.
Đấng Pháp Vương vô thượng
Ba cõi chẳng ai bằng
Thầy dạy khắp trời nguời
Cha lành chung bốn loại
Quy y tròn một niệm
Dứt sạch nghiệp ba kỳ
Xưng dương cùng tán thán
Ức kiếp không cùng tận.
Đảnh lễ
Chí tâm đảnh lễ: Nam mô tận hư không, biến pháp giới, quá, hiện, vị lai thập phương chư Phật, Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng, thường trú Tam Bảo.
(1 Lạy)
Chí tâm đảnh lễ : Nam Mô Ta Bà Giáo Chủ Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát, Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát. (1 Lạy)
Chí tâm đảnh lễ : Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật, Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Ưại Thế Chí Bồ Tát, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (1Lạy)
Kệ Khai Kinh
Pháp vi diệu thâm sâu vô thượng
Trăm ngàn vạn kiếp khó gặp được
Nay con thấy nghe được thọ trì
Nguyện hiểu nghĩa chân thật của Như Lai.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)
Nam Mô Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát (3 lần)
KINH
DIỆU PHÁP LIÊN HOA
Quyển một
Phẩm Tựa Thứ Nhất
Tôi nghe như vầy: Một thời, Ðức Phật ở tại thành Vương Xá, trên núi Kỳ Xà Quật, cùng với đại chúng Tỳ Kheo, một vạn hai nghìn người tụ tập. Ðều là A La Hán, các lậu đã hết, chẳng còn phiền não. Sớm được lợi mình, hết những sự ràng buộc trong các cõi, tâm được tự tại. Tên của các Ngài là : A Nhã Kiều Trần Như, Ma Ha Ca Diếp, Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp, Già Da Ca Diếp, Na Ðề Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Ðại Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Chiên Diên, A Nậu Lâu Ðà, Kiếp Tân Na, Kiều Phạm Ba Ðề, Ly Bà Ða, Tất Lăng Già Bà Tha, Bạt Câu La, Ma Ha Câu Hi La, Nan Ðà, Tôn Ðà La Nan Ðà, Phú Lâu Na Di Ða La Ni Tử, Tu Bồ Ðề, A Nan, La Hầu La. Ðó là những vị đại A La Hán, hàng tri thức trong chúng. Lại có hai nghìn người hữu học và vô học. Tỳ Kheo Ni Ma Ha Ba Xà Ba Ðề, cùng với quyến thuộc sáu ngàn người tụ hội. Mẹ của La Hầu La là Tỳ Kheo Ni Gia Du Ðà La, cũng cùng với quyến thuộc tụ hội. Bậc đại Bồ Tát gồm tám vạn người, đều không thối chuyển nơi đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác, đều đắc được Ðà la ni nhạo thuyết biện tài, chuyển bánh xe pháp bất thối chuyển, đã từng cúng dường vô lượng trăm ngàn các Ðức Phật. Ở chỗ các Ðức Phật gieo trồng các gốc công đức. Thường được chư Phật ngợi khen, dùng từ để tu thân, khéo vào huệ của Phật, thông đạt đại trí huệ, đến nơi bờ kia. Danh đồn khắp vô lượng thế giới, có thể độ được vô số trăm ngàn chúng sinh. Tên của các Ngài là: Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Ðại Thế, Bồ Tát Thường Tinh Tấn, Bồ Tát Bất Hưu Tức, Bồ Tát Bảo Chưởng, Bồ Tát Dược Vương, Bồ Tát Dũng Thí, Bồ Tát Bảo Nguyệt, Bồ Tát Nguyệt Quang, Bồ Tát Mãn Nguyệt, Bồ Tát Ðại Lực, Bồ Tát Vô Lượng Lực, Bồ Tát Việt Tam Giới, Bồ Tát Bạt Ðà Bà La. Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Bảo Tích, Bồ Tát Ðạo Sư .v.v... các vị đại Bồ Tát như vậy, gồm tám vạn người tụ hội.
Lúc đó, có Thích Ðề Hoàn Nhân và quyến thuộc hai vạn Thiên tử đều tụ hội. Lại có Thiên tử Minh Nguyệt, Thiên tử Phổ Hương, Thiên tử Bảo Quang. Bốn vị đại Thiên Vương và quyến thuộc một vạn Thiên tử đều tụ hội. Thiên tử Tự Tại, Thiên tử Ðại Tự Tại và quyến thuộc ba vạn Thiên tử đều tụ hội. Chủ thế giới Ta Bà: Phạm Thiên Vương, Thi Khí Ðại Phạm, Quang Minh Ðại Phạm và quyến thuộc một vạn hai ngàn Thiên tử đều tụ hội. Có tám vị Long Vương. Ðó là: Long Vương Nan Ðà. Long Vương Bạt Nan Ðà. Long Vương Sa Già La. Long Vương Hòa Tu Cát. Long Vương Ðức Xoa Ca. Long Vương A Na Bà Ðạt Ða. Long Vương Ma Na Tư. Long Vương Ưu Bát La. Mỗi vị có bao nhiêu trăm ngàn quyến thuộc đều tụ hội. Có bốn vị Khẩn Na La Vương. Ðó là : Pháp Khẩn Na La Vương, Diệu Pháp Khẩn Na La Vương, Ðại Pháp Khẩn Na La Vương, Trì Pháp Khẩn Na La Vương. Mỗi vị có bao nhiêu trăm ngàn quyến thuộc đều tụ hội. Có bốn vị Càn Thát Bà Vương. Ðó là: Nhạc Càn Thát Bà Vương, Nhạc Âm Càn Thát Bà Vương, Mỹ Càn Thát Bà Vương, Mỹ Âm Càn Thát Bà Vương. Mỗi vị có bao nhiêu trăm ngàn quyến thuộc đều tụ hội. Có bốn vị A Tu La Vương. Ðó là : Bà Trĩ A Tu La Vương, Khư La Khiên Ðà A Tu La Vương, Tỳ Ma Chất Ða La A Tu La Vương, La Hầu A Tu La Vương. Mỗi vị với bao nhiêu trăm ngàn quyến thuộc đều tụ hội. Có bốn vị Ca Lâu La Vương. Ðó là: Ðại Oai Ðức Ca Lâu La Vương, Ðại Thân Ca Lâu La Vương, Ðại Mãn Ca Lâu La Vương, Như Ý Ca Lâu La Vương. Mỗi vị với bao nhiêu trăm ngàn quyến thuộc đều tụ hội. Vua A Xà Thế con của bà Vi Ðề Hi, và bao nhiêu trăm ngàn quyến thuộc đều tụ hội. Hết thảy đều lễ dưới chân Ðức Phật, rồi lui về ngồi một bên.
Bấy giờ, tất cả bốn chúng đều vây quanh đức Thế Tôn, cung kính cúng dường tôn trọng tán thán ca ngợi. Vì các Bồ Tát nói Kinh đại thừa tên là Vô Lượng Nghĩa, pháp giáo hóa Bồ Tát, được Phật hộ niệm. Ðức Phật nói Kinh này rồi, bèn ngồi kiết già, nhập tam muội vô lượng nghĩa xứ, thân tâm đều bất động.
Lúc đó, trời mưa hoa mạn đà la, hoa ma ha mạn đà la, hoa mạn thù sa, hoa ma ha mạn thù sa, rải ở trên Ðức Phật và các đại chúng. Khắp hết thảy thế giới của chư Phật, đều có sáu thứ chấn động.
Bấy giờ, trong pháp hội các chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, trời, rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, người, chẳng phải người, và các ông vua nhỏ, chuyển luân thánh vương, các đại chúng, được chưa từng có, vui mừng chắp tay một lòng nhìn Ðức Phật.
Bấy giờ, Ðức Phật phóng ra luồng hào quang trắng ở giữa chân mày, chiếu soi hết thảy một vạn tám nghìn thế giới ở phương đông. Dưới thì chiếu đến địa ngục A Tỳ, trên thì chiếu đến cõi trời Sắc Cứu Kính. Ở thế giới này, đều thấy hết thảy chúng sinh trong sáu nẻo của các cõi kia. Lại thấy chư Phật đang ở các cõi đó. Và nghe chư Phật giảng kinh thuyết pháp, cũng thấy các vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, các vị tu hành đắc đạo. Lại thấy các vị đại Bồ Tát, đủ thứ nhân duyên, đủ thứ tin hiểu, đủ thứ tướng mạo, hành Bồ Tát đạo. Lại thấy chư Phật vào Niết Bàn, sau khi chư Phật vào Niết Nàn, đều đem xá lợi của Phật, đựng thờ trong tháp bằng bảy báu.
Bấy giờ, Bồ Tát Di Lặc khởi ý nghĩ như vầy : Nay Ðức Thế Tôn hiện tướng thần thông biến hóa, vì nhân duyên gì, mà hiện điềm lành nầy ? Nay Ðức Phật Thế Tôn đang nhập tam muội, là việc ít có không thể nghĩ bàn. Bây giờ nên hỏi ai, ai là người đáp được ? Lại nghĩ thế nầy : Ngài Văn Thù Sư Lợi là con của đấng Pháp Vương, đã từng gần gũi cúng dường vô lượng chư Phật trong quá khứ, chắc đã thấy tướng ít có nầy, nay tôi nên hỏi Ngài.
Lúc đó, các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, và các vị trời, rồng, quỷ thần .v.v... đều khởi nghĩ như thế nầy : Tướng quang minh thần thông của Ðức Phật, nay nên hỏi ai ?
Bấy giờ, Bồ Tát Di Lặc muốn giải quyết tâm nghi của mình, lại quán sát tâm của bốn chúng: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, và các chúng hội trời, rồng, quỷ thần .v.v... mà hỏi Bồ Tát Văn Thù, vì nhân duyên gì mà có điềm lành nầy ? Tướng thần thông phóng đại quang minh, chiếu phương đông một vạn tám nghìn cõi, đều thấy cõi nước của chư Phật đó trang nghiêm. Do đó, Bồ Tát Di Lặc muốn thuật lại nghĩa nầy, bèn dùng kệ hỏi rằng :
Ngài Văn Thù Sư Lợi !
Ðấng Ðạo Sư cớ chi ?
Phóng quang trắng giữa mày
Quang minh chiếu hết thảy.
Trời mưa hoa mạn đà
Và hoa mạn thù sa
Gió thơm hương chiên đàn
Khiến vừa lòng đại chúng.
Do nhân duyên như vậy
Cõi nước đều nghiêm tịnh
Mà ở thế giới nầy
Có sáu thứ chấn động.
Lúc nầy bốn bộ chúng
Thảy đều rất vui mừng
Thân tâm đều an lạc
Ðắc được chưa từng có.
Quang minh giữa chân mày
Chiếu thẳng về phương đông
Một vạn tám nghìn cõi
Thảy đều như sắc vàng.
Dưới chiếu ngục A tỳ
Trên chiếu trời Hữu Ðỉnh
Trong tất cả thế giới
Các chúng sinh sáu đường.
Sinh tử chỗ họ đến
Nghiệp duyên thiện và ác
Thọ báo tốt và xấu
Thảy đều thấy rõ hết.
Lại thấy các đức Phật
Ðấng Thánh chúa sư tử
Ðang diễn nói kinh điển
Tối vi diệu bậc nhất.
Âm thanh rất thanh tịnh
Thốt ra lời êm diệu
Giáo hóa các Bồ Tát
Vô số ngàn ức vạn.
Tiếng phạm âm thâm diệu
Khiến người ưa thích nghe
Ðức Phật ở mỗi cõi
Ðều diễn nói chánh pháp.
Dùng đủ thứ nhân duyên
Và vô lượng thí dụ
Chiếu rõ các Phật pháp
Ðể khai ngộ chúng sinh.
Nếu người gặp sự khổ
Chán sinh già bệnh chết
Vì họ nói Niết bàn
Dứt hết thảy các khổ.
Nếu người có phước báo
Từng cúng dường chư Phật
Chí cầu pháp thù thắng
Vì họ nói Duyên Giác.
Nếu có những Phật tử
Tu đủ thứ hạnh môn
Ðể cầu huệ vô thượng
Vì họ nói tịnh đạo.
Nầy Bồ Tát Văn Thù !
Tôi ở tại nơi đây
Thấy nghe như vậy đó
Và ngàn ức thứ việc.
Như thế nhiều vô số
Nay sẽ lược nói ra
Tôi thấy cõi nước kia
Có Hằng sa Bồ Tát.
Tu đủ thứ nhân duyên
Ðể cầu chứng Phật đạo
Hoặc có vị bố thí:
Vàng bạc và san hô.
Chân châu ngọc ma ni
Xa cừ và mã não
Kim cương đồ quý báu
Tôi tớ và xe cộ.
Trang sức và xe kiệu
Ðều hoan hỉ bố thí
Hồi hướng quả vị Phật
Nguyện đắc được thừa ấy
Bậc nhất trong ba cõi
Chư Phật thường khen ngợi.
Hoặc có những Bồ Tát
Dùng xe báu bốn ngựa
Lan can và lọng hoa
Trang sức đem bố thí.
Lại thấy các Bồ Tát
Ðem thân thịt tay chân
Và vợ con bố thí
Ðể cầu vô thượng đạo.
Lại thấy có Bồ Tát
Dùng đầu mắt thân thể
Vui thích đem bố thí
Ðể cầu Phật trí huệ.
Ngài Văn Thù Sư Lợi !
Tôi thấy các ông vua
Ðều đi đến chốn Phật
Hỏi pháp vô thượng đạo.
Bèn vui vẻ bỏ nước
Và cung điện thần thiếp
Cạo bỏ râu và tóc
Mà mặc y pháp phục.
Hoặc thấy có Bồ Tát
Xuất gia làm Tỳ Kheo
Một mình ở chỗ vắng
Thích đọc tụng kinh điển.
Lại thấy có Bồ Tát
Rất tinh tấn dũng mãnh
Vào ở trong rừng sâu
Suy gẫm cầu Phật đạo.
Lại thấy người lìa dục
Thường ở chỗ thanh nhàn
Chuyên tu tập thiền định
Ðắc được năm thần thông.
Lại thấy có Bồ Tát
Chắp tay trụ thiền định
Dùng ngàn vạn bài kệ
Khen ngợi các Pháp Vương.
Lại thấy có Bồ Tát
Trí sâu chí kiên cố
Tham vấn các đức Phật
Nghe rồi đều thọ trì.
Lại thấy có Phật tử
Ðịnh huệ đều đầy đủ
Dùng vô lượng thí dụ
Vì chúng diễn nói pháp.
Vui thích nói các pháp
Giáo hóa các Bồ Tát
Phá trừ chúng binh ma
Mà đánh vang trống pháp.
Lại thấy có Bồ Tát
Yên lặng ngồi bất động
Trời rồng đều cung kính
Chẳng vì thế vui mừng.
Lại thấy có Bồ Tát
Tại rừng phóng quang minh
Cứu khổ dưới địa ngục
Khiến họ vào Phật đạo.
Lại thấy có Phật tử
Chưa từng có ngủ nghỉ
Kinh hành ở trong rừng
Siêng cầu chứng Phật đạo.
Lại thấy bậc giới đức
Oai nghi chẳng thiếu khuyết
Thanh tịnh như châu báu
Ðể cầu chứng Phật đạo.
Lại thấy có Phật tử
Trụ vào sức nhẫn nhục
Bị kẻ tăng thượng mạn
Mắng chưởi và đánh đập.
Thảy đều nhẫn thọ được
Ðể cầu chứng Phật đạo !
Lại thấy có Bồ Tát
Lìa bỏ sự giỡn cười.
Và quyến thuộc ngu si
Gần gũi bậc trí huệ
Nhất tâm trừ tạp loạn
Nhiếp niệm ở núi rừng.
Trải ức ngàn vạn năm
Ðể cầu chứng Phật đạo !
Hoặc thấy có Bồ Tát
Ðồ ăn uống thượng hạng.
Và trăm thứ thuốc thang
Ðem cúng Phật và Tăng
Y tốt quần áo đẹp
Trị giá ngàn vạn tiền.
Hoặc là y vô giá
Ðem cúng Phật và Tăng.
Dùng ngàn vạn ức thứ
Nhà báu bằng chiên đàn
Các giường nệm tốt đẹp
Dâng cúng Phật và Tăng.
Vườn rừng rất thanh tịnh
Hoa quả đều sum sê
Có suối chảy ao tắm
Cúng dường Phật và Tăng.
Như thế đều bố thí
Ðủ thứ đồ tốt đẹp
Vui vẻ chẳng nhàm chán
Ðể cầu vô thượng đạo.
Lại thấy có Bồ Tát
Ðang nói pháp tịch diệt
Ðủ thứ sự giáo hóa
Ðộ vô số chúng sinh.
Hoặc thấy có Bồ Tát
Quán sát các pháp tánh
Ðều chẳng có hai tướng
Giống như là hư không.
Lại thấy có Phật tử
Tâm chẳng có chấp trước
Lấy đó làm diệu huệ
Cầu chứng vô thượng đạo.
Ngài Văn Thù Sư Lợi !
Lại thấy có Bồ Tát
Khi Phật diệt độ rồi
Cúng dường Phật xá lợi.
Lại thấy có Phật tử
Tạo dựng các chùa tháp
Nhiều vô số Hằng sa
Nghiêm sức khắp cõi nước.
Bảo tháp rất cao đẹp
Ðến năm ngàn do tuần
Bề ngang rộng đồng nhau
Dài hai ngàn do tuần.
Tại mỗi mỗi chùa tháp
Ðều có ngàn tràng phan
Màn châu xen thòng xuống
Linh báu đều hòa reo.
Hết thảy trời rồng thần
Người và chẳng phải người
Hương hoa và âm nhạc
Thường mang đến cúng dường.
Ngài Văn Thù Sư Lợi !
Các vị Phật tử kia
Vì cúng dường xá lợi
Trang nghiêm đẹp chùa tháp.
Khắp cõi nước tự nhiên
Ðẹp đẽ tốt lạ thường
Như cây thiên thụ vương
Hoa nở khắp hết thảy.
Phật phóng luồng hào quang
Tôi và cả chúng hội
Thấy khắp cõi nước đó
Ðủ thứ sự thù diệu.
Sức thần thông chư Phật
Trí huệ rất hi hữu
Phóng một luồng tịnh quang
Chiếu khắp vô lượng cõi.
Chúng ta thấy như vậy
Thật là chưa từng có
Mong Phật tử Văn Thù
Giải quyết nghi của chúng.
Bốn chúng đều trông mong
Nhìn Ngài và nhìn tôi
Thế Tôn vì cớ gì ?
Phóng luồng quang minh nầy !
Phật tử hãy giải đáp
Dứt nghi cho chúng mừng
Có những lợi ích gì ?
Về việc quang minh đó !
Phật ngồi tại đạo tràng
Ðắc được pháp thâm diệu
Vì muốn nói pháp đó
Hay là sẽ thọ ký !
Hiện bày các cõi Phật
Các báu đều nghiêm tịnh
Và thấy các đức Phật
Ðây chẳng phải duyên nhỏ.
Ngài Văn Thù nên biết !
Bốn chúng trời, rồng, thần
Thảy đều nhìn trông Ngài
Vì sẽ nói những gì ?
Bấy giờ, Ngài Văn Thù Sư Lợi nói với đại Bồ Tát Di Lặc và các Ðại sĩ. Các thiện nam tử ! Theo sự nghĩ của tôi: Nay Ðức Phật Thế Tôn muốn nói pháp lớn, đánh trống pháp lớn, diễn nói pháp nghĩa lớn.
Các thiện nam tử ! Tôi ở chỗ chư Phật trong quá khứ, đã từng thấy điềm lành nầy, sau khi đức Phật phóng quang minh rồi, sẽ nói pháp lớn. Do đó, sẽ biết chắc hôm nay Ðức Phật, hiện quang minh cũng lại như thế, muốn khiến cho chúng sinh đều được nghe biết pháp, mà tất cả thế gian rất khó tin, cho nên thị hiện tướng điềm lành.
Các thiện nam tử ! Vào thuở quá khứ vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp không thể nghĩ bàn. Lúc đó, có đức Phật hiệu là Nhật Nguyệt Ðăng Minh Như Lai, ŨỨng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Diễn nói chánh pháp, ban đầu, giữa, sau cùng, đều lành. Nghĩa lý rất thâm sâu, lời lẽ khéo léo vi diệu, thuần nhất chẳng hỗn tạp, đầy đủ tướng phạm hạnh thanh tịnh. Vì người cầu Thanh Văn, thì nói pháp bốn diệu đế, độ sinh, già, bệnh, chết, đắc được cứu kính Niết Bàn. Vì người cầu Bích Chi Phật, thì nói pháp mười hai nhân duyên. Vì các Bồ Tát, thì nói sáu Ba la mật, khiến cho đắc được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, thành Nhất thiết chủng trí.
Lại có vị Phật cũng hiệu là Nhật Nguyệt Ðăng Minh. Lại có vị Phật nữa, cũng hiệu là Nhật Nguyệt Ðăng Minh. Như thế gồm có hai vạn vị Phật, đều đồng hiệu là Nhật Nguyệt Ðăng Minh, và đồng một họ là Phả La Ðọa. Ngài Di Lặc nên biết ! Ðức Phật đầu tiên, Ðức Phật sau cùng, đều đồng danh hiệu là Nhật Nguyệt Ðăng Minh, đầy đủ mười hiệu, pháp nói ra trước giữa sau đều lành. Vị Phật cuối cùng, khi chưa xuất gia, có tám vị vương tử. Vị thứ nhất tên là Hữu Ý, vị thứ hai tên là Thiện Ý, vị thứ ba tên là Vô Lượng Ý, vị thứ tư tên là Bảo Ý, vị thứ năm tên là Tăng Ý, vị thứ sáu tên là Trừ Nghi Ý, vị thứ bảy tên là Tưởng Ý, vị thứ tám tên là Pháp Ý. Tám vị vương tử nầy, đều có oai đức tự tại, mỗi vị đều thống lãnh bốn thiên hạ. Khi nghe vua cha xuất gia đắc được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, thảy đều xả bỏ ngôi vua cũng theo đi xuất gia, phát tâm đại thừa, thường tu phạm hạnh, đều làm pháp sư, đều đã trồng gốc căn lành nơi ngàn vạn vị Phật.
Lúc đó, Ðức Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh, nói Kinh đại thừa tên là Vô Lượng Nghĩa, pháp giáo hóa Bồ Tát, được Phật hộ niệm. Nói Kinh nầy rồi, liền ngồi kiết già, ở trong đại chúng nhập vào tam muội vô lượng nghĩa xứ, thân tâm đều bất động.
Lúc đó, trời mưa hoa mạn đà la, hoa ma ha mạn đà la, hoa mạn thù sa, hoa ma ha mạn thù sa, rải khắp ở trên đức Phật và các đại chúng. Khắp các thế giới của chư Phật, đều có sáu thứ chấn động.
Lúc đó, ở trong chúng hội, hàng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, trời, rồng, Dạ xoa, Càn thác bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, người, chẳng phải người, và các ông vua nhỏ, Chuyển luân thánh vương .v.v... các đại chúng đều được chưa từng có, vui mừng chắp tay một lòng nhìn Phật.
Bấy giờ, đức Như Lai phóng tướng luồng hào quang trắng, giữa chặn mày chiếu khắp phương đông, một vạn tám ngàn cõi Phật, như những gì nay thấy là các cõi nước của chư Phật.
Ngài Di Lặc nên biết ! Lúc đó, trong chúng hội có hai mươi ức vị Bồ Tát thích muốn nghe pháp. Các vị Bồ Tát đó, thấy luồng quang minh chiếu khắp các cõi Phật, được chưa từng có, đều muốn biết quang minh đó, do nhân duyên gì ? Thì có vị Bồ Tát tên là Diệu Quang, có tám trăm vị đệ tử.
Lúc đó, Ðức Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh từ tam muội dậy, vì Bồ Tát Diệu Quang mà nói kinh đại thừa tên là Diệu Pháp Liên Hoa, pháp giáo hóa Bồ Tát, được Phật hộ niệm. Trải qua sáu mươi tiểu kiếp, không rời khỏi chỗ ngồi, những người ở trong hội nghe pháp, cũng ngồi một chỗ, trải qua sáu mươi tiểu kiếp, thân tâm đều chẳng động, nghe đức Phật nói pháp như bữa ăn trong chốc lát. Lúc đó, trong đại chúng chẳng có một người nào, hoặc là thân, hoặc là tâm sinh lười mỏi.
Ðức Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh trải qua hai mươi tiểu kiếp nói kinh xong rồi, bèn ở trong đại chúng: Phạm, ma, Sa môn, Bà la môn, và trời, người, A tu la, mà tuyên bố rằng: Vào nửa đêm nay, Như Lai sẽ vào Vô dư Niết Bàn.
Lúc đó, có vị Bồ Tát tên là Ðức Tạng, được đức Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh thọ ký cho Ngài, nói với các Tỳ Kheo rằng: Bồ Tát Ðức Tạng kế tiếp sẽ thành Phật, hiệu là Tịnh Thân Như Lai, ŨỨng Cúng, Chánh Biến Tri. Ðức Phật thọ ký xong, vào lúc nửa đêm, bèn vào Vô dư Niết Bàn. Ðức Phật diệt độ rồi, Bồ Tát Diệu Quang trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, trải qua hai mươi tiểu kiếp, mới vì mọi người mà diễn nói. Tám người con của đức Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh, đều là đệ tử của Ngài Diệu Quang. Ngài Diệu Quang đều giáo hóa, khiến cho các vị đó kiên cố nơi đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Các vị vương tử đó, cúng dường vô lượng trăm ngàn vạn ức đức Phật rồi, đều thành Phật đạo. Vị thành Phật cuối cùng hiệu là Nhiên Ðăng.
Trong tám trăm vị đệ tử, có một người tên là Cầu Danh, tham trước danh lợi, tuy cũng đọc tụng kinh điển, mà chẳng thuộc rành, phần nhiều quên mất, cho nên gọi là Cầu Danh. Do người nầy cũng có gieo trồng các căn lành, nên được gặp vô lượng trăm ngàn ức các đức Phật, cung kính cúng dường, tôn trọng tán thán.
Ngài Di Lặc nên biết ! Lúc đó, Bồ Tát Diệu Quang đâu phải là người nào khác, chính là ta đây, còn Bồ Tát Cầu Danh chính là Ngài đấy. Nay thấy tướng điềm lành nầy, cùng với xưa kia không khác. Cho nên xét nghĩ, hôm nay đức Như Lai sẽ nói kinh đại thừa tên là Diệu Pháp Liên Hoa, pháp giáo hóa Bồ Tát, được Phật hộ niệm.
Lúc đó, Ngài Văn Thù Sư Lợi ở trong đại chúng, muốn tuyên lại nghĩa nầy, bèn nói bài kệ rằng:
Tôi nhớ đời quá khứ
Vô lượng vô số kiếp
Có Phật nhân trung tôn
Hiệu Nhật Nguyệt Ðăng Minh.
Thế Tôn diễn nói pháp
Ðộ vô lượng chúng sinh
Vô số ức Bồ Tát
Khiến vào trí của Phật.
Trước khi Phật xuất gia
Cũng theo tu phạm hạnh.
Phật nói Kinh đại thừa
Tên là Vô Lượng Nghĩa
Ở trong các đại chúng
Mà rộng vì phân biệt.
Phật nói Kinh nầy rồi
Bèn ở trên pháp tòa
Ngồi kiết già nhập định
Tên vô lượng nghĩa xứ.
Và thấy các trời, người
Chúng rồng, thần, Dạ xoa
Càn thát, Khẩn na la
Ðều cúng dường đức Phật.
Lại thấy các Như Lai
Tự nhiên thành Phật đạo
Sắc thân như núi vàng
Ðoan nghiêm rất đẹp đẽ.
Như trong lưu ly sạch
Hiện ra tựa vàng thật
Thế Tôn trong đại chúng
Diễn nói pháp thâm sâu.
Mỗi mỗi các cõi Phật
Vô số chúng Thanh Văn
Vì Phật quang chiếu đến
Nên thấy đại chúng kia.
Hoặc thấy các Tỳ Kheo
Ở trong nơi rừng núi
Tinh tấn giữ tịnh giới
Như giữ gìn minh châu.
Trời mưa hoa mạn đà
Trống trời tự nhiên kêu
Các trời, rồng, quỷ, thần
Cúng dường Nhân trung tôn.
Tất cả các cõi Phật
Tức thời đều chấn động
Phật phóng quang giữa mày
Hiện nhiều việc hiếm có.
Quang nầy chiếu phương đông
Một vạn tám nghìn cõi
Hiện sinh tử nghiệp báo
Của tất cả chúng sinh.
Lại thấy các cõi Phật
Dùng các báu trang nghiêm
Màu lưu ly pha lê
Ðều do Phật quang chiếu.
Lại thấy các Bồ Tát
Bố thí và nhẫn nhục
Số lượng như Hằng sa
Ðều do Phật quang chiếu.
Lại thấy các Bồ Tát
Vào sâu các thiền định
Thân tâm lặng chẳng động
Ðể cầu vô thượng đạo.
Lại thấy các Bồ Tát
Biết pháp tướng tịch diệt
Ðều ở cõi nước kia
Nói pháp cầu Phật đạo.
Lúc đó bốn bộ chúng
Thấy Phật Nhật Nguyệt Ðăng
Hiện sức đại thần thông
Tâm họ đều vui mừng.
Thảy đều tự hỏi nhau :
Việc nầy nhân duyên gì ?
Thế Tôn của trời người
Vừa mới ra khỏi định
Khen Bồ Tát Diệu Quang
Ông là mắt thế gian
Nơi tin của tất cả
Phụng trì được pháp tạng.
Như pháp của ta nói
Chỉ ông chứng biết được
Ðức Thế Tôn khen ngợi
Khiến Diệu Quang vui mừng.
Bèn nói Kinh Pháp Hoa
Trọn sáu mươi tiểu kiếp
Chẳng rời khỏi toà ngồi
Pháp nói ra thâm diệu.
Ngài pháp sư Diệu Quang
Thảy đều thọ trì được.
Phật nói Kinh Pháp Hoa
Khiến chúng vui mừng rồi.
Tức cũng trong ngày đó
Nói với chúng trời người
Nghĩa thật tướng các pháp
Ðã vì các ông nói.
Ta nay trong đêm nay
Sẽ vào cõi Niết bàn
Các ông hãy tinh tấn
Nên xa lìa phóng dật.
Chư Phật rất khó gặp
ŨỨc kiếp gặp một lần
Hết thảy con của Phật
Nghe Phật vào Niết bàn.
Ai nấy đều buồn khổ
Sao Phật diệt sớm thế ?
Ðấng Pháp Vương Thánh chúa
An ủi vô lượng chúng.
Nếu lúc ta diệt độ
Các ông chớ lo sợ
Vị Bồ Tát Ðức Tạng
Nơi vô lậu thật tướng.
Tâm đã được thông đạt
Kế đây sẽ thành Phật
Hiệu là Phật Tịnh Thân
Cũng độ vô lượng chúng.
Ðêm nay Phật diệt độ
Như củi hết lửa tắt
Phân chia các xá lợi
Mà xây vô lượng tháp.
Tỳ Kheo Tỳ Kheo ni
Số đông như Hằng sa
Lại càng thêm tinh tấn
Ðể cầu vô thượng đạo.
Vị pháp sư Diệu Quang
Phụng trì tạng Phật pháp
Trong tám mươi tiểu kiếp
Rộng nói Kinh Pháp Hoa.
Tám vị vương tử đó
Ðược Diệu Quang giáo hoá
Kiên cố đạo vô thượng
Thấy được vô số Phật.
Cúng dường chư Phật rồi
Cũng theo tu đại đạo
Liên tiếp đều thành Phật
Thứ tự mà thọ ký.
Thiên Trung Thiên cuối cùng
Hiệu là Phật Nhiên Ðăng
Là đạo sư trời người
Ðộ thoát vô lượng chúng.
Vị pháp sư Diệu Quang
Có một vị đệ tử
Tâm thường hay giải đãi
Tham trước về danh lợi.
Cầu danh lợi không chán
Thường đến nhà giàu sang
Bỏ bê đọc tụng kinh
Quên mất chẳng thông thuộc.
Vì bởi nhân duyên đó
Nên gọi là Cầu Danh
Cũng tu các nghiệp thiện
Ðược thấy vô số Phật.
Cúng dường các đức Phật
Theo tu hành đại đạo
Ðủ sáu Ba la mật
Nay gặp Phật Thích Ca.
Sau nầy sẽ thành Phật
Hiệu là Phật Di Lặc
Rộng độ các chúng sinh
Số đông nhiều vô lượng.
Phật kia diệt độ rồi
Người giải đãi là Ngài
Còn pháp sư Diệu Quang
Nay chính là thân ta.
Tôi thấy Phật Ðăng Minh
Ðiềm lành xưa như vậy
Nên biết Phật hôm nay
Muốn nói Kinh Pháp Hoa.
Tướng nay như điềm xưa
Là phương tiện chư Phật
Nay Phật phóng quang minh
Giúp bày nghĩa thật tướng.
Các người nay nên biết
Chắp tay một lòng chờ
Phật sẽ rưới mưa pháp
Ðầy đủ người cầu đạo.
Những người cầu ba thừa
Nếu có chỗ nghi hối
Phật sẽ dứt trừ cho
Khiến hết chẳng còn thừa.
----------
KINH
DIỆU PHÁP LIÊN HOA
Phẩm phương tiện thứ hai
Bấy giờ, Ðức Thế Tôn từ tam muội an tường mà dậy, nói với Ngài Xá Lợi Phất: Trí huệ của chư Phật thâm sâu vô lượng, môn trí huệ đó khó hiểu khó vào. Tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật không thể biết được. Vì sao ? Vì Phật đã từng gần gũi trăm ngàn vạn ức vô số chư Phật, thực hành hết vô lượng đạo pháp của chư Phật, dũng mãnh tinh tấn, danh xưng đồn khắp, thành tựu pháp thâm sâu chưa từng có, tùy nghi mà nói, ý nghĩa khó hiểu.
Xá Lợi Phất ! Từ khi ta thành Phật đến nay, dùng đủ thứ nhân duyên, đủ thứ ví dụ để rộng nói, dùng vô số phương tiện để dìu dắt giáo hóa chúng sinh, khiến cho chúng sinh lìa các sự chấp trước. Tại sao ? Vì phương tiện tri kiến Ba la mật của Như Lai đều đã đầy đủ.
Xá Lợi Phất ! Tri kiến của Như Lai rộng lớn sâu xa, vô lượng vô ngại, lực, vô sở úy, thiền định, giải thoát, tam muội, vào sâu chẳng có bờ mé, thành tựu tất cả các pháp chưa từng có.
Xá Lợi Phất ! Như Lai dùng đủ thứ sự khác biệt, khéo léo nói các pháp, lời lẽ êm diệu, khiến cho vừa lòng đại chúng.
Xá Lợi Phất ! Nói tóm lại, những pháp chính yếu vô lượng vô biên chưa từng có, Phật đều đã thành tựu.
Thôi, Xá Lợi Phất ! Ðừng nói nữa. Vì sao ? Vì pháp của Phật thành tựu ít có, khó hiểu bậc nhất. Chỉ có Phật với Phật, mới thấu triệt được thật tướng của các pháp. Ðó là : Tướng của các pháp như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, làm như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, gốc ngọn cứu kính như vậy .v.v...
Lúc đó, Ðức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa nầy, mà nói bài kệ rằng:
Ðấng Thế Hùng khó lường
Chư thiên và nhân loại
Tất cả loài chúng sinh
Chẳng ai hiểu biết Phật.
Phật lực vô sở úy
Giải thoát các tam muội
Các pháp khác của Phật
Chẳng ai đo lường được.
Vốn từ vô số Phật
Ðầy đủ hạnh các đạo
Pháp thâm sâu nhiệm mầu
Khó thấy khó biết được.
Trong vô lượng ức kiếp
Hành các đạo đó rồi
Ðạo tràng được chứng quả
Ta đều đã thấy biết.
Quả báo lớn như vậy
Ðủ thứ tánh tướng nghĩa
Ta và mười phương Phật
Mới biết rõ việc đó.
Pháp đó chẳng thể bày
Lời lẽ tướng tịch diệt
Những loài chúng sinh khác
Chẳng ai hiểu biết được.
Trừ các chúng Bồ Tát
Bậc sức tin kiên cố
Chúng đệ tử chư Phật
Từng cúng dường chư Phật.
Tất cả bậc sạch lậu
Trụ ở thân cuối cùng
Những hạng người như vậy
Sức họ chẳng kham được.
Nếu như đầy thế gian
Ðều như Xá Lợi Phất
Suy nghĩ và độ lượng
Chẳng dò được Phật trí.
Giả sử đầy mười phương
Ðều như Xá Lợi Phất
Và các đệ tử khác
Cũng đầy mười phương cõi.
Cùng nghĩ và độ lượng
Cũng chẳng hiểu biết được
Bích Chi Phật lợi trí
Vô lậu thân cuối cùng.
Cũng đầy khắp mười phương
Số đông như rừng tre
Thảy đều chung một lòng
Trong vô lượng ức kiếp.
Muốn lường Phật thật trí
Chẳng biết được ít phần
Bồ Tát mới phát tâm
Cúng dường vô số Phật.
Thấu rõ các nghĩa thú
Lại hay khéo nói pháp
Như lúa mè tre lau
Ðầy khắp mười phương cõi.
Nhất tâm dùng diệu trí
Trải Hằng sa số kiếp
Cùng chung nhau suy lường
Chẳng biết được Phật trí.
Các Bồ Tát bất thối
Số đông như Hằng sa
Ðều nhất tâm suy cầu
Cũng chẳng thể biết được.
Lại nữa, Xá Lợi Phất !
Vô lậu chẳng nghĩ bàn
Pháp thâm sâu nhiệm mầu
Ta nay đã được đủ
Chỉ ta biết tướng đó
Mười phương Phật cũng thế.
Xá Lợi Phất nên biết !
Lời chư Phật không khác
Pháp của Phật nói ra
Nên sinh sức tin lớn
Pháp Thế Tôn lâu sau
Cần phải nói chân thật.
Nầy các chúng Thanh Văn !
Và người cầu Duyên Giác
Ta khiến cho thoát khổ
Sớm đắc được Niết bàn.
Phật dùng sức phương tiện
Mở bày ba thừa giáo
Chúng sinh nơi nơi chấp
Dẫn dắt họ ra khỏi.
Bấy giờ, ở trong đại chúng có các vị Thanh Văn A La Hán đã sạch các lậu, Ngài A Nhã Kiều Trần Như .v.v... một ngàn hai trăm người, và các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, phát tâm cầu Thanh Văn và Bích Chi Phật, ai nấy đều nghĩ rằng: Hôm nay Ðức Thế Tôn vì cớ gì, mà ân cần khen ngợi pháp phương tiện mà nói như vầy: Pháp của Phật đắc được thâm sâu khó hiểu, lời lẽ nói ra ý thú khó biết, tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật, không thể hiểu biết được. Ðức Phật nói một nghĩa giải thoát, chúng ta cũng được pháp nầy, đến nơi Niết bàn, mà nay chẳng biết nghĩa đó như thế nào ?
Bấy giờ, Ngài Xá Lợi Phất biết tâm nghi của bốn chúng, chính mình cũng chưa rõ, mới bạch Ðức Phật rằng: Ðức Thế Tôn ! Do nhân duyên gì, mà ân cần khen ngợi pháp phương tiện bậc nhất của chư Phật, thâm sâu nhiệm mầu khó hiểu ? Con từ xưa đến nay, chưa từng nghe Ðức Phật nói như thế. Nay bốn chúng thảy đều có tâm nghi, ngưỡng mong đức Thế Tôn diễn nói việc đó. Vì sao đức Thế Tôn ân cần ngợi khen, pháp thâm sâu nhiệm mầu khó hiểu ?
Khi đó, Ngài Xá Lợi Phất muốn thuật lại nghĩa nầy, mà nói bài kệ rằng:
Ðấng Huệ Nhật Ðại Thánh
Lâu mới nói pháp nầy
Tự nói được như thế
Lực vô úy tam muội.
Thiền định giải thoát thảy
Pháp không thể nghĩ bàn
Pháp chứng nơi đạo tràng
Chẳng ai có thể hỏi.
Tâm con khó dò được
Cũng chẳng ai hỏi được
Chẳng hỏi mà tự nói
Khen ngợi đạo mình hành.
Trí huệ sâu vi diệu
Chỗ đắc của chư Phật
Các La Hán vô lậu
Và người cầu Niết bàn.
Nay đều sa lưới nghi
Vì sao Phật nói thế ?
Những người cầu Duyên Giác
Tỳ Kheo Tỳ Kheo ni.
Các trời rồng quỷ thần
Và Càn thát bà thảy
Nhìn nhau ôm lòng nghi
Chiêm ngưỡng đấng Lưỡng Túc.
Việc đó như thế nào ?
Xin Phật hãy giải nói.
Trong hàng chúng Thanh Văn
Phật nói con hạng nhất.
Nay con nương trí mình
Nghi hoặc chẳng hiểu được
Ðâu là pháp cứu kính
Ðâu là đạo Phật tu ?
Con từ miệng Phật sinh !
Chắp tay chiêm ngưỡng chờ
Xin nói pháp vi diệu
Liền vì nói như thật.
Các trời rồng thần thảy
Số đông như Hằng sa
Các Bồ Tát cầu Phật
Số nhiều đến tám vạn.
Và vạn ức cõi nước
Chuyển luân thánh vương đến
Chắp tay lòng cung kính
Muốn nghe đạo đầy đủ.
Bấy giờ, Ðức Phật bảo Xá Lợi Phất: Thôi đi ! Thôi đi ! Ðừng nói nữa. Nếu nói việc đó, thì tất cả trời, người thế gian đều sẽ kinh sợ nghi ngờ.
Xá Lợi Phất lại bạch Phật rằng: Ðức Thế Tôn ! Cúi xin nói cho, cúi xin nói cho ! Tại sao ? Vì vô số trăm ngàn vạn ức A tăng kỳ chúng sinh, đã từng gặp các đức Phật, các căn đều lanh lợi, trí huệ sáng suốt, nghe đức Phật nói chắc sẽ cung kính tin nhận.
Khi đó, Ngài Xá Lợi Phất muốn thuật lại nghĩa nầy, mà nói bài kệ rằng:
Ðấng Pháp Vương vô thượng
Xin nói chớ do dự
Vô lượng chúng trong hội
Có người sẽ kính tin.
Ðức Phật lại bảo Xá Lợi Phất : Thôi đi ! Nếu nói việc đó, thì tất cả thế gian trời, người, A tu la, đều sẽ kinh sợ nghi hoặc, Tỳ Kheo tăng thượng mạn sẽ sa vào hầm lớn.
Lúc đó, Ðức Thế Tôn nói kệ rằng:
Thôi thôi đừng nên nói
Pháp ta diệu khó nghĩ
Những kẻ tăng thượng mạn
Nghe tất chẳng kính tin.
Khi đó, Ngài Xá Lợi Phất lại bạch Phật rằng: Ðức Thế Tôn ! Cúi xin nói cho, cúi xin nói cho, nay trong hội nầy, những người như con, có hàng trăm ngàn vạn ức, các vị đó đời đời kiếp kiếp, đã từng tiếp thọ sự giáo hóa của Phật. Những người nầy tất sẽ cung kính tin nhận, lâu dài sẽ an ổn, sẽ đắc được nhiều lợi ích.
Lúc đó, Ngài Xá Lợi Phất muốn thuật lại nghĩa nầy, bèn nói bài kệ rằng:
Ðấng Vô Thượng Lưỡng Túc
Xin nói pháp bậc nhất
Con là trưởng tử Phật
Cúi xin phân biệt nói.
Vô lượng chúng hội nầy
Sẽ kính tin pháp nầy
Phật đời đời đã từng
Giáo hóa chúng như thế.
Ðều một lòng chấp tay
Muốn nghe lời Phật nói
Chúng con ngàn hai trăm
Và người cầu Phật kia.
Xin vì đại chúng nầy
Cúi xin phân biệt nói
Chúng con nghe pháp nầy
Chắc sinh vui mừng lớn.
Bấy giờ, Ðức Thế Tôn bảo Ngài Xá Lợi Phất: Ông đã ân cần ba phen thỉnh cầu, lẽ nào không nói, ông hãy lóng nghe và khéo suy xét. Ta sẽ vì ông phân biệt giải nói.
Ðức Phật vừa nói lời nầy xong, thì trong hội có các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, cả thảy năm ngàn người, liền từ chỗ ngồi đứng dậy lễ Phật rồi đi. Tại sao ? Vì những người nầy tội căn sâu nặng, và những người tăng thượng mạn, chưa được mà nói đã được, chưa chứng mà nói đã chứng, có lỗi như thế, cho nên chẳng ở lại. Ðức Thế Tôn yên lặng chẳng ngăn cản họ.
Lúc đó, Ðức Phật nói với Ngài Xá Lợi Phất: Nay chúng của ta đây chẳng còn cành lá, chỉ thuần có chân thật.
Xá Lợi Phất ! Những người tăng thượng mạn như thế, đi về cũng tốt. Nay ông hãy khéo lóng nghe, ta sẽ vì ông mà nói.
Ngài Xá Lợi Phất nói: Thưa vâng ! Ðức Thế Tôn, con thích muốn được nghe.
Ðức Phật bảo Xá Lợi Phất ! Diệu pháp như thế, khi đúng thời, thì chư Phật Như Lai mới nói. Như hoa ưu đàm bát, đúng thời mới hiện.
Xá Lợi Phất ! Các ông nên tin lời của Phật nói, chẳng có hư vọng.
Xá Lợi Phất ! Chư Phật tùy nghi nói pháp ý thú khó hiểu. Vì sao ? Ta dùng vô số phương tiện, đủ thứ nhân duyên lời lẽ thí dụ, để diễn nói các pháp, pháp đó chẳng phải suy lường phân biệt mà hiểu được, chỉ có chư Phật mới biết được. Vì sao ? Chư Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ra đời.
Xá Lợi Phất ! Tại sao lại nói chư Phật Thế Tôn, chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ra đời ? Vì chư Phật Thế Tôn muốn khiến cho chúng sinh, khai mở tri kiến của Phật, để được thanh tịnh mà hiện ra nơi đời, muốn mở bày cho chúng sinh tri kiến của Phật, mà hiện ra nơi đời, muốn khiến cho chúng sinh ngộ tri kiến của Phật, mà hiện ra nơi đời, muốn cho chúng sinh vào được tri kiến của Phật, mà hiện ra nơi đời.
Xá Lợi Phất ! Ðó là chư Phật vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ra đời.
Ðức Phật bảo Xá Lợi Phất ! Ðức Phật Như Lai chỉ giáo hóa Bồ Tát, làm tất cả những gì, thường vì một việc, đó là mở bày cho chúng sinh ngộ được tri kiến của Phật.
Xá Lợi Phất ! Như Lai chỉ dùng một Phật thừa, mà vì chúng sinh thuyết pháp, chẳng có hai hoặc ba thừa nào khác.
Xá Lợi Phất ! Hết thảy mười phương chư Phật cũng lại như thế.
Xá Lợi Phất ! Chư Phật quá khứ dùng vô lượng vô số phương tiện, đủ thứ nhân duyên lời lẽ thí dụ, mà vì chúng sinh diễn nói các pháp, pháp đó đều vì một Phật thừa, các chúng sinh đó theo chư Phật nghe pháp, cứu kính đều đắc được Nhất thiết chủng trí.
Xá Lợi Phất ! Chư Phật vị lai sẽ xuất hiện ra đời, cũng dùng vô lượng vô số phương tiện, đủ thứ nhân duyên lời lẽ thí dụ, mà vì chúng sinh diễn nói các pháp. Pháp đó đều vì một Phật thừa, các chúng sinh đó theo Phật nghe pháp, cứu kính đều đắc được Nhất thiết chủng trí.
Xá Lợi Phất ! Hiện tại chư Phật Thế Tôn, trong mười phương vô lượng trăm ngàn vạn ức các cõi Phật, làm lợi ích an lạc chúng sinh, chư Phật đó cũng dùng vô lượng vô số phương tiện, đủ thứ nhân duyên lời lẽ thí dụ, mà vì chúng sinh diễn nói các pháp. Pháp đó đều vì một Phật thừa. Các chúng sinh đó theo Phật nghe pháp, cứu kính đều đắc được Nhất thiết chủng trí.
Xá Lợi Phất ! Chư Phật đó chỉ giáo hóa Bồ Tát, vì muốn chỉ bày cho chúng sinh tri kiến của Phật, muốn cho chúng sinh ngộ được tri kiến của Phật, muốn cho chúng sinh vào được tri kiến của Phật.
Xá Lợi Phất ! Ta nay cũng lại như thế, biết các chúng sinh có đủ thứ dục niệm, chấp trước nơi thâm tâm, tuỳ theo bản tánh của họ, ta dùng đủ thứ nhân duyên, lời lẽ thí dụ sức phương tiện, để vì họ nói pháp.
Xá Lợi Phất ! Như thế đều vì đắc được một Phật thừa Nhất thiết chủng trí.
Xá Lợi Phất ! Ở trong mười phương thế giới còn chẳng có hai thừa, hà huống có ba.
Xá Lợi Phất ! Chư phật xuất hiện ra đời ác năm trược: Kiếp trược, phiền não trược, chúng sinh trược, kiến trược, mạng trược. Như thế Xá Lợi Phất ! Vào thời kiếp trược loạn, thì chúng sinh cấu nặng, xan tham, đố kị, thành tựu các căn chẳng lành. Chư Phật dùng sức phương tiện, nơi một Phật thừa mà phân biệt nói ba.
Xá Lợi Phất ! Nếu đệ tử của ta, tự cho mình là bậc A La Hán, Bích Chi Phật, mà chẳng nghe chẳng biết việc chư Phật Như Lai chỉ giáo hóa Bồ Tát, những người đó chẳng phải đệ tử của Phật, chẳng phải A La Hán, chẳng phải Bích Chi Phật.
Lại nữa, Xá Lợi Phất ! Các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni đó, tự cho mình đã chứng A la hán, là thân cuối cùng, cứu kính Niết bàn, chẳng còn có chí cầu quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Nên biết, những người đó đều là những kẻ tăng thượng mạn. Tại sao ? Nếu có Tỳ kheo thật chứng được A la hán, nếu không tin pháp nầy, thì chẳng có lý vậy, trừ khi Phật diệt độ rồi, hiện tiền chẳng có Phật. Tại sao ? Vì sau khi Phật diệt độ rồi, người thọ trì đọc tụng, hiểu nghĩa những kinh như vầy, thật là khó có được. Nếu gặp đức Phật khác, ở trong pháp nầy thì sẽ hiểu rõ.
Xá Lợi Phất ! Các ông nên một lòng tin hiểu, thọ trì lời của Phật nói. Lời của chư Phật Như Lai chẳng có hư vọng, chẳng có thừa nào khác, chỉ có một Phật thừa.
Bấy giờ, Ðức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa trên, mà nói bài kệ rằng:
Tỳ Kheo Tỳ Kheo ni
Ôm lòng tăng thượng mạn
Cư sĩ nam ngã mạn
Cư sĩ nữ chẳng tin.
Hàng bốn chúng như thế
Số đông năm ngàn người.
Chẳng thấy rõ lỗi mình
Nơi giới có thiếu lủng.
Tiếc giữ lầm lỗi mình
Người trí nhỏ đã ra
Bọn tấm cám trong chúng
Ði vì oai đức Phật.
Những người đó phước mỏng
Chẳng kham thọ pháp nầy
Chúng nay không cành lá
Chỉ toàn là chân thật.
Xá Lợi Phất khéo nghe !
Pháp của chư Phật được
Vô lượng sức phương tiện
Mà vì chúng sinh nói.
Tâm chúng sinh nghĩ gì
Làm đủ thứ các việc
Bao nhiêu các tính dục
Nghiệp thiện ác đời trước.
Phật đều biết vậy rồi
Dùng các duyên thí dụ
Lời lẽ sức phương tiện
Khiến tất cả vui mừng.
Hoặc nói những khế kinh
Cô khởi và bổn sự
Bổn sinh, vị tằng hữu
Cũng nói các nhân duyên.
Thí dụ và trùng tụng
Và kinh luận nghị thảy
Ðộn căn thích pháp nhỏ
Tham trước trong sinh tử.
Vô lượng chỗ chư Phật
Chẳng hành sâu diệu đạo
Bị khổ làm não loạn
Vì họ nói Niết Bàn.
Ta bày phương tiện đó
Khiến vào được Phật huệ
Chưa từng nói các ông
Sẽ đắc được Phật đạo.
Sở dĩ chưa từng nói
Vì thời nói chưa đến
Nay chính là phải thời
Quyết định nói đại thừa.
Chín bộ pháp ta đây
Thuận theo chúng sinh nói
Vào đại thừa làm gốc
Vì vậy nói kinh nầy.
Có Phật tử tâm tịnh
Êm diệu cũng lợi căn
Vô lượng chỗ chư Phật
Mà hành sâu diệu đạo.
Vì các Phật tử đó
Nói kinh đại thừa nầy
Ta thọ ký người đó
Tương lai sẽ thành Phật.
Vì giữ gìn tịnh giới
Người nầy nghe thành Phật
Mừng rỡ khắp toàn thân
Phật biết tâm người đó.
Cho nên nói đại thừa
Nếu Thanh Văn Bồ Tát
Nghe pháp của ta nói.
Cho đến một bài kệ
Ðều thành Phật chẳng nghi.
Trong mười phương cõi Phật
Chỉ có một thừa pháp.
Chẳng hai cũng chẳng ba
Trừ Phật phương tiện nói
Chỉ dùng tên giả danh
Dẫn dắt các chúng sinh.
Nói trí huệ của Phật
Chư Phật hiện ra đời
Chỉ thật một việc nầy
Nếu hai chẳng phải chân.
Quyết chẳng dùng tiểu thừa
Tế độ các chúng sinh
Phật tự trụ đại thừa
Như pháp của mình được.
Ðịnh huệ lực trang nghiêm
Dùng để độ chúng sinh
Tự chứng đạo vô thượng
Pháp đại thừa bình đẳng.
Nếu giáo hóa tiểu thừa
Cho đến chỉ một người
Thì ta đọa xan tham
Việc nầy không thể có.
Nếu người tin quy Phật
Như Lai chẳng dối gạt.
Cũng không tham ghen ghét
Dứt ác trong các pháp
Nên Phật trong mười phương
Chẳng có gì sợ hãi.
Ta dùng tướng nghiêm thân
Quang minh chiếu thế gian
Vô lượng chúng tôn kính
Vì nói ấn thật tướng.
Xá Lợi Phất nên biết !
Ta vốn lập thệ nguyện:
Muốn khiến tất cả chúng
Ðồng như ta không khác.
Nguyện xưa kia của ta
Nay đã đầy đủ rồi
Ðộ tất cả chúng sinh
Ðều khiến vào Phật đạo.
Nếu ta gặp chúng sinh
Dùng Phật đạo dạy hết
Kẻ vô trí lầm lẫn
Mê hoặc chẳng nghe lời.
Ta biết chúng sinh đó
Chưa từng tu gốc lành
Chấp cứng nơi năm dục
Vì si ái sinh phiền.
Do nhân duyên ác dục
Ðọa vào ba đường ác
Luân hồi trong sáu nẻo
Chịu đủ các khổ độc.
Thọ thai hình hài nhỏ
Ðời đời thường lớn dần
Người đức mỏng phước ít
Bị các khổ bức bách.
Vào rừng rậm tà kiến
Chấp có, hoặc chấp không
Nương tựa các kiến này
Ðầy đủ sáu mươi hai.
Chấp sâu pháp hư vọng
Giữ chặt chẳng bỏ được
Ngã mạn tự khoe cao
Dua nịnh tâm chẳng thật.
Trong ngàn vạn ức kiếp
Chẳng nghe danh hiệu Phật
Cũng chẳng nghe chánh pháp
Người như thế khó độ.
Cho nên Xá Lợi Phất !
Ta vì bày phương tiện
Nói hết các khổ đạo
Mở bày đạo Niết bàn.
Tuy ta nói Niết bàn
Ðó cũng chẳng thật diệt
Các pháp từ bổn lai
Tướng thường tự tịch diệt.
Phật tử hành đạo rồi
Ðời sau được thành Phật
Ta có sức phương tiện
Mở bày pháp ba thừa.
Nay các đại chúng đây
Ðều nên trừ nghi hoặc
Lời chư Phật không khác
Một chẳng có hai thừa.
Quá khứ vô số kiếp
Vô lượng Phật diệt độ
Trăm ngàn vạn ức Phật
Số đông không thể lường.
Các Thế Tôn như thế
Ðủ thứ duyên thí dụ
Vô số sức phương tiện
Diễn nói tướng các pháp.
Các Thế Tôn đó thảy
Ðều nói pháp một thừa
Ðộ vô lượng chúng sinh
Khiến vào được Phật đạo.
Các đấng Ðại Thánh Chúa
Biết tất cả thế gian
Trời người loại quần sinh
Trong thâm tâm ưa muốn.
Bèn dùng phương tiện khác
Giúp bày nghĩa đệ nhất
Nếu có loại chúng sinh
Gặp chư Phật quá khứ.
Nếu nghe pháp bố thí
Hoặc trì giới nhẫn nhục
Tinh tấn thiền trí thảy
Tu đủ thứ phước huệ.
Tất cả những người đó
Ðều đã thành Phật đạo.
Sau chư Phật diệt độ
Nếu người tâm tốt lành.
Những chúng sinh như thế
Ðều đã thành Phật đạo
Chư Phật diệt độ rồi
Người cúng dường xá lợi.
Tạo vạn ức bảo tháp
Vàng bạc và pha lê
Xa cừ cùng mã não
Châu mai khôi lưu ly.
Thanh tịnh rộng nghiêm sức
Trang trí nơi các tháp
Hoặc dùng đá làm chùa
Chiên đàn và trầm thủy.
Gỗ mật và gỗ khác
Gạch ngói bùn đất thảy
Nếu ở nơi đồng hoang
Chứa đất thành chùa Phật.
Cho đến trẻ con chơi
Vun cát làm tháp Phật
Tất cả những người đó
Ðều đã thành Phật đạo.
Nếu như người vì Phật
Kiến tạo các hình tượng
Ðiêu khắc thành các tướng
Ðều đã thành Phật đạo.
Hoặc làm bằng bảy báu
Vàng thau đồng trắng đỏ
Nhôm chì và chất kẽm
Sắt gỗ cùng với bùn.
Hoặc dùng keo sơn vải
Nghiêm sức làm tượng Phật
Hết thảy những người đó
Ðều đã thành Phật đạo.
Vẽ hoạ làm tượng Phật
Trăm tướng phước trang nghiêm
Tự làm hoặc bảo người
Ðều đã thành Phật đạo.
Cho đến trẻ con chơi
Dùng cỏ cây và bút
Hoặc là dùng móng tay
Mà vẽ họa tượng Phật.
Hết thảy những người đó
Từ từ tích công đức
Ðầy đủ tâm đại bi
Ðều đã thành Phật đạo.
Giáo hóa các Bồ Tát
Ðộ thoát vô lượng chúng.
Nếu người nơi chùa tháp
Tượng báu và tượng vẽ.
Dùng hương hoa, phan, lọng
Cúng kính mà cúng dường
Hoặc khiến người tấu nhạc
Ðánh trống thổi sừng ốc.
Tiêu, sáo, cầm, đờn sắt
Tì bà chụp chã đồng
Các tiếng hay như thế
Ðem hết để cúng dường.
Hoặc dùng tâm vui mừng
Ca tụng công đức Phật.
Dù chỉ một vài lời
Họ đều đã thành Phật
Hoặc người tâm tán loạn
Cho đến dùng cành hoa.
Cúng dường trước tượng vẽ
Lần thấy vô số Phật
Hoặc có người lễ lạy
Hoặc là chỉ chắp tay.
Cho đến giơ một tay
Hoặc là hơi cúi đầu
Dùng để cúng dường tượng
Lần thấy vô lượng Phật.
Tự thành vô thượng đạo
Rộng độ vô số chúng
Vào Vô dư Niết bàn
Như củi hết lửa tắt.
Hoặc người tâm tán loạn
Vào đến trong chùa tháp
Miệng niệm Nam Mô Phật
Họ đều đã thành Phật.
Nơi chư Phật quá khứ
Tại thế hoặc diệt độ
Người nghe được pháp nầy
Ðều đã thành Phật đạo.
Các Thế Tôn vị lai
Số đông không thể lường
Các vị Như Lai đó
Cũng phương tiện nói pháp.
Tất cả các Như Lai
Dùng vô lượng phương tiện
Ðộ thoát các chúng sinh
Vào trí Phật vô lậu.
Nếu có người nghe pháp
Không ai chẳng thành Phật.
Chư Phật vốn thệ nguyện
Ta tu hành Phật đạo
Muốn hết thảy chúng sinh
Cũng đều được đạo nầy.
Chư Phật đời vị lai
Tuy nói trăm ngàn ức
Vô số các pháp môn
Thật tế vì một thừa.
Chư Phật Lưỡng Túc Tôn
Biết pháp thường không tánh
Giống Phật từ duyên sinh
Vì thế nói một thừa.
Pháp đó trụ pháp vị
Tướng thế gian thường trụ
Biết rồi nơi đạo tràng
Ðạo sư phương tiện nói.
Chỗ trời người cúng dường
Hiện tại mười phương Phật
Số đông như Hằng sa
Xuất hiện nơi thế gian.
Vì yên ổn chúng sinh
Cũng nói pháp như thế
Biết tịch diệt bậc nhất
Vì dùng sức phương tiện.
Tuy bày nhiều thừa pháp
Thật tế vì Phật thừa
Biết các hạnh chúng sinh
Nghĩ tưởng trong thâm tâm.
Nghiệp nhiễm trong quá khứ
Tánh dục sức tinh tấn
Và các căn lợi độn
Dùng đủ thứ nhân duyên.
Thí dụ và lời lẽ
Tùy theo phương tiện nói.
Nay ta cũng như thế
Vì yên ổn chúng sinh.
Dùng đủ thứ pháp môn
Mở bày nơi Phật đạo
Ta dùng sức trí huệ
Biết tánh chúng sinh muốn.
Phương tiện nói các pháp
Ðều khiến được vui mừng
Xá Lợi Phất nên biết !
Ta dùng mắt Phật xem.
Thấy sáu đường chúng sinh
Bần cùng chẳng phước huệ
Vào đường hiểm sinh tử
Khổ liên tục chẳng dứt.
Chấp sâu nơi năm dục
Như trâu mao mến đuôi
Bởi tham ái tự che
Ðuôi mù chẳng thấy được.
Chẳng cầu thế của Phật
Và pháp diệt trừ khổ
Vào sâu các tà kiến
Lấy khổ muốn bỏ khổ.
Phật vì chúng sinh nầy
Mà sinh tâm đại bi.
Xưa ta ngồi đạo tràng
Xem cây cũng kinh hành.
Trong hai mươi mốt ngày
Suy nghĩ việc như vầy :
Trí huệ mà ta được
Rất nhiệm mầu bậc nhất.
Các chúng sinh độn căn
Tham vui si làm mù
Những loại người như thế
Làm sao mà độ được !
Lúc đó, có Phạm Vương
Và các trời Ðế Thích
Bốn Thiên Vương hộ đời
Cùng trời Ðại Tự Tại.
Và các chúng trời khác
Quyến thuộc trăm ngàn vạn
Cung kính chắp tay lễ
Thỉnh ta chuyển pháp luân.
Ta liền tự suy nghĩ :
Nếu chỉ khen Phật thừa
Chúng sinh đắm nơi khổ
Không thể tin pháp nầy.
Vì phá pháp chẳng tin
Ðọa trong ba đường ác
Ta thà không nói pháp
Mau vào cõi Niết bàn.
Liền nhớ Phật quá khứ
Thực hành sức phương tiện
Nay ta đắc được đạo
Cũng nên nói ba thừa.
Suy nghĩ như thế thì
Mười phương Phật đều hiện
Tiếng phạm an ủi ta :
Lành thay Ðức Thích Ca !
Ðấng Ðạo sư bậc nhất
Ðược pháp vô thượng nầy
Thuận theo tất cả Phật
Mà dùng sức phương tiện.
Chúng ta cũng đều được
Pháp tối diệu bậc nhất
Vì các loại chúng sinh
Phân biệt nói ba thừa.
Trí kém ưa pháp nhỏ
Chẳng tự tin thành Phật
Cho nên dùng phương tiện
Phân biệt nói các quả.
Tuy là nói các quả
Chỉ vì dạy Bồ Tát.
Xá Lợi Phất nên biết !
Ta nghe tiếng của Phật.
Rất thanh tịnh nhiệm mầu
Xưng Nam Mô chư Phật !
Ta lại nghĩ như vầy :
Ta ra đời ác trược.
Như chư Phật đã nói
Ta cũng thuận làm theo
Suy nghĩ việc đó rồi
Bèn đến vườn Lộc Uyển.
Các pháp tướng tịch diệt
Không thể dùng lời nói
Bèn dùng sức phương tiện
Vì năm Tỳ Kheo nói.
Gọi là chuyển pháp luân
Bèn có tiếng Niết Bàn
Cùng với A la hán
Tên pháp, Tăng khác biệt.
Từ kiếp xưa đến nay
Khen ngợi pháp Niết Bàn
Dứt hẳn khổ sinh tử
Ta thường nói như thế.
Xá Lợi Phất nên biết !
Ta thấy các Phật tử
Người chí cầu Phật đạo
Vô lượng ngàn vạn ức.
Ðều dùng tâm cung kính
Ðồng đến chỗ chư Phật
Từng theo nghe chư Phật
Dùng phương tiện nói pháp.
Ta liền nghĩ thế nầy :
Sở dĩ Phật ra đời
Ðều vì nói Phật huệ
Nay đúng là phải thời.
Xá Lợi Phất nên biết !
Người độn căn trí nhỏ
Kẻ chấp tướng kiêu mạn
Chẳng thể tin pháp nầy.
Nay ta vui chẳng sợ
Ở trong chúng Bồ Tát
Ta bỏ ngay phương tiện
Chỉ nói đạo vô thượng.
Bồ Tát nghe pháp nầy
Lưới nghi đều đã trừ
Ngàn hai trăm La Hán
Thảy đều sẽ thành Phật.
Như chư Phật ba đời
Nghi thức nói các pháp
Ta nay cũng như thế
Nói pháp không phân biệt.
Chư Phật hiện ra đời
Lâu xa khó gặp được
Gặp lúc Phật ra đời
Nói pháp nầy khó hơn.
Vô lượng vô số kiếp
Nghe pháp nầy cũng khó
Người nghe được pháp nầy
Người đó càng khó hơn.
Ví như hoa ưu đàm
Tất cả đều ưa thích
Ít có trong trời người
Ðúng thời mới xuất hiện.
Nghe pháp vui mừng khen
Cho đến nói một lời
Tức là đã cúng dường
Tất cả Phật ba đời.
Người đó rất ít có
Hơn cả hoa ưu đàm.
Các ông chớ có nghi
Ta là vua các pháp.
Nói khắp các đại chúng
Chỉ dùng đạo một thừa
Giáo hóa các Bồ Tát
Không Thanh Văn đệ tử.
Xá Lợi Phất các ông !
Thanh Văn và Bồ Tát
Nên biết diệu pháp nầy
Bí yếu của chư Phật.
Bởi đời ác năm trược
Chỉ ưa chấp các dục
Những chúng sinh như thế
Quyết chẳng cầu Phật đạo.
Người ác đời vị lai
Nghe Phật nói một thừa
Mê hoặc chẳng tin nhận
Phá pháp đọa đường ác.
Người hổ thẹn thanh tịnh
Quyết chí cầu Phật đạo
Ta sẽ vì người đó
Rộng khen đạo một thừa.
Xá Lợi Phất nên biết !
Pháp chư Phật như thế
Dùng vạn ức phương tiện
Tùy nghi mà nói pháp.
Người nào chẳng tu học
Không thể hiểu pháp nầy
Các ông tức đã biết
Chư Phật thầy trong đời.
Tùy nghi dùng phương tiện
Không nên sinh nghi hoặc
Sinh tâm vui mừng lớn
Biết mình sẽ thành Phật.
----------
HẾT QUYỂN THỨ NHẤT
KINH
DIỆU PHÁP LIÊN HOA
Quyển thứ hai
Phẩm thí dụ Thứ ba
Bấy giờ, Ngài Xá Lợi Phất hớn hở vui mừng, bèn đứng dậy chắp tay chiêm ngưỡng đức Thế Tôn, mà bạch Phật rằng: Hôm nay nghe đức Thế Tôn nói pháp nầy, tâm con rất hớn hở được chưa từng có. Tại sao ? Vì xưa kia con theo Phật nghe pháp như vầy: Thấy các vị Bồ Tát được thọ ký sẽ thành Phật, mà chúng con chẳng được dự vào việc đó, rất tự cảm thương, mất đi vô lượng tri kiến của Như Lai.
Ðức Thế Tôn ! Con thường một mình ở dưới gốc cây nơi rừng núi, hoặc ngồi, hoặc đi kinh hành, bèn nghĩ thế nầy: Chúng con đồng vào pháp tánh, tại sao đức Như Lai dùng pháp tiểu thừa mà tế độ ? Ðó là lỗi của chúng con, chứ chẳng phải đức Thế Tôn vậy.
Bấy giờ, Ngài Xá Lợi Phất muốn thuật lại nghĩa trên, bèn nói bài kệ rằng:
Con nghe tiếng pháp nầy
Ðắc được chưa từng có
Tâm sinh vui mừng lớn
Lưới nghi đều đã trừ.
Xưa nay nhờ Phật dạy
Chẳng mất nơi đại thừa
Tiếng Phật rất ít có
Hay trừ khổ chúng sinh.
Con đã được sạch lậu
Nghe cũng trừ khổ não
Con ở nơi hang núi
Hoặc dưới cây trong rừng.
Hoặc ngồi hoặc kinh hành
Thường suy gẫm như vầy:
Than ôi ! Tự trách mình
Sao lại khi dối mình.
Chúng ta cũng Phật tử
Ðồng vào pháp vô lậu
Ðời vị lai chẳng được
Diễn nói đạo vô thượng.
Sắc vàng ba mươi hai
Mười lực các giải thoát
Ðồng trong một pháp tánh
Mà chẳng được việc nầy.
Tám mươi tướng tốt đẹp
Mười tám pháp bất cộng
Những công đức như thế
Mà con đều đã mất.
Lúc con kinh hành riêng
Thấy Phật trong đại chúng
Danh đồn khắp mười phương
Rộng lợi ích chúng sinh.
Nghĩ mình mất lợi nầy
Vì con tự khi dối
Con thường nơi ngày đêm
Ðều suy nghĩ việc nầy.
Muốn hỏi đức Thế Tôn !
Là mất hay chẳng mất ?
Con thường thấy Thế Tôn
Khen ngợi các Bồ Tát.
Vì thế nên ngày đêm
Con nghĩ về việc nầy
Nay nghe tiếng Phật nói
Tùy nghi mà nói pháp.
Vô lậu khó nghĩ bàn
Khiến chúng đến đạo tràng
Con vốn chấp tà kiến
Làm thầy các Phạm chí.
Thế Tôn biết tâm con
Trừ tà nói Niết Bàn
Khiến con dứt tà kiến
Chứng đắc được pháp không.
Bấy giờ tâm tự bảo:
Ðến được nơi diệt độ
Nay mới thật biết rõ
Chẳng phải thật diệt độ.
Nếu sẽ được thành Phật
Ðủ ba mươi hai tướng
Chúng trời người Dạ Xoa
Rồng Thần đều cung kính.
Lúc đó, mới bảo rằng:
Vĩnh viễn vào Vô Dư
Phật ở trong đại chúng
Nói con sẽ thành Phật.
Nghe tiếng pháp như thế
Nghi hoặc đều đã trừ
Vừa nghe Phật nói ra
Trong tâm rất sợ nghi.
Phải chăng ma giả Phật
Nhiễu loạn tâm con chăng
Phật dùng đủ thứ duyên
Thí dụ khéo nói pháp.
Tâm Phật an như biển
Con nghe lưới nghi dứt
Phật nói đời quá khứ
Vô lượng Phật diệt độ.
An trụ trong phương tiện
Cũng đều nói pháp nầy
Phật hiện tại vị lai
Số đông không thể lường.
Cũng dùng các phương tiện
Diễn nói pháp như thế
Như Thế Tôn hôm nay
Từ sinh đến xuất gia.
Ðắc đạo chuyển pháp luân
Cũng dùng phương tiện nói
Thế Tôn nói thật đạo
Ba Tuần làm chẳng được.
Thế nên con biết chắc
Chẳng phải ma giả Phật
Vì con sa lưới nghi
Bảo là ma vương nói.
Nghe tiếng Phật êm diệu
Xâu xa rất vi diệu
Diễn xướng pháp thanh tịnh
Tâm con rất vui mừng.
Nghi hoặc đã dứt hẳn
An trụ trong thật trí
Con chắc sẽ thành Phật
Ðược trời người cung kính.
Chuyển pháp luân vô thượng
Giáo hóa các Bồ Tát.
Bấy giờ, đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: Nay ta ở trong đại chúng trời người Sa môn, Bà la môn mà nói, xưa kia ta đã từng ở chỗ hai vạn ức vị Phật, vì đạo vô thượng, nên thường giáo hóa ông. Ông cũng theo ta tu học lâu dài, ta dùng phương tiện dẫn dắt ông, khiến cho sinh vào trong pháp của ta.
Xá Lợi Phất ! Xưa ta dạy ông chí nguyện Phật đạo, nay ông đã quên, mà bèn tự bảo đã được diệt độ. Nay ta muốn khiến cho ông nhớ lại nguyện xưa đã hành đạo, vì các Thanh Văn nói kinh đại thừa nầy, tên là Diệu Pháp Liên Hoa, pháp giáo hóa Bồ Tát, được Phật hộ niệm.
Xá Lợi Phất ! Ông ở đời vị lai, trải qua vô lượng vô biên số kiếp không thể nghĩ bàn, cúng dường hàng ngàn vạn ức vị Phật, phụng trì chánh pháp, đầy đủ đạo của Bồ Tát tu hành, sẽ được thành Phật, hiệu là Hoa Quang Như Lai, ŨỨng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Nước đó tên là Ly Cấu, cõi đó bằng phẳng thanh tịnh trang nghiêm, an ổn, giàu có, sung sướng, trời người đông đảo. Dùng lưu ly làm đất, có tám đường giao thông, dây bằng vàng dùng giăng bên đường, cạnh lề đường đều có hàng cây bằng bảy báu, thường có hoa quả. Ðức Hoa Quang Như Lai cũng dùng ba thừa giáo hóa chúng sinh.
Xá Lợi Phất ! Ðức Phật đó ra đời tuy chẳng phải đời ác, nhưng vì nguyện xưa cho nên nói pháp ba thừa. Kiếp đó tên là Ðại Bảo Trang Nghiêm. Vì sao tên là Ðại Bảo Trang Nghiêm ? Vì trong cõi nước đó dùng Bồ Tát làm đại bảo. Các Bồ Tát nhiều vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn. Toán số ví dụ cũng không thể tính được, ngoài trí lực của Phật ra, không ai biết được. Nếu muốn đi thì có hoa báu đỡ chân. Các vị Bồ Tát đó, chẳng phải mới phát tâm, các Ngài đều đã trồng gốc công đức lâu xa, tu phạm hạnh thanh tịnh, nơi vô lượng trăm ngàn vạn ức chỗ các đức Phật. Thường được chư Phật khen ngợi, thường tu trí huệ của Phật, đủ đại thần thông, khéo biết tất cả các pháp môn, chân thật không hư dối, chí niệm kiên cố, các Bồ Tát như thế đầy khắp nước đó. Xá Lợi Phất ! Ðức Phật Hoa Quang thọ mười hai tiểu kiếp, trừ làm vương tử chưa thành Phật, thì nhân dân nước đó thọ tám tiểu kiếp. Ðức Hoa Quang Như Lai, trải qua mười hai tiểu kiếp, thì thọ ký cho Bồ Tát Kiên Mãn, sẽ thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác, bảo các Tỳ Kheo rằng: Bồ Tát Kiên Mãn kế đây sẽ thành Phật, hiệu là Hoa Túc An Hành Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri. Cõi nước của Ðức Phật đó cũng lại như thế.
Xá Lợi Phất ! Phật Hoa Quang đó diệt độ rồi, chánh pháp trụ thế ba mươi hai tiểu kiếp, tượng pháp trụ thế cũng ba mươi hai tiểu kiếp.
Bấy giờ, Ðức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa trên, bèn nói bài kệ rằng:
Xá Lợi Phất tương lai
Thành Phật đấng đại trí
Hiệu là Phật Hoa Quang
Sẽ độ vô lượng chúng.
Cúng dường vô số Phật
Ðầy đủ hạnh Bồ Tát
Mười lực các công đức
Chứng được vô thượng đạo.
Qua vô lượng kiếp sau
Kiếp tên Ðại Bảo Nghiêm
Thế giới tên Ly Cấu
Thanh tịnh chẳng dơ bẩn.
Dùng lưu ly làm đất
Dây vàng giăng bên đường
Hàng cây xen bảy báu
Thường có hoa quả thật.
Các Bồ Tát nước đó
Chí niệm thường kiên cố
Thần thông Ba la mật
Thảy đều đã đầy đủ.
Nơi vô số chư Phật
Khéo học Bồ Tát đạo
Các Ðại Sĩ như thế
Do Phật Hoa Quang độ.
Khi Phật làm vương tử
Bỏ nước xả vinh hoa
Ở nơi thân cuối cùng
Xuất gia thành Phật đạo.
Phật Hoa Quang trụ thế
Thọ mười hai tiểu kiếp
Chúng nhân dân nước đó
Thọ mạng tám tiểu kiếp.
Sau khi Phật diệt độ
Chánh pháp trụ ở đời
Ba mươi hai tiểu kiếp
Rộng độ các chúng sinh.
Chánh pháp diệt hết rồi
Tượng pháp ba mươi hai
Xá lợi rộng truyền khắp
Trời người đều cúng dường.
Sự việc Phật Hoa Quang
Ðại khái là như thế
Ðấng Lưỡng Túc Tôn kia
Tối thắng chẳng ai bằng.
Phật đó tức thân ông
Nên phải tự vui mừng.
Bấy giờ, bốn chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, trời, rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, đại chúng, thấy Ðức Phật thọ ký cho Ngài Xá Lợi Phất, sẽ thành Phật Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tâm rất vui mừng hớn hở vô cùng, ai nấy đều cởi y trên thân, để cúng dường Ðức Phật. Thích Ðề Hoàn Nhân, Phạm Thiên Vương, và vô số Thiên tử, cũng đem y trời đẹp, hoa trời mạn đà la, hoa ma ha mạn đà la, cúng dường đức Phật, y trời tung lên bèn trụ ở trong hư không mà tự xoay vòng. Âm nhạc của chư thiên trăm ngàn vạn thứ, cùng một lúc đều tấu lên ở trong hư không, mưa xuống các hoa trời mà nói như vầy: Xưa kia, đức Phật ban đầu chuyển pháp luân ở thành Ba La Nại, cho đến hôm nay mới chuyển pháp luân lớn nhất vô thượng.
Lúc đó, các Thiên tử muốn thuật lại nghĩa trên, mà nói bài kệ rằng:
Xưa tại Ba La Nại
Chuyển pháp luân bốn đế
Phân biệt nói các pháp
Sinh diệt của năm uẩn.
Nay lại chuyển pháp luân
Vô thượng diệu bậc nhất
Pháp đó rất thâm áo
Ít có người tin được.
Chúng con từ xưa nay
Thường nghe Thế Tôn nói
Chưa từng nghe diệu pháp
Thâm diệu như thế nầy.
Thế Tôn nói pháp nầy
Chúng con đều tùy hỉ
Ðại trí Xá Lợi Phất
Nay được Phật thọ ký.
Chúng con cũng như thế
Tất sẽ được thành Phật
Trong tất cả thế gian
Tôn quý vô thượng nhất.
Phật đạo không nghĩ bàn
Phương tiện tùy nghi nói
Những phước đức con có
Ðời nầy hoặc quá khứ.
Và công đức gặp Phật
Hồi hướng đến Phật đạo.
Bấy giờ, Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật rằng: Ðức Thế Tôn ! Nay con chẳng còn nghi hoặc, ở trước Ðức Phật được thọ ký Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Một ngàn hai trăm vị tâm được tự tại nầy, lúc xưa ở bậc hữu học, Phật thường giáo hóa rằng: Pháp của ta hay khỏi sinh già bệnh chết, được cứu kính Niết Bàn. Các vị hữu học vô học nầy, ai nấy cũng đã lìa ngã kiến, thường kiến, và đoạn kiến, cho rằng được Niết Bàn, mà nay ở trước đức Thế Tôn, nghe những điều chưa nghe, đều sa vào nghi hoặc. Lành thay, đức Thế Tôn ! Xin vì bốn chúng mà nói nhân duyên đó, khiến cho họ lìa nghi hoặc.
Bấy giờ, đức Phật bảo Xá Lợi Phất ! Trước kia ta đâu chẳng nói, chư Phật Thế Tôn dùng đủ thứ nhân duyên, lời lẽ thí dụ phương tiện nói pháp, đều vì Vô thượng chánh đẳng chánh giác ư ? Nói những điều đó, đều vì giáo hóa các Bồ Tát. Nhưng Xá Lợi Phất, nay ta sẽ dùng thí dụ để làm rõ nghĩa nầy, những người có trí do thí dụ mà được hiểu.
Xá Lợi Phất ! Như quốc ấp tụ lạc, có vị đại trưởng giả, tuổi đã già nua, của cải giàu có vô lượng, có nhiều ruộng vườn nhà cửa và các tôi tớ. Nhà đó rộng lớn, chỉ có một cửa, có rất nhiều người, một trăm, hai trăm, cho đến năm trăm người, đều ở trong đó. Lầu gác hư mục, tường vách sụp đổ, cột kèo xiêu vẹo, nóc mái nghiêng ngã. Chung quanh cùng một lúc, lửa bỗng nổi lên, thiêu đốt nhà cửa. Các người con của ông trưởng giả, hoặc mười, hai mươi, cho đến ba mươi người, đều ở trong nhà đó. Ông trưởng giả thấy lửa lớn từ bốn phía nổi lên, bèn rất sợ hãi, mà nghĩ như vầy: Tuy ta ở nơi cửa nhà cháy ra ngoài được an ổn, mà các người con của ta đang ở trong nhà lửa, đùa giỡn chẳng hay biết gì, chẳng kinh sợ lửa sẽ đốt thân, rất đau khổ lắm mà chúng chẳng lo lắng, chẳng có ý cầu ra ngoài.
Xá Lợi Phất ! Ông trưởng giả đó bèn nghĩ như vầy: Thân và tay của ta, có sức sẽ dùng vạt áo, hoặc bàn ghế từ trong nhà mà ra ngoài. Ông lại nghĩ: Nhà đó chỉ có một cửa, mà lại hẹp nhỏ, các người con còn thơ ấu chưa có hiểu biết, ham mê chơi đùa, sẽ bị đọa lạc, hoặc bị lửa thiêu đốt. Ta sẽ vì chúng nói việc đáng sợ. Nhà nầy đã cháy, phải đi ra mau, đừng để bị lửa thiêu hại. Nghĩ như thế rồi, bèn y theo sự suy nghĩ đó, mà bảo các con: Các con hãy mau ra ! Người cha tuy thương xót, khéo nói lời dẫn dụ, mà các người con ham vui chơi đùa, chẳng chịu tin nhận, chẳng sợ hãi, chẳng có tâm muốn ra, cũng chẳng biết gì là lửa, gì là nhà, thế nào là mất, cứ chạy đông chạy tây, đùa giỡn nhìn cha mà thôi.
Bấy giờ, ông trưởng giả bèn nghĩ: Nhà nầy lửa đã cháy lớn, nếu ta và các con không ra, thì sẽ bị lửa thiêu. Nay ta phải bày phương tiện, khiến cho các con khỏi bị lửa hại. Cha biết các con, trước kia tâm đều thích đủ thứ đồ chơi quý giá kỳ lạ, ai nấy đều ưa thích, mà bảo rằng: Ở đây có những đồ chơi, ít có khó được, nếu các con không mau ra lấy, chắc sau nầy sẽ buồn ăn năn. Nào là xe dê, xe hươu, xe trâu, các thứ nay đều ở ngoài cửa, có thể dùng đi dạo chơi. Các con đang ở trong nhà lửa, hãy mau ra đây, tùy ý muốn của các con, cha đều cho các con.
Khi đó, các người con nghe cha nói đồ chơi quý giá, vừa hợp ý mình, nên tâm ai nấy đều dũng mãnh, xô đẩy lẫn nhau, cùng đua đuổi chạy tranh nhau ra khỏi nhà lửa.
Khi đó, ông trưởng giả thấy các con ra ngoài được an ổn, đều ở nơi ngã tư đường, ngồi ở nơi đất trống, chẳng còn gì chướng ngại, tâm ông rất thơ thới vui mừng hớn hở.
Bấy giờ, các người con đều thưa với cha rằng: Lúc nãy, cha có hứa cho chúng con các đồ chơi quý giá, nào là xe dê, xe hươu, xe trâu, xin cha hãy ban cho.
Xá Lợi Phất ! Lúc đó, ông trưởng giả đều cho các con đồng một thứ xe lớn. Xe đó cao rộng, trang trí các thứ báu đẹp, lan can bao quanh, bốn phía treo linh, lại dùng màn lọng giăng che phía trên, cũng dùng các trân báu tốt đẹp để nghiêm sức. Dây báu kết thắt các dải hoa rũ xuống. Nệm chiếu mềm mại trải chồng chất, gối đỏ để trên, dùng trâu trắng kéo, màu da rất sạch, thân hình rất đẹp, có sức lực rất mạnh, bước đi ngay thẳng, mau lẹ như gió, lại có nhiều tôi tớ để hầu hạ. Tại sao ? Vì ông trưởng giả đó, của cải giàu có vô lượng, đủ thứ kho tàng thảy đều tràn đầy. Mà nghĩ rằng: Của cải của ta nhiều vô số, không nên dùng xe nhỏ xấu xí, mà cho các con. Nay những đứa trẻ nầy, đều là con của ta, ta thương chúng nó chẳng có thiên lệch. Ta có xe lớn bằng bảy báu như thế, số nhiều vô lượng, nên dùng tâm bình đẳng mà cho chúng nó, không nên có sự phân biệt. Vì sao ? Vì ta dùng của cải nầy, cho khắp tất cả mọi người trong nước, hãy còn không hết, huống gì các người con. Lúc đó, các người con ai nấy đều ngồi xe lớn, được chưa từng có, chẳng phải chỗ trước kia mong đợi.
Xá Lợi Phất ! Ý của ông thế nào ? Ông trưởng giả đó, đồng cho các người con xe trâu báu lớn, có hư vọng chăng?
Xá Lợi Phất nói: Không vậy ! Ðức Thế Tôn ! Ông trưởng giả đó, chỉ khiến cho các con khỏi nạn lửa, an toàn tính mạng, chẳng phải là hư vọng. Tại sao? Vì nếu được an toàn tính mạng, thì đã được đồ chơi tốt đẹp, huống chi dùng phương tiện cứu vớt ra khỏi nhà lửa.
Ðức Thế Tôn ! Cho dù ông trưởng giả đó, không cho một thứ xe nhỏ nhất nào, cũng chẳng hư vọng. Tại sao ? Vì ông trưởng giả đó, trước hết nghĩ rằng: Ta dùng phương tiện, khiến cho các con được ra khỏi, do nhân duyên đó, mà chẳng hư vọng vậy. Hà huống ông trưởng giả biết mình của giàu vô lượng, muốn lợi ích cho các con, mà đồng cho xe lớn.
Ðức Phật bảo Xá Lợi Phất ! Lành thay, lành thay ! Như lời ông nói, Xá Lợi Phất ! Như Lai cũng lại như thế, là cha lành của tất cả thế gian, ở nơi sợ hãi suy não lo buồn, vô minh đen tối che đậy, vĩnh viễn hết sạch chẳng còn sót, thảy đều thành tựu vô lượng tri kiến, lực vô sở úy, có sức đại thần thông, và sức trí huệ, đầy đủ phương tiện trí huệ Ba la mật, đại từ bi, thường chẳng lười mỏi, luôn luôn cầu việc thiện, lợi ích tất cả chúng sinh, mà sinh vào nhà lửa tam giới hư mục nầy. Vì độ chúng sinh ra khỏi nạn lửa sinh già bệnh chết, lo buồn khổ não, ngu si tối tăm ba độc mà giáo hóa, khiến cho chúng sinh được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Thấy các chúng sinh vì sinh già bệnh chết, lo buồn khổ não thiêu đốt, cũng vì năm dục tài lợi, mà chịu đủ thứ khổ, lại vì tham trước truy cầu, hiện phải chịu đựng các sự khổ, sau đó thì chịu khổ ở trong địa ngục ngạ quỷ, súc sinh. Nếu sinh về cõi trời, hoặc ở nhân gian, thì bần cùng khốn khổ, khổ về thương yêu phải xa lìa, khổ về oán ghét mà gặp nhau, đủ thứ các sự khổ như thế. Chúng sinh đắm chìm ở trong đó, vui mừng dạo chơi, chẳng hay chẳng biết, chẳng sợ hãi cũng chẳng nhàm chán, chẳng cầu giải thoát. Ở trong nhà lửa tam giới nầy, chạy đông chạy tây, dầu gặp khổ lớn mà chẳng lo lắng.
Xá Lợi Phất ! Ðức Phật thấy vậy rồi, bèn nghĩ rằng: Ta là cha lành của chúng sinh, nên cứu họ khỏi khổ nạn, ban cho họ vô lượng vô biên trí huệ an vui của Phật, để họ dạo chơi.
Xá Lợi Phất ! Như Lai lại nghĩ rằng: Nếu ta chỉ dùng sức thần thông, và sức trí huệ, bỏ đi phương tiện, vì chúng sinh khen ngợi tri kiến, lực, vô sở úy của Như Lai, thì chúng sinh không thể do đó mà được độ. Tại sao ? Vì các chúng sinh đó, chưa khỏi sinh già bệnh chết lo buồn khổ não, mà bị thiêu đốt ở trong nhà lửa tam giới, làm sao hiểu được trí huệ của Phật.
Xá Lợi Phất ! Như ông trưởng giả kia, tuy thân và tay có sức mạnh, mà chẳng dùng đến, chỉ ân cần dùng phương tiện, cố gắng cứu các con ra khỏi nhà lửa, sau đó đều cho xe trân báu lớn. Như Lai cũng lại như thế, tuy có trí lực vô sở úy, mà chẳng dùng đến. Chỉ dùng trí huệ phương tiện, nơi nhà lửa tam giới cứu vớt chúng sinh, vì chúng sinh mà nói ba thừa: Thanh Văn, Bích Chi Phật, Phật thừa, mà nói rằng: Các ông không nên ưa thích ở trong nhà lửa tam giới, chớ tham sắc thanh hương vị xúc thô hèn. Nếu tham trước thì sinh luyến ái sẽ bị thiêu đốt, các ông hãy mau ra khỏi tam giới, sẽ chứng được ba thừa Thanh Văn, Bích Chi Phật và Phật thừa. Nay ta bảo nhiệm việc nầy, tuyệt đối chẳng hư vọng. Các ông hãy siêng tu tinh tấn, Như Lai dùng phương tiện đó, để dẫn dụ chúng sinh ra khỏi nhà lửa.
Lại bảo: Các ông nên biết ! Pháp ba thừa nầy, đều được các bậc Thánh khen ngợi, tự tại chẳng ràng buộc, chẳng còn nương tựa tìm cầu, ngồi ba thừa đó, dùng vô lậu căn lực giác đạo, thiền định giải thoát tam muội .v.v... mà tự vui sướng, bèn được vô lượng an ổn khoái lạc.
Xá Lợi Phất ! Nếu có chúng sinh bên trong có trí tánh, theo Phật Thế Tôn nghe pháp, tin nhận thọ trì, ân cần tinh tấn, muốn mau ra khỏi tam giới, tự cầu chứng Niết Bàn, đó gọi là Thanh Văn thừa. Như các người con đó, vì cầu xe dê mà ra khỏi nhà lửa.
Nếu có chúng sinh theo Phật Thế Tôn, nghe pháp tin nhận thọ trì, ân cần tinh tấn cầu tự nhiên trí, thích sống một mình ở chỗ vắng vẻ, biết rõ nhân duyên của các pháp, đó gọi là Bích Chi Phật thừa, như các người con kia, vì cầu xe hươu mà ra khỏi nhà lửa. Nếu có chúng sinh, theo Phật Thế Tôn nghe pháp, tin nhận thọ trì, ân cần tinh tấn, cầu Nhất thiết trí, Phật trí, tự nhiên trí, vô sư trí, tri kiến lực, vô sở úy của Như Lai, thương xót vì sự an vui của vô lượng chúng sinh, làm lợi ích cho trời người, độ thoát tất cả chúng sinh, đó gọi là đại thừa. Bồ Tát cầu thừa nầy, nên gọi là Ma ha tát, như các người con kia, vì cầu xe trâu mà ra khỏi nhà lửa.
Xá Lợi Phất ! Như ông trưởng giả kia, thấy các người con ra khỏi nhà lửa được an ổn, đến nơi chẳng sợ hãi, tự nghĩ của cải giàu có vô lượng, đều đem xe lớn mà cho các con. Như Lai cũng như thế, là cha của tất cả chúng sinh. Nếu thấy vô lượng ức ngàn chúng sinh, do cửa Phật giáo mà ra khỏi đường hiểm khổ sợ hãi của tam giới, thì Phật khiến cho họ được sự an vui của Niết Bàn.
Bấy giờ, đức Như Lai bèn nghĩ: Ta có vô lượng vô biên trí huệ lực vô sở úy .v.v... các kho tàng Phật pháp. Các chúng sinh đó đều là con của ta, đều bình đẳng ban cho đại thừa, chẳng khiến có người được diệt độ riêng, mà đều dùng sự diệt độ của Như Lai để diệt độ. Những chúng sinh đó thoát khỏi tam giới, Phật đều ban cho sự vui sướng thiền định giải thoát của chư Phật. Ðều là một tướng một thứ, mà các bậc Thánh khen ngợi, hay sinh vui tịnh diệu bậc nhất.
Xá Lợi Phất ! Như ông trưởng giả kia, ban đầu dùng ba xe, để dẫn dụ các người con, sau đó chỉ cho một thứ xe lớn, có các báu vật trang nghiêm, an ổn bật nhất, nhưng ông trưởng giả đó chẳng có lỗi hư dối.
Như Lai cũng như thế, chẳng có nói dối, ban đầu nói ba thừa dẫn dắt chúng sinh, sau đó chỉ dùng đại thừa mà độ thoát. Vì sao ? Vì Như Lai có vô lượng trí huệ lực vô sở úy, các kho tàng Phật pháp, hay ban cho tất cả chúng sinh pháp đại thừa, nhưng thọ dụng chẳng hết được.
Xá Lợi Phất ! Do nhân duyên đó, nên biết chư Phật vì sức phương tiện, nơi một Phật thừa mà phân biệt nói ba thừa.
Ðức Phật muốn thuật lại nghĩa nầy, bèn nói bài kệ rằng:
Ví như ông trưởng giả
Có một ngôi nhà lớn
Nhà đó đã lâu đời
Mà lại cũ hư nát.
Phòng nhà cao nguy hiểm
Trụ cột lại gãy mục
Nóc nhà đều nghiêng ngã
Nền móng đã hư nát.
Tường vách đều sụp đổ
Bùn đất rơi rớt xuống
Tranh lợp rơi tả tơi
Kèo đòn tay trật khớp.
Bốn phía đều cong vạy
Ðầy dẫy những dơ uế
Có đến năm trăm người
Thảy đều ở trong đó.
Chim si, hưu, điêu, thứu
Quạ, chim thước, cưu, cáp
Ngô công và du diên
Loài thủ cung, bá túc.
Dứu ly cùng hề thử
Các loài độc trùng dữ
Ðuổi nhau chạy ngang dọc
Ðại tiểu tiện hôi thối.
Chảy đầy đồ bất tịnh
Các độc trùng bọ hung
Bu đậu ở trên đó
Cáo sói và dã can.
Liếm nhai dày đạp lên
Cắn xé những thây chết
Xương thịt bừa bãi ra
Do đó các bầy chó.
Tranh nhau đến giành ăn
Ốm đói rất sợ sệt
Khắp nơi tìm món ăn
Giành giựt cấu xé nhau.
Gầm gừ gào sủa rên
Nhà đó rất đáng sợ
Những cảnh trạng như thế
Khắp nơi thảy đều có.
Quỷ lị mị, vọng lượng
Dạ xoa các ác quỷ
Ăn nuốt cả thịt người
Các loài trùng dữ độc.
Những cầm thú hung ác
Ấp cho bú sản sinh
Ðều tự giấu gìn giữ.
Quỷ Dạ xoa đua đến
Tranh giành lấy món ăn
Ăn xong no nê rồi
Tâm ác nổi hăng lên.
Tiếng chúng đánh cãi nhau
Thật rất là hãi hùng
Loài quỷ Cưu bàn trà
Ngồi xổm trên đống đất.
Hoặc có lúc hỏng đất
Một thước hoặc hai thước
Dạo đi qua đi lại
Buông lung chơi đùa giỡn.
Cầm nắm hai chân chó
Ðánh cho la thất thanh
Lấy chân đạp trên cổ
Khủng bố chó để vui.
Lại có các loài quỷ
Thân chúng dài to lớn
Trần truồng rất xấu đen
Thường ở luôn trong đó.
Phát ra tiếng hung ác
Kêu la tìm thức ăn
Lại có các loài quỷ
Cổ chúng nhỏ như kim.
Lại có các loài quỷ
Ðầu chúng như đầu trâu
Hoặc là ăn thịt người
Hoặc lại ăn thịt chó.
Ðầu tóc rối tung lên
Tàn ác rất hung hiểm
Bị đói khát bức bách
Kêu la chạy đuổi theo.
Dạ xoa cùng quỷ đói
Các chim muôn ác độc
Ðói quá chạy bốn bề
Rình xem các cửa sổ.
Các nạn như vậy đó !
Vô lượng việc ghê sợ
Vì nhà hư mục đó
Thuộc về nơi một người.
Người đó vừa ra khỏi
Thời gian chưa bao lâu
Về sau ngôi nhà đó
Lửa bổng nhiên nổi lên.
Bốn phía cùng một lúc
Lửa ngọn cháy hừng hực
Mái nóc và cột kèo
Tiếng nổ vang lách tách.
Ðổ gãy rơi rớt xuống
Tường vách đều sụp đổ.
Các loài quỷ thần thảy
Ðều lớn tiếng kêu to.
Các loài chim điêu thứu
Cùng quỷ Cưu bàn trà
Hoảng sợ chạy tán loạn
Vẫn chẳng chạy ra được.
Thú dữ và trùng độc
Ẩn núp trong hang lỗ
Loài quỷ Tỳ xá xà
Cũng đều ở trong đó.
Vì phước mỏng đức ít
Nên bị lửa bức bách
Lại tàn hại lẫn nhau
Uống máu và ăn thịt.
Những loài thú dã can
Thảy đều đã chết trước
Các loài thú dữ lớn
Giành nhau đến ăn nuốt.
Mùi tanh loan khắp nơi
Ðầy dẫy cả bốn bề
Loài ngô công do diên
Cùng với loài rắn độc.
Ðều bị lửa thiêu đốt
Tranh nhau ra khỏi hang
Loài quỷ Cưu bàn trà
Bèn bắt lấy mà ăn.
Lại có các ngạ quỷ
Trên đầu bị lửa thiêu
Ðói khát nhiệt não hành
Hoảng hốt chạy tán loạn.
Nhà đó là như thế
Thật là rất hãi hùng
Ðộc hại và nạn lửa
Nhiều nạn chẳng phải một.
Lúc đó ông chủ nhà
Ðang đứng ở ngoài cửa
Nghe có người nói rằng :
Các người con của ông.
Trước kia vì dạo chơi
Ðến vào trong nhà nầy
Thơ bé chẳng biết gì
Ham chơi vui đùa giỡn.
Ông trưởng giả nghe rồi
Hoảng sợ vào nhà lửa.
Dùng phương tiện cứu tế
Khiến con khỏi thiêu hại.
Mà dụ bảo các con
Nói các thứ hoạn nạn
Các quỷ và độc trùng
Nạn lửa cháy lan tràn.
Các sự khổ thứ lớp
Liên tục mãi không dứt
Loài rắn độc ngoan phúc
Và các quỷ Dạ xoa.
Cùng quỷ Cưu bàn trà
Loài dã can chồn chó
Chim điêu, thứu, xi, hưu
Và loài bá túc thảy.
Ðều đói khát khổ sở
Thật rất là đáng sợ
Ðây là chỗ khổ nạn
Lại còn có lửa lớn
Các người con chẳng biết
Tuy nghe cha dạy bảo.
Vì còn ham vui chơi
Ðùa giỡn mãi không thôi.
Khi đó ông trưởng giả
Bèn nghĩ như thế nầy:
Các con ta như thế
Làm ta thêm sầu não
Nay trong nhà lửa nầy
Chẳng có điều gì vui.
Mà tất cả các con
Vẫn đam mê chơi đùa
Chẳng nghe lời ta dạy
Sắp bị lửa thiêu hại.
Ông trưởng giả lại nghĩ
Bày ra các phương tiện.
Mà bảo các con thảy
Ta có đủ các thứ.
Ðồ chơi rất quý giá
Xe báu rất tốt đẹp
Nào xe dê xe hươu
Và xe trâu to lớn.
Nay để ở ngoài cửa
Các con mau ra đây
Ta chính vì các con
Tạo ra những xe nầy.
Tùy ý các con thích
Có thể đi dạo chơi
Các người con nghe nói
Các loại xe như thế.
Bèn lập tức dành nhau
Ðua chạy ra khỏi nhà
Ðến nơi chỗ đất không
Lìa khỏi các khổ nạn.
Ông trưởng giả thấy con
Ðược ra khỏi nhà lửa
Ở nơi ngã tư đường
Ngồi trên tòa sư tử.
Mà tự mừng nói rằng :
Nay ta rất vui mừng
Những người con nầy đây
Ðẻ nuôi dưỡng rất khó.
Chúng nhỏ dại chẳng biết
Mà đi vào nhà hiểm
Nhiều các thứ độc trùng
Quỷ lị mị đáng sợ.
Lửa lớn cháy mãnh liệt
Bốn phía đều nổi dậy
Mà các người con nầy
Tham trước chơi đùa giỡn.
Ta đã cứu chúng nó
Khiến cho được thoát khỏi
Vì thế các người ơi !
Ta nay rất vui mừng.
Khi đó các người con
Biết cha đã an tòa
Ðều đến bên chỗ cha
Mà thưa với cha nói :
Xin ban cho chúng con
Ba thứ xe báu tốt
Như trước cha đã hứa
Các con mau ra đây.
Sẽ cho ba xe báu
Tùy ý muốn các con
Nay chính là phải thời
Xin cha hãy ba cho.
Ông trưởng giả giàu có
Có rất nhiều kho tàng
Nào vàng bạc lưu ly
Xa cừ và mã não.
Dùng các thứ báu vật
Tạo các cỗ xe lớn
Tu sửa nghiêm sức đẹp
Chung quanh có lan can.
Bốn phía đều treo linh
Dây vàng thắt với nhau.
Mành lưới bằng chân châu
Giăng bày ở phía trên
Hoa vàng các chuỗi ngọc
Khắp nơi thòng rũ xuống.
Xen tạp lụa nhiều màu
Giăng khắp chung quanh xe
Dùng bông tơ mềm mại
Ðể làm nệm nằm ngồi.
Vải mịn tốt thượng hạng
Giá trị đến nghìn muôn
Tốt đẹp trắng sạch sẽ
Dùng trải ở trên nệm.
Có trâu trắng to lớn
Mập khỏe nhiều sức mạnh
Thân hình rất đẹp đẽ
Dùng để kéo xe báu.
Rất nhiều kẻ tôi tớ
Ði theo hầu bảo vệ
Ðem xe báu đẹp đó
Ðồng ban cho các con.
Các người con lúc đó
Rất vui mừng hớn hở
Ngồi lên xe báu đó
Vui chơi rất khoái lạc
Rất tự tại vô ngại.
Phật bảo Xá Lợi Phất !
Ta cũng lại như thế
Chí tôn trong bậc Thánh
Là cha của thế gian.
Tất cả các chúng sinh
Ðều là con của ta
Say đắm vui thế gian
Chẳng có tâm trí huệ.
Ba cõi chẳng yên ổn
Giống như là nhà lửa
Ðầy dẫy sự thống khổ
Thật là đáng sợ hãi.
Thường có khổ sinh già
Bệnh chết và sầu lo
Các thứ lửa như thế
Cháy hừng hực chẳng tắt.
Như Lai đã lìa khỏi
Ngôi nhà lửa ba cõi
Ở chỗ yên vắng vẻ
Nơi núi rừng hoang dã.
Hiện nay ba cõi nầy
Ðều là của ta cả
Chúng sinh ở trong đó
Thảy đều là con ta.
Mà nay chơi chỗ nầy
Rất nhiều các hoạn nạn
Chỉ có một mình ta
Có thể cứu hộ được.
Tuy Phật đã dạy bảo
Mà cũng chẳng tin nhận
Vì nơi các dục nhiễm
Tâm tham trước sâu dày.
Do đó dùng phương tiện
Vì chúng nói ba thừa
Khiến cho các chúng sinh
Biết ba cõi là khổ.
Bèn khai thị diễn nói
Ðạo ra khỏi thế gian
Các người con đó thảy
Nếu tâm mà quyết định.
Thì đầy đủ ba minh
Và sáu thứ thần thông
Hoặc chứng được Duyên Giác
Và Bồ Tát bất thối.
Này ông Xá Lợi Phất !
Ta vì các chúng sinh
Mà dùng ví dụ nầy
Nói một thừa Phật đạo.
Nếu các ông có thể
Tin nhận lời nói đây
Thì tất cả đều sẽ
Ðược thành tựu Phật đạo.
Thừa nầy tối vi diệu
Rất thanh tịnh bậc nhất
Ở trong các thế gian
Chẳng có pháp nào hơn.
Chỗ chư Phật hoan hỉ
Tất cả các chúng sinh
Nên tán thán khen ngợi
Cúng dường và lễ bái.
Vô lượng trăm ngàn muôn
Các lực và giải thoát
Thiền định cùng trí huệ
Các pháp khác của Phật.
Chứng được thừa như thế.
Khiến cho các người con
Ngày đêm cùng số kiếp
Thường được đi dạo chơi.
Với các vị Bồ Tát
Cùng với chúng Thanh Văn
Ngồi nơi thừa báu nầy
Mà thẳng đến đạo tràng.
Nhân duyên như vậy đó.
Tìm cầu khắp mười phương
Chẳng có thừa nào khác
Trừ Phật dùng phương tiện.
Phật bảo Xá Lợi Phất !
Hết thảy lũ các ông
Ðều là con của ta
Còn ta tức là cha.
Các ông trong nhiều kiếp
Bị các khổ thiêu đốt
Ta đều đã cứu vớt
Khiến ra khỏi ba cõi.
Tuy trước kia ta nói
Các ông được diệt độ
Chỉ dứt hết sinh tử
Mà thật chẳng diệt độ.
Nay việc cần phải làm
Chỉ có trí huệ Phật
Nếu có Bồ Tát nào
Ở trong chúng hội nầy.
Mà một lòng lắng nghe
Thật pháp của chư Phật
Các đức Phật Thế Tôn
Tuy dùng các phương tiện.
Giáo hóa các chúng sinh
Ðó đều là Bồ Tát.
Nếu có người trí nhỏ
Chấp sâu nơi ái dục
Thì vì những người đó
Nói đạo lý khổ đế.
Chúng sinh tâm vui mừng
Ðắc được chưa từng có
Chân thật chẳng sai khác
Nếu có chúng sinh nào.
Chẳng biết gốc các khổ
Chấp sâu vào nhân khổ
Chẳng tạm rời bỏ được
Bèn vì chúng sinh đó.
Dùng phương tiện dạy bảo
Nguyên nhân mọi sự khổ
Tham dục là gốc rễ
Nếu diệt được tham dục.
Chẳng còn chỗ nương tựa
Dứt sạch hết các khổ
Gọi là đế thứ ba
Vì chứng được diệt đế.
Mà tu hành đạo đế
Lìa các khổ ràng buộc
Gọi là được giải thoát
Người đó nơi pháp gì.
Mà đắc được giải thoát
Chỉ xa lìa hư vọng
Gọi đó là giải thoát
Kì thật chưa đắc được.
Tất cả các giải thoát
Phật nói rằng người đó
Chưa thật được diệt độ
Vì người đó chưa được.
Ðạo quả vô thượng vậy
Ý của ta không muốn
Khiến cho được diệt độ
Ta là đấng Pháp Vương.
Tự tại nơi các pháp
An ổn các chúng sinh
Cho nên hiện ra đời.
Này ông Xá Lợi Phất !
Pháp ấn của ta đây
Vì muốn làm lợi ích
Cho thế gian nên nói.
Nơi chỗ ông đi qua
Chớ có vọng tuyên truyền.
Nếu có ai nghe được
Tùy hỉ kính thọ trì
Nên biết rằng người đó.
Là bậc bất thối chuyển
Nếu có người tin nhận
Kinh pháp vô thượng nầy
Thì người đó đã từng.
Gặp chư Phật quá khứ
Cung kính và cúng dường
Cũng nghe được pháp nầy
Nếu người nào có thể.
Tin nhận lời ông nói
Tức như là thấy ta
Và cũng như thấy ông
Cùng các Tỳ Kheo Tăng.
Và các bậc Bồ Tát
Phật vì người trí sâu
Nói Kinh Pháp Hoa nầy
Người thức cạn nghe được.
Mê hoặc chẳng hiểu đặng
Tất cả hàng Thanh Văn
Cùng với Bích Chi Phật
Ở trong kinh pháp nầy.
Sức họ chẳng hiểu đặng
Như ông Xá Lợi Phất
Còn ở nơi kinh nầy
Dùng lòng tin vào được.
Huống là Thanh Văn khác
Bao nhiêu Thanh Văn khác
Do tin lời Phật nói
Mà tùy thuận kinh nầy.
Chẳng phải trí của mình.
Lại nữa Xá Lợi Phất !
Kẻ kiêu mạn giải đãi
Chấp trước vào bản ngã
Chớ nên nói kinh nầy.
Kẻ phàm phu thức cạn
Chấp sâu nơi năm dục
Nghe chẳng thể hiểu đặng
Cũng chớ vì họ nói.
Nếu người chẳng tin nhận
Mà hủy báng kinh nầy
Tức là dứt tất cả
Hạt giống Phật thế gian.
Hoặc có người nhăn nhó
Mà ôm lòng nghi hoặc
Ông nên lóng nghe nói
Tội báo của người nầy.
Nếu Phật còn tại thế
Hoặc sau khi diệt độ
Nếu có người phỉ báng
Kinh điển như thế nầy.
Thấy có người đọc tụng
Biên chép và thọ trì
Bèn khinh khi ghét ghen
Mà ôm lòng kết hận.
Tội báo của người nầy
Nay ông nên lóng nghe
Khi người đó mạng chung
Đọa vào ngục A-tỳ.
Đầy đủ chẵn một kiếp
Hết kiếp rồi lại sinh
Cứ chuyển sinh như thế
Cho đến vô số kiếp.
Từ trong địa ngục ra
Sẽ đọa làm súc sinh
Hoặc làm chó, dã can
Thân hình chúng gầy ốm.
Ðen thui lại ghẻ lát
Bị người thường chọc ghẹo
Lại còn phải bị người
Nhờm gớm và khinh khi.
Thường bị khổ đói khát
Xương thịt đều khô héo
Lúc sống chịu khốn khổ
Chết bị ném ngói đá.
Vì dứt mất giống Phật
Nên chịu tội báo đó
Hoặc sinh làm lạc đà
Hoặc sinh vào loài lừa.
Thân thường mang chở nặng
Còn thêm bị đánh đập
Chỉ nhớ nước và cỏ
Ngoài ra chẳng biết gì.
Vì phỉ báng kinh điển
Mà mắc tội như thế.
Có khi làm dã can
Đi vào trong xóm làng.
Thân thể bị ghẻ lát
Lại thiếu mất một mắt
Bị những đứa trẻ con
Đánh đập và liệng ném.
Chịu các sự thống khổ
Hoặc có khi phải chết
Sau khi bỏ thân nầy
Bèn thọ làm thân rắn.
Thân hình dài to lớn
Đến năm trăm do tuần
Ngây điếc chẳng có chân
Lăn lóc đi bằng bụng.
Bị các loài trùng nhỏ
Rúc rỉa ăn máu thịt
Ngày đêm chịu khổ sở
Chẳng có khi nào ngừng.
Bởi phỉ báng kinh nầy
Mắc tội như vậy đó.
Nếu được sinh làm người
Các căn đều ám độn.
Lùn xấu lại lệch què
Ðui điết thêm lưng gù
Có nói ra lời gì
Chẳng có ai tin nhận.
Hơi miệng thường hôi thối
Bị quỷ mị dựa nhập
Bần cùng rất hạ tiện
Thường bị người sai khiến.
Nhiều bệnh thân ốm gầy
Chẳng có chỗ nương nhờ.
Dù nương tựa gần người
Mà người chẳng để ý
Nếu học được điều gì
Thì bèn quên mất hết.
Nếu học làm nghề thuốc
Theo đúng pháp trị bệnh
Mà bệnh người nặng thêm
Hoặc có khi mất mạng.
Nếu mình có bệnh gì
Chẳng ai cứu chữa khỏi
Dù có uống thuốc hay
Mà bệnh lại thêm nặng.
Hoặc có người phản nghịch
Cướp giật trộm lấy của
Các tội lỗi như thế
Hoặc tự mang vạ lây.
Những người tội như thế
Vĩnh viễn chẳng thấy Phật
Là vua trong hàng Thánh
Thường nói pháp giáo hoá.
Những người tội như vậy
Thường sinh chỗ hoạn nạn
Tâm cuồng loạn tai điết
Vĩnh viễn chẳng nghe pháp.
Ở trong vô số kiếp
Nhiều như cát sông Hằng
Sinh ra luôn câm điết
Các căn chẳng đầy đủ.
Thường ở nơi địa ngục
Như dạo xem công viên
Ở trong các đường ác
Như nhà cửa của mình.
Lạc đà lừa heo chó
Thường đến những chỗ đó
Vì khinh chê kinh nầy
Mắc tội nặng như thế.
Nếu được sinh làm người
Thường đui điết câm ngọng
Bần cùng các tướng suy
Dùng để tự trang nghiêm.
Bệnh phù thủng khô khát
Ghẻ lát và ung thư
Các chứng bệnh như thế
Dùng làm y phục mặc.
Thân thể thường hôi thối
Dơ bẩn chẳng sạch sẽ
Chấp sâu nơi tướng ta
Tăng thêm tánh nóng giận.
Và dâm dục hẫy hừng
Chẳng chừa loài cầm thú
Vì khinh chê kinh nầy
Mà mắc tội như thế.
Phật bảo Xá Lợi Phất !
Người phỉ báng kinh nầy
Nếu nói tội lỗi họ
Cùng kiếp chẳng hết được.
Do bởi nhân duyên dó
Ta thường bảo các ông
Ðối với người vô trí
Ðừng nên nói kinh nầy.
Nếu có người lợi căn
Có trí huệ sáng suốt
Học rộng trí nhớ tốt
Tâm mong cầu Phật đạo.
Những hạng người như thế
Mới nên vì họ nói
Nếu người đã từng thấy
Trăm nghìn ức vị Phật.
Trồng các gốc căn lành
Thâm tâm rất bền vững
Những hạng người như thế
Mới nên vì họ nói.
Nếu có người tinh tấn
Thường tu tâm từ bi
Chẳng hề tiếc thân mạng
Mới nên vì họ nói.
Nếu có người cung kính
Chẳng sinh lòng khác biệt
Lìa xa các phàm ngu
Ở riêng trong núi đầm.
Những hạng người như thế
Mới nên vì họ nói
Lại nữa, Xá Lợi Phất !
Nếu thấy có người nào.
Rời bỏ ác tri thức
Gần gũi những bạn hiền
Những hạng người như thế
Mới nên vì họ nói.
Nếu thấy có Phật tử
Giữ gìn giới trong sạch
Như hạt châu sáng sạch
Ham cầu kinh đại thừa.
Những hạng người như thế
Mới nên vì họ nói
Nếu người chẳng nóng giận
Chất trực và diệu hòa.
Thường thương xót hết thảy
Cung kính các đức Phật
Những hạng người như thế
Mới nên vì họ nói.
Lại có các Phật tử
Ở trong các đại chúng
Thuần dùng tâm thanh tịnh
Đủ thứ các nhân duyên.
Ví dụ và lời lẽ
Nói pháp không chướng ngại
Những hạng người như thế
Mới nên vì họ nói.
Nếu có vị Tỳ Kheo
Vì cầu Nhất thiết trí
Cầu pháp khắp bốn phương
Chắp tay đảnh lễ thọ.
Chỉ vui thích thọ trì
Các kinh điển đại thừa
Cho đến chẳng thọ trì
Một bài kệ kinh khác.
Những hạng người như thế
Mới nên vì họ nói
Như có người chí tâm
Cầu xá lợi của Phật.
Cầu kinh cũng như thế
Được rồi đảnh lễ thọ
Người đó lại chẳng có
Chí cầu các kinh khác.
Cũng chưa từng nghĩ nhớ
Kinh điển của ngoại đạo
Những hạng người như thế
Nên vì họ mà nói.
Phật bảo Xá Lợi Phất !
Ta nói các sự tướng
Của người cầu Phật đạo
Cùng kiếp chẳng hết được.
Hết thảy những người đó
Tức có thể tin hiểu
Ông nên vì họ nói
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
----------