Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
Kinh Thủ Lăng Nghiêm Giảng Giải Tập 6 (tiếp theo 1)
Tải về xem

H.T Tuyên Hoá giảng

Kinh văn:

空生大覺中

如海一漚發
 有漏微塵國

從空所生
 漚滅空本無

況復諸三有
Không sanh đại giác trung

Như hải nhất âu phát

Hữu lậu vi trần quốc

Giai tòng không sở sanh

Âu diệt không bổn vô

Huống phục chư tam hữu.

Việt dịch

Hư không sanh trong Đại giác

Như một bọt nước nổi lên giữa biển

Cõi nước hữu lậu như vi trần

Đều nương hư không mà phát sanh.

Bọt nước tan, hư không vốn chẳng còn

Huống nữa là sự hiện hữu trong ba cõi.

Giảng giải:

Dòng đầu tiên trong bài kệ nầy là:

Giác hải tánh trừng viên

Viên trừng giác nguyên diệu.

Tính viên mãn của cội nguồn bồ-đề thanh tịnh là vô cùng vi diệu. Nay bài kệ nói đến Hư không sanh trong Đại giác. Chúng ta đều biết sự hiện hữu của hư không, nhưng có biết hư không từ đâu mà có chăng? Tôi tin rằng chẳng có ai biết. Vì hư không quá rộng lớn. Không thể nào biết được giới hạn của hư không hay cội nguồn của nó. Ai là mẹ của hư không?. Chẳng có ai biết. Nhưng nay Kinh Thủ-lăng-nghiêm chỉ ra cội nguồn của nó. Hư không sinh ra từ tánh của đại giác ngộ. Và thế nên trong khoảng đó, nó cực kỳ vi tế. Nó lớn chăng? Nó như một bọt nước nổi lên giữa biển–như những bọt bong bóng giữa dại dương.

Cõi nước hữu lậu như vi trần

Đều nương hư không mà phát sanh.

 

Có ba thứ lậu:

1.                     Dục lậu.

2.                     Hữu lậu.

3.                     Vô minh lậu.

Vô số cõi nước hữu lậu đều phát sinh từ hư không. Hư không phát sinh từ đại giác, và quốc độ phát sinh từ hư không,

Bọt nước tan, hư không vốn chẳng còn

Giống như bọt nước tan trong biển, hư không cũng biến mất trong đại giác. Huống nữa là sự hiện hữu trong ba cõi.

 Kinh văn:

歸元性無二

方便有多門
 聖性無不通

順逆皆方便
 初心入三昧

遲速不同倫

Quy nguyên tánh vô nhị

Phương tiện hữu đa môn

Thánh tánh vô bất thông

Thuận nghịch giai phương tiện

Sơ tâm nhập tam muội

Trì tốc bất đồng luân.

Việt dịch

Về nguồn, tánh không hai

Phương tiện có nhiều đường

Tánh giác vốn dung thông

Thuận nghịch là phương tiện

Sơ tâm vào tam muội

Mau chậm chẳng đồng nhau.

Trong bài kệ, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói rằng hư không giống như bọt nổi trong biển giác ngộ, và các cõi nước sinh ra trong hư không đó cũng cực kỳ vi tế. Nếu hư không biến mất, thì mọi cõi nước, núi sông đất liền và mọi chúng sinh và các loài hữu tình khí thế gian đều cũng biến mất.

Về nguồn, tánh không hai.

“Về nguồn” có nghĩa là thành tựu Phật quả. Chỉ có một nơi để trở về, đó là bản quán của quý vị. Thế gian mà chúng ta đang sinh sống đây không phải là ngôi nhà bản tánh của mình. Quý vị liền phản đối, “Tôi có nhà!” Nhưng ngôi nhà đó không phải là ngôi nhà chân thực của quý vị. Thành Phật là nhận ra ngôi nhà chân thực của mình. Trước khi thành Phật, quý vị là người đi lang thang từ khách sạn nầy sang khách sạn khác. Quý vị là người luôn luôn di chuyển.

Phương tiện có nhiều đường

Còn ‘phương tiện’ có nghĩa là còn bị vướng mắc. Chẳng hạn, có lần đứa trẻ đang bò đến gần một miệng giếng trên mặt đất. Nếu đứa trẻ tiếp tục bò, nó sẽ rơi xuống giếng. Đức Phật thấy vậy, nhưng ngài biết rằng nếu gọi đứa trẻ hãy quay trở lại, nó chẳng nghe lời mà còn cố bò về phía trước. Thế nên ngài nắm bàn tay lại, đưa lên cao, rồi gọi, “Này con! Hãy trở lại! Ta sẽ cho con kẹo. Con thích kẹo không?” Khi đứa trẻ nghe có kẹo, nó liền quay trở lại. Vốn chẳng có kẹo trong tay Đức Phật. Nhưng Đức Phật nói dối chăng? Không. Đó là một ví dụ của pháp phương tiện. Đức Phật đã dùng ‘bàn tay không để cứu đứa bé’ vì lúc đó chẳng còn cách gì khác. Pháp môn phương tiện rất nhiều. Nói chung, bất kỳ phương pháp nào mà quý vị dùng để cứu người thì đó gọi là pháp phương tiện.

Tánh giác vốn dung thông

Thuận nghịch là phương tiện

Khi quý vị đã chứng được pháp tánh của một bậc thánh, thì chẳng có điều gì mà quý vị không hiểu. Cái gì thuận cũng là phương tiện và cái gì nghịch cũng là phương tiện. Điều gì hợp với năng lực và hoàn cảnh, thì quý vị có thể vận dụng vào việc tu tập. Cái gì là ‘nghịch’–là điều không thích hợp với hoàn cảnh của mình mà vẫn được ứng dụng trong tu tập. Cả điều thuận và nghịch trong công phu tu tập của mình đều là pháp phương tiện.

Sơ tâm vào tam muội

Mau chậm chẳng đồng nhau.

Có người tu tập rất nhanh, có người chậm. Thế nên họ không thể xem như đồng một dạng được.

 Kinh văn:

色想結成塵

精了不能徹

如何不明徹

於是獲圓通

Sắc tưởng kết thành trần

Tinh liễu bất năng triệt

Như hà bất minh triệt

Ư thị hoạch viên thông

Việt dịch:

Sắc và vọng tưởng kết lại thành ‘trần.’

Thể tính của nó không thể thông suốt được

Làm sao từ chỗ không thông suốt ấy

Mà mong được tính viên thông?

Sắc được hình thành từ vọng tưởng. Sắc và vọng tưởng kết hợp lại với nhau thành ‘trần.’ Chính là sắc trần. Thể tính của nó không thể thông suốt được. Không rõ ràng và có thể nhận biết được.

Làm sao từ chỗ không thông suốt ấy

Mà mong được tính viên thông?

Có thể nào quý vị mong chứng được viên thông với một phương pháp chẳng rõ ràng và toàn triệt? Điều ấy không thể. Bài kệ cho biết rằng dùng sắc trần để tu tập viên thông vốn chẳng phải là phương pháp hay nhất. Có người có thể chứng quả thông qua phương pháp nầy, nhưng chỉ vì họ có những nhân duyên đặc biệt với pháp môn đặc thù đó. Đó chẳng phải là điều mà mọi người có thể tu tập được.

 Kinh văn:

音聲雜語言

但伊名句味

 一非含一切

     云何獲圓通

Âm thinh tạp ngữ ngôn

Đãn y danh cú vị

Nhất phi hàm nhất thiết

Vân hà hoạch viên thông?

Việt dịch:

Thanh âm kết hợp ngữ ngôn,

Chỉ nương theo câu chữ

Nếu cái một đã không bao hàm tất cả

Làm sao để tu chứng viên thông?

Giảng giải:

Có người chứng đạo nhờ phương tiện là thanh trần. Tuy nhiên,

Thanh âm kết hợp ngữ ngôn,

Chỉ nương theo câu chữ

Nếu cái một đã không bao hàm tất cả

Không có một lời nào, một danh hiệu nào, một câu nói nào có thể nói hết về mọi điều. Thì

Làm sao để tu chứng viên thông?

Nên không thể nào chọn thanh trần như là phương pháp để tu chứng viên thông.

 

Kinh văn:

香以合中知

離則元無有

不恒其所覺

    云何獲圓通

Hương dĩ hợp trung tri

Ly tắc nguyên vô hữu

Bất hằng kỳ sở giác

Vân hà hoạch viên thông?

Việt dịch

Lúc hoà hợp, hương mới thành tác dụng;

Nếu rời ra, hương vốn chẳng có.

Sở giác đã không tương tục hiện hữu,

Khó mà tu chứng được viên thông?

Giảng giải:

Hương Nghiêm Đồng tử chứng đạo nhờ vào hương trần. Nhưng Lúc hoà hợp, hương mới thành tác dụng. Mũi phải hít vào mùi hương thì nó mới biết được có mùi hương. Nếu rời ra, hương vốn chẳng có. Hương chẳng hiện hữu.

Sở giác (cái nhận biết về mùi hương) đã không tương tục hiện hữu,

Khó mà tu chứng được viên thông.

Vì bản chất của hương là chẳng thường hằng chẳng biến dị, nên ta không luôn luôn có được cái nhận biết về nó, và vì thế nên hương trần không được xem như là phương pháp hay nhất để tu chứng viên thông.

 Kinh văn:

味性非本然

要以味時有

其覺不恒一

   云何獲圓通 

Vị tánh phi bản nhiên

Yếu dĩ vị thời hữu

Kỳ giác bất hằng nhất

Vân hà hoạch viên thông?

Việt dịch

Vị, không phải đương nhiên tự có,

Phải nếm mới biết có vị.

Với vị giác cũng không tương tục.

Làm sao tu chứng được viên thông?

Giảng giải:

Dù có những người đã chứng ngộ nhờ vào vị trần, nhưng vị không phải đương nhiên tự có. Tánh của vị không phải là tự tánh viên mãn. Do Phải nếm mới biết có vị. Vị chỉ hiện hữu khi nào có thứ gì đó có hương vị thì vị trần mới hiện hữu.

Với vị giác cũng không tương tục.

Làm sao tu chứng được viên thông?

Tánh biết của vị không phải là lúc nào cũng hiện hữu. Do vậy, không cho phương pháp nầy như là pháp môn để tu tập viên thông.

 Kinh văn:

觸以所觸明

無所不明觸
 合離性非定

   云何獲圓通

Xúc dĩ sở xúc minh

Vô sở bất minh xúc

Hợp ly tánh phi định

Vân hà hoạch viên thông?

Việt dịch:

Xúc, có vật chạm mới biết,

Nếu không vật chạm, xúc không thành.

Lúc hợp, lúc ly, tánh bất định.

Làm sao tu chứng được viên thông?

Giảng giải:

Xúc, có vật chạm mới biết,

Dù có người ngộ đạo nhờ vào tu tập xúc trần. Nhưng xúc chỉ có được khi có vật xúc chạm.

Nếu không vật chạm, xúc không thành.

Cách duy nhất để có thể cảm nhận được sự xúc chạm là có ai đó tạo sự xúc chạm với một vật nào đó.

Lúc hợp, lúc ly, tánh bất định.

Làm sao tu chứng được viên thông?

 Do vậy, xúc trần cũng không được dùng như một phương pháp để tu chứng viên thông.

 Kinh văn:

法稱為內塵

憑塵必有所

能所非遍涉

云何獲圓通

Pháp xưng vi nội trần

Bằng trần tất hữu sở

Năng sở phi biến thiệp

Vân hà hoạch viên thông?

 

Việt dịch:

Pháp còn gọi là nội trần.

Nương theo trần, tất có ‘sở’.

Năng sở chẳng biến nhập thành một

Làm sao mà tu chứng viên thông?

Giảng giải:

Ngài Ma-ha Ca-diếp tu tập ý căn thông qua pháp trần, và ngài đã chứng được Diệt thọ tưởng định.

Pháp còn gọi là nội trần.

Pháp trần là dối tượng của ý căn.

Nương theo trần, tất có ‘sở’.  (giác quan)

Vì nó là trần cảnh, nên chúng phải có một nơi chốn. Vì nó có nơi chốn, nên nó không thể ở trong mức độ ‘không nhưng chẳng không.’

Năng sở chẳng biến nhập thành một. Tính giao thiệp, tương nhập của chủ thể và đối tượng (năng/sở) chưa được toàn triệt, chưa toàn diện.

Làm sao mà tu chứng viên thông?

 Kinh văn:

見性雖洞然

明前不明後

四維虧一半

云何獲圓通

Kiến tánh tuy đỗng nhiên

Minh tiền bất minh hậu

Tứ duy khuy nhất bán

Vân hà hoạch viên thông?

Việt dịch:

Tánh thấy vốn rỗng rang bao quát

Nhưng chỉ thấy được phía trước chẳng thấy được phía sau;

Bốn phía, thiếu đi một nửa,

Làm sao mà tu chứng viên thông?

Giảng giải:

 Tánh thấy vốn rỗng rang bao quát. Mắt có thể thấy rõ ràng thông suốt. Nhưng chỉ thấy được phía trước chẳng thấy được phía sau. Nếu mắt nhìn phía trước, thì chẳng thấy được phía sau. Nếu nhìn bên phải, thì chẳng thấy được bên trái. Bốn phía, thiếu đi một nửa. Chỉ có thể cùng lúc nhìn thấy được hai trong bốn phía.

Làm sao mà tu chứng viên thông?

Nên đó không phải là phương pháp chọn ra để tu chứng viên thông.

 

 Kinh văn:

鼻息出入通

現前無交氣

支離匪涉入

云何獲圓通

Tỵ tức xuất nhập thông

Hiện tiền vô giao khí

Chi ly phỉ thiệp nhập

Vân hà hoạch viên thông?

Việt dịch:

Mũi thở ra thở vào,

Khoảng giữa, hiện không có thở;

Không dung thông, còn cách trở,

Làm sao tu chứng viên thông?

Giảng giải:

Mũi thở ra thở vào,

Bài kệ nầy luận về tỷ căn. Khoảng giữa, hiện không có thở. Có khi nín thở. Hơi thở được dừng lại.

Không dung thông, còn cách trở. Tình trạng nầy là một sự khiếm khuyết và khiến cho tỵ căn cũng không thích hợp. Nó không hoàn toàn viên mãn. Làm sao tu chứng viên thông? Do vậy, nó không thể được chọn làm phương pháp để tu chứng viên thông.

 Kinh văn:

舌非入無端

因味生覺了

味亡了無有

云何獲圓通

Thiệt phi nhập vô đoan

Nhơn vị sanh giác liễu

Vị vong liễu vô hữu

Vân hà hoạch viên thông?

Việt dịch:

Lưỡi không vị, tánh nếm không thành.

Nhân các vị, mới có hay biết.

Không có vị, rốt ráo chẳng có gì.

Làm sao mà tu chứng viên thông.

Giảng giải:

Lưỡi không vị, tánh nếm không thành. Vị phải tiếp xúc với lưỡi (thiệt căn) thì mới có được vị giác đó. Nếu không có vị, thì chẳng biết được gì cả. Nhân các vị, mới có hay biết. Có trải nghiệm được cái hay biết là nhờ vị trần. Không có vị, rốt ráo chẳng có gì.

Làm sao mà tu chứng viên thông.

Quý vị không thể nào dùng phương pháp nầy mà tu chứng được viên thông.

 Kinh văn:

身與所觸同

各非圓覺觀
 涯量不冥會

云何獲圓通

Thân dữ sở xúc đồng

Các phi viên giác quán

Nhai lượng bất minh hội

Vân hà hoạch viên thông?

Việt dịch:

Thân biết xúc cùng với cảnh sở xúc (đối tượng) giống nhau

Cả hai đều có giới hạn, không cùng khắp.

Nếu không xác định và nhận ra được tính không hạn lượng.

Thì làm sao mà tu chứng viên thông?

Giảng giải:

Thân biết xúc cùng với cảnh sở xúc (đối tượng) giống nhau

Phương pháp dùng thân căn (để tu tập) cũng giống như xúc trần. Cả hai đều có giới hạn, không cùng khắp.

Tánh biết của chúng chưa được hoàn toàn.

Nếu không xác định và nhận ra được tính không hạn lượng.

 Thì làm sao mà tu chứng viên thông?

Nó được đánh giá bằng sự hạn và số lượng, và đó là mối quan hệ không thể thấy được giữa xúc trần, do vậy, nó không được chọn là pháp tu viên thông hay nhất.

 Kinh văn:

知根雜亂思

湛了終無見

想念不可脫

云何獲圓通

Tri căn tạp loạn tư

Trạm liễu chung vô kiến

Tưởng niệm bất khả thóat

Vân hà hoạch viên thông?

Việt dịch:

Ý căn thường xen với loạn tưởng.

Khi dừng lặng thì chẳng thấy biết gì.

Nếu không thóat được các niệm tưởng.

Làm sao mà tu chứng viên thông?

 Giảng giải:

Ý căn thường xen với loạn tưởng. Cái mà tâm ý biết được chính là pháp trần, là một hỗn hợp gồm các loạn tưởng.

Khi dừng lặng thì chẳng thấy biết gì.

Nếu không thóat được các niệm tưởng.

Làm sao mà tu chứng viên thông?

Nó chẳng bao giờ đạt đến được cái gọi là trạm tịch, cũng chẳng bao giờ đạt đến chỗ rốt ráo, vì con người không bao giờ có thể vượt qua được khi niệm tưởng–vọng tưởng và sóng thức–vẫn còn tồn tại. Làm sao mà những yếu tố nầy có thể dẫn đến viên thông?

 Kinh văn:

識見雜三和

詰本稱非相

自體先無定

云何獲圓通

Thức kiến tạp tam hoà

Cật bổn xưng phi tướng

Tự thể tiên vô định

Vân hà hoạch viên thông?

Việt dịch:

Nhãn thức phát khởi nhờ căn trần.

Gạn xét tột cùng nó không tự tướng

Tự thể vốn đã không nhất định

Làm sao mà tu chứng viên thông?

Giảng giải:

Nhãn thức phát khởi nhờ căn trần.

Đoạn kệ tụng nầy đề cập đến các thức, vốn là sự kết hợp của sáu căn bên trong và sáu trần bên ngoài. Sáu căn có tính biết, trong khi sáu trần thì không. Do vậy, sáu thức có một nửa biết và một nửa không biết. Ba thành phần nầy kết hợp với nhau để thành ra thức. Gạn xét tột cùng nó không tự tướng. Thức không có tự tướng.

Tự thể vốn đã không nhất định

Làm sao mà tu chứng viên thông?

Vì chính các thức đã là trong trạng thái biến chuyển liên tục. Làm sao có thể dùng nó để mà tu tập viên thông? Thế nên nhãn thức cũng không được chọn.

 Kinh văn:

心聞洞十方

生于大因力

初心不能入

云何獲圓通

Tâm văn đỗng thập phương

Sanh vu đại nhân lực

Sơ tâm bất năng nhập

Vân hà hoạch viên thông?

Việt dịch:

Tâm nghe, thấu suốt cả mười phương

Là do lực của đại nhân duyên

Hàng sơ tâm không thể đến chỗ ấy

Làm sao mà tu chứng viên thông?

Giảng giải:

Tâm nghe, thấu suốt cả mười phương. Pháp môn mà Bồ-tát Phổ Hiền tu tập đó là nhĩ thức. Nhưng tánh nghe chỉ rộng khắp khi do lực của đại nhân duyên.

Pháp môn nầy đòi hỏi phải có năng lực từ một nhân duyên rất thù thắng. Chỉ có như vậy mới tu tập được pháp môn nầy. Hàng sơ tâm không thể đến chỗ ấy. Chúng sinh vừa mới phát tâm tu tập Bồ-tát đạo sẽ không thích hợp với pháp môn nầy. Do hàng sơ phát tâm không thể tu tập pháp môn nầy, nên Làm sao mà tu chứng viên thông. Pháp môn nầy cũng không được chọn.

 Kinh văn:

鼻想本權機

秖令攝心住
 住成心所住

云何獲圓通

Tỵ tưởng bổn quyền cơ

Kỳ linh nhiếp tâm trụ

Trụ thành tâm sở trụ

Vân hà hoạch viên thông?

Việt dịch:

Quán chóp mũi đó chỉ là quyền phương tiện,

Nhằm thu nhiếp, an trụ tâm.

Nếu đối tượng quán sát trở thành "sở trụ"

Làm sao mà tu chứng viên thông?

Giảng giải:

Quán chóp mũi đó chỉ là quyền phương tiện. Tôn-đà-la Nan-đà (Sundarananda) tu tập pháp quán tướng trắng trên chóp mũi. Tu pháp môn nầy liên quan đến tưởng, thế nên đó là một phương tiện khéo léo. Nhằm thu nhiếp, an trụ tâm. Phương pháp đó là để giúp cho tâm được an trụ.

Nếu đối tượng quán sát trở thành "sở trụ"

Mục tiêu của phương pháp nầy là đem tâm về an trụ tại một nơi, nhưng vì tiếp tục có một nơi để tâm an trụ, thì Làm sao mà tu chứng viên thông? Nên pháp môn nầy cũng không được chọn.

 Kinh văn:

說法弄音文

開悟先成者

名句非無漏

云何獲圓通

Thuyết pháp lộng âm văn

Khai ngộ tiên thành giả

Danh cú phi vô lậu

Vân hà hoạch viên thông?

Việt dịch:

Thuyết pháp vận dụng[1] âm thanh văn tự

Chỉ khai ngộ cho người trước đã gieo trồng chủng tử Phật.

Danh cú, văn tự không phải là vô lậu.

Làm sao mà tu chứng viên thông?

Giảng giải:

Phú-lâu-na di-đa-la-ni Tử [2] giảng pháp và giác ngộ nhờ ở thiệt căn. Thuyết pháp vận dụng âm thanh văn tự. Khi thuyết pháp và giảng kinh, thanh âm nói ra phải hay và phải hoàn hảo khi biểu hiện qua văn tự. Nên đó là Chỉ khai ngộ cho người trước đã gieo trồng chủng tử Phật. Danh cú, văn tự không phải là vô lậu. Làm sao mà tu chứng viên thông?

Vì đó là đối tượng của pháp hữu lậu, nên không thể chon pháp môn ấy làm phương tiện để tu chứng viên thông.

 Kinh văn:

持犯但束身

非身無所束

元非遍一切

云何獲圓通

Trì phạm đãn thúc thân

Phi thân vô sở thúc

Nguyên phi biến nhất thiết

Vân hà hoạch viên thông?

Việt dịch:

Giữ giới chỉ câu thúc cái thân,

Ngoài thân, lấy gì câu thúc ?

Giới và thân vốn không cùng khắp

Làm sao mà tu chứng viên thông?

Giảng giải:

Trưởng lão Ưu-ba-ly chuyên trì giới. Giữ giới chỉ câu thúc cái thân. Giữ giới hoặc phá giới cũng do ở thân. Đây là pháp thân liên hệ đến thân và tâm. Ngoài thân, lấy gì câu thúc?

Nếu quý vị không có thân, thì chẳng cần phải kềm giữ chế ngự chúng.

Giới và thân vốn không cùng khắp

Làm sao mà tu chứng viên thông?

Phương pháp nầy không được toàn vẹn. Nên không được chọn làm phương tiện để tu tập viên thông.

 Kinh văn:

神通本宿因

何關法分別

念緣非離物

云何獲圓通

Thần thông bổn túc nhơn

Hà quan pháp phân biệt

Niệm duyên phi ly vật

Vân hà hoạch viên thông?

Việt dịch:

Thần thông là do tập nhân từ đời trước,

Không dính dáng với ý thức phân biệt.

Niệm lự, không tách rời sự vật

Làm sao mà tu chứng viên thông.

Giảng giải:

Mục-kiền-liên là người có thần thông đệ nhất, đó là nhờ vào ý thức mà ngài có được năng lực thần thông.

Thần thông là do tập nhân từ đời trước,

Có được thần thông là do nhân duyên đã được tích tập từ đời trước. Điều ấy Không dính dáng với ý thức phân biệt. Đó là vấn đề hoàn toàn khác hẳn với ý thức phân biệt.

Niệm lự, không tách rời sự vật.

 Tuy nhiên, thần thông vẫn cần đến tiến trình của niệm tưởng. Do vậy, thần thông không tách rời với phạm trù vật lý nên tự nó chẳng toàn diện. Làm sao mà tu chứng viên thông.

Nên tu tập để có được thần thông cũng chẳng phải là cách hay nhất.

 Kinh văn:

若以地性觀

堅礙非通達
 有為非聖性

云何獲圓通

Nhược dĩ địa tánh quán

Kiên ngại phi thông đạt

Hữu vi phi thánh tánh

Vân hà hoạch viên thông?

Việt dịch:

Khi quán tánh của đất,

Vốn nó ngăn ngại, không thông suốt.

Pháp hữu vi không là giác tánh

Làm sao mà tu chứng viên thông.

Giảng giải:

Khi quán tánh của đất,

Vốn nó ngăn ngại, không thông suốt.

Trì Địa Bồ-tát dùng phương pháp quán sát tánh của địa đại. Đất có tính cứng chắc và ngăn ngại. Không được dung thông. Đó là một pháp hữu vi, không phải là pháp môn để thể nhập dòng thánh.

Pháp hữu vi không là giác tánh

Làm sao mà tu chứng viên thông.

Nó không thể được xem như là phương pháp hay nhất để đạt đến viên thông.

 Kinh văn:

若以水性觀

想念非真實

如如非覺觀

云何獲圓通

Nhược dĩ thuỷ tánh quán

Tưởng niệm phi chơn thật

Như như phi giác quán

Vân hà hoạch viên thông?

Việt dịch:

Khi quán tánh của nước,

Đã là quán tưởng thì không phải chơn,

Vì như như thì chẳng phải là giác quán,

Nên làm sao mà tu chứng viên thông?

Giảng giải:

Có hành giả muốn tu tập bằng phương pháp quán sát thuỷ đại và thể nhập vào Thuỷ quán Tam-muội như Nguyệt Quang Đồng tử đã tu tập.

Khi quán tánh của nước,

Đã là quán tưởng thì không phải chơn,

Vì khi hành giả nhập vào định theo phương pháp nầy, thì tiến trình của niệm tưởng, trạng thái tầm tư vi tế, ban đầu vẫn còn liên quan. Nhưng vì cảnh giới như như thì chẳng phải là giác quán. Nên phương pháp quán thuỷ đại chẳng phải pháp quán sát bản nhiên.

Nên làm sao mà tu chứng viên thông?

Thế nên phương pháp quán sát Thuỷ đại không được chọn làm pháp tu viên thông.

 Kinh văn:

若以火性觀

厭有非真離
 非初心方便

云何獲圓通
Nhược dĩ hoả tánh quán

Yếm hữu phi chơn ly

Phi sơ tâm phương tiện

Vân hà hoạch viên thông?

Việt dịch:

Quán hỏa đại để trừ lửa tham dục

Là do chán cái khổ, chưa phải viễn ly chơn thật.

Chẳng phải là phương tiện của hàng sơ tâm

Làm sao mà tu chứng viên thông?

Giảng giải:

Hoả đầu Kim cang Ô-sô-sắc-ma  tu tập pháp quán Hoả đại, vì ngài có tâm dâm dục rất mạnh. Đức Phật dạy ngài hãy quán sát lửa dục trong thân.

Quán hỏa đại để trừ lửa tham dục

Là do chán cái khổ, chưa phải viễn ly chơn thật.

Sự quyết tâm lìa bỏ tâm dâm dục nầy chẳng phải tự nó là sự viễn ly chân thật. Đây Chẳng phải là phương tiện của hàng sơ tâm. Đối đãi chẳng phải là pháp vô thượng bồ-đề. Làm sao mà tu chứng viên thông. Không thể chọn phương pháp nầy là pháp môn để tu chứng viên thông.

 Kinh văn:

若以風性觀

動寂非無對

對非無上覺

云何獲圓通

Nhược dĩ phong tánh quán

Động tịch phi vô đối

Đối phi vô thượng giác

Vân hà hoạch viên thông?

Việt dịch:

Nếu quán tánh phong đại

Động tĩnh chẳng phải là không đối đãi

Đã đối đãi tức chẳng phải là vô thượng giác.

Làm sao mà tu chứng viên thông?

Giảng giải:

Lưu Ly Quang Vương tử dùng Phong đại để tu tập viên thông. Nếu quán tánh phong đại

Động tĩnh chẳng phải là không đối đãi

Động và tĩnh là hai cái đối đãi, chẳng phải là tuyệt đối.

Đã đối đãi tức chẳng phải là vô thượng giác.

Đối đãi chẳng phải là pháp giác ngộ tối thượng.

Làm sao mà tu chứng viên thông.

Không thể cho phương pháp nầy để tu chứng viên thông.

 Kinh văn:

若以空性觀 

 昏鈍先非覺
 無覺異菩提  

云何獲圓通

Nhược dĩ không tánh quán

Hôn độn tiên phi giác

Vô giác dị bồ đề

Vân hà hoạch viên thông?

Việt dịch:

Nếu quán tánh không đại

Hư không vô tri, chẳng hay biết.

Không hay biết tức trái với bồ-đề.

Làm sao mà tu chứng viên thông?

Giảng giải:

Nếu quán tánh không đại. Hư Không Tạng Bồ-tát tu tập bằng cách quán tưởng thân mình rộng lớn như hư không và được giác ngộ. Nhưng ở trong bài kệ nầy, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói: Con quán sát tánh của Không đại và thấy rằng: Hư không vô tri, chẳng hay biết. Yếu tố nầy thiếu sự sáng suốt khiến nó không thích hợp cho hàng sơ phát tâm.

Không hay biết tức trái với bồ-đề.

Làm sao mà tu chứng viên thông?

Phương pháp nây không được chọn làm pháp môn để tu tập viên thông.

 

 Kinh văn:

若以識性觀

觀識非常住

存心乃虛妄

云何獲圓通

Nhược dĩ thức tánh quán

Quán thức phi thường trụ

Tồn tâm nãi hư vọng

Vân hà hoạch viên thông?

Việt dịch:

Nếu quán tánh thức đại.

Thức sanh diệt chẳng thường trụ

Chỉ bận tâm trong phân biệt hư vọng

Làm sao mà tu chứng viên thông?

Giảng giải:

Bồ-tát Di-lặc tu tập từ Thức đại. Ngài quán sát tánh của sáu thức. Nếu quán tánh thức đại. Thức sanh diệt chẳng thường trụ. Hãy thử nhìn vào thức tâm phân biệt, nó không dừng trụ lâu dài. Chỉ bận tâm trong phân biệt hư vọng. Nơi nào có đối tượng để quán, và có niệm quán tưởng, thì ở đó đều là hư vọng. Làm sao mà tu chứng viên thông. Thế nên phương pháp nầy không được xem là viên thông.

 Kinh văn:

諸行是無常

念性無生滅
 因果今殊感

云何獲圓通

Chư hành thị vô thường

Niệm tánh vô sanh diệt

Nhân quả kim thù cảm

Vân hà hoạch viên thông?

Việt dịch:

Tất cả các hành đều vô thường,

Tưởng niệm vốn trong vòng sanh diệt.

Nhân quả nay đã quá sai khác.

Làm sao mà tu chứng viên thông?

Giảng giải:

Bồ-tát Đại Thế Chí tu tập Kiến đại. Ngài thu nhiếp tất cả sáu căn mà không cần lựa chọn, tịnh niệm liên tục.[3]

Tất cả các hành đều vô thường,

Tưởng niệm[4] vốn trong vòng sanh diệt.

 Cả tánh của niệm tưởng và đối tượng được niệm tưởng cũng đều là thuộc về sinh diệt. Khi quý vị niệm, thì nó hiện ra; khi quý vị dừng niệm, thì nó biến mất.

Nhân quả nay đã quá sai khác.

Chúng ta mong được siêu việt ý niệm nhân quả

Làm sao mà tu chứng viên thông.

Thế nên pháp môn niệm Phật cũng không thích hợp cho việc tu chứng viên thông.

 Kinh văn:

我今白世尊

佛出娑婆界

此方真教體

清淨在音聞

欲取三摩提  

實以聞中入。
Ngã kim bạch Thế tôn

Phật xuất ta-bà giới

Thử phương chơn giáo thể

Thanh tịnh tại âm văn

 Dục thủ tam ma đề   

Thật dĩ văn trung nhập.

Việt dịch

Con nay kính bạch Thế tôn

Phật ra đời ở cõi ta-bà

Thể chân thật của pháp môn trong cõi này

Thanh tịnh do ở nói và nghe

Muốn tu chứng tam-ma-đề

Thật nên do tánh nghe mà vào.

Giảng giải:

Đến thời điểm nầy, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đã trình bày xong về các pháp môn mà các bậc thánh đã chứng được. Ngài tiếp tục trình bày:

Con nay kính bạch Thế tôn

Phật ra đời ở cõi ta-bà

Thể chân thật của pháp môn trong cõi này

Thanh tịnh do ở nói và nghe

Trong thế giới nầy, nơi được gọi là “nhẫn chịu,”[5] nơi Đức Phật đã thị hiện vì lòng từ bi, phương pháp chân thực để giáo hóa chúng sinh là tính thanh tịnh của âm thanh. Điều ấy chỉ cho pháp môn phản văn văn tự tánh.

Muốn tu chứng tam-ma-đề

Thật nên do tánh nghe mà vào.

Công phu phản văn văn tự tánh thực sự là vi diệu nhất, hay nhất trong tất cả các pháp môn.

 Kinh văn:

離苦得解脫

良哉觀世音

Ly khổ đắc giải thóat

Lương tai Quán Thế Âm

Việt dịch:

Rời khổ, được giải thóat.

Hay thay Quán Thế Âm!

Giảng giải:

Rời khổ, được giải thóat. Chúng ta có thể lìa xa cái khổ và được giải thóat. Lìa khỏi cái khổ tất là giải thóat. Giải thóat chính là sự lìa xa cái khổ.

Hay thay Quán Thế Âm!

 Pháp môn của Bồ-tát Quán Thế Âm thật là vi diệu!

 Kinh văn:

於恒沙劫中

入微塵佛國

得大自在力

無畏施眾生

Ư hằng sa kiếp trung

Nhập vi trần phật quốc

Đắc đại tự tại lực

Vô uý thí chúng sanh.

Việt dịch:

Trong kiếp số nhiều như cát sông Hằng

Vào cõi Phật như vi trần

Được lực tự tại rất to lớn.

Bố thí sự vô uý cho chúng sinh.

Giảng giải:

Vì sao Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi khen ngợi Bồ-tát Quán Thế Âm? Trong kiếp số nhiều như cát sông Hằng, Vào cõi Phật như vi trần. Trong nhiều kiếp, Bồ-tát Quán Thế Âm đã thể nhập vào vô số quốc độ Phật nhiều như vi trần. Được lực tự tại rất to lớn.

Bố thí sự vô uý cho chúng sinh. Với năng lực thần thông và đại tự tại, Bồ-tát Quán Thế Âm đã giúp cho mọi chúng sinh được sự không sợ hãi.

 Kinh văn:

妙音觀世音

梵音海潮音

救世悉安寧

出世獲常住

Diệu âm Quán Thế Âm

Phạm âm hải triều âm

Cứu thế tất an ninh

Xuất thế hoạch thường trụ.

Việt dịch:

Nhiệm mầu là âm thanh của Quán Thế Âm

Âm thanh thanh tịnh như tiếng hải triều

Cứu độ thế gian, khiến đều được an lành

Xuất thế gian, được quả thường trụ.

Giảng giải:

Nhiệm mầu là âm thanh của Quán Thế Âm

Quán Thế Âm Bồ-tát là vô cùng vi diệu.

Âm thanh thanh tịnh như tiếng hải triều

Âm thanh thanh tịnh và trong sáng của ngài giống như tiếng sóng của đại dương. Cứu độ thế gian, khiến đều được an lành. Ngài cứu độ cho mọi loài chúng sinh ở thế gian nầy, mang lại sự an bình và mãn nguyện cho tất cả.

Xuất thế gian, được quả thường trụ.

Ngài siêu việt thế gian và chứng được tánh giác thường trú. Ngài đạt được năng lực thần thông tự tại bất hoại, và thường trụ.

 Kinh văn:

我今啟如來

如觀音所說

譬如人靜居

十方俱擊皷

十處一時聞

此則圓真實

Ngã kim khải Như Lai

Như Quán Âm sở thuyết

Thí như nhân tĩnh cư   

Thập phương câu kích cổ

Thập xứ nhất thời văn

Thử tắc viên chơn thật.

Việt dịch:

Con nay kính bạch Như Lai

Như lời Bồ-tát Quán Thế Âm vừa trình bày

Ví như có người trong chỗ yên lặng

Khắp mười phương đều đánh trống

Mười xứ cùng lúc đều nghe

Đó gọi là hoàn toàn chân thật.

Giảng giải:

Con nay kính bạch Như Lai

Như lời Bồ-tát Quán Thế Âm vừa trình bày về việc ngài tu chứng viên thông.

Ví như có người trong chỗ yên lặng

Khắp mười phương đều đánh trống

Mười xứ cùng lúc đều nghe.

Trong mỗi nơi ở mười phương đều đánh trống cùng một lúc. Dù tiếng trống đến từ mười phương, nhưng một người ở trong căn phòng yên tĩnh có thể nghe được các tiếng trống ấy cùng một lúc.

Đó gọi là hoàn toàn chân thật.

Tánh (nghe) nầy mới chân thật là viên mãn.

Kinh văn:

目非觀障外

口鼻亦復然
 身以合方知

心念紛無緒

Mục phi quán chướng ngoại

Khẩu tỵ diệc phục nhiên

Thân dĩ hợp phương tri

Tâm niệm phân vô tự

Việt dịch:

Mắt không thể thấy khi có chướng ngại bên ngoài

Thiệt căn, tỷ căn cũng như vậy

Thân, khi hợp mới biết xúc.

Ý căn, phân vân không manh mối.

Giảng giải:

Mắt không thể thấy khi có chướng ngại bên ngoài

‘Mắt’ ở đây không phải là Phật nhãn, Huệ nhãn, Pháp nhãn, Thiên nhãn, hoặc nhục nhãn–chẳng phải là nhục nhãn. Điều đề cập đến ở đây là con mắt thông thường. Những con mắt nầy chỉ có thể thấy được trong giới hạn, không thể thấy xuyên suốt và ở trên nó. Nó không thể nhìn thấy được xuyên qua những vật chướng ngại. Chẳng hạn, nếu chúng ta đóng cửa sổ và buông màn xuống, thì chẳng thể nào nhìn thấy được cảnh vật bên ngoài. Ngay cả trong sự nhận biết những cái cận kề để sử dụng, chỉ một lớp da cũng ngăn che không cho ta thấy đường. Như chúng ta không thể nào thấy được cái gì bên trong thân với con mắt thông thường. Mắt của bậc thánh lại là một vấn đề khác, nhưng ở đây chúng ta đang bàn về khả năng của con mắt thường. Nó không thể thấy xuyên qua được một tờ giấy mỏng! Cũng vậy, khi nhìn bên phải thì không thể thấy được bên trái, và khi nhìn bên trái thì không thể thấy được bên phải.

Thiệt căn, tỷ căn cũng như vậy.

Giữa các hơi thở cũng có khoảng dừng khi không có không khí vào hoặc ra khỏi mũi. Và lưỡi phải có vị thì mới biết được tánh nếm. Không có gì để nếm, thì lưỡi chẳng có tác dụng. Nên hai căn nầy, đều ít nhiều giống như nhãn căn.

Thân, khi hợp mới biết xúc.

Thân phải tiếp xúc với đối tượng của xúc chạm thì xúc giác mới có được, và vì thế, nó cũng không được hoàn toàn.

Ý căn, phân vân không manh mối.

Niệm tưởng thì lăng xăng và hỗn loạn, không có một trật tự gì cho chúng cả, thế nên nó cũng chẳng hoàn toàn tốt cho việc tu chứng viên thông.

Kinh văn:

隔垣聽音響

遐邇俱可聞

五根所不齊

是則通真實

Cách viên thính âm hưởng

Hà nhĩ câu khả văn

Ngũ căn sở bất tề

Thị tắc thông chơn thật

 

Việt dịch:

Cách tường, tai vẫn nghe được tiếng

Xa gần đều nghe được

Năm căn so sánh thật không bằng

Thế mới chân thật thông.

Giảng giải:

Với nhĩ căn, Cách tường, tai vẫn nghe được tiếng. Quý vị vẫn nghe được những gì bên kia bức tường. Xa gần đều nghe được.

Năm căn so sánh thật không bằng. Mắt, mũi, lưỡi thân ý đều không có tác dụng như nhĩ căn–nó hòan hảo hơn những căn nầy. Tác dụng của nó hoàn toàn dung thông và không bị ngăn ngại. Những căn khác không thể nào sánh bằng nhĩ căn được. Thế mới chân thật thông. Năm giác quan kia không có được sự dung thông chân thực nầy.

 Kinh văn:

音聲性動靜

聞中為有無
 無聲號無聞

非實聞無性

Âm thinh tánh động tĩnh

Văn trung vi hữu vô

Vô thinh hiệu vô văn

Phi thật văn vô tánh.

Việt dịch:

Tánh của âm thanh, có động có tĩnh.

Trong tánh nghe thành có, thành không.

Khi không tiếng, gọi là không nghe

Chẳng phải thật là không có tánh nghe.

Giảng giải:

Tánh của âm thanh, có động có tĩnh.

Khi thì có tiếng, khi thì không có tiếng. Khi không có tiếng, gọi là yên tĩnh. Trong tánh nghe thành có, thành không. Tánh nghe nhận biết sự di chuyển của thanh âm và sự yên lặng khi không có tiếng. Khi không tiếng, gọi là không nghe. Chúng ta gọi như vậy. Nhưng Chẳng phải thật là không có tánh nghe. Tánh nghe dứt khóat là không biến mất. Khi chúng ta nói rằng không nghe, thì tánh nghe thực ra chẳng hề biến mất.

Kinh văn:

聲無既無滅

聲有亦非生
 生滅二圓離

是則常真實

Thinh vô ký vô diệt

Thinh hữu diệc phi sanh

Sanh diệt nhị viên ly

Thị tắc thường chơn thật.

Việt dịch:

Không tiếng, tánh nghe đã không diệt

Có tiếng, tánh nghe cũng chẳng sanh.

Lìa hẳn hai ý niệm sanh diệt

Thế mới thường chân thật.

Giảng giải:

Không tiếng, tánh nghe đã không diệt

Khi không có tiếng không có nghĩa là tánh nghe đã bị mất đi. Khi có tiếng, tánh nghe cũng chẳng sanh. Khi nghe có tiếng, thì cũng chẳng có gì biến đổi trong tánh nghe.

Lìa hẳn hai ý niệm sanh diệt

Thế mới thường chân thật.

Tánh nghe thường vốn tự đầy đủ trong chính nó và lìa hẳn hai ý niệm sinh diệt. Sinh diệt đã hoàn toàn trở nên dung thông nhau. Tánh nghe là tánh thường trụ, bất biến, chẳng phải là đối tượng của sinh diệt.

 Kinh văn:

縱令在夢想

不為不思無

覺觀出思惟

身心不能及

Túng linh tại mộng tưởng

Bất vị bất tư vô

Giác quán xuất tư duy

Thân tâm bất năng cập

Việt dịch:

Dù đang lúc mộng tưởng

Chẳng phải do không suy nghĩ mà (tánh nghe) không có.

Tính giác quán vượt ra ngoài suy nghĩ

Thân, ý không so kịp.

Giảng giải:

Khi có tiếng, khi không có tiếng, khi tiếng vừa mới khởi, khi tiếng đã mất hẳn, thì tánh nghe không bao giờ bị biến mất. Mọi người có thể nhận ra điều nầy trong trạng thái tỉnh thức bình thường. Nhưng nó vẫn thường hiện hữu ngay đang lúc mộng tưởng.

Có người đang ngủ rất mê nhưng vẫn nghe được tiếng chày vỗ do người giặt áo quần và tiếng chày giã gạo như tiếng chuông trống đang hoà nhau. Điều nầy chứng tỏ rằng tánh nghe vẫn hiện hữu ngay cả trong giấc mơ.

Chẳng phải do không suy nghĩ mà (tánh nghe) không có.

Chẳng như tâm ý, không hiện hữu khi chẳng suy nghĩ.

Tính giác quán vượt ra ngoài suy nghĩ. Tính hay biết về tánh nghe ấy vượt ra ngoài sự suy nghĩ.

Thân, ý không so kịp.

Thân và tâm đều không thể nào so sánh được với tánh nghe của nhĩ căn.

 Kinh văn:

今此娑婆國

聲論得宣明

眾生迷本聞

循聲故流轉

阿難縱強記

不免落邪思

豈非隨所淪

旋流獲無妄

Kim thử ta-bà quốc

Thanh luận đắc tuyên minh

Chúng sanh mê bổn văn

Tuần thinh cố lưu chuyển

A-nan túng cường ký

Bất miễn lạc tà tư

Khởi phi tuỳ sở luân

Triền lưu hoạch vô vọng.

Việt dịch:

Hiện tại cõi ta-bà

Thanh luận được biểu dương

Chúng sinh bỏ mất tánh nghe

Theo thanh trần nên bị lưu chuyển

A-nan tuy nhớ giỏi

Vẫn không khỏi mắc tà nạn.

Há chẳng phải tuỳ chỗ chìm đắm

Xoay ngược dòng, thóat khỏi hư vọng.

Giảng giải:

Hiện tại cõi ta-bà

Thanh luận được biểu dương

Chúng sinh bỏ mất tánh nghe

Họ không nhận ra được tánh nghe bản hữu. Theo thanh trần nên bị lưu chuyển.

Họ không biết quay tánh nghe trở lại để nhận ra tự tánh mình. Họ ham tìm cầu bên ngoài, họ lắng nghe bên ngoài. Họ đuổi theo thanh trần và hướng ra ngoài mà truy tìm. Nếu mình để cho nhĩ căn đuổi theo thanh trần thay vì xoay tánh nghe trở lại hướng vào bên trong, thì mình sẽ bị rơi trong dòng sanh tử. Đó cũng là một nút thắt. Có sanh tử, nên có nút buộc. Nó khởi đầu vì quý vị đuổi theo thanh trần. Quý vị không thể nào kéo nó lui được.

A-nan tuy nhớ giỏi. A-nan là người rất thông minh và nhớ giỏi. Ngài có thể nhớ nằm lòng các bộ kinh trong Tam tạng.

Vẫn không khỏi mắc tà nạn.

A-nan tuy thông minh, nhưng ngài vẫn không thể nào thóat khỏi nạn do con gái của Ma-đăng-già và thần chú của Tiên Phạm thiên. A-nan đã bị bắt bởi tà thuật của ngoại đạo.

Há chẳng phải tuỳ chỗ chìm đắm

Xoay ngược dòng, thóat khỏi hư vọng.

Nếu quý vị có thể phản văn văn tự tánh, thì tự nhiên sẽ không phải chống cự với một thứ hư vọng nào. Quý vị sẽ không còn sai lầm như vậy. Nguyên nhân mà A-nan dễ bị mắc phải tà thuật là do A-nan luôn luôn tìm cầu bên ngoài. A-nan nghiên cứu cái nầy rồi học cái kia và thông thạo kinh nầy rồi kinh khác, nhưng không bao giờ tự hồi quang phản chiếu. A-nan không bao giờ chịu dừng lại suy nghĩ xem tại sao mình suy nghĩ và hành xử như vậy. Tất cả mọi việc mà A-nan làm là học. Ông học quá nhiều đến nỗi quên mất mình là gì. Chuyện nầy khiến tôi nhớ đến câu trả lời của Khổng Tử khi có người hỏi:

“Có ai trên đời giống như...” người hỏi bắt đầu.

“Giống như cái gì?”  Khổng Tử hỏi.

 “Nó đi, đem mọi người theo mình–đem theo họ hàng thân quyến trong gia đình, ngoại trừ vợ mình. Nó quên mang theo vợ nó. Có hạng người như thế chăng?”

Quý vị có nghĩ thử xem Khổng Tử trả lời như thế nào không? Khổng Tử có trả lời rằng quên mang theo vợ mình là điều không thể được? Hay ngài trả lời rằng quên mang vợ mình theo là điều có thể được đối với con người?

Khổng Tử đáp: “Thời nay, con người thậm chí còn quên cả chính mình!” Không những họ quên vợ mình, mà còn quên cả thân mình. Có nghĩa là họ không biết rằng trong tương lai, thân họ sẽ chết. Họ quên rằng mình sẽ phải trải qua tuổi già, rồi bệnh, và chết.

 Vì A-nan tập trung vào việc nghiên cứu những điều bên ngoài mình và vào việc phát triển khả năng học thuật của mình, A-nan thờ ơ việc tu tập để phát huy định lực. Do A-nan xao nhãng định lực, nên ông không biết làm sao để công phu phản văn văn tự tánh, thế nên A-nan đuổi theo thanh trần. A-nan không làm cho thanh trần trở về theo tự tánh mình nên A-nan bị mắc vào nạn với con gái của Ma-đăng-già.

  Kinh văn:

阿難汝諦聽

我承佛威力
 宣說金剛王

如幻不思議
 佛母真三昧。

A-nan nhữ đế thính

Ngã thừa Phật oai lực

Tuyên thuyết Kim cang vương

Như huyễn bất tư nghị

Phật mẫu chơn tam muội.

Việt dịch:

A-nan! Hãy nghe kỹ.

Tôi nương uy lực Phật

Trình bày tam-muội của Kim cang vương

Như huyễn bất khả tư nghì,

Thiền định là mẹ của chư Phật.

Giảng giải:

 Khi Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát nói đến đây, ngài gọi A-nan. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi là một vị Pháp vương tử có tuổi tác rất cao, trong khi A-nan còn rất trẻ. Ở đây, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đại diện cho Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đang tuyên bày giáo pháp, thế nên ngài thu hút sự của chú ý A-nan. A-nan! Hãy nghe kỹ.

Hãy chú ý! Lắng nghe từng lời, đừng xem thường chút nào. Đừng ngồi đó mà ngủ gục khi tôi nói dòng kệ nầy! Ông nên biết rằng bài kệ nầy mà tôi đang nói ra không phải là do ý riêng của tôi. Bài kệ được tuyên bày do uy lực của Đức Phật trao truyền cho tôi. Đức Phật chỉ định cho tôi phải nói và diễn bày nội dung nầy. Ngài bảo tôi phải chọn ra pháp môn cho ông tu. Ông không nên nghĩ rằng do tôi, Văn-thù-sư-lợi, là người đang nói với ông điều nầy; mà đó chính là Đức Phật đang nói cho ông. Nay ông đã hiểu chưa?

Trình bày tam-muội của Kim cang vương. Nương vào Đức Phật, tôi sẽ trình bày pháp môn của Kim cang vương.

Như huyễn bất khả tư nghì,

Thiền định là mẹ của chư Phật.

Đây là pháp môn tu mà chẳng cần tu. Tu mà chẳng tu. Chẳng tu mà tu. Đúng hơn là giống như trò chơi, thế nên cùng một lúc đó là sự thực. Vi diệu là ở đó. Quý vị không thể tưởng tượng ra được pháp môn nầy vi diệu đến như thế nào. Quý vị không thể tượng tượng ra được hoặc diễn đạt sự vi diệu ấy bằng lời. Tam-muội ấy là mẹ của chư Phật. Tất cả các Đức Phật đều xuất sinh từ tam-muội nầy. Thế nên hãy chú ý. Ông có muốn thành Phật không? Nếu có, hãy chú tâm những gì tôi sẽ nói. Và rồi ông phải thực hành công phu. Đừng chỉ uổng công sức trong những kỹ năng bên ngoài. Ông phải đạt cho bằng được công phu nội quán.  

 Kinh văn:

汝聞微塵佛

一切祕密門

欲漏不先除
 畜聞成過誤。

 Nhữ văn vi trần Phật

Nhất thiết bí mật môn

Dục lậu bất tiên trừ

Súc văn thành quá ngộ

Việt dịch:

Ông nghe các pháp bí mật

Của chư Phật nhiều như số vi trần

Nếu trước tiên không trừ các dục lậu

Nghe nhiều, chất chứa thành lầm lỗi.

Giảng giải:

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi tiếp tục:

Ông nghe các pháp bí mật

Của chư Phật nhiều như số vi trần

A-nan, ông đã nghe vố số chư Phật giảng nói về các pháp môn bí mật. ‘Bí mật’ có nghĩa là quý vị nói điều gì đó cho một người nghe mà người thứ hai không biết được điều ấy. Hoặc là quý vị nói về người thứ hai mà người thứ nhất không biết được. Mỗi người đều không biết được điều gì đã nói với người kia. Tại sao Đức Phật có những pháp môn bí mật? Là vì căn tánh của chúng sinh khác nhau. Mỗi chúng sinh thích những điều khác nhau. Hơn thế nữa, mỗi người lại tu tập những pháp môn riêng biệt trong đời quá khứ. Do vậy, Đức Phật quán sát căn cơ, ngài xem xét pháp môn quý vị đã tu tập trong đời trước, căn cứ vào đó, ngài dạy quý vị bây giờ nên tu tập như thế nào.

Quán cơ đầu giáo

Giảng pháp cho từng người.

Ngài không dạy cho quý vị pháp môn mà không thích hợp với quý vị.

Nếu trước tiên không trừ các dục lậu

Nghe nhiều, chất chứa thành lầm lỗi.

Dù Đức Phật đã có nhiều pháp môn bí mật, quý vị cũng vẫn chưa trừ bỏ các dục lậu của mình. “Dục” thật là rất khó hàng phục. Ngay khi quý vị có tham dục, là quý vị có lậu hoặc. Tham dục nghiêm trọng nhất mà mọi người đều khó tìm cách cắt bỏ đó là tham danh sắc. Nếu quý vị có thể trừ bỏ điều nầy thì quý vị là người phi thường. Khi quý vị nghiên cứu Phật pháp, quý vị phải nên trừ bỏ tham dục để mới có thể trừ sạch mọi lậu hoặc.

Quả vị thứ tư của A-la-hán thì không còn lậu hoặc. Sơ quả A-la-hán là Kiến đạo vị, là kết quả của sự dứt trừ được 88 phần kiến hoặc. Quả vị thứ nhì A-la-hán được gọi là Tu đạo vị. Quả vị thứ tư của A-la-hán gọi là Chứng đạo vị. Ở quả vị thứ nhất, thứ nhì và thứ ba của A-la-hán chưa được gọi là chứng quả vị vô lậu. Chỉ đến quả vị thứ tư mới chứng quả vô lậu. Đạt được quả vị vô lậu là điều rất quan trọng. Tại sao A-nan chưa đạt đến quả vị nầy? Vì A-nan chưa trừ bỏ tham dục.  A-nan vẫn còn ham thích một số điều. A-nan chưa được thanh tịnh, vì thế nên Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi mới nói với A-nan, “Nếu ông không tu tập và diệt trừ tâm tham đắm danh sắc, thì ông sẽ không tương ưng với Phật pháp. Nếu ông chỉ một bề chuyên vào đa văn, thì ông sẽ mắc phải lỗi lầm. Đó là mguyên do khiến cho ông phải mắc nạn với con gái của Ma-đăng-già. Nếu ông từ bỏ tham dục và lậu hoặc, thì ông sẽ không còn gặp những nạn ấy nữa.”

Khi chúng ta thấy một người thông minh như A-nan mà vẫn còn mắc phải sai lầm nầy, chúng ta nên lưu ý rằng không những chúng ta chưa nghiêm khắc với tham dục, mà chúng ta còn có ý định truy tìm nó. Chưa bao giờ chúng ta nghĩ đến chuyện trừ bỏ nó. Quý vị có thấy đó là một sai lầm nữa không? Đến lúc nầy, mọi người nên hồi quang phản chiếu. Chúng ta còn tham dục chăng? Chúng ta đã trừ bỏ chúng được chưa? Nếu chưa, thì chẳng có gì để nói. Nếu quý vị muốn trừ bỏ chúng, thì hãy nhanh chóng bắt đầu tu tập công phu phản văn văn tự tánh. Hãy học pháp môn nhĩ căn viên thông của Bồ-tát Quán Thế Âm.

 Kinh văn:

將聞持佛佛
 何不自聞聞。

Tương văn trì phật phật

Hà bất tự văn văn?

Việt dịch:

Đem cái nghe thọ trì Phật pháp

Sao không tự nghe tánh nghe của mình?

 

Giảng giải:

“Đem cái nghe thọ trì Phật pháp. Ông đã phí công để nghiên tầm Phật pháp.” Văn-thù-sư-lợi nói với A-nan.Với công phu đó, Sao không tự nghe tánh nghe của mình? Sao ông không quay cái nghe trở lại để nhận ra tánh nghe của mình. Sao ông không phát huy công phu tu tập nầy? Sao ông không quay lại nhìn vào chính mình?”

 Kinh văn:

聞非自然生
 因聲有名字

旋聞與聲脫

能脫欲誰名。

Văn phi tự nhiên sanh

Nhơn thinh hữu danh tự

Triền văn dữ thinh thóat

Năng thóat dục thuỳ danh.

Việt dịch:

Tánh nghe không phải tự nhiên sanh

Nhân thanh trần mà có tên gọi

Xoay lại cái nghe là thóat khỏi thanh trần

Cái đã lìa xa ấy, gọi là gì?

Giảng giải:

A-nan, đừng nên tiếp tục quá chú tâm việc học mà xao nhãng tu tập định lực. Tánh nghe không phải tự nhiên sanh. Vốn tự nó hoàn toàn không do tự nhiên mà có.

Nhân thanh trần mà có tên gọi. Vì có thanh trần, nên có cái nghe. Chúng ta gọi cái nhận ra thanh trần là ‘nghe ‘tiếng’’ Xoay lại cái nghe là thóat khỏi thanh trần. Cái đã lìa xa ấy, gọi là gì? Chúng ta nói có cái nghe là do có tiếng, nhưng cái nghe có còn đó khi không có tiếng không? Cái nghe vẫn còn. Vì tánh nghe không phải là đối tượng của sinh diệt. Do vậy, xoay lại tánh nghe. Từ bây giờ, không đuổi theo sáu căn và sáu trần. Đưa sáu căn và sáu trần trở lại với tự tánh.

Phản văn văn tự tánh

Tức thành Vô thượng đạo.

Cái gì là tự tánh của quý vị? Khi quý vị lắng nghe, quý vị sẽ nhận ra. Bây giờ, trước khi quý vị nhận ra, quý vị sẽ không hiểu được cho đến khi tôi nói cho quý vị biết. Chẳng hạn,, khi tôi uống tách trà nầy, chính tôi biết tách trà lạnh hay nóng, nhưng quý vị vẫn không biết gì cả. Nếu quý vị muốn biết, quý vị phải tự mình uống trà. Nếu quý vị muốn nhận ra tự tánh của chính mình, trước tiên hết, quý vị phải xoay tánh nghe trở lại. Nếu quý vị không làm như vậy, làm sao mong nhận ra tự tánh của mình được? Quý vị hỏi:

“Khi xoay tánh nghe trở lại, làm sao để nghe?”

  Dùng tai của mình, nhưng đừng lắng nghe âm thanh bên ngoài. Đừng cố gắng tìm hiểu xem những gì đang diễn ra ngoài phố, hoặc ai đang nói điều gì. Xoay cái nghe trở vào bên trong và lắng nghe bên trong của chính mình. Theo cách nầy tự tánh của quý vị sẽ hiển bày. Đó là cách thức quý vị thực hành. Nay quý vị đã hiểu rồi chứ?

Khi xoay tánh nghe trở lại, mình được tự tại với âm thanh bên ngoài. “Cái đã lìa xa ấy, gọi là gì?” Nếu chính quý vị có thể lìa hẳn được với âm thanh bên ngoài, nghe nhưng chẳng nghe, đây chẳng phải thực sự là tánh nghe hay sao?  Đúng vậy và chẳng phải vậy. Không phải mà phải. Nghe mà chẳng nghe. Đó có nghĩa là tự tại đối với âm thanh. Mình nghe, nhưng không giống như cách mình nghe trước đây. Dù biết rằng cái nghe thông thường có thể nghe được xa hoặc gần, nó vẫn có một giới hạn. Nếu quý vị chân thực đạt được công phu xoay tánh nghe trở vào để nhận ra tự tánh của mình, thì quý vị có thể nghe được suốt cả pháp giới. Nhưng quý vị cũng có thể chọn cách không nghe gì đến âm thanh của toàn thể pháp giới. Quý vị phải chế ngự. Giống như điện tín. Nếu tôi muốn gửi, tôi có thể gửi đi cho mọi người khắp mọi nơi vào bất kỳ lúc nào. Còn nếu tôi không muốn gửi điện tín, tôi sẽ không làm việc ấy. Nếu tôi muốn nghe những âm thanh nào trong pháp giới, tôi có thể bật nó lên. Quý vị hãy thử xem. Thế sự tự tại đối với âm thanh như vậy gọi là gì? Nó vốn không có danh xưng. Đó là cái vượt ra ngoài danh xưng nghe và tánh nghe chân thực.

 Kinh văn:

一根既返源

六根成解脫

Nhất căn ký phản nguyên

Lục căn thành giải thóat

Việt dịch:

Khi một căn đã trở về nguồn

Sáu căn tức thành giải thóat.

Giảng giải:

Ngay khi danh xưng đã không còn, người ta có thể nói rằng đó là ý căn đã được mở ra.

Khi một căn đã trở về nguồn

Sáu căn tức thành giải thóat.

‘Nguồn’ tức là tánh Như Lai tạng. Khi một căn (giác quan) quay trở về với tánh Như Lai tạng, thì cả sáu căn cùng kết hợp với nhau. Những người anh lớn quy về và các em nhỏ cũng theo về. Nhưng nếu quý vị không đưa một căn trở về, thì chẳng có căn nào cùng về theo. Chúng có liên quan với nhau, vì vốn chúng là một, nhưng chúng bị chia thành sáu.

Kinh văn:  

見聞如幻翳
 三界若空花

聞復翳根除
 塵銷覺圓淨。

Kiến văn như huyễn ế

Tam giới nhược không hoa

Văn phục ế căn trừ

Trần tiêu giác viên tịnh.

Việt dịch:

Thấy, nghe như mắt nhặm

Ba cõi như hoa đốm giữa hư không.

Tánh nghe xoay trở lại, gốc bệnh nhặm tiêu trừ.

Trần tướng tiêu, tánh giác thuần thanh tịnh.

Giảng giải:

Tại sao chúng ta chưa thành Phật? Chúng ta bị trói buộc bởi sáu căn và sáu trần. Thế nên chúng ta phải tìm ra một phương pháp để đạt được giải thóat. Không chỉ chúng ta bị trói buộc bởi các căn và các trần; cùng một lúc, A-nan cũng mắc phải vấn đề nầy. Chúng ta đang gặp cùng tình huống khó xử. A-nan đã đi con đường ấy để đạt đến giải thóat, và chúng ta bây giờ rất may mắn được học phương pháp đó. Chúng ta, cũng vậy, có thể đi trên con đường nầy và được giải thóat.

Thấy, nghe như mắt nhặm

Cái thấy, cái nghe là điều gì đó không thực. Nó như là huyễn hóa, như màn sương mỏng phủ qua mắt, như mây trên bầu trời.

Ba cõi như hoa đốm giữa hư không.

Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới làm thành ba cõi. Chúng ta đang ở trong đó, nhìm chăm chăm vào hư không cho đến khi cái nhìn chăm chú ấy khiến ta mỏi mệt. Thế nên trông giống như có hoa đang nhảy múa trong hư không. Mở đầu cho bài kệ nầy, ngài Văn-thù-sư-lợi đã nói:

Không sanh đại giác trung

Như hải nhất âu phát

Hư không sanh trong Đại giác

Như một bọt nước nổi lên giữa biển

 Hư không sanh ra trong biển mênh mông của tánh giác ngộ và được ví như một hòn bọt nổi lên giữa biển hư không.

Tánh nghe xoay trở lại, gốc bệnh nhặm tiêu trừ.

Khi chúng ta xoay tánh nghe trở về để nhận ra tự tánh của mình, thì lớp màn mỏng che mắt ấy biến mất.

Trần tướng tiêu, tánh giác thuần thanh tịnh.

Khi cảm nhận của các giác quan không còn, thì các khách trần không còn phiền nhiễu quý vị nữa. Nên tánh giác của mình là hoàn toàn thanh tịnh.

 Kinh văn:

淨極光通達

寂照含虛空

却來觀世間

猶如夢中事

摩登伽在夢

誰能留汝形。

Tịnh cực quang thông đạt

Tịch chiếu hàm hư không

Khước lai quán thế gian

Du như mộng trung sự

Ma-đăng-già tại mộng

Thuỳ năng lưu nhữ hình?

Việt dịch:

Tột cùng thanh tịnh, trí quang thông suốt.

Thể tịch chiếu trùm khắp hư không.

Trở lại quán sát việc thế gian

Giống như việc trong mộng.

Ma-đăng-già chỉ là chiêm bao

Thì ai bắt giữ được ông?

Giảng giải:

A! Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói rất mạnh mẽ. Ngài không cần một chút tao nhã nào. Ngài đang thẳng thừng quở trách A-nan:

Tột cùng thanh tịnh, trí quang thông suốt. Một khi tánh giác của ông viên mãn và thanh tịnh, thì đến chỗ cùng tột, trí sáng suốt bao trùm khắp. Quý vị trở nên giác ngộ. Thể tịch chiếu trùm khắp hư không. Khi quý vị đạt được công phu nầy rồi, thì hư không có ngay chính trong quý vị. Tự tánh của quý vị chính là tánh giác ngộ rộng khắp. Khi quý vị trở về với bản tánh vốn luôn luôn là của mình, thì mình bao trùm khắp cả hư không.  

Trở lại quán sát việc thế gian

Giống như việc trong mộng.

Khi quý vị vẫn tiếp tục dùng công phu này, quý vị quán sát  thế giới và sẽ thấy nó chẳng khác gì hơn một giấc mộng.

Ma-đăng-già chỉ là chiêm bao

Thì ai bắt giữ được ông?

Cô ta là một phần của giấc mộng. Ai là người có thể bắt ông? Ông đánh mất thể diện. Ông muốn có mặt ở đó. Ông thích cô ta. Nếu ông đạt được trình độ công phu như tôi vừa mô tả, thì ai cấm chế được ông?” Quý vị thấy chẳng có chút tao nhã nào. Phải không?

 Kinh văn:

如世巧幻師

幻作諸男女

雖見諸根動

要以一機抽

息機歸寂然

諸幻成無性。

Như thế xảo huyễn sư

Huyễn tác chư nam nữ

Tuy kiến chư căn động

Yếu dĩ nhất cơ trừu

Tức cơ quy tịch nhiên

Chư huyễn thành vô tánh.

Việt dịch:

Như các huyễn sư giỏi trong đời

Tạo ra các hình người như thật

Tuy thấy các căn đều cử động

Chủ yếu đều do bộ máy giật giây

Máy dừng, tất cả trở về yên lặng

Các trò huyễn thành vô tánh.

Giảng giải:

Như các huyễn sư giỏi trong đời.

Điều nầy giống như trò trình diễn múa rối thời xưa, khi các con rối nhảy múa và trình diễn đàng sau một tấm phông màu[6]. Phía sau là những con rối được làm bằng da lừa, gắn với những sợi dây được điều khiển bởi người trình diễn rối, và khán giả nhìn thấy bóng của những con rối phản chiếu lên bức màn. Ngày nay chúng ta có xi-nê. Những con rối giống như người thật, nhưng thực ra chúng được điều khiển bởi những nghệ sĩ rối (puppet-master). Họ thường đánh nhau om sòm trên sân khấu bằng gươm và súng. Tôi nhớ là mình đã xem từ hồi nhỏ.

Họ Tạo ra các hình người như thật

Các con rối mặc áo quần như đàn ông và phụ nữ, rồi nhảy múa trên sân khấu.

Tuy thấy các căn đều cử động

Chủ yếu đều do bộ máy giật giây

Dường như chúng có thể cử động tay chân và thậm chí cả nháy mắt và môi, nhưng thực ra đều là do máy. Chúng được nối liền với một bộ máy. Tuy nhiên,, người xem vẫn bị làm cho sững sờ.

Máy dừng, tất cả trở về yên lặng

Các trò huyễn thành vô tánh.

Rốt ráo, chúng chẳng là gì cả. Trong chương nầy, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi giải thích vì sao các pháp đều như huyễn mộng. Trong chương trước đã có nói rõ tại sao chúng ta đang ở trong huyễn mộng.

 Kinh văn:

六根亦如是

 元依一精明

分成六和合

一處成休復

六用皆不成

塵垢應念銷

成圓明淨妙

Lục căn diệc như thị

Nguyên y nhất tinh minh

Phân thành lục hoà hợp

Nhất xứ thành hưu phục

Lục dụng giai bất thành

Trần cấu ứng niệm tiêu

Thành viên minh tịnh diệu.

 

Việt dịch:

Sáu căn đều như vậy

Nương một bản tánh sáng suốt

Và phân ra sáu thứ hoà hợp

Một thứ đã lìa ra, quay về.

Thì cả sáu đều không tồn tại.

Trong một niệm, trần cấu đều tiêu

Chuyển thành tánh viên minh tịnh diệu.

Giảng giải:

Tại sao Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói về mộng và huyễn? Vì sáu căn giống như trò huyễn hóa.

Sáu căn đều như vậy

Sáu căn giống như trò múa rối được trình diễn bởi các nghệ sĩ rối. Đó như thể một bộ máy điều khiển chúng. Nhưng nếu một căn trở nên thanh tịnh, thì những căn khác cũng trở nên tự tại.

Nương một bản tánh sáng suốt

Vốn chỉ là một bản tánh sáng suốt trong Như Lai tạng. Nó phân ra sáu thứ hoà hợp.

Chia ra thành mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

 Khi nếu Một thứ đã lìa ra, quay về–nếu các nút buộc đã được mở. Thì Thì cả sáu đều không tồn tại.

Nếu một căn không còn tác dụng, thì những căn khác cũng sẽ dừng lại; chúng không còn có tác dụng nữa.

Trong một niệm, trần cấu đều tiêu

Mọi sự liên quan giữa sáu căn và sáu trần đều chấm dứt.

Chuyển thành tánh viên minh tịnh diệu.

Chúng trở thành chân tâm sáng suốt vi diệu, thể tánh thanh tịnh thường trú của Như Lai tạng.

 Kinh văn:

餘塵尚諸學

明極即如來。

Dư trần thượng chư học

Minh cực tức Như Lai.

Việt dịch:

Còn sót lại trần cấu là còn học vị

Sáng suốt cùng tột tức Như Lai.

Giảng giải:

Còn sót lại trần cấu là còn học vị

Khi ban đầu trừ bỏ được vô minh, thì vẫn còn lại vô minh vi tế gọi là sanh tướng vô minh. Đây có nghĩa là dư trần–phiền não còn sót lại như vi trần. Hàng Bồ-tát vẫn còn phải trừ sạch phiền não vi tế nầy.

Sáng suốt cùng tột tức Như Lai.

Đó là bản tánh của Như Lai tạng.

 Kinh văn:

大眾及阿難

旋汝倒聞機

反聞聞自性

性成無上道

圓通實如是。

Đại chúng cập A-nan

Triền nhữ đảo văn cơ

Phản văn văn tự tánh

Tánh thành vô thượng đạo

Viên thông thật như thị.

Việt dịch:

A-nan và đại chúng

Hãy xoay lại tánh điên đảo

Xoay tánh nghe trở vào để nhận ra tự tánh của mình

Nhận ra tự tánh, thành đạo vô thượng.

Thật tánh viên thông là như vậy.

 

Giảng giải:

A-nan và đại chúng

Hãy xoay lại tánh điên đảo

Các ông nên tu tập theo phương pháp nầy. Các ông đừng chạy tìm cầu bên ngoài. Hãy xoay trở lại. Hãy nhìn vào bên trong và tìm lại chính mình.

Xoay tánh nghe trở vào để nhận ra tự tánh của mình

Nhận ra tự tánh, thành đạo vô thượng.

Tánh của quý vị có thể thành tựu đạo Vô thượng.

Thật tánh viên thông là như vậy.

Tại sao Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi chọn nhĩ căn? Vì đó là cách dễ nhất để tu tập thành công. Tôi tin rằng một số trong quý vị đã biết cách phát huy công phu tu tập nầy rồi, và một số thì chưa. Nghĩa của xoay tánh nghe trở vào để nhận ra tự tánh của mình là như thế nào? Đó là công phu dùng trong việc tham thiền. Khi tham thiền, quý vị đừng ham dành hết năng lực vào việc tìm cầu bên ngoài. Quý vị phải nên hồi quang phản chiếu. Rồi hãy tự hỏi: “Ai là người niệm Phật?” “Ai?” Quý vị hãy đặt chữ “Ai?” trong tâm rồi lắng nghe bằng tai của mình. Theo đuổi chữ “Ai?”. Làm việc nầy liên tục, không dừng nghỉ. Đừng để cho công phu mình gián đoạn. Quan niệm tham đề tài nầy trong bất kỳ mình đang làm việc gì.

Đi đứng nằm ngồi, không lìa khỏi công phu nầy

Nếu lìa bỏ công phu, tức là đã sai lầm.

“Đây” là cái gì? Đó là vấn đề. “Ai là người niệm Phật?” Quý vị không cần phải niệm lớn tiếng, mà hãy hỏi trong tâm mình và lắng nghe bằng tai của mình. Hãy lắng nghe bên trong, chứ không phải bên ngoài. Sau khi đã nghe bên trong, tâm và tánh nghe của quý vị cuối cùng sẽ hợp thành một. Và rồi trong một cách bất ngờ, vào một lúc không mong đợi, quý vị đột nhiên khai ngộ. Nhưng dứt khóat quý vị phải đem tâm và tánh của mình trở về lại thành một. Đừng để cho chúng tán loạn trong nhiều hướng. Đừng để chúng tiêu tán ra bên ngoài. Hãy gom chúng lại vào bên trong. Hãy xoay tánh nghe trở vào để nhận ra tự tánh của mình. Rốt cuộc và tự nhiên công phu của quý vị sẽ phát triển. Tham thiền và công phu xoay tánh nghe trở vào để nhận ra tự tánh của mình là giống nhau. Và bây giờ mọi người đã biết rằng dùng nhĩ căn để tu tập viên thông là phương pháp dễ nhất. Thế nên hãy đặt hết tâm lực vào mà tu tập phương pháp nầy.

 Kinh văn:

此是微塵佛
 一路涅槃門

過去諸如來
 斯門已成就

現在諸菩薩
 今各入圓明

未來修學人
 當依如是法

我亦從中證
 非唯觀世音。

Thử thị vi trần Phật

Nhất lộ niết-bàn môn

Quá khứ chư Như Lai

Tư môn dĩ thành tựu

Hiện tại chư bồ tát

Kim các nhập viên minh

Vị lai tu học nhơn

Đương y như thị pháp

Ngã diệc tòng trung chứng

Phi duy Quán Thế Âm.

Việt dịch:

Đây là con đường thể nhập niết-bàn

Của chư Phật như vi trần

Các Đức Như Lai trong quá khứ

Đều thành tựu do pháp môn nầy

Các Bồ-tát trong hiện tại

Nay đều thể nhập sự sáng suốt viên mãn

Chúng sinh tu học trong đời sau

Đều nên nương theo pháp nầy.

Con cũng nhờ trong pháp ấy mà tu chứng

Chẳng riêng gì Quán Thế Âm.

Giảng giải:

Bây giờ Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi chứng minh tính xác thực cho pháp môn mà ngài đã chọn.

Đây là con đường thể nhập niết-bàn

Của chư Phật như vi trần

Ngài nói: “Không chỉ Bồ-tát Quán Thế Âm đã chứng ngộ khi dùng pháp tu nầy, công phu tu tập sẽ dẫn đến viên thông mà tôi đã giải thích, chính tôi, Văn-thù-sư-lợi, cũng chứng minh cho pháp môn nhĩ căn viên thông nầy. Không chỉ riêng tôi, mà chư Phật nhiều như vi trần trong quá khứ cũng đã tìm ra con đường thể nhập niết-bàn nầy.”

Các Đức Như Lai trong quá khứ

Đều thành tựu do pháp môn nầy

Các ngài thành tựu giác ngộ nhờ pháp tu viên thông xuất phát từ công phu xoay tánh nghe trở vào để nhận ra tự tánh của mình

Các Bồ-tát trong hiện tại

Nay đều thể nhập sự sáng suốt viên mãn

Các vị Bồ-tát đang tu tập trong đời đều cùng đi con đường nầy.

Chúng sinh tu học trong đời sau

Đều nên nương theo pháp nầy.

Những người trong đời tương lai chưa gặp được Phật pháp sẽ chọn pháp tu nầy. Con cũng nhờ trong pháp ấy mà tu chứng. Đã từ lâu con đã thành tựu pháp môn nầy và đã chứng được viên thông.

Chẳng riêng gì Quán Thế Âm.

 Kinh văn:

誠如佛世尊

詢我諸方便

以救諸末劫

求出世間人

成就涅槃心

觀世音為最。

Thành như Phật Thế tôn

Tuân ngã chư phương tiện

Dĩ cứu chư mạt kiếp

Cầu xuất thế gian nhơn

Thành tựu niết-bàn tâm

Quán Thế Âm vi tối.

Việt dịch:

Thật như lời Đức Thế tôn

Hỏi con về các phương tiện

Để cứu giúp trong đời mạt pháp

Cho những người cầu pháp xuất thế gian

Thành tựu được tâm niết-bàn

Thì Quán Thế Âm  là hơn cả.

Giảng giải:

Thật như lời Đức Thế tôn

Hỏi con về các phương tiện

Kính bạch Đức Phật, con nói lời chân thật, con nói những điều vốn đúng thật như vậy. phương pháp Để cứu giúp trong đời mạt pháp

Cho những người cầu pháp xuất thế gian

Thành tựu được tâm niết-bàn

Trong mười tám giới và bảy đại, pháp môn nào là viên thông nhất? Vị nào thích hợp nhất đối với căn cơ chúng sinh trong thời mạt pháp? Những người muốn ra khỏi thế gian và tìm cầu sự siêu việt. Làm sao để họ có thể thành tựu tâm nguyện để tu đạo và thực chứng niết-bàn?

 Quán Thế Âm là hơn cả.

Phương pháp hay nhất là quán sát âm thanh ở thế gian.

Quán Thế Âm Bồ-tát, nay đang thị hiện ở cõi ta-bà, tương ứng nhất với pháp môn nầy. Pháp môn nầy là thích hợp nhất, phù hợp nhất với căn cơ mọi người.

 Kinh văn:

自餘諸方便

皆是佛威神

即事捨塵勞

非是長修學

淺深同說法。

Tự dư chư phương tiện

Giai thị Phật oai thần

Tức sự, xả trần lao

Phi thị trường tu học

Thiển thâm đồng thuyết pháp.

Việt dịch:

Còn tất cả các phương tiện khác

Đều là nhờ uy lực của Đức Phật

Ngay nơi cảnh giới hiện tượng (sự) mà xả bỏ trần lao.

Chẳng phải là phương tiện tu học thông thường

Đồng giảng nói cho người căn tánh cạn và sâu.

Giảng giải:

Còn tất cả các phương tiện khác

Đều là nhờ uy lực của Đức Phật

Trong việc tu tập các pháp môn phương tiện nào khác ngoài nhĩ căn viên thông, chúng ta đều phải nương nhờ vào sự gia hộ của Đức Phật mới được thành tựu. Không có sự hộ trì của chư Phật, chúng ta không thể nào thành tựu điều gì cả.

Ngay nơi cảnh giới hiện tượng (sự) mà xả bỏ trần lao.

Chẳng phải là phương tiện tu học thông thường

Đồng giảng nói cho người căn tánh cạn và sâu.

Dù có người đã dùng những phương tiện nầy để xả bỏ trần lao phiền não và vọng tưởng, nhưng đó không phải là phương pháp duy nhất mà mọi người có thể vận dụng. Khi giảng pháp, mình phải quán sát nhân duyên. Mình phải quán sát căn tánh từng người. Đối với người có trí huệ, mình phải nói pháp sâu mầu. Với những người thiếu trí huệ, mình nên giải thích những đạo lý đơn giản. Pháp không thể nào luôn luôn được giảng nói cùng một kiểu. Chỉ có nhĩ căn là pháp môn viên thông nhất cho mọi căn cơ tu học. Tôi nghĩ pháp môn nầy là viên thông nhất.

 Kinh văn:

頂禮如來藏

無漏不思議
 願加被未來

於此門無惑
 方便易成就

堪以教阿難
 及末劫沈淪

但以此根修
 圓通超餘者

真實心如是。

Đảnh lễ Như Lai tạng

Vô lậu bất tư nghị

Nguyện gia bị vị lai

Ư thử môn vô hoặc

Phương tiện dị thành tựu

Kham dĩ giáo A-nan

Cập mạt kiếp trầm luân

Đãn dĩ thử căn tu

Viên thông siêu dư giả

Chơn thật tâm như thị.

Việt dịch:

Đảnh lễ Như Lai Tạng

Và những bậc vô lậu, không thể nghĩ bàn

Nguyện xin gia hộ cho đời vị lai

Không lầm lẫn trong pháp môn nầy.

Đây là phương tiện để thành tựu

Nên đem dạy cho A-nan

Cùng chúng sinh trầm luân trong dời mạt pháp

Chỉ dùng nhĩ căn tu tập

Đạt viên thông nhanh hơn các pháp khác

Chân thật tâm đúng là như vậy.

Giảng giải:

Sau khi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi trình bày xong bài kệ nầy, ngài cung kính đảnh lễ Tam bảo.

Đảnh lễ Như Lai Tạng

Như Lai là Chư Phật, Tạng là Tam tạng (tripitaka), tức là Pháp (dharma).

Và những bậc vô lậu, không thể nghĩ bàn

Và những bậc vô lậu” là Tăng-già. Các vị Bồ-tát và A-la-hán vô lậu đều đã chứng được những cảnh giới Bất khả tư nghì. Thần thông và diệu dụng của các ngài khó có thể nghĩ bàn. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đảnh lễ các bậc thánh hiền trong tăng già.

Nguyện xin gia hộ cho đời vị lai

Không lầm lẫn trong pháp môn nầy.

 Con nguyện xin các ngài gia hộ cho mọi chúng sinh trong đời tương lai, để họ không có chút nghi ngờ nào về phiên âm môn phản văn văn tự tánh.

Đây là phương tiện để thành tựu

Nên đem dạy cho A-nan

Phương pháp nầy vừa dễ tu tập vừa dễ thành tựu. Đây là pháp môn hay nhất cho A-nan tu tập. Không còn pháp môn nào hay hơn.

Cùng chúng sinh trầm luân trong đời mạt pháp

Chỉ dùng nhĩ căn tu tập

Pháp môn nầy không chỉ thích ưng đối với A-nan, mà còn thích hợp cho mọi căn cơ chúng sinh trong đời mạt pháp. Chỉ dùng nhĩ căn làm phương tiện tu tập.

Đạt viên thông nhanh hơn các pháp khác

Chân thật tâm đúng là như vậy.

Pháp tu viên thông nầy vượt qua 25 pháp môn phương tiện khác. Dễ hơn và mang đến những kết quả vượt bậc. Chân thật tâm đạt được thông qua pháp môn tu nầy là như con đã giải thích như trên.

 

Kinh văn:

於是阿難及諸大眾,身心了然得大開示。觀佛菩提及大涅槃猶如有人因事遠遊未得歸還。明了其家所歸道路。

Ư thị A-nan cập chư đại chúng, thân tâm liễu nhiên, đắc đại khai thị. Quán Phật bồ-đề cập đại niết-bàn du như hữu nhân nhân sự viễn du vị đắc quy hoàn. Minh liễu kỳ gia sở quy đạo lộ.

Việt dịch:

Lúc ấy A-nan và cả đại chúng, thân tâm rỗng rang, nhận được sự khai thị sâu mầu. Thấy bồ-đề và đại niết-bàn của chư Phật[7] giống như người nhân có việc phải đi xa chưa trở về được. Nay đã biết rõ con đường về nhà.

Giảng giải:

Lúc ấy A-nan và cả đại chúng, thân tâm rỗng rang. Họ đã đạt được sự hiểu biết thấu đáo. Nhận được sự khai thị sâu mầu. Thấy bồ-đề và đại niết-bàn của chư Phật.

Họ đã hoàn toàn nhận ra giáo lý sâu xa mầu nhiệm của Đức Phật và Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi. Họ xem giáo lý về bồ-đề niết-bàn như người nhân có việc phải đi xa chưa trở về được. Nay đã biết rõ con đường về nhà.

Những người nầy đã đi xa làm ăn và chưa được về nhà. Nhưng họ dã đi đủ xa để còn nhớ con đường quay về nhà. Ý nghĩa là dù A-nan và các thành viên trong hội chúng chưa chứng được sơ quả vị thứ nhất, thứ hai, thứ ba của A-la-hán, nhưng bây giờ ít nhất là họ đã nhận ra được đạo lý.

Kinh văn:

普會大眾天龍八部有學二乘,及諸一切新發心菩薩,其數凡有十恒河沙皆得本心,遠塵離垢獲法眼淨。

Phổ hội đại chúng thiên long bát bộ hữu học nhị thừa, cập chư nhất thiết tân phát tâm Bồ-tát, kỳ số phàm hữu thập hằng hà sa giai đắc bổn tâm, viễn trần ly cấu hoạch pháp nhãn tịnh.

 Việt dịch:

Toàn thể pháp hội, chúng thiên long bát bộ, hàng Nhị thừa hữu học, cùng hết thảy hàng Bồ-tát sơ phát tâm, số lượng có đến 10 số cát sông Hằng, đều nhận ra bản tâm, lìa xa trần tướng, được pháp nhãn thanh tịnh.

Giảng giải:

Toàn thể pháp hội, chúng thiên long bát bộ,

Quỷ thần; bát bộ gồm Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân, Phi nhân, Rồng.

hàng Nhị thừa hữu học, chỉ cho các vị Thanh văn đã giác ngộ lý Duyên khởi. Cùng với hết thảy hàng Bồ-tát sơ phát tâm, số lượng có đến 10 số cát sông Hằng, họ đều đã nhận ra bản tâm. Không như trước đây, họ chưa nhận ra bản tâm. Họ đã lìa xa hẳn trần tướng, do vậy, họ được pháp nhãn thanh tịnh.

 Kinh văn:

性比丘尼聞說偈已成阿羅漢。

Tánh tỷ-khưu-ni văn thuyết kệ dĩ thành A-la-hán.

 Việt dịch:

Tánh tỷ-khưu-ni nghe nói bài kệ này xong liền chứng quả A-la-hán.

Giảng giải:

Vị tỷ-khưu-ni có tên là Tánh[8] là con gái của Ma-đăng-già. Cô ta chứng quả A-la-hán ngay sau khi nghe ngài Văn-thù-sư-lợi nói bài kệ nầy. Đến lúc đó, cô ta đã vượt qua A-nan do cô đã chứng được quả vị thứ hai của hàng A-la-hán. Trong khi A-nan chỉ mới chứng được sơ quả.

 Kinh văn:

無量眾生皆發無等等阿耨多羅三藐三菩提心

Vô lượng chúng sanh giai phát vô đẳng đẳng A-nậu-đa-la Tam-miệu tam-bồ-đề tâm.

Việt dịch:

Vô lượng chúng sanh đều phát tâm vô đẳng đẳng A-nậu-đa-la Tam-miệu tam-bồ-đề.

Giảng giải:

Đến lúc nầy, có vô số vô lượng không thể tính đếm được chúng sinh trong pháp hội phát tâm vô đẳng đẳng A-nậu-đa-la Tam-miệu tam-bồ-đề.

 Không có gì có thể so sánh với mức độ phát tâm nầy. Việc ấy hoàn toàn chân thật. A-nậu-đa-la Tam-miệu tam-bồ-đề có nghĩa là Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

 Anuttarā có nghĩa là vô thượng, không có gì sánh bằng.

Sayak có nghĩa là chánh (proper) và đẳng (equal). Sabodhi là chánh giác, giác ngộ chân chánh. Tâm nguyện của họ là muốn thành Phật.

***

 

                               (Hết quyển 5, đầu quyển 6 theo ấn bản của         

                                                 Vạn Phật Thánh Thành.)

                       

 

 


Kinh văn:

阿難整衣服。望大眾中,合掌頂禮。心迹圓明,悲欣交集。欲益未來諸眾生故,稽首白佛大悲世尊。我今已悟成佛法門。是中修行得無疑惑。常聞如來說如是言。自未得度先度人者菩薩發心。自覺已圓能覺他者如來應世。我雖未度願度末劫一切眾生。

A-nan chỉnh y phục. Vọng đại chúng trung, hợp chưởng đảnh lễ. Tâm tích viên minh, bi hân giao tập. Dục ích vị lai chư chúng sanh cố, khể thủ bạch Phật: “Đại bi Thế tôn. Ngã kim dĩ ngộ thành Phật pháp môn. Thị trung tu hành đắc vô nghi hoặc. Thường văn Như Lai thuyết như thị ngôn: ‘Tự vị đắc độ, tiên độ nhân giả, Bồ-tát phát tâm. Tự giác dĩ viên, năng giác tha giả, Như Lai ứng thế. Ngã tuy vị độ, nguyện độ mạt kiếp nhất thiết chúng sinh’.”

Việt dịch

 A-nan chỉnh trang pháp phục. Hướng vào đại chúng, chắp tay đảnh lễ. Tâm tính hoàn toàn sáng suốt, vừa mừng vừa tủi. Vì muốn lợi ích cho các chúng sinh đời vị lai, nên cúi đầu bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế tôn đại bi, con nay đã ngộ pháp môn thành Phật. Theo trong đó tu hành, được điều không nghi hoặc. Con thường nghe Như Lai dạy rằng: ‘Tự mình chưa được độ, mà độ người trước, đó sự phát tâm của hàng Bồ-tát. Tự mình đã giác ngộ viên mãn, có thể giác ngộ cho người khác, đó là sự ứng thế của các đức Như Lai’.” Con tuy chưa được độ, nhưng nguyện độ cho tất cả chúng sinh trong đời mạt pháp.

Giảng giải:

Sau khi A-nan nghe xong bài kệ của Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, ngài đứng dậy, chỉnh trang pháp phục. A-nan sửa lại cổ áo và kéo y ca-sa lại cho ngay ngắn. A-nan không bao giờ có một chút bất cẩn, sơ ý, không bao giờ để cho y phục luộm thuộm. Hướng vào đại chúng, chắp tay đảnh lễ. Tâm tính hoàn toàn sáng suốt. A-nan không còn mê mờ như trước nữa. Ngài có tâm trạng vừa mừng vừa tủi. Vì muốn lợi ích cho các chúng sinh đời vị lai, nên cúi đầu bạch Phật:

A-nan không biết nên cười hay khóc. Quý vị có nhớ rằng A-nan rất dễ khóc không? A-nan đã khóc vài lần từ khi bắt đầu pháp hội giảng kinh, và bây giờ lại muốn khóc nữa. Nhưng A-nan cũng muốn cười. Nỗi lo của A-nan là gì? Là vì có câu:

    Cực lạc sinh bi–Tột cùng niềm vui là nỗi buồn.

 A-nan rất vui mừng, nghĩ rằng: “Nay mình đã có được Phật pháp, mình đã thâm nhập được giáo pháp chân thực.” A-nan chưa bao giờ thấy vui như vậy. Nhưng hiểu cho riêng mình chưa đủ, A-nan muốn làm lợi ích cho các chúng sinh trong đời tương lai. Thế nên A-nan đảnh lễ Đức Phật và thưa rằng:

“Kính bạch Đức Thế tôn đại bi, con nay đã ngộ pháp môn thành Phật. Theo trong đó tu hành, được điều không nghi hoặc.

Con sẽ nương vào Pháp để tu tập và sẽ không bao giờ còn một chút nghi ngờ gì nữa.

“Con thường nghe Như Lai dạy rằng...”

A-nan thường  hay chứng minh những điều mình nói bằng sự dẫn chứng những lời dạy của chính Đức Phật. Ở đây A-nan nói, “Con nghe Đức Phật dạy rằng, ‘Tự mình chưa được độ, mà độ người trước, đó sự phát tâm của hàng Bồ-tát.’

Khi mình chưa chứng ngộ, mà mình có thể mong giáo hóa cho người khác trước, thì đó là đạo của hàng Bồ-tát.

Tự mình đã giác ngộ viên mãn, có thể giác ngộ cho người khác, đó là sự ứng thế của các đức Như Lai’.”

Quý vị giúp cho mọi người giác ngộ bằng đạo lý mà mình đã chứng ngộ, đó là điều mà chư Phật đã làm.

Con tuy chưa được độ, nhưng nguyện độ cho tất cả chúng sinh trong đời mạt pháp.

Con tuy chưa được chứng đạo, nhưng con muốn giúp cho tất cả chúng sinh trong đời mạt pháp sẽ được độ thóat. Con muốn họ đều hưởng được lợi ích trong Phật pháp.

 

 

 Kinh văn:

世尊,此諸眾生去佛漸遠。邪師說法如恒河沙。欲攝其心入三摩地。云何令其安立道場遠諸魔事,菩提心得無退屈?

Thế tôn, thử chư chúng sanh khứ Phật tiệm viễn. Tà sư thuyết pháp như hằng hà sa. Dục nhiếp kỳ tâm nhập tam-ma-địa, vân hà linh kỳ an lập đạo tràng, viễn chư ma sự, ư bồ-đề tâm đắc vô thối khuất?

Việt dịch:

Bạch Thế tôn, các chúng sinh nầy cách Phật ngày càng xa. Những tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng. Nếu muốn họ nhiếp tâm vào tam-ma-địa, làm sao khiến họ dựng lập đạo tràng để khỏi rơi vào ma sự, không lui sụt tâm bồ-đề?

Giảng giải:

 Bạch Thế tôn, các chúng sinh nầy cách Phật ngày càng xa.

 Chúng sinh trong đời mạt pháp dần dần cách Phật và ngay cả Phật pháp ngày càng xa

Những tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng.

Đó là tình trạng như bây giờ. Các tà sư tuyên bố rằng họ đã hiểu biết những điều mà thực sự họ không hiểu. Chưa được giác ngộ, họ nói rằng mình đã giác ngộ. Chưa chứng được thánh quả, họ nói đã chứng. Tôi hỏi họ: “Ông đã chứng được quả vị thứ nhất, quả vị thứ hai, quả vị thứ ba, quả vị thứ tư của hàng A-la-hán chưa? Ông chứng được quả vị nào? Ông đã chứng ngộ chưa? Ông giác ngộ được điều gì?” Họ lặng thinh. Tôi hỏi tiếp: “Ông là Phật, thế mà ông không nói được mình đã chứng được quả vị nào. Làm sao ông nhảy vào quả vị Phật được?” Rồi họ vẫn cố chấp, nói rằng không chỉ họ là Phật, mà “Mọi người đều là Phật.” Đó là luận điệu của họ. Đây là lời đại vọng ngữ. Khi quý vị chưa đạt đến cảnh giới đó, quý vị không thể nói năng tuỳ hứng.[9] Không có gì tệ hại hơn một tà sư. Hãy cẩn thận đừng trở thành người như vậy, dù quý vị có biết Phật pháp hay không. Đừng như có người trong bọn họ, khi có ai đến hỏi Pháp, liền đáp rằng, ‘Tôi già rồi; Tôi quên mất.’

Quên nghĩa là sao? Ông ta chẳng biết bắt đầu như thế nào. Cách nói chuyện đó là có chủ ý lừa gạt người. Nếu quý vị biết, thì nói biết. Nếu mình không biết, thì nói rằng không biết. Không thể nói rằng mình quên khi mình vốn chẳng hiểu người ta hỏi mình điều gì.

Khi những tà sư rao giảng phương pháp của họ, mong được lợi dưỡng, và giáo lý họ giảng nói là tà vạy. Chẳng hạn, tham dục là sai trái, nhưng họ bảo là tốt. “Đó là pháp môn hay nhất.” Họ khen ngợi điều ấy, khiến cho mọi người mê lầm và không thể nào phân biệt được giáo pháp chân thực. Điều sai trái, họ nói là phải; điều phải họ nói là sai trái. Họ đã có tà tri và tà kiến. Cái nhìn của họ là không đúng đắn.

A-nan nói, “Vào thời mạt pháp, loại tà sư nầy rất nhiều.”

 Nếu muốn họ nhiếp tâm vào tam-ma-địa,

Dù thời đó sẽ có nhiều tà sư như cát sông Hằng, con vẫn nguyện rằng những chúng sinh sẽ phát khởi chánh tri và chánh kiến.

Làm sao khiến họ dựng lập đạo tràng để khỏi rơi vào ma sự, không lui sụt tâm bồ-đề?

Chẳng hạn, có vài tà sư và ngoại đạo chỉ biết lừa gạt mọi người với học thuyết của họ. Họ nói nhiều về việc quan hệ giữa nam nữ, cho rằng càng nhiều dâm dục, càng mau thành Phật. Điều nầy hoàn toàn sai lầm. Hoàn toàn tà vạy! Quý vị phải lưu ý điều nầy. Đừng để cho những người nầy lừa gạt. Trong chánh pháp, mọi sự đề cập đến dâm dục như là sự tán thành đều là sai trái. Những phương pháp dạy người như vậy đều là sự khai thác của ma. A-nan ước nguyện làm sao giúp cho những người trong đời mạt pháp an trú trong sự phát tâm bồ-đề. Một số người học Phật pháp một thời gian rồi thối tâm bồ-đề. “Tôi không học Phật pháp nữa. Khó quá! Tôi phải từ bỏ mọi lỗi lầm của mình. Nhưng tôi không bỏ được thì sao? Tốt hơn là tôi chẳng cần học.”

Họ bỏ mất sự hăng hái. Họ chấp nhận rút lui. Họ bị hàng phục bởi yêu ma.

A-nan muốn biết cách làm sao để giữ cho điều nầy không xảy ra.



[1] Tiếng Hán dùng chữ Lộng chiết tự có nghĩa là dùng tay mà dồi viên ngọc, Nghĩa bóng là đùa giỡn. Như Lộng ngôn 弄言 lời nói đùa. Ở đây chúng tôi tạm dịch vận dụng cho dễ hiểu. Còn sâu xa, vẫn mang ý nghĩa rằng, nếu dùng âm thanh văn tự để đạt được viên thông thì đó chỉ là pháp phương tiện, chỉ là quyền pháp nhất thời mà thôi.

[2] Pūramaitrāyaī-putra 富樓那彌多羅尼子

[3] 問圓通我無選擇都攝六根淨念。相繼得三摩地,斯為第一

Phật vấn viên thông, ngã vô tuyển trạch đô nhiếp lục căn tịnh niệm. Tương kế đắc tam-ma-địa, tư vi đệ nhất.

Đức Phật hỏi về viên thông, con do thu nhiếp tất cả sáu căn mà không cần lựa chọn, tịnh niệm liên tục, chứng tam-ma-địa. Đó là phương pháp hay nhất. ( Kinh Thủ-lăng-nghiêm, Q.5).

[4] Kiến là tánh thấy, kiến đại biểu hiện qua niệm tưởng.

[5] Do chữ Saha (s); able to be borne (e); Hán: kham nhẫn.

[6] E: screen of framed oil-paper.

[7] Tiếng Anh: Buddha’s bodhi and parinirvāa.

Có thể hiểu là khái niệm về Phật, bồ-đề, niết-bàn. Xưa nay A-nan chỉ mới được tiếp xúc, được hiểu bằng khái niệm, chứ chưa được thực chứng và thể nhập.

[8] S: Prakti.  Hán âm: Bát-kiết-đế 鉢結帝

[9] E: go shooting off your mouth.

(xin xem tiếp theo 2)

 
Tải về xem