Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 

Ký Ức Một Thời Tù Cải Tạo



 

Trần Nhật Kim

 


Tôi không mấy tin tưởng vào các tin đồn sẽ có đợt thả tù nhân dịp những ngày kỷ niệm “gọi là quan trọng”, như ngày 19/8 hoặc 2/9 của cộng sản Việt Nam và ngày kỷ niệm tháng 10 của cộng sản Nga.  Tuy nhiên, tin đồn cũng làm nhiều người mất ăn mất ngủ.

Một người bạn cùng phòng với tôi được bạn hữu cho hay kỳ thả tù này sẽ có tên anh, vì nghe nói anh có người họ hàng dây mơ rễ má, làm chức vụ quan trọng gì đó ngoài Hà Nội, một chỗ dựa khiến anh tin tưởng.  Trông anh vui hẳn lên, niềm vui đã làm anh thay đổi.  Anh cho bạn các thứ đồ dùng, chia một phần thức ăn, vì khi được về anh cũng không cần những thứ này.  Thời gian trôi qua, đến ngày lễ lớn không có đợt nào về, niềm thất vọng tác động mạnh, khiến anh xìu xuống như một người mang bệnh nặng.

Tin đồn thả tù lần này xuất hiện từ đầu tháng 8.  Mọi người nghĩ đến ngày 19 tháng 8, kỷ niệm “Cách mạng mùa Thu” của đảng CSVN.  Không khí vui nhộn ngày một lan rộng, một hiện tượng tâm lý vì trông đợi lâu ngày.  Theo kinh nghiệm những người miền Bắc, 6 năm không về sẽ phải đợi thời điểm 9 năm và như thế kéo dài sự chờ đợi “3 năm” vào lần kế tiếp.  Người ta ví “án lệnh 3 năm tập trung cải tạo” như một sợi giây thung kéo dài vô tận.

Ngày lễ 19 tháng 8 qua đi, vẫn không có một dấu hiệu nào xẩy ra.  Tin đồn lại hướng về ngày 2 tháng 9.

Một ngày sau khi đi lao động về, anh Đèo Văn Tsé nói riêng với tôi:

- Cán bộ cho tôi hay có đợt tha vào dịp lễ này.

Tôi tin lời anh Tsé, một người “Dân Tộc” miền Bắc.  Tính anh hiền lành và thẳng thắng nên được cán bộ tin tưởng, nhưng tôi vẫn hỏi anh:

- Anh có nghe rõ không.  Cán bộ nói là ngày nào?

- Tôi có hỏi nhưng cán bộ chỉ nói tới đó.

Tôi bảo anh Tsé:

- Ngày mai đi lao động, anh hỏi lại cán bộ là trong danh sách đợt tha này có tên anh không?

Ngày hôm sau anh Tsé cho tôi hay:

- Tôi đã hỏi lại và cán bộ cho biết đợt tha này có tên tôi.  Cán bộ còn nói Chuẩn úy Hòa phụ trách mua vé tàu.

Tôi nghĩ tin đồn lần này có thể tin tưởng phần nào vì chính cán bộ quen anh Tsé nói.  Tuy nhiên, tôi bảo anh Tsé:

- Anh nói có quen cán bộ Hòa, nên đi hỏi cho chắc ăn.

Đối với tôi hình ảnh “được tha” rất mơ hồ.  Tôi nhớ tới ngày lãnh gói quà 3 Kg đầu tiên từ ngày tôi ra Bắc mà vợ tôi gửi qua đường bưu điện.  Khi Thiếu úy Lăng gọi tên tôi lên lãnh quà, có sự hiện diện của Đại úy Bông, Trại Phó.  Thấy tôi, Đại úy Bông hỏi:

- Anh Kim đi lãnh quà phải không?

- Thưa vâng.

- Anh có nhận được quà thường xuyên không?

Tôi tự nhủ, mới từ trại Quyết Tiến (Cổng Trời, Hà Giang) chân ướt chân ráo về trại này làm gì có phiếu gửi quà.  Trong mấy năm nay, vì di chuyển bất thường nên gia đình tôi cũng không biết tôi đang ở đâu.  Khi về trại này, nhờ bạn có gia đình tới thăm nuôi nhắn tin nên vợ tôi mới biết tôi ở đây.  Không hiểu vợ tôi lấy phiếu gửi quà ở đâu, hay nàng mua chợ đen tại khu Bưu điện Sài Gòn như lời đồn.  Tôi chậm rãi trả lời:

- Mấy năm đi cải tạo, đây là lần đầu tiên tôi nhận được quà.

Đại úy Bông đột nhiên đổi giọng với vẻ mặt giận giữ:

- Gia đình anh gửi quà cho anh nhiều vào, anh ăn cho khỏe để chống lại nhà nước.

Tôi im lặng mỉm cười.  Qua khung cửa sổ, bên ngoài tấm vách ngăn, hai anh Tô Tứ Hướng và Nguyễn Khắc Linh đang đợi đến lượt vào lãnh quà, đã nghe rõ câu Trại Phó nói.  Tôi nghe thấy hai bạn nói nhỏ: “Chuyến này Kim thê thảm rồi, bị trại Phó ghim thì khó mà sống yên thân."  Tôi quay nhìn ra ngoài, thấy anh Hướng dơ cao ngón tay cái.

Dưới sự chứng kiến của trại Phó, gói quà của tôi trong tay cán bộ Lăng đã trở thành một mớ xà bần.  Ngay ống thuốc đánh răng cũng bị hắn tháo phần đáy, lấy chiếc đũa tre ngoáy bên trong, không thấy gì, hắn liệng ống kem vào gói quà.  Bánh thuốc lào hiệu 3 số 8 cũng bị xé nhỏ.   Hắn nghi ngờ trong gói quà của tôi có dấu những thứ trại cấm, như tiền hay tài liệu vo tròn trong thức ăn.  Hắn đổ lọ thuốc B1 trên tấm giấy, vì viên thuốc quá nhỏ nên tha không đập vỡ.  Dù sao, gói quà đến với tôi thật đúng lúc.  Tôi đang ở trong tình trạng hạn hán đợi mưa, như cây khô chờ từng giọt nước.  Phần thịt trên người đã để lại trên trại Cổng Trời, thân thể tôi chỉ còn da bọc xương…

Tin đồn ngày một rõ.  Một số anh em cũng được cán bộ cho hay có đợt tha vào dịp lễ này.  Tôi cũng chỉ biết vậy, không mấy hứng khởi, vì hồ sơ của tôi đã ghi đầy đủ nhận xét của những trại tôi đi qua.  Từ trại Ty lên Thành, với hàng chữ lớn “CIA” thêm nhiều dấu hỏi in đậm bằng bút chì mầu đỏ, viết bên lề bản lấy cung, đến các trại miền Bắc, cả về “lao động: xấu lẫn kém”, kèm thêm hình ảnh một tên “Phản động, chống  cách mạng và nhà nước cộng sản.”

Vào một buổi sáng đầu tháng 10, trước giờ lao động, chúng tôi được lệnh tập họp dưới sân trại.  Khi Ban giáo dục của trại đến, một cán bộ đứng trước hàng chúng tôi nói lớn:

“Tôi gọi tên người nào, người đó đứng lên bước sang bên xếp hàng.  Các anh có tên trong đợt tha kỳ này về phòng thu xếp đồ dùng cá nhân, sẽ được chỉ định chỗ ở sau."

Hắn cầm tờ giấy đánh máy đọc tên 34 người.  Các anh Tô Tứ Hướng, Nguyễn Ngọc Liên và anh Nguyễn Văn Thành cùng phòng 5 với tôi có tên trong danh sách về đợt này.  Một số tên khác được gọi tiếp.  Tôi ngỡ ngàng khi nghe đọc tên mình.  Tôi chưa kịp có phản ứng, thì người bạn ngồi bên cạnh vỗ nhẹ lưng tôi, nhắc: “có tên anh”.  Tôi đứng lên theo các bạn được gọi tên trước ngồi theo hàng bên cạnh các đội đi lao động.  Trong danh sách có 34 tên nhưng chỉ có 32 người thuộc trại Thanh Cẩm, còn hai tên khác nghe lạ hoắc.  Mãi sau này tôi mới biết có 2 người thuộc trại Thanh Cẩm được về kỳ này cho đủ số 34, nhưng bị đưa lầm tên sang trại khác và 2 người thuộc trại khác lại có tên trong danh sách chúng tôi.

Chúng tôi chuyển lên “khu kiên giam”, sẽ ở đây ít ngày để đợi tàu về miền Nam.

Khi lên khu kiên giam, anh Hướng nhắc lại chuyện cũ:

- Kể cũng lạ, khi rời trại Nam Hà, trại thưởng công cho anh ở căn nhà mới vài giờ vì anh đã đổ mồ hôi hoàn chỉnh, để có chỗ cho anh em từ Hoàng Liên Sơn chuyển tới, còn bây giờ, anh lại được lên khu kiên giam ở vài ngày trước khi về.

Khi tới trại này, tôi và anh Hướng “góp bữa ăn chung” và bây giờ chúng tôi lại về cùng một chuyến tàu.  Tất cả 32 anh em chúng tôi chia nhau chỗ nằm trên khu kiên giam, nơi mà 2 năm trước đội 16 của chúng tôi chịu trách nhiệm hoàn tất mái bằng với xi-măng cốt sắt.

Đứng trên khu kiên giam nhìn xuống, hai dãy nhà hai bên và cổng gác ôm trọn khoảng sân rộng.  Ở giữa sân, căn hội trường, biểu tượng uy quyền của chính sách nhà nước, chiếm một khoảnh đất rộng gần phía khu kiên giam, mái dốc đứng như căn nhà Rông của người Thượng vùng Cao Nguyên Trung Phần, mà tôi và anh Trương Văn Tuyên (Quốc Gia Hành Chánh) lãnh phần lợp lại mái tranh đầu hồi chỉ còn trơ xương tre.  Hội trường lâu ngày không còn xử dụng, mái tranh xơ xác, tả tơi như cặp cánh gà chọi sau một lần thua trận.  Tôi thường nói đùa với các bạn, nhìn cảnh tiêu điều của căn hội trường chẳng khác nào chính sách của chế độ này.

Phía dưới, gần khu nhà bếp, một giếng nước cung cấp nước uống cho trại, tạm ngưng không xử dụng vì nước đục ngầu do đất bùn lọt qua khe hở của thành giếng.  Tôi và hai bạn Phan Công Tôn, Lê Ngọc Thạch được chỉ định sửa lại chỗ hở nơi tiếp giáp hai ống xi măng thành giếng.

Tôi và anh Lê Ngọc Thạch đứng trên, dùng giây kéo ống xi măng để anh Phan Công Tôn ở dưới giếng điều chỉnh hai vòng ống thành giếng.  Hai chúng tôi cố sức kéo ống xi-măng để không gây nguy hiểm cho bạn ở dưới.  Ống xi-măng quá nặng trong lúc sức khỏe chúng tôi ngày một suy sụp, khiến phần xương sống dưới thắt lưng của tôi rêm nhức.  Từ đó, cơn đau hành hạ tôi ngày đêm nhất là vào mùa Đông giá lạnh, lưu lại như một kỷ niệm khó quên của thời “tù cải tạo”.

Từ cổng trại, vượt qua con đường nhỏ chắn ngang, giòng sông Mã nằm sâu phía dưới, nước phù sa đục ngầu, cuồn cuộn như bóng ngựa phi.

Nhớ lại chuyện cũ, vì tình hình chiến sự ngày một nghiêm trọng tại các tỉnh vùng biên giới phía Bắc, chúng tôi rời trại Quyết Tiến chuyển về đây.  Chúng tôi xa dần vùng đất chết Cổng Trời, rũ bỏ được nỗi ám ảnh bỏ xác trên “đồi Bà Then”.  Tôi thoát được nơi rừng xanh núi biếc quanh năm sương phủ của vùng biên giới, mà cái đói cái rét và lao động khổ sai đã nhận chìm ước vọng của đời sống cũng như nhân cách một con người.  Như một vết chém khó lành in sâu trong tiềm thức, thường ẩn hiện trong giấc ngủ trằn trọc về khuya.

Hậu quả của “đói, rét, bệnh tật” nhất là hoàn cảnh đời sống đã biến đổi một con người, luôn ám ảnh tâm trí của tôi.  Tôi nhớ mãi nét mặt của Cẩn, một tù nhân hình sự miền Bắc với án trung thân khổ sai vì can tội trộm cướp giết người.  Hắn đói đến nỗi, vào một ngày lao động, trông trước trông sau khi thấy cán bộ võ trang quay nhìn hướng khác, hắn lấy một nắm rau muống xanh non cao hơn một gang tay vừa tưới phân chuồng, chỉ kịp giũ bỏ phần nào nước tưới và giòi bọ còn bám trên lá rau, cho vào miệng nhai.  Tôi nhìn rõ những vệt nước mầu xanh ứa ra hai mép, vội bảo hắn:

- Cháu ăn như vậy rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Hắn không trả lời tôi ngay vì mắc kẹt nắm rau trong miệng.  Một lát sau hắn mới nói:

- Bác ơi! Chết no còn hơn chết đói.

Tôi hiểu ý câu hắn nói, dù chỉ là một câu đơn giản nhưng lại là một điệp khúc được người tù hình sự miền Bắc thuộc nằm lòng:

Sống no còn hơn sống đói,
Sống đói còn hơn chết no,
Chết no còn hơn chết đói.

“Bóp miệng túm dạ dầy” vốn là chính sách độc trị hàng đầu của CSVN, nên “đói rét” và “lao động khổ sai” được tận dụng, đã hủy diệt cả về thể xác lẫn ý chí đấu tranh của một dân tộc, đẩy con người xuống hàng súc vật.  Với bản chất ngu dốt, tàn bạo, đã biến đổi thành phần cầm quyền trở lên mất tính người.

Chúng tôi thoát khỏi vùng đất chết Cổng Trời.  Về đây, trại Thanh Cẩm với nắng ấm, khí hậu ôn hòa bên giòng sông Mã, tinh thần trở lên phấn chấn dễ chịu hơn, gạt bỏ được phần nào hình ảnh đen tối trước đây.  Tôi sống ở trại này đã 4 năm với nhiều kỷ niệm.  Nhóm Quyết Tiến chúng tôi có 48 người, khi chuyển về đây được đưa vào căn nhà mang số 5, căn nhà cao nhất dẫy về phía bên trái, sát với khu kỷ luật.

Chúng tôi được lập đội, mang tên đội 16, đội “xây dựng nhẹ”.  Đội “xây dựng” được gọi là “nhẹ” vì gồm những tay mơ, chưa một lần cầm đục cầm tràng.  Cả đội chỉ có vài cái quốc cái xẻng và một chiếc cưa tay nhỏ.  Một đội mà người nào người nấy như những bộ xương biết đi, thân xác tả tơi như những con “cò ma” gặp ngày mưa bão, vì phần thịt trên cơ thể đã để lại trại Cổng Trời.

Các bạn trong trại ưu ái đặt cho đội của tôi danh xưng “Đại Đội Trừng Giới”, những con người sống sót từ trại Quyết Tiến - Hà Giang nằm sát biên giới Việt - Trung, một trại tù được mệnh danh là “Trại kỷ luật số 1 của Bộ công an Hà Nội” với 4 năm cầm cờ đỏ.

Sau vài ngày ổn định chỗ nằm, một số anh em trong nhóm Quyết Tiến đi kỷ luật, trong đó có các vị Linh Mục.  Có phải đây là một hành động dằn mặt những người mới tới, hay trại muốn ngăn ngừa hành động bất trị của chúng tôi có thể lây lan trong trại.  Đến lượt Nguyễn Tiến Đạt, một người anh em trẻ nhất trong nhóm, đã cùng tôi dắt díu nhau từ trại Ty lên Thành rồi chuyển ra các trại miền Bắc, cũng vừa lên khu kỷ luật.

Chúng tôi chưa có công việc nào gọi là ra hồn, vẫn chỉ làm vệ sinh trong khuôn viên trại.  Vào một buổi lao động, một cán bộ trẻ đi qua, thấy anh Nguyễn Đức Khuân đeo kính cận, hắn gọi anh tới gần, nói lớn: 

  - Tại sao anh đeo kính khi lao động?                                                                                                                           
Khuân trả lời hắn:

- Tôi cận thị nên phải đeo kính.  Tôi đã đi qua nhiều trại trước khi tới đây, chưa có cán bộ nào thắc mắc tôi đeo kính khi lao động.

Hắn bực tức trước câu trả lời của Khuân.  Mọi người dừng tay chờ xem hành động của tên cán bộ.  Có tiếng nói trong đám anh em:

“Nó ngu thật, cận mà không cho đeo kính thì khác gì mù."

Hắn nghe rõ câu nói, quắc mắt nhìn về phía anh em như tìm người vừa buông lời sỉ nhục.  Hắn quay qua Khuân, quát lớn:

- Đưa kính đây.

Khuân đưa kính cho hắn.  Hắn cầm kính ném xuống đất, đè gót giầy lên rồi bỏ đi.  Cặp gọng kính như cặp cánh gà vặn ngược trước khi cắt tiết, một mắt kính đã rời ra khỏi khung tròng.  Khuân như kẻ mù, nhất là sau thời gian dài bị hành hạ, cùm xích trong phòng tối, cái đói và cái khổ cùng cực đã làm đôi mắt anh ngày càng tăm tối.  Anh cận nặng nên không nhìn rõ hình ảnh trước mắt.  Mọi người đều tức giận. 

Sau vụ của Khuân, không khí sinh hoạt của đội 16 căng thẳng hơn trước.  Trong một buổi sinh hoạt hàng tuần, anh Lê Văn Khương (Chín Khương, tòng sự tại trại giam Côn Sơn) đưa lời phản đối hành động của cán bộ trại.  Anh bảo anh thư ký buổi họp:

- Xin anh ghi rõ và đầy đủ lời phát biểu của tôi.

Mọi người chưa biết anh nói gì, nhưng nét mặt anh đầy vẻ bất bình.  Anh nói tiếp:

- Từ sau ngày miền Nam bị xâm chiếm và trong suốt thời gian đi tù tại các trại từ Nam ra Bắc, tôi xác định một điều, chế độ cộng sản là một chế độ vô nhân đạo, tước bỏ quyền sống của con người.  Tôi không bao giờ chấp nhận và không thể sống chung với chế độ bạo tàn này.

Anh thư ký ngưng viết, nhìn anh Chín như thầm hỏi anh có ý định thay đổi lời vừa phát biểu không.  Anh Chín quay qua anh thư ký nhắc:

- Xin anh ghi lời tôi phát biểu đầy đủ.

Anh thư ký vẫn chưa ghi vào biên bản, quay nhìn anh em trong phòng như dò hỏi, để xem có lời nào can ngăn.  Cả phòng vẫn im lặng như tán thưởng.  Bất chợt, phút giây căng thẳng vụt biến mất, trả lại không khí vui tươi cho mọi người.  Anh thư ký nhìn các bạn mỉm cười.  Tập thể “Đại Đội Trừng Giới” đã vượt qua nhiều thử thách, “48 người” vẫn chỉ là một.

Buổi họp vẫn sôi động.  Đến lượt anh Ninh Vệ Vũ dơ tay xin phát biểu, mọi người im lặng chờ nghe.  Vũ nói:

- Tôi quyết tâm.  Thà chết không chấp nhận chế độ cộng sản.  Một chế độ hủy diệt quyền sống của con người…

Tôi nhìn Vũ bắt gặp một nụ cười.  Anh vẫn như ngày nào, hồi còn ở trại Phan Đăng Lưu, Sài Gòn.  Ra vào phòng kỷ luật như cơm bữa.  Anh trải qua mọi kiểu cùm xích, từ xích chân xích tay trong phòng tối, đến xích thành xâu người tại phòng 7 khu A.  Tôi nhìn anh Chín Khương đến Vũ, nét mặt họ thật cương quyết.  Tôi cảm phục họ, những người bạn cùng chung một chiếc thuyền, có chung bầu tâm huyết.

Mấy ngày sau, anh Chín Khương đi “làm việc”.  Khi đội lao động về, chỗ nằm của anh Chín trống trơn.  Anh đã ra khỏi phòng.  Anh Chín Khương không có trên khu kỷ luật, mọi người đều hiểu  anh bị chuyển trại.  Mấy năm sau này, anh Nguyễn Tường Ánh (con ông Hoàng Đạo) cho hay, anh Chín Khương chuyển về trại Nam Hà (Xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam Ninh), là trại đầu tiên tôi tới khi ra Bắc.  Anh Chín Khương trở lên ngơ ngác, không nhớ điều gì.  Tôi liên tưởng tới chính sách “tẩy não” mà chúng tôi đang được “học tập cải tạo”.

Sau khi anh Chín rời trại, đến lượt Vũ đi “làm việc”.  Trước khi đi lao động, tôi bảo Vũ:

- Chuyện đến đã đến.  Có chuyện gì anh nhắn cho anh em biết.

Vũ mỉm cười trả lời:

- Chuyện cũ tái diễn.  Tôi đã sửa soạn tinh thần xa anh em một thời gian.  Dù sao chúng ta cũng vừa trải qua những ngày thật vui và đáng ghi nhớ.

Sau khi Nguyễn Đức Khuân và Nguyễn Tiến Đạt đi kỷ luật, chúng tôi sẵn sàng chờ đợi đến lượt mình vì biết tai ương sẽ ập đến bất cứ lúc nào.  Bộ Nội vụ nắm giữ mạng sống chúng tôi, nhưng thân xác chúng tôi lại nằm trong tay đám cán bộ trại, nên họ có quyền hành hạ chúng tôi.

Số anh em đội 16 đi kỷ luật khá đông, nhân số còn lại hơn 30 người, nên thường đảm nhận những công tác vệ sinh trong khuôn viên trại, như dọn dẹp khu kỷ luật mới vừa hoàn tất, gạch đá còn ngổn ngang.  Nhìn xung quanh khu kỷ luật chỉ thấy vòng tường cao, trên giăng nhiều hàng kẽm gai.  Đứng trong vòng tường, không nhìn thấy khung cảnh phía xa, ngoại trừ những tàng cây bên sườn núi thấp thoáng trên đầu tường.

Đến giờ giải lao, anh Đặng Văn Tiếp đề nghị tôi hát lại khúc hát, mà có lần tôi hát cho anh nghe khi còn ở trên trại Quyết Tiến, ghi lại những giây phút đen tối của một kiếp người, sau nhiều tháng bị cùm xích trong phòng tối của khu kỷ luật.  Tôi trả lời anh Tiếp:

- Có lẽ trong hoàn cảnh này tôi muốn diễn tả tâm tư của tôi, và có lẽ của cả chúng ta, một ngày nào đó, không sớm thì muộn, sẽ lần lượt bước vào chốn này, chung hưởng nỗi cay đắng với các bạn trong kia.

Dù không phải là ca sĩ, nhưng hát hay không bằng hay hát, nhất là khi con người không nghĩ tới ngày mai xa xôi của mình.  Tôi hát lại bài hát “Cacho / Xà Lim” dựa theo âm hưởng nhạc bản “Paloma”, một bản nhạc tôi đặt lời Việt trong căn xà lim, thuộc khu kỷ luật trại Băng Ky tỉnh Gia Định.  Để diễn tả tâm trạng của người tù dưới chế độ CS, bị đầy đọa trong căn phòng tối tăm nhơ nhớp, mà sự sống vốn thê lương ngắn ngủi, dù thức hay ngủ cũng chỉ là một giấc mộng phù du. Tôi đã hát bản nhạc này cho bạn tù trong các căn xà lim bên cạnh vào đêm giao thừa năm Bính Thìn 1976, để đón chào một năm mới với kiếp sống đọa đầy.

Khi tôi dứt tiếng ca, anh Tiếp vỗ tay, như quên hẳn sau lưng mình là khu kỷ luật thuộc vùng đất nổi tiếng Lý Bá Sơ.  Mái tóc điểm muối nhiều hơn tiêu, khuôn mặt xương xương pha mầu trắng xanh xao thể hiện quãng thời gian khổ ải đã qua, thêm đôi kính cận trông thật hiền hòa thân ái.  Anh Tiếp cười vui:

- Mẹ kiếp! Hát được quá đi chứ, đúng là ca sĩ thứ thiệt ngoài đời.  Nếu có chiếc “kèn sắc” phụ họa thì hay biết mấy.  Nhưng không hiểu sao, với nhạc điệu Tango trang trọng, vui tươi mà lời ca anh đặt lại đau thương như con tim đang rỉ máu và giọng ca của anh lại tan nát thê lương, diễn tả đúng kiếp sống không ngày mai của chúng mình.  Phải!  Chúng ta đang đi tới con đường cùng.  Chua xót thật…

Tôi nhận ra, cũng nhờ tinh thần của những lời ca, bài hát làm trong tù, đã giúp chúng tôi giữ được lòng bất khuất trước đàn áp, cực hình trong một cuộc sống quá khắc nghiệt. 

Rồi anh Tiếp đi kỷ luật.  Anh tử nạn vào sáng ngày 2 tháng 5 năm 1979 vì những trận đòn thù trong một lần trốn trại.  Cùng trốn với anh có LM. Nguyễn Hữu Lễ, Đại tá Trịnh Tiếu, giáo sư Nguyễn Sĩ Thuyên và anh Lâm Thành Văn.  Anh Tiếp bị đánh chết tại chỗ, thân xác anh được trật tự Bùi Đình Thi kéo lê trên những bậc tam cấp qua cửa phòng 5, đường lên khu kỷ luật.

LM. Nguyễn Hữu Lễ không khá hơn.  Cũng như anh Tiếp, LM. Lễ bị đám cán bộ trẻ đánh hội đồng ngay bên bờ sông Mã.  Kéo qua cổng gác và tiếp tục đánh cho đến khi ông ngất xỉu, rũ xuống như xác không hồn.  LM. Lễ thật may mắn, trật tự Bùi Đình Thi tưởng ông đã chết nên kéo xác anh Tiếp đè lên người ông.  LM. Lễ được trật tự Thi kéo lên khu kỷ luật, liệng bỏ vào phòng như một hành động phủi tay.  Sau này các nạn nhân sống sót kể lại, trật tự Bùi Đình Thi cũng tiếp tay cán bộ, hành hạ thân xác các bạn tù tại sân trại.

Sau nhiều ngày trăn trở giữa sự sống và cái chết trên nền đá nhơ nhớp, LM. Lễ tỉnh lại.  Thương tích bầm tím đầy người, tiêu và tiểu pha máu kéo dài cả tháng.  Không có thuốc chữa trị, cầm bằng thần chết cận kề.  Nghe Nguyễn Tiến Đạt, một người bạn trẻ trong nhóm Cổng Trời chúng tôi kể lại, mỗi lần trật tự Bùi Đình Thi gánh phần ăn lên khu kỷ luật, hắn không dám vào phòng LM. Lễ vì xú uế xông lên nồng nặc, nên gọi Đạt bị giam kỷ luật ở phòng bên cạnh sang làm vệ sinh.  Lợi dụng khi trật tự Thi ra ngoài, Đạt nhúng chiếc khăn mang theo vào tô nước muối, và vắt những giọt nước muối vào miệng LM. Lễ trước khi lau chùi người ông và dọn dẹp căn phòng.  Có lẽ nhờ những giọt nước muối ấy phần nào đã làm dịu những vết thương đang loang máu trong cơ thể LM. Lễ, và cũng nhờ ý chí sống còn mạnh mẽ, ông đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.

Cuộc sống cam go của chúng tôi qua đi như một khúc phim quay chậm thường ẩn hiện mỗi đêm trong giấc mơ hãi hùng.  Người chết đã yên phận, mặc dù thân xác được vùi lấp thật vội vàng.  Nghĩ tới LM. Lễ, một bạn tù đã cùng tôi rời trại Nam Hà trên chuyến xe định mệnh vào đêm Giáng Sinh, ngày 24-12-1977.  Khi đó tôi không biết mình sẽ tới đâu, xa hay gần, nhưng được nhắn nhủ nơi đó là “vùng đất chết”, không hứa hẹn có con đường về.

Vào nửa đêm, sắp đến giờ hành lễ, anh em trên xe yêu cầu LM. Lễ làm phép lành. Trong xe đột nhiên yên lặng.  Tôi nghe rõ từng hơi thở của các bạn hòa nhịp với lời kinh nhè nhẹ thanh thoát.  Trong hoàn cảnh, vào giây phút này, bên bờ giữa sự sống và cái chết, tôi càng kính trọng hơn đối với người đại diện Chúa trước mặt.  Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ cùng đi với tôi trên chuyến tàu “Sông Hương” từ Nam ra Bắc, đã chia xẻ với bạn tù nhiều cay đắng.  Chẳng phân biệt giữa đạo và đời, giữa con chiên và người đại diện Chúa.  Địa vị trước đây đã trở thành vô nghĩa, tất cả chỉ còn tình huynh đệ, là tình yêu thương con người mà sự sống và cái chết đã gắn bó với nhau.

Mặc cho tiếng la hét, đe dọa của đám cán bộ công an võ trang trên xe, lời kinh vẫn trầm bổng, như gửi hồn vào chốn thiêng liêng tối thượng.  Tôi nghe rõ cả tiếng trái tim mình đập trong lồng ngực, đã tự hỏi, tại sao những người này lại không khiếp sợ trước bạo lực, những đòn thù vào ngày sắp tới.  Phải có gì mầu nhiệm khiến con người đã hết lòng tin tưởng, vượt qua những hiểm nguy đe dọa.  Tôi chợt hiểu khi nhớ tới gương sáng của các “thánh tử vì đạo” với đức tin cao cả.

Anh Lâm Thành Văn chết sau đó một tuần.  Anh bị đau dạ dầy nên phần ăn bo bo nguyên hạt chưa nấu chín, lần vỏ cứng sắc như lưỡi dao đã làm dạ dầy của anh chẩy máu.  Khi chết chân của anh Văn vẫn còn trong vòng cùm.  Đại tá Trịnh Tiếu và giáo sư Nguyễn Sĩ Thuyên cũng chẳng khá hơn.  Thân thể bầm dập vì những trận đòn thừa sống thiếu chết, bị cùm xích lâu ngày trong phòng kỷ luật, sức khỏe yếu dần sau lần trốn trại.

Đội 16 không đủ nhân số cho một đội lao động, nên trại đã chuyển một số anh em từ các phòng khác lên phòng 5.  Anh Nguyễn Cao Quyền, nguyên Chánh Án Tòa Án Đặc Biệt, chuyển từ khu kiên giam xuống đội 16, dáng người cao nên trông anh càng gầy.  Rất may anh còn đi lại được.  Anh luôn vui vẻ, thân ái đối với anh em trong phòng.  Trong đợt chuyển phòng lần này còn có anh Nguyễn Văn Thành, nguyên Chánh án, dược sĩ Phạm Văn Diệm và bác sĩ Trương Khuê Quan.  Theo nội quy của trại, bác sĩ Trương Khuê Quan không được “hành nghề”, nhưng ông thường xem bệnh và cho lời khuyên khi anh em bị bệnh.

Tôi nhớ bác sĩ Trương Khuê Quan có lần nói: “Nhiều người ngại không dám gần nhóm Cổng Trời các anh vì họ sợ bị ảnh hưởng tới ngày về của họ.  Nhưng tôi muốn gần các anh, để được lây cái hên vì các anh đã thoát chết ở trại Cổng Trời.  Tôi cũng thích câu anh thường nói, trời sập cũng thế thôi."  Đây là câu tôi thường tự nhắc nhở, vì cuộc đời của chúng tôi trong lúc này không còn tùy thuộc vào chúng tôi nữa, kể cả sự sống và cái chết.  Nên còn gì để lo, để sợ.

Đội 16 làm công tác xây dựng, các bác Phạm Văn Diệm (tiến sĩ Dược) và Bác sĩ Trương Khuê Quan (Giám đốc Quốc gia Nghĩa tử) trở thành phụ hồ trong tổ xây với tôi.  Đó là nét “ưu việt” của Xã hội Chủ nghĩa, cải tạo mọi thành phần trí thức trở thành lao động chân tay.  Đứng trên dàn dáo, tôi kéo phụ hai bác những thùng vữa đầy lên dàn trước khi xây và nhận ra sự thay đổi một cuộc đời thật dễ dàng và chua xót:

  “Bác sĩ Quan cuốc đất,                                                                                                                               Dược sĩ Diệm phụ hồ…”

Về phần tôi, trong suốt thời gian “tù cải tạo”, đã đi lên từ công việc hạ tầng, từ đào mương vác đá đến chặt nứa khiêng cây, từ gánh nước tưới rau đến thợ mộc thợ nề.  Và bây giờ, cuộc đời tôi dính liền với dao xây thùng vữa.  Cán bộ trại thường nhắc nhở, chúng tôi “may mắn” được xã hội mới cải tạo, tôi luyện từ thể xác đến tinh thần, để trở thành “con người mới Xã hội Chủ nghĩa”, có tay nghề vững chắc, mà nhờ đó có cuộc sống ấm no sau này.

Phòng 5 ngày một đông.  Các anh từ Hoàng Liên Sơn chuyển về đây, được thành lập đội 15, ở một nửa căn phòng 5 gần cổng ra vào.   Nhờ có thêm anh em ở phòng khác tới, không khí đội 16 vui hẳn lên.  Văn nghệ cũng khởi sắc.  Ngày chủ nhật sân trại vắng tanh vì trại cấm tù nhân qua lại các phòng.  Tôi nhìn về phía cổng gác, tìm lúc cán bộ trực gác đi khuất, băng qua khoảng sân rộng cuối hội trường để sang phòng 4.  Một số bạn “mê” giọng ca của Nguyễn Hữu Phúc, Đại úy Không quân nên các bạn thường gọi anh là “Phúc giặc lái”, đã quây quần ở sàn trên.  Chúng tôi yên tâm vì có một số anh em ngồi nơi cổng ra vào buồng canh chừng cán bộ bất thường tới kiểm soát.

Bên ly trà bốc khói, chúng tôi lắng nghe Phúc hát, giọng hát trầm ấm, êm dịu diễn tả nỗi lòng thương nhớ cố nhân.  Mà hiện tại chỉ còn là “Hoài Cảm”, âm hưởng nghe như đứt đoạn:

“…Chờ hoài nhau trong mơ, nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa…” 

Tất cả chỉ còn lại ngậm ngùi, để “…nhớ nhau muôn đời mà thôi…”

Khi Phúc hát đến khúc ca “Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt” của nhạc sĩ Nam Lộc, giọng ca của Phúc trở lên day dứt, uất nghẹn như tiếng nấc tự đáy lòng làm nhạt nhòa nước mắt.  Tất cả chìm vào dĩ vãng với những tiếc nuối về một thời huy hoàng đã qua:

“…Sài Gòn ơi!  Ta đã mất người trong cuộc đời…, Sài Gòn ơi!  Thế là hết thời gian tuyệt vời…”

Sài Gòn đã trở thành bất diệt, không thể thiếu trong tâm tư người miền Nam, đã lưu lại trong lòng  người tới đây những hình ảnh dịu dàng nhưng trung thực.  Cũng nhờ tính “Người Sài Gòn” ấy, đã chan hòa một thứ tình cảm quyến luyến, bao dung của người mẹ hiền, dang rộng vòng tay ấp ủ những đứa con lạc lõng.  Và chính “Người Sài Gòn” ấy cũng thể hiện sự mời gọi của một người tình tha thiết thủy chung.  Sài Gòn là nơi chốn đượm tình yêu thương.  Vì vậy, xa Sài Gòn vẫn nhớ, vẫn mong muốn trở về.

Đời sống tinh thần của người tù cải tạo khi vui lúc buồn bất chợt, phấn khởi lo âu lẫn lộn.  Tâm tư luôn bị giao động với ý nghĩ không có ngày về.  Đang im lặng chịu đựng, bỗng chốc lòng căm hờn trỗi dậy.  Đêm 30 Tết là đêm khó ngủ.  Mọi người tưởng nhớ tới khung cảnh gia đình xum họp đầm ấm trước đây.  Sau bữa cơm chiều, khi cửa phòng đã khóa phía ngoài, từng nhóm xúm quanh ngọn đèn dầu nhỏ nhắc lại chuyện cũ, những thăng trầm trong thời gian tù đầy, những tăm tối khổ ải đã trải qua.  Bác Trần Duy Đôn (nguyên Thượng Nghị sĩ - VNCH) chợt lên tiếng:

- Bác Kim, bác Quyền ơi!  Hát cho anh em nghe đỡ buồn.  Nhớ nhà quá…

Không riêng gì bác, vào giờ phút thiêng liêng này, ai cũng liên tưởng tới gia đình.  Rồi chẳng cần men rượu, tại chiếu nằm sàn trên, Huỳnh Thế Hùng ngồi quay lưng ra phía cửa sổ mở rộng, cất tiếng ca bản nhạc “Việt Nam – Việt Nam”.  Mọi người trong nhóm ca theo.  Có lẽ đó là bản nhạc đầu tiên được ca vang trong thời gian tù đầy.  Tiếng hát trầm hùng bùng lên, gợi nhớ tất cả một dĩ vãng đau thương với mảnh đất quê hương miền Nam, mà những đứa con đã tận tụy một đời hy sinh bảo vệ, đang trầm luân khổ ải trong kiếp sống nửa vời.

Vòng người được nới rộng, như muốn đóng góp cho khí thế hào hùng, như men rượu lâng lâng thấm bầu nhiệt huyết.  Mọi người thay nhau đơn ca những bản nhạc tình cảm miền Nam, nhuộm thắm tình yêu quê hương đất nước.  Rồi bất chợt lời ca uất hận, căm hờn của các bản nhạc sáng tác trong tù, diễn tả những thân xác rũ liệt tả tơi trong phòng tối, quằn quại trên mặt nền nhơ nhớp vì trận đòn thù.

Nhạc bản “Đôi Giầy Dũng Sĩ” vừa cất lên, tôi nhớ đến anh Nguyễn Văn Hồng, một sĩ quan trẻ tuổi, đã làm bài ca này.  Cả trại truyền nhau hát.  Cán bộ trại bắt anh vào kỷ luật, cùm xích ngày đêm.  Anh đã gục ngã trong xà lim tăm tối của trại Nam Hà (Xã Ba Sao, Hà Nam Ninh).

Khi sáng tác bài ca này, anh chỉ có ước mơ nhỏ bé, được là đôi giầy dưới chân lớp trẻ mai sau, đập tan xiềng xích, khôi phục đời sống tự do hạnh phúc của quê hương.  Lời ca diễn tả:

“………
“Này em, ta không quên đâu những ngày tù tội.
“Này em, ta không quên đâu mối thù muôn đời.
“Cho tôi xin một lần được chết,
“Cho em tôi một trời yêu thương…”

Ngoài hiên, trong không khí giá lạnh của ngày cuối năm, một cán bộ võ trang trẻ tuổi im lặng, thỉnh thoảng dừng lại lắng nghe những dòng nhạc trữ tình của miền Nam.  Hắn không có một phản ứng nào.  Anh em trong phòng thấy hắn từ lâu, làm như không biết có hắn đứng ngoài.  Mọi người vẫn say sưa ca hát, cố tận hưởng những giây phút quý báu hiếm có trong cuộc đời tù cải tạo.  Thấy hắn, tôi nhớ tới lời của một cán bộ trẻ tâm sự: “Các bác được ở trong phòng ấm áp, trong khi cháu phải đứng gác ngoài trời vào mùa đông giá rét.  Các bác có nơi chốn để về, còn cháu có nơi nào đâu!”

Trong thời gian vừa qua, theo yêu cầu của các bạn trong phòng, anh Nguyễn Cao Quyền đã chuyển lời một số bản nhạc quen thuộc của miền Nam từ tiếng Việt qua tiếng Pháp, như các bản: Khi người yêu tôi khóc: “Larmes D’amour”,  Ai đưa em về:  “Ce soir qui t’accompange”, Nhìn những mùa Thu đi: “Et l’automne s’enfuit”….

Tiếng ồn ào trong phòng chợt lắng xuống khi tiếng đàn ghita của anh Nguyễn Ngọc Liên nổi lên, xoa dịu những tâm hồn đang ngút lửa với thương hận tủi hờn.  Tiếng đàn êm dịu hòa theo tiếng hát của anh Nguyễn Cao Quyền trong bản nhạc với tựa đề “Larmes d’amour”, chuyển qua lời Pháp từ nhạc phẩm “Khi người yêu tôi khóc” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.  Âm hưởng lời ca như những giọt nước mắt ân tình của người vợ hiền đang ngóng đợi chồng về:

“Quand tes larmes tombent, le ciel est sombre.  Ces perles d’amour froissent mes jours.  Tes beaux yeux en larmes, c’est si charmant.  Sais tu, je t’aime si doucement et si tendrement."

“Comme l’éclair qui brille dans l’ombre du soir.  Toi, pourquoi tu viens si près de moi.  Puis tu me donnes tant de désespoir.  Vois tu tes larmes de bonheur ravagent mon coeur."

“Quand tu as dit oui pour toute ta vie je suis perdu.  Nous avons vécu de si beaux jour de notre amour.  Et pourquoi tu choisi de quitter loin pour toujours."

“Quand tes larmes tombent j’oublie le tempt.  Et tes mots d’adieu glacent mon sang.
“Moi, je prie Dieu pour ton bonheur.  Sais tu ma vie sans tes douceur n’est plus que malheur."

Để tô đậm không khí đắm chìm trong nhớ thương của nhạc phẩm nhuốm đầy nước mắt người yêu, một bạn cuối phòng góp vui bằng lời Việt:

“Khi người yêu tôi khóc trời cũng giăng sầu.  Cho từng cơn mưa lũ xoáy trong tâm hồn.  Khi người yêu tôi khóc thành phố buồn thiu.  Em ơi tôi níu một lần ưu ái trên cung ngà hắt hiu."

"Mây từ đâu trôi đến mờ dấu chân trời.  Em, tại sao em tới cho anh yêu vội.  Cho một lần yêu cuối là những lẻ loi.  Em ơi hãy nói vạn lời sầu đắng như em vừa trách anh…”

Trong phòng thật im lặng, mọi người đang hòa theo lời ca tiếng nhạc, trở về một thời không xa trước đây với nếp sống đầy ắp niềm vui.  Anh Lâm Minh Lê, nguyên chủ nhà hàng Bồng Lai, đường Lê Lợi Saigon, bước ra giữa lối đi, hai tay vòng ra phía trước, nhẹ bước theo tiếng nhạc, dáng điệu như đang dìu người tình trong mộng.

Trong khoảnh khắc, tôi có cảm tưởng tâm tư mình lắng đọng, du hồn trong sóng nhạc, đắm mình dưới ánh đèn, với men cay, như đang theo bước chân lướt nhẹ trên sàn gỗ vào những ngày vui thuở nào.

Nhạc bản “Nước Mắt Mưa Ngâu” của  Nguyễn Đức Khuân nói lên tâm trạng người tù trong phòng kỷ luật, với tay xích chân xiềng.  Tương lai quả thật xa vời.  Mọi thứ như vuột khỏi tầm tay.  Có chăng chỉ còn hình ảnh yêu thương của người vợ hiền.  Lời ca diễn tả:

“Trời mưa hiu hắt như lệ em khóc đêm thâu.  Tiếng mưa tí tách tiếng mưa nhẹ khơi cơn sầu.  Lòng ta tê tái với bao nhiêu nỗi thương đau.  Bóng đêm mênh mông không gian chìm sâu.  Đời cho ta biết bao ngày xa vắng âm u.  Còn đem mưa bão táp trên cuộc sống lao tù..."

(Cuồng Sĩ Thanh Cẩm)

Khuân đã sáng tác nhiều bản nhạc được bạn tù truyền nhau hát.  Nhưng khi bản “Ngày Địa Ngục Trần Gian” mang theo đi lao động bị phát hiện.  Anh bị những tên công an võ trang đánh đập ngay tại cổng gác.  Kèm theo tiếng thét:  “Anh dám bảo chúng tôi là loài quỉ đỏ…” là những cú đá, cái đấm không nương tay trước khi nhốt anh vào phòng kỷ luật.  Khuân đã bị cùm xích và chịu đựng  sự hành hạ tàn nhẫn trong phòng kỷ luật kéo dài gần 4 năm sau đó.  Chúng ta hãy xem nội dung của bản nhạc khiến anh bị cực hình:

"Ngày địa ngục trần gian dâng lên với nỗi kinh hoàng.  Ngày vừa nghe tiếng 'keng' vang lên lúc trời mờ sương chưa nhòa bóng tối.  Từng người tù như bầy ma vươn mình lên đang đón chờ những cực hình một ngày đọa đầy.  Mùa đông lạnh căm gió rét từng cơn như cắt thịt da vào thấu tận xương.  Chợt nghe dậy lên cơn đói triền miên đay nghiến cuồng điên từ khi thức dậy nhìn nhau ái ngại trong nỗi đau vươn dài."

“Bầy quỷ đỏ như lũ sói hung chờ.  Cửa địa ngục khua vang ba tiếng khóa, tiếng báo số kêu tù vội vã đi ra phơi bộ xương khô trên đồi nắng.  Tiếng thét, tiếng búa, tiếng đòn hận thù, trên lưng oằn đau tím bầm đòn thù; trời rét căm căm mặc gió mưa dầm."

“Rồi người vào trong đêm đen bằng những giấc mơ kinh hoàng…và bóng tối tương lai mịt mờ!”

(Cuồng Sĩ Thanh Cẩm)

Với tâm tư của tác giả trong lời nhạc cũng như lòng bất khuất trong cuộc sống, danh xưng “Cuồng Sĩ Thanh Cẩm” đã được anh Nguyễn Cao Quyền mến tặng, khi tác giả di chuyển từ trại Cổng Trời tới trại Thanh Cẩm, lưu lại như một kỷ niệm với các bạn tù đã cùng nhau san sẻ những niềm vui hiếm hoi trong quãng đời nhiều cay đắng. 

Tiếng hát có khi lên cao, có lúc trầm lắng, tắc nghẹn như tiếng thở dài.  Mọi người bị khích động, lôi cuốn hòa nhịp với niềm vui, quên hẳn những hiểm nguy đang rình rập trong lúc này, sẽ tới vào ngày mai hay những ngày kế tiếp.

Số phận của tù cải tạo thật mong manh.  Sau những đọa đầy khổ ải, nhiều người thiếu may mắn không có ngày trở về, đã nhận mảnh đất nơi này là “quê hương”, sau khi trả xong “món nợ máu” cho “đảng CSVN”, được diễn tả qua lời thơ của bạn tù:

Hai tên cầm súng bước đi đầu
Tên nữa AK tiếp phía sau
Một xác bó tròn đôi manh chiếu
Hai đầu buộc chéo bốn giây lau
Không kèn, không trống, không đưa tiễn
Chẳng khói, chẳng nhang, chẳng nguyện cầu
Chỉ có bạn tù khiêng lặng lẽ
Vùi nông một khối hận thù sâu.

Tôi ở căn “nhà 5” này đã lâu, cùng với các bạn cũ mà tình thân như ruột thịt, những người bạn đã chia sẻ với tôi những giây phút đau thương của quãng đời “tù cải tạo” từ Nam ra Bắc.  Như  “LM. Nguyễn Hữu Lễ, các anh: Tô Tứ Hướng, Vũ Văn Vang, Nguyễn Tôn Tính, Mai Văn An, Dương Văn Lợi, Ngô đình Thiện, Nguyễn Văn Hà, Trần Phụng Tiên, Mai ngọc Y, Nguyễn Tiến Đạt, Nguyễn Đức Khuân, Phạm văn Thông, Đỗ Duy Hùng, Huỳnh Thế Hùng, Phạm Hồng Thọ, Ninh Vệ Vũ, Nguyễn Sĩ Thuyên, Lê Văn Khương và Nguyễn Văn Huyền”.

Và những người bạn thân trong 4 năm qua tại trại Thanh Cẩm, như quý anh Nguyễn Cao Quyền, Nguyễn Ngọc Liên, Nguyễn Văn Thành, Đèo Văn Tsé, Phan Công Tôn, Lê Ngọc Thạch, Phạm Phú Minh, Đỗ Việt Anh, Nguyễn ngọc Xuân, Nguyễn Khắc Linh, Nguyễn Văn Bảy, Lê Sơn, Nguyễn Văn Vững, Ngô Trung Định, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Vũ Dương… đã cùng với tôi san sẻ những niềm vui hiếm hoi trong quãng đời nhiều cay đắng.  Mà có những người bạn, tôi không còn cơ hội gặp lại, như lúc tôi chia tay với những người bạn thân thiết vào mỗi khi đổi phòng hay chuyển trại.

Sau một tuần chờ đợi vé tàu, chúng tôi ra khu cơ quan, mỗi người nhận 23 đồng tiền ăn 3 ngày trên tàu và giấy ra trại.  Khi cầm giấy ra trại tôi nói với các bạn, “đây là giấy biên nhận” chúng ta đã để lại vùng rừng núi này cả mồ hôi, máu và nước mắt, đã chôn vùi quãng đời tuổi trẻ đẹp nhất của mình, để trở về một nhà tù lớn hơn.

Khi đưa giấy ra trại cho tôi, cô cán bộ Tư thấy tôi mặc bộ bà ba xanh trại phát, xé ngắn tay đã bạc mầu, trong khi các bạn tôi mặc quần áo dân sự, cô hỏi tôi:

- Anh không có quần áo dân sự mặc về hay sao?

- Thưa không.  Tôi chỉ có bộ quần áo đang mặc.

- Anh mặc quần áo này về coi sao được.  Anh đợi tôi một lát.

Cô chạy sang phòng bên lấy một bộ quần áo nâu mới, thứ quần áo dành cho tù hình sự miền Bắc khi được tha.  Cô bảo tôi:

- Anh mặc tạm bộ quần áo này, còn mới nên dễ nhìn hơn.

Tôi nhận bộ quần áo nâu và cám ơn cô.  Nhưng tôi vẫn muốn mặc bộ quần áo xanh trại phát cho tù cải tạo miền Nam trên đường về, mặc dù đã bạc mầu.  Tôi muốn mặc vì hãnh diện là một người miền Nam đã đi tù dưới chế độ CS.

Tôi nhớ mãi lời nhận xét của cô Tư, người mà tôi, anh Hướng và anh Cảnh đã sửa nhà cho gia đình cô vào dịp Tết vừa qua.  Khi công việc đã xong, cô Tư tỏ lời cám ơn và hỏi:

- Gia đình các anh đã ra thăm nuôi chưa?

Tôi trả lời cô Tư:

- Chúng tôi đã được gia đình ra thăm.

- Tôi thấy gia đình các anh ra thăm mang hàng trăm ký quà, ăn cả năm chưa hết.  Khi khám quà tôi thấy đầy đủ mọi thứ.

Anh Hướng góp lời:

- Chúng tôi thiếu dinh dưỡng đã lâu, không thể ăn dè được.  Hơn nữa anh em chia nhau mỗi người một chút cho vui.  Vì vậy, gói quà cả trăm ký chỉ được 1, 2 tháng.

Tôi có cùng ý nghĩ như anh Hướng, cuộc đời tù cải tạo “no nhất thời, đói muôn thuở”, nay ở mai đi, di chuyển bất thường, biết cách nào mà mang, mà giữ để ăn dần.

Cô Tư nói tiếp:

- Nhìn thân nhân các anh tới thăm nuôi, tôi biết gia đình các anh rất khá giả, mặc dù các anh đi cải tạo đã lâu…

Cô nhìn quanh căn nhà tiếp lời:

 - Nhà cửa của các anh trong Nam hẳn là khang trang đẹp đẽ, chẳng bù cho chúng tôi, nhà cửa nghèo nàn, chật hẹp.

Tôi nhìn cô Tư đang diễn tả thực trạng đời sống của mình, nét mặt chứng tỏ lời nói.  Vì ở địa vị cô, là người đang có quyền, không cần phải nói một lời “xuống nước” trước mặt người tù cải tạo.  Nên khi nói ra, phải là lời thành thật, một nhận xét sau thời gian tiếp xúc với tù cải tạo miền Nam.

Tôi tiếp lời cô Tư:

- Chúng ta ở hai hoàn cảnh đời sống khác nhau, nhưng có điều cần thiết là phải sống vui, cô hãy sửa soạn để các cháu vui Xuân.

- Cám ơn các anh đã sửa nhà giùm tôi.  Sau khi quét vôi và làm lại nền, căn phòng sáng sủa hẳn lên.

Chúng tôi ra nhà thăm nuôi, ngủ tại đây một đêm, sáng sớm mai xe tới đón đưa chúng tôi ra ga Thanh Hóa.  Anh Hướng đề nghị tôi sang khu gia đình cán bộ mượn gạo để nấu bữa cơm tối nay, vì đã lâu chúng tôi không biết tới mùi hạt gạo, nhất là trong không khí này.  Tôi tới nhà cán bộ Chương.  Thấy tôi cán bộ Chương hỏi:

- Anh Kim.  Ngày mai các anh về phải không?

- Vâng.  Sáng mai chúng tôi sẽ rời khỏi đây.

Cán bộ Chương hỏi tiếp:

- Anh cần gì không?

- Trời đã tối, chúng tôi không thể vào làng mua gạo, định mượn cán bộ vài lon gạo nấu ăn tối nay.  Sáng sớm mai chúng tôi vào làng mua gạo sẽ hoàn lại cán bộ.

Tôi thấy hắn ngưng giây lát, sau đó kéo tôi vào căn trong gần bếp, mở nắp vại đựng gạo bảo tôi:

- Đúng ra tôi phải có chút quà mừng các anh được về.  Rất tiếc nhà không còn một hột gạo.  Cả ngày hôm nay chúng tôi phải ăn sắn.

Nhìn thấy vại đựng gạo trống trơn, biết hắn nói thật.  Tôi bảo cán bộ Chương:

- Không sao cán bộ.  Chúng tôi muốn có bữa ăn để kỷ niệm ngày cuối cùng ở đây.  Cán bộ đừng để tâm.

Tôi chào hắn và chúc vợ chồng hắn có đời sống hạnh phúc.

Chúng tôi có một đêm chuyện vãn để sáng mai sẽ ra ga Thanh Hóa, sau đó mỗi người mỗi ngả, mỗi người có một cuộc sống khác biệt trong một xã hội mọi thứ đã thay đổi.

Chúng tôi dậy thật sớm uống ly trà nóng.  Phải 10 giờ sáng xe mới tới đón.  Hành trang của tôi chẳng có gì nhiều, ngoài chiếc mền nỉ, chiếc màn lưới của Mỹ, bộ quần áo nâu cô Tư đưa ngày hôm qua và chiếc khăn mặt hiệu Canon mà vợ tôi mang ra vào dịp thăm nuôi vừa qua, tất cả để trong túi vải.

Tôi bước lên bậc tam cấp trước nhà thăm nuôi.  Trời còn tối.  Khu gia đình cán bộ bên kia đường vẫn im lìm say ngủ.  Nhớ lại chuyện cũ.  Khi sửa mái tranh khu gia đình cán bộ, tôi đã chứng kiến nhiều cảnh xum họp rồi chia ly nơi nhà thăm nuôi.  Và cả tiếng sáo miệng theo âm điệu bản nhạc “Người Yêu Tôi Đâu” trong phim “Bác sĩ Jivago” của các bạn tù đang ngóng đợi người thân.
Ga Thanh Hóa
Tôi nhớ mãi gương mặt đầm đìa nước mắt của vợ tôi mỗi lần tôi về khuya, cũng ẩn chứa nét đau khổ, tuyệt vọng vào đêm tôi bị đám công an bắt tại nhà, như khi chia tay vào lần thăm nuôi vừa rồi sau nhiều năm bặt tin, những tưởng tôi không còn sống trên cõi đời.  Một hình ảnh tưởng chừng đây là lần chia ly không hẹn ngày gặp lại.  Thực ra, lấy gì để bảo đảm cho một kiếp người khi cái chết luôn ám ảnh cận kề.

Giọt nước mắt của mẹ tôi vào đêm tôi bị bắt tại nhà, cứ ám ảnh, theo đuổi tôi trong nhiều năm tù đầy.  Tôi nhìn rõ gương mặt đau khổ của bà khi bọn công an tìm ra lá cờ Vàng 3 sọc đỏ mà bà cất giữ, và đinh ninh đây là chứng cớ khiến tôi bị bắt.  Tôi thông cảm với ước vọng thầm kín nơi bà, vì lá cờ Vàng là biểu tượng của đời sống tự do hạnh phúc, một đời sống thể hiện nét tự hào, xứng đáng là một con người.  Lá cờ Vàng là hình ảnh mà người miền Nam luôn trân quý, giữ gìn như linh hồn của dân tộc.

Tôi lặng nhìn những giòng nước mắt đau khổ của bà tuôn rơi khi tôi bước ra khỏi nhà.  Hai bàn tay bà che mặt cố ngăn tiếng nấc nghẹn, như không muốn nhìn thấy cảnh chia ly đứt ruột.  Cha tôi ngồi im lặng, chua xót nhìn tờ biên bản bắt giam để trên bàn kính trước mặt.  Ông thừa hiểu mảnh giấy này chỉ là một tờ giấy lộn, một việc làm cho có, vì ngay cả các Hiệp Định đã ký kết với quốc tế họ cũng chẳng thi hành đứng đắn.  Ông biết rõ bản chất tàn nhẫn của chế độ này, nên đã dắt díu vợ con di cư vào miền Nam sau ngày chia đôi đất nước năm 1954.

Chúng tôi rời trại Thanh Cẩm vào lúc 10 giờ sáng trên một chiếc xe chở hàng không mui che, thẳng đường tới ga xe lửa Thanh Hóa.  Cùng đi với chúng tôi có Trung Úy Tuy, Ban giáo dục và cán bộ Ba.  Khi tới ga, cán bộ Ba đi lo vé tàu.  Chúng tôi mời cán bộ Tuy vào một quán ăn đối diện ga xe lửa dùng bữa ăn tối, vì từ sáng đến giờ chúng tôi không có chút gì vào bụng.  Trong túi tôi chỉ có 23 đồng, chắc đủ ăn một ngày.  Tôi nhờ bà chủ quán bán hộ tôi chăn màn và bộ quần áo nâu để có thêm tiền ăn đường.

Tôi gọi một cốc nước đá chanh lớn, Sài Gòn gọi là “ly cối”.  Đã lâu tôi chưa được nếm vị thơm của mùi chanh và cảm giác lành lạnh của viên đá tan dần trong miệng.  Tôi uống một hơi cạn cốc nước trước sự ngạc nhiên của bà chủ quán.  Thấy cán bộ Tuy nhìn khi tôi uống một hơi cạn cốc nước đá chanh, tôi nói:

- Tôi thèm cốc nước chanh này đã hơn 6 năm.

Tôi lấy chiếc khăn mặt lớn còn mới, một vật duy nhất còn lại trong túi vải, mà vợ tôi mang ra khi thăm nuôi.  Tôi đưa cán bộ Tuy và nói:

- Tôi chỉ còn cái khăn này biếu cán bộ.

Cán bộ Tuy cầm chiếc khăn ngắm nghía, chắc cảm thấy khác lạ đối với những chiếc khăn thường gặp.  Tôi chỉ dấu hiệu mang chữ “Canon” phía đầu cái khăn nói tiếp:

- Chiếc khăn này hiệu Canon. Sản xuất tại Mỹ.

Tôi nhớ mãi lần chở phần gỗ trại cho cán bộ Tuy trước khi hắn về hưu.  Hắn mời tôi uống bát nước trà xanh nóng hổi, loại trà tươi gia đình tôi thường uống tại miền Nam.  Trong câu chuyện, như một lời “phân bua”, hắn nói khi giảng dậy trên hội trường đã nói theo chính sách.

Tới giờ tàu khởi hành.  Chúng tôi chào cán bộ Tuy và cán bộ Ba trước khi lên tàu. Cả 32 chúng tôi ngồi vào một toa, chia nhau những hàng ghế gỗ có lưng tựa.  Hai hàng ghế đối diện nhau, một bàn gỗ nhỏ ở giữa.  Tôi và anh Hướng ngồi một ghế. Tôi chọn chỗ ngồi sát bên cửa sổ, mong tìm một chỗ tựa vai.  Bây giờ vào cuối năm, mùa Đông miền Bắc đã bắt đầu.  Tàu chuyển bánh, đã gần nửa đêm.  Tôi tựa vào lưng ghế, duỗi chân lên chiếc bàn nhỏ, nhắm mắt mong tìm một giấc ngủ.  Suốt đêm hôm qua chúng tôi không chợp mắt, mải mê nói chuyện vì biết rất hiếm cơ hội gặp lại.

Anh Hướng chợt quay qua tôi:

- Anh ngủ được không?

- Mặc dù chúng mình thức trắng đêm hôm qua và cả ngày hôm nay trên xe di chuyển, nhưng tôi vẫn cảm thấy khó chợp mắt.

Hướng tiếp lời, giọng như chùng xuống:

- Chúng mình như vừa trải qua một giấc mơ.  Một thoáng đã hơn 6 năm qua đi.  Biết bao nhiêu chuyện đổi thay trong đời sống xã hội.

- Tôi có cùng ý nghĩ như bạn.  Niềm vui đến với chúng ta thật bất chợt, cuộc sống của chúng ta như đang ở ngoài tầm tay.

Tôi hỏi Hướng:

- Anh có ý định gì không?

- Để về nhà xem hoàn cảnh gia đình ra sao rồi mới tính được.

- Các cháu của anh ở Mỹ ra sao?

- Chúng ở với các em của tôi, ngoan và rất chăm học.

Tôi mừng cho bạn đã có những hạt giống tốt ở miền đất hứa.  Tôi chợt nhớ tới lời cán bộ Chương: “Hồ sơ cá nhân của các anh sẽ chuyển về địa phương nơi các anh cư ngụ để địa phương quản lý…”, tôi nhận ra một điều, đời sống riêng tư của người dân luôn bị theo rõi, nhất là hoàn cảnh của chúng tôi, những người có “nợ máu” với đảng và nhà nước cộng sản, khó thoát khỏi cặp mắt của công an khu vực.  Tôi quay qua Hướng:

- Khi về, chúng ta bị địa phương theo rõi từng bước, chưa chắc đã sống yên thân.

Chúng tôi trở lên yên lặng.  Khó nói ra những suy nghĩ vào lúc này khi mà hoàn cảnh xã hội đã hoàn toàn thay đổi.  Chúng tôi vừa trải qua một giai đoạn thăng trầm của lịch sử, là chứng nhân của một chế độ hà khắc, đã hủy diệt ước vọng của một dân tộc.  Và cũng là nạn nhân của một tập đoàn cầm quyền, vì cuồng vọng nhất thời, đã đưa dân tộc tới bờ vực thẳm đói nghèo, biến đổi một nếp sống văn minh trở thành chậm tiến, lạc hậu.

Tàu đỗ ở ga Đồng Hới khá lâu, chúng tôi có đủ thời gian tắm gội sau 2 ngày ngồi bó chân trên ghế và tối ngủ trên tấm báo trải xuống sàn tàu.  Chúng tôi uống cạn những giọt bia với miếng gà luộc, một thức ăn bình thường trước đây, đã trở thành “xa xỉ” trong 6 năm qua.

Con tàu mải miết chạy, khi tới địa phận Long Khánh, không còn bao lâu nữa sẽ tới Sài Gòn.  Lòng tôi nôn nóng về nhà.  Tôi chợt thèm hương vị cà phê, nên cùng các bạn vào toa ăn.  Theo lịch trình tàu chạy, giờ này toa ăn cũng sắp đến giờ đóng cửa để thu dọn trước khi tới Sài Gòn.  Chúng tôi tới toa ăn, trong toa không còn khách.  Thấy chúng tôi, một cô tiếp viên hỏi:

- Các anh cần gì không?

- Chúng tôi muốn mua ly cà phê.

Cô quay vào trong hỏi các bạn.  Tôi nghe thấy một giọng nữ nói vọng ra:

- Mời các anh vào.

Cô đứng bên cửa mời chúng tôi vào.  Trong toa ăn có 5, 6 cô cả giọng miền Nam và Bắc.  Tôi ngồi vào bàn với các anh Nguyễn Văn Thành, Tô Tứ Hướng, Nguyễn Ngọc Liên, Ngô Trung Định và các bạn khác... Thấy tôi mặc bộ áo tù, một cô hỏi:

- Các anh vừa đi cải tạo về?

- Vâng, chúng tôi vừa rời trại Thanh Cẩm, Thanh Hóa là lên tàu về miền Nam.

Chúng tôi được tiếp đón thật nồng hậu.  Ngoài thức uống, cô trưởng toán còn mời chúng tôi một chai Champagne của Liên Xô đã ướp lạnh với tôm khô và củ kiệu, để mừng ngày chúng tôi trở về. Chúng tôi chuyện vãn, dù chỉ trong khoảnh khắc nhưng thấm đượm tình người.  Chúng tôi được biết quý danh các cô, nguyên là học sinh trường Gia Long-Sài Gòn, những người đã mang đến cho chúng tôi một thứ tình cảm thật gần gũi khó quên, hiếm có trong cuộc sống nhiều thay đổi này.

Chúng tôi hy vọng có dịp gặp lại: Cô Oanh: 138/2 Cô Bắc, Phú Nhuận – Cô Cúc: 116/33/25 Tô Hiến Thành, Q.10 – Cô Duyên: 530 Lý Thái Tổ, Q.10 – Cô Liên: 212/11/27 Nguyễn Thiện Thuật, Q.3 – Cô Lan: 195/32 Hoàng Đạo (Cống Bà Xếp.)

Bất chợt có tiếng gõ cửa toa ăn.  Qua ô cửa kính nơi cánh cửa, một vị khách mặc quân phục muốn vào toa ăn.  Tôi nghe rõ câu trả lời của cô tiếp viên:

- Toa ăn đóng cửa vì sắp tới ga chính.

Vị khách nói:

- Những người ngồi trong toa thì sao?

- Những người này khác.

Sau câu trả lời, cô quay vào làm tiếp công việc đang làm.  Chúng tôi cám ơn các cô tiếp viên đã dành cho chúng tôi một sự ưu đãi đặc biệt.  Đây là hình ảnh đẹp nhất sau một thời gian dài chìm đắm trong sự hà khắc.  Một hình ảnh gợi nhớ tình cảm thân thiết của quê hương miền Nam.

Tàu dừng lại ga Long Khánh, một người đàn ông lên tàu, tới cửa sổ chỗ tôi ngồi, đón nhận những bó củi, bao than và nhiều thứ khác được chuyển từ dưới sân ga qua cửa sổ.  Đây là những món hàng được chuyển về bán tại thành phố.
Ga Bình Triệu
Tới ga Bình Triệu trong túi tôi không còn một đồng.  Tôi đứng trước cửa ga tìm phương tiện về nhà.  Một chiếc xe xích lô máy chạy tới bên tôi.  Người tài xế còn trẻ, mặc chiếc áo trận xanh đã bạc mầu, da mặt nhuộm nâu vì nắng gió.  Anh dừng xe và hỏi:

- Bác về đâu?

- Tôi về đường Tự Đức, Phú Nhuận.

- Cháu biết đường này.  Bây giờ đường Tự Đức đã đổi tên là Nguyễn Thị Huỳnh.

- Tôi không có sẵn tiền.  Anh chở tôi về nhà lấy tiền được không?

- Không sao.  Bác yên tâm.

Anh chợt hỏi tôi:

- Bác mới đi cải tạo về?

- Tôi vừa về tới.

Thấy tôi tay không, anh tài xế hỏi:

- Hành lý của bác để đâu, chỉ chỗ cháu xách cho.

- Tôi không có gì mang theo.

Anh tỏ vẻ ngạc nhiên, có lẽ tôi là người đầu tiên, khác với những người anh gặp trước đây.  Bất chợt anh lấy từ túi áo trận gói thuốc lá “Basto xanh”, thứ thuốc tôi bắt đầu hút từ sau ngày 30-4-1975.  Anh đưa gói thuốc, hỏi tôi:

- Bác hút thuốc không?

Tự nhiên tôi thấy thèm khói thuốc.  Từ lúc rời toa ăn ở Long Khánh đến giờ tôi chưa hút điếu thuốc nào.  Tôi rút điếu thuốc và nói:

- Cám ơn anh.  Trời về chiều se lạnh.  Hút điếu thuốc vào giờ phút này sẽ ngon vô cùng.

Anh lấy chiếc bật lửa Zippo đưa cho tôi mồi lửa.  Như một thói quen, tôi bật lửa bằng hai ngón tay.  Vẫn âm thanh quen thuộc đã một thời theo tôi với gói thuốc Pall Mall.  Tôi hít hơi dài, nuốt trọn phần khói trong miệng.  Dĩ vãng như quyện trong khói thuốc, vừa thơm ngon đậm đà của một thời huy hoàng yêu thương thuở trước, nhưng cũng dậy lên vị đắng của cơn mê “Thiên đường hoang tưởng” hiện tại.

Thấy cách tôi hút thuốc, anh hỏi:

- Bác thường hút thuốc trong trại?

- Tôi thường hút thuốc lào ba số 8, vì thời tiết ngoài Bắc vào cuối năm rất lạnh. Thuốc điếu hút không đã cơn thèm.

- Trước kia bác hút thuốc loại nào?

- Tôi hút Pall Mall, nhưng sau 30-4 tôi đổi qua thuốc Basto xanh.

- Cháu cũng như bác.  Bây giờ cháu hút thuốc này, dù kém ngon nhưng không nhạt nhẽo như thuốc lá Điện Biên hay Vàm Cỏ.

Tự nhiên tôi thấy gần gũi với người thanh niên này.  Tôi hỏi anh:

- Anh cho tôi biết tên được không?

- Cháu tên Thành.

- Anh Thành trước kia có vào quân đội không?

- Cháu vào lính được hơn một năm thì miền Nam mất.

- Anh ở đơn vị nào?
- Cháu thuộc sư đoàn 18.

- Hiện giờ gia đình anh Thành ra sao?

- Cháu có 2 cháu nhỏ, nhà cháu buôn bán ở chợ gần nhà. Cháu cố kiếm đủ sống cho gia đình.

Thấy tôi đứng đã lâu, Thành mời tôi lên xe, nói:

- Trời còn sớm.  Cháu chạy một vòng Sài Gòn để bác nhớ lại khung cảnh ngày xưa.

- Cám ơn anh Thành.  Tôi xa nhà đã lâu, mọi thứ đều khác lạ.

oOo

Tôi nắm chặt tay Thành khi chia tay anh, một người tuổi trẻ đã đóng góp phần mình để bảo vệ mảnh đất thân yêu này.  Tôi cảm nhận một điều, miền Nam mới chính là quê hương của tôi, mặc dù tôi sinh ra và lớn lên tại miền Bắc, nhưng vẫn cảm thấy lạc lõng khi trở về quê cũ.

Tôi bước vào nhà.  Vợ tôi nét mặt vui tươi, ngấn lệ long lanh khóe mắt.  Nàng và các con vây quanh.  Tôi xúc động ôm chặt các con vào lòng, để tận hưởng hơi ấm gia đình xum họp, mà trong suốt thời gian tù đầy vừa qua, những hình ảnh thân yêu gia đình đã là đốm lửa cuối đường để tôi nhắm tới mà hy vọng.

Lòng tôi hân hoan.  Chúng tôi thật may mắn, vừa tìm lại được tình yêu thương mà tưởng chừng đã mất.

Trần Nhật Kim



Chú Thích:

Trại Thanh Cẩm nằm trong xã Cẩm Thành bên bờ sông Mã, thuộc huyện Cẩm Thuỷ tỉnh Thanh Hoá.

Xã Cẩm Thành:  Năm 1964 xã Cẩm Thành và xã Cẩm Liên được tách ra từ xã Cẩm Thạch.  Sau khi được thành lập, xã Cẩm Thành gồm có 14 xóm: Chanh, Én, Muối, Vạc, Ngọc, Nấm, Phâng, Bọt, Bèo, Trẹn, Khạt, Chiềng Tràm, Cò Cánh và Hồng Thái.

Diện tích xã Cẩm Thành:  30,64 km2.

Phía Bắc giáp các xã: Điền Trung và Lương Trung, (huyện Bá Thước).  Phía Đông giáp xã Cẩm Lương (huyện Cẩm Thuỷ).  Phía Nam giáp các xã:  Cẩm Thạch và Cẩm Liên (huyện Cẩm Thuỷ).  Phía Tây giáp: xã Điền Hạ và Điền Trung (huyện Bá Thước).

Xã Cẩm Thành nằm về phía Tây Bắc Huyện Cẩm Thuỷ, phần lớn nằm về hữu ngạn sông Mã.  Xã Cẩm Thành có tỉnh lộ 217 chạy qua.

Huyện Cẩm Thuỷ:  là một thị trấn của tỉnh Thanh Hoá, gồm 19 xã:  Cẩm Bình, Cẩm Châu, Cẩm Giang, Cẩm Liên, Cẩm Long, Cẩm Lương, Cẩm Ngọc, Cẩm Phong, Cẩm Phú, Cẩm Quý, Cẩm Sơn, Cẩm Tâm, Cẩm Tân, Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Tú, Cẩm Vân, Cẩm Yên và Phúc Dó.
Cẩm Thuỷ có diện tích 425.03 km2.  Dân tộc gồm: Mường, Kinh và Dao.
Về giao thông, huyện Cẩm Thủy có đường Liên vận 217 nối vùng Thượng Lào với Biển Đông. Huyện Cẩm Thuỷ nằm về phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hoá, cách thành phố Thanh Hoá 80Km.  80o/o diện tích huyện Cẩm Thủy là đồi núi.
 

Sơ đồ trại Thanh Cẩm, Huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa
 

 

Trại Quyết Tiến (Cổng Trời – Hà Giang)       

            Trại Quyết Tiến nằm trong địa phận xã Quyết Tiến, một xã thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Xã Quyết Tiến: Bắc giáp xã Tùng Vải (thị trấn Tam Sơn).  Đông giáp xã Quản Bạ, xã Đông Hà và xã Thuận Hòa (Vị Xuyên).  Nam giáp xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) và Minh Tân.  Tây giáp xã Minh Tân.  Diện tích:  60Km2.   Tọa độ:  23o 00’ 16” B   -   104o 58’ 01” Đ                   
 Đường lên Trại Quyết Tiến (Cổng Thời- Hà Giang)

Huyện Quản Bạ: Nằm về phía Bắc tỉnh Hà Giang.  Phía Bắc và Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (TQ).  Phía Nam giáp Vị Xuyên.  Phía Đông giáp huyện Yên Minh.    Diện tích: 550Km2.

Tỉnh Hà Giang:  Phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng.  Phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và Lào Cai.  Phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang.  Phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (TQ).                         

Tọa độ: 22o 10’ đến 23o 30’ vĩ độ Bắc và 104o 20’ đến 105o 34’ kinh độ Đông.

Diện tích toàn tỉnh: 7.884, 37Km2.  Với các quốc lộ chính: QL 2,  QL 34, QL 4C, QL 279. Với 2  sông: sông Lô và sông Gầm.  Hà Giang là tỉnh miền núi, có ngọn Tây Côn Lĩnh cao 2.418m. Độ cao trung bình khoảng 800m so với mặt nước biển.
 

Sơ đồ trại Quyết Tiến (Cổng Trời)

 

Michelle Newton gởi