KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH NHƯ LAI MẬT NHƠN TU CHỨNG LIỄU NGHĨA CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH THỦ LĂNG NGHIÊM
(QUYỂN BA)
ŚŪRAṂGAMA-SŪTRA
TUYÊN HÓA THUỢNG NHÂN
giảng thuật
KHAI KINH KỆ
無上甚深微妙法
百千萬刼難遭遇。
我今見聞得受持
願解如來真實義。
Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa
***
Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Con nay nghe được chuyên trì tụng
Nguyện rõ Như Lai nghĩa nhiệm mầu.
TÁM QUY LUẬT CỦA
VIỆN PHIÊN DỊCH KINH ĐIỂN
Dịch giả phải thóat mình ra khỏi động cơ tự truy cầu danh lợi.
Dịch giả phải tu thân dưỡng tánh, dứt bỏ thói cao ngạo.
Dịch giả phải tự chế, không được tự khen ngợi nhưng lại chê bai kẻ khác.
Dịch giả không được tự cho mình là tiêu chuẩn, là thước đo, rồi hạ thấp kẻ khác bằng cách tìm lỗi lầm nơi tác phẩm của họ.
Dịch giả phải lấy tâm Phật làm tâm mình.
Dịch giả phải dùng trạch-pháp-nhãn để phán xét đâu là chân lý.
Dịch giả phải cung kính cầu thỉnh Cao tăng, Đại đức ở mười phương chứng minh cho bản dịch.
Dịch giả phải hoan hỷ truyền bá giáo nghĩa nhà Phật bằng cách in Kinh, Luật, Luận một khi phần phiên dịch của mình được chứng minh là đúng.
KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH NHƯ LAI MẬT NHƠN TU CHỨNG LIỄU NGHĨA CHƯ BỒ-TÁT VẠN HẠNH THỦ LĂNG NGHIÊM
(QUYỂN BA)
Sa-môn Bát-thích Mật-đế người Trung Thiên Trúc dịch vào đời Đường.
Sa-môn Di-già Thích-ca, người nước Ô Trành dịch ngữ.
Sa-môn Hòai Địch, chùa Nam Lâu, núi La Phù, chứng minh bản dịch.
Đệ tử Phòng Dung, thọ Bồ-tát giới, hiệu Thanh Hà, chức Tiền Chánh Nghị Đại Phu đồng Trung Thư Môn Hạ Bình Chương Sự bút thọ (nhuận bút).
TUYÊN HÓA Thượng Nhân, Vạn Phật Thánh Thành, Bắc Mỹ châu (Hoa Kỳ) lược giảng.
Đệ tử thọ Bồ-tát giới Phương Quả Ngộ ghi chép.
Kinh văn:
復次阿難, 云何六入 本如來藏 妙真如性?
Phục thứ A-nan, vân hà lục nhập bổn Như Lai tàng diệu chân như tánh?
Lại nữa, A-nan, tại sao lục nhập vốn là tánh chân như nhiệm mầu từ Như Lai tạng ?
Giảng:
Ngũ uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức đã được giảng rồi. Tất cả năm uẩn ấy đều là biểu hiện của tánh chân như mầu nhiệm từ Như Lai tạng. Nay Đức Phật lại gọi A-nan, “Lại nữa, A-nan, tại sao lục nhập vốn là tánh chân như nhiệm mầu từ Như Lai tạng?”
Tại sao lại nói rằng lục nhập–mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý– đều là tánh chân như mầu nhiệm từ Như Lai tạng? Lục nhập sẽ được phân tích và giải thích dưới đây.
Kinh văn:
阿難, 即彼目精, 瞪 發勞者。兼目與勞, 同是菩提。
A-nan, tức bỉ mục tinh, trừng phát lao giả. Kiêm mục dữ lao, đồng thị bồ đề.
A-nan, như mắt kia nhìn chăm chú lâu khiến cho mỏi mệt. Con mắt và tướng mỏi mệt đều là bồ-đề.
Giảng:
Đức Phật gọi A-nan, “A-nan, như mắt kia nhìn chăm chú lâu khiến cho mỏi mệt.”– Ý nầy đã được giải thích ở trước, là do mắt nhìn sững quá lâu vào hư không khiến cho phát sinh tướng mỏi mệt. Con mắt nhìn trừng trừng mãi quá lâu cũng sinh ra mỏi mệt. “Con mắt và tướng mỏi mệt đều là bồ-đề.” Cả hai tướng biểu hiện (con mắt, tướng mỏi mệt do nhìn) đều không ngoài bồ-đề mà riêng có. Chính ở trong chân tánh bồ-đề mà tướng mỏi mệt phát sinh.
Kinh văn:
瞪發勞相, 因于明暗 二種妄塵, 發見居中。吸此塵象名為見性。此見離彼明暗二塵畢竟無體。
Trừng phát lao tướng, nhân vu minh ám nhị chủng vọng trần, phát kiến cư trung, hấp thử trần tượng, danh vi kiến tánh. Thử kiến ly bỉ minh ám nhị trần, tất cánh vô thể.
Tướng nhìn sững quá lâu hoá ra mỏi mệt nhân nơi sáng tối, phát ra cái thấy từ trong hai thứ vọng trần kia, thu nạp trần cảnh, gọi là tánh thấy. Tánh thấy nầy rời hai trần cảnh sáng tối kia, hoàn toàn không có tự thể.
Giảng:
“A-nan, Tại sao Như Lai bảo rằng chính trong chân tánh bồ-đề mà nhìn sững quá lâu khiến sinh ra mỏi mệt? Ông nên nhớ rằng đó là do tướng nhìn sững quá lâu hoá ra mỏi mệt nhân nơi sáng tối, phát ra cái thấy từ trong hai thứ vọng trần kia”– nó trở nên dính mắc với hai tướng sắc trần là sáng và tối, là hai thứ trần cảnh hư vọng, không thật. Sáng và tối là một phần của không hư nằm phía trước mặt ông. Trong sự hiện hữu của không hư, vọng trần giả dối nầy mà phát sinh ra tánh thấy. “Thu nạp trần cảnh”– tánh thấy nhận lấy hình sắc và tướng của vọng trần đang có trước mặt ông. “Đây gọi là tánh thấy.” Đó là bản chất của cái thấy. “Tánh thấy” nầy không phải là “minh tâm kiến tánh” như thường được đề cập trong Thiền tông. Tánh thấy ở đây chỉ là tính chất cái thấy thông thường của con người. Còn minh tâm kiến tánh có nghĩa là thấy được bản tâm và nhận ra chân tánh của chính mình. Kiến tánh (seeing the nature) trong trường hợp ấy có nghĩa là nhận ra được tánh Phật vốn có trong chính mình. Còn ‘tánh thấy’(seeing-nature) ở đây chỉ là nói đến tính chất của cái thấy thông thường. “Tánh thấy nầy rời hai trần cảnh sáng tối kia.”– Khi tánh thấy (seeing-nature) nầy tách rời hẳn hai tướng trần cảnh sáng và tối kia, thì hoàn toàn không có tự thể.” Nó chẳng có một thực thể nào. Chẳng có gì thực sự hiện hữu.
Kinh văn:
如是阿難,當知是見, 非明暗來, 非於根出,不於空生。
Như thị A-nan, đương tri thị kiến, phi minh ám lai, phi ư căn xuất, bất ư không sinh.
Như vậy, A-nan! phải biết cái thấy đó, chẳng phải do sáng hay tối mà có, chẳng phải từ mắt mà ra, chẳng phải do hư không phát sinh.
Giảng:
“Như vậy, A-nan! phải biết cái thấy đó, chẳng phải do sáng hay tối mà có.” Tánh thấy chẳng đến từ sang, cũng chẳng đến từ tối. “Cũng chẳng phải từ mắt mà ra”– tánh thấy ấy cũng chẳng phải từ con mắt mà có, “cũng chẳng phải do hư không phát sinh.” Nó cũng chẳng phát sinh từ hư không.
Kinh văn:
何以故,若從明來, 暗即隨滅, 應非見暗。若從暗來, 明即隨滅, 應無見明。
Hà dĩ cố? Nhược tùng minh lai, ám tức tuỳ diệt, ưng phi kiến ám. Nhược tùng ám lai, minh tức tuỳ diệt, ưng vô kiến minh.
Sao vậy? Nếu tánh thấy từ sáng đến, thì cái tối phải theo đó mà biến mất, lẽ ra không còn thấy được cái tối nữa. Nếu tánh thấy từ tối mà đến, thì cái sáng phải theo đó mà biến mất, lẽ ra không còn thấy được cái sáng nữa.
Giảng:
“Sao vậy? Nếu tánh thấy từ sáng mà đến”– Nếu tánh thấy đến từ trần tướng là sáng– “thì cái tối phải theo đó mà biến mất.” Hai trần tướng sáng và tối không hiện hữu đồng thời. Khi cái nầy xuất hiện, thì cái kia biến mất. Nó không thể cùng nhau tồn tại. Nếu ông muốn nói rằng tánh thấy do từ sáng mà có, thì sẽ không còn chút bóng tối nào cả. “Thì lẽ ra không còn thấy được cái tối nữa.” Và như thế tánh thấy sẽ không thấy được tướng của tối. Nhưng thực ra khi có ánh sáng, thì cái thấy lại thấy được cái tối. Thế nên tánh thấy không đến từ sáng, cũng chẳng đến từ tối. “ Nếu tánh thấy từ tối mà đến, thì cái sáng phải theo đó mà biến mất, lẽ ra không còn thấy được cái sáng nữa.” Nếu tánh thấy do từ tướng tối mà có, thì sẽ không còn có chút sáng nào cả. Chúng ta sẽ chẳng thể nào thấy được tướng của sáng.
Kinh văn:
若從根生, 必無明暗。如是見精本無自性。
Nhược tùng căn sinh, tất vô minh ám. Như thị kiến tinh bổn vô tự tánh.
Nếu (cái thấy) từ mắt sinh ra, ắt hẳn không có sáng và tối. Thế nên cái thấy vốn không có tự tánh.
Giảng:
Nếu ông nói rằng cái thấy phát xuất từ con mắt, “Nếu (cái thấy) từ mắt sinh ra, ắt hẳn không có sáng và tối.” Nếu (cái thấy) từ mắt phát sinh, thì lẽ ra nó không bao gồm cả hai trần tướng sáng và tối. Theo giải thích nầy, “Thế nên tánh thấy vốn không có tự tánh.” Nếu (cái thấy) đến từ mắt, thì lẽ ra nó phải có thể tánh riêng. Thế nên cái thấy chẳng phải xuất phát từ mắt.
Kinh văn:
若於空出, 前矚塵象, 歸當見根。又空自觀, 何關汝入?
Nhược ư không xuất, tiền chúc trần tượng, quy đương kiến căn. Hựu không tự quán, hà quan nhữ nhập?
Nếu (cái thấy) từ hư không mà ra thì khi nhìn, trước tiên sẽ thấy trần cảnh, khi xoay trở về lại, (cái thấy) phải thấy được con mắt. Còn như nếu tự hư không thấy được thì có quan hệ gì đến nhãn nhập (con mắt) của ông?
Giảng:
“Nếu (cái thấy) từ hư không mà ra”. Giả sử như ông cho rằng cái thấy từ hư không mà ra, thì khi nhìn, trước tiên sẽ thấy trần cảnh.” Nhìn ra phía trước, phải thấy được trần cảnh. “Khi xoay trở về lại, (cái thấy) phải thấy được con mắt. Khi cái thấy quay trở về lại, lẽ ra nó phải thấy được con mắt của ông. Nó thấy được phía trước, sao nó lại không thấy được khi nhìn phía sau? Còn như nếu hư không tự thấy được–Lại nữa, nếu ông cho rằng cái thấy xuất phát từ hư không, nếu hư không tự thấy được hư không, thì có quan hệ gì đến nhãn nhập (con mắt) của ông? Liệu rằng cái thấy ấy có quan hệ gì đến bản tánh của ông? Ông có dính dấp chút nào đến hư không chăng? Thế nên cái thấy chẳng phải xuất phát từ hư không.
Kinh văn:
是故當知, 眼入虛妄。本非因緣, 非自然性。
Thị cố đương tri, nhãn nhập hư vọng. Bổn phi nhân duyên phi tự nhiên tánh.
Thế nên phải biết, nhãn nhập là hư vọng. Vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.
Giảng:
A-nan, thế nên phải biết nhãn nhập, cái đầu tiên trong sáu nhập, tức nhãn căn, con mắt của ông, là hư vọng. Sự phát sinh của nó là hư vọng, giả dối, không thật; và sự hoại diệt của nó cũng hư vọng, giả dối, không thật. Vốn chẳng phải tánh nhân duyên, nó chẳng sinh khởi từ nhân duyên, và sự hoại diệt của nó cũng chẳng dựa vào nhân duyên. Chẳng phải tánh tự nhiên. Nó cũng chẳng xuất phát từ tánh tự nhiên. Nguồn gốc xuất sinh của nó là từ tánh Như Lai tạng.
Kinh văn:
阿難, 譬如有人, 以兩手指, 急塞其耳, 耳根勞故頭中作聲。兼耳與勞同是菩提, 瞪發勞相.
A nan, thí như hữu nhân, dĩ lưỡng thủ chỉ, cấp tắc kỳ nhĩ. Nhĩ căn lao cố, đầu trung tác thanh. Kiêm nhĩ dữ lao, đồng thị bồ đề, trừng phát lao tướng.
A-nan, thí như có người lấy hai ngón tay bít chặt hai lỗ tai, do lỗ tai mỏi mệt nên nghe trong đầu phát ra âm thanh. Cả lỗ tai và cái mỏi mệt đều là tánh bồ-đề, do chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.
Giảng:
Nay sẽ nói về nhĩ nhập, tức nhĩ căn. “A-nan, thí như có người”– cơ bản là chẳng có người nào đóng vai như vậy cả. Đức Phật chỉ giả định như là có người – “lấy hai ngón tay bít chặt hai lỗ tai.” Anh ta bịt chặt hai lỗ tai của mình lại. Do lỗ tai mỏi mệt nên nghe trong đầu phát ra âm thanh.” Sau khi quý vị bịt chặt lỗ tai một lúc lâu, quý vị sẽ không còn nghe được âm thanh bên ngoài, nhưng bên trong có cái gì đó rất lùng bùng. Có âm thanh phát ra từ bên trong. Thường thì ta nghe được âm thanh từ bên ngoài, nhưng nay quý vị đã bít chặt tai lại và không nghe được âm thanh bên ngoài nữa, nhưng lại nghe có âm thanh ở bên trong.
Bít chặt tai một hồi lâu cũng giống như ở lâu trong phòng không đi ra và nhìn thấy cảnh vật bên ngoài. Sau một thời gian dài quý vị sẽ thấy rất mỏi mệt, và quý vị thấy muốn ra ngoài đi dạo hoặc thư giãn. Cũng vậy, lỗ tai thường lắng nghe những tiếng phát ra từ bên ngoài. Nếu quý vị không cho nó nghe nữa, nhưng thay vì ngăn không cho nó nghe bên ngoài nữa, thì nó lại lắng nghe vào bên trong. Loại âm thanh gì phát ra trong đầu? Hãy thử làm xem. Bít chặt lỗ tai mình lại vài ngày rồi sẽ biết mình nghe được loại âm thanh gì. Thế là quý vị biết được ngay. Thế nên nay tôi không nói nữa loại âm thanh nào mà người ở trong ví dụ nầy sẽ nghe được. “Cả lỗ tai và cái mỏi mệt đều là tánh bồ-đề.” Tướng mỏi mệt và lỗ tai đều là tánh bồ-đề trong Như Lai tạng. “do chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.” Chỉ do một niệm vô minh mà làm phát sinh vô số tướng trạng hư vọng, thế rồi ảnh hưởng luôn đến cả chức năng của nhĩ căn.
Kinh văn:
因于動靜。二種妄塵發聞居中。吸此塵象名聽聞性。此聞離彼動靜二塵畢竟無體。
Nhân vu động tĩnh, nhị chủng vọng trần phát văn cư trung. Hấp thử trần tượng, danh thính văn tánh. Thử văn ly bỉ động tĩnh nhị trần tất cánh vô thể.
Nhân nơi động tỉnh, phát ra cái nghe từ trong hai thứ vọng trần, thu nạp trần tướng nầy, gọi là tánh nghe. Tánh nghe nầy rời hai trần tướng động tĩnh kia hoàn toàn không có thật thể.
Giảng:
“Nhân nơi động tỉnh, phát ra cái nghe từ trong hai thứ vọng trần,”– Cái nghe ở trong hai thứ vọng trần động tĩnh nầy. Từ ở trong hai thứ vọng trần động tĩnh ấy mà phát sinh ra tánh nghe– “thu nạp trần tướng nầy.” Hai trần tướng động tĩnh ấy đã khiến cho tánh nghe sinh khởi từ nhĩ căn. Tánh nghe cũng giống như thỏi nam châm hút những miếng kim loại. Những trần tướng nầy là nhiễm ô không thanh tịnh. Tiếng Hán gọi là trần 塵, Tại sao tự tánh mọi người chúng ta lại có nhiễm ô nầy? Tôi sẽ giảng rõ cho quý vị. Là vì mắt nhìn vật tượng rồi đắm chấp những tướng nhiễm ô ấy nên làm cho tự tánh không còn được thanh tịnh. Tai nghe âm thanh và dính mắc với những tướng nhiễm ô ấy nên làm cho tự tánh không còn được thanh tịnh. Tự tánh vốn thanh tịnh, không chút nhiễm ô, nhưng vì tai và mắt dính với những cảnh trần không thanh tịnh, nên tự tánh cũng trở nên bị nhiễm ô.
Trong tiếng Hán, chữ hấp 吸 còn có nghĩa là hít vào, như hút thuốc lá vậy. Khi hút thuốc lá, khói vào trong phổi, dù người thông thường không thấy được bên trong của mình, nhưng thực tế là cổ họng, khí quản, và phổi trở nên bị phủ bởi một lớp nhựa ni-cô-tin. Quý vị có thấy lớp mồ hóng đen khi nạo ống khói bao giờ chưa? Những người hút thuốc lá cũng giống như là cái kho chứa nhựa ni-cô-tin trong phổi vậy. Nhưng vì không có cuộc giải phẩu để phơi bày điều ấy ra, thực ra ruột non ruột già, cổ họng, nội tạng quý vị đều bị phủ bởi nhựa ni-cô-tin nhưng quý vị không thấy. “Thu nạp trần tướng” cũng giống như vậy. Vì quý vị thu nạp trần tướng bên ngoài vào bên trong , nên tự tánh mình cũng bị phủ một lớp nhựa mặc dù quý vị không nhìn thấy được lớp nhựa ấy. Vì tự tánh mình bị nhiễm ô bởi những thứ ấy, bị lớp nhựa đen bao phủ, nên không có ánh sáng. Ngài Thần Hội có bài kệ:
Thân thị bồ-đề thọ
Tâm như minh kính dài
Thời thời cần phất thức
Vật sử nhạ trần ai.
Dịch:
Thân như cây bồ-đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn siêng năng lau phủi
Chớ để nhuốm bụi trần.
Bài kệ nầy là một diễn đạt rất hay cho ý trên, nhưng đó không phải là lời của người đã chứng ngộ. Bài kệ nầy nói về giai đoạn ban đầu công phu tu tập để được kiến tánh. Ví công phu tu đạo cũng như lau gương, phải luôn luôn giữ cho gương được sáng. Người tu đạo cũng giống như lau bụi trên gương. Sau khi Đại sư Thần Hội làm bài kệ nầy, Lục tổ Đại sư Huệ Năng đáp lại bằng bài kệ sau:
Bồ-đề bổn vô thọ
Minh kính diệc phi đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai.
Tạm dịch:
Tánh giác chẳng gốc ngọn
Gương sáng cần chi đài
Xưa nay thể vắng lặng
Đâu có gì trần ai.
Có nghĩa là mọi sự đều phải cẩn trọng. Trong công phu tu đạo, ngài Huệ Năng đã chứng tỏ mình đã chứng ngộ. Khi một hành giả đã được chứng minh là ngộ rồi thì họ không nhất thiết phải làm những việc như trong bài kệ ngài Thần Tú nêu ra nữa. Nhiều người cho rằng bài kệ của ngài Huệ Năng rất hay và bài kệ của ngài Thần Tú thì dở. Nhưng thật ra cả hai bài kệ đều hay. Vì đối với những người hiểu được Phật pháp, thì mọi pháp đều là Phật pháp. Khi quý vị nói pháp cho những người không am hiểu, họ sẽ không nhận ra đó là Phật pháp. Thế nên quý vị phải thẩm sát tường tận đạo lý nầy. Nếu quý vị nhận ra điều nầy, quý vị sẽ nhận ra tất cả mọi điều.
“Đây gọi là tánh nghe”– Khi nhĩ căn thu nạp trần tướng. “Tánh nghe nầy rời hai trần tướng động tĩnh kia”– Nếu tánh nghe nầy tách rời hai trần tướng động tĩnh”– tánh nghe này sẽ hoàn toàn không có thật thể.” Nó chẳng có tự tánh riêng.
Kinh văn:
如是阿難, 當知是聞, 非動靜來。非於根出, 不於空生。
Như thị A-nan, đương tri thị văn, phi động tỉnh lai, phi ư căn xuất, bất ư không sinh.
Như vậy, A-nan! phải biết cái nghe đó, chẳng phải do động hay tĩnh mà có, chẳng phải từ lỗ tai mà ra, chẳng phải do hư không phát sinh.
Giảng:
“Như vậy” nghĩa là trường hợp đang đề cập ở văn trên, là “lỗ tai và tướng mỏi mệt đều là tánh bồ-đề, “do chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.” “A-nan! phải biết cái nghe đó, chẳng phải do động hay tĩnh mà có,” chẳng phải từ tướng động tĩnh mà tánh nghe kia được phát sinh. “Chẳng phải từ lỗ tai mà ra,” Tánh nghe cũng chẳng đến từ nhĩ căn. “Chẳng phải do hư không phát sinh.” Tánh nghe cũng chẳng đến từ hư không.
Kinh văn:
何以故? 若從靜來, 動即隨滅, 應非聞動。若從動來, 靜即隨滅, 應無覺靜。
Hà dĩ cố? Nhược tùng tĩnh lai, động tức tuỳ diệt, ưng phi văn động. Nhược tùng động lai, tĩnh tức tuỳ diệt, ưng vô giác tĩnh.
Sao vậy? Nếu tánh nghe từ tĩnh mà đến thì cái động phải theo đó mà biến mất, lẽ ra không còn thấy được cái động nữa. Nếu tánh nghe từ động mà đến, thì cái tĩnh phải theo đó mà biến mất, lẽ ra không còn biết được cái tĩnh nữa.
Giảng:
“Sao vậy? Nếu tánh nghe từ tĩnh mà đến”–Điểm nầy có ý nghĩa hơi giống với tánh thấy đã trình bày ở trên, nhưng quý vị đừng nên bực mình khó chịu. Các đạo lý đều phải được giải thích tường tận từng chi tiết. Đức Phật giảng giải lục nhập rất chi tiết. “Thì cái động phải theo đó mà biến mất, lẽ ra không còn thấy được cái động nữa.” Nếu tánh nghe đến từ trạng thái tịnh, thì khi động lẽ ra tánh nghe bị tiêu diệt, sẽ không còn tánh nghe nữa. Nhưng vẫn có tánh nghe khi ở trong trạng thái tịnh, và vẫn có tánh nghe khi ở trong trạng thái động. “Nếu tánh nghe từ động mà đến, thì cái tĩnh phải theo đó mà biến mất, lẽ ra không còn biết được cái tĩnh nữa.” Nếu tánh nghe đến từ trạng thái động, thì lẽ ra phải không còn trạng thái tịnh nữa. Lẽ ra sẽ không nghe được cái tịnh nữa. Nếu tánh nghe đến từ cái tịnh, thì lẽ ra quý vị sẽ không biết gì về cái động nữa. Do vậy, tánh nghe không phát xuất từ hai trần tướng động tĩnh.
Kinh văn:
若從根生, 必無動靜。如是聞體本無自性。
Nhược tùng căn sinh, tất vô động tĩnh. Như thị văn thể bổn vô tự tánh.
Nếu (cái nghe) từ tai sinh ra, ắt hẳn không có động và tĩnh. Thế nên tánh nghe vốn không có tự tánh.
Giảng:
“Nếu (cái nghe) từ tai sinh ra, ắt hẳn không có động và tĩnh.” Hai trần tướng động và tĩnh lẽ ra không còn. “ Thế nên tánh nghe” như đã nói ở trên: “vốn không có tự tánh.” Sao vậy? Nếu nó có một tính chất, lẽ ra nó phải có thể tánh, nhưng quý vị đã không thể nào tìm ra được thể tánh của tánh nghe.
Kinh văn:
若於空出, 有聞成性,即非虛空。又空自聞, 何關汝入。
Nhược ư không xuất, hữu văn thành tánh, tức phi hư không; hựu không tự văn, hà quan nhữ nhập.
Nếu (tánh nghe) từ hư không mà ra, đã có tánh nghe, tức không phải là hư không nữa; còn nếu hư không tự nghe được, thì quan hệ gì đến nhĩ nhập (nhĩ căn) của ông.
Giảng:
“Nếu (tính nghe) từ hư không mà ra –Nếu (tánh nghe) phát sinh từ hư không–tức hư không đã có tánh nghe, tức không phải là hư không nữa.” Giả sử như tánh nghe đến từ hư không. Hư không thì tuyệt nhiên không hay không biết gì cả; hư không vô tri, nên nếu hư không có được tính nghe, thì nó sẽ không còn được gọi là hư không nữa. Do vậy, tánh nghe không phát xuất từ hư không. “ Còn nếu hư không tự nghe được–Còn nếu cho rằng tánh nghe phát sinh từ hư không, thì quan hệ gì đến nhĩ nhập (nhĩ căn) của ông?” Nó có dính dáng gì đến quý vị? Chắc hẳn là chẳng dính dấp gì đến ai cả.
Kinh văn:
是故當知, 耳入虛妄, 本非因緣, 非自然性.
Thị cố đương tri, nhĩ nhập hư vọng, bổn phi nhân duyên, phi tự nhiên tánh.
Thế nên phải biết nhĩ nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.
Giảng:
“Thế nên phải biết nhĩ nhập là hư vọng. Do vậy, ông phải nên biết nhĩ nhập–dạng thức của tánh nghe– là hư vọng, vì nó vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.” Nó vốn chẳng phải phát sinh từ tính nhân duyên, cũng chẳng phải phát sinh từ tánh tự nhiên.
Kinh văn:
阿難, 譬如有人, 急畜其鼻, 畜久成勞。則於鼻中, 聞有觸冷。因觸分別, 通塞虛實。如是乃至諸香臭氣, 兼鼻與勞,同是菩提 瞪發勞相.
A-nan, thí như hữu nhân, cấp súc kỳ tị, súc cửu thành lao. Tắc ư tị trung, văn hữu xúc lãnh, nhân xúc phân biệt, thông tắc hư thật. Như thị nãi chí chư hương xú khí, kiêm tị dữ lao, đồng thị bồ-đề trừng phát lao tướng.
A-nan, ví như có người bít chặt hai lỗ mũi, bít lâu thành ra mỏi mệt. Trong lỗ mũi nghe có cảm giác lạnh, do cảm giác như vậy mà phân biệt được là thông, là ngăn bít, là rỗng, là đặc; cho đến các mùi hương thơm khí thối, cả cái ngửi cùng tướng mỏi mệt đều là thể tánh bồ-đề, do chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.
Giảng:
Mắt và tai đã được giải thích ở trên. Bây giờ sẽ nói về tị nhập. “A-nan,” Đức Phật gọi tên A-nan là để cho A-nan phải đặc biệt chú tâm nghe giảng. “Ông phải hết sức lắng nghe những đạo lí mà Như Lai sắp giảng bày cho ông. Ví như có người–giả sử như có một người. Người ấy làm gì? Anh ta bít chặt hai lỗ mũi.” Anh ta hít mạnh vào, hít thở rất khó khăn. Thông thường chúng ta dùng khứu giác để ngửi mỗi khi có mùi hương xuất hiện, nhưng người nầy đang gặp rất khó khăn khi hít thở qua đường mũi của mình. Anh ta không chỉ bị như vậy trong một lúc, mà phải chịu vậy rất lâu. “Bít lâu thành ra mỏi mệt.” Nếu thở như vậy trong một thời gian lâu, quý vị sẽ thấy mỏi mệt. Lỗ mũi sẽ mỏi mệt. Và khi mỏi mệt thì vọng tưởng sinh khởi. Lỗ mũi sinh khởi nên vọng tưởng. Loại vọng tưởng gì vậy? Có khi nó bảo, “ Hãy ngừng lại đi! Dừng lại đi!” Nhưng người ta không chịu dừng. Thế nên nó phát sinh một cảm giác. Cảm giác gì? “Trong lỗ mũi nghe có cảm giác lạnh.” Thấy hơi thở kéo theo một cảm giác lạnh. Cực kỳ lạnh. “Do cảm giác như vậy mà có sự phân biệt.” Trong hơi thở lạnh ấy, dấy lên sự phân biệt cảm giác hơi thở đi vào lỗ mũi. Phân biệt như thế nào? “Phân biệt được là thông, là ngăn bít.” “A! lỗ mũi tôi bị nhgẹt rồi.” Hoặc là, “Tôi thở được bằng lỗ mũi bên trái nhưng bên phải lại thở không được.” Anh ta bắt đầu dấy lên sự phân biệt. Không có chuyện gì để làm, anh ta tìm việc gì đó để làm, đó là khởi lên những phân biệt như thế. “Là rỗng, là đặc.” Hư 虛ở đây có nghĩa là rỗng, thông suốt; thật 實ở đây có nghĩa là đặc, bế tắc. Anh ta nghĩ rằng: “A! phải chăng mình đang bị cảm lạnh, vì không thể nào thở bằng mũi được?” Anh ta khởi những phân biệt như vậy. “Cho đến các mùi hương thơm khí thối.” Nghĩa của thối–chữ xú 臭 trong tiếng Hán là gì? Nó gồm hai chữ hợp lại, chữ tự 自nghĩa là ta, mình và chữ đại 大nghĩa là lớn; nên thối– xú 臭 được giải thích là “cái ta lớn”. Xem mình rất lớn có nghĩa là thối. Nên chữ xú 臭có nghĩa là “cái ta lớn thối hoắc.” Có người không hiểu được nghĩa của “các mùi hương thơm khí thối.” Tôi sẽ giải thích rõ. Lấy ví dụ như cá, để nó một nơi nào đó rồi chẳng thèm để ý đến nữa, sau một thời gian cá sẽ trở nên ươn thối. Khi nó thối, sẽ sinh ra giòi. Vốn cá là thứ mình ăn được, nhưng khi đã có giòi trong đó rồi thì chẳng ai còn muốn ăn nữa. Đừng nói chuyện ăn, quý vị chỉ cần nghĩ đến sao mà nó bốc mùi quá ghê là đủ khiến mình muốn nôn rồi. Ngay khi có ai đó nói đến me chua thì miệng quý vị liền tiết ra nước bọt, hoặc khi quý vị nghĩ mình đang đứng trên mép vực sâu ngàn dặm thì chân bỗng run run, và gan bàn chân thấy rờn rợn; ở đây cũng giống như vậy, khi nghĩ đến mùi thối, quý vị liền cảm thấy muốn dợn mửa.
Có điều rất lạ: người ở Thượng Hải rất thích ăn những thứ có mùi thối. Họ thích ăn một loại đậu phụ có mùi thum thủm như phân trong nhà vệ sinh. Quý vị có cho đó là chuyện lạ không? Tôi không có ý giễu cợt người Thượng Hải, nhưng sự thật là như vậy. Tôi đã từng đến Ngũ Đài Sơn, ở tại chùa Fa Yu và chùa P’u T’i, người dân vùng nầy không ăn gì ngoài một thứ đường mía có mùi thum thủm. Đường vốn được làm ra từ mía, tôi không hiểu tại sao người dân ở đây lại ăn như vậy, nó bốc mùi thối đến tận trời. Tôi vốn chẳng kén ăn. Đối với tôi, thức ăn ngon dở đều như nhau. Khi nó đã thành thực phẩm rồi, tôi chẳng bận tâm kén chọn gì nữa. Nhưng món đường mía có mùi thối đến tận trời ấy thì quá sức, không dễ gì nuốt trôi. Thế nhưng người dân ở đó sẽ không thân thiện với mình nếu mình không ăn thứ đó. Họ thích ăn đường mía, và nếu quý vị không ăn, họ sẽ cho rằng quý vị khinh thường họ. Trên thế giới có rất nhiều thứ để ăn, và mỗi dân tộc lại thích ăn những thứ có những mùi vị khác nhau. Bản tính của người dân mỗi địa phương quý vị đi qua đều khác biệt nhau.
Quý vị chẳng cần bận tâm gì đến những thứ hôi thối nếu như quý vị không có một “cái ta lớn”. Tự xem cái ngã của mình lớn là rất thối, còn thối hơn cả mùi thối của cá và mùi thối của phân cầu. Không còn ai dám gần mình nữa. Sao vậy? Vì không phải quý vị lớn. Mà vì quý vị đã biến mình thành một thứ gì thối hoắc.
Kinh văn:
因于通塞, 二種妄塵, 發聞居中。吸此塵象, 名嗅聞性。此聞離彼通塞二塵,畢竟無體.
Nhân vu thông tắc, nhị chủng vọng trần phát văn cư trung. Hấp thử trần tượng danh khứu văn tánh. Thử văn ly bỉ thông tắc nhị trần, tất cánh vô thể.
Nhân nơi hai thứ vọng trần thông và bít, phát ra cái ngửi ở trong, thu nạp các trần tượng đó, gọi là tánh ngửi. Tánh ngửi đó rời hai thứ vọng trần thông và bít kia, hoàn toàn không có tự thể.
Giảng:
“Nhân nơi hai thứ vọng trần thông và bít”– hai thứ vọng trần thông suốt và ngăn ngại, những tướng không thanh tịnh nầy trở nên lưu hiện, và từ trong sự bất tịnh ấy sinh khởi tánh ngửi. Trong tiếng Hán chữ văn 聞 có hai nghĩa là nghe và ngửi. Ở đây không đề cập đến nghe, chỉ nói đến ngửi. “Thu nạp các trần tượng.” Vì tánh ngửi hấp thu vào cả hai trần tướng thông và bít, “Gọi là tánh ngửi.” Lại nữa, tánh nghe–văn tánh聞性 không có nghĩa là quay cái nghe trở lại để nghe được tự tánh của mình. Tánh nghe–văn tánh聞性 nầy không có nghĩa như Bồ-tát Quán Thế Âm nói: “Phản văn văn tự tánh, đắc thành Vô thượng đạo.” Ngài lắng nghe tự tánh, và tu tập để được thành tựu Vô thượng đạo. Ngài đạt được nhĩ căn viên thông. Kinh văn đoạn nầy đề cập đến khả năng của khứu giác. “Tánh ngửi đó rời hai thứ vọng trần thông và bít kia, hoàn toàn không có tự thể.” Tách rời hai trạng thái thông suốt và ngăn ngại, tách rời hai thứ vọng trần ấy, cái tánh biết ngửi vốn không có thực thể.
Kinh văn:
當知是聞,非通塞來,非於根出,不於空生。
Đương tri thị văn, phi thông tắc lai, phi ư căn xuất, bất ư không sinh.
Như vậy, A-nan! phải biết cái ngửi đó, chẳng phải từ thông hay bít mà có, chẳng phải do lỗ mũi mà ra, chẳng phải từ hư không phát sinh.
Giảng:
Đoạn nầy có cùng ý nghĩa như điều đã giải thích ở trên. “A-nan! phải biết cái ngửi đó, tánh ngửi ấy, chẳng phải từ thông hay bít mà có.” Chẳng phải từ sự thông suốt và ngăn ngại mà tánh ngửi ấy phát sinh. “Chẳng phải do lỗ mũi mà ra.” Cũng chẳng phải do từ lỗ mũi mà có tánh ngửi. “ Cũng chẳng phải từ hư không phát sinh.” Thế nó do đâu mà có?
Kinh văn:
何以故?若從通來, 塞自隨滅, 云何知塞。如因塞有,通則無聞。云何發明香臭等觸。
Hà dĩ cố, nhược tùng thông lai, tắc tự tuỳ diệt, vân hà tri tắc. Như nhân tắc hữu, thông tắc vô văn. Vân hà phát minh hương xú đẳng xúc?
Sao vậy? Nếu (tánh ngửi) từ cái thông mà đến, thì khi bít, (tánh ngửi) đã tự biến mất rồi, làm sao còn biết được bít. Nếu nhân nơi bít mà có (tánh ngửi), thì khi thông sẽ không còn tánh ngửi. Làm sao biết được các mùi thơm thối?
Giảng:
“Sao vậy? Xuất phát từ đạo lý nào để Như Lai nói rằng tánh ngửi chẳng đến từ thông hay bít, chẳng đến từ lỗ mũi, cũng chẳng do hư không mà phát sinh? Như Lai sẽ giảng giải cho các ông. Hãy lắng nghe. Nếu (tánh ngửi) từ cái thông mà đến, thì khi bít, (tánh ngửi) đã tự biến mất rồi.” Thông và bít là hai trạng thái đối nghịch nhau, thế nên nếu tánh ngửi đến từ trạng thái thông thì trong trạng thái bít sẽ không có tánh ngửi. Tánh ngửi trong trạng thái bít sẽ bị biến mất. “Làm sao còn biết được bít.?” Nếu tánh ngửi trong trạng thái bít không hiện hữu thì làm sao mà biết được có sự ngăn bít? “Nếu nhân nơi bít mà có (tánh ngửi) – nếu tánh ngửi có được là nhờ vào trạng thái ngăn bít, thì khi thông sẽ không còn tánh ngửi. Ông sẽ không thể nào ngửi được nhờ tánh ngửi. Làm sao ông nhận ra được trạng thái thông và trạng thái bít? Do vậy, tánh ngửi chẳng đến từ trạng thái thông cũng như chẳng đến từ trạng thái bít. Ông phải biết rõ bản chất của tánh ngửi. Trong trường hợp đó, làm sao biết được các mùi thơm thối?” Vì tánh ngửi chẳng phải do từ thông hay bít mà có, thì làm sao mà có sự nhận biết các mùi hương thơm thối?
Kinh văn:
若從根生,必無通塞。如是聞體本無自性。
Nhược tùng căn sinh, tất vô thông tắc. Như thị văn thể bổn vô tự tánh.
Nếu (tánh ngửi) từ lỗ mũi sinh ra, hẳn không còn có cái thông cái bít. Nên tánh ngửi như vậy vốn không có tự tánh.
Giảng:
“Nếu (tánh ngửi) từ lỗ mũi sinh ra”– Nếu (tánh ngửi) phát sinh từ lỗ mũi– “Hẳn không còn có trạng thái thông cũng như chẳng đến từ trạng thái bít. “Cái thông cái bít.” Tánh ngửi không còn liên quan gì đến với các trạng thái thông cũng như trạng thái bít. “Nên tánh ngửi như vậy vốn không có tự tánh,” Dù quý vị có muốn giải thích kiểu nào, nó cũng không có tự tánh.
Kinh văn:
若從空出, 是聞自當 迴嗅汝鼻。空自有聞,何關汝入?
Nhược tùng không xuất, thị văn tự đương hồi khứu nhữ tị. Không tự hữu văn, hà quan nhữ nhập?
Nếu (tánh ngửi) do hư không mà ra, thì cái ngửi đó phải xoay trở lại ngửi được lỗ mũi của ông. Lại nếu như hư không tự ngửi được, thì có dính dáng gì đến chỗ thu nạp (tị nhập) của ông?
Giảng:
“Nếu do hư không mà ra” – Nếu tánh ngửi phát sinh từ hư không– “thì cái ngửi đó phải xoay trở lại ngửi được lỗ mũi của ông.” Trước tiên nó phải ngửi được lỗ mũi của ông. “Lại nếu như hư không tự ngửi được, thì có dính dáng gì đến chỗ thu nạp (tị nhập) của ông? ” Lại nữa, còn một cách giải thích khác. Hãy cho rằng giả sử cái ngửi ấy đến từ hư không, thì nó có liên quan gì với lỗ mũi, là chỗ thu nạp (tị nhập) của ông? Hãy suy nghĩ kỹ. Có đạo lý gì trong đó chăng?
Kinh văn:
是故當知, 鼻入 虛妄, 本非因緣, 非自然性.
Thị cố đương tri, tị nhập hư vọng, bổn phi nhân duyên, phi tự nhiên tánh.
Thế nên phải biết tị nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.
Giảng:
“Thế nên phải biết”– ông phải nên biết bề sâu của đạo lí nầy– tị nhập là hư vọng.” Lỗ mũi, cùng với tánh ngửi phát sinh từ đó, đều là hư vọng, không thật, “Vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.” Vì theo căn để của nó, vốn không được xem đó như là một pháp do nhân duyên sinh. Cũng chẳng phải từ tự nhiên sinh ra. Vậy rốt ráo nó từ đâu sinh ra? Có phải tôi đã giải thích từ trước rồi đó sao? Ngũ uẩn, lục nhập, mười hai xứ, mười tám giới–tất cả đều là tác dụng của tánh giác–đều không ngoài tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng. Tất cả đều phát xuất từ tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng. Vì một niệm vô minh vọng động sinh khởi, nên mọi tướng vọng tưởng đều sinh khởi theo, phân ra có cái thấy và cảnh bị thấy. “Cái thấy” là khả năng nhận biết; ‘cảnh bị thấy’ là những vật tượng có hình dáng, màu sắc mà ‘cái thấy’ nhận biết được. Tất cả đều được tạo ra từ một niệm vô minh của tâm vọng tưởng ban đầu.
Kinh văn:
阿難, 譬如有人。以舌舐吻, 熟舐令勞。其人若病則有苦味。無病之人,微有甜觸。由甜與苦, 顯此舌根。不動之時淡性常在。兼舌與勞同是菩提。瞪發勞相
A-nan, thí như hữu nhân, dĩ thiệt chỉ vẫn, thục chỉ linh lao. Kỳ nhân nhược bệnh, tắc hữu khổ vị, vô bệnh chi nhân, vi hữu điềm xúc. Do điềm dữ khổ, hiển thử thiệt căn, bất động chi thời, đàm tánh thường tại. Kiêm thiệt dữ lao, đồng thị bồ đề, trừng phát lao tướng.
A-nan, ví như có người dùng lưỡi liếm mép, liếm mãi sinh ra mỏi mệt. Nếu người đó có bệnh thì thấy có vị đắng, nếu người không bệnh thì thấy có chút vị ngọt. Do những cảm giác ngọt, đắng mà hiện bày tính nếm, còn khi không động (không liếm mép) thì thường thấy tính nhạt. Cả tính nếm và cái mỏi mệt đều là tánh bồ-đề do chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.
Giảng:
Trước đây mỗi khi quý vị học kinh, hằng ngày quý vị đều sống cùng với mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của mình, nhưng trong mọi thời quý vị đều không biết được những cái ấy từ đâu đến. Ai thử đoán tại sao lại có quá nhiều thứ như thế trong Như Lai tạng?
Như Lai tạng lớn đến chừng nào để có thể chứa được chừng ấy thứ?
Như Lai tạng lớn hơn tất cả mọi thứ, thế nên mới chứa được mọi vật. Nếu nó không lớn hơn tất cả mọi thứ thì nó không thể nào chứa được nhiều đến vậy.
Nó để nhiều thứ như vậy ở đâu?
Hãy phân chia Như Lai tạng ra nhiều ngăn. Quý vị có nhãn nhập, người khác cũng có nhãn nhập; quý vị có nhĩ nhập, người khác cũng có nhĩ nhập; quý vị có tị nhập, người khác cũng có tị nhập; quý vị có thiệt nhập, người khác cũng có thiệt nhập. Nếu tất cả đều trộn lẫn với nhau, thì đến khi cần dùng nó, làm sao quý vị sử dụng nó được? Nếu đơn giản nó gom lại thành một khối, nhưng được phân chia đều nhau để chỗ thu nạp (nhập) của riêng mỗi người đều ở trong một vị trí riêng, thế cần phải có rất nhiều chỗ. Nên nó phải là một khoảng không gian rất lớn. Đó là lí do tại sao tôi nói Như Lai tạng lớn hơn tất cả mọi thứ nên mới chứa trọn được cả mọi vật. Chẳng có thứ gì mà không chứa được trong đó. Bây giờ chúng ta đang ở đâu? Chúng ta đều đang ở trong Như Lai tạng.
Quý vị liền nói: “Tôi chẳng hiểu Như Lai tạng giống như cái gì cả.”
Hằng ngày quý vị đều thấy Như Lai tạng. Nhưng quý vị không nhận ra. Trong mọi động dụng hằng ngày quý vị đều ở trong Như Lai tạng. Những gì mắt quý vị thấy, những gì tai nghe–mọi cái hoàn toàn đều ở trong Như Lai tạng. Quý vị vẫn chưa hình dung Như Lai tạng giống như thế nào. Tô Đông Pha có thơ rằng:
Bất thức Lô sơn chân diện mục
Chỉ duyên thân tại thử sơn trung.
不 識 盧 山 真 面 目
只 緣 身 在 此 山中
Nghĩa là:
Chẳng biết mặt mũi chân thật của Lô sơn như thế nào, vì chính mình đang đứng trên đỉnh Lô sơn.
Tại sao quý vị không thể nào diễn tả được mặt mũi chân thật của Lô sơn? Vì chính quý vị đang ở trên đỉnh Lô sơn, và vì thế nên quý vị không nhìn thấy được Lô Sơn toàn diện. Những gì quý vị nhận biết được đều là sự biểu hiện từ Như Lai tạng. Những ai không hiểu được Phật pháp đều không nhận ra được nghĩa Như Lai tạng như thế nào. Những người như vậy liền báng bổ Phật pháp. Họ nói: “Đạo Phật thường nói đến Như Lai tạng, Như Lai tạng, làm sao mà nó chứa được tất cả mọi thứ. Lòng tham của Đức Phật thật là lớn hơn mọi thứ trên đời. Ông ta gom chứa hầu như hết thảy mọi thứ.” Nhưng đây là một sai lầm. Như Lai tạng không phải là của Đức Phật. Mọi người ai cũng có phần trong đó. Nên loại suy nghĩ trên là một sai lầm.
“A-nan, ví như có người dùng lưỡi liếm mép.” Anh ta dùng lưỡi để liếm mép của mình. Tôi sẽ kể cho quý vị nghe một chuyện vui. Cũng gần giống như người không có bạn gái, nên anh ta tự hôn mình vậy. Quý vị có tin không? Thật là như vậy! “Liếm mãi sinh ra mỏi mệt.” Anh ta không những chỉ liếm một lần rồi thôi, mà liên tục liếm nhiều lần khiến sinh ra mệt mỏi. “Nếu người đó có bệnh”– Nếu người liếm mép bị bệnh, “thì thấy có vị đắng.” Sau khi liếm mép một hồi lâu, anh ta nhận ra có vị đắng. Người nầy mắc phải bệnh gì? Có khi anh ta bị bệnh tương tư, có nghĩa là anh ta nghĩ về phụ nữ. Thế nên anh ta tự liếm mép mình một hồi lâu và thấy vị đắng. Anh ta thấy rằng: “A! đây chẳng phải là mùi vị hấp dẫn–chẳng thích thú gì.” Quý vị có để ý rằng khi tôi giảng giải Phật pháp thì dường như ít người hiểu được, nhưng khi tôi bắt đầu giảng về những đề tài như thế nầy thì mọi người lại hiểu được ngay!
“Nếu người không bệnh thì thấy có chút vị ngọt.” Những người không bệnh sẽ cảm thấy có hơi chút vị ngọt. “Do những cảm giác ngọt, đắng mà hiện bày tính nếm.” Do hai mùi vị nầy, mà chức năng nếm của cái lưỡi được hiển bày. “Còn khi không động thì thường thấy tính nhạt.” Khi cái lưỡi nằm yên, thường thấy có vị nhạt trên đầu lưỡi. “Vị nhạt” có nghĩa là mọi thứ đều không có hương vị gì cả. “Cả tính nếm và cái mỏi mệt, đều phát xuất từ thể tánh bồ-đề.” Tại sao lưỡi lại trở nên mệt mỏi như vậy? “Chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.” Nó xảy ra khi, trong thể tánh bồ-đề, khi có một niệm vọng tưởng dấy lên, kết hợp cùng sự diên trì nên phát sinh ra tướng mỏi mệt.
Kinh văn:
因甜苦淡, 二種妄塵, 發知居中。吸此塵象, 名知味性。此知味性離彼甜苦及淡二塵畢竟無體。
Nhân điềm khổ đàm, nhị chủng vọng trần, phát tri cư trung. Hấp thử trần tượng, danh tri vị tánh. Thử tri vị tánh, ly bỉ điềm khổ, cập đàm nhị trần, tất cánh vô thể.
Nhân hai thứ vọng trần nhạt và ngọt đắng, phát ra cái biết bên trong, thu nạp các trần tượng đó, gọi là tính biết nếm. Tính biết nếm ấy rời hai thứ vọng trần ngọt đắng và nhạt kia, rốt ráo không có tự thể.
Giảng:
“Nhân hai thứ vọng trần nhạt và ngọt đắng, phát ra cái biết bên trong, thu nạp các trần tượng đó, gọi là tính biết nếm.” Ở đây có chữ nếm – vị 味 ở đây, nhưng quý vị có thể cho rằng nó không được xem như là một mùi vị, nên kinh văn chỉ nói, “hai thứ vọng trần”. 'Cải bắp suông luộc trong nước sôi thì chẳng có mùi vị gì.' Nếu người ta không thêm chút muối hay dầu mà chỉ nấu cải bắp trơn với nước lạnh thì nó chẳng có mùi vị gì. Trong cảm giác đắng và ngọt, có tính biết nếm phát sinh và hấp thu lấy hai trần tướng ấy. “Tính biết nếm ấy rời hai thứ vọng trần ngọt đắng và nhạt kia, rốt ráo không có tự thể.” Mặc dù tính biết nếm kia vốn không có mùi vị, song nó sinh khởi từ cảm giác ngọt và đắng, thế nên quý vị cho rằng kia là ngọt, đây là đắng, và đó là lí do tại sao kinh văn đề cập đến “hai thứ vọng trần.” Tách rời khỏi hai thứ vọng trần ấy, tính nếm kia thực sự chẳng có tự thể.
Kinh văn:
如是阿難,當知如是嘗苦淡知, 非甜苦來非因淡有。又非根出, 不於空生。
Như thị A-nan, đương tri như thị thường khổ đàm tri, phi điềm khổ lai, phi nhân đàm hữu. Hựu phi căn xuất, bất ư không sinh.
Thật vậy, A-nan, ông nên biết rằng cái biết đắng, biết nhạt như vậy, không phải từ vị ngọt, vị đắng mà đến; không phải do tính nhạt mà có; chẳng phải từ lưỡi sinh ra, cũng chẳng phải từ hư không phát sinh.
Giảng:
Đoạn nầy có cùng ý nghĩa như điều đã giải thích ở trên. “Thật vậy, A-nan, ông nên biết rằng ”– tính biết nếm như đã giải thích ở trên– “Cái biết đắng, biết nhạt như vậy– khi lưỡi của ông nhận biết mùi vị đắng hoặc nhạt– không phải từ vị ngọt, vị đắng mà đến.” Tính biết nếm ấy không phát xuất từ vị đắng hoặc vị ngọt. “không phải do tính nhạt mà có.” Cũng chẳng phải do vị nhạt mà tính biết nếm kia phát sinh. “Chẳng phải từ lưỡi sinh ra.” Nó cũng chẳng sinh ra từ lưỡi. “Cũng chẳng phải từ hư không phát sinh.”
Kinh văn:
何以故, 若甜苦來, 淡即知滅, 云何知淡。若從淡出,甜即知亡。復云何知甜苦二相?
Hà dĩ cố, nhược điềm khổ lai, đàm tức tri diệt, vân hà tri đàm? Nhược tùng đàm xuất, điềm tức tri vong. Phục vân hà tri điềm khổ nhị tướng?
Sao vậy? Nếu (tính nếm) từ các vị ngọt đắng mà đến, thì khi nhạt, cái biết nếm đã biến mất rồi, làm sao biết được nhạt? Nếu từ cái nhạt mà ra thì khi ngọt, cái nếm đã biến mất rồi, làm sao biết được hai vị ngọt và đắng?
Giảng:
“Sao vậy? Nếu (tính nếm) từ các vị ngọt đắng mà đến”– Nếu tính biết nếm đến từ vị ngọt và đắng– “thì khi nhạt, cái biết nếm đã biến mất rồi.” Sẽ không còn tính biết nếm nữa khi có vị nhạt. “Làm sao biết được nhạt?” Thế thì làm sao người ta nhận biết được vị nhạt? “Nếu từ cái nhạt mà ra”– Nếu tính biết nếm sinh khởi từ vị nhạt– “Thì khi ngọt, cái nếm đã biến mất rồi.” Thì tính biết nếm nhận ra vị ngọt sẽ biến mất. “Làm sao biết được hai vị ngọt và đắng.” Nếu trong thực tế, không có sự nhận biết vị ngọt, thì làm sao nhận biết được cả hai vị ngọt và đắng?
Kinh văn:
若從舌生, 必無甜淡, 及與苦塵。斯知味根本無自性.
Nhược tùng thiệt sinh, tất vô điềm đàm, cập dữ khổ trần. Tư tri vị căn, bổn vô tự tánh.
Nếu (tính biết nếm) do lưỡi sinh ra, hẳn không có những vị ngọt đắng và nhạt, thì cái tính biết nếm ấy vốn không có tự tánh.
Giảng:
“Nếu do lưỡi sinh ra, hẳn không có những vị ngọt đắng và nhạt.” Nếu (tính biết nếm) ấy đến từ lưỡi, thì sẽ chẳng có vị ngọt đắng và nhạt. Tại sao lại không có? Vì chính cái lưỡi vốn không có cái vị ngọt đắng hoặc vị nhạt. “Thì cái tính biết nếm ấy vốn không có tự tánh.” Cái tính biết nếm kia chắc hẳn là không có tự tánh.
Kinh văn:
若於空出, 虛空自味非汝口知。又空自知, 何關汝入?
Nhược ư không xuất, hư không tự vị, phi nhữ khẩu tri. Hựu không tự tri, hà quan nhữ nhập?
Nếu (tính biết nếm) do hư không mà ra, thì hư không tự nếm, chứ không phải lưỡi biết nếm. Lại nữa nếu hư không tự biết, thì có quan hệ gì đến chỗ thu nạp (thiệt nhập) của ông?
Giảng:
“Nếu (tính biết nếm) do hư không mà ra.” Nếu tính biết nếm đến từ hư không, “Thì hư không tự nếm, chứ không phải lưỡi biết nếm.” Tự nhiên hư không sẽ biết được nó nếm cái gì. Nếu tính biết nếm là do từ hư không, thì hư không tự nó sẽ biết được, và miệng ông sẽ không còn nhận biết được nữa. “Lại nữa nếu hư không tự biết”– Nếu hư không tự nó biết được tính biết nếm nầy, “Thì có quan hệ gì đến chỗ thu nạp (thiệt nhập) của ông.” Sẽ chẳng có quan hệ gì đến chỗ thu nạp (thiệt nhập) của ông cả.
Kinh văn:
是故當知,舌入虛妄, 本非因緣,非自然性.
Thị cố đương tri thiệt nhập hư vọng, bổn phi nhân duyên phi tự nhiên tánh.
Vậy nên biết rằng thiệt nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.
Giảng:
“ Do vậy, ông nên biết rằng. A-nan, đừng mê mờ nữa; đừng tiếp tục u mê, đừng tiếp tục mê muội. Ông phải biết rằng thiệt nhập là hư vọng.” Nó là một thứ hư vọng. Đừng xem nó như là tánh nhân duyên. Nó “vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.” Cũng vậy, nó phát sinh từ thể tánh bồ-đề, tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng.
Kinh văn:
阿難,譬如有人, 以一冷手觸於熱手。若冷勢多熱者從冷。若熱功勝,冷者成熱。如是以此合覺之觸顯於離知。涉勢若成因于勞觸。兼身與勞同是菩提 瞪發勞相
A-nan, thí như hữu nhân, dĩ nhất lãnh thủ, xúc ư nhiệt thủ. Nhược lãnh thế đa, nhiệt giả tùng lãnh; nhược nhiệt công thắng, lãnh giả thành nhiệt. Như thị dĩ thử, hợp giác chi xúc, hiển ư ly tri. Thiệp thế nhược thành, nhân vu lao xúc. Kiêm thân dữ lao đồng thị bồ-đề trừng phát lao tướng.
A-nan, ví như có người dùng bàn tay lạnh chạm bàn tay nóng. Nếu bên tay lạnh thấy lạnh nhiều hơn, thì bên tay nóng sẽ lạnh theo; nếu bên nóng thấy nóng hơn, thì tay bên lạnh cũng thành ra nóng. Như vậy, do cảm xúc nhận biết khi hợp lại này mà rõ được sự nhận biết lúc rời ra. Nếu cái thế chênh lệch hình thành giữa nóng và lạnh, thì do đó mà phát ra tướng mỏi mệt và có cảm xúc. Cả tính biết xúc cảm cùng cái mỏi mệt đều là tính bồ-đề chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.
Giảng:
“A-nan, ví như có người dùng bàn tay lạnh chạm bàn tay nóng. Nếu bên tay lạnh thấy lạnh nhiều hơn”– nếu bên bàn tay này lạnh hơn–“thì bên tay nóng sẽ lạnh theo.” Bàn tay kia đang ấm cũng sẽ bị lạnh theo. “Nếu bên nóng thấy nóng hơn, thì tay bên lạnh cũng thành ra nóng.” Bàn tay lạnh sẽ trở thành ấm. “Như vậy, do cảm xúc nhận biết khi hợp lại này mà rõ được sự nhận biết lúc rời ra.” Sự tiếp xúc của hai bàn tay nóng và lạnh gây nên nhận biết về sự hợp lại. Sự nhận biết về tách rời, được gọi là không có sự xúc chạm được mới được hiển bày. “Nếu cái thế chênh lệch hình thành giữa nóng và lạnh, thì do đó mà phát ra mỏi mệt và có cảm xúc.” Nếu cái ấm và lạnh phát sinh, đó là do sự mỏi mệt như là kết quả từ sự tiếp xúc của hai bàn tay. “Cả tính biết xúc cảm cùng cái mỏi mệt đều là tính bồ-đề.” Thân thể (bàn tay), cùng tính biết xúc chạm đều là thể tính bồ-đề. Do “chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.” Đây là trường hợp diên trì, kéo dài quá lâu trong thể tính bồ-đề khiến phát sinh ra tướng mỏi mệt.
Kinh văn:
因于離合, 二種妄塵, 發覺居中。吸此塵象, 名知覺性。此知覺體, 離彼離合, 違順二塵,畢竟無體。
Nhân vu ly hợp, nhị chủng vọng trần, phát giác cư trung, hấp thử trần tượng, danh tri giác tánh. Thử tri giác thể, ly bỉ ly hợp, vi thuận nhị trần, tất cánh vô thể.
Nhân nơi hai vọng trần ly và hợp, phát ra cái hay biết ở bên trong, thu nạp các trần tượng nầy, gọi là tính biết cảm xúc. Tính biết cảm xúc nầy, rời hai vọng trần ly và hợp, trái và thuận kia, rốt ráo không có tự thể.
Giảng:
“Nhân nơi hai vọng trần ly và hợp, phát ra cái hay biết ở bên trong, thu nạp các trần tượng nầy, gọi là tính biết cảm xúc.” Vì có sự ly và hợp – hai loại nhận biết do xúc chạm, là hai thứ vọng trần– nên có một cảm giác phát sinh trong đó, và hai bàn tay của thân bị lôi cuốn vào cảm giác từ hai thứ vọng trần ly và hợp nầy. “Tính biết cảm xúc nầy, rời hai vọng trần ly và hợp, trái và thuận kia, rốt ráo không có tự thể.” “ Trái– khó chịu” là nói đến trạng thái khổ; “thuận–dễ chịu” là nói đến trạng thái vui. Điều mà người ta thích là trạng thái vui. Điều mà người ta không thích là trạng thái khổ. Thế nên tách rời hẳn hai thứ vọng trần ly và hợp, thì tính biết cảm xúc sẽ không có một thể tính căn bản. Nó không có tự thể.
Kinh văn:
如是阿難,當知是覺, 非離合來, 非違順有, 不於根出, 又非空生。
Như thị A-nan, đương trị thị giác, phi ly hợp lai, phi vi thuận hữu; bất ư căn xuất, hựu phi không sinh.
Như vậy, A-nan, ông nên biết cái cảm xúc đó không phải từ cái ly, cái hợp mà đến; không phải từ cái trái, cái thuận mà có; không phải do nơi thân (căn) mà ra, cũng không phải do hư không phát sinh.
Giảng:
“Như vậy, A-nan, từ đây, ông nên biết cái cảm xúc đó không phải từ cái ly, cái hợp mà đến.” Mặc dù nói cảm giác về sự hiện hữu của hai thứ vọng trần ly và hợp, nhưng tính biết cảm xúc đó cũng không do từ ly và hợp. “Không phải từ cái trái, cái thuận mà có; không phải do nơi thân (căn) mà ra”– nó cũng chẳng phát sinh từ căn thân, “cũng không phải do hư không phát sinh.”
Kinh văn:
何以故, 若合時來, 離當已滅, 云何覺離?違順二相亦復如是.
Hà dĩ cố? Nhược hợp thời lai, ly đương dĩ diệt, vân hà giác ly? Vi thuận nhị tướng diệc phục như thị.
Sao vậy? Nếu từ cái hợp mà đến thì khi xa lìa, cái biết đã mất rồi, làm sao biết được sự xa lìa? Với hai tướng trái và thuận kia cũng giống như vậy.
Giảng:
“Sao vậy?” Nghĩa lý như thế nào? “Nếu từ cái hợp mà đến.”– nếu nó nhân cái hợp mà có được tính biết cảm xúc – “thì khi xa lìa, cái biết đã mất rồi.” Khi hai bàn tay tách rời nhau; không còn tính biết cảm xúc nữa, nhưng tính ấy vẫn còn đó. “làm sao biết được sự xa lìa.” Nếu tính biết cảm xúc biến mất khi có sự tách rời, thì tại sao ông lại biết được có sự tách rời? “Với hai tướng trái và thuận kia cũng giống như vậy.” Trạng thái khổ (trái) và vui (thuận) cũng giống như vậy.
Kinh văn:
若從根出, 必無離合, 違順四相, 則汝身知,元無自性。
Nhược tùng căn xuất, tất vô ly hợp, vi thuận tứ tướng, tắc nhữ thân tri, nguyên vô tự tánh.
Nếu (tính biết cảm xúc) từ thân thể mà ra, hẳn không có bốn tướng ly hợp trái thuận, thì tính biết cảm xúc nơi thân của ông vốn không có tự tánh.
Giảng:
“Nếu (tính biết cảm xúc) từ thân thể mà ra– nếu ông muốn nói rằng tính biết cảm xúc từ thân thể mà ra– hẳn không có bốn tướng ly hợp trái thuận.” Làm sao chỉ ra được tính xúc chạm ấy không phát xuất từ thân thể? Nếu đúng như vậy, thì thân thể chắc sẽ không có cách nào để nhận biết sự hợp ly, trái thuận. Nếu vậy thì “tính biết cảm xúc nơi thân của ông”– sự nhận biết của chính ông–“vốn không có tự tánh.” Tánh biết cảm xúc ắt cũng không có tự thể.
Kinh văn:
必於空出。空自知覺, 何關汝入?
Tất ư không xuất, không tự tri giác, hà quan nhữ nhập?
Nếu (tính biết cảm xúc) từ hư không mà ra, thì hư không tự biết, quan hệ gì đến chỗ thu nạp (thân nhập) của ông?
Giảng:
“ Nếu (tính biết cảm xúc) từ hư không mà ra– còn nếu ông nói rằng tính biết cảm xúc nầy phát sinh từ hư không; thì hư không tự biết, quan hệ gì đến chỗ thu nạp (thân nhập) của ông.” Chắc là tính biết cảm xúc ấy chẳng dính dáng gì đến chỗ thu nạp (thân nhập) của ông. Do mọi tiền đề đều không hợp lý, ta rút ra được kết luận như thế nào?
Kinh văn:
是故當知, 身入虛妄。本非因緣, 非自然性.
Thị cố đương tri, thân nhập hư vọng, bổn phi nhân duyên, phi tự nhiên tánh.
Vậy nên biết rằng thân nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.
Giảng:
“ Vậy nên biết rằng thân nhập là hư vọng – do vậy A-nan, ông nên biết rằng lãnh vực của thân nhập cũng là hư vọng, không thật, nó vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.” Thân nhập cũng là phát sinh từ trong chân tánh bồ-đề mầu nhiệm.
Kinh văn:
阿難,譬如有人, 勞倦則眠, 睡熟便寤。覽塵斯憶, 失憶為忘。是其顛倒,生住異滅。吸習中歸,不相踰越, 稱意知根。兼意與勞 同是菩提, 瞪發勞相.
A-nan, thí như hữu nhân, lao quyện tắc miên, thụy thục tiện ngộ; lãm trần tư ức, thất ức vi vong. Thị kỳ điên đảo, sinh trụ dị diệt, hấp tập trung quy, bất tương du việt. Xưng ý tri căn. Kiêm ý dữ lao đồng thị bồ-đề trừng phát lao tướng.
A-nan, ví như có người mệt nhọc thì ngủ, ngủ rất sâu rồi thức dậy, nhìn trần cảnh để nhớ lại (những gì đã hiện ra trong giấc ngủ), những gì không nhớ được thì gọi là quên. Các thứ sinh trụ dị diệt điên đảo đó, quen thói thu nạp vào bên trong mà không lẫn lộn nhau. Đó gọi là ý căn. Cả ý căn cùng cái mỏi mệt đều là thể tính bồ-đề do chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.
Giảng:
“A-nan, ví như có người mệt nhọc thì ngủ.” Anh ta quá mệt và muốn ngủ. “Ngủ rất sâu rồi thức dậy, nhìn trần cảnh để nhớ lại (những gì đã hiện ra trong giấc ngủ), những gì không nhớ được thì gọi là quên.” Khi thức dậy, anh ta nhìn cảnh trần trước mặt mình, anh ta cố gắng nhớ lại những cảnh đã diễn ra trong khi ngủ và không thể nào nhớ được một số cảnh khác vì anh ta đã quên. “Các thứ sinh trụ dị diệt điên đảo đó,”– đây là các thứ điên đảo trong dòng tâm thức, là bốn tướng sinh, trụ, dị, diệt. Lấy chuyện đi ngủ làm ví dụ: Khi nghĩ đến việc ngủ là sinh, ngủ thực sự là trụ, trạng thái sắp tỉnh giấc gọi là dị, tỉnh giấc và không còn muốn ngủ nữa gọi là diệt. Thế nên ngay trong việc ngủ cũng đã có đủ là bốn tướng sinh, trụ, dị, diệt. Đối với niệm tưởng của con người cũng có sinh, trụ, dị, diệt. Suy nghĩ ban đầu về điều gì đó gọi là sinh, thực sự đang nghĩ về điều gì đó và sự theo đuổi vọng tưởng mà mình đã chú ý gọi là trụ, khi suy nghĩ về điều ấy sắp xong gọi là dị, khi không còn suy nghĩ về điều ấy nữa gọi là diệt. Chỉ ngay trong một niệm cũng có đủ bốn tiến trình. Một khi quý vị quán sát thật kỹ sẽ thấy Phật pháp vô cùng vô tận. Hãy lấy việc gọi điện thoại làm thí dụ: Sinh là khi chuông diện thoại reo, trụ là khi quý vị đang nói chuyện qua diện thoại, dị là khi sắp sửa chấm dứt cuộc điện đàm, diệt là khi cuộc nói chuyện đã xong. Đối với mọi thứ, bất luận là gì, đều có đủ bốn tiến trình sinh, trụ, dị, diệt.
Trong mạng sống của con người, cũng có đủ bốn tiến trình sinh, trụ, dị, diệt. Sự ra đời là sinh, giai đoạn sống nơi trần gian là trụ, bệnh tật là dị, và chết là diệt. Thế con người có trở thành hư vô sau một tiến trình sinh, trụ, dị, diệt không? Không. Sinh mạng trong đời sống tương lai cũng vẫn chi phối theo tiến trình sinh, trụ, dị, diệt. Trong đời sống tương lai, môi trường thay đổi, nhưng vẫn có tiến trình sinh, trụ, dị, diệt. Thế nên sinh, trụ, dị, diệt là một ý niệm rất quan trọng trong Phật pháp. Hầu như mọi vật đều có thể được dùng để minh hoạ cho nguyên lý nầy. Cái bàn nầy là một ví dụ khác. Khi những miếng gỗ nầy được xẻ ra, nó đã được dự tính dùng để làm nên cái bàn, đó gọi là sinh, khi đã làm thành cái bàn rồi gọi là trụ, nó sẽ chẳng luôn luôn tồn tại mãi như hiện giờ. Sau một thời gian dài sử dụng nó sẽ hư hoại từng phần, đó gọi là dị, một khi đã bị rời ra từng phần thì không thể dùng được nữa, nó sẽ bị đem đốt, đó là diệt.
Thế giới cũng trải qua bốn tiến trình sinh, trụ, dị, diệt. Thế giới trải qua một thời gian rất dài trong quá trình sinh. Phải qua một thời gian 20 tiểu kiếp cho tiến trình sinh thành thế giới. Giai đoạn trụ gồm 20 tiểu kiếp. Nó trải qua giai đoạn biến dịch trong 20 tiểu kiếp, và quá trình hoại diệt thành không trong 20 tiểu kiếp. Đó là tiến trình thành, trụ, hoại, không của thế giới, cũng tương tự như tiến trình sinh, trụ, dị, diệt.
Một kiếp gồm bao nhiêu năm?
Một kiếp gồm 139.600 năm. Một ngàn kiếp bằng một tiểu kiếp, Hai mươi tiểu kiếp bằng một trung kiếp. Bốn trung kiếp bằng một đại kiếp. Một tiến trình thành, trụ, hoại, không kéo dài trong một đại kiếp. Kiến thức, sự hiểu biết về lịch sử của mình chỉ dò lui được đến chừng vài ngàn năm– ngay cả không được một kiếp. Tầm hiểu biết của chúng ta rất nhỏ nhoi. Kiếp, cũng vậy, có đủ các tiến trình thành, trụ, hoại, không – sinh, trụ, dị, diệt.
“Quen thói thu nạp vào bên trong.” Tâm thức thu nạp các trần tướng sinh, trụ, dị, diệt, trong khi đang ngủ. Những tướng trạng nầy xuất hiện trở lại trong bộ nhớ của con người, “mà không lẫn lộn nhau.” Tiến trình sinh, trụ, dị, diệt của niệm tưởng trong tâm thức hoàn toàn giống như sóng trong nước.
“Đó được gọi là ý căn.” Trong sáu giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; nay ý được đề cập. “Cả ý căn cùng cái mỏi mệt đều là thể tính bồ-đề do chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.” Đây cũng là sự chăm chú, tính diên trì trong chân tánh bồ-đề khiến phát sinh ra tướng mỏi mệt.
Kinh văn:
因于生滅, 二種妄塵,集知居中。吸撮內塵, 見聞逆流, 流不及地,名覺知性。
Nhân vu sinh diệt, nhị chủng vọng trần, tập tri cư trung. Hấp toát nội trần, kiến văn nghịch lưu. Lưu bất cập địa, danh giác tri tánh.
Nhân nơi hai thứ vọng trần sinh và diệt, nhóm cái biết bên trong. Thu nạp pháp trần bên trong, dòng thấy nghe đi ngược vào trong. Dòng nầy đi vào nơi không cùng tận, gọi là cái ý hay biết.
Giảng:
“Nhân nơi hai thứ vọng trần sinh và diệt, nhóm cái biết bên trong.” Các thứ vọng trần của tâm thức nằm ngay trong tâm. Tâm phan duyên chính là đối tượng của sinh diệt. Cũng có những pháp không phải là đối tượng của sinh diệt nhưng pháp do tâm phan duyên chính là pháp sinh diệt, đó chính là vọng trần, tánh hay biết tập hợp và trú ở bên trong vọng trần nầy, và “Thu nạp pháp trần bên trong, dòng thấy nghe đi ngược vào trong.” Vọng trần của cái thấy, cái nghe quay trở lại với tâm ý thức (thức thứ 6). “Dòng nầy đi vào nơi không cùng tận.” Trước khi dòng nầy đến được nơi chốn, có nghĩa là trước khi dòng tâm thức với cái thấy cái nghe quay trở lại đến nhập vào thức thứ tám, “gọi là cái ý hay biết.”
Thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và ý thức, thức thứ 6, chính là tính giác tri của ý căn. “Trước khi dòng nầy đến được nơi chốn,” đây cũng gọi là dòng nghịch lưu. Dòng nghịch lưu là gì? Khi tâm phan duyên khởi niệm, như thể có một dòng chảy ngược lại vào tâm thức. Trước khi dòng chảy ngược nầy đến nhập vào thức thứ 8 (cập địa), thì có phát sinh một cái ý hay biết (tánh giác tri) ở trong thức thứ 6.
Kinh văn:
此覺知性, 離彼寤寐, 生滅二塵,畢竟無體
Thử giác tri tánh, ly bỉ ngộ mị sinh diệt nhị trần, tất cánh vô thể.
Cái ý hay biết nầy rời hai trần thức và ngủ, sinh và diệt kia thì rốt ráo không có tự thể.
Giảng:
“Cái ý hay biết nầy rời hai trần thức và ngủ”– của tướng ngủ và tướng thức– “sinh và diệt”– và của hai vọng trần sinh và diệt– “thì rốt ráo không có tự thể.” Cái ý hay biết nầy, cũng vậy, không có một thể tính riêng.
Kinh văn:
如是阿難, 當知如是覺知之根。非寤寐來,非生滅有。不於根出, 亦非空生。
Như thị A-nan, đương tri như thị giác tri chi căn, phi ngộ mị lai, phi sinh diệt hữu, bất ư căn xuất, diệc phi không sinh.
Thật vậy, A-nan nên biết cái ý căn hay biết như thế, không phải do từ nơi thức, nơi ngủ mà đến; không phải do nơi sinh, nơi diệt mà có; không phải từ nơi ý căn mà ra, cũng không phải từ nơi hư không mà phát sinh.
Giảng:
“ Thật vậy, A-nan– từ đạo lý vừa được giải thích, A-nan, ông nên biết cái ý căn hay biết như thế– tánh hay biết– không phải do từ nơi thức, nơi ngủ mà đến; không phải do nơi sinh, nơi diệt mà có; không phải từ nơi ý căn mà ra– cũng chẳng xuất phát từ ý căn. cũng không phải từ nơi hư không mà phát sinh.” Nó cũng chẳng phát sinh từ trong hư không.
Kinh văn:
何以故? 若從寤來, 寐即隨滅,將何為寐?必生時有。滅即同無令誰受滅,若從滅有。生即滅無, 孰 知生者?
Hà dĩ cố? Nhược tùng ngộ lai, mị tức tuỳ diệt, tương hà vi mị? Tất sinh thời hữu, diệt tức đồng vô, linh thuỳ thọ diệt. Nhược tùng diệt hữu, sinh tức diệt vô, thục tri sinh giả?
Vì cớ sao? Nếu (cái ý căn hay biết) từ nơi thức mà đến, thì khi ngủ đã theo cái thức mà diệt rồi, còn lấy cái gì làm cái ngủ? Nếu chắc lúc sinh mới có, thì khi diệt, đã hoá như không có rồi, thì lấy cái gì mà biết là diệt? Nếu do cái diệt mà có, thì khi sinh sẽ không có cái diệt, lấy cái gì mà biết là sinh?
Giảng:
“Vì cớ sao? Nếu (cái ý căn hay biết) từ nơi thức mà đến”– Tại sao như vậy? Nếu tính hay biết từ nơi thức mà đến,– “thì khi ngủ đã theo cái thức mà diệt rồi.” Lẽ ra nó phải biến mất khi người ta ngủ, “Còn lấy cái gì làm cái ngủ?” Nếu tính hay biết không hiện hữu khi người ta đang ngủ, thì thế nào là nghĩa của ngủ? “Nếu chắc lúc sinh mới có, thì khi diệt, đã hoá như không có rồi.” Khi diệt, tính hay biết đó sẽ không có nữa rồi, “lấy cái gì mà biết là diệt?” Còn ai là người biết được cái diệt? “Nếu do cái diệt mà có, thì khi sinh sẽ không có cái diệt, lấy cái gì mà biết là sinh?” Trong trường hợp đó, tính hay biết phải biến mất khi có cái sinh, còn nếu không có tính hay biết, làm sao mà biết được là có cái sinh?
Kinh văn:
若從根出,寤寐二相, 隨身開合。離斯二體, 此覺知者。同於空花,畢竟無性。
Nhược tùng căn xuất, ngộ mị nhị tướng, tuỳ thân khai hợp, ly tư nhị thể, thử giác tri giả, đồng ư không hoa, tất cánh vô tánh.
Nếu do ý căn mà ra, thì hai tướng thức ngủ thay đổi lẫn nhau nơi thân thể, nếu rời hai tướng ấy ra, thì cái ý hay biết ấy cũng đồng như hoa đốm giữa hư không, rốt ráo không có tự tánh.
Giảng:
“Nếu do ý căn mà ra– nếu ông muốn cho rằng cái ý hay biết ấy đến từ ý căn, thì hai tướng thức và ngủ thay đổi lẫn nhau nơi thân thể.” Có sự mở và đóng tương hợp với nhau trong thân thể ông. “Nếu rời hai tướng thức và ngủ ấy ra, thì ấy cũng đồng như hoa đốm giữa hư không, rốt ráo không có tự tánh.” Tách rời hẳn hai thứ mở và đóng đó ra, thì cái ý hay biết ấy cũng đồng như không hiện hữu, nó hoàn toàn không có tự tánh.
Kinh văn:
若從空生, 自是空知, 何關汝入?
Nhược tùng không sinh, tự thị không tri, hà quan nhữ nhập?
Nếu (cái ý hay biết) do hư không mà sinh thì tự hư không ấy biết, có quan hệ gì đến chỗ thu nạp (ý nhập) của ông?
Giảng:
“Nếu do hư không mà sinh”– nếu do từ hư không mà phát sinh ra cái tánh hay biết – “thì tự hư không ấy biết.” Nếu chính tự hư không biết được, thì “có quan hệ gì đến chỗ thu nạp (ý nhập) của ông?” Thì nó có dính dáng gì đến ông?
Kinh văn:
是故當知, 意入虛妄。本非因緣, 非自然性.
Thị cố đương tri, ý nhập hư vọng, bổn phi nhân duyên, phi tự nhiên tánh.
Do vậy nên biết, ý nhập là hư vọng, vốn không phải tính nhân duyên, chẳng phải tính tự nhiên.
Giảng:
“Do vậy nên biết, ý nhập là hư vọng.” Ý nhập cũng là hư vọng, không thật. “Vốn không phải tính nhân duyên,”– Nó chẳng phải phát sinh từ tính nhân duyên– “chẳng phải tính tự nhiên.”– Vậy thì, rốt ráo, tại sao nay quý vị lại có được tánh hay biết? Nó phát ra từ sự chăm chú trong tánh chơn như nhiệm mầu của Như Lai tạng khiến phát sinh ra tướng mỏi mệt.
Kinh văn:
復次阿難, 云何十二處本如來藏妙真如性。
Phục thứ A-nan, vân hà thập nhị xứ bổn Như Lai tạng diệu chân như tánh?
Lại nữa, A-nan, vì sao bản tính của 12 xứ vốn là tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng?
Giảng:
“Lại nữa, A-nan, Như Lai sẽ giảng giải rõ hơn cho ông. Ông phải lắng nghe cho kỹ. Tại sao Như Lai nói rằng bản tính của 12 xứ vốn là tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng?” “Xứ” là chỉ cho một vị trí đặc biệt. Mười hai vị trí đặc biệt nầy là gì? Đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý– và sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp– Có khi chúng được gọi là 12 nhập (thập nhị nhập), cũng như lục nhập đề cập ở trên, Nhưng, 12 nhập còn có thêm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sự phối hợp của sáu căn và sáu trần được gọi là 12 xứ.
Kinh văn:
阿難, 汝且觀此祇陀樹林, 及諸 泉 池。
A-nan, nhữ thả quán thử Kỳ-đà thọ lâm, cập chư tuyền trì.
A-nan, ông hãy xem rừng cây Kỳ-đà và các suối hồ nầy.
Giảng:
“A-nan, ông hãy xem rừng cây Kỳ-đà và các suối hồ nầy.”
Hãy xem kỹ rừng cây của Thái tử Kỳ-đà.
Kinh văn:
於意云何, 此等為是色生眼見, 眼生色相 ?
Ư ý vân hà, thử đẳng vi thị sắc sinh nhãn kiến, nhãn sinh sắc tướng?
Ý ông nghĩ sao. Có phải những sắc trần nầy sinh ra cái thấy, hay cái thấy sinh ra sắc tướng?
Giảng:
“Ý ông nghĩ sao.” Đức Phật thăm dò ý kiến của A-nan. “Có phải những sắc trần nầy sinh ra cái thấy, hay cái thấy sinh ra sắc tướng? Phải chăng sắc tướng phát sinh ra nên mắt nhìn thấy chúng, hay chính từ con mắt phát sinh ra những sắc tướng nầy? Ông hãy giải thích rõ đạo lý nầy. Như Lai đang lắng nghe.” Đức Phật lại hỏi một lần nữa, và tôi tin chắc rằng đến đây A-nan có hơi chút nhức đầu. Sao tôi nói như vậy? Vì A-nan không nói được điều gì cả. A-nan không trả lời. Thế nên Đức Phật tiếp tục:
Kinh văn:
阿難, 若復眼根生色相者, 見空非色,色性應銷. 銷則顯發,一切都無。色相既無,誰明空質。空亦如是。
A-nan, nhược phục nhãn căn sinh sắc tướng giả, kiến không phi sắc, sắc tánh ưng tiêu. Tiêu tắc hiển phát, nhất thiết đô vô. Sắc tướng ký vô, thuỳ minh không chất? Không diệc như thị.
A-nan, nếu cái thấy sinh ra sắc tướng, thì khi thấy hư không chẳng có sắc tướng, lẽ ra tính thấy sinh ra sắc tướng đã tiêu mất rồi. Đã tiêu mất thì hiển bày rõ hết thảy đều không. Sắc tướng đã không, thì lấy gì rõ bày tướng không? Đối với hư không cũng lại như vậy.
Giảng:
“A-nan, nếu cái thấy sinh ra sắc tướng– nếu ông bảo rằng sự hiện hữu của cái thấy sinh ra các ngoại trần, tức là sắc tướng – thì khi thấy hư không chẳng có sắc tướng, lẽ ra tính thấy sinh ra sắc tướng đã tiêu mất rồi. Đã tiêu mất thì hiển bày rõ hết thảy đều không. Tính của sắc sẽ biến mất, và khi sắc tướng bị tiêu rồi, thì mọi thứ đều biến mất. Sắc tướng đã không, thì lấy gì rõ bày tướng không?” Ai có thể biết được hư không? “Đối với hư không cũng lại như vậy.” Giả định do nhãn căn mà phát sinh ra các tướng không là không đúng do những lý lẽ như trên.
Kinh văn:
若復色塵生眼見者, 觀空非色,見即銷亡。亡則都無, 誰明空色?
Nhược phục sắc trần sinh nhãn kiến giả, quán không phi sắc, kiến tức tiêu vong. Vong tắc đô vô, thuỳ minh không sắc?
Lại nữa nếu sắc trần sinh ra cái thấy, khi thấy hư không chẳng có sắc tướng, thì cái thấy liền bị tiêu mất. Tiêu rồi thì tất cả đều không, còn ai để rõ được không và sắc tướng?
Giảng:
“Lại nữa nếu sắc trần sinh ra cái thấy– nếu ông muốn nói rằng sắc trần sinh ra cái thấy, thì khi chẳng có sắc tướng gì thì mắt sẽ không thấy được, khi thấy hư không chẳng có sắc tướng, thì cái thấy liền bị tiêu mất. Không thì chẳng phải là sắc, nó chẳng có sắc tướng. Nếu ông mặc nhiên công nhận rằng cái thấy là do từ sắc phát sinh, thì lẽ ra ông chẳng thể nào thấy được không; và khi không có sắc tướng, thì lẽ ra chẳng có cái thấy. Một khi cái thấy tiêu rồi thì tất cả đều không.” Khi cái thấy chẳng còn, thì mọi thứ đều không được nhìn thấy nữa. “Còn ai để rõ được không và sắc tướng? Ai sẽ biết được rằng cái nầy là không và cái kia là sắc? Nếu không còn có cái thấy nữa, thì ai sẽ nhận biết được?”
Kinh văn:
是故當知, 見與色空, 俱無處所。即色與見, 二處虛妄。本非因緣,非自然性.
Thị cố đương tri, kiến dữ sắc không câu vô xứ sở. Tức sắc dữ kiến, nhị xứ hư vọng, bổn phi nhân duyên, phi tự nhiên tánh.
Do vậy nên biết rằng cái thấy cùng sắc không đều chẳng có nơi chốn. Tức là sắc trần cùng với cái thấy, hai xứ đó đều là hư vọng không thật, vốn chẳng phải tính nhân duyên, cũng chẳng phải tính tự nhiên.
Giảng:
“Do vậy, A-nan, ông nên biết rằng cái thấy cùng sắc không đều chẳng có nơi chốn. Tức là sắc trần cùng với cái thấy– ngay cả đối với sắc trần và cái thấy, nơi chốn của hai cái ấy, hai xứ đó đều là hư vọng không thật.” Sắc cũng không có tự tánh và cái thấy cũng không có tự tánh. “Vốn chẳng phải tính nhân duyên, cũng chẳng phải tính tự nhiên.” Đúng ra, tất cả đều là vọng kiến phát sinh từ tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng.
Kinh văn:
阿難, 汝更聽此祇陀園中, 食辦擊鼓, 眾集撞鐘。鐘鼓音聲, 前後相續.
A-nan, nhữ cánh thính thử Kỳ-đà viên trung, thực biện kích cổ, chúng tập chàng chung. Chung cổ âm thanh, tiên hậu tương tục.
A-nan, ông hãy nghe trong vườn Kỳ-đà nầy, khi bữa ăn được bày dọn xong thì đánh trống, đại chúng sẽ nhóm lại khi nghe tiếng chuông. Tiếng chuông trống trước sau theo nhau.
Giảng:
Đoạn kinh nầy giải thích về hai xứ của tai (nhĩ căn) và âm thanh. “A-nan, ông hãy nghe trong vườn Kỳ-đà nầy, khi bữa ăn được bày dọn xong thì đánh trống–khi đến bữa, đã bày dọn thức ăn xong thì tiếng trống được đánh lên và tăng chúng đến dùng cơm. Đại chúng sẽ nhóm lại khi nghe tiếng chuông.” Nếu muốn tập họp đại chúng lại thì đánh chuông. Ngày nay khi đến giờ ăn, không dùng trống để đánh mà dùng cái “mõ cá.” Đó là một khúc gỗ lớn có hình con cá được đục rỗng ruột. Khi đến giờ ăn, tiếng mõ cá được đánh lên, làm thành âm thanh bong bong bong. Cho nên ở Trung Hoa, cái mõ cá nầy được gọi theo âm thanh của nó là cái bong. Trong những đại tòng lâm, có nhiều tăng sĩ, nếu không có hiệu lệnh, chư tăng sẽ không biết đến giờ thọ trai. Thực ra, có nhiều vị ngủ quên trong phòng, như tôi có một số đệ tử ham ngủ vậy. Nếu không có hiệu lệnh gì để đánh thức họ, họ sẽ quên mất bữa quá đường. Thế nên ở tòng lâm nơi có đến hằng trăm hằng ngàn chư tăng, khi đến giờ thọ trai cái bong sẽ được đánh lên. Nó được đánh rất nhiều hồi, càng lớn tiếng càng tốt. Sao vậy? Để đánh thức mọi người. Và, ngay khi người đang ngủ nghe tiếng bong, họ liền nhảy dậy, đắp y hậu và nhanh chân đi đến trai đường. Khi chư tăng thọ trai, họ đắp y hậu theo đúng nghi thức, oai nghi rất trang nghiêm. Họ không nói chuyện trong lúc thọ trai. Trong trai đường có thể đến cả ngàn vị tăng thọ trai, nhưng chẳng có ai lên tiếng. Mọi người đều im lặng.
Khi đã xuất gia, chư tăng phải giữ oai nghi chỉ ăn một lần. Không được đứng dậy đi rồi trở lại ngồi ăn nữa. Khi vị thị giả hành đường đi qua, họ sẽ đưa cho chư tăng những thức ăn nào họ muốn dùng thêm. Quý vị thị giả sẽ cung ứng tùy lượng người dùng. Nếu quý vị muốn bát đầy, họ sẽ sớt cho nhiều, nếu quý vị muốn dùng lưng bát, họ sẽ sớt ít lại. Quý vị chỉ cần ra hiệu bằng ngón tay hoặc bằng đũa, vị thị giả hành đường sẽ đáp ứng như ý.
Thời quá khứ, có một lão cư sĩ, chứ không phải là người xuất gia, đã thọ trì năm giới và đồng thời cũng giữ giới không nói chuyện trong lúc ăn. Nhưng rồi lão cư sĩ ấy đã phạm cả năm giới, chỉ còn giữ được giới không nói chuyện trong lúc ăn là không vi phạm. Vị hộ pháp hộ trì giới luật vẫn theo hộ trì cho lão cư sĩ ấy, nhưng trong thâm tâm ngài hộ pháp lại muốn lão cư sĩ phạm giới ấy để ngài rời bỏ lão cư sĩ, khỏi phải hộ trì ông ta nữa. Nhưng lão cư sĩ không bao giờ phạm giới còn lại. Khi ăn, lão không bao giờ nói. Sau cùng, vị hộ pháp phải xuất hiện trong chiêm bao của lão cư sĩ để báo rằng, “Ông nên nói chuyện trong lúc ăn. Ông đã phạm năm giới trên rồi, tại sao ông không phạm luôn giới không nói chuyện trong lúc ăn? Hãy huỷ phạm giới ấy nhanh đi, vì tôi muốn rời khỏi ông, không muốn hộ trì ông nữa.”
Điều xảy ra trong giấc mơ khiến lão cư sĩ phải suy nghĩ, “Mình chỉ giữ giới không nói chuyện trong lúc ăn mà đã được thiện thần hộ giới bảo hộ cho mình rồi.” Sau đó lão cư sĩ tìm đến một vị minh sư đạo hạnh cầu xin thọ năm giới lại. Từ đó vị cư sĩ nghiêm túc giữ giới, kiên quyết không phạm. Kết quả là sau đó lão cư sĩ tu tập cho đến thành tựu đạo nghiệp. Mỗi người đều có những nhân duyên riêng biệt, nhưng trong đạo Phật, giữ giới là một điều rất quan trọng đối với tất cả mọi người.
Như đã nói trên là cái bong sẽ được đánh lên khi đến giờ ăn, cái bong xưa vốn là một người ác bị đoạ làm con cá sống trong biển. Có một thân cây mọc lên từ thân con cá. Nó dùng công phu tu luyện khiến gốc cây đập mạnh vào tàu thuyền qua lại trên biển cho chìm. Tàu thuyền bị chìm đắm rồi con cá mới ăn những người bị chết đuối. Về sau con cá gặp được một vị A-la-hán đi qua biển khai ngộ cho, gốc cây được làm thành cái bong có hình dáng như con cá. Đó là lý do tại sao cái bong được đánh lên mỗi khi đến giờ ăn trong chốn tòng lâm, tự viện. Nó biểu tượng sự giải cứu cho con cá thoát khỏi nghiệp chướng để kiếp sau được sinh làm người. Không biết xuất xứ câu chuyện nầy ở đâu, nó chỉ là một truyền thuyết, tôi chỉ kể lại cho quý vị nghe.
“Tiếng chuông trống trước sau theo nhau.” Có thể tiếng chuông được đánh trước, có thể tiếng trống được đánh trước. Dù sao, các âm thanh trên cũng tiếp nối liên tục, liên tiếp theo nhau.
Kinh văn:
於意云何? 此等為是聲來耳邊, 耳往聲處?
Ư ý vân hà? Thử đẳng vi thị thanh lai nhĩ biên, nhĩ vãng thanh xứ?
Ý ông nghĩ sao? Như thế là âm thanh đến bên cái nghe, hay cái nghe đến chỗ âm thanh?
Giảng:
Để giải thích về cái nghe, Đức Phật có nhiều điều để gạn hỏi A-nan. “Ý ông nghĩ sao về âm thanh của chuông và trống? A-nan, ý ông như thế nào? Như thế là âm thanh đến bên cái nghe? Âm thanh đến bên tai của ông khiến ông nghe được? Hay cái nghe đến chỗ âm thanh? Hay là tai của ông đến nơi chỗ của âm thanh?”
Đức Phật hỏi ngài A-nan, và A-nan chưa biết phải trả lời như thế nào. A-nan không còn nhanh nhẩu như trước, đáp lại ngay tức thời những câu Đức Phật vừa hỏi nữa. Bây giờ không nghe A-nan nói lời nào. A-nan trông chờ Đức Phật giải thích.
Kinh văn:
阿難, 若復此聲, 來於耳邊, 如我乞食, 室羅筏城, 在祇陀林, 則無有我。此聲必來阿難耳處。目連迦葉應不俱聞。何況其中, 一千二百, 五十沙門, 一聞鐘聲, 同來食處。
A-nan, nhược phục thử thanh lai ư nhĩ biên, như ngã khất thực Thất-la-phiệt thành, tại Kỳ-đà lâm tắc vô hữu ngã. Thử thanh tất lai A-nan nhĩ xứ, Mục-liên, Ca-diếp ứng bất câu văn. Hà huống kỳ trung, nhất thiên nhị bách ngũ thập sa-môn, nhất văn chung thanh đồng lai thực xứ.
A-nan, nếu như âm thanh đến bên cái nghe, như khi Như Lai khất thực trong thành Thất-la-phiệt, thì ở rừng Kỳ-đà ắt là không có Như Lai. Âm thanh đó đã đến bên cái nghe của A-nan, thì lẽ ra ông Mục-kiền-liên, ông Ca-diếp đều không cùng nghe được. Huống gì trong đây có đến 1250 sa-môn, một khi nghe được tiếng chuông, họ đều cùng đến trai đường cả.
Giảng:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói, “A-nan, nếu như âm thanh đến bên cái nghe, như khi Như Lai khất thực trong thành Thất-la-phiệt, thì ở rừng Kỳ-đà ắt là không có Như Lai.” Ở đây Đức Phật đề cập đến chính mình. Thất-la-phiệt là tiếng Sanskrit; có vị nào còn nhớ nghĩa của chữ nầy như thế nào không? Tôi đã giải thích rất kỹ trong phần đầu của kinh, khi đề cập đến Lục chủng thành tựu. Chắc quý vị đã quên hết rồi? Phải không? Tốt thôi, tôi cũng không còn nhớ nữa. Thế là tất cả chúng ta đều quên. Tôi chưa từng giảng giải điều đó, và quý vị cũng chưa từng nghe điều đó. Không ai nói và chẳng có ai nghe chính là thực tướng Bát-nhã.
Thành Thất-la-phiệt là nơi có đầy đủ năm thứ dục lạc, giàu sang và rất sung túc, người dân ở đó có đạo đức, tri thức và tự do. Nên được gọi là thành Phong Đức (豐德). Quý vị nên nhớ ký điều nầy. Ở Trung Hoa, chữ Thất-la-phiệt trong tiếng Sanskrit có khi còn được gọi là Xá-vệ quốc (舍衛國) hoặc Thất-la-phiệt thành (室羅伐城). Nếu quý vị không thể nhớ được ngay cả chuyện rất nhỏ nhặt nầy, như có ai nhờ quý vị giảng giải về Lục chủng thành tựu, khi nói đến thành tựu thứ 5 tức xứ thành tựu, đó là thành Thất-la-phiệt, tức Xá-vệ quốc; tất cả những gì quý vị có thể nói được là “tôi không rõ,” nếu như có ai hỏi nghĩa của Thất-la-phiệt là gì? Lúc đó quý vị mất mặt biết bao! Quý vị là người đang hoằng truyền giáo pháp của chư Phật, mà bỗng dưng thấy mình bị bí không trả lời được một câu hỏi. Nếu như có ai đặt ra một vấn đề thật nan giải, quý vị không muốn trả lời cũng được. Nhưng đây là vấn đề quan hệ đến những gì mà quý vị phải biết về kinh luận Phật học, và quý vị lại không thể nào lý giải vấn đề nêu ra được, thật là rất ngượng ngùng.
“Khi Như Lai khất thực trong thành Thất-la-phiệt,” Đức Phật nói, “Thì ở rừng Kỳ-đà ắt là không có Như Lai.” Đây là một ví dụ thực tế một vật không thể cùng có mặt một lúc trong hai nơi. “Thì lẽ ra ông Mục-kiền-liên, ông Ca-diếp đều không cùng nghe được.” (Lỗ tai, cái nghe đến bên âm thanh là một khả năng khác, sẽ được thảo luận ở đoạn sau.) “Nếu như âm thanh đến bên cái nghe của ông, A-nan! Thì Mục-kiền-liên, vị đệ tử có thần thông đệ nhất, và Ca-diếp sẽ không còn nghe được. Sao vậy? Vì âm thanh đã di đến bên tai của ông rồi.” Thực ra không phải Đức Phật nói chuyện đâu đâu. Âm thanh vốn là vang khắp mọi nơi. Mọi người ai cũng đều nghe được. Ngài chưa giải thích theo nguyên lý nầy. Ngài đang cố tình làm cho tâm ý A-nan phải hoá ra đần độn đi. Ngài không nói những điều hợp lý, cốt để thử xem A-nan tră lời ra sao. “Huống gì trong đây có đến 1250 sa-môn, một khi nghe được tiếng chuông, họ đều cùng đến trai đường cả.” Huống gì có đến 1250 vị tị-khưu, ngay khi nghe tiếng chuông, tất cả đều cùng đến trai đường.”
Kinh văn:
若復汝耳, 往彼聲邊, 如我歸住, 祇陀林中, 在室羅城, 則無有我。汝聞鼓聲, 其耳已往, 擊鼓之處, 鐘聲齊出, 應不俱聞。何況其中, 象馬牛羊, 種種音響。
Nhược phục nhữ nhĩ vãng bỉ thanh biên, như ngã quy trú Kỳ-đà lâm trung, tại Thất-la thành tắc vô hữu ngã. Nhữ văn cổ thanh, kỳ nhĩ dĩ vãng kích cổ chi xứ, chung thanh tề xuất, ưng bất câu văn. Hà huống kỳ trung, tượng mã ngưu dương, chủng chủng âm hưởng.
Lại nếu như cái nghe của ông đến bên âm thanh, cũng như khi Như Lai về ở trong rừng Kỳ-đà rồi, thì trong thành Thất-la-phiệt ắt là không có Như Lai nữa. Vậy khi ông nghe tiếng trống, cái nghe của ông đã đến nơi tiếng trống rồi, thì khi tiếng chuông cùng phát ra, lẽ ra ông không thể nghe được cả hai thứ, huống gì ông còn nghe được cả tiếng voi, ngựa, trâu, dê và nhiều thứ âm thanh khác quanh ông.
Giảng:
Trước đã giải thích không hợp lý khi nói rằng âm thanh chạy đến bên tai của quý vị. Nếu thật là âm thanh chạy đến bên tai của quý vị, thì mọi người khác sẽ không nghe được; mà thực tế là mọi người đều nghe được âm thanh của chuông và trống. Điều này chứng tỏ tiếng chuông và trống không chạy đến nơi chỗ cái nghe của quý vị. “ Lại nếu như cái nghe của ông đến bên âm thanh. Có lẽ ông sẽ nói rằng cái nghe của ông sẽ chạy đến nơi chỗ âm thanh để nghe được nó.”“Cũng như khi Như Lai về ở trong rừng Kỳ-đà rồi, thì trong thành Thất-la-phiệt ắt là không có Như Lai nữa. A-nan, ông thừa nhận điều nầy là đúng chứ? Như Lai nói điều nầy hoàn toàn chính xác chứ? Ông thể nào bác bỏ lý lẽ nầy được. Do vậy, khi ông nghe tiếng trống, cái nghe của ông đã đến nơi tiếng trống rồi, thì khi tiếng chuông cùng phát ra– thế khi tiếng chuông được đánh lên–lẽ ra ông không thể nghe được cả hai thứ. Cái nghe của ông đã đi mất rồi, đã chạy đến bên cái nghe để nghe được tiếng trống rồi, nên khi có một âm thanh khác vang lên, ông không còn nghe được nữa, vì đâu còn có cái gì ở đó để nghe? Cũng tương tự như khi Như Lai từ thành Thất-la-phiệt trở về, thì lúc ấy trong thành sẽ không còn Như Lai nữa. Nên ông nói rằng cái nghe của ông đã đi, mà thực ra, ông vẫn còn nghe được. Khi tiếng chuông vang lên, ông vẫn nghe được như khi ông nghe tiếng trống. Làm sao mà được như thế? Huống gì ông còn nghe được cả tiếng voi, ngựa, trâu, dê và nhiều thứ âm thanh khác quanh ông. Không những ông chỉ nghe được tiếng chuông tiếng trống, mà còn nghe được cả tiếng rống của voi, ngựa, trâu, dê và nhiều thứ âm thanh khác. Rốt ráo, cái nghe của ông có chạy đi đến bên chỗ cái tiếng để nghe hay không? Nếu như thế, làm sao ông có được nhiều tai, có nhiều cái nghe để chạy đến chỗ tất cả âm thanh kia? Ông chỉ có hai tai, sao ông có được nhiều cái nghe như vậy?
Kinh văn:
若無來往, 亦復無聞。
Nhược vô lai vãng, diệc phục vô văn.
Còn nếu (cái nghe) không chạy đi chạy lại, thì cũng không có cái nghe.
Giảng:
“Nếu ông nói rằng cái nghe không chạy đến nơi chỗ của cái tiếng, và cái tiếng cũng không chạy đến chỗ của cái nghe–nếu (cái nghe) không chạy đi chạy lại–thì ông nghe cái gì? Thì cũng không có cái nghe. Ông cũng chẳng nghe được điều gì cả.”
Rốt ráo đạo lý nầy muốn chỉ bày điều gì? Chỉ ra rằng tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng vốn không sinh không diệt. Nó bao trùm mọi nơi, có trong mọi vật. Nó không như một con người, khi ở một nơi nào đó thì gọi là có mặt, và khi ông ta rời khỏi chỗ đó rồi thì gọi là không hiện hữu ở đó nữa. Đúng hơn, tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng là không sinh không diệt. Điều ấy chỉ ra rằng căn tánh vốn là chân thật và vọng tưởng là hư vọng, không thật.
Kinh văn:
是故當知, 聽與音聲, 俱無處所。即聽與聲, 二處虛妄。本非因緣, 非自然性.
Thị cố đương tri, thính dữ âm thanh, câu vô xứ sở. Tức thính dữ thanh, nhị xứ hư vọng, bổn phi nhân duyên, phi tự nhiên tánh.
Do vậy nên biết rằng cái nghe và âm thanh đều không có nơi chốn; tức cái nghe và thanh trần hai thứ đều là hư vọng, vốn chẳng phải tính nhân duyên, chẳng phải tính tự nhiên.
Giảng:
“ Do vậy – theo đạo lý mà Như Lai vừa giải thích– A-nan, ông nên biết rằng cái nghe và âm thanh đều không có nơi chốn. Chẳng có nơi nào mà thanh trần và tánh biết nghe của ông cư ngụ cả. Nó không có nơi chốn. Có lẽ nó ít nhiều gì giống như kẻ hành khất–họ không có nơi chốn để trú ngụ. Thế nên cái nghe và thanh trần hai thứ đều là hư vọng.” Cả hai nơi chốn đều là hư vọng không thật. Nguồn gốc của chúng vốn chẳng phải tính nhân duyên, chẳng phải tính tự nhiên. Nó chẳng phát sinh từ tánh nhân duyên, và cũng chẳng phát sinh từ tánh tự nhiên. Nó là biểu hiện của tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng. thế nên ông đừng đem tâm phân biệt theo đuổi, tạo nên sự phân biệt trong những thứ vọng trần nầy.”
Kinh văn:
阿難,汝又嗅此鑪中栴檀, 此香若復, 然於一銖, 室羅筏城 四十里內, 同時聞氣。
A-nan, nhữ hựu khứu thử lô trung chiên đàn, thử hương nhược phục nhiên ư nhất thù, Thất-la-phiệt thành tứ thập lý nội, đồng thời văn khí.
A-nan, ông hãy ngửi mùi hương chiên đàn trong lò, hương ấy nếu đốt đến một thù, thì cả thành Thất-la-phiệt trong khoảng 40 dặm đều ngửi được mùi thơm.
Giảng:
Bây giờ sẽ đề cập đến mùi hương và lỗ mũi với tính biết ngửi. “Lại nữa, A-nan, ông hãy ngửi mùi hương chiên đàn trong lò. Ông hãy ngửi mùi hương được đốt lên. Khi hương ấy nếu đốt đến một thù.” Theo đơn vị đo lường Trung Hoa, một thù (chu– 銖) gồm 24 lượng (liang– 兩), và 16 lượng là một cân (chin – 斤) , khoảng chừng 1⅓ pound. Nên một thù là một miếng trầm hương rất nhỏ. Chiên-đàn hương còn gọi là ngưu đầu chiên-đàn. Tương truyền hương nầy xuất xứ từ Bắc Câu Lô châu. Khi quý vị đốt một miếng rất nhỏ hương chiên-đàn nầy thì mùi thơm liền xông khắp một vùng bán kính chừng 40 lý–khoảng chừng 13 dặm Anh. Ở đây chúng ta không nói là khói bay lên thấu trời, nhưng thực là mùi hương đã xông lên thấu khắp. Hơn nữa, các dịch bệnh và bệnh hay lây đều được xua tan khi hương thơm nầy tràn ngập trong không khí. Các loại vi trùng đều biến mất cả. “Cả thành Thất-la-phiệt trong khoảng 40 dặm đều ngửi được mùi thơm.”
Kinh văn:
於意云何? 此香為復, 生栴檀木, 生於汝鼻, 為生於空?
Ư ý vân hà? Thử hương vi phục, sinh chiên đàn mộc, sinh ư nhữ tị, vi sinh ư không?
Ý ông nghĩ như thế nào? Mùi hương ấy sinh ra do cây chiên đàn, do nơi mũi ông hay do hư không?
Giảng:
"Ý ông nghĩ như thế nào? A-nan, trong trường hợp nầy, ý ông nghĩ như thế nào? Mùi hương ấy sinh ra do cây chiên đàn? Có phải mùi hương ấy phát sinh từ cây chiên-đàn? Do nơi mũi ông? Hay là nó phát sinh từ nơi mũi của ông? Hay do hư không? Hay là nó có từ hư không?"
Kinh văn:
阿難,若復此香生於汝鼻, 稱鼻所生當從鼻出,鼻非栴檀, 云何鼻中有栴檀氣。稱汝聞香當於鼻入。鼻中出香,說聞非義.
A-nan, nhược phục thử hương sinh ư nhữ tị, xưng tị sở sinh đương tùng tị xuất, tị phi chiên đàn, vân hà tị trung hữu chiên đàn khí? Xưng nhữ văn hương, đương ư tị nhập. Tị trung xuất hương thuyết văn phi nghĩa.
A-nan, nếu như mùi hương ấy sinh ra do từ mũi ông, nói do mũi sinh ra thì hương phải từ mũi phát ra, mà lỗ mũi không phải là chiên-đàn, làm sao trong mũi lại có hương chiên-đàn? Còn nói rằng ông ngửi được mùi hương thì mùi thơm phải đi vào trong mũi ông. Còn như trong mũi đã phát ra mùi hương, mà nói do mũi ngửi được thì không đúng nghĩa.
Giảng:
"A-nan, nếu như mùi hương ấy sinh ra do từ mũi ông. Ông cho rằng mùi hương ấy phát sinh từ mũi của ông. Nói do mũi sinh ra thì hương phải từ mũi phát ra. Nếu như trường hợp nó phát sinh từ mũi, thì lẽ ra mùi hương phải từ lỗ mũi đi ra. Mà lỗ mũi không phải là chiên-đàn. Nhưng lỗ mũi của ông chắc chắn không phải là gỗ chiên-đàn. Làm sao trong mũi lại có hương chiên-đàn? Không có chuyện như thế. Còn nói rằng ông ngửi được mùi hương thì mùi thơm phải đi vào trong mũi ông. Nếu ông cho rằng ông ngửi được mùi hương, đó là mùi mà ông biết được nhờ tánh ngửi của ông, thì lẽ ra mùi ấy phải đi vào trong mũi của ông. Còn như trong mũi đã phát ra mùi hương, mà nói do mũi ngửi được thì không đúng nghĩa. Còn nếu ông nói mùi hương phát ra từ mũi của ông, thì không đúng với điều ông đã nói là mũi ông ngửi được mùi hương, vì mũi ông chỉ có thể ngửi được những gì đi vào trong nó. Không thể có trường hợp mùi hương phát ra từ mũi của ông."
Đến đây, cơ bản là mọi người đều hiểu được rằng mùi hương phát sinh từ gỗ chiên-đàn. Khi chiên-đàn được đốt lên, khói lan toả trong không khí. Tuy nhiên, mùi thơm không hẳn chỉ có trong khói hương, vì ngay khi chiên-đàn vừa được đốt lên, thì người ta có thể ngửi được mùi hương từ trong vòng 40 dặm. Nói đơn giản là khói hương đã lan toả vào trong không gian.
Tại sao Đức Phật lại hỏi A-nan như vậy? Ngài hỏi là hương chiên-đàn phát sinh từ lỗ mũi hay là từ gỗ chiên-đàn? Mọi người ai cũng nhận ra được ngay mà không cần phải giải thích, là nếu hương chiên-đàn không được đốt lên, thì sẽ không có mùi thơm; điều đó chứng minh rằng mùi thơm phát sinh từ hương chiên-đàn.
Đức Phật cố ý gạn hỏi A-nan như vậy để xem thử A-nan trả lời ra sao. Tuy nhiên, mặc dù mùi thơm phát sinh từ hương chiên-đàn, nhưng tánh biết ngửi lại xuất phát từ Như Lai tạng. Thế nên ý chính là chỉ ra nó không phải do mùi hương, mà do tánh ngửi. Tánh ngửi nầy bao trùm khắp và không sinh không diệt. Đó là điểm then chốt.
Kinh văn:
若生於空, 空性常恒, 香應常在, 何藉鑪中爇此枯木?
Nhược sinh ư không, không tánh thuờng hằng, hương ưng thường tại, hà tạ lô trung nhiệt thử khô mộc?
Nếu mùi hương sinh ra từ hư không, thì tính của hư không là thường hằng, nên lẽ ra mùi hương cũng phải thường có, đâu cần phải nhờ đốt gỗ chiên-đàn trong lò mới có mùi hương?
Giảng:
"Nếu mùi hương sinh ra từ hư không, thì tính của hư không là thường hằng. Nếu ông cho rằng mùi hương xuất phát từ hư không , nên lẽ ra mùi hương cũng phải thường có. Lẽ ra mùi hương phải luôn luôn hiện hữu, không hề biến mất. Không cần phải đợi đến khi gỗ chiên-đàn được đốt lên mới có hương thơm. Lẽ ra mùi hương phải có trong mọi lúc rồi. Đâu cần phải nhờ đốt gỗ chiên-đàn trong lò mới có mùi hương?"
Chữ "tạ藉–nhờ" có nghĩa là phải cần đốt gỗ chiên-đàn lên mới có hương thơm. Đoạn kinh văn nầy chứng minh rằng mùi hương không phải phát xuất từ hư không.
Kinh văn:
若生於木, 則此香質,因爇成煙。若鼻得聞, 合蒙煙氣, 其煙騰空, 未及遙遠, 四十里內, 云何已聞?
Nhược sinh ư mộc, tắc thử hương chất, nhân nhiệt thành yên. Nhược tị đắc văn, hợp mông yên khí; kỳ yên đằng không, vị cập dao viễn, tứ thập lý nội, vân hà dĩ văn?
Nếu mùi hương sinh ra từ gỗ chiên-đàn, thì mùi hương ấy nhân đốt mà thành khói. Nếu lỗ mũi ngửi được, thì lẽ ra khói phải xông đến lỗ mũi; làm sao khói đó xông vào không trung chưa được bao xa, mà trong 40 dặm đều ngửi được cả?
Giảng:
"Nếu mùi hương sinh ra từ gỗ chiên-đàn, thì mùi hương ấy nhân đốt mà thành khói." Khi gỗ chiên-đàn được đốt lên, nó biến thành khói. "Nếu lỗ mũi ngửi được, thì lẽ ra khói phải xông đến lỗ mũi." Khi mũi ngửi được mùi hương, lẽ ra phải có ít khói ở nơi lỗ mũi. Nhưng mùi thơm nầy không phải do ở khói. "Làm sao khói đó xông vào không trung chưa được bao xa, mà trong 40 dặm đều ngửi được cả?" Mùi hương xông khắp mọi nơi, ngay cả những nơi không có khói. Khói không thể nào lan toả đến 40 lí, nhưng mùi hương lại lan đến khoảng cách xa như vậy, và mọi người ở trong vòng bán kính ấy đều có thể ngửi được. Đức Phật hỏi A-nan: "Theo ông, nó đến từ đâu?"
Kinh văn:
是故當知,香臭與聞, 俱無處所。即嗅與香, 二處虛妄。本非因緣, 非自然性.
Thị cố đương tri, hương xú dữ văn, câu vô xứ sở. Tức khứu dữ hương, nhị xứ hư vọng, bổn phi nhân duyên, phi tự nhiên tánh.
Thế nên biết rằng hương trần và cái ngửi đều không có nơi chốn. Tức là nơi phát sinh cái ngửi và hương trần đều là hư vọng, vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.
Giảng:
"Thế nên biết rằng hương trần và cái ngửi đều không có nơi chốn. Do như những điều đã được giải thích, ông nên biết rằng cả mùi hương và tánh biết ngửi dều không có nơi chốn phát sinh. Nó đều không có một nơi chỗ nhất định. Tức là nơi phát sinh cái ngửi và hương trần– tánh biết ngửi nơi lỗ mũi và mùi hương đều là hư vọng, vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên. Tất cả chúng đều là biểu hiện cho sự lưu xuất từ tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng."
Kinh văn:
阿難,汝常二時, 眾中持缽。其間或遇酥酪醍醐, 名為上味。
A-nan, nhữ thường nhị thời chúng trung trì bát, kỳ gian hoặc ngộ tô lạc đề hồ danh vi thượng vị.
A-nan, ông thường ở trong chúng, hai thời mang bình bát khất thực. Trong đó, khi gặp tô, lạc, đề hồ, gọi là những món quý.
Giảng:
Từ sữa làm thành sữa đông (lạc), từ sữa đông làm thành bơ (sinh tô), từ bơ (sinh tô) làm thành phó-mát (thục tô), từ thục tô làm thành đề-hồ, là chất tinh túy nhất được tinh chế từ sữa.
Thời kỳ thuyết giáo đầu tiên của Đức Phật được gọi là Thời Hoa Nghiêm.
Thời Hoa Nghiêm được ví như lúc mặt trời mới mọc, ví khi mặt trời mới mọc thì chiếu ánh sáng đầu tiên cho các đỉnh núi cao. Đỉnh núi cao biểu tượng cho các vị Đại Bồ-tát. Kinh Hoa Nghiêm (Avataṃsaka sutra) là để giáo hóa hàng Bồ-tát. Thế nên khi Đức Phật nói Kinh Hoa Nghiêm, những vị thuộc hàng Nhị thừa, Thanh văn, Duyên giác, đều "có mắt mà như mù." Họ không nhận ra được Đức Phật thị hiện thành thân Đức Phật Lô-xá-na lớn một trượng sáu. Hàng Nhị thừa chỉ nhìn được kim thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cao một trượng sáu như một lão tỉ-khưu già bình thường. Họ "có tai không nghe được giáo pháp viên đốn của Như Lai." Họ không nghe được giáo lý viên đốn vi diệu trong Kinh Hoa Nghiêm.
Năm thời kỳ thuyết giáo của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được ví như sự tinh chế sữa. Giáo pháp trong Kinh Hoa Nghiêm cũng giống như sữa nguyên chất. Người lớn có thể tiêu hóa được sữa nầy, người trẻ con thì không thể nào dùng sữa nguyên chất nầy thường xuyên được. Giáo pháp thời kỳ Hoa Nghiêm là để giáo hóa riêng cho hàng Bồ-tát. Cũng giống như sữa được lấy trực tiếp từ bò.
Thời kỳ thuyết giáo thứ hai của Đức Phật là Thời A-hàm. A-hàm là tiếng Sanskrit, Hán dịch là Vô tỉ pháp, có nghĩa là không một pháp ngoại đạo nào có thể sánh được. Còn gọi là A-tỳ-đạt-ma, có nghĩa là pháp Tiểu thừa. Trong ví dụ về sự tinh chế sữa, Thời A-hàm được ví như sữa đông (lạc), được tinh chế từ sữa nguyên chất. Tính chất của sữa đông (lạc) không đậm đặc lắm, trẻ con dùng rất tốt. Nó rất dễ tiêu hóa. Ví như mặt trời mới mọc, thời kỳ thuyết giáo thứ hai được biểu tượng cho ánh sáng mặt trời chiếu đến vùng thung lũng, có nghĩa là vùng đất thấp hơn, ánh sáng mặt trời cũng chiếu đến được.
Thời kỳ thuyết giáo thứ ba của Đức Phật là Thời Phương đẳng. Trong ví dụ về sự tinh chế sữa, Thời Phương đẳng được ví như bơ (sinh tô), do trích từ sữa đông (lạc) mà ra. Ví như ánh sáng mặt trời chiếu rộng khắp mọi nơi trên mặt đất.
Thời kỳ thuyết giáo thứ tư của Đức Phật là Thời Bát-nhã. Trong ví dụ về sự tinh chế sữa, Thời Bát-nhã được ví như phó-mát (thục tô), do tinh chế từ sữa bơ (sinh tô) mà ra. Ví như ánh sáng mặt trời vào lúc gần trưa.
Thời kỳ thuyết giáo thứ năm của Đức Phật là Thời Pháp Hoa –Niết-bàn. Trong ví dụ về sự tinh chế sữa, thời nầy được ví như đề-hồ, là chất được tinh chế từ phó-mát (thục tô). Hương vị của Kinh Pháp Hoa–Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, có khi còn gọi là Kinh Hoa Sen– là vô thượng diệu vị. Trong ví dụ về ánh sáng mặt trời, Kinh Pháp Hoa được ví như mặt trời chiếu ngay trên đỉnh đầu. Lúc chính ngọ, mặt trời chiếu khắp mọi vật, cả đỉnh núi cao, cả thung lũng, và khắp cả mặt đất nơi đồng bằng.
Kinh Pháp Hoa là bộ kinh rất quan trọng trong đạo Phật. Kinh Thủ Lăng Nghiêm là để khai mở trí huệ, chỉ ra con đường tu tập. Kinh Pháp Hoa là để tựu thành Phật đạo. Mọi người y theo giáo nghĩa Kinh Pháp Hoa mà tu hành thì đều được thành Phật. Như trong Kinh Pháp Hoa nói: "Chỉ cần niệm một câu Nam-mô Phật, là đều được tựu thành Phật đạo." Kinh Pháp Hoa là để khai quyền hiển thật– mở ra phương tiện để hiển bày thật tướng. Giáo lý trong kinh chỉ hiển bày pháp chân thật, các thứ hư vọng đều được loại trừ. Kinh Thủ Lăng Nghiêm và Kinh Pháp Hoa rất huyền diệu, rất quan trọng. Đại sư Trí Khải của Tông Thiên Thai đã ngộ đạo khi tụng kinh nầy.
Sau khi Đại sư Trí Khải ngộ đạo, ngài nghe nói đến Kinh Thủ Lăng Nghiêm, nên hằng ngày ngài hướng về phương tây (Ấn Độ) lễ bái với bổn nguyện được đọc tụng kinh nầy. Nhưng mặc dù ngài đã lễ bái phát nguyện suốt 18 năm, ngài vẫn chưa được trông thấy và đọc tụng kinh nầy. Quý vị có cho rằng đáng tiếc không? Thật là các vị Cổ đức xưa nay có tâm cung kính Phật pháp biết bao!
Có người đã từng lạy Kinh Pháp Hoa và Kinh Hoa Nghiêm. Cứ một chữ trong kinh, họ lạy một lạy; lạy suốt ngày từ sáng đến tối. Có người đã được khai ngộ khi lạy kinh. Như vậy có rất nhiều pháp môn để tu hành. Bất luận tu tập theo pháp môn nào, quý vị cũng phải chuyên chú nhất tâm vào pháp môn đó. Đừng nên một mặt tu tập, còn mặt kia thì khởi dậy vọng tưởng. Chẳng hạn, tôi biết ở đây có một số vị nghe giảng kinh mà thực sự là chẳng nghe. Họ nghĩ rằng: "Một lát mình sẽ gọi điện cho cô bạn gái." hoặc "Làm sao để trả lời bức thư mình vừa nhận được?" Với sự chú tâm vào những chuyện ấy, làm sao mong có được chút nào tương ưng trong Phật pháp? Nhưng họ vẫn chưa tỉnh ngộ. Họ không nhận ra rằng: "À! Nay mình đang tu học Phật pháp, nên buông bỏ mọi chuyện và nên tập trung chuyên nhất vào việc tu học." Thế nên cuối cùng họ vẫn không hình dung ra được điều tôi vừa giải thích. Và đôi khi nếu họ nhận ra được điều ấy, họ lại nói rằng đó là điều vô ích. Lại là một loại sai lầm khác.
Kinh văn:
於意云何? 此味為復, 生於空中, 生於舌中為生食中?
Ư ý vân hà? Thử vị vi phục, sinh ư không trung, sinh ư thiệt trung, vi sinh thực trung?
Ý ông nghĩ thế nào? Vị ấy sinh ra do trong hư không, do nơi lưỡi hay do thức ăn?
Giảng:
"A-nan, ông nghĩ như thế nào về những thức ăn mà ông cho rằng đó là thượng vị? Ý ông nghĩ thế nào? Vị ấy sinh ra do trong hư không? Có phải hư không phát ra những thứ vị trần nầy chăng? Do nơi lưỡi? Có phải những thứ vị trần nầy phát sinh từ lưỡi của ông? Hay do thức ăn? Hay những thứ vị trần ấy phát sinh ra do thức ăn?"
Kinh văn:
阿難, 若復此味生於汝舌, 在汝口中, 秖有一舌。其舌爾時已成酥味, 遇黑石蜜, 應不推移。
A-nan, nhược phục thử vị sinh ư nhữ thiệt, tại nhữ khẩu trung, chỉ hữu nhất thiệt. Kỳ thiệt nhĩ thời dĩ thành tô vị, ngộ hắc thạch mật, ưng bất suy di.
Lại nữa A-nan, nếu vị ấy sinh ra do lưỡi của ông, thì trong miệng ông chỉ có một cái lưỡi; cái lưỡi ấy bấy giờ đã thành vị tô rồi, nếu gặp đường phèn, lẽ ra cái vị phải không thay đổi.
Giảng:
"Lại nữa A-nan, ông cho rằng các vị nầy phát xuất từ đâu? Nó phát sinh từ hư không hay từ cái lưỡi? Nói ngay. Nếu vị ấy sinh ra do lưỡi của ông. Thì ông có thể bảo rằng cái lưỡi của ông sinh ra vị nầy, thế khi ông ăn gì đó, ví dụ như là thục tô, thì lẽ ra lưỡi ông phải biến thành thục tô rồi. Thì trong miệng ông chỉ có một cái lưỡi; cái lưỡi ấy bấy giờ đã thành vị tô rồi, nếu gặp đường phèn, lẽ ra cái vị phải không thay đổi. Đường phèn được làm từ đường mía và cứng như đá. Có lẽ là do một phương pháp làm kẹo từ thời cổ đại. Lưỡi của ông đã biến thành vị thục tô rồi, thế nên khi ông ăn kẹo vào lẽ ra sẽ không còn thấy ngọt nữa. Sao vây? Vì ông chỉ có một cái lưỡi, thế nên chỉ biết được một vị. Ông không thể biến một cái lưỡi thành ra nếm được nhiều vị."
Kinh văn:
若不變移,不名知味。若變移者,舌非多體。云何多味, 一舌之知?
Nhược bất biến di, bất danh tri vị. Nhược biến di giả, thiệt phi đa thể, vân hà đa vị, nhất thiệt chi tri?
Nếu không dời đổi, thì không được gọi là biết vị. Còn nếu dời đổi, thì lưỡi không có nhiều tự thể, làm sao một lưỡi mà biết nhiều vị được?
Giảng:
"Nếu không dời đổi. Nếu khi ông ăn đường phèn, trong lưỡi không biến đổi thành vị ngọt, thì không được gọi là biết vị. Thì lưỡi ông không có được chức năng nhận biết mùi vị. Còn nếu dời đổi, giả sử như khi ông ăn thục tô chẳng hạn, thì sẽ thấy có mùi vị của sinh tô; và khi ông ăn đường phèn thì trong lưỡi biến thành vị ngọt. Như thế lưỡi không có nhiều tự thể. Vốn chỉ có một lưỡi, làm sao một lưỡi mà biết nhiều vị được? Nếu có nhiều vị đến từ một lưỡi, thì làm sao ông nhận ra được nhiều vị? Còn nếu ông có thể nhận ra được, thì lập luận nầy không đứng vững."
Kinh văn:
若生於食, 食非有識, 云何自知。又食自知, 即同他食。何預於汝, 名味之知?
Nhược sinh ư thực, thực phi hữu thức, vân hà tự tri. Hựu thực tự tri tức đồng tha thực; hà dự ư nhữ danh vị chi tri?
Nếu sinh ra do thức ăn, thì thức ăn không có tri giác, làm sao tự biết được vị? Còn nếu thức ăn tự biết, Tức giống như người khác ăn, có dính dáng gì đến ông?
Giảng:
"Nếu sinh ra do thức ăn." Giả sử như tánh biết mùi vị phát sinh từ thức ăn. "Thức ăn không có tri giác." Thức ăn vốn chẳng có thức giác, nó không thể nào tự nhận biết được. "Làm sao tự biết được vị?" Bởi thức ăn không có tri giác, không tự nhận biết được, nên làm sao nó tự biết được vị? "Còn nếu thức ăn tự biết."– Nếu thức ăn tự nhận biết được mùi vị của chính nó–"Tức giống như người khác ăn." Cũng giống như thể nó tự nếm được mùi vị. Thì "Có dính dáng gì đến ông?" Làm sao được gọi là người ăn nhận biết được mùi vị?
Kinh văn:
若生於空, 汝噉虛空,當作何味? 必其虛空,若作鹹味。既鹹汝舌,亦鹹汝面。則此界人同於海魚。既常受鹹,了不知淡。若不識淡,亦不覺鹹。必無所知, 云何名味。
Nhược sinh ư không, nhữ đạm hư không, đương tác hà vị? Tất kỳ hư không, nhược tác hàm vị, ký hàm nhữ thiệt, diệc hàm nhữ diện. Tắc thử giới nhân đồng ư hải ngư, ký thường thọ hàm, liễu bất tri đàm. Nhược bất thức đàm, diệc bất giác hàm, tất vô sở tri, vân hà danh vị?
Nếu sinh ra do hư không, thì ông hãy nếm hư không xem nó có vị gì? Nếu hư không có vị mặn, thì nó đã làm mặn cái lưỡi của ông, và cũng làm mặn cái mặt của ông; ắt mọi người trong cõi giới nầy cũng giống như cá biển, đã thường chịu cái mặn, không còn biết thế nào là mặn nữa. Nếu đã không biết nhạt, thì cũng không biết mặn; làm sao được gọi là biết vị?
Giảng:
"Nếu sinh ra do hư không. Có lẽ ông muốn nói rằng tính biết vị ấy sinh ra do hư không. Thì ông hãy nếm hư không xem nó có vị gì? Ông hãy nếm hư không thử xem. Hãy thử ăn hư không, xem thử nó có mùi vị gì. Nếu hư không có vị mặn. Chẳng hạn, ông thấy hư không đó có vị mặn như muối. Thì nó đã làm mặn cái lưỡi của ông. Thế thì cái lưỡi của ông đã bị hoá thành muối do vị mặn ấy rồi. Và cũng làm mặn cái mặt của ông; ắt mọi người trong cõi giới nầy cũng giống như cá biển. Nếu vị mặn phát sinh từ hư không, chắc hẳn không chỉ riêng cái lưỡi của ông nhận được mùi vị mặn ấy; nếu nó đã khiến cho cái lưỡi của ông hoá thành mặn, thì nó cũng sẽ làm cho mặt của ông mặn luôn. Thân thể ông cũng bị mặn, và mọi người khác cũng như vậy. Nếu thân thể mọi người đều hoá mặn cả, thì mọi người trên thế gian nầy cũng trở nên giống như loài cá sống trong biển. Ai cũng mang trên mình mùi vị của muối mặn. Đã thường chịu cái mặn. Ông sẽ nhận thấy rằng nếu ông thường ngâm mình trong muối, thì sẽ không còn biết thế nào là mặn nữa. Sao vậy? Nếu ông không biết vị nhạt, thì ông cũng không biết được mùi vị; vì ông không biết được mùi vị, nên ông cũng không biết được vị muối mặn. Đã không biết gì. Cơ bản là ông không nhận ra được mùi vị gì cả. Làm sao được gọi là biết vị? Làm sao mà ông lại đặt cho nó cái tên và gọi nó là vị? "
Kinh văn:
是故當知, 味舌與嘗, 俱無處所。即嘗與味, 二俱虛妄。本非因緣, 非自然性.
Thị cố đương tri, vị thiệt dữ thường, câu vô xứ sở. Tức thường dữ vị, nhị câu hư vọng, bổn phi nhân duyên, phi tự nhiên tánh.
Vậy nên biết rằng mùi vị và cái lưỡi biết nếm đều là không có xứ sở. Tức là tính biết nếm cùng với mùi vị, hai thứ đều là hư vọng, không thật; vốn chẳng phải tính nhân duyên, chẳng phải tính tự nhiên.
Giảng:
"Vậy nên biết rằng mùi vị và cái lưỡi biết niếm đều là không có xứ sở." Nó đều không có một nơi chốn nhất định. "Tức là tính biết nếm cùng với mùi vị, hai thứ đều là hư vọng, không thật." Tính biết nếm và mùi vị– cả hai cái nầy đều không có gốc gác– đều là không thật, đều là hư giả, hư vọng sinh khởi và hư vọng biến diệt. "Vốn chẳng phải tính nhân duyên"– Nó chẳng phải sinh khởi từ tính nhân duyên, cũng "chẳng phải tính tự nhiên." Nó cũng chẳng phải sinh khởi từ tính tự nhiên. Nó đều là biểu hiện cho sự lưu xuất từ tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng chớ không có gì khác hơn."
Kinh văn:
阿難, 汝常晨朝, 以手摩頭。
A-nan, nhữ thường thần triêu, dĩ thủ ma đầu.
A-nan, ông thường mỗi sáng, lấy tay xoa đầu.
Giảng:
Mỗi buổi sáng, tăng sĩ Phật giáo thường phải tự lấy tay xoa đầu mình ba lần, để xem thử trên đầu có tóc hay không? Nếu như không có. Sao lại không có? Ồ! Họ là tăng sĩ. Họ là những người đã xuất gia. Phép thực hành nầy được chư tăng ứng dụng do từ hồi Đức Phật còn tại thế, khi có nhiều đệ tử vốn xuất thân từ ngoại đạo nay trở lại quy y với Đức Phật. Từ đó Đức Phật dạy các tăng sĩ phải xoa đầu mình ba lần vào mỗi sáng sớm để nhắc nhở rằng mình là tăng sĩ. A-nan rất lưu tâm đến lời dạy nầy nên ngài thành tâm đưa lời giáo huấn nầy vào công phu tu tập vào lúc sáng sớm hằng ngày không hề lơi lỏng. "A-nan, ông thường mỗi sáng, lấy tay xoa đầu. Ông thường lấy tay xoa đầu để tự nhắc nhở mình tại sao không còn tóc nữa." Việc làm ấy cốt là để nhắc nhở mọi người đừng có quên thực tại mình đang sống. Đức Phật nhắc nhở A-nan như vậy là để bắt đầu giảng giải về hai xứ của thân căn và xúc trần– xứ thứ 9 và 10 trong 12 xứ.
Kinh văn:
於意云何。此摩所知, 唯為能觸。能為在手, 為復在頭?
Ư ý vân hà? Thử ma sở tri, duy vị năng xúc. Năng vi tại thủ, vi phục tại đầu?
Ý ông nghĩ sao? Trong sự biết xoa ấy, lấy gì làm biết cảm xúc? Cái biết ấy do nơi tay hay nơi đầu?
Giảng:
"Tính biết cảm xúc nầy nằm ở đâu? A-nan, nay Như Lai hỏi ông. Khi ông xoa đầu, có cảm giác biết xúc chạm sinh khởi. Ý ông nghĩ sao? Trong sự biết xoa ấy, lấy gì làm biết cảm xúc? Bàn tay của ông biết sự xoa ấy và đầu ông cũng biết như vậy. Bên nào là nơi có thể tạo nên cảm xúc? Bên nào là nơi được xúc chạm? Cái biết ấy do nơi tay hay nơi đầu? Cái khả năng tạo nên tính biết cảm xúc là nằm ở nơi tay hay nơi đầu?"
Kinh văn:
若在於手, 頭則無知, 云何成觸? 若在於頭, 手則無用,云何名觸。
Nhược tại ư thủ, đầu tắc vô tri, vân hà thành xúc? Nhược ư tại đầu, thủ tắc vô dụng, vân hà danh xúc?
Nếu nó ở nơi tay, ắt là đầu không biết, thì làm sao thành cảm xúc ấy? Còn nếu nó ở nơi đầu, ắt là tay vô dụng, làm sao gọi là cảm xúc được?
Giảng:
"Nếu nó ở nơi tay, ắt là đầu không biết. Nếu ông nói rằng cái cảm xúc ấy ở chỗ bàn tay, thì lẽ ra cái đầu phải không biết khi ông dùng tay xoa đầu. Thì làm sao thành cảm xúc ấy?" Nếu cái đầu không biết, thì đó không thành là sự cảm xúc. "Còn nếu nó ở nơi đầu, ắt là tay vô dụng. Còn nếu ông nói rằng năng lực của sự xúc chạm nằm ở nơi đầu ông, thì cái tay trở thành vô dụng, bàn tay sẽ không biết một cảm giác nào cả. Làm sao gọi là cảm xúc được? A-nan, ông hãy giải thích điều ấy xem."
Mỗi khi chư tăng xoa đầu ba lần, họ phải đọc một bài kệ rất có ý nghĩa, tôi nhớ bài kệ đó như sau:
Thủ khẩu nhiếp ý thân vô phạm
Mạc não nhất thiết chư hữu tình
Vô ích chi khổ đương viễn ly
Như thị hành giả đắc độ thế.
守 口 攝 意 身 無 犯
莫 惱 一 切 諸 眾 生
無 益 之苦 當 遠 離
如 是 行 者 得 度 世
Nghĩa là: Thận trọng lời nói, giữ gìn tâm ý, hành vi chớ thô tháo. Đừng gây xúc não cho hết thảy mọi loài chúng sinh. Hãy xa lìa các pháp tu khổ hạnh vô ích. Người tu hành đúng như vậy sẽ cứu độ được cả thế gian.
"Thận trọng lời nói" có nghĩa là đừng mặc tình nói những gì mà mình thích nói. "Giữ gìn tâm ý" có nghĩa là giữ cho tâm ý mình đừng lang thang, giữ cho tâm không sinh vọng tưởng. Đừng truy cầu sự thuận lợi. "Hành vi chớ thô tháo." Giữ cho thân không phạm những nghiệp xấu.
Khi mình thận trọng từng lời nói, thì mình sẽ tránh được những nghiệp xấu như: không nói những lời thô ác, không nói dối, không nói lời thị phi, không nói lời thêu dệt. Với tâm ý được thường xuyên hộ trì, ta tránh được lòng tham lam, sân hận, si mê. Thân không làm những việc ác, nghĩa là không phạm phải việc giết hại, trộm cắp, tà hạnh dâm dục. Ngay cả suy nghĩ đến những việc ấy cũng không có.
"Đừng gây xúc não cho hết thảy mọi loài chúng sinh." Có nghĩa là đối với hết thảy mọi người cũng như mọi loài chúng sinh nào tiếp xúc với mình, đừng khiến cho họ sinh khởi phiền não. Đừng gây não loạn cho mọi loài chúng sinh. Ngay cả những người đồng tu với mình, cũng đừng gây phiền nhiễu cho họ. Đôi khi mình vô tình gây ra những lỗi lầm khiến cho sinh hoạt của họ phải bị xáo trộn; trong trường hợp như vậy, quý vị nên tìm cơ hội thuận tiện để giải thích và đừng để tình trạng đó tiếp diễn nữa.
"Hãy xa lìa các pháp tu khổ hạnh vô ích." Có những lối tu khổ hạnh không mang đến sự lợi lạc. Chẳng hạn, cách tu của một số người Ấn Độ thưở xưa, họ bắt chước thói quen của loài chó, loài bò; ngủ trên giường đinh, lăn mình trong tro bụi bẩn. Ý nghĩa của lối tu ấy là gì? Tu như vậy thì thêm được gì? Thân càng bẩn thỉu, tâm càng nhiễm ô. Khi ngoài thân ô uế và quý vị cứ luôn luôn nghĩ về sự dơ bẩn, thì tâm cũng bị nhiễm ô theo luôn. Đây được gọi là ''lối tu khổ hạnh vô ích." Đừng vướng mắc vào pháp tu ấy. Quý vị nên làm những điều đem lại lợi lạc cho nhiều người. Đừng làm những điều không có lợi cho mọi người. Hãy tránh xa lối tu khổ hạnh vô ích ấy.
"Người tu hành đúng như vậy sẽ cứu độ được cả thế gian."
'Tu hành đúng như vậy' có nghĩa là không gây phiền não cho tất cả chúng sinh, không theo lối tu khổ hạnh vô ích, không theo pháp tu của hàng ngoại đạo. Thế nào là nghĩa pháp tu của hàng ngoại đạo?
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thực hành theo Trung đạo. Theo pháp tu của Ngài, các đệ tử được dạy là chỉ ăn rau quả, không được ăn thịt. Hoặc là nếu ăn thịt, thì phải ăn ba loại thịt thanh tịnh.
Như vậy, Đức Phật dạy đệ tử mình ăn rau quả, và quý vị có biết Đề-bà-đạt-đa đã làm những gì với tà tri tà kiến của mình không? Ông ta nghĩ: "Hừ! Đức Phật dạy đệ tử ăn rau quả. Phải không? Ta sẽ dạy đệ tử mình không ăn muối." Họ kiêng luôn cả muối. Lối kiêng cử nầy cũng được đạo Lão áp dụng, và được họ xem đó là người giữ trai giới thanh tịnh đệ nhất. Nhưng thực tế, lối ăn uống đó không thích hợp với Trung đạo. Nhưng đó là cách Đề-bà-đạt-đa đề xướng. Đức Phật dạy đệ tử không ăn thêm gì nữa sau buổi trưa. Vào buổi sáng sớm họ ăn cháo và buổi trưa là bữa ăn chính. Họ ăn hai lần trong ngày mặc dù Đức Phật chỉ dùng có một bữa vào buổi trưa. Ngài không ăn vào buổi sáng cũng như buổi tối. Đề-bà-đạt-đa dạy đệ tử làm những gì? Ông ta bắt đệ tử ăn kiêng trong vòng 100 ngày. "Các ông chỉ ăn một bữa trong ngày. Tôi chỉ ăn một bữa trong cả trăm ngày. Thấy tôi tu hành cao hơn mấy ông chưa? Các ông kiêng thịt, chỉ ăn rau củ; còn chúng tôi thì kiêng cả muối. Tôi lúc nào cũng tu hành cao hơn mấy ông." Đề-bà-đạt-đa luôn luôn muốn tranh đua hơn thua với Đức Phật. Ông ta muốn chống lại giáo pháp của Đức Phật, ông luôn luôn nói rằng Đức Phật không bằng ông. Nên Đề-bà-đạt-đa xúi giục vua A-xà-thế giết cha và mẹ mình để chiếm ngôi vua, và Đề-bà-đạt-đa tuyên bố rằng mình sẽ là một vị Phật mới, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã quá già, đã lụ khụ rồi–Đề-bà-đạt-đa muốn lật đổ Đức Phật để thống lĩnh tăng đoàn. Nhưng cuối cùng, ông ta gây xáo trộn mọi việc một cách tệ hại đến mức ông phải đoạ vào địa ngục ngay khi đang còn sống. Ông ta phải mang theo cái thân thịt với mình xuống địa ngục. Ông ta có mưu đồ những việc khác hẳn với Đức Phật, khác hẳn với đường lối của Đức Phật. Đây là cách mà ngoại đạo tiến hành. Quý vị cũng có thể nói rằng Đề-bà-đạt-đa muốn tranh giành để trở thành độc tôn. Ông ta muốn mình là đệ nhất–ông ta hết muốn điều nầy lại muốn điều kia– và cuối cùng quả báo là đoạ vào địa ngục! Thế nên tu tập theo lối khổ hạnh thật là vô ích.
Người xưa đã nói về chuyện ăn thịt như sau:
Thiên bách niên lai oản lý canh
Oán thâm tợ hải, hận nan bình
Dục tri thế thượng đao binh kiếp
Thí thính đồ môn dạ bán thanh.
千 百 年 來 碗 裡 羹
怨 深 似 海 恨 難 平
欲 知 世 上 刀 兵 劫
試 聽 屠 門 半夜 聲.
Nghĩa là: Trong bát canh quen nấu bằng thịt ngàn đời nay, có sự thù oán sâu như biển và mối hận thật khó kiềm chế được. Nếu (bạn) muốn biết nguyên nhân của nạn đao binh chiến trận trên thế gian nầy, thì hãy lắng nghe tiếng kêu than ở nhà người đồ tể vào lúc nửa khuya.
"Trong bát canh quen nấu bằng thịt ngàn đời nay," là nói đến bát canh thịt, nồi súp thịt mà người ta quen nấu ăn cả hằng ngàn năm nay. Trong nồi thịt ấy, "Có sự thù oán sâu như biển và mối hận thật khó kiềm chế được." Trong nồi thịt bò hầm ấy, chứa đựng cả mối hận sâu như biển. Mối hận sâu dày như thế thật khó hoá giải được. "Nếu (bạn) muốn biết nguyên nhân của nạn đao binh chiến trận trên thế gian nầy." Thời cổ đại, trong chiến trường chỉ có vũ khí được chế tạo thủ công. Không như ngày nay, khi hoả tiễn, bom, súng, được chế tạo để có thể bắn từ xa. Thời trước đó, binh lính giao tranh với vũ khí cầm tay đối mặt nhau. Ngày nay người ta cho đó là phương thức chiến tranh không hợp thời nữa. Nếu quý vị muốn biết nguyên nhân nạn chiến tranh đang diễn ra trên cõi này, thì hãy "Lắng nghe tiếng kêu la ở nhà người đồ tể vào lúc nửa khuya." Đến nhà người làm nghề giết thịt vào lúc nửa khuya–đến nơi mà heo, bò, cừu bị giết thịt và lắng nghe những tiếng kêu rống của chúng. Quý vị sẽ thấu rõ điều gì qua tiếng kêu vào lúc nửa khuya đó? Ngày nay, các nhà giết thịt thường nằm ở xa vùng dân cư, nên khó nghe được những âm thanh từ lò mổ. Nhưng chúng ta có thể hình dung ra được cảnh tượng bi thiết. Người ta đã giết hại quá nhiều sinh vật! Và những sinh vật nầy lại tái sinh làm người, họ lại muốn trả thù. Đó là lý do tại sao mối hận thù càng ngày càng sâu, càng ngày càng tăng trưởng. Chẳng có cách nào để hoá giải điều ấy, Đã lên đến mức mà vòng vay trả không cần phải đợi đến lúc người giết hại súc vật chết rồi hoá thành súc vật để cuộc báo thù được thể hiện, mà đơn giản là người ta sát hại ngay đồng loại mình để trả thù. Anh giết tôi và tôi giết anh. Anh giết tôi lúc xưa, bây giờ tôi sẽ giết lại anh. Thảm hoạ của binh đao chiến trận có nền tảng là từ nghiệp sát, ngoài ra chẳng có gì khác. Đó là lý do tại sao đạo Phật dạy chúng ta tránh việc sát hại. Thay cho việc giết hại, chúng ta nên phóng sinh và giữ giới.
Nếu con người tránh được nghiệp sát, thì thế giới sẽ giảm được nhiều lực bạo động–có nghĩa là càng ít đi ảnh hưởng của nghiệp ác. Nếu có 10 người không sát hại, thì sẽ có 10 điều lành xuất hiện trên thế gian. Những điều lành nầy không có những tác dụng tiêu cực mà hoàn toàn chứa đựng những yếu tố tích cực. Đối với một cá nhân cũng thế mà đối với toàn thể thế giới cũng vậy. Nếu quý vị thảm sát mọi loài chúng sinh, thì chúng sinh ấy sẽ không có chút nào cảm tình thân thiện đối với quý vị. Nếu quý vị thương yêu mọi loài chúng sinh, thì chúng sinh sẽ thân thiện với quý vị. Thế nên nhất định có một mối tương quan mật thiết giữa cõi người với cõi giới của loài vật.
Thời gian không cho phép tôi giảng giải chi tiết hơn về nghiệp sát, phóng sinh và giữ giới. Tôi có thể giảng giải đề tài nầy một cách thoải mái trong suốt ba tháng. Thực vậy, dù có nói trong ba năm cũng không cạn đề tài. Nhưng nay tôi xin dừng lại để tiếp tục đi vào kinh văn.
Kinh văn:
若各各有, 則汝阿難, 應有二身。
Nhược các các hữu, tắc nhữ A-nan, ưng hữu nhị thân.
Nếu cả đầu và tay, mỗi cái đều có biết; thì A-nan, một mình ông có đến hai thân.
Giảng:
"Nếu cả đầu và tay, mỗi cái đều có biết– nếu ông cho rằng cả tay và đầu ông đều có khả năng biết được sự xúc chạm, thì sẽ có cảm xúc ở cả hai nơi, thì A-nan, một mình ông có đến hai thân. Nên ông phải có đến hai thân, vì ông có đến hai cái biết cảm giác xúc chạm."
Kinh văn:
若頭與手,一觸所生, 則手與頭當為一體。若一體者觸則無成。
Nhược đầu dữ thủ, nhất xúc sở sinh, tắc thủ dữ đầu đương vi nhất thể. Nhược nhất thể giả, xúc tắc vô thành.
Nếu đầu và tay đều do một cảm xúc sinh ra, thì tay và đầu lẽ ra chỉ có một tự thể. Nếu chỉ có một tự thể, thì không thành cảm xúc được.
Giảng:
"Nếu đầu và tay đều do một cảm xúc sinh ra,–Giả sử trước đó có hai nguồn xúc chạm, một từ đầu và một từ tay; nay giả định rằng chỉ có một nguồn xúc chạm– chỉ một nơi có cảm xúc–không phải hai. "Thì tay và đầu lẽ ra chỉ có một tự thể. Sẽ chỉ có một. Nếu thực như vậy, thì lẽ ra không có cảm giác xúc chạm. Nếu chỉ có một tự thể, thì không thành cảm xúc được." Nếu chỉ có một cảm giác xúc chạm ở bàn tay hoặc nơi đầu, thì làm sao biết có cảm xúc được? Quý vị có hiểu được khi nguyên lý nầy được giảng giải chăng? – Thật vi diệu khi đạt được chỗ cứu cánh.
Kinh văn:
若二體者, 觸誰為在? 在能非所, 在所非能。不應虛空 與汝成觸?
Nhược nhị thể giả, xúc thuỳ vi tại? Tại năng phi sở, tại sở phi năng. Bất ưng hư không dữ nhữ thành xúc?
Còn nếu là hai thể, thì cảm xúc do ở đâu? Nếu ở bên năng thì không có bên sở, nếu ở bên sở thì không có bên năng. Không lẽ giữa hư không và ông mà tạo thành cảm xúc?
Giảng:
"Còn nếu là hai thể, thì cảm xúc do ở đâu?" Đức Phật đã chỉ ra rằng chỉ một thể duy nhất thì không được gọi là cảm xúc. "Thế thì, nếu giả định như ông cho rằng cái đầu và tay ông là hai thể, sẽ tạo nên hai cảm xúc, thế thì cảm xúc ấy sẽ ở tại bên nào? Thực tế là cảm giác xúc chạm sẽ nằm ở vào một bên. Vậy nó nằm ở phía nào? Rõ ràng là một bên là năng xúc (tạo nên sự xúc chạm), và bên kia là sở xúc (vật được xúc chạm). Nếu ở bên năng thì không có bên sở, nếu ở bên sở thì không có bên năng. Ông không thể nói rằng cả hai đều là năng xúc. Chẳng hạn như khi tôi sờ vào cái bàn nầy. Vốn cái bàn không có tri giác, nhưng bàn tay tôi là vật thể có khả năng xúc giác; trong khi cái bàn là vật được xúc chạm đến (đối tượng được xúc chạm). Trong trường hợp bàn tay và cái đầu, cái nào là năng xúc, cái nào là sở xúc (đối tượng được xúc chạm)? Vật có khả năng xúc giác không thể đồng thời là vật (đối tượng được xúc chạm) đến. Thế thì, ông nói cái nào xúc chạm cái nào. Tay xúc chạm đầu hay đầu xúc chạm tay? Nói nhanh! Không lẽ giữa hư không và ông mà tạo thành cảm xúc? Vì vốn hư không chửng có gì cả."
Kinh văn:
是故當知,覺觸與身, 俱無處所。即身與觸二俱虛妄。本非因緣非自然性.
Thị cố đương tri, giác xúc dữ thân, câu vô xứ sở. Tức thân dữ xúc, nhị câu hư vọng, bổn phi nhân duyên, phi tự nhiên tánh.
Vậy nên biết rằng cảm xúc và thân đều không xứ sở. Tức là thân biết cảm xúc và cái cảm xúc, cả hai đều là hư vọng, không thật, vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.
Giảng:
"Vậy nên biết rằng – do từ vô số đạo lý mà Như Lai vừa giảng giải, ông nên biết rằng cảm xúc và thân–chẳng phải sự hiện hữu của phản ứng khi xúc chạm cũng chẳng phải thân– đều không xứ sở. Cái cảm xúc đó không có một gốc gác rõ ràng. Ông không thể nói rằng nó giống như thế nào. Tức là thân biết cảm xúc và cái cảm xúc– nơi chốn của thân và nơi chốn của cảm xúc – cả hai đều là hư vọng." Nó đều không thật. Đừng trở nên dính mắc vào đối tượng của sự xúc chạm. Đừng trở nên chấp trước rồi nghĩ:
"Như thế nầy như thế kia là điều tuyệt diệu nhất," rồi sinh khởi tham luyến. Nó hoàn toàn hư giả, không thật, thế nên ông khởi tâm đắm chấp chúng làm gì?
"Vốn không phải tính nhân duyên." Tính biết cảm xúc không phải phát sinh từ tính nhân duyên, "không phải tính tự nhiên."
" Cũng chẳng phải tự nhiên chúng phát sinh từ trong hư không. Nó lưu xuất từ tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng. Nhưng, chúng cũng hư vọng và không thực như nhau. Đừng đắm chấp với nó. Quý vị phải phản bổn hoàn nguyên, quay về lại với tánh chân như nhiệm mầu từ Như Lai tạng của chính mình. Hãy buông bỏ những tướng hư vọng nầy vả quay về nhận ra chân tánh bản hữu của mình. Đó chính là của báu trong nhà, là bổn địa phong quang.
e: bean curd; như món chao của người Việt Nam.
e: sugar cane; Hán: 甘 蔗 cam giá .
Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển 6.
Theo nguyên bản tiếng Anh, chúng tôi chưa rõ căn cứ trên cơ sở nào để tính. Chỉ xin chú thích thêm: Kiếp劫 (刧); C: jié; J: kō; S: kalpa; P: kappa; dịch trọn âm là Kiếp-ba (劫 波);
Một khái niệm Phật giáo nhằm chỉ một thời gian rất dài. Một thời kiếp được biểu diễn như sau: cứ trăm năm có người dùng một tấm khăn lụa chùi một khối đá lập phương mỗi bề một dặm (1,6 km = 1dặm), thì lúc khối đá mòn hết, đó là một kiếp. Mỗi kiếp có bốn giai đoạn sinh, thành, hoại, diệt của các thế giới. Trong giai đoạn sinh thành của thế giới, sinh vật bắt đầu sinh sôi nẩy nở. Trong giai đoạn hai, các thiên thể (mặt trời, mặt trăng) được sinh ra, sinh vật phát triển và bắt đầu có dạng đời sống xã hội. Trong giai đoạn hoại diệt, các yếu tố lửa, nước và gió phá hủy toàn bộ thế giới.
Bốn giai đoạn nói trên hình thành một đại kiếp (s: mahākalpa), mỗi đại kiếp gồm 20 tiểu kiếp hợp lại. Mỗi tiểu kiếp lại được chia ra thành những thời kì sắt, đồng, bạc, vàng. Trong thời gian một tiểu kiếp thành hình, thọ mệnh của con người cứ kéo dài thêm, cứ mỗi trăm năm thêm một tuổi, cho đến lúc con người thọ 84000 năm. Thân thể con người cũng cao lớn đến 8400 thước. Trong giai đoạn hoại diệt của một tiểu kiếp, đó là giai đoạn của chiến tranh, bệnh dịch, thiếu ăn lan tràn, thì thọ mệnh con người ngắn dần, chỉ còn 10 năm. Thân người lúc đó chỉ còn một thước. Do vậy một kiếp là [(84000-10)100]x2=1.678.000 năm.
Bản Đại Chính tân tu Đại tạng kinh chép chữ thục孰, bản của Vạn Phật Thánh Thành chép chữ thuỳ誰.
e: sense organ; organ of the mind.
色塵; e: defiling objects of form.
Mộc đạc 木 鐸; e: wooden fish.
s: Śāvastī,p: Sāvatthī. e: The City of Abundance and Virtue. Còn gọi là Xá-bà-đề quốc 舍婆提國, Thất-la-phiệt quốc 室羅伐國, Thi-la-bạt-đề quốc尸羅跋提國, Xá-ra-bà-tất-đế quốc 舍囉婆悉帝國. Ý dịch là Văn vật, văn giả, vô vật bất hữu, đa hữu, phong đức, hiếu đạo. Vì thành nầy có nhiều người tài giỏi, nhiều vật quý。
1⅓ pound = 605,3 g (1 pound = 454 g).
牛 頭栴檀; e: Ox-head chandana.
北俱盧洲 s: Uttara-kuru. Còn gọi Bắc-đan-việt北單越 Uất-đan-việt鬱單越. Ý dịch: thắng xứ 勝處, thắng sinh 勝生
醍醐; e: Ghee; clarified butter.
e: Ten thousand-foot Nishyanda-body
Hữu nhãn bất kiến Lô-xá-na, hữu nhĩ bất văn viên đốn giáo. 有 眼 不見 盧 舍那, 有 耳 不 聞 圓 頓 教.
s; p: Āgama. Còn gọi A-cấp-ma阿笈摩,A-già-ma阿伽摩A-hàm-mộ)阿鋡暮,A-hàm阿鋡. Ý dịch Pháp quy法歸, Pháp bổn法本, tạng法藏Giáo pháp教法,Giáo phần, 教分,Chủng chủng thuyết 種種說,Vô tỉ pháp無比法, Truyền giáo傳教 , Tịnh giáo), 淨教Thú vô 趣無Giáo,教, Truyền, 傳, Quy歸,Lai來,Tạng藏.
無比 法; e: incomparatible dharma.
s: abhidharma; p: abhidhamma. Một trong ba tạng kinh điển Phật giáo. Còn gọi là A-tì-đàm阿毘曇, A-tỳ-đạt-ma阿鼻達磨, Tì-đàm毘曇. Ý dịch là Đối pháp對法, Đại pháp大法, Vô tỉ pháp無比法, Hướng pháp向法, Thắng pháp勝法, Luận論. Cùng với Kinh(sūtra), Luật (vinaya)hợp lại thành Tam tạng kinh điển.
s: vaipulya; p: vedalla. Phiên âm là Tì-phật-lược毘佛略, Tì-phú-la毘富羅, Bì-phật-lược鞞佛略, Phỉ-phì-la斐肥儸, Vi-đầu-ly為頭離. Ý dịch là Phương quảng方廣, quảng phá廣破, quảng đại廣大, quảng bác廣博, quảng giải廣解, quảng廣, vô tỉ無比. Còn gọi là Đại Phương quảng大方廣,Đại Phương đẳng大方等.
s: prajñā. Phiên âm là Ba-nhược波若,Ban-la-nhược般羅若. Bát-lạt-nhược鉢剌若. Ý dịch là Huệ慧, Trí huệ智慧, Minh明, Hiệt huệ黠慧 。
Xuất phát từ bản tiếng Anh: Lotus Sutra
Nhất xưng nam mô Phật, giai cọng thành Phật đạo 一 稱 南 無 佛, 皆 共 成佛道 (Phẩm Phương tiện thứ 2.)
開 權 顯 實; e: Opening out the provisional and manifesting the actual.
味 vị; e: Defiling object of taste.
觸xúc; e: Defiling object of touch.
Tam tịnh nhục; e: The three kinds of pure meat. Chúng tôi xin lược dịch một đoạn, vì nghĩ rằng Hòa thượng giảng kỹ về Tam tịnh nhục là phương tiện nhắm đến hàng Phật tử phương Tây. Còn vấn đề không được ăn thịt, trong Kinh Lăng-già và các kinh Đại thừa khác đã nói rõ .
阿闍世; s: Ajātaśatru,p: Ajātasattu. Con của Vua Tần-bà-sa-la (頻婆娑羅;Bimbisāra) nước Ma-kiệt-đà 摩揭陀miền Trung Ấn Độ. Còn gọi là Xà-thế Vương闍世王, còn gọi là A-xà-đa-sa-sâu-lâu vương 闍多沙兜樓王,A-xà-đa-thiết-đốt-lộ vương, 阿闍多設咄路王、阿社多設咄路王A-xã-đa-thiết-đốt-lộ vương. Ý dịch là Vị sinh oán vương未生怨王, Pháp nghịch vương法逆王. Mẹ ông là Vi-đề-hi韋提希, nên còn gọi là A-xà-thế Vi-đề-hi tử阿闍世韋提希子.
所觸 e: The thing touched.
(Xin xem tiếp theo 1)