Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

 
KINH HOA NGHIÊM
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT
 
Hán dịch: Sa Môn Thật Xoa Nan Đà
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Định

 


QUYỂN 6
 
 
 

Xem Kinh dạng pdf
 

Mục lục
 
 
Lời tựa
 
Phẩm Như Lai xuất hiện thứ ba mươi bảy tiếp theo...14
 
Quyển 53- Quyển 59
 
Phẩm lìa thế gian thứ ba mươi tám...........................127
 
       
 

Lời tựa
 
Bộ Kinh Hoa Nghiêm là bộ Kinh dài nhất trong Phật giáo, cũng là bộ Kinh cao thâm nhất trong Đại Tạng Kinh. Kinh Hoa Nghiêm là bộ Kinh đức Phật nói đầu tiên, sau khi Ngài vừa thành đạo. Ngài nói trong vòng hai mươi mốt ngày thì xong bộ Kinh Hoa Nghiêm.
 
Bộ Kinh Hoa Nghiêm tương truyền được Long Vương thỉnh về cất giữ ở dưới Long cung. Sau này Bồ Tát Long Thọ đọc hết những Kinh sách trên thế gian, không còn Kinh sách gì để đọc, bèn xuống dưới Long cung thì đọc được bộ Kinh Hoa Nghiêm. Bộ Kinh Hoa Nghiêm gồm có quyển thượng, quyển trung và quyển hạ. Quyển thượng gồm có bất khả tư nghì vô số bài kệ, dài vô cùng vô tận, căn cơ chúng sinh không thể nào hiểu được. Quyển trung thì có khoảng mười vạn bài kệ, cũng rất dài và chúng sinh cũng không dễ gì hiểu hết được, còn quyển hạ thì có mười ngàn bài kệ, nhưng mới dịch ra Hán văn được khoảng bốn ngàn năm trăm bài kệ, còn khoảng năm ngàn năm trăm bài kệ vẫn chưa được dịch ra Hán văn. Bộ Kinh Hoa Nghiêm mà chúng ta có ngày hôm nay là quyển hạ, nhưng chỉ mới dịch ra được gần phân nửa mà thôi.
 
Bộ Kinh Hoa Nghiêm thâm sâu áo diệu không thể nghĩ bàn, nói rõ cảnh giới tu hành Bồ Tát hạnh, từ phàm phu trải qua các bậc Bồ Tát, phước huệ đầy đủ rồi mới đạt đến cảnh của bậc Diệu Giác tức là thành Phật. Trong thời gian khoảng giữa, lúc nào cũng thực hành hạnh Bồ Tát, trải qua kiếp số nhiều như số hạt bụi các cõi nước, phổ độ chúng sinh, tu hành thập độ Ba La Mật, rốt ráo cuối cùng mới thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Mười phương ba đời chư Phật từ quá khứ, hiện tại và vị lai đều trải qua con đường nầy. Nhờ chúng sinh, mà các Bồ Tát mới thành Phật. Cho nên chúng sinh là đối tượng quan trọng trợ duyên rất lớn để Bồ Tát tu tập, thực hành, tích luỹ căn lành công đức, vượt qua sự chướng ngại, thử thách, và cuối cùng là đạt được quả vị Phật.
 
Kinh Hoa Nghiêm là những cảnh giới rất thiết thực, đã trải qua của chư vị Bồ Tát trong quá khứ đã thực hành, tu tập viên mãn, từ nhiều đời, nhiều kiếp, để soi sáng con đường cho chúng ta chúng sinh, hoặc những vị Bồ Tát hiện tại và vị lai noi theo đó mà tu tập, tích luỹ căn lành công đức, từng đời, từng kiếp, cho đến khi nào công viên quả mãn, phước huệ đầy đủ thì sẽ thành tựu quả vị vô thượng bồ đề.
 
Những người có căn lành thâm sâu đã từng gieo trồng trong quá khứ, thì họ đã từng thọ trì, đọc tụng, tu tập nghĩa lý trong Kinh Hoa Nghiêm, nên đời nầy họ rất thích đọc tụng nghiên cứu tu tập nghĩa lý của Kinh Hoa Nghiêm. Còn những người trong quá khứ chưa từng gieo trồng căn lành Phật giáo đại thừa, thì tương lai khi nào đủ duyên lành, họ cũng sẽ đọc hiểu được bộ Kinh Hoa Nghiêm nầy, không những họ hiểu được, mà họ còn tu tập theo nghĩa lý của Kinh Hoa Nghiêm nầy. Kinh Hoa Nghiêm nầy đức Phật nói cho tất cả chúng sinh, nhưng tuỳ theo căn cơ, nhân duyên của mỗi người, chứ không hẳn chỉ dành cho hàng Bồ Tát. Pháp của Phật nói ra giống như nước mưa xuống, cây lớn rễ lớn thì hấp thụ nhiều, cây nhỏ rễ nhỏ thì hấp thụ ít. Pháp của Phật cũng thế, ai có căn lành trí huệ thâm sâu thì tiếp thọ được những pháp lớn, ai căn lành kém cỏi thì tiếp thụ những pháp nhỏ. Nói chung con đường đi đến giác ngộ, thành Phật, tuỳ theo sự tu tập, nguyện lực, hành trì, của mỗi người. Tu nhân nào thì sẽ được quả đó, nhân lớn thì quả lớn, nhân nhỏ thì quả nhỏ, không gieo nhân thì không có quả.

Kinh Hoa Nghiêm là pháp bảo vô thượng, không thể nghĩ bàn, thọ trì đọc tụng, thâm nhập được nghĩa lý, thì như uống cam lồ. Nếu người nào không có nhân duyên với bộ Kinh Hoa Nghiêm thì sẽ cảm thấy rất khô khan, nhàm chán, khó hiểu. Nói chung tuỳ căn cơ, nhân duyên trước sau của mỗi người mà thôi.
 
Nam Mô Hoa Nghiêm Hội Thượng Phật Bồ Tát
 
Dịch giả

Tỳ Kheo Thích Minh Định

 
 
Tán Phật
 
Nguyện đem lòng thành kính,
Gởi theo đám mây hương.
Phảng phất khắp mười phương.
Cúng dường ngôi Tam Bảo,
Thề trọn đời giữ đạo,
Theo tự tánh làm lành,
Cùng pháp giới chúng sanh,
Cầu Phật từ gia hộ,
Tâm Bồ đề kiên cố,
Xa bể khổ nguồn mê,
Chóng quay về bờ giác.
 
Ðấng Pháp Vương vô thượng
Ba cõi chẳng ai bằng
Thầy dạy khắp trời nguời
Cha lành chung bốn loại
Quy y tròn một niệm
Dứt sạch nghiệp ba kỳ
Xưng dương cùng tán thán
Ức kiếp không cùng tận.
 
 
 
Ðảnh lễ
 
      Chí tâm đảnh lễ: Nam mô tận hư không, biến pháp giới, quá, hiện, vị lai thập phương chư Phật, Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng, thường trú Tam Bảo. (1 Lạy)
 
        Chí tâm đảnh lễ : Nam Mô Ta Bà Giáo Chủ Ðiều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Ðương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật, Ðại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Ðại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát, Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát. (1 Lạy)
 
        Chí tâm đảnh lễ : Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Ðà Phật, Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Ðại Thế Chí Bồ Tát, Đại Nguyện Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, Thanh Tịnh Ðại Hải Chúng Bồ Tát. (1Lạy)
 
 
Kệ Khai Kinh
 
Pháp vi diệu thâm sâu vô thượng
Trăm ngàn vạn kiếp khó gặp được
Nay con thấy nghe được thọ trì
Nguyện hiểu nghĩa chân thật của Như Lai.
 
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
(3 lần).
 
Nam Mô Hoa Nghiêm Hội Thượng Phật Bồ Tát. (3 lần).
 

 
 
KINH HOA NGHIÊM
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT
 
PHẨM NHƯ LAI XUẤT HIỆN
THỨ BA MƯƠI BẢY (tiếp theo)
 
      Phật tử[1] ! Đại Bồ Tát phải làm thế nào biết được âm thanh của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác?
      Phật tử! Đại Bồ Tát phải biết âm thanh Như Lai đến khắp tất cả, vì khắp cùng vô lượng các âm thanh. Phải biết âm thanh Như Lai tuỳ tâm ưa thích của chúng sinh, đều khiến cho hoan hỉ, vì thuyết pháp thấu rõ.
      Phải biết âm thanh Như Lai tuỳ theo sự tin hiểu của chúng sinh, đều khiến cho hoan hỉ, vì tâm được mát mẻ.
      Phải biết âm thanh Như Lai giáo hoá chẳng thất thời, vì người đáng được nghe, thảy đều được nghe.
      Phải biết âm thanh Như Lai không sinh diệt, vì như tiếng ứng vang. Phải biết âm thanh Như Lai không có chủ, vì tu tập tất cả nghiệp sinh khởi. Phải biết âm thanh Như Lai thâm sâu, vì khó có thể độ lượng.
      Phải biết âm thanh Như Lai không tà khúc, vì pháp giới sinh ra. Phải biết âm thanh Như Lai không đoạn tuyệt, vì vào khắp pháp giới. Phải biết âm thanh Như Lai không biến đổi, vì đến nơi rốt ráo.
      Phật tử! Đại Bồ Tát phải biết âm thanh Như Lai, chẳng có lượng, chẳng vô lượng. Chẳng có chủ, chẳng vô chủ. Chẳng có thị, chẳng vô thị. Tại sao?
      Phật tử! Ví như khi thế giới sắp hoại, chẳng có chủ, chẳng tạo tác, tự nhiên phát ra bốn thứ âm thanh. Những gì là bốn?
      Một là: Các vị nên biết, Sơ thiền an lạc, lìa các dục ác, vượt khỏi dục giới. Chúng sinh nghe rồi, tự nhiên đắc được thành tựu Sơ thiền. Xả thân dục giới, sinh về cõi Phạm Thiên.
      Thứ hai: Các vị nên biết: Nhị thiền an lạc, không giác, không quán, vượt qua cõi Phạm Thiên. Chúng sinh nghe rồi, tự nhiên được thành tựu Nhị thiền. Xả thân Phạm Thiên, sinh về cõi trời Quang Âm.
      Thứ ba: Các vị nên biết, Tam thiền an lạc, không có lỗi lầm, vượt qua cõi trời Quang Âm. Chúng sinh nghe rồi, tự nhiên được thành tựu Tam thiền. Xả thân trời Quang Âm, sinh về cõi trời Biến Tịnh.
      Bốn là: Các vị nên biết, Tứ thiền tịch tịnh, vượt qua cõi trời Biến Tịnh. Chúng sinh nghe rồi, tự nhiên được thành tựu Tứ thiền. Xả thân trời Biến Tịnh, sinh về cõi trời Quảng Quả. Đó là bốn.
      Phật tử! Các âm thanh đó, không có chủ, không tạo tác, do từ sức các nghiệp lành của chúng sinh mà sinh ra.
        Phật tử! Âm thanh Như Lai cũng lại như thế, chẳng có chủ, chẳng tạo tác, chẳng có phân biệt, chẳng vào, chẳng ra. Do từ sức pháp công đức của Như Lai, sinh ra bốn thứ âm thanh rộng lớn. Những gì là bốn?
      Một là: Các vị nên biết, tất cả các hành đều là khổ. Đó là: Khổ địa ngục, khổ súc sinh, khổ ngạ quỷ, khổ không phước đức, khổ chấp cái ta và của ta, khổ làm các hạnh ác. Muốn sinh về cõi trời người, nên trồng căn lành. Sinh trong trời người, lìa nơi các nạn. Chúng sinh nghe rồi, xả lìa điên đảo, tu các hạnh lành. Lìa khỏi nơi các nạn, sinh về cõi trời người.
      Hai là: Các vị nên biết, tất cả các hạnh, các khổ thiêu đốt, như hòn sắt nóng. Các hành vô thường, là pháp diệt mất. Niết Bàn tịch tĩnh, vô vi an lạc. Xa lìa thiêu đốt, tiêu các nhiệt não. Chúng sinh nghe rồi, siêng tu pháp lành. Nơi Thanh Văn thừa, được tuỳ thuận âm thanh nhẫn.
      Ba là: Các vị nên biết, bậc Thanh Văn thừa do người khác mà được ngộ hiểu, trí huệ hẹp kém. Lại có thừa cao hơn, gọi là Độc Giác thừa, chẳng do thầy mà tự ngộ. Các vị nên học. Người ưa thích đạo thù thắng, nghe lời đó rồi, xả bỏ đạo Thanh Văn, tu Độc Giác thừa.
      Bốn là: Các vị nên biết, vượt qua bậc nhị thừa, lại có đạo thù thắng, gọi là đại thừa. Bồ Tát tu hành thuận sáu Ba la mật, chẳng dứt Bồ Tát hạnh, chẳng xả bỏ tâm bồ đề. Nơi vô lượng sinh tử, mà chẳng nhàm chán. Vượt qua nhị thừa, gọi là đại thừa, đệ nhất thừa, thắng thừa, tối thắng thừa, thượng thừa, vô thượng thừa, thừa lợi ích tất cả chúng sinh. Nếu có chúng sinh, tin hiểu rộng lớn, các căn dũng mãnh lanh lợi, xưa đã trồng căn lành, nhờ phước lực của các Như Lai gia trì, có thệ nguyện thù thắng, mong cầu quả Phật, nghe lời đó rồi, phát bồ đề tâm.
        Phật tử! Âm thanh Như Lai chẳng từ thân ra, chẳng từ tâm ra, mà hay lợi ích vô lượng chúng sinh.
      Phật tử! Đó là tướng âm thanh thứ nhất của Như Lai. Các đại Bồ Tát nên biết như vậy.
      Lại nữa Phật tử ! Ví như tiếng vang, do trong hang núi và âm thanh khởi lên. Không có hình trạng, không thể thấy được, cũng không có sự phân biệt, mà hay tuỳ theo tất cả tiếng nói. Âm thanh Như Lai cũng lại như thế, không có hình trạng, không thể thấy được, chẳng có phương sở, chẳng phải không có phương sở. Nhưng tuỳ theo nhân duyên mong muốn hiểu biết của chúng sinh mà phát ra. Tánh của âm thanh rốt ráo, không lời, không chỉ bày, không thể tuyên nói.
      Phật tử! Đó là tướng âm thanh thứ hai của Như Lai. Các đại Bồ Tát nên biết như vậy.
      Lại nữa Phật tử! Ví như chư Thiên có trống pháp lớn, gọi là Giác Ngộ. Nếu lúc chư Thiên tử hành phóng dật, thì ở trong hư không vang ra âm thanh nói: Các ông nên biết! Tất cả dục lạc đều là vô thường, hư vọng điên đảo, trong khoảnh khắc sẽ biến hoại. Chỉ kẻ cuồng ngu mới tham luyến, các ông chớ phóng dật. Nếu phóng dật, thì sẽ đoạ vào các cõi ác, sau hối hận không kịp nữa. Chư Thiên phóng dật nghe tiếng đó rồi, sinh tâm lo sợ, xả bỏ hết thảy dục lạc trong cung điện của mình, đến chỗ Thiên chủ, cầu pháp hành đạo.
        Phật tử! Tiếng trống trời đó, không chủ, không tạo tác, không khởi, không diệt, mà hay lợi ích vô lượng chúng sinh. Nên biết Như Lai cũng lại như thế, vì muốn giác ngộ chúng sinh phóng dật, mà phát ra vô lượng âm thanh diệu pháp. Đó là: Tiếng không chấp trước, tiếng không phóng dật, tiếng vô thường, tiếng khổ, tiếng vô ngã, tiếng bất tịnh, tiếng tịch diệt, tiếng Niết Bàn, tiếng trí tự nhiên không có hạn lượng, tiếng Bồ Tát hạnh không thể hoại, tiếng trí địa vô công dụng của Như Lai đến tất cả chỗ. Dùng những tiếng đó trong khắp pháp giới để khai ngộ.
      Vô số chúng sinh nghe những tiếng đó rồi, đều sinh hoan hỉ, siêng tu pháp lành. Mỗi người đều ở nơi thừa của mình mà cầu xuất ly. Đó là: Hoặc tu Thanh Văn thừa, hoặc tu Độc Giác thừa. Hoặc tu Bồ Tát vô thượng đại thừa, mà tiếng Như Lai chẳng trụ phương sở, không có lời nói.
      Phật tử! Đó là tướng âm thanh thứ ba của Như Lai, các đại Bồ Tát nên biết như vậy.
        Lại nữa Phật tử! Ví như Tự Tại Thiên Vương, có thiên thể nữ, tên là Thiện Khẩu. Ở trong miệng của Thiện Khẩu vang ra một âm thanh. Âm thanh đó liền hoà đồng với trăm ngàn thứ nhạc. Trong mỗi mỗi tiếng nhạc, lại có trăm ngàn thứ âm thanh khác nhau.
      Phật tử! Một âm thanh từ trong miệng của nữ Thiện Khẩu, vang ra vô lượng âm thanh như vậy. Nên biết Như Lai cũng lại như thế, trong một âm thanh, vang ra vô lượng âm thanh, tuỳ theo tâm ưa thích của các chúng sinh khác nhau, thảy đều đến khắp, đều khiến cho được giải thoát.
      Phật tử! Đó là tướng âm thanh thứ tư của Như Lai, các vị đại Bồ Tát nên biết như vậy.
      Lại nữa Phật tử ! Ví như Đại Phạm Thiên Vương, ở tại Phạm cung, vang ra tiếng Phạm. Tất cả Phạm chúng thảy đều nghe được, mà tiếng đó chẳng vang ra ngoài chúng. Các chúng Phạm Thiên đều nghĩ rằng : Đại Phạm Thiên Vương chỉ nói với tôi.
      Diệu âm của Như Lai cũng lại như thế, trong chúng hội đạo tràng thảy đều nghe được, mà âm thanh đó chẳng vang ra ngoài chúng. Tại sao ? Vì người căn lành chưa thành thục không đáng được nghe. Người nghe được âm thanh, đều nghĩ rằng : Như Lai Thế Tôn, chỉ vì tôi nói.
      Phật tử ! Âm thanh Như Lai không ra, không trụ, mà hay thành tựu tất cả sự nghiệp. Đó là tướng âm thanh thứ năm của Như Lai, các đại Bồ Tát nên biết như vậy.
      Lại nữa Phật tử ! Ví như nước đều đồng một vị. Tuỳ theo đồ chứa đựng khác nhau, mà nước có sự khác nhau. Nước chẳng suy nghĩ, cũng chẳng có sự phân biệt.
      Âm thanh Như Lai cũng lại như thế, chỉ có một vị, đó là vị giải thoát. Tuỳ theo tâm khí chúng sinh khác nhau, nên có vô lượng sự khác nhau, mà không suy nghĩ, không có sự phân biệt.
      Phật tử ! Đó là tướng âm thanh thứ sáu của Như Lai, các đại Bồ Tát nên biết như vậy.
        Lại nữa Phật tử! Ví như Long Vương A Na Bà Đạt Đa, nổi mây lớn dày đặc khắp cõi Diêm Phù Đề, khắp mưa xuống cam lồ, trăm thứ ngũ cốc lúa mạ đều được sinh trưởng. Sông ngòi suối ao tất cả đều tràn đầy. Nước mưa lớn đó, chẳng từ trong thân tâm Long Vương ra, mà hay lợi ích chúng sinh đủ thứ.
      Phật tử! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cũng lại như thế, nổi mây đại bi, khắp mười phương thế giới, khắp mưa xuống pháp vũ cam lồ vô thượng, khiến cho tất cả chúng sinh, đều sinh hoan hỉ, tăng trưởng pháp lành, đầy đủ các thừa.
      Phật tử! Âm thanh Như Lai chẳng từ ngoài đến, chẳng từ trong ra, mà hay lợi ích tất cả chúng sinh. Đó là tướng âm thanh thứ bảy của Như Lai, các đại Bồ Tát nên biết như vậy.
      Lại nữa Phật tử! Ví như Long Vương Ma Na Tư, lúc sắp muốn mưa xuống, nhưng chưa tiện mưa liền. Trước hết, nổi mây lớn, che khắp hư không, ngưng đình bảy ngày, đợi các chúng sinh làm xong công việc. Tại sao? Vì đại Long Vương đó, có tâm từ bi, không muốn làm não loạn các chúng sinh. Qua bảy ngày rồi, mưa nhỏ xuống, thấm nhuần khắp đại địa.
      Phật tử! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cũng lại như thế, lúc sắp mưa pháp, chưa tiện mưa liền. Trước hết, nổi mây pháp, thành thục chúng sinh. Vì muốn khiến cho tâm chúng sinh không sợ hãi, đợi họ thành thục rồi, sau đó khắp mưa xuống pháp vũ cam lồ. Diễn nói pháp lành vi diệu thâm sâu, lần lược khiến cho họ đầy đủ pháp vị trí Nhất thiết trí vô thượng của Như Lai.
      Phật tử! Đó là tướng âm thanh thứ tám của Như Lai, các đại Bồ Tát nên biết như vậy.
        Lại nữa Phật tử! Ví như trong biển có đại Long Vương, tên là Đại Trang Nghiêm. Khi mưa xuống ở trong biển, hoặc mưa xuống mười thứ mưa trang nghiêm, hoặc trăm, hoặc ngàn, hoặc trăm ngàn thứ mưa trang nghiêm.
      Phật tử! Nước chẳng có sự phân biệt, nhưng do sức lực Long Vương không thể nghĩ bàn, khiến cho trang nghiêm, cho đến có trăm ngàn vô lượng sự khác nhau.
      Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cũng lại như thế. Khi vì các chúng sinh thuyết pháp, thì hoặc dùng mười thứ tiếng khác nhau nói, hoặc trăm, hoặc ngàn, hoặc dùng trăm ngàn, hoặc dùng tám vạn bốn ngàn âm thanh, nói tám vạn bốn ngàn hạnh. Cho đến hoặc dùng vô lượng trăm ngàn ức Na do tha âm thanh khác nhau để thuyết pháp. Khiến cho người nghe đều sinh tâm hoan hỉ. Âm thanh Như Lai không có sự phân biệt, chỉ nhờ chư Phật nơi pháp giới thâm sâu viên mãn thanh tịnh, hay tuỳ theo căn cơ chúng sinh thích nghi, mà phát ra đủ thứ tiếng nói, đều khiến cho họ hoan hỉ.
      Phật tử! Đó là tướng âm thanh thứ chín của Như Lai, các đại Bồ Tát nên biết như vậy.
      Lại nữa Phật tử! Ví như Ta Kiệt La Long Vương, muốn hiện sức đại tự tại của Long Vương, lợi ích chúng sinh, đều khiến cho hoan hỉ. Từ bốn thiên hạ cho đến cõi trời Tha Hoá Tự Tại, nổi lưới mây lớn, che trùm khắp. Sắc tướng mây đó, có vô lượng sự khác biệt: Hoặc màu sắc quang minh vàng diêm phù đàn. Hoặc màu sắc quang minh tỳ lưu ly. Hoặc màu sắc quang minh bạc trắng. Hoặc màu sắc quang minh pha lê. Hoặc màu sắc quang minh mâu tát la. Hoặc màu sắc quang minh mã não. Hoặc màu sắc quang minh thắng tạng. Hoặc màu sắc quang minh xích chân châu. Hoặc màu sắc quang minh vô lượng hương. Hoặc màu sắc quang minh y vô cấu. Hoặc màu sắc quang minh nước thanh tịnh. Hoặc màu sắc quang minh đủ thứ đồ trang nghiêm. Lưới mây như vậy, che trùm khắp.
      Mây che trùm khắp như vậy rồi, phát ra đủ thứ màu sắc ánh chớp. Đó là: Mây màu vàng Diêm Phù Đàn, phát ra ánh chớp màu lưu ly. Mây màu lưu ly, phát ra ánh chớp màu vàng. Mây màu bạc, phát ra ánh chớp màu pha lê. Mây màu pha lê, phát ra ánh chớp màu bạc. Mây màu mâu tát la, phát ra ánh chớp màu mã não. Mây màu mã não, phát ra ánh chớp màu mâu tát la. Mây màu thắng tạng bảo, phát ra ánh chớp màu xích chân châu. Mây màu xích chân châu, phát ra ánh chớp màu thắng tạng bảo. Mây màu vô lượng hương, phát ra ánh chớp màu vô cấu y. Mây màu vô cấu y, phát ra ánh chớp màu vô lượng hương. Mây màu nước thanh tịnh, phát ra ánh chớp màu đủ thứ đồ trang nghiêm. Mây màu đủ thứ đồ trang nghiêm, phát ra ánh chớp màu nước thanh tịnh. Cho đến mây đủ thứ màu sắc, phát ra ánh chớp một màu sắc. Mây một màu sắc, phát ra ánh chớp đủ thứ màu sắc.
      Lại nữa, ở trong mây đó, phát ra đủ thứ tiếng sấm. Tuỳ tâm chúng sinh, đều khiến cho họ hoan hỉ. Đó là:  Hoặc như tiếng Thiên nữ ca xướng. Hoặc như tiếng chư Thiên tấu nhạc. Hoặc như tiếng rồng nữ ca xướng. Hoặc như tiếng Càn Thác Bà nữ ca xướng. Hoặc như tiếng Khẩn  Na La nữ ca xướng. Hoặc như tiếng đại địa chấn động. Hoặc như tiếng hải triều. Hoặc như tiếng chúa loài thú gầm thét. Hoặc như tiếng chim hót, và có vô lượng đủ thứ âm thanh khác, phát ra tiếng sấm như vậy rồi, lại nổi gió mát, khiến cho các chúng sinh sinh tâm vui mừng.
      Sau đó bèn mưa xuống các thứ mưa, lợi ích an lạc vô lượng chúng sinh. Từ mặt đất đến cõi trời Tha Hoá, tất cả mọi nơi, mưa xuống đều khác nhau. Đó là: Ở trong biển thì mưa nước mát, tên là Vô đoạn tuyệt. Ở cõi trời Tha Hoá Tự Tại, thì mưa tiêu sáo đủ thứ âm nhạc, tên là Mỹ diệu. Ở cõi trời Hoá Lạc, thì mưa báu đại ma ni, tên là Phóng đại quang minh. Ở cõi trời Đâu Suất, thì mưa đồ đại trang nghiêm, tên là Thuỳ kế. Ở cõi trời Dạ Ma, thì mưa hoa lớn đẹp, tên là Đủ thứ đồ trang nghiêm. Ở cõi trời Tam Thập Tam, thì mưa các hương thơm, tên là Duyệt ý. Ở cõi trời Tứ Thiên Vương, thì mưa y báu trời, tên là Lọng che.
      Ở Long cung, thì mưa xuống xích chân châu, tên là Quang minh vọt lên. Ở cung A Tu La, thì mưa xuống các binh gậy, tên là Hàng phục oán địch. Ở Bắc Uất Đơn Việt, thì mưa xuống đủ thứ hoa, tên là Khai phu. Còn ba thiên hạ kia, cũng đều như thế. Tuy tuỳ các nơi mưa xuống khác nhau, nhưng tâm của Long Vương bình đẳng, không có sự phân biệt đó đây, chỉ vì căn lành của chúng sinh khác nhau, nên mưa xuống có sự khác biệt.
      Phật tử! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác Vô Thượng Pháp Vương, cũng lại như thế. Muốn đem chánh pháp giáo hoá chúng sinh. Trước hết giăng bày thân mây, che trùm pháp giới. Tuỳ theo sự ưa thích của họ mà hiện thân khác nhau. Đó là: Hoặc vì chúng sinh hiện mây sinh thân. Hoặc vì chúng sinh hiện mây hoá thân. Hoặc vì chúng sinh hiện mây lực trì thân. Hoặc vì chúng sinh hiện mây sắc thân. Hoặc vì chúng sinh hiện mây tướng hảo thân. Hoặc vì chúng sinh hiện mây phước đức thân. Hoặc vì chúng sinh hiện mây trí huệ thân. Hoặc vì chúng sinh hiện mây các lực bất khả hoại thân. Hoặc vì chúng sinh hiện mây vô uý thân. Hoặc vì chúng sinh hiện mây pháp giới thân.
       Phật tử! Như Lai dùng vô lượng thân mây như vậy, che khắp mười phương tất cả thế giới, tuỳ theo sở thích của chúng sinh khác nhau, mà thị hiện đủ thứ ánh chớp quang minh.
      Đó là: Hoặc vì chúng sinh hiện ánh chớp quang minh, tên là Vô sở bất chí. Hoặc vì chúng sinh hiện ánh chớp quang minh, tên là Vô biên quang minh. Hoặc vì chúng sinh hiện ánh chớp quang minh, tên là Nhập Phật bí mật pháp. Hoặc vì chúng sinh hiện ánh chớp quang minh, tên là Ảnh hiện quang minh. Hoặc vì chúng sinh hiện ánh chớp quang minh, tên là Quang minh chiếu sáng. Hoặc vì chúng sinh hiện ánh chớp quang minh, tên là Vào vô tận môn Đà La Ni. Hoặc vì chúng sinh hiện ánh chớp quang minh, tên là Chánh niệm bất loạn. Hoặc vì chúng sinh hiện ánh chớp quang minh, tên là Cứu kính bất hoại. Hoặc vì chúng sinh hiện ánh chớp quang minh, tên là Thuận vào các cõi. Hoặc vì chúng sinh hiện ánh chớp quang minh, tên là Mãn tất cả nguyện đều khiến hoan hỉ.
      Phật tử! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, hiện vô lượng ánh chớp quang minh như vậy rồi. Lại tuỳ tâm ưa thích của chúng sinh, mà phát ra vô lượng tiếng sấm tam muội.
      Đó là: Tiếng sấm tam muội Thiện giác trí. Tiếng sấm tam muội Sí nhiên ly cấu hải. Tiếng sấm tam muội Tất cả pháp tự tại. Tiếng sấm tam muội Kim cang luân. Tiếng sấm tam muội Tu Di sơn tràng. Tiếng sấm tam muội Hải ấn. Tiếng sấm tam muội Nhựt đăng. Tiếng sấm tam muội Khắp khiến chúng sinh hoan hỉ. Tiếng sấm tam muội Vô tận tạng. Tiếng sấm tam muội Bất hoại giải thoát lực.
      Phật tử! Trong thân mây của Như Lai, phát ra vô lượng tiếng sấm tam muội khác biệt như vậy rồi, khi sắp mưa pháp vũ, thì trước hết hiện tướng điềm lành, để khai ngộ chúng sinh.
      Đó là: Từ tâm đại từ bi không chướng ngại, hiện ra Như Lai đại trí phong luân, tên là Hay khiến tất cả chúng sinh hoan hỉ vui mừng không thể nghĩ bàn.
      Tướng đó hiện ra rồi, thì tất cả Bồ Tát và các chúng sinh, thân và tâm đều được mát mẻ. Sau đó, từ mây đại pháp thân, mây đại từ bi, mây lớn không thể nghĩ bàn của Như Lai, mưa xuống pháp vũ rộng lớn không thể nghĩ bàn, khiến cho tất cả chúng sinh thân tâm đều thanh tịnh.
      Đó là: Vì Bồ Tát ngồi Bồ đề tràng, mưa đại pháp vũ, tên là Pháp giới không khác biệt. Vì Bồ Tát tối hậu thân, mưa đại pháp vũ, tên là Bồ Tát du hí Như Lai bí mật giáo. Vì Bồ Tát nhất sinh sở hệ, mưa đại pháp vũ, tên là Thanh tịnh phổ quang minh. Vì Bồ Tát quán đảnh, mưa đại pháp vũ, tên là Trang nghiêm đồ trang nghiêm của Như Lai. Vì Bồ Tát đắc nhẫn, mưa đại pháp vũ, tên là Công đức bảo trí huệ hoa khai phu, chẳng dứt hạnh đại bi của Bồ Tát.
        Vì Bồ Tát trụ hướng hạnh, mưa đại pháp vũ, tên là Vào môn hiện tiền biến hoá thâm sâu, mà hành Bồ Tát hạnh không ngừng nghỉ, không nhàm mỏi.
      Vì Bồ Tát sơ phát tâm, mưa đại pháp vũ, tên là Sinh ra hạnh đại từ bi của Như Lai, cứu hộ chúng sinh.
      Vì chúng sinh cầu Duyên Giác thừa, mưa đại pháp vũ, tên là Biết sâu pháp duyên khởi, xa lìa hai bên, đắc được quả giải thoát bất hoại.
      Vì chúng sinh cầu Thanh Văn thừa, mưa đại pháp vũ, tên là Dùng kiếm đại trí huệ, chặt đứt tất cả oán phiền não.
      Vì chúng sinh tích tập căn lành quyết định, chẳng quyết định, mưa đại pháp vũ, tên là Hay khiến thành tựu đủ thứ pháp môn, sinh đại hoan hỉ.
      Phật tử! Chư Phật Như Lai tuỳ tâm chúng sinh, mưa pháp vũ rộng lớn như vậy, đầy khắp tất cả vô biên thế giới.
      Phật tử! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tâm bình đẳng, đối với pháp không xẻn tiếc. Chỉ vì căn tánh chúng sinh khác nhau, nên mưa pháp vũ, thị hiện có sự khác biệt.
      Đó là tướng âm thanh thứ mười của Như Lai. Các đại Bồ Tát nên biết như vậy.
      Lại nữa Phật tử! Nên biết âm thanh Như Lai có mười thứ vô lượng. Những gì là mười?
      Đó là: Như cõi hư không vô lượng, vì đến tất cả mọi nơi. Như pháp giới vô lượng, vì không đâu mà chẳng khắp. Như cõi chúng sinh vô lượng, vì khiến cho tất cả tâm hoan hỉ. Như các nghiệp vô lượng, vì nói quả báo của nghiệp. Như phiền não vô lượng, vì đều khiến trừ diệt. Như tiếng nói chúng sinh vô lượng, vì tuỳ sự hiểu mà khiến cho được nghe. Như chúng sinh thích hiểu vô lượng, vì khắp quán sát cứu độ. Như ba đời vô lượng, vì không có bờ mé. Như trí huệ vô lượng, vì phân biệt được tất cả. Như cảnh giới Phật vô lượng, vì vào pháp giới của Phật.
      Phật tử! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thành tựu A tăng kỳ vô lượng như vậy. Các đại Bồ Tát nên biết như vậy.
      Bấy giờ, đại Bồ Tát Phổ Hiền muốn thuật lại nghĩa nầy, mà nói kệ rằng:
      Ba ngàn thế giới lúc sắp hoại
      Chúng sinh phước lực nghe tiếng bảo:
      Tứ thiền tịch tĩnh chẳng có khổ
      Khiến họ nghe rồi đều lìa dục.
      Thập Lực Thế Tôn cũng như thế
      Vang diệu âm thanh khắp pháp giới
      Vì nói các hạnh khổ vô thường
      Khiến họ thoát khỏi biển sinh tử.
      Ví như trong hang động núi sâu
      Tuỳ theo âm thanh đều vang tiếng
      Tuy hay theo đuổi tiếng nói kia
      Mà vang rốt ráo không phân biệt.
      Tiếng nói Thập Lực cũng như vậy
      Tuỳ căn thành thục mà thị hiện
      Khiến họ điều phục sinh hoan hỉ
      Chẳng nghĩ ta nay hay diễn nói.
      Như trời có trống tên Năng giác
       Thường trong hư không chấn pháp âm
      Dạy các Thiên tử đừng phóng dật
      Khiến họ nghe rồi lìa chấp trước.
      Trống pháp Thập Lực cũng như vậy
      Vang ra đủ thứ diệu âm thanh
      Giác ngộ tất cả các quần sinh
      Khiến họ đều chứng quả bồ đề.
      Tự Tại Thiên Vương có nữ báu
      Trong miệng khéo tấu các âm nhạc
       Một tiếng phát ra trăm ngàn tiếng
        Trong mỗi mỗi tiếng lại trăm ngàn.
      Âm thanh Thiện Thệ cũng như vậy
      Một tiếng vang ra tất cả tiếng
      Tuỳ theo căn tánh có khác nhau
       Đều khiến nghe rồi dứt phiền não.
        Ví như Phạm Vương nói một tiếng
        Hay khiến Phạm chúng đều hoan hỉ
      Chỉ Phạm chúng nghe chẳng ra ngoài
      Mỗi mỗi đều nói chỉ mình nghe.
      Thập Lực Phạm Vương cũng như thế
        Diễn nói một tiếng khắp pháp giới
      Chỉ trong chúng hội chẳng ra xa
      Vì kẻ không tin chẳng thọ được.
      Ví như các nước cùng một tánh
      Vị tám công đức chẳng khác biệt
      Do đất đồ đựng đều khác nhau
      Thế nên khiến nước đủ thứ khác.
      Tiếng Nhất Thiết Trí cũng như vậy
      Pháp tánh một vị chẳng phân biệt
      Tuỳ các chúng sinh hạnh khác nhau
       Nên khiến nghe được đủ thứ khác.
      Ví như Vô Nhiệt Đại Long Vương
      Mưa xuống thấm khắp đất Diêm Phù
      Hay khiến cây cỏ đều sinh trưởng
      Mà chẳng từ thân và tâm ra.
      Chư Phật diệu âm cũng như vậy   
      Mưa khắp pháp giới đều thấm nhuần
      Hay khiến sinh thiện diệt các ác
      Chẳng từ trong ngoài mà có được.
      Ví như Ma Na Tư Long Vương
      Nổi mây bảy ngày trước khi mưa
      Đợi các chúng sinh làm việc xong
      Sau đó mưa xuống làm lợi ích.
      Thập Lực thuyết pháp cũng như vậy
       Trước hoá chúng sinh khiến thành thục
      Sau vì họ nói pháp thâm sâu
      Khiến họ nghe được chẳng sợ hãi.
        Đại Trang Nghiêm Long Vương trong biển
      Mưa xuống mười thứ mưa trang nghiêm
      Hoặc trăm hoặc ngàn trăm ngàn thứ
        Nước tuy một vị trang nghiêm khác.
      Rốt ráo biện tài cũng như thế
      Nói mười hai mươi các pháp môn
      Hoặc trăm hoặc ngàn đến vô lượng
        Chẳng sinh tâm niệm có khác nhau.
        Tối Thắng Long Vương Ta Kiệt La
      Nổi mây che khắp bốn thiên hạ
      Tất cả mọi nơi mưa đều khác
      Mà tâm rồng đó chẳng hai niệm.
       Chư Phật Pháp Vương cũng như thế
        Thân mây đại bi khắp mười phương
      Vì người tu hành mưa đều khác
      Mà nơi tất cả chẳng phân biệt.
 
      Phật tử ! Các đại Bồ Tát làm thế nào biết được tâm của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ?
      Phật tử ! Tâm ý thức của Như Lai đều bất khả đắc, nhưng nhờ trí huệ vô lượng, nên biết được tâm Như Lai.
      Ví như hư không, là chỗ nương tựa của tất cả sự vật, mà hư không chẳng chỗ nương. Trí huệ Như Lai cũng lại như thế, là chỗ nương tựa trí huệ của tất cả thế gian và trí huệ xuất thế gian, mà trí huệ Như Lai chẳng chỗ nương.
      Phật tử ! Đó là tướng tâm thứ nhất của Như Lai. Các đại Bồ Tát nên biết như vậy.
      Lại nữa Phật tử ! Ví như pháp giới, thường sinh ra tất cả Thanh Văn, Độc Giác, Bồ Tát giải thoát, mà pháp giới không tăng giảm. Trí huệ Như Lai cũng lại như thế, luôn sinh ra đủ thứ trí huệ của tất cả thế gian và xuất thế gian, mà trí huệ Như Lai không có tăng giảm.
      Phật tử ! Đó là tướng tâm thứ hai của Như Lai, các đại Bồ Tát nên biết như vậy.
        Lại nữa Phật tử ! Ví như biển cả, nước biển chảy ngầm dưới lòng đất trong bốn thiên hạ, và tám mươi ức các châu nhỏ. Ai đào đất cũng đều được nước, mà biển cả chẳng có sự phân biệt rằng: Nước của tôi chảy ra.
      Nước biển trí của Phật, cũng lại như thế, chảy vào trong tất cả tâm chúng sinh. Nếu các chúng sinh quán sát cảnh giới, tu tập pháp môn, sẽ đắc được trí huệ thanh tịnh sáng suốt, mà trí Như Lai bình đẳng không hai, chẳng có phân biệt. Chỉ vì tâm hạnh của chúng sinh khác nhau, nên đắc được trí huệ thảy đều khác nhau.
      Phật tử ! Đó là tướng tâm thứ ba của Như Lai. Các đại Bồ Tát nên biết như vậy.
      Lại nữa Phật tử ! Ví như biển cả có bốn bảo châu, đủ vô lượng đức, hay sinh ra tất cả châu báu trong biển. Nếu trong biển không có bảo châu nầy, thì cho đến một châu báu cũng không có. Những gì là bốn ? Một tên là Tích tập bảo. Hai tên là Vô tận tạng. Ba tên là Viễn ly sí nhiên. Bốn tên là Cụ túc trang nghiêm.
      Phật tử ! Bốn bảo châu nầy, tất cả phàm phu, các rồng thần, đều không thấy được. Tại sao ? Vì Ta Kiệt La Long Vương đem bảo châu nầy, để trong chỗ đoan nghiêm vuông vứt, cất giấu chỗ bí mật ở trong cung.
      Phật tử ! Biển trí huệ của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, cũng lại như thế. Có bốn báu đại trí, đầy đủ vô lượng phước trí công đức. Do đó, hay sinh ra báu tất cả chúng sinh, Thanh Văn, Độc Giác, bậc học, vô học, và các Bồ Tát trí huệ. Những gì là bốn ? Đó là : Báu đại trí huệ thiện xảo phương tiện không nhiễm trước. Báu đại trí huệ khéo phân biệt pháp hữu vi vô vi. Báu đại trí huệ phân biệt nói vô lượng pháp mà không hoại pháp tánh. Báu đại trí huệ biết thời phi thời chưa từng lầm lỗi.
        Nếu trong biển đại trí của các Như Lai không có bốn thứ báu nầy, thì sẽ không một chúng sinh nào được vào đại thừa. Bốn thứ báu trí nầy, chúng sinh phước mỏng không thể thấy được. Tại sao ? Vì bốn thứ báu trí nầy, để nơi tạng thâm mật của Như Lai, bình đẳng chánh trực, đoan khiết tốt đẹp, hay lợi ích khắp các chúng Bồ Tát, khiến cho các Bồ Tát đều đắc được trí huệ quang minh.
      Phật tử ! Đó là tướng tâm thứ tư của Như Lai. Các đại Bồ Tát nên biết như vậy.
      Lại nữa Phật tử ! Ví như trong biển, có bốn báu lớn ánh sáng hừng hực, để ở dưới đáy biển, tánh cực nóng mãnh liệt. Thường hút uống vô lượng nước trăm sông đổ vào biển, cho nên biển không có tăng giảm. Những gì là bốn ? Một tên là Nhựt tạng. Hai tên là Ly nhuận. Ba tên là Hoả diệm quang. Bốn tên là Tận vô dư.
      Phật tử! Nếu trong biển không có bốn báu nầy, thì từ bốn thiên hạ, cho đến cõi trời Hữu Đỉnh, hết thảy trong đó đều bị ngập chìm.
      Phật tử! Ánh sáng của báu lớn Nhựt Tạng đó, chiếu đến nước biển, thì đều biến thành sữa. Ánh sáng báu lớn Ly Nhuận, chiếu đến sữa đó, thì đều biến thành lạc. Ánh sáng báu lớn Hoả Diệm Quang, chiếu đến lạc đó, thì đều biến thành tô. Ánh sáng báu lớn Vô Tận Tạng chiếu đến tô đó, thì đều biến thành đề hồ. Như lửa thiêu đốt, đều cháy sạch không thừa sót.
        Phật tử ! Biển đại trí huệ của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, cũng lại như thế. Có bốn thứ đại trí huệ báu, đầy đủ vô lượng oai đức quang minh. Quang minh trí huệ báu đó, chiếu đến các Bồ Tát, cho đến khiến cho đắc được đại trí huệ của Như Lai.
      Những gì là bốn ? Đó là : Đại trí huệ báu diệt tất cả sóng tán thiện. Đại trí huệ báu trừ tất cả pháp ái. Đại trí huệ báu huệ quang chiếu khắp. Đại trí huệ báu bình đẳng vô biên vô công dụng với Như Lai.
      Phật tử ! Khi các Bồ Tát tu tập tất cả pháp trợ đạo, thì sinh khởi sóng vô lượng tán thiện. Tất cả thế gian trời, người, A tu la, không thế phá hoại được.
      Như Lai dùng đại trí huệ quang minh báu diệt tất cả sóng tán thiện, chiếu đến Bồ Tát, khiến cho xả bỏ tất cả sóng tán thiện, giữ tâm một cảnh, trụ nơi tam muội.
      Lại dùng đại trí huệ quang minh báu trừ tất cả pháp ái, chiếu đến Bồ Tát, khiến cho xả bỏ sự chấp trước vị tam muội, khởi thần thông rộng lớn.
      Lại dùng đại trí huệ quang minh báu huệ quang chiếu khắp, chiếu đến Bồ Tát, khiến cho xả bỏ sự khởi thần thông rộng lớn, trụ đại minh công dụng hạnh.
      Lại dùng đại trí huệ quang minh báu bình đẳng vô biên vô công dụng với Như Lai, chiếu đến Bồ Tát, khiến cho xả bỏ sự khởi đại minh công dụng hạnh, cho đến đắc được bậc Như Lai bình đẳng, ngừng tất cả công dụng, khiến cho không thừa sót.
      Phật tử ! Nếu không có bốn đại trí quang minh báu của Như Lai chiếu đến, thì sẽ không có một vị Bồ Tát nào đắc được bậc Như Lai.
      Phật tử ! Đó là tướng tâm thứ năm của Như Lai. Các đại Bồ Tát nên biết như vậy.
      Lại nữa Phật tử ! Như từ mặt nước, lên đến cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, trong đó hết thảy cõi nước đại thiên, nơi chúng sinh cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc, thảy đều nương hư không mà sinh khởi, nương hư không mà trụ. Tại sao ? Vì hư không khắp cùng. Tuy hư không dung nạp khắp ba cõi, mà không có phân biệt.
      Phật tử ! Trí huệ Như Lai cũng lại như thế. Hoặc trí Thanh Văn, hoặc trí Độc Giác, hoặc trí Bồ Tát, hoặc trí hữu vi hành, tất cả đều nương trí Như Lai mà sinh khởi, nương trí Như Lai mà trụ. Tại sao ? Vì Trí huệ Như Lai cùng khắp tất cả. Tuy lại dung nạp khắp vô lượng trí huệ, mà không có phân biệt.
      Phật tử ! Đó là tướng tâm thứ sáu của Như Lai. Các đại Bồ Tát nên biết như vậy.
        Lại nữa Phật tử ! Như trên đỉnh núi Tuyết, có cây dược vương, tên là Vô tận căn, rễ của cây thuốc đó, sinh ra từ mặt đất kim cang, sâu xuống tận thuỷ luân tế mười sáu vạn tám ngàn do tuần. Khi rễ cây dược vương đó sinh ra, thì khiến cho tất cả rễ cây Diêm Phù Đề sinh ra. Hoặc khi sinh thân, thì khiến cho tất cả thân cây cõi Diêm Phù Đề sinh ra. Cành lá hoa quả, thảy đều như vậy. Cây dược vương đó, rễ hay sinh thân, thân hay sinh rễ. Rễ không cùng tận, nên tên gọi là Vô tận căn.
      Phật tử ! Cây dược vương đó, ở tất cả mọi nơi, đều khiến cho sinh trưởng. Chỉ có hai nơi không thể sinh trưởng lợi ích, đó là hố sâu địa ngục, và trong thuỷ luân. Nhưng cũng vẫn không nhàm bỏ hai nơi đó.
      Phật tử ! Cây đại dược vương trí huệ Như Lai cũng lại như thế. Nhờ thành tựu thiện pháp nhất thiết trí đã phát ra trong quá khứ, che khắp tất cả các cõi chúng sinh, trừ diệt tất cả các khổ đường ác, bi nguyện rộng lớn mà làm rễ. Sinh ra trong giống tánh trí huệ chân thật của tất cả Như Lai, thiện xảo phương tiện kiên cố bất động dùng làm thân.
      Trí khắp pháp giới các Ba la mật dùng làm cành. Thiền định giải thoát các đại tam muội dùng làm lá. Tổng trì biện tài pháp bồ đề phần dùng làm hoa. Giải thoát rốt ráo không biến đổi của chư Phật dùng làm quả.
      Phật tử ! Cây dược vương đại trí huệ của Như Lai, sao lại được tên là Vô tận căn ? Vì rốt ráo không ngừng nghỉ, vì không dứt Bồ Tát hạnh. Bồ Tát hạnh tức tánh Như Lai, tánh Như Lai tức Bồ Tát hạnh, bởi vậy được tên là Vô tận căn.
      Phật tử ! Cây dược vương đại trí huệ của Như Lai, khi sinh rễ thì khiến cho tất cả Bồ Tát sinh rễ đại từ bi, không xả bỏ chúng sinh.
      Khi sinh thân, thì khiến cho tất cả Bồ Tát tăng trưởng thân thâm tâm tinh tấn kiên cố.
      Khi sinh cành, thì khiến cho tất cả Bồ Tát tăng trưởng cành tất cả các Ba la mật.
      Khi sinh lá, thì khiến cho tất cả Bồ Tát sinh trưởng lá tịnh giới khổ hạnh công đức ít dục biết đủ.
      Khi sinh hoa, thì khiến cho tất cả tất cả Bồ Tát đủ các hoa căn lành tướng tốt trang nghiêm.
      Khi sinh quả, thì khiến cho tất cả Bồ Tát đắc được vô sinh nhẫn, cho đến quả tất cả chư Phật quán đỉnh nhẫn.
      Phật tử ! Cây dược vương đại trí huệ Như Lai, chỉ ở hai nơi không thể sinh trưởng làm lợi ích. Đó là nhị thừa đoạ vào hố sâu vô vi rộng lớn, và chúng sinh hoại căn lành chẳng phải pháp khí, chìm trong nước tham ái đại tà kiến. Nhưng cũng không nhàm bỏ hai nơi đó.
      Phật tử ! Trí huệ Như Lai không có tăng giảm, vì dùng căn lành an trụ chúng sinh, không có ngừng nghỉ.
      Phật tử ! Đó là tướng tâm thứ bảy của Như Lai. Các đại Bồ Tát nên biết như vậy.
      Lại nữa Phật tử ! Ví như khi ba ngàn đại thiên thế giới khởi kiếp lửa, thì thiêu cháy tất cả cỏ cây lùm rừng, cho đến núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, thảy đều thiêu sạch, không có nơi nào còn sót lại.
      Phật tử ! Giả sử có người, tay cầm cỏ khô ném vào trong lửa đó. Ý các vị thế nào ? Có cháy chăng ?
      Đáp rằng : Không thể nào không cháy.
      Phật tử ! Cỏ khô đó ném vào trong lửa, có thể không cháy. Trí huệ Như Lai, phân biệt biết được ba đời tất cả chúng sinh, tất cả cõi nước, tất cả kiếp số, tất cả các pháp, chẳng có gì mà không biết. Nếu nói rằng không biết, thì không có lý nào. Tại sao ? Vì trí huệ Như Lai bình đẳng, đều thấu đạt.
      Phật tử ! Đó là tướng tâm thứ tám của Như Lai. Các đại Bồ Tát nên biết như vậy.
        Lại nữa Phật tử ! Ví như khi nạn gió huỷ hoại thế giới, có gió lớn khởi lên, tên là Tán hoại, có thể huỷ hoại ba ngàn đại thiên thế giới, núi Thiết Vi v.v… đều nát thành bụi.
      Lại có gió lớn, tên là Năng chướng, bao bọc chung quanh ba ngàn đại thiên thế giới, ngăn che gió Tán hoại, không để cho đến được thế giới phương khác.
      Phật tử ! Nếu không có gió lớn Năng chướng đó, thì mười phương thế giới sẽ huỷ hoại hết. Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, cũng lại như thế. Có gió đại trí, tên là Năng diệt, hay diệt phiền não tập khí của tất cả các đại Bồ Tát. Có gió đại trí, tên là Khéo giữ, khéo giữ Bồ Tát căn tánh chưa thành thục, không để cho gió đại trí Năng diệt, dứt tất cả phiền não tập khí.
      Phật tử ! Nếu không có gió đại trí Khéo Giữ của Như Lai, thì vô lượng Bồ Tát đều rơi vào bậc Thanh Văn và Bích Chi Phật. Nhờ trí đó, nên khiến cho các Bồ Tát vượt qua bậc nhị thừa, an trụ bậc rốt ráo của Như Lai.
      Phật tử ! Đó là tướng tâm thứ chín của Như Lai. Các đại Bồ Tát nên biết như vậy.
      Lại nữa Phật tử ! Trí huệ Như Lai chẳng có nơi nào mà không đến. Tại sao ? Vì không có một chúng sinh nào mà chẳng đầy đủ trí huệ của Như Lai. Nhưng vì vọng tưởng điên đảo chấp trước, nên không chứng đắc. Nếu lìa vọng tưởng, thì nhất thiết trí, tự nhiên trí, vô ngại trí, sẽ hiện tiền.
        Phật tử ! Ví như có quyển kinh lớn, lượng bằng ba ngàn đại thiên thế giới. Biên chép hết tất cả những sự việc trong ba ngàn đại thiên thế giới.
      Đó là : Biên chép những sự việc trong núi Đại Thiết Vi, lượng bằng núi Đại Thiết Vi. Biên chép những sự việc trong đại địa, lượng bằng đại địa. Biên chép những sự việc trong trung thiên thế giới, lượng bằng trung thiên thế giới. Biên chép sự việc trong tiểu thiên thế giới, lượng bằng tiểu thiên thế giới.
      Như vậy, hoặc bốn thiên hạ, hoặc biển cả, hoặc núi Tu Di, hoặc cung điện dưới đất, trên trời, hoặc cung điện trời ở trên không của dục giới, hoặc cung điện sắc giới, hoặc cung điện vô sắc giới, thảy đều biên chép hết, lượng đều bằng như vậy. Quyển kinh lớn đó, tuy lượng bằng đại thiên thế giới, mà hoàn toàn ở trong một hạt bụi. Như một hạt bụi, tất cả hạt bụi, cũng đều như vậy.
      Bấy giờ có một người, trí huệ thấu đạt, đầy đủ thành tựu thiên nhãn thanh tịnh. Thấy quyển kinh đó ở trong hạt bụi, đối với các chúng sinh lợi ích không ít. Bèn nghĩ rằng : Ta sẽ dùng sức tinh tấn, phá hạt bụi đó, lấy quyển kinh ra, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Nghĩ như vậy rồi, bèn khởi phương tiện, phá hạt bụi đó, lấy quyển kinh ra, khiến cho các chúng sinh khắp được lợi ích. Như một hạt bụi, tất cả hạt bụi, nên biết cũng đều như vậy.
      Phật tử ! Trí huệ Như Lai cũng lại như thế, vô lượng, vô ngại, hay lợi ích khắp tất cả chúng sinh. Đầy đủ ở trong thân chúng sinh. Nhưng các phàm phu ngu si vọng tưởng chấp trước, chẳng biết, chẳng hay, chẳng được lợi ích.
      Bấy giờ, Như Lai dùng mắt trí huệ thanh tịnh không chướng ngại, quán khắp pháp giới tất cả chúng sinh mà nói rằng : Lành thay ! Lành thay ! Các chúng sinh nầy, sao đầy đủ trí huệ Như Lai, mà ngu si mê hoặc, chẳng biết, chẳng thấy ? Ta sẽ dạy họ tu Thánh đạo, khiến cho họ vĩnh viễn lìa khỏi vọng tưởng chấp trước. Tự ở trong thân mình thấy được trí huệ rộng lớn của Như Lai, bằng với Phật không khác. Liền dạy chúng sinh đó tu tập Thánh đạo, khiến cho lìa vọng tưởng. Lìa vọng tưởng rồi, sẽ chứng được vô lượng trí huệ của Như Lai, lợi ích an lạc tất cả chúng sinh.
      Phật tử ! Đó là tướng tâm thứ mười của Như Lai. Các đại Bồ Tát nên biết như vậy.
        Phật tử ! Đại Bồ Tát nên dùng tướng rộng lớn vô lượng, vô ngại, không thể nghĩ bàn như vậy, để biết tâm của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.
      Bấy giờ, đại Bồ Tát Phổ Hiền muốn thuật rõ lại nghĩa ở trên, mà nói kệ rằng: 
        Muốn biết tâm chư Phật
      Hãy quán trí huệ Phật
      Trí Phật không chỗ nương
      Như không chẳng chỗ nương.
      Chúng sinh đủ thứ vui
      Và các phương tiện trí
      Đều nương trí huệ Phật
      Trí Phật chẳng chỗ nương.
      Thanh Văn và Độc Giác
      Và chư Phật giải thoát
      Đều nương vào pháp giới
      Pháp giới chẳng tăng giảm.
      Trí Phật cũng như vậy
      Sinh ra nhất thiết trí
      Không tăng cũng không giảm
      Không sinh cũng không diệt.
      Như nước ngầm dưới đất
      Ai đào đều được nước
      Không nghĩ cũng vô tận
      Công lực khắp mười phương.
            Trí Phật cũng như vậy
      Khắp trong tâm chúng sinh
      Nếu ai siêng tu hành
      Sớm được trí quang minh.
      Như rồng có bốn châu
      Sinh ra vô lượng báu
      Để ở chỗ thâm mật
      Người phàm không thấy được.
      Bốn trí Phật cũng vậy
      Sinh ra nhất thiết trí
      Người khác không thấy được
      Chỉ trừ đại Bồ Tát.
        Như biển có bốn báu
      Hay uống tất cả nước
      Khiến biển chẳng bị tràn
      Lại cũng không tăng giảm.
      Trí Như Lai cũng vậy
      Ngừng sóng trừ pháp ái
      Rộng lớn không bờ mé
      Hay sinh Phật Bồ Tát.
      Phương dưới đến Hữu Đỉnh
      Sắc giới vô sắc giới
      Tất cả nương hư không
      Hư không chẳng phân biệt.
      Thanh Văn và Độc Giác
      Chúng Bồ Tát trí huệ
      Đều nương nơi trí Phật
      Trí Phật chẳng phân biệt.
      Núi Tuyết có dược vương
      Tên là Vô tận căn
      Hay sinh tất cả cây
      Rễ thân lá hoa quả.
      Trí Phật cũng như vậy
      Sinh trong giống Như Lai
      Đắc được bồ đề rồi
      Lại sinh Bồ Tát hạnh.
      Như người cầm cỏ khô
      Ném vào trong kiếp lửa
      Kim cang còn bị cháy
      Cỏ khô tất phải cháy.
      Ba đời kiếp và cõi
      Cùng chúng sinh trong đó
      Cỏ khô cho không cháy
      Trí Phật biết tất cả.
      Có gió tên Tán hoại
      Hay hoại cõi đại thiên
      Nếu không gió khác ngăn
      Huỷ hoại vô lượng cõi.
      Gió đại trí cũng vậy
      Diệt hoặc các Bồ Tát
      Riêng có gió Thiện xảo
      Khiến trụ bậc Như Lai.
      Như có quyển kinh lớn
      Lượng bằng ba ngàn cõi
      Ở trong một hạt bụi
      Tất cả bụi cũng vậy.
      Có một người sáng suốt
      Mắt tịnh đều thấy rõ
      Phá bụi đem kinh ra
      Lợi ích khắp chúng sinh.
      Trí Phật cũng như vậy
      Khắp trong tâm chúng sinh
      Bị vọng tưởng ràng buộc
      Chẳng giác cũng chẳng hay.
      Chư Phật đại từ bi
      Khiến họ trừ vọng tưởng
      Như vậy bèn xuất hiện
      Lợi ích các Bồ Tát.
 
        Phật tử[2]! Đại Bồ Tát làm thế nào biết cảnh giới của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác?
      Phật tử! Đại Bồ Tát dùng trí huệ không chướng ngại, biết cảnh giới Như Lai. Biết cảnh giới tất cả ba đời, cảnh giới tất cả cõi, cảnh giới tất cả pháp, cảnh giới tất cả chúng sinh, cảnh giới chân như không khác biệt, cảnh giới pháp giới không chướng ngại, cảnh giới thật tế không bờ mé, cảnh giới hư không chẳng phân lượng, cảnh giới không có cảnh giới, đó là cảnh giới Như Lai.
       Phật tử! Như cảnh giới của tất cả thế gian vô lượng, cảnh giới Như Lai cũng vô lượng. Như cảnh giới của tất cả ba đời vô lượng, cảnh giới Như Lai cũng vô lượng. Cho đến cảnh giới như không có cảnh giới vô lượng, cảnh giới Như Lai cũng vô lượng. Cảnh giới như không có cảnh giới tất cả mọi nơi đều không có, cảnh giới Như Lai cũng như vậy, tất cả mọi nơi đều không có.
      Phật tử! Đại Bồ Tát nên biết, cảnh giới của tâm là cảnh giới Như Lai. Như cảnh giới của tâm vô lượng vô biên, không ràng buộc, không giải thoát, cảnh giới Như Lai cũng vô lượng vô biên, không ràng buộc, không giải thoát. Tại sao? Vì nhờ suy gẫm phân biệt như vậy như vậy, hiển hiện vô lượng như vậy như vậy.
      Phật tử! Như Đại Long Vương tuỳ tâm mưa xuống. Mưa đó chẳng từ trong ra, chẳng từ ngoài ra. Cảnh giới Như Lai cũng lại như vậy. Tuỳ suy gẫm phân biệt như vậy, liền có hiển hiện vô lượng như vậy. Ở trong mười phương đều không chỗ đến.
      Phật tử! Như nước biển cả, đều từ sức tâm Long Vương sinh khởi. Biển nhất thiết trí của chư Phật Như Lai cũng lại như thế, đều từ nguyện lớn thuở xưa của Như Lai sinh khởi.
      Phật tử! Biển nhất thiết trí, vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn, không thể nói được. Hôm nay tôi sẽ lược nói ví dụ, các vị nên lắng nghe.
      Phật tử! Cõi Diêm Phù Đề có hai ngàn năm trăm con sông chảy vào biển. Tây Câu Gia Ni có năm ngàn con sông chảy vào biển. Đông Phất Bà Đề có bảy ngàn năm trăm con sông chảy vào biển. Bắc Uất Đơn Việt có một vạn con sông chảy vào biển.
      Phật tử! Bốn thiên hạ nầy có hai vạn năm ngàn con sông như vậy, chảy vào biển liên tục không ngừng. Ý các vị thế nào? Nước đó có nhiều chăng?
      Đáp rằng: Rất nhiều.
      Phật tử! Lại có mười Long Vương Quang Minh, mưa xuống trong biển, nước đó nhiều gấp bội hơn trước. Trăm Long Vương Quang Minh, mưa xuống trong biển, nước lại nhiều gấp bội hơn trước. Long Vương Đại Trang Nghiêm, Long Vương Ma Na Tư, Long Vương Lôi Chấn, Long Vương Nan Đà Bạt Nan Đà, Long Vương Vô Lượng Quang Minh, Long Vương Liên Chú Bất Đoạn, Long Vương Đại Thắng, Long Vương Đại Phấn Tấn, có tám mươi ức các đại Long Vương như vậy, mỗi vị đều mưa xuống trong biển, thảy đều lần lượt nhiều gấp bội hơn trước. Thái Tử của Long Vương Ta Kiệt La, tên là Diêm Phù Đàn, mưa xuống trong biển, nước lại nhiều gấp bội hơn trước.
      Phật tử! Nước trong cung điện của mười Long Vương Quang Minh, chảy vào biển, lại nhiều gấp bội hơn trước. Nước trong cung điện của trăm Long Vương Quang Minh chảy vào biển, lại nhiều gấp bội hơn trước. Long Vương Đại Trang Nghiêm, Long Vương Ma Na Tư, Long Vương Lôi Chấn, Long Vương Nan Đà Bạt Nan Đà, Long Vương Vô Lượng Quang Minh, Long Vương Liên Chú Bất Đoạn, Long Vương Đại Thắng, Long Vương Đại Phấn Tấn.
      Tám mươi ức các đại Long Vương như vậy, cung điện mỗi vị đều khác nhau, trong cung điện đều có nước, đều chảy vào biển, đều lần lượt nhiều gấp bội hơn trước. Nước trong cung điện của Diêm Phù Đàn, thái tử của Long Vương Ta Kiệt La chảy vào biển, lại nhiều gấp bội hơn trước.
      Phật tử! Long Vương Ta Kiệt La mưa đổ xuống biển, nước lại nhiều gấp bội hơn trước. Nước trong cung điện của Long Vương Ta Kiệt La chảy đổ ra biển, lại nhiều gấp bội hơn trước. Nước đó chảy ra, màu sắc lưu ly xanh biếc, chảy ra có thời, cho nên hải triều không thất thời.
      Phật tử ! Biển cả như vậy, nước biển vô lượng, các báu vô lượng, chúng sinh vô lượng. Chỗ nương của đại địa cũng lại vô lượng.
      Phật tử ! Ý các vị thế nào ? Biển cả đó vô lượng chăng ?
      Đáp rằng : Thật là vô lượng, không thể ví dụ được.
      Phật tử ! Biển cả đó vô lượng, đối với biển trí của Như Lai, chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, cho đến chẳng bằng một phần Ưu ba ni sa đà. Chỉ tuỳ tâm chúng sinh mà ví dụ, nhưng cảnh giới của Phật chẳng phải ví dụ đến được.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát nên biết biển trí Như Lai vô lượng, vì từ lúc ban đầu phát tâm, tu tất cả Bồ Tát hạnh không ngừng. Nên biết báu tụ vô lượng, vì tất cả pháp bồ đề phần giống Tam Bảo không ngừng. Nên biết chỗ trụ của chúng sinh vô lượng, vì chỗ thọ dụng của tất cả bậc học, vô học, Thanh Văn, Độc Giác. Nên biết trụ địa vô lượng, vì là chỗ ở từ bậc Hoan Hỉ, cho đến bậc cứu kính không chướng ngại.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát vào vô lượng trí huệ, vì lợi ích tất cả chúng sinh. Nơi cảnh giới Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, nên biết như vậy.
      Bấy giờ, đại Bồ Tát Phổ Hiền muốn thuật lại nghĩa trên, mà nói kệ rằng:
      Như cảnh giới tâm vô biên lượng
      Cảnh giới chư Phật cũng như vậy
      Như cảnh giới tâm từ ý sinh
      Cảnh Phật như vậy nên quán sát.
      Như rồng chẳng lìa nơi bổn xứ
      Dùng oai lực tâm đổ mưa lớn
      Nước mưa tuy không chỗ đến đi
      Tuỳ tâm rồng nên thấm nhuần khắp.
      Thập Lực Mâu Ni cũng như vậy
      Không từ đâu đến không chỗ đi
      Nếu ai tâm tịnh liền hiện thân
      Lượng đồng pháp giới vào lỗ lông.
       Như biển châu báu nhiều vô lượng
      Chúng sinh đại địa cũng như vậy
      Tánh nước một vị đồng không khác
      Kẻ sinh trong đó đều được lợi.
      Biển trí Như Lai cũng như vậy
      Tất cả hết thảy đều vô lượng
      Hữu học vô học bậc trụ địa
      Đều ở trong đó được lợi ích.
 
      Phật tử ! Đại Bồ Tát nên làm thế nào biết được hạnh của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ?
      Phật tử ! Đại Bồ Tát nên biết hạnh vô ngại là hạnh của Như Lai. Nên biết hạnh chân như là hạnh của Như Lai. 
      Phật tử ! Như chân như thuở trước chẳng sinh, thuở sau chẳng động, hiện tại chẳng khởi. Hạnh Như Lai cũng như vậy, chẳng sinh, chẳng động, chẳng khởi.
      Phật tử ! Như pháp giới chẳng lượng, chẳng vô lượng, vì vô hình. Hạnh Như Lai cũng như vậy, chẳng lượng, chẳng vô lượng, vì vô hình.
      Phật tử ! Ví như chim bay trong hư không, trải quả trăm năm, nơi đã bay qua, nơi chưa bay qua, đều không thể lường. Tại sao? Vì cõi hư không chẳng có bờ mé. Hạnh Như Lai cũng như vậy. Giả sử có người, trải qua trăm ngàn ức Na do tha kiếp, phân biệt diễn nói, đã nói, chưa nói, đều không thể lường. Tại sao? Vì hạnh Như Lai không có bờ mé.
      Phật tử! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, trụ hạnh vô ngại, chẳng có chỗ trụ, mà hay khắp vì tất cả chúng sinh, thị hiện sự tu hành. Khiến cho họ thấy rồi, vượt qua tất cả các đạo chướng ngại.
      Phật tử! Ví như chim chúa cánh vàng, bay trong hư không, đảo liệng chẳng đi. Dùng mắt thanh tịnh để quán sát các Long cung ở trong biển. Phấn tấn sức dũng mãnh, dùng hai cánh, quạt nước biển rẽ làm hai, biết rồng nam, rồng nữ sắp chết, bắt lấy ăn.
      Chim chúa cánh vàng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, cũng lại như vậy. Trụ hạnh vô ngại, dùng mắt Phật thanh tịnh, quán sát pháp giới tất cả chúng sinh trong các cung điện. Nếu người đã từng trồng căn lành đã thành thục, thì Như Lai dùng thập lực phấn tấn dũng mãnh, dùng hai cánh chỉ quán, quạt nước biển tham ái ra làm hai, bắt lấy họ để ở trong Phật pháp, khiến cho họ đoạn trừ tất cả vọng tưởng hí luận, an trụ nơi hạnh vô ngại không phân biệt của Như Lai.
      Phật tử ! Ví như mặt trời, mặt trăng, một mình không bạn bè, đi khắp hư không, lợi ích chúng sinh, chẳng nghĩ như vầy: Tôi từ đâu đến, và đi về đâu!
      Chư Phật Như Lai cũng lại như thế, tánh vốn tịch diệt, không có phân biệt. Thị hiện du hành tất cả pháp giới. Vì muốn lợi ích các chúng sinh, mà làm các Phật sự, không có ngừng nghỉ. Chẳng sinh hí luận phân biệt như vầy : Ta từ đó đến, và đi về kia.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát nên dùng vô lượng phương tiện, vô lượng tánh tướng như vậy, để thấy biết hạnh của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tu hành.
      Bấy giờ, Bồ Tát Phổ Hiền muốn thuật lại nghĩa trên, mà nói kệ rằng :
      Ví như chân như chẳng sinh diệt
      Không có phương sở chẳng thấy được
      Bậc Đại Lợi Ích tu như vậy
       Vượt qua ba đời không thể lường.
      Pháp giới chẳng giới chẳng chẳng giới
        Chẳng phải có lượng chẳng vô lượng
      Bậc Đại Công Đức tu cũng thế
      Chẳng lượng vô lượng vì không thân.
      Ví như chim bay ức ngàn năm
      Trước sau hư không đồng không khác
      Các kiếp diễn nói hạnh Như Lai
      Đã nói chưa nói không thể lường.
      Đại bàng trên không quán sát biển
      Quạt nước làm hai bắt lấy rồng
      Thập Lực hay cứu người căn lành
      Khiến thoát biển cõi trừ các hoặc.
      Ví như trời trăng du hư không
      Chiếu đến tất cả chẳng phân biệt
      Thế Tôn đi khắp nơi pháp giới
       Giáo hoá chúng sinh không động niệm.
 
      Phật tử ! Các đại Bồ Tát nên làm thế nào, biết được Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thành Chánh Giác ?
      Phật tử ! Đại Bồ Tát nên biết Như Lai thành Đẳng Chánh Giác, nơi tất cả nghĩa, không chỗ quán sát. Nơi pháp bình đẳng, không chỗ nghi hoặc, không hai, không tướng, không hành vi, không ngừng, không lượng, không bờ, xa lìa hai bên. Trụ nơi trung đạo, vượt qua tất cả văn tự lời nói.
      Biết tâm niệm hành vi của tất cả chúng sinh, căn tánh ưa thích, phiền não nhiễm tập. Ở trong một niệm, đều biết tất cả các pháp ba đời.
      Phật tử ! Ví như biển cả, hay ấn hiện sắc thân hình tượng của tất cả chúng sinh khắp trong bốn thiên hạ, cho nên đều nói rằng là biển cả. Chư Phật bồ đề cũng lại như thế, hiện khắp tâm niệm, căn tánh, ưa thích, của tất cả chúng sinh, mà không chỗ hiện, cho nên gọi là chư Phật bồ đề.
      Phật tử ! Chư Phật bồ đề : Tất cả văn tự không thể tuyên nói, tất cả âm thanh không thể đến được, tất cả lời lẽ không thể nói được, chỉ tuỳ sở ứng, phương tiện khai thị.
      Phật tử ! Khi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thành Chánh Giác, thì đắc được thân lượng đồng tất cả chúng sinh. Đắc được thân lượng đồng tất cả pháp. Đắc được thân lượng đồng tất cả cõi. Đắc được thân lượng đồng tất cả ba đời. Đắc được thân lượng đồng tất cả Phật. Đắc được thân lượng đồng tất cả lời lẽ. Đắc được thân lượng đồng chân như. Đắc được thân lượng đồng pháp giới. Đắc được thân lượng đồng cõi hư không. Đắc được thân lượng đồng cõi vô ngại. Đắc được thân lượng đồng tất cả nguyện. Đắc được thân lượng đồng tất cả hạnh. Đắc được thân lượng đồng cõi tịch diệt Niết Bàn.
      Phật tử ! Như thân đắc được, lời lẽ và tâm, cũng lại như thế. Đắc được vô lượng vô số tam luân thanh tịnh như vậy.
      Phật tử ! Khi Như Lai thành Chánh Giác, trong thân Ngài thấy khắp tất cả chúng sinh thành Chánh Giác, cho đến khắp hiện tất cả chúng sinh vào Niết Bàn.
      Đều đồng một tánh, đó là vô tánh. Không tất cả tánh, đó là tánh vô tướng, tánh vô tận, tánh không sanh, tánh không diệt, tánh không ta, tánh chẳng phải ta, tánh không chúng sinh, tánh chẳng phải không chúng sinh, tánh không bồ đề, tánh không pháp giới, tánh chẳng hư không, tánh cũng lại không có thành Chánh Giác.
      Vì biết tất cả pháp đều không tánh. Đắc được nhất thiết trí, đại bi tương tục, cứu độ chúng sinh.
      Phật tử ! Ví như hư không, tất cả thế giới, hoặc thành, hoặc hoại, thường không tăng giảm. Tại sao ? Vì hư không chẳng sinh. Chư Phật bồ đề cũng lại như thế, hoặc thành Chánh Giác, chẳng thành Chánh Giác, cũng không tăng giảm. Tại sao ? Vì bồ đề không tướng, chẳng không tướng, chẳng một, chẳng các thứ.
      Phật tử ! Giả sử có người, có thể hoá ra tâm nhiều như số cát sông Hằng. Mỗi mỗi tâm lại hoá làm Phật nhiều như số cát sông Hằng. Đều không sắc, không hình, không tướng. Như vậy hết số kiếp nhiều như số cát sông Hằng, không có ngừng nghỉ.
      Phật tử ! Ý các vị thế nào ? Người đó hoá tâm, hoá làm Như Lai, có tất cả là bao nhiêu ?
      Bồ Tát Như Lai Tánh Khởi Diệu Đức nói : Như chỗ tôi hiểu nghĩa của Ngài nói, hoá và không hoá, đồng nhau chẳng khác, sao lại hỏi là có bao nhiêu ?
      Bồ Tát Phổ Hiền nói : Lành thay ! Lành thay ! Phật tử ! Như lời Ngài nói, giả sử tất cả chúng sinh ở trong một niệm, đều thành Chánh Giác, và chẳng thành Chánh Giác, đồng nhau không khác. Tại sao ? Vì bồ đề vô tướng. Nếu không có tướng, thì sẽ không tăng, không giảm.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát nên biết như vậy, thành Đẳng Chánh Giác, đồng với bồ đề, một tướng vô tướng.
      Khi Như Lai thành Chánh Giác, dùng một tướng phương tiện, vào tam muội Thiện giác trí. Vào rồi, nơi một thân rộng lớn thành Chánh Giác, hiện thân đồng số tất cả chúng sinh, trụ ở trong thân. Như một thân rộng lớn thành Chánh Giác, tất cả thân rộng lớn thành Chánh Giác, cũng đều như vậy.
      Phật tử ! Như Lai có vô lượng môn thành Chánh Giác như vậy. Bởi vậy, nên biết Như Lai hiện thân chẳng có số lượng. Bởi vì vô lượng, nên nói thân Như Lai là cõi vô lượng, đồng với cõi chúng sinh.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát nên biết, trong một lỗ chân lông thân Như Lai, có tất cả số chúng sinh đồng với thân chư Phật. Tại sao ? Vì thân Như Lai thành Chánh Giác, rốt ráo không sinh diệt.
      Như một lỗ chân lông khắp pháp giới, tất cả lỗ chân lông cũng đều như vậy. Nên biết không có chút hư không nào mà chẳng có thân Phật. Tại sao ? Vì Như Lai thành Chánh Giác, chẳng nơi nào mà không đến. Tuỳ sở năng của Ngài, tuỳ thế lực của Ngài, ngồi trên toà sư tử dưới cội bồ đề đạo tràng, dùng đủ thứ thân, thành Đẳng Chánh Giác.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát nên biết, tâm mình niệm niệm thường có Phật thành Chánh Giác. Tại sao ? Vì chư Phật Như Lai chẳng lìa tâm nầy mà thành Chánh Giác. Như tâm mình, tâm của tất cả chúng sinh, cũng lại như thế, đều có Như Lai thành Đẳng Chánh Giác.
      Khắp cùng rộng lớn, chẳng có chỗ nào mà không có, chẳng lìa, chẳng dứt, không có ngừng nghỉ. Vào pháp môn phương tiện không thể nghĩ bàn.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát nên biết Như Lai thành Chánh Giác như vậy.
      Bấy giờ, đại Bồ Tát Phổ Hiền muốn thuật lại nghĩa nầy, mà nói kệ rằng:
      Chánh Giác biết rõ tất cả pháp
      Không hai lìa hai đều bình đẳng
      Tự tánh thanh tịnh như hư không
      Ta với chẳng ta không phân biệt.
      Như biển ấn hiện thân chúng sinh
      Nhờ đó nói nó là biển cả
      Bồ đề khắp ấn các tâm hạnh
      Bởi vậy nên nói là Chánh Giác.
      Ví như thế giới có thành hoại
      Mà trong hư không chẳng tăng giảm
      Tất cả chư Phật hiện thế gian
      Bồ đề một tướng luôn vô tướng.
      Như người hoá tâm hoá làm Phật
      Hoá và chẳng hoá tánh không khác
      Tất cả chúng sinh thành bồ đề
       Thành và chẳng thành không tăng giảm.
      Phật có tam muội tên Thiện giác
      Dưới cội bồ đề vào định nầy
       Phóng vô lượng quang đồng chúng sinh
      Khai ngộ quần sinh như sen nở.
      Như kiếp ba đời cõi chúng sinh
      Hết thảy tâm niệm và ưa thích
      Phật hiện thân đồng số như vậy
      Cho nên chánh giác tên vô lượng.
 
      Phật tử! Đại Bồ Tát nên làm thế nào để biết được Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chuyển bánh xe pháp?
      Phật tử! Đại Bồ Tát nên biết như vầy: Như Lai dùng sức tâm tự tại, không khởi, không chuyển, mà chuyển bánh xe pháp, vì biết tất cả pháp luôn không khởi. Dùng ba thứ chuyển, dứt điều nên dứt mà chuyển bánh xe pháp, vì biết tất cả pháp lìa biên kiến. Lìa dục tế, chẳng phải dục tế, mà chuyển bánh xe pháp, vì vào tất cả pháp hư không tế. Không có lời nói mà chuyển bánh xe pháp, vì biết tất cả pháp không thể nói. Rốt ráo tịch diệt mà chuyển bánh xe pháp, vì biết tất cả pháp tánh Niết Bàn.
      Dùng tất cả văn tự, tất cả lời lẽ mà chuyển bánh xe pháp, vì âm thanh Như Lai không chỗ nào mà chẳng đến. Biết tiếng như vang, mà chuyển bánh xe pháp, vì thấu rõ thật tánh của các pháp. Ở trong một tiếng, vang ra tất cả tiếng, mà chuyển bánh xe pháp, vì rốt ráo không có chủ. Không sót, không hết, mà chuyển bánh xe pháp, vì không chấp trước trong ngoài.
      Phật tử ! Ví như tất cả văn tự lời lẽ, hết kiếp thuở vị lai, nói không hết được. Phật chuyển bánh xe pháp, cũng lại như thế. Tất cả văn tự an lập khai thị, không có ngừng nghỉ, không có cùng tận.
      Phật tử ! Như Lai chuyển bánh xe pháp, đều vào tất cả lời lẽ văn tự, mà không chỗ trụ. Ví như viết chữ, vào khắp tất cả sự việc, tất cả lời lẽ, tất cả toán số, tất cả nơi thế gian, xuất thế gian, mà không chỗ trụ.
      Âm thanh Như Lai cũng lại như thế, vào khắp trong tất cả mọi nơi, tất cả chúng sinh, tất cả pháp, tất cả nghiệp, tất cả báo, mà không chỗ trụ. Đủ thứ lời lẽ của tất cả chúng sinh, đều không lìa khỏi bánh xe pháp Như Lai. Tại sao ? Vì lời lẽ thật tướng tức là bánh xe pháp.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát đối với Như Lai chuyển bánh xe pháp, nên biết như vậy.
      Lại nữa Phật tử ! Đại Bồ Tát muốn biết Như Lai chuyển bánh xe pháp, thì nên biết nơi sinh ra bánh xe pháp của Như Lai. Thế nào là nơi sinh ra bánh xe pháp của Như Lai ?
      Phật tử ! Như Lai tuỳ tâm hạnh ưa thích vô lượng sự khác biệt của tất cả chúng sinh, mà phát ra bao nhiêu âm thanh để chuyển bánh xe pháp.
      Phật tử ! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, có tam muội tên là Rốt ráo vô ngại vô uý. Vào tam muội nầy rồi, thì thành Chánh Giác, mỗi thân, mỗi miệng, đều phát ra âm thanh bằng số tất cả chúng sinh. Trong mỗi âm thanh, đều đầy đủ các âm. Mỗi mỗi âm thanh đều khác biệt, mà chuyển bánh xe pháp, khiến cho tất cả chúng sinh đều sinh tâm hoan hỉ. Người biết được chuyển bánh xe pháp như vậy, thì nên biết người đó tuỳ thuận tất cả Phật pháp. Không biết như vậy, thì chẳng phải tuỳ thuận.
      Phật tử ! Các đại Bồ Tát nên biết Phật chuyển bánh xe pháp như vậy, vì vào khắp vô lượng cõi chúng sinh.
      Bấy giờ, đại Bồ Tát Phổ Hiền muốn thuật lại nghĩa nầy, mà nói kệ rằng:
        Pháp luân Như Lai không chỗ chuyển
       Ba đời không khởi cũng không đắc
      Ví như văn tự không hết được
      Pháp luân Thập Lực cũng như vậy.
      Như chữ vào khắp không chỗ đến
      Pháp luân chánh giác cũng như thế
      Vào các lời nói không chỗ vào
      Hay khiến chúng sinh đều hoan hỉ.
            Phật có tam muội tên Rốt ráo
      Vào định đó rồi mới nói pháp
      Tất cả chúng sinh vô biên lượng
      Khắp vang âm thanh khiến ngộ hiểu.
      Trong mỗi mỗi âm lại diễn nói
      Vô lượng âm thanh đều khác biệt
      Nơi đời tự tại chẳng phân biệt
      Tuỳ họ ưa thích khắp khiến nghe.
      Văn tự chẳng từ trong ngoài ra
      Cũng chẳng thất hoại không tích tập
        Mà vì chúng sinh chuyển pháp luân
      Tự tại như vậy rất kỳ đặc.
 
      Phật tử ! Đại Bồ Tát nên làm thế nào biết Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác vào Bát Niết Bàn ?
      Phật tử ! Đại Bồ Tát muốn biết Như Lai vào đại Niết Bàn, thì phải biết rõ nguồn gốc của tự tánh.
      Như chân như Niết Bàn, Như Lai Niết Bàn cũng như vậy. Như thật tế Niết Bàn, Như Lai Niết Bàn cũng như vậy. Như pháp giới Niết Bàn, Như Lai Niết Bàn cũng như vậy. Như hư không Niết Bàn, Như Lai Niết Bàn cũng như vậy. Như pháp tánh Niết Bàn, Như Lai Niết Bàn cũng như vậy. Như lìa dục tế Niết Bàn, Như Lai Niết Bàn cũng như vậy. Như vô tướng tế Niết Bàn, Như Lai Niết Bàn cũng như vậy. Như ngã tánh tế Niết Bàn, Như Lai Niết Bàn cũng như vậy. Như tất cả pháp tánh tế Niết Bàn, Như Lai Niết Bàn cũng như vậy. Như chân như tế Niết Bàn, Như Lai Niết Bàn cũng như vậy.
      Tại sao ? Vì Niết Bàn không sinh, không xuất. Nếu pháp không sinh, không xuất, thì không có diệt.
      Phật tử ! Như Lai chẳng vì Bồ Tát nói rốt ráo Niết Bàn của các Như Lai. Cũng chẳng vì Bồ Tát thị hiện việc đó. Tại sao ? Vì muốn khiến cho tất cả Như Lai thường trụ ở trước họ.
      Ở trong một niệm, thấy tất cả chư Phật quá khứ, vị lai, sắc tướng viên mãn, đều như hiện tại. Cũng chẳng khởi tưởng hai, chẳng hai. Tại sao ? Vì đại Bồ Tát đã vĩnh viễn lìa khỏi tất cả các tưởng chấp trước.
      Phật tử ! Chư Phật Như Lai vì muốn khiến cho chúng sinh an vui, mà xuất hiện ra đời. Vì muốn khiến cho chúng sinh, sinh luyến mộ, mà thị hiện vào Niết Bàn. Nhưng Như Lai thật không có ra đời, cũng không vào Niết Bàn. Tại sao ? Vì Như Lai thường trụ pháp giới thanh tịnh, tuỳ tâm chúng sinh, mà thị hiện Niết Bàn.
      Phật tử ! Ví như mặt trời mọc, chiếu khắp thế gian. Ở trong tất cả đồ có nước thanh tịnh, thì hình bóng đều hiện vào, khắp cùng nơi chúng sinh, mà không đến đi. Nếu đồ đựng bị bễ, thì sẽ không hiện hình bóng.
      Phật tử ! Ý các vị thế nào ? Hình bóng đó chẳng hiện, là lỗi mặt trời chăng ?
      Đáp rằng : Không vậy, vì do đồ đựng bị bễ, chứ chẳng phải lỗi của mặt trời.
      Phật tử ! Mặt trời trí huệ của Như Lai cũng lại như thế, hiện khắp pháp giới, không trước, không sau, trong tâm đồ đựng của tất cả chúng sinh thanh tịnh, thì Phật đều hiện ra. Tâm thường tịnh, thì thường thấy thân Phật. Nếu tâm bẩn, đồ đựng bị bễ, thì không nhìn thấy được Phật.
      Phật tử ! Nếu có chúng sinh, nên dùng Niết Bàn độ được, thì Như Lai bèn vì họ thị hiện Niết Bàn, nhưng sự thật Như Lai chẳng sinh, chẳng mất, chẳng có diệt độ.
      Phật tử ! Ví như lửa, trong tất cả thế gian, hay dùng lửa để làm việc, hoặc có lúc một nơi lửa tắt.
      Ý các vị thế nào ? Lửa tất cả thế gian đều tắt hết chăng ?
      Đáp rằng : Không vậy.
      Phật tử ! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cũng lại như thế. Trong tất cả thế giới đều làm Phật sự, hoặc nơi một thế giới, việc làm đã xong, thì thị hiện vào Niết Bàn. Đâu phải tất cả thế giới chư Phật Như Lai, thảy đều diệt độ.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát nên biết Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác Đại Bát Niết Bàn như vậy.
      Lại nữa Phật tử ! Ví như nhà huyễn thuật, khéo biết rõ huyễn thuật. Dùng sức huyễn thuật, ở trong ba ngàn đại thiên thế giới, tất cả cõi nước thành ấp tụ lạc, thị hiện thân huyễn. Dùng sức huyễn để giữ gìn, trải qua suốt kiếp mà trụ. Nhưng ở xứ khác, việc huyễn đã xong, bèn ẩn thân chẳng hiện.
      Phật tử ! Ý các vị thế nào ? Nhà đại huyễn thuật đó, có phải ở một nơi ẩn thân chẳng hiện, thì tất cả mọi nơi đều ẩn diệt ?
      Đáp rằng : Không vậy.
      Phật tử ! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, cũng lại như thế. Khéo biết vô lượng trí huệ phương tiện các thứ huyễn thuật. Trong tất cả pháp giới, khắp hiện thân Phật. Giữ gìn khiến cho thường trụ, hết kiếp thuở vị lai. Hoặc ở một nơi, tuỳ tâm chúng sinh, làm Phật sự xong, bèn thị hiện Niết Bàn. Đâu phải một nơi thị hiện vào Niết Bàn, thì tất cả mọi nơi đều diệt độ !
      Phật tử ! Đại Bồ Tát nên biết Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác Đại Bát Niết Bàn như vậy.
      Lại nữa Phật tử ! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, khi thị hiện Niết Bàn, thì vào tam muội Bất động. Vào tam muội đó rồi, thì nơi mỗi mỗi thân, đều phóng ra vô lượng trăm ngàn ức Na do tha đại quang minh.
      Trong mỗi mỗi quang minh, đều xuất hiện A tăng kỳ hoa sen. Trong mỗi mỗi hoa sen, đều có bất khả thuyết nhuỵ hoa báu đẹp. Trong mỗi mỗi nhuỵ hoa, đều có toà sư tử. Trên mỗi toà sư tử, đều có Như Lai ngồi kiết già. Số thân Phật đó, đồng với số tất cả chúng sinh, đều đầy đủ công đức thượng diệu trang nghiêm, từ nguyện lực xưa sinh ra.
      Nếu có chúng sinh căn lành thành thục, thấy được thân Phật rồi, đều được giáo hoá. Nhưng thân Phật đó, hết thuở vị lai, rốt ráo an trụ, tuỳ nghi hoá độ tất cả chúng sinh.
      Phật tử ! Thân Như Lai không có phương xứ, chẳng thật, chẳng hư. Nhưng nhờ thệ nguyện lực xưa của chư Phật, chúng sinh đáng được độ, thì liền xuất hiện.
      Đại Bồ Tát nên biết Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác Đại Bát Niết Bàn như vậy.
      Phật tử ! Như Lai trụ nơi pháp giới rốt ráo vô lượng vô ngại, cõi hư không, chân như, pháp tánh, không sinh, không diệt, và thật tế. Vì các chúng sinh, tuỳ thời thị hiện. Vì giữ nguyện xưa, chẳng có ngừng nghỉ, chẳng xả bỏ tất cả chúng sinh, tất cả cõi, tất cả pháp.
      Bấy giờ, đại Bồ Tát Phổ Hiền, muốn thuật lại nghĩa trên, mà nói kệ rằng:
      Như ánh mặt trời chiếu pháp giới
      Đồ bễ nước chảy bóng liền diệt
      Trí nhựt Tối Thắng cũng như vậy
      Chúng sinh không tin thấy Niết Bàn.
      Như lửa thế gian dùng làm việc
      Nơi một thành ấp có lúc tắt
       Nhân Trung Tối Thắng khắp pháp giới
      Nơi giáo hoá xong hiện nhập diệt.
            Huyễn thuật hiện thân tất cả cõi
      Nơi việc làm xong liền ẩn hình
      Như Lai hoá xong cũng như thế
      Nơi cõi nước khác thường thấy Phật.
      Phật có tam muội tên Bất động
      Hoá chúng sinh rồi vào định đó
      Một niệm thân phóng vô lượng quang
      Quang hiện hoa sen hoa có Phật.
      Thân Phật vô số đồng pháp giới
      Chúng sinh có phước đều thấy được
      Như vậy vô số mỗi mỗi thân
      Thọ mạng trang nghiêm đều đầy đủ.
      Như tánh không sinh Phật ra đời
      Như tánh không diệt Phật Niết Bàn
      Lời lẽ ví dụ thảy đều dứt
      Tất cả nghĩa thành không gì bằng.
 
      Phật tử! Đại Bồ Tát nên làm thế nào biết được: Thấy, nghe, gần gũi, gieo trồng căn lành nơi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác?
      Phật tử! Đại Bồ Tát nên biết ở chỗ Như Lai, thấy, nghe, gần gũi, gieo trồng căn lành, thảy đều không luống qua. Vì sinh ra giác ngộ trí huệ vô tận. Vì lìa khỏi tất cả chướng nạn. Vì quyết định đến nơi rốt ráo. Vì không có hư dối. Vì tất cả nguyện đều đầy đủ. Vì chẳng hết hạnh hữu vi. Vì tuỳ thuận trí vô vi. Vì sinh ra trí huệ chư Phật. Vì hết thuở vị lai, thành tựu tất cả giống hạnh thù thắng. Vì đến được bậc trí huệ vô công dụng.
      Phật tử! Ví như đại trượng phu, ăn chút kim cang, trọn không thể tiêu hoá được. Phải xuyên thủng thân mà lọt ra ngoài. Tại sao? Vì kim cang không thể ở chung trong nhục thân tạp loài.
      Ở chỗ Như Lai, gieo chút căn lành, cũng lại như thế. Phải xuyên thủng tất cả thân hữu vi các hạnh phiền não, đến nơi trí huệ vô vi rốt ráo. Tại sao? Vì chút căn lành đó, không thể ở chung với các hạnh hữu vi phiền não.
      Phật tử! Giả sử cỏ khô, chất đống bằng núi Tu Di, nếu ném vào trong đó một chút lửa nhỏ, thì sẽ bị cháy sạch. Tại sao? Vì lửa hay thiêu cháy.
      Ở chỗ Như Lai, gieo xuống chút căn lành, cũng lại như thế, sẽ thiêu sạch tất cả phiền não, rốt ráo đắc được Vô dư Niết Bàn. Tại sao? Vì chút căn lành đó, tánh rốt ráo vậy.
      Phật tử! Ví như núi Tuyết, có cây Dược vương, tên là Thiện kiến. Nếu ai thấy được, thì mắt sẽ được thanh tịnh. Nếu ai nghe được, thì tai sẽ được thanh tịnh. Nếu ai ngửi được, thì mũi sẽ được thanh tịnh. Nếu ai nếm được, thì lưỡi sẽ được thanh tịnh. Nếu ai xúc chạm được, thì thân sẽ được thanh tịnh. Nếu có chúng sinh, lấy được đất đó, thì cũng được lợi ích tiêu trừ được các bệnh.
      Phật tử! Dược vương vô thượng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, cũng lại như thế, hay làm tất cả lợi ích. Nếu có chúng sinh nào thấy được sắc thân Như Lai, thì mắt được thanh tịnh. Nếu ai nghe được danh hiệu Như Lai, thì tai được thanh tịnh. Nếu ai ngửi được hương giới Như Lai, thì mũi được thanh tịnh. Nếu ai nếm được pháp vị Như Lai, thì lưỡi được thanh tịnh, đủ tướng lưỡi rộng dài, hiểu lời lẽ của pháp. Nếu ai xúc chạm được quang minh Như Lai, thì thân được thanh tịnh, rốt ráo đắc được pháp thân vô thượng. Nếu ai nghĩ nhớ đến Như Lai, thì đắc được niệm Phật tam muội thanh tịnh.
      Nếu có chúng sinh cúng dường Như Lai, đi qua chỗ đất đai, và tháp miếu, cũng đủ căn lành, diệt trừ tất cả các hoạn phiền não, được an vui của hiền Thánh.
      Phật tử! Nay tôi bảo các vị, nếu có chúng sinh, thấy nghe về đức Phật, dù nghiệp chướng ràng buộc che lấp, chẳng sinh tin ưa, cũng trồng căn lành, không luống qua, cho đến rốt ráo sẽ vào Niết Bàn.
      Phật tử! Đại Bồ Tát nên biết ở chỗ Như Lai như vậy, thấy nghe, gần gũi, gieo trồng căn lành, đều lìa khỏi tất cả các pháp bất thiện, đầy đủ pháp lành.
      Phật tử! Như Lai dùng tất cả ví dụ nói các thứ việc, không có ví dụ nói được pháp nầy. Tại sao? Vì tâm trí tuyệt lộ, không thể nghĩ bàn. Chư Phật Bồ Tát chỉ tuỳ tâm chúng sinh, khiến cho họ hoan hỉ, vì họ nói ví dụ chẳng phải rốt ráo.
      Phật tử! Pháp môn nầy tên là: Nơi bí mật của Như Lai. Tên là Tất cả thế gian không thể biết được. Tên là Vào ấn Như Lai. Tên là Môn khai đại trí. Tên là Thị hiện giống tánh Như Lai. Tên là Thành tựu tất cả Bồ Tát. Tên là Tất cả thế gian không thể hoại được. Tên là Một hướng tuỳ thuận cảnh giới Như Lai. Tên là Tịnh tất cả các cõi chúng sinh. Tên là Diễn nói pháp căn bổn thật tánh Như Lai rốt ráo không nghĩ bàn.
      Phật tử ! Pháp môn nầy, Như Lai chẳng vì chúng sinh khác nói, chỉ vì Bồ Tát hướng đại thừa mà nói, chỉ vì Bồ Tát thừa không nghĩ bàn mà nói. Pháp môn nầy chẳng vào tay của tất cả chúng sinh khác, chỉ trừ đại Bồ Tát.
      Phật tử ! Ví như Chuyển Luân Thánh Vương có bảy báu. Nhờ có bảy báu đó, mà hiển bày Luân Vương. Báu đó chẳng vào tay chúng sinh khác, chỉ trừ thái tử do đệ nhất phu nhân sinh ra, thành tựu đầy đủ tướng Thánh Vương. Nếu Luân Vương không có thái tử đủ các đức, khi vua mạng chung, thì các báu đó trong bảy ngày, đều diệt mất.
      Phật tử ! Kinh trân báu nầy, cũng lại như thế. Chẳng vào tay tất cả chúng sinh khác. Chỉ trừ Pháp Vương chân tử của Như Lai, sinh vào nhà Như Lai, có tướng Như Lai, đủ các căn lành.
      Phật tử ! Nếu không có những chân tử của Phật, thì pháp môn như vậy, chẳng bao lâu sẽ diệt mất. Tại sao ? Vì tất cả hàng nhị thừa chẳng nghe kinh nầy, hà huống là thọ trì, đọc tụng biên chép, phân biệt giải nói. Chỉ có các đại Bồ Tát mới được như vậy.
      Bởi vậy đại Bồ Tát nghe pháp môn nầy, nên sinh tâm đại hoan hỉ. Dùng tâm tôn trọng cung kính đảnh lễ thọ trì. Tại sao? Vì đại Bồ Tát tin ưa kinh nầy, sớm sẽ đắc được A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
      Phật tử! Nếu có Bồ Tát, trong vô lượng trăm ngàn ức Na do tha kiếp, thực hành lục độ Ba La Mật, tu tập các thứ pháp bồ đề phần. Nếu chưa từng nghe pháp môn đại oai đức không nghĩ bàn nầy của Như Lai. Hoặc đã nghe rồi, mà không tin, không hiểu, không thuận, không vào, thì không phải là Bồ Tát chân thật, vì không thể sinh vào nhà Như Lai.
      Nếu nghe được pháp môn trí huệ không chướng, không ngại, vô lượng, không thể nghĩ bàn nầy của Như Lai. Nghe rồi tin hiểu, tuỳ thuận ngộ nhập, thì nên biết người đó sinh vào nhà Như Lai. Tuỳ thuận tất cả cảnh giới Như Lai, đầy đủ tất cả các pháp Bồ Tát, an trụ cảnh giới nhất thiết chủng trí. Xa lìa tất cả các pháp thế gian, sinh ra tất cả hạnh của Như Lai tu, thông đạt pháp tánh của tất cả Bồ Tát. Nơi tự tại của Phật, tâm không nghi hoặc. Trụ pháp không có thầy, vào sâu cảnh giới vô ngại của Như Lai.
      Phật tử! Đại Bồ Tát nghe pháp nầy rồi: Bèn hay dùng trí huệ bình đẳng, biết vô lượng pháp. Bèn hay dùng tâm chánh trực, lìa các phân biệt. Bèn hay dùng ưa thích thù thắng, hiện thấy chư Phật. Bèn hay dùng sức của ý, vào cõi hư không bình đẳng. Bèn hay dùng niệm tự tại, du hành vô biên pháp giới. Bèn hay dùng sức trí huệ, đầy đủ tất cả công đức. Bèn hay dùng trí huệ tự nhiên, lìa tất cả dơ bẩn thế gian. Bèn hay dùng bồ đề tâm, vào tất cả lưới mười phương. Bèn hay dùng đại quán sát, biết chư Phật ba đời đồng một thể tánh. Bèn hay dùng căn lành hồi hướng trí huệ, vào khắp pháp như vậy, chẳng vào mà vào. Chẳng ở nơi một pháp mà có sự phan duyên. Luôn dùng một pháp mà quán tất cả pháp.
      Phật tử! Đại Bồ Tát thành tựu công đức như vậy, làm ít công đức sức lực, mà đắc được trí vô sư tự nhiên.
      Bấy giờ, Bồ Tát Phổ Hiền muốn thuật lại nghĩa nầy, mà nói kệ rằng:
      Thấy nghe cúng dường các Như Lai
        Đắc được công đức không thể lường
      Ở trong hữu vi trọn không hết
      Phải diệt phiền não lìa các khổ.
      Ví như nuốt vào chút kim cang
      Trọn không tiêu hoá phải lọt ra
      Cúng dường Thập Lực các công đức
      Diệt hoặc sẽ được kim cang trí.
      Như cỏ khô chất đồng Tu Di
      Ném vào chút lửa sẽ cháy sạch
      Cúng dường chư Phật chút công đức
      Sẽ dứt phiền não đến Niết Bàn.
      Núi Tuyết có thuốc tên Dược vương
      Thấy nghe ngửi xúc tiêu các bệnh
      Nếu ai thấy nghe đấng Thập Lực
      Được thắng công đức đến Phật trí.
 
      Bấy giờ, do thần lực của Phật, do pháp như vậy. Mười phương đều có mười bất khả thuyết trăm ngàn ức Na do tha thế giới sáu thứ chấn động. Đó là : Đông vọt thì tây lặn, tây vọt thì đông lặn. Nam vọt thì bắc lặn, bắc vọt thì nam lặn. Mé vọt thì giữa lặn, giữa vọt thì mé lặn.
      Mười tám tướng động, đó là : Động, biến động, đẳng biến động. Khởi, biến khởi, đẳng biến khởi. Dũng, biến dũng, đẳng biến dũng. Chấn, biến chấn, đẳng biến chấn. Hống, biến hống, đẳng biến hống. Kích, biến kích, đẳng biến kích.
      Trời mưa xuống tất cả mây hoa đẹp hơn các cõi trời, tất cả mây lọng, mây tràng, mây phan, mây hương, mây tràng hoa, mây hương thoa, mây đồ trang nghiêm, mây đại quang minh ma ni báu, mây các Bồ Tát tán thán, mây bất khả thuyết thân Bồ Tát đều khác biệt. Mưa mây thành chánh giác, mây nghiêm tịnh thế giới không nghĩ bàn. Mưa xuống mây âm thanh lời nói của Như Lai, đầy khắp vô biên thế giới.
      Như bốn thiên hạ nầy, thần lực Như Lai thị hiện như vậy, khiến cho các Bồ Tát đều đại hoan hỉ. Khắp cùng mười phương tất cả thế giới, cũng đều như vậy.
      Bấy giờ, mười phương đều qua khỏi các thế giới, nhiều như số hạt bụi tám mươi bất khả thuyết trăm ngàn ức Na do tha cõi Phật, đều có các Như Lai, nhiều như số hạt bụi tám mươi bất khả thuyết trăm ngàn ức Na do tha cõi Phật, đều đồng danh hiệu là Phổ Hiền, đều hiện ra ở trước, mà nói rằng : Lành thay Phật tử ! Đó là nhờ oai lực của Phật, tuỳ thuận pháp tánh, diễn nói pháp Như Lai xuất hiện không nghĩ bàn.
      Phật tử ! Chúng tôi mười phương chư Phật đồng danh hiệu, nhiều như số hạt bụi tám mươi bất khả thuyết Na do tha cõi Phật, đều nói pháp nầy. Như chỗ tôi nói, tất cả chư Phật mười phương thế giới, cũng nói như vậy.
      Phật tử ! Nay trong hội nầy, các đại Bồ Tát nhiều như số hạt bụi mười vạn cõi Phật, đắc được tam muội Tất cả Bồ Tát thần thông. Chúng tôi đều thọ ký cho họ, một đời nữa sẽ đắc được A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Số chúng sinh nhiều như số hạt bụi cõi Phật, phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, chúng tôi cũng thọ ký cho họ, ở đời vị lai, trải qua số kiếp, nhiều như số hạt bụi bất khả thuyết cõi Phật, đều được thành Phật, đều đồng hiệu là Phật Thù Thắng Cảnh Giới.
      Chúng tôi vì khiến cho các Bồ Tát vị lai được nghe pháp nầy, đều cùng hộ trì. Như chỗ độ chúng sinh bốn thiên hạ nầy, mười phương trăm ngàn ức Na do tha vô số vô lượng, cho đến chỗ độ chúng sinh trong tất cả thế giới, bất khả thuyết bất khả thuyết pháp giới hư không giới, cũng đều như vậy.
       Bấy giờ, do oai thần lực của mười phương chư Phật, do nguyện lực xưa của Tỳ Lô Giá Na, do pháp như vậy, do sức căn lành, do Như Lai khởi trí chẳng vượt một niệm, do Như Lai ứng duyên chẳng lỗi thời, do tuỳ thời giác ngộ các Bồ Tát, do những gì đã làm thuở xưa không thất hoại, do khiến cho đắc được hạnh Phổ Hiền rộng lớn, do hiển hiện nhất thiết trí tự tại.
      Mười phương đều trải qua các thế giới, nhiều như số hạt bụi mười bất khả thuyết trăm ngàn ức Na do tha cõi Phật, đều có các Bồ Tát, nhiều như số hạt bụi mười bất khả thuyết trăm ngàn ức Na do tha cõi Phật, đều đến chỗ nầy, đầy khắp mười phương tất cả pháp giới.
      Thị hiện Bồ Tát trang nghiêm rộng lớn. Phóng lưới đại quang minh. Chấn động tất cả mười phương thế giới. Phá tan tất cả các cung điện ma. Tiêu diệt tất cả khổ các đường ác. Hiển hiện tất cả oai đức của Như Lai. Ca ngâm khen ngợi pháp vô lượng công đức khác biệt của Như Lai. Khắp mưa xuống tất cả các thứ mưa. Thị hiện vô lượng thân khác nhau. Lãnh thọ vô lượng các Phật pháp.
      Nhờ thần lực của Phật, đều nói như vầy: Lành thay Phật tử! Ngài có thể nói pháp không thể hoại của Như Lai nầy.
      Phật tử! Chúng tôi tất cả đều danh hiệu là Phổ Hiền. Đều từ thế giới Phổ Quang Minh, chỗ Như Lai Phổ Tràng Tự Tại, mà đến nơi nầy. Tất cả những nơi đó, cũng đều nói pháp nầy. Cũng câu văn như vậy, nghĩa lý như vậy, tuyên nói như vậy, quyết định như vậy, đều giống như ở đây, chẳng thêm, chẳng bớt. Chúng tôi đều nhờ thần lực của Phật, nhờ đắc được pháp Như Lai, mà đến chỗ nầy, để chứng minh cho Ngài. Mười phương hư không khắp pháp giới, tất cả thế giới các bốn thiên hạ, cũng đều như vậy.
      Bấy giờ, Bồ Tát Phổ Hiền nương thần lực của Phật, quán sát tất cả Bồ Tát đại chúng. Muốn thuật rõ lại oai đức rộng lớn của Như Lai xuất hiện. Chánh pháp không thể trở ngại phá hoại của Như Lai. Vô lượng căn lành thảy đều chẳng luống qua. Chư Phật ra đời đều đầy đủ tất cả pháp tối thắng. Khéo quán sát tâm các chúng sinh. Tuỳ thời thuyết pháp, chưa từng lỗi thời. Sinh ra vô lượng pháp quang của các Bồ Tát. Tất cả chư Phật tự tại trang nghiêm. Tất cả Như Lai một thân không khác, từ đại hạnh thuở xưa sinh ra, mà nói kệ rằng:   
      Tất cả những gì Như Lai làm
      Ví dụ thế gian không bằng được
      Vì khiến chúng sinh được ngộ hiểu
      Chẳng dụ mà dụ để hiển bày.
      Pháp vi mật thâm sâu như vậy
      Trăm ngàn vạn kiếp khó nghe được
      Người tinh tấn trí huệ điều phục
      Mới nghe được nghĩa thâm mật nầy.
       Nếu nghe pháp nầy sinh vui mừng
       Họ từng cúng dường vô lượng Phật
      Được Phật gia trì và nhiếp thọ
        Trời người khen ngợi thường cúng dường.
      Đây là thế gian đệ nhất tài
      Đây hay cứu độ các quần sinh
      Đây hay sinh ra đạo thanh tịnh
      Các Ngài nên trì đừng phóng dật.
 
KINH HOA NGHIÊM
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT
 
QUYỂN NĂM MƯƠI BA
 
PHẨM LÌA THẾ GIAN
THỨ BA MƯƠI TÁM
 
      Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở tại nước Ma Kiệt Đề, trong A Lan Nhã Pháp Bồ Đề Tràng, Điện Phổ Quang Minh, ngồi trên toà sư tử Liên Hoa Tạng.
      Diệu ngộ đều tròn đầy, hai hạnh dứt hẳn, đạt được pháp vô tướng. Trụ chỗ trụ của Phật, đắc được bình đẳng của Phật. Đến được nơi vô ngại, pháp không thể chuyển, sở hành vô ngại. Lập không nghĩ bàn, thấy khắp ba đời, thân luôn đầy khắp tất cả cõi nước. Trí luôn sáng suốt thông đạt tất cả các pháp, thấu rõ tất cả hạnh, hết tất cả nghi hoặc, thân không thể dò được. Trí đồng với chỗ cầu của tất cả Bồ Tát, đến được bờ bên kia rốt ráo không hai của Phật. Đầy đủ giải thoát bình đẳng của Như Lai, chứng được bậc bình đẳng của Phật không hai bên, tận pháp giới, đồng cõi hư không.
      Cùng với các đại Bồ Tát nhiều như số hạt bụi bất khả thuyết trăm ngàn ức Na do tha cõi Phật tụ lại, đều còn một đời nữa sẽ chứng được A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Các vị Bồ Tát đó, đều từ đủ thứ cõi nước phương khác, cùng đến tụ tập, đều đầy đủ trí huệ phương tiện của Bồ Tát.
      Đó là: Khéo hay quán sát tất cả chúng sinh, dùng sức phương tiện, khiến cho họ điều phục, trụ pháp Bồ Tát. Khéo hay quán sát tất cả thế giới, dùng sức phương tiện, đều đi đến khắp. Khéo hay quán sát cảnh giới Niết Bàn, tư duy suy lường, lìa hẳn tất cả hí luận phân biệt, mà tu diệu hạnh, không có gián đoạn. Khéo hay nhiếp thọ tất cả chúng sinh. Khéo vào vô lượng các pháp phương tiện. Biết các chúng sinh không chẳng chỗ có, mà chẳng hoại nghiệp quả. Khéo biết tâm sử thiện căn, cảnh giới phương tiện, đủ thứ khác biệt của chúng sinh. Đều thọ trì được Phật pháp ba đời, tự được giải thoát, lại vì người khác nói. Nơi thế gian, xuất thế gian, vô lượng các pháp, đều khéo an trụ, biết rõ chân thật. Nơi tất cả các pháp hữu vi, vô vi, đều khéo quán sát, biết chẳng có hai.
      Ở trong một niệm, đều đắc được hết thảy trí huệ của chư Phật ba đời. Ở trong niệm niệm, đều thị hiện thành Đẳng Chánh Giác, khiến cho tất cả chúng sinh phát tâm thành đạo. Chỗ tâm phan duyên của tất cả chúng sinh, đều biết cảnh giới của tất cả chúng sinh. Tuy vào bậc nhất thiết trí của Như Lai, mà chẳng xả bỏ hạnh Bồ Tát. Các chỗ tạo nghiệp, trí huệ phương tiện mà không chỗ làm. Vì mỗi mỗi chúng sinh, trụ vô lượng kiếp, mà ở trong A tăng kỳ kiếp khó gặp được. Chuyển bánh xe pháp, điều phục chúng sinh, đều không luống qua. Hạnh nguyện thanh tịnh của chư Phật ba đời, đều đã đầy đủ, thành tựu vô lượng công đức như vậy, dù tất cả Như Lai ở trong vô biên kiếp, cũng không thể nói hết được.
      Danh hiệu của các Ngài là: Bồ Tát Phổ Hiền. Bồ Tát Phổ Nhãn. Bồ Tát Phổ Hoá. Bồ Tát Phổ Huệ. Bồ Tát Phổ Kiến. Bồ Tát Phổ Quang. Bồ Tát Phổ Quán. Bồ Tát Phổ Chiếu. Bồ Tát Phổ Tràng. Bồ Tát Phổ Giác.
      Có các Bồ Tát nhiều như số hạt bụi mười bất khả thuyết trăm ngàn ức Na do tha cõi Phật như vậy, đều đã thành tựu hạnh nguyện Phổ Hiền, thâm tâm đại nguyện đều đã viên mãn.
      Chỗ tất cả chư Phật xuất hiện ra đời, thảy đều đi đến, thỉnh chuyển bánh xe pháp. Khéo hay thọ trì pháp nhãn của chư Phật, chẳng dứt giống tánh của tất cả chư Phật. Khéo biết tất cả chư Phật ra đời, thọ ký thứ tự, danh hiệu cõi nước, thành Đẳng Chánh Giác, chuyển bánh xe pháp. Thế giới không có Phật, thì hiện thân thành Phật. Hay khiến cho tất cả chúng sinh tạp nhiễm, đều được thanh tịnh. Diệt được nghiệp chướng của tất cả Bồ Tát, vào pháp giới thanh tịnh vô ngại.
      Bấy giờ, đại Bồ Tát Phổ Hiền, vào tam muội rộng lớn, tên là Phật hoa trang nghiêm.
      Khi vào tam muội đó, thì mười phương hết thảy tất cả thế giới, đều có sáu thứ mười tám tướng chấn động, vang ra âm thanh lớn, chẳng có chỗ nào mà không nghe. Sau đó, từ trong tam muội đó mà xuất định.
      Bấy giờ, Bồ Tát Phổ Huệ biết đại chúng đã vân tập, bèn hỏi Bồ Tát Phổ Hiền rằng: Phật tử! Xin hãy diễn nói.
      Thế nào là chỗ nương tựa của đại Bồ Tát[3]? Thế nào là nghĩ kỳ đặc? Thế nào là hạnh? Thế nào là thiện tri thức? Thế nào là siêng tinh tấn? Thế nào là tâm được an ổn? Thế nào là thành tựu chúng sinh? Thế nào là giới? Thế nào là tự biết thọ ký? Thế nào là vào Bồ Tát? Thế nào là vào Như Lai? Thế nào là vào tâm hạnh chúng sinh? Thế nào là vào thế giới? Thế nào là vào kiếp? Thế nào là nói ba đời? Thế nào là biết ba đời? Thế nào là phát tâm không nhàm mỏi? Thế nào là trí khác biệt? Thế nào là Đà la ni? Thế nào là diễn nói Phật ?
 
      Thế nào là phát tâm của Phổ Hiền[4]? Thế nào hạnh pháp của Phổ Hiền? Tại vì sao mà khởi đại bi? Thế nào là nhân duyên phát bồ đề tâm ? Thế nào khởi tâm tôn trọng đối với thiện tri thức? Thế nào là thanh tịnh ? Thế nào là các Ba La Mật ? Thế nào là trí tuỳ giác ? Thế nào là chứng biết ? Thế nào là lực ? Thế nào là bình đẳng ? Thế nào là câu thật nghĩa của Phật pháp ? Thế nào là thuyết pháp ? Thế nào là trì ? Thế nào là biện tài ? Thế nào là tự tại ? Thế nào là tánh không chấp trước ? Thế nào là tâm bình đẳng ? Thế nào là sinh ra trí huệ ? Thế nào là biến hoá ?
 
      Thế nào là lực trì[5] ? Thế nào là được vui mừng lớn ? Thế nào là vào sâu Phật pháp ? Thế nào là y chỉ ? Thế nào là phát tâm không sợ hãi ? Thế nào là phát tâm không nghi hoặc ? Thế nào là không nghĩ bàn ? Thế nào là lời khéo léo bí mật ? Thế nào là trí khéo phân biệt ? Thế nào là vào tam muội ? Thế nào là vào khắp ? Thế nào là môn giải thoát ? Thế nào là thần thông ? Thế nào là minh ? Thế nào là giải thoát ? Thế nào là vườn rừng ? Thế nào là cung điện ? Thế nào là sự ưa thích ? Thế nào là trang nghiêm ? Thế nào là phát tâm bất động ? Thế nào là không bỏ tâm sâu lớn ? Thế nào là quán sát ? Thế nào là thuyết pháp ? Thế nào là thanh tịnh ? Thế nào là ấn ? Thế nào là trí quang minh ? Thế nào là vô đẳng trụ ? Thế nào là tâm không hạ liệt ? Thế nào là tâm tăng thượng như núi ? Thế nào là vào trí vô thượng bồ đề như biển ?
      Thế nào là trụ như thật[6] ? Thế nào là phát tâm thệ nguyện đại thừa như kim cang ? Thế nào là đại phát khởi ? Thế nào là đại sự rốt ráo ? Thế nào là tin bất hoại ? Thế nào là thọ ký ? Thế nào là hồi hướng căn lành ? Thế nào là được trí huệ ? Thế nào là phát tâm rộng lớn vô biên ? Thế nào là phục tạng ? Thế nào là luật nghi ? Thế nào là tự tại ? Thế nào dụng vô ngại ? Thế nào là chúng sinh dụng vô ngại ? Thế nào là cõi nước dụng vô ngại ? Thế nào là pháp dụng vô ngại ? Thế nào là thân dụng vô ngại ? Thế nào là nguyện dụng vô ngại ? Thế nào là cảnh giới dụng vô ngại ? Thế nào là trí dụng vô ngại ? Thế nào là thần thông dụng vô ngại ? Thế nào là thần lực dụng vô ngại ? Thế nào là lực dụng vô ngại ? Thế nào là du hí ? Thế nào là cảnh giới ? Thế nào là lực ? Thế nào là không sợ hãi ? Thế nào là pháp bất cộng ? Thế nào là nghiệp ? Thế nào là thân ?
 
      Thế nào là thân nghiệp[7] ? Thế nào là thân ? Thế nào là lời ? Thế nào là tịnh tụ lời nghiệp? Thế nào là được giữ gìn ? Thế nào là thành biện việc lớn ? Thế nào là tâm ? Thế nào là phát tâm ? Thế nào là tâm khắp cùng ? Thế nào là các căn ? Thế nào là tâm thâm sâu ? Thế nào là tâm thâm sâu tăng thượng ? Thế nào là siêng tu ? Thế nào là quyết định giải ? Thế nào là quyết định giải vào thế giới ? Thế nào là quyết định giải vào cõi chúng sinh ? Thế nào là tập khí ? Thế nào là giữ lấy ? Thế nào là tu ? Thế nào là thành tựu Phật pháp ? Thế nào là thối thất đạo Phật pháp ? Thế nào là đạo lìa sinh ? Thế nào là pháp quyết định ? Thế nào là đạo sinh ra Phật pháp ? Thế nào là danh hiệu đại trượng phu ? Thế nào là đạo ? Thế nào là vô lượng đạo ? Thế nào là trợ đạo ? Thế nào là tu đạo ? Thế nào là trang nghiêm đạo ? Thế nào là chân ? Thế nào là tay ? Thế nào là bụng ? Thế nào là tạng ? Thế nào là tim ? Thế nào là mặc giáp ? Thế nào là khí trượng ? Thế nào là đầu ? Thế nào mắt ? Thế nào là tai ? Thế nào là mũi ? Thế nào là lưỡi ? Thế nào là thân ? Thế nào là ý ? Thế nào là đi ? Thế nào là đứng ? Thế nào là ngồi ? Thế nào là nằm ? Thế nào là chỗ ở ? Thế nào là chỗ đi ?
 
      Thế nào là quán sát[8] ? Thế nào là quán sát khắp ? Thế nào là phấn tấn ? Thế nào là sư tử hống ? Thế nào là thí thanh tịnh ? Thế nào là giới thanh tịnh ? Thế nào là nhẫn thanh tịnh ? Thế nào là tinh tấn thanh tịnh ? Thế nào là định thanh tịnh ? Thế nào là huệ thanh tịnh ? Thế nào là từ thanh tịnh ? Thế nào là bi thanh tịnh ? Thế nào là hỉ thanh tịnh ? Thế nào là xả thanh tịnh ? Thế nào là nghĩa ? Thế nào là pháp ? Thế nào là đủ phước đức trợ đạo ? Thế nào là đủ trí huệ trợ đạo ? Thế nào là minh túc ? Thế nào là cầu pháp ? Thế nào là thấu rõ pháp ? Thế nào là pháp tu hành ? Thế nào là ma ? Thế nào là ma nghiệp ? Thế nào là xả lìa ma nghiệp ? Thế nào là thấy Phật ? Thế nào là Phật nghiệp ? Thế nào là mạn nghiệp ? Thế nào là trí nghiệp ? Thế nào là chỗ ma nhiếp trì ? Thế nào là chỗ Phật nhiếp trì ? Thế nào là chỗ pháp nhiếp trì ?
 
      Thế nào là nghiệp làm ở trời Đâu Suất[9] ? Thế nào là cung trời Đâu Suất mất đi ? Thế nào là hiện ở thai ? Thế nào là cõi vi tế ? Thế nào là hiện sơ sinh ? Thế nào là mỉm cười ? Thế nào là thị hiện đi bảy bước ? Thế nào là hiện đồng tử ? Thế nào là hiện nơi nội cung ? Thế nào là hiện xuất gia ? Thế nào là thị hiện khổ hạnh ? Thế nào là đi đến đạo tràng ? Thế nào là ngồi đạo tràng ? Thế nào là ngồi đạo tràng thì hiện tướng kỳ đặc ? Thế nào là thị hiện hàng ma ? Thế nào là thành tựu lực của Như Lai ? Thế nào là chuyển bánh xe pháp ? Thế nào là do chuyển bánh xe pháp được pháp trắng tịnh ? Thế nào là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thị hiện vào Niết Bàn ?
      Lành thay Phật tử ! Những pháp như vậy, xin hãy diễn nói.
 
      Bấy giờ[10], Bồ Tát Phổ Hiền bảo Bồ Tát Phổ Huệ và các Bồ Tát rằng : Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ nương tựa. Những gì là mười ?
      Đó là : Dùng bồ đề tâm để nương tựa, vì luôn chẳng quên mất. Dùng thiện tri thức để nương tựa, vì hoà hợp như một. Dùng căn lành để nương tựa, vì tu tập tăng trưởng. Dùng Ba La Mật để nương tựa, vì tu hành đầy đủ. Dùng tất cả pháp để nương tựa, vì rốt ráo thoát khỏi. Dùng đại nguyện để nương tựa, vì tăng trưởng bồ đề. Dùng các hạnh để nương tựa, vì khắp đều thành tựu. Dùng tất cả Bồ Tát để nương tựa, vì đồng một trí huệ. Dùng cúng dường chư Phật để nương tựa, vì tín tâm thanh tịnh. Dùng tất cả Như Lai để nương tựa, vì như cha lành dạy bảo không dứt. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ được nơi nương tựa vô thượng đại trí của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ nghĩ tưởng kỳ đặc. Những gì là mười ?
      Đó là : Nơi tất cả căn lành, sinh nghĩ tưởng căn lành của mình. Nơi tất cả căn lành, nghĩ tưởng sinh hạt giống bồ đề. Nơi tất cả chúng sinh, nghĩ tưởng bồ đề khí. Nơi tất cả nguyện, sinh nghĩ tưởng nguyện của mình. Nơi tất cả pháp, sinh nghĩ tưởng thoát khỏi. Nơi tất cả hạnh, sinh nghĩ tưởng hạnh của mình. Nơi tất cả pháp, sinh nghĩ tưởng Phật pháp. Nơi tất cả lời nói, sinh nghĩ tưởng lời nói đạo. Nơi tất cả chư Phật, sinh nghĩ tưởng từ phụ. Nơi tất cả Như Lai, sinh nghĩ tưởng không hai. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, sẽ đắc được nghĩ tưởng vô thượng khéo léo.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ hạnh. Những gì là mười ?
      Đó là : Hạnh của tất cả chúng sinh, vì khắp khiến cho thành thục. Hạnh cầu tất cả pháp, vì thảy đều tu học. Hạnh tất cả căn lành, vì đều khiến cho tăng trưởng. Hạnh tất cả tam muội, vì nhất tâm bất loạn. Hạnh nhất thiết trí huệ, vì chẳng có gì mà không biết rõ. Hạnh tu tập tất cả, vì chẳng có gì mà không thể tu. Hạnh tất cả cõi Phật, vì thảy đều trang nghiêm. Hạnh tất cả bạn lành, vì cung kính cúng dường. Hạnh tất cả Như Lai, vì tôn trọng thừa sự. Hạnh tất cả thần thông, vì biến hoá tự tại. Đó là mười hạnh.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được hạnh đại trí huệ vô thượng của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười bậc thiện tri thức. Những gì là mười ?
      Đó là : Thiện tri thức khiến trụ bồ đề tâm. Thiện tri thức khiến sinh căn lành. Thiện tri thức khiến thực hành các Ba La Mật. Thiện tri thức khiến hiểu nói tất cả các pháp. Thiện tri thức khiến thành thục tất cả chúng sinh. Thiện tri thức khiến đắc được quyết định biện tài. Thiện tri thức khiến chẳng chấp trước tất cả thế gian. Thiện tri thức khiến nơi tất cả kiếp tu hành không nhàm mỏi. Thiện tri thức khiến an trụ hạnh Phổ Hiền. Thiện tri thức khiến vào trí huệ của tất cả chư Phật đã vào. Đó là mười.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ siêng tinh tấn. Những gì là mười ?
      Đó là : Siêng tinh tấn giáo hoá tất cả chúng sinh. Siêng tinh tấn vào sâu tất cả pháp. Siêng tinh tấn nghiêm tịnh tất cả thế giới. Siêng tinh tấn tu hành chỗ học của tất cả Bồ Tát. Siêng tinh tấn diệt trừ tất cả chúng sinh ác. Siêng tinh tấn dừng lại tất cả khổ ba đường ác. Siêng tinh tấn phá tan tất cả chúng ma. Siêng tinh tấn nguyện vì tất cả chúng sinh làm mắt thanh tịnh. Siêng tinh tấn cúng dường tất cả chư Phật. Siêng tinh tấn khiến cho tất cả Như Lai thảy đều hoan hỉ. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ được đầy đủ vô thượng tinh tấn Ba La Mật của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ tâm được an ổn. Những gì là mười ?
      Đó là : Tâm bồ đề tự tại, cũng khiến cho người khác trụ tâm bồ đề, tâm được an ổn.
      Mình rốt ráo lìa phẫn nộ đấu tranh, cũng khiến người khác lìa phẫn nộ đấu tranh, tâm được an ổn.
      Mình lìa pháp phàm ngu, cũng khiến người khác lìa pháp phàm ngu, tâm được an ổn.
      Mình siêng tu căn lành, cũng khiến người khác siêng tu căn lành, tâm được an ổn.
      Mình trụ đạo Ba La Mật, cũng khiến người khác trụ đạo Ba La Mật, tâm được an ổn.
      Mình trụ tại nhà của Phật, cũng khiến người khác trụ tại nhà của Phật, tâm được an ổn.
      Mình vào sâu pháp chân thật không tự tánh, cũng khiến người khác vào sâu pháp chân thật không tự tánh, tâm được an ổn.
      Mình chẳng phỉ báng tất cả Phật pháp, cũng khiến người khác chẳng phỉ báng Phật pháp, tâm được an ổn.
      Mình tròn đầy nhất thiết trí bồ đề nguyện, cũng khiến người khác tròn đầy nhất thiết trí bồ đề nguyện, tâm được an ổn.
      Mình vào sâu vô tận trí tạng của tất cả Như Lai, cũng khiến người khác vào sâu vô tận trí tạng của tất cả Như Lai, tâm được an ổn. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được vô thượng đại trí an ổn của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười cách thành tựu chúng sinh. Những gì là mười ?
      Đó là : Dùng sự bố thí, để thành tựu chúng sinh. Dùng sắc thân, để thành tựu chúng sinh. Dùng thuyết pháp, để thành tựu chúng sinh. Dùng sự đồng hành, để thành tựu chúng sinh. Dùng không nhiễm trước, để thành tựu chúng sinh. Dùng sự khai thị Bồ Tát hạnh, để thành tựu chúng sinh. Dùng sự thị hiện tất cả thế giới rõ ràng, để thành tựu chúng sinh. Dùng sự thị hiện đại oai đức của Phật pháp, để thành tựu chúng sinh. Dùng đủ thứ thần thông biến hiện, để thành tựu chúng sinh. Dùng đủ thứ phương tiện thiện xảo vi diệu bí mật, để thành tựu chúng sinh. Đó là mười. Bồ Tát dùng những cách nầy để thành tựu cõi chúng sinh.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười loại giới. Những gì là mười ?
      Đó là : Giới chẳng xả bỏ bồ đề tâm. Giới xa lìa bậc nhị thừa. Giới quán sát lợi ích tất cả chúng sinh. Giới khiến cho tất cả chúng sinh trụ vào Phật pháp. Giới tu tất cả chỗ học của Bồ Tát. Giới đối với tất cả pháp vô sở đắc. Giới đem tất cả căn lành hồi hướng bồ đề. Giới chẳng chấp vào tất cả thân Như Lai. Giới tư duy tất cả pháp lìa chấp lấy. Giới các căn luật nghi. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được giới Ba La Mật vô thượng rộng lớn của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười pháp thọ ký. Bồ Tát nhờ đó mà tự biết thọ ký. Những gì là mười ?
      Đó là : Dùng ý thù thắng phát bồ đề tâm tự biết thọ ký. Vĩnh viễn không nhàm bỏ các hạnh Bồ Tát tự biết thọ ký. Trụ tất cả kiếp hành Bồ Tát hạnh tự biết thọ ký. Tu tất cả Phật pháp tự biết thọ ký. Nơi tất cả Phật giáo một lòng hướng về niềm tin sâu xa tự biết thọ ký. Tu tất cả căn lành đều khiến thành tựu tự biết thọ ký. Để tất cả chúng sinh nơi Phật bồ đề tự biết thọ ký. Nơi tất cả thiện tri thức hoà hợp không hai tự biết thọ ký. Nơi tất cả thiện tri thức khởi nghĩ tưởng Như Lai tự biết thọ ký. Luôn siêng giữ gìn bồ đề nguyện xưa tự biết thọ ký. Đó là mười.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười sự vào, vào các Bồ Tát. Những gì là mười ?
      Đó là : Vào nguyện xưa. Vào hạnh. Vào tụ. Vào các Ba La Mật. Vào thành tựu. Vào nguyện khác biệt. Vào đủ thứ sự hiểu biết. Vào cõi Phật trang nghiêm. Vào thần lực tự tại. Vào thị hiện thọ sinh. Đó là mười. Bồ Tát nhờ vậy mà vào khắp tất cả Bồ Tát ba đời.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười sự vào, vào các Như Lai. Những gì là mười ?
      Đó là : Vào vô biên thành Chánh Giác. Vào vô biên chuyển bánh xe pháp. Vào vô biên pháp phương tiện. Vào vô biên âm thanh khác biệt. Vào vô biên điều phục chúng sinh. Vào vô biên thần lực tự tại. Vào vô biên đủ thứ thân khác biệt. Vào vô biên tam muội. Vào vô biên lực vô sở uý. Vào vô biên thị hiện Niết Bàn. Đó là mười. Bồ Tát nhờ đó mà vào khắp tất cả Như Lai ba đời.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười sự vào hạnh chúng sinh. Những gì là mười ?
      Đó là : Vào hạnh quá khứ của tất cả chúng sinh. Vào hạnh vị lai của tất cả chúng sinh. Vào hạnh hiện tại của tất cả chúng sinh. Vào hạnh lành của tất cả chúng sinh. Vào hạnh chẳng lành của tất cả chúng sinh. Vào tâm hạnh của tất cả chúng sinh. Vào căn hạnh của tất cả chúng sinh. Vào hạnh giải của tất cả chúng sinh. Vào hạnh phiền não tập khí của tất cả chúng sinh. Vào hạnh giáo hoá điều phục thời phi thời của tất cả chúng sinh. Đó là mười. Bồ Tát nhờ đó mà vào khắp tất cả hạnh của các chúng sinh.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười sự vào thế giới. Những gì là mười ?
      Đó là : Vào thế giới nhiễm. Vào thế giới tịnh. Vào thế giới nhỏ. Vào thế giới lớn. Vào thế giới trong hạt bụi. Vào thế giới vi tế. Vào thế giới úp. Vào thế giới ngửa. Vào thế giới có Phật. Vào thế giới không có Phật. Đó là mười. Bồ Tát nhờ đó mà vào khắp mười phương tất cả thế giới.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười sự vào kiếp. Những gì là mười ?
      Đó là : Vào kiếp quá khứ. Vào kiếp vị lai. Vào kiếp hiện tại. Vào kiếp có thể đếm. Vào kiếp không thể đếm. Vào kiếp có thể đếm tức kiếp không thể đếm. Vào kiếp không thể đếm tức kiếp có thể đếm. Vào tất cả kiếp tức chẳng phải kiếp. Vào chẳng phải kiếp tức tất cả kiếp. Vào tất cả kiếp tức một niệm. Đó là mười. Bồ Tát nhờ đó mà vào khắp tất cả kiếp.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười pháp nói ba đời. Những gì là mười ?
      Đó là : Đời quá khứ nói đời quá khứ. Đời quá khứ nói đời vị lai. Đời quá khứ nói đời hiện tại. Đời vị lai nói đời quá khứ. Đời vị lai nói đời hiện tại. Đời vị lai nói vô tận. Đời hiện tại nói đời quá khứ. Đời hiện tại nói đời vị lai. Đời hiện tại nói bình đẳng. Đời hiện tại nói ba đời tức một niệm. Đó là mười. Bồ Tát nhờ đó mà nói khắp ba đời.
      Phật tử! Đại Bồ Tát có mười pháp biết ba đời. Những gì là mười ?
      Đó là : Biết các an lập. Biết các ngôn ngữ. Biết các luận nghị. Biết các quỹ tắc. Biết các xưng tán. Biết chế lịnh. Biết kia giả danh. Biết kia vô tận. Biết kia tịch diệt. Biết tất cả không. Đó là mười. Bồ Tát nhờ đó mà biết khắp tất cả các pháp ba đời.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát phát mười thứ tâm không nhàm mỏi. Những gì là mười ?
      Đó là : Cúng dường tất cả chư Phật tâm không nhàm mỏi. Gần gũi tất cả thiện tri thức tâm không nhàm mỏi. Cầu tất cả pháp tâm không nhàm mỏi. Lắng nghe chánh pháp tâm không nhàm mỏi. Tuyên nói chánh pháp tâm không nhàm mỏi. Giáo hoá điều phục tất cả chúng sinh tâm không nhàm mỏi. Đặc để chúng sinh nơi Phật bồ đề, tâm không nhàm mỏi. Nơi mỗi thế giới, trải qua bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp, hành Bồ Tát hạnh, tâm không nhàm mỏi. Du hành tất cả thế giới tâm không nhàm mỏi. Quán sát tư duy tất cả Phật pháp tâm không nhàm mỏi. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được đại trí vô thượng không nhàm mỏi của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ trí khác biệt. Những gì là mười ?
      Đó là : Trí khác biệt biết chúng sinh. Trí khác biệt biết các căn. Trí khác biệt biết nghiệp báo. Trí khác biệt biết thọ sanh. Trí khác biệt biết thế giới. Trí khác biệt biết pháp giới. Trí khác biệt biết chư Phật. Trí khác biệt biết các pháp. Trí khác biệt biết ba đời. Trí khác biệt biết tất cả ngôn ngữ. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được trí khác biệt rộng lớn vô thượng của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười pháp Đà la ni. Những gì là mười ?
      Đó là : Văn trì đà la ni, vì trì tất cả pháp không quên mất. Tu hành đà la ni, vì khéo quán tất cả pháp như thật. Tư duy đà la ni, vì biết rõ tánh của tất cả các pháp. Pháp quang minh đà la ni, vì chiếu các Phật pháp không nghĩ bàn. Tam muội đà la ni, vì khắp tất cả chỗ Phật hiện tại, lắng nghe chánh pháp tâm không loạn. Viên âm đà la ni, vì hiểu rõ âm thanh ngôn ngữ không nghĩ bàn. Ba đời đà la ni, vì diễn nói các Phật pháp ba đời không nghĩ bàn. Đủ thứ biện tài đà la ni, vì diễn nói vô biên các Phật pháp. Sinh ra tai vô ngại đà la ni, vì bất khả thuyết pháp của Phật nói đều nghe được. Tất cả Phật pháp đà la ni, vì an trụ lực vô sở uý của Như Lai. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát muốn được pháp nầy, thì phải siêng tu học.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát nói mười thứ Phật. Những gì là mười ? Đó là : Phật thành Chánh Giác. Phật nguyện. Phật nghiệp báo. Phật trụ trì. Phật Niết Bàn. Phật pháp giới. Phật tâm. Phật tam muội. Phật bổn tánh. Phật tuỳ lạc. Đó là mười.
 
      Phật tử[11] ! Đại Bồ Tát phát mười thứ tâm Phổ Hiền. Những gì là mười ?
      Đó là : Phát tâm đại từ, vì cứu hộ tất cả chúng sinh.
      Phát tâm đại bi, vì thế tất cả chúng sinh chịu khổ.
      Phát tâm thí tất cả, vì đều xả bỏ hết thảy.
      Phát tâm nhớ nhất thiết trí làm đầu, vì thích cầu tất cả Phật pháp.
      Phát tâm công đức trang nghiêm, vì học tất cả Bồ Tát hạnh.
      Phát tâm như kim cang, vì tất cả nơi thọ sinh không quên mất.
      Phát tâm như biển, vì tất cá pháp trắng tịnh đều chảy vào.
      Phát tâm như núi chúa lớn, vì tất cả lời ác đều nhẫn thọ.
      Phát tâm an ổn, vì bố thí cho tất cả chúng sinh không sợ hãi.
      Phát tâm Bát Nhã Ba La Mật rốt ráo, vì khéo quán sát tất cả pháp không chỗ có. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sớm được thành tựu trí Phổ Hiền khéo léo.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười pháp hạnh Phổ Hiền. Những gì là mười ?
      Đó là : Nguyện trụ pháp hạnh Phổ Hiền tất cả kiếp vị lai.
      Nguyện cúng dường cung kính tất cả chư Phật vị lai pháp hạnh Phổ Hiền.
      Nguyện đặc để tất cả chúng sinh nơi hạnh Bồ Tát Phổ Hiền pháp hạnh Phổ Hiền.
      Nguyện tích tập tất cả căn lành pháp hạnh Phổ Hiền.
      Nguyện vào tất cả Ba La Mật pháp hạnh Phổ Hiền.
      Nguyện đầy đủ tất cả Bồ Tát hạnh pháp hạnh Phổ Hiền.
      Nguyện trang nghiêm tất cả thế giới pháp hạnh Phổ Hiền.
      Nguyện sinh tất cả cõi Phật pháp hạnh Phổ Hiền.
      Nguyện khéo quán sát tất cả pháp pháp hạnh Phổ Hiền.
      Nguyện nơi tất cả cõi nước Phật thành vô thượng bồ đề pháp hạnh Phổ Hiền. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát siêng tu pháp nầy, thì sớm sẽ được đầy đủ hạnh nguyện Phổ Hiền.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát dùng mười pháp quán chúng sinh mà khởi đại bi. Những gì là mười ?
      Đó là : Quán sát chúng sinh không chỗ nương tựa mà khởi đại bi.
      Quán sát chúng sinh tánh không điều thuận mà khởi đại bi.
      Quán sát chúng sinh bần cùng không có căn lành mà khởi đại bi.
      Quán sát chúng sinh ngủ mãi đêm dài mà khởi đại bi.
      Quán sát chúng sinh hành pháp bất thiện mà khởi đại bi.
      Quán sát chúng sinh bị dục trói buộc mà khởi đại bi.
      Quán sát chúng sinh chìm đắm trong biển sinh tử mà khởi đại bi.
      Quán sát chúng sinh mãi mang bệnh khổ mà khởi đại bi.
      Quán sát chúng sinh không muốn pháp lành mà khởi đại bi.
      Quán sát chúng sinh mất các Phật pháp mà khởi đại bi. Đó là mười. Bồ Tát luôn dùng tâm nầy để quán sát chúng sinh.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười nhân duyên phát bồ đề tâm. Những gì là mười ?
      Đó là : Vì giáo hoá điều phục tất cả chúng sinh, mà phát bồ đề tâm.
      Vì trừ diệt các khổ của tất cả chúng sinh, mà phát bồ đề tâm.
      Vì ban cho tất cả chúng sinh đầy đủ an lạc, mà phát bồ đề tâm.
      Vì đoạn trừ ngu si của tất cả chúng sinh, mà phát bồ đề tâm.
      Vì ban cho tất cả chúng sinh Phật trí, mà phát bồ đề tâm.
      Vì cung kính cúng dường tất cả chư Phật, mà phát bồ đề tâm.
      Vì tuỳ thuận giáo pháp của Như Lai, khiến Phật hoan hỉ, mà phát bồ đề tâm.
      Vì thấy tất cả chư Phật sắc thân tướng tốt, mà phát bồ đề tâm.
      Vì vào trí huệ rộng lớn của tất cả chư Phật, mà phát bồ đề tâm.
      Vì hiển hiện lực vô sở uý của chư Phật, mà phát bồ đề tâm. Đó là mười.
      Phật tử ! Nếu Bồ Tát phát vô thượng bồ đề tâm, để ngộ vào trí Nhất thiết trí, khi gần gũi cúng dường thiện tri thức, nên khởi mười thứ tâm. Những gì là mười ?
      Đó là : Khởi tâm cung cấp hầu hạ, tâm hoan hỉ, tâm không trái, tâm tuỳ thuận, tâm không cầu gì khác, tâm một hướng, tâm đồng căn lành, tâm đồng nguyện, tâm Như Lai, tâm hạnh đồng viên mãn. Đó là mười.
        Phật tử ! Nếu đại Bồ Tát khởi tâm như vậy, thì sẽ được mười pháp thanh tịnh. Những gì là mười ?
      Đó là : Thâm tâm thanh tịnh, vì đến nơi rốt ráo. Sắc thân thanh tịnh, vì tuỳ theo sở nghi mà thị hiện. Âm thanh thanh tịnh, vì thấu đạt tất cả các ngôn ngữ. Biện tài thanh tịnh, vì khéo nói vô biên các Phật pháp. Trí huệ thanh tịnh, vì xả lìa tất cả ngu si đen tối. Thọ sinh thanh tịnh, vì đầy đủ lực tự tại của Bồ Tát. Quyến thuộc thanh tịnh, vì thành tựu chúng sinh đồng tu hành các căn lành trong quá khứ. Quả báo thanh tịnh, vì trừ diệt tất cả các nghiệp chướng. Đại nguyện thanh tịnh, vì với các Bồ Tát tánh không hai. Các hạnh thanh tịnh, vì nhờ thừa Phổ Hiền mà thoát khỏi. Đó là mười.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười Ba La Mật. Những gì là mười ?
      Đó là : Bố thí Ba La Mật, vì đều xả bỏ hết tất cả sở hữu. Giới Ba La Mật, vì thanh tịnh giới của Phật. Nhẫn Ba La Mật, vì trụ nhẫn của Phật. Tinh tấn Ba La Mật, vì làm tất cả những gì đều không thối chuyển. Thiền Ba La Mật, vì nhớ một cảnh. Bát Nhã Ba La Mật, vì quán sát tất cả các pháp như thật. Trí Ba La Mật, vì vào Phật lực. Nguyện Ba La Mật, vì đầy đủ các đại nguyện của Phổ Hiền. Thần thông Ba La Mật, vì thị hiện tất cả tự tại dụng. Pháp Ba La Mật, vì vào khắp tất cả các Phật pháp. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ được đầy đủ vô thượng đại trí Ba La Mật của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười trí tuỳ giác. Những gì là mười ?
      Đó là : Trí tuỳ giác tất cả thế giới vô lượng khác biệt. Trí tuỳ giác tất cả cõi chúng sinh không thể nghĩ bàn. Trí tuỳ giác tất cả các pháp, một vào đủ thứ, đủ thứ vào một. Trí tuỳ giác tất cả pháp giới rộng lớn. Trí tuỳ giác tất cả hư không giới rốt ráo. Trí tuỳ giác tất cả thế giới vào đời quá khứ. Trí tuỳ giác tất cả thế giới vào đời vị lai. Trí tuỳ giác tất cả thế giới vào đời hiện tại. Trí tuỳ giác tất cả Như Lai vô lượng hạnh nguyện, đều ở nơi một trí mà được viên mãn. Trí tuỳ giác ba đời chư Phật đều đồng một hạnh, mà được thoát khỏi. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì được tất cả pháp tự tại quang minh, sở nguyện đều viên mãn. Trong khoảng một niệm, đều hiểu rõ tất cả Phật pháp, thành Đẳng Chánh Giác.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười pháp chứng biết. Những gì là mười ?
      Đó là : Biết tất cả pháp là một tướng. Biết tất cả pháp là vô lượng tướng. Biết tất cả pháp trong một niệm. Biết tất cả tâm hạnh chúng sinh vô ngại. Biết tất cả chúng sinh các căn bình đẳng. Biết tất cả chúng sinh phiền não tập khí hành. Biết tất cả chúng sinh tâm sử hành. Biết tất cả chúng sinh hạnh lành, chẳng lành. Biết tất cả Bồ Tát tu hành tự tại trụ trì giáo hoá. Biết tất cả Như Lai đầy đủ mười lực thành Đẳng Chánh Giác. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ được tất cả pháp phương tiện khéo léo.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười lực. Những gì là mười ?
      Đó là : Lực vào tự tánh của tất cả các pháp. Lực vào tự tánh của tất cả các pháp như biến hoá. Lực vào tất cả pháp như huyễn. Lực vào tất cả pháp đều là Phật pháp. Lực nơi tất cả pháp không nhiễm trước. Lực nơi tất cả pháp hiểu rõ thâm sâu. Lực nơi tất cả thiện tri thức luôn không xả lìa tâm tôn trọng. Lực khiến cho tất cả căn lành thuận đến trí vương vô thượng. Lực đối với tất cả Phật pháp tin sâu không phỉ báng. Lực khiến cho nhất thiết trí tâm không thối sự khéo léo. Đó là mười.
      Nếu Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đầy đủ các lực vô thượng của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười sự bình đẳng. Những gì là mười ?
      Đó là : Đối với tất cả chúng sinh bình đẳng. Tất cả pháp bình đẳng. Tất cả cõi bình đẳng. Tất cả thâm tâm bình đẳng. Tất cả căn lành bình đẳng. Tất cả Bồ Tát bình đẳng. Tất cả nguyện bình đẳng. Tất cả Ba La Mật bình đẳng. Tất cả hạnh bình đẳng. Tất cả Phật bình đẳng. Đó là mười.
      Nếu Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ được pháp bình đẳng vô thượng của tất cả chư Phật.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười câu Phật pháp thật nghĩa. Những gì là mười ?
      Đó là : Tất cả pháp chỉ có danh. Tất cả pháp như huyễn. Tất cả pháp như hình bóng. Tất cả pháp chỉ là duyên khởi. Tất cả pháp nghiệp thanh tịnh. Tất cả pháp chỉ là văn tự sở tác. Tất cả pháp thật tế. Tất cả pháp vô tướng. Tất cả pháp đệ nhất nghĩa. Tất cả pháp pháp giới. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ khéo vào trí Nhất thiết trí vô thượng chân thật nghĩa.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát nói mười thứ pháp. Những gì là mười ?
      Đó là : Nói pháp thâm sâu. Nói pháp rộng lớn. Nói pháp các thứ. Nói pháp nhất thiết trí. Nói pháp tuỳ thuận Ba La Mật. Nói pháp sinh ra lực của Như Lai. Nói pháp ba đời liên tục. Nói pháp khiến cho Bồ Tát chẳng thối chuyển. Nói pháp khen ngợi công đức của Phật. Nói pháp tất cả Bồ Tát học sự bình đẳng của tất cả chư Phật, cảnh giới tương ưng của tất cả Như Lai. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ được pháp khéo nói vô thượng của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười pháp trì. Những gì là mười ?
      Đó là : Trì tích tập tất cả căn lành phước đức. Trì pháp của tất cả Như Lai nói. Trì tất cả ví dụ. Trì tất cả thú môn pháp lý. Trì tất cả môn xuất sinh đà la ni. Trì tất cả pháp trừ nghi hoặc. Trì pháp thành tựu tất cả Bồ Tát. Trì tất cả môn tam muội bình đẳng của Như Lai nói. Trì tất cả môn pháp chiếu sáng. Trì sức thần thông du hí của tất cả chư Phật. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ được sức trụ trì đại trí vô thượng của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ biện tài. Những gì là mười ?
      Đó là : Biện tài đối với tất cả pháp không phân biệt. Biện tài đối với tất cả pháp không chỗ làm. Biện tài đối với tất cả pháp không chấp trước. Biện tài đối với tất cả pháp thấu đạt đều là không. Biện tài đối với tất cả pháp không nghi hoặc và đen tối. Biện tài đối với tất cả pháp được Phật gia bị. Biện tài đối với tất cả pháp tự giác ngộ. Biện tài khéo léo đối với tất cả pháp câu văn khác biệt. Biện tài đối với tất cả pháp diễn nói đều chân thật. Biện tài tuỳ theo tâm của tất cả chúng sinh, khiến cho họ hoan hỉ. Đó là mười.
      Nếu Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ được biện tài khéo léo vi diệu vô thượng của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười pháp tự tại. Những gì là mười ?
      Đó là : Tự tại giáo hoá điều phục tất cả chúng sinh. Tự tại chiếu khắp tất cả các pháp. Tự tại tu tất cả hạnh căn lành. Tự tại trí huệ rộng lớn. Tự tại giới luật không chỗ nương. Tự tại tất cả căn lành hồi hướng bồ đề. Tự tại tinh tấn không thối chuyển. Tự tại trí huệ phá tan tất cả chúng ma. Tự tại tuỳ theo sự ưa thích khiến cho phát bồ đề tâm. Tự tại tuỳ sự ứng hoá hiện thành Chánh Giác. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ được đại trí tự tại vô thượng của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười pháp không chấp. Những gì là mười ?
      Đó là : Không chấp trước tất cả thế giới. Không chấp trước tất cả chúng sinh. Không chấp trước tất cả các pháp. Không chấp trước tất cả việc làm. Không chấp trước tất cả căn lành. Không chấp trước tất cả nơi thọ sinh. Không chấp trước tất cả các nguyện. Không chấp trước tất cả các hạnh. Không chấp trước tất cả Bồ Tát. Không chấp trước tất cả chư Phật. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sớm sẽ chuyển được tất cả các nghĩ tưởng, đắc được trí huệ thanh tịnh vô thượng.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười tâm bình đẳng. Những gì là mười ?
      Đó là : Tâm bình đẳng tích tập tất cả công đức. Tâm bình đẳng phát tất cả thệ nguyện khác biệt. Tâm bình đẳng đối với thân của tất cả chúng sinh. Tâm bình đẳng đối với nghiệp báo của tất cả chúng sinh. Tâm bình đẳng đối với tất cả pháp. Tâm bình đẳng đối với tất cả cõi nước dơ sạch. Tâm bình đẳng đối với sự hiểu biết của tất cả chúng sinh. Tâm bình đẳng đối với tất cả hạnh không phân biệt. Tâm bình đẳng đối với lực và vô uý của tất cả chư Phật. Tâm bình đẳng đối với trí huệ của tất cả Như Lai. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ được tâm đại bình đẳng vô thượng của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười pháp sinh ra trí huệ. Những gì là mười ?
      Đó là : Biết sự hiểu biết của tất cả chúng sinh, sinh ra trí huệ. Biết tất cả cõi Phật đủ thứ sự khác biệt, sinh ra trí huệ. Biết lưới mười phương phân đều, sinh ra trí huệ. Biết tất cả thế giới úp ngửa, sinh ra trí huệ. Biết tất cả pháp một tánh, tánh rộng lớn, sinh ra trí huệ. Biết tất cả các thứ thân, sinh ra trí huệ. Biết tất cả thế gian điên đảo vọng tưởng đều không chấp trước, sinh ra trí huệ. Biết tất cả pháp rốt ráo đều dùng một con đường thoát khỏi, sinh ra trí huệ. Biết thần lực Như Lai hay vào tất cả pháp giới, sinh ra trí huệ. Biết ba đời tất cả chúng sinh giống Phật chẳng dứt, sinh ra trí huệ. Đó là mười.
      Nếu Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì nơi các pháp thảy đều thấu đạt.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười pháp biến hoá. Những gì là mười ?
      Đó là : Tất cả chúng sinh biến hoá. Tất cả thân biến hoá. Tất cả cõi biến hoá. Tất cả cúng dường biến hoá. Tất cả âm thanh biến hoá. Tất cả hạnh nguyện biến hoá. Tất cả sự giáo hoá điều phục chúng sinh biến hoá. Tất cả thành Chánh Giác biến hoá. Tất cả thuyết pháp biến hoá. Tất cả sự gia trì biến hoá. Đó là mười.
      Nếu Bồ Tát an trụ pháp nầy thì, sẽ được đầy đủ tất cả pháp biến hoá vô thượng.
 
      Phật tử [12]! Đại Bồ Tát có mười lực trì. Những gì là mười ? Đó là : Phật lực trì. Pháp lực trì. Chúng sinh lực trì. Nghiệp lực trì. Hạnh lực trì. Nguyện lực trì. Cảnh giới lực trì. Thời lực trì. Thiện lực trì. Trí lực trì. Đó là mười.
      Nếu Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì nơi tất cả các pháp được lực trì tự tại vô thượng.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười pháp đại yên vui. Những gì là mười ?
      Đó là : Các Bồ Tát phát tâm như vầy : Hết thuở vị lai hết thảy chư Phật xuất hiện ra đời, tôi sẽ đều được theo hầu hạ chư Phật, khiến cho Phật hoan hỉ. Tư duy như vậy, tâm đại yên vui.
      Lại nghĩ như vầy : Các Như Lai đó xuất hiện ra đời, tôi sẽ đều dùng đồ cúng vô thượng cung kính cúng dường. Tư duy như vậy, tâm đại yên vui.
      Lại nghĩ như vầy : Tôi ở chỗ các đức Phật, khi cúng dường thì các Như Lai đó sẽ chỉ dạy pháp cho tôi. Tôi sẽ dùng tâm thâm sâu cung kính lắng nghe thọ trì, như lời Phật nói mà tu hành. Nơi bậc Bồ Tát, sẽ được đã sinh, hiện sinh, sẽ sinh. Tư duy như vậy, tâm đại yên vui.
      Lại nghĩ như vầy : Tôi sẽ ở nơi bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp, hành Bồ Tát hạnh. Thường được cùng tụ hội với tất cả chư Phật Bồ Tát, tư duy như vậy, tâm đại yên vui.
      Lại nghĩ như vầy : Khi tôi ở trong quá khứ chưa phát tâm đại bồ đề vô thượng, có những sợ hãi như là : Sợ chẳng sống lâu, sợ tiếng xấu, sợ chết, sợ đoạ vào đường ác, sợ oai đức của đại chúng. Một khi tự mình đã phát tâm, thì thảy đều xa lìa, chẳng còn sợ hãi nữa. Tất cả chúng ma và các ngoại đạo, không thể phá hoại được. Tư duy như vậy, tâm đại yên vui.
      Lại nghĩ như vầy : Tôi sẽ khiến cho tất cả chúng sinh thành tựu vô thượng bồ đề. Thành tựu bồ đề rồi, tôi sẽ ở chỗ vị Phật đó, tu Bồ Tát hạnh, suốt đời dùng đại tín tâm, dâng lên cúng Phật các phẩm vật cúng dường. Và sau khi Phật vào Niết Bàn rồi, đều xây vô lượng tháp cúng dường xá lợi, và thọ trì giữ gìn hết thảy pháp của Phật để lại. Tư duy như vậy, tâm đại yên vui.
      Lại nghĩ như vầy : Mười phương hết thảy tất cả thế giới, tôi sẽ dùng trang nghiêm vô thượng để trang nghiêm. Đều khiến cho đầy đủ các thứ kỳ diệu, bình đẳng thanh tịnh. Lại dùng các thứ đại thần thông lực, trụ trì chấn động, quang minh chiếu sáng khắp tất cả. Tư duy như vậy, tâm đại yên vui.
      Lại nghĩ như vầy : Tôi sẽ dứt trừ nghi hoặc của tất cả chúng sinh, làm thanh tịnh dục lạc của tất cả chúng sinh. Khai mở tâm ý của tất cả chúng sinh. Diệt phiền não của tất cả chúng sinh. Đóng cửa đường ác của tất cả chúng sinh. Khai mở cửa đường lành cho tất cả chúng sinh. Phá tan đen tối của tất cả chúng sinh. Ban ánh sáng cho tất cả chúng sinh, khiến cho tất cả chúng sinh lìa các ma nghiệp, khiến cho tất cả chúng sinh đến được nơi an ổn. Tư duy như vậy, tâm đại yên vui.
      Đại Bồ Tát lại nghĩ như vầy : Chư Phật Như Lai như hoa ưu đàm, rất khó gặp được. Trong vô lượng kiếp chưa từng gặp một lần. Trong đời vị lai, khi tôi muốn thấy Như Lai, thì sẽ được thấy. Chư Phật Như Lai thường không bỏ tôi, luôn ở chỗ tôi, khiến cho tôi được thấy, vì tôi mà nói pháp không dứt. Khi nghe pháp rồi, tâm ý thanh tịnh, xa lìa xiểm khúc, ngay thẳng không hư dối. Ở trong niệm niệm, thường thấy chư Phật. Tư duy như vậy, tâm đại yên vui.
      Lại nghĩ như vầy : Trong đời vị lai tôi sẽ được thành Phật. Dùng Phật thần lực, trong tất cả thế giới, vì tất cả chúng sinh, đều thị hiện thành Đẳng Chánh Giác. Thanh tịnh đại sư tử hống không sợ hãi. Dùng đại nguyện xưa, đi khắp pháp giới, đánh trống pháp lớn, mưa đại pháp vũ, làm đại pháp thí. Trong vô lượng kiếp, thường diễn nói chánh pháp. Đại bi giữ gìn thân miệng ý nghiệp, không có nhàm mỏi. Tư duy như vậy, tâm đại yên vui.
      Phật tử ! Đó là mười pháp đại yên vui của đại Bồ Tát. Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ được trí huệ đại yên vui thành Chánh Giác vô thượng.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười pháp vào sâu Phật pháp. Những gì là mười ?
      Đó là : Vào tất cả thế giới đời quá khứ. Vào tất cả thế giới đời vị lai. Vào vô số thế giới đời hiện tại, thế giới hành, thế giới thuyết, thế giới thanh tịnh. Vào tất cả thế giới đủ thứ tánh. Vào tất cả chúng sinh đủ thứ nghiệp báo. Vào tất cả Bồ Tát đủ thứ hạnh. Biết tất cả chư Phật thứ lớp quá khứ. Biết tất cả chư Phật thứ lớp vị lai. Biết mười phương hư không pháp giới, tất cả cõi nước chư Phật, chúng hội thuyết pháp điều phục hiện tại. Biết pháp thế gian, pháp Thanh Văn, pháp Độc Giác, pháp Bồ Tát, pháp Như Lai. Tuy biết các pháp đều không phân biệt, mà nói đủ thứ pháp đều vào pháp giới, mà không chỗ vào. Như theo pháp mà nói, chẳng có sự chấp trước. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ vào được tánh đại trí huệ thâm sâu A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười pháp y chỉ, Bồ Tát y chỉ để tu hành Bồ Tát hạnh. Những gì là mười ?
      Đó là : Y chỉ cúng dường tất cả chư Phật, để tu hành Bồ Tát hạnh. Y chỉ điều phục tất cả chúng sinh, để tu hành Bồ Tát hạnh. Y chỉ gần gũi tất cả bạn lành, để tu hành Bồ Tát hạnh. Y chỉ tích tập tất cả căn lành, để tu hành Bồ Tát hạnh. Y chỉ nghiêm tịnh tất cả cõi Phật, để tu hành Bồ Tát hạnh. Y chỉ chẳng xả bỏ tất cả chúng sinh, để tu hành Bồ Tát hạnh. Y chỉ vào sâu tất cả Ba La Mật, để tu hành Bồ Tát hạnh. Y chỉ đầy đủ tất cả Bồ Tát nguyện, để tu hành Bồ Tát hạnh. Y chỉ vô lượng bồ đề tâm, để tu hành Bồ Tát hạnh. Y chỉ tất cả Phật bồ đề, để tu hành Bồ Tát hạnh. Đó là mười pháp, Bồ Tát y chỉ để tu hành Bồ Tát hạnh.
        Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười pháp phát tâm không sợ hãi. Những gì là mười ?
      Đó là : Diệt trừ tất cả nghiệp chướng ngại, mà phát tâm không sợ hãi. Khi Phật diệt độ rồi hộ trì chánh pháp, mà phát tâm không sợ hãi. Hàng phục tất cả ma, mà phát tâm không sợ hãi. Chẳng tiếc thân mạng, mà phát tâm không sợ hãi. Phá tan tất cả ngoại đạo tà luận, mà phát tâm không sợ hãi. Khiến cho tất cả chúng sinh hoan hỉ, mà phát tâm không sợ hãi. Khiến cho tất cả chúng hội thảy đều hoan hỉ, mà phát tâm không sợ hãi. Điều phục tất cả trời, rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, mà phát tâm không sợ hãi. Lìa bậc nhị thừa, vào pháp thâm sâu, mà phát tâm không sợ hãi. Trong bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp, tu hành Bồ Tát hạnh, tâm không nhàm mỏi, mà phát tâm không sợ hãi. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được đại trí huệ vô thượng tâm không sợ hãi của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát phát mười thứ tâm không nghi hoặc. Đối với tất cả Phật pháp, tâm không nghi hoặc. Những gì là mười ?
      Đó là : Đại Bồ Tát phát tâm như vầy : Tôi sẽ dùng bố thí nhiếp thọ tất cả chúng sinh. Dùng giới nhẫn tinh tấn thiền định trí huệ từ bi hỉ xả nhiếp thọ tất cả chúng sinh. Khi phát tâm nầy, thì quyết định không nghi. Nếu sinh tâm nghi, thì không có lý. Đó là phát tâm không nghi thứ nhất.
      Đại Bồ Tát lại nghĩ như vầy : Vị lai chư Phật xuất hiện ra đời, tôi sẽ thừa sự cúng dường tất cả. Khi phát tâm nầy, thì quyết định không nghi. Nếu sinh tâm nghi, thì không có lý. Đó là phát tâm không nghi thứ hai.
      Đại Bồ Tát lại nghĩ như vầy : Tôi sẽ dùng đủ thứ lưới quang minh kỳ diệu, trang nghiêm khắp cùng tất cả thế giới. Khi phát tâm nầy, thì quyết định không nghi. Nếu sinh tâm nghi, thì không có lý. Đó là phát tâm không nghi thứ ba.
      Đại Bồ Tát lại nghĩ như vầy : Tôi sẽ tu Bồ Tát hạnh hết kiếp thuở vị lai. Vô số, vô lượng, vô biên, vô đẳng, bất khả số, bất khả xưng, bất khả tư, bất khả lượng, bất khả thuyết, bất khả thuyết bất khả thuyết, vượt qua các toán số, rốt ráo pháp giới hư không giới tất cả chúng sinh, tôi sẽ dùng pháp vô thượng để giáo hoá điều phục, khiến cho họ thành thục. Khi phát tâm nầy, thì quyết định không nghi. Nếu sinh tâm nghi, thì không có lý. Đó là phát tâm không nghi thứ tư.
      Đại Bồ Tát lại nghĩ như vầy : Tôi sẽ tu Bồ Tát hạnh, viên mãn đại thệ nguyện, đủ nhất thiết trí, an trụ ở trong đó. Khi phát tâm nầy, thì quyết định không nghi. Nếu sinh tâm nghi, thì không có lý. Đó là phát tâm không nghi thứ năm.
      Đại Bồ Tát lại nghĩ như vầy : Tôi sẽ khắp vì tất cả thế gian hành Bồ Tát hạnh. Vì tất cả pháp thanh tịnh quang minh, chiếu sáng hết thảy tất cả Phật pháp. Khi phát tâm nầy, thì quyết định không nghi. Nếu sinh tâm nghi, thì không có lý. Đó là phát tâm không nghi thứ sáu.
      Đại Bồ Tát lại nghĩ như vầy : Tôi sẽ biết tất cả pháp đều là Phật pháp. Tuỳ tâm chúng sinh, vì họ mà diễn nói, đều khiến cho họ khai ngộ. Khi phát tâm nầy, thì quyết định không nghi. Nếu sinh tâm nghi, thì không có lý. Đó là phát tâm không nghi thứ bảy.
      Đại Bồ Tát lại nghĩ như vầy : Tôi sẽ ở nơi tất cả pháp đắc được môn không chướng ngại. Vì biết tất cả chướng ngại là bất khả đắc. Tâm đó như vậy, không có nghi hoặc. Trụ tánh chân thật, cho đến thành tựu A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Khi phát tâm đó, thì quyết định không nghi. Nếu sinh tâm nghi, thì không có lý. Đó là phát tâm không nghi thứ tám.
      Đại Bồ Tát lại nghĩ như vầy : Tôi nên biết tất cả pháp đều là pháp xuất thế gian. Xa lìa tất cả vọng tưởng điên đảo. Dùng một trang nghiêm mà tự trang nghiêm, nhưng không có sự trang nghiêm. Nơi đây tự thấu rõ, không do người khác mà ngộ được. Khi phát tâm nầy, thì quyết định không nghi. Nếu sinh tâm nghi thì không có lý. Đó là phát tâm không nghi thứ chín.
      Đại Bồ Tát lại nghĩ như vầy : Tôi sẽ ở nơi tất cả pháp thành tối Chánh Giác, vì lìa tất cả vọng tưởng điên đảo, vì được trí một niệm tương ưng. Vì là một, hoặc là khác đều bất khả đắc, vì lìa tất cả số, vì rốt ráo vô vi, vì lìa tất cả lời nói, vì trụ cảnh giới bất khả thuyết. Khi phát tâm nầy, thì quyết định không nghi. Nếu sinh tâm nghi, thì không có lý. Đó là phát tâm không nghi thứ mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì đối với tất cả pháp, tâm không nghi hoặc.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười pháp không thể nghĩ bàn. Những gì là mười ?
      Đó là : Tất cả căn lành không thể nghĩ bàn. Tất cả thệ nguyện không thể nghĩ bàn. Biết tất cả pháp như huyễn không thể nghĩ bàn.
      Phát bồ đề tâm, tu Bồ Tát hạnh, căn lành không mất, không có sự phân biệt, không thể nghĩ bàn.
      Tuy vào sâu tất cả pháp, cũng không thủ lấy diệt độ, vì nhờ tất cả nguyện chưa thành tựu viên mãn, không thể nghĩ bàn.
      Tu Bồ Tát đạo, mà thị hiện hàng thần, nhập thai, đản sinh, xuất gia, khổ hạnh, đi đến đạo tràng, hàng phục chúng ma, thành tối Chánh Giác, chuyển bánh xe chánh pháp, vào Bát Niết Bàn, thần biến tự tại, không có ngừng nghỉ, không xả bỏ bi nguyện, cứu hộ chúng sinh, không thể nghĩ bàn.
      Tuy hay thị hiện mười lực của Như Lai, thần biến tự tại, mà cũng không xả bỏ tâm pháp giới, giáo hoá chúng sinh, không thể nghĩ bàn.
      Biết tất cả pháp vô tướng là tướng, tướng là vô tướng. Không phân biệt là phân biệt, phân biệt là không phân biệt. Chẳng có là có, có là chẳng có. Không làm là làm, làm là không làm. Chẳng nói là nói, nói là chẳng nói, không thể nghĩ bàn.
      Biết tâm đồng với bồ đề, biết bồ đề đồng với tâm. Tâm và bồ đề đồng với chúng sinh. Cũng chẳng sinh tâm điên đảo, tưởng điên đảo, thấy điên đảo, không thể nghĩ bàn.
      Trong niệm niệm vào diệt tận định, hết tất cả lậu, mà không chứng thật tế, cũng chẳng hết căn lành hữu lậu. Tuy biết tất cả pháp vô lậu, mà biết lậu hết, cũng biết lậu diệt. Tuy biết Phật pháp tức là pháp thế gian, pháp thế gian tức là Phật pháp, mà chẳng ở trong Phật pháp phân biệt pháp thế gian, chẳng ở trong pháp thế gian phân biệt Phật pháp. Vì tất cả các pháp đều vào pháp giới, mà không chỗ vào. Vì biết tất cả pháp đều không hai, không biến đổi. Đó là không thể nghĩ bàn thứ mười.
      Phật tử ! Đó là mười pháp không thể nghĩ bàn của đại Bồ Tát. Nếu các Bồ Tát an trụ trong pháp nầy, thì sẽ đắc được pháp không thể nghĩ bàn vô thượng của tất cả chư Phật.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười lời khéo léo bí mật. Những gì là mười ?
      Đó là : Lời khéo léo bí mật ở trong tất cả kinh Phật.
      Lời khéo léo bí mật ở tất cả nơi thọ sinh.
      Lời khéo léo bí mật nơi tất cả Bồ Tát thần thông biến hiện thành Đẳng Chánh Giác.
      Lời khéo léo bí mật nơi tất cả chúng sinh nghiệp báo.
      Lời khéo léo bí mật nơi tất cả chúng sinh khởi nhiễm tịnh.
      Lời khéo léo bí mật nơi tất cả pháp môn rốt ráo không chướng ngại.
      Lời khéo léo bí mật nơi tất cả hư không giới, nơi mỗi mỗi phương, đều có thế giới, hoặc thành, hoặc hoại, trong đó không có gì hết.
      Lời khéo léo bí mật nơi tất cả pháp giới, tất cả mười phương, cho đến nơi vi tế, đều có Như Lai thị hiện sơ sinh, cho đến thành Phật, vào Bát Niết Bàn, đầy khắp pháp giới, đều phân biệt thấy được.
      Lời bí mật khéo léo, thấy tất cả chúng sinh bình đẳng Niết Bàn, không biến đổi, mà chẳng xả bỏ đại nguyện, vì nhất thiết trí nguyện chưa được viên mãn, khiến cho viên mãn đầy đủ.
      Lời bí mật khéo léo, tuy biết tất cả pháp chẳng do người khác dạy mà tự giác ngộ, nhưng chẳng bỏ lìa các thiện tri thức, ở chỗ Như Lai càng thêm cung kính, với thiện tri thức hoà hợp không hai, đối với các căn lành tu tập gieo trồng, hồi hướng an trụ, cùng một việc làm, cùng một thể tánh, cùng thoát khỏi, cùng một thành tựu. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ trong pháp nầy, thì sẽ đắc được lời bí mật khéo léo vô thượng của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ trí khéo phân biệt. Những gì là mười ?
      Đó là : Trí khéo phân biệt vào tất cả cõi. Trí khéo phân biệt vào tất cả chỗ chúng sinh. Trí khéo phân biệt vào tâm hạnh của tất cả chúng sinh. Trí khéo phân biệt vào căn của tất cả chúng sinh. Trí khéo phân biệt vào nghiệp báo của tất cả chúng sinh. Trí khéo phân biệt vào hạnh của tất cả Thanh Văn. Trí khéo phân biệt vào hạnh của tất cả Độc Giác. Trí khéo phân biệt vào hạnh của tất cả Bồ Tát. Trí khéo phân biệt vào tất cả pháp thế gian. Trí khéo phân biệt vào tất cả Phật pháp. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ trong pháp nầy, thì sẽ đắc được trí khéo phân biệt các pháp vô thượng của tất cả chư Phật.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười pháp vào tam muội. Những gì là mười ?
      Đó là : Nơi tất cả thế giới vào tam muội. Nơi tất cả thân chúng sinh vào tam muội. Nơi tất cả pháp vào tam muội. Thấy tất cả Phật vào tam muội. Trụ tất cả kiếp vào tam muội. Từ tam muội dậy, hiện thân không nghĩ bàn vào tam muội. Nơi tất cả thân Phật vào tam muội. Giác ngộ tất cả chúng sinh bình đẳng vào tam muội. Trong một niệm vào tất cả Bồ Tát tam muội trí vào tam muội. Trong một niệm dùng trí vô ngại, thành tựu tất cả chư Bồ Tát hạnh nguyện không có ngừng nghỉ vào tam muội. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ trong pháp nầy, thì sẽ đắc được pháp tam muội khéo léo vô thượng của tất cả chư Phật.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười pháp vào khắp. Những gì là mười ?
      Đó là : Vào khắp chúng sinh. Vào khắp cõi nước. Vào khắp các thứ tướng thế gian. Vào khắp nạn lửa. Vào khắp nạn nước. Vào khắp Phật. Vào khắp trang nghiêm. Vào khắp thân vô biên công đức của Như Lai. Vào khắp tất cả các thứ thuyết pháp. Vào khắp các thứ cúng dường tất cả Như Lai. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ trong pháp nầy, thì sẽ đắc được pháp đại trí vào khắp vô thượng của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười môn giải thoát. Những gì là mười ?
      Đó là : Môn giải thoát một thân khắp cùng tất cả thế giới. Môn giải thoát nơi tất cả thế giới thị hiện vô lượng đủ thứ sắc tướng. Môn giải thoát dùng tất cả thế giới vào một cõi Phật. Môn giải thoát khắp gia trì tất cả cõi chúng sinh. Môn giải thoát dùng tất cả trang nghiêm thân Phật đầy khắp tất cả thế giới. Môn giải thoát ở trong thân mình thấy tất cả thế giới. Môn giải thoát ở trong một niệm đến tất cả thế giới. Môn giải thoát nơi một thế giới thị hiện tất cả Như Lai xuất hiện ra đời. Môn giải thoát một thân đầy khắp tất cả pháp giới. Môn giải thoát trong một niệm thị hiện tất cả Phật du hí thần thông. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ trong pháp nầy, thì sẽ đắc được môn giải thoát vô thượng của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ thần thông. Những gì là mười ?
      Đó là : Thần thông trí huệ phương tiện nghĩ nhớ túc mạng.
      Thần thông trí huệ phương tiện thiên nhĩ vô ngại.
      Thần thông trí huệ phương tiện biết tâm hạnh của những chúng sinh khác không nghĩ bàn.
      Thần thông trí huệ phương tiện thiên nhãn quán sát không có chướng ngại.
      Thần thông trí huệ phương tiện tuỳ tâm chúng sinh hiện sức đại thần thông không nghĩ bàn.
      Thần thông trí huệ phương tiện một thân hiện khắp vô lượng thế giới.
      Thần thông trí huệ phương tiện một niệm vào khắp bất khả thuyết bất khả thuyết thế giới.
      Thần thông trí huệ phương tiện sinh ra vô lượng đồ trang nghiêm, trang nghiêm thế giới không nghĩ bàn.
      Thần thông trí huệ phương tiện thị hiện bất khả thuyết biến hoá thân.
      Thần thông trí huệ phương tiện tuỳ tâm chúng sinh không nghĩ bàn, nơi bất khả thuyết thế giới hiện thành A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ trong pháp nầy, thì sẽ đắc được đại thần thông khéo léo vô thượng của Như Lai, vì tất cả chúng sinh thị hiện đủ thứ, khiến cho họ tu học.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ minh. Những gì là mười ?
      Đó là : Trí minh khéo léo biết nghiệp báo của tất cả chúng sinh.
      Trí minh khéo léo biết cảnh giới của tất cả chúng sinh, tịch diệt thanh tịnh, không có các hí luận.
      Trí minh biết khéo léo biết đủ thứ sở duyên của tất cả chúng sinh, chỉ là một tướng, đều bất khả đắc, tất cả các pháp đều như kim cang.
      Trí minh khéo léo dùng vô lượng âm thanh vi diệu nghe khắp mười phương tất cả thế giới.
      Trí minh khéo léo hoại hết tất cả tâm nhiễm trước.
      Trí minh khéo léo dùng phương tiện thị hiện thọ sinh hoặc chẳng thọ sinh.
      Trí minh khéo léo xả lìa tất cả tưởng thọ.
      Trí minh khéo léo biết tất cả pháp chẳng phải tướng vô tướng, một tánh vô tánh, không có phân biệt, mà biết rõ đủ thứ các pháp, nơi vô lượng kiếp phân biệt diễn nói, trụ nơi pháp giới, thành A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
      Đại Bồ Tát biết sự sinh của tất cả chúng sinh, vốn không có sinh, vì thấu đạt thọ sinh bất khả đắc, mà biết nhân, biết duyên, biết sự, biết cảnh giới, biết hạnh, biết sinh, biết diệt, biết lời nói, biết mê hoặc, biết lìa mê hoặc, biết điên đảo, biết lìa điên đảo, biết tạp nhiễm, biết thanh tịnh, biết sinh tử, biết Niết Bàn, biết khả đắc, biết bất khả đắc, biết chấp trước, biết không chấp trước, biết trụ, biết động, biết đi, biết về, biết khởi, biết chẳng khởi, biết mất hoại, biết thoát khỏi, biết thành thục, biết các căn, biết điều phục.
      Tuỳ sở ứng của họ, mà giáo hoá đủ thứ, chưa từng quên mất hạnh của Bồ Tát tu. Tại sao ? Vì Bồ Tát chỉ vì lợi ích chúng sinh, mà phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, không bỏ sót việc làm vì chúng sinh, bởi vậy Bồ Tát thường giáo hoá chúng sinh, thân không mệt mỏi, chẳng trái việc làm của tất cả thế gian. Đó gọi là trí minh khéo léo duyên khởi.
 
      Trí minh khéo léo, đại Bồ Tát nơi Phật chẳng chấp trước, chẳng khởi tâm chấp. Nơi pháp chẳng chấp trước, chẳng khởi tâm chấp. Nơi cõi chẳng chấp trước, chẳng khởi tâm chấp trước. Nơi chúng sinh chẳng chấp trước, chẳng khởi tâm chấp trước. Chẳng thấy có chúng sinh, mà hành giáo hoá điều phục thuyết pháp. Nhưng cũng chẳng xả bỏ các hạnh đại bi đại nguyện của Bồ Tát.
      Gặp Phật nghe pháp, tuỳ thuận tu hành. Nương nơi Như Lai trồng các căn lành, cung kính cúng dường, không có ngừng nghỉ. Hay dùng thần lực, chấn động mười phương vô lượng thế giới, tâm Bồ Tát rộng lớn, vì đồng pháp giới. Biết các thứ thuyết pháp, biết số chúng sinh, biết chúng sinh khác biệt. Biết khổ sinh, biết khổ diệt. Biết tất cả hành đều như hình bóng, hành Bồ Tát hạnh, vĩnh viễn dứt nguồn gốc tất cả thọ sinh. Nhưng vì cứu hộ tất cả chúng sinh, hành Bồ Tát hạnh, mà không chỗ làm. Tuỳ thuận tất cả giống tánh chư Phật, phát tâm như núi chúa lớn, biết tất cả hư vọng điên đảo. Vào môn nhất thiết chủng trí, trí huệ rộng lớn, không thể khuynh động, sẽ thành Chánh Giác, nơi biển sinh tử, bình đẳng tế độ tất cả chúng sinh. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ trong đó, thì sẽ đắc được đại trí minh khéo léo vô thượng của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười pháp giải thoát. Những gì là mười ?
      Đó là : Giải thoát phiền não. Giải thoát tà kiến. Giải thoát các chấp lấy. Giải thoát uẩn xứ giới. Giải thoát vượt qua nhị thừa. Giải thoát vô sinh pháp nhẫn. Giải thoát lìa chấp trước, nơi tất cả thế gian, tất cả cõi, tất cả chúng sinh, tất cả pháp. Giải thoát vô biên trụ. Giải thoát phát khởi tất cả Bồ Tát hạnh, vào bậc Như Lai không phân biệt. Giải thoát ở trong một niệm, đều biết rõ tất cả ba đời. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì có thể ra làm Phật sự vô thượng, giáo hoá thành thục tất cả chúng sinh.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ vườn rừng. Những gì là mười ?
      Đó là : Sinh tử là vườn rừng của Bồ Tát, vì không nhàm bỏ.
      Giáo hoá chúng sinh là vườn rừng của Bồ Tát, vì chẳng mệt mỏi.
      Trụ tất cả kiếp là vườn rừng của Bồ Tát, vì nhiếp các hạnh lớn.
      Thanh tịnh thế giới là vườn rừng của Bồ Tát, vì chỗ mình dừng ở.
      Tất cả cung điện ma là vườn rừng của Bồ Tát, vì hàng phục chúng ma.
      Suy gẫm pháp đã nghe là vườn rừng của Bồ Tát, vì như lý quán sát.
      Lục độ Ba la mật, bốn pháp nhiếp, ba mươi bảy pháp bồ đề phần, là vườn rừng của Bồ Tát, vì cảnh giới tiếp nối của đấng Từ Phụ.
      Thập lực, bốn vô sở uý, mười tám pháp bất cộng, cho đến tất cả Phật pháp, là vườn rừng của Bồ Tát, vì chẳng nhớ pháp nào khác.
      Thị hiện tất cả oai lực thần thông tự tại của Bồ Tát, là vườn rừng của Bồ Tát, vì dùng đại thần lực chuyển bánh xe pháp, điều phục chúng sinh không ngừng nghỉ.
      Một niệm ở tất cả mọi nơi vì tất cả chúng sinh thị hiện thành Chánh Giác, là vườn rừng của Bồ Tát, vì pháp thân khắp cùng tận hư không tất cả thế giới. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được hạnh đại an lạc vô thượng lìa lo buồn của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ cung điện. Những gì là mười ?
      Đó là : Bồ đề tâm là cung điện của Bồ Tát, vì luôn chẳng quên mất.
      Thập thiện nghiệp đạo phước đức trí huệ là cung điện của Bồ Tát, vì giáo hoá chúng sinh cõi dục.
      Bốn phạm trụ thiền định là cung điện của Bồ Tát, vì giáo hoá chúng sinh cõi sắc.
      Sinh vào cõi trời Tịnh Cư là cung điện của Bồ Tát, vì tất cả phiền não chẳng nhiễm.
      Sinh vào cõi vô sắc là cung điện của Bồ Tát, vì khiến các chúng sinh lìa nơi có nạn.
      Sinh vào thế giới tạp nhiễm là cung điện của Bồ Tát, vì khiến tất cả chúng sinh dứt phiền não.
      Thị hiện nơi nội cung có vợ con quyến thuộc là cung điện của Bồ Tát, vì thành tựu chúng sinh đồng hạnh thuở xưa.
      Hiện ở ngôi Chuyển Luân, Hộ Thế, Thích, Phạm, là cung điện của Bồ Tát, vì điều phục tự tại tâm chúng sinh.
      Trụ tại tất cả Bồ Tát hạnh, du hí thần thông đều được tự tại, là cung điện của Bồ Tát, vì khéo du hí các thiền giải thoát tam muội trí huệ.
      Được tất cả chư Phật thọ ký vô thượng tự tại nhất thiết trí vương quán đảnh là cung điện của Bồ Tát, vì trụ trang nghiêm của đấng Thập Lực làm tất cả việc của đấng Pháp Vương tự tại. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được pháp quán đảnh, nơi thần lực tự tại của tất cả thế gian.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ ưa thích. Những gì là mười ?
      Đó là : Thích chánh niệm, vì tâm chẳng tán loạn.
      Thích trí huệ, vì phân biệt các pháp.
      Thích đi đến chỗ của tất cả chư Phật, vì nghe pháp không nhàm chán.
      Thích chư Phật, vì đầy khắp mười phương vô biên bờ mé.
      Thích Bồ Tát tự tại, vì các chúng sinh dùng vô lượng môn mà hiện thân.
      Thích các môn tam muội, vì nơi một môn tam muội vào tất cả môn tam muội.
      Thích đà la ni, vì trì pháp chẳng quên truyền thọ chúng sinh.
      Thích vô ngại biện tài, vì nơi mỗi câu văn, trải qua bất khả thuyết kiếp, phân biệt diễn nói, không cùng tận.
      Thích thành Chánh Giác, vì tất cả chúng sinh, dùng vô lượng môn thị hiện nơi thân thành Chánh Giác.
      Thích chuyển bánh xe pháp, vì diệt trừ tất cả pháp đạo khác. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được pháp ưa thích vô thượng của tất cả chư Phật Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười pháp trang nghiêm. Những gì là mười ?
      Đó là : Lực trang nghiêm, vì không thể phá hoại. Vô uý trang nghiêm, vì không thể hàng phục. Nghĩa trang nghiêm, vì nói bất khả thuyết nghĩa vô cùng tận. Pháp trang nghiêm, vì có tám vạn bốn ngàn pháp tụ, quán sát diễn nói không quên mất. Nguyện trang nghiêm, vì tất cả Bồ Tát phát hoằng thệ không thối chuyển. Hạnh trang nghiêm, vì tu hạnh Phổ Hiền mà thoát khỏi. Cõi trang nghiêm, vì dùng tất cả cõi làm một cõi. Phổ âm trang nghiêm, vì mưa pháp vũ khắp cùng tất cả thế giới chư Phật. Lực trì trang nghiêm, vì trong tất cả kiếp tu hành vô số hạnh, không đoạn tuyệt. Biến hoá trang nghiêm, vì nơi một thân chúng sinh, thị hiện đồng số thân tất cả chúng sinh, khiến cho tất cả chúng sinh đều được thấy biết, cầu nhất thiết trí, không thối chuyển. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được tất cả pháp trang nghiêm vô thượng của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát phát mười thứ tâm bất động. Những gì là mười ?
      Đó là : Đối với hết thảy tất cả đều xả bỏ được tâm bất động.
      Suy gẫm quán sát tất cả Phật pháp tâm bất động.
      Nghĩ nhớ cúng dường tất cả chư Phật tâm bất động.
      Đối với tất cả chúng sinh thề không não hại tâm bất động.
      Khắp nhiếp chúng sinh không lựa người thân kẻ oán tâm bất động.
      Cầu tất cả Phật pháp không có ngừng nghỉ tâm bất động. Tất cả chúng sinh số đồng bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp, hành Bồ Tát hạnh, chẳng sinh nhàm mỏi, cũng không thối chuyển tâm bất động.
      Thành tựu có căn tin, tin không ô trược, tin thanh tịnh, tin cực thanh tịnh, tin lìa cấu, tin sáng triệt, tin cung kính cúng dường tất cả chư Phật, tin chẳng thối chuyển, tin không hết được, tin không thể hoại, tin đại hoan hỉ hớn hở, tâm bất động.
      Thành tựu sinh ra nhất thiết trí phương tiện đạo tâm bất động.
      Nghe pháp tất cả Bồ Tát tu hành, tin thọ không phỉ báng tâm bất động. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được nhất thiết trí tâm bất động vô thượng của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười tâm sâu lớn không xả bỏ. Những gì là mười ?
      Đó là : Tâm sâu lớn chẳng xả bỏ thành tựu viên mãn tất cả Phật bồ đề.
      Tâm sâu lớn chẳng xả bỏ giáo hoá điều phục tất cả chúng sinh.
      Tâm sâu lớn chẳng xả bỏ chẳng dứt giống tánh của tất cả chư Phật.
      Tâm sâu lớn chẳng xả bỏ gần gũi tất cả thiện tri thức.
      Tâm sâu lớn chẳng xả bỏ cúng dường tất cả chư Phật.
      Tâm sâu lớn chẳng xả bỏ chuyên cầu tất cả công đức pháp đại thừa.
      Tâm sâu lớn chẳng xả bỏ phạm hạnh của tất cả chư Phật tu hành, hộ trì tịnh giới.
      Tâm sâu lớn chẳng xả bỏ gần gũi tất cả Bồ Tát.
      Tâm sâu lớn chẳng xả bỏ phương tiện hộ trì cầu tất cả Phật pháp.
      Tâm sâu lớn chẳng xả bỏ viên mãn tất cả Bồ Tát hạnh nguyện tích tập tất cả Phật pháp. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ không xả bỏ tất cả Phật pháp.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười trí huệ quán sát. Những gì là mười ?
      Đó là : Trí huệ quán sát khéo léo phân biệt nói tất cả pháp. Trí huệ quán sát biết rõ tất cả căn lành ba đời. Trí huệ quán sát biết rõ tất cả các Bồ Tát hạnh tự tại biến hoá. Trí huệ quán sát biết rõ tất cả các môn pháp nghĩa. Trí huệ quán sát biết rõ tất cả chư Phật oai lực. Trí huệ quán sát biết rõ tất cả môn đà la ni. Trí huệ quán sát đối với tất cả thế giới khắp nói chánh pháp. Trí huệ quán sát vào tất cả pháp giới. Trí huệ quán sát biết tất cả mười phương không thể nghĩ bàn. Trí huệ quán sát biết tất cả Phật pháp trí huệ quang minh không có chướng ngại. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được đại trí huệ quán sát vô thượng của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ nói pháp. Những gì là mười ?
      Đó là : Nói tất cả pháp đều từ duyên khởi. Nói tất cả pháp thảy đều như huyễn. Nói tất cả pháp không chống trái. Nói tất cả pháp không có bờ mé. Nói tất cả pháp không chỗ y chỉ. Nói tất cả pháp giống như kim cang. Nói tất cả pháp thảy đều như như. Nói tất cả pháp thảy đều tịch tĩnh. Nói tất cả pháp thảy đều thoát khỏi. Nói tất cả pháp đều trụ một nghĩa, bổn tánh thành tựu. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ khéo léo nói tất cả pháp.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười pháp thanh tịnh. Những gì là mười ?
      Đó là : Thâm tâm thanh tịnh. Dứt nghi thanh tịnh. Lìa thấy thanh tịnh. Cảnh giới thanh tịnh. Cầu nhất thiết trí thanh tịnh. Biện tài thanh tịnh. Vô uý thanh tịnh. Trụ nơi trí thanh tịnh của tất cả Bồ Tát. Thọ tất cả luật nghi thanh tịnh của Bồ Tát. Đầy đủ thành tựu vô thượng bồ đề, ba mươi hai tướng trăm phước, pháp trắng tịnh, tất cả căn lành thanh tịnh. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ được tất cả pháp thanh tịnh vô thượng của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ ấn. Những gì là mười ?
      Đó là : Đại Bồ Tát biết khổ khổ, hoại khổ, hành khổ. Chuyên cầu Phật pháp, chẳng sinh giải đãi. Hành Bồ Tát hạnh, không có mệt mỏi. Chẳng kinh hãi, chẳng khiếp sợ, chẳng xả bỏ đại nguyện. Cầu nhất thiết trí, kiên cố bất thối, rốt ráo A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Đó là ấn thứ nhất.
      Đại Bồ Tát thấy có chúng sinh ngu si cuồng loạn, hoặc dùng lời ác thô lỗ mà huỷ nhục, hoặc dùng đao gậy ngói đá mà làm tổn hại, trọn không vì cảnh giới đó mà xả bỏ tâm Bồ Tát, luôn nhẫn nhục nhu hoà, chuyên tu Phật pháp, trụ đạo tối thắng, vào bậc lìa sinh. Đó là ấn thứ hai.
      Đại Bồ Tát nghe nói Phật pháp thâm sâu tương ưng với nhất thiết trí, hay dùng trí của mình tin sâu nhẫn nại, hiểu rõ hướng vào. Đó là ấn thứ ba.
      Đại Bồ Tát lại nghĩ như vầy : Tôi phát tâm thâm sâu, cầu nhất thiết trí. Tôi sẽ thành Phật, đắc được A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Tất cả chúng sinh lưu chuyển trong năm cõi, thọ vô lượng khổ, cũng sẽ khiến cho họ phát bồ đề tâm, tin sâu hoan hỉ, siêng tu tinh tấn, kiên cố bất thối chuyển. Đó là ấn thứ tư.
      Đại Bồ Tát biết trí huệ Như Lai không có bờ mé, không thể nào dò lường được trí huệ Như Lai. Bồ Tát đã từng ở chỗ vô lượng chư Phật, nghe trí huệ Như Lai không có bờ mé, nên không thể dò lường được. Tất cả văn tự lời nói thế gian, đều có giới hạn, đều không thể biết được trí huệ Như Lai. Đó là ấn thứ năm.
      Đại Bồ Tát nơi A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, được sự ưa thích tối thắng, sự ưa thích thâm sâu, sự ưa thích rộng, sự ưa thích lớn, sự ưa thích đủ thứ, sự ưa thích không gì hơn được, sự ưa thích vô thượng, sự ưa thích kiên cố, sự ưa thích chúng ma ngoại đạo và quyến thuộc của chúng không thể nào phá hoại được, sự ưa thích cầu nhất thiết trí không thối chuyển, sự ưa thích Bồ Tát trụ như vậy, nơi vô thượng bồ đề rốt ráo không thối chuyển. Đó là ấn thứ sáu.
      Đại Bồ Tát hành Bồ Tát hạnh, chẳng màng thân mạng, không ai trở ngại phá hoại được, vì phát tâm hướng về nhất thiết trí. Vì tánh nhất thiết trí thường hiện tiền. Vì đắc được trí huệ quang minh của tất cả chư Phật. Trọn không bỏ lìa Phật bồ đề. Trọn không bỏ lìa thiện tri thức. Đó là ấn thứ bảy.
      Đại Bồ Tát nếu thấy người nam tốt, người nữ tốt, hướng về đại thừa, thì khiến cho họ tăng trưởng tâm cầu Phật pháp. Khiến cho họ an trụ tất cả căn lành. Khiến cho họ nhiếp lấy tâm nhất thiết trí. Khiến cho họ chẳng thối chuyển vô thượng bồ đề. Đó là ấn thứ tám.
      Đại Bồ Tát khiến cho tất cả chúng sinh được tâm bình đẳng, khuyên khiến cho họ siêng tu đạo nhất thiết trí. Dùng tâm đại bi mà vì họ thuyết pháp, khiến cho họ vĩnh viễn chẳng thối chuyển A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Đó là ấn thứ chín.
      Đại Bồ Tát đồng một căn lành với chư Phật ba đời. Chẳng dứt giống tánh tất cả chư Phật. Rốt ráo đến được trí nhất thiết trí. Đó là ấn thứ mười.
      Phật tử ! Đó là mười thứ ấn của đại Bồ Tát. Bồ Tát nhờ đó mà sớm thành A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, đầy đủ tất cả pháp trí ấn vô thượng của Như Lai.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười trí quang chiếu. Những gì là mười ?
      Đó là : Trí quang chiếu biết chắc sẽ thành A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Trí quang chiếu thấy tất cả chư Phật. Trí quang chiếu thấy tất cả chúng sinh chết đây sinh kia. Trí quang chiếu hiểu tất cả pháp môn Tu đa la. Trí quang chiếu y chỉ thiện tri thức phát bồ đề tâm tích tập các căn lành. Trí quang chiếu thị hiện tất cả chư Phật. Trí quang chiếu giáo hoá tất cả chúng sinh đều khiến cho họ an trụ bậc Như Lai. Trí quang chiếu diễn nói pháp môn rộng lớn không thể nghĩ bàn. Trí quang chiếu khéo léo biết rõ tất cả thần thông oai lực của chư Phật. Trí quang chiếu đầy đủ tất cả các Ba La Mật. Đó là mười.
      Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được trí quang chiếu vô thượng của tất cả chư Phật.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười vô đẳng trụ, tất cả chúng sinh, Thanh Văn, Độc Giác, đều không bằng được. Những gì là mười ?
      Đó là : Đại Bồ Tát tuy quán thật tế, mà không thủ chứng. Vì tất cả thệ nguyện đã phát, chưa thành tựu viên mãn. Đó là vô đẳng trụ thứ nhất.
      Đại Bồ Tát gieo trồng tất cả căn lành trong pháp giới, mà ở trong đó không có sự chấp trước. Đó là vô đẳng trụ thứ hai.
      Đại Bồ Tát tu Bồ Tát hạnh, đều biết là như hoá. Vì tất cả các pháp đều tịch diệt, mà nơi Phật pháp chẳng sinh nghi hoặc. Đó là vô đẳng trụ thứ ba.
      Đại Bồ Tát tuy lìa hết thảy vọng tưởng thế gian, mà hay tác ý nơi bất khả thuyết kiếp, tu Bồ Tát hạnh, đầy đủ đại nguyện, trọn ở trong đó không khởi tâm nhàm mỏi. Đó là vô đẳng trụ thứ tư.
      Đại Bồ Tát đối với tất cả pháp không có chấp trước. Vì tánh của tất cả pháp là tịch diệt, mà không chứng Niết Bàn. Tại sao ? Vì đạo nhất thiết trí chưa thành tựu viên mãn. Đó là vô đẳng trụ thứ năm.
      Đại Bồ Tát biết tất cả kiếp, đều chẳng phải kiếp, mà chân thật nói tất cả kiếp số. Đó là vô đẳng trụ thứ sáu.
      Đại Bồ Tát biết tất cả pháp đều không chỗ làm, mà chẳng xả bỏ làm đạo cầu các Phật pháp. Đó là vô đẳng trụ thứ bảy.
      Đại Bồ Tát biết ba cõi duy tâm, ba đời duy tâm, mà biết rõ tâm đó vô lượng vô biên. Đó là vô đẳng trụ thứ tám.
      Đại Bồ Tát vì tất cả chúng sinh nơi bất khả thuyết kiếp hành Bồ Tát hạnh, muốn khiến cho họ an trụ bậc nhất thiết trí. Như vì một chúng sinh, vì tất cả chúng sinh, cũng đều như vậy, mà chẳng sinh tâm nhàm mỏi. Đó là vô đẳng trụ thứ chín.
      Đại Bồ Tát tuy tu hành viên mãn, mà chẳng chứng bồ đề. Tại sao ? Vì Bồ Tát nghĩ như vầy : Những việc làm của tôi, vốn đều vì chúng sinh, bởi vậy tôi nên ở lâu nơi sinh tử, phương tiện lợi ích, đều khiến cho họ an trụ Phật đạo vô thượng. Đó là vô đẳng trụ thứ mười.
      Phật tử ! Đó là mười vô đẳng trụ của đại Bồ Tát. Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được đại trí tất cả Phật pháp vô đẳng trụ vô thượng.
 
      Phật tử[13] ! Đại Bồ Tát phát mười thứ tâm không hạ liệt. Những gì là mười ?
Phật tử ! Đại Bồ Tát nghĩ như vầy : Tôi sẽ hàng phục tất cả thiên ma và quyến thuộc của chúng. Đó là tâm không hạ liệt thứ nhất.
Lại nghĩ như vầy : Tôi sẽ phá tất cả ngoại đạo và tà pháp của họ. Đó là tâm không hạ liệt thứ hai.
Lại nghĩ như vầy : Tôi sẽ ở nơi tất cả chúng sinh khéo dùng lời khai thị ví dụ, đều khiến cho họ hoan hỉ. Đó là tâm không hạ liệt thứ ba.
Lại nghĩ như vầy : Tôi sẽ thành tựu viên mãn khắp pháp giới tất cả hạnh Ba La Mật. Đó là tâm không hạ liệt thứ tư.
Lại nghĩ như vầy : Tôi sẽ tích tập tất cả phước đức tạng. Đó là tâm không hạ liệt thứ năm.
Lại nghĩ như vầy : Vô thượng bồ đề rộng lớn khó thành. Tôi sẽ tu hành, đều khiến cho viên mãn. Đó là tâm không hạ liệt thứ sáu.
Lại nghĩ như vầy : Tôi sẽ dùng vô thượng giáo hoá, vô thượng điều phục, để giáo hoá điều phục tất cả chúng sinh. Đó là tâm không hạ liệt thứ bảy.
Lại nghĩ như vầy : Tất cả thế giới đủ thứ sự khác nhau, tôi sẽ dùng vô lượng thân, thành Đẳng Chánh Giác. Đó là tâm không hạ liệt thứ tám.
Lại nghĩ như vầy : Khi tôi tu hạnh Bồ Tát, nếu có chúng sinh đến chỗ tôi, xin tay chân tai mũi máu thịt xương cốt, vợ con, voi ngựa, cho đến ngôi vua, tất cả như vậy, tôi đều xả được, không sinh một niệm tâm lo lắng hối tiếc, chỉ vì lợi ích tất cả chúng sinh, chẳng cầu quả báo. Dùng đại bi làm đầu, đại từ rốt ráo. Đó là tâm không hạ liệt thứ chín.
Lại nghĩ như vầy : Ba đời hết thảy tất cả chư Phật, tất cả Phật pháp, tất cả chúng sinh, tất cả cõi nước, tất cả thế gian, tất cả ba đời, tất cả cõi hư không, tất cả pháp giới, tất cả cõi lời lẽ thi thiết, tất cả cõi Niết Bàn tịch diệt. Đủ thứ tất cả các pháp như vậy, tôi sẽ dùng một niệm huệ tương ưng, đều biết, đều giác, đều thấy, đều chứng, đều tu, đều dứt. Nhưng ở trong đó không có sự phân biệt, lìa phân biệt, không có đủ thứ sự khác biệt, không công đức, không cảnh giới, chẳng có, chẳng không, chẳng một, chẳng hai. Dùng trí không hai, biết tất cả hai. Dùng trí vô tướng, biết tất cả tướng. Dùng trí không phân biệt, biết tất cả sự phân biệt. Dùng trí không khác, biết tất cả khác nhau. Dùng trí không khác biệt, biết tất cả sự khác biệt. Dùng trí không thế gian, biết tất cả thế gian. Dùng trí không đời, biết tất cả đời. Dùng trí không chúng sinh, biết tất cả chúng sinh. Dùng trí không chấp trước, biết tất cả sự chấp trước. Dùng trí không trụ xứ, biết tất cả trụ xứ. Dùng trí không tạp nhiễm, biết tất cả tạp nhiễm. Dùng trí vô tận, biết tất cả tận. Dùng trí rốt ráo pháp giới, nơi tất cả thế giới thị hiện thân. Dùng trí lìa tiếng nói, thị hiện bất khả thuyết tiếng nói. Dùng trí một tự tánh, vào nơi không tự tánh. Dùng trí một cảnh giới, hiện đủ thứ cảnh giới. Biết tất cả pháp không thể nói, mà hiện đại tự tại lời nói. Chứng bậc nhất thiết trí, vì giáo hoá điều phục tất cả chúng sinh, nơi tất cả thế gian, thị hiện đại thần thông biến hoá. Đó là tâm không hạ liệt thứ mười.
Phật tử ! Đó là đại Bồ Tát phát mười thứ tâm không hạ liệt. Nếu các Bồ Tát an trụ tâm nầy, thì sẽ đắc được tất cả Phật pháp tối thượng không hạ liệt.
Phật tử ! Đại Bồ Tát ở nơi A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, có mười thứ tâm tăng thượng như núi. Những gì là mười ?
Phật tử ! Đại Bồ Tát thường tác ý siêng tu pháp nhất thiết trí. Đó là tâm tăng thượng như núi thứ nhất.
Luôn quán tất cả pháp tánh vốn không, chẳng chỗ đắc. Đó là tâm tăng thượng như núi thứ hai.
Nguyện ở trong vô lượng kiếp hành Bồ Tát hạnh. Tu tất cả pháp trắng tịnh. Nhờ trụ tất cả pháp trắng tịnh, nên thấy biết vô lượng trí huệ của Như Lai. Đó là tâm tăng thượng như núi thứ ba.
Vì cầu tất cả Phật pháp, tâm bình đẳng kính thờ các thiện tri thức, không cầu mong gì khác, không có tâm trộm pháp, chỉ sinh tâm tôn trọng chưa từng có. Tất cả hết thảy đều xả bỏ được. Đó là tâm tăng thượng như núi thứ tư.
Nếu có chúng sinh mắng nhục, phỉ báng, đánh đập, cắt chém, làm khổ thân hình Bồ Tát, cho đến mất mạng, những việc như vậy, thảy đều thọ được, trọn không vì đó mà sinh tâm động loạn, sinh tâm sân hại, cũng chẳng thối bỏ đại bi hoằng thệ, càng khiến cho tăng trưởng, không có ngừng nghỉ. Tại sao ? Vì Bồ Tát ở nơi tất cả pháp, như thật xuất ly, xả bỏ thành tựu. Chứng được tất cả pháp của các Như Lai, nhẫn nhục nhu hoà, đã được tự tại. Đó là tâm tăng thượng như núi thứ năm.
Đại Bồ Tát thành tựu tăng thượng đại công đức. Quyến thuộc tăng thượng công đức. Dục tăng thượng công đức. Ngôi vua tăng thượng công đức. Tự tại tăng thượng công đức. Phước đức tăng thượng công đức. Trí huệ tăng thượng công đức. Tuy lại thành tựu công đức như vậy, nhưng trọn không sinh tâm nhiễm trước đối với những công đức đó. Như là : Không nhiễm trước vị, không nhiễm trước dục, không nhiễm trước tài sản, không nhiễm trước quyến thuộc. Chỉ ưa pháp thâm sâu, đi theo pháp, trụ theo pháp, theo pháp hướng đến, theo pháp rốt ráo. Dùng pháp làm chỗ nương tựa, dùng pháp làm chỗ cứu giúp, dùng pháp làm chỗ quy y, dùng pháp làm nhà, giữ gìn pháp, ưa thích pháp, mong cầu pháp, tư duy pháp. 
Phật tử ! Đại Bồ Tát tuy lại thọ đủ thứ pháp lạc, mà thường xa lìa các cảnh giới ma. Tại sao ? Vì đại Bồ Tát ở trong đời quá khứ, đã phát tâm như vầy : Tôi sẽ khiến cho tất cả chúng sinh, thảy đều vĩnh viễn xa lìa các cảnh giới ma, trụ cảnh giới Phật. Đó là tâm tăng thượng như núi thứ sáu.
Đại Bồ Tát vì cầu A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, đã ở trong vô lượng A tăng kỳ kiếp, hành Bồ Tát đạo, tinh tấn không giải đãi, cho rằng tôi nay mới phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, hành Bồ Tát hạnh, cũng chẳng kinh, cũng chẳng sợ, cũng chẳng hãi. Tuy có thể một niệm thành A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, nhưng vì chúng sinh mà ở trong vô lượng kiếp, hành Bồ Tát hạnh, không có ngừng nghỉ. Đó là tâm tăng thượng như núi thứ bảy.
      Đại Bồ Tát biết tất cả chúng sinh tánh chẳng hoà thiện, khó điều, khó độ, không thể báo ân. Cho nên vì họ mà phát đại thệ nguyện, muốn khiến cho đều được tâm ý tự tại, sở hành vô ngại, xả lìa niệm ác, chẳng ở chỗ người khác, sinh các phiền não. Đó là tâm tăng thượng như núi thứ tám.
Đại Bồ Tát lại nghĩ như vầy : Chẳng phải người khác khiến cho tôi phát tâm bồ đề, cũng chẳng phải chờ người khác giúp tôi tu hành. Tôi tự phát tâm, tập các Phật pháp, thệ hứa tự cố gắng, hết kiếp thuở vị lai, hành Bồ Tát đạo, thành A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Cho nên nay tôi tu Bồ Tát hạnh, sẽ tịnh tâm mình, cũng tịnh tâm người khác. Sẽ biết cảnh giới mình, cũng biết cảnh giới người khác. Tôi sẽ bình đẳng với cảnh giới của ba đời chư Phật. Đó là tâm tăng thượng như núi thứ chín.
Đại Bồ Tát quán sát như vầy : Không có một pháp nào tu Bồ Tát hạnh, không có một pháp nào viên mãn Bồ Tát hạnh, không có một pháp nào giáo hoá điều phục tất cả chúng sinh, không có một pháp nào cúng dường cung kính tất cả chư Phật. Không có một pháp nào ở nơi A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, đã thành, đang thành, sẽ thành. Không có một pháp nào đã nói, đang nói, sẽ nói. Người nói và pháp đều bất khả đắc, mà cũng không bỏ A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Tại sao ? Vì Bồ Tát cầu tất cả pháp, đều không chỗ đắc, như vậy sinh ra A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Cho nên đối với pháp, tuy không chỗ đắc, mà siêng tu tập tăng thượng nghiệp lành, thanh tịnh đối trị, trí huệ viên mãn, niệm niệm tăng trưởng, đầy đủ tất cả. Tâm Bồ Tát đối với pháp nầy, không kinh sợ, chẳng nghĩ rằng : Nếu tất cả pháp thảy đều tịch diệt, thì tôi cầu đạo vô thượng bồ đề còn có ý nghĩa gì ? Đó là tâm tăng thượng như núi thứ mười.
Phật tử ! Đó là mười thứ tâm tăng thượng như núi của Bồ Tát nơi A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Nếu các Bồ Tát an trụ trong đó, thì sẽ đắc được tâm tăng thượng như núi đại trí huệ vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ trí như biển vào A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Những gì là mười ?
Đó là : Vào tất cả vô lượng cõi chúng sinh, đó là trí như biển thứ nhất.
Vào tất cả thế giới mà chẳng khởi phân biệt, đó là trí như biển thứ hai.
Biết tất cả cõi hư không vô lượng vô ngại, vào khắp mười phương tất cả lưới thế giới khác biệt, đó là trí như biển thứ ba.
Đại Bồ Tát khéo vào khắp pháp giới, đó là : Vào vô ngại, vào không dứt, vào chẳng thường, vào vô lượng, vào chẳng sinh, vào chẳng diệt, vào tất cả, vì đều biết rõ. Đó là trí như biển thứ tư.
Đại Bồ Tát ở trong quá khứ, vị lai, hiện tại, chư Phật Bồ Tát pháp sư Thanh Văn, Độc Giác, và tất cả phàm phu tích tập căn lành, đã tích tập, đang tích tập, sẽ tích tập. Ba đời chư Phật nơi A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, đã thành, đang thành, sẽ thành, hết thảy căn lành. Ba đời chư Phật thuyết pháp điều phục tất cả chúng sinh, đã nói, đang nói, sẽ nói, hết thảy căn lành. Nơi đó tất cả thảy đều biết rõ, đều tin tuỳ hỷ, nguyện thích tu tập, không có nhàm đủ. Đó là trí như biển thứ năm.
Đại Bồ Tát ở trong niệm niệm, vào đời quá khứ bất khả thuyết kiếp. Ở trong tất cả kiếp, hoặc trăm ức Phật ra đời, hoặc ngàn ức Phật ra đời, hoặc trăm ngàn ức Phật ra đời, hoặc vô số, vô lượng, vô biên, vô đẳng, bất khả số, bất khả xưng, bất khả tư, bất khả lượng, bất khả thuyết, bất khả thuyết bất khả thuyết, vượt qua toán số chư Phật Thế Tôn xuất hiện ra đời, và đạo tràng chúng hội Thanh Văn Bồ Tát của chư Phật đó, thuyết pháp điều phục tất cả chúng sinh, thọ mạng dài ngắn, pháp trụ lâu mau, tất cả như vậy, thảy đều thấy rõ. Như một kiếp, tất cả các kiếp, cũng đều như vậy.
Hết thảy chúng sinh trong những kiếp không có Phật, có gieo trồng các căn lành nơi A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, cũng đều biết rõ. Nếu có chúng sinh căn lành đã thành thục, ở đời vị lai sẽ được thấy Phật, cũng đều biết rõ. Quán sát đời quá khứ bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp như vậy, tâm không nhàm đủ. Đó là trí như biển thứ sáu.
Đại Bồ Tát vào đời vị lai, quán sát phân biệt tất cả các kiếp, vô lượng vô biên. Biết kiếp nào có Phật, kiếp nào không có Phật, kiếp nào có bao nhiêu Như Lai ra đời. Mỗi đức Như Lai danh hiệu như thế nào ? Trụ ở thế giới nào ? Thế giới tên gì ? Độ bao nhiêu chúng sinh ? Thọ mạng bao lâu ? Quán sát như vậy, hết thuở vị lai, thảy đều biết rõ, không thể cùng tận, mà không nhàm đủ. Đó là trí như biển thứ bảy.
Đại Bồ Tát vào đời hiện tại, quán sát tư duy. Ở trong niệm niệm, thấy khắp mười phương vô biên phẩm loại, bất khả thuyết thế giới, đều có chư Phật. Nơi vô thượng bồ đề, đã thành, đang thành, sẽ thành. Đi đến đạo tràng, dưới cội bồ đề, ngồi trên toà cỏ cát tường, hàng phục ma quân, thành A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Từ cội bồ đề đứng dậy, đi vào thành ấp, thăng lên cung điện trời, nói pháp vi diệu, chuyển bánh xe pháp lớn, thị hiện thần thông, điều phục chúng sinh, cho đến phó chúc pháp A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, xả bỏ thọ mạng, vào Bát Niết Bàn. Vào Niết Bàn rồi, kết tập pháp tạng, khiến trụ lâu ở đời. Trang nghiêm tháp Phật, đủ thứ cúng dường. Cũng thấy hết thảy chúng sinh ở thế giới đó, gặp Phật nghe pháp, thọ trì đọc tụng, nghĩ nhớ tư duy, tăng trưởng huệ hiểu. Quán sát như vậy, khắp cùng mười phương, mà nơi Phật pháp không có sai lầm. Tại sao ? Vì đại Bồ Tát đã biết chư Phật thảy đều như mộng, mà hay đi đến chỗ tất cả chư Phật, cung kính cúng dường. Lúc đó Bồ Tát chẳng chấp vào thân mình, chẳng chấp chư Phật, chẳng chấp thế giới, chẳng chấp chúng hội, chẳng chấp thuyết pháp, chẳng chấp kiếp số, mà thấy Phật nghe pháp, quán sát thế giới, vào các kiếp số, không có nhàm đủ. Đó là trí như biển thứ tám.
Đại Bồ Tát ở nơi bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp, trong mỗi mỗi kiếp, cúng dường cung kính bất khả thuyết bất khả thuyết vô lượng chư Phật. Thị hiện thân mình chết đây sinh kia, dùng tất cả đồ cúng dường hơn hẳn ba cõi để cúng dường, và cúng dường Bồ Tát Thanh Văn tất cả đại chúng. Mỗi mỗi đức Như Lai vào Bát Niết Bàn rồi, đều dùng đồ cúng vô thượng để cúng dường xá lợi, và rộng tu hành bố thí để chúng sinh đầy đủ.
Phật tử ! Đại Bồ Tát dùng tâm không thể nghĩ bàn, tâm không cầu báo, tâm rốt ráo, tâm lợi ích, nơi bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp, vì A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, cúng dường chư Phật, lợi ích chúng sinh, hộ trì chánh pháp, khai thị diễn nói. Đó là trí như biển thứ chín.
Đại Bồ Tát ở chỗ tất cả chư Phật, ở chỗ tất cả Bồ Tát, ở chỗ tất cả Pháp sư, một lòng chuyên cầu pháp của Bồ Tát nói, pháp của Bồ Tát học, pháp của Bồ Tát dạy, pháp của Bồ Tát tu hành, pháp thanh tịnh của Bồ Tát, pháp thành thục của Bồ Tát, pháp điều phục của Bồ Tát, pháp bình đẳng của Bồ Tát, pháp xuất ly của Bồ Tát, pháp tổng trì của Bồ Tát. Đắc được pháp nầy rồi, thọ trì đọc tụng, phân biệt giải nói, không có nhàm đủ, khiến cho vô lượng chúng sinh ở trong Phật pháp, phát tâm nhất thiết trí tương ưng, vào tướng chân thật, được không thối chuyển nơi A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Bồ Tát nơi bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp không nhàm đủ như vậy. Đó là trí như biển thứ mười.
Phật tử ! Đó là mười thứ trí như biển vào A nậu đa la tam miệu tam bồ đề của đại Bồ Tát. Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được biển đại trí huệ vô thượng của tất cả chư Phật.
 
Phật tử[14] ! Đại Bồ Tát nơi A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, có mười thứ trụ như thật. Những gì là mười ?
Phật tử ! Đại Bồ Tát đều có thể đi đến vô số thế giới chỗ chư Phật Như Lai, chiêm ngưỡng đảnh lễ, thừa sự cúng dường. Đó là trụ như thật thứ nhất.
Nơi bất khả tư nghì chỗ các đức Như Lai, lắng nghe chánh pháp, thọ trì nghĩ nhớ, chẳng khiến quên mất, suy gẫm phân biệt, giác huệ tăng trưởng, làm như vậy, khắp cùng mười phương. Đó là trụ như thật thứ hai.
Nơi cõi nầy chết, nơi kia hiện thọ sinh, mà đối với Phật pháp không có sự mê hoặc. Đó là trụ như thật thứ ba.
Biết từ một pháp sinh ra tất cả pháp, mà có thể mỗi mỗi pháp phân biệt diễn nói. Dùng tất cả pháp đủ thứ nghĩa, rốt ráo đều là một nghĩa. Đó là trụ như thật thứ tư.
Biết nhàm lìa phiền não, biết ngừng phiền não, biết phòng hộ phiền não, biết dứt trừ phiền não, tu Bồ Tát hạnh, chẳng chứng thật tế, rốt ráo đến nơi thật tế bờ bên kia. Phương tiện khéo léo, khéo học chỗ đáng học, khiến cho hạnh nguyện thuở xưa đều được thành tựu viên mãn, thân chẳng mệt mỏi. Đó là trụ như thật thứ năm.
Biết tất cả chúng sinh chỗ tâm phân biệt, đều không có xứ sở, mà cũng nói có đủ thứ phương xứ. Tuy không phân biệt, không chỗ tạo tác, vì muốn điều phục tất cả chúng sinh, mà có sự tu hành, có tạo tác. Đó là trụ như thật thứ sáu.
Biết tất cả pháp đều đồng một tánh, đó là không tánh. Không có đủ thứ tánh, không có vô lượng tánh, không thể tính đếm tánh, không thể xưng lượng tánh. Không sắc, không tướng. Hoặc một, hoặc nhiều, đều bất khả đắc, mà chắc chắn biết rõ, đó là pháp chư Phật, đó là pháp Bồ Tát, đó là pháp Độc Giác, đó là pháp Thanh Văn, đó là pháp phàm phu, đó là pháp thiện, đó là pháp bất thiện, đó là pháp thế gian, đó là pháp xuất thế gian, đó là pháp lỗi lầm, đó là pháp không lỗi lầm, đó là pháp hữu lậu, đó là pháp vô lậu, cho đến đó là pháp hữu vi, đó là pháp vô vi. Đó là trụ như thật thứ bảy.
Đại Bồ Tát cầu Phật bất khả đắc, cầu Bồ Tát bất khả đắc, cầu pháp bất khả đắc, cầu chúng sinh bất khả đắc, mà cũng chẳng bỏ điều phục chúng sinh, khiến cho các pháp thành chánh giác nguyện. Tại sao ? Vì đại Bồ Tát khéo léo quán sát, biết sự phân biệt của tất cả chúng sinh, biết cảnh giới của tất cả chúng sinh, phương tiện giáo hoá, khiến cho đắc được Niết Bàn. Vì muốn đầy đủ nguyện giáo hoá chúng sinh, mà tu hành Bồ Tát hạnh. Đó là trụ như thật thứ tám.
Đại Bồ Tát biết phương tiện thuyết pháp khéo léo, thị hiện Niết Bàn, vì độ chúng sinh. Hết thảy phương tiện, tất cả đều là tâm tưởng kiến lập, chẳng phải điên đảo, cũng chẳng phải hư dối. Tại sao ? Vì Bồ Tát biết rõ tất cả các pháp, ba đời bình đẳng, như như bất động, thật tế không trụ. Chẳng thấy có một chúng sinh đã thọ sự giáo hoá, đang thọ sự giáo hoá, sẽ thọ sự giáo hoá. Cũng tự biết rõ không có chỗ tu hành, không có chút pháp hoặc sinh, hoặc diệt, mà có thể đắc được, mà nương nơi tất cả pháp, khiến cho sở nguyện chẳng không. Đó là trụ như thật thứ chín.
Đại Bồ Tát nơi vô lượng chư Phật không nghĩ bàn, ở chỗ mỗi vị Phật, nghe bất khả thuyết bất khả thuyết pháp thọ ký, danh hiệu đều khác nhau, kiếp số khác nhau. Từ một kiếp, cho đến bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp, thường nghe như vậy. Nghe rồi tu hành, chẳng sợ hãi, chẳng mê hoặc. Vì biết trí Như Lai không nghĩ bàn, vì lời Như Lai thọ ký không hai, vì hạnh nguyện của mình có sức lực thù thắng, tuỳ ứng thọ hoá, khiến cho thành tựu A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, viên mãn đồng với pháp giới tất cả nguyện. Đó là trụ như thật thứ mười.
Phật tử ! Đó là mười thứ trụ như thật của đại Bồ Tát nơi A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được đại trí huệ báu vô thượng của chư Phật.
Phật tử ! Đại Bồ Tát phát mười thứ tâm đại thừa thệ nguyện như kim cang. Những gì là mười ?
Phật tử ! Đại Bồ Tát nghĩ như vầy : Tất cả các pháp không có bờ mé, không thể cùng tận. Tôi sẽ dùng hết trí huệ ba đời, khắp đều giác ngộ thấu rõ, không có thừa sót. Đó là tâm đại thừa thệ nguyện như kim cang thứ nhất.
Đại Bồ Tát lại nghĩ như vầy : Nơi đầu một sợi lông, có vô lượng vô biên chúng sinh, hà huống là tất cả pháp giới. Tôi sẽ đều dùng vô thượng Niết Bàn mà diệt độ. Đó là tâm đại thừa thệ nguyện như kim cang thứ hai.
Đại Bồ Tát lại nghĩ như vầy : Mười phương thế giới vô lượng vô biên, không có giới hạn, không thể cùng tận. Tôi sẽ dùng cõi nước chư Phật trang nghiêm tối thượng, để trang nghiêm tất cả thế giới như vậy, hết thảy sự trang nghiêm thảy đều chân thật. Đó là tâm đại thừa thệ nguyện như kim cang thứ ba.
Đại Bồ Tát lại nghĩ như vầy : Tất cả chúng sinh vô lượng vô biên, không có giới hạn, không thể cùng tận. Tôi sẽ đem tất cả căn lành hồi hướng đến họ, vô thượng trí huệ quang minh chiếu soi đến họ. Đó là tâm đại thừa thệ nguyện như kim cang thứ tư.
Đại Bồ Tát lại nghĩ như vầy : Tất cả chư Phật vô lượng vô biên, không có giới hạn, không thể cùng tận. Tôi sẽ đem căn lành đã gieo trồng, hồi hướng cúng dường, đều khiến cho khắp cùng, không chỗ thiếu kém. Sau đó tôi sẽ thành A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Đó là tâm đại thừa thệ nguyện như kim cang thứ năm.
Phật tử ! Đại Bồ Tát thấy tất cả chư Phật nghe thuyết pháp, sinh tâm đại hoan hỉ, chẳng chấp vào thân mình, chẳng chấp vào thân Phật. Hiểu thân Như Lai, chẳng thật, chẳng hư, chẳng có, chẳng không, chẳng tánh, chẳng không tánh, chẳng sắc, chẳng không sắc, chẳng tướng, chẳng không tướng, chẳng sinh, chẳng diệt, thật không chỗ có, cũng chẳng hoại có. Tại sao ? Vì không thể dùng tất cả tánh tướng mà chấp lấy. Đó là tâm đại thừa thệ nguyện như kim cang thứ sáu.
Phật tử ! Đại Bồ Tát hoặc bị chúng sinh mắng chửi, huỷ nhục, đánh đập, hoặc chặt tay chân, hoặc cắt tai mũi, hoặc móc mắt, hoặc chặt đầu. Tất cả như vậy đều nhẫn thọ được, trọn không vì đó mà sinh tâm sân hại. Nơi bất khả thuyết bất khả thuyết vô số kiếp, tu Bồ Tát hạnh. Nhiếp thọ chúng sinh, luôn không xả bỏ. Tại sao ? Vì đại Bồ Tát đã khéo quán sát tất cả các pháp không có hai tướng. Tâm chẳng động loạn, xả được thân mình, mà nhẫn sự khổ đó. Đó là tâm đại thừa thệ nguyện như kim cang thứ bảy.
Phật tử ! Đại Bồ Tát lại nghĩ như vầy : Kiếp thuở vị lai, vô lượng vô biên, không có giới hạn, không thể cùng tận. Hết những kiếp đó, tôi sẽ ở trong một thế giới, hành Bồ Tát đạo, giáo hoá chúng sinh. Như một thế giới, tận pháp giới hư không giới tất cả thế giới, cũng đều như thế, mà tâm chẳng kinh hãi sợ sệt. Tại sao ? Vì pháp Bồ Tát đạo, nên như vậy, vì tất cả chúng sinh mà tu hành. Đó là tâm đại thừa thệ nguyện như kim cang thứ tám.
Phật tử ! Đại Bồ Tát lại nghĩ như vầy : A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, dùng tâm làm gốc. Nếu tâm thanh tịnh, thì sẽ viên mãn tất cả căn lành. Nơi Phật bồ đề, tất được tự tại. Muốn thành A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, tuỳ ý liền thành. Nếu muốn đoạn trừ tất cả thủ duyên, trụ đạo mộthướng, thì tôi cũng đắc được, nhưng tôi không dứt, vì muốn rốt ráo Phật bồ đề, cũng không lập tức chứng vô thượng bồ đề. Tại sao ? Vì để viên mãn nguyện xưa : Tận tất cả thế giới, hành Bồ Tát hạnh, giáo hoá chúng sinh. Đó là tâm đại thừa thệ nguyện như kim cang thứ chín.
Phật tử ! Đại Bồ Tát biết Phật bất khả đắc, bồ đề bất khả đắc, Bồ Tát bất khả đắc, tất cả pháp bất khả đắc, chúng sinh bất khả đắc, tâm bất khả đắc, hạnh bất khả đắc, quá khứ bất khả đắc, vị lai bất khả đắc, hiện tại bất khả đắc, tất cả thế gian bất khả đắc, hữu vi vô vi bất khả đắc.
Như vậy Bồ Tát trụ tịch tĩnh, trụ thâm sâu, trụ tịch diệt, trụ không tranh, trụ không lời, trụ không hai, vô đẳng, trụ tự tánh, trụ như lý, trụ giải thoát, trụ Niết Bàn, trụ thật tế, cũng chẳng bỏ tất cả đại nguyện, chẳng bỏ tâm nhất thiết trí, chẳng bỏ Bồ Tát hạnh, chẳng bỏ giáo hoá chúng sinh, chẳng bỏ các Ba La Mật, chẳng bỏ điều phục chúng sinh, chẳng bỏ thừa sự chư Phật, chẳng bỏ diễn nói các pháp, chẳng bỏ trang nghiêm thế giới. Tại sao ? Vì đại Bồ Tát phát đại nguyện, tuy thấu đạt tướng tất cả pháp, tâm đại từ bi, càng thêm tăng trưởng, vô lượng công đức, đều tu hành đầy đủ. Nơi các chúng sinh tâm không bỏ lìa.
Tại sao ? Vì tất cả các pháp, đều không chỗ có. Phàm phu ngu mê, chẳng biết, chẳng giác. Tôi sẽ khiến cho họ đều được khai ngộ, nơi các pháp tánh, chiếu rõ phân minh. Tại sao, Vì tất cả chư Phật an trụ tịch diệt, mà dùng tâm đại bi, nơi các thế gian thuyết pháp giáo hoá, chưa từng ngừng nghỉ. Nay tôi sao lại bỏ đại bi ? Và trước hết tôi sẽ phát tâm thệ nguyện rộng lớn. Phát tâm quyết định lợi ích tất cả chúng sinh. Phát tâm tích tập tất cả căn lành. Phát tâm an trụ hồi hướng khéo léo. Phát tâm sinh ra trí huệ thâm sâu. Phát tâm hàm thọ tất cả chúng sinh. Phát tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh. Nói lời chân thật, chẳng nói lời hư dối, nguyện ban cho tất cả chúng sinh đại pháp vô thượng. Nguyện chẳng dứt giống tánh tất cả chư Phật. Nay tất cả chúng sinh chưa được giải thoát, chưa thành Chánh Giác, chưa đủ Phật pháp, đại nguyện chưa viên mãn, sao lại muốn bỏ lìa đại bi ? Đó là tâm đại thừa thệ nguyện như kim cang thứ mười.
Phật tử ! Đó là mười tâm đại thừa thệ nguyện như kim cang của đại Bồ Tát. Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được tánh kim cang vô thượng đại thần thông trí huệ của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ đại phát khởi. Những gì là mười ?
Đó là : Đại Bồ Tát nghĩ như vầy : Tôi sẽ cúng dường cung kính tất cả chư Phật. Đó là đại phát khởi thứ nhất.
Lại nghĩ như vầy : Tôi sẽ trưởng dưỡng hết thảy căn lành của tất cả Bồ Tát. Đó là đại phát khởi thứ hai.
Lại nghĩ như vầy : Sau khi tất cả Như Lai vào Niết Bàn rồi, tôi sẽ trang nghiêm tháp Phật. Dùng tất cả hoa, tất cả tràng hoa, tất cả hương, tất cả hương đốt, tất cả hương bột, tất cả y, tất cả lọng, tất cả tràng, tất cả phan, để cúng dường. Thọ trì giữ gìn chánh pháp của đức Phật đó. Đó là đại phát khởi thứ ba.
Lại nghĩ như vầy : Tôi sẽ giáo hoá điều phục tất cả chúng sinh, khiến cho đắc được A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Đó là đại phát khởi thứ tư.
Lại nghĩ như vầy : Tôi sẽ dùng sự trang nghiêm vô thượng cõi nước của chư Phật, để trang nghiêm tất cả thế giới. Đó là đại phát khởi thứ năm.
Lại nghĩ như vầy : Tôi sẽ phát tâm đại bi, vì một chúng sinh, trong tất cả thế giới, mỗi thế giới đều hết kiếp thuở vị lai, hành Bồ Tát hạnh. Như vì một chúng sinh, vì tất cả chúng sinh, cũng đều như thế, đều khiến cho đắc được Phật vô thượng bồ đề, cho đến chẳng sinh một niệm lười biếng giải đãi. Đó là đại phát khởi thứ sáu.
Lại nghĩ như vầy : Các Như Lai đó vô lượng vô biên, tôi sẽ ở chỗ tất cả Như Lai, trải qua số kiếp không nghĩ bàn, cung kính cúng dường. Như ở chỗ một đức Như Lai, tất cả Như Lai cũng đều như thế. Đó là đại phát khởi thứ bảy.
Đại Bồ Tát lại nghĩ như vầy : Sau khi các Như Lai đó diệt độ rồi, tôi sẽ vì hết thảy xá lợi của mỗi đức Như Lai, xây dựng bảo tháp cao lớn, đồng với bất khả thuyết các thế giới. Tạo hình tượng Phật, cũng lại như thế. Trải qua số kiếp không thể nghĩ bàn, dùng tất cả tràng phan lọng hương hoa y phục báu để cúng dường. Chẳng sinh một tâm niệm nhàm mỏi, vì thành tựu Phật pháp, vì cúng dường chư Phật, vì giáo hoá chúng sinh, vì hộ trì chánh pháp, khai thị diễn nói. Đó là đại phát khởi thứ tám.
Đại Bồ Tát lại nghĩ như vầy : Tôi sẽ dùng căn lành nầy, để thành tựu vô thượng bồ đề, được vào bậc của tất cả chư Phật Như Lai, bình đẳng thể tánh với tất cả Như Lai. Đó là đại phát khởi thứ chín.
Đại Bồ Tát lại nghĩ như vầy : Sau khi tôi sẽ thành Chánh Giác rồi, trong tất cả thế giới, trải qua bất khả thuyết kiếp, diễn nói chánh pháp. Thị hiện thần thông tự tại không thể nghĩ bàn. Thân miệng và ý chẳng sinh mệt mỏi, chẳng lìa chánh pháp. Do nhờ Phật lực gia trì, vì tất cả chúng sinh siêng hành đại nguyện, vì đại từ làm đầu, vì đại bi rốt ráo, vì đạt pháp vô tướng, vì trụ lời chân thật, vì chứng tất cả pháp đều tịch diệt, vì biết tất cả chúng sinh đều bất khả đắc, nhưng cũng không trái với các nghiệp đã làm, vì đồng một thể với chư Phật ba đời, vì khắp cùng pháp giới hư không giới, vì thông đạt các pháp vô tướng, vì thành tựu bất sinh bất diệt, vì đầy đủ tất cả Phật pháp. Dùng đại nguyện lực điều phục chúng sinh, làm đại Phật sự. Đó là đại phát khởi thứ mười.
Phật tử ! Đó là mười thứ đại phát khởi của đại Bồ Tát. Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ chẳng dứt Bồ Tát hạnh, đầy đủ đại trí vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười đại sự rốt ráo. Những gì là mười ?
Đó là : Đại sự rốt ráo cung kính cúng dường tất cả Như Lai. Đại sự rốt ráo tuỳ chỗ nghĩ nhớ của chúng sinh, đều có thể cứu hộ. Đại sự rốt ráo chuyên cầu tất cả Phật pháp. Đại sự rốt ráo tích tập tất cả căn lành. Đại sự rốt ráo tư duy tất cả Phật pháp. Đại sự rốt ráo đầy đủ tất cả thệ nguyện. Đại sự rốt ráo thành tựu tất cả Bồ Tát hạnh. Đại sự rốt ráo phụng sự tất cả thiện tri thức. Đại sự rốt ráo đi đến tất cả thế giới chỗ của các Như Lai. Đại sự rốt ráo lắng nghe giữ gìn chánh pháp của tất cả chư Phật. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được đại sự rốt ráo đại trí huệ A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ tin bất hoại. Những gì là mười ?
Đó là : Tin bất hoại đối với tất cả chư Phật. Tin bất hoại đối với tất cả các pháp. Tin bất hoại đối với tất cả Thánh Tăng. Tin bất hoại đối với tất cả Bồ Tát. Tin bất hoại đối với tất cả thiện tri thức. Tin bất hoại đối với tất cả chúng sinh. Tin bất hoại đối với tất cả Bồ Tát đại nguyện. Tin bất hoại đối với tất cả Bồ Tát hạnh. Tin bất hoại đối với sự cung kính cúng dường tất cả chư Phật. Tin bất hoại đối với Bồ Tát phương tiện khéo léo giáo hoá điều phục tất cả chúng sinh. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được tin bất hoại đại trí huệ vô thượng của chư Phật.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ được thọ ký. Những gì là mười ?
Đó là : Bên trong có sự hiểu biết thâm sâu được thọ ký. Có thể tuỳ thuận sinh khởi Bồ Tát các căn lành được thọ ký. Tu hạnh rộng lớn được thọ ký. Hiện tiền được thọ ký. Chẳng hiện tiền được thọ ký. Do tâm mình chứng bồ đề được thọ ký. Thành tựu nhẫn được thọ ký. Giáo hoá điều phục chúng sinh được thọ ký. Rốt ráo tất cả kiếp số được thọ ký. Tất cả Bồ Tát hạnh tự tại được thọ ký. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì ở chỗ tất cả chư Phật sẽ được thọ ký.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ hồi hướng căn lành. Bồ Tát nhờ đó mà có thể hồi hướng tất cả căn lành. Những gì là mười ?
Đó là : Đem căn lành của tôi, đồng nguyện với thiện tri thức, thành tựu như vậy, chớ thành tựu khác.
Đem căn lành của tôi, đồng với tâm thiện tri thức, thành tựu như vậy, chớ thành tựu khác.
Đem căn lành của tôi, đồng hạnh với thiện tri thức, thành tựu như vậy, chớ thành tựu khác.
Đem căn lành của tôi, đồng căn lành với thiện tri thức, thành tựu như vậy, chớ thành tựu khác.
Đem căn lành của tôi, đồng bình đẳng với thiện tri thức, thành tựu như vậy, chớ thành tựu khác.
Đem căn lành của tôi, đồng niệm với thiện tri thức, thành tựu như vậy, chớ thành tựu khác.
Đem căn lành của tôi, đồng thanh tịnh với thiện tri thức, thành tựu như vậy, chớ thành tựu khác.
Đem căn lành của tôi, đồng chỗ trụ với thiện tri thức, thành tựu như vậy, chớ thành tựu khác.
Đem căn lành của tôi, đồng thành tựu viên mãn với thiện tri thức, thành tựu như vậy, chớ thành tựu khác.
Đem căn lành của tôi, đồng bất hoại với thiện tri thức, thành tựu như vậy, chớ thành tựu khác. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được căn lành hồi hướng vô thượng.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có thứ được trí huệ. Những gì là mười ?
Đó là : Đối với bố thí tự tại được trí huệ. Hiểu sâu tất cả Phật pháp được trí huệ. Vào vô biên trí Như Lai được trí huệ. Trong tất cả vấn đáp hay dứt nghi được trí huệ. Vào nơi nghĩa của bậc trí được trí huệ. Hiểu sâu tất cả Như Lai, ở trong tất cả Phật pháp lời nói âm thanh khéo léo được trí huệ. Hiểu sâu chỗ chư Phật, gieo trồng chút căn lành, tất sẽ đầy đủ tất cả pháp trắng tịnh, đắc được vô lượng trí Như Lai được trí huệ. Thành tựu trụ không thể nghĩ bàn của Bồ Tát được trí huệ. Ở trong một niệm, đều có thể đi đến bất khả thuyết cõi Phật được trí huệ. Giác tất cả Phật bồ đề, vào tất cả pháp giới, lắng nghe thọ trì pháp của tất cả chư Phật nói, vào sâu đủ thứ lời nói âm thanh trang nghiêm của tất cả Như Lai được trí huệ. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được hiện chứng trí vô thượng của tất cả chư Phật.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ phát tâm rộng lớn vô lượng vô biên. Những gì là mười ?
Đó là : Ở chỗ tất cả chư Phật, phát tâm rộng lớn vô lượng vô biên. Quán tất cả cõi chúng sinh, phát tâm rộng lớn vô lượng vô biên. Quán tất cả cõi, tất cả đời, tất cả pháp giới, phát tâm rộng lớn vô lượng vô biên. Quán sát tất cả pháp đều như hư không, phát tâm rộng lớn vô lượng vô biên. Quán sát tất cả Bồ Tát hạnh rộng lớn, phát tâm rộng lớn vô lượng vô biên. Chánh niệm ba đời tất cả chư Phật, phát tâm rộng lớn vô lượng vô biên. Quán các nghiệp quả báo không nghĩ bàn, phát tâm rộng lớn vô lượng vô biên. Nghiêm tịnh tất cả cõi Phật, phát tâm rộng lớn vô lượng vô biên. Vào khắp đại hội của tất cả chư Phật, phát tâm rộng lớn vô lượng vô biên. Quán sát diệu âm của tất cả Như Lai, phát tâm rộng lớn vô lượng vô biên. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được biển trí huệ tất cả Phật pháp rộng lớn vô lượng vô biên.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ phục tạng. Những gì là mười ?
Đó là : Biết tất cả pháp là tạng khởi hạnh công đức. Biết tất cả pháp là tạng chánh tư duy. Biết tất cả pháp là tạng Đà la ni chiếu sáng. Biết tất cả pháp là tạng biện tài khai diễn. Biết tất cả pháp là tạng bất khả thuyết khéo giác ngộ chân thật. Biết tất cả thần thông tự tại của Phật là tạng quán sát thị hiện. Biết tất cả pháp là tạng khéo léo sinh ra bình đẳng. Biết tất cả pháp là tạng thường thấy tất cả chư Phật. Biết tất cả kiếp không nghĩ bàn là tạng khéo biết rõ đều trụ như huyễn. Biết tất cả chư Phật Bồ Tát là tạng phát sinh hoan hỉ tịnh tín. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được pháp tạng trí huệ vô thượng của tất cả chư Phật, đều điều phục được tất cả chúng sinh.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ luật nghi. Những gì là mười ?
Đó là : Luật nghi chẳng sinh phỉ báng, đối với tất cả Phật pháp. Luật nghi tâm tin ưa, ở chỗ tất cả chư Phật. Luật nghi khởi tâm tôn trọng cung kính, ở chỗ tất cả Bồ Tát. Luật nghi trọn không xả tâm ái lạc, ở chỗ tất cả thiện tri thức. Luật nghi chẳng sinh tâm nghĩ nhớ, đối với tất cả Thanh Văn Độc Giác. Luật nghi xa lìa tất cả thối chuyển Bồ Tát đạo. Luật nghi chẳng khởi tâm tổn hại tất cả chúng sinh. Luật nghi tu tất cả căn lành, đều khiến cho rốt ráo. Luật nghi đối với tất cả ma, đều hàng phục được. Luật nghi đối với tất cả Ba la mật, đều khiến cho đầy đủ.  Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được luật nghi đại trí vô thượng.
Phật tử !  Đại Bồ Tát có mười thứ tự tại. Những gì là mười ?
Đó là : Mạng tự tại, vì nơi bất khả thuyết kiếp trụ thọ mạng. Tâm tự tại, vì trí huệ vào được A tăng kỳ các tam muội. Đồ dùng tự tại, vì có thể dùng vô lượng sự trang nghiêm, để trang nghiêm tất cả thế giới. Nghiệp tự tại, vì tuỳ thời thọ báo. Thọ sanh tự tại, vì nơi tất cả thế giới thị hiện thọ sanh. Hiểu tự tại, vì nơi tất cả thế giới thấy Phật đầy khắp. Nguyện tự tại, tuỳ ý muốn tuỳ thời ở trong các cõi thành Chánh Giác. Thần lực tự tại, vì thị hiện tất cả đại thần biến. Pháp tự tại, vì thị hiện vô biên các pháp môn. Trí tự tại, vì ở trong niệm niệm thị hiện Như Lai thập lực vô uý thành Chánh Giác. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ được viên mãn các Ba La Mật, trí huệ thần lực, bồ đề tự tại, của tất cả chư Phật.
 
Phật tử[15] ! Đại Bồ Tát có mười thứ vô ngại dụng. Những gì là mười ?
Đó là : Chúng sinh vô ngại dụng. Cõi nước vô ngại dụng. Pháp vô ngại dụng. Thân vô ngại dụng. Nguyện vô ngại dụng. Cảnh giới vô ngại dụng. Trí vô ngại dụng. Thần thông vô ngại dụng. Thần lực vô ngại dụng. Lực vô ngại dụng.
Phật tử ! Thế nào là đại Bồ Tát chúng sinh đồng vô ngại dụng ?
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ chúng sinh vô ngại dụng. Những gì là mười ?
Đó là : Biết tất cả chúng sinh không chúng sinh vô ngại dụng. Biết tất cả chúng sinh chỉ do tưởng trì vô ngại dụng. Vì tất cả chúng sinh thuyết pháp chưa từng thất thời vô ngại dụng. Khắp hoá hiện tất cả cõi chúng sinh vô ngại dụng. Để tất cả chúng sinh ở trong một lỗ chân lông mà chẳng chật hẹp vô ngại dụng. Vì tất cả chúng sinh thị hiện tất cả thế giới phương khác, khiến cho họ đều thấy vô ngại dụng. Vì tất cả chúng sinh mà thị hiện thân chư Thiên Thích Phạm Hộ Thế vô ngại dụng. Vì tất cả chúng sinh thị hiện Thanh Văn Bích Chi Phật tịch tĩnh oai nghi vô ngại dụng. Vì tất cả chúng sinh thị hiện Bồ Tát hạnh vô ngại dụng. Vì tất cả chúng sinh thị hiện chư Phật sắc thân tướng tốt nhất thiết trí lực thành Đẳng Chánh Giác vô ngại dụng. Đó là mười.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ cõi nước vô ngại dụng. Những gì là mười ?
Đó là : Tất cả cõi làm một cõi vô ngại dụng. Tất cả cõi vào một lỗ chân lông vô ngại dụng. Biết tất cả cõi vô cùng tận vô ngại dụng. Một thân ngồi kiết già, đầy khắp tất cả cõi vô ngại dụng. Trong một thân hiện tất cả cõi vô ngại dụng. Chấn động tất cả cõi chẳng khiến cho chúng sinh kinh hãi vô ngại dụng. Dùng đồ trang nghiêm tất cả cõi, để trang nghiêm một cõi vô ngại dụng. Dùng đồ trang nghiêm một cõi để trang nghiêm tất cả cõi vô ngại dụng. Dùng một Như Lai, một chúng hội, khắp tất cả cõi Phật thị hiện chúng sinh vô ngại dụng. Tất cả cõi nhỏ, cõi vừa, cõi lớn, cõi rộng, cõi sâu, cõi ngửa, cõi úp, cõi nghiêng, cõi thẳng, khắp các phương lưới vô lượng khác biệt, đem những cõi đó khắp thị hiện cho tất cả chúng sinh vô ngại dụng. Đó là mười.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ pháp vô ngại dụng. Những gì là mười ?
Đó là : Biết tất cả pháp vào một pháp, một pháp vào tất cả pháp, mà cũng chẳng trái với tâm hiểu chúng sinh vô ngại dụng.
Từ Bát Nhã Ba La Mật sinh ra tất cả pháp, vì họ giải nói, đều khiến cho giác ngộ vô ngại dụng.
Biết tất cả pháp lìa văn tự, mà khiến chúng sinh đều được ngộ nhập vô ngại dụng.
Biết tất cả pháp vào một tướng, mà hay diễn nói vô lượng pháp tướng vô ngại dụng.
Biết tất cả pháp lìa lời nói, hay vì họ nói vô biên pháp môn vô ngại dụng.
Nơi tất cả pháp khéo chuyển phổ môn tự luân vô ngại dụng.
Đem tất cả pháp vào một pháp môn mà chẳng trái nhau, trong bất khả thuyết kiếp nói không cùng tận vô ngại dụng.
Đem tất cả pháp đều vào Phật pháp, khiến các chúng sinh đều được ngộ hiểu vô ngại dụng.
Biết tất cả pháp không có bờ mé vô ngại dụng.
Biết tất cả pháp không bờ mé chướng ngại, giống như lưới huyễn vô lượng khác biệt, trong vô lượng kiếp vì chúng sinh nói không cùng tận vô ngại dụng. Đó là mười.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ thân vô ngại dụng. Những gì là mười ?
Đó là : Đem tất cả thân chúng sinh vào thân mình vô ngại dụng. Đem thân mình vào thân tất cả chúng sinh vô ngại dụng. Tất cả thân chư Phật vào một thân Phật vô ngại dụng. Một thân Phật vào tất cả thân Phật vô ngại dụng. Tất cả cõi vào thân mình vô ngại dụng.
Dùng một thân khắp cùng tất cả pháp giới ba đời thị hiện chúng sinh vô ngại dụng.
Nơi một thân thị hiện vô biên thân nhập tam muội vô ngại dụng.
Nơi một thân thị hiện thân đồng số chúng sinh thành Chánh Giác vô ngại dụng.
Nơi tất cả thân chúng sinh hiện một thân chúng sinh, nơi thân một chúng sinh hiện hiện tất cả thân chúng sinh vô ngại dụng.
Nơi thân tất cả chúng sinh thị hiện pháp thân, nơi pháp thân thị hiện tất cả thân chúng sinh vô ngại dụng. Đó là mười.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ nguyện vô ngại dụng. Những gì là mười ?
Đó là : Dùng nguyện của tất cả Bồ Tát làm nguyện của mình vô ngại dụng.
Dùng nguyện lực của tất cả chư Phật thành bồ đề, thị hiện tự mình thành Chánh Giác vô ngại dụng.
Tuỳ sự giáo hoá chúng sinh tự mình thành A nậu đa la tam miệu tam bồ đề vô ngại dụng.
Trong tất cả vô biên tế kiếp, đại nguyện chẳng dứt vô ngại dụng.
Xa lìa thức thân, chẳng chấp trí thân, dùng tự tại nguyện, hiện tất cả thân vô ngại dụng.
Xả bỏ thân mình, thành tựu viên mãn nguyện người khác vô ngại dụng.
Giáo hoá khắp tất cả chúng sinh mà chẳng bỏ đại nguyện vô ngại dụng.
Nơi tất cả kiếp hành Bồ Tát hạnh, mà đại nguyện chẳng dứt vô ngại dụng.
Nơi một lỗ chân lông hiện thành Chánh Giác, do nhờ nguyện lực, khắp cùng tất cả cõi nước chư Phật, nơi bất khả thuyết bất khả thuyết thế giới, vì mỗi mỗi chúng sinh thị hiện như vậy vô ngại dụng.
Nói một câu pháp khắp tất cả pháp giới, nổi mây đại chánh pháp, chiếu soi ánh chớp giải thoát, chấn động tiếng sấm thật pháp, mưa xuống vị mưa cam lồ, dùng sức đại nguyện, thấm khắp tất cả các cõi chúng sinh vô ngại dụng. Đó là mười.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ cảnh giới vô ngại dụng. Những gì là mười ?
Đó là : Tại cảnh giới pháp giới mà chẳng bỏ cảnh giới chúng sinh vô ngại dụng.
Tại cảnh giới Phật mà chẳng bỏ cảnh giới ma vô ngại dụng.
Tại cảnh giới Niết Bàn mà chẳng bỏ cảnh giới sinh tử vô ngại dụng.
Vào cảnh giới nhất thiết trí mà chẳng dứt cảnh giới giống tánh Bồ Tát vô ngại dụng.
Trụ cảnh giới tịch tĩnh mà chẳng bỏ cảnh giới tán loạn vô ngại dụng.
Trụ cảnh giới không đến, không đi, không hí luận, không tướng trạng, không thể tánh, không lời nói, như hư không, mà chẳng bỏ cảnh giới tất cả chúng sinh hí luận vô ngại dụng.
Trụ cảnh giới các lực giải thoát, mà chẳng bỏ cảnh giới tất cả các phương sở vô ngại dụng.
Vào cảnh giới không bờ mé chúng sinh, mà chẳng bỏ giáo hoá tất cả chúng sinh vô ngại dụng.
Trụ cảnh giới thiền định giải thoát thần thông minh trí tịch tĩnh, mà nơi tất cả thế giới thị hiện thọ sinh vô ngại dụng.
Trụ cảnh giới Như Lai tất cả hạnh trang nghiêm thành Chánh Giác, mà hiện tất cả Thanh Văn Bích Chi Phật tịch tĩnh oai nghi vô ngại dụng. Đó là mười.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ trí vô ngại dụng. Những gì là mười ?
Đó là : Vô tận biện tài vô ngại dụng. Tất cả tổng trì không quên mất vô ngại dụng. Hay quyết định biết quyết định nói các căn của tất cả chúng sinh vô ngại dụng.
Trong một niệm, dùng trí vô ngại biết tâm hành của tất cả chúng sinh vô ngại dụng.
Biết bệnh dục lạc tuỳ miên tập khí phiền não của tất cả chúng sinh, tuỳ chỗ thích nghi mà cho thuốc vô ngại dụng.
Một niệm có thể vào mười lực của Như Lai vô ngại dụng.
Dùng trí vô ngại biết tất cả kiếp ba đời, và chúng sinh ở trong đó vô ngại dụng.
Trong niệm niệm hiện thành Chánh Giác, thị hiện chúng sinh không có đoạn tuyệt vô ngại dụng.
Nơi một chúng sinh nghĩ tưởng, biết nghiệp của tất cả chúng sinh vô ngại dụng.
Nơi âm thanh một chúng sinh, hiểu tiếng nói của tất cả chúng sinh vô ngại dụng. Đó là mười.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ thần thông vô ngại dụng. Những gì là mười ?
Đó là : Nơi một thân thị hiện thân trong tất cả thế giới vô ngại dụng.
Nơi chúng hội một vị Phật, nghe thọ tất cả chư Phật chúng hội thuyết pháp vô ngại dụng.
Trong tâm niệm của một chúng sinh, thành tựu bất khả thuyết vô thượng bồ đề, khai ngộ tâm tất cả chúng sinh vô ngại dụng.
Dùng một âm hiện âm thanh khác nhau trong tất cả thế giới, khiến các chúng sinh đều hiểu rõ được vô ngại dụng.
Trong một niệm hiện hết thảy nghiệp quả đủ thứ sự khác nhau của tất cả kiếp thuở trước, khiến các chúng sinh đều thấy biết được vô ngại dụng.
Trong một hạt bụi xuất hiện cõi Phật rộng lớn vô lượng trang nghiêm vô ngại dụng.
Khiến cho tất cả thế giới đầy đủ trang nghiêm vô ngại dụng.
Khắp vào tất cả ba đời vô ngại dụng.
Phóng đại pháp quang minh, hiện tất cả chư Phật bồ đề chúng sinh hạnh nguyện vô ngại dụng.
Khéo hộ trì tất cả trời, rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, Thích Phạm Hộ Thế, Thanh Văn Độc Giác Bồ Tát, hết thảy Như Lai thập lực, Bồ Tát căn lành vô ngại dụng. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát được vô ngại dụng nầy, thì sẽ vào khắp được tất cả Phật pháp.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ thần lực vô ngại dụng. Những gì là mười ?
Đó là : Đem bất khả thuyết thế giới để vào trong một hạt bụi vô ngại dụng.
Ở trong một hạt bụi hiện tất cả cõi Phật đồng pháp giới vô ngại dụng.
Đem nước của tất cả biển để vào trong một lỗ chân lông, qua lại khắp mười phương thế giới, mà chúng sinh không bị xúc nhiễu vô ngại dụng.
Đem bất khả thuyết thế giới, để trong thân mình, thị hiện tất cả thần thông việc làm vô ngại dụng.
Dùng một sợi lông buộc bất khả số núi Kim Cang, núi Thiết Vi, cầm đi du hành tất cả thế giới, chẳng khiến cho chúng sinh sinh tâm sợ hãi vô ngại dụng.
Đem bất khả thuyết kiếp làm một kiếp, một kiếp làm bất khả thuyết kiếp, trong đó thị hiện thành hoại khác nhau, chẳng khiến cho chúng sinh có tâm sợ hãi vô ngại dụng.
Trong tất cả thế giới hiện nạn nước gió lửa đủ thứ sự biến hoại, mà chẳng não chúng sinh vô ngại dụng.
Khi ba nạn huỷ hoại tất cả thế giới, đều có thể hộ trì tất cả chúng sinh những vật cần dùng, chẳng khiến cho tổn hại thiếu thốn vô ngại dụng.
Dùng một tay cầm bất tư nghì thế giới, ném qua bất khả thuyết thế giới, chẳng khiến cho chúng sinh có tâm sợ hãi vô ngại dụng.
Nói tất cả cõi đồng với hư không, khiến cho các chúng sinh đều được ngộ hiểu vô ngại dụng. Đó là mười.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ lực vô ngại dụng. Những gì là mười ?
Đó là : Lực của chúng sinh vô ngại dụng, vì giáo hoá điều phục chẳng xả lìa. Lực của cõi vô ngại dụng, vì thị hiện bất khả thuyết sự trang nghiêm để trang nghiêm. Lực của pháp vô ngại dụng, vì khiến tất cả thân vào không thân. Lực của kiếp vô ngại dụng, vì tu hành chẳng dứt. Lực của Phật vô ngại dụng, vì giác ngộ thuỳ miên. Lực của hạnh vô ngại dụng, vì nhiếp lấy tất cả Bồ Tát hạnh. Lực của Như Lai vô ngại dụng, vì độ thoát tất cả chúng sinh. Lực không thầy vô ngại dụng, vì tự giác tất cả các pháp. Lực nhất thiết trí vô ngại dụng, vì nhờ nhất thiết trí thành Chánh Giác. Lực đại bi vô ngại dụng, vì chẳng bỏ tất cả chúng sinh. Đó là mười.
Phật tử ! Trên đây là mười thứ vô ngại dụng của đại Bồ Tát. Nếu Bồ Tát đắc được mười vô ngại dụng nầy, thì nơi A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, muốn thành, hoặc chẳng muốn thành, đều tuỳ ý chẳng trái. Tuy thành Chánh Giác, mà cũng chẳng dứt thực hành Bồ Tát hạnh. Tại sao ? Vì đại Bồ Tát phát đại thệ nguyện, vào vô biên môn vô ngại dụng, khéo léo thị hiện.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ du hí. Những gì là mười ?
Đó là : Dùng thân chúng sinh làm thân cõi, mà cũng chẳng hoại thân chúng sinh, là du hí của Bồ Tát.
Dùng thân cõi làm thân chúng sinh, mà cũng chẳng hoại thân cõi, là du hí của Bồ Tát.
Nơi thân Phật thị hiện thân Thanh Văn Độc Giác, mà chẳng tổn giảm thân Như Lai, là du hí của Bồ Tát.
Nơi thân Thanh Văn Độc Giác, thị hiện thân Như Lai, mà chẳng tăng trưởng thân Thanh Văn Độc Giác, là du hí của Bồ Tát.
Nơi thân Bồ Tát hạnh, thị hiện thành thân Chánh Giác, mà cũng chẳng dứt thân Bồ Tát hạnh, là du hí của Bồ Tát.
Nơi thân thành Chánh Giác, thị hiện thân tu Bồ Tát hạnh, mà cũng chẳng giảm thân thành bồ đề, là du hí của Bồ Tát.
Nơi cõi Niết Bàn, thị hiện thân sanh tử, mà chẳng chấp sanh tử, là du hí của Bồ Tát.
Nơi cõi sanh tử, thị hiện Niết Bàn, cũng chẳng rốt ráo vào nơi Niết Bàn, là du hí của Bồ Tát.
Vào nơi tam muội, mà thị hiện đi đứng nằm ngồi tất cả nghiệp, cũng chẳng bỏ tam muội chánh thọ, là du hí của Bồ Tát.
Ở chỗ một đức Phật, nghe pháp thọ trì, thân Bồ Tát chẳng động, mà dùng sức tam muội, thảy đều thị hiện thân trong bất khả thuyết hội chư Phật, cũng chẳng phân thân, cũng chẳng khởi định, mà nghe pháp thọ trì, liên tục không dứt. Niệm niệm như vậy nơi mỗi mỗi thân tam muội, đều sinh ra bất khả thuyết bất khả thuyết thân tam muội. Như vậy thứ lớp tất cả các kiếp, có thể cùng tận, mà thân tam muội Bồ Tát không thể cùng tận, là du hí của Bồ Tát. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được đại trí huệ du hí vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ cảnh giới. Những gì là mười ?
Đó là : Thị hiện vô biên môn pháp giới khiến cho chúng sinh đều được vào, là cảnh giới của Bồ Tát.
Thị hiện sự trang nghiêm tốt đẹp của tất cả thế giới, khiến cho chúng sinh đều được vào, là cảnh giới của Bồ Tát.
Hoá vãng tất cả cõi chúng sinh, đều phương tiện khai ngộ, là cảnh giới của Bồ Tát.
Nơi thân Như Lai sinh ra thân Bồ Tát, nơi thân Bồ Tát sinh ra thân Như Lai, là cảnh giới của Bồ Tát.
Nơi cõi hư không hiện thế giới, nơi thế giới hiện cõi hư không, là cảnh giới của Bồ Tát.
Nơi cõi sinh tử hiện cõi Niết Bàn, nơi cõi Niết Bàn hiện cõi sinh tử, là cảnh giới của Bồ Tát.
Trong ngôn ngữ của một chúng sinh, sinh ra ngôn ngữ tất cả Phật pháp, là cảnh giới của Bồ Tát.
Dùng vô biên thân hiện làm một thân, một thân hiện làm tất cả thân khác nhau, là cảnh giới của Bồ Tát.
Dùng một thân sung mãn tất cả pháp giới, là cảnh giới của Bồ Tát.
Trong một niệm, khiến cho tất cả chúng sinh phát bồ đề tâm, đều hiện vô lượng thân thành Đẳng Chánh Giác, là cảnh giới của Bồ Tát. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được cảnh giới đại trí huệ vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ lực. Những gì là mười ?
Đó là : Thâm tâm lực, vì chẳng tạp nhiễm tất cả tình đời. Tăng thượng thâm tâm lực, vì chẳng bỏ tất cả Phật pháp. Phương tiện lực, vì việc làm các cõi đều rốt ráo. Trí lực, vì biết rõ tất cả tâm hạnh. Nguyện lực, vì tất cả sở cầu khiến cho viên mãn. Hạnh lực, vì hết thuở vị lai chẳng dứt. Thừa lực, vì hay sinh ra tất cả thừa mà chẳng bỏ đại thừa. Thần thông lực, vì trong mỗi lỗ chân lông, thảy đều thị hiện tất cả thế giới thanh tịnh, tất cả Như Lai xuất hiện ra đời. Bồ đề lực, vì khiến cho tất cả chúng sinh phát tâm thành Phật, không đoạn tuyệt. Chuyển pháp luân lực, vì nói một câu pháp, đều xứng với các căn dục của tất cả chúng sinh. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được mười lực nhất thiết trí vô thượng của chư Phật.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ không sợ hãi. Những gì là mười ?
Phật tử ! Đại Bồ Tát đều có thể nghe thọ trì tất cả lời nói, bèn nghĩ như vầy : Nếu có vô lượng vô biên chúng sinh, từ mười phương đến, dùng trăm ngàn đại pháp để hỏi tôi. Tôi theo câu hỏi của họ, trả lời không có chút khó khăn gì, vì chẳng thấy khó, nên tâm không sợ hãi, rốt ráo đến bờ bên kia không sợ hãi. Tuỳ theo câu hỏi của họ, đều giải đáp đúng đắn, dứt trừ sự nghi hoặc của họ, không có khiếp nhược. Đó là không sợ hãi thứ nhất của Bồ Tát.
Phật tử ! Đại Bồ Tát được Như Lai quán đảnh vô ngại biện tài, đến nơi tất cả văn tự ngôn âm, khai thị bí mật, rốt ráo bờ bên kia. Bèn nghĩ như vầy : Nếu có vô lượng vô biên chúng sinh, từ mười phương đến, dùng vô lượng pháp để hỏi tôi. Tôi sẽ theo câu hỏi của họ, trả lời không thấy có chút khó khăn gì, vì không thấy khó khăn, nên tâm được không sợ hãi, rốt ráo đến bờ bên kia không sợ hãi. Tuỳ theo câu hỏi của họ, đều giải đáp đúng đắn, dứt trừ sự nghi hoặc của họ, không có kinh hãi. Đó là không sợ hãi thứ hai của Bồ Tát.
Phật tử ! Đại Bồ Tát biết tất cả pháp không, lìa cái ta, lìa của ta, không làm, không kẻ làm, không kẻ biết, không kẻ thọ, không kẻ dưỡng dục, không Bổ già la, lìa uẩn giới xứ, vĩnh viễn thoát khỏi các kiến, tâm như hư không. Bèn nghĩ như vầy : Chẳng thấy chúng sinh có chút tướng có thể tổn não nghiệp thân lời ý của tôi. Tại sao ? Vì Bồ Tát đã xa lìa cái ta, của ta, chẳng thấy các pháp có chút tánh tướng, vì không thấy, nên tâm không sợ hãi, rốt ráo đến bờ bên kia không sợ hãi. Kiên cố dũng mãnh, không thể trở hoại. Đó là không sợ hãi thứ ba của Bồ Tát.
Phật tử ! Đại Bồ Tát nhờ Phật lực hộ trì, trụ Phật oai nghi, thực hành chân thật, không có đổi khác. Bèn nghĩ như vầy : Tôi chẳng thấy có chút phần oai nghi, khiến cho các chúng sinh sinh tướng quở trách, vì chẳng thấy nên tâm được không sợ hãi. Ở trong đại chúng an ổn thuyết pháp. Đó là không sợ hãi thứ tư của Bồ Tát.
Phật tử ! Đại Bồ Tát thân lời ý nghiệp thảy đều thanh tịnh, sạch trắng nhu hoà, xa lìa các ác. Bèn nghĩ như vầy : Tôi chẳng thấy thân lời ý nghiệp của mình, có chút phần đáng quở trách, vì chẳng thấy, nên tâm không sợ hãi. Hay khiến chúng sinh trụ nơi Phật pháp. Đó là không sợ hãi thứ năm của đại Bồ Tát.
Phật tử ! Đại Bồ Tát được Kim Cang Lực Sĩ, trời, rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A tu la, Đế Thích, Phạm Vương, Tứ Thiên Vương .v.v… thường theo hầu hạ, tất cả Như Lai hộ niệm chẳng rời, đại Bồ Tát bèn nghĩ như vầy : Tôi chẳng thấy có chúng ma ngoại đạo, hoặc chúng sinh nào, có thể đến chướng ngại chút phần sự tu hành Bồ Tát đạo của tôi. Vì không thấy nên tâm không sợ hãi, rốt ráo đến được bờ bên kia không sợ hãi. Phát tâm hoan hỉ, hành Bồ Tát hạnh. Đó là không sợ hãi thứ sáu của Bồ Tát.
Phật tử ! Đại Bồ Tát đã thành tựu được niệm căn đệ nhất, niệm không quên mất, được Phật hoan hỉ hứa khả. Bèn nghĩ như vầy : Như Lai nói văn tự câu pháp thành tựu đạo bồ đề, tôi chẳng thấy trong đó có chút phần quên mất, vì không thấy quên mất, nên tâm không sợ hãi. Thọ trì tất cả chánh pháp của Như Lai, hành Bồ Tát hạnh. Đó là không sợ hãi thứ bảy của Bồ Tát.
Phật tử ! Đại Bồ Tát trí huệ phương tiện, đều đã thông đạt. Bồ Tát các lực đều được rốt ráo. Thường xuyên giáo hoá tất cả chúng sinh, luôn dùng nguyện tâm, kết buộc Phật bồ đề, là vì bi mẫn chúng sinh, vì thành tựu chúng sinh. Nơi đời phiền não ô trược, thị hiện thọ sanh vào dòng dõi tôn quý, quyến thuộc viên mãn. Chỗ mong muốn toại tâm mãn nguyện, hoan hỉ vui sướng, mà nghĩ như vầy : Tuy tôi tụ hội với quyến thuộc nầy, chẳng thấy có chút gì đáng tham luyến, để tôi bỏ sự tu hành thiền định giải thoát, và các tam muội tổng trì biện tài pháp Bồ Tát đạo. Tại sao ? Vì đại Bồ Tát nơi tất cả pháp, đã được tự tại, đến nơi bờ kia. Tu Bồ Tát hạnh, thề chẳng đoạn tuyệt. Chẳng thấy thế gian có cảnh giới nào, có thể mê loạn Bồ Tát đạo. Vì chẳng thấy, nên tâm không sợ hãi, rốt ráo đến bờ bên kia không sợ hãi. Nhờ sức đại nguyện, nơi tất cả thế giới, thị hiện thọ sanh. Đó là không sợ hãi thứ tám của Bồ Tát.
Phật tử ! Đại Bồ Tát luôn chẳng quên mất tâm nhất thiết trí. Ngồi nơi đại thừa, hành Bồ Tát hạnh. Dùng thế lực đại tâm nhất thiết trí, thị hiện tất cả oai nghi tịch tĩnh của Thanh Văn Độc Giác. Bèn nghĩ như vầy : Tôi chẳng thấy mình sẽ ở nơi nhị thừa mà lấy chút phần xuất ly. Vì chẳng thấy, nên tâm không sợ hãi, đến bờ bên kia vô thượng không sợ hãi. Hay thị hiện khắp tất cả thừa đạo, rốt ráo đầy đủ đại thừa bình đẳng. Đó là không sợ hãi thứ chín của Bồ Tát.
Phật tử ! Đại Bồ Tát thành tựu tất cả các pháp trắng tịnh, đầy đủ căn lành, viên mãn thần thông. Rốt ráo trụ nơi chư Phật bồ đề, đầy đủ tất cả các Bồ Tát hạnh. Ở chỗ chư Phật, được thọ ký quán đảnh nhất thiết trí, mà thường giáo hoá chúng sinh, hành Bồ Tát đạo. Bèn nghĩ như vầy : Tôi chẳng thấy mình có chúng sinh nào, đáng được thành thục, mà không thể thị hiện sự tự tại của chư Phật để thành thục. Vì không thấy, nên tâm không sợ hãi. Rốt ráo đến bờ bên kia không sợ hãi, chẳng dứt Bồ Tát hạnh, chẳng bỏ nguyện Bồ Tát. Tuỳ sự ứng hoá tất cả chúng sinh, mà hiện cảnh giới Phật hoá độ. Đó là không sợ hãi thứ mười của Bồ Tát.
Phật tử ! Đó là mười điều không sợ hãi của đại Bồ Tát. Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được không sợ hãi vô thượng của chư Phật, mà cũng chẳng bỏ không sợ hãi của Bồ Tát.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười pháp bất cộng. Những gì là mười ?
Phật tử ! Đại Bồ Tát chẳng do người khác dạy, tự nhiên tu hành lục độ Ba La Mật. Thường ưa thích bố thí lớn, chẳng sinh tâm bỏn sẻn. Luôn giữ giới thanh tịnh, không có huỷ phạm. Đầy đủ nhẫn nhục, tâm chẳng giao động. Có đại tinh tấn, chưa từng thối chuyển. Khéo vào các thiền, vĩnh viễn không tán loạn. Khéo tu trí huệ, đều trừ ác kiến. Đó là pháp bất cộng thứ nhất : Tuỳ thuận đạo Ba La Mật, tu lục độ, chẳng do người khác dạy.
Phật tử ! Đại Bồ Tát hay nhiếp thọ khắp tất cả chúng sinh, hay dùng tài và pháp mà hành bố thí. Chánh niệm hiện tiền, vui vẻ nói lời dịu dàng, tâm sinh hoan hỉ, thị hiện như thật nghĩa, khiến cho họ được ngộ hiểu bồ đề của chư Phật, không có hiềm ghét, bình đẳng lợi ích. Đó là pháp bất cộng thứ hai : Thuận đạo bốn pháp nhiếp, siêng nhiếp thọ chúng sinh, chẳng do người khác dạy.
Phật tử ! Đại Bồ Tát hồi hướng khéo léo, đó là : Hồi hướng chẳng cầu quả báo, hồi hướng thuận Phật bồ đề, hồi hướng chẳng chấp trước tất cả thiền định tam muội thế gian, hồi hướng vì lợi ích tất cả chúng sinh, hồi hướng vì chẳng dứt trí huệ Như Lai. Đó là pháp bất cộng thứ ba : Vì các chúng sinh phát khởi căn lành, cầu trí huệ của Phật, chẳng do người khác dạy.
Phật tử ! Đại Bồ Tát đã đến được phương tiện khéo léo rốt ráo bờ bên kia, tâm luôn đoái hoài tất cả chúng sinh, chẳng nhàm cảnh giới phàm ngu thế tục, chẳng thích đạo xuất ly của nhị thừa, chẳng chấp vào ưa thích của mình, chỉ siêng hoá độ. Hay khéo nhập xuất thiền định giải thoát, nơi các tam muội, đều được tự tại vãng lai sinh tử, như dạo chơi vườn hoa, chưa từng tạm khởi tâm nhàm mỏi. Hoặc trụ cung ma, hoặc làm trời Đế Thích Phạm Vương chủ thế gian. Tất cả nơi sanh, Bồ Tát đều hiện thân ở trong đó. Hoặc xuất gia ở trong chúng ngoại đạo, mà luôn xa lìa tất cả tà kiến. Tất cả văn từ chú thuật thế gian, tự ấn toán số, cho đến pháp du hí ca múa, thảy đều thị hiện tinh xảo. Hoặc có lúc thị hiện làm phụ nữ xinh đẹp, trí huệ tài năng bậc nhất trong đời. Đối với các pháp thế gian và xuất thế gian, hay hỏi, hay nói. Vấn đáp dứt nghi, đều được rốt ráo. Tất cả việc thế gian và xuất thế gian, cũng đều thông đạt, đến bờ bên kia. Tất cả chúng sinh luôn đến chiêm ngưỡng, tuy hiện oai nghi Thanh Văn Bích Chi Phật, mà chẳng mất tâm đại thừa. Tuy trong niệm niệm thị hiện thành Chánh Giác, mà chẳng dứt Bồ Tát hạnh. Đó là pháp bất cộng thứ tư : Phương tiện khéo léo, rốt ráo bờ kia, chẳng do người khác dạy.
Phật tử ! Đại Bồ Tát khéo biết đạo quyền thật song hành, trí huệ tự tại, đến nơi rốt ráo. Đó là trụ nơi Niết Bàn, mà thị hiện sanh tử. Biết không chúng sinh, mà siêng hành giáo hoá rốt ráo tịch diệt, hiện khởi phiền não. Trụ một pháp thân trí huệ kiên mật, mà khắp hiện vô lượng thân các chúng sinh. Thường vào thiền định thâm sâu, mà thị hiện thọ dục lạc. Thường xa lìa ba cõi, mà chẳng bỏ chúng sinh. Thường thích pháp lạc, mà hiện có thể nữ ca ngâm múa hát. Tuy dùng các tướng tốt trang nghiêm thân mình, mà thị hiện thọ thân hình xấu xí bần tiện. Thường tích tập các việc lành, không có các lỗi ác, mà hiện sinh địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Tuy đã đến nơi Phật trí bờ kia, mà cũng chẳng bỏ trí thân Bồ Tát. Đại Bồ Tát thành tựu vô lượng trí huệ như vậy, Thanh Văn Độc Giác còn không biết được, hà huống là tất cả đồng mông chúng sinh. Đó là pháp bất cộng thứ năm : Quyền thật song hành, chẳng do người khác dạy.
Phật tử ! Đại Bồ Tát thân miệng ý nghiệp, làm theo trí huệ, thảy đều thanh tịnh. Đó là : Đầy đủ đại từ, vĩnh viễn lìa tâm giết hại, cho đến đầy đủ sự hiểu biết chân chánh, không có tà kiến. Đó là pháp bất cộng thứ sáu : Thân miệng ý làm theo trí huệ, chẳng do người khác dạy.
Phật tử ! Đại Bồ Tát đầy đủ đại bi, chẳng bỏ chúng sinh, thế tất cả chúng sinh thọ các khổ. Đó là : Khổ địa ngục, khổ súc sinh, khổ ngạ quỷ. Vì làm lợi ích, mà chẳng sinh mệt nhọc. Chỉ chuyên độ thoát tất cả chúng sinh, chưa từng đắm nhiễm cảnh giới năm dục. Thường tinh cần diệt trừ các khổ. Đó là pháp bất cộng thứ bảy : Thường khởi đại bi, chẳng do người khác dạy.
Phật tử ! Đại Bồ Tát thường làm chỗ ưa thích thấy của chúng sinh. Phạm Vương, Đế Thích, Tứ Thiên Vương v.v… tất cả chúng sinh, thấy không nhàm đủ. Tại sao ? Vì đại Bồ Tát từ đời lâu xa đến nay, tu hành nghiệp thanh tịnh, không có lỗi lầm, cho nên chúng sinh nào thấy được đều không nhàm chán. Đó là pháp bất cộng thứ tám : Tất cả chúng sinh đều ưa thấy, chẳng do người khác dạy.
Phật tử ! Đại Bồ Tát nơi nhất thiết trí đại thệ trang nghiêm, chí ưa thích kiên cố. Tuy chỗ hiểm nạn nơi phàm phu Thanh Văn Độc Giác, trọn không thối chuyển mất tâm nhất thiết trí sáng tịnh diệu báu.
Phật tử ! Như có châu báu, tên là Tịnh trang nghiêm, để ở trong vũng bùn, ánh sáng màu sắc không thay đổi. Hay khiến cho nước đục, thảy đều lắng trong. Đại Bồ Tát cũng lại như thế, tuy ở nơi phàm ngu tạp trược, trọn không mất hoại tâm báu thanh tịnh cầu nhất thiết trí, mà hay khiến cho các chúng sinh ác đó, xa lìa vọng kiến phiền não uế trược, được tâm báu thanh tịnh cầu nhất thiết trí. Đó là pháp bất cộng thứ chín : Tại nơi các nạn chẳng mất tâm báu nhất thiết trí, chẳng do người khác dạy.
Phật tử ! Đại Bồ Tát thành tựu trí tự giác cảnh giới, không thầy tự ngộ, rốt ráo tự tại, đến nơi bờ kia, lụa pháp lìa cấu, dùng làm mũ đội trên đầu, nơi bạn lành gần gũi không rời, nơi các Như Lai thường thích tôn trọng. Đó là pháp bất cộng thứ mười : Được pháp tối thượng, chẳng lìa thiện tri thức, chẳng bỏ sự tôn trọng Phật, chẳng do người khác dạy.
Phật tử ! Đó là mười pháp bất cộng của đại Bồ Tát. Nếu các Bồ Tát an trụ trong pháp nầy, thì sẽ đắc được pháp bất cộng rộng lớn vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ nghiệp. Những gì là mười ?
Đó là : Tất cả thế giới nghiệp, vì đều nghiêm tịnh. Tất cả chư Phật nghiệp, vì đều cúng dường. Tất cả Bồ Tát nghiệp, vì cùng trồng căn lành. Tất cả chúng sinh nghiệp, vì đều giáo hoá. Tất cả vị lai nghiệp, vì hết thuở vị lai nhiếp lấy. Tất cả thần lực nghiệp, vì chẳng lìa một thế giới, mà đến khắp tất cả thế giới. Tất cả quang minh nghiệp, vì phóng vô biên quang minh màu sắc, trong mỗi quang minh có toà hoa sen, đều có Bồ Tát ngồi kiết già hiển hiện. Tất cả giống Tam Bảo chẳng dứt, vì chư Phật diệt rồi, giữ gìn trụ trì các Phật pháp. Tất cả biến hoá nghiệp, vì trong tất cả thế giới thuyết pháp giáo hoá các chúng sinh. Tất cả gia trì nghiệp, ở trong một niệm, tuỳ tâm ưa thích của các chúng sinh mà thị hiện, khiến cho tất cả nguyện đều thành tựu. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được nghiệp rộng lớn vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ thân. Những gì là mười ?
Đó là : Thân chẳng đến, vì chẳng thọ sinh trong tất cả thế gian. Thân chẳng đi, vì trong tất cả thế gian cầu chẳng được. Thân chẳng thật, vì tất cả thế gian được như thật. Thân chẳng hư, vì dùng lý như thật thị hiện thế gian. Thân chẳng tận, vì hết thuở vị lai không đoạn tuyệt. Thân kiên cố, vì tất cả chúng ma không thể phá hoại được. Thân chẳng động, vì chúng ma ngoại đạo không thể động được. Thân đủ tướng, vì thị hiện tướng trăm phước thanh tịnh.  Thân vô tướng, vì pháp tướng rốt ráo đều vô tướng. Thân đến khắp, vì đồng một thân với chư Phật ba đời. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được thân vô tận vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ thân nghiệp. Những gì là mười ?
Đó là : Thân nghiệp một thân đầy khắp tất cả thế giới. Thân nghiệp ở trước tất cả chúng sinh đều có thể thị hiện thân. Thân nghiệp ở trong tất cả cõi đều có thể thọ sanh. Thân nghiệp du hành tất cả thế giới. Thân nghiệp đi đến tất cả chúng hội của chư Phật. Thân nghiệp có thể dùng một tay che khắp tất cả thế giới. Thân nghiệp có thể dùng một tay chà núi kim cang thiết vi của tất cả thế giới nát như hạt bụi. Thân nghiệp ở trong thân mình, hiện ra tất cả cõi Phật thành hoại, thị hiện nơi chúng sinh. Thân nghiệp dùng một thân dung thọ tất cả cõi chúng sinh. Thân nghiệp ở trong thân mình khắp hiện tất cả cõi Phật thanh tịnh, tất cả chúng sinh thành đạo ở trong đó. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được Phật nghiệp vô thượng của Như Lai, đều có thể giác ngộ tất cả chúng sinh.
Phật tử ! Đại Bồ Tát lại có mười thứ thân. Những gì là mười ?
Đó là : Thân các Ba la mật, vì đều chánh tu hành. Thân bốn nhiếp, vì chẳng bỏ tất cả chúng sinh. Thân đại bi, vì thế tất cả chúng sinh thọ vô lượng khổ chẳng nhàm mỏi. Thân đại từ, vì cứu hộ tất cả chúng sinh. Thân phước đức, vì lợi ích tất cả chúng sinh. Thân trí huệ, vì đồng một tánh với thân của tất cả chư Phật. Thân pháp, vì lìa hẳn thọ sinh trong các cõi. Thân phương tiện, vì hiện tiền ở tất cả mọi nơi. Thân thần lực, vì thị hiện tất cả thần biến. Thân bồ đề, vì tuỳ thích tuỳ thời thành Chánh Giác. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được thân đại trí huệ vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ lời. Những gì là mười ?
Đó là : Lời mềm mại, vì khiến cho tất cả chúng sinh đều an ổn. Lời cam lồ, vì khiến cho tất cả chúng sinh đều mát mẻ. Lời không dối, vì hết thảy lời nói đều như thật. Lời chân thật, vì cho đến trong mộng cũng không nói dối. Lời rộng lớn, vì tất cả Thích Phạm Tứ Thiên Vương v.v… đều tôn kính. Lời thâm sâu, vì hiển bày pháp tánh. Lời kiên cố, vì thuyết pháp vô tận. Lời chánh trực, vì phát ngôn dễ hiểu. Lời đủ thứ, vì tuỳ thời thị hiện. Lời khai ngộ tất cả chúng sinh, vì tuỳ sự ưa thích của họ, khiến cho hiểu rõ. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được lời vi diệu vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ tịnh tu nghiệp lời. Những gì là mười ?
Đó là : Tịnh tu nghiệp lời, thích lắng nghe âm thanh của Như Lai. Tịnh tu nghiệp lời, thích nghe nói công đức của Bồ Tát. Tịnh tu nghiệp lời, chẳng nói những lời mà chúng sinh chẳng thích nghe. Tịnh tu nghiệp lời, chân thật xa lìa bốn lỗi lầm của lời nói. Tịnh tu nghiệp lời, hoan hỉ vui mừng khen ngợi Như Lai. Tịnh tu nghiệp lời, chỗ tháp của Như Lai lớn tiếng khen công đức như thật của Phật. Tịnh tu nghiệp lời, dùng tâm tịnh thâm sâu, bố thí pháp cho chúng sinh. Tịnh tu nghiệp lời, dùng âm nhạc ca tụng khen ngợi Như Lai. Tịnh tu nghiệp lời, ở chỗ chư Phật lắng nghe chánh pháp, chẳng tiếc thân mạng. Tịnh tu nghiệp lời, xả thân hầu hạ tất cả Bồ Tát và các pháp sư, để thọ diệu pháp. Đó là mười.
Phật tử ! Nếu đại Bồ Tát dùng mười việc tịnh tu nghiệp lời nầy, thì sẽ đắc được mười thứ giữ gìn. Những gì là mười ?
Đó là : Thiên Vương làm thủ lãnh, tất cả Thiên chúng đều giữ gìn. Long Vương làm thủ lãnh, tất cả Long chúng đều giữ gìn. Dạ Xoa Vương làm thủ lãnh, Càn Thát Bà Vương làm thủ lãnh, A Tu La Vương làm thủ lãnh, Ca Lâu La Vương làm thủ lãnh, Khẩn Na La Vương làm thủ lãnh, Ma Hầu La Già Vương làm thủ lãnh, Phạm Vương làm thủ lãnh, mỗi mỗi đều với đồ chúng của mình đều giữ gìn. Như Lai Pháp Vương làm thủ lãnh, tất cả pháp sư thảy đều giữ gìn. Đó là mười.
Phật tử ! Đại Bồ Tát được sự giữ gìn nầy rồi, thì sẽ thành tựu mười việc lớn. Những gì là mười ?
Đó là : Tất cả chúng sinh đều khiến cho hoan hỉ. Tất cả thế giới đều có thể qua đến. Tất cả các căn đều biết rõ. Tất cả thắng giải đều khiến thanh tịnh. Tất cả phiền não đều khiến dứt trừ. Tất cả tập khí đều khiến lìa bỏ. Tất cả dục lạc đều khiến sáng sạch. Tất cả thâm tâm đều khiến tăng trưởng. Tất cả pháp giới đều khiến khắp cùng. Tất cả Niết Bàn đều khiến thấy rõ khắp. Đó là mười.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ tâm. Những gì là mười ?
Đó là : Tâm như đại địa, vì hay giữ gìn, nuôi lớn các căn lành của tất cả chúng sinh.
Tâm như biển cả, vì vô lượng vô biên nước pháp đại trí của tất cả chư Phật đều chảy vào.
Tâm như núi chúa Tu Di, vì đặc để tất cả chúng sinh nơi căn lành tối thượng xuất thế gian.
Tâm như ma ni bảo vương, vì lạc dục thanh tịnh, không tạp nhiễm.
Tâm như kim cang, vì quyết định vào sâu tất cả pháp.
Tâm như núi Kim cang Thiết vi, vì các ma ngoại đạo không thể lay động được.
Tâm như hoa sen, vì tất cả thế pháp không thể nhiễm được.
Tâm như hoa ưu đàm bát, vì trong tất cả kiếp khó gặp được.
Tâm như mặt trời trong sáng, vì phá ám chướng.
Tâm như hư không, vì không thể lường. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ trong pháp nầy, thì sẽ đắc được đại tâm thanh tịnh vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười sự phát tâm. Những gì là mười ?
Đó là : Tôi phát tâm sẽ độ thoát tất cả chúng sinh. Tôi phát tâm sẽ khiến cho tất cả chúng sinh dứt trừ phiền não. Tôi phát tâm sẽ khiến cho tất cả chúng sinh tiêu diệt tập khí. Tôi phát tâm sẽ đoạn trừ tất cả nghi hoặc. Tôi phát tâm sẽ trừ diệt khổ não của tất cả chúng sinh. Tôi phát tâm sẽ trừ diệt các nạn của tất cả đường ác. Tôi phát tâm sẽ kính thuận tất cả Như Lai. Tôi phát tâm sẽ khéo học chỗ học của tất cả Bồ Tát. Tôi phát tâm sẽ ở nơi mỗi đầu sợi lông của tất cả thế gian, hiện tất cả Phật thành Chánh Giác. Tôi phát tâm sẽ ở trong tất cả thế giới, đánh trống pháp vô thượng, khiến cho tuỳ theo căn dục của các chúng sinh, đều được ngộ hiểu. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ trong pháp nầy, thì sẽ đắc được tâm đại phát khởi năng sự vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ tâm cùng khắp. Những gì là mười ?
Đó là : Tâm cùng khắp tất cả hư không, vì phát ý rộng lớn. Tâm cùng khắp tất cả pháp giới, vì vào sâu vô biên. Tâm cùng khắp tất cả ba đời, vì một niệm đều biết. Tâm cùng khắp tất cả Phật xuất hiện, vì nơi nhập thai, đản sinh, xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân, vào Niết Bàn, đều thấu rõ. Tâm cùng khắp tất cả chúng sinh, vì đều biết căn dục tập khí. Tâm cùng khắp nhất thiết trí huệ, vì tuỳ thuận biết rõ pháp giới. Tâm cùng khắp tất cả vô biên, vì biết các lưới huyễn khác nhau. Tâm cùng khắp tất cả vô sinh, vì chẳng được tự tánh các pháp. Tâm cùng khắp tất cả vô ngại, vì chẳng trụ tâm mình, tâm người. Tâm cùng khắp tất cả tự tại, vì một niệm khắp hiện thành Phật. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ trong pháp nầy, thì sẽ đắc được Phật pháp vô lượng vô thượng trang nghiêm cùng khắp.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ căn. Những gì là mười ?
Đó là : Căn hoan hỉ, vì thấy tất cả chư Phật tin không hoại. Căn hy vọng, vì nghe được Phật pháp đều ngộ hiểu. Căn bất thối, vì tất cả việc làm đều rốt ráo. Căn an trụ, vì chẳng dứt tất cả Bồ Tát hạnh. Căn vi tế, vì vào lý vi diệu Bát Nhã Ba La Mật. Căn không ngừng nghỉ, vì rốt ráo việc của tất cả chúng sinh. Căn như kim cang, vì chứng biết tánh của tất cả các pháp. Căn kim cang quang diệm, vì chiếu khắp tất cả cảnh giới Phật. Căn không khác biệt, vì tất cả Như Lai đồng một thân. Căn bờ mé vô ngại, vì vào sâu mười lực của Như Lai. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ trong pháp nầy, thì sẽ đắc được căn viên mãn đại trí vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ thâm tâm. Những gì là mười ?
Đó là : Thâm tâm chẳng nhiễm tất cả pháp thế gian. Thâm tâm chẳng tạp tất cả pháp đạo nhị thừa. Thâm tâm thấu đạt tất cả Phật bồ đề. Thâm tâm tuỳ thuận trí đạo nhất thiết trí. Thâm tâm chẳng động bởi tất cả chúng ma ngoại đạo. Thâm tâm tịnh tu trí viên mãn của tất cả Như Lai. Thâm tâm thọ trì tất cả pháp đã nghe được. Thâm tâm chẳng chấp vào tất cả nơi thọ sanh. Thâm tâm đầy đủ tất cả trí vi tế. Thâm tâm tu tất cả pháp của chư Phật. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ trong pháp nầy, thì sẽ đắc được thâm tâm thanh tịnh nhất thiết trí vô thượng.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ thâm tâm tăng thượng. Những gì là mười ?
Đó là : Thâm tâm tăng thượng chẳng thối chuyển, vì tích tập tất cả căn lành. Thâm tâm tăng thượng lìa nghi hoặc, vì hiểu mật ngữ của tất cả Như Lai. Thâm tâm tăng thượng chánh trì, vì đại nguyện đại hạnh chảy ra. Thâm tâm tăng thượng tối thắng, vì vào sâu tất cả Phật pháp. Thâm tâm tăng thượng làm chủ, vì tất cả Phật pháp tự tại. Thâm tâm tăng thượng rộng lớn, vì vào khắp đủ thứ pháp môn. Thâm tâm tăng thượng thượng thủ, vì tất cả việc làm đều thành tựu. Thâm tâm tăng thượng tự tại, vì tất cả tam muội thần thông biến hoá trang nghiêm. Thâm tâm tăng thượng an trụ, vì nhiếp thọ nguyện xưa. Thâm tâm tăng thượng không ngừng nghỉ, vì thành thục tất cả chúng sinh. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được thâm tâm tăng thượng thanh tịnh vô thượng của tất cả chư Phật.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ siêng tu. Những gì là mười ?
Đó là : Siêng tu bố thí, vì đều xả tất cả chẳng cầu báo đáp. Siêng tu trì giới, vì khổ hạnh đầu đà thiểu dục tri túc, không khi dối. Siêng tu nhẫn nhục, vì lìa tưởng ta, người, nhẫn tất cả ác, trọn chẳng sinh tâm sân hại. Siêng tu tinh tấn, vì thân miệng ý nghiệp chưa từng tán loạn, tất cả việc làm đều không thối chuyển, đến nơi rốt ráo. Siêng tu thiền định, giải thoát tam muội xuất hiện thần thông, vì lìa tất cả dục phiền não đấu tranh các quyến thuộc. Siêng tu trí huệ, vì tu tập tích tụ tất cả công đức không nhàm mỏi. Siêng tu đại từ, vì biết các chúng sinh không tự tánh. Siêng tu đại bi, vì biết các pháp không, khắp thế tất cả chúng sinh thọ khổ không mỏi nhàm. Siêng tu giác ngộ mười lực của Như Lai, vì thấu đạt vô ngại, thị hiện cho chúng sinh. Siêng tu pháp luân bất thối, vì chuyển đến tâm của tất cả chúng sinh. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được siêng tu đại trí huệ vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ quyết định giải. Những gì là mười ?
Đó là : Quyết định giải tối thượng, vì gieo trồng tôn trọng căn lành. Quyết định giải trang nghiêm, vì sinh ra đủ thứ sự trang nghiêm. Quyết định giải rộng lớn, vì trong tâm chưa từng hẹp hạ kiệt. Quyết định giải tịch diệt, vì hay vào pháp tánh thâm sâu. Quyết định giải khắp cùng, vì phát tâm không chỗ nào mà chẳng đến. Quyết định giải kham nhiệm, vì hay thọ Phật lực gia trì. Quyết định giải kiên cố, vì phá tan tất cả nghiệp ma. Quyết định giải minh đoạn, vì biết rõ tất cả nghiệp báo. Quyết định giải hiện tiền, vì tuỳ ý hiện thần thông. Quyết định giải thiệu long, vì được tất cả Phật thọ ký. Quyết định giải tự tại, vì tuỳ ý tuỳ thời thành Phật. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được quyết định giải vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ quyết định giải, biết các thế giới. Những gì là mười ?
Đó là : Biết tất cả thế giới vào một thế giới. Biết một thế giới vào tất cả thế giới. Biết tất cả thế giới, một thân Như Lai, một toà hoa sen, thảy đều khắp cùng. Biết tất cả thế giới đều như hư không. Biết tất cả thế giới đủ sự trang nghiêm của Phật. Biết tất cả thế giới Bồ Tát đầy khắp. Biết tất cả thế giới vào một lỗ chân lông. Biết tất cả thế giới vào một thân chúng sinh. Biết tất cả thế giới, một cây bồ đề của Phật, một đạo tràng của Phật, thảy đều cùng khắp. Biết tất cả thế giới, một âm thanh khắp cùng, khiến các chúng sinh đều biết rõ khác nhau, tâm sinh hoan hỉ. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được quyết định giải cõi Phật rộng lớn vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ quyết định giải, biết cõi chúng sinh. Những gì là mười ?
Đó là : Biết tất cả cõi chúng sinh tánh vốn không thật. Biết tất cả cõi chúng sinh đều vào một thân chúng sinh. Biết tất cả cõi chúng sinh đều vào thân Bồ Tát. Biết tất cả cõi chúng sinh đều vào Như Lai tàng. Biết một thân chúng sinh vào khắp tất cả cõi chúng sinh. Biết tất cả cõi chúng sinh đều kham làm pháp khí của chư Phật. Biết tất cả cõi chúng sinh, tuỳ sở dục của họ, mà hiện thân Thích Phạm Hộ Thế. Biết tất cả cõi chúng sinh, tuỳ sở dục của họ, mà hiện oai nghi tịch tĩnh của bậc Thanh Văn Độc Giác. Biết tất cả cõi chúng sinh, mà hiện thân Bồ Tát công đức trang nghiêm. Biết tất cả cõi chúng sinh, mà hiện Như Lai tướng tốt oai nghi tịch tĩnh, để khai ngộ chúng sinh. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được quyết định giải đại oai lực vô thượng của Như Lai.
 
Phật tử[16] ! Đại Bồ Tát có mười thứ tập khí. Những gì là mười ?
Đó là : Tập khí bồ đề tâm. Tập khí căn lành. Tập khí giáo hoá chúng sinh. Tập khí thấy Phật. Tập khí thọ sinh nơi thế giới thanh tịnh. Tập khí hạnh. Tập khí nguyện. Tập khí Ba La Mật. Tập khí tư duy pháp bình đẳng. Tập khí đủ thứ cảnh giới khác biệt. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì vĩnh viễn lìa khỏi tất cả tập khí phiền não, đắc được đại trí tập khí, trí huệ chẳng có tập khí của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ thủ, nhờ đó mà không dứt các Bồ Tát hạnh. Những gì là mười ?
Đó là : Thủ tất cả cõi chúng sinh, vì giáo hoá rốt ráo. Thủ tất cả thế giới, vì nghiêm tịnh rốt ráo. Thủ Như Lai, vì tu Bồ Tát hạnh là cúng dường. Thủ căn lành, vì tích tập tướng tốt công đức của chư Phật. Thủ đại bi, vì diệt tất cả khổ của chúng sinh. Thủ đại từ, vì ban cho tất cả chúng sinh vui nhất thiết trí. Thủ Ba La Mật, vì tích tập các trang nghiêm của Bồ Tát. Thủ thiện xảo phương tiện, vì ở tất cả mọi nơi đều thị hiện. Thủ bồ đề, vì được trí vô ngại. Lược nói Bồ Tát thủ tất cả pháp, vì ở tất cả mọi nơi đều dùng trí sáng mà hiện rõ. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ không dứt các Bồ Tát hạnh, đắc được pháp không chỗthủ vô thượng của tất cả Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười pháp tu. Những gì là mười ?
Đó là : Tu các Ba La Mật. Tu học. Tu huệ. Tu nghĩa. Tu pháp. Tu xuất ly. Tu thị hiện. Tu siêng thực hành chẳng giải đãi. Tu thành Đẳng Chánh Giác. Tu chuyển bánh xe chánh pháp. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ trong pháp nầy, thì sẽ đắc được tu vô thượng, tu tất cả pháp.
Phật  tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ thành tựu Phật pháp. Những gì là mười ?
Đó là : Chẳng lìa thiện tri thức thành tựu Phật pháp. Tin sâu lời Phật thành tựu Phật pháp. Chẳng phỉ báng chánh pháp thành tựu Phật pháp. Dùng vô lượng vô tận căn lành hồi hướng thành tựu Phật pháp. Tin hiểu cảnh giới Như Lai không bờ mé thành tựu Phật pháp. Biết cảnh giới của tất cả thế giới thành tựu Phật pháp. Chẳng bỏ cảnh giới của pháp giới thành tựu Phật pháp. Xa lìa cảnh giới các ma thành tựu Phật pháp. Chánh niệm cảnh giới của tất cả chư Phật thành tựu Phật pháp. Thích cầu cảnh giới thập lực của Như Lai thành tựu Phật pháp. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ thành tựu được đại trí huệ vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ thối thất Phật pháp, nên phải xa lìa. Những gì là mười ?
Đó là : Khinh mạn thiện tri thức thối thất Phật pháp. Sợ khổ sinh tử thối thất Phật pháp. Chán tu Bồ Tát hạnh thối thất Phật pháp. Chẳng thích trụ thế gian thối thất Phật pháp. Đắm trước tam muội thối thất Phật pháp. Chấp lấy căn lành thối thất Phật pháp. Phỉ báng chánh pháp thối thất Phật pháp. Dứt Bồ Tát hạnh thối thất Phật pháp. Thích đạo nhị thừa thối thất Phật pháp. Hiềm hận các Bồ Tát thối thất Phật pháp. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát xa lìa pháp nầy, thì sẽ nhập vào đạo lìa sanh tử của Bồ Tát.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ đạo lìa sanh. Những gì là mười ?
Đó là : Thứ nhất : Sinh ra Bát Nhã Ba La Mật, mà luôn quán sát tất cả chúng sinh.
Thứ hai : Xa lìa các kiến, mà độ thoát tất cả chúng sinh kiến ràng buộc.
Thứ ba : Chẳng niệm tất cả tướng, mà chẳng bỏ tất cả chúng sinh chấp tướng.
Thứ tư : Vượt qua ba cõi, mà thường ở tại tất cả thế giới.
Thứ năm : Vĩnh lìa phiền não, mà cùng ở với tất cả chúng sinh.
Thứ sáu : Được pháp lìa dục, mà thường dùng đại bi thương xót tất cả chúng sinh chấp trước dục.
Thứ bảy : Thường thích tịch tĩnh, mà luôn thị hiện tất cả quyến thuộc.
Thứ tám : Lìa sinh thế gian, mà chết đây sinh kia khởi Bồ Tát hạnh.
Thứ chín : Chẳng nhiễm tất cả pháp thế gian, mà chẳng dứt tất cả việc làm của thế gian.
Thứ mười : Chư Phật bồ đề đã hiện ra ở trước mắt, mà chẳng bỏ tất cả hạnh nguyện của Bồ Tát. Đó là mười.
Phật tử ! Đó là mười thứ đạo lìa sanh của Bồ Tát, lìa khỏi thế gian, chẳng cùng với đời, mà cũng chẳng tạp với hạnh nhị thừa. Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được pháp quyết định của Bồ Tát.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ pháp quyết định. Những gì là mười ?
Đó là : Quyết định sinh ra ở trong dòng dõi của Như Lai. Quyết định trụ trong cảnh giới của chư Phật. Quyết định biết rõ việc làm của Bồ Tát. Quyết định an trụ các Ba la mật. Quyết định được dự chúng hội Như Lai. Quyết định hayhiển giống tánh Như Lai. Quyết định an trụ lực của Như Lai. Quyết định vào sâu Phật bồ đề. Quyết định với tất cả Như Lai đồng một thân. Quyết định chỗ trụ với tất cả Như Lai không hai. Đó là mười.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ đạo sinh ra Phật pháp. Những gì là mười ?
Đó là : Tuỳ thuận bạn lành, là đạo sinh ra Phật pháp, vì đồng trồng căn lành.
Thâm tâm tin hiểu, là đạo sinh ra Phật pháp, vì biết tự tại của Phật.
Phát thệ nguyện lớn, là đạo sinh ra Phật pháp, vì tâm đó rộng lớn.
Nhẫn căn lành của mình, là đạo sinh ra Phật pháp, vì biết nghiệp chẳng mất.
Tất cả kiếp tu hành không nhàm đủ, là đạo sinh ra Phật pháp, vì hết thuở vị lai.
A tăng kỳ thế giới đều thị hiện, là đạo sinh ra Phật pháp, vì thành thục chúng sinh.
Chẳng dứt hạnh Bồ Tát, là đạo sinh ra Phật pháp, vì tăng trưởng đại bi.
Vô lượng tâm, là đạo sinh ra Phật pháp, vì một niệm khắp tất cả cõi hư không.
Thù thắng hạnh, là đạo sinh ra Phật pháp, vì gốc của sự tu hành không mất hoại.
Giống Như Lai, là đạo sinh ra Phật pháp, vì khiến cho tất cả chúng sinh thích phát bồ đề tâm, dùng tất cả pháp lành nương nhờ giữ gìn. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được danh hiệu Đại Trượng Phu.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười danh hiệu Đại trượng phu. Những gì là mười ?
Đó là : Tên là Bồ đề toá đoả, vì bồ đề trí sinh ra. Tên là Ma ha tát đoả, vì an trụ đại thừa. Tên là Đệ nhứt tát đoả, vì chứng pháp đệ nhứt. Tên là Thắng tát đoả, vì giác ngộ thắng pháp. Tên là Tối thắng tát đoả, vì trí huệ tối thắng. Tên là Thượng tát đoả, vì khởi thượng tinh tấn. Tên là Vô thượng tát đoả, vì khai thị pháp vô thượng. Tên là Lực tát đoả, vì rộng biết mười lực. Tên là Vô đẳng tát đoả, vì thế gian không gì sánh bằng. Tên là Bất tư nghì tát đoả, vì một niệm thành Phật. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ thành tựu đạo Bồ Tát.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ đạo. Những gì là mười ?
Đó là : Một: Đạo là Bồ Tát đạo, vì chẳng bỏ tâm bồ đề độc nhứt.
Hai: Đạo là Bồ Tát đạo, vì sinh ra trí huệ và phương tiện.
Ba: Đạo là Bồ Tát đạo, vì hành không, vô tướng, vô nguyện, chẳng chấp ba cõi.
Bốn: Hạnh là Bồ Tát đạo, vì sám trừ nghiệp chướng, tuỳ hỉ phước đức, cung kính tôn trọng khuyến thỉnh Như Lai, thiện xảo hồi hướng không ngừng nghỉ.
Năm: Căn là Bồ Tát đạo, vì an trụ tịnh tín kiên cố bất động, khởi đại tinh tấn việc làm rốt ráo, một hướng chánh niệm không khác phan duyên, khéo biết tam muội nhập xuất phương tiện, khéo hay phân biệt cảnh giới trí huệ.
Sáu: Thông là Bồ Tát đạo. Đó là : Thiên nhãn, đều thấy hết thảy các sắc trong tất cả thế gian, biết các chúng sinh chết đây sinh kia. Thiên nhĩ, đều nghe chư Phật thuyết pháp, thọ trì nghĩ nhớ, rộng vì chúng sinh tuỳ căn cơ mà diễn xướng. Tha tâm thông, biết được tâm người khác tự tại vô ngại. Túc mạng thông, nhớ biết quá khứ tất cả kiếp số, tăng trưởng căn lành. Thần túc thông, tuỳ sự ứng hoá tất cả chúng sinh, thị hiện đủ thứ, khiến cho họ ưa thích pháp. Lậu tận thông, hiện chứng thật tế, khởi Bồ Tát hạnh chẳng đoạn tuyệt.
Bảy: Niệm là Bồ Tát đạo. Đó là : Niệm Phật, trong một lỗ chân lông thấy vô lượng chư Phật, khai ngộ tâm của tất cả chúng sinh. Niệm Pháp, chẳng lìa tất cả chúng hội của Như Lai, ở trong tất cả chúng hội của Như Lai, thân thừa diệu pháp, tuỳ căn tánh dục lạc của các chúng sinh, mà vì họ diễn nói, khiến cho ngộ nhập. Niệm Tăng, luôn thấy tương tục, không ngừng nghỉ, nơi tất cả thế gian thấy Bồ Tát. Niệm xả, biết rõ hạnh xả của tất cả Bồ Tát, tăng trưởng tâm bố thí rộng lớn. Niệm giới, chẳng bỏ tâm bồ đề, đem tất cả căn lành hồi hướng cho chúng sinh. Niệm Thiên, thường nghĩ nhớ Nhất Sinh Bổ Xứ Bồ Tát cung trời Đâu Suất. Niệm chúng sinh, trí huệ phương tiện giáo hoá điều phục, đến khắp tất cả, không gián đoạn.
Tuỳ thuận bồ đề tám Thánh đạo là Bồ Tát đạo. Đó là : Hành đạo chánh kiến, xa lìa tất cả các tà kiến. Khởi chánh tư duy, bỏ vọng phân biệt, tâm thường tuỳ thuận nhất thiết trí. Thường hành chánh ngữ, lìa bốn lỗi lời nói, thuận lời nói của bậc Thánh. Luôn tu chánh nghiệp, giáo hoá chúng sinh khiến được điều phục. An trụ chánh mạng, khổ hạnh biết đủ, oai nghi chỉnh tề, tuỳ thuận hạnh bồ đề bốn bậc Thánh, tất cả lỗi lầm đều lìa khỏi. Khởi chánh tinh tấn, siêng tu tất cả khổ hạnh của Bồ Tát, nhập vào mười lực không quái ngại của Phật. Tâm thường chánh niệm, đều ghi nhớ tất cả lời nói âm thanh, trừ diệt tâm tán động của thế gian. Tâm thường chánh định, khéo vào môn giải thoát không nghĩ bàn của Bồ Tát, ở trong một tam muội sinh ra tất cả các tam muội.
Nhập chín thứ đệ định, là Bồ Tát đạo. Đó là : Lìa dục sân hại, mà dùng tất cả ngữ nghiệp nói pháp vô ngại. Diệt trừ giác quán, mà dùng nhất thiết trí giác quán giáo hoá chúng sinh. Xả lìa hỉ ái, mà thấy tất cả chư Phật, tâm đại hoan hỉ. Lìa vui thế gian, mà tuỳ thuận vui xuất thế Bồ Tát đạo. Từ đây bất động nhập vào vô sắc định, mà cũng chẳng bỏ dục sắc thọ sanh. Tuy trụ diệt tất cả tưởng thọ định, mà cũng chẳng ngừng Bồ Tát hạnh.
Học thập lực của Phật là Bồ Tát đạo. Đó là : Trí khéo biết thị xứ phi xứ.
Trí khéo biết nhân quả nghiệp báo của tất cả chúng sinh quá khứ, vị lai, hiện tại.
Trí khéo biết căn thượng trung hạ khác nhau của tất cả chúng sinh, tuỳ nghi thuyết pháp.
Trí khéo biết đủ thứ vô lượng tánh của tất cả chúng sinh.
Trí khéo biết kiến giải hạ trung thượng khác nhau của tất cả chúng sinh, khiến cho họ vào pháp phương tiện.
Trí khắp tất cả thế gian tất cả cõi, tất cả ba đời, tất cả kiếp, khắp hiện hình tướng oai nghi của Như Lai, mà cũng chẳng bỏ hạnh của Bồ Tát tu.
Trí khéo biết tất cả các thiền giải thoát, và các tam muội, hoặc dơ, hoặc sạch, thời, với phi thời, phương tiện sinh ra các môn giải thoát của Bồ Tát.
Trí biết tất cả chúng sinh, ở trong các loài, chết đây sinh kia khác nhau.
Trí ở trong một niệm đều biết tất cả kiếp số ba đời.
Trí khéo biết tất cả chúng sinh lạc dục các sử hoặc tập diệt sạch, mà chẳng bỏ các Bồ Tát hạnh. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc đuợc tất cả đạo phương tiện thiện xảo vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có vô lượng đạo, vô lượng trợ đạo, vô lượng tu đạo, vô lượng trang nghiêm đạo.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ vô lượng đạo. Những gì là mười ?
Đó là : Vì hư không vô lượng, nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng. Vì pháp giới vô biên, nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng. Vì cõi chúng sinh vô tận, nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng. Vì thế giới không bờ mé, nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng. Vì kiếp số không thể tận, nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng. Vì pháp ngôn ngữ của tất cả chúng sinh vô lượng, nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng. Vì thân Như Lai vô lượng, nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng. Vì âm thanh của Phật vô lượng, nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng. Vì lực của Như Lai vô lượng, nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng. Vì trí Nhất Thiết Trí vô lượng, nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng. Đó là mười.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ vô lượng trợ đạo.
Đó là : Như cõi hư không vô lượng, Bồ Tát tích tập trợ đạo cũng vô lượng.
Như pháp giới vô biên, Bồ Tát tích tập trợ đạo cũng vô biên.
Như cõi chúng sinh vô tận, Bồ Tát tích tập trợ đạo cũng vô tận.
Như thế giới không bờ mé, Bồ Tát tích tập trợ đạo cũng không bờ mé.
Như kiếp số nói không hết được, Bồ Tát tích tập trợ đạo tất cả thế gian cũng nói không hết được.
Như pháp lời nói của chúng sinh vô lượng, Bồ Tát tích tập trợ đạo sinh ra trí huệ biết pháp lời nói cũng vô lượng.
Như thân Như Lai vô lượng, Bồ Tát tích tập trợ đạo khắp tất cả chúng sinh, tất cả cõi, tất cả thế giới, tất cả kiếp, cũng vô lượng.
Như âm thanh của Phật vô lượng, Bồ Tát vang ra một tiếng nói khắp cùng pháp giới, tất cả chúng sinh thảy đều nghe biết, tích tập trợ đạo cũng vô lượng.
Như Phật lực vô lượng, Bồ Tát thừa lực Như Lai tích tập trợ đạo cũng vô lượng.
Như trí Nhất thiết trí vô lượng, Bồ Tát tích tập trợ đạo cũng vô lượng như vậy. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ được vô lượng trí huệ của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ vô lượng tu đạo. Những gì là mười ?
Đó là : Tu chẳng đến, chẳng đi, vì thân miệng ý nghiệp không động tác. Tu chẳng tăng, chẳng giảm, vì như bổn tánh. Tu chẳng có, chẳng không, vì không có tự tánh. Tu như huyễn, như mộng, như bóng, như vang, như hình trong gương, như ánh nắng khi trời nóng, như trăng trong nước, vì lìa tất cả sự chấp trước. Tu không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, vì thấy rõ ba cõi mà tích tập phước đức không ngừng nghỉ. Tu bất khả thuyết, không lời nói, lìa lời nói, vì xa lìa pháp thi thiết an lập. Tu chẳng hoại pháp giới, vì trí huệ hiện biết tất cả pháp. Tu chẳng hoại chân như thật tế, vì vào khắp chân như thật tế bờ mé hư không. Tu trí huệ rộng lớn, vì hết thảy việc làm sức lực vô tận. Tu trụ Như Lai thập lực bốn vô sở uý nhất thiết trí bình đẳng, vì hiện thấy tất cả pháp không nghi hoặc. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được tu nhất thiết trí vô thượng thiện xảo của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ trang nghiêm đạo. Những gì là mười ?
Phật tử ! Đại Bồ Tát không lìa dục giới, mà nhập vào thiền định giải thoát và các tam muội của sắc giới, vô sắc giới, cũng chẳng do vậy mà thọ sanh ở đó. Đó là trang nghiêm đạo thứ nhất.
Trí huệ hiện tiền nhập vào Thanh Văn đạo, chẳng dùng đạo nầy mà lấy xuất ly. Đó là trang nghiêm đạo thứ hai.
Trí huệ hiện tiền nhập Bích Chi Phật đạo, mà khởi đại bi không ngừng nghỉ. Đó là trang nghiêm đạo thứ ba.
Tuy có quyến thuộc trời người vây quanh, trăm ngàn thể nữ ca múa hầu hạ, mà chưa từng tạm xả thiền định giải thoát và các tam muội. Đó là trang nghiêm đạo thứ tư.
Với tất cả chúng sinh thọ các dục lạc cùng vui chơi với nhau, mà vẫn chưa từng trong khoảng một niệm xả lìa Bồ Tát tam muội bình đẳng. Đó là trang nghiêm đạo thứ năm.
Đã đến bờ bên kia của tất cả thế gian, nơi các pháp thế gian đều không nhiễm trước, mà cũng chẳng bỏ hạnh độ chúng sinh. Đó là trang nghiêm đạo thứ sáu.
An trụ trong chánh đạo, chánh trí, chánh kiến, mà hay thị hiện vào tất cả tà đạo, chẳng lấy làm thật, chẳng chấp làm tịnh, khiến cho chúng sinh đó xa lìa tà pháp. Đó là trang nghiêm đạo thứ bảy.
Thường khéo hộ trì tịnh giới của Như Lai, thân lời ý nghiệp không có các lỗi lầm. Vì muốn giáo hoá chúng sinh phạm giới, mà thị hiện hành tất cả hạnh của phàm phu ngu si. Tuy đã đầy đủ phước đức thanh tịnh trụ cõi Bồ Tát, mà thị hiện sinh nơi tất cả địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, và các nơi hiểm nạn bần cùng, khiến cho chúng sinh đều được giải thoát, mà thật Bồ Tát chẳng sinh cõi đó. Đó là trang nghiêm đạo thứ tám.
Chẳng do người khác dạy, mà được vô ngại biện tài, trí huệ quang minh, chiếu sáng khắp tất cả Phật pháp, được tất cả Như Lai thần lực gia trì. Với tất cả chư Phật đồng một pháp thân, thành tựu tất cả mật pháp kiên cố đại nhân minh tịnh. An trụ tất cả các thừa bình đẳng, cảnh giới chư Phật đều hiện ở trước, đầy đủ tất cả thế trí quang minh, chiếu thấy tất cả các cõi chúng sinh. Hay vì chúng sinh làm tri pháp sư, mà thị hiện cầu chánh pháp chưa từng ngừng nghỉ. Tuy thật với chúng sinh làm vô thượng sư, mà thị hiện tôn kính hoà thượng A xà lê. Tại sao ? Vì đại Bồ Tát thiện xảo phương tiện trụ Bồ Tát đạo, tuỳ sự ứng hoá đều vì họ thị hiện. Đó là trang nghiêm đạo thứ chín.
Căn lành đầy đủ, các hạnh rốt ráo. Được tất cả Như Lai cùng quán đảnh. Đến được bờ bên kia tất cả các pháp tự tại. Lụa pháp vô ngại dùng làm mão đội trên đầu. Thân của Bồ Tát đến khắp tất cả thế giới. Khắp hiện thân vô ngại của Như Lai.
Nơi pháp tự tại rốt ráo tối thượng, chuyển bánh xe pháp thanh tịnh vô ngại. Pháp tự tại của tất cả Bồ Tát, đều đã thành tựu. Do vì chúng sinh, mà ở trong tất cả cõi nước thị hiện thọ sinh. Với chư Phật ba đời đồng một cảnh giới, mà chẳng bỏ Bồ Tát hạnh. Chẳng bỏ pháp của Bồ Tát, chẳng giải đãi nghiệp của Bồ Tát, chẳng lìa Bồ Tát đạo, chẳng thả lỏng oai nghi của Bồ Tát, chẳng đoạn tuyệt thủ lấy của Bồ Tát, chẳng ngừng thiện xảo phương tiện của Bồ Tát, chẳng dứt hẳn việc làm của Bồ Tát, chẳng nhàm sinh thành dụng của Bồ Tát, chẳng ngừng trụ trì lực của Bồ Tát. Tại sao ? Vì Bồ Tát muốn sớm chứng đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, quán tất cả môn trí huệ, tu Bồ Tát hạnh không ngừng nghỉ. Đó là trang nghiêm đạo thứ mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được đại trang nghiêm đạo vô thượng của Như Lai, cũng chẳng xả bỏ Bồ Tát đạo.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ chân. Những gì là mười ?
Đó là : Chân trì giới, vì đại nguyện thù thắng đều thành tựu viên mãn. Chân tinh tấn, vì tích tập tất cả pháp bồ đề phần chẳng thối chuyển. Chân thần thông, vì tuỳ sự ham muốn của chúng sinh, khiến cho họ hoan hỉ. Chân thần lực, vì chẳng lìa một cõi Phật, mà đến tất cả cõi Phật. Chân tâm sâu, vì nguyện cầu tất cả pháp thù thắng. Chân kiên thệ, vì tất cả việc làm đều rốt ráo. Chân tuỳ thuận, vì chẳng trái với lời dạy của tất cả tôn giả. Chân lạc pháp, vì văn trì tất cả pháp của Phật nói, chẳng lười mỏi. Chân pháp vũ, vì chúng diễn nói pháp không khiếp nhược. Chân tu hành, vì tất cả các ác đều xa lìa. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được chân tối thắng vô thượng của Như Lai. Nếu một khi cất chân lên, đều có thể đến khắp tất cả thế giới.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ tay. Những gì là mười ?
Đó là : Tay tin sâu, vì đối với lời của Phật nói, một lòng nhẫn nại, rốt ráo thọ trì.
Tay bố thí, vì có ai đến cầu xin, tuỳ theo chỗ họ muốn, đều khiến cho được đầy đủ.
Tay hỏi thăm trước, vì dơ tay phải nghênh tiếp nhau.
Tay cúng dường chư Phật, vì tích tập phước đức, không nhàm mỏi.
Tay đa văn thiện xảo, vì đều dứt trì nghi hoặc của tất cả chúng sinh.
Tay khiến cho thoát ba cõi, vì hay trợ giúp chúng sinh vượt khỏi bùn ái dục.
Tay đặt để nơi bờ kia, vì cứu chúng sinh chìm trong bốn dòng nước xoáy.
Tay chẳng xẻn chánh pháp, vì hết thảy diệu pháp thảy đều khai thị.
Tay khéo dùng các luận, vì dùng thuốc trí huệ, diệt trừ bệnh thân tâm.
Tay luôn giữ trí báu, vì khai pháp quang minh, phá tối phiền não. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được tay vô thượng của Như Lai, che khắp mười phương tất cả thế giới.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ bụng : Những gì là mười ?
Đó là : Bụng lìa dua vạy, vì tâm thanh tịnh. Bụng lìa huyễn nguỵ, vì tánh ngay thẳng. Bụng lìa hư giả, vì không hiểm dối. Bụng không dối đoạt, vì đối với tất cả vật đều không tham. Bụng dứt phiền não, vì đủ trí huệ. Bụng tâm thanh tịnh, vì lìa các ác. Bụng quán sát ăn uống, vì niệm pháp như thật. Bụng quán sát không làm, vì giác ngộ duyên khởi. Bụng giác ngộ tất cả đạo xuất ly, vì khéo thành tựu thâm tâm. Bụng xa lìa tất cả dơ bẩn biên kiến, vì khiến cho tất cả chúng sinh được nhập vào bụng Phật. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được bụng rộng lớn vô thượng của Như Lai, đều có thể dung thọ tất cả chúng sinh.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ tạng. Những gì là mười ?
Đó là : Chẳng dứt giống Phật là tạng của Bồ Tát, vì khai thị Phật pháp vô lượng oai đức.
Tăng trưởng giống pháp là tạng của Bồ Tát, vì sinh ra trí huệ quang minh rộng lớn.
Trụ trì giống Tăng là tạng của Bồ Tát, vì khiến cho được vào bánh xe pháp bất thối.
Giác ngộ chúng sinh chánh định là tạng của Bồ Tát, vì khéo tuỳ thời không sai một niệm.
Rốt ráo thành thục chúng sinh bất định là tạng của Bồ Tát, vì khiến cho nhân liên tục không có gián đoạn.
Vì chúng sinh tà định phát khởi đại bi là tạng của Bồ Tát, vì khiến cho nhân vị lai, đều được thành tựu.
Đủ mười lực của Phật nhân không thể hoại là tạng của Bồ Tát, vì đủ căn lành vô đối hàng phục ma quân.
Tối thắng vô uý đại sư tử hống là tạng của Bồ Tát, vì khiến cho tất cả chúng sinh đều hoan hỉ.
Được mười tám pháp bất cộng của Phật là tạng của Bồ Tát, vì trí huệ vào khắp tất cả mọi nơi.
Khắp biết rõ tất cả chúng sinh, tất cả cõi, tất cả pháp, tất cả Phật, là tạng của Bồ Tát, vì ở trong một niệm đều thấy rõ. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được tạng đại trí huệ vô thượng căn lành không thể hoại của Như Lai.
Phật tử! Đại Bồ Tát có mười thứ tâm. Những gì là mười?
Đó là : Tâm tinh cần, vì tất cả việc làm đều rốt ráo. Tâm chẳng giải đãi, vì tích tập tướng tốt hạnh phước đức. Tâm đại dũng kiện, vì phá tan tất cả các ma quân. Tâm như lý hành, vì trừ diệt tất cả các phiền não. Tâm bất thối chuyển, vì cho đến bồ đề trọn không ngừng nghỉ. Tâm tánh thanh tịnh, vì biết tâm bất động không chấp trước. Tâm biết chúng sinh, vì tuỳ sự hiểu muốn của họ, khiến cho được xuất ly. Tâm khiến vào Phật pháp đại phạm trụ, vì biết các chúng sinh đủ thứ sự hiểu muốn, chẳng dùng thừa khác mà cứu hộ. Tâm không vô tướng vô nguyện vô tác, vì thấy tướng ba cõi, chẳng chấp lấy. Tâm tướng chữ vạn kim cang kiên cố thắng tạng trang nghiêm, vì số lượng của ma đến đồng số tất cả chúng sinh, cho đến không thể động một sợi lông. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được tâm đại trí quang minh tạng vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ mặc giáp. Những gì là mười ?
Đó là : Mặc giáp đại từ, vì cứu hộ tất cả chúng sinh. Mặc giáp đại bi, vì kham nhẫn tất cả các sự khổ. Mặc giáp đại nguyện, vì tất cả việc làm đều rốt ráo. Mặc giáp hồi hướng, vì kiến lập tất cả Phật trang nghiêm. Mặc giáp phước đức, vì lợi ích tất cả các chúng sinh. Mặc giáp Ba La Mật, vì độ thoát tất cả các hàm thức. Mặc giáp trí huệ, vì diệt tất cả tối phiền não của chúng sinh. Mặc giáp thiện xảo phương tiện, vì sinh phổ môn căn lành. Mặc giáp nhất thiết trí tâm kiên cố không tán loạn, vì chẳng thích thừa khác. Mặc giáp một lòng quyết định, vì nơi tất cả pháp lìa nghi hoặc. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ mặc mão giáp vô thượng của Như Lai, phá tan được tất cả ma quân.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ khí trượng. Những gì là mười ?
Đó là : Bố thí là khí trượng của Bồ Tát, vì phá tan tất cả sự bỏn xẻn.
Trì giới là khí trượng của Bồ Tát, vì từ bỏ tất cả sự huỷ phạm.
Bình đẳng là khí trượng của Bồ Tát, vì đoạn trừ tất cả sự phân biệt.
Trí huệ là khí trượng của Bồ Tát, vì tiêu diệt tất cả phiền não.
Chánh mạng là khí trượng của Bồ Tát, vì xa lìa tất cả tà mạng.
Thiện xảo phương tiện là khí trượng của Bồ Tát, vì thị hiện ở tất cả mọi nơi.
Lược nói tham sân si tất cả phiền não là khí trượng của Bồ Tát, vì dùng môn phiền não độ chúng sinh.
Sinh tử là khí trượng của Bồ Tát, vì chẳng dứt Bồ Tát hạnh, giáo hoá chúng sinh.
Nói pháp như thật là khí trượng của Bồ Tát, vì phá được tất cả sự chấp trước.
Nhất thiết trí là khí trượng của Bồ Tát, vì chẳng bỏ hạnh môn Bồ Tát. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ trừ diệt được tập phiền não kiết sử đêm dài của tất cả chúng sinh.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ đầu. Những gì là mười ?
Đó là : Đầu Niết Bàn, vì không thấy được đảnh. Đầu tôn kính, vì được tất cả trời người kính lễ. Đầu thắng giải rộng lớn, vì thù thắng nhất trong ba ngàn cõi. Đầu căn lành đệ nhứt, vì chúng sinh ba cõi đều cúng dường. Đầu gánh đội chúng sinh, vì thành tựu tướng nhục kế trên đảnh. Đầu chẳng khinh khi người khác, vì thường tôn thắng ở tất cả mọi nơi. Đầu Bát Nhã Ba La Mật, vì trưởng dưỡng tất cả pháp công đức. Đầu phương tiện trí tương ưng, vì khắp hiện thân tất cả đồng loại. Đầu giáo hoá tất cả chúng sinh, vì dùng tất cả chúng sinh làm đệ tử. Đầu thủ hộ chư Phật pháp nhãn, vì hay khiến giống Tam Bảo chẳng đoạn tuyệt. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được đầu đại trí huệ vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ mắt. Đó là : Nhục nhãn, nhìn thấy được tất cả sắc. Thiên nhãn, thấy được tất cả tâm chúng sinh. Huệ nhãn, thấy được cảnh giới các căn của tất cả chúng sinh. Pháp nhãn, thấy được tất cả pháp như thật tướng. Phật nhãn, thấy được thập lực của Như Lai. Trí nhãn, thấy biết được các pháp. Quang minh nhãn, thấy được quang minh của Phật. Xuất sinh tử nhãn, thấy được Niết Bàn. Vô ngại nhãn, sự thấy không có chướng ngại. Nhất thiết trí nhãn, thấy được phổ môn pháp giới. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được mắt đại trí huệ vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ tai. Những gì là mười ?
Đó là : Nghe tiếng tán thán, thì dứt trừ tham ái.
Nghe tiếng huỷ báng, thì dứt trừ tâm sân hận.
Nghe nói nhị thừa, thì chẳng chấp, chẳng cầu.
Nghe đạo Bồ Tát, thì hớn hở vui mừng.
Nghe đến địa ngục, các nơi khổ nạn, thì khởi tâm đại bi, phát hoằng thệ nguyện.
Nghe nói đến việc trời người thù thắng vi diệu, thì biết đó đều là pháp vô thường.
Nghe sự tán thán công đức của chư Phật, thì siêng năng tinh tấn, khiến cho sớm được viên mãn.
Nghe nói pháp lục độ, bốn pháp nhiếp, thì phát tâm tu hành, nguyện đến bờ kia.
Nghe tất cả âm thanh mười phương thế giới, thì đều biết như vang, nhập vào bất khả thuyết diệu nghĩa thâm sâu.
Đại Bồ Tát từ lúc ban đầu phát tâm, cho đến Đạo Tràng, thường nghe chánh pháp, chưa từng tạm ngừng nghỉ, mà luôn không bỏ việc giáo hoá chúng sinh. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát thành tựu pháp nầy, thì sẽ đắc được tai đại trí huệ vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ mũi. Những gì là mười ?
Đó là : Ngửi các mùi hôi, mà không cho là hôi.
Ngửi các mùi thơm mà không cho là thơm.
Thơm hôi đều ngửi, tâm đều bình đẳng, chẳng thơm, chẳng hôi, an trụ nơi xả.
Nếu ngửi mùi y phục, toạ cụ và thân thể của chúng sinh có mùi thơm hôi, thì biết được chúng sinh đó có tham sân si bằng nhau.
Nếu ngửi mùi hương các hầm mỏ, cây cỏ, thì đều phân minh rất rõ, như ở trước mắt.
Nếu ngửi mùi hương chúng sinh dưới đến địa ngục A tỳ, trên đến cõi trời Hữu Đỉnh, thì đều biết được việc làm trong quá khứ của họ.
Nếu ngửi mùi hương các Thanh Văn, bố thí, trì giới, đa văn, trí huệ, thì trụ tâm nhất thiết trí, chẳng khiến cho tán động.
Nếu ngửi mùi hương tất cả Bồ Tát hạnh, thì dùng trí huệ bình đẳng, vào bậc Như Lai.
Ngửi mùi hương cảnh giới trí huệ của tất cả chư Phật, thì cũng chẳng xả bỏ các hạnh Bồ Tát. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát thành tựu pháp nầy, thì sẽ đắc được mũi thanh tịnh vô lượng vô biên của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ lưỡi. Những gì là mười ?
Đó là : Lưỡi khai thị diễn nói hạnh chúng sinh vô tận. Lưỡi khai thị diễn nói pháp môn vô tận. Lưỡi tán thán công đức chư Phật vô tận. Lưỡi diễn xướng từ biện vô tận. Lưỡi khai xiển đại thừa trợ đạo. Lưỡi trùm khắp mười phương hư không. Lưỡi chiếu khắp tất cả cõi Phật. Lưỡi khiến khắp chúng sinh ngộ hiểu. Lưỡi đều khiến chư Phật hoan hỉ. Lưỡi hàng phục tất cả các ma ngoại đạo trừ diệt tất cả sinh tử phiền não khiến cho đến Niết Bàn. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát thành tựu pháp nầy, thì sẽ đắc được lưỡi vô thượng của Như Lai trùm khắp tất cả cõi nước chư Phật.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ thân. Những gì là mười ?
Đó là : Thân người, vì giáo hoá tất cả mọi người. Thân chẳng phải người, vì giáo hoá địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Thân trời, vì giáo hoá chúng sinh cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc. Thân học, vì thị hiện bậc học. Thân vô học, vì thị hiện bậc A la hán. Thân Độc Giác, vì giáo hoá khiến cho nhập vào bậc Bích Chi Phật. Thân Bồ Tát, vì khiến cho thành tựu đại thừa. Thân Như Lai, vì nước trí huệ quán đảnh. Ý sinh thân, vì khéo léo sinh ra. Pháp thân vô lậu, vì dùng vô công dụng thị hiện thân của tất cả chúng sinh. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát thành tựu pháp nầy, thì sẽ đắc được thân vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ ý. Những gì là mười ?
Đó là : Ý thượng thủ, vì phát khởi tất cả căn lành. Ý an trụ, vì tin sâu kiên cố bất động. Ý thâm nhập, vì tuỳ thuận Phật pháp mà hiểu rõ. Ý thấu rõ bên trong, vì biết tâm ưa thích của các chúng sinh. Ý không loạn, vì tất cả phiền não chẳng tạp. Ý sáng tịnh, vì khách trần không thể nhiễm trước. Ý khéo quán chúng sinh, vì không có một niệm nào lỗi thời. Ý khéo chọn việc làm, vì chưa từng có nơi nào sinh lỗi lầm. Ý mật hộ các căn, vì điều phục chẳng khiến cho buông lung tán loạn. Ý khéo vào tam muội, vì thâm nhập tam muội của Phật không ta, không của ta. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được ý vô thượng của tất cả chư Phật.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ hạnh. Những gì là mười ?
Đó là : Hạnh nghe pháp, vì thọ sự ưa thích nơi pháp. Hạnh thuyết pháp, vì lợi ích chúng sinh. Hạnh lìa tham sân si sợ hãi, vì điều phục tâm mình. Hạnh dục giới, vì giáo hoá chúng sinh dục giới. Hạnh tam muội sắc giới, vô sắc giới, vì khiến cho chúng sinh sớm quay trở về. Hạnh hướng về pháp nghĩa, vì sớm đắc được trí huệ. Hạnh tất cả nơi sanh, vì tự tại giáo hoá chúng sinh. Hạnh tất cả cõi Phật, vì lễ bái cúng dường chư Phật. Hạnh Niết Bàn, vì chẳng dứt sinh tử tiếp nối. Hạnh thành tựu viên mãn tất cả Phật pháp, vì chẳng bỏ pháp hạnh của Bồ Tát. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được hạnh không đến không đi của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ trụ. Những gì là mười ?
Đó là : Trụ bồ đề tâm, vì chưa từng quên mất. Trụ Ba La Mật, vì chẳng nhàm trợ đạo. Trụ thuyết pháp, vì tăng trưởng trí huệ. Trụ A Lan Nhã, vì chứng đại thiền định. Trụ tuỳ thuận nhất thiết trí, đầu đà tri túc bốn Thánh chủng, vì ít dục, ít việc. Trụ tin sâu, vì gánh vác chánh pháp. Trụ gần gũi đức Như Lai, vì học oai nghi của Phật. Trụ xuất sinh thần thông, vì viên mãn đại trí. Trụ đắc được nhẫn, vì thọ ký đầy đủ. Trụ đạo tràng, vì đầy đủ lực vô sở uý tất cả Phật pháp. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được trụ vô thượng nhất thiết trí.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ toà ngồi. Những gì là mười ?
Đó là : Toà ngồi Chuyển Luân Vương, vì hưng khởi mười đường lành. Toà ngồi Tứ Thiên Vương, vì nơi tất cả thế gian tự tại an lập Phật pháp. Toà ngồi Đế Thích, vì làm thắng chủ của tất cả chúng sinh. Toà ngồi Phạm Vương, vì đối với mình và người tâm được tự tại. Toà ngồi sư tử, vì hay thuyết pháp. Toà ngồi chánh pháp, vì dùng sức tổng trì biện tài mà khai thị. Toà ngồi kiên cố, vì thệ nguyện rốt ráo. Toà ngồi đại từ, vì khiến cho chúng sinh ác đều hoan hỉ. Toà ngồi đại bi, vì nhẫn chịu tất cả khổ không nhàm mỏi. Toà ngồi kim cang, vì hàng phục chúng ma và ngoại đạo. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được toà ngồi chánh giác vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ nằm. Những gì là mười ?
Đó là : Nằm tịch tĩnh, vì thân tâm đạm bạc. Nằm thiền định, vì như lý tu hành. Nằm tam muội, vì thân tâm mềm mại. Nằm Phạm Thiên, vì chẳng não hại ta người. Nằm thiện nghiệp, vì về sau chẳng hối hận. Nằm chánh tín, vì không thể khuynh động. Nằm chánh đạo, vì bạn lành khai giác. Nằm diệu nguyện, vì thiện xảo hồi hướng. Nằm tất cả việc xong rồi, vì việc làm đều đã thành tựu. Nằm xả bỏ các công dụng, vì tất cả tập quán. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được nằm đại pháp vô thượng của Như Lai, đều có thể khai ngộ tất cả chúng sinh.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười chỗ trụ xứ. Những gì là mười ?
Đó là : Dùng đại từ làm chỗ trụ xứ, vì đối với tất cả chúng sinh tâm đều bình đẳng. Dùng đại bi làm chỗ trụ xứ, vì chẳng khinh những người chưa học. Dùng đại hỉ làm chỗ trụ xứ, vì lìa tất cả sự lo buồn. Dùng đại xả làm chỗ trụ xứ, vì nơi hữu vi, vô vi đều bình đẳng. Dùng tất cả Ba La Mật làm chỗ trụ xứ, vì bồ đề tâm làm đầu. Dùng tất cả không làm chỗ trụ xứ, vì khéo léo quán sát. Dùng vô tướng làm chỗ trụ xứ, vì chẳng xuất chánh vị. Dùng vô nguyện làm chỗ trụ xứ, vì quán sát thọ sanh. Dùng niệm huệ làm chỗ trụ xứ, vì pháp nhẫn thành tựu viên mãn. Dùng tất cả pháp bình đẳng làm chỗ trụ xứ, vì được thọ ký. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được chỗ trụ xứ vô ngại vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười chỗ hành xứ. Những gì là mười ?
Đó là : Dùng chánh niệm làm chỗ hành xứ, vì đầy đủ niệm xứ. Dùng các cõi làm chỗ hành xứ, vì chánh giác pháp cõi. Dùng trí huệ làm chỗ hành xứ, vì được Phật hoan hỉ. Dùng Ba La Mật làm chỗ hành xứ, vì đầy đủ trí nhất thiết trí. Dùng bốn pháp nhiếp làm chỗ hành xứ, vì giáo hoá chúng sinh. Dùng sinh tử làm chỗ hành xứ, vì tích tập căn lành. Dùng sự nói chuyện tạp vui đùa với tất cả chúng sinh làm chỗ hành xứ, vì tuỳ cơ giáo hoá khiến cho họ lìa hẳn. Dùng thần thông làm chỗ hành xứ, vì biết cảnh giới các căn của tất cả chúng sinh. Dùng thiện xảo phương tiện làm chỗ hành xứ, vì Bát Nhã Ba La Mật tương ưng. Dùng đạo tràng làm chỗ hành xứ, vì thành nhất thiết trí mà chẳng dứt Bồ Tát hạnh. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được chỗ hành xứ đại trí huệ vô thượng của Như Lai.
 
Phật tử [17]! Đại Bồ Tát có mười thứ quán sát. Những gì là mười ?
Đó là : Quán sát biết các nghiệp, vì vi tế đều thấy. Quán sát biết các cõi, vì chẳng chấp chúng sinh. Quán sát biết các căn, vì thấu đạt không căn. Quán sát biết các pháp, vì chẳng hoại pháp giới. Quán sát thấy Phật pháp, vì siêng tu Phật nhãn. Quán sát được trí huệ, vì như lý thuyết pháp. Quán sát vô sinh nhẫn, vì quyết định thấu rõ Phật pháp. Quán sát bậc bất thối, vì diệt tất cả phiền não, thoát khỏi ba cõi bậc nhị thừa. Quán sát bậc quán đảnh, vì đối với tất cả Phật pháp tự tại bất động. Quán sát thiện giác trí tam muội, vì đối với tất cả mười phương bố thí làm Phật sự. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được đại quán sát trí vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ quán sát khắp. Những gì là mười ?
Đó là : Quán khắp tất cả những người đến cầu, vì dùng tâm không trái làm mãn nguyện ý của họ.
Quán khắp tất cả chúng sinh phạm giới, vì an trí họ trong tịnh giới của Như Lai.
Quán khắp tất cả chúng sinh có tâm tổn hại, vì an trí họ sức nhẫn nhục của Như Lai.
Quán khắp tất cả chúng sinh giải đãi, vì khuyên nói khiến cho họ tinh tấn không bỏ trách nhiệm gánh vác đại thừa.
Quán khắp tất cả chúng sinh loạn tâm, vì khiến cho họ trụ bậc nhất thiết trí của Như Lai, không tán động.
Quán khắp tất cả chúng sinh ác huệ, vì khiến cho họ trừ nghi hoặc, phá tan hữu kiến.
Quán khắp tất cả bạn lành bình đẳng, vì thuận theo giáo mạng của họ, trụ nơi Phật pháp.
Quán khắp tất cả pháp đã nghe được, vì sớm được chứng thấy nghĩa tối thượng.
Quán khắp tất cả vô biên chúng sinh, vì thường chẳng lìa bỏ sức đại bi.
Quán khắp tất cả pháp của chư Phật, vì sớm được thành tựu nhất thiết trí. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được đại trí huệ quán sát khắp vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ phấn tấn. Những gì là mười ?
Đó là : Ngưu vương phấn tấn, vì che chói tất cả các đại chúng Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà v.v…
Tượng vương phấn tấn, vì tâm khéo điều nhu, gánh vác tất cả các chúng sinh.
Long vương phấn tấn, vì nổi mây dày đại pháp, chiếu ánh chớp giải thoát, chấn tiếng sấm như thật nghĩa, mưa xuống nước cam lồ các căn lực giác phần thiền định giải thoát tam muội.
Đại kim xí điểu vương phấn tấn, vì cạn nước tham ái, phá vỏ ngu si, chụp bắt các rồng độc phiền não, khiến cho thoát khỏi biển lớn khổ sinh tử.
Đại sư tử vương phấn tấn, vì an trụ vô uý bình đẳng đại trí dùng làm khí trượng, phá tan chúng ma và ngoại đạo.
Dũng mãnh phấn tấn, vì có thể ở trong đại chiến trận sinh tử, mà diệt tan tất cả oán phiền não.
Đại trí phấn tấn, vì biết uẩn giới xứ và các duyên khởi, tự tại khai thị tất cả các pháp.
Đà la ni phấn tấn, vì dùng sức niệm huệ, trì pháp không quên, tuỳ căn cơ chúng sinh vì họ tuyên nói.
Biện tài phấn tấn, vì vô ngại mau chóng, phân biệt tất cả, đều khiến cho được lợi ích, tâm hoan hỉ.
Như Lai phấn tấn, vì trí huệ nhất thiết trí pháp trợ đạo thảy đều thành tựu viên mãn, dùng một niệm huệ tương ưng, người đáng được tất cả đều được. Người đáng ngộ tất cả đều ngộ, ngồi toà sư tử, hàng phục ma oán địch, thành tựu A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được tự tại phấn tấn vô thượng của chư Phật đối với tất cả các pháp.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ sư tử hống. Những gì là mười ?
Đó là : Xướng rằng : Tôi chắc chắn sẽ thành Chánh Đẳng Giác, là bồ đề tâm đại sư tử hống.
Tôi sẽ khiến cho tất cả chúng sinh chưa độ được độ, chưa giải thoát được giải thoát, chưa an lạc được an lạc, chưa Niết Bàn được Niết Bàn, là đại bi đại sư tử hống.
Tôi sẽ khiến cho hạt giống Phật Pháp Tăng không đoạn tuyệt, là báo ân Như Lai đại sư tử hống.
Tôi sẽ nghiêm tịnh tất cả cõi Phật, là thệ nguyện rốt ráo kiên cố đại sư tử hống.
Tôi sẽ trừ diệt tất cả đường ác và các xứ nạn, là tự giữ tịnh giới đại sư tử hống.
Tôi sẽ đầy đủ thân lời và ý tướng tốt trang nghiêm của tất cả chư Phật, là cầu phước không nhàm đại sư tử hống.
Tôi sẽ thành tựu viên mãn hết thảy trí huệ của tất cả chư Phật, là cầu trí không nhàm đại sư tử hống.
Tôi sẽ diệt trừ tất cả chúng ma và các ma nghiệp, là chánh hạnh dứt các phiền não đại sư tử hống.
Tôi sẽ biết rõ tất cả các pháp không ta, không chúng sinh, không thọ mạng, không người, không, vô tướng, vô nguyện, tịnh như hư không, là vô sanh pháp nhẫn đại sư tử hống.
Tối hậu sanh Bồ Tát chấn động tất cả cõi nước chư Phật đều khiến cho nghiêm tịnh. Bấy giờ tất cả Thích Phạm Tứ Vương khen ngợi thỉnh cầu : Xin Bồ Tát dùng pháp vô sinh mà hiện thọ sinh. Bồ Tát liền dùng mắt trí huệ vô ngại, quán khắp tất cả chúng sinh thế gian không ai bằng ta, liền thị hiện đản sinh ở nơi cung vua, tự đi bảy bước đại sư tử hống.
Ta ở nơi thế gian là tối thắng đệ nhất, ta sẽ vĩnh viễn chấm dứt bờ mé sinh tử. Là như thuyết mà làm đại sư tử hống. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được đại sư tử hống vô thượng của Như Lai.
 
Phật tử[18] ! Đại Bồ Tát có mười thứ bố thí thanh tịnh. Những gì là mười ?
Đó là : Bình đẳng bố thí, vì chẳng lựa chúng sinh. Tuỳ ý bố thí, vì làm cho họ mãn nguyện. Chẳng loạn bố thí, vì khiến cho được lợi ích. Tuỳ nghi bố thí, vì biết thượng trung hạ. Chẳng trụ bố thí, vì chẳng cầu quả báo. Khai xả bố thí, vì tâm chẳng luyến chấp. Tất cả bố thí, vì rốt ráo thanh tịnh. Hồi hướng bồ đề bố thí, vì xa lìa hữu vi, vô vi. Giáo hoá chúng sinh bố thí, vì cho đến Đạo Tràng vẫn không bỏ sự bố thí. Tam luân thanh tịnh bố thí, vì đối với người thí, kẻ nhận và vật bố thí, chánh niệm quán sát như hư không. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được bố thí rộng lớn thanh tịnh vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ giới thanh tịnh. Những gì là mười ?
Đó là : Giới thân thanh tịnh, vì giữ ba điều ác nơi thân. Giới lời thanh tịnh, vì lìa bốn lỗi lầm nơi lời. Giới ý thanh tịnh, vì vĩnh viễn lìa tham sân tà kiến. Giới chẳng phá tất cả học xứ thanh tịnh, vì làm tôn chủ trong tất cả trời người. Giới giữ gìn bồ đề tâm thanh tịnh, vì chẳng thích tiểu thừa. Giới giữ gìn quy chế của Như Lai thanh tịnh, vì cho đến tội rất nhỏ cũng sinh sợ hãi. Giới ẩn mật hộ trì thanh tịnh, vì khéo cứu chúng sinh phạm giới. Giới thanh tịnh chẳng làm tất cả điều ác, vì thệ tu tất cả pháp lành. Giới thanh tịnh xa lìa tất cả cõi kiến chấp, vì nơi giới không chấp. Giới giữ gìn tất cả chúng sinh thanh tịnh, vì phát khởi đại bi. Đó là mười.
Nếu các chúng sinh an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được giới thanh tịnh không lỗi vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ nhẫn thanh tịnh. Những gì là mười ?
Đó là : Nhẫn thanh tịnh an thọ sự mắng nhục, vì hộ các chúng sinh. Nhẫn thanh tịnh an thọ đao gậy, vì khéo hộ ta người. Nhẫn thanh tịnh chẳng sinh sân hại, vì tâm bất động. Nhẫn thanh tịnh chẳng trách kẻ ti tiện, vì người trên rộng lượng. Nhẫn thanh tịnh có ai trở về đều cứu giúp, vì xả thân mạng mình. Nhẫn thanh tịnh xa lìa ngã mạn, vì chẳng khinh kẻ chưa học. Nhẫn thanh tịnh bị tàn hại huỷ báng chẳng sân, vì quán sát như huyễn. Nhẫn thanh tịnh bị xâm hại không báo oán, vì chẳng thấy ta người. Nhẫn thanh tịnh chẳng theo phiền não, vì lìa các cảnh giới. Nhẫn thanh tịnh tuỳ thuận chân thật trí của Bồ Tát, biết tất cả pháp không sinh, vì chẳng do người khác dạy, nhập vào cảnh giới nhất thiết trí. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được vô thượng pháp nhẫn của tất cả chư Phật, không do người khác mà giác ngộ.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ tinh tấn thanh tịnh. Những gì là mười ?
Đó là : Thân thanh tịnh tinh tấn, vì thừa sự cúng dường chư Phật Bồ Tát và các sư trưởng, tôn trọng phước điền, chẳng thối chuyển.
Lời thanh tịnh tinh tấn, vì tuỳ sự nghe pháp, rộng vì người khác nói, khen ngợi công đức của Phật, không mệt mỏi.
Ý thanh tịnh tinh tấn, vì khéo nhập xuất từ bi hỷ xả, thiền định giải thoát, và các tam muội, không ngừng nghỉ.
Tâm ngay thẳng thanh tịnh tinh tấn, vì không dối, không xiểm nịnh, không cong vạy, không hư nguỵ, siêng tu tất cả, không thối chuyển.
Tâm tăng thắng thanh tịnh tinh tấn, vì chí thường hướng cầu trí huệ vô thượng, nguyện đủ tất cả pháp trắng tịnh.
Chẳng luống bỏ thanh tịnh tinh tấn, vì nhiếp lấy bố thí, giới, nhẫn, đa văn và không phóng dật, cho đến bồ đề không nghỉ giữa đường.
Hàng phục tất cả ma thanh tịnh tinh tấn, vì đều trừ diệt tham dục, sân hận, ngu si, tà kiến, tất cả phiền não các triền cái.
Thành tựu viên mãn trí huệ quang thanh tịnh tinh tấn, vì có làm việc gì, đều khéo quán sát, đều khiến rốt ráo, chẳng khiến cho hậu hối, đắc được tất cả pháp bất cộng của Phật.
Không đến, không đi, thanh tịnh tinh tấn, vì được trí như thật, vào môn pháp giới, thân lời và tâm thảy đều bình đẳng, thấu rõ tướng chẳng phải tướng, không chấp trước.
Thành tựu pháp quang thanh tịnh tinh tấn, vì vượt qua các địa, được Phật quán đảnh, dùng thân vô lậu mà thị hiện mất, sinh, xuất gia, thành đạo, thuyết pháp, diệt độ, đầy đủ việc Phổ Hiền như vậy. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được đại tinh tấn thanh tịnh vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ thiền thanh tịnh. Những gì là mười ?
Đó là : Thiền thanh tịnh thường thích xuất gia, vì xả bỏ được hết thảy tất cả. Thiền thanh tịnh được bạn lành chân thật, vì chỉ dạy chánh đạo. Thiền thanh tịnh trụ A lan nhã chịu mưa gió .v.v… vì lìa cái ta, của ta. Thiền thanh tịnh lìa chúng sinh ồn náo, vì thường thích vắng lặng. Thiền thanh tịnh tâm nghiệp điều nhu, vì giữ gìn các căn. Thiền thanh tịnh tâm trí vắng lặng, vì tất cả âm thanh các chướng thiền định, không thể loạn được. Thiền thanh tịnh giác đạo phương tiện, vì quán sát tất cả đều hiện chứng. Thiền thanh tịnh lìa chấp trước vị, vì chẳng bỏ cõi dục. Thiền thanh tịnh phát khởi thông minh, vì biết căn tánh của tất cả chúng sinh. Thiền thanh tịnh tự tại du hí, vì vào tam muội của Phật biết không có cái ta. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ trong pháp nầy, thì sẽ đắc được đại thiền thanh tịnh vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ huệ thanh tịnh. Những gì là mười ?
Đó là : Huệ thanh tịnh biết tất cả nhân, vì chẳng hoại quả báo.
Huệ thanh tịnh biết tất cả duyên, vì chẳng trái với hoà hợp.
Huệ thanh tịnh biết chẳng đoạn, chẳng thường, vì thấu đạt duyên khởi đều như thật.
Huệ thanh tịnh trừ tất cả kiến chấp, vì nơi tướng chúng sinh chẳng thủ lấy.
Huệ thanh tịnh quán tâm hạnh của tất cả chúng sinh, vì biết rõ như huyễn.
Huệ thanh tịnh biện tài rộng lớn, vì phân biệt các pháp vấn đáp vô ngại.
Huệ thanh tịnh tất cả các ma ngoại đạo Thanh Văn Độc Giác không thể biết được, vì vào sâu tất cả trí của Như Lai.
Huệ thanh tịnh thấy pháp thân vi diệu của tất cả chư Phật, thấy bổn tánh thanh tịnh của tất cả chúng sinh, thấy tất cả pháp đều vắng lặng, thấy tất cả cõi đồng với hư không, vì biết tất cả tướng đều vô ngại.
Huệ thanh tịnh tất cả tổng trì biện tài phương tiện Ba la mật, vì khiến cho đắc được tất cả trí huệ tối thắng.
Huệ thanh tịnh một niệm tương ưng kim cang trí, thấu rõ tất cả pháp bình đẳng, vì đắc được tất cả pháp tối tôn trí. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ trong pháp nầy, thì sẽ đắc được đại trí huệ không chướng ngại của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ từ thanh tịnh. Những gì là mười ?
Đó là : Từ thanh tịnh tâm bình đẳng, vì nhiếp khắp chúng sinh, chẳng có lựa chọn.
Từ thanh tịnh lợi ích, vì tuỳ theo việc làm đều khiến cho hoan hỉ.
Từ thanh tịnh nhiếp vật đồng như mình, vì rốt ráo đều khiến cho thoát khỏi sinh tử.
Từ thanh tịnh chẳng bỏ thế gian, vì tâm thường duyên niệm tích tập căn lành.
Từ thanh tịnh hay đến giải thoát, vì khắp khiến chúng sinh trừ diệt tất cả các phiền não.
Từ thanh tịnh sinh ra bồ đề, vì khắp khiến chúng sinh phát tâm cầu nhất thiết trí.
Từ thanh tịnh thế gian vô ngại, vì phóng đại quang minh bình đẳng chiếu khắp.
Từ thanh tịnh đầy dẫy hư không, vì cứu hộ chúng sinh không nơi nào chẳng đến.
Từ thanh tịnh pháp duyên, vì chứng pháp như như chân thật.
Từ thanh tịnh vô duyên, vì vào tánh lìa sanh của Bồ Tát. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được từ thanh tịnh rộng lớn vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ bi thanh tịnh. Những gì là mười ?
Đó là : Bi thanh tịnh không bạn bè, vì chỉ mình phát tâm đó.
Bi thanh tịnh chẳng nhàm mỏi, vì thế tất cả chúng sinh thọ khổ, chẳng cho rằng cực nhọc.
Bi thanh tịnh thọ sinh xứ nạn, vì độ chúng sinh.
Bi thanh tịnh thọ sinh cõi lành, vì thị hiện vô thường.
Bi thanh tịnh vì chúng sinh tà định, vì trải qua số kiếp chẳng bỏ thệ nguyện.
Bi thanh tịnh chẳng chấp vui của mình, vì khắp ban cho chúng sinh an lạc.
Bi thanh tịnh chẳng cầu báo ân, vì tu tâm trong sạch.
Bi thanh tịnh hay trừ điên đảo, vì thuyết pháp như thật.
Đại Bồ Tát biết tất cả pháp tánh vốn thanh tịnh, không nhiễm trước, không nhiệt não, vì dùng khách trần phiền não, mà thọ các khổ. Biết như vậy rồi, đối với các chúng sinh mà khởi đại bi, tên là Bổn tánh thanh tịnh, vì họ thuyết pháp vô cấu quang minh thanh tịnh.
Đại Bồ Tát biết tất cả pháp như dấu chim trong hư không, chúng sinh si mù, không thể chiếu rõ quán sát, đối với họ khởi tâm đại bi, tên là Chân thật trí, vì họ khai thị pháp Niết Bàn. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được đại bi thanh tịnh rộng lớn vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ hỉ thanh tịnh. Những gì là mười ?
Đó là : Hỉ thanh tịnh phát bồ đề tâm.
Hỉ thanh tịnh đều xả bỏ hết thảy.
Hỉ thanh tịnh chẳng ghét bỏ chúng sinh phá giới, mà giáo hoá họ được thành tựu.
Hỉ thanh tịnh hay nhẫn thọ chúng sinh tạo ác, thệ nguyện cứu độ họ.
Hỉ thanh tịnh xả thân cầu pháp, chẳng sinh tâm hối hận.
Hỉ thanh tịnh tự bỏ dục lạc, thường thích pháp lạc.
Hỉ thanh tịnh khiến cho tất cả chúng sinh bỏ sự thích đồ tư sanh, thường thích pháp lạc.
Hỉ thanh tịnh thấy tất cả chư Phật cung kính cúng dường, không có nhàm đủ, pháp giới bình đẳng.
Hỉ thanh tịnh khiến cho tất cả chúng sinh ưa thích thiền định giải thoát tam muội, du hí nhập xuất.
Hỉ thanh tịnh tâm thích đủ hành tuỳ thuận Bồ Tát đạo tất cả khổ hạnh, chứng được mâu ni tịch tĩnh bất động định huệ vô thượng. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được đại hỉ thanh tịnh vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ xả thanh tịnh. Những gì là mười ?
Đó là : Xả thanh tịnh tất cả chúng sinh cung kính cúng dường, chẳng sinh ái trước.
Xả thanh tịnh tất cả chúng sinh khinh mạn huỷ nhục, chẳng sinh sân hận.
Xả thanh tịnh thường đi trong thế gian, chẳng bị tám pháp thế gian làm làm ô nhiễm.
Xả thanh tịnh đối với pháp khí chúng sinh, chờ thời mà hoá độ, đối với chúng sinh chẳng phải pháp khí, cũng chẳng sinh hiềm ghét.
Xả thanh tịnh chẳng cầu pháp nhị thừa học vô học.
Xả thanh tịnh tâm thường xa lìa tất cả dục lạc thuận pháp phiền não.
Xả thanh tịnh chẳng khen nhị thừa, nhàm lìa sinh tử.
Xả thanh tịnh lìa khỏi tất cả lời lẽ thế gian, lời lẽ chẳng phải Niết Bàn, lời lẽ chẳng phải lìa dục, lời lẽ chẳng thuận lý, lời lẽ não loạn người khác, lời lẽ Thanh Văn, Độc Giác, lược nói cho đến tất cả lời lẽ chướng Bồ Tát đạo, thảy đều xa lìa.
Xả thanh tịnh, hoặc có chúng sinh căn cơ đã thành thục, phát sinh niệm huệ, mà chưa biết được pháp tối thượng, thì đợi đến lúc mới hoá độ.
Xả thanh tịnh hoặc có chúng sinh Bồ Tát thuở xưa đã từng giáo hoá, đến nơi Phật địa mới có thể điều phục được, thì cũng đợi thời cơ. Đại Bồ Tát ở nơi hai hạng người đó, không cao, không thấp, không lấy, không bỏ, xa lìa tất cả đủ thứ sự phân biệt, luôn trụ chánh định vào pháp như thật, tâm được kham nhẫn xả thanh tịnh. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ trong pháp nầy, thì sẽ đắc được xả thanh tịnh rộng lớn vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ nghĩa. Những gì là mười ?
Đó là : Nghĩa đa văn, vì kiên cố tu hành. Nghĩa pháp, vì khéo léo suy gẫm lựa chọn. Nghĩa không, vì đệ nhất nghĩa không. Nghĩa tịch tĩnh, vì lìa các chúng sinh ồn náo. Nghĩa bất khả thuyết, vì chẳng chấp tất cả lời nói. Nghĩa như thật, vì thấu đạt ba đời bình đẳng. Nghĩa pháp giới, vì tất cả các pháp một vị. Nghĩa chân như, vì tất cả Như Lai thuận vào. Nghĩa thật tế, vì biết rõ rốt ráo như thật. Nghĩa Đại Bát Niết Bàn, vì diệt tất cả khổ mà tu các hạnh của Bồ Tát. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được nghĩa vô thượng nhất thiết trí.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ pháp. Những gì là mười ?
Đó là : Pháp chân thật, vì như thuyết tu hành. Pháp lìa chấp, vì năng chấp và sở chấp đều lìa. Pháp không tranh, vì không có tất cả mê hoặc tranh cãi. Pháp tịch diệt, vì diệt trừ tất cả nhiệt não. Pháp lìa dục, vì tất cả tham dục đều dứt. Pháp không phân biệt, vì vĩnh viễn ngừng phan duyên phân biệt. Pháp không sinh, vì bất động giống như hư không. Pháp vô vi, vì lìa sinh trụ diệt các tướng. Pháp bổn tánh, vì tự tánh thanh tịnh không nhiễm. Pháp bỏ tất cả Hữu Dư Niết Bàn, vì hay sinh tất cả Bồ Tát hạnh tu tập không dứt. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ trong pháp nầy, thì sẽ đắc được pháp rộng lớn vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ công cụ trợ đạo phước đức. Những gì là mười ?
Đó là : Khuyên chúng sinh khởi bồ đề tâm, là công cụ trợ đạo phước đức của Bồ Tát, vì chẳng dứt giống Tam Bảo.
Tuỳ thuận mười thứ hồi hướng, là công cụ trợ đạo phước đức của Bồ Tát, vì dứt tất cả pháp bất thiện, tích tập tất cả pháp lành.
Trí huệ dạy dỗ, là công cụ trợ đạo của Bồ Tát, vì vượt qua phước đức ba cõi.
Tâm không mệt mỏi, là công cụ trợ đạo phước đức của Bồ Tát, vì rốt ráo độ thoát tất cả chúng sinh.
Đều xả bỏ tất cả sở hữu trong ngoài, là công cụ trợ đạo phước đức của Bồ Tát, vì đối với tất cả mọi vật đều không chấp trước.
Vì đầy đủ tướng tốt tinh tấn chẳng thối chuyển, là công cụ trợ đạo phước đức của Bồ Tát, vì mở cửa bố thí lớn không giới hạn.
Thượng trung hạ ba phẩm căn lành đều đem hồi hướng vô thượng bồ đề, tâm không chỗ khinh, là công cụ trợ đạo phước đức của Bồ Tát, vì thiện xảo phương tiện tương ưng.
Đối với chúng sinh tà định, hạ liệt, bất thiện, đều sinh tâm đại bi, chẳng khinh tiện, là công cụ trợ đạo phước đức của Bồ Tát, vì thường khởi tâm hoằng thệ của bậc đại nhân.
Cung kính cúng dường tất cả Như Lai, đối với tất cả Bồ Tát khởi tưởng Như Lai, khiến cho tất cả chúng sinh đều sinh hoan hỉ, là công cụ trợ đạo phước đức của Bồ Tát, vì giữ chí nguyện xưa rất vững bền.
Đại Bồ Tát ở trong A tăng kỳ kiếp, tích tập căn lành, tự muốn thủ chứng vô thượng bồ đề, như ở trong lòng bàn tay, nhưng đều đem xả thí cho tất cả chúng sinh, tâm không lo buồn, cũng không hối hận, tâm Ngài rộng lớn đồng cõi hư không. Đó là công cụ trợ đạo phước đức của Bồ Tát, vì khởi đại trí huệ, chứng pháp lớn. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ trong pháp nầy, thì sẽ đầy đủ phước đức tụ rộng lớn vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ trí huệ công cụ trợ đạo. Những gì là mười ?
Đó là : Gần gũi bậc đa văn chân thiện tri thức, cung kính cúng dường, tôn trọng lễ bái, tuỳ thuận mọi thứ, chẳng trái lời dạy dỗ, đó là trí huệ công cụ trợ đạo thứ nhất, vì tất cả chánh trực không hư dối.
Vĩnh viễn lìa kiêu mạn, thường có hạnh khiêm cung. Thân lời ý nghiệp không thô bạo, nhu hoà thiện thuận, chẳng dối trá, chẳng quanh co, đó là trí huệ công cụ trợ đạo thứ hai, vì thân Bồ Tát kham làm Phật pháp khí.
Niệm huệ tuỳ giác, chưa từng tán loạn. Tàm quý nhu hoà, tâm an bất động. Thường nhớ lục niệm, thường hành lục kính. Thường tuỳ thuận trụ pháp lục kiên cố, đó là trí huệ công cụ trợ đạo thứ ba, vì là phương tiện với mười thứ trí.
Thích pháp thích nghĩa, lấy pháp làm vui. Thường thích lắng nghe, không nhàm đủ. Xả lìa luận nghị và lời nói thế gian, chuyên tâm nghe thọ lời xuất thế gian. Xa lìa tiểu thừa, vào huệ đại thừa, đó là trí huệ công cụ trợ đạo thứ tư, vì một lòng nghĩ nhớ, không tán động.
Tâm chuyên gánh vác sáu Ba La Mật. Hạnh đã thành thục, bốn thứ phạm trụ. Đều khéo tu hành, tuỳ thuận minh pháp. Đều siêng thỉnh vấn người trí huệ thông mẫn. Xa lìa cõi ác, hướng về đường lành, tâm thường ưa thích, chánh niệm quán sát. Điều phục lòng mình, thủ hộ ý người, đó là trí huệ công cụ trợ đạo thứ năm, vì kiên cố tu hành hạnh chân thật.
Thường thích xuất ly, chẳng chấp vào ba cõi. Luôn giác tâm mình, chưa từng có niệm ác. Ba giác đã đoạn tuyệt, ba nghiệp đều thiện. Quyết định biết rõ tự tánh của tâm. Đó là trí huệ công cụ trợ đạo thứ sáu, vì hay khiến tâm mình người khác thanh tịnh.
Quán sát năm uẩn, đều như việc huyễn, giới như rắn độc, xứ như không tụ. Tất cả các pháp, như huyễn, như diệm, như trăng trong nước, như mộng, như bóng, như tiếng vang, như hình tượng, như vẽ giữa hư không, như vòng lửa quay, như màu sắc cầu vồng. Như ánh sáng mặt trời, mặt trăng, không tướng, không hình, chẳng thường, chẳng đoạn, chẳng đến, chẳng đi, cũng không chỗ trụ. Quán sát như vậy, thì sẽ biết tất cả các pháp không sinh, không diệt. Đó là trí huệ công cụ trợ đạo thứ bảy, vì biết tất cả pháp tánh vắng lặng.
Đại Bồ Tát nghe tất cả pháp không có cái ta, không chúng sinh, không thọ giả, không người, không tâm, không cảnh, không tham sân si, không thân, không vật, không chủ, không đãi, không chấp, không hành. Như vậy tất cả đều không chỗ có, đều quy về tịch diệt. Nghe rồi tin sâu, chẳng nghi, chẳng chê bai. Đó là trí huệ công cụ trợ đạo thứ tám, vì dùng sự thành tựu viên mãn sự hiểu biết.
Đại Bồ Tát khéo điều các căn, như lý tu hành, luôn trụ chỉ quán, tâm ý vắng lặng. Tất cả động niệm, thảy đều chẳng sinh. Không ta, không người, không làm, không hành, không chấp tưởng cái ta, không chấp nghiệp của ta, không có tỳ vết, không có rạn nứt, cũng không có đắc được nhẫn nơi đây. Thân lời ý nghiệp, không đến, không đi, không có tinh tấn, cũng không có dũng mãnh. Quán tất cả chúng sinh, tất cả các pháp, tâm đều bình đẳng, mà không chỗ trụ. Chẳng bờ nầy, chẳng bờ kia. Tánh đó đây đều lìa. Không chỗ đến, không chỗ đi. Thường dùng trí huệ tư duy như vậy. Đó là trí huệ công cụ trợ đạo thứ chín, vì đến nơi bờ kia tướng phân biệt.
Vì đại Bồ Tát thấy pháp duyên khởi, nên thấy pháp thanh tịnh. Vì thấy pháp thanh tịnh, nên thấy cõi nước thanh tịnh. Vì thấy cõi nước thanh tịnh, nên thấy hư không thanh tịnh. Vì thấy hư không thanh tịnh, nên thấy pháp giới thanh tịnh. Vì thấy pháp giới thanh tịnh, nên thấy trí huệ thanh tịnh. Đó là trí huệ công cụ trợ đạo thứ mười, vì tu hành tích tập nhất thiết trí.
Phật tử ! Đó là mười thứ trí huệ công cụ trợ đạo của đại Bồ Tát. Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được trí huệ vi diệu thanh tịnh nơi tất cả các pháp của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ minh túc. Những gì là mười ?
Đó là : Minh túc khéo phân biệt các pháp. Minh túc chẳng chấp trước các pháp. Minh túc lìa kiến điên đảo. Minh túc trí huệ quang minh chiếu các căn. Minh túc khéo phát khởi chánh tinh tấn. Minh túc hay vào sâu chân đế trí. Minh túc diệt phiền não nghiệp thành tựu tận trí vô sanh trí. Minh túc thiên nhãn trí khắp quán sát. Minh túc túc trụ niệm biết thuở xưa thanh tịnh. Minh túc lậu tận thần thông trí đoạn chúng sinh các lậu. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được đại quang minh vô thượng nơi tất cả Phật pháp của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ cầu pháp. Những gì là mười ?
Đó là : Chân tâm cầu pháp, vì không có hư dối. Tinh tấn cầu pháp, vì xa lìa giải đãi. Một lòng cầu pháp, vì chẳng tiếc thân mạng. Vì đoạn trừ phiền não của tất cả chúng sinh mà cầu pháp, bởi chẳng vì danh lợi cung kính. Vì lợi ích mình, người khác tất cả chúng sinh mà cầu pháp, vì chẳng riêng tự lợi. Vì vào trí huệ mà cầu pháp, vì chẳng thích văn tự. Vì thoát sanh tử mà cầu pháp, vì chẳng tham vui thế gian. Vì độ chúng sinh mà cầu pháp, vì phát tâm bồ đề. Vì dứt nghi của tất cả chúng sinh mà cầu pháp, vì khiến cho không do dự. Vì đầy đủ Phật pháp mà cầu pháp, vì chẳng thích thừa khác. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được đại trí huệ tất cả Phật pháp không do người khác dạy.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ pháp thấu rõ. Những gì là mười ?
Đó là : Tuỳ thuận thế tục sinh trưởng căn lành, là pháp thấu rõ của đồng mông phàm phu.
Được tin vô ngại bất hoại, giác pháp tự tánh, là pháp thấu rõ của người theo tin thực hành.
Siêng tu tập pháp, tuỳ thuận pháp trụ, là pháp thấu rõ của người theo pháp thực hành.
Xa lìa tám tà, hướng tám chánh đạo, là pháp thấu rõ của người thứ tám.
Trừ diệt các kết, dứt lậu sinh tử, thấy đế chân thật, là pháp thấu rõ của bậc Tu Đà Hoàn.
Quán vị là hoạ hoạn, biết không đến đi, là pháp thấu rõ của bậc Tư Đà Hàm.
Chẳng thích ba cõi, cầu hết hữu lậu, nơi thọ sanh pháp, cho đến một niệm, chẳng sanh ái trước, là pháp thấu rõ của bậc A Na Hàm.
Đắc được sáu thần thông, được tám giải thoát, chín định, bốn vô ngại biện, thảy đều thành tựu, là pháp thấu rõ của bậc A La Hán.
Tánh thích quán sát một vị duyên khởi, tâm thường vắng lặng, biết đủ ít việc, hiểu nhân tự được, ngộ không do người khác dạy, thành tựu đủ thứ thần thông trí huệ, là pháp thấu rõ của bậc Bích chi Phật.
Trí huệ rộng lớn, các căn lanh lợi, thường thích độ thoát tất cả chúng sinh, siêng tu phước trí pháp trợ đạo, hết thảy mười lực vô uý của Như Lai, tất cả công đức, đầy đủ viên mãn, là pháp thấu rõ của bậc Bồ Tát. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được pháp thấu rõ vô thượng đại trí của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ pháp tu hành. Những gì là mười ?
Đó là : Pháp tu hành cung kính tôn trọng các thiện tri thức. Pháp tu hành thường làm cho chư Thiên được giác ngộ. Pháp tu hành ở chỗ chư Phật thường có lòng tám quý. Pháp tu hành thương xót chúng sinh, chẳng bỏ sinh tử. Pháp tu hành sự việc rốt ráo, tâm không biến động. Pháp tu hành chuyên niệm tuỳ duyên phát tâm đại thừa, các chúng Bồ Tát tinh tấn siêng tu học. Pháp tu hành xa lìa tà kiến, siêng cầu chánh đạo. Pháp tu hành phá tan chúng ma và phiền não nghiệp. Pháp tu hành biết các chúng sinh căn tánh thắng liệt mà vì họ thuyết pháp, khiến cho họ trụ Phật địa. Pháp tu hành an trụ vô biên pháp giới rộng lớn, trừ diệt phiền não, khiến cho thân thanh tịnh. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được pháp tu hành vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ ma. Những gì là mười ?
Đó là : Uẩn ma, vì sinh các chấp thủ. Phiền não ma, vì luôn tạp nhiễm. Nghiệp ma, vì hay chướng ngại. Tâm ma, vì khởi cao mạn. Tử ma, vì bỏ nơi sinh. Thiên ma, vì tự kiêu căn phóng túng. Thiện căn ma, vì luôn chấp lấy. Tam muội ma, vì say đắm vị thiền lâu dài. Thiện tri thức ma, vì khởi tâm chấp. Bồ đề pháp trí ma, vì chẳng muốn xả lìa. Đó là mười. Đại Bồ Tát nên làm phương tiện sớm cầu xa lìa.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ ma nghiệp. Những gì là mười ?
Đó là : Quên mất bồ đề tâm, mà tu các căn lành, đó là ma nghiệp.
Ác tâm bố thí, sân tâm trì giới, bỏ người tánh ác, xa người giải đãi, khinh mạn kẻ loạn ý, chê hiềm người ác huệ, đó là ma nghiệp.
Nơi pháp thâm sâu, sinh tâm tham sẻn, có người hoá độ được, mà chẳng vì họ nói pháp. Nếu được tài lợi cung kính cúng dường, tuy họ chẳng phải pháp khí mà vì họ nói pháp, đó là ma nghiệp.
Chẳng thích lắng nghe các Ba La Mật, giả sử nghe nói mà chẳng tu hành, tuy cũng tu hành, phần nhiều sinh giải đãi. Do vì giải đãi, nên ý chí hẹp kém, chẳng cầu pháp vô thượng đại bồ đề, đó là ma nghiệp.
Xa thiện tri thức, gần ác tri thức, thích cầu nhị thừa, chẳng thích thọ sinh, chí hướng Niết Bàn, lìa dục tịch tĩnh, đó là ma nghiệp.
Ở chỗ Bồ Tát, khởi tâm sân hận, nhìn với cặp mắt ác. Tìm tòi tội sơ hở, nói lỗi lầm của họ, dứt hết thảy tài lợi cúng dường của họ, đó là ma nghiệp.
Phỉ báng chánh pháp, chẳng thích lắng nghe. Giả sử được nghe, liền sinh chê bai. Thấy người nói pháp, chẳng sinh tôn trọng. Nói mình nói đúng, người khác nói đều sai, đó là ma nghiệp.
Thích học thế luận, xảo thuật văn từ. Khai xiển nhị thừa, che lấp pháp thâm sâu. Hoặc dùng diệu nghĩa, truyền dạy người chẳng đáng dạy, xa lìa bồ đề, trụ nơi tà đạo, đó là ma nghiệp.
Người đã được giải thoát, đã an ổn rồi, thường thích gần gũi mà cúng dường. Người chưa được giải thoát, chưa được an ổn, chẳng chịu gần gũi, cũng chẳng giáo hoá, đó là ma nghiệp.
Tăng trưởng ngã mạn, không có sự cung kính. Đối với các chúng sinh, làm nhiều sự não hại. Chẳng cầu chánh pháp trí huệ chân thật, tâm ý tệ ác, khó khai ngộ được, đó là ma nghiệp. Đó là mười.
Đại Bồ Tát nên sớm xa lìa, siêng cầu Phật nghiệp.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ xả lìa ma nghiệp. Những gì là mười ?
Đó là : Gần gũi thiện tri thức, cung kính cúng dường, là xả lìa ma nghiệp. Chẳng tự cao tự đại, chẳng tự khen ngợi mình, là xả lìa ma nghiệp. Nơi pháp Phật thâm sâu, tin hiểu chẳng phỉ báng, là xả lìa ma nghiệp. Chưa từng quên mất tâm nhất thiết trí, là xả lìa ma nghiệp. Siêng tu diệu hạnh, luôn chẳng phóng dật, là xả lìa ma nghiệp. Thường cầu tạng pháp của tất cả Bồ Tát, là xả lìa ma nghiệp. Luôn diễn nói pháp, tâm không mệt mỏi, là xả lìa ma nghiệp. Nương tựa mười phương tất cả chư Phật, khởi tâm cứu hộ, là xả lìa ma nghiệp. Tin thọ nghĩ nhớ tất cả chư Phật, được thần lực của chư Phật gia trì, là xả lìa ma nghiệp. Với tất cả Bồ Tát đồng trồng căn lành, bình đẳng không hai, là xả lìa ma nghiệp. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ lìa khỏi tất cả ma đạo.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ thấy Phật. Những gì là mười ?
Đó là : An trụ thế gian thành Chánh Giác Phật, là thấy không chấp trước. Nguyện Phật, là thấy xuất sinh. Nghiệp báo Phật, là thấy tin sâu. Trụ trì Phật, là thấy tuỳ thuận. Niết Bàn Phật, là thấy vào sâu. Pháp giới Phật, là thấy đến khắp. Tâm Phật, là thấy an trụ. Tam muội Phật, là thấy vô lượng vô y. Bổn tánh Phật, là thấy thấu rõ. Tuỳ lạc Phật, là thấy thọ khắp. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ thấy được Như Lai vô thượng.
Phật tử! Đại Bồ Tát có mười thứ Phật nghiệp. Những gì là mười?
Đó là: Tuỳ thời khai đạo, là Phật nghiệp, vì khiến cho chân chánh tu hành.
Trong mộng khiến thấy, là Phật nghiệp, vì giác ngộ căn lành thuở xưa.
Vì họ diễn nói Kinh chưa từng nghe qua, là Phật nghiệp, vì khiến cho họ sinh trí dứt nghi.
Vì người ăn năn ràng buộc của sự ràng buộc nói pháp xuất ly, là Phật nghiệp, vì khiến cho họ lìa tâm nghi.
Nếu có chúng sinh, khởi tâm tham sẻn, cho đến tâm ác huệ, tâm nhị thừa, tâm tổn hại, tâm nghi hoặc, tâm tán động, tâm kiêu mạn, vì họ hiện thân Như Lai các tướng trang nghiêm, là Phật nghiệp, vì sinh trưởng căn lành quá khứ.
Khi lúc chánh pháp khó gặp, rộng vì họ nói pháp, khiến cho họ nghe rồi, đắc được trí đà la ni, trí thần thông, hay lợi ích khắp vô lượng chúng sinh, là Phật nghiệp, vì thắng giải thanh tịnh.
Nếu có ma sự sinh khởi, hay dùng phương tiện hiện âm thanh đồng cõi hư không, nói pháp đừng tổn não họ dùng để đối trị, khiến cho họ khai ngộ, chúng ma nghe rồi, oai quang diệt mất, là Phật nghiệp, vì chí thích thù thắng, đại oai đức.
Tâm không gián đoạn, thường tự giữ gìn, chẳng khiến cho chứng nhập chánh vị nhị thừa, nếu có chúng sinh căn lành chưa thành thục, thì trọn không vì họ nói cảnh giới giải thoát, là Phật nghiệp, vì làm theo nguyện xưa.
 Sinh tử kết lậu, tất cả đều lìa, tu Bồ Tát hạnh liên tục không ngừng, dùng tâm đại bi nhiếp lấy chúng sinh, khiến cho họ khởi sự tu hành, rốt ráo giải thoát, là Phật nghiệp, vì tu hành Bồ Tát hạnh không dứt.
Đại Bồ Tát thấu đạt thân mình và chúng sinh vốn là tịch diệt, chẳng sợ chẳng hãi, mà siêng tu phước trí, không có nhàm đủ. Tuy biết tất cả pháp không có tạo tác, mà cũng chẳng bỏ tự tướng các pháp. Tuy nơi các cảnh giới vĩnh viễn lìa tham dục, mà thường thích chiêm ngưỡng khen ngợi sắc thân chư Phật. Tuy biết chẳng do người khác ngộ nhập nơi pháp, mà đủ thứ phương tiện, cầu nhất thiết trí. Tuy biết các cõi nước đều như hư không, mà thường thích trang nghiêm tất cả cõi Phật. Tuy luôn quán sát không người, không ta, mà giáo hoá chúng sinh, không có nhàm mỏi. Tuy nơi pháp giới vốn bất động, mà dùng thần thông trí lực, hiện các biến hoá. Tuy đã thành tựu trí nhất thiết trí, mà tu Bồ Tát hạnh, không có ngừng nghỉ. Tuy biết các pháp không thể nói, mà chuyển tịnh pháp luân, khiến tâm chúng sinh hoan hỉ. Tuy hay thị hiện chư Phật thần lực, mà chẳng nhàm bỏ thân Bồ Tát. Tuy hiện nhập Đại Bát Niết Bàn, mà vẫn thị hiện thọ sinh tất cả mọi nơi, hay làm pháp quyền thật song hành như thế, là Phật nghiệp. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ trong pháp nầy, thì sẽ đắc được nghiệp rộng lớn, vô thượng vô sư, không do người khác dạy.
Phật tử! Đại Bồ Tát có mười thứ mạn nghiệp. Những gì là mười?
Đó là: Đối với sư Tăng, cha mẹ, Sa Môn, Bà La Môn, trụ nơi chánh đạo, hướng về chánh đạo, là nơi tôn trọng phước điền, mà chẳng cung kính, là mạn nghiệp.
Hoặc có pháp sư, đắc được pháp tối thắng, trụ nơi đại thừa, biết đạo xuất thế, đắc được Đà La Ni, diễn nói pháp khế kinh rộng lớn, không có ngừng nghỉ, mà đối với bậc ấy, khởi tâm cao mạn, và đối với pháp của vị ấy nói, chẳng sinh tâm cung kính, là mạn nghiệp.
Ở trong chúng hội, nghe nói diệu pháp, chẳng chịu khen hay, khiến người tin thọ, là mạn nghiệp.
Ưa khởi lỗi lầm ngã mạn, tự cao ngạo lấn người, chẳng thấy lỗi mình, chẳng biết mình dở, là mạn nghiệp.
Ưa khởi lỗi lầm ngã mạn, thấy người có đức, đáng khen mà chẳng khen. Thấy họ khen ngợi, chẳng sinh tâm hoan hỉ, là mạn nghiệp.
Thấy có pháp sư, vì người thuyết pháp, biết đúng pháp, đúng luật, là chân thật, là lời của Phật, vì hiềm người đó, cũng hiềm pháp của người đó nói, tự khởi sự phỉ báng, cũng khiến cho họ phỉ báng, là mạn nghiệp.
Tự cầu toà cao, tự xưng là pháp sư, nên được cung cấp, chẳng đáng phải làm việc. Thấy người già cả, tu hành đã lâu, chẳng đứng dậy nghinh tiếp, chẳng chịu hầu hạ, là mạn nghiệp.
Thấy người có đức, nhíu mày chẳng vui, nói lời thô lỗ, tìm lỗi lầm của họ, là mạn nghiệp.
Thấy có người thông minh trí huệ biết pháp, chẳng chịu gần gũi cung kính cúng dường, chẳng chịu thưa hỏi, những gì là pháp lành, những gì không nên làm, những gì nên làm, để mãi mãi đắc được đủ thứ lợi ích an lạc. Ngu si ngoan cố, bị chìm trong ngã mạn, thì trọn không thể thấy đạo xuất yếu, là mạn nghiệp.
Lại có chúng sinh, bị tâm ngã mạn che đậy, nên chư Phật ra đời, không được gần gũi cung kính cúng dường. Việc thiện mới chẳng sinh khởi, việc thiện cũ tiêu diệt, chẳng nên nói mà nói, chẳng nên tranh mà tranh. Vị lai sẽ đoạ lạc vào hố sâu nguy nan. Trong trăm ngàn kiếp, không được gặp Phật, hà huống là nghe pháp. Nhưng do đã từng phát bồ đề tâm, cuối cùng tự tỉnh ngộ, là mạn nghiệp. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát lìa mạn nghiệp nầy, thì sẽ đắc được mười thứ trí nghiệp. Những gì là mười?
Đó là: Tin hiểu nghiệp báo, chẳng hoại nhân quả, là trí nghiệp.
Chẳng bỏ bồ đề tâm, thường niệm chư Phật, là trí nghiệp.
Gần thiện tri thức, cung kính cúng dường, sinh tâm tôn trọng, trọn không nhàm mỏi giải đãi, là trí nghiệp.
Thích pháp, thích nghĩa, không có nhàm đủ, xa lìa tà niệm, siêng tu chánh niệm, là trí nghiệp.
Đối với tất cả chúng sinh, lìa ngã mạn. Đối với các Bồ Tát, nghĩ tưởng Như Lai, ái trọng chánh pháp, như tiếc thân mình, tôn kính phụng thờ Như Lai, như hộ mạng mình. Đối với người tu hành, nghĩ tưởng chư Phật, là trí nghiệp.
Thân miệng ý nghiệp, không có các điều bất thiện, khen Hiền Thánh hay, tuỳ thuận bồ đề, là trí nghiệp.
Chẳng hoại duyên khởi, lìa các tà kiến. Phá tối được sáng, chiếu tất cả pháp, là trí nghiệp.
Mười thứ hồi hướng, tuỳ thuận tu hành. Đối với các Ba La Mật, khởi tưởng mẹ hiền. Đối với thiện xảo phương tiện, khởi tưởng cha lành. Dùng tâm tịnh thâm sâu, vào nhà bồ đề, là trí nghiệp.
Thí giới đa văn, chỉ quán phước huệ, tất cả pháp trợ đạo như vậy, thường siêng tích tập, không có nhàm mỏi, là trí nghiệp.
Nếu có một nghiệp được Phật khen ngợi, phá được các ma phiền não đấu tranh, lìa được tất cả chướng cái ràng buộc, giáo hoá điều phục được tất cả chúng sinh, hay tuỳ thuận trí huệ, nhiếp lấy chánh pháp, hay nghiêm tịnh cõi Phật, hay phát khởi dũng mãnh, đều siêng tu tập, không giải đãi thối chuyển, là trí nghiệp. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ trong pháp nầy, thì sẽ đắc được đại trí nghiệp vô thượng tất cả thiện xảo phương tiện của Như Lai.
Phật tử! Đại Bồ Tát có mười thứ ma nhiếp trì. Những gì là mười?
Đó là: Tâm giải đãi, bị ma nhiếp trì. Chí thích hẹp kém, bị ma nhiếp trì. Đối với hạnh nhỏ sinh đủ, bị ma nhiếp trì. Thọ một chẳng thừa sót, bị ma nhiếp trì. Chẳng phát nguyện lớn, bị ma nhiếp trì. Thích nơi tịch diệt, đoạn trừ phiền não, bị ma nhiếp trì. Dứt hẳn sinh tử, bị ma nhiếp trì. Bỏ hạnh Bồ Tát, bị ma nhiếp trì. Chẳng độ chúng sinh, bị ma nhiếp trì. Nghi ngờ phỉ báng chánh pháp, bị ma nhiếp trì. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát xả bỏ pháp bị ma nhiếp trì nầy, thì sẽ đắc được mười thứ được Phật nhiếp trì. Những gì là mười ?
Đó là : Ban đầu phát bồ đề tâm, được Phật nhiếp trì. Đời đời gìn giữ bồ đề tâm, đừng để quên mất, được Phật nhiếp trì. Giác ngộ các việc ma, đều xa lìa,được Phật nhiếp trì. Nghe các Ba La Mật, như thuyết tu hành, được Phật nhiếp trì. Biết sinh tử khổ mà chẳng nhàm chán, được Phật nhiếp trì. Quán pháp thâm sâu, được vô lượng quả, được Phật nhiếp trì. Vì các chúng sinh, nói pháp nhị thừa, mà chẳng chứng lấy giải thoát thừa đó, được Phật nhiếp trì. Thích quán pháp vô vi mà chẳng trụ trong đó, nơi hữu vi vô vi, chẳng sinh hai tưởng, được Phật nhiếp trì. Đến nơi vô sinh mà hiện thọ sinh, được Phật nhiếp trì. Tuy chứng được nhất thiết trí, mà khởi Bồ Tát hạnh, chẳng dứt giống Bồ Tát, được Phật nhiếp trì. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ trong pháp nầy, thì sẽ đắc được lực nhiếp trì vô thượng của chư Phật.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ được pháp nhiếp trì. Những gì là mười ?
Đó là : Biết tất cả hành vô thường, được pháp nhiếp trì.
Biết tất cả hành khổ, được pháp nhiếp trì.
Biết tất cả hành vô ngã, được pháp nhiếp trì.
Biết tất cả pháp tịch diệt Niết Bàn, được pháp nhiếp trì.
Biết các pháp từ duyên khởi, không duyên thì chẳng khởi, được pháp nhiếp trì.
Biết tư duy bất chánh nên khởi vô minh, do vô minh khởi cho đến lão tử khởi, tư duy bất chánh diệt nên vô minh diệt, do vô minh diệt cho đến lão tử diệt, được pháp nhiếp trì.
Biết ba môn giải thoát sinh ra Thanh Văn thừa, chứng pháp không tranh sinh ra Độc Giác thừa, được pháp nhiếp trì.
Biết sáu Ba La Mật, bốn pháp nhiếp, sinh ra đại thừa, được pháp nhiếp trì.
Biết tất cả cõi, tất cả pháp, tất cả chúng sinh, tất cả đời, là cảnh giới của Phật, được pháp nhiếp trì.
Biết dứt tất cả niệm, xả tất cả chấp, lìa thuở trước sau, tuỳ thuận Niết Bàn, được pháp nhiếp trì. Đó là mười.
Nếu các Bồ Tát an trụ trong pháp nầy, thì sẽ đắc được pháp nhiếp trì vô thượng của tất cả chư Phật.
 
Phật tử[19] ! Đại Bồ Tát trụ ở cõi trời Đâu Suất, có mười thứ việc làm. Những gì là mười ?
Đó là : Vì các Thiên tử cõi dục giới, nói pháp nhàm lìa, rằng tất cả tự tại, đều là vô thường. Tất cả khoái lạc, đều sẽ tàn tạ, khuyên chư Thiên đó phát bồ đề tâm. Đó là việc làm thứ nhất.
Vì chư Thiên cõi sắc giới, nói nhập xuất các thiền giải thoát tam muội. Nếu ở trong đó mà sinh ái trước, thì do ái trước lại khởi thân kiến, tà kiến, vô minh v.v… liền vì họ nói trí huệ như thật. Nếu đối với tất cả pháp sắc, chẳng phải sắc, khởi tưởng điên đảo, cho rằng thanh tịnh, thì vì họ nói chẳng thanh tịnh, đều là vô thường, khuyên họ khiến cho họ phát bồ đề tâm, đó là việc làm thứ hai.
Đại Bồ Tát trụ ở cõi trời Đâu Suất, nhập tam muội tên là Quang minh trang nghiêm. Thân phóng quang minh, chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới. Tuỳ tâm chúng sinh, dùng đủ thứ âm thanh, để vì họ nói pháp. Chúng sinh nghe rồi, tâm tin thanh tịnh. Sau khi mạng chung sẽ sinh về cõi trời Đâu Suất. Khuyên họ khiến cho họ phát bồ đề tâm, đó là việc làm thứ ba.
Đại Bồ Tát trụ ở cõi trời Đâu Suất, dùng mắt vô ngại, thấy khắp tất cả Bồ Tát cõi trời Đâu Suất trong mười phương. Các Bồ Tát đó cũng đều thấy đây, thấy nhau rồi, luận nói diệu pháp là: Hàng thần, vào thai mẹ, sơ sinh, xuất gia, đi đến đạo tràng, đủ đại trang nghiêm, lại còn thị hiện hạnh tu hành từ thuở xưa đến nay. Do nhờ hạnh đó, mà thành đại trí nầy, hết thảy công đức, chẳng lìa chỗ ngồi, mà có thể thị hiện những việc như vậy, đó là việc làm thứ tư.
Đại Bồ Tát trụ ở cõi trời Đâu Suất, thì tất cả các chúng Bồ Tát cõi trời Đâu Suất trong mười phương, đều đến tụ tập, cung kính vây quanh. Bấy giờ, đại Bồ Tát muốn khiến cho các Bồ Tát đó, đều viên mãn nguyện của họ, nên sinh tâm hoan hỉ. Tuỳ theo Bồ Tát đó đáng trụ bậc nào, sự thực hành, sự đoạn tuyệt, sở tu, sở chứng, mà diễn nói pháp môn. Các Bồ Tát đó nghe thuyết pháp rồi, đều đại hoan hỉ, được chưa từng có. Ai nấy đều trở về cung điện chỗ ở của mình. Đó là việc làm thứ năm.
Đại Bồ Tát trụ ở cõi trời Đâu Suất, thì chủ cõi dục giới, Thiên ma Ba Tuần, vì muốn phá hoại nhiễu loạn Bồ Tát nghiệp, nên quyến thuộc vây quanh, đến chỗ Bồ Tát. Bấy giờ, Bồ Tát vì hàng phục ma quân, nên trụ môn Kim cang đạo sở nhiếp Bát Nhã Ba La Mật trí huệ phương tiện thiện xảo, dùng hai thứ lời nhu nhuyến và thô bạo, để vì họ thuyết pháp, khiến cho ma Ba Tuần không được tuỳ tiện. Ma thấy oai lực tự tại của Bồ Tát, đều phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Đó là việc làm thứ sáu.
Đại Bồ Tát trụ ở cõi trời Đâu Suất, biết các Thiên tử cõi dục giới không thích nghe pháp. Bấy giờ, Bồ Tát phát ra tiếng lớn, khắp bảo họ rằng: Hôm nay Bồ Tát sẽ ở trong cung hiện việc hi hữu. Nếu ai muốn thấy, thì hãy mau đi đến. Lúc đó, các Thiên tử nghe lời đó rồi, thì vô lượng trăm ngàn ức Na Do Tha Thiên chúng, đều tụ hội đến. Bấy giờ, Bồ Tát thấy các Thiên chúng đều đã đến rồi, bèn hiện các việc hi hữu ở trong cung, mà các Thiên tử đó chưa từng thấy nghe. Khi được thấy rồi, đều đại hoan hỉ say sưa. Lại ở trong sự vui thích vang ra tiếng bảo rằng: Này các vị ! Tất cả các hành, đều vô thường. Tất cả các hành, đều là khổ. Tất cả các pháp, đều là không, Niết Bàn tịch diệt. Lại bảo rằng: Các vị đều nên tu Bồ Tát hạnh, đều sẽ viên mãn trí nhất thiết trí. Các vị Thiên tử đó nghe pháp âm rồi, vui buồn than thở mà sinh nhàm lìa, thảy đều phát bồ đề tâm. Đó là việc làm thứ bảy.
Đại Bồ Tát trụ ở cõi trời Đâu Suất, chẳng rời chỗ ở của mình, mà đi đến mười phương vô lượng chỗ tất cả chư Phật, gặp các Như Lai, gần gũi lễ bái, cung kính nghe pháp. Bấy giờ, chư Phật vì muốn khiến cho Bồ Tát đắc được pháp quán đảnh tối thượng, nên nói Bồ Tát địa tên là Nhất thiết thần thông. Dùng một niệm huệ tương ưng, đầy đủ tất cả công đức tối thắng, nhập vào bậc trí nhất thiết trí. Đó là việc làm thứ tám.
Đại Bồ Tát trụ ở cõi trời Đâu Suất, vì muốn cúng dường các Như Lai, nên dùng đại thần lực, hiện ra đủ thứ các đồ cúng dường, tên là Thù thắng khả lạc, đầy khắp pháp giới, hư không giới, tất cả thế giới, cúng dường chư Phật. Vô lượng chúng sinh trong thế giới đó, thấy sự cúng dường như vậy, đều phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Đó là việc làm thứ chín.
Đại Bồ Tát trụ ở cõi trời Đâu Suất, vang ra vô lượng vô biên pháp môn như huyễn, như bóng, khắp cùng mười phương tất cả thế giới. Thị hiện đủ thứ sắc, đủ thứ tướng, đủ thứ hình thể, đủ thứ oai nghi, đủ thứ sự nghiệp, đủ thứ phương tiện, đủ thứ ví dụ, đủ thứ lời nói. Tuỳ tâm chúng sinh, đều khiến cho hoan hỉ. Đó là việc làm thứ mười.
Phật tử! Đó là mười thứ việc làm của đại Bồ Tát trụ ở cõi trời Đâu Suất. Nếu các Bồ Tát thành tựu pháp nầy, thì sau này sẽ hạ sinh xuống nhân gian.
Phật tử! Khi đại Bồ Tát từ cõi trời Đâu Suất sắp hạ sinh, thì có mười việc. Những gì là mười?
Phật tử! Khi đại Bồ Tát từ cõi trời Đâu Suất sắp hạ sinh, thì dưới chân phải, phóng đại quang minh, tên là An Lạc Trang Nghiêm. Chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới. Chúng sinh trong tất cả cõi ác và các nạn, xúc chạm được quang minh đó, thì đều được lìa khổ được vui. Được an lạc rồi, đều biết sẽ có đại nhân kỳ đặc sắp xuất hiện ra đời. Đó là việc thị hiện thứ nhất.
Phật tử! Khi đại Bồ Tát từ cõi trời Đâu Suất sắp hạ sinh, thì từ tướng bạch hào giữa chân mày, phóng đại quang minh, tên là Giác ngộ, chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới, chiếu đến tất cả các thân Bồ Tát đồng hành đời quá khứ. Các Bồ Tát đó được quang minh chiếu rồi, đều biết Bồ Tát sắp muốn hạ sinh. Ai nấy đều hiện ra vô lượng đồ cúng dường, đi đến chỗ Bồ Tát để cúng dường. Đó là việc thị hiện thứ hai.
Phật tử! Khi đại Bồ Tát từ cõi trời Đâu Suất sắp hạ sinh, thì trong lòng bàn tay phải, phóng ra đại quang minh, tên là Thanh tịnh cảnh giới, đều có thể nghiêm tịnh tất cả ba ngàn đại thiên thế giới. Trong đó nếu có vị đã đắc được vô lậu Bích Chi Phật, giác ngộ quang minh đó, thì liền xả bỏ thọ mạng. Nếu vị nào không giác ngộ, thì do sức quang minh, dời họ đến trong những thế giới khác. Tất cả các ma và các ngoại đạo, chúng sinh có kiến chấp, cũng đều dời đến thế giới phương khác. Chỉ trừ chúng sinh đáng được chư Phật thần lực gia trì hoá độ. Đó là việc thị hiện thứ ba.
Phật tử! Khi đại Bồ Tát từ cõi trời Đâu Suất sắp hạ sinh, thì từ hai đầu gối, phóng đại quang minh, tên là Thanh tịnh trang nghiêm. Chiếu khắp tất cả cung điện chư Thiên. Dưới từ cõi trời Hộ Thế, trên đến cõi trời Tịnh Cư, đều khắp cùng. Chư Thiên chúng đó, đều biết Bồ Tát ở cõi trời Đâu Suất sắp muốn hạ sinh. Đều ôm lòng ái mộ, buồn than lo sầu. Ai nấy đều mang đủ thứ hoa, tràng hoa, y phục, hương đốt, hương bột, phan lọng, kỹ nhạc, đi đến chỗ Bồ Tát, cung kính cúng dường. Theo Bồ Tát hạ sinh, cho đến Niết Bàn. Đó là việc thị hiện thứ tư.
Phật tử! Khi đại Bồ Tát từ cõi trời Đâu Suất sắp hạ sinh, thì trong tâm tạng chữ vạn kim cang trang nghiêm, phóng đại quang minh, tên là Vô năng thắng tràng. Chiếu khắp Kim Cang Lực Sĩ mười phương tất cả thế giới. Lúc đó, có trăm ức Kim Cang Lực Sĩ, thảy đều tụ tập đến, đi theo bảo vệ, lúc mới sinh ra, cho đến vào Niết Bàn. Đó là việc thị hiện thứ năm.
Phật tử! Khi đại Bồ Tát từ cõi trời Đâu Suất sắp hạ sinh, thì tất cả lỗ chân lông trên thân của Ngài, phóng ra đại quang minh, tên là Phân biệt chúng sinh. Chiếu khắp tất cả đại thiên thế giới, xúc chạm khắp tất cả thân các Bồ Tát, lại xúc chạm khắp tất cả chư Thiên và người đời. Các Bồ Tát đều nghĩ rằng: Tôi nên ở đây để cúng dường Như Lai, giáo hoá chúng sinh. Đó là việc thị hiện thứ sáu.
Phật tử! Khi đại Bồ Tát từ cõi trời Đâu Suất sắp hạ sinh, thì từ trong điện Đại Ma Ni Bảo Tạng, phóng đại quang minh, tên là Thiện trụ quán sát. Chiếu chỗ sắp sinh của Bồ Tát, chỗ cung vua. Quang minh đó chiếu rồi, thì các Bồ Tát khác đều cùng đi theo, hạ sinh xuống cõi Diêm Phù Đề. Hoặc ở nơi nhà, hoặc ở tụ lạc, hoặc ở thành ấp, mà hiện thọ sinh, vì muốn giáo hoá các chúng sinh. Đó là việc thị hiện thứ bảy.
Phật tử! Khi đại Bồ Tát từ cõi trời Đâu Suất sắp hạ sinh, thì từ trong cung điện trời và đại lầu các trang nghiêm, phóng đại quang minh, tên là Nhất thiết cung điện thanh tịnh trang nghiêm. Chiếu chỗ sinh trong bụng mẹ. Quang minh đó chiếu rồi, khiến cho mẹ của Bồ Tát an ổn khoái lạc, thành tựu đầy đủ tất cả công đức. Ở trong thai mẹ, tự nhiên có lầu các rộng lớn, trang nghiêm bằng đại ma ni báu, vì muốn thân Bồ Tát được an ổn. Đó là việc thị hiện thứ tám.
Phật tử! Khi đại Bồ Tát từ cõi trời Đâu Suất sắp hạ sinh, thì từ dưới hai bàn chân, phóng đại quang minh, tên là Thiện trụ. Nếu các Thiên tử và các Phạm Thiên, thọ mạng sắp hết, được quang minh chiếu đến, thì đều được sống lâu thêm. Cúng dường Bồ Tát, từ lúc hạ sinh, cho đến vào Niết Bàn. Đó là việc thị hiện thứ chín.
Phật tử! Khi đại Bồ Tát từ cõi trời Đâu Suất sắp hạ sinh, thì trong những vẻ đẹp, phóng đại quang minh, tên là Nhãn trang nghiêm. Thị hiện đủ thứ các nghiệp Bồ Tát. Lúc đó các trời, người, hoặc thấy Bồ Tát ở cõi trời Đâu Suất, hoặc thấy nhập thai, hoặc thấy sơ sinh, hoặc thấy xuất gia, hoặc thấy thành đạo, hoặc thấy hàng ma, hoặc thấy chuyển pháp luân, hoặc thấy vào Niết Bàn. Đó là việc thị hiện thứ mười.
Phật tử! Nơi thân, nơi toà ngồi, nơi cung điện, ở trong lầu các của đại Bồ Tát, phóng ra trăm vạn A tăng kỳ quang minh như vậy, đều hiện đủ thứ các nghiệp Bồ Tát. Hiện các nghiệp đó rồi, vì đầy đủ tất cả pháp công đức, nên từ cõi trời Đâu Suất hạ sinh xuống nhân gian.
 
Phật tử[20]! Đại Bồ Tát thị hiện nơi thai mẹ có mười việc. Những gì là mười?
Phật tử! Đại Bồ Tát vì muốn thành tựu các chúng sinh tâm thấp kém hiểu biết. Chẳng muốn khiến cho họ khởi nghĩ như vầy: Nay Bồ Tát này tự nhiên hoá sinh, trí huệ căn lành chẳng do tu mà được, cho nên Bồ Tát thị hiện ở thai mẹ. Đó là việc thứ nhất.
Đại Bồ Tát vì thành thục cha mẹ và các quyến thuộc chúng sinh đồng hành căn lành đời trước, mà thị hiện ở thai mẹ. Tại sao? Vì họ đều đáng được thấy nơi thai mẹ, thành thục hết thảy các căn lành. Đó là việc thứ hai.
Đại Bồ Tát lúc nhập thai, thì chánh niệm, chánh tri, không có mê hoặc. Trụ trong thai mẹ rồi, tâm luôn chánh niệm, cũng chẳng tán loạn. Đó là việc thứ ba.
Đại Bồ Tát ở trong thai mẹ, thường diễn thuyết pháp. Các đại Bồ Tát mười phương thế giới, Thích Phạm Tứ Vương, đều tụ tập đến, đều khiến cho họ đắc được vô lượng thần lực, vô biên trí huệ. Bồ Tát ở thai mẹ thành tựu biện tài thù thắng diệu dụng như vậy. Đó là việc thứ tư.
Đại Bồ Tát ở trong thai mẹ, tập đại chúng hội. Dùng nguyện lực xưa, giáo hoá tất cả các chúng Bồ Tát. Đó là việc thứ năm.
Đại Bồ Tát thành Phật ở trong loài người, phải đủ tối thắng thọ sinh nhân gian, nhờ đó thị hiện ở nơi thai mẹ. Đó là việc thứ sáu.
Đại Bồ Tát ở trong thai mẹ, thì chúng sinh ba ngàn đại thiên thế giới, đều nhìn thấy Bồ Tát, như thấy hình Ngài ở trong gương sáng. Lúc đó, trời Tứ Thiên Vương, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, người, chẳng phải người, đều đến chỗ Bồ Tát, cung kính cúng dường. Đó là việc thứ bảy.
Lúc đại Bồ Tát ở trong thai mẹ, thì tất cả tối hậu sanh Bồ Tát ở thai mẹ các phương khác, đều cùng đến tụ hội, nói pháp môn đại tập, tên là Quảng đại trí huệ tạng. Đó là việc thứ tám.
Lúc đại Bồ Tát ở trong thai mẹ, thì nhập tam muội Ly Cấu Tạng. Nhờ sức tam muội, mà ở trong thai mẹ hiện cung điện lớn, đủ thứ sự nghiêm sức, thảy đều tốt đẹp. Cung trời Đâu Suất không thể sánh bằng, mà khiến cho thân người mẹ an ổn vô sự. Đó là việc thứ chín.
Lúc đại Bồ Tát ở trong thai mẹ, dùng đại oai lực, hiện ra đồ cúng dường, tên là Khai đại phước đức ly cấu tạng. Cúng dường tất cả chư Phật Như Lai, khắp cùng mười phương tất cả thế giới. Các Như Lai đó, đều vì Bồ Tát diễn nói vô biên Bồ Tát trụ xứ pháp giới tạng. Đó là việc thứ mười.
Phật tử! Đó là mười việc của đại Bồ Tát thị hiện ở trong thai mẹ. Nếu các Bồ Tát thấu đạt pháp nầy, thì có thể thị hiện cõi thâm sâu vi tế.
Phật tử! Đại Bồ Tát có mười cõi thâm sâu vi tế. Những gì là mười?
Đó là: Ở trong thai mẹ thị hiện ban đầu phát bồ đề tâm, cho đến bậc quán đảnh. Ở trong thai mẹ thị hiện trụ ở cõi trời Đâu Suất. Ở trong thai mẹ thị hiện sơ sinh. Ở trong thai mẹ thị hiện bậc đồng tử. Ở trong thai mẹ thị hiện nơi cung vua. Ở trong thai mẹ thị hiện xuất gia. Ở trong thai mẹ thị hiện khổ hạnh, đi đến đạo tràng, thành Đẳng Chánh Giác. Ở trong thai mẹ thị hiện chuyển pháp luân. Ở trong thai mẹ thị hiện vào Niết Bàn. Ở trong thai mẹ thị hiện đại vi tế, đó là: Tất cả Bồ Tát hạnh, tất cả Như Lai tự tại thần lực, vô lượng môn khác nhau.
Phật tử! Đó là mười thứ cõi vi tế ở trong thai mẹ của đại Bồ Tát. Nếu các Bồ Tát an trụ pháp nầy, thì sẽ đắc được đại trí huệ cõi vi tế vô thượng của Như Lai.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ sinh. Những gì là mười ?
Đó là : Xa lìa ngu si, chánh niệm chánh tri mà sinh. Phóng lưới đại quang minh, chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới mà sinh. Trụ cõi cuối cùng, càng không thọ thân sau mà sinh. Chẳng sinh, chẳng khởi mà sinh. Biết ba cõi như huyễn mà sinh. Trong mười phương thế giới khắp hiện thân mà sinh. Trí nhất thiết trí thân mà sinh. Phóng tất cả Phật quang minh, khắp giác ngộ tất cả thân chúng sinh mà sinh. Nhập đại trí quán sát tam muội thân mà sinh.
Phật tử ! Khi Bồ Tát sinh thì chấn động tất cả cõi Phật, giải thoát tất cả chúng sinh, diệt trừ tất cả đường ác, che lấp tất cả các ma, vô lượng Bồ Tát đều đến tụ hội.
Phật tử ! Đó là mười thứ sinh của Đại Bồ Tát, vì điều phục chúng sinh, mà thị hiện như vậy.
Phật tử ! Đại Bồ Tát do mười việc, mà thị hiện mỉm cười tâm tự thệ. Những gì là mười ?
Đó là : Đại Bồ Tát nghĩ rằng : Tất cả thế gian chìm đắm trong vũng bùn ái dục, trừ một mình ta ra, không ai có thể cứu giúp, biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ.
Lại nghĩ rằng : Tất cả thế gian bị phiền não làm mù loà, chỉ có ta khiến cho họ đầy đủ trí huệ, biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ.
Lại nghĩ rằng : Nay ta vì thân giả danh nầy, sẽ đắc được pháp thân vô thượng Như Lai đầy khắp ba đời. Biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ.
Bấy giờ Bồ Tát dùng mắt không chướng ngại, quán khắp mười phương hết thảy trời Phạm Thiên, cho đến tất cả trời Đại Tự Tại, bèn nghĩ như vầy : Những chúng sinh nầy, đều tự cho rằng là có đại trí lực. Biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ.
Bấy giờ đại Bồ Tát quán các chúng sinh, từ lâu đã trồng căn lành, nay đều thối lùi mai một. Biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ.
Bồ Tát quán thấy hạt giống thế gian, gieo trồng tuy ít, mà đắc được quả rất nhiều. Biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ.
Bồ Tát quán thấy tất cả chúng sinh, được Phật giáo hoá, tất sẽ được lợi ích. Biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ.
Bồ Tát quán thấy Bồ Tát đồng hành trong đời quá khứ, nhiễm trước việc khác, chẳng đắc được Phật pháp công đức rộng lớn. Biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ.
Bồ Tát quán sát cùng nhau tụ hội trong đời quá khứ, chư Thiên loài người, đến nay do ở tại địa vị phàm phu, không thể xả lìa, cũng không nhàm mỏi. Biết như vậy rồi, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ.
Bấy giờ Bồ Tát được quang minh của tất cả Như Lai chiếu đến, càng thêm hân hoan, vui vẻ mỉm cười tâm tự thệ. Đó là mười.
Phật tử ! Bồ Tát vì điều phục chúng sinh, mà thị hiện như vậy.
Phật tử ! Đại Bồ Tát do mười việc, mà thị hiện đi bảy bước. Những gì là mười ?
Đó là : Vì hiện sức lực của Bồ Tát, mà thị hiện đi bảy bước. Vì hiện bố thí bảy Thánh tài, mà thị hiện đi bảy bước. Vì viên mãn nguyện của địa thần, mà thị hiện đi bảy bước. Vì hiện vượt ba cõi, mà thị hiện đi bảy bước. Vì hiện hạnh tối thắng của Bồ Tát, vượt qua hạnh voi chúa, trâu chúa, sư tử chúa, mà thị hiện đi bảy bước. Vì hiện tướng bậc kim cang, mà thị hiện đi bảy bước. Vì hiện muốn ban cho chúng sinh sức dũng mãnh, mà thị hiện đi bảy bước. Vì hiện tu hành bảy giác bảo, mà thị hiện đi bảy bước. Vì hiện đắc pháp không do người khác dạy, mà thị hiện đi bảy bước. Vì hiện nơi thế gian tối thắng không ai sánh bằng, mà thị hiện đi bảy bước. Đó là mười.
Phật tử ! Bồ Tát vì điều phục chúng sinh, nên thị hiện như vậy.
Phật tử ! Đại Bồ Tát do mười việc mà hiện thân đồng tử. Những gì là mười ?
Đó là : Vì hiện thông đạt tất cả văn tự, toán số, hoạ thư, ấn tỉ, đủ thứ nghề nghiệp thế gian, mà hiện thân đồng tử.
Vì hiện thông đạt các thứ nghệ thuật, voi ngựa xe, bắn cung, kiếm kích, đủ thứ nghề nghiệp thế gian, mà hiện thân đồng tử.
Vì hiện thông đạt tất cả văn bút đàm luận cờ nhạc, đủ thứ những việc thế gian, mà hiện thân đồng tử.
Vì hiện xa lìa các lỗi lầm thân lời ý nghiệp, mà hiện thân đồng tử.
Vì hiện nhập môn thiền định trụ Niết Bàn, khắp cùng mười phương vô lượng thế giới, mà hiện thân đồng tử.
Vì hiện sức lực của mình hơn hẳn tất cả chư Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Thích Phạm Hộ Thế, người, chẳng phải người, mà hiện thân đồng tử.
Vì hiện Bồ Tát sắc tướng oai quang, hơn hẳn tất cả Thích Phạm Hộ Thế, mà hiện thân đồng tử.
Vì khiến cho chúng sinh tham đắm dục lạc hoan hỉ pháp lạc, mà hiện thân đồng tử.
Vì tôn trọng chánh pháp, siêng cúng dường Phật, khắp cùng mười phương tất cả thế giới, mà hiện thân đồng tử.
Vì hiện được Phật gia bị, được pháp quang minh, mà hiện thân đồng tử. Đó là mười.
Phật tử ! Đại Bồ Tát hiện thân đồng tử rồi, do mười việc mà hiện ở cung vua. Những gì là mười ?
Đó là : Vì khiến cho căn lành của chúng sinh đồng hành đời quá khứ thành thục, mà hiện ở cung vua.
Vì hiển bày sức căn lành của Bồ Tát, mà hiện ở cung vua.
Vì các trời người tham đắm đồ vui thích, thị hiện đồ vui thích đại oai đức của Bồ Tát, mà hiện ở cung vua.
Vì thuận tâm chúng sinh đời năm trược, mà hiện ở cung vua.
Vì hiện sức đại oai đức của Bồ Tát, có thể nơi thâm cung nhập tam muội, mà hiện ở cung vua.
Vì khiến cho chúng sinh đồng nguyện đời trước viên mãn ý của họ, mà hiện ở cung vua.
Vì muốn khiến cho cha mẹ thân bằng quyến thuộc viên mãn sở nguyện, mà hiện ở cung vua.
Vì muốn dùng kỹ nhạc vang ra diệu âm thanh, cúng dường tất cả các Như Lai, mà hiện ở cung vua.
Vì muốn ở nội cung trụ tam muội vi diệu, ban đầu từ thành Phật, cho đến Niết Bàn, đều thị hiện, mà hiện ở cung vua.
Vì tuỳ thuận giữ gìn các Phật pháp, mà hiện ở cung vua. Đó là mười. Thân Bồ Tát cuối cùng thị hiện ở cung vua như vậy rồi, sau đó xuất gia.
Phật tử ! Đại Bồ Tát do mười việc, mà thị hiện xuất gia. Những gì là mười ?
Đó là : Vì chán ở nhà, mà thị hiện xuất gia. Vì chúng sinh chấp trước nhà, khiến cho họ xả lìa, mà thị hiện xuất gia. Vì tuỳ thuận tin ưa đạo Thánh nhân, mà thị hiện xuất gia. Vì tuyên dương tán thán công đức xuất gia, mà thị hiện xuất gia. Vì hiển bày vĩnh viễn lìa cái thấy hai bên, mà thị hiện xuất gia. Vì khiến cho chúng sinh lìa dục lạc ngã lạc, mà thị hiện xuất gia. Vì trước hiện tướng thoát khỏi ba cõi, mà thị hiện xuất gia. Vì hiện tự tại chẳng lệ thuộc người khác, mà thị hiện xuất gia. Vì hiển bày sẽ đắc được pháp mười lực vô uý của Như Lai, mà thị hiện xuất gia. Vì thân cuối cùng của Bồ Tát pháp phải như vậy, mà thị hiện xuất gia. Đó là mười. Bồ Tát nhờ đó mà điều phục chúng sinh.
Phật tử ! Đại Bồ Tát do mười việc, mà thị hiện tu khổ hạnh. Những gì là mười ?
Đó là : Vì thành tựu chúng sinh kém hiểu biết, mà thị hiện tu khổ hạnh. Vì trừ chúng sinh tà kiến, mà thị hiện tu khổ hạnh. Vì chúng sinh chẳng tin nghiệp báo, khiến cho họ thấy nghiệp báo, mà thị hiện tu khổ hạnh. Vì tuỳ thuận thế giới tạp nhiễm, pháp phải như vậy, mà thị hiện tu khổ hạnh. Vì thị hiện nhẫn chịu khổ nhọc siêng tu đạo, mà thị hiện tu khổ hạnh. Vì khiến cho chúng sinh thích cầu pháp, mà thị hiện tu khổ hạnh. Vì chúng sinh tham đắm dục lạc ngã lạc, mà thị hiện tu khổ hạnh. Vì hiển bày Bồ Tát khởi hạnh thù thắng, cho đến đời cuối cùng, vẫn chẳng bỏ sự siêng năng tinh tấn, mà thị hiện tu khổ hạnh. Vì khiến cho chúng sinh ưa pháp tịch tĩnh tăng trưởng căn lành, mà thị hiện tu khổ hạnh. Vì chư Thiên người đời các căn chưa thành thục, đợi lúc thành thục, mà thị hiện tu khổ hạnh. Đó là mười.
Bồ Tát nhờ phương tiện nầy, mà điều phục tất cả chúng sinh.
Phật tử ! Đại Bồ Tát đi đến Đạo Tràng có mười việc. Những gì là mười ?
Đó là : Khi đi đến Đạo Tràng, thì chiếu sáng khắp tất cả thế giới.
Khi đi đến Đạo Tràng, thì chấn động tất cả thế giới.
Khi đi đến Đạo Tràng, thì trong tất cả thế giới khắp hiện thân Ngài.
Khi đi đến Đạo Tràng, thì giác ngộ tất cả Bồ Tát và tất cả chúng sinh đồng hành trong quá khứ.
Khi đi đến Đạo Tràng, thì thị hiện Đạo Tràng tất cả đều trang nghiêm.
Khi đi đến Đạo Tràng, thì tuỳ sở thích của chúng sinh mà vì họ hiện thân, đủ thứ oai nghi, và cây bồ đề tất cả đều trang nghiêm.
Khi đi đến Đạo Tràng, thì hiện thấy mười phương tất cả Như Lai.
Khi đi đến Đạo Tràng, thì dở chân hạ chân, thường nhập tam muội, niệm niệm thành Phật, không có vượt cách.
Khi đi đến Đạo Tràng, thì tất cả chư Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Thích Phạm Hộ Thế, tất cả các vị vua, đều không biết nhau, mà đều dâng lên đủ thứ đồ cúng dường thượng diệu.
Khi đi đến Đạo Tràng, thì dùng trí vô ngại quán khắp tất cả các Như Lai, trong tất cả thế giới tu Bồ Tát hạnh mà thành Chánh Giác. Đó là mười. Bồ Tát dùng đây để giáo hoá chúng sinh.
Phật tử ! Đại Bồ Tát ngồi đạo tràng, có mười việc. Những gì là mười ?
Đó là : Khi ngồi đạo tràng, thì có đủ thứ chấn động tất cả thế giới. Khi ngồi đạo tràng thì bình đẳng chiếu sáng tất cả thế giới. Khi ngồi đạo tràng, thì diệt trừ khổ tất cả cõi ác. Khi ngồi đạo tràng, thì khiến cho tất cả thế giới kim cang sở thành. Khi ngồi đạo tràng, thì quán khắp toà sư tử của tất cả chư Phật Như Lai. Khi ngồi đạo tràng, thì tâm như hư không chẳng có sự phân biệt. Khi ngồi đạo tràng, thì tuỳ theo chỗ đáng hiện thân oai nghi. Khi ngồi đạo tràng, thì tuỳ thuận an trụ kim cang tam muội. Khi ngồi đạo tràng, thì thọ thần lực gia trì thanh tịnh diệu xứ của tất cả Như Lai. Khi ngồi đạo tràng, thì Phật dùng sức căn lành của mình, đều gia bị cho tất cả chúng sinh. Đó là mười.
Phật tử ! Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì có mười việc kỳ đặc chưa từng có. Những gì là mười ?
Phật tử ! Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì tất cả Như Lai mười phương thế giới, đều hiện ra ở trước. Đều dơ tay phải mà khen ngợi rằng : Lành thay ! Lành thay ! Vô thượng Đạo sư. Đó là việc chưa từng có thứ nhất.
Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì tất cả Như Lai thảy đều hộ niệm, ban cho Bồ Tát oai lực. Đó là việc chưa từng có thứ hai.
Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì các chúng Bồ Tát đồng tu đời quá khứ, đều đến vây quanh, đem đủ thứ đồ trang nghiêm, cung kính cúng dường. Đó là việc chưa từng có thứ ba.
Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì cỏ cây lùm rừng trong tất cả thế giới, các vật vô tình, đều khom mình thấp bóng, hướng về đạo tràng. Đó là việc chưa từng có thứ tư.
Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì nhập tam muội tên là Quán sát pháp giới. Sức tam muội đó, hay khiến cho tất cả các hạnh của Bồ Tát, đều được viên mãn. Đó là việc chưa từng có thứ năm.
Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì đắc được Đà La Ni, tên là Tối thượng ly cấu diệu quang hải tạng, hay thọ mây lớn mưa pháp của tất cả chư Phật Như Lai. Đó là việc chưa từng có thứ sáu.
Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì dùng sức oai đức, hiện ra đồ cúng thượng diệu, cúng dường khắp chư Phật trong tất cả thế giới. Đó là việc chưa từng có thứ bảy.
Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì trụ trí tối thắng, đều hiện rõ biết các căn ý hành của tất cả chúng sinh. Đó là việc chưa từng có thứ tám.
Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì nhập tam muội tên là Thiện giác. Sức tam muội đó, hay khiến cho thân của Bồ Tát đầy khắp ba đời, tận cõi hư không tất cả thế giới. Đó là việc chưa từng có thứ chín.
Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì đắc được đại trí vô ngại ly cấu quang minh, khiến cho thân nghiệp của Bồ Tát vào khắp ba đời. Đó là việc chưa từng có thứ mười.
Phật tử ! Đó là mười việc kỳ đặc chưa từng có của Bồ Tát khi ngồi đạo tràng.
Phật tử ! Đại Bồ Tát khi ngồi đạo tràng, thì do quán mười thứ nghĩa, mà thị hiện hàng ma. Những gì là mười ?
Đó là : Vì chúng sinh đời ác trược thích đấu tranh, vì muốn hiển bày sức oai đức của Bồ Tát, mà thị hiện hàng ma.
Vì chư Thiên, người đời, có kẻ hoài nghi, vì dứt nghi của họ, mà thị hiện hàng ma.
Vì giáo hoá điều phục các ma quân, mà thị hiện hàng ma.
Vì muốn khiến cho chư Thiên, người đời, kẻ thích quân trận, đều tụ đến xem, tâm được điều phục, mà thị hiện hàng ma.
Vì hiển bày oai lực của Bồ Tát, trên thế gian không ai địch nổi, mà thị hiện hàng ma.
Vì muốn phát khởi sức dũng mãnh của tất cả chúng sinh, mà thị hiện hàng ma.
Vì thương xót các chúng sinh đời vị lai, mà thị hiện hàng ma.
Vì muốn hiển bày cho đến đạo tràng do có quân ma đến xúc não, nhờ đó mới vượt qua được cảnh giới ma, mà thị hiện hàng ma.
Vì hiển bày phiền não nghiệp dụng yếu kém, đại từ căn lành thế lực mạnh mẽ, mà thị hiện hàng ma.
Vì muốn tuỳ thuận pháp hành thế giới ác trược, mà thị hiện hàng ma. Đó là mười.
Phật tử ! Đại Bồ Tát có mười thứ thành Như Lai lực. Những gì là mười ?
Đó là : Vì vượt qua tất cả các ma phiền não nghiệp, nên thành Như Lai lực. Vì đầy đủ tất cả Bồ Tát hạnh du hí tất cả môn tam muội của Bồ Tát, nên thành Như Lai lực. Vì đầy đủ tất cả thiền định rộng lớn của Bồ Tát, nên thành Như Lai lực. Vì viên mãn tất cả pháp trắng tịnh trợ đạo, nên thành Như Lai lực. Vì đắc được tất cả pháp trí huệ quang minh khéo tư duy phân biệt, nên thành Như Lai lực. Vì thân khắp cùng tất cả thế giới, nên thành Như Lai lực. Vì chỗ vang ra lời nói âm thanh, đều đồng với tất cả tâm chúng sinh, nên thành Như Lai lực. Vì hay dùng thần lực gia trì tất cả, nên thành Như Lai lực. Vì thân miệng ý nghiệp đồng với chư Phật ba đời, không có sự khác biệt, ở trong một niệm thấu rõ pháp ba đời, nên thành Như Lai lực. Vì đắc được thiện giác trí tam muội, đủ mười lực của Như Lai, đó là : Xứ phi xứ trí lực, cho đến lậu tận trí lực, nên thành Như Lai lực. Đó là mười. Nếu các Bồ Tát đủ mười lực nầy, thì gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.
Phật tử ! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chuyển đại pháp luân, có mười việc. Những gì là mười ?
Một là đầy đủ trí huệ thanh tịnh bốn vô uý. Hai là sinh ra bốn biện tài tuỳ thuận âm thanh. Ba là khéo hay khai xiểng tướng bốn chân đế. Bốn là tuỳ thuận vô ngại giải thoát của chư Phật. Năm là hay khiến tâm chúng sinh đều tin thanh tịnh. Sáu là hết thảy lời nói đều chẳng tổn hại, hay nhổ mũi tên độc các khổ của chúng sinh. Bảy là dùng đại bi nguyện lực gia trì. Tám là tuỳ thuận vang ra âm thanh, khắp cùng mười phương tất cả thế giới. Chín là trong A tăng kỳ kiếp, nói pháp không dứt. Mười là tuỳ chỗ nói pháp, đều hay sinh khởi căn lực giác đạo, thiền định giải thoát, tam muội các pháp.
Phật tử ! Chư Phật Như Lai chuyển bánh xe pháp, có vô lượng việc như vậy.
Phật tử ! Khi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chuyển bánh xe pháp, do mười việc, nên ở trong tâm chúng sinh gieo trồng pháp trắng tịnh, không luống qua. Những gì là mười ?
Đó là : Vì nguyện lực quá khứ. Vì đại bi nhiếp trì. Vì không bỏ chúng sinh. Vì trí huệ tự tại, tuỳ sự ưa thích, mà vì họ thuyết pháp. Vì rất đúng thời, chưa từng thất thời. Vì tuỳ sự thích nghi, không vọng thuyết. Vì trí huệ biết ba đời, khéo biết rõ. Vì thân tối thắng, không ai sánh bằng. Vì lời lẽ tự tại, không thể dò được. Vì trí huệ tự tại, tuỳ sự nói ra, đều khai ngộ. Đó là mười.
Phật tử ! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác làm Phật sự rồi, do quán mười nghĩa, mà thị hiện Niết Bàn. Những gì là mười ?
Đó là : Vì thị hiện tất cả hành, thật là vô thường. Vì thị hiện tất cả hữu vi chẳng an ổn. Vì thị hiện đại Niết Bàn là nơi an ổn, không có sự sợ hãi. Vì các trời người ưa chấp sắc thân, nên vì họ hiện sắc thân là pháp vô thường, khiến cho họ nguyện trụ pháp thân thanh tịnh. Vì thị hiện lực vô thường không thể chuyển. Vì thị hiện tất cả hữu vi chẳng tuỳ tâm trụ, chẳng tự tại. Vì thị hiện tất cả ba cõi đều như huyễn hoá, chẳng kiên cố. Vì thị hiện tánh Niết Bàn, rốt ráo kiên cố, không thể hoại. Vì thị hiện tất cả pháp không sinh, không khởi, mà có tụ tập tướng tán hoại.
Phật tử ! Chư Phật Thế Tôn làm Phật sự rồi, sở nguyện viên mãn rồi, chuyển bánh xe pháp rồi, người đáng hoá độ, đều hoá độ xong rồi. Có các Bồ Tát đáng thọ tôn hiệu, thọ ký thành tựu rồi. Pháp phải như vậy, vào nơi đại Niết Bàn không biến đổi.
Phật tử ! Đó là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác quán mười nghĩa.
Phật tử ! Pháp môn nầy tên là Bồ Tát quảng đại thanh tịnh hạnh. Vô lượng chư Phật đều cùng tuyên nói, khiến cho bậc trí thấu rõ vô lượng nghĩa, đều sinh hoan hỉ, khiến cho tất cả Bồ Tát đại nguyện đại hạnh đều được tiếp tục.
Phật tử ! Nếu có chúng sinh nghe được pháp nầy, nghe rồi tin hiểu, hiểu rồi tu hành, thì sớm sẽ được thành tựu A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Tại sao ? Vì như lời nói mà tu hành.
Phật tử ! Nếu các Bồ Tát chẳng như lời nói mà tu hành, thì nên biết người đó sẽ xa lìa Phật bồ đề. Cho nên Bồ Tát nên như lời nói mà tu hành.
Phật tử ! Tất cả Bồ Tát đó nơi công đức hành, quyết định nghĩa hoa, khắp vào tất cả pháp, khắp sinh ra nhất thiết trí, vượt qua các thế gian, lìa khỏi đạo nhị thừa, chẳng cùng ở với tất cả chúng sinh, đều chiếu rõ tất cả pháp môn, tăng trưởng căn lành xuất thế của chúng sinh, lìa pháp môn phẩm thế gian. Đáng tôn trọng, đáng nghe thọ, đáng tụng trì, đáng tư duy, đáng nguyện ưa thích, đáng tu hành. Nếu được như vậy, thì nên biết người đó sớm được A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
Khi nói phẩm nầy, thì nhờ thần lực của Phật và pháp môn nầy pháp như vậy, nên mười phương vô lượng vô biên A tăng kỳ thế giới, đều đại chấn động, đại quang minh chiếu khắp.
Bấy giờ, mười phương chư Phật đều hiện ra ở trước Bồ Tát Phổ Hiền, khen rằng : Lành thay ! Lành thay ! Phật tử ! Ông mới có thể nói công đức hành xứ, quyết định nghĩa hoa, của các Bồ Tát đó, vào khắp tất cả Phật pháp, pháp môn phẩm xuất thế gian.
Phật tử ! Ông đã khéo học pháp nầy, khéo nói pháp nầy. Ông dùng oai lực hộ trì pháp nầy. Chúng ta chư Phật thảy đều tuỳ hỉ. Như chúng ta chư Phật tuỳ hỉ nơi ông, tất cả chư Phật cũng đều như thế.
Phật tử ! Chúng ta chư Phật, đều cùng đồng tâm, hộ trì kinh nầy, khiến cho các chúng Bồ Tát hiện tại, vị lai, ai chưa từng nghe, đều sẽ được nghe.
Bấy giờ, đại Bồ Tát Phổ Hiền nương thần lực của Phật, quán sát mười phương tất cả đại chúng, cho đến khắp cùng pháp giới, mà nói kệ rằng :
Trong vô lượng kiếp tu khổ hạnh
Từ vô lượng Phật chánh pháp sinh
Khiến vô lượng chúng trụ bồ đề
Hạnh vô đẳng kia nghe tôi nói.
Cúng vô lượng Phật xả chấp trước
Rộng độ quần sinh chẳng nghĩ tưởng
Cầu công đức Phật tâm không nương
Thắng diệu hạnh kia nay tôi nói.
Lìa ma ba cõi nghiệp phiền não
Đủ Thánh công đức hạnh tối thắng
Diệt các si hoặc tâm tịch nhiên
Nay tôi nói hành đạo của kia.
Vĩnh lìa thế gian các giả huyễn
Đủ thứ biến hoá bày chúng sinh
Tâm sinh trụ diệt hiện các việc
Nói kia tu hành khiến chúng vui.
Thấy các chúng sinh sinh già chết
Phiền não lo khổ luôn trói buộc
Muốn khiến giải thoát dạy phát tâm
Công đức hạnh kia nên nghe thọ.
Thí giới nhẫn tấn thiền trí huệ
Phương tiện từ bi hỉ xả thảy
Trăm ngàn vạn kiếp thường tu hành
Công đức vị kia ông nên nghe.
Ngàn vạn ức kiếp cầu bồ đề
Hết thảy thân mạng đều không xẻn
Nguyện ích quần sinh không vì mình
Hạnh từ mẫn kia nay tôi nói.
Vô lượng kiếp nói công đức kia
Như biển một giọt chưa là ít
Công đức vô tỉ không thể dụ
Nhờ Phật oai thần nay lược nói.
Tâm kia chẳng cao thấp
Cầu đạo không nhàm mỏi
Khắp khiến các chúng sinh
Trụ thiện tăng tịnh pháp.
Trí huệ khắp lợi ích
Như cây như sông suối
Cũng như nơi đại địa
Chỗ nương tựa tất cả.
Bồ Tát như hoa sen
Gốc từ cộng an ổn
Trí huệ là các nhuỵ
Giới phẩm là hương khiết.
Phật phóng pháp quang minh
Khiến kia được khai nở
Chẳng chấp nước hữu vi
Kẻ thấy đều vui mừng.
Bồ Tát cây diệu pháp
Sinh nơi đất tâm thẳng
Giống: tin, gốc: từ bi
Trí huệ dùng làm thân.
Bồ Tát sư tử vương
Pháp trắng tịnh làm thân
Bốn đế dùng làm chân
Chánh niệm dùng làm cổ.
Mắt: từ, đầu: trí huệ
Đảnh vấn lụa giải thoát
Trong hang thắng nghĩa không
Rống pháp chúng ma sợ
Bồ Tát là thương chủ
Thấy khắp các quần sinh
Trong sinh tử hoang dã
Nơi phiền não hiểm ác.
Bị ma tặc nhiếp lấy
Si mù mất chánh đạo
Chỉ họ đường chánh thẳng
Khiến vào thành vô uý.
Bồ Tát thấy chúng sinh
Ba độc bệnh phiền não
Đủ thứ các khổ não
Bị đốt nấu lâu dài.
Vì phát tâm đại bi
Rộng nói môn đối trị
Tám vạn bốn ngàn thứ
Diệt trừ các bệnh khổ.
Bồ Tát là Pháp Vương
Chánh đạo hoá chúng sinh
Khiến xa ác tu thiện
Chuyên cầu công đức Phật.
Tất cả chỗ chư Phật
Quán đảnh thọ tôn ký
Rộng thí các Thánh tài
Bồ đề phần trân bảo.
Bồ Tát chuyển pháp luân
Như chỗ đức Phật chuyển
Giới: trục, gọng: tam muội
Trí: trang nghiêm, huệ: kiếm.
Phá trừ giặc phiền não
Cũng dẹp những ma oán
Tất cả các ngoại đạo
Vừa thấy liền tan rã.
Bồ Tát biển trí huệ
Sâu rộng không bờ mé
Vị chánh pháp tràn đầy
Báu giác phần sung mãn.
Đại tâm không bờ mé
Nhất thiết trí thuỷ triều
Chúng sinh khó dò được
Diễn nói không hết được.
Bồ Tát núi Tu Di
Vượt qua nơi thế gian
Đỉnh thần thông tam muội
Đại tâm an bất động.
Nếu có ai gần gũi
Đều đồng trí huệ sắc
Hơn hẳn các cảnh giới
Tất cả đều thấy được.
Bồ Tát như kim cang
Chí cầu nhất thiết trí
Tín tâm và khổ hạnh
Kiên cố không thể động.
Tâm Ngài không sợ hãi
Lợi ích các quần sinh
Các ma và phiền não
Tất cả đều tiêu diệt.
Bồ Tát đại từ bi
Ví như mây dày kín
Tam minh phát ánh chớp
Thần túc chấn tiếng sấm.
Khắp dùng bốn biện tài
Mưa nước tám công đức
Thấm nhuần khắp tất cả
Khiến trừ nóng phiền não.
Bồ Tát: thành chánh pháp
Bát Nhã dùng làm tường
Hổ thẹn làm hào sâu
Trí huệ dùng ngăn địch.
Rộng mở cửa giải thoát
Chánh niệm luôn phòng thủ
Bốn đế đường bằng phẳng
Sáu thông gậy tập binh.
Lại dựng pháp tràng lớn
Bao quanh khắp dưới thành
Ba cõi các chúng ma
Tất cả không vào được.
Bồ Tát: chim cánh vàng
Như ý  làm chân cứng
Phương tiện: cánh dũng mãnh
Từ bi: mắt tịnh sáng.
Trụ cây nhất thiết trí
Quán ba cõi biển cả
Bắt lấy rồng trời người
Đặc để bờ Niết Bàn.
Bồ Tát: chánh pháp nhựt
Xuất hiện nơi thế gian
Giới phẩm vầng nhựt tròn
Thần túc đi mau lẹ.
Trí huệ quang chiếu sáng
Tăng trưởng thuốc căn lực
Diệt trừ tối phiền não
Khô cạn biển ái dục.
Bồ Tát trí: ánh trăng
Pháp giới làm vầng trăng
Lơ lửng trên bầu trời
Thế gian thảy đều thấy.
Trong tâm thức ba cõi
Tuỳ thời có tăng giảm
Trong tinh tú nhị thừa
Tất cả không sánh bằng.
Bồ Tát đại Pháp Vương
Công đức trang nghiêm thân
Tướng tốt đều đầy đủ
Trời người đều chiêm ngưỡng.
Phương tiện mắt thanh tịnh
Trí huệ chày kim cang
Nơi pháp được tự tại
Dùng đạo hoá quần sinh.
Bồ Tát Đại Phạm Vương
Tự tại vượt ba cõi
Nghiệp hoặc đều đã dứt
Từ xả đều đầy đủ.
Nơi nơi thị hiện thân
Dùng pháp âm khai ngộ
Ở trong ba cõi đó
Nhổ gốc rễ tà kiến.
Bồ Tát Trời Tự Tại
Vượt qua khỏi sinh tử
Cảnh giới thường thanh tịnh
Trí huệ không thối chuyển.
Tuyệt những đạo thừa dưới
Thọ các pháp quán đảnh
Công đức trí huệ đủ
Danh xưng đâu cũng nghe.
Bồ Tát trí huệ tâm
Thanh tịnh như hư không
Không tánh không chỗ nương
Tất cả bất khả đắc.
Có sức đại tự tại
Thành tựu việc thế gian
Tự đủ hạnh thanh tịnh
Khiến chúng sinh cũng thế.
Bồ Tát đất phương tiện
Lợi ích các chúng sinh
Bồ Tát nước từ bi
Rửa sạch những phiền não.
Bồ Tát lửa trí huệ
Đốt những củi hoặc tập
Bồ Tát gió vô trụ
Du hành ba cõi không.
Bồ Tát như châu báu
Hay cứu khổ bần cùng
Bồ Tát như kim cang
Tiêu diệt thấy điên đảo.
Bồ Tát như anh lạc
Trang nghiêm thân ba cõi
Bồ Tát như ma ni
Tăng trưởng tất cả hạnh.
Bồ Tát đức như hoa
Toả hương bồ đề phần
Bồ Tát nguyện : tràng hoa
Luôn quấn đầu chúng sinh.
Bồ Tát tịnh giới hương
Kiên trì không khuyết phạm
Bồ Tát trí hương đốt
Xông khắp trong ba cõi.
Bồ Tát lực như trướng
Hay ngăn bụi phiền não
Bồ Tát trí như tràng
Hay phá địch ngã mạn.
Diệu hạnh làm gấm thêu
Trang nghiêm nơi trí huệ
Tàm quý làm y phục
Khắp che các quần sinh.
Bồ Tát thừa vô ngại
Ngồi đó ra ba cõi
Bồ Tát voi sức lớn
Tâm ý khéo điều phục.
Bồ Tát: ngựa thần túc
Bay đi vượt các cõi
Bồ Tát nói pháp rồng
Khắp mưa tâm chúng sinh.
Bồ Tát: hoa ưu đàm
Thế gian khó gặp được
Bồ Tát: đại dũng tướng
Các ma đều điều phục.
Bồ Tát chuyển pháp luân
Giống như là Phật chuyển
Bồ Tát: đèn phá tối
Chúng sinh thấy chánh đạo.
Bồ Tát: sông công đức
Luôn chảy thuận chánh đạo
Bồ Tát: cầu tinh tấn
Rộng độ các quần sinh.
Đại trí với hoằng thệ
Cùng làm thuyền vững chắc
Tiếp dẫn các chúng sinh
An trí bờ bồ đề.
Bồ Tát: vườn du hí
Chúng sinh vui chân thật
Bồ Tát: hoa giải thoát
Trang nghiêm cung điện trí.
Bồ Tát như thuốc hay
Diệt trừ bệnh phiền não
Bồ Tát như núi Tuyết
Sinh ra thuốc trí huệ.
Bồ Tát đồng với Phật
Giác ngộ các quần sinh
Tâm Phật không việc khác
Chánh Giác giác thế gian.
Như sở cầu của Phật
Bồ Tát cầu như thế
Cũng như nhất thiết trí
Dùng trí vào phổ môn.
Bồ Tát khéo khai đạo
Tất cả các quần sinh
Bồ Tát tự nhiên giác
Cảnh giới nhất thiết trí.
Bồ Tát vô lượng lực
Thế gian không hoại được
Bồ Tát vô uý trí
Biết chúng sinh và pháp.
Tất cả các thế gian
Sắc tướng đều khác biệt
Âm thanh và danh từ
Đều phân biệt biết được.
Tuy lìa nơi danh sắc
Mà hiện đủ thứ tướng
Tất cả các chúng sinh
Không thể dò đạo đó.
Công đức nhiều như vậy
Bồ Tát đều thành tựu
Rõ tánh đều vô tánh
Có, không chẳng chấp trước.
Như vậy nhất thiết trí
Vô tận không chỗ nương
Nay tôi sẽ diễn nói
Khiến chúng sinh hoan hỉ.
Tuy biết tướng các pháp
Như huyễn đều không tịch
Mà dùng tâm bi nguyện
Và Phật oai thần lực.
Hiện thần thông biến hoá
Đủ thứ vô lượng việc
Các công đức như vậy
Các ông nên nghe thọ.
Một thân hay thị hiện
Vô lượng thân khác nhau
Không tâm không cảnh giới
Ứng khắp tất cả chúng.
Trong một tiếng diễn đủ
Tất cả các thứ tiếng
Pháp ngôn ngữ chúng sinh
Tuỳ loại đều làm được.
Vĩnh lìa thân phiền não
Mà hiện thân tự tại
Biết pháp không thể nói
Mà làm đủ thứ nói.
Tâm ấy thường tịch diệt
Thanh tịnh như hư không
Mà trang nghiêm khắp cõi
Thị hiện tất cả chúng.
Nơi thân không chỗ chấp
Mà hay thị hiện thân
Trong tất cả thế gian
Tuỳ ứng mà thọ sanh.
Tuy sinh tất cả nơi
Cũng chẳng trụ thọ sinh
Biết thân như hư không
Đủ thứ tuỳ tâm hiện.
Bồ Tát thân vô biên
Hiện khắp tất cả nơi
Thường cung kính cúng dường
Đấng Tối Thắng Lưỡng Túc.
Hương hoa các kỹ nhạc
Tràng phan và lọng báu
Hằng tâm thanh tịnh tâm
Cúng dường các đức Phật.
Chẳng lìa một Phật hội
Khắp ở chỗ chư Phật
Ở trong đại chúng đó
Vấn nạn nghe thọ pháp.
Nghe pháp nhập tam muội
Mỗi mỗi vô lượng môn
Khởi định cũng như thế
Thị hiện vô cùng tận.
Trí huệ xảo phương tiện
Rõ đời đều như huyễn
Mà hay hiện thế gian
Vô biên các pháp huyễn.
Thị hiện đủ thứ sắc
Cũng hiện tâm và lời
Vào trong các lưới tưởng
Mà luôn không chấp trước.
Hoặc hiện sơ phát tâm
Lợi ích nơi thế gian
Hoặc hiện tu hành lâu
Rộng lớn không bờ mé.
Thí giới nhẫn tinh tấn
Thiền định và trí huệ
Bốn phạm hạnh bốn nhiếp
Tất cả pháp tối thắng.
Hoặc hiện hạnh thành mãn
Được nhẫn không phân biệt
Hoặc hiện còn một đời
Chư Phật quán đảnh cho.
Hoặc hiện tướng Thanh Văn
Hoặc lại hiện Duyên Giác
Nơi nơi Bát Niết Bàn
Chẳng bỏ hạnh bồ đề.
Hoặc hiện làm Đế Thích
Hoặc hiện làm Phạm Vương
Hoặc Thiên nữ vây quanh
Hoặc lúc ngồi yên lặng.
Hoặc hiện làm Tỳ Kheo
Tịch tĩnh điều phục tâm
Hoặc hiện Tự Tại Vương
Thống lý pháp thế gian.
Hoặc hiện xảo thuật nữ
Hoặc hiện tu khổ hạnh
Hoặc hiện thọ năm dục
Hoặc hiện nhập các thiền.
Hoặc hiện lúc sơ sinh
Hoặc trẻ hoặc già chết
Nếu có ai nghĩ bàn
Tâm nghi phát cuồng loạn.
Hoặc hiện ở cung trời
Hoặc hiện mới giáng thần
Hoặc nhập hoặc trụ thai
Thành Phật chuyển pháp luân.
Hoặc sinh hoặc Niết Bàn
Hoặc hiện vào học đường
Hoặc ở trong thể nữ
Hoặc lìa tục tu thiền.
Hoặc ngồi cây bồ đề
Tự nhiên thành Chánh Giác
Hoặc hiện chuyển pháp luân
Hoặc hiện lúc cầu đạo.
Hoặc hiện làm thân Phật
Ngồi yên vô lượng kiếp
Hoặc tu đạo bất thối
Tích tập đủ bồ đề.
Vào sâu vô số kiếp
Thảy đều đến bờ kia
Vô lượng kiếp một niệm
Một niệm vô lượng kiếp.
Tất cả kiếp chẳng kiếp
Vì đời thị hiện kiếp
Không đến không tích tập
Thành tựu các kiếp sự.
Ở trong một hạt bụi
Thấy khắp tất cả Phật
Mười phương tất cả chỗ
Không nơi nào chẳng có.
Cõi nước pháp chúng sinh
Thứ lớp thảy đều thấy
Qua vô lượng số kiếp
Rốt ráo không hết được.
Bồ Tát biết chúng sinh
Rộng lớn không bờ mé
Một thân chúng sinh đó
Vô lượng nhân duyên khởi.
Như biết một vô lượng
Tất cả cũng đều thế
Tuỳ chỗ họ thông đạt
Dạy những người chưa học.
Đều biết căn chúng sinh
Thượng trung hạ khác nhau
Cũng biết căn chuyển khác
Đáng độ chẳng đáng độ.
Một căn tất cả căn
Triển chuyển sức nhân duyên
Vi tế đều khác biệt
Thứ lớp không tán loạn.
Lại biết họ ham hiểu
Tất cả phiền não tập
Cũng biết xưa vị nay
Hết thảy các tâm hạnh.
Thấu đạt tất cả hạnh
Không đến cũng không đi
Tức biết họ hành rồi
Vì nói pháp vô thượng.
Hạnh tạp nhiễm thanh tịnh
Đủ thứ đều biết rõ
Một niệm được bồ đề
Thành tựu nhất thiết trí.
Trụ Phật không nghĩ bàn
Rốt ráo tâm trí huệ
Một niệm đều biết được
Hạnh tất cả chúng sinh.
Bồ Tát thần thông trí
Công lực đã tự tại
Hay ở trong một niệm
Đến đi vô biên cõi.
Đến đi mau như vậy
Hết nơi vô số kiếp
Không nơi nào chẳng đến
Chẳng động phần sợi lông.
Ví như nhà huyễn thuật
Thị hiện đủ thứ sắc
Trong huyễn đó tìm cầu
Không sắc chẳng không sắc.
Bồ Tát cũng như thế
Dùng phương tiện trí huyễn
Đủ thứ đều thị hiện
Đầy dẫy nơi thế gian.
Ví như trời trăng sáng
Gương sáng tại hư không
Bóng hiện ở trong nước
Chẳng vì nước tạp nhiễm.
Bồ Tát tịnh pháp luân
Nên biết cũng như vậy
Hiện thế gian tâm nước
Chẳng vì đời tạp nhiễm.
Như người ngủ trong mộng
Tạo làm đủ thứ việc
Tuy trải ức ngàn năm
Một đêm trọn chưa hết.
Bồ Tát trụ pháp tánh
Thị hiện tất cả việc
Rốt ráo vô lượng kiếp
Một niệm trí vô tận.
Ví như trong hang núi
Cùng với giữa cung điện
Đủ thứ đều ứng vang
Mà thật không phân biệt.
Bồ Tát trụ pháp tánh
Hay dùng trí tự tại
Rộng vang tuỳ loại âm
Cũng lại không phân biệt.
Như người thấy dương diệm
Tưởng như là có nước
Chạy theo chẳng uống được
Triển chuyển càng thêm khát.
Tâm chúng sinh phiền não
Nên biết cũng như vậy
Bồ Tát khởi thương xót
Cứu họ khiến thoát khỏi.
Quán sắc như bọt nước
Thọ như bóng trên nước
Tưởng như ánh nắng gắt
Các hành như cây chuối.
Tâm thức giống như huyễn
Thị hiện đủ thứ việc
Biết các uẩn như vậy
Bậc trí không chấp trước.
Các xứ đều không tịch
Như máy móc chuyển động
Các giới tánh vĩnh lìa
Vọng hiện nơi thế gian.
Bồ Tát trụ chân thật
Tịch diệt đệ nhất nghĩa
Đủ thứ rộng tuyên dương
Mà tâm không chỗ nương.
Không đến cũng không đi
Cũng lại không có trụ
Phiền não nghiệp nhân khổ
Ba thứ luôn lưu chuyển.
Tuyệt khởi chẳng có không
Chẳng thật cũng chẳng hư
Như vậy vào trung đạo
Nói mà không chấp trước.
Hay ở trong một niệm
Hiện khắp tâm ba đời
Dục sắc vô sắc giới
Tất cả đủ thứ việc.
Tuỳ thuận ba luật nghi
Diễn nói ba giải thoát
Kiến lập đạo ba thừa
Thành tựu nhất thiết trí.
Thấu đạt xứ phi xứ
Các nghiệp và các căn
Giới giải và thiền định
Tất cả chí xứ đạo.
Túc mạng niệm thiên nhãn
Diệt trừ tất cả hoặc
Biết Phật mười thứ lực
Mà chưa thể thành tựu.
Thấu đạt các pháp không
Mà thường cầu diệu pháp
Chẳng hợp với phiền não
Mà cũng chẳng hết lậu.
Rộng biết đạo xuất ly
Mà dùng độ chúng sinh
Nơi đó được vô uý
Chẳng bỏ tu các hạnh.
Không lầm không trái đạo
Cũng chẳng mất chánh niệm
Tinh tấn được tam muội
Quán huệ không tổn giảm.
Ba tụ đều thanh tịnh
Ba đời đều thấu đạt
Đại từ thương chúng sinh
Tất cả không chướng ngại.
Do vào pháp môn nầy
Được thành hạnh như vậy
Tôi chỉ nói ít phần
Công đức nghĩa trang nghiêm.
Nếu trong vô số kiếp
Nói hạnh nầy vô tận
Nay tôi nói ít phần
Như hạt bụi đại địa.
Nương nơi Phật trí trụ
Khởi nơi tưởng kỳ đặc
Tu hành hạnh tối thắng
Đầy đủ đại từ bi.
Tinh cần tự an ổn
Giáo hoá các hàm thức
An trụ trong tịnh giới
Đủ các hạnh thọ ký.
Hay vào công đức Phật
Chúng sinh hạnh và cõi
Kiếp đời cũng đều biết
Không có tưởng nhàm mỏi.
Sai biệt trí tổng trì
Thông đạt chân thật nghĩa
Tư duy nói vô tỉ
Tịch tĩnh Đẳng Chánh Giác.
Phát nơi tâm Phổ Hiền
Và tu hạnh nguyện đó
Từ bi nhân duyên lực
Hướng đạo ý thanh tịnh.
Tu hạnh Ba La Mật
Rốt ráo tuỳ giác trí
Chứng biết lực tự tại
Thành vô thượng bồ đề.
Thành tựu trí bình đẳng
Diễn nói pháp tối thắng
Hay trì đủ diệu biện
Mau được nơi Pháp Vương.
Xa lìa các chấp trước
Diễn nói tâm bình đẳng
Sinh ra nơi trí huệ
Biến hoá được bồ đề.
Trụ trì tất cả kiếp
Bậc trí đại hoan hỉ
Thâm nhập và nương tựa
Không sợ không nghi hoặc.
Thấu đạt không nghĩ bàn
Xảo mật khéo phân biệt
Khéo nhập các tam muội
Thấy khắp cảnh giới trí.
Rốt ráo các giải thoát
Du hí các thông minh
Ràng buộc đều vĩnh lìa
Vườn rừng nơi dạo chơi.
Pháp trắng làm cung điện
Các hạnh đáng vui thích
Hiện vô lượng trang nghiêm
Nơi đời tâm bất động.
Thâm tâm khéo quán sát
Diệu biện hay khai diễn
Ấn bồ đề thanh tịnh
Trí quang chiếu tất cả.
Chỗ trụ không sánh bằng
Tâm đó chẳng hạ liệt
Lập chí như núi lớn
Gieo đức như biển sâu.
Như báu an trụ pháp
Mặc giáp tâm thệ nguyện
Phát khởi nơi việc lớn
Rốt ráo không thể hoại.
Được thọ ký bồ đề
An trụ tâm rộng lớn
Bí tạng vô cùng tận
Giác ngộ tất cả pháp.
Thế trí đều tự tại
Diệu dụng không chướng ngại
Chúng sinh tất cả cõi
Cùng với đủ thứ pháp.
Thân nguyện và cảnh giới
Trí huệ thần thông thảy
Thị hiện nơi thế gian
Vô lượng trăm ngàn ức.
Tự tại không thể chế
Lực vô uý bất cộng
Du hí và cảnh giới
Tất cả nghiệp trang nghiêm.
Các thân và các nghiệp
Lời và tịnh tu lời
Vì do được giữ gìn
Thành tựu mười thứ việc.
Bồ Tát sơ phát tâm
Cùng với tâm cùng khắp
Các căn không tán động
Đắc được căn tối thắng.
Tâm sâu tâm tăng thắng
Xa lìa sự dối trá
Đủ thứ quyết định giải
Vào khắp nơi thế gian.
Xả phiền não tập đó
Giữ đạo tối thắng nầy
Khéo tu khiến viên mãn
Sớm thành nhất thiết trí.
Lìa lùi nhập chánh vị
Quyết định chứng tịch diệt
Sinh ra đạo Phật pháp
Thành tựu hiệu công đức.
Đạo và vô lượng đạo
Cho đến trang nghiêm đạo
Thứ lớp khéo an trụ
Thảy đều không chấp trước.
Tay chân và bụng tạng
Kim cang dùng làm tâm
Mặc áo giáp từ ái
Đầy đủ binh khí gậy.
Trí: đầu, mắt: sáng suốt
Hạnh bồ đề làm tai
Giới thanh tịnh làm mũi
Diệt tối không chướng ngại.
Biện tài dùng làm lưỡi
Thân đến khắp mọi nơi
Trí tối thắng làm tâm
Đi đứng tu các nghiệp.
Đạo tràng toà sư tử
Tịnh: nằm, hư không: ở.
Tu hành và quán sát
Chiếu khắp cảnh Như Lai
Quán khắp hạnh chúng sinh
Phấn tấn và gầm rống.
Lìa tham hành tịnh thí
Xả mạn giữ tịnh giới
Chẳng sân thường nhẫn nhục
Chẳng lười luôn tinh tấn.
Thiền định được tự tại
Trí huệ không chỗ hành
Từ tế bi không mỏi
Vui pháp bỏ phiền não.
Ở trong các cảnh giới
Biết nghĩa cũng biết pháp
Phước đức đều thành mãn
Trí huệ như kiếm bén.
Chiếu khắp thích đa văn
Thấu rõ pháp hướng về
Biết ma và ma đạo
Thệ nguyện đều xả lìa.
Thấy Phật và Phật nghiệp
Phát tâm đều nhiếp lấy
Lìa mạn tu trí huệ
Chẳng bị ma lực trì.
Được Phật lực nhiếp trì
Cũng được pháp nhiếp trì
Hiện ở trời Đâu Suất
Và hiện mạng chung kia.
Thị hiện trụ thai mẹ
Cũng hiện cõi vi tế
Hiện sinh và mỉm cưởi
Cũng hiện đi bảy bước.
Hiện tu các kỹ thuật
Cũng hiện nơi thâm cung
Xuất gia tu khổ hạnh
Đi đến nơi Đạo tràng.
Ngồi thẳng phóng quang minh
Giác ngộ các quần sinh
Hàng ma thành Chánh Giác
Chuyển pháp luân vô thượng
Thị hiện đã xong rồi
Vào nơi đại Niết Bàn.
Các Bồ Tát hạnh đó
Vô lượng kiếp tu tập
Rộng lớn không bờ mé
Nay tôi nói ít phần.
Tuy khiến vô lượng chúng
An trụ Phật công đức
Trong chúng sinh và pháp
Rốt ráo không chấp lấy.
Đầy đủ hạnh như vậy
Du hí các thần thông
Đầu lông để các cõi
Trải qua ức ngàn kiếp.
Tay cầm vô lượng cõi
Đi khắp thân không mỏi
Đem về để chỗ cũ
Chúng sinh chẳng hay biết.
Bồ Tát đem tất cả
Đủ thứ trang nghiêm cõi
Để trong một lỗ lông
Chân thật đều khiến thấy.
Lại dùng một lỗ lông
Dung nạp tất cả biển
Biển cả không tăng giảm
Chúng sinh chẳng nhiễu hại.
Vô lượng núi Thiết Vi
Tay đập nát thành bụi
Một bụi làm một cõi
Hết số những bụi đó.
Đem các cõi bụi đó
Lại nghiền nát làm bụi
Bụi đó có thể biết
Trí Bồ Tát khó lường.
Ở trong một lỗ lông
Phóng vô lượng quang minh
Ánh sáng trời trăng sao
Ánh lửa châu ma ni.
Cùng với sáng chư Thiên
Tất cả đều che khuất
Diệt các khổ đường ác
Vì nói pháp vô thượng.
Tất cả các thế gian
Đủ thứ tiếng khác nhau
Bồ Tát dùng một tiếng
Đều nói được tất cả.
Quyết định phân biệt nói
Tất cả các Phật pháp
Khắp khiến các quần sinh
Nghe rồi đại hoan hỉ.
Tất cả kiếp quá khứ
Để hiện tại vị lai
Kiếp vị lai hiện tại
Xoay để đời quá khứ.
Thị hiện vô lượng cõi
Thiêu đốt và thành trụ
Tất cả các thế gian
Đều trong một lỗ lông.
Khứ lai và hiện tại
Tất cả mười phương Phật
Thảy đều ở trong thân
Phân rõ mà hiển hiện.
Biết sâu pháp biến hoá
Khéo ứng tâm chúng sinh
Thị hiện đủ thứ thân
Mà đều không chấp trước.
Hoặc hiện nơi sáu cõi
Tất cả thân chúng sinh
Thân Thích Phạm Hộ Thế
Thân chư Thiên loài người.
Thân Thanh Văn Duyên Giác
Thân chư Phật Như Lai
Hoặc hiện thân Bồ Tát
Tu hành nhất thiết trí.
Khéo vào hạ trung thượng
Chúng sinh các lưới tưởng
Thị hiện thành bồ đề
Cùng với cõi chư Phật.
Biết rõ các lưới tưởng
Nơi tưởng được tự tại
Hiện tu hạnh Bồ Tát
Tất cả việc phương tiện.
Thị hiện như vậy thảy
Các thần biến rộng lớn
Các cảnh giới như vậy
Thế gian chẳng biết được.
Tuy hiện không chỗ hiện
Rốt ráo lại tăng thêm
Tuỳ thuận tâm chúng sinh
Khiến hành đạo chân thật.
Thân lời cùng với tâm
Bình đẳng như hư không.
Tịnh giới làm hương thoa
Các hạnh làm y phục
Lụa pháp cài búi tóc
Nhất thiết trí ma ni.
Công đức khắp tất cả
Quán đảnh lên vương vị
Ba La Mật làm luân
Các thông dùng làm voi.
Thần túc dùng làm ngựa
Trí huệ làm minh châu
Diệu hạnh làm thể nữ
Bốn nhiếp chủ tạng thần.
Phương tiện làm chủ binh
Bồ Tát Chuyển Luân Vương
Tam muội làm thành quách
Không tịch làm cung điện.
Giáp: từ, kiếm: trí huệ
Cung: niệm, tên: minh lợi
Giăng cao lọng thần lực
Lại dựng tràng trí huệ.
Nhẫn lực chẳng lay động
Đánh thẳng quân ma vương
Tổng trì làm đất bằng
Các hạnh làm sông nước.
Tịnh trí làm suối vọt
Diệu huệ làm rừng cây
Hư không làm hồ trong
Giác phần làm hoa sen.
Thần lực tự trang nghiêm
Tam muội thường đùa vui
Tư duy làm thể nữ
Cam lồ làm thức ăn.
Vị giải thoát nước uống
Du hí nơi ba thừa.
Các Bồ Tát hạnh đó
Vi diệu càng tăng thêm
Vô lượng kiếp tu hành
Tâm đó không nhàm đủ.
Cúng dường tất cả Phật
Nghiêm tịnh tất cả cõi
Khắp khiến tất cả chúng
An trụ nhất thiết trí.
Tất cả cõi hạt bụi
Đều biết được số đó
Tất cả cõi hư không
Số cát đo lường được.
Tất cả tâm chúng sinh
Niệm niệm đếm biết được
Phật tử! Các công đức
Nói không thể hết được.
Muốn đủ công đức nầy
Và các pháp thượng diệu
Muốn khiến các chúng sinh
Lìa khổ thường an lạc.
Muốn khiến thân lời ý
Đều đồng với chư Phật
Nên phát tâm kim cang
Học hạnh công đức nầy.
 

 
HẾT QUYỂN 6
 


MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ÐA TÂM KINH
 
Bồ Tát Quán Tự Tại thực hành sâu vào Bát Nhã Ba La Mật Ða, thì thấy rõ năm uẩn đều không, qua khỏi tất cả khổ ách.
       Xá Lợi Tử ! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng đều như thế.
       Xá Lợi Tử ! Các pháp đó không tướng, không sinh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm. Cho nên trong không chẳng có sắc, thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới, cho đến không có ý thức giới; không có vô minh, cũng không có hết vô minh, cho đến không có già chết, cũng không có hết già chết; không có khổ tập diệt đạo, không có trí huệ, cũng không đắc được.
       Vì không chỗ đắc, nên Bồ Tát nương vào Bát Nhã Ba La Mật, tâm không quái ngại, vì không quái ngại, nên không sợ hãi, xa lìa điên đảo mộng tưởng, rốt ráo đạt đến Niết Bàn. Các Ðức Phật ba đời, đều nương vào Bát Nhã Ba La Mật, cho nên đắc được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.
       Nên biết Bát Nhã Ba La Mật Ða là Chú đại thần, là Chú đại minh, là Chú vô thượng, là Chú vô đẳng đẳng, trừ được tất cả khổ, chân thật không hư.
       Cho nên nói chú Bát Nhã Ba La Mật Ða, bèn nói chú rằng: Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha. (3 lần)
 
Vãng Sinh Tịnh Ðộ Thần Chú
 
Nam mô a di đa bà dạ, đa tha dà đa dạ, đa điệt dạ tha. A di rị đô bà tỳ, a di rị đa, tất đam bà tỳ, a di rị đa, tì ca lan đế, a di rị đa, tì ca lan đa, dà di nị, dà dà na, chỉ đa ca lệ, ta bà ha. (3 lần)
 
Tán Phật
 
Phật A Di Ðà thân sắc vàng
Tướng tốt quang minh không ai bằng
Hào quang trắng uyển chuyển như Tu Di
Mắt Phật xanh biếc như nước bốn biển
Trong quang minh có vô số hoá Phật
Hoá Bồ Tát cũng nhiều vô biên
Bốn mươi tám nguyện độ chúng sinh
Chín phẩm sen vàng lên bờ giác.
 
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Ðại Từ Ðại Bi, Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Phật.
NamMô A Di Ðà Phật. (108 lần)
NamMô Quán Thế Âm Bồ Tát. (3 lần)
NamMô Ðại Thế Chí Bồ Tát. (3 lần)
NamMô Ðịa Tạng Vương Bồ Tát. (3 lần)
NamMô Thanh Tịnh Ðại Hải Chúng Bồ Tát. (3 lần)
 
Ðệ tử chúng đẳng, tùy thuận tu tập, Phổ Hiền Bồ Tát, thập chủng đại nguyện:
            
Nhứt giả lễ kính chư Phật
      Nhị giả xưng tán Như Lai
      Tam giả quảng tu cúng dường
      Tứ giả sám hối nghiệp chướng
      Ngũ giả tùy hỉ công đức
      Lục giả thỉnh chuyển pháp luân
      Thất giả thỉnh Phật trụ thế
      Bát giả thường tùy Phật học
      Cửu giả hằng thuận chúng sanh
      Thập giả phổ giai hồi hướng.
 
HỒI HƯỚNG
 
       Tụng kinh công đức hạnh thù thắng
       Bao nhiêu phước đức đều hồi hướng  
Nguyện khắp pháp giới các chúng sinh
       Sớm được vãng sinh cõi Phật Vô Lượng Quang
       Nguyện tiêu ba chướng dứt phiền não
Nguyện được trí huệ hiểu chân thật
Nguyện khắp tội chướng đều tiêu trừ
Ðời đời thường hành Bồ Tát đạo
Nguyện sinh sang cõi Tây phương Tịnh độ
Chín phẩm hoa sen là cha mẹ
Hoa nở thấy Phật ngộ vô sinh
Bồ Tát bất thối làm bạn lành
Nguyện đem công đức nầy
Hướng về khắp tất cả
Ðệ tử và chúng sinh
Ðều trọn thành Phật đạo.
 
Tam quy y
 
Tự quy y Phật, xin nguyện chúng sinh, thể theo đạo cả, phát lòng vô thượng. (1 lạy)
Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sinh, thấu rõ tạng kinh, trí huệ như biển. (1 lạy)
Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sinh, thống lý đại chúng, hết thảy không ngại. (1 lạy)
 
Nguyện đem công đức này
Trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh
Trên đền bốn ân nặng
Dưới cứu ba đường khổ
Nếu có ai thấy nghe
Liền phát tâm bồ đề
Khi xả báo thân nầy
Ðồng sinh về Cực Lạc.
 
 
-----–—-----

Phương danh hùn phước Ấn tống Kinh
 
Ni Sư Thích Nữ Diệu Minh Chùa Quan Âm: 7 Bộ.
Ni Sư Thích Nữ Đàm Lương, Chùa Hoa Nghiêm: 30 Bộ.
Ni Sư Thích Nữ Đàm Phương, Chùa Hoa Nghiêm (Bỉ): 4 Bô.
Sư Cô Thích Nữ Đàm Liên: 1 Bộ.
Sa di Thích Đồng Giác, Tùng Lâm Linh Sơn: 1 Bộ.
Nguyễn Thị Kim, Pd: Bổn Trung : 10 Bộ.
Trần Ngọc Khuê, Pd: Huệ Phương: 5 Bộ.
Trịnh Thị Tuyết Nga, pd: Diệu Hiền: 1 Bộ
Nguyễn Thị Thân, pd: Thiện Ý: 1 Bộ
Nguyễn Thị Thanh Loan: Pd: Trí Phượng: 1 Bộ
Nguyễn Thị Trường, Pd: Thiện Đạo: 2 Bộ
Vô Thị Dành, Pd: Thiện Không và Lâm Thị Ái Nữ,
Pd: Quảng Hiếu: 1 Bộ
Cô Giác Liên, 1 Bộ.
Giác Bảo. 2 Bộ
Nguyễn Laurent, Pd: Giác Đức 1 Bộ
Diệu Hoa 1 Bộ
Annie Nguyễn 1 Bộ
Dì Nhiều, Pd: Như Lộc: 2 Bộ
Từ Tâm Hoà 1 Bộ
Jacqueline Pd: Diệu Châu 1 Bộ
Mai Anh 1 Bộ
Nguyễn Hùng Cường, Pd: Nhật Cảnh Hùng. Phan Thị Thảo,
Pd: Lệ Hiếu 1 Bộ.
Diệp Văn Sơn, Pd: Đồng  Hải. Nguyễn Kim Dung, Pd: Diệu Giác 1 Bộ.
Triệu Học Cần, Pd: Ân Mẫn. Mã Yến Huệ, Pd: Ân Viên: 1 Bộ.
Trần Thị Trang Thanh, Pd: Giác Nhàn: 1 Bộ.
Hương Linh Phan Văn Quý, Pd: Tâm Đạo: 1 Bộ.
Lê Thị Tiết, Pd: Tâm Hạnh : 1 Bộ.
Phật  Tử  ẩn  danh ở Bottrop: 1 Bộ.
Đỗ Ngọc Lan, Pd: Giác Tịnh: 1 Bộ.
Phan Thị Cúc, Pd: Diệu Đạo: 2 Bộ.
Phan Lê Gia Trang, Pd: Nguyên Hoa: 1/2 Bộ.
Lưu Kim Tuyến, Pd: Giác Tu: 1 Bộ.
Đỗ Bùi Đức Hà, Pd: Giác Hải: 2 Bộ.
Dương Thị Lan, Pd: Diệu Hoa: 1/2 Bộ.
Thuý Lan, Pd: Thị Muồng: 1/2 Bộ.
Nguyễn Thị Thảo: 1 Bộ.
Phạm Thị Ngọc Thu, Pd: Đồng Hà: 1 Bộ.
Chị Ngọc (Tain Kim Heng): 1 Bộ.
Cô Hương (Tain Kim Heng): 1/2 Bộ.
Nguyễn Quốc Cường, Pd: Thiện Huy: 2 Bộ.
Nguyễn Thị Kim Hoa, Pd: Thiện Hương: 1 Bộ.
Nguyễn Văn Một, Pd: Thông Khai: 1 Bộ.
Lý Ngọc Hoa, Pd: Đồng Liên: 1 Bộ.
Lai Ảnh Khương, Pd: Ân Thới: 1 Bộ.
Võ Văn Thiên: 1 Bộ.
Lưu Tuyết Ngọc, Pd: Ân Châu: 1 Bộ.
Lưu Kim Tiên: 1 Bộ.
Werner Schumann: 1 Bộ.
Lưu Tuyết Lan, Pd: Ân Hồng: 1 Bộ.
Nguyễn Hoàng Thông, Pd: Ân Thái: 1 Bộ.
Nguyễn Trường Phúc, Pd: Ân Thiện: 1 Bộ.
Hương Linh Nguyễn Văn Dũng, Pd: Ân Quý: 1 Bộ.
Định Thị Quý: 1 Bộ.
Trịnh Tự Nhiên, Pd: Minh Lạc: 1 Bộ.
Trần Thị Thắng, Pd: Nguyệt Bảo Đức: 4 Bộ.
Trần Ngưu: 4 Bộ.
Trần Ánh Tuyết, Jenny: 4 Bộ.
Trần Ánh Tâm, Joanne: 4 Bộ.
Trần Anh Minh, John: 4 Bộ.
Việt Hương và gđ: 6 Bộ.
Nguyễn Thị Bạch Tuyết, pd: Diệu Tịnh: 2 Bộ.
Giác Thuận, Giác Hoa: 6 Bộ.
Lami Jean: 1 Bộ.
Lami Philippe: 1 Bộ.
Lý Tú hà, Pd: Diệu Hải: 2 Bộ.
GUILHEN Richard Chính,  Giác Nghĩa: 1 Bộ.
Huỳnh Thị Kim Huệ, Pd: Minh Hồng: 5 Bộ.
Thái Thuỳ Vi, Pd: Diệu Minh : 1 Bộ.
Thái TuấnThuỷ: 1 Bộ.
Trịnh Quang Chơn: 1 Bộ.
Trịnh Xuân Anh: 1 Bộ.
Trịnh Quang Nghiêm: 1 Bộ.
Ngô Xuân Lan (Huệ Phương): 5 Bộ.
Nguyễn Thị Bạch Ngọc, Pd: Thiện Bảo: 1 Bộ.
Hương Linh Nguyễn Thị Hường, Pd: Hoa Đạo: 3 Bộ.
Hương Linh Nguyễn Ngọc Cung, Pd: Nhuận Giải: 1 Bộ.
Hương Linh Nguyễn Thị Gái: 1 Bộ.
Nguyễn Thanh Thuỷ, Pd: Thiện Đạo Lưu Văn Hùng: 1/2 Bộ.
Nguyễn Phương Quỳnh, Pd: Diệu Thiện, Nguyễn Trí,
Pd: Phù Vân: 1/2 Bộ.
Tăng Lý Hoa: 1 Bộ.
Hoàng Trang Vọng, Pd: Diệu Nghiêm, Vòng Tú Hoàng,
Pd: Minh Thắng: 1 Bộ.
Lưu Thanh Đức, Pd: Tuệ Yên: 1 Bộ.
Phạm Quốc Huy: 1 Bộ.
Phạm Thị Liên Nga, Pd: Quảng Hạnh: 1 Bộ.
Nguyễn Ca, Pd: Đồng Sa: 1 Bộ.
Nguyễn Thị Liễu, Pd: Giác Giải, Nguyễn Văn Lập: 1 Bộ.
Phạm Thị Quyễn, Pd: Diệu Khai: 1 Bộ.
Phạm Nguyễn, Pd: Diệu Kim: 1 Bộ.
Phật tử ẩn danh ở Hagen: 1 Bộ.
Võ Thành Đức, Pd: Thân Hoằng Đức: 12 Bộ.
Nguyễn Thanh Tân: 1 Bộ.
Huỳnh Thị Thanh Thuỷ, Pd: Diệu Tịnh: 4 Bộ.
Phạm Thị Ngọc Diệp, Pd: Kim Chi: 1 Bộ.
Lê Thanh Long: 2 Bộ.
Lý Thị Nguyệt, Pd: Diệu Tịnh: 1 Bộ.
Diệu Hạnh: 1/2 Bộ.
Phùng Thị Bạch Tuyết, Pd: Huyền Trinh: 4 Bộ.
Biên Thị Mai, Pd: Như Lộc: 2 Bộ.
Nguyễn Thị Thu Phi: 10 Bộ.
Đào Kiêm Toàn: 1 Bộ.
Nguyễn Hoài Luân, Pd: Giác Hồi: 2 Bộ.
Cao Thị Lệ Hằng, Pd: Giác Duyên: 1 Bộ.
Trịnh Quốc Tuấn: 1 Bộ.
Vũ Ngọc Tuấn: 1 Bộ.
Hoa Minh: 2 Bộ.
Vương Thanh Tâm, Pd: Giác Tánh: 1 Bộ.
Vương Tâm Như: 1 Bộ.
Từ Nguyên: 1/2 Bộ.
Giác Xinh: 2 Bộ.
Giác Hà: 1 Bộ.
Trần Thị Phượng, Pd: Thu Ngọc: 3 Bộ.
Trần Thị Kim Cúc, Pd: Diệu Phùng: 1 Bộ.
Ngô Thị Thu Giang: 1 Bộ.
Lefranc Kim Chi: 2 Bộ.
Dương Thị Kim Ngọc, Pd: Diệu Quang: 1 Bộ.
Phan Bernard: 1 Bộ.
Nguyễn Kim Ngọc: 6 Bộ.
Nguyễn Thị Kim Thoa: 2 Bộ.
Lý Cường, Pd: Phúc Hùng: 1 Bộ.
Lý Trân Châu, Pd: Trân Bảo: 1 Bộ.
Ô Thị Tốt, Pd: Diệu Thọ: 1 Bộ.
Ô Thị Hai, Pd: Ngọc Bình: 1 Bộ.
Huỳnh Phan Thanh Hà, Pd: Bảo khánh Thọ: 1/2 Bộ.
Lâm Minh Khôn: 1/2 Bộ.
Peter Lâm: 1/2 Bộ.
Trần Xảo Chi, Pd: Ngọc Ấn: 1/2 Bộ.
Nguyễn Thị Lang, Pd: Thiện Ngọc: 2 Bộ.
Kim Văn Đy, Pd: Huệ Hạnh, Võ Hồng Khanh: 1 Bộ.
Lam Nga: 2 Bộ.
Lê Mai: 1 Bộ.
Nguyễn Thị Minh Ngà, Pd: Tuệ Ngọc: 1 Bộ.
Tạ Ngọc Hoa, Pd: Đồng Liên: 1 Bộ.
Trần Thị Thu Hương: 1/2 Bộ.
Nguyễn Thị Ngọc Bích: 1/2 Bộ.
Trịnh Thu Yến, Pd: Viên Nghiêm: 2 Bộ.
Stron Jennifer, Pd: Thiện Tiên: 3 Bộ.
Nguyễn Cao Alphonse, Pd: Thiện Thanh: 1 Bộ.
Nguyễn Cao Hoàng Hoa, Pd: Diệu Liên: 1 Bộ.
Nguyễn Cao Kim Cúc, Pd: Diệu Lan: 1 Bộ.
Nguyễn Ngọc Sương, Pd: Diệu Ứng: 1 Bộ.
Đỗ Thị Nuống: 1 Bộ.
Đỗ Thị Trưng: 1 Bộ.
Đỗ Thị Huẩn: 2 Bộ.
Trần Thị Kim Phương, Pd: Giác Hướng: 1 Bộ.
Nguyễn Thị Kim Phước, Pd: Giác Thiện: 2 Bộ.
Gia đình Giác Đạo: 10 Bộ.
Phạm Hồng Phước, Pd: Diệu Đức: 1 Bộ.
Nguyễn Hữu Công, Pd: Quảng Thành và Huệ Ngọc: 5 Bộ.
Đào Thị Nương, Pd: Quảng Huệ: 1 Bộ.
Giác Hạnh: 2 Bộ.
Nguyễn Thị Minh Hà, Pd: Diệu Thanh: 1 Bộ.
Gia đình Giác Vân: 3 Bộ.
Hoàng Phương Hải, Pd: Diệu Hà: 1 Bộ.
Bùi Hữu Đạo, Hoa, Pd: Chân Hoà: 3 Bộ.
Đặng Thị Ba: 1/2 Bộ.
Soudara Cam: 1 Bộ.
Phan Sandrine, Pd: Giác Trung: 1 Bộ.
Quảng Phương, Quảng Thiện Pháp: 2 Bộ.
Phạm Thị Hồng Ngọc: 5 Bộ.
Tâm Hoà: 1 Bộ.
Nguyễn Thị Kim Quang, Pd: Diệu Minh: 1 Bộ.
Pt Quảng Hùng: 1/2 Bộ.
Lê Thị Thu Lan, Lâm Quốc Trọng: 1 Bộ.
Võ Thị Phú Mỹ: 1/2 Bộ.
Pt Ẩn danh ở Mönchengladbach: 2 Bộ.
Phạm Thị Đâu: 2 Bộ.
Trần Mỹ Hạnh: 1 Bộ.
Hồ Thị Hảo, Pd: Diệu Thảo, Vương Trịnh Tòng: 1 Bộ.
Vũ Đức Thành: 1 Bộ.
Nguyễn Tố Nga, Pd: Thành Thắng: 1 Bộ.
Jenny Mai: 1 Bộ.
Phùng Thị Dần, Pd: Diệu Khải: 1/2 Bộ.
Trinh, Hằng, Thuỷ: 1/2 Bộ.
Nguyễn Thị Minh: 1 Bộ.
Trần Ngọc Anh, Pd: Diệu Liên: 2 Bộ.
Nguyễn Văn Nhơn, Lê Thị Hoà: 1 Bộ.
Ngô Thị Tâm Chân, Pd: Tâm Lý và Phan Thị Huệ, Pd: Diệu Trí: 5 Bộ.
Đặng Vũ Thuỳ  Trang: 1 Bộ.
Pt Vô danh: 4 Bộ.
Phạm Thanh Hương, Pd: Diệu Nghiêm: 4 Bộ.
Đoàn Philippe, Pd: Minh Trung: 1 Bộ.
Hoàng Tuấn Quan: 1 Bộ.
Giác Tạng, Giác Trì: 1 Bộ.
Giác Minh: 3 Bộ.
Triệu Hữu Đức: 1 Bộ.
Mai Thị Trúc Trinh: 1 Bộ.
Hoàng Thiện: 1 Bộ.
Nguyễn Thị Bông, Pd: Diệu Thơm: 1 Bộ.
GĐ Ngeam Huo, Pd: Diệu Quả: 1 Bộ.
GĐ Nguyên Thới: 1 Bộ.
GĐ Đỗ Thị Kim Nguyên, Pd: Diệu Ngọc: 1 Bộ.
GĐ Như Ngọc: 1 Bộ.
GĐ Diệu Mãn: 1 Bộ.
GĐ Diệu Hoa và Minh Lợi: 1 Bộ.
GĐ Diệu Phương: 1 Bộ.
GĐ Chánh Nguyệt: 1 Bộ.
2 GĐ anh em Tân Vũ: 1 Bộ.
2 GĐ Diệu Nghĩa, Ngọc Thuỷ: 1 Bộ.
2 GĐ chị em Ngân Vân: 1 Bộ.
2 GĐ Diệu Ngộ và Minh Nghĩa: 1 Bộ.
GĐ Diệu Thân: 2 Bộ.
GĐ Minh Hướng: 1 Bộ.
Trịnh Katie, Trịnh Maxim: 1 Bộ.
Chơn Tuệ: 1/2 Bộ.
GĐ Hồng Nhâm: 1 Bộ.
GĐ Huỳnh Thị Lang, Pd: Minh Hoa: 1 Bộ.
Quách Hoa Anh, Pd: Tâm Minh: 2 Bộ.
Hồ Văn Thắng: Minh Lợi: 1 Bộ.
Lưu Kim Hưng: 1 Bộ.
Lê Thị Tương, Pd: Giác Phùng: 1 Bộ.
Lê Thị Hà: 1 Bộ.
GĐ Phạm Dân Quý: 1 Bộ.
GĐ Phạm Noel: 1 Bộ.
GĐ Phạm Thái Tiến: 2 Bộ.
Đỗ Văn Minh, Pd: Giác Nguyện: 4 Bộ.
Phan Thị Lệ Thuỷ: 1 Bộ.
Trang Thị Thanh, Pd: Bửu Hạnh: 2 Bộ.
Giác Lý: 2 Bộ.
GĐ Giác Hiền: 1 Bộ.
Trịnh Thị Vàng, Pd: Diệu Kim: 1 Bộ.
Kumar Velou: 1 Bộ.
Mohan Velou: 1 Bộ.
Krichena Velou: 1 Bộ.
Asok Velou: 1 Bộ.
Solange Velou: 1 Bộ.
Raymond Velou: 1 Bộ.
Trịnh Thị Trang, Pd: Diệu Nhã: 1 Bộ.
GĐ Caroline Trần, Pd: Diệu Nguyện: 1 Bộ.
GĐ Nelly, Pd: Diệu Lý: 1 Bộ.
GĐ Lê Hữu Huệ, Pd: Giác Trí: 1 Bộ.
GĐ Diệp Văn Thọ, Pd: Minh Thọ: 1 Bộ.
Trịnh Thị Hương, Pd: Giác Thơm: 1 Bộ.
Nguyễn Thị Tuyết: 1/2 Bộ.
Bùi Tâm Phúc, Pd: Quảng Chánh,
và Hàn Ngọc Anh, Pd: Quảng Thanh: 1 Bộ.
Thuý Trần, Pd: Diệu Ngọc, Quảng Tâm: 1/2 Bộ.
Lý Mỹ Linh, Pd: Diệu Lý: 1 Bộ.
Ngô Thị Minh Huyền, Pd: Viên Diệu: 1/2 Bộ.
Trần Thị Quý, Pd: Diệu Đức: 2 Bộ.
Nguyễn Văn Nam, Pd: Kiến Chánh: 1 Bộ.
Nguyễn Ngọc Huê, Pd: Diệu Bảo: 1 Bộ.
Nguyễn Thị Thu Thoa, Pd: Diệu Niệm: 1 Bộ.
Trương Kim Mỹ, Pd: Lệ Mãn: 1 Bộ.
Trương Đồng Sanh, Pd: Đồng Sanh: 1 Bộ.
Trương Thế Kiệt: 1 Bộ.
Phạm Văn Thanh, Pd Thiện Tạng: 1 Bộ.
Phạm Thị Muội, Pd: Diệu Giác: 1 Bộ.
Phạm Văn Mành: 1 Bộ.
Văng Công Dụng: 2 Bộ.
Trần Xuân Tiến: 1 Bộ.
Lê Thanh Tâm, Pd Minh Tâm: 1 Bộ.
Lê Thanh Thuỷ, Pd: Giác Tâm: 1 Bộ.
Lê Thanh Loan, Pd: Giác Tâm: 1 Bộ.
Lê Quế Phượng, Pd: Giác Phương: 1 Bộ.
Nguyễn Thị Nhi: 1 Bộ.
Đinh thị Nga, Pd: Giác Hỷ: 1 Bộ.
GĐ Vương và Nga: 1 Bộ.
Lu Michel, Pd: Giác Hiền: 1 Bộ.
Lu Jodie và Lu Kenny: 1 Bộ.
Ngô Bernard, Pd: Đại Ân: 1 Bộ.
Kim Huôi, Pd: Diệu Hà: 1 Bộ.
Bùi Mỹ Ngọc: 2 Bộ.
Nguyễn Mỹ Bảo Ngọc: 2 Bộ.
Cao Trần Cung: 1 Bộ.
Nguyễn Bá Sử: 2 Bộ.
H.L Trương Minh Chiếu Paul: 1 Bộ.
Trần Thị Ánh Minh,  Pd: Diệu Huệ: 1 Bộ.
Tần Tố Nga: 2 Bộ.
Minh Trí và Giác Phúc: 3 Bộ.
Nguyễn Thị Tý, Pd: Diệu Tâm: 3 Bộ.
GĐ Nguyễn Ngọc Hưng: 1 Bộ.
Phạm Thị Minh Nguyệt, Pd: Diệu Quý: 2 Bộ.
Phạm Tuấn Anh: 2 Bộ.
Phạm Trâm Anh: 2 Bộ.
Vũ Đình Ruyên, Nguyễn Thị Bảo Nguyệt: 1 Bộ.
Huỳnh Thị Hỏn: 2 Bộ.
Đặng Nguyệt Hưng, Pd: Diệu Hiển: 1 Bộ.
Hồ Ngọc Ngọ, Pd: Quý Ngọc: 1 Bộ.
Trần Nam Anh: 1 Bộ.
Nguyễn Thị Dung, Pd: Dung Ngọc: 1 Bộ.
Nguyễn Sanra: 1 Bộ.
Nguyễn Thị Thu Hà, Pd: Diệu Hải: 1 Bộ.
Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Pd: Diệu Chánh: 1 Bộ.
Hồ Hữu Dũng: 1 Bộ.
Diệu May và Minh Tú: 4 Bộ.
Apan Helene, Pd: Diệu Minh: 6 Bộ.
Phan Thị Ánh Tuyết, Pd: Hồng Hiếu: 2 Bộ.
Ẩn danh: 6 Bộ.
Lâm Thị Phượng: 1 Bộ.
Giác Huyền và Giác Nhi: 2 Bộ.
Ẩn danh: 2 Bộ.
Ngô Thị Hiền, Pd: Liên Trúc: 1 Bộ.
Trịnh Frederic, Pd: Nguyên Huy: 1 Bộ.
Nguyễn Bélinda, Pd: Giác Thiên: 1 Bộ.
GĐ Tammy Vo, Pd: Tâm Từ: 24 Bộ.
Nguyễn Thị Nâu, Pd Quảng Nhẫn: 5 Bộ.
Vũ Đức Hiền, Pd Đồng Huệ Thọ và Vũ Thị Vinh: 1/2 Bộ.
H.L Phạm Như Nghĩa, Pd: Giải Đạo: 1/2 Bộ.
Hoàng Thị Dương, Pd: Diệu Phương: 1/2 Bộ.
Lê Trung Quân: 1/2 Bộ.
Nguyễn Kupka Thuý Hà, Pd: Đồng Huệ Xa và Kupka Hartmut,
Kupka Mai Linh, Pd: Quảng Sáng: 1 Bộ.
H.L Nguyễn Việt Cường: 1 Bộ.
H.L Nguyễn Bạch Ngọc, Pd Diệu Giải: 1/2 Bộ.
Đặng Vũ Thuỳ Hương, Pd: Minh Lương: 1/2 Bộ.
H.L Quan Tô, Pd: Tánh Chơn: 6 Bộ.
H.L Trang Thị Hai: 1 Bộ.
Nguyễn Phước Quốc Trang: 4 Bộ.
Đặng Cẩm Huy: 1 Bộ.
Huệ Phúc: 1 Bộ.
Tin Tin: 2 Bộ.
Du Phát Hoà và Phùng Lệ Khoan: 1 Bộ.
Trần Tư Kiều: 4 Bộ.
Lý Thu Trang:  2 Bộ.
Trần Chu Minh Quang: 4 Bộ.
Chu Thị Ngọc Thanh: 5 Bộ.
Say Yen Teoh: 2 Bộ.
Bổn Thành: 2 Bộ.
Diệu Nguyện: 2 Bộ.
Jason P. Nguyễn: 2 Bộ.
Tith Alain: 1 Bộ.
GĐ Phạm Thị Bích Hà, Pd: Đức Tánh. Herr Niehof, Tanja Niehof: 5 Bộ.
Tăng Bích Phân, Pd: Thiện Lý: 1 Bộ.
Trần Thị Dần, Pd: Viên Như: 2 Bộ.
Trần Tý, Pd: Thiện Hữu: 1 Bộ.
Đoàn Thị Đúng, Pd: Diệu Nhàn: 1 Bộ.
GĐ Tuệ Thiện, Viên Hằng, Huệ Phương: 5 Bộ.
Diệu Sắc: 1 Bộ.
Shanker Devi: 1 Bộ.
GĐ Tài và Thảo: 2 Bộ.
Danh Công Lê: 1 Bộ.
Hưng Lê: 1 Bộ.
GĐ Phạm Thị Thu Vân: 10 Bộ.
GĐ Tôn Sung Chánh: 1 Bộ.
GĐ Eddy Gee và Tôn Mỹ Linh: 1 Bộ.
GĐ Thuý Vi Châu: 2 Bộ.
Diệu Thiện: 1 Bộ.
Đỗ Lưu Vương: 1 Bộ.
Hứa Ngọc Cúc, Pd: Tâm Huệ: 4 Bộ.
Trần Văn Sính, Pd: Chính Minh: 2 Bộ.
Trần T. Ngọc Liên, Pd: Diệu Hoa: 1 Bộ.
Trần Ngọc Thảo, Pd: Diệu Thao: 1 Bộ.
Trần Ngọc Thuỷ, Pd: Diệu Sơn: 1 Bộ.
Andréas Larws: 1 Bộ.
Nguyễn Văn Trình, Pd: Minh Tú: 2 Bộ.
Nguyễn Trần Mỹ Phương Kimberley, Pd: Huệ Thảo: 1 Bộ.
Trần Thị Mai, Pd: Diệu May: 16 Bộ.
Nguyễn Văn Thành: 1 Bộ.
Tạ Đức Hương: 1 Bộ.
TạÁ Châu, Ngô Thị Phương, Pd: Diệu Thảo: 1 Bộ.
Chu Vũ Thị Lan: 20 Bộ.
GĐ Nguyễn Lân, Nguyễn Bybyel, pd: Diệu Ứng: 4 Bộ.
Phật tử Bửu Hưng, Vancouver, WA: 20 Bộ.
GĐ Diệu Ngọc: 4 Bộ.
Đỗ Thuý Ngân: 2 Bộ.
Châu Thị Mai: 1 Bộ.
Nguyễn Tố Nga, Pd: Thành Thắng: 1 Bộ.
Trịnh Thị Vàng, Pd: Diệu Kim: 6 Bộ.
Shanker Eric Jules: 3 Bộ.
Shanker Rose: 1 Bộ.
Shanker Jean Pierre: 1 Bộ.
Pelou Sithiravi: 1 Bộ.
Pelou Richard: 1 Bộ.
Phùng Văn Thanh: 1 Bộ.
Do: 2 Bộ. Quảng Thọ: 1 Bộ.
GĐ Chị Em Khánh Linh: 10 Bộ. v.v...


 
Hồi hướng công đức
 
Trong các sự bố thí, thì bố thí pháp là cao thượng nhất. Vì ấn tống Kinh điển bố thí cho mọi người đọc tụng, khiến cho họ hiểu rõ những lời đức Phật dạy, phát tâm tu học, thực hành hạnh Bồ Tát, tự lợi lợi tha, tự độ độ tha, tích tụ căn lành công đức, hồi hướng về quả Vô Thượng Bồ Đề, cuối cùng sẽ chứng ngộ quả vị Phật. Nhờ giáo lý Pháp bảo mà chúng ta tin, hiểu, thực hành, và chứng ngộ.
 
Xin hồi hướng công đức pháp thí cao thượng nầy, đến pháp giới tất cả chúng sinh, và toàn thể tất cả Quý Vị đã phát tâm hùn phước Ấn tống, hữu danh, hoặc vô danh, và thân bằng quyến thuộc của tất cả Quý Vị còn sống, hoặc đã quá vãng, thảy đều được lợi lạc, căn lành tăng trưởng, tâm bồ đề kiên cố, luôn luôn an trụ ở trong chánh pháp, tu hành chánh pháp, rốt ráo được thoát khỏi sinh tử luân hồi, đến được bờ giác ngộ bên kia.
 
Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát
Tác đại chứng minh

 

 
KỆ HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC
 
Nguyện đem công đức nầy
Trang Nghiêm cõi Phật tịnh
Trên đền bốn ân nặng
Dưới cứu ba đường khổ
Nếu có ai thấy nghe
Liền phát tâm bồ đề
Khi bỏ báo thân nầy
Sinh về cõi Cực Lạc.



 
 

[1] Hán văn quyển 51
[2] Hán văn quyển 52
[3] 1. Hỏi về pháp Thập Tín
[4] 2. Hỏi về pháp Thập Trụ
[5] 3. Hỏi về pháp Thập Hạnh
[6] 4. Hỏi về pháp Thập Hồi Hướng
[7] 5. Hỏi về pháp Thập Địa
[8] 6. Hỏi về pháp Đại viên cảnh trí (bậc Đẳng Giác)
[9] 7. Hỏi về pháp Quả dụng viên mãn (bậc Diệu Giác)
[10] 1. Trả lời pháp Thập Tín
[11] 2. Trả lời pháp Thập Trụ
[12] Hán văn quyển 54. Trả lời pháp Thập Hạnh
[13] Hán văn quyển 55
[14] 4. Trả lời pháp Thập Hồi Hướng
[15] Hán văn quyển 56
[16] Hán văn quyển 57
[17] 6. Trả lời pháp nhân viên cứu kính (bậc Đẳng Giác)
[18] Hán văn quyển 58
[19] 7. Trả lời pháp quả dụng viên mãn (bậc Diệu Giác)
[20] Hán văn quyển 59