Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải tập 3 (tiếp theo 3)
Tải về xem

H. T Tuyên Hoá giảng

Kinh văn:

心精遍圓, 含裹十方。

Tâm tinh biến viên, hàm lõa thập phương.

Tâm tánh tròn đầy, cùng khắp mười phương.

Giảng:

Tâm chính là tâm bồ-đề. Tánh của tâm tròn đầy. Tính vi diệu nhiệm mầu của tâm bồ-đề là tròn đầy. Không có nơi nào mà nó không bao trùm. Nó chẳng thiếu sót chút nào, nên được gọi là tròn đầy. Nếu nó quá ít, thì nó cũng chẳng tròn đầy. Nó phải nhiều như nó phải có. Thế nên nó mới tùy tâm chúng sinh mà ứng hiện đúng theo sở nguyện. Đó gọi là hoàn toàn viên mãn.

Cùng khắp mười phương. "Mười phương" chỉ là lời nói. Cơ bản là nó không chỉ khắp mười phương, nó cùng khắp mọi nơi.

Kinh văn:

 反觀父母所生之身。猶彼十方虛空之中。吹一微塵, 若存若亡。如湛巨海, 流一浮漚。起滅無從, 了然自知, 獲本妙心,常住不滅。

Phản quán phụ mẫu sở sanh chi thân. Do bỉ thập phương hư không chi trung, xuy nhất vi trần, nhược tồn nhược vong, như trạm cự hải, lưu nhất phù âu, khởi diệt vô tùng. Liễu nhiên tự tri, hoạch bổn diệu tâm, thường trụ bất diệt.

Nhìn lại thân cha mẹ sinh ra, như mảy bụi phất phơ trong mười phương hư không, thoạt còn thoạt mất; như trong đại dương mênh mông, nổi lên hòn bọt nước, chẳng biết sinh diệt từ đâu. Rõ ràng tự nhận biết được chân tâm nhiệm mầu xưa nay thường trụ bất diệt.

Giảng:

"Nhìn lại, trước đó, họ chỉ nhìn ra ngoài, và họ chẳng thể nào nhìn thấy được họ. Nhưng bây giờ họ nhìn lại và có thể họ thấy được mắt của chính mình. Đức Phật nói rằng người ta không thể nào thấy được mặt mình. Thế mà bây giờ làm sao họ thấy được mắt họ? Họ phải mở được thiên nhãn. Với thiên nhãn. không những quý vị có thể thấy được bên ngoài mà còn thấy được bên trong. Khi quý vị nhìn vào trong thân mình, thấy nó cũng giống như cái bể chứa bằng thủy tinh.

Khi quý vị nhìn vào trong cái bể chứa bằng thủy tinh nầy, sẽ thấy máu huyết của quý vị màu gì. Khi quý vị có được thiên nhãn thông, huệ nhãn và Phật nhãn, quý vị sẽ thấy được từng bộ phận trong cơ thể mình. Quý vị sẽ thấy được thân có bệnh gì, những nơi khí huyết không lưu thông tốt được. Quý vị có thể thấy được cả trong lẫn ngoài. Vào lúc ấy mọi người trong đại chúng đều nhận ra được hư không trong mười phương giống như nhìn các vật trong lòng bàn tay, và cũng thấy được trong bao tử của họ. Họ thấy được trong cơ thể của họ. Cơ thể của họ cũng giống như hư không trong mười phương.

'Thế tại sao?' Quý vị có thể hỏi, 'Đức Phật nói cái thân do cha mẹ sinh ra lại như mảy bụi phất phơ trong mười phương hư không, thoạt còn thoạt mất; như trong đại dương mênh mông, nổi lên hòn bọt nước, chẳng biết sinh diệt từ đâu?'

Cái thân lớn như hư không trong mười phương chính là Pháp thân. Thân bằng xác thịt chỉ là báo thân,[1] giống như hạt vi trần trong hư không khắp mười phương. Quý vị muốn cho cái thân này nhỏ đến mức nào? Nên kinh nói rằng Nhìn lại thân cha mẹ sinh ra, cái thân bất tịnh do cha mẹ sinh ra như mảy bụi phất phơ trong mười phương hư không, thoạt còn thoạt mất; dường như bỗng nhiên có ở đây, dường như bỗng nhiên biến mất. Giống như ngọn đèn sắp tắt nhưng chưa tắt, chỉ còn lay lắt chút ánh sáng sót lại. Cái thân được cha mẹ sinh ra, đối tượng của sinh diệt cuối cùng rồi cũng sẽ biến mất. Mặc dù nó nay còn ở đây, nhưng trong tương lai chắc chắn sẽ ra đi. Thế nên thân xác dường như còn đây, dường như mất rồi. Thân nầy rất dễ hư hoại. Thế nên đừng bị trói buộc bởi nó, đừng vướng bận với cái thân bất tịnh do cha mẹ sinh ra ấy. Đừng quá tham đắm cái thân mình để dễ dàng buông bỏ nó. Quý vị xem thân nầy là thứ rất quý báu, thực ra là rất vô dụng. Không thể buông bỏ thân xác ấy chính là sự đáng tiếc nhất.

Mọi thành viên trong đại chúng thấy thân mình cũng giống như trong đại dương mênh mông, nổi lên hòn bọt nước. Chỉ là bọt nước nhỏ nhoi trong lòng đại dương mênh mông thanh tịnh chẳng biết sinh diệt từ đâu. Nó không thể nào sinh ra mà không hoại diệt. Nó sinh ra từ đâu? Nó sẽ đi về đâu? Nó chẳng có nơi chốn. Rõ ràng tự nhận biết – mọi người đều nhận biết được rất rõ ràng rằng chân tâm nhiệm mầu xưa nay thường trụ bất diệt. Xưa nay nó vốn chẳng sinh chẳng diệt.

Kinh văn:

 禮佛合掌, 得未曾有。於如來前, 說偈讚佛.

Lễ Phật hợp chưởng, đắc vị tằng hữu. Ư Như Lai tiền, thuyết kệ tán Phật.

Nên chắp tay lễ Phật, được điều chưa từng có. Đến trước Như Lai nói kệ tán thán:

Giảng:

Mọi người trên thế gian đều thích được người khác khen tặng mình là tốt. Điều ấy chẳng có gì lạ. Mọi người trên thế gian thích nổi danh khi nghe người khác khen 'Anh là tuyệt vời nhất. Anh là số một,' họ liền dính vào 'số một' ấy và thấy vô cùng sung sướng. Nay đệ tử Đức Phật cũng khen tặng Đức Phật. Nên chắp tay lễ Phật, được điều chưa từng có.

Đến trước Như Lai, ở trước Đức Phật, A-nan nói kệ tán thán. Đến đây A-nan có dịp được tỏ bày tài năng văn chương lưu loát của mình. Lâu nay A-nan không có cơ hội để thi thố tài học rộng của mình nên nay muốn nói vài câu kệ để xưng tán Đức Phật.

Kinh văn:

妙湛總持不動尊

首楞嚴王世希有.

Diệu trạm, tổng trì, bất động tôn,

Thủ Lăng Nghiêm vương thế hi hữu.

Đấng diệu trạm tổng trì bất động

Thủ Lăng Nghiêm vương, hi hữu trong đời.

Giảng:

Hai câu đầu của bài kệ do A-nan đã nghĩ ra từ năng lực học rộng đa văn của mình. Bài kệ xưng tán Đức Phật, Pháp và Tăng. Câu Đấng diệu trạm tổng trì bất động là xưng tán Đức Phật. "Diệu trạm" là xưng tán Pháp thân Phật bao trùm viên mãn khắp mọi nơi. 'Tổng trì' là xưng tán Báo thân Phật, giống như một đà-la-ni. 'Đà-la-ni[2]' là tiếng Sanskrit có nghĩa là 'tổng trì'–tổng nhất thiết pháp, trì nhất thiết nghĩa. Báo thân Phật là viên mãn, nên được xem như là một đà-la-ni.

'Bất động' là xưng tán Hóa thân Phật. Đức Phật biểu hiện bất kỳ thân tướng nào ngài cần đến để để cứu độ chúng sinh bằng cách giảng pháp cho họ nghe. Có nghĩa là Đức Phật thị hiện thân Phật để giáo hóa, để cứu độ chúng sinh bằng thân tướng của một vị Phật. Nếu chúng sinh cần được cứu độ qua thân tướng của một Bích chi Phật,[3] thì Đức Phật sẽ hiện thân Bích chi Phật để đọ thoát họ. Nếu nhân duyên của chúng sinh cần có một vị trưởng giả để cứu độ họ, thì Đức Phật sẽ thị hiện thành vị trưởng giả để độ thoát cho họ. Như vậy, mặc dù Đức Phật có nhiều hóa thân, nhưng bản thể là 'bất động'. Không rời khỏi 'đạo tràng[4]', mà vẫn giáo hóa chúng sinh. Rốt ráo, chữ 'Tôn' là danh hiệu của Đức Phật. Đức Phật được gọi là Thế tôn.

 Thủ Lăng Nghiêm vương, hi hữu trong đời.

'Thủ Lăng Nghiêm vương' là xưng tán Pháp, hiếm có trong thế gian. Phật và Pháp là hiếm có, thật vậy. Trên thế gian Phật là hiếm có, và Pháp cũng hiếm có trên thế gian. 'Thủ' là cao tột nhất. Rốt ráo, cái gì là cao tột nhất? Thủ Lăng Nghiêm vương là cao tột nhất. Đó là vua của Đại định kiên cố bậc nhất, là Đại định Thủ Lăng Nghiêm. Lăng Nghiêm đại định là Pháp vương trong hàng các đại định. Trên thế gian hiếm có đại định nầy; thật vậy, trên thế gian không có gì so sánh với đại định nầy được–trong hữu tình thế gian cũng như khí thế gian

Kinh văn:

銷我億劫顛倒想

不歷僧祇獲法身

Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng

Bất lịch tăng kỳ hoạch pháp thân.

Trừ vọng tưởng điên đảo của con từ ức kiếp.

Chẳng trải qua nhiều a-tăng-kỳ kiếp mà được pháp thân.

Giảng:

"Trừ– làm tiêu tan vọng tưởng điên đảo của con từ ức kiếp." Một kiếp là 139.600 năm,[5] một ngàn kiếp là một tiểu kiếp. Hai mươi tiểu kiếp là một trung kiếp. Bốn trung kiếp là một đại kiếp. Ức kiếp ở đây biểu tượng cho con số không thể tính đếm được về thời gian. Từ vô thủy đến nay, vọng tưởng điên đảo đã tiêu tan sạch, từ ngày nay hoặc ngày mai sẽ không còn sinh khởi nữa. Nó sinh khởi cách đây từ vô lượng vô lượng kiếp, tích lũy dần dần từng chút. Đó là những tập khí. Tập khí là bản chất của vọng tưởng điên đảo. Tập khí làm cho vọng tưởng điên đảo sinh khởi. 'Điên đảo' có nghĩa là xem cái thật thành cái giả và nhận cái giả làm cái thật. Họ nhận cái đen làm trắng. Quý vị nói với họ cái ấy trắng thì họ bảo là đen.

Họ làm mọi chuyện đảo ngược. Người ta nghĩ một đường, thì kẻ điên đảo nghĩ một đường khác. Họ luôn luôn muốn có một cách khác người.

 Khiến cho con "Chẳng trải qua nhiều a-tăng-kỳ kiếp mà được pháp thân."

'A-tăng-kỳ[6]' là tiếng Sanskrit có nghĩa là 'vô số lượng.' Phải cần đến ba đại a-tăng-kỳ kiếp mới thành tựu Phật quả. Từ sơ phát tâm đến hàng Sơ địa Bồ-tát phải cần một a-tăng-kỳ kiếp. Từ Sơ địa Bồ-tát đến Thất địa Bồ-tát phải trải qua một a-tăng-kỳ kiếp nữa. Từ Bát địa Bồ-tát đến quả vị Diệu giác, thành tựu quả vị Phật phải cần một a-tăng-kỳ kiếp nữa là ba. Thời gian ba kiếp dài vô số lượng nầy là bao nhiêu? Thật là con số lớn lao vô cùng.

A-nan nghe được pháp môn vi diệu mà Đức Phật vừa khai thị, đã khiến cho A-nan được khai ngộ. Do A-nan đã khai ngộ, nên không cần phải trải qua một thời gian dài ba đại a-tăng-kỳ kiếp như vậy mới thấy được Pháp thân.

Nhưng 'thấy được' pháp thân ở đây không phải là chứng ngộ. Đó chỉ là nhận ra được đạo lý về pháp thân. A-nan còn phải tu hành nhiều hơn nữa mới thực sự gọi là chứng được pháp thân. A-nan phải tinh tấn trong công phu nhiều hơn nữa. A-nan đã biết rằng mình không cần phải trải qua một thời gian dài ba đại a-tăng-kỳ kiếp trước khi tu tập thành Phật. A-nan biết rằng chân tâm thường trú thanh tịnh sáng suốt. A-nan biết rằng chính mình và mọi sắc tướng đều là chân tâm sáng suốt nhiệm mầu của Như Lai tạng. Do A-nan đã nhận ra như vậy, ngài biết rằng mình sẽ nhanh chóng thành tựu Phật quả.

Kinh văn:

願今得果成寶王

還度如是恒沙眾.

將此深心奉塵剎  

是則名為報佛恩

Nguyện kim đắc quả thành bảo vương

Hoàn độ như thị hằng sa chúng.

Tương thử thâm tâm phụng trần sát

Thị tắc danh vi báo Phật ân.

 

Nguyện đời nay chứng thành quả Bảo vương

Trở lại độ thoát chúng sinh nhiều như cát sông Hằng.

Đem thâm tâm nầy phụng thờ các cõi Phật nhiều như vi trần.

Mới được gọi là báo đáp ân Phật

Giảng:

"Nguyện đời nay chứng thành quả Bảo vương."

Ai là đấng Bảo vương? Bảo vương chính là Đức Phật. 'Quả' là gì? Quả là quả vị Phật. A-nan phát nguyện sẽ tu tập thành Phật rồi sẽ "Trở lại độ thoát chúng sinh nhiều như cát sông Hằng." Hai câu nầy bao gồm cả Bốn lời nguyện lớn.[7]

'Nguyện đời nay chứng thành quả Bảo vương' gồm hai lời nguyện:

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Và 'Trở lại độ thoát chúng sinh nhiều như cát sông Hằng' gồm hai lời nguyện:

Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.

Nếu quý vị muốn cứu độ chúng sinh, trước hết mình phải dọn trừ sạch phiền não trong mình. Nếu không trừ sach phiền não của mình, thì không những mình không cứu độ chúng sinh được, mà còn bị chúng sinh nhận chìm. Sao vậy? Mỗi chúng sinh đều có tâm tính riêng–mỗi mỗi đều khác. Một số rất u mê. Quý vị dù có nói gì cho họ nghe thì họ cũng rất bướng bỉnh. Bất luận quý vị có giảng pháp gì cho họ, họ cúng chẳng thèm nghe. Vốn là có thể cứu độ họ được, nhưng họ không nghe lời dạy của quý vị; đến mức ấy, quý vị sẽ khỏi dậy phiền não, nếu quý vị không cắt đứt phiền não được. "Ồ! Anh cứng đầu hả? Ta sẽ cứng đầu hơn anh nữa!" Khi phiền não đã nẩy sinh rồi, thì quý vị không thể nào giáo hóa ai được nữa. Đó có nghĩa là bị chúng sinh nhận chìm thay vì cứu độ họ.

Nếu quý vị muốn độ thoát chúng sinh, thì mình phải đoạn trừ sạch phiền não. Quý vị phải xem chúng sinh như là con đẻ của mình, quý vị dừng nên quở trách họ vì những tánh ác vì vốn họ đã như vậy. Và tất nhiên, quý vị cũng nên nhận những chúng sinh có tánh tốt. Khi giáo hóa họ, tuyệt đối mình phải đoạn trừ sạch phiền não.

Thế là trước hết, quý vị muốn thành tựu quả vị Phật và thành tựu Phật đạo, rồi nguyện trở lại cứu độ toàn chúng sinh. Nguyện đem thâm tâm nầy phụng thờ các cõi Phật nhiều như vi trần. Nay con nguyện đem thâm tâm nầy, không phải tâm nông cạn, mà là tâm phát nguyện hành Bồ-tát đạo theo Đại thừa, đối trước chư Phật và chúng sinh nhiều như cát sông Hằng trong khắp các cõi Phật. Con đem thâm tâm nầy phụng sự cho chúng sinh để những ước nguyện của họ chóng được thành tựu và những gì họ mong cầu sẽ được toại nguyện. Con không chỉ cúng dường thâm tâm nầy đến chư Phật, và cũng không chỉ cúng dường đến chúng sinh, vì chúng sinh chính là chư Phật.

"Nếu chúng sinh chính là Phật – có người hỏi– thế thì bận tâm tu hành làm gì?"

Điều ấy cũng giống như có người nói, "Chúng ta đều là Phật!" Đúng rồi, quý vị là Phật, nhưng trước khi thành Phật, quý vị cũng cần phải tu hành. Nếu quý vị không tu tập, mà chỉ nói từ sáng đến tối. "Tôi là Phật. Tôi là Phật. Tôi là Phật." Thì đó chỉ là điều vô ích. Quý vị phải có công phu thực sự mới đáng kể.

Thế nên với người tuyên bố, "Chúng ta đều là Phật!" Tôi bảo họ, "Anh là Phật? Đức Phật có tam thân, tứ trí, ngũ nhãn, lục thông. Vậy anh có được bao nhiêu thân? Bao nhiêu trí? Bao nhiêu mắt? Bao nhiêu thần thông? Anh không thể giả mạo được."

'Trở lại độ thoát chúng sinh nhiều như cát sông Hằng.' "Mới được gọi là báo ân Phật.' Đây là dịp để con đền đáp lòng từ của chư Phật, và bày tỏ lòng tri ân của con lên chư Phật.

Kinh văn:

 伏請世尊為證明  

五濁惡世誓先入.
 如一眾生未成佛  

終不於此取泥洹.

Phục thỉnh Thế tôn vi chứng minh,

Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập.

Như nhất chúng sanh vị thành Phật,

Chung bất ư thử thủ nê-hoàn.
Cúi xin Thế tôn chứng minh cho

Đời ác ngũ trược con nguyện vào trước

Nếu còn một chúng sinh nào chưa thành Phật

Nguyện chẳng tự mình chứng niết-bàn.

Giảng:

"Cúi xin" có nghĩa là gieo năm vóc xuống đất để đảnh lễ–Thế tôn chứng minh cho"con. A-nan muốn đem thâm tâm của mình để phụng sự chúng sinh nhiều như cát sông Hằng trong các cõi Phật để đền đáp ân đức của chư Phật. Nhưng nếu A-nan chỉ nói mà không hành động để làm bằng chứng thì chẳng kể làm gì. Phải có người chứng minh cho A-nan. Do vậy, ngài cầu thỉnh Đức Phật chứng minh, để về sau, trong tương lai, chắc chắn A-nan phải làm cho bằng được ý nguyện của mình. A-nan muốn Đức Phật chứng minh lời nguyện của mình "Đời ác ngũ trược[8] con nguyện vào trước."

Khi mạng sống con người lên đến 200.000 tuổi... "Khi nào thì điều ấy xảy ra?" Quý vị hỏi một cách hòai nghi.

Nếu quý vị không tin có một thời kỳ mạng sống con người sẽ lên đến 200.000 tuổi, thì quý vị phải nên sống đến giai đoạn đó để thấy, để quý vị tin chắc rằng có người sống đến 200.000 tuổi. Khi đến thời kỳ mạng sống con người lên đến 200.000 tuổi, thì tuổi thọ của con người bắt đầu giảm, cứ 100 năm giảm xuống một tuổi, và chiều cao sẽ giảm cứ 100 năm giảm một thước.[9] Cho đến khi mạng sống con người giảm xuống còn 200 tuổi, đó là bắt đầu thời kỳ ngũ trược ác thế. Trước thời kỳ ngũ trược ác thế, thế giới rất thanh tịnh, tinh khiết, cũng như Ngũ Đài Sơn[10] hiện nay được gọi là "Thanh lương địa[11]' vậy. Trong tương lai thế giới sẽ tiếp tục thay đổi, và sau vài ngàn năm, Ngũ Đài Sơn sẽ không còn được gọi là Thanh lương địa nữa, nó có thể sẽ được gọi là 'nhiệt náo địa'– điều ấy cũng không biết chừng.

Ngũ trược ác thế là gì? Thứ nhất là kiếp trược (劫濁kalpa-kaāya). 'Kiếp[12]' là từ tiếng Sanskrit, Hán dịch là 'thời phần–sự phân chia thời gian.' Làm sao mà kiếp trở nên bị hỗn trược? là vào thời kì ngũ trược ác thế, các nghiệp ác của chúng sinh làm cho kiếp trở nên bị hỗn trược.

Thứ hai là kiến trược (見濁; dṛṣṭi-kaāya). Trong quá khứ, mọi người đều thấy mọi vật đều thanh tịnh và tinh khiết. Nhưng khi đến thời kỳ kiếp trược, thì người ta thấy môi trường chung quanh không còn thanh tịnh và tinh khiết nữa. Kiến trược là kết tinh của năm tà kiến, lấy ngũ lợi sử[13] làm thể, lợi có nghĩa là nhanh, sắc bén. Ngũ lợi sử tức là năm quan niệm sai lầm: thân kiến, biên kiến, giới cấm thủ, kiến thủ, tà kiến.

Thân kiến là mọi chúng sinh đều chấp rằng mình có thân. Hó yêu mến thân mình."Ta phải săn sóc thân mình, đừng để điều gì xảy đến cho tôi cả." Họ xem thân thể mình là điều tối quan trọng. Họ muốn ăn ngon, mặc đẹp, sống tiện nghi. Họ luôn luôn xem thân thể mình như là viên ngọc quý. Đúng rồi! Thân thể quý vị là viên ngọc quý, nhưng nếu quý vị sử dụng sai mục đích, quý vị sẽ biến nó thành một thứ chẳng khác gì hơn phân người. Sao vậy? Vì quý vị chỉ để ý đến phương diện hời hợt nông cạn bên ngoài, mà không khám phá hết được hạt ngọc chân thật bên trong tự tánh. Thế nên những gì quý vị biết tựu trung chỉ là thân xác và quý vị không thể nào buông bỏ nó xuống được. Từ sáng đến tối, quý vị chỉ bận rộn vì thân thể mình. Đó là thân kiến.

Biên kiến là thích bên nầy hoặc bên kia. Nếu quý vị không nghiêng về không (vô) thì sẽ nghiêng về có (hữu). Nói chung, biên kiến là không hợp với nghĩa Trung đạo (Middle way).

Thứ ba trong ngũ lợi sửgiới cấm thủ. Giới luật sẽ trở thành tệ hại khi căn cứ vào một cái gì chẳng phải là nhân mà cho đó là nhân. Những sai lầm như thế dẫn đến lối tu khổ hạnh vô ích. Trước đây tôi đã giảng giải có người bắt chước thói quen của loài bò hoặc chó, hoặc ngủ trên giường đinh, hoặc làm theo lối tu khổ hạnh vô ích. Những ai làm theo như vậy gọi là mắc vào giới cấm thủ. Họ nghĩ rằng: 'Hãy nhìn tôi đây! Chẳng có ai làm được như tôi, các ông chẳng ai bằng tôi cả.' Họ luôn luôn có suy nghĩ tự cao ngã mạn nầy trong tâm.

 Thứ tư là kiến thủ. Có nghĩa là chấp vào quan niệm của mình là đúng. Quan niệm sai lầm về một cái gì chẳng phải là quả mà cho đó là quả. Người mắc phải kiến chấp nầy cho rằng họ đã chứng quả trong khi thực sự họ chẳng được điều gì cả.

Thứ năm là tà kiến. Những người có tà tri tà kiến thường cho rằng không có nhân quả, bài báng chánh pháp, tự mê hoặc mình và làm cho người khác mê lầm.

Năm thứ vọng kiến trên đây khiến cho tâm chúng sinh tối tăm mê loạn, tự tánh vẩn đục, cho nên gọi là ngũ trược.

Thứ ba trong ngũ trược là phiền não trược, do ngũ độn sử[14] kết thành. Gồm tham, sân, si, mạn và nghi. 'Tham' là chỉ cho sự tham muốn một cách không thể thỏa mãn được những cảm giác dễ chịu. Quý vị thường tham muốn những gì mình thích. 'Sân' là không thích những điều mình cảm thấy khó chịu. 'Si' là những vọng tưởng điên rồ. 'Mạn' là lòng tự mãn và kiêu ngạo–cảm thấy rằng "Ta là bậc nhất." và "Chẳng có ai bằng ta." Người ngạo mạn thường không lịch sự đối với người khác. 'Nghi' là nghi ngờ chánh pháp, thay vì vậy lại thích tà pháp. Không tin vào chánh pháp nhưng lại tin vào các pháp không chân chính.

Đây là ngũ độn sử, tạo thành thứ trược thứ ba tức là phiền não trược. Sự có mặt của ngũ độn sử nầy đã tạo nên vô số phiền não.

Thứ ba trong ngũ trược là chúng sinh trược. Chúng sinh–chúng ta nay cũng đừng cố diễn tả nó làm gì. Sao vậy? Chúng sinh vốn là quá dơ bẩn, quá bất tịnh, quá cấu uế. Quý vị đừng nên cho rằng mình là hạng chúng sinh cực kỳ lớn. Chúng sinh vốn là rất tối tăm và u mê đần độn; chẳng có gì tốt đẹp về chúng sinh cả. Nhưng chúng sinh lại nghĩ về chính mình như một cái gì rất đặc biệt, mặc dù thực sự họ cấu thành do từ bốn thứ trược nêu trên.

Thứ năm trong ngũ trược là mạng trược. Kiếp sống của chúng ta ở thế gian, mạng sống của chúng ta là bất tịnh.

Vào thời ngũ trược ác thế, tâm tính chúng sinh cang cường, khó điều phục, nên vào thời kỳ ấy, chư Phật thường xuất hiện để giáo hóa chúng sinh.

A-nan phát nguyện trước hết sẽ thâm nhập vào ngũ trược ác thế để giáo hóa cứu độ cho chúng sinh. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đi vào trong ngũ trược ác thế để giáo hóa cứu độ cho chúng sinh, và nay đệ tử của ngài, A-nan, có lẽ cũng muốn theo nguyện lực to lớn Đức Phật và làm theo. A-nan không sợ ngũ trược ác thế đầy nhiễm ô, dù thế nào đi nữa, ngài cũng đến đó để giáo hóa chúng sinh.

"Nếu còn một chúng sinh nào chưa thành Phật. Nguyện chẳng tự mình chứng niết-bàn." Nếu dù chỉ còn một chúng sinh chưa thành Phật, con cũng sẽ chưa thành Phật. Con sẽ không được công nhận như là người đã đạt được quả vị; con sẽ không nhập niết-bàn. Đây cũng giống như lời nguyện của ngài Địa Tạng Bồ-tát:

Chúng sinh độ tận, phương chứng bồ-đề.

Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật.

Địa Tạng Bồ-tát ở trong địa ngục với quỷ đói, Ngài phát nguyện rằng nếu địa ngục chưa trống không, chưa hết tội nhân, thì ngài sẽ không thành Phật. Ngài nhất định sẽ chờ. Khi nào thì địa ngục mới trống không? Đừng bận tâm về ngài. Nó sẽ trống khi nào nó muốn. Trước khi nó trống không, bất luận quý vị có bận lòng bao nhiêu đi nữa, thì Địa Tạng Bồ-tát chưa thành Phật. Ngài vẫn chờ.

Kinh văn:

大雄大力大慈悲

希更審除微細惑.

Đại hùng đại lực đại từ bi

Hi cánh thẩm trừ vi tế hoặc.

Ngưỡng mong Đấng đại hùng đại lực đại từ bi

 Chỉ cho con xét trừ tập khí vi tế.

Giảng:

 "Ngưỡng mong Đấng đại hùng đại lực đại từ bi..." Chánh điện, Phật điện được gọi là Đại Hùng Bảo Điện.[15] Một đấng anh hùng vĩ đại có thể bẽ gãy tiêu tan mọi vô minh vọng tưởng vi tế, mê độn của mọi chúng sinh. phá tan mọi căn bản phiền não, nghiêm khắc với tận căn để của nó.

Với 'đại lực,' Vị anh hùng vĩ đại có thể nhổ sạch mọi phiền não của chúng sinh do từ nguồn gốc là vô minh.

 'Đại từ bi!' Đây là tâm từ bi không phân biệt, dành cho ngay cả những ai không có duyên với mình. Đó là lòng từ rộng khắp, lòng từ bi đối với mọi chúng sinh. Với tâm đồng thể đại bi, các ngài sẽ giúp chúng sinh nhổ sạch mọi loại khổ đau và ban cho họ nhiều niềm vui cao tột. Các ngài giúp cho chúng sinh nhận ra mặt mũi của mình khi cha mẹ chưa sinh ra.[16] Đó được gọi là:

Đại bi dành cho những chúng sinh không có duyên.

Đại từ dành cho những chúng sinh có cùng thể tánh.

Bồ-tát cứu độ những chúng sinh có duyên. Đức Phật có lòng từ bi lớn để cứu độ hết thảy những chúng sinh không có duyên. Các vị Bồ-tát nói: "Tôi sẽ độ thoát hết những chúng sinh nào có duyên với tôi." Bồ-tát còn tuyển chọn người để cứu. Chư Phật thì cứu người không chọn lựa, cứu tất cả chúng sinh, cho dù chúng sinh có duyên với chư Phật hay không. Chúng sinh nào càng ít duyên, chư Phật càng mong được cứu họ. Sao vậy? Nếu chư Phật không cứu những người chưa có duyên, thì không bao giờ chư Phật kết duyên với họ được. Duyên có là do những ai muốn gieo. Nên Đức Phật có tâm đại từ bi cứu độ hết những chúng sinh chưa gieo duyên. Chư Phật cứu độ hết thảy mọi chúng sinh.

'Con ngưỡng mong Đức Thế tôn đem sức mạnh của Đấng đại hùng, đại lực, đại từ bi' để "Chỉ cho con xét trừ tập khí vi tế." Những gì con không thể nào phát hiện ra được, những điều con không thể nào nhận ra được – những nghi ngờ, những phiền não– vô minh. Bạch Thế tôn, nếu như con còn những mê lầm nhỏ nhiệm nầy, xin ngài chỉ cách để con dứt trừ.

Kinh văn:

令我早登無上覺  

於十方界坐道場

Linh ngã tảo đăng vô thượng giác,

Ư thập phương giới toạ đạo tràng.

Khiến con mau thành tựu quả vị giác ngộ Vô thượng

Ngồi nơi đạo tràng khắp cả mười phương thế giới.

Giảng:

"Khiến con mau thành tựu quả vị giác ngộ Vô thượng, thành tựu Phật đạo, và Ngồi nơi đạo tràng khắp cả mười phương thế giới. Con sẽ đi khắp mười phương thế giới để giáo hóa chúng sinh và kiến lập đạo tràng. Ở nơi những đạo tràng nầy, con sẽ chuyển bánh xe chánh pháp và hóa độ quần sanh."

Kinh văn:

 舜若多性可銷亡  

爍迦囉心無動轉

Thuấn-nhã-đa[17] tánh khả tiêu vong,

Thước-ca-ra[18] tâm vô động chuyển.

Tánh hư không có thể tiêu tan

Tâm kiên cố nguyện không lay động.

Giảng:

"Thuấn-nhã-đa" là tiếng Sanskrit, có nghĩa là 'hư không'. "Tánh hư không có thể tiêu tan..." Hư không liệu có thể hoàn toàn tiêu mất chăng? Vốn hư không chẳng có một nơi chốn nhất định, làm sao nói nó biến mất được?

A-nan đưa ra sự so sánh nầy, có nghĩa là hư không vốn chẳng bao giờ tiêu mất được, nhưng dù nó có tiêu tan đi, dù tánh hư không có biến mất đi nữa, thì Tâm kiên cố nguyện không lay động.

Tâm kiên cố đây chính là Thủ Lăng Nghiêm vương. Tâm nầy sẽ không bao giờ lay động. "Nay con đã tin vào Phật pháp, con đã nhận ra chân tâm, và có tâm như đại định kiên cố." Đây là những gì A-nan đang nói. "Con phát tâm nhất định tu thành Phật– phát tâm nầy sẽ đời đời không lay chuyển."

 

 

大佛頂萬行首楞嚴經卷第三


HẾT QUYỂN BA


Chuyển ngữ tiếng Việt: THÍCH NHUẬN CHÂU Tịnh Thất Từ Nghiêm, Đại Tòng Lâm.

 

 

 

 

 

 

 





 



[1] e: retribution-body.

[2] s: dhāraṇī 陀羅尼.

[3] pratyeka-buddha: Còn gọi là Duyên giác緣覺, Độc giác獨覺, Bối-chi-gia貝支迦, Bích chi 辟支 .

[4] s: bodhi-maṇḍa.

[5] Xem chú thích trang 45. Đúng ra là [(84000-10)100]x2=1.678.000 năm.

 

[6] s: asaṃkhya. Chỉ số lượng vô số hoặc cực đại. Còn gọi là A-tăng-già阿僧伽, A-tăng- xí-da阿僧企耶, A-tăng阿僧, Tăng-kì僧衹. Ý dịch là Bất khả toán kế不可算計, hoặc Vô lượng số無量數. Một A-tăng-kỳ là một ngàn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn triệu. Trong sáu mươi đơn vị số mục của Ấn Độ, thì A-tăng-kỳ là số mục thứ 52. Căn cứ Đại Luận Tỳ-bà-sa Luận, có 3 loại A-tăng- xí-da:

1. Kiếp A-tăng-xí-da, 2. Sinh A-tăng-xí-da, 3. Diệu hành A-tăng-xí-da: Trong mỗi kiếp tu vô số diệu hạnh, trải qua hết ba loại A-tăng-xí-da nầy mà thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

[7] 四弘誓願; e: Four vast vows; Tứ hoằng thệ nguyện.

[8] s: pañca kaṣāyāḥ; e: The five turbid evil realms, the defiled and unclean time of five turbidities; s: pañca kaṣāyāḥ.

[9] Bản tiếng Hán: xích , bản tiếng Anh: inche.

[10] e: Wu T'ai mountain.

[11] e: clean, cool world.

[12] s: kalpa ; p: kappa

[13] 使; e: five quick servants.

[14] 使 ; e: five slow servants, five dull servants.

 

[15] e: Jewel Hall of the Great Heroes.

[16] Bản lai diện mục; e: Original face.

[17] s: śūnya. Phiên âm là thuấn-nhã舜若. Ý dịch là không vô空無, không hư空虛, không tịch空寂, không tịnh空淨, phi hữu非有.

[18] s: cakra; p: cakka. Phiên âm là chước-yết-la灼羯羅,chước-ca-la斫迦羅, chước-ca-bà-la斫迦婆羅. Có nghĩa là kim cương 金剛, kiên cố堅固. Bản tiếng Anh: Vajra mind.

 
Tải về xem