KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH NHƯ LAI MẬT NHƠN TU CHỨNG LIỄU NGHĨA CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH THỦ LĂNG NGHIÊM
ŚŪRAṂGAMA-SŪTRA
quyển 5
TUYÊN HÓA THUỢNG NHÂN
giảng thuật
KHAI KINH KỆ
無上甚深微妙法
百千萬刼難遭遇。
我今見聞得受持
願解如來真實義。
Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa.
Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Con nay nghe được chuyên trì tụng
Nguyện rõ Như Lai nghĩa nhiệm mầu.
TÁM QUY LUẬT CỦA VIỆN PHIÊN DỊCH KINH ĐIỂN
☸ Dịch giả phải thóat mình ra khỏi động cơ tự truy cầu danh lợi.
☸ Dịch giả phải tu thân dưỡng tánh, dứt bỏ thói cao ngạo.
☸ Dịch giả phải tự chế, không được tự khen ngợi mình mà chê bai kẻ khác.
☸ Dịch giả không được tự cho mình là tiêu chuẩn, là thước đo, rồi hạ thấp kẻ khác bằng cách tìm lỗi lầm nơi tác phẩm của họ.
☸ Dịch giả phải lấy tâm Phật làm tâm mình.
☸ Dịch giả phải dùng trạch pháp nhãn để phán xét đâu là chân lý.
☸ Dịch giả phải cung kính cầu thỉnh Cao tăng, Đại đức mười phương chứng minh cho bản dịch.
☸ Dịch giả phải hoan hỷ truyền bá giáo nghĩa nhà Phật bằng cách in Kinh, Luật, Luận một khi phần phiên dịch của mình được chứng minh là đúng.
PHẦN CHÁNH VĂN VÀ GIẢNG GIẢI
CHƯƠNG 1
MỞ SÁU NÚT
Kinh văn:
阿難白佛言世尊。如來雖說第二義門。今觀 世間解結之人。若不知其所結之元。我信是世間解結之人,若不知其所結之元。我信是人終不能解。
A-nan bạch Phật ngôn: Thế tôn, Như Lai tuy thuyết đệ nhị nghĩa môn. Kim quán thế gian giải kết chi nhân, nhược bất tri kỳ sở kết chi nguyên, ngã tín thị nhơn chung bất năng giải.
Việt dịch:
A-nan bạch Phật rằng: Bạch Thế tôn, tuy Như Lai đã dạy về hai nghĩa quyết định. Nay xem trong thế gian những người muốn cởi nút, nếu không biết đầu nút ở đâu, thì con tin chắc là những người ấy không cởi được.
Giảng giải:
Nghe xong những điều Đức Phật đã giảng giải ở trên, A-nan lại có mối nghi khác, thế nên A-nan lại có lý lẽ khác, muốn tìm đến chỗ nào không còn lý do để nghi nan nữa, Nên A-nan thưa hỏi Đức Phật, “Bạch Thế tôn, tuy Như Lai đã dạy về hai nghĩa quyết định.” Điều nầy nói về hai nghĩa quyết định, một trường hợp là dùng tâm phan duyên, đối tượng của sinh diệt để tu tập và một trường hợp là không dùng tâm phan duyên, đối tượng của sinh diệt để tu tập.
Nay xem trong thế gian những người muốn cởi nút, nếu không biết đầu nút ở đâu–nếu họ không biết đầu mối của nút ở đâu–thì con tin chắc là những người ấy không cởi được. Do họ còn không xác định được đầu mối của nút, làm sao mà mở nút được.
Kinh văn:
世尊我及會中。有學聲聞亦復如是。從無始際與諸無明俱滅俱生,雖得如是多聞善根。名為出家。猶隔日瘧。
Thế tôn ngã cập hội trung hữu học thinh văn diệc phục như thị. Tòng vô thuỷ tế dữ chư vô minh câu diệt câu sanh, tuy đắc như thị đa văn thiện căn. Danh vi xuất gia, du cách nhật ngược.
Việt dịch:
Bạch Thế tôn, con và hàng Thanh văn hữu trong hội chúng nầy cũng như vậy. Từ vô thuỷ đến nay, chúng con cùng sanh cùng diệt với các thứ vô minh, tuy được căn lành nghe được Phật pháp như vậy. Tuy được gọi là hàng xuất gia, nhưng như người bị sốt rét cách nhật.
Giảng giải:
A-nan rất bộc trực. Ngài có tính an nhiên và ngây thơ như trẻ con, ngài rất chất phác. Bạch Thế tôn, con và hàng Thanh văn hữu trong hội chúng nầy cũng như vậy. Quả vị thứ ba của hàng A-la-hán gọi là ‘Hữu học.’ Khi đạt đến quả vị thứ tư thì được gọi là Vô học. “Hàng Thanh văn chúng con giống như những người đang cố gắng mở nút; chúng con không biết đâu là đầu mối, phải gỡ từ chỗ nào? Thế tôn đã nói rằng chúng con có thể vận dụng sáu căn, những sẽ bắt đầu từ căn nào? Căn nào là khó mở nhất? Ngay bây giờ chúng con chưa hiểu được.”
Từ vô thuỷ đến nay, chúng con cùng sanh cùng diệt với các thứ vô minh. Từ vô thuỷ kiếp đến nay chúng ta đã từng sinh ra và đã từng chết đi, tạo nghiệp nầy trong đời này rồi nghiệp khác trong đời sau. Trong đời nầy quý vị tin vào Phật pháp nhưng đời sau thì không tin nữa. Hoặc là trong đời nầy quý vị không tin Phật pháp nhưng đời sau lại tin. Hoặc là có thể quý vị tin vào Phật pháp, nhưng không thực sự hiểu được một cách chân chính. Quý vị chao đảo và chỉ học đòi cho biết. Theo cách đó nên chúng ta không thể nào tách lìa khỏi vô minh. Nên nói rằng người ta bị ràng buộc bởi gia đình hoặc vợ con. Nhưng không chỉ như vậy. Cái mà chúng ta bị ràng buộc chính là vô minh. Vô minh đối với quý vị cũng giống như bóng đi theo hình; nó theo quý vị bất kỳ quý vị đi đâu. Nó không bao giờ rời quý vị dù trong chốc lát. Nó còn thân mật hơn cả những người vừa mới lập gia đình.
Vô minh đi theo quý vị trong khi sinh ra và chết; điều nầy là chứng cứ rõ ràng cho lý do tại sao vô minh đời đời không thể tách lìa với quý vị. Điều ấy không phải là khi người chồng chết, người vợ chết theo. Trong trường hợp ngoại lệ, điều nầy có thể xảy ra, nhưng đó không phải là quy luật. Chỉ có vô minh là chết theo và sẽ sinh lại cùng quý vị. Điều nầy thực sự là đi cùng lúc sống và lúc chết không lìa. Nó chiếm một nửa trong những gì gọi là của quý vị, giống như cái bóng đi theo hình.
Và dĩ nhiên, quý vị có biết được rằng những gì liên quan đến chúng ta là vô minh chăng? Nếu quý vị biết được vô minh, thì đừng có thân mật với chúng nữa. Nếu quý vị chưa hiểu được vô minh, thì tốt nhất là hãy nhanh chóng tìm hiểu cho ra. Nếu quý vị hiểu được vô minh, thì sẽ có vài hy vọng cho quý vị. Nếu quý vị không hiểu được vô minh, thì quý vị mãi mãi là kẻ phàm phu. Nếu quý vị hiểu được vô minh, thì quý vị đã được nửa đường đến bậc thánh. Nhưng quý vị phải thực sự hiểu rõ, đừng làm ra vẻ như hiểu mà chẳng hiểu gì, để mình như vừa có vô minh và chẳng có nó.
Tuy được căn lành nghe được Phật pháp như vậy. Tuy được gọi là hàng xuất gia. Thiên hướng học hỏi đa văn của chúng ta là một dạng của căn lành; nhưng tuy được gọi là người sống theo hạnh xuất gia, nhưng như người bị sốt rét cách nhật. Đặc điểm của căn bệnh nầy là nó biểu hiện cách nhau từng ngày một, vào một thời gian nhất định trong ngày. Ví dụ nầy biểu tượng cho vô minh của A-nan. Ngày nay A-nan không còn vô minh nữa, đầu óc minh mẫn, không còn si mê nữa. Nhưng ngày mai thì vô minh lại trổi dậy. Tôi tin rằng không chỉ A-nan mới gặp phải vấn đề nầy. Tôi đã thăm dò mọi người có mặt nơi đây, ai cũng có những vấn đề tương tự. Hôm nay quý vị phát bồ-đề tâm và quyết định tu đạo, nên quý vị nhất tâm tu tập thiền định. “Tôi chẳng để ý đến những gì xảy ra, bỏ qua tất cả.” Nhưng rồi ngày mai quý vị chẳng thể nào bỏ qua nổi. Một lần nữa quý vị lại nhặt lên lại những thứ mà ngày thường mình hay vướng mắc và chẳng thể nào bỏ đi được. Ngay cả khi quý vị muốn bỏ nó ra, quý vị cũng chẳng thể nào buông ra được. Quý vị thấy mình có đáng thương không? Đó là ý nghĩa của người bị sốt rét cách nhật. Thế nên quý vị nên nhanh chóng tự tìm ra cách chữa trị căn bệnh nầy cho chính mình. Chữa cách nào? Uống thật nhiều nước trí huệ. Một khi đã có trí huệ, quý vị sẽ tự nhiên thấy xuyên suốt mọi sự và sẽ buông bỏ chúng. Khi buông bỏ được rồi, quý vị sẽ thấy thanh thản. Tại sao quý vị lại mắc phải căn bệnh nầy? Vì quý vị coi trọng thân thể mình quá, với sự hài lòng về thể chất và sung mãn tự nhiên, quý vị luôn luôn có một dự định nhân danh nó. Nên quý vị không thể nào thấy được thông suốt và buông bỏ nó. Nhưng bất luận quý vị có sở hữu một thân thể đẹp đẽ cỡ nào, thì nó vẫn sẽ thối rữa ngay lúc nó chết. Chẳng còn ai muốn đến gần cả.
Kinh văn:
唯願大慈哀愍淪溺。今日身心云何是結。從何名解。亦 令未來苦難眾生。得免輪迴不落三有。
Duy nguyện đại từ ai mẫn luân nịch. Kim nhật thân tâm vân hà thị kết, tòng hà danh giải. Diệc linh vị lai khổ nạn chúng sanh đắc miễn luân hồi, bất lạc tam hữu.
Việt dịch:
Xin nguyện Đức đại từ thương xót kẻ chìm đắm. Nay ngay nơi nơi thân tâm, xin chỉ cho chúng con thế nào là nút buộc, do đâu mà mở ra. Cũng khiến cho chúng sinh khổ não trong đời vị lai thoát khỏi luân hồi, không rơi vào ba cõi.
Giảng giải:
A-nan thật là đáng thương. Xin nguyện Đức đại từ, Thế tôn, khởi tâm đại bi thương xót chúng con. Chúng con là những kẻ đang bị chìm đắm. Nay ngay nơi nơi thân tâm, xin chỉ cho chúng con thế nào là nút buộc. Chúng con đã chìm quá sâu trong mê muội đến nỗi chẳng hay biết về thân tâm mình như thế nào. Chọn căn nào trong sáu căn để bắt đầu mở gút, và căn nào là sau cùng? Nếu con là người sẽ mở những nút nầy, thì phải mở ngay chỗ ban đầu. Không thể nắm lấy chỗ giữa để làm mà mong mở ra được. Con không biết do đâu mà mở ra. Chúng con mở từ chỗ nào? Xin Như Lai giải thích sẽ khiến cho chúng sinh–Con không chỉ hỏi cho riêng mình. Con đã phát tâm Vô thượng bồ-đề và muốn cho những chúng sinh khổ não trong đời vị lai để mong họ có thể thoát khỏi luân hồi, không rơi vào ba cõi. Nếu họ biết được phương pháp mở gút, thì họ sẽ không bị rơi vào ba cõi. Họ sẽ thoát khỏi khổ nạn ở Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
Kinh văn:
作是語已,普及大眾 五體投地,雨淚翹誠,佇佛如 來無上開示。
Tác thị ngữ dĩ phổ cập đại chúng ngũ thể đầu địa, vũ lệ kiều thành, trữ Phật Như Lai vô thượng khai thị.
Việt dịch:
Nói lời ấy rồi, A-nan và đại chúng gieo năm vóc sát đất, khóc lóc thành khẩn, ngưỡng trông được nghe lời khai thị vô thượng của Như Lai.
Giảng giải:
Nói lời ấy rồi, sau khi A-nan có lời thỉnh cầu, ngài và đại chúng gieo năm vóc sát đất. Năm vóc là hai chân, hai tay và đầu. Khóc lóc thành khẩn, A-nan khóc như mưa–quý vị có biết vì sao A-nan mềm yếu như vậy không? Từ đầu pháp hội giảng kinh đến nay A-nan đã khóc sáu lần, kể cả lần nầy. Bây giờ khi nghe giảng kinh nầy, chẳng có ai khóc cả. Phải chăng quý vị đều mạnh mẽ hơn A-nan? A-nan nghe giáo pháp của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và khi hiểu sâu về giáo lý ấy, A-nan đã khóc. Lần nầy A-nan khóc rất dữ dội, như mưa. Nước mắt của A-nan có lẽ đủ để rửa mặt.
“Ngưỡng trông” biểu hiện tâm nhiệt thành của A-nan. Có thể chữ nầy (佇 trữ–anticipation) chính là nguồn gốc đôi giày ghót cao của phụ nữ. Họ thấy rằng A-nan thành tâm đến mức phải đứng trên ngón chân và họ quyết định đi quanh bằng tư thế đó. Ngưỡng trông được nghe lời khai thị vô thượng của Như Lai.
Tôi vừa nói rằng bây giờ mọi người nghe kinh giỏi hơn A-nan, nhưng tuy vậy, quý vị đừng cho rằng mình thực sự tài giỏi hơn A-nan. Nói thật là tôi chỉ chế giễu quý vị thôi!
Quý vị sẽ nói. ‘Ồ!’ Sư phụ sao lại phải chế giễu đệ tử?’
Nếu tôi không chế giễu quý vị, thì quý vị chẳng phát tâm dõng mãnh tinh tấn tu học. A-nan khóc là vì quá nhiệt tâm tìm cầu giáo pháp–hết sức nhiệt thành. A-nan nhận thức được rằng dù mình đã chứng sơ quả A-la-hán, nhưng vẫn chưa thông hiểu tường tận giáo pháp, thế nên A-nan cảm thấy rất ân hận. Đó là lý do tại sao A-nan khóc một cách rất tức tưởi. Và tại sao quý vị không khóc? Tôi sẽ trả lời giúp. Là do quý vị vốn không quan tâm đến Phật pháp. Quý vị chẳng đặt trọng tâm vào Phật pháp.
‘Chẳng phải như vậy.’ Quý vị nói: “Hằng ngày thực sự tôi rất siêng học.”
Điều ấy không kể, vì quý vị không để cho Phật pháp nhập tâm–trong bản tâm quý vị. Nếu được như vậy, quý vị sẽ khóc mỗi ngày. Nay các đệ tử của tôi thường thích khóc, họ nhận ra rằng mình vừa thoát khỏi sự ràng buộc. “Tôi có thể tiếp tục khóc hằng ngày vì tôi không hiểu được Phật pháp.” Nhưng ai trong quý vị muốn khóc thì không nên khóc. Quý vị nên tự chủ và bình tĩnh. Còn ai không muốn khóc thì nên cảm thấy hổ thẹn và tự hỏi, “Tại sao mình không hiểu được Phật pháp?” Nếu quý vị có thể khóc vì điều ấy, khóc vì ân hận như A-nan ở đây, thì còn có vài cơ may cho quý vị.
Những ai không biết khóc, họ có thể thử. Những ai không muốn khóc thì không thể bắt họ phải làm như vậy. Và những ai thích khóc thì không thể nào khóc được. Đó là cách mà Phật pháp vận hành.
Những ai đi quá xa thì nên kìm lại chút ít. Những ai đi chưa đủ xa thì nên tự gắng sức thêm chút ít. Đó là nghĩa cứu cánh của Trung đạo.
Kinh văn:
爾時世尊憐愍阿難。及諸會中諸有學者。亦 為未來一切眾生。為出世因作將來眼。
Nhĩ thời Thế tôn lân mẫn A-nan, cập chư hội trung chư hữu học giả, diệc vi vị lai nhứt thiết chúng sanh, vi xuất thế nhân tác tương lai nhãn.
Việt dịch:
Lúc bấy giờ Đức Thế tôn thương xót A-nan và hàng hữu học trong chúng hội, lại cũng vì chúng sinh trong đời vị lai, tạo cái nhân xuất thế để làm đạo nhãn cho đời sau.
Giảng giải:
Lúc bấy giờ là khi A-nan cầu thỉnh Đức Phật ban cho lời khai thị tối thượng. Đức Thế tôn thương xót A-nan và hàng hữu học trong chúng hội. ‘Hàng hữu học’ là chỉ cho ba quả vị đầu tiên trong Thánh quả A-la-hán: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm. Lại cũng vì chúng sinh trong đời vị lai, ‘đời vị lai’ là chỉ cho chúng ta ngày nay; chúng ta là những chúng sinh trong đời vị lai. Tạo cái nhân xuất thế gian–đây là một nguyên nhân đặc biệt. ‘Thế gian’ là chỉ cho hàng phàm phu. Những vị đã xuất thế là hàng Thanh văn–các vị A-la-hán–các vị Độc Giác, các vị Bồ-tát và chư Phật. Vì giúp cho chúng sinh siêu xuất thế gian và làm đạo nhãn cho đời sau, để các ngài là con mắt đạo cho tất cả chúng sinh trong đời vị lai. Đức Phật đã làm những điều rất hy hữu.
Kinh văn:
以閻浮檀紫光金手摩阿難頂。即時十方普佛世 界六種振動。
Dĩ diêm-phù-đàn tử quang kim thủ ma A-nan đỉnh. Tức thời thập phương phổ Phật thế giới lục chủng chấn động.
Việt dịch:
Đức Phật dùng tay sáng ngời vàng rực như diêm-phù-đàn xoa đảnh đầu A-nan. Liền khi ấy, các cõi Phật trong 10 phương thế giới đều rung động.
Giảng giải:
Đức Phật dùng tay sáng ngời vàng rực như diêm-phù-đàn xoa đảnh đầu A-nan. Cánh tay của Đức Phật có sắc vàng của cây diêm-phù-đàn ở Nam Thiêm-bộ châu. Trong Phật pháp, việc dùng tay xoa đảnh đầu biểu tượng cho lòng từ và sự bảo hộ, che chở. Liền khi ấy, các cõi Phật trong mười phương thế giới đều rung động. Sáu loại chấn động của thế giới đã được giảng giải ở trước. Khi một người tu tập được giác ngộ và thành tựu Phật quả liền có sáu loại chấn động xảy ra. Trong thời mạt pháp, khi có người tu tập đạt quả vị Thánh đạo cũng xảy ra sáu loại chấn động. Có nhiều nguyên nhân khiến xảy ra sáu loại chấn động. Khi thiên ma và đồ chúng ngoại đạo muốn hãm hại ai, họ cũng có thể làm nên sự chấn động, nhưng không nhất thiết thuộc trong Sáu loại chấn động nầy. Có vô số cách chấn động do thiên ma gây ra. Chẳng hạn, gần đây có trận địa chấn ở Philippines, nghe tin là khiến cho 400 người thiệt mạng, tôi cho rằng đó là con số thống kê ước lượng.
Tôi nghĩ rằng có ít nhất phải đến 500 hoặc 600 người bị chết. Tai hoạ ấy là một sự báo ứng của nghiệp lực chúng sinh, khiến thiên ma và ngoại đạo huỷ hoại nhân gian nầy. Đó là điều xảy ra bất kỳ khi nào có thiên tai hoặc thảm hoạ do con người gây ra. Nhưng nếu có một vị Cao tăng với đạo hạnh tinh nghiêm ở nơi thảm hoạ sắp xảy ra, Chẳng hạn, như ở Philippines, hoặc nếu có một vị Bồ-tát hay A-la-hán đã chứng quả đang ở nơi đó, thì thảm hoạ có thể tiêu tan. Khi một vị tu hành có giới đức tinh nghiêm, thậm chí họ có thể đi vào trong những nơi đang bị hiểm nạn, họ có thể xoay chuyển điều xấu ác thành cát tường; họ có thể biến khó khăn thành thuận lợi. Họ có thể khiến cho hoàn cảnh nguy nan trôi qua một cách an ổn.
Sáu loại chấn động là: chấn, hống, kích, động, dõng và khởi. Ba dạng chấn động đầu là thuộc về âm thanh. Ba loại sau thuộc về sự chuyển động. Động là sự rung động rất mạnh. Dõng là bị đẩy mạnh lên trên, như một cột sóng lớn vọt lên giữa biển. Khởi là đột nhiên nổi lên, như thang máy vậy.
Khi động đất, có một âm thanh lớn vang ra. Một hôm ở ngay San Francisco nầy có một trận động đất xảy ra, mọi cửa sổ đều bắt đầu rạn vỡ. “Nguy hiểm! Nguy hiểm!” Mọi người đều la lên. Tôi để ý có người qua sợ hãi đến nỗi chắp hai tay lại với nhau. Những người khác thấy vậy liền làm theo cô ta. Sự đổ sụp tạo nên âm thanh, nhưng khi có tiếng gầm lên, chính trong lòng phát ra tiếng khóc giống như tiếng rống của sư tử. Kích là âm thanh vang ra khi lòng đất bị tách thành hai mảnh rồi va chạm vào nhau.
Sáu loại chấn động biểu tượng cho điều gì? Tại sao trái đất rúng động theo sáu mức như vậy như được diễn tả trong Kinh Thủ-lăng-nghiêm, khi Đức Phật xoa đảnh đầu A-nan? Đó là vì Đức Phật sắp diễn bày một giáo pháp rất quan trọng. Chư Phật trong 10 phương đều tán thán ngài chỉ bằng một âm thanh. Đó là một trường hợp. Cũng biểu tượng cho sự tự tại của sáu căn–tháo gỡ được sáu nút. A-nan vừa hỏi ra cội nguồn của sáu nút thắt nầy và làm cách nào để mở được chúng. A-nan hỏi nên bắt đầu ở đâu và nút nào nên mở sau cùng. Đức Phật sắp giảng giải giáo lý nầy, thế nê Đức Phật xoa đầu A-nan và đại địa xảy ra sáu điệu chấn động.
Kinh văn:
微塵如來住世界者,各有寶 光從其頂出。
Vi trần Như Lai trụ thế giới giả, các hữu bảo quang tòng kỳ đảnh xuất.
Việt dịch:
Các Đức Như Lai nhiều như số vi trần trong các cõi nước đều có hào quang báu từ đảnh đầu phóng ra.
Giảng giải:
Các Đức Như Lai nhiều như số vi trần trong các cõi nước–vô số chư Phật–các ngài ở trong các cõi nước. Mỗi Đức Phật đều trụ trong mỗi Phật độ của các ngài. Mỗi Đức Phật đều có hào quang báu từ đảnh đầu phóng ra. Mỗi Đức Phật trong vô số chư Phật đều phóng đạo hào quang hiếm có từ đảnh đầu các ngài. Có đạo hào quang màu đỏ, có đạo hào quang màu trắng, có đạo hào quang màu vàng, có đạo hào quang màu xanh–tất cả các đạo hào quang đều phóng ra từ đảnh đầu của các Đức Phật. Chư Phật Như Lai nhiều như số vi trần phóng ra vô số hào quang để biểu thị cho sự vi diệu của giáo pháp mà Đức Phật sắp sửa diễn bày và biểu tượng cho giáo pháp ấy vô cùng cao siêu thâm diệu, là giáo pháp lưu xuất Đại Phật đảnh.
Kinh văn:
其光同時於彼世界 來祇陀林, 灌如來頂。是諸大眾得未曾有。
Kỳ quang đồng thời ư bỉ thế giới lai Kỳ-đà lâm, quán Như Lai đỉnh. Thị chư đại chúng đắc vị tằng hữu.
Việt dịch:
Hào quang ấy đồng thời từ các cõi nước kia, đến rừng Kỳ-đà, rót xuống đảnh Đức Như Lai. Tất cả đại chúng ở đây đều được điều chưa từng có.
Giảng:
Hào quang ấy đồng thời, hào quang mà Đức Như Lai nhiều như số vi trần phóng ra từ đỉnh đầu các ngài, từ các cõi nước kia–từ quốc độ mà các Đức Phật đang trú trì–đến rừng Kỳ-đà. Lưu ý rằng đó là các đạo hào quang phóng đến rừng Kỳ-đà, không phải là chính chư Phật. Hào quang từ mỗi Đức Như Lai nhiều như cát sông Hằng và nhiều như vi trần, đến rót xuống đảnh Đức Như Lai, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Điều nầy biểu tượng cho giáo pháp của các Đức Như Lai đều đồng như nhau. Giáo pháp Đức Phật nầy giảng nói cũng là giáo pháp mà Đức Phật nầy tuyên bày. Là đồng nhất như nhau. Ánh sáng thì tương tức tương nhập và tâm chúng sinh cũng tương nhập. Hào quang của chư Phật vốn tương tức tương nhập nên hào quang chính là Phật tâm. Đồng một thể tánh với tâm chúng sinh. Nếu quý vị có tâm bực bội người nào đó, thì người ấy sẽ nhận biết ngay, dù quý vị không nói một lời nào. Chẳng phải người ấy biết một cách có chủ ý, trên bình diện thức thứ sáu (ý thức) thì vốn có sự phân biệt, nhưng có sự cảm ứng từ trong thức thứ 8. Người kia có cái biết từ bình diện thức thứ 8 vì tâm con người vốn có tính tương tức tương nhập. Khoa học ngày nay đã khám phá ra điều nầy, rằng có một mối tương quan vô hình, như điện tín, có thể liên lạc với nhau rất nhanh dù cách nhau rất xa. Và tâm con người có một hệ thống điện báo hỗ tương lẫn nhau. Điều ấy không thể nhìn thấy được qua mắt thường, nhưng nếu quý vị chân thực có được sự viên thông và đạt được Phật nhãn vô ngại, thì quý vị sẽ thấy rõ tại sao mình biết được niệm tưởng sinh khởi trong tâm người khác. Đó là vì người kia đã gửi đi một bức điện tín. Nếu quý vị đã mở được Phật nhãn hoặc huệ nhãn, thì quý vị tự nhiên sẽ nhận biết và có thể thấy được điều ấy.
Vì những bức điện tín nầy mà người ta nhận ra được ngay khi quý vị có niệm tưởng bất bình với họ. Bức điện tín của quý vị đến, và đến lúc nó cũng trở nên bực dọc cùng với quý vị. Có người có thiện cảm với người khác, và điều ấy cũng như vậy, người kia cũng nhân biết được sự thiện cảm ấy, nhưng điều ấy được đáp lại chậm hơn. Nếu quý vị muốn có sự ảnh hưởng đến người khác để có sự chuyển hoá bằng phương tiện tác động tích cực, thì quý vị nên dùng những ý tưởng tốt để tác động đến họ, nhưng tiến trình sẽ chậm từng bước một. Dần dần quý vị sẽ khiến cho họ thức tỉnh. Khi họ thức tỉnh, trở lại sự ứng xử của họ sẽ theo hướng tích cực.
Nay tôi đã giải thích hệ thống điện tín nầy vận hành giữa hai người, sẽ có người không tin những gì tôi nói. Tuy nhiên, đó là sự thực. Trong tương lai, khi quý vị thực sự mở được Phật nhãn, quý vị sẽ không còn hoài nghi gì về giáo lý nầy nữa. Lúc ấy quý vị sẽ nhận ra rằng, “Ồ! Lúc ấy tôi chẳng tin, nhưng đó là sự thực.” Các hào quang đều rót xuống đảnh đầu Đức Như Lai biểu tượng cho sự đồng nhất giáo pháp của chư Phật và sự phóng chiếu hào quang giữa các Đức Phật. Pháp tối thượng mà chư Phật giảng nói là đồng nhất.
Tất cả đại chúng ở đây đều được điều chưa từng có. Không ai hiểu ra được họ thấy điều gì đang xảy ra. “À! Tại sao chư Phật trong 10 phương phóng quang rồi rót xuống đảnh đầu Đức Phật chúng ta? Trong đó biểu tượng điều gì?” Quý vị có thể nào tưởng tượng ra tại sao lại có vô số hào quang được phóng ra bởi các Đức Phật Như Lai nhiều như vi trần? Hào quang nhiều vô số, không thể tính kể được. Nhưng cũng chẳng lẫn lộn chút nào. Mỗi đạo hào quang đều chiếu soi rất rõ vào đảnh đầu của Như Lai. Những ai đã mở được Phật nhãn, những ai đã chứng được ba quả vị đầu của hàng A-la-hán thì không hiểu được những gì họ thấy. Ngay cả những vị đã chứng được quả vị thứ tư cũng không hiểu được tường tận. Nguyên do họ không hiểu được là vì họ chưa bao giờ thấy việc này xảy ra trước đây. “Được điều chưa từng có” có nghĩa là họ chưa từng thấy điều như thế nầy xảy ra bao giờ.
Kinh văn:
於是阿難及 諸大眾俱聞十方微塵如來異口同音告阿難言。
Ư thị A-nan cập chư đại chúng câu văn thập phương vi trần Như Lai dị khẩu đồng âm cáo A-nan ngôn.
Việt dịch:
Bấy giờ A-nan cùng đại chúng đều nghe các Đức Như Lai trong 10 phương nhiều như vi trần đồng thanh bảo A-nan rằng.
Giảng:
Bấy giờ A-nan cùng đại chúng, chư vị Đại Bồ-tát, Đại A-la-hán, Đại tỷ-khưu, đều nghe các Đức Như Lai trong mười phương nhiều như vi trần. Tất cả các vị nầy đã đồng nhất thành một, mỗi người là một phần của toàn thể. Cùng lúc họ đều nghe Đức Như Lai đồng thanh bảo A-nan rằng. Dù do nhiều vị nói, nhưng âm thanh là đồng nhất. Những điều các ngài nói không phải chỉ dành cho A-nan mà còn dành cho quý vị, cho tôi và cho những ai hôm nay đang nghe giảng kinh. Lời chỉ dạy nầy là phần rất rất quan trọng trong Kinh Thủ-lăng-nghiêm. Nó liên quan với một điểm then chốt: vấn đề luân hồi sinh tử. Nếu quý vị hiểu được chương nầy, thì quý vị có thể nhanh chóng chấm dứt luân hồi sinh tử. Nếu quý vị chưa thể hiểu được, thì phải có gấp đôi nỗ lực và tinh tấn trong việc tu học.
Kinh văn:
善哉阿難。汝欲識知俱生無明使汝輪轉生死結根,唯汝六根更無他物。
Thiện tai A-nan! Nhữ dục thức tri câu sinh vô minh sử nhữ luân chuyển sanh tử kết căn, duy nhữ lục căn cánh vô tha vật.
Việt dịch:
Hay thay, A-nan! Ông muốn biết câu sinh vô minh là đầu mối khiến ông phải luân hồi sinh tử, thì nó chính là sáu căn của ông chứ không phải là cái gì khác.
Giảng:
Những lời nầy làm cho vấn đề trở nên hoàn toàn rõ ràng như pha lê. Thật đơn giản vì nó vốn như vậy. Nếu bây giờ quý vị thật sự hiểu được, quý vị sẽ được giải thoát ngay tức khắc. Nếu quý vị chưa hiểu được, thì phải tham cứu thật kỹ. Chư Phật Như Lai khắp mười phương nhiều như vi trần đồng thanh giảng nói cho A-nan, đầu tiên hết là tán thán A-nan. “Hay thay, A-nan!” Như cách người ta hay khuyến khích trẻ con. “Con là đứa bé ngoan. Con rất giỏi, con thật thông minh!” trước tiên các khen và khuyến khích để gây sự chú ý. Và khi đã có sự chú tâm rồi thì chư Phật mới tuyên bày nghĩa chân thật. “A-nan! Ông rất thông minh, vì ông muốn biết câu sinh vô minh. Ông muốn nhận biết những đạo lý chân thật về vô minh vốn đã có trong ông từ khi vừa mới sanh ra.” Đó cũng chính là nói đến “câu sanh vô minh.” Nó chính là đầu mối khiến ông phải luân hồi sinh tử trong sáu nẻo luân hồi, bập bềnh lên xuống, vừa sinh ra ở đây lại chết đi ở chỗ kia, rồi lại sinh ra, rồi lại chết đi ở một nơi khác. Trong đời nầy có thể sinh làm người Tây phương, nhưng đời sau lại sinh làm người Trung Hoa, rồi đời sau là người Nhật Bản, rồi trong đời khác là người Ấn Độ, và đời sau nữa là người Ấn Độ; đời sau nữa là người Phi Châu. Ai là tác nhân để đưa quý vị ra đời như vậy? Ai có thể biết để báo cho người khác rằng mình sẽ là người Nhật Bản trong đời sau? Ai có thể nói cho người khác rằng mình sẽ là người Trung Hoa? Ai có thể biết để báo cho người khác rằng mình sẽ là người Đông phương hay Tây phương, hay là người miền Bắc hoặc miền Nam? Chẳng có gì khác ngoài câu sinh vô minh của quý vị làm được việc ấy. Vì có vô minh, nên người ta khởi lên si mê, và do có si mê nên tạo ra nghiệp. Do tạo nghiệp nên phải chịu quả báo. Chẳng hạn, “Trong đời nầy tôi phải đi Phi Châu. Có rất nhiều kim cương ở đó. Ở Bờ biển vàng (Gold Coast ) có nhiều của cải hơn ở Mỹ. Ở đó vẫn chưa ai khai quật, tôi sẽ đến đó để đầu tư, tôi sẽ giàu có, phải không? Tôi sẽ là người giàu có nhất thế giới.” Từ suy nghĩ hư vọng đó mà quý vị tạo nên chuyến đi hư vọng và chấm dứt ở Phi Châu, để phát triển Bờ biển vàng và tìm kiếm kim cương. Những ai thích Châu Mỹ sẽ đi đến Châu Mỹ, Những ai thích Châu Úc sẽ đến Châu Úc, những ai thích Châu Âu sẽ đến Châu Âu , những ai thích Châu Á sẽ đến Châu Á. Đó là tuỳ vào quý vị. Bất ký quý vị tạo nghiệp gì, quý vị phải nhận lãnh quả báo ấy. Quý vị đến đó với tư cách là con người và một khi đã đến nơi rồi thì quý vị không còn biết điều gì đã xảy ra. Và thế là quý vị không biết là sắp đến mình sẽ hướng đến điều gì. Giấc mộng làm giàu đã tiêu tan, nhưng quý vị vẫn chưa thức tỉnh. Thật là đáng thương xót, phải không? Giấc mộng làm giàu không bao giờ chấm dứt, đến lúc sắp chết, việc tìm kiếm kim cương chưa xong, nhưng mạng sống đã kiệt cùng.
Nó chính là sáu căn của ông chứ không phải là cái gì khác. Cội gốc của luân hồi sinh tử trở nên kết thắt lại thành nút mà từ đó quý vị không thể nào thoát ra được. Đó là cái gì? Chẳng gì khác hơn chính là trò lừa dối của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý của quý vị. Sáu cái nầy khiến chó quý vị phải sinh ra và chết đi. Quý vị có biết điều ấy không? Chẳng có ai khác chịu trách nhiệm cả. Điều gì khiến cho chúng ta phải điên đảo, sinh liên tục sinh rồi tử tiếp nối tử, đơn giản chính là sáu căn của mình.
Sao vậy? Mắt thấy sắc trần rồi bị xoay chuyển bởi chúng. Tai nghe âm thanh rồi truy tìm theo chúng. Mũi ngửi mùi hương rồi quyến luyến theo đó. Lưỡi nếm hương vị ngon rồi tham đắm vào đó. Thân thích xúc chạm rồi theo đuổi vật mà nó tiếp xúc. Tâm thức thích thú với pháp trần và truy đuổi theo đó. Hãy nói cho tôi biết, có bao nhiêu thứ mà quý vị hoàn toàn có? Rất nhiều. Đi theo sau sáu căn, quý vị trở nên bị phân thành sáu phần. Quý vị giống như một công ty có sáu doanh nghiệp mà mỗi doanh nghiệp chiếm dụng một khoản tiền nhỏ cho đến khi công ty bị vỡ nợ. Thế nên công ty phải chết non. Phá sản. Sụp đổ, tiêu tan. Với số vốn nhỏ vừa mới bị mất, quý vị bối rối không biết mình sẽ đi đâu để mở công ty khác. Thế là quý vị đi khắp nơi để mở công ty mới. Và ở nơi mới quý vị lại làm một việc như xưa. Sáu ông chủ trong các doanh nghiệp mới của họ mong rằng họ sẽ làm được việc tốt đẹp, nhưng rút cục họ không làm được, và công việc lại kết thúc. Đó là nơi phát sinh vấn đề luân hồi sinh tử. Trước đây trong kinh điển, Đức Phật đã khuyên răn, “Các ông chỉ cần không theo.” Quý vị không nên theo tâm phân biệt. Quý vị không nên theo đuổi hoạt động của sáu căn, sáu trần, sáu thức. Không đi theo chúng, Quay hướng vào bờ.
Khổ hải mang mang
Quay đầu là bờ.
Quay đầu lại là thấy bờ bến giác ngộ. Nếu quý vị không quay đầu, thì càng bối rối, quý vị càng dấn sâu vào mê muội. Dấn vào mê muội càng sâu, quý vị càng nhiều bối rối. Quý vị mắc nợ rất nhiều người, và tài khoản của quý vị không bao giờ quân bình. Nay quý vị đã nhận ra sáu căn, không nên nhận giặc làm con. Đừng xoay quanh trục sáu căn ấy nữa. Hãy quay trở lại. Hãy trở về. Về đâu? Về giảng đường để nghe Phật pháp.
Kinh văn:
汝復欲知無上菩提令汝速登安樂解脫寂靜妙常,亦汝六根更非他物。
Nhữ phục dục tri vô thượng bồ đề linh nhữ tốc đăng an lạc giải thoát tịch tĩnh diệu thường, diệc nhữ lục căn cánh phi tha vật.
Việt dịch:
Ông cũng muốn biết Vô thượng bồ-đề khiến ông mau được giải thoát an lạc vắng lặng diệu thường, đó cũng chính là sáu căn của ông, chẳng phải gì khác.
Giảng:
Ngay trước đoạn kinh nầy, kinh văn nói rằng chính sáu căn là nguyên nhân khiến cho quý vị trải qua luân hồi sinh tử, khiến sinh khởi vô minh, tạo nghiệp, và phải chịu quả báo. Nhưng quý vị không nên xem thường sáu căn. Quý vị không thể nói, “Mầy là sáu thứ thật đáng ghét! Ta sẽ móc mắt mình ra rồi quăng đi chỗ khác. Ta sẽ cắt bỏ hai lỗ tai và liệng bỏ chúng đi. Ta sẽ cắt bỏ mũi và lưỡi mình. Đúng vậy, ta sẽ cắt thân ta thành từng phần và nghiền nát xương thịt làm thành một. Ta sẽ cắt tim ta thành từng miếng nhỏ rồi rãi vào không gian, trả nó về cho hư không vô biên.”
Thái độ ấy cũng là một sai lầm. Người đã phát tâm tu đạo rồi không nên khởi tâm căm giận. Dù mắt tai mũi lưỡi thân ý không đối xử tốt đẹp với quý vị–giống như trong doanh nghiệp–chúng nó đều là những kẻ biển thủ, quý vị vẫn không được khử bỏ chúng. Tại sao lại không được làm như vậy? Bởi vì, dù bây giờ chúng không được tốt, nhưng chúng sẽ giúp cho quý vị nếu chúng thay đổi. Nếu chúng không đóng vai kẻ biển thủ, thì chúng sẽ giúp cho quý vị làm giàu.
Đoạn kinh nầy nói rằng nếu quý vị trở nên giác ngộ đạt được chân tánh diệu thường, an lạc và vắng lặng, đó chính là do sáu căn đem lại. Chính là phải tri ân chúng đã làm nên việc ấy.
Điều nầy cũng như ví dụ nước và băng. Nước có thể ở trong thể lỏng hay thể rắn, nó cũng có thể làm lợi ích hoặc gây tai hoạ cho con người. Thế nên quý vị không được nổi giận và không nên nói rằng ta không cần đến tai và mắt của mình nữa. Nếu quý vị không cần đến mắt nữa, thì quý vị trở thành người mù. Nếu quý vị không cần đến tai mình nữa, thì quý vị trở thành người điếc. Nếu quý vị không cần đến mũi mình nữa, thì quý vị trở thành người kỳ dị. Nếu quý vị không cần đến lưỡi mình nữa, thì quý vị chẳng nói được, và nếu quý vị không cần đến thân mình nữa, thì quý vị chẳng đạt được điều gì cả, quý vị sẽ trở về lại với ngoan không. Quý vị cũng chẳng làm gì được nếu không có sự đào luyện tâm linh. Thế nên, chư Phật trong 10 phương nay đều nói với A-nan: “Ông cũng muốn biết phương pháp để mở các nút, phải không?”
Quý vị hãy lưu ý rằng hai phẩm kinh nầy không phải chỉ do Đức Phật Thích-ca Mâu-ni giảng nói. Mà chính là do chư Phật trong mười phương nhiều như vi trần–vô lượng vô biên chư Phật–nay cùng nói với A-nan. ‘Rất tốt, A-nan, ông là người thành tâm. Ông thực là người chí thành trong tu tập. Ông cũng muốn biết Vô thượng bồ-đề.’
Chữ ‘bồ-đề’ ở đây chỉ cho cái nhân của tu tập để được giác ngộ. Không nên hiểu là quả vị bồ-đề trong trường hợp nầy. Có nghĩa là ‘Ông cũng muốn phát tâm Vô thượng bồ-đề để đạt được quả vị bồ-đề, khiến ông mau được giải thoát an lạc vắng lặng diệu thường.’ Tôi cho rằng ở đây mọi người hiểu chữ ‘mau’ là nhanh chóng thành Phật càng sớm càng tốt. Bốn đức niết-bàn được đề cập ở trong đoạn kinh này. ‘An lạc’ là chân lạc, còn ‘tự tại’ là đức tính của chân ngã. Nếu quý vị còn có một cái ngã, thì quý vị không thể có được tự tại. Nếu quý vị muốn đạt được giải thoát, quý vị phải giải trừ cái ngã ấy. ‘Vắng lặng’ biểu tượng cho ‘chân tịnh’. ‘diệu thường’ biểu tượng cho chân thường. “Đây là Bốn đức niết-bàn vô dư y, và cũng chính là sáu căn của ông, chẳng phải gì khác. A-nan, ông có nhận ra không?”
Nhưng sau khi chư Phật trong mười phương đã nói pháp nầy, A-nan vẫn chưa hiểu. Khi quý vị đang trong mê muội, thì dù người khác có sáng suốt giảng bày, quý vị vẫn không thể nào tự mình sáng ra được. “Thế thì nghĩa của nó như thế nào? Luân hồi sinh tử chính là do sáu căn gây ra, nhưng để tu tập giác ngộ giải thoát và chứng được đạo quả, thì cũng từ sáu căn. Bằng cách nào mà sáu căn nầy được biểu hiện, qua cái gì là tốt, qua cái gì là xấu? A-nan không hiểu, nhưng con người thì có thể gồm cả thiện lẫn ác. Ngày nay có người cảm thấy mình là thiện, muốn giúp đỡ mọi người. “Tôi muốn giúp đỡ người nghèo.” Anh ta nghĩ như vậy và lấy tiền của đem ra bố thí. Nhưng ngày hôm sau anh ta bỏ ý nghĩ ấy, “Ngày hôm qua ta đã cho khá nhiều tiền, hôm nay ta không muốn phí phạm như vậy nữa, Ta sẽ dùng súng đi cướp của.” Thế là anh ta trở thành người xấu. Cũng là anh ta. Ai là người tạo việc ác? Cũng chính là anh ta.
Tôi muốn nhấn mạnh với quý vị rằng, chính con người trở thành ma quỷ, thì cũng chính con người ấy sẽ trở thành Phật. Vì phần lớn người Mỹ không tin vào ma quỷ. Thế tại sao ta trở thành ma quỷ dù mình không tin vào điều ấy. Vì tôi không phải tôi là ma quỷ, nên không thể nói về về việc ấy. Nếu quý vị đã tin vào Đức Phật, thì quý vị cũng nên tin là có ma quỷ. Nói chung, Phật cũng từ ma quỷ mà có. Nếu quý vị làm việc thiện, thì quý vị sẽ trở thành Phật. Còn nếu quý vị làm việc ác, thì quý vị sẽ có kết quả là ma. Cùng một ẩn dụ như trên, sáu căn khiến cho quý vị phải chịu luân hồi sinh tử; sáu căn cũng giúp cho mình chứng được đạo quả. Nếu không có ma quỷ thì chẳng có con người, và cũng chẳng có Phật. Chẳng có gì hết thảy, và thế giới sẽ đi đến chỗ huỷ hoại. Những ai nói rằng họ tin vào Phật mà không tin có ma quỷ là những người quá nông cạn, nên dù Đức Phật có thị hiện trên đời, thì ngài cũng không thể nào giáo hóa họ được. Đức Phật đã chỉ dạy trong kinh điển rõ ràng là có các loài ma quỷ, tại sao quý vị không tin là có loài ấy?
Quý vị có ý kiến rằng,“Các tôn giáo khác cũng có nói về ma quỷ đấy thôi!.” Nhưng quý vị lại không có quan điểm dứt khoát của chính mình, là quý vị tin không có ma quỷ chỉ vì các tôn giáo khác nói như vậy. Nguyên nhân để các tôn giáo khác nói về ma quỷ là vì ma quỷ có thực. Chỉ với nguyên nhân quý vị không tin vào các tôn giáo khác, không có nghĩa là quý vị bác bỏ hết những điều chân thực trong học thuyết của họ, như sự tồn tại của loài ma quỷ. Nhiều người nghĩ rằng mình thông minh nhưng thực ra họ rất đần độn. Không phải chỉ vì họ không hiểu giáo pháp đạo Phật, mà vì họ không hiểu được sự tồn tại của con người. Thật đáng thương!
Kinh văn:
阿難雖聞如是法音,心猶未明。稽首白佛:云何令我生死輪迴安樂妙常同是六根,更非他物 ?
A-nan tuy văn như thị pháp âm, tâm do vị minh. Khể thủ bạch Phật: Vân hà linh ngã sinh tử luân hồi an lạc diệu thường đồng thị lục căn, cánh phi tha vật?
Việt dịch:
A-nan tuy nghe được pháp âm như vậy, nhưng tâm chưa rõ. Cúi đầu bạch Phật: “Tại sao chính sáu căn khiến cho con phải chịu luân hồi sinh tử, và cũng chính sáu căn khiến cho con được an lạc diệu thường chứ không là cái gì khác?”
Giảng:
A-nan nghe Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và chư Phật trong mười phương nhiều như số vi trần, đồng thanh nói rằng cội gốc của luân hồi sinh tử chính là sáu căn, và căn nguyên để có được tịnh lạc diệu thường cũng chính là do sáu căn chứ không phải là cái gì khác. Nhưng A-nan không hiểu. A-nan tuy nghe được pháp âm như vậy, A-nan nghe được pháp âm vi diệu bất khả tư nghì, nhưng tâm chưa rõ. Và do tâm chưa thông, nên Cúi đầu bạch Phật–A-nan cúi đầu đảnh lễ Đức Phật–Tại sao chính sáu căn khiến cho con phải chịu luân hồi sinh tử–quay vòng mãi trong vòng sinh tử–và cũng chính sáu căn khiến cho con được an lạc diệu thường–A-nan đề cập đến cả hai vấn đề thường và lạc–chứ không là cái gì khác? Con không hiểu nguyên lý nầy?
Kinh văn:
佛告阿難,根塵同源,縛脫無二。識性虛妄猶如空花。
Phật cáo A-nan, căn trần đồng nguyên, phược thoát vô nhị. Thức tính hư vọng do như không hoa.
Việt dịch:
Đức Phật bảo A-nan: “Căn và trần đồng một gốc, trói và mở chẳng phải là hai. Bản tính của thức là hư vọng, như hoa đốm giữa hư không.”
Giảng:
Đức Phật bảo A-nan: “Căn và trần đồng một gốc.” Sáu căn, sáu trần, sáu thức đều có cùng một gốc. Nếu không có sáu căn, sẽ không có sáu trần; nếu không có sáu trần, sẽ không có sáu thức. Cả ba là một, một mà ba. Trói và mở chẳng phải hai. ‘Trói’ chỉ cho nút buộc, ‘mở’ chỉ cho sự gỡ nút. Hai việc nầy là chẳng phải hai (bất nhị). Không có sự khác biệt nào cơ bản giữa chúng. Trí là mở, mở là trói. Khi quý vị chưa thông hiểu, thì đó là trói, Khi quý vị đã hiểu rồi, thì đó là giải thoát, là các nút đã được gở ra. Tất cả đều tuỳ vào khă năng của quý vị. Bản tính của thức là hư vọng. Bản tính của sáu thức là không có thể tướng nhất định. Như hoa đốm giữa hư không. Quý vị có còn nhớ người bị bệnh nhặm mắt không? Do nhìn lâu mà hoá ra bị mỏi mắt và thấy có các hoa dạng lạ kỳ trong hư không. Chính nó hoàn toàn không có thực. Có thấy cái gì đẹp, cũng hoá thành xấu. Tương tự như vậy, con người có thể vừa thiện vừa ác. Dù ‘thiện’ và ‘ác’ là hai từ khác nhau, nhưng đều chỉ chung cho một người.
Kinh văn:
阿難,由塵發知,因根有相。相見無性,同於交蘆。
A-nan, do trần phát tri, nhân căn hữu tướng. Tướng kiến vô tánh, đồng ư giao lô.
Việt dịch:
A-nan, nhân nơi trần mà phát ra cái biết (của căn), nhân các căn mà có tướng (của trần). Tướng (phần sở kiến) và kiến (phần năng kiến) đều không có tự tính, như bó lau gác vào nhau.
Giảng:
A-nan, nhân nơi trần mà phát ra cái biết (của căn). Tri thức phân biệt sinh khởi là do sáu trần. Nhân các căn mà có tướng (của trần). Tướng của sáu trần sinh khởi là do ở sáu căn. Tướng (phần sở kiến) và kiến (phần năng kiến) đều không có tự tính, như bó lau gác vào nhau. Kiến (phần) ở đây là chỉ cho trần (đối tượng của cái biết; e: sense-awareness) như đã được đề cập trước tiên. Cả tướng (phần sở kiến) và kiến (phần năng kiến) đều không có tự tính. Tướng biểu hiện ra chỉ vì do sáu căn hiệp với sáu trần; do vì điều ấy không thực; nó hoàn toàn là hư vọng. Kiến cũng là hư vọng. Nó ‘như bó lau tựa vào nhau.’ Các bó lau ở đây chỉ cho một căn gốc chung, từ đó mà hai cọng lau mọc lên. Nó chỉ có thể đứng được nếu chúng là hai, một cọng sẽ rơi nếu cọng kia ngã xuống. Sáu căn, sáu trần, sáu thức cũng tương tự như vậy. Căn và trần phải cùng tác dụng lẫn nhau để tạo nên sáu thức. Chỉ riêng một thứ sẽ không đứng vững được. Một ẩn dụ khác nữa, bó lau ví như cái hố sâu, nên khi nhìn xuống, dường như có gì ở trong đó, nhưng trong đó hoàn toàn chẳng có gì cả. Điều ấy biểu tượng cho tính chất hư vọng của sáu căn và sáu trần.
Kinh văn:
是故汝今 知見立知即無明本。知見無,見斯即涅槃。無漏真淨。云何是中更容他物?
Thị cố nhữ kim tri kiến lập tri tức vô minh bản. Tri kiến vô kiến, tư tức niết-bàn vô lậu chân tịnh. Vân hà thị trung cánh dung tha vật?
Việt dịch:
Vậy nay chính ông ngay nơi tri kiến, lập nên tướng tri kiến, đó tức là cội gốc vô minh. Chính nơi tri kiến, không có tướng tri kiến, thì đó là vô lậu chân tịnh niết-bàn. Làm sao trong ấy còn có vật gì khác?
Giảng:
Vậy nay chính ông ngay nơi tri kiến, lập nên tướng tri kiến. Các ông lập nên một tri kiến khác trên cái tri kiến vốn đã là hư vọng. Đó tức là cội gốc vô minh. Chính nơi tri kiến, không có tướng tri kiến, thì đó là vô lậu chân tịnh niết-bàn. Ông đã nhận ra rằng tri kiến của mình vốn là không có tự thể, thế nên ông không khởi một niệm tưởng nào căn cứ trên tri kiến ấy. Ngay trong tri kiến ấy mà không khởi một niệm tưởng phân biệt nào chính là tương ưng với Đạo. Đó chính là niết-bàn vô lậu chân tịnh. Làm sao trong ấy còn có vật gì khác? Trong chỗ vắng bặt tri kiến, làm sao còn dung chứa một thứ gì khác? Nơi ấy chính là bản nguyên thanh tịnh pháp giới. Tại sao ông lại muốn đưa thêm một thứ gì nữa vào trong đó? Tại sao lại chồng thêm tri kiến lên trên tri kiến? Nguyên lý nầy cũng như trong đoạn kinh trước đã nói, “Bản giác vốn là diệu minh, nhưng hư vọng nên thành minh giác.”
Kinh văn:
爾時世尊欲重宣此義, 而說偈言:
Nhĩ thời Thế Tôn dục trùng tuyên thử nghĩa, nhi thuyết kệ ngôn:
Việt dịch:
Bây giờ Đức Thế tôn muốn lập lại nghĩa nầy, nên nói kệ rằng:
Giảng:
Bây giờ Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, ngài biết rằng A-nan vẫn chưa hiểu được lời giải đáp cho câu hỏi của của A-nan, nên Đức Thế tôn muốn lập lại nghĩa nầy , nên nói kệ rằng. Kệ có một số âm tiết nhất định trong từng dòng, có thể gồm 5, 6 hoặc 7 âm tiết trong tiếng Hán.
Kinh văn:
真性有為空
緣生故如幻
無為無起滅
不實如空花。
Chơn tánh hữu vi không
Duyên sanh cố như huyễn
Vô vi vô khởi diệt,
Bất thật như không hoa.
Việt dịch:
Trên phương diện chân tánh, các pháp hữu vi là không.
Vì duyên sanh, nên chúng như huyễn.
Vì các pháp là vô vi, nên chẳng sinh chẳng diệt.
Chúng chẳng có thực, như hoa đốm giữa hư không.
Giảng:
Trên phương diện chân tánh, có nghĩa là trên phương diện vắng bặt mọi hư vọng. Hư vọng, tuy vậy, lại nương nơi chân tánh mà hiện hữu. Thế nên, các pháp hữu vi sinh khởi từ chân không (true emptiness). Nhưng bản chất của các pháp hữu vi là không (śūnya).
Vì duyên sanh, nên chúng như huyễn. Các pháp hữu vi sinh khởi khi hội đủ nhân duyên. Nhưng, khi nhân duyên sinh khởi, thì chúng cũng sẽ diệt. Thế nên, bản thể của các pháp là không (śūnya). Đó là lý do tại sao nói rằng các pháp như huyễn.
Vì các pháp là vô vi, nên chẳng sinh chẳng diệt. Quý vị cho rằng thể tánh các pháp hữu vi là không, thế thì các pháp vô vi thì sao? Thể tánh của chúng có phải là không chăng? Đúng vậy. Chúng không sinh không diệt.
Chúng chẳng có thực, như hoa đốm giữa hư không. Chúng không có một thực thể nhất định; chúng không có thực, giống như hoa đốm giữa hư không.
Kinh văn:
言妄顯諸真
妄真同二妄
猶非真非真
云何見所見?
Ngôn vọng hiển chư nhơn,
Vọng chơn đồng nhị vọng,
Do phi chơn phi chơn,
Vân hà kiến sở kiến?
Việt dịch:
Nói vọng để hiển bày cái chơn.
Vọng chơn đều là vọng.
(Chân lý) vốn chẳng phải chơn lẫn chẳng phải phi chơn.
Làm sao có năng kiến, sở kiến?
Giảng:
Nói vọng để hiển bày cái chơn. Tại sao chúng ta nói về cái vọng? Đó là để hiển bày tất cả các pháp là chân thực. Nhưng chân và vọng là đối đãi, thế nên chúng không phải là pháp cứu cánh. Trong Chứng đạo ca, Đại sư Huyền Giác nói:
Chân bất lập, vọng bổn không,
Hữu vô câu khiển, bất không không.
Chẳng có cái gì là chân. Vọng vốn là không, nhưng cái chân cũng không có thực. Cái gì được gọi là chân? Cái chân đã không tồn tại. Cũng chẳng có cái hữu hoặc cái vô. Quý vị phải làm cho không cái chẳng không: đây là nguyên lý tương tự. Cái vọng được nói ra là để hiển bày cái chân. Nhưng chân và vọng mà quý vị nói đó đều là vọng. Chúng không thực. Nếu chúng là chân thực, làm sao lại có cái vọng trong chúng? Chẳng có cái gì trong đó cả: đó là chân không pháp giới. Đó là ‘nhất chân pháp giới’ là ‘chân như pháp giới.’ Trong đó chẳng một pháp nào được lập cả. Ngay khi quý vị nói về chân bằng cách so sánh chân với vọng, thì chân liền trở thành vọng. Cái chân mà được nói đến đó chẳng còn là nguyên chân nữa. Cả hai đều là vọng vì chúng đối đãi nhau.
Trên lĩnh vực cứu cánh, Phật pháp là tuyệt đối; chẳng có nhị nguyên. Chân và vọng vẫn còn là mức độ đối đãi và nằm trong phạm trù nhị nguyên. Cái chân mà đối đãi với cái vọng thì chính nó cũng là vọng.
(Chân lý) vốn chẳng phải chơn lẫn chẳng phải phi chơn. Đức Phật giảng rằng nó như thể là chân, nhưng đó không phải là chân thật cứu cánh. Ngay khi có một danh xưng gán cho nó, thì nó đã là đệ nhị chân thật, chứ không phải là đệ nhất chân thật.
Làm sao có năng kiến, sở kiến? Làm sao quý vị có thể nói có năng kiến và sở kiến? Chủ thể của ‘kiến phần’ và 6 trần đối tượng của ‘tướng phần’ là những gì được nhận biết–chẳng thể nói gì về chúng cả, vì chúng không hiện hữu.
Kinh văn:
中間無實性
是故若交蘆
結解同所因
聖凡無二路。
Trung gian vô thật tánh,
Thị cố nhược giao lô.
Kiến giải đồng sở nhơn,
Thánh phàm vô nhị lộ.
Việt dịch:
(Thức) ở giữa (căn và trần), không có thật tánh.
Thế nên chúng giống như bó lau gác vào nhau.
Buộc và mở cùng một sở nhân.
Thánh và phàm chẳng phải hai đường.
Giảng:
Ở khoảng giữa, vốn không thật tánh. Ở giữa chân và vọng–sáu căn, sáu trần, sáu thức– vốn thật chẳng có tự tánh. Thế nên chúng giống như bó lau gác vào nhau. Buộc và mở cùng một sở nhân. Khi quý vị không hiểu, có nghĩa là quý vị bị trói trong các nút buộc và không thể nào mở ra được. Khi quý vị đã hiểu ra và được tự tại rồi thì quý vị thấy rằng cái nhân của cả nút buộc và việc mở ra đều như nhau. Không hiểu nên gọi là buộc, hiểu rồi thì gọi là mở. Thánh và phàm chẳng phải hai đường. Thánh hiền và phàm phu chẳng phải là hai con đường khác nhau. Thánh là bậc đã thông hiểu nguyên lý của các pháp. Các vị đã thể hội mọi lĩnh vực của toàn thể pháp giới nên có trí huệ của bậc thánh. Người phàm phu khi chưa hiểu gì thì quay lưng lại với tánh giác ngộ sáng suốt và kết hợp với phiền não nhiễm ô. Thế nên hành phàm phu là bối giác hiệp trần. Bậc thánh là bối trần hiệp giác.
Nếu quý vị quay lưng với tánh giác ngộ sáng suốt, quý vị sẽ trở thành một với tướng phiền não nhiễm ô của các pháp hữu vi. Nhưng, cơ bản là bậc thánh và kẻ phàm phu không phải là hai con đường khác nhau.
Tại sao con đường của họ lại không khác nhau?
Một bên thì mê mờ và một bên thì tỉnh giác. Nhưng cội nguồn của mê mờ và giác ngộ là một. Ở đây chúng ta đang nói về chân lý cứu cánh :
Phi nhất thiết pháp
Ly nhất thiết tướng.
Kinh văn:
汝觀交中性
空有二俱非
迷晦即無明
發明便解脫。
Nhữ quán giao trung tánh,
Không hữu nhị cu phi,
Mê hối tức vô minh,
Phát minh tiện giải thoát.
Việt dịch:
Ông hãy xem tính chất giữa các cọng lau giao nhau,
Đó chẳng phải là không và có.
Mê mờ nghĩa ấy, tức vô minh.
Hiểu ra nghĩa đó, tức là giải thoát.
Giảng:
A-nan, Ông hãy xem tính chất giữa các cọng lau giao nhau. Hãy quán sát thật kỹ các cọng lau tựa vào nhau–đặc biệt là tính chất tự nhiên ở giữa chúng. Tính chất gì mà các cọng lau có được? Chẳng có gì cả. Chẳng có cái có cái không gì rõ rệt ở giữa đó cả. Đó chẳng phải là không và có. Quý vị có thể nói rằng đó là không, nhưng cũng có cái gì ở đó. Quý vị có thể nói rằng nó có, nhưng thực tế lại chẳng có gì cả. các cọng lau giao nhau biểu tượng cho tính chất không hiện hữu (vô) của cả hai pháp pháp hữu vi và pháp vô vi. Quý vị nên lưu ý điểm nầy.
Mê mờ nghĩa ấy, tức vô minh. Điều có nghĩa là với sáu căn của mình, khi quý vị không nhận ra, khi quý vị chưa tỉnh giác, thì quý vị là kẻ mê mờ về chân không. Mê muội phát sinh từ ngoan không, đó là nơi mà vô minh phát khởi. Trong chân tâm thường trú tánh tịnh minh thể, mê muội phát sinh thành vô minh. Hiểu ra nghĩa đó, tức là giải thoát. Nếu quý vị khám phá ra điều nầy, thì chẳng còn vô minh nữa. Quý vị phát minh ra tự tánh giác ngộ sáng suốt bản hữu cuả mình. Điều phát minh nầy chính là sự giải thoát.
Trong quá khứ, có một vị tăng tu thiền, nghe có vị cao tăng giác ngộ với đạo hạnh cao tột, vi tăng ấy liền đi tìm đến bậc cao tăng Thiền sư để cầu được khai thị. Trong đạo Phật, việc cầu được khai thị là việc thông thường. Đó chẳng phải là chuyện đưa ra một câu hỏi bất chợt rồi có được đáp lại bằng một câu trả lời ngẫu nhiên. Vì lời khai thị được đưa ra nhằm mục đích chấm dứt luân hồi sinh tử, nên toàn bộ vấn đề được thâm cứu một cách toàn triệt. Trước hết, cấn nhất là quý vị phải mang y hậu và toạ cụ, bồ đoàn theo mình. Khi đến nơi trụ xứ của vị Thiền sư, quý vị đắp y hậu nghiêm chỉnh, trải toạ cụ ra, đảnh lễ vị Thiền sư ba lần, rồi quý gối chắp tay. Sau đó quý vị mới thưa hỏi những điều mình chưa rõ.
Vị tăng ấy hỏi điều gì? Ông ta hỏi làm sao để được giải thoát. Ông ta mong cầu được tự tại. Làm thế nào để được giải thoát. Đó là vấn đề ông ta muốn hỏi vị Lão Hoà thượng, những là vị Trưởng lão có giới hạnh và niên hạ cao trong tăng chúng.
Vị tăng thưa rằng: “Bạch Hoà thượng, xin ngài hoan hỷ chỉ do con làm thế nào để được giải thoát?”
Lão Hoà thượng hỏi lại: “Thế ai đang trói ông?”
Với câu trả lời ấy, vị tăng đi tham vấn trở nên giác ngộ. Có thực chỉ một câu mà khiến cho vị tăng giác ngộ chăng? Cũng đúng và cũng không.
Quý vị sẽ hỏi, “Như thế là sao?”
Hầu như trong mọi trường hợp, mọi việc đều được xem từ cả hai mặt, và được giải thích theo nhiều cách khác nhau.
“Có phải đó chỉ là cách nói lãng hoặc nói mập mờ chăng?”
Không phải vậy, nếu quý vị thực sự muốn đề cập đến đạo lý mà mình đang quan tâm. Trong trường hợp nầy, chúng ta có thể nói rằng, đúng là chỉ có một câu đã đem đến sự giác ngộ cho vị tăng, vì vị Lão Thiền sư khi nói câu ấy ngài đã thông suốt nhân duyên và đã khiến cho vị tăng đi đến chỗ phải hỏi về cách làm thế nào để được giải thoát. Lão Thiền sư biết câu trả lời của mình “Thế ai đang trói ông?” sẽ giúp cho vị tăng trực nhận tức thời– sự giác ngộ. Do vậy, Lão Thiền sư chọn câu trả lời theo cách ấy. Tuy vậy, có người đôi khi không được giác ngộ, dù vị thầy cũng mong muốn được như vậy. Lần nầy, Lão Thiền sư đã thành công với câu trả lời của mình, đã giúp cho đệ tử của mình ngộ đạo.
Mặt khác, làm thế nào để giải thích được rằng, chỉ trong một câu mà đã đem sự giác ngộ đến cho vị tăng? Thông thường, vị tăng nầy cơ bản đã công phu tọa thiền hằng ngày để phát triển định lực. Ông ta đã tu tập lâu năm nhưng vẫn chưa được thông suốt. Tuy vậy, hằng ngày vị tăng nầy vẫn siêng năng tu tập và càng lúc trí huệ càng được phát huy. Tuy chưa thực sự đạt được giác ngộ nhưng cũng đã gần kề. Thế rồi chính câu trả lời của Lão Hoà thượng chính là cơ duyên đã giúp cho vị tăng đột nhiên chứng ngộ. Vị tăng đã hội đủ nhân duyên, và ngay lúc đó Lão Thiền sư khai thị cho, vị ấy liền nhận ra. Đó là:
Mười năm thiền định trong núi vắng,
Chẳng bằng một lời chỉ điểm của minh sư.
‘Minh sư’ có nghĩa là là ‘người sáng mắt’, là người đã có được ‘Phật nhãn.’ Một bậc Thiện tri thức như vậy có thể nhìn thông suốt nhân duyên. Vị ấy có thể giảng pháp khế hợp đến mức có thể khiến cho nhân duyên được chín muồi. Thế nên quý vị có thể ngồi thiền 10 năm trong núi vắng, nhưng không bằng gặp được một vị minh sư điểm đạo cho mình.
Do vậy trong đạo Phật, được thân cận một vị minh sư là điều rất quan trọng. Trong số các vị Thiền sư trưởng lão, có rất ít vị chân thực là minh sư. Có thể họ là người thông thái, nhưng chưa hẳn là bậc ‘sáng mắt’ có nghĩa là, chưa hẳn họ đã được ‘khai ngũ nhãn.’ Quý vị đừng cho rằng đây là việc dễ làm. Thực vậy, khai được Phật nhãn chắc chắn không phải như chứng được quả vị A-la-hán, mà đòi hỏi quý vị phải trồng nhiều căn lành trong quá khứ.
Để có được Phật nhãn, quý vị phải nhất tâm tu tập pháp đại bi, đặc biệt là 42 Đại bi thủ nhãn ấn pháp (Forty-two Greatly Compassionate Hands and Eyes). Nếu quý vị nhiệt tâm tu tập pháp nầy thì có thể đạt được Phật nhãn. Đó là pháp ‘vượt cầu môn.’ Nếu một người đã đạt được Phật nhãn mà xuất gia, thì vị ấy sẽ cứu giúp cho rất nhiều chúng sinh, nhưng tất cả đều tuỳ thuộc vào nhân duyên. Những ai muốn có được Phật nhãn phải cực kỳ tinh tấn tu tập 42 Đại bi thủ nhãn ấn pháp. Đừng bỏ công phu dù chỉ một ngày. Và điều quan trọng nhất là quý vị không được hút thuốc khi tu tập pháp nầy. Nếu quý vị vẫn hút thuốc trong khi tu, thì các vị hộ pháp thiện thần (dharma-protecting good spirits) sẽ quở trách quý vị. Thế nên đừng tuỳ tiện việc ấy.
Tôi hy vọng rằng mọi người trong chúng đây sẽ rất tinh chuyên tu tập 42 Đại bi thủ nhãn ấn pháp. Đừng bao giờ lơ là dù chỉ một ngày. Tuy vậy, cũng phải cần đến vài ba năm công phu mới mong đạt được kết quả. Nếu quý vị đã từng tu tập trong đời trước rồi, thì tiến bộ sẽ rất nhanh. Quý vị sẽ rất sớm có được huệ nhãn.
Kinh văn:
解結因次第
六解一亦亡
根選擇圓通
入流成正覺
Giải kiết nhân thứ đệ,
Lục giải nhứt diệc vong,
Căn tuyển trạch viên thông,
Nhập lưu thành chánh giác.
Việt dịch:
Mở nút phải theo thứ lớp
Khi sáu nút đã được mở, thì một cũng không còn
Nơi các căn, hãy chọn tính viên thông,
Được vào dòng , tức thành chánh giác.
Giảng:
Mở nút phải theo thứ lớp. Nhất thiết phải theo thứ tự khi mở các nút.
Quý vị sẽ hỏi: “Làm thế nào để mở theo thứ tự từng nút? Nút đầu tiên bị thắt lại như thế nào?”
Để bắt đầu, tánh Như Lai tạng vốn chẳng phải là đối tượng của sinh diệt. Nhưng tối tăm mê muội làm thành hư không (hối muội vi không). Ngay tại đó mà vô minh sinh khởi. Thế nên, mặc dù tánh Như Lai tạng là bất sinh bất diệt, nhưng nương nơi chân mà khởi vọng, theo đó là tâm đối tượng của sinh diệt phát sinh–đó là thức. Thức nầy phân thành thức thứ sáu, thức thứ 7, và thức thứ 8. Nhưng cội nguồn của thức thứ 8 vốn phát khởi từ vô minh, tạo ra các thứ sinh diệt, lại là tánh của Như Lai tạng, tánh Như Lai tạng nầy lại chẳng phải là đối tượng của sinh diệt. Căn nguyên của nó chính là chân tâm thường trú tánh tịnh minh thể.
Do nương nơi chân mà khởi vọng, nên tánh Như Lai tạng biến thành A-lại-da thức, tức là thức thứ 8, còn gọi là tàng thức.
Thức thứ 8 là cơ sở hiện hữu của ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Do thức uẩn sinh khởi đầu tiên mà có hành uẩn. Đây là thức thứ 7, tức Mạt-na thức, còn gọi là truyền tống thức. Thức nầy truyền đạt những thông tin từ thức thứ sáu vào thức thứ 8. Chính nó lập nên hành uẩn.
Uẩn tiếp theo là tưởng uẩn; đây là thức thứ sáu, còn gọi là ý thức. Thọ uẩn là một trong năm thức đầu tiên: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức. Thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn, mỗi thứ tương ứng với một nút thắt. Sắc uẩn được kể là 2 nút, vì nó thô trọng hơn. Như vậy, sáu nút bắt đầu với thức thứ 8 và hoạt dụng thông qua thức thứ 7 và thức thứ sáu rồi thông qua năm thức giác quan. Với sự hiện hữu của ngũ uẩn mà ngũ trược được hình thành, tạo ra không biết bao nhiêu chướng ngại.
Nếu chúng ta muốn mở những nút nầy, trước hết, chúng ta phải dừng lại không đuổi theo sắc uẩn nữa. Một khi hai nút nầy đã được mở ra, thì các uẩn khác như thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn cũng được dừng lại, sáu nút đều được mở. “Các nút phải được mở theo thứ tự,” bởi vì sắc uẩn là gồm những nút thô trọng, trong khi những uẩn khác, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn là cực kỳ vi tế.
“Thế tại sao chúng bắt đầu sự tạo thành từ bên trong rồi tiến hành sang bên ngoài?” Quý vị sẽ thắc mắc.
Vì thức thứ 8 là thức đầu tiên khởi niệm tưởng phân biệt. Tất cả đều bắt nguồn từ thức thứ 8. Ngũ uẩn và thức thứ 8 kết hợp chặt chẽ với nhau tạo thành nút buộc luân hồi sinh tử. Vì nó bắt đầu từ thức thứ 8, nên khi mở, phải bắt đầu từ sắc uẩn. Thứ tự nầy cũng giống như khi cởi áo quần, phải cởi từ lớp ngoài trước rồi lớp trong. Theo cách nầy, quý vị cởi từng lớp cho đến hết, như các nút được mở ra vậy. Đó là cách giải thích, nhưng thực tế là nếu quý vị cởi được một nút, thì năm nút kia cũng được mở ra luôn. Như trong bài kệ nói:
Khi sáu nút đã được mở, thì một cũng không còn. Khi sáu căn, tức là sáu nút đã được tự tại, thì cái một cũng biến mất luôn. Điều nầy sẽ được giải thích chi tiết trong đoạn văn sau.
Nơi các căn, hãy chọn tính viên thông. Phương pháp tu tập là áp dụng nỗ lực ngay từ cửa ngõ của sáu căn. Có nghĩa là, mắt không bị xoay chuyển bởi hình sắc, tai không bị xoay chuyển bởi âm thanh, mũi không bị xoay chuyển bởi hương thơm, lưỡi không bị xoay chuyển bởi mùi vị, thân không bị xoay chuyển bởi sự xúc chạm, thức không bị xoay chuyển bởi các pháp. Quý vị chuyển hoá ngay những gì xuất hiện nơi cửa của sáu căn. Quý vị hồi quang phản chiếu, không cần phải tìm cầu bên ngoài. Chỉ cần phòng hộ thân và tâm. Hãy tự tìm cầu ở trong chính mình
Để tu tập nơi sáu căn, quý vị phải chọn một căn để dẫn đến viên thông. Đức Phật đã đặt nền móng cho phương pháp nầy. Ngài đã giảng giải về 1200 công dụng của mỗi căn và chỉ cho A-nan thấy căn nào hoàn chỉnh nhất. Chẳng hạn, nhãn căn là không hoàn chỉnh, nhưng nhĩ căn thì được. Thiệt căn và ý căn cũng là những căn hoàn chỉnh. Có những căn hoàn chỉnh và có những căn thì không. Quý vị phải chọn một căn và phát huy công phu tu tập trên căn đó. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã ngầm ý bảo rằng nhĩ căn sẽ dẫn đến viên thông. Đức Phật mong A-nan tự quyết định trong sự lựa chon; Đức Phật muốn A-nan tự mình tìm ra sự quyết định.
Tự chọn ra một căn viên thông và được vào dòng , tức thành chánh giác.
Nhập vào dòng pháp giới của bậc thánh. Nghịch với dòng sanh tử của phàm phu.
Sau khi đã vào dòng (Nhập lưu) được rồi, mới có thể thành tựu chánh đẳng chánh giác.
Kinh văn:
陀那微細識
習氣成暴流
真非真恐迷
我常不開演
Đà-na vi tế thức,
Tập khí thành bộc lưu.
Chơn phi chơn khủng mê,
Ngã thường bất khai diễn.
Việt dịch:
Thức A-đà-na rất vi tế.
(Khiến cho) tập khí chảy như dòng nước xiết
E rằng sẽ lầm đó là chơn hay phi chơn
Nên Như Lai thường không nói đến
Giảng giải:
Đây là giáo pháp mà Đức Phật hiếm khi nói đến. “Như Lai thường ít khi giảng giải cho các ông toàn bộ vấn đề nầy.” Quý vị hãy tưởng tượng: Đức Phật Thích-ca Mâu-ni giảng giải giáo pháp nầy cho hàng Đại A-la-hán, Đại Bồ-tát, Đại tỷ-khưu. Thế mà nay chúng ta lại có dịp thuận tiện để nghe được giáo pháp vi diệu do chính Đức Phật giảng nói!
Thức A-đà-na rất vi tế. Đây là một thức rất vi tế, thậm chí còn hơn cả thức thứ 8. Thức A-đà-na còn gọi là ‘Bạch tịnh thức.’ Đó chính là chủng tử thanh tịnh. (Khiến cho) tập khí chảy như dòng nước xiết. Thức tinh nhạy và vi tế nầy đặc biệt tạo nên những tập khí cuồn cuộn chảy như dòng nước xiết. Đây chính là cội nguồn luân hồi sinh tử. Ngay khi một niệm hư vọng sinh khởi trong phương diện nhất chân của thức vi tế nầy, thì đó là một niệm vô minh; trở lại, nó khiến cho tập khí cuồn cuộn dấy lên và chảy như dòng nước xiết. Không có gì có thể ngăn cản được dòng tập khí nầy. Dòng nước chảy xiết ở đây dụ cho luân hồi sinh tử của chúng ta. Sinh ra rồi hoại diệt, sống rồi chết, đời nầy sang đời kia, có khi làm người, có khi làm thú, có khi làm chúng sinh ở cõi trời, có khi đoạ vào địa ngục, xoay vần không ngừng nghỉ– đó là tập khí đang tuôn chảy như dòng thác.
E rằng sẽ lầm đó là chơn hay phi chơn
Nên Như Lai thường không nói đến
“Tại sao giáo pháp chân thực không nói về vấn đề nầy? Tại sao Như Lai không diễn bày giáo pháp vi diệu chân thực nầy cho các ông? Như Lai e ngại rằng chúng sinh sẽ cho rằng cái chân là hư vọng, và cho cái hư vọng thành ra chân thật. Chẳng hạn, các ông cứ muốn ‘minh’ lại ‘tánh giác’, do vậy, nên các ông chỉ làm tăng thêm cái mê, trên cái mê lại chất chồng thêm cái mê và trở thành hai lần mê muội.”
“Thông thường Như Lai không giảng bày giáo pháp vi diệu nầy. Như Lai chỉ giảng nói giáo pháp Tiểu thừa cho những đệ tử có căn cơ (hợp với) Tiểu thừa. Giáo pháp Đại thừa chân thực vi diệu là điều trước đây Như Lai chưa từng nói. Như Lai chưa nói là vì các ông là những người có căn tánh Tiểu thừa, chưa đủ căn cơ để nghe. Các ông chưa chuyển tâm nguyện từ Tiểu thừa sang Đại thừa, Thế nên mỗi khi Như Lai muốn diễn bày pháp nầy, Như Lai phải trì hoãn lại.”
Kinh văn:
自心取自心,
非幻成幻法
不取無非幻,
非幻尚不生
幻法云何立 ,
是名妙蓮華
金剛王寶覺 ,
如幻三摩提.
Tự tâm thủ tự tâm,
Phi huyễn thành huyễn pháp,
Bất thủ vô phi huyễn,
Phi huyễn thượng bất sanh,
Huyễn pháp vân hà lập?
Thị danh diệu liên hoa,
Kim cang vương bảo giác.
Như huyễn tam-ma-đề,
Việt dịch:
Tự tâm chấp lấy tự tâm
Vốn không phải huyễn, lại thành pháp huyễn.
Chẳng thủ trước, thì chẳng có gì là phi huyễn
Phi huyễn còn chẳng sinh
Pháp huyễn làm sao lập?
Đó gọi là diệu liên hoa
Kim cang vương bảo giác
Giảng giải:
Tự tâm chấp lấy tự tâm. Chúng sinh vốn không nhận ra được kiến phần và tướng phần vốn chỉ là biểu hiện từ tự tâm,
Tam giới duy tâm.
Vạn pháp duy thức.
Không nhận ra được các pháp từ tâm biến hiện, nên trở lại chấp lầy kiến phần; có nghĩa là chấp lấy quan niệm chủ quan của riêng mình–là thức thứ 8. Tướng phần là chỉ cho ngoại cảnh. Vốn tướng phần và kiến phần cả hai đều là hư vọng. Chúng chỉ ảnh tượng hư giả trong tâm mình. Nhiều người không thể tin được rằng chúng sẽ quay trở lại bản tính tự chiếu soi, mà họ chỉ mong tìm cầu bên ngoài. Đối với chân tâm, họ mê mờ và chạy đuổi theo cái hư vọng. Nếu quý vị nhận ra được vạn pháp chỉ là sự biến hiện từ chính tâm mình; nếu quý vị
Thức tự bổn tâm
Kiến tự bổn tánh
Thì quý vị sẽ hiểu ra rằng tướng phần và kiến phần vốn sinh khởi từ tâm mình. Nếu quý vị nhân ra được chân tâm thường trú tánh tịnh minh thể thì quý vị sẽ không còn chạy tìm cầu bên ngoài, mà sẽ quay về nhà.
Vốn không phải huyễn, lại thành pháp huyễn.
Vì chúng sinh vốn thường mê mờ chân tâm và đuổi theo vọng tâm, nên họ thường nghi ngờ rằng vốn tự thể là không có hư vọng, mà lại trở thành hư vọng. Quý vị phải nên đừng để mình bị vướng mắc vào suy nghĩ hư vọng nầy. Không bị vướng mắc (chấp thủ) chính là điểm quan trọng ở đây. Nguyên nhân mà nhiều người bị mê lầm sáu căn và sáu trần là do họ chấp thủ vào tướng phần và kiến phần. Họ bị vướng mắc đến nỗi tin rằng tánh thấy (khả năng thấy–capacity to see) của mình chính là kiến phần, và đó là cái có thực. Họ không hiểu ra rằng tánh thấy ấy vốn cũng chỉ là hư vọng– nó không có thực.
Chẳng thủ trước, thì chẳng có gì là phi huyễn
Chẳng có gì là phi huyễn ở đây.
Phi huyễn còn chẳng sinh. Những gì hư vọng chắc chắn sẽ không hiện hữu, chẳng có nơi chỗ để chúng sinh khởi. Pháp huyễn làm sao lập? Làm thế nào mà các pháp huyễn tồn tại được?
Đó gọi là Diệu liên hoa, vi diệu và mầu nhiệm. Hoa sen sinh ra từ bùn nhưng không bị ô nhiễm bởi bùn dơ. Nó mọc trong bùn nhưng chính nó lại thanh tịnh, và hoa sen lẫn quả của nó hình thành cùng lúc. Đó chính là Kim cang vương bảo giác. Kim cang là kim loại cứng chắc nhất. Nó biểu tượng cho trí huệ. Không có thứ gì có thể phá huỷ hay xuyên thủng được trí huệ. ‘Vương’ có nghĩa là tự tại, như một vị Vua vậy. ‘Bảo giác’ là chỉ cho chân tâm chúng ta. Nếu quý vị có thể không bị chấp thủ vào tướng phần và kiến phần, thì có thể trở về với nguồn tâm gốc tánh, có thể trở về trong tánh Như Lai tạng. Tức đã chuyển thức thành trí. Khi sự chuyển y đã viên mãn, thì tướng phần và kiến phần chuyển thành Diệu liên hoa–Bảo giác.
Kinh văn:
如幻三摩提
彈指超無學
Như huyễn Tam-ma-đề,
Đờn chỉ siêu vô học.
Việt dịch:
Như huyễn tam-ma-đề
Trong khoảnh khắc, vượt hàng vô học.
Giảng giải:
Còn gọi bằng một tên khác, Như huyễn tam-ma-đề. Tam-ma-đề là tiếng Sanskrit, Samāpatti; Hán dịch là đẳng trì; có nghĩa là duy trì tính quân bình của định (samadhi) và huệ. Bằng trí huệ, ta có thể mở được sáu nút. Với định, ta sẽ không tạo ra sáu nút nữa. Trong Tam-ma-đề, định huệ đẳng trì nầy, hành giả có thể trong khoảnh khắc, vượt hàng vô học. ‘Trong khoảnh khắc’, tức là ‘trong khoảng khảy móng tay.’ Chẳng mất chút nào thời gian, quý vị có thể vượt qua vị trí của hàng hữu học và đạt đến vị trí của hàng vô học, có nghĩa là, quả vị thứ tư của hàng A-la-hán. Sơ quả, quả vị thứ nhì, quả vị thứ ba vẫn còn ở trong hàng hữu học. Chỉ trong khoảng gảy móng tay, hành giả có thể chứng được quả vị thứ tư, thành A-la-hán.
Kinh văn:
此阿毘達磨
十方薄伽梵
一路涅槃門。
Thử A-tì-đạt-ma,
Thập phương Bạc-già-phạm,
Nhất lộ niết-bàn môn.
Việt dịch:
Pháp A-tỳ-đạt-ma nầy, chính là con đường duy nhất dẫn đến niết-bàn, mà các Đức Thế tôn (Bạc-già-phạm) trong mười phương đồng tu tập.
Giảng giải:
Pháp A-tỳ-đạt-ma nầy. A-tỳ-đạt-ma phiên âm từ tiếng Sanskrit, abhidharma, Hán dịch là ‘vô tỉ–không có gì sánh bằng.’ Chỉ cho giáo pháp, phương pháp được được đề cập đến. Chính là con đường duy nhất dẫn đến niết-bàn, chính là phương pháp siêu việt để mở ra sáu nút. –mà các Đức Thế tôn (Bạc-già-phạm) trong mười phương đồng tu tập. Bạc-già-phạm (s: Bhagavan), là âm thanh mở đầu trong đệ tứ của chú Thủ-lăng-nghiêm. Đây là danh hiệu của Đức Phật, thường được dùng và công nhận bởi chư Phật, hộ pháp và thiện thần khi đề cập đến Đức Phật. Ở đây không dịch nghĩa chữ Bạc-già-phạm, vì chữ nầy có đến sáu nghĩa, nếu dịch ra thì chỉ nêu được một nghĩa. Sáu nghĩa là:
1. Tự tại (comfortable): Phật tánh luôn luôn thể hiện năng lực tự tại. Trong ý nghĩa đó, Bồ-tát Quán Thế Âm có danh hiệu là Quán Tự tại Bồ-tát.
2. Xí thạnh (熾盛 dazzling): chỉ cho hào quang của Đức Phật chiếu khắp cả pháp giới.
3. Đoan nghiêm (端嚴 decorous): Đức Phật lúc nào cũng đoan chính và trang nghiêm. Chúng ta phải học theo hạnh nầy. Khi nghe giảng kinh, chúng ta phải ngồi trong tư thế ngay thẳng và cung kính. Đừng ngồi với tư thế uể oải, xiêu vẹo, hoặc duỗi người ra. Vì chính trước mặt quý vị là Đức Phật đang giảng pháp. Vì chúng ta tin vào Đức Phật, nên chúng ta phải kính trọng ngài. Chúng ta không nên giải đãi ngay trước mặt ngài. Khi nghe kinh, quý vị không được nằm hoặc ngủ. Không được nằm mà đọc kinh. Tôi đã giảng cho quý vị nghe rằng, nếu làm như vậy thì đời sau sẽ bị đoạ làm thân rắn. Rắn thì luôn luôn nằm dù khi di chuyển từ nơi nầy đến nơi khác. Nó không đứng dậy được. Khi đọc kinh, quý vị nên ngồi thẳng người và đặt kinh trên mặt bàn phía trước mặt mình. Nếu quý vị có một phần kính trọng, thì sẽ phát triển trí huệ một phần; Nếu quý vị có mười phần kính trọng, thì sẽ phát triển trí huệ mười phần. Nếu quý vị có một trăm, ngàn, vạn phần kính trọng, thì sẽ phát triển trí huệ trăm, ngàn, vạn phần, trí huệ tăng trưởng dần theo mức độ tôn kính. Quý vị cũng được tăng trưởng thiện căn. Kinh Kim Cang có nói rất rõ: “ Ở nơi nào có kinh nầy, tức nơi đó có Đức Phật hoặc như các vị đệ tử được tôn trọng của Đức Phật.” Nếu quý vị có tâm tôn kính, thì quý vị sẽ có được quả báo tốt lành, nếu không kính trọng thì không có được quả báo ấy. Quý vị hãy xem như chính Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đang giảng pháp và ngài A-nan đang ngồi bên cạnh. Chung quanh quý vị trong hội chúng là các vị Đại Bồ-tát. Hãy tưởng tượng pháp hội đang diễn ra trên núi Diệu cao. Nếu quý vị đã có tâm kính trọng như thế nầy, chắc chắn sẽ đến lúc quý vị được giác ngộ.
“Nhưng A-nan đã nghe pháp rất nhiều mà vẫn chưa được chứng ngộ. Liệu nay con có được giác ngộ khi mới nghe kinh lần đầu?”
Làm sao quý vị biết được A-nan chưa được giác ngộ? Có thể rằng A-nan giả vờ như chưa giác ngộ để Đức Phật giảng kinh và bây giờ chúng ta được nghe. A-nan đã thành Phật từ lâu lắm rồi, không thể nói rằng A-nan chỉ được giác ngộ chút ít. A-nan xuất hiện như một đương cơ trong pháp hội giảng kinh và đóng vai như người chưa hiểu kinh. Thực vậy, A-nan nhớ từng li từng tí những lời Đức Phật giảng dạy; làm sao mà ngài không hiểu ra được những đạo lý Đức Phật muốn nói ở đây? Ngài đã hiểu từ lâu và ngài thưa hỏi là vì chúng ta, những chúng sinh trong đời nầy. Ngài là một mẫu mực, mô phạm cho chúng ta. Quý vị đừng nghĩ rằng mình thông minh tài giỏi hơn A-nan. Quý vị không được như vậy đâu.
4. Danh xưng (名稱 Renowned): Mọi người đều xưng tán Đức Phật.
5. Cát tường (吉祥 Lucky):
6. Tôn quý (尊貴 Honored and noble): mọi chúng sinh đều tôn kính Đức Phật.
Vì danh hiệu Bạc-già-phạm (Bhagavan) có đến sáu nghĩa như vậy nên không dịch ra. E rằng không diễn đạt trọn vẹn ý nghĩa.
Đó chính là con đường duy nhất dẫn đến niết-bàn. Pháp môn nầy là duy nhất của chư Phật trong mười phương tu tập để thành tựu Phật quả. Chư Phật đã xem đây là con đường chính dẫn đến niết-bàn.
Kinh văn:
於是阿難,及諸大眾聞佛如來無上慈誨祇夜伽陀 雜糅精瑩, 妙理清徹。心目開明歎未曾有。
Ư thị A-nan, cập chư đại chúng văn Phật Như Lai vô thượng từ hối kỳ-dạ, già-đà tạp nhu tinh oánh, diệu lý thanh triệt. Tâm mục khai minh, kiến vị tằng hữu.
Việt dịch:
Lúc ấy A-nan và đại chúng nghe lời dạy từ bi vô thượng của Như Lai, qua bài kệ tụng tinh tuý, diệu lý rõ ràng thông suốt, nên tâm được khai ngộ, đồng tán thán là việc chưa từng có.
Giảng giải:
Lúc ấy A-nan và đại chúng nghe lời dạy từ bi vô thượng của Như Lai. A-nan và đại chúng đều thấm nhuần lời kệ tụng do Đức Phật giảng nói về con đường Nhất thừa dẫn đến niết-bàn của chư Phật trong mười phương. Không có gì cao quý bằng lời chỉ dạy mang đầy tâm từ bi nầy. Qua bài kệ tụng tinh tuý, diệu lý rõ ràng thông suốt. ‘Kỳ-dạ–Geya’ Hán dịch là trùng tụng. ‘già-đà ’, nói lại nghĩa trong văn trường hàng đã nói trước đó. Mỗi bài kệ có một số chữ nhất định trong mỗi dòng, có thể là 4, 5, 6 hoặc 7 âm tiết bằng tiếng Hán. ‘Già-đà, ’ Hán dịch là cô khởi. Bài kệ tụng nầy được trình bày một cách hài hoà và rõ ràng, thế nên được gọi là tinh tuý, diệu lý rõ ràng thông suốt. Diệu lý nầy diễn tả những gì cốt yếu và tuyệt đối trong giáo pháp .
Nên tâm được khai ngộ. A-nan và đại chúng được thông hiểu phần lớn những điều trong giáo lý mà từ trước đến nay chưa rõ. Tâm và mắt của họ trở nên sáng suốt hơn, và điều nầy đã khiến cho trí huệ của họ tăng trưởng. Ở đây ‘mắt’ chỉ cho huệ nhãn đã được khai mở. Đồng tán thán là việc chưa từng có. “Pháp nầy rất vi diệu. Thật là trước đây chưa từng thấy!”
***
Hết quyển 4 –Đầu quyển 5 theo bản in của VPTT.
SÁU NÚT
Kinh văn:
阿難合掌頂禮白佛。我今聞佛無遮大悲。性淨妙常真實法句。心猶未達六解一亡,舒結倫次。惟垂大慈,再愍斯會及與將來。施以法音洗滌沈垢 。
A-nan hiệp chưởng đảnh lễ bạch Phật. Ngã kim văn Phật vô giá đại bi. Tánh tịnh diệu thường chân thật pháp cú. Tâm do vị đạt lục giải nhất vong thư kiết luân thứ. Duy thùy đại từ, tái mẫn kỳ hội, cập dữ tương lai. Thí dĩ pháp âm, tẩy địch trầm cấu.
Việt dịch:
A-nan chắp tay đảnh lễ bạch Phật, “Con nay nghe Phật mở lòng vô giá đại bi dạy cho chúng con những lời pháp chân thật, thanh tịnh diệu thường. Nhưng tâm chúng con còn chưa được rõ mở từng nút theo thứ lớp, (chưa rõ) mở sáu nút thì một cũng không còn. Xin Đức Phật lại mở lòng từ bi, thương xót hội chúng nầy và những chúng sinh trong đời sau, mà ban bố cho pháp âm, để rửa sạch những cấu nhiễm sâu dày của chúng con.”
Giảng giải:
A-nan chắp tay đảnh lễ bạch Phật, “Con nay nghe Phật mở lòng vô giá đại bi dạy cho chúng con những lời pháp chân thật, thanh tịnh diệu thường. Nhưng tâm chúng con còn chưa được rõ, chưa tìm ra cách mở từng nút theo thứ lớp, (chưa rõ) mở sáu nút thì một cũng không còn. Xin Đức Phật lại mở lòng từ bi, thương xót hội chúng nầy, những người đang dự trong pháp hội, và những chúng sinh trong đời sau, toàn thể mọi chúng sinh. Thương xót mà ban bố cho pháp âm. Ban cho mọi chúng sinh món quà là Phật pháp vi diệu để rửa sạch những cấu nhiễm sâu dày của chúng con.”
Cũng như rau cải, trước hết quý vị phải rửa sạch chúng, sau đó, sợ rằng chúng chưa đủ sạch, quý vị lại tẩy rửa chúng một lần nữa.
‘Cấu nhiễm’ có thể là sâu dày, trầm trọng đến mức có đủ để cho quý vị bị đoạ vào các cõi giới chúng sinh thấp kém. Cấu nhiễm là chỉ cho tâm tham, sân và si. A-nan mong cầu được hiểu rõ hơn.
Kinh văn:
即時如來於師子座,整涅槃僧,歛僧伽梨,攬七寶机,引手於几,取劫波羅天所奉花巾。
Tức thời Như Lai ư sư tử toà, chỉnh niết-bàn tăng, kiểm tăng-già-lê, lãm thất bảo kỷ, dẫn thủ ư kỷ, thủ kiếp-ba- la thiên sở phụng hoa cân.
Việt dịch:
Liền khi ấy từ toà sư tử, Như Lai chỉnh y niết-bàn tăng, vén y tăng-già-lê, vin vào bàn thất bảo, tay cầm lên chiếc khăn hoa kiếp-ba-la do chư thiên dâng cúng.
Giảng giải:
Liền khi ấy từ toà sư tử, Như Lai–pháp toà Như Lai ngồi giảng pháp được gọi là toà sư tử . Gọi như vậy là do âm thanh của Đức Phật giảng pháp được ví như tiếng gầm của loài sư tử. Khi sư tử gầm lên, thì các loài thú khác đều run sợ. Khi Đức Phật nói pháp, các loài thiên ma ngoại đạo đều sợ hãi. Chỉnh y niết-bàn tăng –y phục bên trong của Đức Phật–và vén y tăng-già-lê. Y tăng-già-lê là y phục bên ngoài, còn gọi là đại y. Đức Phật vin vào bàn thất bảo, tay vịn vào chiếc bàn làm bằng bảy thứ báu. Chiếc bàn ở trước Đức Phật được làm bằng bảy thứ báu. Vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, và mã não. Lưu ly có khi được gọi là đá quý. Pha lê ngày nay không còn đặc biệt quý hiếm trong thời đại ngày nay khi thuỷ tinh được dùng phổ biến, nhưng thời xưa, pha lê rất khó kiếm, thế nên nó được xem là loại quý. Xa cừ đôi khi có những đường vân rất đẹp trong đó. Và mã não có hình như óc ngựa màu đỏ và trắng.
Rồi Đức Phật cầm lên chiếc khăn hoa kiếp-ba-la do chư thiên dâng cúng. Chư thiên ở đây là Dạ-ma thiên. Tu-dạ-ma thiên là cõi trời “Thiện phân.” ‘Khăn hoa’ là chiếc khăn tay dệt bằng hoa kiếp-ba-la. Ở Ấn Độ, những chiếc khăn như vậy rấy giá trị, và chiếc khăn nầy càng đặc biệt hơn là vì đó là phẩm vật dăng cúng lên Đức Phật của vị chủ cung trời Tu-dạ-ma.
Kinh văn:
於大眾前,綰成一結。示阿難言此名何等。阿難大眾俱白佛言此名為結。
於是如來綰疊花巾又成一結。重問阿難此名何等。阿難大眾又白佛言此亦名結。如是倫次綰疊花巾。總成六結一一結成。皆取手中所成之結。持問阿難此名何等。阿難大眾亦復如是。次第酬佛此名為結。
Ư đại chúng tiền, quán thành nhất kiết. Thị A-nan ngôn, thử danh hà đẳng? A-nan đại chúng câu bạch Phật ngôn, thử danh vi kiết.
Ư thị Như Lai quán điệp hoa cân, hựu thành nhất kiết. Trùng vấn A-nan. Thử danh hà đẳng? A-nan đại chúng hựu bạch Phật ngôn. Thử diệc danh kiết.
Như thị luân thứ quán điệp hoa cân, tổng thành lục kiết. Nhất nhất kiết thành, giai thủ thủ trung sở thành chi kiết. Trì vấn A-nan thử danh hà đẳng. A-nan đại chúng diệc phục như thị. Thứ đệ thù Phật thử danh vi kiết.
Việt dịch:
Rồi Đức Phật ở trước đại chúng, (từ chiếc khăn) cột thành một nút, đưa cho A-nan xem và hỏi rằng, “Đây là cái gì?”
A-nan và đại chúng đồng bạch Phật rằng, “Đó gọi là nút thắt.”
Rồi Đức Phật cột nút khác và hỏi A-nan, “Đây là cái gì?” A-nan và đại chúng lại đồng bạch Phật rằng, “Đó gọi là nút thắt.”
Đức Phật tuần tự cột từng nút như vậy trên chiếc khăn hoa, tổng cộng thành sáu nút. Mỗi khi cột xong một nút, đều đưa lên hỏi A-nan rằng Đây là cái gì?” A-nan và đại chúng cũng tuần tự đồng bạch Phật rằng, “Đó gọi là nút thắt.”
Giảng giải:
Rồi Đức Phật ở trước đại chúng, (từ chiếc khăn) cột thành một nút. Đức Phật như thể chơi với trẻ con, cầm chiếc khăn lên và cột lại từng nút, trong khi ngài đang ngồi trước hội chúng. Đức Phật đưa cho A-nan xem và hỏi rằng, “Đây là cái gì?” Ngài đưa cho A-nan thấy rồi hỏi A-nan đó là gì?
A-nan và đại chúng đồng bạch Phật rằng, “Đó gọi là nút thắt.”
Rồi Đức Phật cột nút khác và hỏi A-nan, “Đây là cái gì?” Đức Phật lại hỏi A-nan cùng câu hỏi như vậy.
A-nan và đại chúng lại đồng bạch Phật rằng, “Đó gọi là nút thắt.” Họ cùng trả lời như trước.
Đức Phật tuần tự cột từng nút như vậy trên chiếc khăn hoa, tổng cộng thành sáu nút. Đức Phật đã thắt tất cả sáu trên chiếc khăn hoa. Mỗi khi cột xong một nút, đều đưa lên hỏi A-nan rằng “Đây là cái gì?”
Và mỗi lần như vậy, A-nan và đại chúng cũng tuần tự đồng bạch Phật rằng, “Đó gọi là nút thắt.”
Chiếc khăn hoa biểu tượng cho tánh Như Lai tạng. Sáu nút trên đó biểu tượng cho sáu căn.
Kinh văn:
佛告阿難,我初綰巾,汝名為結。此疊花巾,先實一條,第二第三,云何汝曹復名為結?
Phật cáo A-nan, ngã sơ quán cân, nhữ danh vi kiết. Thử điệp hoa cân, tiên thực nhất điều, đệ nhị đệ tam, vân hà nhữ tào phục văn vi kiết?
Việt dịch:
Đức Phật bảo A-nan, “Khi Như Lai mới cột khăn lại thì ông gọi là nút, cái khăn hoa nầy, trước đây chỉ một cái, tại sao lần thứ hai, thứ ba, ông vẫn gọi là nút.”
Giảng giải:
Chiếc khăn hoa chỉ có một, mà ông đã trả lời Như Lai đó là nút thắt, sao ông còn gọi nút thứ hai thứ ba trenn chiếc khăn ấy cũng là nút thắt? Đức Phật có chủ ý vặn hỏi A-nan theo cách ấy.
Kinh văn:
阿難白佛言世尊。此寶疊花緝績成巾,雖本一體。如我思惟,如來一綰得一結名,若百綰成終名百結。何況此巾秖有六結。終不至七亦不停五。云何如來秖許初時。第二第三不名為結。
A-nan bạch Phật ngôn, ‘ Thế tôn, thử bảo điệp hoa trấp tích thành căn. Tuy bổn nhất thể như ngã tư duy. Như Lai nhất quán đắc nhất kiết danh. Nhược bách quán thành chung danh bá kiết. Hà huống thử cân, kỳ hữu lục kiết, chung bất chí thất, diệc bất đình ngũ. Vân hà Như Lai chỉ hứa sơ thời, đệ nhị đệ tam bất danh vi kiết?’
Việt dịch:
A-nan bạch Phật rằng, “Bạch Thế tôn, chiếc khăn hoa thêu quý báu nầy vốn chỉ một thể, song theo ý con, khi Như Lai cột một lần thì gọi là một nút, nếu cột 100 lần, thì thành 100 nút. Huống chi khăn nầy chỉ có sáu nút, không đến bảy, cũng không dừng ở năm. Sao Như Lai chỉ gọi cái đầu tiên là nút, mà cái thứ hai thứ ba thì không gọi là nút?”
Giảng giải:
A-nan bạch Phật rằng–A-nan đạp lại lời văn hỏi của Đức Phật. “Bạch Thế tôn, chiếc khăn hoa thêu quý báu nầy vốn chỉ một thể. Chiếc khăn kiếp-ba-la quý báu nầy chỉ là một, song theo ý con, khi Như Lai cột một lần thì gọi là một nút, nếu cột 100 lần, thì thành 100 nút. Mỗi lần thắt trong số 100 lần nầy, đều được gọi là một nút. Huống chi khăn nầy chỉ có sáu nút, không đến bảy, cũng không dừng ở năm. Như Lai chỉ thắt có sáu nút trên chiếc khăn nầy, Như Lai không làm thêm thành bảy nút hoặc dừng lại ở năm nút. Sao Như Lai chỉ gọi cái đầu tiên là nút, mà cái thứ hai thứ ba thì không gọi là nút? Bạch Thế tôn, tại sao ngài chỉ thừa nhận nút thứ nhất là nút và không công nhận các nút thứ hai, thứ ba. Có ý nghĩa gì hàm ẩn trong đó?”
Kinh văn:
佛告阿難此寶花巾,汝知此巾元止一條,我六綰時名有六結。汝審觀察,巾體是同,因結有異。
Phật cáo A-nan, ‘Thử bảo hoa cân, nhữ tri thử cân nguyên chỉ nhất điều, ngã lục quán thời danh hữu lục kiết. Nhữ thẩm quan sát, cân thể thị đồng, nhân kiết hữu dị.’
Việt dịch:
Đức Phật bảo A-nan, “Cái khăn hoa báu nầy, ông biết nó vốn chỉ là một, khi Như Lai thắt sáu lần thì ông gọi là sáu nút. Ông quán sát kỹ, thấy thể của khăn nầy là đồng, do vì các nút mà thành ra khác.”
Giảng giải:
Đức Phật lắng nghe A-nan trả lời với niềm thích thú. Dĩ nhiên, cả sáu đều gọi là nút. Chẳng phải chỉ có nút đầu tiên mới được gọi là nút và các nút khác thì không. Đức Phật hỏi như vậy là để thử A-nan. Và A-nan khăng khăng rằng cả sáu phải gọi là sáu nút. Đây là toàn bộ mục tiêu của cuộc đối thoại. Đây là điểm chính của vấn đề đang đề cập đến.
Đức Phật bảo A-nan, “Cái khăn hoa báu nầy, ông biết nó vốn chỉ là một. Chỉ là một cái. Khi Như Lai thắt sáu lần thì ông gọi là sáu nút. Ông liền gọi là sáu nút. Ông quán sát kỹ điều nầy, nhìn thật kỹ từng chi tiết và suy nghĩ–thấy thể của khăn nầy là đồng. Nó chẳng có thêm tên gọi nào nữa. Do vì các nút mà thành ra khác. Ngay khi Như Lai thắt thêm một nút, nó thành ra khác.”
Điều nầy biểu tượng cho tánh Như Lai tạng vốn là một; sáu căn là những nút thắt trong đó. Nhưng dù có đến sáu nút, thể của Như Lai tạng vẫn chỉ là một. Nếu quý vị mở được sáu nút, thì ngay cả một cũng chẳng còn.
Kinh văn:
於意云何?初綰結成名為第一。如是乃至第六結生。吾今欲將第六結名,成第一不?
Ư ý vân hà? Sơ quán kiết thành danh vi đệ nhất, như thị nãi chí đệ lục kiết sanh. Ngô kim dục tương đệ lục kiết danh, thành đệ nhất phủ?
Việt dịch:
Ý ông nghĩ sao? Khi mới cột nút lần đầu thì gọi là nút thứ nhất, như thế cho đến nút thứ sáu. Nay Như Lai muốn gọi nút thứ sáu là nút thứ nhất có được không?
Giảng giải:
Ý ông nghĩ sao? A-nan, ông suy nghĩ như thế nào? Nay Như Lai muốn gọi nút thứ sáu là nút thứ nhất có được không? Có thể nào nút thứ sáu được gọi là nút thứ nhất chăng?
Kinh văn:
不也世尊。六結若存,斯第六名終非第一。縱我歷生盡其明辯,如何令是六結亂名?
Phất dã Thế tôn. Lục kiết nhược tồn, tư đệ lục danh chung phi đệ nhất. Túng ngã lịch sinh tận kỳ minh biện, như hà linh thị lục kiết loạn danh?
Việt dịch:
Bạch Thế tôn. Không. Nếu còn sáu nút, thì cái gọi là thứ sáu, rốt cuộc chẳng phải là cái thứ nhất. Dù con có biện bạch hết đời, làm sao có thể lộn lạo tên gọi của sáu nút kia được?
Giảng giải:
A-nan thưa “Hoàn toàn không. Không thể thay đổi được. Như Lai không thể nào thay đổi cách gọi, nút thứ nhầt thành nút thứ sáu hoặc nút thứ sáu thành nút thứ nhất được.” Bạch Thế tôn. Không. Nếu còn sáu nút, thì cái gọi là thứ sáu, rốt cuộc chẳng phải là cái thứ nhất. Nếu đã có sáu nút, thì nút thứ sáu là nút thứ sáu, dù bất luận như thế nào, nó cũng không thể đổi thành nút thứ nhất được. Dù con có biện bạch hết đời. Con, A-nan, dù có được học, từ vô lượng kiếp trong quá khứ đến nay, thì những gì con học được, những gì đã tạo nên tính cách đặc trưng của con, là đa văn và giỏi nhớ. Khi con đã vận dụng khả năng đa văn và biện luận của con, thì làm sao có thể lộn lạo tên gọi của sáu nút kia được? Làm sao có thể lẫn lộn các tên gọi kia được? Làm sao con lại không nhớ thứ tự của từng nút kia được?
Kinh văn:
佛言,六結不同。循顧本因一巾所造。令其雜亂終不得成。
Phật ngôn, ‘Lục kiết bất đồng. Tuần cố bổn nhân, nhất cân sở tạo. Linh kỳ tạp loạn chung bất đắc thành.
Việt dịch:
Đức Phật dạy, “Đúng vậy, sáu nút không đồng nhau, Xét về căn gốc, vẫn do một cái khăn mà ra. Nhưng làm cho nó đảo lộn thứ tự thì rốt ráo không thể được.”
Giảng giải:
Đức Phật dạy, “Đúng vậy. Ông nói rất đúng. Không thể đổi tên gọi. Không thể gọi nút thứ sáu là nút thứ nhất được. Nút thứ nhất không thể đổi thành nút thứ sáu được. Ông hoàn toàn đúng. Lý do chúng không thể lãn lộn là vì Xét về căn gốc, vẫn do một cái khăn mà ra. Nhưng làm cho nó đảo lộn thứ tự thì rốt ráo không thể được. Nếu ông đảo lộn thứ tự các nút, như ông nói, là không thể được. Điều ấy rất đúng.”
Kinh văn:
則汝六根亦復如是。畢竟同中,生畢竟異。
Tắc nhữ lục căn diệc phục như thị. Tất cánh đồng trung, sinh tất cánh dị.
Việt dịch:
Sáu căn của ông cũng giống như vậy. Trong thể tánh tuyệt đối giống nhau, lại sinh ra cái tuyệt đối khác nhau.
Giảng giải:
Chúng vốn là đồng, mắt hoạt dụng như là mắt, tai hoạt dụng như là tai, mũi hoạt dụng như là mũi, lưỡi hoạt dụng như là lưỡi, thân hoạt dụng như là thân, ý hoạt dụng như là ý. Vốn chúng là một và đồng. Nhưng ngay điểm nầy mà chúng phân chia ra. Thậm chí ngay lúc đó, chúng vẫn còn tốt nếu chúng hoà hiệp với nhau. Chúng đều có thể hồi quang phản chiếu. Mắt có thể xoay lại tánh thấy vào bên trong. Tai có thể lắng nghe bên trong và nghe được tự tánh. Mũi không bị xoay chuyển bởi mùi hương bên ngoài. Lưỡi không bị xoay chuyển bởi mùi vị. Thân không bị xoay chuyển bởi sự xúc chạm, và thức không bị ảnh hưởng các ý niệm tâm hành. Nếu chúng cùng kết hợp với nhau và cùng hồi quang phản chiếu, thì chúng sẽ là một. Nhưng chúng không thể hoà hiệp thành một được. Mắt thấy sắc, mũi ngửi hương và truy tìm theo chúng, lưỡi tìm cầu vị ngon lạ và bị xoay chuyển bởi chúng, thân thích xúc chạm và bị ràng buộc bởi chúng, tâm ý bị ảnh hưởng bởi suy tưởng trói buộc chúng. Điều quan trọng là đừng đuổi theo chúng, nhưng người phàm phu không thể nào tránh khỏi việc theo đuổi nầy.
Kinh văn:
佛告阿難,汝必嫌此六結不成。願樂一成,復云何得。阿難言,此結若存。是非鋒起,於中自生。此結非彼彼結非此。如來,今日若總解除。結若不生則無彼此。尚不名一六云何成。佛言六解一亡亦復如是。
Phật cáo A-nan, ‘Nhữ tất hiềm thử lục kiết bất thành, cố nhạo nhất thành, phục vân hà đắc?
A-nan ngôn, ‘Thử kiết nhược tồn, thị phi phong khởi, ư trung tự sinh, thử kiết phi bỉ, bỉ kiết phi thử. Như Lai kim nhật tổng giải trừ. Kiết nhược bất sinh tắc vô bỉ thử. Thượng bất danh nhất, lục vân hà thành.
Phật ngôn, ‘Lục giải nhất vong, diệc phục như thị.”
Việt dịch:
Đức Phật bảo A-nan, ‘Ông chắc không muốn có sáu nút nầy, mà chỉ muốn thành một thể, việc ấy phải làm sao?’
A-nan thưa rằng, ‘Nếu còn những nút đó, thì điều thị phi sẽ nổi dậy, trong đó sẽ tự cho rằng nút nầy chẳng phải là nút kia, nút kia chẳng phải là nút nầy. Nhưng nay Như Lai giải trừ tất cả. Các nút đã không sinh ra thì không có bỉ thử. Đã không có một thì sáu làm sao thành? ’
Đức Phật bảo, ‘Nghĩa mở được sáu, một không còn cũng như vậy.’
Giảng giải:
Đức Phật bảo A-nan, ‘Ông chắc không muốn có sáu nút nầy. Ông chắc là không thích thành ra có sáu nút.’ Đức Phật nói với đệ tử, ‘Ông muốn mở sáu nút ra khiến chúng không còn nữa, mà chỉ muốn thành một thể. Ông muốn làm được chuyện ấy. Nhưng việc ấy phải làm sao?’
A-nan nghe Đức Phật hỏi và thưa rằng, ‘Nếu còn những nút đó, thì điều thị phi sẽ nổi dậy. A-nan thừa nhận, ‘Con muốn giải trừ sáu nút để chỉ còn một thể duy nhất, vì hễ còn sáu nút, thì vẫn còn những điều bàn tán thị phi về chúng.’ Lý do của sự tranh cãi là sự phân biệt giữa các nút ấy. Trong đó sẽ tự cho rằng nút nầy chẳng phải là nút kia, nút kia chẳng phải là nút nầy. Bên trong những nút nầy sẽ có những tranh cãi về nút nào là thật, nút nào chẳng thật. ‘Nút nầy,’ là nút thứ nhất, chẳng phải là nút thứ sáu; và ‘nút kia’ là nút thứ sáu, chẳng phải là nút thứ nhất. Sự phân biệt sinh khởi từ vấn đề cái nầy và cái kia.
Nhưng nay Như Lai giải trừ tất cả. Các nút đã không sinh ra thì không có bỉ thử. Không còn là nút thứ nhất, nút thứ nhì, nút thứ ba, nút thứ tư, nút thứ năm, nút thứ sáu. Đã không có một. Khi sáu nút đã được giải trừ sạch rồi thì một cũng chẳng còn. Thì sáu làm sao thành? ’
Đức Phật bảo, ‘Nghĩa mở được sáu, một không còn cũng như vậy.’
“Giỏi lắm,” Đức Phật bảo A-nan, “Ông nói điều ấy rất đúng. Nếu ông hiểu nguyên lý ấy, thì ông sẽ nhận ra rằng ‘mở được sáu, một không còn’; vì nó đồng một nghĩa. Nay ông đã rõ điểm nầy chưa?”
Kinh văn:
由汝無始心性狂亂。知見妄發,發妄不息,勞見發塵。
Do nhữ vô thuỷ tâm tánh cuồng loạn. Tri kiến vọng phát, phát vọng bất tức, lao kiến phát trần.
Việt dịch:
Do từ vô thuỷ, tâm ông điên loạn. Tri kiến vọng phát mãi mãi không dừng, làm cho tri kiến sinh mệt nhọc.
Giảng giải:
Do từ vô thuỷ, tâm ông điên loạn. Từ vô thuỷ kiếp đến nay, chân tâm thường trú tánh tịnh minh thể–chân tánh–của ông đã bị điên đảo. ‘Điên đảo’ ở đây là chỉ cho ‘sinh tướng vô minh, đó là từ câu sinh. Từ sinh tướng vô minh phát khởi lên tri thức phân biệt các hiện tượng, vốn cũng là tự câu sinh. ‘Điên đảo’ chỉ cho vô minh. Còn ‘loạn’ chỉ cho Tam tế đã đề cập ở trước. Đó là:
1. Nghiệp tướng
2. Năng kiến tướng 能見相.
3. Cảnh giới tướng 境界相.
Nghiệp tướng khiến cho phát sinh Năng kiến tướng, Năng kiến tướng lại làm sinh khởi Cảnh giới tướng . Điều nầy rất vi tế, tuy vậy, đó không phải là điều mà hàng phàm phu biện biệt được.
Một niệm bất giác sinh ra tam tế. Khi tam tế này đã phát khởi, thì liền có nút thứ nhất. Thời điểm mà Tri kiến vọng phát mãi mãi không dừng, là khi cảnh giới tướng làm duyên để tăng trưởng thành lục thô. Điều nầy cũng đã được giảng giải ở đoạn trước. Lục thô là:
1. Trí tướng: Trí nầy chỉ cho trí thế gian, tức thế trí biện thông. Nó bao gồm cả hiếu biết về lính vực khao học, kỹ thuật, các loại nghề nghiệp. Vì quý vị ‘phát khởi vọng kiến,’ nên sinh khởi nên Trí tướng, và phát sinh ra cái thứ hai trong Lục thô.
2. Tương tục tướng: Nó không bao giờ dừng. Trí tướng chính là nút thứ hai, và Tương tục tướng chính là nút thứ ba.
3. Chấp thủ tướng: Sinh khởi tính chấp trước.
4. Kế danh tự tướng .
5. Khởi nghiệp tướng (production of karma).
6. Nghiệp hệ khổ tướng ( karmic-bound suffering)
Kinh văn:
如勞目睛則有狂花於湛精明。無因亂起
Như lao mục tinh, tắc hữu cuồng hoa ư trạm tinh minh, vô nhân loạn khởi.
Việt dịch:
Như khi con mắt mỏi mệt thì thấy như có hoa đốm không có nguyên nhân gì, hỗn loạn khởi lên trong thể tánh sáng suốt rỗng lặng.
Giảng giải:
Như khi con mắt mỏi mệt thì thấy như có hoa đốm. Đoạn nầy giống như đoạn trước đã giảng, “Nhìn vào hư không một lúc lâu, sinh ra mỏi mệt.” Khi đã mỏi mệt, thấy những hoa đốm lăng xăng giữa hư không. Ở đây cũng vậy, không có nguyên nhân gì, hỗn loạn khởi lên trong thể tánh sáng suốt rỗng lặng.. Chẳng biết do nguyên nhân nào, chúng xuất hiện hỗn loạn trong tánh Như Lai tạng.
Kinh văn:
一切世間,山河大地,生死涅槃,皆即狂勞顛倒花相。
Nhất thiết thế gian, sơn hà đại địa, sinh tử niết-bàn, giai tức cuồng lao điên đảo hoa tướng.
Việt dịch:
Tất cả các tướng trong thế gian, núi sông đất liền, sinh tử niết-bàn, đều là tướng hoa đốm điên đảo, do bệnh mê lầm mà phát ra.
Giảng giải:
Không những chỉ có tướng tam tế và lục thô sinh khởi do vì mắt mỏi mệt vì nhìn lâu, đến nỗi nhìn thấy hoa đốm lăng xăng loạn khởi giữa hư không, mà tất cả các tướng trong thế gian–toàn thể vũ trụ pháp giới, có nghĩa là, không chỉ thế giới chúng ta đang sống, mà tất cả các cõi nước trong khắp mười phương hư không pháp giới–núi sông đất liền, sinh tử niết-bàn, đều là tướng hoa đốm điên đảo. Chúng hiện hữu đều do mắt nhìn lâu hoá ra mỏi mệt. Chúng đều là do bệnh mê lầm mà phát ra. Vốn chẳng có hoa gì cả trên hư không. Tất cả những thứ nầy đều là tướng điên đảo xuất hiện như là hoa. Thế nên Đức Phật muốn giảng bày nghĩa lý trong đoạn kinh nầy là: ‘Ông có biết pháp sinh khởi từ đâu không? Mọi hiện tượng đều sinh khởi từ vô minh của chúng sinh. Từ một niệm bất giác mà có tam tế. Và cảnh giới tướng làm nhân duyên cho lục thô sinh khởi.’
Kinh văn:
阿難言此勞同結云何解除。
A-nan ngôn, “Thử lao đồng kiết, vân hà giải trừ.?”
Việt dịch:
A-nan thưa, “Bệnh mê lầm nầy cũng giống như các nút thắt, làm sao để giải trừ?”
Giảng giải:
Nghe Đức Phật giải thích, A-nan thưa, “Bệnh mê lầm nầy cũng giống như các nút thắt. Bệnh mỏi mệt, nhặm mắt, do nhìn sững quá lâu, cũng giống như các nút thắt. Làm sao để giải trừ? Chúng con làm sao để cởi bỏ chúng đi? Làm sao để chúng con quay trở về lại với bản lai diện mục của mình? Làm sao để chúng con quay trở về lại với tánh Như Lai tạng?”
Kinh văn:
如來以手將所結巾。偏掣其左問阿難言。如是解不。不也世尊。旋復以手偏牽右邊。又問阿難如是解不。不也世尊。
Như Lai dĩ thủ tương sở kiết cân, thiên xiết kỳ tả, vấn A-nan ngôn. “Như thị giải phủ?.” “Phất dã, Thế tôn.” Tuyền phục dĩ thủ thiên khiên hữu biên. Hựu vấn A-nan, “ Như thị giải phủ?” “Phất dã, Thế tôn.”
Việt dịch:
Đức Phật dùng tay cầm cái khăn có nút, kéo mối bên trái, hỏi A-nan rằng, “Thế này có cởi được không?” A-nan đáp: “Bạch Thế tôn. Không.” Đức Phật dùng tay kéo riêng mối bên phải, rồi hỏi A-nan rằng, “Thế này có cởi được không?” A-nan đáp: “Bạch Thế tôn. Không.”
Giảng giải:
Đức Phật dùng ví dụ để khiến cho A-nan tự hiểu ra cách cởi các nút, vốn là giống như bệnh mỏi mắt do nhìn sững quá lâu.
Đức Phật dùng tay cầm cái khăn có nút, kéo mối bên trái. Đức Phật cầm chiếc khăn hoa quý báu kên rồi kéo nghiêng về phía bên trái. Lúc đó ngài hỏi A-nan rằng, “Thế này có cởi được không?” Cách nầy có mở các nút ra được không? A-nan thưa: “Bạch Thế tôn. Không.”
Rồi Đức Phật dùng tay kéo riêng mối bên phải, rồi hỏi A-nan rằng, “Thế này có cởi được không?” Cách nầy có cởi được các nút không? Các nút có mở ra được chăng? “Bạch Thế tôn. Không.” Nó chẳng bao giờ mở ra được. Nếu Như Lai cứ kéo chiếc khăn, thì chẳng thể nào mở ra được. A-nan trả lời.
Kinh văn:
佛告阿難吾今以手。左右各牽竟不能解。汝設方便云何成解?阿難白佛言世尊。當於結心解即分散。
Phật cáo A-nan, “Ngô kim dĩ thủ, tả hữu các khiên cánh bất năng giải. Nhữ thiết phương tiện vân hà thành giải?” A-nan bạch Phật ngôn, “ Thế tôn. Đương ư kiết tâm giải tức phân tán.”
Việt dịch:
Đức Phật bảo A-nan, nay Như Lai dùng tay kéo mối bên phải rồi bên trái, rốt cuộc vẫn không cởi được. Vậy ông dùng phương tiện nào mà mở ra được?
A-nan bạch Phật ngôn, “Bạch Thế tôn, ngài phải cởi từ chính giữa, các nút sẽ được mở ra.”
Giảng giải:
A-nan rất thông minh! Đức Phật không làm được, nhưng A-nan nghĩ ra được cách làm. Đức Phật bảo A-nan, nay Như Lai dùng tay kéo mối bên phải rồi bên trái, rốt cuộc vẫn không cởi được. Như Lai không thể nào mở ra được dù chỉ một nút. Vậy ông dùng phương tiện nào mà mở ra được? Ông hãy suy nghĩ cách thức. Dùng những phương tiện thiện xảo để tìm ra. Làm sao để mở được? Ông rất thông minh. A-nan. Chắc chắn ông sẽ tìm ra được phương pháp.
A-nan bạch Phật ngôn, “Bạch Thế tôn, ngài phải cởi từ chính giữa, các nút sẽ được mở ra.” Nếu Như Lai chỉ kéo chiếc khăn sang bên trái rồi bên phải, thì không thể nào mở nút ra được. Điều cần làm là mở ngat từ trung tâm chiếc khăn. Một khi đã cởi được, các nút sẽ mở ra.”
Kinh văn:
佛告阿難如是如是。若欲除結,當於結心。
Phật cáo A-nan, “Như thị, như thị. Nhược dục trừ kiết, đương ư kiết tâm”.
Việt dịch:
Đức Phật bảo A-nan, “Đúng vậy, đúng vậy. Nếu ông muốn mở nút, ông phải mở từ chính giữa.”
Giảng giải:
Câu trả lời của Đức Phật là, “A-nan, ông thật thông minh. Phải không? Đúng vậy, đúng vậy. Đó là những gì ông hiểu được. Ông đã nhận ra. Như Lai chưa nghĩ ra là ông sẽ làm việc ấy bằng cách nào, và ông đã tìm ra được phương pháp kỳ diệu nầy!” Đức Phật thể hiện sự tán thành của mình. “Đúng như vậy. Nay Như Lai đã rõ. Nếu ông muốn mở nút, ông phải mở từ chính giữa. Bởi vậy, ông không những chỉ học giỏi, mà ông rất thông minh.”
Kinh văn:
阿難我說佛法從因緣生。非取世間和合麤相。如來發明世出世法。知其本因隨所緣出。
A-nan ngã thuyết Phật pháp tòng nhân duyên sinh, phi thủ thế gian hòa hiệp thô tướng. Như Lai phát minh thế xuất thế pháp, tri kỳ bổn nhân tuỳ sở duyên xuất.
Việt dịch:
A-nan, Như Lai nói Phật pháp do nhân duyên sinh, chẳng phải là căn cứ vào những tướng hoà hiệp thô trọng của thế gian. Như Lai nhận ra các tướng thế gian và xuất thế gian, biết rõ bản nhân của chúng do nhân duyên gì mà phát sinh ra.
Giảng giải:
A-nan, Như Lai nói Phật pháp do nhân duyên sinh, chẳng phải là căn cứ vào những tướng hoà hiệp thô trọng của thế gian. Chẳng phải là Như Lai y cứ vào những tướng thô phù trên thế gian mà mọi người đều thấy. Như Lai nhận ra các tướng thế gian và xuất thế gian. “Tướng thế gian” là chỉ cho các pháp nhiễm và tịnh trong lục đạo luân hồi sinh tử. “Pháp xuất thế gian” là chỉ cho các pháp thanh tịnh trong cảnh giới của của bốn thánh quả A-la-hán. Như Lai biết rõ bản nhân của chúng do nhân duyên gì mà phát sinh ra. Như Lai biết rõ nguồn gốc xuất phát sinh của các pháp nầy và cách mà chúng hoà hiệp với các nhân duyên.”
Kinh văn:
如是乃至恒沙界外,一滴之雨亦知頭數。現前種種松直棘曲,鵠白鳥玄皆了元由。
Như thị nãi chí hằng sa giới ngoại nhất trích chi vũ, diệc tri đầu số. Hiện tiền chủng chủng tùng trực cức khúc, hộc bạch điểu huyền, giai liễu nguyên do.
Việt dịch:
Như thế cho đến một giọt mưa ngoài hằng sa thế giới, (Như Lai) cũng đều biết số mục. Cũng như nay trước mắt ông, các thứ cây tùng thẳng, cây gai cong, chim hộc trắng, chim quạ đen, (Như Lai) đều biết nguyên do.
Giảng giải:
Như thế–Như Lai biết nhân duyên gì khiến các hiện tượng phát sinh–cho đến một giọt mưa ngoài hằng sa thế giới, (Như Lai) cũng đều biết số mục. Như Lai biết rõ các nhân duyên gì ở trong tận cùng các thế giới xa xăm và các thế giới khác. Chẳng có hiện tượng nào trong các thế giới đó mà Như Lai không biết, kể cả các thế giới ở ngoài các thế giới nầy, Như Lai đều biết rõ từng giọt mưa rơi xuống. Kinh Kim Cang có nói:
“Như Lai hoàn toàn thấy biết được mọi tâm niệm của chúng sinh.”
Bất luận là các chúng sinh thuộc cõi giới loài người hay cõi giới khác, bất kỳ niệm tưởng nào sinh khởi trong chúng, Như Lai đều biết rõ. Cũng như nay trước mắt ông. Ông không thể nào thấy được các hiện tượng ở các cõi nước khác cách xa đây nhiều như số cát sông Hằng, như những vật đang hiện hữu trước mắt ông bây giờ, các thứ cây tùng thẳng, cây gai cong, chim hộc trắng, chim quạ đen, (Như Lai) đều biết nguyên do.
Kinh văn:
是故阿難隨汝心中選擇六根。根結若除塵相自滅。諸妄銷亡,不真何待?
Thị cố A-nan tuỳ nhữ tâm trung tuyển trạch lục căn, căn kiết nhược trừ, trần tướng tự diệt. Chư vọng tiêu vong, bất chân hà đãi.
Việt dịch:
Vậy nên A-nan, tuỳ tâm ông lựa chọn trong sáu căn, nếu trừ được nút thắt trong căn ấy rồi, thì trần tướng tự diệt. Các vọng đã tiêu, đó chẳng phải chân thì là gì?
Giảng giải:
Vậy nên–do mọi điều Đức Phật đều biết được, như ngài vừa giải thích–tuỳ tâm ông lựa chọn trong sáu căn. Tự ông chọn một một căn nào đó trong sáu căn mà ông thích, ông có nhớ công đức của từng căn mà Như Lai đã giải thích không? Căn nào có đủ 1200 công đức, căn nào không? Căn cứ vào đó, ông có thể chọn ra căn nào hợp với mình. Khi ông đã chọn được một căn, nếu trừ được nút thắt trong căn ấy rồi, thì trần tướng tự diệt. Ông áp dụng phương pháp tu tập của mình đối với bất kỳ căn naò đã được chọn ra, cho đến khi căn, nút thắt và trần cảnh đều tiêu sạch. Các vọng đã tiêu. Lúc ấy, các vọng tưởng–suy nghĩ dựa trên sinh diệt–mọi sự phân biệt đều tiêu vong.
“Điều gì sẽ xảy ra?” Quý vị sẽ tự hỏi. “Chúng ta sẽ làm gì khi mọi vọng tưởng của mình tiêu mất?” Đó chẳng phải chân thì là gì? Nếu lúc nầy quý vị chẳng phải chân thì đó là cái gì? Tất cả những gì còn lại đều là chân. Khi cái vọng không còn, thì tất cả còn lại đều là chân. Trừ bỏ mọi niệm tưởng vướng mắc vào các duyên, thì bản tánh chân như thanh tịnh vi diệu sẽ hiện tiền, bản lại diện mục, tánh Như Lai tạng sẽ hiển lộ.
Đến đoạn kinh này, quý vị đặc biệt phải chú tâm nhiều hơn. Quý vị nên phát huy công phu của mình vào một trong sáu căn. Căn nào? Bất kỳ căn nào cũng được: mắt tai mũi lưỡi thân ý–quý vị đều có thể áp dụng công phu tu tập của mình vào đó. Cửa vào của mỗi sáu căn đều là lối để nhập đạo. Mỗi sáu căn đều là một phần của tánh Như Lai tạng. Việc cần phải làm đối với quý vị là bắt tay vào, để tâm trong công phu tu tập, và quý vị sẽ thể nhập với bản thể của tánh Như Lai tạng.
Kinh văn:
阿難吾今問汝。此劫波羅巾六結現前。同時解縈得同除不。不也世尊。是結本以次第綰生。今日當須次第而解。六結同體結不同時。則結解時云何同除。
A-nan ngô kim vấn nhữ. Thử kiếp-ba-la cân lục kiết hiện tiền, đồng thời giải oanh, đắc trừ đồng trừ phủ? Phất dã Thế tôn. Thị kiết bổn dĩ thứ đệ quán sanh. Kim nhật đương tu thứ đệ nhi giải. Lục kiết đồng thể, kiết bất đồng thời, tắc kiết giải thời vân hà đồng trừ?
Việt dịch:
A-nan, nay Như Lai hỏi ông, “Cái khăn hoa nầy hiện có sáu nút, nếu đồng thời cởi ra, thì có thể cùng lúc trừ hết được chăng?”
“Bạch Thế tôn. Không. Những nút nầy khi cột lại, vốn có thứ tự. Nay cũng phải theo thứ lớp mà mở. Sáu nút tuy đồng một thể, nhưng cột lại không đồng thời, thì khi mở nút, làm sao cùng một lúc mà mở hết được?”
Giảng giải;
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói: “A-nan, nay Như Lai hỏi ông, “Cái khăn hoa nầy hiện có sáu nút, nếu đồng thời cởi ra, thì có thể cùng lúc trừ hết được chăng? Chiếc khăn từ cung trời Tu-dạ-ma nầy có sáu nút như mọi người đã thấy. Có thể nào sáu nút nầy được mở ra cùng một lúc chăng? ”
“Bạch Thế tôn. Không.” A-nan trả lời. “Tại sao lại không? Những nút nầy khi cột lại, vốn có thứ tự. Chúng được thắt lại theo thứ lớp. Nay cũng phải theo thứ lớp mà mở. Nay chúng cũng phải theo thứ lớp mà mở. Sáu nút tuy đồng một thể, nhưng cột lại không đồng thời. Dù sáu nút đều được thắt trên cùng một chiếc khăn, nhưng các nút thì không được cột lại cùng một lúc, thì khi mở nút, làm sao cùng một lúc mà mở hết được? Nó phải được mở ra theo từng nút.”
Kinh văn:
佛言,六根解除亦復如是。此根初解先得人空。空性圓明,成法解脫。解脫法已俱空不生。
Phật ngôn, “Lục căn giải trừ diệc phục như thị. Thử căn sơ giải, tiên đắc nhân không. Không tính viên minh thành pháp giải thoát. Giải thoát pháp dĩ, câu không bất sinh.
Việt dịch:
Đức Phật dạy rằng, “Việc giải trừ các nút nơi sáu căn cũng như vậy. Khi các căn bắt đầu được mở, trước hết sẽ được nhân không. Đến khi tánh không viên mãn sáng suốt, thì giải thoát được pháp chấp. Pháp chấp được giải thoát rồi, thì cả nhân không lẫn pháp không đều chẳng sanh khởi.”
Giảng giải:
Đức Phật dạy rằng, “Việc giải trừ các nút nơi sáu căn cũng như vậy. Đạo lý của việc nầy cũng giống như việc mở ra các nút. Ông phải mở nút từng căn một, ông không thể nào cùng một lúc mở cả sáu căn. Khi các căn bắt đầu được mở–có nghĩa là căn mà ông đã chon để tu tập viên thông–trước hết sẽ được nhân không.” Khi đạt được nhân không, là không còn chấp ngã nữa. Có hai loại ngã chấp:
1. Câu sanh ngã chấp.
2. Phân biệt ngã chấp.
Đến lúc nầy, cả hai thứ ngã chấp nầy đều không còn.
Đến khi tánh không viên mãn sáng suốt–khi đã thể hội nhân không thật viên mãn–thì giải thoát được pháp chấp. Khi nhận ra thể tánh các pháp đều là không thì thoát khỏi hai cái chấp về pháp:
1. Câu sanh pháp chấp.
2. Phân biệt pháp chấp.
Pháp chấp được giải thoát rồi, thì cả nhân không lẫn pháp không đều không sanh khởi. Khi đã giải thoát được khỏi pháp chấp, thì không còn hai thứ nhân không và pháp không nữa. Hai thứ không nầy chẳng còn sinh khởi nữa.
Diêm-phù-đàn 閻浮檀 (s: jambūdana-suvarṇa). Hán dịch là Lưu kim diêm phù 流金閻浮. Do chữ Jambū: diêm-phù, có nghĩa là dòng sông chảy qua rừng cây; Dana 檀 đàn: là sinh ra loại vàng quý Thắng kim. Ở giữa núi Hương tuý (s: Gandhamadana) và dãy Hy-mã-lạp-sơn có sông chảy qua rừng cây Diêm phù, vàng phát ra từ sông này gọi là Diêm-phù-đàn kim. Theo thần thoại Ấn Độ, sông Diêm-phù là một trong 7 nhánh của sông Hằng, sông này không có thật, nên Diêm-phù-đàn kim và Diêm-phù đại thọ là những vật tưởng tượng cho thuyết Tu-di bốn châu.
Động là sự chuyển động của trái đất giống như một cơn động đất vậy. Dõng là đột nhiên bị rung động, khiến cho lòng đất phóng vọt lên giống như nước phun lên từ dòng suối.
Khởi là sự chấn động dữ dội trên mặt đất. Đôi khi trái đất có thể bị chấn động dữ dội trồi lên thành chỗ cao hoặc chìm sâu xuống chỗ thấp. Hiện nay trái đất của chúng ta đang ở giữa thời kỳ biến chuyển của sáu loại chấn động. Ba loại khác là thanh chấn động: gọi là chấn, hống và kích. Chấn không giống như động mà chỉ là một dạng rung nhẹ của quả đất. Khi dạng chấn động này xảy ra, thì mặt đất bị nứt nẻ ra từng mảng và thường làm nhà cửa sụp đổ. Hống là khi từ trong lòng đất phát ra những âm thanh mà thế gian chưa từng nghe. Kích là âm thanh vang ra khi mặt đất bị tách ra thành từng mảnh và hai phần của khối nứt va chạm vào nhau.
Nguyên văn: 入聖人之法界流, 逆凡夫之生死流 Nhập thánh nhân chi pháp giới lưu, Nghịch phàm phu chi sinh tử lưu.
Xin xem Kinh Thủ-lăng-nghiêm quyển 4... 佛言,汝稱覺明,為復性明,稱名為覺;為覺不明,稱為明覺? Phật ngôn, nhữ xưng giác minh, vi phục tánh minh, xưng danh vi giác; vi giác bất minh xưng vi minh giác?
Và: 性覺必明,妄為明覺。 Tánh giác tất minh, vọng vi minh giác.
[0750a06] ...若是經典所在之處。則為有佛若尊重弟子 。
Nhược thị kinh điển sở tại chi xứ, tắc vi hữu Phật nhược tôn trọng đệ tử.
(s: Geya; p: Geyya): Dịch là Trùng tụng 重頌 hay Ứng tụng 應頌. Lối văn trùng thuật lại những ý nghĩa của văn Trường hàng. Nó thường dùng bốn câu làm một bài, trong đó có khi bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, tám chữ. 3.Già-đà (Gāthā): Dịch là Phúng tụng 諷頌 hay Cô khởi 孤起. Loại Kinh viết bằng thể kệ tụng và mỗi kệ tụng có bốn câu. Loại này không phải như loại Kỳ dạ dùng để trùng tụng lại Trường hàng, mà chính nó hình thành từng bài kệ riêng.
...阿難, 即彼目精, 瞪 發勞者。兼目與勞, 同是菩提。A-nan, tức bỉ mục tinh, trừng phát lao giả. Kiêm mục dữ lao, đồng thị bồ đề.
Và ... 瞪發勞相, 因于明暗 二種妄塵, 發見居中。吸此塵象名為見性。
Trừng phát lao tướng, nhân vu minh ám nhị chủng vọng trần, phát kiến cư trung, hấp thử trần tượng, danh vi kiến tánh.
Theo Kinh Kim Cang: Nhĩ sở quốc độ trung, sở hữu chúng sinh, nhược can chủng tâm, Như Lai tất tri.
[0751b13] ... 所國土中,所有眾生若干種心,如來悉知。