Theo nhà văn Sơn Nam thì chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối cùng ra đời vào một thời điểm như nhau, khoảng cách chỉ vài trăm mét bởi một dòng kênh. Cả hai chợ đều là “trên bến dưới thuyền” nhưng con kênh đào sau này lấp lại nên chợ Cầu Muối trở nên xa với bến sông. Sau khi chiếm được toàn Nam Kỳ, vào năm 1875, người Pháp ở Sài Gòn chính thức thành lập chợ Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh. Nhưng không ai biết trước đó bao lâu hai khu chợ này đã hình thành.

Khu vực chợ Cầu Ông Lãnh và Cầu Muối nổi tiếng về nạn du đãng, nhưng dân du đãng trên đất Sài Gòn này ở đâu lại không có, đâu nhất thiết phải là ở đó. Nào là chuyện bảo kê sạp chợ, nào là bảo kê bốc vác, làm thuê… nghe như trong phim “Bến Thượng Hải” tranh giành lãnh địa chém giết lẫn nhau. Tất cả chẳng qua là vì miếng ăn, hay đó là do sự thổi phồng của các tiểu thuyết gia?
 


Tôi nhớ cuốn tiểu thuyết “Ðiệu ru nước mắt” của nhà văn Duyên Anh có nhân vật Trần Ðại tức Ðại Cathay, một trùm du đãng Sài Gòn, bao thầu khu vực chợ Cầu Muối cùng với vài ba tay anh chị khác. Câu chuyện sau này được dựng thành phim cùng tên do Trần Quang và Thanh Nga đóng vai chính. Phim rất hấp dẫn dân Sài Gòn thuở đó. Người ta bàn tán râm ran rằng anh hùng Ðại Cathay là một nhân vật chính nghĩa, đánh bọn cảnh sát hối lộ, giúp kẻ thế cô. Cuối cùng thì Ðại Cathay vẫn phải chết gục trên hàng rào kẽm gai do luỵ tình. Chính tình tiết này làm Ðại Cathay giận dữ đòi thanh toán Duyên Anh khiến ông phải chạy lên Ðà Lạt trốn lánh nạn một thời gian mới trở về Sài Gòn, sau khi Ðại Cathay bị bắt đày ra Phú Quốc.

Sau khi nghe chuyện tôi kể, anh bạn tôi nhận xét: “Chuyện giai thoại du đãng thì rất nhiều nhưng giai thoại chỉ là chuyện không có thật hoặc thêm mắm thêm muối cho một nhân vật nào đó. Một du đãng khét tiếng, có nghĩa khí hào hiệp ai lại cho đàn em bảo kê khu vực chợ Cầu Muối kiếm tiền trên xương máu những người khác bỏ sức lao động mưu sinh. Có thể chuyện du đãng bảo kê ở những quán bar, phòng trà hay những nơi làm ăn bất chính. Ngay như năm 1975 khi vợ chồng tôi mở sạp rau củ ở chợ Cầu Muối, chuyện Ðại Cathay trùm du đãng Cầu Muối nào có nghe thấy.”
 


Khi nhắc đến Bến Chương Dương và khu chợ này, anh bạn lớn tuổi người Đà Lạt của tôi cắc cớ hỏi bộ chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối là một hay sao mà không thấy cái cầu nào tên là Cầu Muối. Vợ chồng anh có một thời gian ngắn mở một vựa nhỏ bán rau củ tại chợ Cầu Muối. Nhưng dường như anh không quan tâm đến vùng đất mới nơi gia đình anh định cư sinh sống. Lẽ thường tình, ít ai lại rỗi thời gian tìm hiểu vùng đất mình đang sống như thế nào, chỉ cần nơi ở có chút bình an, yên tâm buôn bán kiếm sống qua ngày đoạn tháng.

 
 

Bây giờ đã xa nơi ở một thời từng được mệnh danh là vùng đất dữ của dân chợ búa giang hồ Cầu Muối, anh lại thoáng hoài niệm về miền đất ấy khi vài ba bạn bè tuổi đời chênh lệch nhau hai ba thế hệ bù khú nghe những chuyện xưa tích cũ trên đất Sài Gòn.

Nếu suy luận theo tiến trình lịch sử hình thành Bến Nghé thì khu vực Cầu Muối có trước nhiều năm. Mãi đến năm 1874, cây cầu gỗ bắc qua kênh Bến Nghé được dựng nên, lấy tên là cầu Ông Lãnh, mà nhiều ghi nhận biên khảo đều xác nhận đó là ông Lãnh Binh Thăng. Vậy cây Cầu Muối nằm ở đâu?
 


Thật ra chẳng có một cây cầu nào mang tên Cầu Muối. Trong cuốn “Sài Gòn năm xưa” của học giả Vương Hồng Sển viết rằng, thời ấy người ta đào một con mương lớn từ kênh Bến Nghé dẫn vào đường Nguyễn Thái Học ngày nay để ghe muối từ miền Trung và miền Tây vận chuyển vào kho tích trữ bán sang Cam Bốt. Hai bên bờ mương người ta dựng nên các dãy nhà kho bằng tranh tre nứa lá, và bắc một cây cầu ván cho phu phen bốc vác muối mang lên bờ. Ðến khi Pháp đánh chiếm Sài Gòn thì những kho muối trở thành hoang phế. Dân tứ xứ chạy giặc về đây cư trú rồi dần dần họp chợ, gọi là chợ Cầu Muối.

Như vậy, chợ Cầu Muối cùng chợ Cầu Ông Lãnh ra đời cùng một thời điểm, mỗi chợ cách nhau vài trăm mét, một bên là mặt ngó ra kênh Bến Nghé, một chợ dọc theo con mương có những cây cầu ván bắc vào khu chợ.

 
 


Khi người Pháp phát triển bộ mặt đô thị Sài Gòn cho lấp con mương đường Nguyễn Thái Học, chợ Cầu Ông Lãnh phân làm ba khu vực: khu bán cá, khu bán hàng hoá tiêu dùng, khu bán đồ khô. Khu bán đồ khô sau khi bị một trận hoả hoạn cháy rụi, chính quyền cho xây lại một chợ riêng gần đó mang tên chợ Cháy. Vậy nên người dân sống ở khu vực này gọi nôm na vùng đất mình đang ở là Xóm Ba Chợ: chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối, chợ Cháy.

Sau này ngôi chợ Cháy bị giải tỏa chỉ còn lại hai chợ. Hàng hoá thông thương vào chợ bằng hai con đường, Nguyễn Thái Học và kênh Bến Nghé dành cho ghe thuyền từ miền Tây lên bỏ hàng cho các sạp vựa.
 


Tuy có hai ngôi chợ gần nhau nằm trong cùng một khu vực nhưng danh tiếng chợ Cầu Muối được người Sài Gòn biết đến nhiều hơn. Có lẽ, ngôi chợ xây kiểu tiền chế vào năm 1947 lắp ráp bằng tôn bề thế to hơn hẳn ngôi chợ mái ngói nhà lồng. Chợ Cầu Ông Lãnh phân chia khu vực buôn bán cho các tiểu thương nhỏ, trong khi Chợ Cầu Muối lại chia ra làm hai “lãnh địa”: phía ngoài lề đường có các sạp nhỏ và bên trong là những sạp vựa lớn kinh doanh chuyên mặt hàng rau củ quả từ khắp nơi đổ về dành cho người mua đi bán lại ở các chợ khác khắp thành phố Sài Gòn.

Phía đầu đường Nguyễn Thái Học lại có bến xe đò và xe tải chở hàng nên khu vực chợ Cầu Muối đông đúc hơn, kẻ mua người bán ra vô tấp nập. Tiếng người đi mua hàng, tiếng xe ba gác máy, tiếng chửi bới giành giật bạn hàng tạo nên một thứ âm thanh huyên náo đúng nghĩa của một ngôi chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn.
 


Gia đình anh bạn tôi vào Sài Gòn mở sạp bán rau củ Ðà Lạt nhờ mối giao hàng từ người bà con hồi còn ở trên xứ sở sương mù từ năm 1975. Anh về khu Cầu Muối thuê căn nhà nhỏ sống tạm, mỗi sáng hai vợ chồng ra chợ bán buôn. Có khi anh ngủ lại trên sạp chờ hàng từ Ðà Lạt chở vào từ lúc quá khuya. Anh kể ban đêm cái mùi chợ toát lên rõ lắm, không giống như ban ngày chỉ toàn là thứ âm thanh hỗn độn. Người ta phải giành giật nhau để mà sống, riết rồi gần như nó hình thành một thói quen của dân chợ búa. Ở đời, hiền quá người khác chèn ép, dữ quá thì có người dữ hơn mình. Ngày nào trong chợ lại không có những trận cãi vã chửi bới um sùm, có khi đánh nhau đến lỗ đầu sứt trán. Mà đâu chỉ có người bán buôn, dân làm công làm thuê, xách nước, đẩy hàng, bốc xếp cũng tranh nhau miếng ăn.

Chỉ có những khuya, một mình nằm trong cái võng treo trên sạp gỗ, anh mới thoảng nghe mùi ẩm mốc của các sạp ván, mùi sình non từ kênh Bến Nghé thoảng qua, mùi thum thủm của bãi rác gần đó, mùi phân hủy của rau trái hư hao, mùi xăng dầu khói bụi đang lắng xuống mặt đất, mùi mồ hôi người lẩn khuất đâu đây. Tất cả các mùi gom lại thành một thứ nỗi niềm đọng lại trong ký ức mà đôi khi nó như thứ âm thanh lao xao trỗi dậy đánh thức khoảng lặng của con người một khi cuộc sống được đủ đầy hơn.
 


Anh để tâm tư trầm lắng, thủng thẳng kể câu chuyện nghe như lời ca thoát lên từ chốn Chợ Ðời của nhạc sĩ Nhật Trung mà tôi từng yêu thích: “Tôi nhớ mãi hình ảnh của một bà cụ bán lẻ rau củ trước sạp hàng của mình. Không biết bà còn con cháu gì không, mỗi sáng bà nhận hàng dạt từ rau củ của tôi, ngồi cắt tỉa từ chỗ hư giập để bán lẻ cho người nghèo đi chợ kiếm chút đồng tiền. Rau giập dạt ra bà xã tôi đều bán rất rẻ cho bà làm sạch. Nhiều khi trông thấy cái thúng hàng và ba thứ rau bày trên tấm nylon lúc chợ chiều vắng bóng người mua làm vợ chồng tôi chua xót cho thân phận cũng một kẻ chợ nhưng cuộc đời của mỗi người chẳng ai giống ai. Bà không bao giờ nói chuyện hoàn cảnh của mình, ngồi lặng lẽ bán từng mớ rau bèo bọt. Có khi bà ngồi đó mà tôi tưởng tượng bóng dáng mẹ mình năm xưa mang mớ rau củ ra ngồi ở chợ Ðà Lạt bán buôn kiếm chút tiền lo cho cuộc sống trong nhà”.

Nỗi niềm của anh bạn tôi nghe thật bình lặng vốn dĩ có sẵn trong chợ đời. Ngoài những nỗi niềm ưu tư cho kiếp phận con người vất vả mưu sinh còn có sự tranh giành cuộc sống với nhau không phải bằng mồ hôi mà bằng “nắm đấm”.