Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
LÁ THƯ CUỐI NĂM CỦA LIÊN HỘI NHÂN QUYỀN VIỆT NAM Ở THỤY SĨ
 
BỐN MƯƠI NĂM ‘’HÁT VỚI SOLIDARNOSC’’ TỪ GENÈVE THỤY SĨ ĐẾN VARSOVIE BA LAN HƯỚNG VỀ SÀI GÒN VIỆT NAM TRONG CƠN ĐẠI KHỔ NẠN CỘNG SẢN HÀ NỘI VÀ ĐẠI DỊCH VŨ HÁN
 
Trong Đêm Giáng Sinh đầu thập niên 80, từ Genève, một nhà thơ Việt Nam tị nạn cộng sản, mang theo mảnh đất quê hương thân thiết khi vượt biển, đã "hát với anh chị em Ba Lan, hát với Việt Nam tôi". ‘’Hát với Solidarność’’, một bài thơ đã được đài Âu châu Tự do (Radio Europe Libre) giới thiệu với nhân dân Ba Lan đang tranh đấu "cho Hy Vọng, Mùa Xuân, Phẩm Giá Con Người".
 
Lúc đó, anh chị em Ba Lan, Công đoàn Solidarność, bị chế độ "phát xít đỏ" do Liên Sô cưỡng đặt đàn áp khốc liệt. Báo mật vụ công an cộng sản Ba Lan đã lên tiếng công kích tác giả bài thơ và buổi phát thanh của đài Âu châu Tự do. Thính giả người Ba Lan đã cắt bài báo đó rồi kín đáo gởi cho đài rồi đài chuyển cho tác giả. Hát với Solidarność được bà Hoàng Nguyên, một thuyền nhân tị nạn Cộng sản định cư tại Genève Thụy Sĩ, chuyển dịch ra tiếng Pháp. Bài thơ gây nên sự xúc động sâu xa nơi nhiều người đọc, nhứt là cộng đồng Ba Lan lưu vong cùng giới trí thức, nhà văn, nhà thơ Pháp. Cố triết gia Leszek Kolakowski (1927-2009), nguyên phát ngôn nhân Phong trào Dân chủ Đối lập, cố vấn cho Solidarność, giáo sư đại học Oxford, cho biết ông đã đọc bài thơ đó giữa mùa đông Anh quốc trong lúc Ba Lan còn bị đọa đày khổ nhục. Tháng 6 năm 1999, ông đã đọc một bài diễn văn quan trọng khai mạc Đại Hội Thế Giới Văn Bút Quốc Tế ở Varsovie, nước Ba Lan hậu cộng sản. Dịp đó là lần đầu tiên ông gặp nhà thơ Việt Nam.
 
Từ Vatican, Đức Giáo Hoàng Jean Paul II gởi lời cám ơn và khích lệ tác giả bài thơ cùng người dịch. Văn thư bày tỏ xúc động và cảm tình còn đến từ hai nhà văn triết gia Simone de Beauvoir và Raymond Aron, nhà thơ Pierre Emmanuel, hai hội viên Hàn Lâm Viện Pháp, nhà văn Jean d’Ormesson và nhà thơ Léopold Sédar Senghor (cựu tổng thống Sénégal), sử gia Tadeusz Wyrwa, nhà trí thức Paul Thibaud, giám đốc chủ biên tạp chí Esprit, mục sư Eric Fuchs, giáo sư Khoa Thần học đại học Lausanne, v.v.
 
Mười năm sau Hát với Solidarność’’, đúng vào ngày 25 tháng 12 năm 1991. Ông Mikhaïl Gorbatchev loan báo ông chính thức từ chức Chủ tịch để chấm dứt cuộc hấp hối đau đớn của chế độ Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Sô Viết đã kéo dài trong nhiều tháng. Ông Mikhaïl Gorbatchev quyết định đọc bản Tuyên bố ngay đêm 24 tháng 12 năm 1991, tức là Đêm Giáng Sinh. Cuối cùng, ông đã nghe lời khuyên của Andreï Gratchev, người phát ngôn thân tín, dời lại 24 tiếng đồng hồ. Mục đích là để cho cộng đồng tín đồ Thiên Chúa giáo La Mã trên thế giới được làm lễ Giáng Sinh với tâm trí bình yên. Sự từ chức đột ngột và sự sụp đổ chớp nhoáng của cái gọi là ‘’thành trì xã hội chủ nghĩa’’ của mấy nước chư hầu tùy tinh (như chế độ Cộng sản Hà Nội) sẽ là một đại biến cố lịch sử. Hậu quả có thể tạo ra những sự nhiễu loạn, xáo trộn bất ngờ đối với tâm trí của rất nhiều người ở khắp năm châu. "Hát với anh chị em Ba Lan, hát với Việt Nam tôi"... ‘’Hát với Solidarność’’ trong Đêm Giáng Sinh 1981 để mười năm sau, Đêm Giáng Sinh 1991, thấy khối Cộng sản Liên Sô – Đông Âu bắt đầu sụp đổ lúc trời rạng đông.
 
Hai mươi lăm năm sau, ‘’Hát với Solidarność’’ được phổ biến để chào mừng Hội Nghị Quốc Tế về Quyền Lao Động Việt Nam diễn ra tại trụ sở Thượng viện giữa thủ đô Warszawa (Varsovie) của nước Ba Lan Tự Do, từ ngày 28 đến 30 tháng 10 năm 2006. Hội Nghị đó được sự đồng tình bảo trợ của nhiều nhà lập pháp Ba Lan, Công đoàn Đoàn Kết Solidarność và Ủy Ban Bảo Vệ Công Nhân Ba Lan. Nữ luật sư Lê Thị Công Nhân được mời tham dự Hội Nghị, dự định sẽ đọc một bài tham luận về cái gọi là ‘’luật lao động’’ của chế độ cộng sản Hà Nội và tình trạng những quyền lợi chính đáng của công nhân Việt Nam không được bảo vệ. Nhưng công an cộng sản đã trắng trợn dùng võ lực ngăn chặn bà Lê Thị Công Nhân đáp máy bay để đi Ba Lan. Đầu tháng tư năm 2010, bài thơ ‘’Hát với Solidarność’’ của thi hữu Nguyên Hoàng Bảo Việt được nữ thi sĩ Malgorzata Babelek (Gosia Babelek) dịch sang tiếng Ba Lan, cùng với bài thơ ‘’Những Đêm Tháng Mười’’ vinh danh cố linh mục Jerzy Popieluszko, người lãnh đạo tinh thần của Solidarność, bị mật vụ Cộng sản Ba Lan bắt cóc, tra tấn vô cùng dã man trước khi bị ám sát và ném xác xuống sông Vistule, trong một đêm tháng mười năm 1984.
 
Rồi ba mươi năm sau, ‘’Hát với Solidarnosc’’ để biết cười biết khóc với anh chị em Bắc Phi, Trung Cận Đông. Không còn sợ nữa, họ đã đứng lên, nắm tay nhau cùng đi tới. ‘’Hát với Solidarnosc’’ để biết thương xót và trân quý những cánh Hoa Lài mới nở, mong manh, rướm lệ máu, không bao lâu trước mùa Giáng Sinh 2010. Những cánh Hoa Lài làm nhớ đến Việt Nam, nhớ đến những búp sen chưa được vươn lên từ những đầm lầy sau 30 tháng tư 1975 khi cả nước bị giặc cờ đỏ búa liềm thống trị tàn nhẫn. Tiếc thay vì sự hiện hữu dù giới hạn của những nhân tố bảo thủ, Mùa Xuân của các dân tộc chưa được bừng nở như những vườn hoa tự do đầy hương sắc trên bờ Địa Trung Hải, dọc theo dòng sông Nil...Tuy nhiên những ngọn đuốc Hy Vọng cho Nhân Phẩm, cho Tình Người, cho Tự Do Dân Chủ, cho Công Bằng Xã Hội, luân phiên bùng cháy. Từ thành phố nhỏ Sidi Bouzid, đã soi rọi được những đêm đen từng phủ trùm lên các quảng trường ở Tunis, ở Le Caire, ở Alexandrie... Cảm động biết bao những hình ảnh hào hùng của những đợt sóng đại dương những người trẻ tuổi, chỉ có tay trần với quyết tâm phá tan xích xiềng nô lệ, ngày đêm đổ về quảng trường Tahrir giữa thủ đô Ai Cập.
 
24 tháng 12 năm 2021, bốn mươi năm sau, ‘’Hát với Solidarnosc’’, trong Đêm Giáng Sinh này. Cùng với tác giả bài thơ và bạn hữu từ Varsovie, từ Prague, từ Bratislava, từ Berlin, từ Bucarest, từ Vilnius, từ Riga, từ Tallinn, từ Sofia, từ Tirana, từ Belgrade, từ Ljubljana, từ Zagreb, từ Skopje, từ Kiev…‘’Hát với Solidarnosc’’, chúng tôi muốn được gởi về Việt Nam những tín hiệu của Niềm Tin Chung - tin vào sự tất thắng cuối cùng của Chính Nghĩa Dân Tộc và Nhân Bản. Bất chấp sự leo thang trấn áp cực kỳ tàn bạo của chế độ độc tài cộng sản bản xứ khét tiếng nhũng lạm, tùy tinh của Bắc triều, tập đoàn tân đế quốc-thực dân-bành trướng. Trên đất nước bất hạnh mất dần hải phận, không phận, lãnh thổ, mỗi ngày càng xuất hiện thêm những người Việt Nam thể hiện lòng yêu nước thương đồng bào. Chỉ có trái tim, tiếng nói và ngòi bút, họ tiếp tục tranh đấu cho Nhân Quyền, cho Tự Do Dân Chủ, cho Hy Vọng Mùa Xuân, Phẩm Giá Con Người, cho Công Bình Xã Hội, cho Chủ Quyền Quốc Gia, cho Văn Hóa và Ngôn Ngữ đích thực của người Việt Nam Tự Do. Giống như những người bạn vô danh hai mươi, ba mươi, bốn mươi năm trước ở Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Đông Đức, Ukraine... với những bàn tay trần quyết tâm ôm lấy sứ mệnh lịch sử cùng đứng lên và đi tới.
 
Sắp hết năm, với những lời Cầu Nguyện Bình An, tâm tưởng chúng tôi hướng về những tù nhân chính trị, ngôn luận và lương tâm – những tù nhân vì Nhân Quyền Việt Nam. Hướng về thân nhân, gia đình bị sách nhiễu, áp bức của tất cả tù nhân nói trên. Hướng về đồng bào thầm lặng nhưng bất khuất. Tiếp tục nuôi dưỡng những nhà dân chủ đối kháng độc tài, bênh vực Nhân Quyền bị cộng sản bao vây, cô lập, khủng bố. Không ngừng lên tiếng thay cho những vị tu sĩ, các từng lớp công nhân nông dân, giáo chức, sinh viên, văn giới, nhà báo, luật sư, tác giả bút ký, trí thức và nghệ sĩ – đang bị cộng sản hành hạ, làm nhục, cưỡng bức nhốt ‘’bệnh viện tâm thần’’, chết lần mòn hoặc bị lưu đày, mất tích. Hướng về biển Đông và các vùng biển Đông Nam Á, hỏi thăm từng hải đảo, vì không bao giờ quên hàng trăm ngàn đồng bào thuyền nhân đã chết thảm hoặc mất tích trên đường đi tìm tự do, nhân phẩm và tình người. Cùng nhau tưởng nhớ đến những người yêu nước đã bỏ mình trong ngục tù cộng sản. Và những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, như liệt sĩ Ngụy Văn Thà và đồng đội đã anh dũng hy sinh tại Hoàng Sa, hướng về lá quốc kỳ của một đất nước Tự Do đã từng tung bay trên bầu trời thế giới văn minh. ‘’Hát với Solidarnosc’’, chúng ta hướng về Việt Nam đang bị chiếm đóng và vong thân với quốc nạn ngụy quyền cộng sản, đỉnh cao tội ác và đại dịch ngoại xâm Hán hóa. ‘’Hát với Solidarnosc’’,
 
chúng ta hướng về
 
Đằng sau những cánh cửa sổ
 
Khép vội trước mũi súng sát nhân
 
Sài Gòn đâu đã thất thủ
 
Thầm thì những lời ru con
 
Thay cho tiếng nói
 
Giặc đã cưỡng đoạt
 
Trên tháp chuông trơ vơ
 
Thập tự giá phô tấm lòng nhân ái
 
Dưới mái chùa hiu vắng
 
Hạnh từ bi nở ngát tòa sen
 
Bóng đen bầy quạ dữ
 
Bay vây quanh.
 
 
 
(Chúng) tôi đếm
 
Bấy nhiêu ngọn nến
 
Bao nhiêu nhánh mặt trời Tự do
 
Sẽ mọc lại.
 
(Chúng) tôi đếm
 
Bấy nhiêu giọt sương long lanh
 
Bao nhiêu chuỗi cười ròn rã
 
Bao nhiêu lớp người nô lệ
 
Sẽ đứng lên.          (Kẻ Sống Sót – Thơ NHBV 1978)
 
 
 
Nhân dịp vào Mùa Hy Vọng và Nhân Ái, xin được nói lên Niềm Tin :
 
cùng nhau góp phần xây dựng một thế giới thái hòa và khôi phục một quê hương Việt Nam
 
mà chân trời là biên giới mới, nơi chia tay giữa con người và bóng tối, giữa yêu thương và tội ác.
 
Cho đồng bào và nhân loại thật sự được sống Hòa Bình, biết tôn trọng Nhân Phẩm,
 
làm sáng tỏ Công Lý và trân quý Tự Do,
 
Kính gởi đến quý bạn hữu, quý bạn đọc và quý diễn đàn những Lời Cầu Chúc Tốt Lành,
 
được hồng phúc bình an, sức khỏe vững bền, như hằng ước vọng.
 
Genève mùa Giáng Sinh 2021, trước thềm Năm Mới 2022
 
Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
 
Ligue Vietnamienne des Droits de l’Homme en Suisse
 
Vietnamese League for Human Rights in Switzerland
 
 
Hát Với Solidarność
 

Một thuyền nhân Việt Nam xin được góp tiếng hát
 
Với anh chị em Ba Lan đêm Chúa ra đời
 
Với Popieluszko cùng Solidarność
 
Hát cho Hy Vọng, mùa Xuân, Phẩm giá con người.
 
Polska ơi! Polska ơi! Polska ơi! bất khuất
 
Cảm xúc nào hâm nóng trái tim tôi
 
Chúng ta từng sống và từng chết
 
Ngoài chiến trường và trong ngục tù
 
Giữa trại tập trung cuối trời hoang đảo
 
Trên điêu tàn đổ nát sáu triệu nấm mồ
 
Nhú lên lớp lớp những mầm non xanh biếc
 
Tung cánh ước mơ đến một thế giới thanh bình.
 
Hố bất công nhờ phù sa khỏa lấp
 
Lửa bạo hành sẽ tàn lụi dưới cơn mưa
 
Vườn Nhân ái góp bàn tay vun xới
 
Người người nhìn quen với nét mặt tin yêu
 
Chúng ta cũng biết xót thương biết khóc
 
Dàn trải tâm tình qua điệu múa lời ca
 
Sống với nhau một đời chân thật.
 
Sau hơn ba mươi năm áp bức đọa đày
 
Kiếp trâu ngựa tìm đâu thấy ngày mai
 
Muốn Tự do không thể van xin mà được
 
Ai hái trái cây hạnh phúc ta gieo trồng
 
Đất nước ta cớ sao Liên Sô làm chủ
 
Ta gặt cho ai lúa chín trên đồng?
 
Hướng về đâu những chuyến tàu máy móc
 
Toa xe đầy ắp mồ hôi nước mắt lao công
 
Nhà ta suốt mùa rét thiếu than để sưởi
 
Vợ ta buồn đau giấu kín trong lòng
 
Con ta gầy yếu không đủ sữa đủ thuốc
 
Đảng họp bàn yến tiệc mặc dân chúng lầm than
 
Cha mẹ dạy ta giúp người hàm oan cô thế
 
Đảng hô hào hận thù giai cấp đấu tranh
 
Đê vỡ trong lòng dân, sóng cuộn lên nỗi bất bình...
 
 
Từ ngày đó... từ cuộc nổi dậy ở Poznan
 
Giặc bố trí hàng vạn phi cơ đại bác
 
Hỏa tiễn hạch tâm, cả trăm sư đoàn thiết giáp
 
Chẳng thay đổi được gì cơn ác mộng triền miên
 
Không bao giờ chúng ngủ được yên
 
Chúng thảm sát bạn ta ở Berlin, ở Budapest
 
Ở Prague mùa Xuân, ở Huế Tết Mậu Thân
 
Không bỏ sót một ai bị nghi ngờ chống đối
 
Tu sĩ, công nông, giáo chức, sinh viên, văn giới
 
Từ Vientiane, Phnom Penh, rồi đến Kaboul.
 
Nuôi ảo tưởng dìm chúng ta xuống bùn đen tủi nhục
 
Nhưng áp lực nào lay chuyển nổi Ba Lan!
 
Vì từ ngày đó... từ cuộc nổi dậy ở Poznan
 
Đã nối tiếp Gdansk, Cracovie, Katowice
 
Solidarność, mười triệu anh em liên kết
 
Như gió ngàn, như sóng biển, như trời sao
 
Trái tim năm châu đập cùng nhịp với nhau
 
Hòa lẫn tiếng hát ngày đêm vang lên từ hầm mỏ
 
Từ nhà máy, công trường, bến tàu, góc phố
 
Đến sân ga, tòa báo, lớp học, giáo đường
 
Nghe thấy không hỡi người lính trẻ đi tuần đêm?
 
Hãy nhận rõ hình thù bóng đen đế quốc
 
Đang giẵm nát những búp hồng Tự do Độc lập
 
Đang dập tắt những chuỗi cười Hy vọng Tương lai.
 
Tháng Tư đen, Sài Gòn Việt Nam tôi bị bức tử
 
Suýt chết giữa biển Đông phép lạ nào giúp tôi hồi sinh?
 
Tôi đi tới ... hỡi những bạn tù chưa hề biết mặt
 
Từ Hà Nội đến Bắc Kinh, Bình Nhưỡng đến Lhassa
 
Từ  Belgrade đến Sofia, La Havane đến Bucarest
 
Tôi đi tới Granada với Federico Garcia Lorca
 
Santiago với Pablo Neruda, Terezin với Robert Desnos
 
Tôi đi tới Paris của Victor Hugo và Paul Éluard
 
Tôi đi tới Nữu Ước của nữ thần Tự do
 
Mùa giông bão vẫn giơ cao ngọn đuốc
 
Tôi muốn có mặt mỗi lần nghe gọi tên
 
Làm tiếng dội lời anh em từ ngục tối.
 
 
Polska ơi!  Polska ơi! Polska ơi bất khuất!*
 
Dưới đáy sâu bất hạnh lòng dũng cảm vô biên
 
Trí nhớ chợt sáng lên hình ảnh những người đã chết
 
Bị ám sát, mất tích...các liệt sĩ vô danh
 
Cho tôi sức sống mấy ngàn năm lịch sử
 
Cho tôi điềm tĩnh viết nốt bài thơ phẫn nộ.
 
Những ai chưa dám bênh vực tình cảm con người
 
Hãy xích lại gần, nhìn sự thật hôm nay
 
Đừng quay lưng nín câm, cúi đầu đồng lõa
 
Đây tiếng giày Zomo đạp tung từng cánh cửa
 
Tiếng lục soát bắt người như săn thú giữa rừng hoang
 
Tiếng roi vọt điên cuồng lẫn tiếng nghiến răng
 
Tiếng vợ kêu cứu cho chồng, tiếng trẻ thơ khóc ngất
 
Tiếng giây xích chiến xa lạnh lùng nghiền nát
 
Ôi những phiến tâm hồn trong suốt thơ ngây!
 
Tiếng bịt miệng, tiếng giãy giụa la hét mệt nhoài
 
Tiếng bóp cổ, tiếng cười rú lên thô bạo
 
Tiếng tuyết rơi nặng nề như trời mưa bão
 
Tiếng thời gian dừng lại rồi bỗng vắng im.
 
Tiếng súng xa không ngớt vọng về theo mỗi bước đêm
 
Đêm Guernica...đêm Oradour...đêm Auschwitz
 
Sau Tiệp Khắc, đêm Ba Lan khởi đầu từ Munich
 
Trong chuỗi dài những biến cố không thể nào quên
 
Ở Wujeck giặc bắn thẳng vào anh em công nhân
 
Máu lại đổ ở Gdansk vì những viên đạn sô viết.
 
Mẹ Ba Lan ơi! cho tôi được lau nước mắt
 
Được đau nơi vết thương giữa trái tim Người
 
Tôi biết trước một lần nữa tôi sẽ chết
 
Úp mặt trên vai anh em tôi yêu quý vô cùng
 
Bằng hữu thủy chung rạng ngời ánh mặt trời chân lý
 
Sẽ bốc cháy biến thành những hạt muối sương
 
Làm tan rã lớp máu đen đóng giá trên bờ Baltique
 
Máu vô tội đêm giới nghiêm phát xít
 
Phản chiếu lên sắc mặt một dân tộc chịu tang
 
Nghe thấy không hỡi người lính trẻ Ba Lan?
 
Chopin đang nhỏ lệ xuống từng nốt nhạc
 
Lệ nhân ái chứa chan trong lồng ngực
 
Như tiếng chim lạc bầy gãy cánh kêu thương
 
Con suối vui quen cũng đổi giọng đau buồn
 
Lúc chuyến tàu tốc hành đến gần khu hầm mỏ
 
Tiếng còi mặc niệm thay cho hồi chuông báo tử
 
Tội ác ngất trời, bè lũ phản bội quê hương!
 
Em chẳng còn nhớ sao? biết bao tấm gương
 
Vì Tổ quốc đồng bào hy sinh tuẫn tiết
 
Varsovie từng đẩy lui hồng quân Bolcheviks*
 
Tiến đến Vistule, cuối cùng giặc sẽ vỡ tan.
 
 
 
Đêm nay từ hố thẳm địa ngục trần gian
 
Chúng ta vững tin mai sau đời sẽ nở đẹp
 
Buổi đoàn viên tay nắm tay liên hoan múa hát
 
Bông lúa và búp hồng, hương sắc tương lai
 
Tuổi thơ ơi! em không còn quỳ gối đánh giày
 
Không còn nữa cuộc đời quên phẩm giá
 
Tranh Hòa bình không vẽ giữa rào kẽm gai
 
Không còn trại cải tạo khổ sai, bức tường ô nhục
 
Nhịp cầu bao dung bắc lại giữa lòng người
 
Nhà thương điên thôi ám ảnh lương tâm trí thức
 
Nói lên sự thật về đế quốc và tay sai
 
Ký giả thi nhân không còn bẻ cong ngòi bút
 
Ta mài thật sắc khơi thật sâu ý chí này!
 
 
 
Hát với anh em Ba Lan, hát với Việt Nam tôi
 
Hát với lòng tin cảm thông đổi thay thế giới
 
Đi với chúng ta còn có ức triệu vì sao
 
Những ngọn nến tuy mong manh sẽ cháy sáng rất lâu
 
Những ánh mắt đang tìm gặp nhau để nối tiếp
 
Giặc có thể tra tấn lưu đày thủ tiêu bắn giết
 
Đêm vẫn là đêm thù nghịch dối trá bất công
 
Nhưng tâm hồn dân tộc Ba Lan đã được nhân lên
 
Với kích thước vũ trụ không gian hùng vĩ
 
Gom lá chết đau thương đốt ngọn đuốc soi đường
 
Sau mỗi lần vấp ngã bằng hữu dìu nhau đứng dậy
 
Đêm đông nào ngăn được cành khô nẫy lộc đâm chồi
 
Xuân Nhân loại mỉm cười, gót sen thanh thoát...
 
 
Cho tôi được góp vào bản hợp ca Hành khúc
 
Thêm một tiếng Hy Vọng nữa, Polska ơi! bất khuất!
 
Hát với Solidarność, tôi không hát một mình
 
Đêm dã man này sẽ lùi bước trước bình minh.


Mùa Giáng Sinh 1981
 
Nguyên Hoàng Bảo Việt
 
 
Trích tập thơ Dấu Tích Phượng Hoàng
 
Bạn Văn Paris xuất bản 2008
 
 
* Polska: tên nước Ba Lan.
 
* Năm 1920, Lénine đã xua đạo quân Bolcheviks vào tận Varsovie. Hồng quân phải rút lui sau khi bị thảm bại trước cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc Ba Lan .

________________


usaelection gởi