Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải tập 2 (tiếp theo 1)
Tải về xem

H.T Tuyên Hoá giảng giải


KINH

Kinh văn:

又則汝今見物之時。汝既見物物亦見汝。體性紛雜則汝與我。并諸世間不成安立.

Lại như cái thấy là vật, thì khi ông nhìn thấy vật, ông đã thấy vật thì vật cũng thấy được ông. Thế là thể tánh xen tạp, nên ông với Như Lai cùng cả thế gian đều không an lập được.

 

Giảng:

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói: “Vì ông không thể thấy được tánh thấy của tôi, vì tánh thấy không có sắc tướng riêng biệt để thấy được, rốt ráo có cái thấy không? Tánh thấy vẫn có đó, nhưng dù nó có hiện hữu, nó vốn không có hình trạng và không có thể tánh, cũng không có nơi chốn để trả về. Thế nên ông hãy nói cho Như Lai biết, vì sao ông không nhận ra tánh thấy ấy là của ông? Nếu ông vẫn khăng khăng không nhận, nếu ông vẫn còn chấp trước, thì ông nên biết rằng: Lại như cái thấy là vật, thì khi ông nhìn thấy vật, ông đã thấy vật thì vật cũng thấy được ông.

Nếu ông vẫn khăng khăng cho rằng tánh thấy của ông dứt khóat là vật, thì lẽ ra vật cũng thấy được tánh thấy của ông. Rốt ráo, ông nói rằng tánh thấy chỉ là vật, một vật có thể thấy được vật khác. Trong trường hợp đó, vật kia cũng sẽ thấy được, và các vật ấy lẽ ra sẽ thấy được tánh thấy của ông.

 Thế là thể tánh xen tạp – ông nhìn thấy vật và vật nhìn thấy ông; rốt cuộc ai nhìn thấy ai? Nói nhanh! Cái nào thấy cái nào? Có lẽ A-nan sẽ trả lời: “Cũng như hai người thấy nhau. Con thấy người ấy, và người ấy thấy con.” Nhưng khi người nầy nhìn thấy người kia, là có sự nhận biết lẫn nhau; như khi tôi nhìn thấy quý vị, quý vị biết được điều ấy; và khi quý vị nhìn tôi, tôi cũng biết được điều ấy. Nhưng khi vật thể nhìn quý vị, liệu vật thể có biết chăng? Khi tánh thấy của quý vị mà quý vị đã cho nó là vật, khi nhìn thấy vật tượng, thì liệu vật tượng có nhận biết về cái nhìn ấy chăng? Đây đúng là thể tánh lẫn lộn. Đều ở trong tình trạng xen tạp. Vật thấy được quý vị và quý vị thấy vật, và vật thấy được các thứ khác. Điều nầy gây nên nhiều sự nhầm lẫn. Đem gộp mọi thứ vào cùng một loại. Thế nên ông cùng Như Lai và cả thế gian đều không an lập được.

“Thế gian” có nghĩa là thế giới hữu tình và thế giới vô tình (khí thế gian)– đó là, người và các vật tượng như núi sông, đất đai, nhà cửa. Mọi loài chúng sinh bao gồm cả loài người, được gọi là chính báo. Núi sông, đất đai, nhà cửa... được gọi là y báo. Gọi là chính báo vì sinh mệnh mà chúng sinh có được bây giờ chính là quả báo do họ đã tạo ra trong vô số đời trước. Tóm lại, nếu tánh thấy của quý vị là vật, thì chẳng có gì để nói nữa cả, và mọi việc sẽ ở trong tình trạng hỗn loạn. Sẽ không có thế gian; mọi hiện tượng trong thế gian sẽ không tạo thành một thế giới. Ý nghĩa đoạn kinh văn nầy là như vậy.

 Kinh văn:

阿難,若汝見時,是汝非我。見性周遍,非汝而誰。

A-nan, như khi ông thấy, thì chính ông chứ chẳng phải Như Lai, tánh thấy trùm khắp đó chẳng phải ông thì ai?

Giảng:

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni một lần nữa lại gọi đệ tử: “A-nan, bây giờ ông đã hiểu chưa? Như Lai đã giải thích cho ông rất nhiều giáo lý mà nay ông vẫn còn mê muội. Ông chưa được thông đạt. Như khi ông thấy, thì chính ông chứ chẳng phải Như Lai cái thấy mà ông có thể thấy được là tánh thấy của ông, chứ chẳng phải của Như Lai – tánh thấy trùm khắp đó chẳng phải ông thì ai? Ông có tánh thấy, Như Lai có tánh thấy, và mọi người đều có tánh thấy. Tánh thấy bao trùm khắp tất cả, và thực chất tánh thấy nơi chúng sinh và tánh thấy của chư Phật là giống nhau.” Nên nói: “Nơi thánh không tăng, nơi phàm không giảm”. Đến địa vị bậc thánh, tánh thấy ấy không tăng thêm một mảy may. Ở địa vị phàm phu, tánh thấy ấy chẳng giảm bớt một chút ít nào. “Ông có tánh thấy của ông, Như Lai có tánh thấy của Như Lai, mọi người đều có tánh thấy của họ, và thực chất tánh thấy ấy là đồng như nhau; đó chính là điều quan trọng mà mọi người đang vận dụng, nó không bao giờ thiếu sót. Điều kỳ diệu là nằm ở điểm nầy. Vì mọi người đều có tánh thấy của mình– vì tánh thấy bao trùm khắp tất cả – thế thì ông định cho ai tánh thấy nầy nếu ông không muốn nhận nó? Nếu ông không dám nhận tánh thấy của mình, thế thì tánh thấy ấy là của ai? Nếu tánh thấy ấy không phải là của ông, hãy nói cho Như Lai biết ngay nó là của ai?”

 Đến đây A-nan lại lúng túng không trả lời được. A-nan bị líu lưỡi một lần nữa.

 

 

Kinh văn:

云何自疑汝之真性。性汝不真,取我求實.

Sao ông tự nghi chân tánh của mình là chẳng chân mà bám vào Như Lai cầu cái chân thật?

Giảng:

“Sao ông tự nghi chân tánh của mình là chẳng chân mà bám vào Như Lai cầu cái chân thật? Tại sao ông nghi ngờ những gì của mình? Ông nghi ngờ tánh thấy của ông, nhưng tánh thấy của ông là chân thực, không một chút hư vọng nào cả. Nhưng ông cứ nghĩ rằng tánh thấy ấy không chân thực, nên ông quay sang cầu mong Như Lai chứng minh cho tánh thấy ấy là của ông. Với suy nghĩ như vậy, ông càng chạy càng xa mục tiêu. Ông đang quay lưng với đạo, lạc mất lối về. Ông thật đáng thương xót.”

Đến lúc nầy Đức Phật chẳng còn cách nào để giúp A-nan được nữa. Cũng giống như khi đệ tử không vâng lời tôi nữa; tôi cũng chẳng có cách nào giúp họ. Đức Phật đã giải thích rất nhiều đạo lý, nhưng A-nan không chịu nghe. Đức Phật càng giảng giải cho ông, ông càng không hiểu. Không còn cách nào giúp A-nan nữa, Đức Phật trông chờ vào lời đáp của A-nan.

Kinh văn:

阿難白佛言,世尊。若此見性必我非餘。我與如來觀四天王勝藏寶殿,居日月宮。此見周圓遍娑婆國。退歸精舍,只[1]見伽藍。清心戶堂但瞻簷廡。

A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn, nếu tánh thấy nầy nhất định là con chứ chẳng phải là gì khác, thế khi con và Như Lai xem lầu các bảo điện thù thắng của Tứ thiên vương trong cung nhật nguyệt, cái thấy nầy bao trùm cả cõi Ta-bà. Quay về tinh xá chỉ thấy vườn chùa, nơi giảng đường thanh tịnh thì chỉ thấy hành lang.”

Giảng:

A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn, nếu tánh thấy nầy nhất định là con chứ chẳng phải là gì khác– Như Lai chắc chắn bảo rằng tánh thấy có thể thấy được vật nầy hiển nhiên là của con và của mọi người; mà chẳng phải là cái gì khác. Thế khi con và Như Lai xem kho tàng bảo điện thù thắng của Tứ thiên vương – Như Lai đã dùng thần thông đề giúp cho con thấy được cung điện của Tứ thiên vương. “Thù thắng” có nghĩa là rất tốt đẹp và vi diệu, “lầu các” có nghĩa là những châu ngọc đặc biệt quý báu được dùng để làm cung điện. “Trong cung nhật nguyệt, chúng ta cũng đang cùng đi tới cung nhật nguyệt. Cái thấy nầy bao trùm cả cõi Ta-bà.” Bây giờ tánh thấy nầy có thể nhìn thấy được rất xa và rộng; có thể thấy được mọi thứ ở khắp nơi. Điều nầy chứng tỏ rằng tánh thấy hòan toàn bao trùm khắp.

Đến đây có người sẽ bảo rằng cụm từ “cõi ta-bà” và “cõi Diêm-phù-đề” như vừa nói ở trước nên được thay đổi, nhưng thực ra nó có cùng ý nghĩa như nhau, không cần phải thay đổi. Điều ấy không quan trọng. Vấn đề chính là quý vị phải hiểu được lý trong đoạn kinh văn nầy. Có người cho rằng “cõi ta-bà” là chỉ cho thế giới chúng ta đang sống, còn “cõi Diêm-phù-đề” là bao gồm rất nhiều thế giới. Nhưng có thể xem “cõi ta-bà” với ý nghĩa là có nhiều thế giới cũng được. Theo ý nghĩa tôi đang giảng kinh nầy, thì 2 thuật ngữ trên là không có gì thay đổi.

“Quay về tinh xá chỉ thấy vườn chùa, nơi thiền đường thanh tịnh thì chỉ thấy hành lang.”

Chữ già-lam trong Kinh văn là chỉ cho Tinh xá Trúc Lâm. Già-lam [2] dịch sang tiếng Hán có nghĩa là chúng viên - vườn chùa, là nơi có các vị Hộ pháp như Kuan Ti Kung (Quan Công) với bộ râu dài và gương mặt đỏ. A-nan nói rằng : “Con thấy có rất nhiều vị Bồ-tát Hộ pháp Già-lam đang ở quanh đây.”

Trong cụm từ thiền đường thanh tịnh - thanh tâm hộ đường, chữ tâm () không có nghĩa là con tim mà có nghĩa là trung tâm của khu già-lam. A-nan nói: “Khi con vào bên trong, con chỉ thấy hành lang, hiên nhà trước mặt con chứ không có gì nữa cả. Còn khi nhìn lên trời, con thấy rất nhiều, bây giờ trong phòng nầy, con thấy ít hơn!” Rốt cục, cái thấy của con co rút vào đâu? Tại sao không thấy được bên ngoài?” A-nan vẫn còn lý lẽ để thắc mắc. A-nan vẫn còn muốn tranh luận với Đức Phật và muốn Đức Phật phải quan tâm đến lý lẽ của mình. Những lý lẽ A-nan sẽ trình bày tiếp sau đây rất là kỳ đặc.

Kinh văn:

 

世尊,此見如是。其體本來周遍一界。今在室中,唯滿一室.為復此見縮大為小。為當牆宇夾令斷絕。我今不知斯義所在。願垂弘慈為我敷演.

Bạch Thế tôn, cái thấy nầy như vậy, bản thể của nó trùm khắp cả pháp giới. Nay tại trong phòng thì chỉ khắp một phòng. Vậy cái thấy nầy rút lớn thành nhỏ, hay bị tường vách xen vào giữa làm cho đứt đoạn? Nay con chẳng biết nghĩa ấy như thế nào? Kính mong Như Lai từ bi dạy rõ.

Giảng:

Dạy một đệ tử như A-nan thì thật là mệt nhọc, thật quá nhức đầu. Anh ta hỏi xa rồi hỏi gần, hỏi lớn rồi nhỏ, hỏi vuông rồi lại hỏi tròn. A-nan hỏi tánh thấy tại sao có thể thấy được nhiều thứ mà lại nhỏ như vậy? Phải chăng tường vách ép lại hay cắt đứt đoạn tánh thấy ấy đi? “Bạch Thế tôn, cái thấy nầy như vậy. Khi con ở cõi trời Tứ thiên vương, con thấy được rất nhiều và nay con ở trong phòng, con lại thấy rất ít. Bản thể của nó trùm khắp cả pháp giới. Thể tính của tánh thấy nầy vốn trùm khắp cả hư không pháp giới. Nay tại trong phòng thì (tánh thấy) chỉ khắp một phòng. Bây giờ cái thấy chỉ còn lại trong pham vi căn phòng nầy. Vậy cái thấy nầy rút lớn thành nhỏ chăng? Phải chăng cái thấy đã lớn nay bị co rút lại nên hóa thành nhỏ? Từ bao la như pháp giới nay rút nhỏ lại bằng kích thước trong một căn phòng. Rốt ráo, tánh thấy ấy đã bị rút nhỏ lại như thế nào? Con không hiểu được đạo lý nầy.

Trái banh thì lớn khi nó chứa đầy không khí, nhưng khi xả không khí ra thì nó trở thành nhỏ. Không khí biến mất, hành dáng trái banh cũng không còn. Phải chăng tánh thấy cũng như trái banh? A-nan vẫn lẫn lộn tánh thấy với vật thể. A-nan vẫn nghĩ rằng: “À! Tánh thấy là một vật. Con vừa nghĩ ra một cách dùng thí dụ để tranh luận với Thế tôn và đã thắng. Con sẽ nghĩ ra cách để vô hiệu hóa lý lẽ của Thế tôn. Con sẽ tìm ra cách chứng minh cho lập luận của con đưa ra là đúng, và Thế tôn sẽ chứng minh cho con.” Đó là những gì đang diễn biến trong đầu A-nan. “Thế tôn bảo rằng mọi điều con nói đều sai. Con dứt khóat sẽ tìm ra cách chứng tỏ đó là đúng và Thế tôn phải công nhận.” Người ta cho rằng ngã chấp của A-nan bấy giờ quá kiên cố. “Sao Thế tôn bảo rằng mọi điều con nói đều sai?” Thế nên A-nan bảo rằng tánh thấy bị co rút nhỏ lại, “hay bị tường vách xen vào giữa làm cho đứt đoạn? Khi con từ ngoài đi vào trong nhà, thì tường vách ép lại và cắt đứt đoạn tánh thấy của con. Nếu không thì tại sao tánh thấy bị nhỏ lại khi nó vốn rộng lớn trùm khắp bao la như thế?”

Nhân đây tôi xin kể một câu chuyện. Thuở xưa, ở Trung Hoa có một gia đình rất giàu có, thấy cậu con trai lớn của mình rất tối dạ, nên mời một vị thầy rất giỏi đến nhà dạy cho con mình học. Phú ông thấy con mình quá chậm lụt sẽ sợ khổ nhọc khi học chữ, nên ông nói với thầy giáo: “Đừng nghiêm khắc quá, nếu thầy dạy được cho nó dù chỉ một ngày một chữ thôi, tôi xin tạ ơn thầy rất hậu hỹ. Thực vậy, thầy chỉ cần dạy cho nó biết được một chữ cũng là đủ lắm rồi.”

“Việc ấy quả dễ!” Vị thầy trả lời. Rồi ông ta bắt đầu dạy. Cậu học trò thật là quá ngu. Thầy dạy cho cậu ta chữ nhất ( ), trong tiếng Hán đó là một nét ngang. Thầy viết ra giấy nhiều lần và bảo: “Này, nhìn đây! Đây là chữ nhất. Đọc là yi. Hãy nhớ nằm lòng.” Ông thầy dạy như thế suốt mấy ngày và cuối cùng cậu học trò không quên. Cậu nhớ được chữ nhất. Một hôm phú ông mời vị thầy đến nhà mình dùng cơm. Sau khi ăn xong, họ cùng đi dạo ngắm hoa trong vườn. Vị thầy rất tự hào nói với phú ông: “Ông bảo con trai ông rất ngu đần nhưng tôi thấy nó rất thông minh, tôi đã dạy cho nó biết được chữ.”

Phú ông vui mừng hỏi: “Nó biết được chữ rồi sao? Hãy hỏi thử nó xem sao?”

Vị thầy bèn dùng chân mình viết một chữ nhất thật lớn trên mặt đất. Rồi hỏi cậu học trò mình: “Đó là chữ gì?”

Cậu học trò ngẩng đầu lên nhìn săm soi hết bên nầy đến bên kia rồi nói: “Con chẳng biết.”

 Vị thầy bảo: “Tôi đã dạy cậu chữ nầy mấy ngày nay rồi không nhớ sao! Đó là chữ nhất, có nhớ không?”

Quý vị có đoán được cậu học trò trả lời như thế nào không?: “Chữ nhất mà thầy dạy cho con đâu có lớn như thế!”

A-nan cũng như cậu học trò ấy. A-nan nói: “Khi con ở bên ngoài, con thấy được rất nhiều; tại sao khi ở trong phòng lại thấy được ít như vậy? Lạ thật! Có phải tường vách đã ép lại và cắt đoạn tánh thấy đi chăng?” Nay con chẳng biết nghĩa ấy như thế nào? Nay con không hiểu được. Càng nghe giải thích con càng thấy mờ mịt. Chuyện ấy như thế nào? Rốt ráo, làm sao mà tánh thấy lớn rồi nhỏ? Con không hề rút nó lại; sao nó trở thành nhỏ. Nếu có thể rút nhỏ nó lại được, thì ít nhất cũng có người đã rút nó rồi. Hay có lẽ là do tường vách chắn đứt đoạn tánh thấy ấy đi! Con không hiểu được điều nầy. Đơn giản đó là gì? Kính mong Như Lai từ bi dạy rõ.

Bạch Thế tôn! Cúi mong Ngài rủ lòng đại từ bi thương xót giải từ mối nghi nầy cho chúng con và từng lúc giảng bày rõ ràng giáo lý thâm diệu.”

A-nan mê muội hơn tôi nhiều. Bây giờ tôi đã thông hiểu được giáo lý nầy, nhưng lúc ấy, A-nan chưa rõ được điều ấy.

Kinh văn:

佛告阿難一切世間大小內外。諸所事業各屬前塵。不應說言見有舒縮.

 Đức Phật bảo A-nan: “Tất cả các thứ trong ngoài, lớn nhỏ trên thế gian đều thuộc về tiền trần. Chẳng nên cho rằng cái thấy có co giãn.”

Giảng:

A-nan chỉ nói rằng tánh thấy của A-nan bỗng dưng lớn ra rồi bỗng dưng nhỏ lại. Tánh thấy ấy co rút lại rồi giãn lớn ra chăng? Có thể như vậy không? Đức Phật bảo A-nan: “Tất cả các thứ trong ngoài, lớn nhỏ trên thế gian. Bao gồm chúng hữu tình và khí thế gian, đều thuộc về tiền trần.

Chúng có thể lớn, có thể nhỏ, có thể ở trong, có thể ở ngoài: “Tất cả các thứ ” có nghĩa là những đặc tính nầy và các hiện tượng khác, tất cả đều là tướng trạng của tiền trần.

Chẳng nên cho rằng tánh thấy có co giãn.”

Kinh văn:

譬如方器中見方空。吾復問汝此方器中所見方空。為復定方為不定方.

Thí như trong vật hình vuông, ta thấy hư không trong ấy có hình vuông. Nay Như Lai lại hỏi ông, hư không hình vuông được nhìn thấy trong vật vuông ấy là vuông cố định hay vuông không cố định?

Giảng:

“ Tại sao Như Lai bảo ông không nên cho rằng tánh thấy có co giãn? Thí như trong vật hình vuông. Như Lai sẽ đưa ra ví dụ. Có một đồ vật hình vuông, một cái hộp chẳng hạn, ta thấy hư không trong ấy có hình vuông. cái hộp có hình vuông, nên hư không trong ấy có hình vuông. Nay Như Lai lại hỏi ông: Nay Như Lai lại hỏi ông câu khác: hư không hình vuông được nhìn thấy trong vật vuông ấy, khối vuông hư không bên trong cái hộp, là hình vuông cố định hay hình vuông không cố định? Có phải hình dáng của hư không trở nên bị vuông trong cái hộp chứa nó hay chăng? Nếu đúng như thế, thì khi vật chứa bị thay đổi, thì hình dáng khối vuông hư không sẽ không còn ăn khớp với khoảng không hiện thời của vật thể khác.” Thế nên Đức Phật hỏi: “Hư không có hình dáng vuông là cố định hay không cố định? Nếu nó không vuông, thì nó rộng lớn trùm khắp, hòan toàn giống như tánh thấy của ông. Sao ông còn nghi ngờ nó trở nên lớn hoặc nhỏ, co hoặc giãn?”

Kinh văn:

若定方者,別安圓器,空應不圓。若不定者,在方器中,應無方空.

Nếu cố định vuông, thì khi ở trong vật tròn, hư không lẽ ra chẳng tròn. Nếu không cố định vuông, thì khi ở trong vật vuông, lẽ ra hư không chẳng phải vuông.

Giảng:

“Nếu cố định vuông, thì khi ở trong vật tròn, hư không lẽ ra chẳng tròn. Nếu ông cho rằng hư không có hình dáng nhất định vuông, thế khi nó được chứa trong vật hình tròn, thì hư không lẽ ra chẳng trở nên có hình dáng tròn, mà nó vẫn giữ hình dáng vuông. Nếu không cố định vuông, nếu ông bảo rằng khoảng trống mà hư không chóan chỗ ấy không cố định, thì khi ở trong vật vuông, lẽ ra hư không chẳng phải vuông. Nếu ông bảo rằng không có hình dạng vuông cố định, thì tại sao hư không lại có hình dạng vuông khi nằm trong vật vuông? Đạo lý ở điểm nầy là sao?”- Đức Phật hỏi A-nan- “Rốt ráo, ông nói hư không vuông hay tròn? Hư không dụ cho tánh thấy. Ông nói tánh thấy có co giãn, có nghĩa là trở thành lớn hoặc nhỏ. Như thế, ông có cho rằng hư không trở nên vuông hay tròn được chăng?”

Quý vị có nhận ra rằng tại sao câu hỏi Đức Phật đưa ra càng lúc càng khó giải đáp không? A-nan càng hỏi, càng trở nên mờ mịt.

Kinh văn:

汝言不知斯義所在。義性如是,云何為在。

Ông nói chẳng biết nghĩa nầy thế nào. Nghĩa tánh là như vậy. Sao còn hỏi như thế nào nữa?

Giảng:

 

Ông nói chẳng biết nghĩa nầy thế nào.

A-nan, ông nói ông không hiểu được nghĩa lý nầy và không biết nghĩa lý ấy nằm ở đâu. Rốt ráo, tánh thấy, nghĩa tánh là như vậy. Nếu ông cho rằng tánh thấy và hư không là đồng như nhau, thế thì ông hãy nói là hư không tròn hay vuông? Trên đã giải thích rằng nếu ông cho hư không vuông, thì khi nó ở trong vật tròn thì lẽ ra nó phải trở nên tròn; nếu ông cho hư không tròn, thì khi nó ở trong vật vuông thì lẽ ra nó phải trở nên vuông. Trong lần phân tích sau cùng, ông có nói được hư không tròn hay vuông chăng? Thể tính nghĩa lý của hư không cũng giống như vậy. Thể tính của tính thấy mà ông đề cập đến cũng giống như nghĩa lý về thể tính của hư không. Vậy nên ông cho rằng tánh thấy co rút lại từ lớn thành nhỏ hoặc là bi tường vách ép lại và bị cắt rời từng đoạn? Nghĩa lý nầy đã được giải thích rất rõ ràng. Sao còn hỏi như thế nào nữa? Nay ông đã nhận rõ đạo lý về hư không; vậy sao ông còn hỏi tánh thấy chỗ nào làm gì nữa? Tánh thấy bao trùm khắp mọi nơi. Sao ông còn giả định cho tánh thấy một nơi chỗ rồi hỏi Như Lai tánh thấy ở chỗ nào nữa?”

Kinh văn:

阿難,若復欲令入無方圓。但除器方,空體無方。不應說言更除虛空方相所在.

A-nan, nếu muốn nhận ra tính chẳng vuông tròn, thì chỉ cần trừ bỏ cái vuông của đồ vật, thể hư không vốn chẳng vuông; không nên nói phải bỏ đi tướng vuông của hư không.

Giảng:

“Tại sao? A-nan, nếu muốn nhận ra tính chẳng vuông tròn– ông muốn hư không trong đồ vật chẳng có hình dạng vuông hay tròn và không cần phải thích ứng với khối vuông hay tròn của đồ vật. Thì chỉ cần trừ bỏ cái vuông của đồ vật, thể hư không vốn chẳng vuông. Thể tánh của hư không vốn chẳng vuông hay tròn. Nó có thể là vuông hay tròn. Vậy ông không nên nói phải bỏ đi tướng vuông của hư không. Đem hư không từ tướng vuông tạm thời mà nó có được khi thích ứng với hình dáng đồ vật chứa nó. Đơn giản là chỉ cần thay đổi vật chứa. Ông chẳng cần phải làm điều gì hết đối với chính hư không; ông chẳng cần phải cố gắng làm thay đổi hình dáng hư không, vì hư không vốn không có hình dáng. Nó thích ứng với đồ vật chứa nó, hư không bên trong chẳng bị cắt rời với hư không bên ngoài. Nó vẫn dung thông với nhau. A-nan, ông nghĩ rằng vật chứa là chướng ngại như cách ông nghĩ về tường vách đã ngăn che và cắt đứt tánh thấy của ông. Nhưng thực ra hư không chẳng trở thành vuông hay tròn do vật chứa, và tánh thấy của ông cũng chẳng trở nên lớn hay nhỏ do tường vách. Chẳng còn đạo lý nào khác hơn như vậy nữa. Sao ông còn muốn nêu ra nữa? Ông không nên nói như vây!” Đây là lời Đức Phật quở trách A-nan.

Kinh văn:

若如汝問,入室之時。縮見令小,仰觀日時。汝豈挽見齊於日面。若築牆宇能夾見斷。穿為小竇寧無竇跡。是義不然。

Nếu như ông hỏi, khi vào trong nhà, tánh thấy đã rút nhỏ lại, vậy khi ông ngước xem mặt trời, phải chăng tánh thấy đã giãn ra để tiếp xúc với mặt trời? Nếu bị tường vách ngăn ép khiến cho tánh thấy phải đứt đoạn, thì khi xoi một lỗ nhỏ sao không thấy dấu nối? Nghĩa ông nói chẳng đúng.”

Giảng:

Nếu như ông hỏi, khi vào trong nhà, tánh thấy đã rút nhỏ lại – ý của ông cho rằng tánh thấy của ông là cái gì đó có thể trải ra, có thể gấp lại và cũng có thể vứt bỏ đi–vậy khi ông ngước xem mặt trời, phải chăng tánh thấy đã giãn ra để tiếp xúc với mặt trời? Thực vậy, tất cả những gì ông cần nhìn thấy mặt trời là ngẩng mặt lên và nhìn. Nhưng, nếu như ông vừa nói, tánh thấy của ông co rút lại khi ông vào trong nhà, vì lẽ ấy, liệu ông có thể cầm tánh thấy trong tay rồi kéo giãn nó ra như cách khi ông nhìn mặt trời được chăng?

Nếu bị tường vách ngăn ép khiến cho tánh thấy phải đứt đoạn, thì theo ý ông, khi ông làm nhà, tường vách có thể ép lại và cắt đứt đoạn tánh thấy của ông. Nếu tánh thấy của ông có thể được cắt rời ra, thì lẽ ra nó cũng sẽ được nối liền lại khi ông khoét một lỗ nhỏ trên tường để nhìn xuyên qua, thì khi xoi một lỗ nhỏ sao không thấy dấu nối?

Chẳng hạn, nếu áo bị rách, sau khi vá xong sẽ còn thấy vết

mạng trên đó. Cũng vậy, nếu tánh thấy của ông tự nó bị cắt đứt bởi tường nhà rồi lại được nối liền lại, sao chẳng thấy chút dấu vết nào? Lẽ ra chắc chắn phải có vết tích còn lại. Do vậy, nghĩa ông nói chẳng đúng. Lý lẽ mà ông giả định là hòan toàn sai lầm.”

Kinh văn:

一切眾生從無始來,迷己為物。失於本心,為物所轉。故於是中觀大觀小.

Tất cả chúng sinh từ vô thuỷ đến nay, mê mình là vật, lạc mất bản tâm, bị vật xoay chuyển, nên trong ấy xem có lớn nhỏ.

Giảng:

 

“Tất cả chúng sinh từ vô thuỷ đến nay, mê mình là vật.”

Tất cả chúng sinh” là bao gồm các loài sinh từ bào thai, sinh từ trứng, sinh từ nơi ẩn thấp, và do hóa sinh,[3] các loài có sắc tướng, không có sắc tướng, các loài có tưởng, các loài không có tưởng, loài chẳng phải hữu sắc, loài chẳng phải vô sắc, loài chẳng phải hữu sắc, loài chẳng phải vô sắc, loài chẳng phải hữu tưởng, loài chẳng phải vô tưởng.[4] Tất cả các loài chúng sinh ấy đều quên mất chính mình và xem mình là vật. Họ không biết rằng các vật ấy đều vốn là vật lưu xuất từ chân tâm. “Lạc mất bản tâm, bị vật xoay chuyển. Chân tâm vốn chưa từng bị lạc mất, nhưng dường như họ bỏ quên mất chân tâm. Họ không biết rằng họ vẫn còn có bản tâm. Thế nên chân tâm thường trú đã bị vật xoay chuyển, thay vì vật bị xoay chuyển bởi chân tâm. Nên trong ấy xem có lớn nhỏ. Ông xem xét rồi cho rằng tánh thấy là lớn rồi biến thành nhỏ. Điều ấy chứng tỏ rằng ông hòan toàn điên đảo. A-nan, ông thật đáng thương xót.”

Kinh văn:

若能轉物,則同如來。身心圓明,不動道場.

 Nếu chuyển được vật, tức đồng Như Lai. Thân tâm tròn đầy sáng suốt, là đạo tràng bất động.

Giảng:

“Nếu chuyển được vật, tức đồng Như Lai. Nghĩa lý câu nầy như thế nào? Bị vật xoay chuyển có nghĩa là dính mắc với bất kỳ cảnh vật bên ngoài nào mà ông gặp phải, bất kỳ hòan cảnh nào mà ông đang ở trong đó, và bị kẹt dính trong đó. Ngay khi ông bị dính mắc, là ông bị chạy theo vật. Tâm tánh của ông bị mất tự chủ và chạy đuổi theo cảnh vật bên ngoài. Một khi đã chạy đuổi theo cảnh vật bên ngoài rồi thì càng chạy đuổi theo, càng xa mục đích. Và càng xa mục đích, càng chạy đuổi theo. Cũng như khi quý vị bị lạc đường, càng khó tìm ra lối về càng trở nên bực dọc, càng trở nên bực dọc, càng đi xa lối về. Càng đi xa lối về, càng rơi vào con đường lầm lạc. Chạy theo vật và bị vật xoay chuyển cũng có cùng ý nghĩa như vậy.”

Thế nào là ý nghĩa của “chuyển được vật?” Có nghĩa là không chạy theo cảnh vật; mà thay vì vậy, khiến vật phải xoay chuyển theo mình và chạy theo mình.

“Vật thì vô tri,” - quý vị nói - “Làm sao nó chạy theo con được?” Nhưng vật hữu tình có thể chạy theo con người, và con người chúng ta có thể chạy theo vật, vì chúng ta đều là sinh vật. Nhưng làm sao mà vật có thể chạy được?

Đừng nên quá cứng ngắt trong kiến giải của mình. Vật xoay chuyển quý vị, hoặc quý vị xoay chuyển vật; nếu quý vị không chạy theo vật, thì vật sẽ bị xoay chuyển bởi quý vị: ý nghĩa ở chỗ nếu quý vị nhận ra chân tâm, thì tất cả mọi cảnh giới bên ngoài chỉ là biểu hiện từ tâm. Nó chỉ là vật hiện ra từ trong chân tâm quý vị. Vì nó là vật trong tâm quý vị, tại sao quý vị còn muốn chạy theo nó nữa? Đừng chạy theo chúng nó nữa.

Cơ bản là vốn chẳng có sự phân cách giữa quý vị và vật. Chuyển được vật có nghĩa là nhận ra mọi vật chỉ là lưu xuất từ tâm. Bị xoay chuyển bởi hòan cảnh có nghĩa là “quay lưng lại với giác ngộ và hòa nhập vào trần cảnh.[5]” Đi ngược lại với giáo lý giác ngộ và tạo mối quan hệ với cảnh trần, với thế gian, đó là bị vật xoay chuyển. Quay lưng lại với giác ngộ và hòa nhập vào trần cảnh là tạo mối quan hệ với vật. Cũng như khi có người muốn mở một dịch vụ thương mãi mà không có đủ vốn, và có người khác giúp đỡ bằng cách đề nghị mua chứng khóan. Khi quý vị quay lưng lại với giác ngộ và hòa nhập vào trần cảnh, đó là cũng như thể quý vị hùn chung phần với cảnh trần. Quý vị đã tham gia cùng với nó. Có nghĩa là quý vị đã bị vật xoay chuyển. Nếu quý vị xoay chuyển được vật thì quý vị sẽ là “quay lưng lại với trần cảnh và hòa nhập cùng giác ngộ.[6]” Quý vị khác hẳn với những vật mà quý vị hiện đang nhìn thấy, quý vị tự tách biệt hẳn chúng và hòa nhập cùng tánh giác. Cũng giống như khi quý vị xoay bàn tay mình. Lưng bàn tay biểu tượng cho sự quay lưng lại với giác ngộ và hòa nhập vào trần cảnh. Lật ngửa bàn tay biểu tượng cho sự quay lưng lại với trần cảnh và hòa nhập cùng tánh giác. Chỉ là trở bàn tay. Đó là ý nghĩa chuyển được vật. Nếu quý vị có thể chuyển được vật thì quý vị đồng với Như Lai. Tại sao Như Lai được gọi là Như Lai? Vì Ngài đã hồi đầu thị ngạn. Ngài là Đấng hiểu biết chân chánh, thế nên được gọi là Như Lai. Nếu quý vị đã nhận ra được chân tâm mình, thì quý vị tức đồng Như Lai.

“ Làm sao mà thân tâm được tròn đầy sáng suốt? Ông đã đạt được sự giác ngộ và có đồng thể tánh với Như Lai, thế nên ông có được sự sáng suốt và hòan toàn viên mãn, là đạo tràng bất động.” Thế nên bất kỳ quý vị ở đâu thì đó cũng là đạo tràng. Mọi nơi đều là Pháp thân. “Đạo tràng” là nơi để công phu tu tập. Chẳng hạn như nơi Đức Phật ngồi dưới cây bồ-đề, tu tập thiền định, được khai ngộ, nên gọi nơi đó là Bồ-đề đạo tràng. Nay chúng ta đang ở trong Phật giáo Giảng đường, nên đây được gọi là Đạo tràng Phật giáo Giảng đường. Nếu quý vị có thể chuyển được vật, thì bất kỳ ở đâu cũng là Pháp thân. Bất luận quý vị ở đâu đều là như như bất động. Bất luận đi đâu cũng là vô ngại. Bất luận đi đâu cũng là bất động đạo tràng. “Bất động” là biểu thị cho một lọai định lực. Quý vị chuyển được vật vì quý vị có định lực, là năng lực của Thủ Lăng Nghiêm đại định.

Kinh văn:

於一毛端,遍能含受十方國土.

Trên đầu mảy lông có thể chứa trọn cả cõi nước trong mười phương .

Giảng:

“Trên đầu mảy lông” , không chỉ đề cập đến tóc trên đầu mà còn cả lông trên thân. Nó có thể chứa trọn cả cõi nước trong mười phương.” Các cõi nước khắp mười phương đều có thể chứa trọn trên đầu một mảy lông. Một điểm nhỏ như thể lại chứa được cả mười phương cõi nước. Quý vị có thể nói được những cõi nước nầy rộng lớn như thế nào không?

“Tôi không tin nghĩa lý nầy được.”- Quý vị nói - “Sợi lông nhỏ của tôi còn không thể chứa nổi một người, huống gì cả mười phương cõi nước. Nói gì đến một người, nó còn không thể chứa nổi một phần tử nhỏ bé của vật nào đó. Làm sao nó có thể chứa được cả mười phương cõi nước?”

 Đơn giản đó là sự vi diệu của Phật pháp. Sự không liễu đạt Phật pháp của quý vị nằm ở đây. Dù trên đầu mảy lông là nhỏ, nhưng cái nhỏ lại chứa đựng được cái lớn. Trong cái nhỏ ấy có thể hiện ra cảnh giới các cõi nước khắp mười phương. Nếu quý vị khai được Phật nhãn, quý vị thấy được cảnh giới nầy rất rõ ràng. Quý vị đã có được thần thông, lực dụng bất khả tư nghì. “Trong cái nhỏ hiển bày cái lớn.[7]” Chỗ tuy nhỏ, nhưng có thể hiển bày cảnh giới rộng lớn vô cùng. Sao vậy? Vì quý vị có đồng thể tánh với Như Lai. Như Lai có thể:

Ư nhất mao đoan hiện bảo vương sát

於 一 毛 端 現寶 王 刹

Toạ vi trần lý chuyển đại pháp luân.

坐 微 塵 裡 轉大 法 輪

 Trên đầu mảy lông hiện ra vô số bảo vương quốc độ.

 Ở trong hạt bụi mà chuyển đại pháp luân.

Vi diệu của Phật pháp là như vậy.

Kinh văn:

阿難白佛言世尊。若此見精必我妙性。令此妙性現在我前。見必我真。我今身心復是何物。而今身心分別有實。彼見無別分辨我身.

A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn! Nếu tánh thấy nầy nhất định là chân tánh nhiệm mầu của con, thì diệu tánh đó phải ở ngay trước mắt. Tánh thấy đó chắc thật là con, vậy thân tâm con hiện nay là vật gì? Nhưng nay thân tâm con thật có sự phân biệt, còn tánh thấy kia không phân biệt được thân con.”

Giảng:

Đức Phật giảng bày giáo lý thậm thâm, pháp vi diệu, định lực nhiệm mầu, nhưng A-nan vẫn chưa thể nhập được, ông vẫn còn thích hỏi. A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn! Nếu tánh thấy nầy nhất định là chân tánh nhiệm mầu của con, thì diệu tánh đó phải ở ngay trước mắt.

Tánh thấy có thể thấy được chắc chắn là chân tánh nhiệm mầu của con, thì nó phải ở trước mắt con.” Bấy giờ A-nan cho rằng tánh thấy ở trước mặt mình: “Nếu tánh thấy đó chắc thật là con, vậy thân tâm con hiện nay là vật gì? Nếu tánh thấy của con thấy được con, thế thì thân tâm con hiện nay được gọi là gì? Nó là vật gì? Nhưng nay thân tâm con thật có sự phân biệt, còn tánh thấy kia không phân biệt được thân con. Thân tâm con có sự phân biệt, trong khi tánh thấy của con không có sự phân biệt nên không thể biết được thân con.”

Kinh văn:

若實我心,令我今見,見性實我,而身非我。

Nếu thật là tâm con, khiến cho con nay thấy được, thì tánh thấy ấy thật là con, còn thân chẳng phải là con.

Giảng:

 “Nếu thật là tâm con, khiến cho con nay thấy được, thì tánh thấy ấy thật là con, còn thân chẳng phải là con. Nếu Như Lai bảo rằng tánh thấy thật là tâm con, nó có thể khiến cho con thấy được và tánh thấy khiến có thể thấy được thật sự là con. Con thấy được, và do con thấy, nên con biết đó thực sự là tâm con. Nhưng con không thấy được tánh thấy của con, nên thực tế con không biết được nó có phải là của con hay không. Nếu tánh thấy là con, thì thân này không phải là của con. Nó trở thành là vật. Nó trở nên một vật khác.”

Khi A-nan nói, thực là A-nan đã khiến cho người khác khó hiểu nổi. May nhờ Đức Phật có đại trí huệ nên đã giúp cho A-nan trả lời được như A-nan đã làm.

Kinh văn:

何殊如來先所難言物能見我。惟垂大慈開發未悟.

Khác nào trước kia Như Lai gạn hỏi: “Vật có thể thấy được con chăng?” Cúi mong Đấng đại từ bi chỉ bày cho kẻ chưa ngộ.

Giảng:

Khác nào trước kia Như Lai gạn hỏi: “Vật có thể thấy được con chăng? Vì sao điều nầy lại khác với điều mà Thế tôn đã hỏi con trước đây? Thế tôn bảo, ‘nếu tánh thấy là vật, thì lẽ ra vật phải thấy được con.’ Bây giờ cái thấy đang ở trước mặt con, và nó đồng với nghĩa lý mà Thế tôn đã nói cho con trước đây. Cúi mong Đấng đại từ bi chỉ bày cho kẻ chưa ngộ. Nguyện xin Thế tôn đem lòng đại từ bi giảng giải cho chúng con đạo lý chưa được tỏ ngộ.”

Kinh văn:

佛告阿難,今汝所言。見在汝前,是義非實.

Đức Phật bảo A-nan: “Nay ông nói cái thấy ở trước mặt ông, nghĩa ấy không đúng.”

Giảng:

Quý vị có thể cho rằng A-nan là người mê trong mê. Thực vậy, mặc dù A-nan chắc chắn là không mê. Nhưng A-nan thị hiện tướng chúng sinh đang mê muội để giúp cho chúng sinh giải trừ sự mê muội ấy. A-nan hành xử với hành vi của mọi chúng sinh. A-nan khiến họ thấy rằng A-nan mê muội đến mức độ như vậy mà cũng được giác ngộ . Nay chúng ta hãy xem xét ý nghĩa của kinh văn, có nhiều người thông minh hơn A-nan rất nhiều, và cũng ít mê mờ hơn. Trước đây trong kinh văn, A-nan đã nói rằng cái thấy đang ở trước mắt mình và không liên quan gì đến thân A-nan. Rồi A-nan cầu xin Đức Phật chỉ dạy cho ông đạo lý nầy. Đức Phật bảo A-nan: – Do A-nan hỏi, nay Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sắp trả lời. “Nay ông nói cái thấy ở trước mặt ông, nghĩa ấy không đúng.” Ông nói rằng tánh thấy có thể thấy được vật là ở trước mặt ông, nhưng sự khẳng định của ông là hòan toàn nhầm lẫn, hòan toàn sai lầm. Đức Phật tức thì chỉ thẳng cho A-nan.

Kinh văn:

若實汝前,汝實見者。則此見精既有方所非無指示。

Nếu tánh thấy thực sự ở trước mặt ông, và ông thật thấy được, thì tánh thấy nầy đã có chỗ nơi, chẳng phải không chỉ ra được.

Giảng:

 Nếu tánh thấy thực sự ở trước mặt ông– nếu trường hợp ấy thực sự là cái thấy ở trước mặt ông và ông thật thấy được. Thì lẽ ra ông phải thấy được cái thấy. Nhưng ông đã không thấy được cái thấy, thế nên điều ông nói là sai. Nếu ông thực sự thấy được nó, thì tánh thấy nầy đã có chỗ nơi. Ở phía trước mặt nghĩa là phải có một vị trí. Chẳng phải không chỉ ra được. Nếu cái thấy là ở trước mặt ông, điều gì biểu hiện ở đó khiến cho ông nghĩ rằng nó hiện hữu ở đó.

Kinh văn:

且今與汝坐祇陀林。遍觀林渠及與殿堂。至日月前對恒河。汝今於我師子座前。舉手指陳是種種相。陰者是林,明者是日。礙者是壁,通者是空。如是乃至草樹纖毫大小雖殊。但可有形無不指著。

Vậy nay Như Lai cùng ông đang ngồi trong vườn Kỳ-đà, xem khắp rừng suối, nhà cửa; xa đến mặt trời mặt trăng, phía trước là sông Hằng. Nay ông dang ở trước toà sư tử của Như Lai, hãy dùng tay chỉ rõ ra các tướng loại ấy: chỗ mát là rừng cây, chỗ sáng là mặt trời, chỗ ngăn ngại là vách, chỗ thông suốt là hư không. Như thế cho đến cỏ cây, mảy lông lớn nhỏ tuy có sai khác, nhưng đã có hình tướng thì đều chỉ ra được.

 

Giảng:

Đức Phật nói đoạn kinh văn nầy để phá trừ chấp trước của A-nan. “Vậy nay Như Lai cùng ông đang ngồi trong vườn Kỳ-đà, xem khắp rừng suối, nhà cửa; xa đến mặt trời mặt trăng, phía trước là sông Hằng.

Ngồi trong vườn cây của Thái tử Kỳ-đà,[8] từ các hồ nước nhỏ ở đây trong khu già-lam, xem đến các cung điện mặt trời mặt trăng, đối diện với sông Hằng, Nay ông đang ở trước toà sư tử của Như Lai, hãy dùng tay chỉ rõ ra các tướng loại ấy. Ông hãy dùng tay chỉ ra các loại tướng trạng khác nhau nầy. Chỗ mát là rừng cây– chỗ râm mát là rừng cây; chỗ sáng là mặt trời là nơi được mặt trời chiếu sáng; chỗ ngăn ngại là tường vách – nơi chướng ngại không cho các vật xuyên qua; chỗ thông suốt là hư không– nơi xuyên qua được và không chướng ngại. Như thế cho đến cỏ cây, mảy lông lớn nhỏ. Như Lai nói tổng quát; ‘và như thế’ có nghĩa là bao gồm hết thảy các vật chưa được đề cập đến, từ ngọn cỏ cho đến mảy lông. Như tôi đã giảng ở trước:

Ư nhất mao đoan hiện bảo vương sát

於 一 毛 端 現寶 王 刹

Toạ vi trần lý chuyển đại pháp luân.

坐 微 塵 裡 轉大 法 輪

Vi trần, có nghĩa là, một hạt bụi rất nhỏ, và một mảy lông, đều biểu tượng cho vật nhỏ nhít nhất. Tuy có sai khác, nhưng đã có hình tướng thì đều chỉ ra được.

Lớn hay nhỏ, tất cả nhưng vật đã có hình tướng đều có thể chỉ ra được. Nay trong số đó quý vị có thể chỉ ra tánh thấy là vật nào chăng? Cái nào là tánh thấy của quý vị?

Tánh thấy đã được nói đến rất nhiều lần, nhưng A-nan vẫn không hiểu được, thế nên tánh thấy vẫn còn được giải thích nữa. Có 10 biểu tượng của tánh thấy, 10 dạng đặc điểm để chỉ ra tánh thấy không sinh diệt, không đến đi. Thực sự có lẽ A-nan đã nhận ra rồi, nhưng vì chúng sinh mà A-nan hỏi pháp, vì có nhiều chúng sinh vẫn chưa hiểu được. Như khi A-nan tham vấn về tánh thấy với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, như thể đang đối đáp từng lời trong một vở kịch, mỗi ý đều ăn khớp với nhau.

Kinh văn:

若必有見,現在汝前。汝應以手,確實指陳,何者是見。阿難當知,若空是見。既已成見,何者是空。若物是見。既已是見,何者為物.

Nếu nhất định có cái thấy hiện ở trước mắt ông, thì ông phải dùng tay chỉ chính xác cái nào là cái thấy. A-nan nên biết, nếu hư không là cái thấy, đã thành cái thấy rồi, thì cái gì là hư không? Nếu vật là cái thấy, đã thành cái thấy rồi, thì cái gì là vật?

Giảng:

Nếu nhất định có cái thấy hiện ở trước mắt ông: nếu ông nhất định muốn cho rằng tánh thấy của ông là vật hiện ra trước mặt ông, thì nó chắc chắn giống như một vật đã được đặt ở đây, thì ông phải dùng tay chỉ chính xác cái nào là cái thấy. Nếu nó ở trước mắt ông, thì lẽ ra ông phải chỉ ngay nó ra. Đúng vậy không? Nói nhanh!

Nhưng A-nan không nói được một tiếng. Sao vậy? A-nan không tự chủ được. A-nan muốn đưa ra vấn đề khác để tranh luận, nhưng A-nan chưa có một ý tưởng mới nào trong đầu cả, thế nên A-nan vẫn líu lưỡi.

“A-nan nên biết, nếu hư không là cái thấy, đã thành cái thấy rồi, thì cái gì là hư không? Ông phải biết điều nầy! Ông đã hiểu chưa? Đến đây, Đức Phật có hơi sốt ruột.

Vốn Đức Phật không bao giờ sốt ruột nhưng bây giờ dường như cơn sốt ruột trong Ngài trỗi dậy. “Nếu hư không là cái thấy thì lẽ ra nó không có tên ‘hư không’. Thế hư không tự nó đã biến đi đâu? Nơi nào có cái thấy, nơi ấy lẽ ra chẳng có hư không. Nếu tánh thấy của ông nằm ở đó, thì ở đó chẳng có hư không. Vậy cái gì là hư không – hư không hay tánh thấy? ”

“Nếu vật là cái thấy, đã thành cái thấy rồi, thì cái gì là vật? Có lẽ ông sẽ nói, ‘chẳng phải tánh thấy của tôi là hư không. Đúng ra mọi thứ mà tôi thấy được phía trước đều là cái thấy của tôi.’ Thế thì, cái gì là vật? Nếu vật là tánh thấy của ông thì lẽ ra nó không được gọi là vật. Nếu nó không phải là vật thì nó là cái gì? Nói nhanh!”

 Đức Phật đối chất trực tiếp với A-nan và buộc A-nan phải trả lời.

Kinh văn:

汝可微細披剝萬象。析出精明淨妙見元,指陳示我。同彼諸物分明無惑.

Ông nên phân tích kỹ càng trong vạn vật, chọn ra tánh thấy vốn thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu, chỉ rõ ra ngã thể cùng các vật kia một cách phân minh không nhầm lẫn.

Giảng:

“Ông nên phân tích kỹ càng trong vạn vật. Ông hãy vận dụng bộ não một cách tinh tế để nghiên cứu thật chi tiết, để đừng nói một cách vô tình và nhầm lẫn nữa. Đừng trả lời ngay không chút do dự. Nay ông nên vắt kiệt trí lực của ông để tham cứu kỹ câu hỏi nầy. Suốt hết thảy mọi hiện tượng – chọn ra trong số hình tượng của cả ngàn vật thể như cách ông đi xuyên suốt qua nó và giải phẫu nó ra bằng dao, bóc nó ra từng mảnh, như thể ông dùng dao tách dần từng lớp da ra vậy.

“Chọn ra tánh thấy vốn thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu, chọn ra rõ ràng tánh thấy sáng suốt mà mọi người có thể thấy và nhận ra được, tánh thấy vốn thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu nhất có thể thấy được. Chỉ rõ ra ngã thể cùng các vật kia. Ông nói xem; hãy chỉ ra rõ ràng ngay cái gì là tánh thấy của ông và cái gì là vật một cách phân minh không nhầm lẫn. Ông phân biệt điều nầy được chăng? Hãy thử xem!”

Kinh văn:

阿難言,我今於此重閣講堂。遠洎恒河,上觀日月。舉手所指,縱目所觀。指皆是物,無是見者。

世尊如佛所說。況我有漏初學聲聞。乃至菩薩,亦不能於萬物象前剖出精見。離一切物,別有自性.佛言:如是如是。

 A-nan bạch Phật: “ Nay con ở trong giảng đường Trùng Các, nhìn ra xa thấy sông Hằng, trên thấy mặt trời mặt trăng. Cái mà tay chỉ ra được và mắt thấy được, thảy đều là vật, chẳng phải là tánh thấy. ”

“Bạch Thế tôn, đúng như lời Phật vừa dạy, chẳng những hàng hữu lậu sơ học Thanh văn chúng con, cho đến hàng Bồ-tát cũng không thể nào trước các hiện tượng mà chỉ ra được cái thấy khi lìa tất cả vật riêng có tự tính.”

 Đức Phật bảo: “Đúng thế! Đúng thế!”

 

Giảng:

A-nan bạch Phật Đáp lại lời yêu cầu của Thế tôn, “ Nay con ở trong giảng đường Trùng Các, giảng đường có hai tầng, nhìn ra xa thấy sông Hằng. Khi nhìn ra xa, con thấy sông Hằng, trên thấy mặt trời mặt trăng. Cái mà tay chỉ ra được và mắt thấy được, thảy đều là vật, chẳng phải là tánh thấy.” Khi mí mắt rũ xuống hay nhắm lại thì được gọi là ‘không thấy’, nhưng khi mắt mở lớn thì được gọi là ‘nhìn thấy’. “Mọi vật mà con nhìn thấy khi mở mắt ra, mọi thứ có thể chỉ ra được đều là vật, không phải là tánh thấy. Chẳng có vật gì chỉ ra được là tánh thấy cả.”

“Bạch Thế tôn, đúng như lời Phật vừa dạy. Như giáo lý Như Lai đã dạy trước đây, chẳng những hàng hữu lậu sơ học Thanh văn chúng con, cho đến hàng Bồ-tát cũng không thể nào trước các hiện tượng mà chỉ ra được cái thấy khi lìa tất cả vật riêng có tự tính. Con là hàng Thanh văn sơ học, là Thanh văn vừa mới chứng được Sơ quả và năng lực thần thông của con còn rất yếu. Cho nên con vẫn còn trong hàng hữu lậu, vì hàng vô lậu là những bậc đã chứng được quả vị thứ tư của hàng A-la-hán. Nhưng Đức Phật dạy rằng ngay cả hàng Bồ-tát cũng không ai có thể đập vỡ ra từng cái trong vô số vật tượng, như thể có người dùng dao tách nó ra rồi tìm xem tánh thấy trong đó. ‘Vì tánh thấy của ông không phải là vật, nên ông không thể đặt để nó như là vật trong vô số vật tượng.”

Đức Phật bảo: “Đúng thế! Đúng thế! Lần nầy ông nói rất đúng. Đạo lý như vậy đó.” Đức Phật lập lại hai lần: “Đúng thế! Đúng thế!” Đức Phật muốn nhấn mạnh điểm ấy bằng cách lập lại. Điều nầy chứng tỏ Ngài rất hài lòng với ý kiến của A-nan. Đức Phật nói: “Bây giờ ý kiến của ông không sai lầm nữa. Không như ông đã trình bày trước đây.”

Kinh văn:

佛復告阿難。如汝所言,無有精見。離一切物,別有自性。則汝所指,是物之中無是見者.

Đức Phật lại bảo A-nan: “Như ông đã nói không có cái thấy khi lìa tất cả vật riêng có tự tánh, thì trong tất cả vật ông chỉ ra được chỉ là vật chứ không phải là cái thấy.”

Giảng:

Đức Phật sẽ hỏi câu hỏi khác để hiển bày tánh thấy.

Đức Phật lại bảo A-nan: “Như ông đã nói không có cái thấy khi lìa tất cả vật riêng có tự tánh. Không có cái gì đặc biệt gọi là tánh thấy. Thì trong tất cả vật ông chỉ ra được chỉ là vật chứ không phải là cái thấy. Trong tất cả mọi vật tượng mà ông chỉ ra được đều là vật. Trong những thứ nầy không có gì là tánh thấy.

Kinh văn:

今復告汝,汝與如來。坐祇陀林更觀林苑。乃至日月種種象殊。必無見精受汝所指。汝又發明此諸物中,何者非見.

Nay Như Lai lại hỏi ông, ông cùng Như Lai ngồi trong rừng Kỳ-đà lại xem vườn rừng, cho đến mặt trời mặt trăng, các loại vật tượng sai khác, nhất định không có tánh thấy mà ông có thể chỉ ra được. Ông hãy phát minh trong các vật nầy, cái gì chẳng phải là tánh thấy?

Giảng:

 Nay Thế tôn sẽ giảng bày đạo lý khác cho ông.

Nay Như Lai lại hỏi ông, ông cùng Như Lai ngồi trong rừng Kỳ-đà” A-nan cùng Thế tôn cùng cả đại chúng đang ngồi trong vườn Kỳ-đà– “lại xem vườn rừng, cho đến mặt trời mặt trăng– vườn hoa, mọi thứ có thể nhìn xem được từ đây cho đến mặt trời mặt trăng trên bầu trời– các loại vật tượng sai khác, nhất định không có tánh thấy mà ông có thể chỉ ra được. Ông hãy phát minh trong các vật nầy, cái gì chẳng phải là tánh thấy. Cái gì trong số những vật tượng nầy không phải là cái thấy của ông?

“Đức Phật đang nói đùa.” – Quý vị có thể cho là như vậy. “Trước đây Ngài nói rằng vật không phải là cái thấy, và bây giờ Ngài bảo A-nan chỉ ra vật nào không phải là cái thấy.” Đó là cái khó trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm: nếu quý vị không hiểu được điểm nầy trong kinh một cách rõ ràng, thì quý vị sẽ trở nên nhầm lẫn. “Trước đây đã nói rằng vật không phải là tánh thấy, nay lại nói rằng đó là tánh thấy.” – Quý vị sẽ nói như vậy – “Nay hỏi rằng cái gì không phải là tánh thấy, nhưng trước đó lại bảo rằng chúng chẳng phải là tánh thấy.”

Kinh văn:

阿難言,我實遍見此祇陀林。不知是中何者非見.

A-nan thưa: “Con thật xem khắp trong rừng Kỳ-đà nầy, không biết trong ấy cái gì chẳng phải là cái thấy.”

Giảng:

A-nan trước đây đã biết rằng đó không phải là tánh thấy của mình, nhưng nay Đức Phật hỏi cái nào lại chẳng phải là tánh thấy, nên A-nan lại lúng túng một lần nữa. A-nan cũng không hiểu được câu hỏi.

A-nan thưa: “Con thật xem khắp trong rừng Kỳ-đà nầy.

Con thấy khắp nơi quanh rừng cây của Thái tử Chiến thắng nầy, và con không biết trong ấy cái gì chẳng phải là cái thấy. Cái gì lại chẳng phải là tánh thấy của con? Nay con chẳng biết.”

Ngay khi Đức Phật hỏi câu hỏi cuối cùng ấy, A-nan vẫn còn mờ mịt. Vậy nên Kinh Thủ Lăng Nghiêm đến tận cùng chỉ là mờ mịt chồng trên mịt mờ cho đến khi được giảng bày rõ ràng. Thế nên đừng hoảng sợ vì mờ mịt rồi nói: “Tôi không hiểu nổi. Tôi không biết ý kinh ra đường nào nữa.” Đức Phật trước sau chỉ nói về đạo lý của kinh, giảng giải hết lần nầy đến lần khác. Đó là cách tham cứu tỉ mỉ ý chỉ của kinh. Đức Phật đưa ra một đạo lý rồi hỏi: “Các ông có thấy điều ấy đúng chăng?” Rồi Đức Phật cũng chỉ bày tại sao nó không đúng. Đơn giản chỉ là để hiển bày chân lý.

“Cái gì lại không phải là tánh thấy?”– Đức Phật hỏi– “Nói nhanh!”

A-nan thưa: “Con không biết cái gì lại không phải là tánh thấy. Con đang bị bối rối.”

Kinh văn:

何以故,若樹非見,云何見樹。若樹即見,復云何樹。如是乃至,若空非見。云何見[9]空。若空即見,復云何空。

Vì sao? Nếu cây chẳng phải là cái thấy thì làm sao thấy được cây? Nếu cây là cái thấy thì sao lại gọi là cây? Như thế cho đến nếu hư không chẳng phải là cái thấy, thì làm sao thấy được hư không? Nếu hư không là cái thấy thì làm sao lại gọi là hư không?

 Giảng

“Vì sao? Nếu cây chẳng phải là cái thấy thì làm sao thấy được cây?” A-nan nói rằng nếu cây không phải là cái thấy, thì A-nan không thể thấy được cây. Thế nên A-nan không thể nói rằng cây không phải là cái thấy.

Nếu cây là cái thấy thì sao lại gọi là cây? Nếu tôi nói rằng cây là cái thấy, thì cây sẽ biến mất đi đâu?” Cây vốn đơn giản chỉ là cây, nhưng nay A-nan nói rằng nó là cái thấy, thế nên A-nan không tìm ra cho nó được một cái tên gọi. Như đối với tôi, tôi sẽ gọi nó là gỗ. “Như thế cho đến nếu hư không.” Cây vốn bản chất của nó là vật có sắc tướng. Nhưng sự thật nó không chỉ là vật với sắc tướng, nó cũng đồng như hư không, và tất cả mọi vật trung gian, dù chưa được đề cập đến bằng tên gọi vì không có thời gian để giải thích tất cả. Cũng như khi tôi giảng giải kinh nầy, giảng toàn bộ kinh trong vòng ba tháng có nghĩa là có rất nhiều giáo lý phải nói lược qua.

“chẳng phải là cái thấy, thì làm sao thấy được hư không? Cái thấy của con thấy được hư không là tánh thấy. Nếu con bảo rằng hư không chẳng phải là tánh thấy, thì làm sao con thấy được hư không? Nếu hư không là cái thấy, thì làm sao lại gọi là hư không? Thế nên con không biết đạo lý nầy như thế nào.”

Bây giờ A-nan đã mở được miệng nhưng rất khó nói.

Kinh văn:

我又思惟是萬象中。微細發明無非見者.

Con lại suy xét kỹ càng, phát minh trong muôn vật, không có cái nào chẳng phải là tánh thấy.

Giảng

“Con lại suy xét kỹ càng.” A-nan một lần nữa còn chấp giữ thức tâm phân biệt. Trước đây, A-nan thường bị vướng mắc vào thức thứ 6 để tranh luận đối đáp với Đức Phật, và bây giờ A-nan lại đem ra một lần nữa. Nên A-nan nói" “Con suy nghĩ lại rồi, và con phát minh trong muôn vật.” Con suy xét rất chi tiết; suy nghĩ lui tới nhiều lần trước sau, trên dưới, và con thấy rằng mình đã đạt được. Trong khía cạnh vi tế nhất của tất cả các hiện tượng, không có cái nào chẳng phải là tánh thấy. Tất cả đều như là tánh thấy. Chẳng có cái gì không phải là tánh thấy. Thứ đơn giản cũng là tánh thấy. Có nghĩa là, con thấy được tất cả.”

Kinh văn:

佛言" 如是,如是.

Đức Phật bảo “Đúng vậy! Đúng vậy!”

Giảng

Đức Phật chứng minh cho A-nan một lần nữa. “À! Nhưng điều ông nói là đúng. Đạo lý như vậy đó. Ông đã hiểu những gì Như Lai muốn nói.” Đức Phật vui mừng bảo:

Đúng vậy! Đúng vậy!

Rốt ráo quý vị nói sao? Cái gì là tánh thấy và cái gì là vật? Có phải vật là tánh thấy không?

Kinh văn:

於是大眾非無學者。聞佛此言茫然不知是

義終始。一時惶悚失其所守。

Khi ấy những vị chưa chứng quả vô học trong đại chúng, nghe Đức Phật nói lời nầy đều mờ mịt chẳng hiểu nghĩa ấy đầu đuôi như thế nào. Họ đều lo lắng, sợ đánh mất những điều hiểu biết xưa nay.

Giảng

Đại chúng nghe lời đối đáp nầy, nghe rằng tánh thấy vừa là vật vừa là chẳng phải vật. Thế thì nó là cái gì? Tất cả mọi ý kiến mà mọi người đã có trước đây bây giờ không còn giá trị nữa.

Khi ấy những vị chưa chứng quả vô học trong đại chúng.” Hàng Bồ-tát được gọi là bậc “vô học.” Quả vị thứ tư của hàng A-la-hán cũng được gọi là quả vị “vô học.” Có rất nhiều vị trong pháp hội nghe giảng Kinh Thủ Lăng Nghiêm chưa chứng được quả vị thứ tư của hàng A-la-hán. Họ chỉ vừa chứng được Sơ quả, đệ nhị quả hoặc đệ tam quả–quả vị còn phải học. “Nghe Đức Phật nói lời nầy đều ngơ ngác.” Khi Đức Phật giảng giải đó là tánh thấy rồi đó chẳng phải là tánh thấy, nói nó là vật rồi nó chẳng phải là vật, suy xét trước sau như vậy, họ không thể nào hiểu nổi, họ đều ngơ ngác. Họ có mắt nhưng họ không thấy được. Họ có tai nhưng họ không nghe được. Họ không hiểu được điều gì cả. Tôi sẽ cho quý vị một thí dụ. Khi người ta bị vướng vào bóng ma mê mờ, họ không biết được điều gì cả. Họ quên mất mọi điều trước đó. Tuy nhiên, đây chỉ là ví dụ; đừng cho rằng đại chúng trong pháp hội kinh Thủ Lăng Nghiêm là bị vướng vào bóng ma mê mờ thực sự. Tôi chỉ nói họ giống như người bị vướng vào bóng ma mê mờ, và bây giờ tôi nói rằng họ không giống như người bị vướng vào bóng ma mê mờ. Cũng như nói rằng tánh thấy và vật là một rồi lại nói tánh thấy và vật không phải là một. Chuyện ấy giống nhau. Họ đều chóang váng và chẳng hiểu nghĩa ấy đầu đuôi như thế nào. Họ không biết điểm khởi đầu và kết thúc của đạo lý nầy như thế nào. Họ tự hỏi “Đức Phật đang nói về điều gì vậy?” Họ không hiểu nỗi. Họ đều lo lắng, sợ đánh mất những điều hiểu biết xưa nay. Mọi người đều sợ hãi. Tim họ đập thình thịch như thỏ nhảy quanh. Họ không tin nổi những lời họ nghe. Mọi ý niệm đã có từ trước nay đều bị mất hiệu lực và bị phá huỷ. Như thể họ bị đánh mất kho báu mà từ trước đến nay họ làm chủ, thế nên họ cố gắng phát hiện xem mình phải tìm kiếm nơi đâu. Có nên báo nhà chức trách không? Có nên gọi cảnh sát không? Nhưng thời ấy chắc là không có cảnh sát. Hơn nữa vật mà họ đánh mất lại vô hình. Nên cho dù họ có gọi cảnh sát, thì cảnh sát cũng không giúp được gì. Họ cũng không thể tìm ra được.

Kinh văn:

如來知其魂慮變慴,心生憐愍。安慰阿難及諸大眾。諸善男子,無上法王是真實語。如所如說不誑不妄。非末伽梨四種不死矯亂論議。汝諦思惟,無忝哀慕.

Như Lai biết đại chúng lo sợ, nên trong lòng thương xót, an ủi A-nan và đại chúng “Các thiện nam tử! Những lời Đấng Vô thượng pháp vương nói đều là lời chân thật, nói những lời như thật, không cuống dối, không hư vọng. Chẳng phải như ngoại đạo Mạt-già-lê dùng 4 thứ luận nghị “bất tử kiểu loạn”. Ông nên chín chắn suy nghĩ, chớ phụ lòng lân mẫn của Như Lai.

 Giảng:

Khi Đức Phật biết đại chúng đều bối rối, Ngài khởi từ tâm thương xót.“À! Chúng sinh các ông thật đáng thương xót.”

Như Lai biết đại chúng lo sợ, nên trong lòng thương xót, an ủi A-nan và đại chúng.

Như Lai biết tinh thần của đại chúng không được bình ổn nên Ngài từ bi ban cho món quà nhỏ vô uý thí. Ngài bảo: “Các ông không nên sợ hãi. Như Lai sẽ giảng giải cho các ông.”

“Các thiện nam tử!”– Đức Phật thường gọi mọi người trong đại chúng là Thiện nam tử . “Các thiện nam tử! Hãy lắng nghe cho kỹ. Đừng lúng túng như vậy. Bây giờ Như Lai sẽ nói cho các ông nghe những lời mà Đấng Vô thượng pháp vương nói–những điều Đức Phật nói–

 đều là lời chân thật. Những gì Đức Phật nói đều là chân thực. Quý vị không nên nghi ngờ gì cả. một đạo lý nhất định trong những gì tôi từng nói trước đây, rằng tánh thấy là vật và không phải là vật. Tôi thực sự nói với quý vị những điều đáng tin. Tôi không dối gạt quý vị. Nói những lời từ như thật. Những điều Như Lai nói đều khế hợp với đạo lý. Như Lai dựa vào đạo lý mà diễn bày giáo pháp nầy. Sẽ không chấp nhận được với những điều không tương ưng với đạo lý. Không cuống dối, không hư vọng. Như Lai không nói những lời luống dối, những lời không chân thật.

Chẳng phải như ngoại đạo Mạt-già-lê.

Mạt-già-lê từ tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán có nghĩa là Bất kiến đạo. Mẹ ông ta có tên là Gośāli (Câu-xa-li).

 Mạt-già-lê Câu-xa-li tử là một trong 6 Lục sư ngoại đạo. Ông ta được gọi là Bất kiến đạo vì ông ta không hiểu được đạo. Ông ta không thấy và không đi đúng theo đạo. Những gì ông làm là đi theo một đường lối mê lầm. Ông ta chạy quanh với đôi mắt nhắm và cuối cùng ông ta bước ngay xuống biển, và bị chết chìm ở đó. Kết quả như vậy vì ông không thấy được Đạo. Đó là điều suy nghĩ của riêng tôi sau vài nghìn năm. Chắc chắn là nước biển rất khó chịu, không dễ uống như rượu hoặc nước lọc. Một khi ông ta đã uống nước biển, chắc chắn là không có bác sĩ nào có thể chữa trị cho ông ta được.

“ Dùng 4 thứ luận nghị ‘bất tử kiểu loạn’”.

Ông ta nói điều gì? “Các pháp thường và cũng vô thường.” Vạn vật là thường biến đổi và cũng thường hằng. “Các pháp là thanh tịnh và cũng là nhiễm ô; các pháp cũng sinh và cũng diệt; các pháp cũng tăng và cũng giảm.” Đó là 4 loại lý luận của ông ta. Vốn Đức Phật đã dạy, “bất sinh bất diệt,” nhưng Mạt-già-lê nói: “Cũng sinh cũng diệt”. Lý thuyết của ông ta xa rời sự thực biết chừng nào.

Đức Phật dạy: “Các pháp đều vô thường. Chuyển biến, thay đổi tuỳ thuộc vào nhân duyên; thay đổi tuỳ theo nhân duyên nhưng lại bất biến.[10]” Nhưng Mạt-già-lê lại bảo: “Cũng thường, cũng vô thường.”

Lý thuyết của Mạt-già-lê chỉ là lời nói suông hai chiều. Ông ta bảo vật có một nguyên lý rồi cũng bảo rằng nó có một nguyên lý ngược lại. Và ông ta đứng trong hàng những người chống đối trực tiếp với giáo lý Đức Phật đã giảng dạy. Thế nên Đức Phật gọi 4 loại lý luận của ông ta là ‘bất tử kiểu loạn’. Kiểu loạn có nghĩa là cực đoan và làm cho người khác mê lầm. Nhưng lý thuyết của ông ta không đúng. Đức Phật xác quyết một lần nữa với đại chúng giáo pháp của Như Lai không hư dối như lý thuyết của ngoại đạo Mạt-già-lê.

Ông nên chín chắn suy nghĩ. Ông nên suy nghĩ kỹ lưỡng. Chớ phụ lòng lân mẫn của Như Lai. Đừng bận tâm. Đừng sợ. Đừng buồn.“Lòng lân mẫn” là nói đến những gì Đức Phật biểu hiện. “ Như Lai rất thương cảm các vị trong hội chúng.”

Kinh văn:

是時文殊師利法王子愍諸四眾。在大眾中

即從座起。頂禮佛足合掌恭敬。而白佛言世尊。此諸大眾。不悟如來發明二種精見色空是非是義。

Khi ấy Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử thương xót bốn chúng, từ chỗ ngồi ở trong đại chúng đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, chắp tay cung kính bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế tôn, đại chúng đây chưa nhận ra chỗ Như Lai phát minh hai nghĩa ‘phải’ và ‘chẳng phải’ của ‘tánh thấy’ và ‘sắc không’.”

Giảng:

Khi ấy Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tửĐại trí Văn-thù Sư-lợi Bồ Tát[11] , vốn đã hiểu rồi, nhưng Ngài thấy trong đại chúng, gồm hàng hữu học, hàng Sơ quả, Nhị quả, Tam quả A-la-hán, thấy rằng họ thật đáng thương xót. Thế nên Ngài đưa ra câu hỏi.

Văn-thù-sư-lợi tiếng Phạn có nghĩa là “Diệu Đức”, còn có tên là “Cát Tường.” Đức Phật là Pháp vương, và Bồ-tát là con của Pháp vương. Văn-thù-sư-lợi là đứng đầu trong số các Pháp vương tử; là thượng thủ trong hàng Bồ-tát. Ngài thương xót bốn chúng – tỷ-khưu, tỷ-khưu ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di – từ chỗ ngồi ở trong đại chúng đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật. Ngài đứng dậy đảnh lễ Đức Phật rồi phủ phục xuống đỡ chân Phật bằng hai tay. Đây là cử chỉ biểu lộ lòng cung kính nhất. Chân người là nơi dơ bẩn nhất, nên dùng tay nâng chân Phật có nghĩa là: “Con đang phủ phục dưới chân Phật.” Thế nên khi lạy Phật, quý vị để ngửa lòng bàn tay, và trong tư thế nầy, quý vị nên quán tưởng hai bàn tay mình đang đỡ dưới chân Phật. Điều nầy biểu hiện cho thân nghiệp thanh tịnh, vì khi thể hiện lòng kính trọng theo cách nầy, thì thân thể quý vị không phạm một lỗi lầm nào cả.

Chắp tay cung kính. Điều nầy biểu tượng cho ý nghiệp thanh tịnh. Trong tâm ý quý vị vẫn sinh khởi lòng kính trọng chân thành. Chắp tay lại với 10 ngón tay dính sát vào nhau biểu tượng cho nhất tâm quy kính. Có nghĩa là quý vị “trở về nhất tâm” và một lòng quy ngưỡng tôn kính Đức Phật. Chắp tay lại còn được gọi là “hợp 10 thành một.”

Bạch Phật rằng: Điều nầy biểu tượng cho khẩu nghiệp thanh tịnh. Thân khẩu ý tất cả đều biểu hiện sự cung kính. Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp đều thanh tịnh. Đây là ba nghiệp thanh tịnh. tại sao con người lại phạm vào nghiệp chướng? Nghiệp chướng thường bị gây ra do khẩu nghiệp. Nên nói:

Bệnh tùng khẩu nhập

Họa tùng khẩu xuất.

Khi tai hoạ rơi xuống đầu chúng ta, khi nghịch cảnh sinh khởi, nó thường phát xuất từ cửa miệng mình. Quý vị nói người nào đó sai lầm, rồi người ấy đến mắng quý vị rất nặng nề. Đó chẳng phải là tai hoạ đến từ cửa miệng hay sao? Còn khi chúng ta ăn, hãy nên cẩn thận với những gì ta dùng. Nếu không thận trọng với thực phẩm đang dùng, quý vị có thể sẽ mắc bệnh. Bệnh nói ở đây không phải là bệnh do thời khí. Nó có nghĩa là qua một thời gian dài, những thứ quý vị ăn vào kết hợp những yếu tố khác sẽ khiến cho đường hô hấp và máu huyết của quý vị mất quân bình. Khi ấy điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn là bệnh phát khởi.

“Bạch Đức Thế tôn, đại chúng đây chưa nhận ra

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi thưa rằng không có ai hiểu cả. Nhưng Văn-thù-sư-lợi có hiểu không? Ngài đã hiểu, nhưng ngài hỏi là cho những người có cơ duyên hiện hữu trong pháp hội. Nếu Ngài không thưa hỏi, thì không ai biết cách trình bày vấn đề. Đức Phật sẽ giảng giải, nhưng nếu không có ai biết cách thưa hỏi, thì sẽ không ai biết cách để tiếp nhận những lợi lạc từ trí huệ của Phật.

Chúng ta biết rằng Văn-thù-sư-lợi đã nhận ra ý chỉ vì Kinh văn nói rằng Ngài “thương xót tứ chúng.” Nhưng nếu cho dù đó không phải là cách diễn đạt, thì chúng ta vẫn hiểu là Văn-thù-sư-lợi đã nhận ra ý chỉ vì Ngài là bậc có trí huệ siêu việt qua danh xưng Đại trí Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát. Câu hỏi của Ngài là hỏi cho những người chưa hiểu ra được chỗ Như Lai phát minh hai nghĩa ‘phải’ và ‘chẳng phải’ của ‘tánh thấy’ và ‘sắc không’.

Điểm nầy đề cập đến giáo lý về tánh thấy, vật, và hư không. Rốt ráo, tánh thấy là vật hay là hư không? Không có ai biết cách tham thỉnh về giáo lý nầy, thế nên Văn-thù-sư-lợi quyết định hỏi về vấn đề nầy.

Kinh văn:

世尊,若此前緣色空等象。若是見者應有所指。若非見者應無所矚。而今不知是義所歸,故有驚怖。

 

Bạch Đức Thế tôn, như các hiện tượng sắc không ở trước mắt, nếu là tánh thấy thì đáng lẽ ra phải chỉ được; nếu chẳng phải là tánh thấy thì không thể được nhìn thấy. Nay chẳng biết nghĩa nầy do đâu, nên sinh tâm lo sợ.

Giảng:

Quý vị có thấy cách Văn-thù-sư-lợi trình bày vấn đề hòan toàn khác với A-nan không? A-nan thì không rõ được vấn đề đang diễn biến như thế nào. Nhưng khi Văn-thù-sư-lợi trình bày thì lý lẽ của Ngài rất hòan chỉnh. Ngài nói: “ Bạch Đức Thế tôn, như các hiện tượng sắc không ở trước mắt, nếu là tánh thấy thì đáng lẽ ra phải chỉ được.” “Cảnh duyên ở trước mắt” là chỉ cho tiền trần, là nhân duyên đã nói ở trên. “Không” tức là hư không. “Như” là nói đến cả hai đặc tính nầy. “Tướng” ở đây không chỉ có nghĩa là một vật, nhưng đó là dùng để thí dụ. Văn-thù-sư-lợi nói rằng nếu sắc và không là tánh thấy thì sẽ có những biểu tượng cho sắc và không, nên người ta có thể chỉ bày ra được cái ấy. Nếu chẳng phải là tánh thấy thì không thể được nhìn thấy. Ban đầu Thế tôn nói rằng tánh thấy không phải là vật. Về sau, Thế tôn bảo tánh thấy là vật–có nghĩa là, Thế tôn đặt vấn đề rằng vật nào lại chẳng phải là tánh thấy. Không ai hiểu được Thế tôn muốn nói gì cả. Nay chẳng biết nghĩa nầy do đâu. Đơn giản là điều gì đang xảy ra ở đây? Rốt ráo, có tánh thấy hay không có tánh thấy? Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi dùng chữ “chúng con” là vì Ngài không vì riêng mình. Ngài hỏi vì những người chưa hiểu. Câu hỏi của Văn-thù-sư-lợi đưa ra có phần nào rõ ràng hơn của A-nan. Quý vị thấy Ngài trình bày thật là đơn giản, vì ý nghĩa rất là vi diệu. Nên sinh tâm lo sợ. Đây là điểm trước đây chúng ta chưa để ý đến và bây giờ chúng ta mới chú ý đến, giáo lý thì rất là vi diệu đến nỗi chúng ta không biết chắc ý nghĩa cứu cánh là nơi đâu. Chẳng hạn, như khi ta nhìn ngọn đèn nầy, tánh thấy là đèn hay đèn là tánh thấy? Đạo lý nầy chưa được giải thích rõ ràng. Nếu quý vị bảo đèn không phải là tánh thấy, thì tôi không thể thấy được đèn. Còn quý vị bảo rằng đèn là tánh thấy, nhưng tự thân cây đèn thì không thể thấy được. Thế nên quý vị nói rằng đó là tánh thấy và rồi lại bảo đó chẳng phải là tánh thấy.

Kinh văn:

非是疇昔善根輕尟。唯願如來大慈發明此諸物象。與此見精,元是何物。於其中間無是非是.

Chứ chẳng phải trước đây căn lành mỏng ít. Cúi mong Như Lai từ bi chỉ bày các vật tượng này cùng tánh thấy vốn là cái gì mà trong ấy không có cái ‘phải’ và ‘chẳng phải’?

Giảng:

Chứ chẳng phải trước đây căn lành mỏng ít.

Nguyên nhân khiến chúng con sửng sốt và lo sợ chẳng phải là vì căn lành trong đời trước của chúng con mỏng và ít. Chẳng phải mọi người trong đại chúng đều có ít căn lành. Mà chỉ vì tất cả đều không hiểu được đạo lý ấy. Đôi khi những người có ít thiện căn sẽ trở nên sợ hãi khi họ tu đạo. Quý vị sẽ làm gì khi gặp tình trạng nầy? Hãy làm thật nhiều công đức để vun trồng căn lành cho mình. Khi căn lành của mình đã được nuôi dưỡng và bám sâu, thì quý vị sẽ có được định lực. Nếu căn lành của quý vị mỏng manh, thì định lực cũng yếu kém. Thế nên chúng ta phải nuôi dưỡng căn lành của mình.

Cúi mong Như Lai từ bi chỉ bày các vật tượng này cùng tánh thấy vốn là cái gì mà trong ấy không có cái ‘phải’ và ‘chẳng phải’?

Rốt ráo, phải chăng chẳng có cái ‘phải’ và ‘chẳng phải’ trong lòng của vật thể, trong hư không và trong tánh thấy? Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi rất thông suốt nghĩa nầy nên Ngài đã suy luận như vậy.

Kinh văn:

佛告文殊及諸大眾。十方如來及大菩薩。於其自住三摩地中。見與見緣并所想相。如虛空花本無所有。

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi và cả đại chúng : “Mười phương Như Lai và các Đại Bồ-tát khi tự an trụ trong chánh định kia, cái thấy và cảnh bị thấy đều là tưởng tướng, đều như hoa đốm giữa hư không.”

Giảng:

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi và cả đại chúng : “Mười phương Như Lai và các Đại Bồ-tát khi tự an trụ trong chánh định kia trong Thủ Lăng Nghiêm đại định – cái thấy[12] và cảnh bị thấy [13] – chỉ là nhân duyên sinh khởi trong cái thấy ấy– đều là tưởng tướng – cũng như các vật tượng mà mình nghĩ tưởng đến– đều như hoa đốm giữa hư không.” Vốn là chẳng có hoa nào giữa hư không cả, khi mắt của quý vị bị nhặm, thì quý vị thấy có hoa đốm giữa hư không. Hoặc có khi quý vị nhìn mặt trời quá lâu, thì quý vị thấy được hoa đốm tràn ngập cả hư không. Đó là một cách giải thích. Giải thích theo cách khác là một khi quý vị đã mở được Phật nhãn, thì bất luận loài hoa nào mà quý vị muốn nhìn đều có trong hư không. Đây cũng là hoa đốm giữa hư không. Đây có hai cách giải thích như vậy.

Phải chăng hoa đốm giữa hư không là chỉ có những ai đã mở được Phật nhãn mới thấy được? Không. Nó vốn chẳng có thật. Nó chỉ là huyễn hóa. Nhưng nếu quý vị tưởng tượng muốn thấy nó thì nó liền hiện hữu.

Thế có hoa đốm giữa hư không hay không? Không. Vốn chẳng có gì cả. Cơ bản là nó không hiện hữu. Vốn là chẳng có gì cả. Thế quý vị muốn tìm kiếm cái gì? Tại sao quý vị nỗ lực tìm kiếm nếu cái thấy là vật hoặc cái thấy là hư không hoặc là cái gì đi nữa? Quý vị tìm kiếm cái gì? Quý vị đều là kẻ hướng ngoại tìm cầu–rong ruổi tìm kiếm bên ngoài mình.

Kinh văn:

此見及緣,元是菩提妙淨明體。云何於中有是非是。

Cái thấy và cảnh bị thấy nầy đều vốn là thể giác ngộ thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu. Cớ sao trong ấy lại có nghĩa ‘phải’ và ‘chẳng phải’?

Đức Phật đáp: “ Cái thấy và cảnh bị thấy nầy đều vốn là thể giác ngộ thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu.

Cái thấy và cảnh bị thấy (kiến duyên) chính nó đều là thể giác ngộ thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu. Đó cũng là chân tâm thường trú thanh tịnh thể tánh thanh tịnh nhiệm mầu sáng suốt. Ở đây theo cách nói nôm na nên thuật ngữ bồ-đề[14] đã được thay vào.

“Cớ sao trong ấy lại có nghĩa ‘phải’ và ‘chẳng phải’? Tại sao ông lại nói rằng trong chân tâm lại có thể tìm thấy cái nghĩa ‘phải’ và ‘chẳng phải’, thách thức cả tính nhị nguyên? Chân tâm chẳng có tính nhị nguyên; chân tâm là cảnh giới tuyệt đối, hòan toàn không có đối đãi, thế nên tại sao ông lại mê lầm khi bảo rằng có cái nghĩa ‘phải’ và ‘chẳng phải’ trong đó?”

Kinh văn:

文殊吾今問汝。如汝文殊更有文殊。是文殊者為無文殊。

Này Văn-thù-sư-lợi, nay Như Lai hỏi ông: “Như ông là Văn-thù, lại có đúng là Văn-thù hay chẳng phải là Văn-thù chăng?”

Giảng:

Bây giờ Đức Phật mới hỏi Văn-thù-sư-lợi một câu hỏi, Này Văn-thù-sư-lợi, nay Như Lai hỏi ông: “Như ông là Văn-thù, lại có đúng là Văn-thù hay chẳng phải là Văn-thù chăng? Ông bảo: ‘Đây là Văn-thù-sư-lợi.’ Thế thì ngoài ông ra, còn có ai là Văn-thù-sư-lợi nữa? Thế thì có một người chẳng phải Văn-thù-sư-lợi nữa hay sao? Hãy trả lời ngay!”

Đó là những gì Đức Phật hỏi Văn-thù-sư-lợi, và Ngài trông chờ Văn-thù-sư-lợi trả lời ra sao. Quý vị nên học hỏi cách đặt câu hỏi của Văn-thù-sư-lợi. Đừng bắt chước cách hỏi như A-nan. Câu hỏi của A-nan thật là tối nghĩa.

 

Kinh văn:

如是,世尊,我真文殊,無是文殊。何以故若有是者則二文殊。然我今日非無文殊於中實無是非二相。

Đúng vậy! Bạch Đức Thế tôn! Con chính là Văn-thù. Chẳng có Văn-thù ‘thật’. Tại sao? Nếu có một Văn-thù khác là Văn-thù ‘thật’, thì sẽ có hai Văn-thù. Nhưng hiện nay chẳng phải con không phải là Văn-thù. Trong ấy thật không có hai tướng ‘phải’ và ‘chẳng phải’.”

Giảng:

“Đúng vậy! Bạch Đức Thế tôn!”

Văn-thù-sư-lợi đáp – “ Đúng như Thế tôn đã giải thích. Không có Văn-thù-sư-lợi ‘thật’ và không có Văn-thù-sư-lợi ‘chẳng phải là Văn-thù.’ Vốn không có tướng ‘phải’ và ‘chẳng phải’.

Con chính là Văn-thù. Con thực sự là Văn-thù. Chẳng có Văn-thù ‘thật’. Chẳng có ai khác ngoài con ra gọi là Văn-thù-sư-lợi cả. Chẳng có ai khác. Chỉ có con là Văn-thù-sư-lợi. Chẳng có ‘Văn-thù-sư-lợi thật’ và ‘ chẳng phải là Văn-thù-sư-lợi’ nào cả. Tại sao? Tại sao con nói như vậy? Nếu quý vị bảo rằng đây ‘Văn-thù-sư-lợi thật’, thì cái gì ‘chẳng phải Văn-thù-sư-lợi’. Nếu có hai Văn-thù-sư-lợi thì điều ấy có thể chấp nhận được?

Nếu có một Văn-thù khác là Văn-thù ‘thật’, thì sẽ có hai Văn-thù.

Nếu có một ‘Văn-thù-sư-lợi thật’ và một ‘chẳng phải Văn-thù-sư-lợi’ thì sẽ có hai Văn-thù-sư-lợi.

Nhưng hiện nay chẳng phải con không phải là Văn-thù. Nhưng chắc chắn nay con chẳng phải là Văn-thù-sư-lợi. Có một Văn-thù-sư-lợi; nhưng chẳng có ‘Văn-thù-sư-lợi thật’.Trong ấy thật không có hai tướng ‘phải’ và ‘chẳng phải’. Theo nghĩa con hiểu, Văn-thù-sư-lợi, là một người riêng biệt, hai phạm trù ‘phải’ và ‘chẳng phải’ đều không hiện hữu, nên nói có một ‘Văn-thù-sư-lợi thật’ và một ‘chẳng phải Văn-thù-sư-lợi’ là hòan toàn sai lầm.”

Ngay lúc ấy Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi khiến cho mọi người trong đại chúng nhận ra rằng chẳng có cái gì được gọi là ‘cái thấy’ và có cái gì đó ‘chẳng phải là cái thấy’. Cái thấy mãi mãi vẫn là cái thấy. Chẳng có vật nào như thế được gọi là cái thấy hoặc hư không kia là cái thấy. Cái thấy chính là thể giác ngộ thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu. Thế nên quý vị chẳng nên đưa ra hai phạm trù ‘phải’ và ‘chẳng phải’ rồi bận tâm đến nó làm gì nữa.

Kinh văn:

佛言,此見妙明與諸空塵。亦復如是.

Đức Phật bảo: “Tánh thấy nhiệm mầu sáng suốt nầy, cùng với hư không và tiền trần, cũng lại như vậy.”

Giảng:

Đức Phật càng giảng giải, giáo lý Kinh Thủ Lăng Nghiêm càng trở nên hòan thiện. Không chỉ tánh thấy là thể giác ngộ thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu, mà cả hư không và hết thảy trần lao cũng lại như vậy. Nó cũng hòan toàn giống như tánh thấy.

Đức Phật bảo: “Tánh thấy nhiệm mầu sáng suốt nầy, cùng với hư không và tiền trần, cũng đều như vậy.”

Nó cũng mầu nhiệm như tánh thấy. Tánh thấy không có ‘phải’ và ‘chẳng phải’. Chẳng phải vật là tánh thấy hoặc hư không là tánh thấy. Đúng hơn, hư không và vật tượng– tiền trần – cũng đều như tánh thấy, là bản thể của chân tâm. Kinh văn sau sẽ nói về tứ đại, đất nước lửa gió, đều được giải thích là tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng. Thế nên Kinh văn nầy càng được giải thích, càng thấy vi diệu. Càng được giải thích, quý vị càng thấy khó hiểu, nên quý vị nói: “Vì tôi chẳng hiểu được ý kinh, nên tôi không học nữa.”

Nếu quý vị không học kinh nữa, thì quý vị sẽ không bao giờ hiểu được ý kinh. Sẽ không bao giờ quý vị mở được trí huệ. Bây giờ quý vị đang học kinh, thế nên nay quý vị sẽ mở được trí huệ. Quý vị sẽ nhận ra rằng giáo lý vi diệu của Đức Phật là vô cùng tận. Thế nên Kinh Thủ Lăng Nghiêm là thù thắng hơn cả.

Kinh văn:

本是妙明。無上菩提淨圓真心。妄為色空及與聞見。

Vốn là chân tâm viên mãn thanh tịnh vô thượng giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu, vọng làm ra sắc không và thấy nghe.

Giảng:

Vốn là chân tâm viên mãn thanh tịnh vô thượng giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu.

Các pháp vốn là tánh giác ngộ vi diệu, là Vô thượng bồ-đề, sáng suốt tròn đầy, là chân tâm viên mãn thanh tịnh. Chân tâm vốn thường sáng suốt. Vọng làm ra sắc không và thấy nghe. Bản thể vốn là chân tâm thanh tịnh. Nhưng chỉ do sinh khởi một niệm vô minh –vọng trần – nên bị xoay chuyển bởi sắc trần, có nghĩa là bị xoay chuyển bởi vật và bị xoay chuyển bởi hư không. Quý vị bị vật xoay chuyển. Trước đây tôi đã nói: “Nếu quý vị chuyển được vật, thì quý vị đồng với Như Lai.” Vì có vọng niệm, nên người ta bị xoay chuyển bởi sắc không. Nên quý vị cũng không thể nào nhận ra được tánh nghe và tánh thấy của mình. Tại sao quý vị không nhận ra được? Vì vọng niệm sinh khởi. Khi một niệm mê lầm, thì niệm niệm nối tiếp sẽ sai lầm theo. Nên nói: “Đi sai một nước, thua cả ván cờ.” Cũng vậy, vì vọng tưởng, nên quý vị nhận vọng làm chân. Quý vị lấy cái mê lầm làm cái chân thật.

Kinh văn:

如第二月,誰為是月又誰非月。文殊但一月真。中間自無是月非月。

Ví như mặt trăng thứ hai, thì cái nào là mặt trăng thật, cái nào chẳng phải là mặt trăng. Nầy Văn-thù, chỉ có một mặt trăng chân thật. Trong ấy vốn không có cái nào là mặt trăng thật, cái nào chẳng phải là mặt trăng.

Giảng:

Ví như mặt trăng thứ hai: Cơ bản, đó chỉ là một mặt trăng, nhưng nếu quý vị nhìn bằng con mắt bị nhặm, thì quý vị thấy có 2 mặt trăng. Thì cái nào là mặt trăng thật, cái nào chẳng phải là mặt trăng. Mặt trăng nào không phải là mặt trăng? Nầy Văn-thù, chỉ có một mặt trăng chân thật. Trong ấy vốn không có cái nào là mặt trăng thật, cái nào chẳng phải là mặt trăng.”

Khi quý vị có cái ‘phải’ và cái ‘chẳng phải’, nghĩa là quý vị có pháp đối đãi. Nhưng vấn đề nay đang nói là tuyệt đối. Bản thể của bồ-đề là siêu việt mọi đối đãi.

Kinh văn:

是以汝今觀見與塵。種種發明名為妄想。不能於中出是非是。

Thế nên nay ông hãy xem cái thấy và trần cảnh cùng các thứ phát minh ra được đều là vọng tưởng, trong ấy không thể chỉ ra nghĩa ‘phải’ và ‘chẳng phải’.

Giảng:

Thế nên, do vấn đề nầy, nay ông hãy xem cái thấy và trần cảnh cùng các thứ phát minh ra được đều là vọng tưởng.” Ông hãy quán sát tánh thấy của ông cùng vật tượng, và các thứ sắc không mà ông phát minh ra được, nó đều là vọng tưởng; nó xuất hiện ra do vì vọng tưởng của ông. Trong ấy không thể chỉ ra nghĩa ‘phải’ và ‘chẳng phải’. Trong hư không, quý vị không thể nào tìm ra cái gì là thật hư không và cái gì chẳng phải là hư không. Hư không đơn giản chỉ là hư không; làm sao lại có thêm một thật hư không và một cái chẳng phải là hư không. Quý vị cũng không thể nói về vật là có một vật thật và một cái chẳng phải vật. Tánh thấy cũng như vậy. Quý vị không thể nói có tánh thấy thật và chẳng phải tánh thấy. Điều nầy không thể có được. Trong đó quý vị không thể nào tìm ra được cái ‘phải’ và ‘chẳng phải’.

Kinh văn:

由是精真妙覺明性。故能令汝出指非指.

Bởi do tánh giác sáng suốt nhiệm mầu ấy, nên khiến ông vượt ra khỏi cái ‘chỉ ra được’ và cái ‘chẳng chỉ ra được’ vậy.

Giảng:

Bởi do tánh giác chân thật, tánh thấy chân thật, sáng suốt nhiệm mầu ấy, thể tánh sáng suốt nhiệm mầu bất khả tư nghì, nên khiến ông vượt ra khỏi cái ‘chỉ ra được’ và cái ‘chẳng chỉ ra được’ vậy.

Chân tánh sáng suốt có thể dạy cho ông các vượt qua được sự cố gắng để chỉ ra vật tượng hiện hữu hay không hiện hữu. Quý vị cảm thấy lý luận của mình đúng khi nói rằng tánh thấy là vật, rồi quý vị lại bảo rằng tánh thấy không phải là vật. Nhưng rốt ráo, tánh thấy là vật hay không phải là vật? Đức Phật đã hỏi A-nan. Vốn chẳng có sự khác biệt nào như thế giữa ‘phải’ và ‘chẳng phải’. Vì lý luận của quý vị sai lầm, nên quý vị cố gắng chỉ ra vật tượng có cái ‘phải’ và ‘chẳng phải’, nhưng cơ bản là điều ấy không thể có được. Đó là một nỗ lực hòan toàn sai lầm. Nay quý vị có thể vượt qua điều ấy.

Kinh văn:

阿難白佛言世尊。誠如法王所說,覺緣遍十方界,湛然常住性非生滅。與先梵志裟毘迦羅所談冥諦。及投灰等諸外道種。說有真我遍滿十方。有何差別。

A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn! Nếu thật như Đấng Pháp vương đã nói, tánh giác duyên khắp 10 phương cõi nước, tánh giác ấy thanh tịnh vắng lặng, thường trú, không sinh không diệt. (Điều ấy) so với thuyết Minh đế của Phạm chí Ta-tỳ-ca-la, hoặc các thuyết của ngoại đạo Đầu hôi v.v..., nói có một chân ngã trùm khắp cả 10 phương thì có gì sai khác?

 Giảng:

Để đáp lời giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về vấn đề ‘phải’ và ‘chẳng phải’, A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn! Đúng như Đấng Pháp vương đã nói, tánh giác duyên khắp 10 phương cõi nước, tánh giác ấy thanh tịnh vắng lặng, thường trú, không sinh không diệt.

Trạm nhiên’ là chỉ cho những gì thanh tịnh và vắng lặng. Lấy ví dụ như một bát nước đục. Chúng ta không thể nói đó là ‘Trạm nhiên’. Nhưng sau khi bùn và cát đã lắng lại, quý vị có thể thấy được tận đáy, chúng ta nói đó là ‘trạm nhiên’. Thể tánh của giác duyên là thanh tịnh vắng lặng thường trú và không sinh không diệt.

“(Điều ấy) so với thuyết Minh đế của Phạm chí Ta-tỳ-ca-la, hoặc các thuyết của ngoại đạo Đầu hôi v.v..., nói có một chân ngã trùm khắp cả 10 phương thì có gì sai khác?”

Phạm chí Ta-tỳ-ca-la[15] nói rằng ông ta giáng sinh từ cõi trời Đại Phạm thiên, là vị thần trong loài người, và trong tương lai ông ta sẽ sinh vào cõi trời Đại Phạm thiên theo quyết định của ông ta. Ông nói: “Trong tương lai, chúng ta đều sẽ trở về cõi trời Đại Phạm thiên.” Ông ta là người cỗ vũ cho Phạm thiên. ‘Phạm[16]’ có nghĩa là thanh tịnh, và Ta-tỳ-ca-la, như tôi đã giảng trước đây, tuy vậy, tôi tin là chẳng có ai còn nhớ– có nghĩa là ‘ngoại đạo tóc vàng[17]’. Quý vị có nhớ con gái của Ma-đăng-già không? Cô ta đòi mẹ mình sử dụng thần chú của Tiên Ta-tỳ-ca-la Phạm thiên, chính là ngoại đạo đang đề cập ở đây. Thuyết ‘Minh đế[18]’ do ngoại đạo rao giảng cũng sẽ được giải thích. Trong trạng thái tối tăm hỗn độn bất động ấy, người ta không nhận biết cái gì hết thảy.[19]Minh’ có nghĩa là hòan toàn không có ý thức. Quý vị có thể nói rằng người ta bị say rượu, rồi lại nói họ không bị say. Quý vị có thể nói rằng người ta dùng ma tuý, rồi lại nói họ không hút gì cả. Đơn giản là họ hòan toàn không biết gì cả.

Ở Ấn Độ có một phái ngoại đạo thực hành khổ hạnh. Họ nhiệt thành nói rằng họ muốn sống theo lối ‘tự nhiên’, thế nên họ không mặc nhiều áo quần và không tắm rửa, rồi họ nằm lăn trên tro cho đến khi toàn thân lấm đầy tro. Có những phái ngoại đạo ném tro vào chính mình. Có những ngoại đạo khác lại nằm trên giường đinh. Họ đóng đinh trên giường rồi nằm ngủ trên đinh. Đinh không đâm vào da thịt họ và họ bảo rằng vì họ có ‘thân kim cương bất hoại.’ Quý vị có nghĩ rằng đó là trò lừa bịp thiên hạ không? Có những ngoại đạo khác trung thành với phép tu khổ hạnh vô ích, như họ không ăn thực phẩm ngũ cốc mà chỉ dùng cỏ và lá cây.

 Các ngoại đạo nầy đều bao gồm trong ý A-nan đề cập đến những ai đã tin có một Chân ngã bao trùm khắp cả 10 phương. Nhưng bõ công tu tập của họ, dù họ chịu đựng cực kỳ khó chịu, việc ấy cũng không đưa đến sự thành tựu rốt ráo. Chẳng hạn, lối tu khổ hạnh vô ích khi ngủ trên giường đinh và làm cho đinh không làm rách da thịt chẳng đáng giá chút nào cả, vì da heo thì ít nhiều gì đinh cũng chẳng thể nào xuyên thủng được; mà heo có tu như vậy đâu? Đinh không thể xuyên thủng da bò, mà bò có tu như vậy không? Không! Nên đây là lối tu khổ hạnh không ích lợi gì cả. Thế nên quý vị không nhầm lẫn ở đây và nghĩ rằng họ ắt là có được thân kim cương bất hoại chỉ vì họ tự cho mình có được thân ấy. Thực ra đây là một quan niệm sai lầm. Cũng như có được lớp da heo hay tấm da bò thì chẳng có gì là đặc biệt. Họ tu tập theo lối nầy hằng ngày, thế nên họ thành tựu kết quả ấy và có được năng lực đặc biệt. Nhưng đó không được xem như bất kỳ loại năng lực thần thông nào cả, cũng chẳng có nghĩa là họ đã đắc đạo.

A-nan thưa hỏi Đức Phật: “Thế tôn bảo rằng giác duyên trùm khắp 10 phương; có khác với chân ngã mà ngoại đạo ấy cho rằng trùm khắp cả 10 phương hay không?”

Kinh văn:

世尊亦曾於楞伽山。為大慧等敷演斯義。彼外道等常說自然。我說因緣非彼境界。

Thế tôn đã từng ở núi Lăng-già, vì ngài Đại Huệ v.v... giảng rộng nghĩa nầy: ngoại đạo kia thường nói tự nhiên, còn Như Lai nói nhân duyên, chẳng phải là cảnh giới của hàng ngoại đạo kia.

Giảng:

A-nan thưa tiếp: “Thế tôn đã từng ở núi Lăng-già, vì ngài Đại Huệ v.v... giảng rộng nghĩa nầy: Khi Đức Phật giảng Kinh Lăng-già, thì Bồ-tát Đại Huệ là đương cơ trong pháp hội ấy, cũng như trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, A-nan là đương cơ. Và không chỉ có Bồ-tát Đại Huệ, mà còn có nhiều Bồ-tát câu hội. “Thế tôn đã giảng rằng các ngoại đạo kia thường nói tự nhiên.”

 Thời ấy có nhiều ngoại đạo thường nói về thuyết tự nhiên. Học thuyết ấy là gì? Đây là những gì họ chủ trương:

Thuỳ khai hà hải đôi sơn nhạc?

Thuỳ tước kinh cức hoạ cầm thú?

Nhất thiết vô hữu năng sinh giả,

Thị cố ngã thuyết vi tự nhiên.

Nghĩa:

Ai đào sông biển đắp đồi núi?

Ai vót chông gai vẽ cầm thú?

Hết thảy đều không do ai sinh.

Thế nên ta nói tự nhiên sinh.

Ai tạo nên biển cả? Quý vị không thể nào kể ra tên người đã tạo nên biển. Quý vị cũng chẳng thể nào tìm ra người đã tạo ra sông. Mặc dù ở Trung Hoa có Vua Vũ trị thuỷ, có lẽ Vua Vũ chẳng phải thuộc loại ngoại đạo tinh khôn đó ở Ấn Độ. Ai dồn đất lại rồi đắp thành núi? Ai tạo nên những ngọn núi? Làm sao mà núi cao như vậy? Khi hỏi ai đã tạo ra chúng, họ đi đến kết luận rằng nó sinh khởi tự nhiên. Tự nhiên mà sông xuất hiện, tự nhiên mà biển ra đời. Tự nhiên mà núi thành hình. Chông gai, chim thú– tất cả mọi vật, không cần người giúp đỡ, mà tự nó sinh ra. “Trong tất cả vật tượng ấy, không có một đấng tạo nên, do vậy tôi nói nó tự nhiên sinh.”

Còn Như Lai nói nhân duyên. Ở đây A-nan trích dẫn lời Đức Phật đã nói trước đây. Bạch Thế tôn, trước đây Thế tôn đã giảng về nhân duyên sanh, đó chẳng phải là cảnh giới của hàng ngoại đạo kia. Đó không giống như quan niệm về tự nhiên của hàng ngoại đạo kia. Tuy nhiên, giáo lý mà con nghe Như Lai đang nói có vẻ giống như lý thuyết mà ngoại đạo chủ trương. Như Lai bảo rằng giác duyên trùm khắp 10 phương, còn ngoại đạo chủ trương Chân ngã của họ cũng trùm khắp 10 phương. Thế có giống nhau chăng? Tên gọi có khác nhau. Nhưng giác duyên mà Như Lai nói lại rất giống với Chân ngã. Và Chân ngã của ngoại đạo lại có vẻ rất tương đồng với giác duyên. Phải chăng chẳng có đạo lý gì trong đó cả?

Nghĩa của ‘nhân’ và ‘duyên’ mà Đức Phật nói là gì? Tôi đã từng giảng cho quý vị rồi. Nhân là hạt giống. Cái góp phần vào cho sự tăng trưởng hạt giống ấy là duyên. Gieo hạt giống vào lòng đất là nhân, duyên là những yếu tố trợ giúp góp phần cho sự tăng trưởng– bùn, đát, nước, phân bón, mặt trời, và những yếu tố khác được gọi là duyên góp phần giúp cho sự tăng trưởng của hạt giống. Bạch Thế tôn, Thế tôn nói mọi vật hiện hữu đều có nhân duyên, và thế là nhân duyên ấy đã phá vỡ thuyết tự nhiên của ngoại đạo rồi. Nhân duyên chẳng giống như tự nhiên, thế nên nó phá huỷ toàn triệt lý thuyết tự nhiên của ngoại đạo.

Nhưng giác duyên và Chân ngã của ngoại đạo đều trùm khắp cả 10 phương. Mười phương trải dài xa lắm. Nếu giác duyên của quý vị trùm khắp cả 10 phương và chân ngã của ngoại đạo cũng trùm khắp cả 10 phương thì ắt hẳn nó phải tương đồng.

Kinh văn:

我今觀此覺性自然非生非滅。遠離一切虛妄顛倒。似非因緣與彼自然。云何開示不入群邪。獲真實心妙覺明性.

Nay con quán sát kỹ, thấy tánh giác vốn tự nhiên, không sinh không diệt, xa lìa mọi hư vọng điên đảo nầy, dường như chẳng phải nhân duyên hoặc tự nhiên của ngoại đạo kia. Xin Thế tôn chỉ dạy cho chúng con làm sao để khỏi rơi vào tà kiến, đạt được tâm tánh chân thật giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu.

Giảng:

“Nay con quán sát kỹ, thấy tánh giác nầy vốn tự nhiên con quán sát kỹ lưỡng tánh giác mà Thế tôn nói như thể là tự nhiên ấy. Nó không sinh không diệt; có phải đó là tự nhiên chăng? Nó xa lìa mọi hư vọng điên đảo– nó xa rời hẳn mọi hiện tượng điên đảo và tâm điên đảo. Dường như chẳng phải nhân duyên hoặc tự nhiên của ngoại đạo kia. Đó như thể chẳng phải là nhân duyên và cũng khác với tự nhiên. Vậy thì, nó lại có vẻ giống nhau.”

Đây là ý nghĩa của “dường như giống dường như khác.”

“ Xin Thế tôn chỉ dạy cho chúng con làm sao để khỏi rơi vào tà kiến. Bạch Đức Thế tôn, xin Ngài chỉ dạy cho chúng con khỏi tin vào tà kiến kia.”

“Tà kiến” là chỉ cho hàng ngoại đạo.

“Đạt được tâm tánh chân thật giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu. Làm sao để con nhận ra chân tâm của mình? Nguyện xin Đức Phật rủ lòng từ bi chỉ dạy cho con.

Kinh văn:

佛告阿難,我今如是開示方便。真實告汝。汝猶未悟,惑為自然。

Đức Phật bảo A-nan: “Nay Như Lai dùng phương tiện chỉ dạy như vậy, chân thật dạy ông mà ông còn chưa ngộ, lầm cho là tự nhiên.”

Giảng:

Đức Phật không nóng giận, nhưng có lẽ Đức Phật phải cau mày khi Ngài nói điều nầy, vì người đệ tử nhỏ của Ngài quá mê muội.

Đức Phật bảo A-nan: “Nay Như Lai dùng phương tiện chỉ dạy như vậy, chân thật dạy ông. Như Lai đã giảng giải điều nầy và các khía cạnh khác của nó–Như Lai đã giảng giải đến 7 hoặc 8 lần rồi. Nay là lần thứ 9 trong 10 lần chỉ bày tánh thấy,[20] mà ông vẫn chưa hiểu. Sao ông lại như vậy?”

“Phương tiện” có nghĩa là những pháp môn quyền xảo, không phải là thật pháp. Đó là những trường hợp “quán sát căn cơ chúng sinh và vận dụng giáo pháp thích hợp để dạy cho họ.” Đức Phật tìm xem nên dùng giáo lý nào để dạy cho A-nan, rồi Ngài dùng pháp môn phương tiện quyền xảo khéo léo vi diệu, chẳng hạn như dùng vô số ví dụ khác nhau và nhiều cách để chỉ bày tánh thấy như Ngài đã dùng, và như cách Ngài gạn hỏi A-nan về tâm.

“Mà ông còn chưa ngộ.” Đức Phật rất hết lòng với A-nan khi Ngài nói như vậy. “Rốt ráo những Như Lai đã nói với ông, toàn bộ những giáo lý Như Lai đã giảng giải, mà ông vẫn không chịu lắng nghe, và ông vẫn chưa nhận ra được chút nào cả. Thay vì vậy, ông vẫn lầm cho là tự nhiên. Ông vẫn so sánh giáo lý mà Như Lai giảng giải cho ông với thuyết tự nhiên của ngoại đạo. Ông thực là sai lầm. Sao ông đần độn như vậy? Sao ông so sánh như vậy? Nó chẳng giống nhau chút nào cả.”

Kinh văn:

阿難,若必自然自須甄明有自然體。

A-nan, nếu chắc là tự nhiên, thì cần phải xét rõ có cái thể tự nhiên chăng.

Giảng:

“A-nan, Như Lai sẽ giải thích cho ông: nếu chắc là tự nhiên– nếu ông nhất định cho rằng giáo lý mà Như Lai giảng giải giống như thuyết tự nhiên của ngoại đạo, thì cần phải xét rõ có cái thể tự nhiên chăng.

Nay chúng ta sẽ khảo sát thuyết thuật ngữ nầy và làm cho nó sáng tỏ và vạch rõ ra. Chẳng hạn, họ nói rằng tự nhiên ấy có thể tính. Thế thì ‘Ai tạo ra sông?’ Sông tự nhiên mà có, vậy sông vốn đã có sẵn đó rồi. ‘Ai tạo ra biển?’ Họ nói rằng biển tự nhiên mà có, vậy biển vốn đã có sẵn đó rồi. Thế thì biển là bản tính của tự nhiên. Vậy là nó vẫn có một thể tính. Họ nói rằng: “Ai đắp thành núi?” Chẳng có ai đắp thành núi cả, vậy là núi tự nhiên có. Vậy là vốn có một thể tính của núi. Thể tính của núi là thể tính tự nhiên. Vậy nay đâu là thể tính của Phật pháp? Nói mau!

Kinh văn:

汝且觀此妙明見中,以何為自。此見為復以明為自以暗為自。以空為自以塞為自。

Ông hãy quán sát trong tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu nầy, lấy gì làm tự thể? Tánh thấy nầy lấy sáng làm tự thể hay lấy tối làm tự thể; lấy không làm tự thể, hay lấy ngăn bít làm tự thể?

Giảng:

“Ông vẫn chưa hiểu được. Nên Như Lai sẽ giải thích rõ hơn cho ông. Hãy lắng nghe.”

 Đức Phật trình bày lập luận khác để chỉ bày cho A-nan thấy rằng đó là sự sai khác trong mọi cái thấy thông thường.

“Ông hãy quán sát trong tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu nầy, lấy gì làm tự thể? Hãy dùng tâm của ông quán sát một lần nữa. Có tự thể trong tánh thấy giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu không? Bản thể tánh thấy của ông là gì? Ông bảo tánh thấy là tự nhiên? Nếu tánh thấy là tự nhiên, thì nó ắt phải có thể tính. Thế bản thể của tánh thấy là gì? Nói nhanh! Tánh thấy nầy lấy sáng làm tự thể. Có phải tánh thấy nhận sáng làm tự thể hay không? Hay lấy tối làm tự thể. Có phải cái tối tạo nên tự thể của tánh thấy hay không? Lấy không làm tự thể. Có phải tánh thấy nhận không làm tự thể hay chăng? Hay lấy ngăn bít làm tự thể? Có phải sắc chất tạo nên tự thể của tánh thấy hay không? Nói nhanh!”

Bây giờ Đức Phật gạn hỏi A-nan, A-nan mới chịu quay trở lại. Nhưng trước khi A-nan trả lời, Đức Phật lại đưa ra ngay lời phản bác của chính Ngài.

Kinh văn:

阿難,若明為自,應不見暗。若復以空為自體者,應不見塞。如是乃至諸暗等相以為自者。則於明時,見性斷滅,云何見明.

A-nan, nếu lấy sáng làm tự thể, thì đáng lẽ (khi tối đến) chẳng thấy tối. Nếu lấy không làm tự thể, thì đáng lẽ chẳng thấy ngăn bít. Như thế cho đến lấy các tướng tối làm tự thể, thì khi sáng, tánh thấy phải diệt mất, làm sao thấy được sáng?

Giảng:

Đức Phật giảng giải cho A-nan sâu hơn một chút: “A-nan, nếu lấy sáng làm tự thể, thì đáng lẽ (khi tối đến) chẳng thấy tối.” Nếu ông lấy sáng làm thể tính của tự nhiên, và nếu ông cho rằng tánh thấy cũng là tự nhiên, thì khi tối đến, lẽ ra ánh sáng phải tắt đi và biến mất hẳn, nghĩa là ánh sáng không xuất hiện nữa; vậy nên ông không còn thấy tối nữa. Lại nữa, ông nói rằng sáng là tự thể, thế tại sao lại thấy được khi tối đến?

Nếu lấy không làm tự thể, thì đáng lẽ chẳng thấy ngăn bít.

Ngăn bít có nghĩa là nơi mà không nhìn xuyên qua được. Nếu ông lấy không làm tự thể của tánh thấy, thì tánh thấy của ông phải biến mất khi ông đối diện với vật ngăn bít. Nếu chẳng có rỗng không, thì tự thể ấy không còn.

Như thế cho đến lấy các tướng tối làm tự thể, thì khi sáng, tánh thấy phải diệt mất, làm sao thấy được sáng?

Đạo lý nầy chặt chẽ trong mọi trường hợp. Tánh thấy lẽ ra bị diệt mất khi sáng đến. Cho nên nói rằng tối là tự thể cũng là sai lầm.

Kinh văn:

阿難言,必此妙見性非自然。我今發明是因緣生[21]。心猶未明,諮詢如來。是義云何合因緣性。

A-nan thưa: “Tánh thấy nhiệm mầu nầy chắc chẳng phải tự nhiên. Nay con phát minh là do nhân duyên sinh. Nhưng tâm vẫn còn chưa rõ. Xin hỏi Đức Như Lai nghĩa ấy như thế nào mới hợp với tánh nhân duyên?”

Giảng:

Trước đây A-nan đã nói rằng tánh thấy chẳng phải là nhân duyên; nay A-nan nói rằng đó là nhân duyên. A-nan cũng thay đổi bất thường.

A-nan thưa: “Tánh thấy nhiệm mầu nầy chắc chẳng phải tự nhiên. Chắc hẳn như vậy, như Thế tôn nói, tánh thấy vi diệu nhiệm mầu thấy được mọi vật chẳng phải là tự nhiên, vì nó không có thể tính. Nay con phát minh là do nhân duyên sinh.”

Bây giờ A-nan không nói tự mình xem xét nữa, mà nói là do tự mình phát minh. “Nhưng tâm vẫn còn chưa rõ.

Con nghĩ rằng tánh thấy do từ nhân duyên sinh, nhưng rồi lại thấy dường như nó không tương ưng với đạo lý nầy. Như thể chẳng hề có cái như vậy. Đó là những gì con suy nghĩ, nhưng tâm con hòan toàn không rõ ràng về chuyện ấy.”

Quý vị nghĩ thế nào về A-nan? A-nan vẫn chưa hiểu, nhưng A-nan vẫn cố bám vào ý riêng của mình. Nay A-nan đang cố bám vào chiếc mũ nhân duyên.

“Xin hỏi Đức Như Lai nghĩa ấy như thế nào mới hợp với tánh nhân duyên? Bạch Thế tôn, giáo lý nầy nên được giải thích như thế nào? Làm sao để nó tương ưng với tánh nhân duyên? Nguyện xin Thế tôn giảng giải cho con.”

Bây giờ không phải Đức Phật là người nói tánh thấy là do nhân duyên sinh; mà chính A-nan là người nói điều ấy, và chính A-nan vẫn chưa hiểu được. A-nan mong Đức Phật Giảng giải điều ấy. Cơ bản là những gì A-nan nói đều thiếu đạo lý. A-nan không hiểu được giáo lý. Ban đầu A-nan nói tánh thấy là tự nhiên, rồi nay nói tánh thấy là tự nhiên sinh, nói thế là do vì A-nan không hiểu được giáo lý ra sao, A-nan đang mong có ai giảng rõ điều ấy. Gặp người như A-nan thật dễ nhức đầu.

Kinh văn:

佛言,汝言因緣,吾復問汝。汝今因[22]見,見性現前。此見為復因明有見,因暗有見。因空有見,因塞有見。

Đức Phật bảo: “Ông nói nhân duyên, Như Lai lại hỏi ông , nay ông nhân thấy, tánh thấy hiện tiền. Vậy cái thấy nầy nhân nơi sáng mà có thấy hay nhân nơi tối mà có thấy, nhân nơi hư không mà có thấy hay nhân nơi ngăn bít mà có thấy?”

Giảng:

Đức Phật bảo: “Ông nói nhân duyên. Ông mong Như Lai giải thích cho ông biết làm sao để nó khế hợp với tánh nhân duyên. Nhưng chính ông là người nói rằng tánh thấy là nhân duyên sinh. Được rồi, Như Lai sẽ giảng giải về nhân duyên cho ông rõ. Nhưng trước hết, Như Lai muốn hỏi ông một số vấn đề.

Như Lai lại hỏi ông, nay ông nhân thấy, tánh thấy hiện tiền. Tánh thấy đang hiện hữu trước mắt ông.

Vậy cái thấy nầy nhân nơi sáng mà có thấy hay nhân nơi tối mà có thấy, nhân nơi hư không mà có thấy hay nhân nơi ngăn bít mà có thấy? Cuối cùng, làm thế nào mà tánh thấy của ông hiện hữu?”

Đức Phật thực sự là Đấng đại từ đại bi. Ngài thách thức với những ai vẫn giữ “cái đầu đặc cứng[23] cứ nói lui nói tới rồi nói vòng vo– và với lòng từ bi vô cùng tận, Ngài vẫn giảng giải cho A-nan. Có lẽ trong trường hợp nầy Đức Phật đã quá nuông chiều A-nan. A-nan là em họ thân yêu của Đức Phật, A-nan có thói quen được nói và làm những gì mình thích. A-nan giống như những đệ tử của tôi hiện nay không biết sợ sư phụ của mình. họ dám nói mọi điều– ngay cả trước mặt sư phụ mình. Khi tôi còn ở Hồng Kông, đệ tử tôi không dám mở miệng khi họ ở quanh tôi. Họ rất sợ tôi. Đệ tử người Mỹ các ông không biết sợ thầy. Và tôi cũng không muốn khiến các ông sợ tôi. Nên bây giờ là “tốt”. “OK?!”

Kinh văn:

阿難,若因明有,應不見暗。如因暗有,應不見明。如是乃至因空因塞,同於明暗。

A-nan, nếu nhân nơi sáng mà có, thì đáng lẽ chẳng thấy được tối. Nếu nhân nơi tối mà có, thì đáng lẽ chẳng thấy được sáng. Như thế cho đến nhân nơi hư không, nhân nơi ngăn bít, cũng đồng như sáng và tối.

Giảng:

“A-nan, ông nên biết rằng Như Lai đã giải thích giáo lý giống nhau nầy nhiều lần rồi, Nay Như Lai sẽ giảng giải một lần nữa cho ông. A-nan, nếu nhân nơi sáng mà có – nếu ông nói rằng tánh thấy hiện hữu do nơi sáng –

thì đáng lẽ chẳng thấy được tối. Khi tối, lẽ ra ông không thấy được tối. Nếu nhân nơi tối mà có, thì đáng lẽ chẳng thấy được sáng. Nếu ông nói, ‘A! chẳng phải tánh thấy là do vì có sáng, mà do vì tối. Tánh thấy có là do tối.’ Thế thì khi sáng, tánh thấy của ông phải biến mất. Sao vậy? Ông nương nhờ tối mới thấy được; nay cái tối ấy đã biến mất, nên tánh thấy của ông cũng biến mất luôn. Lý lẽ tương tự cũng được áp dụng cho các trường hợp khác. Như thế cho đến nhân nơi hư không, nhân nơi ngăn bít, cũng đồng như sáng và tối.

Nếu nhờ vào hư không mà có tánh thấy, thì nơi nào có ngăn bít thì tánh thấy phải biến mất. Nếu nhờ vào ngăn bít mà có tánh thấy, thì nơi nào có hư không thì tánh thấy phải biến mất. Nhưng đó không phải là cách đối với quý vị. Khi sáng quý vị thấy được, khi tối quý vị vẫn thấy được, nơi hư không quý vị thấy được, nơi ngăn bít quý vị cũng thấy được. Tại sao ông có ý kiến rằng tánh thấy nương vào nhân duyên là đúng?”

Kinh văn:

復次阿難,此見又復緣明有見,緣暗有見。緣空有見,緣塞有見。

Lại nữa A-nan, cái thấy nầy lại duyên nơi sáng mà có thấy, hay duyên nơi tối mà có thấy? Duyên nơi hư không mà có thấy, hay duyên nơi ngăn bít mà có thấy?

Giảng:

“ Trước đây Như Lai đã nói về nhân, nay Như Lai sẽ hỏi ông về duyên. Như Lai sẽ giảng giải rõ hơn một chút cho ông.”

Quý vị có thấy Như Lai từ bi như thế nào không? Ngài thấy A-nan vẫn đứng trơ hai con mắt ra nhìn, A-nan vẫn chưa hiểu, thế nên Như Lai giảng giải thêm một lần nữa.

“Lại nữa A-nan, cái thấy nầy lại duyên nơi sáng mà có thấy, hay duyên nơi tối mà có thấy? Cái thấy nương theo sáng hay nương theo tối? Duyên nơi hư không mà có thấy, hay duyên nơi ngăn bít mà có thấy? Có phải do nơi nhân duyên của hư không mà có tánh thấy hay do nơi nhân duyên của ngăn bít mà có tánh thấy?

Kinh văn:

阿難,若緣空有,應不見塞。若緣塞有,應不見空。如是乃至緣明緣暗,同於空塞。

A-nan, nếu duyên nơi hư không mà có, lẽ ra không thấy chỗ bít lấp; nếu duyên nơi bít lấp mà có, lẽ ra không thấy hư không. Như thế cho đến duyên nơi sáng, duyên nơi tối, cũng đồng như hư không và bít lấp.

Giảng:

A-nan, nếu duyên nơi hư không mà có – nếu nhờ vào hư không mà có tánh thấy, thì lẽ ra không thấy chỗ bít lấp. Đạo lý ở đây cũng giống như đã giảng giải trên kia. Nhưng vì lòng từ bi của Như Lai mà Ngài giải thích rất chi tiết, không ngại phiền hà. Nếu duyên nơi bít lấp mà có – nếu nhờ vào bít lấp mà có tánh thấy, lẽ ra không thấy hư không. Như thế cho đến duyên nơi sáng, duyên nơi tối, cũng đồng như hư không và bít lấp.

Lý luận về tánh thấy hiện hữu do duyên nơi sáng hoặc duyên nơi tối đều giống như lý luận về tánh thấy hiện hữu do duyên nơi hư không hoặc duyên nơi bít lấp.”

Kinh văn:

當知如是精覺妙明非因非緣。亦非自然.

Phải biết tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu nầy chẳng phải nhân chẳng phải duyên, chẳng phải tự nhiên, chẳng phải không tự nhiên.

Giảng:

Nay một lần nữa Đức Phật lại khuấy động A-nan từ trong mê muội của ông.

Phải biết – đừng tiếp tục mê muội nữa! Tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu nầy , tánh thấy, chẳng phải nhân chẳng phải duyên. Nó chẳng phải nhân chẳng phải duyên, và nó chẳng phải tự nhiên. Nay ông hiểu không?

Kinh văn:

非不自然。無非不非,無是非是。

Chẳng phải không tự nhiên, không có cái chẳng phải (phi) và chẳng chẳng phải (bất phi), không có cái phải (thị) và chẳng phải (phi thị).

Giảng:

Đó là cái siêu việt mọi đối đãi, mọi so sánh, mọi thiên chấp. “ Chẳng phải không tự nhiên.” Bây giờ không thể nói chắc chắn rằng tánh thấy sinh khởi tự nhiên. Hai lần phủ định có nghĩa là ngay cả không tự nhiên cũng chẳng có luôn. “ Không có cái chẳng phải (phi) và chẳng chẳng phải (bất phi).” Chẳng có sự phủ định và cũng chẳng có cái không phủ định. Không có cái chẳng phải, và không có cả cái chẳng chẳng phải. Không có cái phải (thị) và chẳng phải (phi thị). Chẳng có gì là đúng hoặc sai. Quý vị không nên dùng vọng tâm để đo lường phân biệt. Một khi quý vị nghĩ về phải (thị) và chẳng phải (phi thị), là quý vị đã bỏ mất đạo lý về tánh thấy. Thế đó là cái gì?

Kinh văn:

離一切相,即一切法。

Lìa tất cả tướng, tức tất cả pháp.

Giảng:

Nếu quý vị xa lìa được hết thảy mọi thứ hư vọng, thì đó chính là pháp chân thật. Đừng dụng công tu tập trên tính hư vọng của các pháp.

Lìa tất cả tướng, tức tất cả pháp.

Nếu quý vị có thể xa lìa được hết thảy mọi thứ hư vọng, thì đó chính là tánh thấy chân thật của quý vị, đó chính là pháp vi diệu chân thật. Những tướng hư vọng ấy là gì? Nó là những tướng biểu hiện của vọng tưởng. Xa lìa mọi vọng tưởng tức đó là diệu pháp chân như. Nếu quý vị không tự mình xa lìa hết thảy mọi thứ vọng tưởng, thì không thể nào thể nhập được cùng diệu pháp chân như.

Kinh văn:

汝今云何於中措心。以諸世間戲論名相而得分別。如以手掌撮摩虛空。只益自勞。虛空云何隨汝執捉.

Nay ông sao ở trong chỗ bỏ mất bản tâm, nhận các danh tướng hý luận thế gian mà vọng khởi phân biệt? Như lấy tay chụp bắt hư không chỉ thêm tự nhọc, hư không làm sao để ông bắt được?

Giảng:

Thế tôn tiếp tục nói với A-nan: Nay ông sao còn ở trong ấy nhận lầm các danh tướng hý luận thế gian mà vọng khởi phân biệt?

Tại sao ông vẫn ở trong vọng tưởng và dùng thức tâm phân biệt? Sao ông vẫn cứ nương vào vọng tưởng mà dụng công tu tập? Lý thuyết thế gian về tự nhiên, nhân duyên đều là nguỵ biện. Là nhạy bén và hý luận về những điều không thực tế. Ông dùng thuật ngữ và đặc điểm hý luận là để phân biệt với diệu pháp của Như Lai, là để phân biệt với đại định vi diệu Thủ Lăng Nghiêm. Sao ông làm như vậy? Như lấy tay chụp bắt hư không. Dùng tâm vọng tưởng, dùng thức tâm phân biệt để đo lường đại định vi diệu Thủ Lăng Nghiêm thì cũng giống như dùng tay nắm bắt hư không. Làm sao ông nắm giữ hư không được? Ông hãy hỏi đứa trẻ con thử xem có nắm bắt được hư không chăng? Ngay đứa trẻ cũng nói là không thể nào nắm bắt hư không được. Những điều ông đang làm hiện nay là nắm bắt hư không. Cũng như trước đây Thiền sư Đặng Ẩn Phong[24] có nói: “Trước tiên hãy bắt cho được hư không, rồi mới bắt được Đặng Ẩn Phong nầy.” Sư nói như vậy với một con ma muốn bắt sư. Trước khi để cho ma bắt, Sư đấu lý với nó. Sư bảo: “Đợi ta một chút được chăng? Ta có chút việc nhỏ chưa làm xong. Khi nào xong việc, ta sẽ theo ngươi đi gặp Diêm vương.”

Đặng Ẩn Phong là ai?

Là một Thiền sư có định lực rất cao. Khi Sư đang ở trong định, thì quỷ thần không thể thấy được Sư, nhưng Sư có thể thấy được quỷ thần khi Sư xuất định. Lúc ấy quỷ Vô thường đến thăm Sư.

Quỷ Vô thường là gì?

Khi quý vị sắp đến giờ lâm chung, quỷ vô thường là bạn đồng hành đến để đưa quý vị đi gặp Diêm vương. Ngài bạn đồng hành ấy đến bắt Đặng Ẩn Phong và nói rằng: “Mạng sống của ông hết rồi. Hãy đi gặp Diêm vương với tôi.” Rồi nó còng tay bằng xích sắt Đặng Ẩn Phong lại.

Đặng Ẩn Phong nói với quỷ: “Này ông bạn, đừng có vô lễ như vậy. Ta vẫn còn một việc chưa làm xong, khi nào xong rồi ta sẽ đi với ngươi.”

Quỷ vô thường suy nghĩ, ngươi cố cưỡng lại lệnh Diêm vương. Được rồi, lịch sự với nhà ngươi một chút cũng chẳng sao. Nên quỷ nói: “Ông có việc gì chưa xong nào?”

Đặng Ẩn Phong liền xếp chân ngồi thiền theo thế kiết già, ngay đó Sư liền nhập vào đại định. Định mà Sư nhập vào là Vô tướng Tam muội. Trước vào định, Sư nói: “Hãy đi mà bắt hư không rồi mới đem Đặng Ẩn Phong nầy theo được.”

Sư nói với quỷ vô thường tiếp: “Nếu ngươi bắt được hư không, thì hãy trở lại đây đưa ta đi gặp Diêm vương.”

Một khi Sư đã nhập định rồi, thì quỷ vô thường không còn cách nào bắt Sư được nữa. Nên quý vị phải biết rằng định lực cực kỳ quan trọng. Định lực có nghĩa là không bị vật xoay chuyển. Trong Kinh văn trước đã có nói: “Nếu chuyển được vật, tức đồng Như Lai.” Tu tập đạt được định lực cũng như vậy.

Tôi sẽ giải thích đạo lý nầy cho quý vị biết đó là điều chân thật chứ không phải là chuyện đùa. Nếu là người có định lực, thì khi thấy phụ nữ, bất luận cô ta đẹp đến cỡ nào, thì anh ta vẫn kiềm chế được tâm mình. Anh ta không móng khởi dục vọng. Đó là định lực. Nếu khi vừa thấy phụ nữ mà quý vị trở nên loạng choạng chao đảo và thấy như có bàn tay chặn ngang họng, thì đó là không có định lực. Quý vị có thể đảo ngược chủ ngữ trong câu văn, có nghĩa là tương tự như khi phụ nữ gặp đàn ông. Quý vị phải giữ trạng thái như như bất động, và nếu quý vị có thể giữ mình không bị xoay chuyển bởi dục vọng, thì quý vị có được định lực. Đó mới chỉ là bước đầu tiên. Bước đầu tiên là đạt được năng lực không bị xoay chuyển bởi dục vọng, thế nên thấy đồng nghĩa với không thấy. Quý vị đối đầu với hòan cảnh mà không móng tâm. Quý vị nếm mùi chịu đựng mà vẫn không động tâm. Đó là định lực. Quý vị có thể đo lường định lực của mình đến đâu. Chẳng hạn, nếu quý vị giữ được tâm bất động không khởi ham muốn dục vọng nam nữ trong tâm, thế là quý vị đã có chút ít định lực. Xa hơn, nếu quý vị có thể giữ không sinh khởi chút rắc rối nào khi đi với bạn gái mình, thì đó là công phu chân chính. Nhưng công phu nầy không thể dễ đạt được. Nếu quý vị đạt được định lực ấy, có nghĩa là quý vị có khả năng tu tập và đạt được thân kim cương bất hoại.

Nếu quý vị thiếu định lực ấy, thì phải làm gì? Là đừng bao giờ thỏa mãn với hòan cảnh hạn hẹp nầy, rồi nói: “Tôi chẳng cần định lực ấy nhiều như thế đâu. Tôi chẳng cần tu. Tôi chịu thua thôi.” Thật là uổng công. Quý vị chỉ chuốc lấy sự thất bại thôi. Quý vị càng có ít định lực thì càng phải tu tập nhiều. Chẳng hạn, ‘Tôi ngồi thiền là thấy đau nhức. Càng đau, tôi càng muốn ngồi thiền. Tôi phải tự nỗ lực làm những việc khó làm.’ Đó cũng là định lực.

Chỉ thêm tự nhọc. Đức Phật bảo A-nan rằng dùng tâm thức để phát minh những hý luận về tánh thấy cũng như cố gắng nắm bắt hư không. Những gì ông làm đều là lao nhọc vô ích. Ông tự làm mình mòn mỏi và cạn kiệt sinh lực. Ông tự phí sức mình. Rốt ráo, nếu ông tiếp tục sờ soạng hư không bằng tay mình, tay ông có tránh khỏi bị mỏi không? Cuối cùng, tay ông sẽ nhức mỏi và sẽ bắt đầu chuyển từ tình trạng đau nhức sang kiệt sức. Ông vật lộn chụp bắt hư không nhưng không thể nào nắm bắt được hư không. Ông chụp bắt mà không có được gì cả. Ông lại chụp bắt và lại không có được gì cả. Cũng giống như không có việc gì để làm và đi tìm xem có việc gì để làm. Và đó là cách A-nan đang làm. A-nan không có việc gì để làm cả. Có lẽ đó là trường hợp của một vị tăng ăn no rồi không biết làm việc gì nên bắt đầu chụp bắt hư không.

Hư không làm sao để ông bắt được?

Làm sao mà hư không lại để cho ông nắm bắt được? Hư không cơ bản vốn là hư không. Làm sao ông bắt được nó? Nếu nó có cái gì đó để ông nắm bắt được, thì nó không phải là hư không. Nó phải là vật thì ông mới có thể bắt được nó. Chẳng hạn, cái tách nầy: vì nó là cái tách, nên tôi có thể cầm lấy nó. Nếu cái tách không có ở kia thì không thể nào cầm nắm rồi đưa tách lên xuống, và sẽ không có chuyện gì hết cả. Thế nên Đức Phật ví A-nan, người chuyên công phu tu tập bằng thức tâm phân biệt, với những người chụp bắt hư không. Đạo lý nầy giống nhau. Quý vị chỉ tăng thêm nhọc mệt, chẳng có lợi lạc chút nào cho bản tâm cả.

Kinh văn:

阿難白佛言,世尊。必妙覺性非因非緣。世尊云何常與比丘。宣說見性具四種緣。所謂因空因明因心因眼.是義云何。

A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn! Nếu tánh giác nhiệm mầu nầy chẳng phải nhân chẳng phải duyên, tại sao Thế tôn thường chỉ dạy các tỷ-khưu: tánh thấy gồm đủ bốn thứ nhân duyên, nghĩa là nhân nơi hư không, nhân nơi sáng, nhân nơi tâm, và nhân nơi mắt. Nghĩa ấy như thế nào?”

Giảng:

Quý vị nói A-nan đã xúc phạm nhiều ít? A-nan đã bất kính với đạo sư của mình. A-nan thô tháo muốn tranh luận công khai với Đức Phật. Giống như đấu một ván cờ không hơn không kém.

A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn! Nếu tánh giác nhiệm mầu nầy chẳng phải nhân chẳng phải duyên, tại sao Thế tôn thường chỉ dạy các tỷ-khưu: tánh thấy gồm đủ bốn thứ nhân duyên.”

A-nan vay mượn giáo lý của Đức Phật. “Chính Như Lai đã dạy điều nầy, chứ không phải con tự nói. Như Lai đã nói về tánh thấy như vậy.” Hãy lắng nghe A-nan nói! A-nan đang phản bác lại Đức Phật. A-nan luồn lách bên nầy rồi bên kia nhiều lần và chưa nói được đều gì đúng cả– lúc ấy có lẽ A-nan lơ là không nghe giảng. “Tôi sẽ được nghe Đức Phật giảng.” Thế nên A-nan nói: “Bạch Thế tôn, Ngài thường nói rằng tánh thấy phải có đầy đủ bốn duyên, sao nay Thế tôn lại nói tánh thấy chẳng phải nhân chẳng phải duyên?” Chắc có lẽ mật của A-nan phải lớn bằng cả bầu trời mới dám tranh luận với Đức Phật như vậy.

Bốn duyên ấy là gì?

“Nghĩa là nhân nơi hư không, nhân nơi sáng, nhân nơi tâm, và nhân nơi mắt. Nghĩa ấy như thế nào?

Thế tôn giải thích nghĩa nầy như thế nào? Trước đây Thế tôn giảng giải tánh thấy căn cứ vào bốn duyên nầy, nay Thế tôn nói ngược lại. Sao Thế tôn làm như vậy? Phải chăng là Phật thì có thể nói những điều không cần phải cân nhắc trước? Đức Phật thì không bao giờ nói dối. Sao trước đây Thế tôn nói như thế mà nay lại nói khác?”

Quý vị có thể thấy được rằng pháp hội gồm những đệ tử như A-nan thật là nan giải. Thật may mắn Đức Phật là Phật. Nếu tôi ở trong pháp hội đó, tôi cũng chẳng có cách nào để luận giải cho A-nan.

Kinh văn:

佛言.阿難,我說世間諸因緣相,非第一義。

Đức Phật bảo A-nan: “Như Lai nói các tướng nhân duyên trong thế gian, chẳng phải là đệ nhất nghĩa.”

Giảng:

Khả năng tranh luận của A-nan thật giỏi đến nỗi A-nan có thể thuyết phục được Đức Phật.

Đức Phật bảo A-nan: “Như Lai nói các tướng nhân duyên trong thế gian, chẳng phải là đệ nhất nghĩa.”

Đó không phải là giáo lý nền tảng. Những gì Như Lai nói lúc ấy là pháp quyền và phương tiện. Ông không nên nghĩ rằng những điều Như Lai nói khi ấy là giáo pháp chân thật. Lúc ấy, như thể Như Lai dỗ trẻ con bằng cách nói rằng các con nên ngoan ngoãn, đừng nên bướng bỉnh. “Khi lớn lên, các con sẽ là một quan chức. Các con sẽ làm được nhiều việc quan trọng.” Đó là pháp quyền, pháp môn phương tiện. Nghe qua, như thể chẳng phải là Đức Phật bị A-nan phản bác, phải không?

Trong Kinh Duy-ma-cật, Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát hỏi Cư sĩ Duy-ma-cật, “Thế nào là đệ nhất nghĩa?”

Quý vị biết Cư sĩ Duy-ma-cật trả lời như thế nào không? Quý vị thử đoán xem? Nếu có ai biết được, thì người ấy là Duy-ma-cật tái thế. Có ai trong quý vị biết đệ nhất nghĩa là gì không?

Bất kỳ ai đã đọc Kinh Duy-ma-cật đều biết. Nhưng nếu tôi nói, quý vị phải đừng nên đi quanh làm dáng ra vẻ ta đây hiểu biết đối với mọi người, bắt chước phong cách của Cư sĩ Duy-ma-cật, vì quý vị chưa đạt đến cảnh giới như Ngài. Đừng như những người phạm sai lầm khi làm ra vẻ như mình biết những điều thực sự chưa biết. Duy-ma-cật nhắm mắt và ngậm miệng im lặng. Ngài không nói một lời. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói: “Ồ! Ngài đã hiểu.” Cách Ngài trả lời là như vậy. Nhưng quý vị không nên làm như thế khi đi đâu và có ai hỏi về Đệ nhất nghĩa.

Điều ấy không thể chấp nhận được. Rất tốt khi hiểu được, nhận ra được nghĩa lý ấy, nhưng quý vị không nên đi quanh làm ra vẻ ngây ngô, như thể mình cũng giống như Duy-ma-cật. Điều ấy không được phép. Cũng như khi đọc Pháp Bảo Đàn Kinh, bộ kinh có rất nhiều nghĩa lý, có người đã thành ‘khẩu đầu thiền[25] khi đọc xong những nghĩa lý nầy. Nếu quý vị là người chân thật hiểu được đạo lý thì rất tốt, nhưng chẳng tốt chút nào khi quý vị chỉ ham thích ‘khẩu đầu thiền.’ Tôi nhắc lại vì điều nầy rất quan trọng.

Thế nào là “Sự đùa cợt trong Thiền?[26]

Có người đưa một ngón tay hoặc nắm tay lên hoặc có những hành động tương tự như vậy. Điều ấy quý vị dứt khóat không nên làm. Sao vậy?

 Vì quý vị chưa đạt đến cảnh giới ấy, quý vị chưa chứng ngộ, nên quý vị không làm những việc như thế được. Người làm được những cử chỉ nầy là người đã chứng ngộ. Người đã chứng ngộ rồi họ thông suốt mọi sự. Gần đây tôi có gặp một số người rất mê mờ đến nỗi họ hành xử như người say rượu mà tưởng rằng mình đã chứng ngộ. Thế nên tôi bảo anh ta hãy giải thích về Thất chủng lập đềLục chủng thành tựu, anh ta không thể nói được dù chỉ một điều. Thế quý vị nghĩ xem anh ta chứng ngộ cái gì? Nếu anh ta là người chứng ngộ, cho dù anh ta không trả lời được câu hỏi, thì ít ra cũng giải thích được nghĩa lý. Sao vậy? Vì tất cả nghĩa lý đều lưu xuất từ tâm. Nếu anh ta là người chứng ngộ, thì tâm anh ta hòan toàn sáng suốt, và anh ta sẽ thông đạt mọi đạo lý, thế nên dù anh ta không hiểu được chi tiết, thì cũng có thể giải thích về nguyên lý được. Sự chứng ngộ có nghĩa là như vậy. Thế nên quý vị đừng ngâm trà trong nước lạnh rồi uống phần cặn bã. Có người đăng báo quảng cáo rằng mình đã chứng ngộ, điều ấy hòan toàn không biết xấu hổ, hòan toàn không có chút liêm sỉ. Đó không phải là người Phật tử. Họ thật là vô dụng.

Kinh văn:

阿難,吾復問汝。諸世間人說我能見。云何名見,云何不見。阿難言,世人因於日月燈光。見種種相,名之為見。若復無此三種光明,則不能見。

A-nan, nay Như Lai lại hỏi ông, người trong thế gian thường nói: “Tôi thấy được.” Thế nào gọi là thấy? Thế nào là không thấy?

A-nan thưa: “Bạch Đức Thế tôn! Người thế gian nhờ có ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đèn mà thấy được mọi vật; nên gọi là thấy. Nếu không có ba thứ ánh sáng nầy thì không thể thấy được.”

Giảng:

Đức Phật thấy rằng A-nan là chú em họ thân yêu của mình nên Ngài luôn luôn ân cần với A-nan. Thế nên, một lần nữa Ngài bảo: “A-nan, nay Như Lai lại hỏi ông.” Chú em, nay Như Lai hỏi: “Người trong thế gian thường nói: ‘Tôi thấy được.’ Mọi người đều nói họ thấy được. Kinh văn không ghi Đức Phật nói rằng Ngài thấy được. Đó là mỗi người tự nói là chính mình thấy. Thế nào gọi là thấy? Cái gì là thấy? Thế nào là không thấy? Hãy nói cho Như Lai nghe ý nghĩa của nó.

Bây giờ A-nan nghe Đức Phật đã bị mình thuyết phục. Thấy mình là kẻ chiến thắng, thế nên anh ta không dừng lại để suy nghĩ, mà nói ngay.

A-nan thưa: “Bạch Đức Thế tôn! Người thế gian nhờ có ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đèn mà thấy được mọi vật. Nên gọi là thấy. Nếu không có ba thứ ánh sáng nầy thì không thể thấy được.”

Kinh văn:

阿難,若無明時,名不見者。應不見暗。若必見暗此但無明,云何無見。

A-nan, nếu khi không có ánh sáng gọi là không thấy, thì lẽ ra không thấy được tối. Nếu thực thấy tối chỉ vì không có ánh sáng, sao gọi là không thấy?

Giảng:

Bất luận khi nào A-nan nói điều gì, A-nan cũng tự mâu thuẫn với chính mình, như điều đang nói ở trên. A-nan đã đi ngược lại với lập luận của chính mình. Như A-nan nói nếu không có ba thứ ánh sáng nầy, thì chẳng có cái thấy. Đức Phật không thừa nhận luận điểm chính của A-nan. “Ông nói không có cái thấy, nay Như Lai sẽ hỏi ông.

A-nan, nếu khi không có ánh sáng gọi là không thấy, thì lẽ ra không thấy được tối.

Không phải ông đã nói khi không có ánh sáng phát ra của ba thứ mặt trời, mặt trăng, và đèn thì không thể thấy được đó sao? Thực ra giáo lý nầy đã được giải thích rồi, nhưng e rằng với tài học rộng nghe nhiều của A-nan sẽ nhớ không được lâu, thế nên Đức Phật giảng lại cho A-nan nghe một lần nữa. “Nếu ông nói không thấy được khi không có ánh sáng, thì lẽ ra ông cũng không thấy được tối. Khi giảng phần kinh văn trước, Như Lai đã đã hỏi A-nan rằng người mù thấy gì, và A-nan đã trả lời rằng người mù thấy ‘tối đen.’ Đây cũng vậy. Thấy tối đen cũng gọi là thấy.”

Nếu thực thấy tối chỉ vì không có ánh sáng, sao gọi là không thấy?

Ông không thể phản bác lý lẽ nầy vì nó đã được xác minh rằng chính ông cũng thấy tối đen, đó đơn giản chỉ là do không có ánh sáng. Nên ông không thể nói rằng không có cái thấy. Hòan toàn đúng khi nói rằng không có ánh sáng, chứ không thể nói rằng không có tánh thấy. A-nan lại rơi vào nỗi khó khăn khác.

Kinh văn:

阿難,若在暗時不見明,故名為不見。今在明時,不見暗相,還名不見。如是二相俱名不見。

A-nan, nếu khi tối, không thấy sáng, mà gọi là không thấy được; vậy đang lúc sáng, không thấy có tối, lẽ ra đều phải gọi là không thấy.

Giảng:

A-nan, nếu khi tối, không thấy sáng, mà gọi là không thấy được– Ở trong chỗ tối ông không thấy được ánh sáng. Và ông cho rằng không thấy được gì cả. Vậy đang lúc sáng nay ông đang trong lúc sáng, khi có đèn, mặt trời, mặt trăng– và ông không thấy có tối, lẽ ra đều phải gọi là không thấy. Khi có ánh sáng, bóng tối biến mất, ông không còn thấy tối nữa. Do lý lẽ của ông, lẽ ra trong cả hai trường hợp đều không có cái thấy.”

Cả hai trường hợp đều đã lý giải xong, sáng và tối, cả hai đều không có cái thấy hay sao? Nói nhanh. Có phải ý ông như vậy không?

Kinh văn:

若復二相,自相陵奪。非汝見性於中暫無。如是則知二俱名見。云何不見。

Nếu hai tướng sáng tối tự xâm đoạt nhau, thì tánh thấy của ông trong đó chẳng phải tạm không. Như thế ắt biết trong cả hai trường hợp đều gọi là thấy. Sao gọi là không thấy?

Giảng:

Quý vị thấy Đức Phật là bậc rất giỏi trong tranh luận, và nay quý vị có lẽ cũng sẽ chiến thắng trong các cuộc tranh luận, bất luận quý vị tranh luận với ai.

Nếu hai tướng sáng tối tự xâm đoạt nhau: hai tướng là sáng và tối tranh đoạt lẫn nhau. Sáng tuyên bố rằng nó là cái thấy, rồi tối tranh giành nó mới chính là cái thấy. A-nan, ông nói cả hai đều chẳng phải là cái thấy. Cái gì mới thực sự là tánh thấy? Tánh thấy của ông trong đó chẳng phải tạm không. Sự tương tục của sáng và tối không ảnh hưởng đến khả năng thấy của tánh thấy. Đó chắc chắn là tánh thấy của quý vị không tăng cũng không giảm, không sinh không diệt. Cũng chẳng phải tánh thấy quý vị tạm thời biến mất.

Như thế ắt biết trong cả hai trường hợp đều gọi là thấy.

Quý vị thấy sáng, và quý vị thấy tối, không thể nói rằng mỗi một cái nào là không có tánh thấy. Sao gọi là không thấy?

Vì có tánh thấy trong cả hai trường hợp. Sao ông nói là không có cái thấy? Nói nhanh! Đức Phật hỏi ở mức độ thâm sâu hơn. Nói nhanh!

Kinh văn:

是故阿難,汝今當知。見明之時見非是明。見暗之時見非是暗。見空之時見非是空。見塞之時見非是塞。

Thế nên A-nan! Nay ông phải biết, khi thấy sáng thì cái thấy không phải là sáng, khi thấy tối thì cái thấy không phải là tối, khi thấy hư không thì cái thấy không phải là hư không, khi thấy ngăn bít thì cái thấy không phải là ngăn bít.

Giảng:

Thế nên, A-nan! Do nghĩa lý vừa được giải thích, nay ông phải biết, khi thấy sáng thì cái thấy không phải là sáng. Khi ông nhìn thấy sáng, thì cái thấy của ông chắc chắn không phải là sáng, tánh thấy của ông chắc chắn không phải là sáng, chắc chắn tánh thấy của ông không nhờ ánh sáng mà có được; tánh thấy của ông hòan toàn không bị cảnh ấy xoay chuyển.

Khi thấy tối thì cái thấy không phải là tối, khi thấy tối đen thì cái thấy của quý vị chắc chắn không phải là cái tối. Cái thấy của quý vị vẫn không thay đổi. Nó cũng giống như cái thấy khi thấy được sáng; cái thấy là đồng nhất, chắng có gì khác biệt.

Khi thấy hư không thì cái thấy không phải là hư không. Khi quý vị thấy hư không thì cái thấy của quý vị chắc chắn không bị xoay chuyển bởi hư không. Cái thấy ấy không chạy theo hư không.

Khi thấy ngăn bít thì cái thấy không phải là ngăn bít.

Khi quý vị thấy nơi bị ngăn bít thì chắc chắn cái thấy của quý vị không phải theo đó mà trở nên ngăn bít. Tánh thấy không thể nào bị biến chuyển theo hòan cảnh bên ngoài. Tánh thấy không hề bị lay động bởi ngoại cảnh. Đó chính là tánh thấy thường trụ bất sinh bất diệt của quý vị.

Kinh văn:

四義成就.汝復應知。見見之時見非是見。見猶離見見不能及。云何復說因緣自然及和合相。

Bốn nghĩa đã thành tựu. Ông lại nên biết khi ông thấy (biết) được tánh thấy, thì tánh thấy không phải là cái (bị) thấy. Tánh thấy còn vượt xa cả cái thấy và cái thấy còn không thể bắt gặp tánh thấy được. Làm sao ông còn nói nhân duyên tự nhiên và tướng hòa hợp?

Giảng:

Bốn nghĩa đã thành tựu. Đó là 4 nghĩa đã giảng từ trước, tức là 4 nhân duyên để thành tựu tánh thấy. Bây giờ ông mới nhận ra rằng tánh thấy không tuỳ thuộc vào 4 phương diện: sáng, tối, hư không, ngăn bít.

Ông lại nên biết khi ông thấy (biết) được tánh thấy, thì tánh thấy không phải là cái (bị) thấy.

Ở đây chữ kiến thứ nhất là tánh thấy chân thật (chân kiến), là tính giác chân chính của chúng ta.

Chữ kiến thứ nhì là tánh thấy (kiến tinh), dù nó cũng được gọi là tánh thấy, nhưng vẫn còn là cái thấy có chút hư vọng (vọng kiến).

Chữ kiến thứ nhất là tánh thấy thanh tịnh. Đó là tánh thấy chân chính.

Chữ kiến thứ nhì còn vướng một chút hư vọng. Thế nên khi tánh thấy chân thực thấy được cái thấy hư vọng, thì tánh thấy không còn là tánh thấy nữa. Tánh thấy chân thực của quý vị cũng phải tách rời hết thảy mọi thể tánh. Tánh thấy phải không dính một thể tánh nào cả. Không có một thể tánh nào hết. Thế nên nói: tánh thấy không phải là cái thấy.

Không có cái thấy nào để nhằm đạt đến cả. Vì xưa nay không vốn có gì cả, nên quý vị không thể gán cho tánh thấy cái tên nào cả. Đây chính là chỗ: “ Xa lìa tướng nói năng, dứt hẳn tướng ngôn ngữ[27].” Nên nói:

Khẩu dục ngôn nhi từ táng,

Tâm dục duyên nhi lự vong.

Miệng muốn nói nhưng ngôn từ mất hẳn. Tâm muốn phan duyên nhưng vọng niệm hết sạch rồi. Tâm muốn suy lường nhưng không còn cách nào dấy khởi lên được. Đây là tình trạng xa lìa hẳn tướng nói năng – quý vị không còn cách nào để diễn đạt bằng lời nói được cả– và xa lìa hẳn tướng ngôn ngữ văn tự. Nó không còn được diễn đạt bằng bất kỳ hình thức văn tự nào.

Ngôn ngữ đạo đoạn

Tâm hành xứ diệt.

Lối diễn đạt bằng ngôn ngữ bị dứt sạch. Tâm không khởi vọng niệm nữa; đây có nghĩa là lúc tâm phan duyên không còn nữa. Đến cảnh giới nầy được gọi là tánh thấy không phải là cái thấy. Đạo lý nầy không phải dễ hiểu, Tuy vậy, nếu quý vị quen học Phật pháp rồi, thì điều nầy lại rất dễ hiểu. Vì vốn xưa nay không một vật, sao ông lại nói rằng tánh thấy là do nhân duyên, hoặc là do tự nhiên?

Tánh thấy còn vượt xa cả cái thấy và cái thấy còn không thể bắt gặp tánh thấy được.

Vì tánh thấy của quý vị khác xa hẳn cái thấy, cái thấy không thể bắt kịp tánh thấy ấy được. Vốn không một vật, thế thì ông thấy cái gì?”

Cái thấy còn không thể bắt gặp có nghĩa là cái thấy hư vọng (vọng kiến) không thể thấy được tánh thấy chân thật (chân kiến). Cái gì mà cái thấy của quý vị không thể trông thấy được? Đó là tánh thấy chân thật (chân kiến) của quý vị.

Làm sao ông còn nói nhân duyên tự nhiên và tướng hòa hợp? Tại sao ông vẫn còn muốn nói tánh thấy chân thật, tuyệt đối, trực giác chân chính của ông là nhân duyên mà tôi đã nói trước đây? Sao ông lại đưa điều đó ra như một ví dụ? và tại sao ông lại so sánh giáo lý nầy với thuyết tự nhiên của ngoại đạo? Và tại sao ông lại đưa tướng hòa hợp ra bằng cách cho rằng ai cũng pha trộn với nhau trong một thể hòa hợp?

Tướng hòa hợp cũng giống như khi chao-tze – một loại bánh bao của người Trung Hoa – bị tan rã ra khi đun sôi. Quý vị không nên nhầm lẫn.

Đức Phật bảo A-nan rằng khi Ngài nói về pháp nhân duyên, là để dành cho hàng sơ phát tâm học Phật, cho hàng Tiểu thừa, có nghĩa là pháp môn quyền thừa cho hàng Thanh văn và Duyên giác, và cũng là cho hàng ngoại đạo, để bác bỏ thuyết tự nhiên.

Nay Như Lai giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm để chỉ bày đại định Thủ Lăng Nghiêm. Ý nghĩa thâm mật vi diệu nầy không thể đem so sánh với nhân duyên. Sao ông vẫn còn đem nhân duyên ra so sánh với đệ nhất nghĩa? Sao ông vẫn còn đem nhân duyên ra so sánh với đại định Thủ Lăng Nghiêm? Cũng như nhầm lẫn đồng thau với vàng. Ông quá chấp trước. Ông không nên suy nghĩ như vậy nữa!

Kinh văn:

汝等聲聞狹劣無識。不能通達清淨實相。吾今誨汝當善思惟。無得疲怠妙菩提路.

Các ông là hàng Thanh văn hẹp hòi không hiểu biết, không thông đạt được thật tướng thanh tịnh. Nay Như Lai bảo ông phải biết chiêm nghiệm, không nên trì hoãn trên đường tu đạo giác ngộ nhiệm mầu.

Giảng:

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói: “Các ông là hàng Thanh văn. Các ông là hàng Nhị thừa, hiểu biết hẹp hòi. Tâm của các ông cạn cợt và nhỏ nhoi, trí thức của các ông rất thấp kém. Các ông hòan toàn vô trí. Hàng Thanh văn các ông chỉ biết lợi mình mà không biết làm lợi lạc cho người khác. Các ông chỉ biết đến mình mà không đoái hòai khổ đau của các loài chúng sinh khác. Các ông là hàng ‘Ngã không A-la-hán[28].”

‘Vô minh’ là không có trí huệ chân chính. Tri thức nói ở đây, tuy vậy không phải là tri kiến của hàng phàm phu, mà là trí huệ chân chính của Phật pháp Đại thừa. Các ông không có trí huệ chân chính của Phật pháp Đại thừa. Điều nầy cũng liên quan đến Đệ nhất nghĩa của đại định vi diệu Thủ Lăng Nghiêm. Hàng Thanh văn các ông không thể nào hiểu được điều nầy, và không thông đạt được thật tướng thanh tịnh. “Thông đạt” có nghĩa là nhận thức được. Nay tâm các ông chấp trước nặng nề, tâm phân biệt các ông tạo ra quá lớn, nên các ông cần phải nhận biết những tinh tuý của giáo lý Đại thừa, là Phật pháp Đại thừa, tức thật tướng thanh tịnh.

Thật tướng là gì? Thật tướng tức vô tướng. Đây là giải thích thứ nhất. Mà không vật nào là không có thật tướng. Hết thảy các pháp đều xuất sinh từ thật tướng. Đó là ý nghĩa Thật tướng tức vô tướng, và không vật nào là không có thật tướng. Nghĩa thứ ba là vô tướng mà không có vật nào chẳng phải là thật tướng. Hết thảy các pháp đều xuất sinh từ thật tướng. Thế nên “thật tướng” là bản thể của các pháp.

 Thế quý vị có muốn tìm thấy thật tướng, vì nó là bản thể của các pháp chăng? Rốt ráo nó giống như cái gì? Quý vị không nhìn thấy nó được. Như thể nó được gán cho cái tên “thật tướng” thế thôi. Như Lão Tử nói: “Đạo khả đạo, phi thường đạo.” Nếu có thể nói về đạo của mình, nếu quý vị có thể giải thích được đạo ấy, thì đó không còn là đạo thường hằng nữa. “Danh khả danh phi thường danh.” Nếu quý vị có một cái tên để gọi ra, thì đó không còn là cái tên bất diệt nữa. Rồi ông nói thêm: “Vô danh thiên địa chi thuỷ. Hữu danh vạn vật chi mẫu.” Triết học của Lão Tử là như vậy. Những gì tôi trình bày hôm nay là giúp cho quý vị dễ hiểu giáo lý mình đang học hơn.

 Thật tướng tức là chân không và cũng tức là diệu hữu. Quý vị cho rằng chân không là hư không chăng? Không phải. Vì trong chân không xuất sinh diệu hữu. Diệu hữu chắc chắn không phải là sự hiện hữu (thông thường). Chân không chẳng phải là hư không, và diệu hữu không phải lúc nào cũng hiện hữu. Vì nó không thực có, nên được gọi là diệu hữu. Thật tướng cũng có đạo lý y như vậy. Nếu quý vị thông đạt được nghĩa nầy, thông suốt được việc nhỏ thì thông suốt được hết mọi việc.

 Thế tự tánh của quý vị giống như cái gì?

 Tự tánh giống như hư không. Quý vị nói xem trong hư không có vật gì chăng? Có rất nhiều thứ trong hư không, nhưng quý vị không thấy được. Sự hiện hữu trong hư không gọi là diệu hữu. Tướng không trong hư không chính là chân không. Vì chân không chẳng phải không, nên được gọi là diệu hữu. Vì diệu hữu mà không hiện hữu, nên gọi là chân không. Hai tên vốn chỉ là một. Tuy nhiên, khi quý vị quán chiếu thâm sâu thì sẽ thấy một tên cũng không có. Đặt cho nó một cái tên cũng như gắn thêm trên đầu một cái đầu nữa. Quý vị nói: “Đây là chân không, đây là diệu hữu, đây là thật tướng.” Điều ấy càng tăng thêm chấp trước nơi quý vị. Vì bản thể chân thật của các pháp vốn không có một thứ gì cả. Khi quét sạch tất cả các pháp, tức là xa lìa được các tướng. Như văn kinh trước đã nói: “Ly nhất thiết tướng, tức nhất thiết pháp.” Lìa tất cả các tướng thế gian tức là Pháp. Nhưng nhiều người không thể nào tự mình xa lìa được các tướng thế gian nầy. Và vì họ không thể nào tự mình xa lìa được các tướng thế gian nầy, nên họ không thể nhập được vào các pháp.

“Tôi có thể xa lìa được các tướng.” Quý vị nói. “Tôi không chấp trước một thứ gì cả.”

Quý vị không chấp trước một thứ gì cả hay chăng? Như một lát nữa đây có trận động đất, quý vị có sợ hãi không? Tôi tin ở đây có rất ít người bối rối khi động đất đến. Chỉ vì chúng ta không chịu xa lìa các tướng. Nếu chúng ta có thể xa lìa được các tướng, thì dù núi Thái sơn có sụp đổ trước mắt, quý vị cũng không hề lay động. Người đã chuyển được vật rồi thì chẳng sợ hãi khi gặp điều gì. Nếu quý vị không sợ hãi, thì chẳng có cảnh giới nào cả. Làm sao mà các cảnh giới kia còn tồn tại được nữa? Sao còn có các ma chướng được nữa? Sao ma vương còn có thể đến để quấy rối định lực của quý vị được nữa? Chỉ vì quý vị dao động, nên ma có dịp lẻn vào ngay. Nếu quý vị không dao động, chẳng có ma nào tìm được cách để chen vào quý vị. Chẳng có câu chú nào mà nó đọc lên để làm lay động quý vị cả.

 Quý vị sẽ nói: “Thế tại sao Ma-đăng-già lại đọc được thần chú để mê hoặc A-nan như trong kinh Thủ Lăng Nghiêm?”

Chỉ vì A-nan không có định lực. Nếu A-nan có định lực, nếu A-nan có đại định Thủ Lăng Nghiêm, thì có lẽ chẳng cần Đức Phật phải nói kinh Thủ Lăng Nghiêm hoặc thần chú Thủ Lăng Nghiêm; quý vị và tôi bây giờ có lẽ khỏi cần phải nghe hay học kinh Thủ Lăng Nghiêm. Thế nên đó là nhân duyên. Nhưng nếu ai đã có định lực, bất luận cảnh giới nào sinh khởi, họ vẫn không hề lay động.

“Nay Như Lai bảo ông. Như Lai sẽ chỉ dạy cho ông. Phải biết chiêm nghiệm.” “Biết chiêm nghiệm” đây không có nghĩa là loại suy nghĩ thông thường mà A-nan đã sử dụng và trình bày từ trước. Chữ thì giống nhau, nhưng nghĩa của nó từng lúc có khác. Biết chiêm nghiệm” đây có nghĩa là A-nan phải nên dùng chân tâm mà quán chiếu tường tận. Chẳng phải là đem thức tâm để phân biệt.

“Không nên trì hoãn trên đường tu đạo giác ngộ nhiệm mầu. Đừng làm biếng và thiếu nhiệt thành. Đừng hời hợt hoặc đại khái qua loa. Đừng luẩn quẩn trên đường tu đạo giác ngộ nhiệm mầu. Ông nên diệc phục như thị, chú tâm và đặc biệt ý thức đây là con đường dẫn đến sự giác ngộ nhiệm mầu. Đó là Thủ Lăng Nghiêm diệu định. Nếu ông có được Thủ Lăng Nghiêm diệu định, thì ông có thể đi trên con đường dẫn đến quả vị giác ngộ nhiệm mầu, có nghĩa là quả vị Phật.”

Chư Phật được gọi là Diệu giác, và chư Bồ-tát được gọi là Đẳng giác; Bồ-tát cũng có đủ năng lực đạt đến Diệu giác. Có năm mươi lăm giai vị[29] từ Thanh văn, Bồ-tát thẳng đến quả vị Diệu giác. Năm mươi lăm giai vị sẽ được giảng giải trong phần sau của Kinh văn.

Kinh văn:

阿難白佛言,世尊。如佛世尊為我等輩。宣說因緣及與自然。諸和合相與不和合。心猶未開。而今更聞,見見非見,重增迷悶。

A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn! Như Phật Thế tôn vì chúng con giảng nói về nhân duyên, tự nhiên và các tướng hòa hợp và chẳng hòa hợp, trong tâm chúng con vẫn còn chưa rõ, mà nay lại nghe thấy được cái thấy chẳng phải là tánh thấy, con càng thêm mê muội.”

Giảng:

A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn! Như Phật Thế tôn vì chúng con giảng nói. Kính bạch Đức Phật, Ngài đã vì chúng con, hàng Thanh văn, và vì hàng Duyên giác mà giảng giải về nhân duyên, tự nhiên và các tướng hòa hợp và chẳng hòa hợp– các hiện tượng mà không hòa hợp và thống nhất cùng với nhau.

Trong tâm chúng con vẫn còn chưa rõ. Kính bạch Đức Phật, sau khi nghe giảng giải, chúng con vẫn chưa giác ngộ. Chúng con vẫn không hiểu được. Tâm chúng con vẫn chưa được khai ngộ. Mà nay lại nghe thấy được cái thấy chẳng phải là tánh thấy, con càng thêm mê muội.”

A-nan lại chất vấn Đức Phật một lần nữa. A-nan nói rằng cách diễn đạt giáo lý trên đã khiến cho mình càng tăng thêm sự tối tăm mờ mịt, khó hiểu trong tâm. A-nan cũng như những người đã nhiều lần nghe giảng kinh kinh Thủ Lăng Nghiêm rồi mà vẫn nói: “Đoạn nầy nói gì vậy? Tôi chẳng hiểu chút nào. Tôi đã nghe giảng suốt mấy ngày nay, càng nghe càng thấy trở nên mờ mịt.”

Kinh văn:

伏願弘慈施大慧目。開示我等覺心明淨。作是語已,悲淚頂禮,承受聖旨.

Cúi mong Thế tôn mở rộng lòng từ, ban cho con mắt đại trí huệ, chỉ dạy cho chúng con cách giác ngộ tâm tánh sáng suốt và thanh tịnh. Nói xong, A-nan buồn khóc rồi đảnh lễ, vâng nhận thánh chỉ.

Giảng:

Cúi mong Thế tôn mở rộng lòng từ. Con quỳ trước Thế tôn và mong Ngài mở rộng lòng đại từ bi ban cho con mắt đại trí huệ. Ban cho chúng con Phật nhãn.

Chỉ dạy cho chúng con cách giác ngộ tâm tánh sáng suốt và thanh tịnh. Bạch Đức Thế tôn, cúi mong Ngài giảng giải về tâm giác ngộ với thể tánh thanh tịnh cho hàng Nhị thừa,Thanh văn, Duyên giác chúng con.”

Nói xong– đến lúc nầy, A-nan thực là bối rối. Thế nên khi nói xong, quý vị biết A-nan như thế nào không?

A-nan buồn khóc rồi đảnh lễ. A-nan khóc. A-nan sử dụng đến ngón nghề của trẻ con là đứng khóc trước mặt Đức Phật, và A-nan vừa khóc vừa dập đầu cúi lạy giống như trẻ thơ bị lấy mất đi phần sữa nên khóc la nhìn mẹ nó đòi cho được sữa. Thỉnh cầu được nghe pháp cũng giống như đòi được uống sữa. Vâng nhận thánh chỉ.

A-nan trông chờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ban cho mình chút pháp nhũ để thỏa lòng cơn khát và giải trừ tâm đang bối rối.

 

Kinh văn:

爾時世尊,憐愍阿難及諸大眾。將欲敷演大陀羅尼,諸三摩提妙修行路。

Khi ấy Thế tôn thương xót A-nan cùng đại chúng, đang muốn chỉ dạy pháp đại tổng trì, con đường tu tam-ma-đề vi diệu.

Giảng:

A-nan khóc lóc van nài Đức Phật xuất định. Đức Phật ra khỏi định để giảng giải cho A-nan giáo lý tu đạo, pháp môn tam-ma-đề vi diệu.

Khi ấy Thế tôn thương xót A-nan. “Khi ấylà khi A-nan sắp chết khát và mong có sữa để uống. Đó là khi sự bối rối của A-nan quá cao độ nên A-nan cố mong tìm kiếm cho được sự hóa giải. Đó là khi A-nan khóc lóc và cúi xuống đảnh lễ. Cơ bản là Đức Phật vốn có sẵn tâm đại từ bi, nên khi thấy A-nan khóc lóc van nài, Đức Phật lại phát khởi tâm đại từ bi một lần nữa, Ngài mong được giảng giải giáo lý ngay cho A-nan. Vì A-nan là người em họ thương yêu của Đức Phật, dường như ở đây Đức Phật bày tỏ lòng thương yêu và che chở đặc biệt đối với A-nan.

Cùng cả đại chúng. Tuy nhiên, Đức Phật làm việc ấy không phải chỉ vì A-nan, mà vì lợi lạc cho nhiều người trong đại chúng–

Ngài đang muốn chỉ dạy pháp đại tổng trì, con đường tu tam-ma-đề vi diệu.

 

Trong tiếng Phạn, chữ đà-la-ni [30] có nghĩa là thần chú.[31]

Có lọai đà-la-ni gồm nhiều chữ, như thần chú Thủ Lăng Nghiêm, thần chú Phật đảnh tôn thắng. Có lọai đà-la-ni gồm ít chữ, như thần chú Lục tự đại minh. Có khi dùng chữ man-tra. Có khi dùng chữ đà-la-ni. Khi dùng chữ đà-la-ni, thì có nghĩa là “tổng trì.” Nghĩa là “Tổng nhất thiết pháp, trì vô lượng nghĩa.” Tất cả các pháp đều bao hàm trong man-tra. Vô lượng diệu nghĩa đều xuất sinh từ man-tra. Đây là một cách giải thích. Tôi còn có một cách giải thích khác. “Tổng trì” có nghĩa là giữ cho ba nghiệp thân khẩu ý được hòan toàn thanh tịnh. Tam vô lậu học giới, định, huệ được thọ trì. Đại đà-la-ni khác với tiểu đà-la-ni. Tiểu đà-la-ni là những câu chú nhỏ, công năng của nó không lớn lắm. Điều đang nói đây là đại đà-la-ni.

“Tam-ma -đề[32]” là định . A-nan muốn tu tập pháp môn đại tổng trì tam-ma-đề vi diệu. Nay Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sắp sửa giảng bày diệu pháp.



[1] Bản của Vạn Phật Thánh Thành chép là . Ở đây chúng tôi dựa vào bản của Đại Chính tân tu Đại tạng kinh (T19n0945_p0111c10).

[2] Già-lam 伽 藍; C: qiélán; J: garan. E: Sublime abode; Monastic ground. Gọi tắt của Tăng-già-lam-ma (僧伽 藍 摩; s: sagha-ārāma), nghĩa là khu vườn của chúng tăng, “Chúng viên”. Là nơi thanh tịnh để tu tập thiền định. Chùa hay Tu viện Phật giáo.

 

[3]Tứ sinh: Thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hoá sinh.

[4] Thập nhị loại sinh: Thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hoá sinh, hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, phi hữu sắc, phi vô sắc, phi hữu tưởng, phi vô tưởng.

[5] Bối giác hiệp trần 背 覺 合 塵.

[6] Bối trần hiệp giác 背 塵 合 覺.

[7] Tiểu trung hiện đại.

[8] s:Jeta 祇陀 Hán dịch: Chiến Thắng.

[9] Đại Chính tân tu Đại tạng kinh chép chữ nầy là ( T19n0945_p0112b01)

[10] Tuỳ duyên bất biến, bất biến tuỳ duyên.

[11] s: Mañjuśrī ;

[12] năng kiến.

[13] sở kiến.

[14] s:bodhi.

[15]s:Kapila

[16]s: Brahma.

[17] Kim đầu ngoại đạo, Hoàng phát ngoại đạo. Kinh Thủ Lăng Nghiêm quyển 1.

[18] E: Profound Truth.

[19] Minh ngoan bất tri. .

[20] Thập phiên hiển kiến .

[21] Bản của Đại Chính tân tu Đại tạng kinh chép nhầm chữ nầy là , dòng (T19n0945_p0112c19)

[22] Bản của Đại Chính tân tu Đại tạng kinh chép nhầm là , (T19n0945_p0112c20).

[23] Kneeding the bean curd.

[24] Ðặng Ẩn Phong 鄧 隱 峰; C: dèng yǐnfēng; J: to impo; (?-?); cũng được gọi là Ngũ Ðài Ẩn Phong (五 臺 隱 峰; c: wǔtái yǐnfēng); Thiền sư Trung Quốc, môn đệ của hai vị Thiền sư Thạch Ðầu Hi Thiên và Mã Tổ Ðạo Nhất. Sư có những hành động rất quái dị, dùng lí trí phân biệt không hội nổi. Sư họ Ðặng, quê ở Thượng Vũ, Phúc Kiến. Trước, Sư đến tham vấn Mã Tổ nhưng chưa ngộ, Sư lại đến Thạch Ðầu đôi ba phen vẫn không thấy đạo. Sau đến Mã Tổ, chỉ nghe một câu liền nắm được yếu chỉ.

 

 

[25] Verbal Zen.

[26] Ch’an banter.

[27] Ly ngôn thuyết tướng, ly danh tự tướng.

[28] Self-ending Arhats: A-la-hán đã sạch ngã chấp.

[29] Về các giai vị Bồ-tát, có nhiều khác biệt theo các Kinh luận khác nhau; Anh Lạc Kinh: 52 giai vị, Nhân Vương Kinh: 5 giai vị, Phạm Võng Kinh: 40 giai vị, Kinh Hoa Nghiêm: 41 giai vị, Ngũ giáo của Tông Hoa Nghiêm: 52 giai vị, Kinh Thủ Lăng Nghiêm: 57 giai vị (55+ Đẳng giác, Diệu giác), Thành Duy thức luận: 5 giai vị; Nhiếp Đại thừa luận: 4 giai vị; Bồ-tát địa trì kinh: 13 giai vị hoặc 7 giai vị. Theo thông giáo, Biệt giáo, Viên giáo của tông Thiên Thai: 52 giai vị. (Theo Phật Quang Từ Điển -Từ Di)

[30] Đà-la-ni (s: dhāraī)

[31] Man-tra (s: mantra): Là một số âm, chứa đựng sức mạnh đặc biệt của vũ trụ hoặc biểu hiện của một khía cạnh nào đó của Phật tính. Trong nhiều trường phái Phật giáo, Man-tra hay được lập lại trong các buổi tu tập hành trì, đặc biệt trong Kim cương thừa Tây Tạng. Ở đây Man-tra trở thành phương tiện trợ giúp tâm thức hành giả. Trong ba nghiệp thân, khẩu, ý thì Man-tra thuộc về khẩu và tác động thông qua âm thanh rung động do sự tụng niệm Man-tra phát sinh. Hành giả luôn luôn vừa đọc Man-tra vừa quán tưởng một đối tượng và tay giữ một Ấn (s: mudrā) nhất định như Nghi quĩ (s: sādhana) chỉ dẫn. (Theo Tự Điển Phật Học- Đạo Uyển 2001.)

[32] samādhi 三 摩 提; C: sānmótí; J: sanmaji;

Một cách phiên âm của chữ Phạn và Pa-li samādhi, cũng được phiên âm là Tam-muội (三 昧) và Tam-ma-địa (三 摩 地). Dịch ý là Định.

 
(Xin xem tiếp theo 2)

 
Tải về xem