Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 
 
Kinh Nhất Dạ Hiền Giả và Tâm hiện tại




 

 
***


Kinh Nhất Dạ Hiền Giả(一夜賢者經;  P: Bhaddekaratta sutta;  S: Bhadrakarātrī sūtra;  E: Auspicious Night, One Fine Night (Đêm An Lành), Ideal Solitude (Cô Đơn Lý Tưởng)].

Kinh Nhất Dạ Hiền Giả là tên bài kinh số 131 thuộc Trung Bộ kinh (Majjhima Nikāya) được Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ bản Pāli, và được Thiền sư Thích Nhất Hạnh gọi là Kinh Người Biết Sống Một Mình. Kinh này được xem như là văn kiện xưa nhất của lịch sử văn học loài người dạy về nghệ thuật sống trong hiện tại một cách vững chãi và thảnh thơi.                           

Tại tinh xá Kỳ Viên (P;S: Jetavana - Kỳ-đà lâm) ở thành Xá-vệ (P: Savatthi;  S: Śrāvastī), đức Phật dạy rằng cốt lõi của tu thiền là thực tập Chánh niệm trong giây phút hiện tại để:

- Không bị vọng niệm về quá khứ lôi cuốn vào, hình thành Chấp ngã. Đó là vọng niệm của hồi ức, là kinh nghiệm sống đã xảy ra đối với các đối tượng như 5 thủ uẩn, 6 giác quan, 6 đối tượng giác quan.

- Không bị vọng niệm về tương lai lôi cuốn vào, hình thành Chấp ngã.  Đó là vọng niệm của ước mong, của lo lắng căng thẳng và sợ hãi về những chuyện vị lai chưa xảy ra đối với các đối tượng nêu trên.

- Không bị vọng niệm ở hiện tại lôi cuốn vào, hình thành Chấp ngã. Đó là vọng niệm tạo nên hành động tức thời xảy ra đối với các đối tượng nêu trên.

Hành giả Chánh niệm an trụ tâm vào công việc đang làm, vào đạo đức Duyên khởi và chân lý Duyên khởi, để tỉnh giác vượt qua vọng niệm là nguồn gốc gây nên khổ đau cho mình và cho người trên đời này.

Bài kinh ngắn được tóm gọn như sau:

Atītaṃ nānvāgameyya, nappaṭikaṅkhe anāgataṃ,
Yad atītaṃ pahīnaṃ taṃ, appattañ ca anāgataṃ.
Paccuppannañ ca yo dhammaṃ tattha tattha vipassati,
Asaṃhīraṃ asaṅkuppaṃ taṃ vidvā manubrūhaye.
Ajj’ eva kiccaṃ ātappaṃ ko jaññā maraṇaṃ suve?
Na hi no saṅgaraṃ tena mahāsenena maccunā.
Evaṃ vihāriṃ ātāpiṃ ahorattam atanditaṃ,
Taṃ ve bhaddekarotto ti santo ācikkhate munīti.

(MN 131 at MN III 187.21–28)

Don’t run back to the past, don’t hope for the future.
What’s past is left behind; the future has not arrived;
And phenomena in the present are clearly seen in every case.
Knowing this, foster it – unfaltering, unshakable.
Today’s the day to keenly work – who knows, tomorrow may bring death!
For there is no bargain to be struck with Death and his mighty hordes.
The peaceful sage explained it’s those who keenly meditate like this,
Tireless all night and day, who truly have that one fine night.
(tr. Sujato 20188)
 
Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã đoạn tận
Tương lai lại chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động không rung chuyển
Biết vậy nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết,
Trú như vậy nhiệt tâm,
Đêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi Nhứt dạ Hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng.
         
Qua bài kinh này, chúng ta hãy thử phân tích và tu tập như dưới đây:

1) Phân tích về thời gian:

Theo khái niệm thông thường về thời gian, thì thời gian được phân chia như sau:

- Quá khứ:  Là thời gian dùng để chỉ những sự kiện đã xảy ra, đã qua rồi. Như sự việc đã xảy ra cách nay một giây, một phút, một giờ, một ngày, một tuần, một tháng, một năm, ...

- Tương lai:  Là thời gian dùng để chỉ những sự kiện chưa xảy ra, dù là một giây nữa, một phút nữa, ..., một năm nữa, ...

- Hiện tại:  Là thời gian dùng để chỉ những sự kiện đang xảy ra. Đạo Phật có khái niệm về một đơn vị thời gian chuẩn nhỏ nhất gọi là sát-na (剎那;  P: Khaṇa;  S: Kṣaṇa)   

Theo Luận Câu Xá, Phẩm Phân biệt thế gian, thì 120 sát-na tiếp nối thành một hàng sát-na, 16 hàng sát-na thành một lạp phước, 20 lạp phước thành một giờ. Như thế một giờ có 38,400 sát-na thay vì chỉ có 3,600 giây. Việc phân biệt thời gian bằng khái niệm sát-na chứng tỏ năng lực cảm nhận tinh tế của đạo Phật về sự biến đổi vô thường trong thế giới vi mô và vĩ mô, đó là sát-na vô thường.

Theo đó, những gì đang xảy ra nhỏ hơn cả một sát-na thường được gọi là đang diễn biến hay đang là, là hiện tại  để chỉ sự biến đổi của các Duyên hình thành nên mọi sự vật hiện tượng đang vận hành nơi thế giới vũ trụ này.

2) Phân tích về sự diễn biến của tâm hiện tại.

Nếu xét về việc tâm khởi lên trong 3 thời, thì chuỗi tâm của chúng sinh trong 3 thời đều là Vọng tâm, là biểu hiện sự trỗi dậy loạn động của Chấp ngã. Trái lại, chuỗi tâm của bậc giác ngộ trong 3 thời đếu là Chân tâm, là biểu hiện sự thanh tịnh của Vô ngã. Nói chung, tâm trong 3 thời cũng chỉ là những hợp Duyên sinh diệt, đến rồi đi.

1. Đối với chúng sinh:

Nội dung của bài kinh Nhất Dạ Hiền Giả là trình bày sự vận hành của tâm hiện tại, là đặc trưng của tâm vận hành trong 3 thời, được phân tích như sau:

- Tâm hiện tại là Vọng tâm, là Vọng niệm truy tìm quá khứ, biểu hiện qua sự nuối tiếc những gì đã qua, vốn được mình ưa thích mà nay không có được, hay bực tức những gì đã qua bị mình chê ghét mà nay chưa xóa tan. Tâm hiện tại như thế quả là tâm Tham hay tâm Sân.

- Tâm hiện tại là Vọng tâm, là Vọng niệm ước mong tương lai, biểu hiện qua sự lo lắng mong muốn sự việc được thành tựu, và rối rắm khi sự việc bị thất bại. Tâm hiện tại như thế quả cũng là tâm Tham hay tâm Sân.

2. Đối với Bậc giác ngộ thì Tâm trong 3 thời đều là Chân tâm, là Chánh niệm do Bậc giác ngộ đã nhận thực Duyên khởi là sự vận hành của các Duyên cấu thành (Vô ngã) và các Duyên này mãi luôn biến đổi (Vô thường). Điều này chỉ ra rằng bản tính của mọi sự vật hiện tượng là đều không có thực thể (= Không tính, tức Vô ngã tínhVô thường tính). Theo đó, Bậc giác ngộ nhẹ nhàng buông xả, bởi không lý gì để bám víu dính mắc vào chúng, còn chúng sinh bám víu vào ảo tưởng chỉ làm cho tâm khổ não mà thôi.

Bằng sự nhận thực sâu sắc Duyên khởi, Bậc giác ngộ tự hóa giải một cách sáng suốt tâm Tham và tâm Sân.

- Trong kinh Tương Ưng Bộ IV. Trang 404 nêu rõ: “Đoạn tận Tham, đoạn tận Sân, đoạn tận Si, đây gọi là Niết-bàn”.

- Trong kinh Tạp A Hàmcó viết:  “Niết Bàn có nghĩa là dập tắt hoàn toàn ngọn lửa phiền não, là đoạn trừ nghiệp gây ra từ  ba bất thiện là Tham, Sân và Si.”

- Trong kinh Kim Cương, Đoạn 18: Nhất Thể Đồng Quán (Đồng quán một thể) có chép:  Như Lai nói các thứ tâm của chúng sinh đều chẳng phải là tâm, chỉ tạm gọi là tâm. Vì sao? Này Tu-bồ-đề ! Vì tâm quá khứ nào thực có, tâm hiện tại nào thực có, tâm vị lai nào thực có  Như Lai thuyết chư tâm giai vi phi tâm thị danh vi tâm. Sở dĩ giả hà ? Tu-bồ-đề ! Quá khứ tâm bất khả đắc, Hiện tại tâm bất khả đắc. Vị lai tâm bất khả đắc * 何以故。如來說諸心皆為非心是名為心。所者何。須菩提。過去心不可得。現在心不可得。未來心不可得。

- Khi xưa Tổ Huệ Khả tu thiền quên ăn quên ngủ mà tâm vẫn không an. Vì vậy khi đến cầu đạo với Tổ Đạt Ma, Huệ Khả đã xin pháp an tâm:

Huệ Khả:Tâm con không an, xin thầy an tâm cho con
Tổ Đạt Ma:  Ông đem tâm ra đây, ta an cho
Huệ Khả:  Con tìm Tâm mãi mà tìm không thấy
Tổ Đạt Ma:  Vậy là ta đã an tâm cho ông rồi !
Đệ Nhị Tổ Huệ Khả đã thấy ra bản tính Duyên khởi không thực của tâm.

3) Bài kinh Nhất Dạ Hiền Giả và tu tập Thất Giác Chi.

Thất Giác Chi(七覺支;  P: Satta-bojjhaṅgā;  S: Sapta-bodhyangāni;  E: the Seven Factors of Awakening)  còn gọi là Thất Bồ-đề Phần, thuộc hệ thống 37 Phẩm Trợ Đạo.  Đây là pháp tu với 7 tiêu chí, có công năng giúp cho hành giả đi tới giác ngộ, gồm có:

1.Trạch pháp (擇法;  P: Dhamma-vicaya;  S: Dharmapra-vicaya;  E: Investigation of Dhamma): 
- Trạch 擇có nghĩa là chọn lựa.
- Pháp 法có nghĩa làchân lý.
Theo đó, Trạch pháp là biết phân biệt đúng-sai, chánh-tà, thật-giả ..., là thấy ra chân lý chính thực.  Hành giả cần có Văn tuệTư tuệ vững vàng, để thấy đâu là Thực chân lý (chân lý khách quan) đâu là Hư chân lý (chân lý chủ quan).  Trạch pháp còn được nói rõ là Trạch pháp giác chi.

2.Tinh tấn (精進;  P: Viriya;  S: Vīrya;  E: Energy):  Là chăm chỉ.  Hành giả cần có ý chí tốt, nỗ lực thực hành 6 chi phần còn lại.  Tinh tấn còn được nói rõ là Tinh tấn giác chi.

3.Hỷ (喜;  P: Pīti;  S: Prīti;  E: Joy or rapture):  Là tâm hoan hỷ không ưu phiền, do hành giả thực hành quán Duyên khởi (= tuệ giác Duyên khởi) để tâm không dính mắc vào quá khứ.  Hỷ còn được nói rõ là Hỷ giác chi.

4.Khinh an (輕安;  P: Passaddhi;  S: Praśrabdhi;  E: Relaxation, tranquility):  Là tâm nhẹ nhàng, an lành, do hành giả thực hành quán Duyên khởi để tâm không dính mắc vào tương lai.  Khinh an còn được nói rõ là Khinh an giác chi.

5.Niệm(念;  P: Sati;  S: Smṛti;  E: Mindfulness):  Là tâm Chánh niệm Đạo đức Duyên khởi và Chân lý Duyên khởi, để tâm luôn tỉnh giác không dính mắc vào vọng tâm trong hiện tại.  Niệm còn được nói rõ là Niệm giác chi. (*)

6) Định(定;  P;S: Samādhi;  E: Concentration):  Là tâm vững vàng.  Hành giả cần hành thiền để tâm không bị loạn động, tạo nên nghị lực vững vàng.  Định còn được nói rõ là Định giác chi  là Chánh định, là Sát-na định hình thành từ pháp hành thiền tuệ.

7) Xả(捨;  P: Upekkhā;  S: Upekṣā;  E: Equanimity):  Là tâm buông xả, không câu chấp, do hành giả thường xuyên quán Duyên khởi để cảnh giác tâm Tham-Sân-Si vi tế chi phối, vốn do thói quen (Nghiệp) hiện hành.  Xả còn được nói rõ là Xả giác chi.
         
Có thể thấy rằng bài kinh “Nhất Dạ Hiền Giả” đã chỉ ra sự tu tập 3 giác chi quan trọng là Hỷ giác chi, Khinh an giác chi vả Niệm giác chi bằng tâm hiện tại quán niệm Duyên khởi, để tâm không rơi vào trói buộc của Chấp ngã.   

--------------

(*) Chú thích:                                                                                                                                                                                                Trong Tương Ưng Bộkinh tập V (1982, tr. 64) đã giải thích về các Niệm giác chi như sau:  “Cái gì là Chánh niệm đối với nội pháp và ngoại pháp, cái ấy gọi là Niệm giác chi”.  Trong tu tập, cũng nơi Tương Ưng Bộ kinh tập V (1982, tr. 83*84) có nói:  "Như lý tác ý" là thức ăn của Niệm giác chi, làm cho Niệm giác chi chưa sanh được sanh khởi, Niệm giác chi đã sanh thì được viên mãn.

o0o
 
 
Huy Thai gởi