Kinh văn:
彼太虛空云何為汝成同不同。何況更名是一非一。則汝了知六受用根亦復如是。
Bỉ thái hư không, vân hà vị nhữ thành đồng bất đồng. Hà huống cánh danh thị nhất phi nhất. Tắc nhữ liễu tri, lục thọ dụng căn, diệc phục như thị
Việt dịch:
Hư không kia làm sao vì ông mà thành đồng hay khác? Huống chi lại gọi là một hay chẳng phải một. Thế ông đã biết, sáu căn thọ dụng cũng giống như vậy.
Giảng giải:
Hư không kia làm sao vì ông mà thành đồng hay khác? Làm sao ông nói hư không kia là đồng hay không đồng? Không thể nói như vậy, vì hư không vốn là bất biến. Huống chi lại gọi là một hay chẳng phải một. Làm sao ông có thể khiến cho nó thành một hay chẳng phải một? Trong hư không vốn chẳng có cái gì cả. Thế nên nói:
Tự tánh như hư không 自性如虛空
Chân vọng tại kỳ trung 真妄在其中
Những gì muốn đề cập ở đây chính là tự tánh. Diễn tả cùng nguyên lý mà Đại sư Thần Tú trình bày trong bài kệ nổi tiếng của ngài:
Thân thị bồ-đề thọ
Tâm như minh kính dài
Thời thời cần phất thức
Vật sử nhạ trần ai.
Tạm dịch:
Thân như cây bồ-đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn siêng lau phủi
Chớ để nhuốm bụi trần.
Câu ‘Thời thời cần phất thức–Luôn luôn siêng lau phủi’ là chỉ cho sự tinh tấn rất cần thiết trong lúc tu đạo. Người ta phê phán bài kệ nầy, cho rằng tinh thần không đúng. Nhưng bài kệ trên chẳng sai chút nào; đơn giản là nó diễn tả những điều thiết yếu trong thời kỳ đang tu đạo. Lục Tổ Huệ Năng viết lại bài kệ như sau:
Bồ-đề bổn vô thọ
Minh kính diệc phi đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai
Tạm dịch:
Tánh giác chẳng gốc ngọn
Gương sáng cần chi đài
Xưa nay thể vắng lặng
Đâu có gì trần ai.
Bài kệ nầy diễn tả cảnh giới của người đã chứng đạt quả vị bậc Thánh. Thế nên, những ai chưa đạt đến quả vị bậc Thánh thì phải học bài kệ của Đại sư Thần Tú. Nhưng ai đã chứng ngộ rồi thì tu theo bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng.
Ngày hôm qua, anh chàng “Tổ người Mỹ” đến và dám chắc rằng Lục tổ nói rằng chẳng có gì sâu chẳng có gì cạn. Đó là một ví dụ của hiểu biết nông cạn mà không hiểu nguồn gốc sâu xa, và dùng nó để thoả mãn cho thứ ‘khẩu đầu thiền.’ Khi tôi gọi anh ta như vậy. Anh ta bảo mình là ‘túc đầu thiền.’ Như tôi đã kể cho quý vị nghe, anh ta tưởng rằng câu trả lời của mình là thông minh, nhưng tôi tự nghĩ, “Anh đến đây từ Nữu-ước trên một chiếc xe hỏng, vì anh ta không phải đi bộ, mà nói là ‘túc đầu thiền.’” Vấn đề rắc rối là ở chỗ ‘túc đầu thiền’ của anh ta, đã không để cho anh ta đi chỗ nào khác nữa sau khi anh ta đến đây.
Thế ông đã biết, sáu căn thọ dụng cũng giống như vậy. Tôi đã giải thích hai câu kệ cho quý vị, và bây giờ vẫn còn hai câu. Nhưng tôi không phải là quỷ dạ-xoa đòi ăn thịt quý vị rồi mới nói hai câu kệ còn lại. Lúc nầy tôi không đói, thế nên tôi nói tiếp hai câu sau. Quý vị có nhớ không?
Tự tánh như hư không 性 如 虛 空
Chân vọng tại kỳ trung 真 妄 在 其 中
Ngộ triệt bổn lai thể 悟 徹 本 來 體
Nhất thông nhất thiết thông 一 通 一 切 通.
Điều ấy chỉ cho phương pháp bàn luận để thâm nhập vào pháp môn. Nếu quý vị thể nhập vào cái một và nhận ra cái vọng, thì tất cả sáu căn liền thanh tịnh.
Kinh văn:
由明暗等二種相形。於妙圓中,粘湛發見。見精映色,結色成根。根元目為清淨四大。因名眼體,如蒲萄朵。浮根四塵流逸奔色。
Do minh ám đẳng nhị chủng tương hình, ư diệu viên trung, niêm trạm phát kiến. Kiến tinh ánh sắc, kết sắc thành căn. Căn nguyên mục vi thanh tịnh tứ đại. Nhân danh nhãn thể như bồ đào đóa. Phù căn tứ trần lưu dật bôn sắc.
Việt dịch:
Do hai thứ tối sáng hiển bày lẫn nhau, kết dính tánh yên lặng nơi tánh diệu viên mà phát ra cái thấy. Cái thấy ánh hiện ra thành sắc, kết sắc thành căn. Bổn nguyên của căn là tứ đại thanh tịnh. Nhân đó gọi hình thể của ‘nhãn căn’ như trái bồ đào. Phù căn tứ trần giong ruổi chạy theo sắc
Giảng giải:
Do hai thứ tối sáng hiển bày lẫn nhau, hai loại sắc nầy, bao gồm cả các loại sắc tướng có thể thấy được khác, ảnh hưởng tác động lẫn nhau. Chúng kết dính tánh yên lặng nơi tánh diệu viên mà phát ra cái thấy. Các sắc tướng nầy kết dính với tánh yên lặng. Khi tình trạng nầy sanh khởi, thì phát ra tánh thấy. Cái thấy ánh hiện ra thành sắc, kết sắc thành căn. Chữ ‘kết’ ở đây là lặp lại nghĩa ‘kết dính’ ở trên. Thể của tánh thấy và sắc kết dính nhau và biến thành căn. Bổn nguyên của căn gọi là tứ đại thanh tịnh. Thể thanh tịnh của nhãn căn chính là tứ đại. Nghĩa của ‘thể thanh tịnh’ là gì? Nghĩa của tứ đại ở đây rất là vi tế, không phải là cái gì có thể thấy bằng mắt thường được. Phải có Phật nhãn, pháp nhãn, huệ nhãn mới thấy được, ‘sắc’ ở đây là chỉ cho cả đất nước lửa gió. Nhân đó gọi hình thể của con ‘nhãn căn’ như trái bồ đào. ‘Nhân đó’– vì các yếu tố được liên kết nhau theo cách đó, nên thể của con mắt có hình dáng như trái nho. Phù căn tứ trần giong ruổi chạy theo sắc. Con mắt được phân biệt theo ba cách:
- Có tánh thấy (nhãn tinh);
- Thắng nghĩa căn;
- Phù trần căn.
Nếu quý vị tu tập thành tựu, nhãn căn được gọi là thắng nghĩa căn. Nếu không tu tập, con mắt được gọi là phù trần căn. Phù căn tứ trần là chỉ cho sắc, thanh, hương, vị. Giong ruổi chạy theo sắc. Trong tiếng Hán, chữ lưu dật 流逸–giong ruổi gồm hai chữ là lưu 流, có nghĩa là dòng nước chảy xiết, xoáy sâu, hoặc như sóng cuộn ngoài đại dương; và chữ dật 逸, có nghĩa là không kiềm chế, vô chừng, như ngọn lửa bộc phát dữ dội trong rừng, trải khắp cả bốn phía. Ghép chung lại, có nghĩa là là rong ruổi, như con ngựa nòi. Đó là cách mà người ta đuổi theo và trở nên dính mắc với sắc.
Kinh văn:
由動靜等二種相擊。於妙圓中粘湛發聽。聽精映聲,卷聲成根。根元目為清淨四大。因名耳體如新卷葉。浮根四塵流逸奔聲。
Do động tĩnh đẳng nhị chủng tương kích. Ư diệu viên trung niêm trạm phát thính. Thính tinh ánh thanh quyển thanh thành căn. Căn nguyên mục vi thanh tịnh tứ đại. Nhân danh nhĩ thể như tân quyển diệp. Phù căn tứ trần lưu dật bôn thanh.
Việt dịch:
Do hai tướng động tỉnh đối chọi lẫn nhau, kết dính tánh yên lặng nơi tánh diệu viên mà phát ra cái nghe. Cái nghe ánh hiện ra thành tiếng, cuộn cái tiếng lại thành căn. Bổn nguyên của căn là tứ đại thanh tịnh. Nhân đó gọi hình thể của ‘nhĩ căn’ là lá sen non. Phù căn tứ trần giong ruổi chạy theo âm thanh.
Giảng giải:
Do hai tướng động tỉnh đối chọi lẫn nhau, kết dính tánh yên lặng nơi tánh diệu viên mà phát ra cái nghe. Vì có tướng động và tướng tỉnh, một chức năng được tạo ra ngay trong đó–khi chức năng nầy hình thành ngay trong tánh yên lặng–thì tiến trình của nhĩ căn bắt đầu hiện hành. Cái nghe ánh hiện ra thành tiếng, cuộn cái tiếng lại thành căn. Nó kết hợp với thanh trần. Trở thành một căn như cách nhãn căn được hình thành như được mô tả ở đoạn trên. Bổn nguyên của căn là tứ đại thanh tịnh. Đó là một tiến trình chắc thật, là kết quả từ sự kết hợp của tứ đại. Nhân đó gọi hình thể của ‘nhĩ căn’ là lá sen non. Nó có hình dáng như lá sen non, lúc nào cũng cuộn lại. Phù căn tứ trần giong ruổi chạy theo âm thanh. Nói về các giác quan trong nghĩa phù căn tứ trần, thì căn này giong ruổi chạy theo để kết hợp với âm thanh.
Kinh văn:
由通塞等二種相發。於妙圓中粘湛發嗅。嗅精映香納香成根。根元目為清淨四大。因名鼻體如雙垂爪。浮根四塵流逸奔香。
Do thông tắc đẳng nhị chủng tương phát, ư diệu viên trung niêm trạm phát khứu. Khứu tinh ánh hương, nạp hương thành căn. Căn nguyên mục vi thanh tịnh tứ đại. Nhân danh tỉ thể, như song thùy trảo. Phù căn tứ trần lưu dật bôn hương.
Việt dịch:
Do hai tướng thông và bít phát hiện lẫn nhau, kết dính tánh yên lặng nơi tánh diệu viên mà phát ra tính ngửi. Tính ngửi ánh hiện ra thành hương, thu nạp các hương thành căn. Bổn nguyên của căn là tứ đại thanh tịnh. Nhân đó gọi hình thể của ‘tỉ căn’ như hai móng tay duỗi xuống. Phù căn tứ trần giong ruổi chạy theo hương.
Giảng giải:
Do hai tướng thông và bít phát hiện lẫn nhau, kết dính tánh yên lặng nơi tánh diệu viên mà phát ra tính ngửi. Với sự hiện hữu của hai tướng thông và bít, có một tác dụng hình thành ngay trong tánh diệu viên. Tướng ấy kết dính để phát ra tính ngửi. Tính ngửi ánh hiện ra thành hương, thu nạp các hương thành căn. Tính ngửi và hương trần ánh hiện lẫn nhau, và tiến trình của tính ngửi, khi nhận biết mùi hương, trở thành chức năng của căn nầy, tức tỉ căn. Bổn nguyên của căn là tứ đại thanh tịnh. Và nó được gọi là ‘tỉ căn,’ có hình dạng như hai móng tay duỗi xuống. Lỗ mũi trông giống như hai móng tay lộn ngược. Phù căn–mắt, tai, mũi, lưỡi, tứ trần–sắc, thanh, hương, vị–giong ruổi chạy theo hương. Căn nầy đeo đuổi theo hương trần. Mũi thích ngửi mùi hương.
Kinh văn:
由恬變等二種相參。於妙圓中粘湛發嘗。嘗精映味,絞味成根。根元目為清淨四大。因名舌體如初偃月。浮根四塵流逸奔味。
Do điềm biến đẳng nhị chủng tương tham. Ư diệu viên trung niêm trạm phát thường. Thường tinh ánh vị giảo vị thành căn. Căn nguyên mục vi thanh tịnh tứ đại. Nhân danh thiệt thể như sơ yển nguyệt. Phù căn tứ trần lưu dật bôn vị.
Việt dịch:
Do vị nhạt và vị khác xen lẫn nhau, kết dính tánh yên lặng nơi tánh diệu viên mà phát ra tính nếm. Tính nếm ánh hiện ra thành vị, thu nạp các vị thành căn. Bổn nguyên của căn là tứ đại thanh tịnh. Nhân đó gọi hình thể của ‘thiệt căn’ như mặt trăng lưỡi liềm. Phù căn tứ trần giong ruổi chạy theo vị.
Giảng giải:
Do vị nhạt và vị khác xen lẫn nhau, kết dính tánh yên lặng nơi tánh diệu viên mà phát ra tính nếm. Vị nhạt chỉ cho những vị thông thường mà chúng ta nếm biết được. Từ trạng thái thông thường của vị nhạt nầy, mà ta có thể nhận ra được những vị khác khi ta nếm nó. Vì sự tương quan giữa vị nhạt và các vị khác tạo nên một cảm nhận khác về vị, nên có một sự kết dính trong tánh yên lặng nơi tánh diệu viên. Tạo nên tác dụng của tánh nếm biết. Tính nếm ánh hiện ra thành vị, thu nạp các vị thành căn. Vị giác trở nên xoắn lấy vị, như các tao của sợi dây thừng xoắn chặt với nhau. Chúng trở nên không thể tách rời, thế nên một căn khác nữa được hình thành. Bổn nguyên của căn là tứ đại thanh tịnh. Nhân đó gọi hình thể của ‘thiệt căn’ như mặt trăng lưỡi liềm. Phù căn tứ trần giong ruổi chạy theo vị. Nó bị thu hút bởi vị.
Kinh văn:
由離合等二種相摩。於妙圓中粘湛發覺。覺精映觸搏觸成根。根元目為清淨四大。因名身體如腰鼓顙。浮根四塵流逸奔觸。
Do li hợp đẳng nhị chủng tương ma. Ư diệu viên trung niêm trạm phát giác. Giác tinh anh xúc, đoàn xúc thành căn. Căn nguyên mục vi thanh tịnh tứ đại. Nhân danh thân thể như yêu cổ tảng. Phù căn tứ trần lưu dật bôn xúc.
Việt dịch:
Do hai tướng ly và hợp cọ xát lẫn nhau, kết dính sự yên lặng trong tánh diệu viên mà phát ra cái biết xúc chạm. Tính biết xúc chạm ánh hiện thành xúc, thu nạp các xúc thành căn. Bổn nguyên của căn là tứ đại thanh tịnh. Nhân đó gọi thể của ‘thân căn’ như cái trống cơm. Phù căn tứ trần giong ruổi chạy theo xúc.
Giảng giải:
Do hai tướng ly và hợp cọ xát lẫn nhau, kết dính sự yên lặng trong tánh diệu viên mà phát ra cái biết xúc chạm. Sự cọ xát tới lui của sự hợp lại và rời ra tạo nên cái biết trong tánh diệu viên. Tính biết xúc chạm ánh hiện ra thành xúc, thu nạp các xúc thành căn. Tánh biết xúc chạm kết hợp với sự xúc chạm tạo thành thân căn. Bổn nguyên của căn là tứ đại thanh tịnh. Nhân đó gọi thể của ‘thân căn’ như cái trống cơm. Thân được so sánh với hình dáng của cái trống cơm. Phù căn tứ trần giong ruổi chạy theo xúc. Phù căn nầy bị hút về phía xúc trần.
Kinh văn:
由生滅等二種相續。於妙圓中粘湛發知。知精映法,覽法成根。根元目為清淨四大。因名意思,如幽室見。浮根四塵流逸奔法。
Do sanh diệt đẳng nhị chủng tương tục, ư diệu viên trung niêm trạm phát tri. Tri tinh ánh pháp, lãm pháp thành căn. Căn nguyên mục vi thanh tịnh tứ đại. Nhân danh ý tư, như u thất kiến. Phù căn tứ trần lưu dật bôn pháp.
Việt dịch:
Do hai thứ sinh diệt tương tục lẫn nhau, kết dính tánh yên lặng nơi tánh diệu viên mà phát ra cái biết. Tính biết ánh hiện thành các pháp, thu nạp các pháp thành căn. Bổn nguyên của căn là tứ đại thanh tịnh. Nhân đó gọi là ‘ý tư,’ như cái thấy trong nhà tối. Phù căn tứ trần giong ruổi chạy theo pháp.
Giảng giải:
Do hai thứ sinh diệt tương tục lẫn nhau. Đoạn kinh nầy nói đến ý căn, tức thức thứ sáu, là đối tượng của sinh diệt. Khi niệm trước vừa đình chỉ, niệm sau liền sinh khởi. Niệm nầy truy đuổi niệm kia, và chúng kết dính tánh yên lặng nơi tánh diệu viên mà phát ra tính biết. Nó bám chắc trong tánh yên lặng ấy và phát ra cái biết. Tính biết ánh hiện ra thành các pháp, thu nạp các pháp thành căn. Năng lực của tánh biết là thu nạp các pháp, chính là trần cảnh. Bổn nguyên của căn là tứ đại thanh tịnh. Nhân đó gọi là ‘ý tư,’–đúng ra là ý ‘thể,’ vì ý không phải là một thực thể–như cái thấy trong nhà tối. Vì ý căn là một ‘nội’ căn, trong khi năm căn trước là ‘ngoại’ căn, nó giống như là cái thấy trong căn phòng tối. Phù căn tứ trần giong ruổi chạy theo pháp. Ý căn bị thu hút bởi pháp trần.
Kinh văn:
阿難,如是六根,由彼覺明,有明明覺。失彼精了,粘妄發光。
A-nan, như thị lục căn, do bỉ giác minh, hữu minh minh giác. Thất bỉ tinh liễu, niêm vọng phát quang.
Việt dịch:
A-nan, sáu căn như vậy do tánh giác minh soi lại tính minh giác. Làm mất tính sáng suốt kia, kết dính với cái vọng mà phát ra ánh sáng.
Giảng giải::
A-nan, sáu căn như vậy–mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đã nói đoạn trên– do tánh giác minh–chân tâm viên mãn vi diệu, Như Lai tạng. Vốn sáu căn chính là Như Lai tạng, nhưng nó hình thành sáu căn là nương vào Như Lai tạng khi có ý muốn soi lại tính minh giác. Vốn bản thể tuệ giác vốn tự sáng suốt, không cần phải có sự thêm thắt ánh sáng vào đó để soi chiếu lại nữa. Bản thể tuệ giác ấy như viên ngọc như ý, ánh sáng đã vốn có sẵn trong đó, không cần phải thêm ánh sáng vào cho nó nữa. Khi ánh sáng được soi chiếu thêm vào tánh giác minh, thì sẽ tạo ra vọng minh, tức sự sáng suốt hư vọng; vọng giác, tức cái biết hư vọng. Cái sáng suốt đó rốt ráo không thật, cũng chẳng phải là tánh giác do kết quả từ sự soi chiếu thêm vào tánh giác minh. Làm mất tính sáng suốt kia, kết dính với cái vọng mà phát ra ánh sáng. Bản thể tuệ giác–tức tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh xúc, tánh biết các pháp–đều bị mất đi bản chất vốn có, thế nên nó kết hợp với vọng minh và vọng giác–sáng suốt hư vọng và cái biết hư vọng–Từ sự kết dính nhau nầy, một ánh sáng hư vọng phát ra. Đây không phải là nguồn sáng chân thực; mà chỉ là biểu tượng cho tác dụng riêng biệt của nó.
Kinh văn:
是以汝今離暗離明無有見體。離動離靜元無聽質。無通無塞嗅性不生。非變非恬嘗無所出。不離不合覺觸本無。無滅無生了知安寄。
Thị dĩ nhữ kim li ám li minh, vô hữu kiến thể. Li động li tĩnh, nguyên vô thính chất. Vô thông vô tắc, khứu tính bất sanh. Phi biến phi điềm, thường vô sở xuất. Bất li bất hợp. giác xúc bản vô. Vô diệt vô sanh liễu tri an kí?
Việt dịch:
Vậy nên nay ông rời tối rời sáng, thì không có cái thể của thấy. Rời động rời tỉnh, thì không có cái nghe. Không có thông không bít, thì tính ngửi không phát sinh. Không có mùi vị, không lạt, thì tính nếm không có. Không rời xa, không kết hợp thì tánh xúc chẳng có. Không sanh không diệt, thì cái biết gá chỗ nào?
Giảng giải:
Vậy nên, do giáo lý đã được giải thích ở đoạn trên, là không cần phải soi lại tánh giác minh; chỉ vì qua sự sinh khởi một niiệm vọng tưởng muốn soi lại tánh giác minh mà tánh giác ấy biến thành vọng giác và vọng minh–kết quả là, bản thể bị mất đi; và do kết dính vào cái vọng, ánh sáng của tánh thấy trở thành hiện hữu. Điều này tạo ra những tác dụng riêng biệt của tánh thấy, tánh nghe và các tánh khác. Đó thuộc về quang minh của thức thứ tám. Do vậy, nay ông rời tối rời sáng, thì không có cái thể của thấy. Lý do để ông thấy được là nhờ những duyên của ánh sáng và cái tối giúp nhau. Nếu không có cái sáng và cái tối, thì thể của cái thấy phải bị đình chỉ. Rời động rời tịnh, thì không có tính nghe. ‘Tính–disposition’ ở đây chính là cái thể. Không có thông không bít, thì tính ngửi không phát sinh. Không có những duyên nầy thì quý vị không biết được mùi hương, không biết được cái gì thơm cái gì thối. Không có mùi vị, không lạt, thì tính nếm không có. Khoảng trung gian giữa cái nhận biết các mùi vị và vị nhạt khiến phát sinh tính nếm. Không rời xa, không kết hợp thì tánh xúc chẳng có. Nếu không có sự thúc đẩy cho sự chia tách và kết hợp, thì không có tính xúc. Không sanh không diệt, thì cái biết gá chỗ nào? Nếu không có sự sinh ra, không có sự diệt mất, thì tánh biết nằm chỗ nào? Nó cũng không có.
Kinh văn:
汝但不循動靜合離恬變通塞生滅暗明。如是十二諸有為相。
Nhữ đãn bất tuần động tĩnh hợp li, điềm biến thông tắc, sanh diệt ám minh, như thị thập nhị chư hữu vi tướng.
Việt dịch:
Ông chỉ cần không theo động tĩnh hợp li, điềm biến thông tắc, sanh diệt ám minh, mười hai tướng như vậy.
Giảng giải:
Ông chỉ cần không theo. Đoạn nầy trong kinh văn rất quan trọng. Tại sao chúng sinh không được giác ngộ? Vì họ theo vòng luân hồi sinh tử. Họ không chịu đi ngược lại tiến trình nầy. Họ đuổi theo hư vọng, trần cảnh rồi bị xoay chuyển bởi chúng. Nên kinh nói, “Ông chỉ cần không theo” chúng, ông cần phải không theo cảnh giới của sáu trần và không được xoay chuyển theo chúng. Ông không nên đuổi theo các tướng hữu vi và chạy theo chúng. Thế là ông có để được ngược dòng. Không theo động tĩnh hợp li, điềm biến thông tắc, sanh diệt ám minh, mười hai tướng như vậy. Đừng để bị xoay chuyển theo mười hai tướng hữu vi như đã nêu ở trên.
Kinh văn:
隨拔一根,脫粘內伏。伏歸元真,發本明耀。耀性發明。諸餘五粘應拔圓脫。
Tùy bạt nhất căn, thoát niêm nội phục. Phục quy nguyên chân, phát bản minh diệu. Diệu tính phát minh, chư dư ngũ niêm ưng bạt viên thoát.
Việt dịch:
Tuỳ theo đó mà nhổ sạch một căn, thoát khỏi dính mắc, hàng phục nó từ bên trong. Hàng phục rồi trở về cội nguồn chân tâm, và phát ra tính sáng suốt vi diệu vốn có. Khi tánh sáng suốt phát minh thì năm mối kết dính kia cũng được mở sạch.
Giảng giải:
Tuỳ theo đó mà nhổ sạch một căn, thoát khỏi dính mắc. Trong sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; tuỳ theo đó mà chọn một căn, làm cho nó thoát khỏi sự kết dính, rồi hàng phục nó từ bên trong. Hàng phục vô minh từ trong chính mình. Chuyển hoá mọi vọng tưởng. Hàng phục rồi trở về cội nguồn chân tâm. Khi vô minh và vọng tưởng đã được hàng phục, mình sẽ được quay về với bản nguyên, tức chân tâm thanh tịnh vi diệu viên mãn, và nó sẽ phát ra tính sáng suốt vi diệu vốn có. Nên sự sáng suốt vốn có trong tánh giác ngộ sẽ tự hiển bày. Khi tánh sáng suốt phát minh, khi tánh sáng suốt hiển bày, thì năm mối kết dính kia cũng được mở sạch. Khi một căn được nhổ sạch những dính mắc, thì những căn khác đang bị khằng dính cũng được nhổ sạch. Chúng đồng thời được giải thoát. Và tác dụng của sự kết dính để tạo nên cái thấy, sự dính mắc để tạo ra cái biết đều không còn nữa. Nên quý vị được tự tại giải thoát.
Kinh văn:
不由前塵所起知見, 明不循根,寄根明發。由是六根互相為用。
Bất do tiền trần sở khởi tri kiến, minh bất tuần căn, kí căn minh phát. Do thị lục căn hỗ tương vi dụng.
Việt dịch:
Không do tiền trần mà khởi lên cái thấy biết, thì cái sáng suốt sẽ không theo căn, chỉ gá nơi căn mà tánh sáng phát ra. Do đó mà sáu căn được dùng thay cho nhau.
Giảng giải:
Trước đây tôi đã giảng về việc sáu căn có thể dùng thay cho nhau. Không do tiền trần mà khởi lên cái thấy biết. Đây là lời khuyên mà Đức Phật đã dạy trong đoạn kinh trước: “Nhữ đãn bất tuần–Ông chỉ cần không theo.” Đừng theo đuổi sáu trần rồi cặp chúng với cái thấy, cái biết của mình. Nếu quý vị không đuổi theo sáu trần, thì quý vị sẽ thấy như thể là không thấy và nghe như là không nghe, vì mình không bị ám ảnh bởi cảnh giới của sáu trần. Thì cái sáng suốt sẽ không theo căn. Nó không giao tiếp với trần cảnh nên tánh sáng suốt liền hiển hiện. Cái biết (hư vọng phân biệt) không còn có mặt trong đó nữa. Tánh giác sáng suốt của chính bản tâm mình không truy đuổi theo các căn. Vậy nên do đó mà sáu căn được dùng thay cho nhau. Tuy nhiên, bản tánh giác ngộ sáng suốt của mình được tìm thấy ngay nơi cửa của sáu căn. Khi tánh giác bản hữu tự hiển lộ, thì sáu căn hỗ dụng, tức sáu căn có thể được dùng thay cho nhau. Điều nầy không thể có nếu quý vị còn dùng vọng minh và vọng giác; điều nầy, sáu căn hỗ dụng chỉ xảy ra khi mình dùng tánh sáng suốt chân thật vốn có của bản giác. Thế là sáu căn–mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý–có tác dụng hỗ tương. Mắt có thể nói và tai có thể thấy.
Hôm nay là ngày Phật hoan hỷ. Dĩ nhiên, ngày nào Phật cũng hoan hỷ cả, nhưng hôm nay là ngày hoan hỷ nhất. Sao vậy? Đây là ngày cuối cùng trong kỳ kiết hạ an cư của người xuất gia. Từ ngày 15 tháng 4 cho đến 15 tháng 7 âm lịch, tăng sĩ phải an cư ở một nơi và không đi đâu cả. Đó cũng là ngày kỷ niệm ngài Mục-kiền-liên có được thiên nhãn thông. Khi được như vậy, việc ngài làm trước hết là tìm xem mẹ mình đang ở đâu. Ngài thấy mẹ mình đang ở địa ngục và chịu nhiều nỗi khổ. Vì sao mẹ ngài phải ở địa ngục? Vì khi còn sống bà ta không tin Phật, không chịu lạy Phật. Bà ta không tin pháp, không chịu học Phật pháp. Bà ta không kính trọng Tăng; thậm chí bà ta còn huỷ báng tăng đoàn và chê trách sự phạm giới của họ. Bà ta cũng thích ăn thịt và cá. Đặc biệt là rất thích ăn trứng cá. Hãy nghĩ biết bao sinh mạng trong một phần thức ăn bằng trứng cá muối. Do vì bà ta không tin và kính trọng Tam bảo, vì bà ta ăn quá nhiều trứng cá, nên bà ta đoạ vào địa ngục ngay sau khi bà chết. Trong địa ngục thì chẳng có gì để ăn, thế nên khi ngài Mục-kiền-liên có được thần thông, ngài đến thăm mẹ với một bát cơm trên tay. Bà mẹ lấy ngay chén cơm khi thấy được, vì tâm bà quá tham, nên bà lấy tay trái che cơm lại, để các quỷ đói kia không thấy được mà giành của bà. Bà dấu cơm trong tay áo và chạy tìm nơi để ăn một mình. Nhưng nghiệp chướng của bà quá nặng, đến mức không để cho bà được ăn, thế nên khi bà bốc cơm cho vào miệng, thì cơm hóa thành than. Dù Mục-kiền-liên đã chứng thần thông rồi, nhưng cũng không thể nào giúp mẹ mình được. Không còn làm gì được nữa, ngài trở về cầu xin Đức Phật giúp đỡ. “Con phải làm gì để cứu mẹ?” Ngài cầu thỉnh. Mẹ ngài đang bị đoạ trong địa ngục và cầu xin Đức Phật chỉ bày cách cứu giúp.
Đức Phật bảo Mục-kiền-liên, “Mẹ ông nghiệp chướng sâu nặng. Ông không thể nào tự mình cứu được. Ông phải cầu thỉnh chư tăng trong khắp mười phương cứu giúp, thì mẹ ông mới mong thoát khỏi cảnh khổ và được an lạc.” Thế là từ đó trở đi, vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, việc cúng dường không chỉ để giúp cho mẹ mình trong đời nầy thoát khổ, được an vui, mà còn giúp độ thoát cho cha mẹ bảy đời cùng thân bằng quyến thuộc. Pháp hội được cử hành theo nghi thức để chúng Tăng chú nguyện cứu giúp cho mẹ ngài Mục-kiền-liên được gọi là Vu-lan-bồn.
Kinh văn:
阿難汝豈不知。今此會中阿那律陀無目而見。跋難陀龍無耳而聽。殑伽神女非鼻聞香。驕梵缽提異舌知味。舜若多神無身有觸。如來光中映令暫現。既為風質其體元無。諸滅盡定得寂聲聞。如此會中摩訶迦葉。久滅意根,圓明了知,不因心念。
A-nan nhữ khởi bất tri, kim thử hội trung A-na-luật-đà vô mục nhi kiến. Bạt-nan-đà long vô nhĩ nhi thính. Căng-già thần nữ phi tỉ văn hương. Kiều-phạm-ba-đề dị thiệt tri vị. Thuấn-nhã-đa thần vô thân hữu xúc. Như Lai quang trung ánh linh tạm hiện. Kí vi phong chất kì thân nguyên vô. Chư diệt tận định đắc tịch Thanh văn, như thử hội trung Ma-ha Ca-diếp, cửu diệt ý căn, viên minh liễu tri, bất nhân tâm niệm.
Việt dịch:
A-nan, ông sao không biết, trong hội chúng nầy, ông A-na-luật-đà không có mắt mà vẫn thấy. Rồng Bạt-nan-đà không có tai mà vẫn nghe. Thần nữ Căng-già không có mũi mà ngửi được mùi hương. Ông Kiều-phạm-ba-đề lưỡi khác lưỡi người mà vẫn nếm được mùi vị. Thần Thuấn-nhã-đa không có thân mà vẫn biết xúc chạm. Do hào quang của Như Lai ánh ra mà tạm hiện có thân, chứ bản chất của ông là gió, chứ không có thân thể. Các vị Thanh văn được tịch diệt trong diệt tận định như Ma-ha Ca-diếp trong hội nầy, ý căn đã diệt từ lâu rồi, mà vẫn rõ biết cùng khắp nhưng không do ở tâm niệm.
Giảng giải:
A-nan, ông sao không biết, trong hội chúng nầy, tức trong pháp hội giảng Kinh Thủ-lăng-nghiêm, có những vị đã có được lục căn hỗ dụng. Đó là A-na-luật-đà. Quý vị có nhớ ngài không? Ngài là người bị mù khi cố gắng không ngủ. A-na-luật-đà là anh em họ với Đức Phật, ngài là con vua Bạch Phạn. Ngài thích ngủ, và ngủ bất kỳ lúc nào Đức Phật giảng pháp. Đức Phật trách mằng ông về thói quen nầy, Đức Phật nói rằng:
Đốt! Đốt! Hồ vi thuỳ. 咄咄胡爲睡
Loa tư cáp bạn loại 螺螄 蛤蚌類
Nhất thuỳ nhất thiên niên 一睡一千年
Bất văn Phật danh tự. 不聞佛名字.
Nầy! Nầy! Sao còn ngủ?
Như loài trai sò kia
Ham ngủ một ngàn năm
Chẳng nghe được tiếng Phật.
Sau khi bị quở trách như vậy, trong nỗ lực của nhiệt tâm, A-na-luật-đà không ngủ suốt bảy ngày đêm. Cuối cùng ngài bị mù vì mất ngủ. Đức Phật thấy thương xót nên mới truyền dạy cho ngài pháp tu Nhạo kiến chiếu minh kim cương tam-muội. Nhờ tu pháp này, ngài chứng được thiên nhãn thông. Mắt trần của ngài bị mù, nhưng ngài trở nên đệ nhất thiên nhãn. Ngài có thể nhìn thấy mọi vật rất rõ ràng. Quý vị không nên nghĩ rằng ‘khai nhãn’ là giống như nhau trong mọi trường hợp. Có người thấy mọi vật rất rõ ràng, và có người thấy không được rõ. A-na-luật-đà thấy rõ nhất trong tất cả, ngài có thể thấy tam thiên đại thiên thế giới như thấy một vật trong bàn tay. Trong đoạn văn nầy, Đức Phật lại nhắc cho A-nan nhớ về ngài A-na-luật-đà không có mắt mà vẫn thấy.
A-na-luật-đà có nghĩa là vô bần–không nghèo. Trước đây tôi đã kể cho quý vị nghe chuyện ngài được một con thỏ vàng. Khi ngài cắt một cái chân nó để đổi thức ăn, thì cái chân bằng vàng khác mọc ra ngay chỗ vừa cắt. Mỗi lần ngài cắt phần nào trên thân thể con thỏ, thì phần ấy mọc ra lại như cũ, thế nên ngài không bao giờ nghèo.
Đức Phật lại nhắc đến rồng Bạt-nan-đà không có tai mà vẫn nghe. Đây là loại thần long bảo hộ cho xứ Ma-kiệt-đà, chăm sóc cho việc mưa thuận gió hòa. Loài rồng nầy được người dân trong xứ quý mến, nên họ đặt tên là Upananda, Hán dịch là Thiện hoan hỷ. Mặc dù không có tai, nhưng loài rồng nầy có thể nghe bằng râu mọc trên đầu. Thế nên A-na-luật-đà không dùng mắt mà vẫn thấy. Rồng Bạt-nan-đà không dùng tai mà vẫn nghe. Đây chính là sáu căn hỗ dụng mà chúng ta đang bàn đến.
Còn có Thần nữ Căng-già không có mũi mà ngửi được mùi hương. Sông Hằng (Ganges), sông Sindhu, sông Vakshu và sông Sutlej đều phát nguyên từ trên đỉnh núi Tuyết sơn thuộc dãy Hy-mã-lạp-sơn. Thần nữ Căng-già tức nữ thần của sông Hằng, Hán dịch là Thiên đường lai, vì sông phát nguyên từ hồ A-nậu-đạt trên đỉnh Tuyết sơn. Nữ thần nầy là chủ của các vị thần sông. Thần nầy không có mũi, nhưng có thể ngửi được mọi thứ. Dùng mắt để ngửi.
Còn có Ông Kiều-phạm-ba-đề lưỡi khác lưỡi người mà vẫn nếm được mùi vị. Tên ngài, Gavāṃpati Hán dịch là Ngưu ty, có nghĩa là là ‘loài bò nhai lại.’ Ngay cả khi không ăn gì, ngài vẫn nhai và thở rất lớn giống như loài bò. Tại sao có những vị đã chứng A-la-hán rồi mà vẫn còn những thói quen như vậy? Đó là quả báo của những điều đã xảy ra khi ngài là một chú tiểu còn đang tu hành trong nhân địa. Lúc đó ngài tu học với một vị lão tăng đã chứng quả A-la-hán. Vị nầy đã già và rụng hết răng, nên ăn rất chậm. Ông nhai rất lâu, đến nỗi một hôm chú điệu Kiều-phạm-ba-đề chịu không được nữa mới nói với ông, ‘Thầy nhai như bò.’ Chỉ vì một lời nói như vậy mà chú điệu phải chịu quả báo nhai như bò suốt từ kiếp nầy qua kiếp khác. Nhưng nay ngài đã chứng quả A-la-hán, Đức Phật khuyên ngài nên giáo hoá ở cõi trời, hơn là ở cõi người, vì ngại rằng trong cõi người có ai chê cười ngài rồi lại nói ‘Thầy nhai như bò,’ thì người ấy sẽ phải chịu quả báo như vậy từ kiếp nầy qua kiếp khác. Chuyện nầy nhắc nhở quý vị thận trọng trong lúc nói. Đừng nên nói bất cứ điều gì chợt nẩy ra trong đầu. Nếu quý vị nói điều sai trái, mình sẽ rơi vào luật nhân quả.
Một hôm có người đến hỏi một vị tỷ-khưu già:
“Bậc đại tu hành có rơi vào nhân quả không?
Đại tu hành nhân lạc nhân quả phủ ?
大 修 行 人 落 因 果 否?”
Lão tỷ-khưu già đáp:
“Bậc đại tu hành không rơi vào nhân quả.
Đại tu hành nhân bất lạc nhân quả
大 修 行 人 不 落 因 果.”
Vì câu trả lời sai lầm đó, mà vị tỷ-khưu già bị đoạ làm thân chồn suốt năm trăm năm. Khi thiền sư Bá Trượng ở Giang Tây thượng đường giảng kinh dạy chúng, có một lão già râu dài hằng ngày đều đến nghe. Không ai biết ông ta là ai. Ông ta rời giảng đường ngay khi nghe giảng xong. Các thời giảng kinh đều mở rộng cho mọi người tham dự nên chẳng ai hỏi ông ta là ai? Ông ta đến đi như mọi người khác. Khi giảng kinh, theo luật là pháp sư trở về phương trượng ngay sau khi giảng xong. Pháp sư rất hiếm chuyện trò, để tránh tâm phan duyên. Pháp sư không nán lại sau khi giảng kinh là để khuyến khích mọi người lần sau lại đến nghe nữa. Đại khái là như vậy. Một hôm Bá Trượng thiền sư chuẩn bị trở về phương trượng sau khi giảng kinh, lão già râu dài theo sau ngài và xin được nghe lời khai thị. Câu hỏi của lão già như sau:
“Bậc đại tu hành có rơi vào nhân quả không?
Đại tu hành nhân lạc nhân quả phủ?
大 修 行 人 落 因 果 否?”
Bá Trượng thiền sư trả lời ngay:
“Bậc đại tu hành không mê muội nhân quả.
Đại tu hành nhân bất muội nhân quả
大 修 行 人 不 昧 因 果.”
Ngay đó lão già khai ngộ. Rồi lão già giải thích: “Tôi là con chồn sống ở sau núi nầy. Hằng ngày tôi vào đây nghe kinh, nhưng tôi chưa thông được công án vừa rồi.” Ông lão trình bày, trong quá khứ ông từng là cao tăng chuyên giảng kinh, khi có người hỏi lão vấn đề trên, lão đã trả lời không đúng, quả báo là lão bị đọa làm thân chồn suốt năm trăm năm.
“Ồ! Nay được thiền sư chỉ điểm. Tôi đã rõ ràng. Ngày mai tôi sẽ thoát xác. Kính thỉnh thiền sư ra mộ sau núi, thiêu xác rồi làm lễ táng.”
Ngày hôm sau, Bá Trượng thiền sư dẫn chư tăng trong thiền viện ra sau núi. Tìm kiếm hồi lâu thấy xác một con chồn già. Bá Trượng thiền sư dùng nghi thức dành cho chư tăng mà làm lễ hoả táng. Đây là một ví dụ khác về sự cẩn trọng phải có khi mình muốn nói điều gì. Những người chưa am hiểu Phật pháp thích nói bất cứ điều gì thấy thích, nhưng người đã học Phật pháp rồi thì biết cách làm tốt hơn. Nếu có ai hỏi quý vị một vấn đề mà mình biết có thể trả lời trong tinh thần Phật pháp, thì mình hãy đáp ứng. Nhưng nếu thấy không thể, thì tôi khuyên quý vị đừng cho rằng mình biết khi mình chẳng biết cái gì cả. Nếu quý vị nói điều gì đó sai lầm, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Vì một lần bất cẩn chê trách một vị A-la-hán, nên ngài Kiều-phạm-ba-đề chịu quả báo có miệng nhai như bò từ kiếp nầy sang kiếp khác. Lưỡi của ngài như lưỡi bò, nhưng có thể nếm biết được mùi vị.
Thần Thuấn-nhã-đa không có thân mà vẫn biết xúc chạm. Thuấn-nhã-đa, phiên âm chữ Śūnyatā từ tiếng Sanskrit là có nghĩa là hư không. Vị Thần hư không nầy không có thân mà vẫn biết sự xúc chạm. Việc đó xảy ra như thế nào? Do hào quang của Như Lai ánh ra mà tạm hiện có thân, chứ bản chất của ông là gió, chứ không có thân thể. Hào quang của Đức Phật khiến cho vị thần nầy tạm thời xuất hiện, dù vị thần nầy lặng không như gió và không có hình thể gì cả. Nhưng khi thần nầy xuất hiện trong ánh hào quang của Đức Phật, thì vẫn cảm nhận được những cảm giác xúc chạm, Điều đó làm cho thần hư không rất vui mừng, “Tôi thực sự không có thân, nhưng nay tôi đã có.” Mọi chúng sinh đều sợ bị mất thân mạng, thế nên khi được phép hiện thân, vị thần nầy rất hoan hỷ.
Các vị Thanh văn được tịch diệt trong diệt tận định như Ma-ha Ca-diếp trong hội nầy. Đây là bậc thứ chín trong cửu thứ đệ định, tức diệt thọ tưởng định. Một số vị trong hội chúng nầy đã đạt được diệt thọ tưởng định và chứng được quả vị A-la-hán. Ai trong hội nầy đã chứng được diệt tận định? Ma-ha có nghĩa là lớn, tức chỉ cho ngài Trưởng lão Ca-diếp, vốn trước kia là ngoại đạo thờ lửa. Trong đạo Phật thường gọi ngài là Kim sắc tiên. Ngài hiện nay vẫn còn đang nhập định trên đỉnh Kê túc sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ngài không xả thân và thọ thân sau. Ngài đang ở trong diệt tận định. Trong tương lai, khi Bồ-tát Di-lặc ra đời, ngài Ma-ha Ca-diếp sẽ trao y bát của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni lại cho Bồ-tát Di-lặc. Ngài đã nhập định ở đó chừng ba ngàn năm. Một người có thể ngồi như thế một ngàn năm, hoặc thậm chí một vạn năm trong định vẫn không là vấn đề.
Đã diệt ý căn từ lâu rồi, mà vẫn rõ biết cùng khắp nhưng không do ở tâm niệm. Tâm phân biệt của ngài, đối tượng của sinh diệt, đã chấm dứt từ lâu rồi. Nhưng, tánh giác của ngài hoàn toàn thông lợi; cái biết đó không phải do từ tâm ý thức phân biệt, mà lưu xuất từ nguồn sáng tuệ giác của ngài.
Kinh văn:
阿難, 今汝諸根,若圓拔已,內瑩發光。如是浮塵及器世間。諸變化相如湯銷冰。應念化成無上知覺。
A-nan, kim nhữ chư căn, nhược viên bạt dĩ, nội oánh phát quang. Như thị phù trần cập khí thế gian, chư biến hóa tướng như thang tiêu băng. Ứng niệm hóa thành vô thượng trí giác.
Việt dịch:
A-nan, nay các căn của ông nếu đã hoàn toàn nhổ sạch, sáng suốt bên trong sẽ phát ra. Như thế các phù trần và các tướng biến hoá trong thế gian như nước nóng làm tan băng. Ứng với tâm niệm, sẽ hoá thành vô thượng trí giác.
Giảng giải:
A-nan, nay các căn của ông nếu đã hoàn toàn nhổ sạch–nếu ông có thể nhập vào được một, thì năm căn kia cũng dừng lại hoàn toàn. Sáu căn đồng thời thanh tịnh. Nếu ông có thể nhổ sạch được một căn, thì sáu căn sẽ tự tại đối với các tập khí cố hữu của nó, sáng suốt bên trong sẽ phát ra. Tự tánh của mình sẽ chiếu sáng rực rỡ và hoàn mỹ như viên ngọc. Như thế các phù trần và các tướng biến hoá trong thế gian–núi sông đất liền, quốc độ, lâu đài kiến trúc và các thứ khác–như nước nóng làm tan băng. Chúng sẽ biến mất, như băng tan khi có nước nóng đổ lên đó. Ứng với tâm niệm, trong một khoảnh khắc rất ngắn, sẽ hoá thành vô thượng trí giác. Khi cái vọng hết, thì cái chân là thanh tịnh. ‘Trí’ ở đây là chân thật trí, không phải là cái biết hư vọng đã nói ở trên. Khi cái vọng không còn, thì cái chân hiển hiện; “ứng với tâm niệm” liền tự hiện khởi.
Kinh văn:
阿難,如彼世人,聚見於眼。若令急合,暗相現前。六根暗然頭足相類。彼人以手,循體外繞,彼雖不見。頭足一辯,知覺是同。
A-nan, như bỉ thế nhân, tụ kiến ư nhãn, nhược linh cấp hiệp, ám tướng hiện tiền. Lục căn ám nhiên, đầu túc tương loại. Bỉ nhân dĩ thủ, tuần thể ngoại nhiễu, bỉ tuy bất kiến, đầu túc nhất biện, tri giác thị đồng.
Việt dịch:
A-nan như người thế gian kia gom cái thấy nơi mắt, nếu biểu nhắm kín thì tướng tối hiện ra. Cả sáu căn đều tối, thì đầu và chân đều giống nhau. Người kia lấy tay rờ quanh ngoài thân thể, tuy không thấy được nhưng đã nhận ra đầu và chân rồi thì cái hiểu biết vẫn như nhau.
Giảng giải:
A-nan như người thế gian kia. Như Lai sẽ cho ông một ví dụ. Hãy xem người thế gian gom cái thấy nơi mắt. Anh ta đã gom tánh thấy lại vào trong mắt của mình. Nếu biểu nhắm kín thì tướng tối hiện ra. Quý vị bảo anh ta, “Nhắm mắt lại ngay!” Bỗng nhiên anh ta bị ngập trong màn tối. Cả sáu căn đều tối, thì đầu và chân đều giống nhau. Người kia lấy tay rờ quanh ngoài thân thể, tuy không thấy được nhưng đã nhận ra đầu và chân rồi. Nếu người thế gian nầy đã nhắm kín mắt lại rồi, không còn thấy gì chung quanh nữa, khi lấy tay mình rờ thân người bên cạnh, anh ta liền biết ngay đầu người kia khi tay sờ đến đầu, và khi sờ đến chân, liền nhận ra đó là chân. Cái hiểu biết vẫn như nhau. Cái biết vẫn có nguyên tác dụng. Khi sáu căn đã được tiêu trừ, thì cái biết không phải là mất sạch. Ví dụ trên xác định ngay cả khi mắt nhắm kín, cái biết vẫn không biến mất. Nó vẫn còn như cũ.
Kinh văn:
緣見因明,暗成無見。不明自發,則諸暗相, 永不能昏。
Duyên kiến nhân minh, ám thành vô kiến. Bất minh tự phát, tắc chư ám tướng, vĩnh bất năng hôn.
Việt dịch:
Nếu sáng là duyên cần thiết của cái thấy, thì khi tối sẽ thành ra không thấy. Chứ không có ánh sáng mà phát ra cái thấy, thì các tướng không thể nào làm mờ tối được.
Giảng giải:
Nếu sáng là duyên cần thiết của cái thấy–nếu nguyên nhân để chúng ta thấy được là do sáng–thì khi tối sẽ thành ra không thấy. Khi tối, thì không thấy được. Chứ không có ánh sáng mà phát ra cái thấy, thì các tướng không thể nào làm mờ tối được. Nếu quý vị không cần phải nhờ vào cái sáng bên ngoài, mà dùng cái sáng từ trong tự tánh mình, thì chẳng có cái tối nào ngăn được cái thấy của mình cả. Cái tối không thể chướng ngại và cản trở quý vị thấy. Nếu quý vị chân chính là người giác ngộ, nếu thực sự được xem là đã chứng quả A-la-hán, thì ngày cũng như đêm. Sáng tối như nhau. Quý vị có thể thấy được hoàn toàn trong cả hai cảnh giới. Người thường không thấy được trong phòng tối, nhưng một vị A-la-hán thì có thể. Nên nói:
Liễu ngộ do nhự dạ đắc đăng 了悟猶如夜得燈
Vô song ám thất hộ quang minh 無窗暗室戶光明.
Giác ngộ rồi giống như trong đêm tối có được đèn sáng.
Như trong căn phòng không có cửa sổ, tối tăm mà có được ánh sáng.
Tuy nhiên, đó chỉ là ví dụ. Đừng chấp cứng vào đó rồi cho là thực đúng như vậy. Điều gì được diễn tả bằng ngôn từ thì không nhất thiết là chân thực. Những gì không thể diễn bày mới là chân thực. Những gì được nói ở đây chỉ là chút ít chân thực. Quý vị có thể thấy căn phòng tối, trong khi có người khác lại thấy sáng trong đó. Điều nầy tuỳ vào nghiệp báo khác nhau của từng người. Nếu quý vị đã giác ngộ, thì đêm cũng như ngày; ngủ và mơ cũng giống như thức. Quý vị không bị mê mờ điên đảo trong khi mơ. Thực vậy, khi đã giác ngộ rồi, rất hiếm khi nằm mơ.
Tại sao cần thiết phải tu tập? Vì quý vị không thể tự mình làm chủ được. Có thể tự chủ và sáng suốt minh mẫn lúc tỉnh, nhưng mất tự chủ khi bối rối. Khi còn mạnh khỏe thì tự chủ được, còn khi bệnh hoạn thì mất tự chủ. Quý vị bất lực. Có thể quý vị còn giữ được tự chủ khi bệnh và không mê mờ hoặc làm những việc điên đảo, nhưng vẫn không tự chủ được khi ngủ. Quý vị có thể nói rằng mình giữ được tự chủ khi ngủ, nhưng khi mơ thì không thể nào giữ được, trở nên điên đảo. Nếu quý vị giữ được tự chủ khi mơ, thì vẫn còn có thể trở nên điên đảo, mất tự chủ khi sắp chết. Vào lúc tứ đại phân rã, dù lúc đó quý vị có thích nói, “Tôi chưa muốn chết bây giờ,” thì cái chết cũng chẳng có chút lễ độ nào dành cho quý vị cả. Quý vị chắc chắn phải từ bỏ cuộc sống mà ra đi.
Chúng ta tu đạo là để duy trì sự tự chủ khi đang còn khoẻ mạnh, khi chúng ta đang tỉnh giác và còn minh mẫn, khi bệnh, khi ngủ, khi mơ, ngay cả khi chết. Nếu chúng ta được như muốn chết là chết, và đến mức nếu không muốn chết, thì cứ sống mà không gặp vấn đề gì cả, thoát khỏi mọi ràng buộc, thế thì mới có thể nói là mình tự tại đối với sinh tử. Nếu muốn sống, vẫn được; và nếu muốn chết, vẫn có thể chết liền. Chẳng hạn, nếu muốn sống, quý vị có thể sống đến hàng ngàn năm như Tổ Ma-ha Ca-diếp. Nếu quý vị muốn chết, liền có thể chết trong tư thế đứng, ngồi hoặc nằm. Quý vị muốn làm bất cứ cách nào mình thích.
Kinh văn::
根塵既銷,云何覺明不成圓妙 ?
Căn trần kí tiêu, vân hà giác minh bất thành viên diệu?
Việt dịch:
Căn trần đã tiêu, làm sao tánh giác minh chẳng thành viên mãn và vi diệu?
Giảng giải:
A-nan, khi căn trần đã tiêu, khi sáu căn và sáu trần đã được tiêu trừ, thì ‘chẳng có cái tối nào ngăn được cái thấy cả.’ Khi cái tối che mờ, thì các căn không thể nào hiển bày năng lực và tác dụng của nó cả. Làm sao tánh giác minh chẳng thành viên mãn và vi diệu? Làm sao nói tánh bản giác diệu minh không trở thành viên mãn và vi diệu? Làm sao nói tánh sáng suốt không quay lại cội nguồn để trở thành tánh bản giác diệu minh viên mãn và vi diệu?
CHƯƠNG 5
NGHE KHÔNG PHẢI LÀ TIẾNG
Kinh văn:
阿難白佛言,世尊。如佛說言。因地覺心,欲求常住。要與果位,名目相應。
A-nan bạch Phật ngôn, Thế tôn. Như Phật thuyết ngôn, nhân địa giác tâm, dục cầu thường trụ, yếu dữ quả vị, danh mục tương ưng.
Việt dịch:
A-nan bạch Phật rằng, “Bạch Thế tôn, như Phật đã dạy, ‘Muốn cầu quả thường trụ, khi phát tâm tu đạo giác ngộ ở nhân địa, phải tương ưng với quả vị. ”
Giảng giải:
Một lần nữa, A-nan phát khởi nghi ngờ, thế là ngài đứng dậy và có câu hỏi khác. A-nan bạch Phật rằng, “Bạch Thế tôn, như Phật đã dạy, theo như giáo lý đã được nói đến trong phần trước, ‘Muốn cầu quả thường trụ, khi phát tâm tu đạo giác ngộ ở nhân địa’”– ở trong nhân địa phát tâm chân chính cầu đạo giác ngộ, nguyện sẽ không bao giờ bị thối chuyển. Phải tương ưng với quả vị. Điều ấy phải không ngược với đạo lý của quả địa tu chứng.
Kinh văn:
世尊,如果位中菩提涅槃,真如佛性, 菴摩羅識,空如來藏, 大圓鏡智, 是七種名稱謂雖別。清淨圓滿體性堅凝。如金剛王常住不壞。
Thế tôn, như quả vị trung bồ-đề niết-bàn, chân như Phật tính, am-ma-la thức, Không Như Lai tạng, Đại viên cảnh trí. Thị thất chủng danh xưng vị tuy biệt. Thanh tịnh viên mãn thể tính kiên ngưng. Như kim cương vương thường trụ bất hoại.
Việt dịch:
Bạch Thế tôn, như trong các quả vị Bồ-đề, Niết-bàn, Chân như Phật tính, Am-ma-la thức, Không Như Lai tạng, Đại viên cảnh trí. Bảy danh hiệu ấy tên gọi tuy khác, mà thể tánh thanh tịnh viên mãn vững chắc như kim cương vương, thường trụ bất hoại.
Giảng giải:
Bạch Thế tôn, như trong các quả vị Bồ-đề, Niết-bàn, Chân như Phật tính, Am-ma-la thức, Không Như Lai tạng, Đại viên cảnh trí. “Bồ-đề” Hán dịch là giác đạo. Niết-bàn Hán dịch là Bất sinh bất diệt. Chân như có nghĩa là không hư vọng, là cái chân thật duy nhất, bất nhị. Chân như không phái là một “vật.” Nó giống như hư không. Chân như chính là chân không. Nhất chân nhất thiết chân, đã là chân rồi thì hết thảy đều là chân. Chỉ thiếu một chút chân thật, thì không được gọi là chân như
Phật tánh là tự tánh mà mỗi chúng sinh đều vốn có đầy đủ. Am-ma-la thức là vô cấu thức. Trước khi giác ngộ, thức nầy gọi là thức thứ tám, tức A-lại-da thức, có nghĩa là tàng thức, tên gọi cho ta biết trong đó chứa đựng mọi thứ. Am-ma-la thức là sự chuyển hoá của thức thứ tám thành thanh tịnh thức. Không Như Lai tạng là một tên gọi khác và Đại viên cảnh trí cũng chỉ là một tên. Bảy danh hiệu ấy tên gọi tuy khác, dù trong quả địa danh xưng có khác, mà thể tánh thanh tịnh. Mà đạo lý của nó, về phương diện bản thể, vẫn là thanh tịnh viên mãn vững chắc như kim cương vương, thường trụ bất hoại. Không bao giờ bị biến hoại .
Kinh văn:
若此見聽離於暗明。動靜通塞畢竟無體。猶如念心離於前塵本無所有。
Nhược thử kiến thính, li ư ám minh, động tĩnh, thông tắc, tất cánh vô thể. Do như niệm tâm li ư tiền trần, bản vô sở hữu.
Việt dịch:
Nếu cái thấy nghe nầy, rời các tướng tối sáng, động tỉnh, thông bít, thì rốt ráo nó không có tự thể. Cũng như tâm niệm, nếu rời khỏi tiền trần, là vốn không thật có.
Giảng giải:
Nếu cái thấy nghe nầy, rời các tướng tối sáng, động tỉnh, thông bít, thì rốt ráo nó không có tự thể, thể của nó sẽ không hiện hữu. Cũng như tâm niệm, nếu rời khỏi tiền trần, là vốn không thật có. Các niệm tưởng của tâm cũng không có thực thể. Khi ta tách rời chúng ra khỏi tiền trần tương ưng với nó, thì các niệm tưởng ấy hoàn toàn không hiện hữu.
Kinh văn:
云何將此畢竟斷滅,以為修因。欲獲如來,七常住果?
Vân hà tương thử tất cánh đoạn diệt, dĩ vi tu nhân, dục hoạch Như Lai thất thường trụ quả?
Việt dịch:
Sao lại đem cái tâm hoàn toàn đoạn diệt ấy làm nhân tu hành, mà mong đạt được bảy quả vị thường trụ của Như Lai?
Giảng giải:
Niệm tưởng của tâm chính là thức thứ sáu, đúng thật là ‘ly khai pháp trần thì sẽ không hiện hữu, không có tự thể.’ Sao lại đem cái tâm hoàn toàn đoạn diệt ấy làm nhân tu hành, mà mong đạt được bảy quả vị thường trụ của Như Lai? Làm sao có thể dùng nó để để tu chứng bảy quả vị thường trú, Bồ-đề, Niết-bàn, Chân như Phật tính, Am-ma-la thức, Không Như Lai tạng, Đại viên cảnh trí được ?
Kinh văn:
世尊,若離明暗,見畢竟空。如無前塵,念自性滅。
Thế tôn, nhược li minh ám, kiến tất cánh không. Như vô tiền trần, niệm tự tánh diệt.
Việt dịch:
Bạch Thế tôn, nếu rời sáng tối thì cái thấy rốt ráo là không. Như không có tiền trần thì vọng niệm trong tự tánh bị diệt mất.
Giảng giải:
Bạch Thế tôn, nếu rời sáng tối–nếu tách rời khỏi hai tướng sáng tối–thì cái thấy rốt ráo là không. Như không có tiền trần thì vọng niệm trong tự tánh bị diệt mất. Niệm tưởng không còn sinh khởi nữa.
Kinh văn:
進退循環微細推求。本無我心及我心所。將誰立因求無上覺。
Tiến thoái tuần hoàn vi tế suy cầu, bổn vô ngã tâm cập ngã tâm sở. Tương thùy lập nhân cầu vô thượng giác.
Việt dịch:
Xoay vần tới lui chiêm nghiệm chính chắn, thấy vốn không có tâm và tâm sở của con. Vậy con lấy gì làm nhân để cầu vô thượng giác?
Giảng giải:
Xoay vần tới lui chiêm nghiệm chính chắn. Con suy xét thật kỹ tiến trình ấy trước sau lui tới nhiều lần, thấy vốn không có tâm và tâm sở của con. Tâm con không thực có. Nó hoàn toàn không hiện hữu. Vậy con lấy gì làm nhân để cầu vô thượng giác, để thành tựu giác ngộ trong quả địa? Con suy xét khắp nơi, không có chỗ nào là tâm con cả. Con không thể dùng tâm sinh diệt. Và con cũng không thể tìm ra chân tâm. Thế làm sao để lấy một tâm trong nhân địa mà cầu giác ngộ trong quả địa?
Kinh văn:
如來先說湛精圓常。違越誠言,終成戲論。云何如來真實語者?
Như Lai tuyên thuyết, trạm tinh viên thường. Vi việt thành ngôn, chung thành hí luận. Vân hà Như Lai chân thực ngữ giả?
Việt dịch:
Trước đây Như Lai đã nói, tánh hay biết vốn vắng lặng, viên mãn, thường trụ, thật là lời nói trái ngược, rốt ráo thành hí luận. Làm sao để nhận ra lời dạy của Như Lai là chân thật?
Giảng giải:
Trước đây Như Lai đã nói, tánh hay biết vốn vắng lặng, viên mãn, thường trụ. Ngài dạy rằng tánh thấy biết vốn vắng lặng, viên mãn và thường trụ. Thật là lời nói trái ngược, rốt ráo thành hí luận. Nhưng giáo pháp mà Như Lai tuyên thuyết không phải là hí luận. Thế thì, làm sao để nhận ra lời dạy của Như Lai là chân thật? Giáo pháp Đức Phật đã Giảng giải tự nó mâu thuẫn. Trước hết ngài dạy, “Đừng dùng tâm sinh diệt,” rồi sau đó ngài lại nói rằng dùng chính tâm đó mà tu hành. “Con, A-nan, trong tâm không khỏi có nghi nan, và càng nghe càng thấy khó hiểu. Như Lai vẫn thường nói lời chân thật, chân ngữ, thật ngữ. Tại sao nay Như Lai lại nói lời mâu thuẫn như vậy?”
Kinh văn:
惟垂大慈開我蒙吝。
Duy thùy đại từ khai ngã mông lận.
Việt dịch:
Cúi mong Như Lai rủ lòng đại từ khai ngộ chỗ mê lầm cho chúng con.
Giảng giải:
Bây giờ Cúi mong Như Lai rủ lòng đại từ khai ngộ chỗ mê lầm cho chúng con. Chúng con đang đắm chấp quá chặt vào pháp Tiểu thừa, ngại rằng phải từ bỏ giáo lý ấy.
Kinh văn:
佛告阿難,汝學多聞,未盡諸漏。心中徒知,顛倒所因。顛倒現前,實未能識。
Phật cáo A-nan, nhữ học đa văn, vị tận chư lậu. Tâm trung đồ tri, điên đảo sở nhân. Chân đảo hiện tiền, thật vị năng thức.
Việt dịch:
Phật bảo A-nan, “Ông tuy học rộng nghe nhiều, nhưng mê lầm chưa sạch. Trong tâm chỉ biết suông cái nhân sở tri điên đảo. Cái điên đảo thật trước mắt, còn chưa biết được.”
Giảng giải:
Sau khi nghe A-nan mói như vậy, Đức Phật không biết phải khóc hay cười. Phật bảo A-nan, “Ông tuy học rộng nghe nhiều. Ông tuy thông minh và nhớ rất giỏi. Nhưng mê lầm chưa sạch. Ông vẫn chưa đạt đến quả vị vô lậu. Trong tâm chỉ biết suông cái nhân sở tri điên đảo. Cái điên đảo thật trước mắt, còn chưa biết được. Như đã nói trước, ông chỉ biết kê toa thuốc. Nếu thuốc có nằm trước mặt, ông cũng không biết. Thế nên Như Lai nói ông rất thông thạo trong những thứ điên đảo, nhưng khi ông đối diện thật sự với cái điên đảo thì ông không nhận ra được nó. Ông không nhận ra được cái gì là điên đảo.”
Kinh văn:
恐汝誠心,猶未信伏。吾今試將塵俗諸事, 當除汝疑。
Khủng nhữ thành tâm, do vị tín phục. Ngô kim thí tương trần tục chư sự đương trừ nhữ nghi.
Việt dịch:
Ngại rằng tâm thành của ông chưa được tin phục. Nay Như Lai thử đem các việc thế gian để trừ mối nghi cho ông.
Giảng giải:
Ngại rằng tâm thành của ông chưa được tin phục. Như Lai e ngại rằng tâm thành của ông chưa đủ lớn mạnh, thế nên khi Như Lai nói triệt để, thì e rằng ông sẽ không tin. Ông vẫn chưa có đủ tín tâm. Ông vẫn chưa có đủ tâm kham nhẫn. Nay Như Lai thử đem các việc thế gian để trừ mối nghi cho ông. Như Lai sẽ cố gắng dùng các sự việc trong thế gian để giải thích đạo lý nầy cho ông. Như Lai sẽ giải trừ tâm nghi của ông bằng cách nầy.
Kinh văn:
即時如來敕羅睺羅擊鍾一聲。問阿難言, 汝今聞不? 阿難大眾,俱言我聞。
Tức thời Như-lai sắc La-hầu-la kích chung nhất thanh, vấn A-nan ngôn, “Nhữ kim văn phủ?” A-nan đại chúng câu ngôn, “Ngã văn.”
Việt dịch:
Liền khi ấy, Như Lai bảo La-hầu-la đánh một tiếng chuông, rồi hỏi A-nan, “Ông có nghe không?”
A-nan và đại chúng đều đáp, “Chúng con có nghe.”
Giảng giải:
Quý vị đã nghe giảng rằng tánh nghe vốn không sanh không diệt, nhưng A-nan đã quên đạo lý Đức Phật đã dạy và phát khởi thêm mối nghi. Thế nên bây giờ kiểm chứng tánh nghe bằng âm thanh của tiếng chuông khi được đánh lên. Liền khi ấy, Như Lai bảo La-hầu-la đánh một tiếng chuông. La-hầu-la là con trai của Phật. Tên ông trong tiếng Sanskrit có nghĩa là Phú chướng, vì ông ta ở trong thai mẹ sáu năm mới chịu ra. Đây là điều bất thường. Ở Trung Hoa cũng có nhiều trường hợp như vậy. Trường hợp nổi tiếng nhất đó là Lão Lai Tử (Lao Lai Zi – 老萊子), tóc bạc râu dài và biết nói vừa khi trong bụng mẹ sinh ra. Mới sinh ra ông ta đã già, nhưng tuy vậy, ông ta vẫn hành xử như trẻ thơ và rất bướng bỉnh. Còn có Lão Tử (Lao Zi – 老子), tương truyền ông đã ở trong bụng mẹ 81 năm. Họ của ông ta là Lý và ông có tên là Lão tử hay Lão Đam. So với hai trường hợp nầy, chuyện La-hầu-la sống trong bụng mẹ 6 năm chẳng có gì lạ. Vì là con trai của Phật, nên La-hầu-la rất vâng lời, thế nên Đức Phật bảo, “Con hãy thỉnh một tiếng chuông.” Rồi Đức Phật hỏi A-nan, “Ông có nghe không?”
A-nan và đại chúng đều đáp, “Chúng con có nghe.”
Kinh văn:
鍾歇無聲,佛又問言汝今聞不。阿難大眾俱言不聞。
Chung yết vô thanh, Phật hựu vấn ngôn, “Nhữ kim văn phủ?” A-nan đại chúng câu ngôn, “Bất văn.”
Việt dịch:
Khi chuông hết ngân. Đức Phật lại hỏi, “Nay ông có nghe không?”
A-nan và đại chúng đều đáp, “Chúng con không nghe.”
Giảng giải:
Khi chuông hết ngân. Âm thanh tiếng chuông không còn nữa. Tức không còn tiếng nữa. Đức Phật lại hỏi, “Nay ông có nghe không?” Đức Phật hỏi A-nan, “Thế bây giờ ông có còn nghe hay không?”
A-nan và đại chúng đều đáp, “Chúng con không nghe. Bây giờ chúng con không con nghe nữa.”
Kinh văn:
時羅睺羅又擊一聲。佛又問言汝今聞不。阿難大眾又言俱聞。
Thời La-hầu-la hựu kích nhất thanh. Phật hựu vấn ngôn, “Nhữ kim văn phủ?” A-nan đại chúng hựu ngôn, “Câu văn.”
Việt dịch:
Khi ấy La-hầu-la lại đánh chuông. Đức Phật lại hỏi, “Nay ông có nghe không?” A-nan và đại chúng lại đều đáp, “Chúng con đều có nghe.”
Giảng giải:
Khi tiếng chuông hết ngân và Đức Phật hỏi như vậy, La-hầu-la biết việc mình phải làm tiếp theo; ông rất là thông minh. La-hầu-la nổi tiếng là người tu tập mật hạnh. Mọi người không biết là ông ta đang tu tập. Không ai biết hằng ngày ông thực hành công phu. Ông ta công phu như thế nào? Ông ta có thể nhập định vào mọi lúc, mọi nơi. Khi vào phòng tắm, ông ta cũng nhập định. Khi ăn, ông vẫn ăn nhưng ông đang ở trong định. Tâm ông không để vào thức ăn. Không ai biết được chuyện đó, thể nên ông được xem là người mật hạnh đệ nhất. Hãy lấy việc tụng Chú Thủ-lăng-nghiêm làm ví dụ, không ai thấy La-hầu-la trì tụng chú, nhưng ông ta có thể tụng thuộc lòng. Không ai biết ông học lúc nào, nhưng ông tụng làu làu. Vì La-hầu-la là đệ nhất tu tập mật hạnh, nên ông ta rất thông minh và nhận biết mọi ý định của Đức Phật. Thế nên sau khi tiếng chuông vừa dứt, La-hầu-la lại đánh chuông. Đức Phật lại hỏi, “Nay ông có nghe không?” Đức Phật lại hỏi dồn A-nan, “Thế nay ông có nghe không?”
A-nan và đại chúng lại đều đáp, “Chúng con đều có nghe.” Đại chúng đồng thanh thưa, “Chúng con có nghe. Chuông vừa rung xong.”
Trường hợp nầy–chuông rung và đại chúng được hỏi có nghe hay không–là điều thường xảy ra khi Đức Phật muốn chúng ta để ý. Quý vị có nghĩ rằng có ai hiểu được việc đánh chuông rồi hỏi có nghe không chăng? Vì A-nan đã không hiểu được đạo lý được giảng giải từ trước nên bây giờ Đức Phật phải dùng ví dụ rất đơn giản để giải thích.
Kinh văn:
佛問阿難,汝云何聞,云何不聞?阿難大眾俱白佛言。鍾聲若擊則我得聞。擊久聲銷音響雙絕則名無聞。
Phật vấn A-nan, “Nhữ vân hà văn, vân hà bất văn? A-nan đại chúng câu bạch Phật ngôn.
Chung thanh nhược kích tắc ngã đắc văn. Kích cửu thanh tiêu, âm hưởng song tuyệt, tắc danh vô văn.
Việt dịch:
Đức Phật hỏi A-nan, “Thế nào là ông có nghe, thế nào là không nghe?” A-nan và đại chúng đều bạch Phật rằng, “Nếu chuông được đánh lên, thì con được nghe. Đánh lâu tiếng hết, âm vang đều dứt, gọi là không nghe.”
Giảng giải:
Đức Phật hỏi A-nan, “Thế nào là ông có nghe, thế nào là không nghe? Như Lai muốn biết ông trả lời như thế nào.” A-nan và đại chúng đều bạch Phật rằng, “Nếu chuông được đánh lên, thì con được nghe. Khi chuông được đánh lên, chúng con đều nghe được tiếng chuông. Đánh lâu tiếng hết–sau khi chuông được đánh lên một hồi lâu, thì tiếng không còn nữa, âm vang đều dứt. Cả âm và vang đều dứt. Thế nên gọi là không nghe. Đó là nghĩa không nghe.” Thế là vấn đề A-nan và đại chúng đang gặp phải là tìm cho ra cái ‘không nghe.’ Họ nghĩ rằng khi không có tiếng chuông thì không có cái nghe. Thực ra, khi không có tiếng, thì cái gì biết là không có nghe? Cái biết được không có cái nghe chính là tánh nghe. Nếu quý vị thực sự không có cái nghe, thì chắc chắn quý vị không biết được là mình có nghe hay không. Đó là điểm then chốt.
Kinh văn:
如來又敕羅睺 擊鍾。問阿難言,爾今聲不。阿難言聲。
Như Lai hựu sắc La-hầu kích chung. Vấn A-nan ngôn,“Nhĩ kim thanh phủ? A-nan ngôn, “Thanh.”
Việt dịch:
Như Lai lại bảo La-hầu-la đánh một tiếng chuông nữa và hỏi A-nan rằng, “Nay tai có nghe có tiếng không?” A-nan thưa, “Dạ có tiếng.”
Giảng giải:
Đức Phật Như Lai lại bảo La-hầu-la đánh một tiếng chuông nữa và hỏi A-nan rằng, “Nay tai có nghe có tiếng không?”
A-nan và cả đại chúng trong hội đều thưa, “Dạ có tiếng.”
Kinh văn:
少選聲銷佛又問言, 爾今聲不。阿難大眾答言,無聲。
Thiểu tuyển thanh tiêu, Phật hựu vấn ngôn, “Nhĩ kim thanh phủ?” A-nan đại chúng đáp ngôn, “Vô thanh.”
Việt dịch:
Lát sau tiếng hết, Đức Phật lại hỏi, “Nay tai có nghe có tiếng không?” A-nan cùng đại chúng thưa, “Dạ không có tiếng.”
Giảng giải:
Lát sau, sau một hồi lâu, tiếng hết, chuông không còn vang nữa, Đức Phật lại hỏi, A-nan “Nay tai có nghe có tiếng không? Ông có còn nghe tiếng nữa không, hay là không nghe?” A-nan cùng đại chúng thưa, “Dạ không có tiếng.”
Kinh văn:
有頃羅睺更來撞鍾。佛又問言,爾今聲不。阿難大眾俱言,有聲。
Hữu khoảnh La-hầu cánh lai chàng chung. Phật hựu vấn ngôn,“Nhĩ kim thanh phủ?” A-nan đại chúng câu ngôn,“Hữu thanh.”
Việt dịch:
Lát sau La-hầu-la lại đánh một tiếng chuông. Đức Phật lại hỏi A-nan, “Nay tai có nghe có tiếng không?” A-nan cùng đại chúng thưa, “Dạ có tiếng.”
Giảng giải:
Lát sau, La-hầu-la lại đánh một tiếng chuông. Đức Phật lại hỏi A-nan, “Nay tai có nghe có tiếng không? Như thế nào, có tiếng không, hay không có tiếng?” A-nan cùng đại chúng thưa, “Dạ có tiếng.”
Kinh văn:
佛問阿難,汝云何聲,云何無聲? 阿難大眾俱白佛言。鍾聲若擊則名有聲。擊久聲銷音響雙絕則名無聲。
Phật vấn A-nan, “Nhữ vân hà thanh, vân hà vô thanh?” A-nan đại chúng câu bạch Phật ngôn, “Chung thanh nhược kích tắc danh hữu thanh. Kích cửu thanh tiêu, âm hưởng song tuyệt, tắc danh vô thanh.”
Việt dịch:
Đức Phật hỏi A-nan, “Ông cho thế nào là có tiếng, thế nào là không tiếng?” A-nan và đại chúng đều bạch Phật rằng, “Tiếng chuông được đánh lên, gọi là có tiếng. Đánh lâu tiếng hết, âm vang không còn, gọi là không tiếng.”
Giảng giải:
Đức Phật hỏi A-nan, “Ông cho thế nào là có tiếng. Hãy giải thích cho Như Lai biết sự khác nhau giữa có tiếng và không tiếng.” A-nan và đại chúng đều bạch Phật rằng, “Tiếng chuông được đánh lên, gọi là có tiếng. Đó là chúng con hiểu về tiếng. Đánh lâu tiếng hết, âm vang không còn, gọi là không tiếng–sau khi chuông được đánh lên hồi lâu, âm thanh tiêu mất–gọi là không tiếng.”
Kinh văn:
佛語阿難及諸大眾。汝今云何自語矯亂? 大眾阿難俱時問佛。我今云何名為矯亂? 佛言我問,汝聞? 汝則言, 聞。又問,汝聲? 汝則言,聲。惟聞與聲報答無定。如是云何不名矯亂。
Phật ngữ A-nan cập chư đại chúng, “Nhữ kim vân hà tự ngữ kiểu loạn?” Đại chúng A-nan câu thời vấn Phật. Ngã kim vân hà danh vi kiểu loạn? Phật ngôn, “Ngã vấn nhữ văn?” Nhữ tắc ngôn, “Văn” Hựu vấn, “Nhữ thanh?” Nhữ tắc ngôn, “Thanh.” Duy ‘văn’ dữ ‘thanh,’ báo đáp vô định. Như thị vân hà bất danh kiểu loạn?
Việt dịch:
Đức Phật bảo A-nan và đại chúng, “Các ông hôm nay sao nói lộn xộn như vậy?” A-nan và đại chúng đều hỏi Đức Phật, “ Vì sao Thế tôn bảo chúng con nói lộn xộn?” Đức Phật bảo, “Như Lai hỏi ông có nghe không?” Các ông đáp, “Có nghe.” “Như Lai hỏi ông có tiếng không?” Các ông đáp, “Có tiếng.” Chỉ cái nghe và cái tiếng, mà ông trả lời không nhất định. Thế sao không gọi là lộn xộn?
Giảng giải:
Đức Phật bảo A-nan và đại chúng, “Các ông hôm nay sao nói lộn xộn như vậy? Sao các ông lại tự mâu thuẫn như vậy? Những điều các ông nói thậm chí quá vô lý.”
A-nan và đại chúng đều hỏi Đức Phật, “ Vì sao Thế tôn bảo chúng con nói lộn xộn? Chúng con nói vô lý điều gì?”
Đức Phật bảo, “Như Lai hỏi ông có nghe không?” Các ông đáp, “Có nghe.” “Như Lai hỏi ông có tiếng không?” Các ông đáp, “Có tiếng. Như Lai hỏi ‘Các ông có nghe hay không?’ Các ông trả lời ‘Có nghe.’ Rồi Như Lai hỏi, ‘Có tiếng không?’ Các ông trả lời ‘Có tiếng.’ Chỉ cái nghe và cái tiếng, mà ông trả lời không nhất định. Các ông trả lời vừa có nghe vừa có tiếng, vậy rốt cuộc là cái nào? Câu trả lời của các ông không chỉ rõ. Thế sao không gọi là lộn xộn?”
Kinh văn:
阿難,聲銷無響,汝說無聞。若實無聞,聞性已滅,同于枯木。鍾聲更擊汝云何知。
A-nan, thanh tiêu vô hưởng, nhữ thuyết vô văn. Nhược thực vô văn, văn tánh dĩ diệt đồng vu khô mộc. Chung thanh cánh kích, nhữ vân hà tri?
Việt dịch:
A-nan, khi tiếng hết không còn âm vang, ông cho là không nghe. Nếu thực không nghe, thì tánh nghe đã mất, giống như cây khô. Khi tiếng chuông lại được đánh lên, ông làm sao nghe?
Giảng giải:
“A-nan,” Đức Phật nói, “Ông không phân biệt rõ ràng giữa nghe và tiếng, và đây là điểm mà ông không hiểu; đây thực là chỗ điên đảo của ông. Tại sao ông không thể nói được sự khác nhau giữa nghe và tiếng?” A-nan, khi tiếng hết không còn âm vang, ông cho là không nghe. Nếu thực không nghe, thì tánh nghe đã mất. Như tánh nghe không còn nữa, Không còn khả năng để nghe được nữa. Và khi có âm thanh khác, mà tánh nghe vẫn còn đó, nó không đi đâu cả. Nếu thực sự không có tánh nghe, thì khi tiếng chuông lại được đánh lên, ông làm sao nghe?”
Đây là điểm quan trọng. Dù âm thanh không có, tánh nghe chẳng bị mất đi. Nó vẫn đang hoạt động, vì tánh nghe không phải là đối tượng của sinh diệt. Âm thanh là đối tượng của sinh diệt, nhưng tánh nghe thì không. Vẫn có tánh nghe dù có âm thanh hay là không. Thế nên khi âm thanh không còn, mà quý vị trả lời là không có tánh nghe, thì đó là sai lầm lớn. Đó là điểm A-nan lầm lẫn. Đó là chỗ điên đảo của A-nan.
Kinh văn:
知有知無,自是聲塵,或無或有。豈彼聞性,為汝有無。聞實云無誰知無者?
Tri hữu tri vô, tự thị thanh trần, hoặc vô hoặc hữu. Khởi bỉ văn tánh, vi nhữ hữu vô. Văn thật vân vô, thùy tri vô giả?
Việt dịch:
Biết có biết không, chính là thanh trần hoặc có hoặc không. Chứ tánh nghe kia đâu có vì ông mà thành có thành không? Nếu nói tánh nghe thật là không, thì ai biết là không nghe?
Giảng giải:
Biết có biết không, chính là thanh trần hoặc có hoặc không. Dĩ nhiên, những gì ông để ý là có là không đều thuộc về thanh trần. Chứ tánh nghe kia đâu có vì ông mà thành có thành không? Có phải đó là cách mà tánh nghe hiện hữu không? Có phải tánh nghe hiện hữu khi có tiếng và không có tánh nghe khi không còn tiếng chăng? Khi có tiếng, tánh nghe vẫn hiện hữu; khi không có tiếng, vẫn có tánh nghe. Âm thanh là đối tượng của sinh diệt; khi có sự rung động, thì có âm thanh, và khi sự rung động ấy dừng, thì không có âm thanh. Nhưng tánh nghe thì không có chuyện mất hay còn. Tánh nghe không phải nhận lệnh của ông mà có. Nếu nói tánh nghe thật là không–Nếu ông nói tánh nghe thực sự không còn nữa khi không có âm thanh–thì ai biết là không nghe? Cái gì biết sự vắng bặt của âm thanh? Cái gì biết không có tánh nghe. Ông nói rằng ông biết ông không nghe, nhưng nếu ông không có tánh nghe ngay tại thời điểm đó, thì ông không thể nào biết được là mình không nghe.
Kinh văn:
是故阿難,聲於聞中,自有生滅。非為汝聞聲生聲滅。令汝聞性為有為無。
Thị cố A-nan, thanh ư văn trung, tự hữu sanh diệt, phi vi nhữ văn, thanh sanh thanh diệt. Linh nhữ văn tánh, vi hữu vi vô.
Việt dịch:
Thế nên A-nan, tiếng trong cái nghe, tự có sinh diệt, chẳng phải vì ông nghe có tiếng và không có tiếng. Khiến ông nghĩ rằng tánh nghe của ông là có, là không.
Giảng giải:
Thế nên, vì lý do nầy, A-nan, tiếng trong cái nghe, tự có sinh diệt. Âm thanh mà ông nghe được là có sinh và có diệt. Chẳng phải vì ông nghe có tiếng và không có tiếng. Khiến ông nghĩ rằng tánh nghe của ông là có, là không. Khi âm thanh phát ra rồi biến mất, thì đó không phải là do tánh nghe của ông có hay không có. Chuyện đó không bao giờ xảy ra. Dù có âm thanh hay không, thì tánh nghe vẫn có đó.
Kinh văn:
汝尚顛倒,惑聲為聞。何怪昏迷,以常為斷。終不應言,離諸動靜。閉塞開通,說聞無性。
Nhữ thượng điên đảo, hoặc thanh vi văn. Hà quái hôn mê, dĩ thường vi đoạn. Chung bất ưng ngôn, li chư động tĩnh, bế tắc khai thông, thuyết văn vô tánh.
Việt dịch:
Ông còn điên đảo, lầm cho tiếng là tánh nghe. Đâu có lạ gì khi cho thường là đoạn. Tóm lại, không nên nói rằng rời các tướng động tĩnh, bế tắc, khai thông thì cái nghe không có tánh.
Giảng giải:
Ông còn điên đảo, lầm cho tiếng là tánh nghe. A-nan, ông không nhận ra chính ông đang bị điên đảo. Đó là lý do Như Lai nói ông thậm chí không phân biệt được giữa cái thuận và cái nghịch. Ông cho rằng tiếng là nghe và nghe là tiếng. Làm sao như thế được? Âm thanh và tánh nghe hoàn toàn khác nhau. Đâu có lạ gì khi cho thường là đoạn. Chẳng ngạc nhiên gì khi ông quá hỗn loạn. Và ông không hiểu ra. Ông nghĩ rằng chân tâm thường trụ là đối tượng của sanh diệt. Có khi nào khi Như Lai nói với ông rằng bản tâm thanh tịnh sẽ biến mất hay không? Nó vốn là chân tân thường trụ, và ông cho rằng nó sẽ hoại diệt, sẽ không còn nữa. Ông thật là kẻ mê mờ. Thậm chí ông còn không phân biệt được sự khác nhau giữa tiếng và cái nghe sinh khởi và hoại diệt như thế nào. Rút cục. Nó là cái gì? Sao ông mê muội như vậy? Tóm lại, không nên nói rằng rời các tướng động tĩnh, bế tắc, khai thông thì cái nghe không có tánh. Ông không nên nói rằng tách khỏi các thứ âm thanh ấy là tánh nghe không có. Sao tánh nghe lại không có? Tánh nghe luôn luôn thường trụ.
Kinh văn:
如重睡人眠熟床枕。其家有人,於彼睡時,擣練舂米。其人夢中聞舂擣聲。別作他物。或為擊鼓。或復撞鍾。即於夢時,自怪其鍾,為木石響。
Như trọng thụy nhân, miên thục sàng chẩm. Kì gia hữu nhân, ư bỉ thụy thời, đảo luyện thung mễ. Kì nhân mộng trung văn thung đảo thanh. Biệt tác tha vật, hoặc vi kích cổ, hoặc phục chàng chung. Tức ư mộng thời, tự quái kỳ chung vi mộc thạch hưởng.
Việt dịch:
Như có người ngủ say trên giường. Trong nhà, khi người kia đang ngủ, có người giặt áo quần hoặc giã gạo. Người ấy trong mộng nghe rõ tiếng giã gạo. Lầm cho là tiếng gì khác, hoặc là đánh trống, hoặc là đánh chuông.
Giảng giải;
Đoạn trên, âm thanh được nói đến là để nhận ra tánh nghe. Khi nói đến tiếng chuông, chúng ta biết rằng tánh nghe vốn không sanh không diệt. Nếu tánh nghe diệt mất, thì không còn cái nghe nữa, Nhưng, khi chuông lại được đánh lên, thì tánh nghe lại bất sanh bất diệt. Miễn là có âm thanh, thì tánh nghe còn đó mãi mãi. Bây giờ Đức Phật đem những chuyện thường tình để minh họa tánh nghe vốn bất sanh bất diệt.
Như có người ngủ say trên giường. Anh ta ngủ quá say đến nỗi khi có người gọi cũng không tỉnh nỗi. Nhưng dù anh ta chưa tỉnh, tánh nghe của anh ta vẫn hiện hữu. Anh ta nhận ra có tiếng, dù anh ta đang mê ngủ. Sự nhầm lẫn nầy không phải là do tánh nghe, mà do thức thứ sáu, tức ‘độc đầu ý thức’ khiến cho có sự nhầm lẫn nầy.
Thế thì, người đang ngủ sâu nầy không biết mọi điều chung quanh. Trong nhà, khi người kia đang ngủ, có người giặt áo quần hoặc giã gạo. Khi anh ta đang ngủ, có người trong nhà giặt áo quần hoặc giã gạo. Đảo luyện 擣練 là nói đến cách giặt áo quần vào thời xưa. Tôi nhớ mình thấy việc này khi còn nhỏ. Có một tảng đá phẳng và hai thanh gỗ dẹp. Họ để áo quần trên tảng đá và vỗ cho nó sạch bằng hai thanh gỗ kia theo một nhịp điệu điều đặn. Thung mễ 舂米 tức giã gạo. Nhớ đến Lục Tổ Đại sư Huệ Năng giã gạo trong tám tháng. Người ta dùng cái chày giã xuống thóc bằng chân đạp để tách trấu ra khỏi hạt gạo. Phương pháp nầy được dùng vào thời xưa ở Trung Hoa và dĩ nhiên nó cũng thông dụng trong đời sống Ấn Độ. Thế nên Đức Phật mới dùng nó làm ví dụ.
Người ấy trong mộng nghe rõ tiếng giã gạo. Lầm cho là tiếng gì khác. ‘Người ấy’ là chỉ cho người đang mê ngủ. Anh ta nghe tiếng áo quần đang bị đập và gạo đang được giã, nhưng trong giấc mơ, anh ta lầm tưởng là tiếng gì khác. Anh ta nghĩ đó là tiếng gì? Anh ta tưởng lầm hoặc là đánh trống, hoặc là đánh chuông. Ngay khi trong mộng, tự lấy làm lạ sao tiếng chuông lại như tiếng gỗ tiếng đá. Anh ta nghĩ, “Tại sao tiếng chuông mà nghe như tiếng va chạm của gỗ hoặc của đá?” Trong lúc mơ, thức thứ sáu, tức ‘độc đầu ý thức’ đã khiến cho lầm tưởng âm thanh như vậy.
Giấc mơ là trò đùa của thức thứ sáu. Nó chiếm quyền kiểm soát của mình và khiến mình mơ tưởng về mọi thứ khác. Sao người ấy xem âm thanh mình nghe trong mơ lại giống như tiếng chuông, trong khi, thực ra, không có âm thanh nầy? Nó đến từ ấn tượng nhầm lẫn trong một phần giấc mơ của anh ta. Và đó là điều anh ta ngạc nhiên vì sao âm thanh lại nghe như tiếng gỗ hoặc đá chạm nhau hơn là giống tiếng chuông. Anh ta lấy làm lạ.
Giấc mơ xảy ra khi ý thức, thức thứ sáu bị lệch lạc. Bất kỳ điều gì xảy ra lúc ban ngày, hoặc bất kỳ quý vị trải qua điều gì, nó đều ảnh hưởng trong giấc mơ của mình vào lúc ban đêm. Có người tu đạo đã dùng ý thức, thức thứ sáu để tu cho đến khi được ‘xuất huyền nhập tẫn–出玄入牝’, có nghĩa là phái một linh hồn đi ra từ trên đảnh đầu của người tu luyện. Linh hồn nầy có thể rời thân thể người ấy và đi khắp nơi. Nhưng điều nầy không phải là chân chính, vì linh hồn kia là một thứ khí thuần dương. Do vậy, khi nó ra khỏi thân, nó biết được một số việc, nên gọi là thần linh.
Thời đó có lão Đaọ sĩ thực sự đã tu luyện lâu năm, nhưng ông ta có tính khí rất cao ngạo. Đi đến đâu, ông ta cũng tự cao tự đại. Vì ông ta quá cao ngạo nên ông khinh thường tất cả. Ông ta tự xem mình là tu luyện cao nhất. Ông ta khoe khoang rằng ngay sau khi ngủ, ông ta sẽ phái đi loại thần linh nầy. Đó giống như là giấc mơ, nhưng ông ta biết và sau đó có thể nhớ rất rõ ràng.
Một hôm Lão Đạo sĩ gặp một Hòa thượng, cùng nhau đàm đạo. Lão Đạo sĩ nói, “Trong đạo Lão, có thể tu thành Tiên, trường sanh bất tử, sống mãi muôn đời. Trong đạo Phật có bản lãnh gì? Đức Phật Thích-ca Mâu-ni còn phải chết. Trong khi không ai biết ông tổ của đạo Lão, tức Lý Lão Quân đi đâu? Họ cho rằng ngài chết, nhưng thực ra ngài lên trời, Thế nên công phu tu luyện của Lão giáo là xuất huyền nhập diệu vậy.”
Hòa thượng hỏi, “Ông xuất khiếu–tức thoát hồn– như thế nào?”
Lão Đạo sĩ đáp, “Khi tôi ngủ, tôi có thể đi đâu mà mình muốn.”
“Ồ! Được rồi, Thế thì bây giờ ông hãy ngủ và xuất hồn đi để tôi xem thử ra sao.” Hòa thượng trả lời.
Lão Đạo sĩ nằm xuống ngủ, ngay ông ta vừa ngủ lơ mơ, ông liền xuất hồn đi. Nhưng đó là cái gì? Đó là con rắn trườn ra trên đỉnh đầu ông ta. Con rắn trườn khỏi giường, xuống nền nhà và bò ra bên cạnh hầm phân. Nó uống chút nước dơ rồi nằm sát cạnh bờ nước. Lão Hòa thượng hái một nắm cỏ rồi đặt trên đường mòn, rồi nhổ một bụi cây khác đặt bên cạnh nắm lá. Khi con rắn thấy bụi cỏ, nó hoảng sợ chạy trốn và vội vã chui vào lại nơi mà nó vừa trườn ra. Sau khi trở vào lại trong đỉnh đầu lão Đạo sĩ. Lão già tỉnh ngủ với mồ hôi đầm đìa, hoảng sợ như vừa thoát chết.
“Ông vừa đi đâu về?” Lão Hòa thượng hỏi, “khi ông vừa ra khỏi đỉnh đầu?”
Lão Đạo sĩ đáp, “Tôi lên trời, đến bên một cái hồ.” Ông ta đã nhớ lầm, hố phân thay vì cái hồ trên trời. “Khi tôi đến cái hồ trên trời, tôi uống chút nước cam lồ trong đó, rồi khi tôi cuộn mình, tôi thấy một ông thần mặc áo giáp vàng đứng bên hồ tay cầm kiếm. Ông ta định giết tôi, thế là tôi bỏ chạy.”
Lão Hòa thượng đáp, “Ồ! chuyện như vậy, Đối với ông, lên trời là vậy đó sao?” Rồi lão Hòa thượng nói cho Lão Đạo sĩ biết cái thấy của mình về sự kiện ấy hoàn toàn khác với lời kể của lão Đạo sĩ, và lão Hòa thượng kể lại những gì ngài đã thấy. “Lý do con rắn chui ra khỏi đầu ông có lẽ là do ông có tập khí quá nóng nảy và luôn luôn tỏ ra sân hận. Nếu ông không thay đổi tánh nóng, có khả năng ông sẽ biến thành rắn. Loài rắn thường có nọc độc trong tâm, và tính sân hận của ông cũng giống như nọc độc ngay trong người ông vậy.”
Lão Hòa thượng nói tiếp, “Ông đi ra bên ngoài để uống ít nước từ trong hố phân đầy nước tiểu. Đó là hồ nước cam lồ trên trời của ông đó! Và khi tôi để nắm cỏ và bụi cây trên đường ông đi, thì ông tưởng rằng đó là ông thần mặc áo giáp đến bắt ông. Đó là khi ông chạy vội vã chui vào trong đầu ông. Đó là những gì tôi thấy được.”
Lão Đạo sĩ thầm nghĩ, “Thế là mọi điều mình tu luyện được đều là sai lầm!” Rồi Lão đảnh lễ Lão Hòa thượng làm thầy và xin theo ngài tu học Phật pháp. Ông ta từ bỏ mọi công phu tu luyện trước đây. Thế nên, nếu có người nói rằng họ có thể xuất hồn khỏi xác trong lúc đang ngủ, thì đó là chỉ cho một loại khí dương. Khí dương nầy phản ánh mọi tính khí của quý vị; nếu quý vị là người nhân từ, thì đó là loại thần nhân từ; nếu quý vị là người sân hận, thì đó sẽ là loại thần tham độc. Nên người ta thường nói,
Nhất niệm sân tâm khởi
Bá vạn chướng môn khai.
Lão Đạo sĩ có tâm sân hận như vậy nên ông ta có thể biến thành thân rắn. Nhờ duyên lành mà ông ta gặp được Lão Hòa thượng cứu ông thoát khỏi thân rắn trong đời sau.
Kinh văn:
於時忽寤,遄知杵音。自告家人我正夢時。惑此舂音將為鼓響。
Ư thời hốt ngộ, thuyên tri chử âm. Tự cáo gia nhân, ngã chính mộng thời, hoặc thử thung âm, tương vi cổ hưởng.
Việt dịch:
Lúc chợt tỉnh, liền biết là tiếng chày giã gạo. Tự nói với gia nhân, ngay khi trong mộng. lầm tiếng chày nầy cho là tiếng trống.
Giảng giải:
Lúc chợt tỉnh, người đang giấc ngủ sâu chợt tỉnh. Anh ta thoát ra khỏi âm thanh trong giấc mộng, có lẽ vì tiếng chày giã gạo quá lớn, và có lẽ do vì tiếng chày giặt áo quần quá ồn ào, khiến cho anh ta tỉnh ngủ. Liền biết là tiếng chày giã gạo. Anh ta nhận ra rất nhanh đó là tiếng chày giã gạo và biết đó không phải là tiếng chuông kêu.
Có nhiều cách để giã gạo. Có khi được dùng bằng sức nước, có khi dùng sức người. Hồi trước tôi thường dùng chày để giã ở chùa Ze Xing trên núi Da Yu. Nhưng tôi thường chỉ giã được một lát, sau đó nhiều người đến thay tôi. tại chùa Da Jiao ở Vân Môn, do Lão Hòa thượng Hư Vân lập nên, thường giã gạo bằng nước, rất là tiện lợi.
Khi người nầy tỉnh dậy, mới biết âm thanh mình nghe được trong mộng chính là tiếng chày giã gạo. Tự nói với gia nhân, ngay khi trong mộng. lầm tiếng chày nầy cho là tiếng trống.” “Khi tôi đang ngủ, tôi nằm mơ, tưởng tượng của tôi bị lệch lạc. Tôi lầm tưởng tiếng chày giã gạo là tiếng trống.” Trong đoạn kinh trên đề cập đến tiếng chuông cũng như tiếng trống, nhưng nguyên lý thì như nhau. Tiếng trống có thể thay cho tiếng chuông và ngược lại, Điều ấy không quan trọng. Khi giảng kinh quý vị phải biết uyển chuyển khi giải thích ý kinh. Đừng quá câu nệ. Khi giảng, quý vị cần giải thích rõ ràng đạo lý. Nếu giảng giải phần đạo lý rõ ràng, thì những thay đổi chút ít trong kinh văn không cần phải câu nệ lắm.
Kinh văn:
阿難是人夢中。豈憶靜搖,開閉通塞。其形雖寐,聞性不昏。
A-nan thị nhân mộng trung. Khởi ức tĩnh dao, khai bế thông tắc. Kì hình tuy mị, văn tính bất hôn.
Việt dịch:
A-nan, người ấy khi trong chiêm bao, đâu có nhớ những tướng động tịnh, mở đóng, thông bít. Thân tuy ngủ, nhưng tánh nghe không mờ tối.
Giảng giải:
A-nan, nay ông có hiểu hay không? Người ấy khi trong chiêm bao–Tôi không biết người trong chiêm bao ấy là ai; có phải là tôi, có phải là quý vị, hay là người nào khác? Người ấy đâu có còn nhớ những tướng động tịnh nữa? Làm sao anh ta còn nhớ những gì lay động, yên tĩnh, dù anh ta đang trong giấc mơ? Làm sao anh ta nhớ lại những tướng mở đóng, thông bít được? Anh ta không có loại tâm phân biệt nầy trong giác chiêm bao. Anh ta không có sự phân biệt giữa động và tỉnh, giữa mở và đóng, giữa thông và bít. Thân tuy ngủ–thân anh ta tuy đang ngủ–nhưng tánh nghe không mờ tối. Tánh nghe anh ta không bị tối tăm; nó không bị anh ta kiềm chế. Ngay cả trong lúc ngủ, tánh nghe vẫn có. Nếu nó vẫn hiện hữu ở đó, tại sao anh ta lại nhầm lẫn tiếng đập áo quần và tiếng giã gạo với tiếng chuông và tiếng trống? Khi tỉnh anh ta đã quá quen thuộc với tiếng chuông tiếng trống, thế nên khi ngủ, những âm thanh nầy hiện hành trong thức thứ tám của anh ta, và bắt anh ta tin vào tiếng chuông tiếng trống. Anh ta đã tạo nên sự lầm tưởng.
Mọi thứ điên đảo mà mọi người mắc phải đều giống như sự lầm tưởng âm thanh trong giấc chiêm bao. Sự lầm tưởng khiến cho mọi suy tính trở nên điên đảo, như lão Đạo sĩ kể trên. Ông ta tưởng mình lên trời và uống nước cam lồ, trong khi, thực tế là uống nước tiểu trong hố phân. Nếu ông ta nhận ra sự thật, thì chắc chắn phải nôn mửa ra. Nhưng lúc đó, ông ta biết mình làm gì. Ông ta cảm thấy như mình được đối xử rất đặc biệt, tất cả chỉ vì ông ta không nhận biết những gì đang xảy ra.
Kinh văn:
縱汝形銷,命光遷謝。此性云何為汝銷滅?
Túng nhữ hình tiêu, mệnh quang thiên tạ. Thử tánh vân hà vi nhữ tiêu diệt?
Việt dịch:
Dù cho thân hình ông có tiêu tan. Làm sao mà tánh nghe ấy vì ông mà tiêu mất?
Giảng giải:
Đoạn kinh trên đã giải thích tánh nghe của ông không ngủ dù ngay khi thân quý vị đang ngủ. Ngay cả trong giấc mơ tánh nghe cũng không mất. Nó ở bên trong. Không chỉ nó bị kiềm chế trong trạng thái mơ, mà nó còn không bị tiêu mất khi mình chết. Thế nên, nay kinh văn nói, dù cho thân hình ông có tiêu tan–khi quý vị chết và thân xác không còn–mạng căn có dời đổi và diệt mất. Khi đời sống quý vị chấm dứt, đó không phải là thực sự chấm dứt hẳn, đúng hơn, khi con người chết, đời sống chuyển sang dạng khác. Giống như có người sống trong khách sạn; họ sẽ chuyển sang khách sạn khác khi cái cũ sắp rã nát. Thế nên khi quý vị lột bỏ cái vỏ bọc của mình, khi quý vị xong phần việc với thân nầy, quý vị sẽ dời đi nơi khác. Làm sao mà tánh nghe ấy vì ông mà tiêu mất? Làm sao mà tánh nghe biến mất khi thân xác ông không còn nữa? Ngay cả lúc chết, tánh nghe nầy vẫn không bị mất.
Kinh văn:
以諸眾生從無始來。循諸色聲逐念流轉。曾不開悟性淨妙常。
Dĩ chư chúng sanh tòng vô thủy lai, tuần chư sắc thanh, trục niệm lưu chuyển. Tằng bất khai ngộ tánh tỉnh diệu thường.
Việt dịch:
Do các chúng sinh từ vô thủy đến nay, theo các thứ sắc thanh, truy đuổi theo vọng niệm mà lưu chuyển. Chưa từng khai ngộ bản tánh thanh tịnh thường trụ vi diệu.
Giảng giải:
Khi sự hiện hữu của thân xác đến tận cùng, khi thân thể tàn tạ và chết đi, thì mạng quang của quý vị dời chuyển; nhưng tánh giác, tánh nghe của quan niệm thì không biến hoại. Do các chúng sinh từ vô thủy đến nay, theo các thứ sắc thanh. Do đâu mà các chúng sinh chưa được thành Phật? Vì sao họ không hiểu đạo? Chỉ vì họ truy đuổi theo sắc thanh từ vô lượng vô biên kiếp trong quá khứ cho đến ngày nay. Họ đuổi theo sắc trần và thanh trần rồi dính mắc với chúng. Họ truy đuổi theo vọng niệm mà lưu chuyển, mãi mãi, và họ Chưa từng khai ngộ. Họ nhận lầm vọng rồi cho là chân và bị xoay chuyển theo các trần cảnh nầy. Họ quá dính mắc với những cái vọng và chẳng nhận ra cái gì chân, thế nên bây giờ họ chẳng biết bản tánh thanh tịnh thường trụ vi diệu. Họ không hiểu được đạo lý này, vốn rất vi diệu, chân thật và thường trụ.
Kinh văn:
不循所常,逐諸生滅。由是生生, 雜染流轉。
Bất tuần sở thường, trục chư sanh diệt. Do thị sanh sanh, tạp nhiễm lưu chuyển.
Việt dịch:
Không theo cái thường, chỉ đuổi theo sanh diệt. Do vậy phải sanh mãi và chịu tạp nhiễm khi lưu chuyển.
Giảng giải:
Không theo cái thường. Họ không theo đạo lý lưu xuất từ bản tánh vi diệu thường trú trong chính mình; lại nữa, họ đi ngược lại với đạo lý nầy, và họ chỉ đuổi theo sanh diệt. Có thứ gì trên thế gian nầy không là đối tượng của sinh diệt? Mọi thứ có hình tướng đều là pháp sinh diệt. Pháp không sanh diệt không có sắc tướng. Nhưng phần nhiều chúng sinh trở nên dính mắc với sắc tướng và quên đi đạo lý thanh tịnh vi diệu chân thường. Do vậy phải sanh mãi. Đời nầy kế tiếp đời sau, đời sau kế tiếp đời sau nữa. Điều gì khiến cho đời nầy kế tiếp đời sau? Vì chúng sinh phải chịu tạp nhiễm khi lưu chuyển. Chữ ‘tạp nhiễm’ hàm ý rằng chúng sinh không duy trì được tinh thanh tịnh mà bị nhiễm phải cấu uế dơ bẩn, càng làm ô nhiễm thêm. Chúng sinh nhiễm phải những thứ gì? Nhiễm những gì trong cảnh giới mà họ lưu chuyển? Và nghĩa của lưu chuyển là gì?
Nếu đời nầy có người tên là Smith, đời sau được gọi là Jones. Đời sau nữa gọi là bò, đời sau nữa gọi là ngựa, đời sau nữa gọi là heo. Quý vị đừng nghĩ rằng mọi chuyện đều giống như hiện nay. Con heo già là thân trước của ông Jones. Anh chàng Jones chính là thân trước của con bò già kia. Chúng sinh bị trong vòng lưu chuyển; đó chính là cùng một tự tánh trong những thân khác nhau. Và vì cách thế đổi thay, nên quý vị không hiểu được. Quý vị không nhận ra được những gì đang diễn biến. Dù quý vị không nhận ra, nhưng tôi biết. Tôi biết quý vị là bò, là ngựa, là heo. Khi quý vị hành xử như ngựa, thì quý vị biến thành ngựa. Khi quý vị hành xử như heo, thì quý vị biến thành heo. Khi quý vị hành xử như chó, thì quý vị biến thành chó. Khi quý vị hành xử như bò, thì quý vị biến thành bò. Và nếu con heo có những tính như người–nếu nó làm điều gì đó tốt đẹp thì nó có thể biến thành người. Chúng sinh lưu chuyển theo con đường đầu thai. Có chúng sinh tạm lên trời, nhưng khi phước báo ở cõi trời hết thì lại đoạ vào địa ngục. Khi trả quả khổ ở địa ngục hết, thì lại sanh ở cõi người, hoặc làm súc sanh. Nếu người quá thô lỗ vụng về và chẳng biết tập tính người, thì khỏi bận tâm về họ làm gì. Trong đời trước chắc chắn họ là súc sanh.
Nếu anh ta chẳng phải là súc sanh trong đời trước, thì đời nay anh ta sẽ không thô lỗ. Nhưng, dù biết họ từng là súc sanh trong đời trước, quý vị cũng đừng khinh khi anh ta bằng những lới nói như, “Mầy! Chắc đời trước mầy là con heo.” Hoặc là, “Trước đây chắc anh là con bò.” Dù họ là heo hay bò, thì mọi chúng sinh cũng đều có Phật tính và đều có thể thành Phật. Họ có thể u mê bây giờ và không biết mình phải tu; ngược lại nếu họ trở nên tinh tấn, họ có thể thành Phật trước cả quý vị. Chẳng có điều gì cố định. Dù cho anh ta là súc sinh, quý vị cũng không nên xem thường họ.
Trong một kiếp trước, Đức Phật là Thường Bất Khinh Bồ-tát, ngài luôn luôn nói, “Tôi không dám khinh quý ngài. Tất cả quý ngài đều sẽ thành Phật.” Chữ “Tất cả ” ở đây là bao gồm cả chúng sinh. Người chưa có được Phật nhãn và huệ nhãn không nên khinh thường mọi chúng sinh. Người đã có được Phật nhãn và huệ nhãn cũng không có dù một chút khinh thường chúng sinh! Vì mọi chúng sinh đều là cha mẹ nhiều đời trong quá khứ, và tương lai sẽ thành Phật. Có bao nhiêu cha mẹ của mình từ quá khứ, từ đời nầy đến đời khác? Không thể nào tính đếm hết được. Vì nguyên do nầy, ngày hội Vu-lan được cử hành vào ngày rằm tháng bảy hằng năm, là dịp đặc biệt để cứu độ vô số chúng sinh. Khi cử hành lễ nầy, chúng ta thiết bàn thờ trang nghiêm để tổ tiên ông bà, các vong linh có thể về đó để nghe kinh. Sau khi nghe kinh, có thể họ sẽ được vãng sanh, và ít nhất là sẽ thành người hữu dụng, trong tương lai sẽ hộ trì Phật pháp.
Kinh văn:
若棄生滅,守於真常,常光現前。塵根識心,應時銷落。
Nhược khí sanh diệt, thủ ư chân thường, thường quang hiện tiền. Trần căn thức tâm, ứng thời tiêu lạc.
Việt dịch:
Nếu trừ bỏ sanh diệt, giữ tính chân thường, tính sáng suốt chân thường hiện tiền. Các thứ căn trần, thức tâm phân biệt đều tiêu mất.
Giảng giải:
Nếu trừ bỏ sanh diệt–nếu trong khi tu đạo, quý vị không dùng thức tâm làm tâm phân biệt, nếu quý vị giữ tính chân thường–nếu quý vị dùng tâm chân thật, bản tâm vi diệu, thường trú chân tâm thì tính sáng suốt chân thường hiện tiền. Sau cùng, trong quý vị sẽ phóng xuất ra ánh sáng, tự tánh quang minh–đó là tánh sáng suốt từ bản tâm. Do vậy, các thứ căn trần, thức tâm phân biệt đều tiêu mất. Các niệm vọng tưởng dính mắc với sáu căn, sáu trần, sẽ biến mất cùng một lúc.
Kinh văn:
想相為塵。識情為垢,二俱遠離。則汝法眼,應時清明, 云何不成無上知覺?
Tưởng tướng vi trần. Thức tình vi cấu, nhị câu viễn li, tắc nhữ pháp nhãn, ứng thời thanh minh, vân hà bất thành vô thượng trí giác?
Việt dịch:
Tướng của vọng tưởng là trần, thức tình phân biệt là cấu nhiễm. Cả hai đều rời bỏ, làm sao không thành Vô thượng trí giác?
Giảng giải:
Tướng của vọng tưởng là trần. “Tướng” là chỉ cho một trong hai phương diện của thức thứ tám, tướng phần, có nghĩa là tất cả các pháp hữu vi. “Tưởng” là chỉ cho vọng tưởng. Vọng tưởng và tướng hư vọng kết hợp nhau để làm thành trần cảnh. Thức tình phân biệt là cấu nhiễm. Điều nầy chỉ cho phương diện thứ hai của thức thứ tám, kiến phần, có nghĩa là tính suy lường phân biệt ở bên trong. Trong thức tâm phân biệt, quý vị phát khởi cảm xúc (tình), và từ đó phát sinh ra trần lao. Nguồn gốc của trần chính là cảm xúc (tình).
Điều làm tổn hại con người nhất chính là cảm xúc của họ. Bất luận khi gặp phải hoàn cảnh nào, họ cũng hành xử bằng cảm tính. Cảm xúc (tình) khiến cho con người sinh ra trong cơn say mơ màng và chết đi trong giấc mộng.
Cả hai đều rời bỏ, tướng của vọng tưởng, đem đến trần cấu, và thức tình, khiến tạo nên nhiễm ô–quý vị muốn tách rời hai khía cạnh của thức thứ tám, tướng phần và kiến phần–nếu có thể tách rời tưởng ra khỏi tình, thì pháp nhãn của ông liền được trong sáng. Pháp nhãn đề cập ở đây không nhất thiết phải là pháp nhãn trong ngũ nhãn lục thông, mà được hiểu là sự khai mở của trí huệ. Càng vi diệu hơn nếu quý vị khai mở được pháp nhãn, đại chúng như vậy, khắp ba đời, mười phương, cho đến tận hư không pháp giới, mọi thứ đều là pháp bảo. Nếu pháp nhãn của quý vị thanh tịnh, quý vị tức thời chấm dứt mê mờ, trong tâm thuần là trí huệ chân thật. Làm sao không thành Vô thượng trí giác? Làm sao mà quý vị không thành tựu Vô thượng trí giác? Chắc chắn quý vị sẽ có được. Chỉ cần từ bỏ sạch hết những vọng trần và thức tình.
Đây chỉ là một đoạn kinh ngắn, nhưng mọi người nên đặc biệt chú ý. Đừng dính mắc vào thức tình và rơi vào phân biệt vọng tưởng. Quý vị nên tách mình ra khỏi các thứ đó. Quý vị có nghe rõ không? Điều nầy rất quan trọng. Đừng xem thường. Đừng ngủ gật bây giờ. Nếu quý vị buồn ngủ và không nghe được kinh nầy, thì quả thực quý vị đã mất dịp may. Mọi người nên ghi nhớ đoạn kinh nầy và đừng bao giờ quên.
“Tướng của vọng tưởng là trần, thức tình phân biệt là cấu nhiễm. Cả hai đều rời bỏ, làm sao không thành Vô thượng trí giác?
Không những phải thuộc lòng chú Kinh Thủ-lăng-nghiêm, mà phải thuộc cả kinh văn nữa càng tốt. Năng lực hằng ngày của quý vị sẽ lớn hơn. Tôi không ở đây chỉ để vui chơi với quý vị. Tôi không làm trò mua vui cho quý vị. Nên quý vị không thể tuỳ tiện dù chỉ một chút ít.
HẾT QUYỂN 4
☸
Bản dịch Việt ngữ: Thích Nhuận Châu
Hạ An cư, Ất Dậu 2005
Tịnh thất Từ Nghiêm, Đại Tòng Lâm. BR-VT.
THUẬT NGỮ ĐỐI CHIẾU
Kinh Thủ-lăng-nghiêm
quyển 4
Việt-Hán-Anh [Những từ ghi (s) là tiếng Sanskrit]
am-ma-la thức 庵磨羅識 amala consciousness
át-bồ-đàm 遏菩撢 arbuda
bản giác 本覺 fundamental enlightenment
bản lai diện mục 本來面目 original face
bảo giác chân tâm 寶覺真心 precious, enlightened mind
bảo vương sát 寶王剎 lands of the Jeweled Kings
bát-la-tra-khư, thể-la-tra-khư 缽羅吒袪,体羅吒袪 rudimentary embryo, prashakha (s)
bệnh nhặm mắt: eye-ailment; kamala (s)
bí mật diệu nghiêm 祕密妙嚴 wonderful secret teachings
bổn diệu giác minh 本妙覺明 basic miraculous enlightened brightness
bổn diệu viên tâm 本妙圓心 fundamental, wonderful, perfect mind
bổn sự 本事 former events
bổn sinh 本生 present lives
phương quảng 方廣 universalities
cầm (đàn) 琴 lutes
căn bản vô minh 根本無明 fundamental ignorance
Cấp Cô Độc 給孤獨 Benefactor of Orphans and the Solitary
câu sanh ngã chấp 俱生我執 inherent attachment to self
câu sanh pháp chấp 俱生法執 inherent attachment to phenomena
chân như diệu giác minh tánh 真如妙覺明性 true
suchness wonderful enlightened bright nature
chân như 真如 true suchness
chân thật giác tánh 真寔覺性 genuine enlightenment
chánh biến tri 正遍知 proper and universal knowledge
chấp thủ tướng 執取相 appearance of grasping
Chí Công 誌公 Zhi Gong
chim đại bàng cánh vàng (đại bàng kim suý điểu) 大鵬金翅鳥 Garuḍa great golden-winged Peng bird
chính báo. 正報 proper retribution
chú đại bi 大悲咒 great compassion dharma
chúng sinh trược眾生濁 turbidity of living beings
chuyển tướng 轉相 appearance of turning
đại do-tuần 大由巡 large yojana;
Thần Tú 大師神秀 Master Shen Xiu
đại viên cảnh trí.大圓境智 great, perfect mirror-wisdom
đẳng giác 等覺 level of equal enlightenment
đệ nhất nghĩa đế 第一義諦 primary truth
đệ nhất nghĩa 第一義primary meaning
điên đảo 顛倒 upside -down
Diễn-nhã-đạt-đa 演若達多Yajñadatta (s)
diệt thọ tưởng định 滅受想定 extinction of the skandhas of thought and feeling
diêu động 遙動 perpetual rotation
diệu giác minh không 妙覺明空 wonderful enlightened bright emptiness
diệu không minh giác 妙空明覺 wonderful empty bright enlightenment
diệu minh tâm nguyên 妙明心元 wonderful brightness of the fundamental mind
diêụ minh妙明 wonderful light
định tánh Thanh văn 定性聲聞 fixed-nature sound-hearer
độc đầu ý thức 獨頭意識 solitary consciousness
đời mạt pháp 末法世 dharma-ending age
giác minh覺明 light of enlightenment
giác trạm minh tánh覺湛明性 still bright nature of enlightenment
hải ấn phát quang 海印發光 ocean-impression emits light
hải ấn 海印 ocean-impression
hành khổ 行苦 suffering of process
having nothing left to study vô học 無學
hí luận 戲論 idle theories
hiện tướng 現相 appearance of manifestation
hoá sanh 化生transformation-born
hoại khổ 壞苦 suffering of decay
hoàn diệt 還滅 returning to extinction
hữu dư niết-bàn 有餘依涅槃 nirvana with residue
hữu lậu tập khí 有漏集氣 remaining habits
khách trần phiền não 客塵煩惱 guest-dust affliction
khẩu đầu thiền’ 口頭禪 intellectual talk-Zen
khổ khổ 苦苦 suffering within suffering
khởi nghiệp tướng 起業相 appearance of the arisal of karma
kiến phần 見分 aspect of seeing
kiến trược 見濁 turbidity of views
Kiều-phạm-bát-đề 驕梵缽提 Gavāṃpati (s)
kim luân 金輪 pervasiveness of metal
kinh Pháp Hoa 經法華 Dharma Flower Sutra
Kỳ viên 祇園 Jeta Grove Garden
Lạc Dương, 洛陽 Loyang
Li mị 魑魅 Li mei
Lộc dã uyển 鹿野畹 Deer Wilds Park
luận nghị 論議 Discussions
lục căn hỗ dụng 六根互用 mutual functioning of the six organs
lục thân 六親 six kinds of close kin
lục thô 六粗 six coarse appearances
Lương Vũ Đế 梁武帝 Emperor Wu of Liang
lưu chuyển 流轉 arising in succession
lý sự viên dung vô ngại 裏事圓融無礙 unobstructedness and perfect fusion of noumena and phenomena
Ma-kiệt-đà 磨竭陀 Magadha
Mãn Từ Tử 滿慈子 s: Pūrṇa-maitrāyaṇī-putra; p Puṇṇa-mantāni-putta
mạng trược 命濁 turbidity of a lifespan.
mật hạnh đệ nhất 密行第一 foremost in secret practices
minh diêụ 明妙 bright wonder
minh giác明覺 brightening of the enlightenment
minh sư 明師 bright-eyed teacher
Mục-kiền-liên 目乾蓮 Mahamaudgalyayana (s)
năng minh 能明 faculty of understanding
ngạnh nhục 硬肉 ghana, or solid flesh
nghiệp hệ khổ tướng 業繫苦相 appearance of suffering bound to karma
nghiệp tướng 業相 appearance of karma
ngũ luân 五倫 five-fold method of kindness
ngũ nhãn lục thông 五眼六通five eyes and six spiritual penetrations.
ngưng hoạt 凝滑 slippery coagulation
nguyên minh tâm diệu 元明心妙 fundamental brightness of the wonderful mind
nhân không pháp không 因空法空 emptiness of people
and the emptiness of phenomena
nhạo kiến chiếu minh kim cương tam-muội 樂見照明金鋼三眛 vajra samadhi of delight in seeing the illuminating brightness
nhập lưu 入流 entering the flow
nhất chân pháp giới 一真法界 one true dharma realm
nhất thừa 一乘 one vehicle
nhất tinh minh 一精明 one pure brightness
như ý châu thủ nhãn 如意珠手眼 hand and eye of the wish-fulfilling pearl
như ý châu 如意珠 wish fulfilling pearl
niết-bàn tứ đức 涅槃四德 four wonderful virtues
noãn sanh 卵生 egg-born
núi Hùng Nhĩ 雄耳山 Bear’s Ear mountain
phân biệt pháp chấp 分別法執 discriminating attachment to phenomena
pháp giới 法界 dharma realm
pháp hữu vi 法有微 conditioned dharma
pháp hữu vi 法有微 conditioned phenomena
pháp trần 法塵 defiling objects of dharmas
Phật đảnh thần chú 佛頂神咒 spiritual mantra of the buddha’s summit
Phật hoan hỷ nhật 佛歡喜日 buddha’s happy day
Phật nhãn 佛眼 buddha eye
Phật tính 佛性 buddha-nature
phiền não trược 煩惱濁 turbidity of afflictions
phong luân 風輪 pervasiveness of wind
phù căn 浮根 superficial sense-organs
phương tiện thiện xảo 方便善巧 clever skill-in-means
phương tiện thiện xảo 方便善巧 wholesome clever
expedient devices;
quán chiếu Bát-nhã, 觀照般若 contemplative prajñā
samadhi of extinction diệt tận định 滅盡定
sắt 瑟 flutes
sáu trần 六塵 six sense-objects
sinh tướng vô minh 生相無明 appearance-of- production ignorance
sở minh 所明 bright enlightenment
sở minh 所明 falseness of an object
sự sự viên dung vô ngại 事事圓融無礙 unobstructedness and perfect fusion of phenomena and phenomena
tâm phan duyên 心攀緣 seeking of advantage from conditions
tam tế 三濟 three subtle appearances
tam tế 三細 three subtle appearances of delusion
tánh giác 性覺 enlightened nature
tha tâm thông 他心通 ability to know others’ thoughts
thai sanh 胎生 womb-born
thần long 神龍 dragon-spirit
thân trung ấm. 中陰身 intermediate yin-body, intermediate existence body, intermediate-skandha body
thánh thừa 聖乘 sagely vehicle
thanh tịnh bảo vương 清淨寶王 Pure and precious king
thập địa 十地 ten grounds
thập hạnh十行 ten practices
thập hồi hướng 十回向 ten transferences
thập nhị nhân duyên 十二因緣 twelve links of conditioned causation
thấp sanh 濕生 moisture-born
thập tín 十信 ten faiths
thập trụ 十住 ten dwellings
thật tướng 寔相 actual appearance
Thất-la-phiệt 室羅城 City of Flourishing Virtue
thế giới y báo 世界依報 world of dependent retribution
thí dụ 譬諭Analogies
thiên nhãn thông 天眼通 spiritual penetration of the heavenly eye
thiện tri thức 善知識 good knowing advisor
thọ giả tướng 壽者相 characteristic of a lifespan
thọ ký 受記 bestowal of predictions
cô khởi 孤起 interjected passages
thức tình 識情 defilement of emotion
thực tướng Bát-nhã. 寔相般若 actual-appearance prajñā
Thường Bất Khinh Bồ-tát 常不輕菩薩 Never Slighting Bodhisattva
thường trú chân tâm tánh tịnh minh thể 常住真心性淨明体 pure nature and bright substance of the everlasting true mind
thuỷ giác 始覺 initial enlightenment
Tiên Phạm thiên’ 仙梵天 former Brahma Heaven mantra
tiếng Quảng Đông 廣東語 Cantonese
tiểu do-tuần 小由巡 small yojana
tiêu nha bại chủng 焦芽敗種 sterile seeds and withered sprouts
tĩnh lự 靜慮 quiet consideration
tiresome dust trần lao 塵勞 wearisome defilements,
trần lao 塵勞 wearisome defilement
trí tướng 智相 appearance of knowledge.
trung đạo 中道 middle way
trung do-tuần 中由巡 middle-sized yojana
trung thần 中臣 loyal ministers
trùng tụng.重誦 repetitive verses
trường hàng. 長行 prose
tự nhiên 本然自然 spontaneity
tứ sanh 四生 four kinds of birth
tự thuyết 自說 unrequested dharma;
Nhân duyên 因緣 unconnected dharma;
tứ trần 四塵 four defiling objects
túc mạng thông 足命通 ability to perceive past lives
Tu-đà-hoàn 修陀桓 śrotāpaña (s)
tương hợp 相合 compatible
tướng phần相分 aspect of appearance
tương tục tướng 相俗相 appearance of continuation, mark of continuity; aspect of continuity
tuỳ duyên 隨緣 according with conditions
tỳ bà 琵琶 ballon guitars
văn tự Bát-nhã, 般若聞字 literary prajñā
Vị tằng hữu 未曾有 Previously non-existent dharma;
vi trần 微塵 mote of dust
vô cấu thức 無垢識 consciousness devoid of filth
vô công dụng đạo 無功用道effortless way
vô dư niết-bàn 無餘依涅槃 nirvana without residue
vô học 無學 no study
vô lậu 無漏 no outflows
vô thượng giác đạo 無上覺道 unsurpassed enlightened way
võng lượng 魍魎wang liang
vọng năng 妄能 false ability
vọng trần 妄塵 dust of false thought
vua Bạch Phạn 白飯王 White Rice King
vua Diêm La 閻羅王 King Yama
xuất huyền nhập tẫn 出玄入牝 go out esoterically
y báo 依報 dependent retribution
yết-la-lam 羯羅藍 kalala (s)
MỤC LỤC
KHAI KINH KỆ
TÁM QUY LUẬT CỦA VIỆN PHIÊN DỊCH KINH ĐIỂN
CHƯƠNG 1: NGUYÊN DO SINH KHỞI TƯƠNG TỤC
CHƯƠNG 2: SỰ DUNG THÔNG CỦA CÁC ĐẠI CHỦNG
CHƯƠNG 3: A-NAN CHẤP VÀO NHÂN DUYÊN trang 191
CHƯƠNG 4: HAI NGHĨA QUYẾT ĐỊNH
TỊNH HOÁ CÁC LỚP VẨN ĐỤC
MỞ GÚT CÁC CĂN
CHƯƠNG 5: NGHE KHÔNG PHẢI LÀ TIẾNG
THUẬT NGỮ ĐỐI CHIẾU